Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Thánh Simon với biệt hiệu là “nhiệt thành”, có lẽ là đảng viên của nhóm chiến đấu quốc gia Zêlốt (Mt 10,4; Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,14). Ngoài ra chúng ta cũng không biết ngài được gọi là gia nhập vào nhóm Mười Hai như thế nào. Sau này có lẽ ngài đã đi rao giảng Tin Mừng ở Ai Cập và Ba Tư. Cùng với Giuđa Tađêô chịu tử đạo ở Ba Tư.
Giuđa Tađêô mà Lc 6,16 và Cv 1,13 gọi là “Giuđa của Giacôbê”, có lẽ phải hiểu là Giuđa cũng nằm trong nhóm chiến đấu giải phóng quốc gia Zêlốt; họ mong chờ ở Đức Giêsu một đấng Mêsia chính trị, một người giải phóng đất nước Ítraen. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
A. Hạt giống...
Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có kẻ ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ (5,30.33 6,1). Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nồng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến lời Ngài.
Một số chi tiết đáng lưu ý:
- Trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu “cầu nguyện”: Chúa Giêsu trong Lc là một người thường xuyên cầu nguyện (Lc 5,16 6,12 9,18.28.29 10,21 11,1 22.32.40-46 23,34.46). Trong những lúc quan trọng, Ngài cầu nguyện tha thiết hơn nữa (Lc 3,21 9,28-29 22,41). Lần này Ngài cầu nguyện “suốt đêm”, chứng tỏ việc Ngài sắp làm (tuyển chọn 12 môn đệ làm tông đồ) là hết sức quan trọng, quan trọng đối với sứ vụ của Ngài mà cũng quan trọng đối với toàn thể lịch sử cứu độ.
- Con số 12 là con số các chi tộc Israel bị tản lạc khắp nơi sau biến cố lưu đày. Vậy khi Chúa Giêsu chọn con số 12, ý Ngài muốn cho biết là đã đến lúc Ngài quy tụ một dân Israel mới.
- Trong số 12 tông đồ, có vài vị nổi bật:
. “Simon mà Ngài gọi là Phêrô”: trong Thánh Kinh, ai đặt tên mới cho một người nào thì có quyền hành trên người đó (2 V 23,34 24,17); người đặt tên cũng xác định một định mệnh mới cho kẻ mang tên mới.
. Bộ ba Phêrô, Giacôbê và Gioan lại là một nhóm nhỏ đặc biệt hơn nữa trong nhóm lớn 12 (Lc 8,51 9,28). Họ sẽ đóng những vai trò quan trọng trong quyển Công vụ.
- Sau khi đã tuyển chọn nhóm 12, Chúa Giêsu cùng họ xuống núi và đến một cánh đồng. Dân chúng rất đông từ khắp nơi tuôn đến để nghe Ngài giảng và để được Ngài chữa bệnh.
B.... nẩy mầm.
1. Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm: Dù là con Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn cảm thấy cần cầu nguyện thường xuyên, nhất là trước những việc khó khăn, quan trọng. Ngài cũng khuyên môn đệ: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cám dỗ”. Phêrô đã sa cám dỗ chối Thầy vì trước đó trong vườn Cây Dầu, ông đã ngủ thay vì cầu nguyện. Giuđa, sau bữa Tiệc Ly, đã bỏ ra ngoài đang khi Chúa Giêsu và các tông đồ khác cầu nguyện. Cho nên Giuđa đã sa ngã nặng nề.
- Ta hãy noi gương Ngài thường xuyên cầu nguyện, nhất là trước mỗi khi làm một việc quan trọng.
2. Mặc dù Chúa Giêsu đã cân nhắc và cầu nguyện nhiều trước khi lựa chọn, nhưng vẫn có một người là Giuđa sau này phản bội Ngài. Khi ơn Chúa không được con người hợp tác thì cũng bị thất bại.
- Ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi của chính mình. Xin cho con hợp tác với ơn Chúa, để ơn gọi con ngày càng triển nở tốt đẹp.
- Ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục là những người ngày nay đang kế thừa nhiệm vụ của các tông đồ.
3. Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn… Tất cả những sự chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người… Từ một hai người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nến tảng của Giáo Hội không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”… Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác tuyệt đối và tình yêu của Ngài ("Mỗi ngày một tin vui")
4. Một thanh niên thời đại mới lên một chiếc đò của một ông cụ già. Hai mái chèo của chiếc đò này rất đặc biệt: một mái có ghi chữ “Pray” (cầu nguyện), mái kia ghi chữ “Work” (làm việc). Chàng thanh niên mỉa mai: “Ông ơi, ông lỗi thời quá rồi. Khi người ta đã làm việc thì sẽ có đủ mọi thứ, cần chi đến cầu nguyện nữa?”. Cụ già chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng buông bỏ mái chèo “cầu nguyện”, chỉ còn chèo mái “làm việc” thôi. Kết quả là con đò cứ xoay vòng vòng, chẳng tiến được chút nào (Đức Cha Tihamer Toth).
3. Một cha xứ nọ muốn dạy trẻ nhỏ một cách dễ hiểu về sự cầu nguyện. Cha có sáng kiến dùng một chiếc máy diện thoại:
- Chúng con biết chiếc máy điện thoại rồi chứ. Khi ta nói chuyện với ai bằng điện thoại, mặc dù ta không thấy mặt người đó nhưng ta vẫn tiếp xúc được với người đó. Cũng thế, dù chúng con không thấy Chúa nhưng chúng con vẫn tiếp xúc được với Ngài nhờ cầu nguyện. Đúng không?
Tất cả đều thưa đúng. Nhưng một đứa đưa tay hỏi: Thế số điện thoại của Chúa là số nào? (Arthur Tonne).
Ta hãy thay cha xứ trả lời cho câu hỏi trên.
4. Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi ông hỏi lý do thì người học trò đáp:
- Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. - Thứ hai Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. - Thứ ba Ngài là Đấng vĩnh cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi Ngài gì cả.
Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi:
- Tại sao Thầy buồn thế? - Người bạn của Thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa. - Bộ ông ta khùng ư? - Không đâu. Ông còn khôn nữa là đàng khác. Ông nói: Chúa yêu thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ cần để sống nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu.
- Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa? - Thì con cũng thế thôi. (Đức Cha Tihamer Toth).
5. Đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Ngài giảng và để được chữa lành tật bệnh” (Lc 6,17-18)
Cả 4 chúng tôi đã tham gia chiến dịch “ánh sáng văn hóa hè” tại vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Chúa nhựt tuần đầu tiên, chúng tôi phải hỏi thăm hết một giờ rưỡi mới tới được nhà thờ. Chỗ chúng tôi ở chỉ có một vài gia đình công giáo và hầu hết thỉnh thoảng mới đi lễ vì nhà thờ quá xa. Mà xa thật, mưa thì lầy lội, còn nắng thì bụi mù.
Trên đường đi, chúng tôi cứ nghĩ là nhà thờ chắc không đông. Nhưng đến nơi, chúng tôi thấy cả một nhà thờ đông đúc. Nhà thờ không rộng, cũng chưa có cha xứ. Cha thì từ nơi khác về dâng lễ, còn giáo dân thì đến từ nhiều nơi khác nhau.
Chúng tôi còn được biết ở đây chỉ có một lễ vào sáng Chúa nhựt nên nhiều gia đình phải thay phiên nhau đi lễ hàng tuần. Họ ước ao có cha xứ để được dự lễ thường xuyên hơn. Ra về, ai nấy trong chúng tôi đều cảm thấy như được thúc bách đến gần Chúa hơn, hạnh phúc dù có phải đi xa và mệt nhọc. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. (Hosanna)
Tân ước ngoài việc đặt thánh Simon vào danh sách nhóm 12, đã không cung ứng một chỉ dẫn trực tiếp nào liên quan đến vị tông đồ này. Ngài được phân biệt với Simon Phêrô bằng danh hiệu “nhiệt thành” (Lc 6,15; Cv 1,13), một danh hiệu không có ý nói rằng: Ngài là phần tử thuộc nhóm quá khích Do thái mang tên này, nhưng chỉ cho biết nhiệt tâm của Ngài đối với lề luật. Theo tiếng Aram, nhiệt thành là “Cana”. Điều này giải thích tại sao các thánh sử nhất lãm gọi Ngài là người xứ Cana (Mt 10,4; Mc 3,18). Có người cho rằng sinh quán của người là Galilêa. Một truyền thống còn nói thánh Simon là chàng rể phụ trong tiệc cưới tại Cana (Ga 2,1-12). Sách các thánh tử đạo kể rằng Simon sau khi chứng kiến phép lạ của Chúa Kitô, đã “bỏ rượu”, bỏ lễ cưới để theo Chúa Kitô và được liệt vào số các tông đồ. Thực sự, chẳng có chứng cớ lịch sử nào nói tới việc này.
Cũng như thánh Giacôbê Hậu, có lẽ thánh Simon là một trong các “anh em của Chúa” (Mc 6,3). Nhưng người ta không thể đồng hóa thánh tông đồ với thánh Simon mà theo truyền thống là Đấng kế vị anh mình làm giám mục Giêrusalem.
Chúng ta không thu lượm được chi nhiều về hoạt động và cái chết của vị tông đồ. Có những tường thuật cho rằng: Ngài đi truyền giáo ở Phi Châu và các đảo Britania. Những tường thuật này không có nền tảng. Một truyền thống khác cho rằng Ngài đi truyền giáo ở Ai cập và cuối cùng ở Batư. Truyền thống này đáng tin hơn. Nhiều nguồn tài liệu đồng ý cho rằng Ngài chịu tử đạo ở Batư. Một số ít hơn nói rằng Ngài cùng chịu tử đạo với thánh Giuda. Dầu vậy, vì không có tài liệu nào đủ tính cách cổ kính nên khó nói rõ về nơi chốn và hoàn cảnh thánh nhân qua đời.
Thánh GIUDA
Vị tông đồ này mang nhiều tên khác nhau như Tadêo (Mt 10,3; Mc 3,18) hay Giuda (Lc 6,16; Cv 1,13).
Chính Ngài là vị tông đồ trong cuộc đàm luận sau bữa tiệc ly đã hỏi Chúa Giêsu:
- Thưa Thày, tại sao Thày tỏ mình ra cho chúng con mà không cho thế gian ?
Chúng ta có thể đồng hóa Ngài với tác giả bức thư, trong đó có trình bày Ngài là : “Giuda, nô lệ của đức Giêsu Kitô, anh em với Giacobê” (Gl 1) không ? Thực sự tiếng Hy lạp phải đọc câu văn này như ở Lc 6,16 là: “Giuda, con của Giacôbê”. Hơn nữa câu 17 của bức thư, tác giả như tách mình ra khỏi số 12. Dĩ nhiên, điều này không làm giảm giá sự chính lục của bức thư. Có thể nói, tác giả “anh em với Chúa” (Mc 6,3) không phải là tông đồ nhưng có thể giá trong Giáo hội sơ khai như Giacôbê (Cv 15,13).
Thánh Giuda tông đồ, theo truyền thống, đã đi rao giảng Tin Mừng ở Mesopotamin và chịu tử đạo ở đó. Một thời Ngài được tôn kính như đấng bảo trợ cho các trường hợp “vô vọng”. Lòng sùng kính này bị quên lãng, có lẽ vì Ngài trùng tên với Giuda phản bội.
Giuđa ít được Phúc âm nhắc đến, riêng thánh Simon được mệnh danh là "người quá khích". Quá khích là tên gọi của một nhóm Do thái có tinh thần ái quốc cực đoan, họ đeo duỗi chủ trương tranh đấu dành độc lập cho dân tộc, đối với họ chỉ có một vua duy nhất là Thiên Chúa mà thôi. Do đó, nộp thuế cho đế quốc Lamã là một hành động xúc phạm đến Thiên Chúa. Tinh thần ái quốc trong họ đã khiến cho một số người không ngần ngại sử dụng khủng bố, họ không những tấn công người Lamã mà cũng không dung tha người Do thái cộng tác với đế quốc. Chính cuộc nổi dậy của họ đã khiến cho Lamã đem quân sang đóng chiếm thành Jerusalem hồi năm 70 sau công nguyên. Simon là một người thuộc nhóm quá khích, có chủ trương cách mạng bạo động này. Chúa Giêsu đã chọn ông làm Tông đồ cũng như đã chọn một kẻ thù không đội trời chung của ông là Matthêo vào đứng chung hàng ngũ với ông. Bên cạnh một người có chủ trương bạo động và một người thu thuế ấy, Chúa Giêsu cũng đã chọn một số dân chài lưới cục mịch, dốt nát và ngay cả một kẻ tham lam vào hàng ngũ Tông đồ của Ngài. Nói chung ơn gọi không tuỳ thụôc vào nguồn gốc tư cách, trình độ văn hoá hay những thành quả riêng của cá nhân, Chúa Giêsu muốn gọi và chọn ai, tùy theo Ngài muốn. Tin mừng hôm nay muốn nêu bật ý tưởng ấy khi ghi lại rằng Chúa Giêsu lên núi và Ngài đã thức thâu đêm để cầu nguyện. Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi chọn lựa các Tông đồ, vì Tông đồ là một ơn gọi hoàn toàn nhtíng không của Thiên Chúa, các cột trụ và đá tảng trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo hội của Ngài không đương nhiên là những con người tài ba đức độ. Giáo hội thiết yếu là những công trình của Thiên Chúa, con người có thể là những viên gạch đóng góp vào tòa nhà Giáo hội, nhtíng tòa nhà ấy có vững mạnh và trường tồn hay không là do Thiên Chúa do đó khi chúng ta tuyên xtíng Giáo hội là Tông truyền, chúng ta được nhắc nhở về chân lý ấy. Giáo hội trước tiên là công trình của Thiên Chúa và Giáo hội trước hết là Giáo hội của Chúa Kitô. Lịch sử chứng tỏ rằng khi những con người của Giáo hội quên mất chân lý ấy để tự đồng hoá với các quyền lực trần thế, sử dụng các phương tiện trần thế, hành xử theo cung cách của trần thế, thì bộ mặt đích thực của Giáo hội Chúa Kitô cũng bị lu mờ hoặc bị méo mó mất dạng. Chúa Giêsu đã không dựa vào nguồn gốc, trình độ văn hoá, tài năng hay đức độ để chọn các Tông đồ. Được chọn làm Tông đồ là một ơn nhtíng không, sự đóng góp duy nhất mà mỗi người mang lại cho công trình của Chúa Giêsu, đó là sự khiêm tốn và lòng tin của mình. Sức mạnh ấy Giáo hội đã thể hiện qua hết dòng lịch sử của mình. Mẹ Maria luôn có mặt bên cạnh các Tông đồ, Mẹ là mẫu gương cho các Tông đồ và cho tất cả mọi tín hữu. Hai tiếng "Fiat" của Mẹ nói lên tất cả thái độ khiêm hạ và tín thác của Mẹ. Đi lại cuộc hành trình Đức tin của Mẹ Maria trong tháng Mân cói này, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình khiêm hạ và tín thác 'ấy của Mẹ, Mẹ là Đấng đã tin tưỡng tuyệt đối vào Đấng Quyền Năng có thể làm được mọi sự. Nguyện xin Đấng đã được Giáo hội tuyên xtíng là Nữ Vương Các Thánh Tông đồ cầu thay nguyện giúp và luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành trần gian, để trong những giờ phút đau thương thử thách chủng ta cảm nhận được bàn tay dìu dắt đỡ nâng của Mẹ và tiếp tục tin tưởng vào Đấng Quyền Năng có thể làm được tất cả mọi sự của Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu lựa chọn các Tông Đồ, ban năng quyền cho các ngài và sai đi loan báo Tin Mừng:
1. Chúa Giêsu lên núi và thức suốt đêm cầu nguyện
Khi chuẩn bị việc lựa chọn, Chúa Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Chúa Cha, điều này cho thấy việc tuyển chọn là hết sức quan trọng, nên cần cầu nguyện. Cầu nguyện ở đây được hiểu như một sự bàn bạc giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, như một sự xin phép Chúa Cha và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để Chúa Con thực hiện.
Chúng ta cũng thế, khi chọn một ai làm điều gì cho Giáo hội rất cần cầu nguyện để xin ơn soi sáng, dù trong tư cách cộng đoàn hay tư cách cá nhân đều cần đến ơn Chúa, nếu không thì chỉ có ý mình với đầy những tình cảm, cục bộ, địa phương, phe nhóm, loại trừ, trả thù, ghanh ghét… Khi đó là chúng ta tiếp tay cho ma quỷ để chọn chứ không phải cộng tác với Chúa để chọn. Công việc cá nhân cũng thế, khi chúng ta định chọn làm một việc gì quan trọng, chúng ta đừng ỷ lãi vào khả năng mình thái quá, mà nên cầu xin ơn Chúa soi sáng để mình lựa chọn việc làm đúng đắn và có ích cho đời sống.
2. Chúa Giêsu kêu các môn đệ lại và chọn
Chúa gọi và chọn chứ họ không tự cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông Đồ là do được Chúa chọn. Các môn đệ đến với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn…
Trong Giáo hội, việc được chọn làm công việc này, chức vụ nọ, là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Hội Thánh, chứ không phải cha truyền con nối hay mình tự ứng cử, vì thế luôn phải đặt ý Chúa lên trên hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa. Riêng với những ai được chọn, dù là Giáo Hoàng hay Giáo Lý Viên thì cũng đều phải cố gắng sống tốt hơn so với mặt bằng chung, xứng với địa vị của mình.
3. Người đi xuống với dân chúng.
Khi nhận một chức vụ, thì cũng đồng thời mang lấy một trách nhiệm. Các Tông Đồ giờ này không phải ở riêng trên núi mà “cùng với Chúa” đi xuống với đám đông để giảng dạy và săn sóc họ.
Chức vụ đi đôi với sứ vụ, khi chúng ta lãnh nhận một chức vụ gì, không phải ngồi đó để thụ hưởng mà phải ra đi đến với những người chúng ta có trách nhiệm, để phục vụ và làm chứng về Chúa cho họ.
Đời sống tôn giáo và sự phát triển xã hội là nét mới được khám phá nơi chủ đề Tin Mừng hôm nay: Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.
Lạy Chúa Giêsu, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh gia đình chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, ngồi bên cạnh chúng con nơi học đường, làm với chúng con nơi công sở… còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.