Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 140 TN 5-B :Dụ Ngôn Cây Viết Chì

Thứ bảy - 03/02/2024 09:32
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 140 TN 5-B :Dụ Ngôn Cây Viết Chì
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 140 TN 5-B :Dụ Ngôn Cây Viết Chì
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 140
Thường Niên 5-B

Dụ Ngôn Cây Viết Chì
------------------------------------------

Bạn thân mến,

Sơ Maureen Cahill, dòng Thánh Mân Côi, làm việc truyền giáo trong một bệnh viện ở phía bắc Transvaal, Nam Phi, đã gửi cho tác giả cuốn “Story Power”, linh mục James A. Feehan, một dụ ngôn, mà Sơ đặt tên là “Dụ Ngôn Cây Viết Chì”.

Thực sự, chúng ta không biết được: Ai là người đã làm nên cây bút chì.

Nhưng sau khi phát minh ra cây viết chì rồi, người chủ đã ngỏ lời với sản phẩm của mình như sau:

Tôi muốn các bạn nhớ đến bốn điểm:

1. Sự tốt lành hay phẩm giá đích thật của bạn, nằm ở bên trong con người của bạn.
2. Bạn sẽ cần phải được vót cho nhọn, gọt dũa đi, khi bạn sống trong cuộc đời.
3. Bạn sẽ được sử dụng trong tay một người nào đó, nếu không, tự bạn sẽ chẳng làm nên cái tích sự gì cả !
4. Người ta sẽ yêu cầu bạn phải để lại ít nhất là một dấu vết gì đó.

*****

Đời sống con người giống như cây viết chì.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã áp dụng trường hợp thứ ba cho Mẹ, khi Mẹ nói: “Tôi là cây viết chì trong bàn tay của Thiên Chúa”.

Còn tác giả cuốn sách “Story Power”, cha Feehan áp dụng dụ ngôn này trong thánh lễ, trên đài phát thanh cho những người ốm đau.

Cha đã áp dụng sự đau khổ của con người vào trường hợp thứ hai của cây viết chì, là phải được thanh tẩy, chuốt nhọn, bởi những khổ đau trong cuộc sống.

Cây viết chì, mà không bị vót, chuốt, gọt, dũa, thì không thể nào sinh lợi cho người khác được.

Ngạn ngữ Pháp có lời khuyên như sau:

Con người là kẻ học nghề,
Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau.
Không ai hiểu nổi mình đâu,
Nếu chưa từng bước nhịp sầu mênh mông.

*****

Trong các bài đọc hôm nay (TN 5B: Mc 1, 29-39): Có đau đớn và cũng có chữa lành.

Có hai người chịu đau khổ, vì ốm đau bệnh tật và cũng có hai người được chữa lành.

Cả hai đều giống nhau. Một người là ông Gióp và người kia là bà nhạc mẫu của Phêrô.

Cả hai đều gửi cho chúng ta một cái sứ điệp giống như sứ điệp trong dụ ngôn của cây viết chì.

Nói về đau khổ và phục vụ.

Họ tỏ cho chúng ta thấy rằng: qua đau khổ họ thông cảm và hiểu biết tha nhân, rồi dẫn tới yêu thương và phục vụ tha nhân.

Bài đọc thứ nhất đưa ta vào những đau khổ của ông Gióp phải chịu đến độ hầu như tuyệt vọng:

“Xin Ngài nhớ cho cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”.

Ông tuyệt vọng lắm rồi ! Ông mất tất cả mọi sự. Tài sản, của cải, gia đình, uy tín và sức khoẻ.

Bạn bè nói rằng: ông bị thử thách, vì ông đã phạm tội.

Vợ ông xúi ông nguyền rủa Thiên Chúa, mà chết cho rồi !

Nhưng ông Gióp lại là một ứng viên tuyệt vời trong tuyệt vọng:

Ông nhấn mạnh rằng: ông đã không hề phạm tội, không hề xúc phạm tới Thiên Chúa.

Nhưng ông không biết tại sao ông phải đau khổ.

Đau khổ là một mầu nhiệm đối với ông. Ông trở thành con người của hy vọng. Ông vẫn tin tưởng nơi Thiên Chúa, mặc dù đời ông có quá nhiều đau khổ:

“Thiên Chúa ban cho, Ngài lại lấy đi, xin chúc tụng danh Ngài”.

Ông không hiểu, nhưng vẫn tin tưởng, và sau cùng ông đã nhận ra tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa.

*****

Một mẩu chuyện xứ Phi Châu kể lại rằng: một người Ả Rập sống ở sa mạc, có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát ở sa mạc.

Một người bạn hỏi anh ta: “Bạn làm gì đó ?”

Anh trả lời: “Tôi nghe sa mạc khóc, vì nó rất muốn được là một khu vườn”.

Không ai thích đau khổ, ngay cả sa mạc cũng mong muốn thoát khỏi khổ đau.

Câu chuyện này làm tôi nghĩ đến cuốn “Đường Hy Vọng” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Ngài viết cuốn sách nổi tiếng này vào năm 1975, ngay sau khi bị quản thúc, bắt đầu cho 13 năm tù, trong đó 9 năm bị biệt giam. Sau này ngài viết thêm “Đường Hy Vọng dưới Anh Sáng của Lời Chúa và Công Đồng Vatican II” (1979), “Những Người Lữ Hành trên đường Hy Vọng” (1980), cuốn “Chứng Từ Hy Vọng” đã được nhà xuất bản Pauline Books & Media ở Hoa Kỳ xuất bản.

Ngài được thế giới biết đến như một “Chứng nhân Tình Yêu và Hy Vọng”.

Trong dịp Đại hội Đệ Tam Thiên Niên Kỷ 2000, ngài kể lại với các linh mục, tu sĩ và giáo dân về những năm tù đày của ngài:

“Trong những năm khốn đốn, bị biệt giam, những năm đau buồn nhất trong đời tôi, tôi chỉ nhìn thấy hai người lính canh và họ được lệnh không được nói với tôi một lời nào. Tôi cảm thấy bị mọi người bỏ quên, tôi thấu suốt nỗi đau khổ tuyệt đỉnh của Chúa Giêsu, cô đơn trên thánh giá. Tôi nghĩ đến những giáo dân, những tín hữu, đến các linh mục, tu sĩ, chủng sinh đang ở ngoài kia, họ cũng bị ruồng bỏ, bị đau khổ, tù đày và bị bách hại. Trong sâu thẳm của yếu đuối, tinh thần lẫn thể xác, tôi nhận được ân sủng của Đức Mẹ Maria.

Tôi không được phép dâng thánh lễ, nhưng tôi đã đọc hàng trăm kinh Kính Mừng, và Đức Mẹ đã ban cho tôi sức mạnh kết hợp với Chúa Giêsu trên thánh giá. Tôi cảm thấy Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, khi Ngài cô đơn trên thánh giá, trong sự bất lực hoàn toàn.

Các người lính canh dần dần hiểu biết tôi. Chúng tôi trở thành bạn hữu. Họ đã giúp đỡ tôi. Họ cho phép tôi làm một cây thánh giá bằng gỗ. Tôi đã giấu trong một cục xà bông. Tôi dùng một đoạn dây điện để làm dây đeo và họ đã cho tôi mượn chiếc kềm nhỏ để làm và họ còn làm giúp với tôi nữa. Chiếc thánh giá mà tôi mang đây làm bằng gỗ và dây điện từ nhà tù. Chiếc thánh giá này luôn luôn nhắc nhở: Hãy yêu thương mãi ! Hãy tha thứ mãi ! Sống với hiện tại để truyền bá Tin Mừng ! Mỗi giây phút sống là để yêu mến Thiên Chúa”.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, một nhân chứng của tình yêu và hy vọng trong đau khổ, chính là hình ảnh của “Dụ Ngôn Cây Viết Chì”.

Bài Phúc âm đưa ta vào hoàn cảnh của gia đình Phêrô – một gia đình đang có việc lo buồn.

Maccô cho ta biết: “Lúc ấy bà nhạc mẫu của Simon cảm sốt nằm trên giường”.

Theo William Barclay, đối với người Do Thái thời đó, bệnh là do ma quỷ, và họ gọi bệnh cảm sốt này là “talmud”.

Để chữa bệnh này, họ dùng một con dao bằng sắt, cột một nắm tóc vào con dao, rồi đưa vào bụi gai, đang khi đọc một câu bùa chú.

Cách chữa này mang một ý nghĩa khác hơn là nhiệt độ của cơ thể nóng lên vì bệnh. Nó có nghĩa như trừ quỷ trừ ma. Do đó, bà nhạc mẫu của Simon bị bệnh, đồng nghĩa với sự hiện diện của sự dữ trong gia đình, sự hiện diện của ma quỷ nơi người đàn bà.

Trong hoàn cảnh bi đát này, Chúa Giêsu ra tay cứu chữa: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”.

*****

Từ ngữ của đoạn Phúc âm này, đã được Máccô chọn lựa rất cẩn thận. Từ “egeiro” có nghĩa là “nâng lên” diễn tả việc Chúa Giêsu nâng bà lên, giống như sự sống lại của Chúa Giêsu từ cõi chết, được nâng lên đưa về trời.

Sau khi được nâng lên rồi, bà bắt đầu phục vụ các ngài. Từ “diekonei” có nghĩa là “phục vụ”, nguồn gốc của chức phó tế “diaconatus”, mà Tân ước dùng để diễn tả chức vụ phó tế.

Bà đã được Chúa Giêsu gọi cũng như Ngài đã gọi Phêrô, Anrê, Gioan... và các môn đệ khác. Chỉ trong một giây phút được chữa lành, bà đã tin tưởng và nhận biết Chúa, rồi bà bắt đầu làm việc phục vụ người khác ngay.

Người bệnh được chữa lành, và được gọi trở nên thừa tác viên đi thoa dịu, an ủi khổ đau, cực nhọc của người khác.

William Barclay đã trích dẫn một câu châm ngôn trong những gia đình người Scottish như sau: “Được cứu để phục vụ”. Chúa Giêsu đã cứu chữa chúng ta. Vậy chúng ta phải đi giúp đỡ người khác.

*****

Chuyện cổ Trung Hoa kể câu chuyện về một người đàn bà có người con trai duy nhất đã chết.

Trong đau thương buồn khổ, bà đến năn nỉ vị thánh hiền: “Xin ngài hãy dạy cho con biết những lời cầu khấn, hay những câu thần chú nào làm cho con trai của con được sống lại ?”

Thay vì lý luận dài dòng với bà, vị thánh hiền trả lời: “Bà hãy đi tìm cho tôi một hạt rau cải từ một gia đình chưa từng bao giờ biết buồn khổ là gì. Tôi sẽ dùng nó làm thuốc chữa cho con bà sống lại”.

Người đàn bà bắt đầu đi lang thang khắp nơi tìm kiếm hạt cải kỳ diệu đó:

Trước hết, bà đến gõ cửa một lâu đài vô cùng sang trọng: “Tôi đang đi tìm kiếm một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì. Xin cho hỏi có phải nhà này không ạ ?

Chủ nhà trả lời: “Thưa bà chắc chắn là bà đã đi lộn nhà rồi ! Chồng tôi đang hấp hối nằm trên giường bệnh. Con trai tôi bỏ nhà ra đi. Tôi sợ rằng tôi sẽ sống trong cô đơn góa bụa !”

Nghe xong bà nói: “Ai là người may mắn hơn tôi, để có thể giúp đỡ cho những người bất hạnh đáng thương này, cho dù tôi cũng có những rủi ro của riêng mình ?”

Sau đó, bà ở lại để an ủi chủ nhà, trước khi lên đường đi tìm cho ra một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì.

Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, cho dù là lâu đài sang trọng, dinh thự giàu có đến đâu, bà cũng đều nghe kể về những chuyện buồn bã và bất hạnh.

Cuối cùng, đi tới đâu bà cũng đều khuyên răn, an ủi và khích lệ người khác, cho tới nỗi chính bà đã trở nên một thừa tác viên phục vụ cho những người buồn phiền đau khổ.

Trong công tác mục vụ này bà đã quên việc đi tìm hạt cải kỳ diệu làm thuốc cứu chữa con bà. Bà quên đi nỗi buồn của chính bà.

*****

Khi nào bạn đau khổ, chán nản, tuyệt vọng... hãy nhớ rằng: Chúa Giêsu cùng hiện diện với bạn, cũng như Thiên Chúa ở bên cạnh ông Gióp.

Hãy nhớ rằng: Chúa Giêsu sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn. Hãy nhớ rằng bạn đang được yêu thương. Hãy tiếp tục tin tưởng, hy vọng, yêu thương và phục vụ.

Khi nào bạn đau ốm về thể xác, tinh thần hay tình cảm, hãy cởi mở tâm hồn ra đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ chữa lành bạn, nắm chặt lấy tay bạn và giúp bạn đứng dậy.

Ngài sẽ chữa lành bạn, như Ngài đã chữa bệnh cho bà nhạc mẫu của Phêrô.

Hãy lắng nghe tiếng Ngài mời gọi, bước theo Ngài và phục vụ tha nhân, vì ơn sủng của Ngài sẽ ban xuống đầy đủ cho bạn.

Lạy Chúa, xin Chúa xức dầu Thánh Thần cho chúng con, chữa lành tâm hồn và thân xác chúng con, cho chúng con luôn luôn có đủ khả năng và lòng nhiệt thành để phục vụ anh chị em chúng con. Amen.

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây