Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 131 - Mùa Vọng 3B: Chuyện tìm hạnh phúc của một ông vua

Thứ năm - 14/12/2023 00:04
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 131 - Mùa Vọng 3B: Chuyện tìm hạnh phúc của một ông vua
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 131 - Mùa Vọng 3B: Chuyện tìm hạnh phúc của một ông vua
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 131 Mùa Vọng 3-B
Chuyện tìm hạnh phúc của một ông vua
------------------------------------------

Bạn thân mến,

Có chuyện xưa kể rằng:

Có một ông vua luôn băn khoăn, lo lắng, suy nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra: Bằng cách nào để cho mình được hạnh phúc.

Nhà vua bèn cho mời các nhà khôn ngoan thông thái trong cả nước, lần lượt đến để nhà Vua thỉnh ý, tham vấn. Bởi tuy đang ngồi trên ngai vàng, mà lòng vua lúc nào cũng thấp thỏm, lo âu, không yên, lúc nào cũng cảm thấy bất an … bất hạnh, không thấy hạnh phúc.

Nhà vua muốn bàn hỏi xem, làm thế nào, để có thể vứt bỏ được mọi lo âu, buồn rầu, đang đè nặng tâm trí ông, đến nỗi phát bệnh. Làm thế nào để có hạnh phúc thực sự ?

Bỗng có một nhà thông thái trả lời:

“Chỉ có một cách duy nhất để chữa trị, giúp nhà vua được hạnh phúc, đó là nhà vua phải nằm ngủ một đêm, trong cái áo của một người nào đó có hạnh phúc thực sự”.

Thế là, các sứ giả được sai phái đi khắp nơi trong cả nước, kể cả nước ngoài, để tìm kiếm cho được một người thực sự đang hạnh phúc.

Nhưng gặp bất kỳ người nào, khi được hỏi, thì ai ai cũng đều nêu ra đủ mọi thức lý do, để nói lên những đau khổ, buồn rầu, bất hạnh… mà họ đang chịu. Ai cũng có một cái gì đó, đang cướp đi hạnh phúc của họ.

Không thất vọng: Cuối cùng, họ cũng đã tìm thấy được một người, người đó lại là một gã ăn mày, ăn xin.

Hắn ta lúc lào cũng lạc quan, vui vẻ, tươi cười ở giữa chợ đời.

Khi được hòi, hắn hãnh diện, tự xưng: Mình là người hạnh phúc thực sự, không có một chút mảy may gì gọi là buồn rầu, hay lo lắng.

Người ta nói với hắn về điều nhà vua đang tìm kiếm. Nhà vua cần phải ngủ một đêm trong cái áo của người có hạnh phúc thực sự, và cho anh ta một số tiền rất lớn, để đền bù vào chiếc áo hạnh phúc đó.

*****

- Bạn nghĩ sao ?
- Anh chàng ăn xin này có đồng ý bán chiếc áo của anh đang mặc cho nhà vua không ?
- Các bạn có biết phản ứng của hắn ra sao không ?

Thật, không thể nín cười được ! Gã ăn xin, bỗng cười hô hố, một cách rất khinh đời:

“Thật đáng tiếc ! Tôi không thể nào làm hài lòng nhà vua được, bởi tôi chẳng có chiếc áo nào cả !”.

Thì ra, người hạnh phúc nhất trên đời, là người không có gì cả, ngay cả một chiếc áo cũng không!

*****

Trước Công Đồng Vaticanô II, thì Chúa nhật thứ III Mùa Vọng hôm nay, được gọi là Chúa Nhật Vui” (Gaudete Sundae”. “Gaudete” trong tiếng La tinh có nghĩa là “vui mừng”).

Trong nhà thờ, người ta sẽ đốt lên cây nến hồng ở Vòng Lá Mùa Vọng (Advent Wreath).

Mầu hồng, biểu tượng cho sự vui tươi, yêu đời và hy vọng, vì Thiên Chúa đã gần đến rồi !

Quả vậy, con người đã được Thiên Chúa tạo dựng nên là để chia sẻ niềm vui và hạnh phúc đời đời với Người.

Vì thế, Pascal đã nói rằng:

“Tất cả mọi người đều đi tìm kiếm hạnh phúc hết, ngay cả những người treo cổ tự tử”.

Niềm vui và hạnh phúc, là mục đích của con người sống trên trần đời. Nó cần thiết cho chúng ta, như dưỡng khí cần cho tim phổi, lương thực cần cho thân xác.

Tuy nhiên, càng tìm kiếm nó, thì nó lại càng vuột ra khỏi tầm tay ta, như nước trôi qua các kẽ hở của ngón tay.

Ta nghĩ về hạnh phúc theo quan niệm của ta. Ta long đong, vất vả, đi tìm nó ở nơi ta muốn tìm, ở nơi nó không có.

Ta thường đi tìm hạnh phúc không đúng chỗ:

Trong bài: “Tiếng Chim Ca”, cha Anthony de Mello đã có kể truyện “Tìm Sai Chỗ” như sau:

Có một người, thấy ông bạn láng giềng, cạnh nhà, cứ lom khom cúi tìm mãi một cái gì đó dưới ánh đèn đường, nên bước đến hỏi:

- “Này ông bạn, ông  đang tìm cái gì vậy ?”

Người láng giềng trả lời:

- “Tôi tìm chìa khoá bị đánh rơi”.

Thế rồi cả hai cùng chăm chú, lom khom tìm, tìm mãi. Một hồi lâu người này chợt nhận ra một điều gì không ổn, sao sao ấy, nên mới hỏi người láng giềng:

- “Mà ông bạn đánh rơi nó ở đâu vậy ?”

- “Ở trong nhà thì phải !”

Người láng giềng hỏi tiếp:

- “Nhưng tại sao ông bạn lại tìm ở đây ?”

- “Vì ở đây, có đèn đường sáng hơn trong nhà ???”

*****

Chỗ ngã ba đèn đường chiếu sáng nhất, mà người đời vẫn thường đến tìm kiếm hạnh phúc, đó là “ngã ba chữ T”: tình, tiền, tài.

Có những bạn trẻ bước vào đời, với lăng kính màu hồng, hăm hở tìm hạnh phúc trong những giây phút huy hoàng của tình dục, mà họ nghĩ là tình yêu, họ đồng ý với Xuân Diệu rằng:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn le lói suốt trăm năm”.

Có người lao mình vào việc tìm kiếm tiền bạc bằng mọi cách. Họ bôn ba xuôi ngược trên chợ đời, tranh giành với người, để rồi cuối cùng như nhà thơ Quốc Nghệ đã diễn tả sự thật chua cay, bằng những lời thơ châm biếm:

Bạc ác chi mi lắm rứa tiền,
Mi làm nhân loại hoá ra điên.
Mi tô mặt nạ đen ra trắng,
Mi xé ân tình thẳng hoá xiên.
Mi gác luân thường vào một xó,
Mi đưa nhân nghĩa xếp hai bên.
Mi làm nhân loại đua tranh mãi,
Bạc ác chi mi lắm rứa tiền ?

Có người dùng tài ba, để tìm kiếm công danh, sự nghiệp, hầu mang lại hạnh phúc.

Thế nhưng, danh vọng cũng kèm theo cuồng phong bão tố, nước mắt và đoạ đày, như Nguyễn Công Trứ đã cảm nghiệm:

“Ra trường danh lợi vinh tiền nhục,
vào cuộc trần ai khóc lẫn cười”.


Điều lầm lẫn lớn nhất của chúng ta, là đã đồng hóa niềm vui hạnh phúc với khoái lạc thế trần, rồi đi tìm thỏa mãn nơi thể xác, vật chất và cuộc sống ở bên ngoài.

Chúng ta có thể đạt được khoái lạc bằng dục vọng, danh tiếng và tiền bạc, nhưng tất cả những thứ này không thể nào mang lại cho con người niềm vui và hạnh phúc thật sự.

Lạy Chúa, chúng con đang sửa soạn để đón nhận niềm vui ngày Ðức Giêsu Giáng Sinh, xin Chúa sai Thánh Thần Chúa đến, để sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con, để chúng con trở thành niềm an vui, hạnh phúc cho những người chúng con gặp gỡ.
Amen.

------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây