Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay. Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: "Ông là ai?" Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Bảy môn đệ trở về với nghề xưa, trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò. Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh. Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo: “Tôi đi đánh cá đây.” Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm. Ðây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng. Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm, và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại. Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau. Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ. Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền. Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo, nhảy tùm xuống nước bơi vào, vì nóng lòng muốn gặp Chúa. Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu. Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh. Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt. Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người. Ðây không phải là một nhóm bạn khép kín, nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi. Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới. Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới. “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5). Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn. Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ, được sai đi bởi Chúa và được quy tụ bên Chúa. Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng. Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông. Cử chỉ này gợi cho ta về những thánh lễ. Chúng ta thường quên thánh lễ là một bữa ăn. qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài. Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng. Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể. Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi thánh lễ. Ðó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh. Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông và nói: “Anh em đến mà ăn” (c.12). Chúa phục sinh vẫn đến với chúng ta giữa đời thường, giữa những vất vả lo âu, giữa những thất bại trống vắng. Chúa vẫn đứng trên bờ mà ta cứ tưởng người xa lạ. Ngài vẫn nhẹ nhàng chạm đến nỗi đau của ta: “Các con không có gì ăn ư?” Ngài vẫn mời ta bắt đầu lại dù mệt nhọc và thất vọng: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền.” Chúa phục sinh quyền năng vẫn phục vụ như xưa. Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay bây giờ nhen lửa và nướng cá. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ. Hãy nếm bầu khí huynh đệ của buổi sáng hôm ấy bên bờ hồ. Các môn đệ ngồi vòng tròn quanh Thầy xưa. Họ hết mệt, hết đói vì có cá và bánh. Họ được hong ấm nhờ lửa than hồng, và nhất là nhờ được gần Thầy. Hôm nay tôi cũng được mời sống cho người khác như Đấng phục sinh. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ. Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau. Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ. Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi. Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen. ---------------------------------
Rất gần mà rất xa. Bình thường nhưng lại rất khác thường. Thân tình nhưng lại rất cao cả. Đơn sơ nhưng đầy quyền năng. Đó là những gì các môn đệ cảm nghiệm được về Chúa Ki-tô phục sinh. Người đi trên bờ hồ như một bạn chài. Nhưng lại chỉ dẫn cho các ngư phủ bắt được một mẻ cá đầy lưới đến hai thuyền chở mới hết. Người đốt lửa, nướng cá và bánh như một người bạn thân tình. Nhưng lại quyền năng uy nghi như vị Chúa Tể. Vì Chúa đã phục sinh.
Chúa phục sinh khiến mọi sự thay đổi. Chúa giờ đây vẫn còn giữ những vết thương. Nhưng đã mặc lấy vinh quang Người đã có bên Chúa Cha.
Cuộc phục sinh của Chúa làm thay đổi vận mệnh con người. Danh Người oai phong vượt đất trời. Quyền Người dũng mãnh bao trùm vũ trụ. Có thể cứu giúp con người. Giải thoát họ khỏi bệnh tật. Và giải phóng được linh hồn khỏi ách ma quỉ thế gian.
Phép lạ chữa người què từ thuở mới sinh làm chấn động Giê-ru-sa-lem. Các thượng tế phải hội họp. Và chất vấn Phê-rô: “Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?” Phê-rô nhân cơ hội giảng giải cho họ: “Nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh”.
Không chỉ chữa khỏi bệnh tật, Danh Chúa còn đem lại ơn cứu độ. Biến đổi số phận con người. Cho họ được trở thành bất tử. Sống lại với Người. Để được sự sống đời đời. Như Phê-rô minh chứng: “Ngoài Người ra,không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”.
Phục sinh là một biến cố lớn lao. Biến đổi vận mệnh con người. Biến đổi cả vũ trụ thế giới. Làm cho tất cả được phục sinh. Được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Chúa. Được mắt thấy tai nghe. Được cảm nghiệm ơn phục sinh. Phê-rô và các môn đệ đem cả sinh mạng làm chứng cho Chúa.
Lạy Chúa xin cho con được sống lại thật về phần linh hồn.
Tiền của, quyền bính, danh vọng, không đương nhiên mang lại cho con người hạnh phúc. Một lần nữa thế giới lại học biết chân lý ấy qua kinh nghiệm con người giàu có và danh tiếng nhất nước Mỹ hiện nay, là ông Tonner, nhà tỉ phú sáng lập hệ thống truyền hình CNN. Trong một phỏng vấn mới đây dành cho tạp chí The New York, nhà tỉ phú này cho biết rằng mình thất vọng đến nỗi đã có lúc nghĩ tới việc tự tử. Con người đã từng được xem là một trong những người quyền thế nhất nước Mỹ, nhất là sau khi ông đã tặng hàng tỉ Mỹ kim cho tổ chức Liên Hiệp Quốc, giờ đây tự nhận mình là nạn nhân của một cuộc chiến tranh đủ mọi mặt, từ công việc kinh doanh, đời sống gia đình và ngay cả niềm tin tôn giáo. Thất bại trong đời sống gia đình là điều thê thảm nhất đối với ông. Ông và nữ tài tử Folda đã ly dị nhau sau tám năm chung sống. Lý do chính khiến cho hai người chia tay nhau là vì Folda đã trở thành một tín hữu Kitô. Tonner đã có lần nói rằng Kitô giáo là tôn giáo dành cho những người thua cuộc và gọi Ðức Gioan Phaolô II là một tên ngu ngốc. Với tất cả những gì mình đang có trong tay, ông đã có lý khi gọi các tín hữu Kitô là những người thua cuộc. Nhưng cái nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo mà con người giàu có và quyền thế này không thể hiểu được chính là thua để thắng, mất để được, chết để sống. Lẽ ra, trong nỗi thất vọng ê chề khiến ông chỉ còn nghĩ tới một lối thoát duy nhất là tự tử, Tonner phải hiểu được lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: "Chiếm được cả thế gian mà đánh mất chính bản thân, nào được ích gì?"
Chỉ sau khi được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra, các môn đệ của Ngài mới hiệu được cái nghịch lý vĩ đại ấy của Kitô giáo. Khi Thầy mình bị treo lên thập giá, giấc mộng công hầu khanh tướng của các môn đệ cũng tan thành mây khói. Trong nỗi thất vọng ê chề, họ đã buồn bã quay về với nghề cũ để rồi vất vả thâu đêm mà không bắt được con cá nào. Ðó là hình ảnh của một cuộc sống trống rỗng chán chường mà nhiều người vẫn tiếp tục lao mình vào. Có tất cả trong tay mà vẫn thấy thiếu thốn, hưởng mọi sự mà vẫn không thỏa mãn, được bảo đảm trong mọi sự mà vẫn không có được bình an. Hiện ra với các môn đệ sau khi các ông đã vất vả thâu đêm mà không bắt được con cá nào và cho các ông được mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng không có Ngài, các ông không thể làm được gì và một cuộc sống thiếu vắng Ngài là thiếu tất cả.
Lần đầu tiên những người chài lưới đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu, lần này họ không những bỏ mọi sự mà còn bỏ chính bản thân mình. Họ hiểu rằng chỉ khi trút bỏ cuộc sống con người của mình, họ mới thực sự được lấp đầy bởi chính Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Với Ngài, họ tìm lại được bản thân và có được điều mà không một của cải nào trên trần gian này có thể mua sắm được, đó là sự bình an trong tâm hồn. "Bình an cho các con", đó là điều mà Chúa Kitô Phục Sinh luôn chào chúc cho các môn đệ mỗi lần hiện ra cho các ông.
Ước gì chúng ta cũng biết sẵn sàng trút bỏ mọi sự để cảm nếm được sự bình an đích thực của Ðấng Phục Sinh.
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các mên đệ không nhận ra đó là Đức Giêsu, Người nói với các ông: “Này các chú không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (Ga. 21, 4-6)
Ngày nay, điều gắn bó tôi với Tin mừng chính là thái độ của các môn đệ. Sau khi đã trông thấy Đức Giêsu sống lại, đã tin vào Người, đã cảm nghiệm rõ ràng lạ lùng, các ông không làm gì khác mà chỉ biết trở về quê đi đánh cá. Rõ ràng các ông không biết phải xử thế nào, phải sống ra sao vì các ông thất nghiệp và chỉ biết theo sở thích và thói quen cũ là nghề đánh cá, các ông đi ra khơi.
Mai sau đức tin của chúng ta cũng quy tụ những người như thế đó. Chúng ta sẽ thấy mình có sự thay đổi nồng nhiệt theo chân Đức Kitô, sau một cuộc tĩnh tâm, sau một cao điểm nguyện ngắm hay một cuộc đại lễ lạ lùng, chúng ta thấy mình không biết làm gì, cư xử ra sao. Chúng ta cũng như mấy môn đệ bên bờ hồ nhỏ với ý nghĩ này: “Này bây giờ, chúng ta hãy trở về sống đời thường, dù nó vô ích vô vị”.
Mai sau đức tin của chúng ta gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì phải chấp nhận kiểm thảo luôn, không thể hành trang một mình được, cần phải đón nhận một người vô danh nào đó chỉ hướng cho đi hướng nào, làm ở đâu: “Hãy thả lưới bên phải”. Còn cần phải tiếp nhận được nuôi dưỡng, ngồi xuống chia sẻ của ăn, trong Tin mừng hôm nay, những con cá các môn đệ ăn không phải do các ông đánh bắt. Trước khi các ông kéo thuyền vào bờ, cá và bánh đã được nướng rồi.
Đức Giêsu như muốn cho các ông hiểu rằng các tông đồ phải biết nương tựa đến tột đỉnh: Người bảo với các ông đánh cá ở đâu, và Người cho các ông đầy cá, chứ các ông đánh thâu đêm chẳng được gì cả. Cá và bánh đã được Người dọn sẵn rồi.
Mai sau đức tin của chúng ta sẽ có thể dễ thấm nhuần nếu chúng ta không quên điều đã diễn ra trên bờ hồ mà Đức Giêsu đã ra dấu chỉ và chúng ta biết chấp nhận lãnh lấy của nuôi do chính Người đã dọn sẵn cho chúng ta, ước mong chúng ta biết ngồi xuống lãnh nhận ơn Ngài ban.
(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
Một người da đỏ rời bỏ nơi cư trú ở thôn quê để về thành phố thăm lại người bạn da trắng. Anh nhìn thấy cuộc sống náo nhiệt và xô bồ của thành phố đã tạo cho anh không ít ngạc nhiên và thích thú. Lúc hai người đang dạo chơi trên đường phố, thình lình người da đỏ chợt dừng lại và đập nhẹ vào vai người bạn da trắng và nói nhỏ: "Chúng ta hãy dừng lại tí chút, anh có nghe thấy gì không?" Người da trắng quay lại và mỉm cười nói với bạn: "Tiếng máy nổ, tiếng còi, tiếng gầm của xe buýt, tiếng bước của người qua lại. Còn anh, anh nghe thấy gì?" "Tôi nghe thấy tiếng kêu của một chú dế mèn gần đâu đây đang gáy". Anh bạn da trắng đứng lại, lắng tai và chăm chú nghe kỹ hơn, nhưng rồi lắc đầu đáp: "Tôi nghĩ là anh đang đùa, làm gì mà có dế mèn ở đây. Mà dù cho có đi nữa thì làm sao anh có thể nghe được tiếng nó gáy giữa muôn vàn náo động của thành phố sầm uất nhộn nhịp này". Người da đỏ nghiêm trang trả lời: "Có mà. Tôi nghe tiếng nó gáy chỉ đâu đây thôi". Nói rồi anh bước lại gần bức tường cách đó vài thước, một dây nho dại đang bò trên vách tường, dưới gốc nho là một bụi cỏ và vài chiếc lá khô đủ để cho một chú dế ẩn nấp và đang cất tiếng gáy.
Cuối cùng anh bạn da trắng cũng thấy được con dế. Bấy giờ anh gật đầu thán phục: "Lỗ tai của người da đỏ các anh quả thật là thính hơn bọn da trắng chúng tôi nhiều". Thế nhưng, người da đỏ lắc đầu đáp lại: "Chẳng phải vậy đâu. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy". Ðoạn anh ấy rút trong túi ra một đồng tiền và cho lăn nhẹ trên vệ đường, tiếng va chạm leng keng của đồng tiền cũng thật nhỏ, tưởng chừng như mất hút giữa những tiếng động ồn ào của thành phố. Vậy mà như có một hiệu lệnh, đồng tiền lăn trên đây thì mọi chiếc đầu, mọi cặp mắt đều quay về đó. Lượm đồng tiền lên và cho vào túi, người da đỏ mỉm cười với bạn mình. Vì thế, lỗ tai của người nào cũng nghe rõ như nhau, nhưng có khác chăng là nó chỉ nghe quen với âm thanh và những điều người ta lưu tâm đến.
Anh chị em thân mến!
Thông thường thì khả năng nghe biết của mọi người như nhau và có những giọng nói thật giống nhau. Tuy nhiên, giữa những giọng nói giống nhau đó, có giọng được cất lên, có giọng lại như chìm vào trong thầm lặng.
Thật vậy, trong ba năm theo Thầy trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc hẳn các môn đệ đã quá quen thuộc với giọng nói của Thầy mình. Thế mà vì những nhọc nhằn suốt đêm chẳng bắt được một con cá nào, các ông đã không nhận ra Ngài, chỉ có lòng mến sắt son mới cho phép thánh Phêrô nhận ra Thầy mình, và ông đã thốt lên bằng một câu nói thật vắn gọn: "Thầy đó".
Trước đây, chỉ vì lòng mến đã thôi thúc Gioan chạy đến mồ trước, nhưng ông lại đợi Phêrô để cả hai cùng vào để xác nhận việc Thầy mình đã sống lại. Cũng chính do lòng mến mộ mà các ông đã giới thiệu cho các bạn hữu biết việc Chúa Kitô Phục Sinh.
Ðây là điều mà Kitô hữu ở mọi thời đại đều phải bắt chước gương của các tông đồ. Vì đến với Chúa là một điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu có nhiều người khác nữa cùng đến với Ngài.
Lạy Chúa, trong cuộc sống con không dám xin Chúa cất đi những nhọc nhằn, vì đó là thân phận tội lỗi của con người. Con chỉ xin Chúa ban cho con lòng Tin Mến, để giữa những nghịch cảnh cuộc đời, con có thể nhận ra được sự hiện diện của Chúa, tìm được niềm vui và hy vọng trong Chúa. Từ đó, con có thể đem Chúa đến cho người khác, hầu cho họ luôn tin yêu vào sự Phục Sinh vinh quang của Chúa. Amen.
Sau khi nhận tin báo từ Maria Madalêna là các ông sẽ được thấy Đức Giêsu phục sinh tại Galilê (x. Mt 28,10). Tuy nhiên, ngày và giờ thì không biết, nên trong khi chờ đợi, các ông đã tranh thủ đi đánh cá. Tuy nhiên, lần ra quân đầu tiên của các ông đã thất bại.
Thánh sử Gioan trình thuật: họ thức suốt đêm để đánh cá, nhưng tới sáng, họ vẫn trắng tay, không bắt được con cá nào!
Vì thế, họ sửa soạn giặt lưới để đi nghỉ sau một đêm vất vả cực nhọc. Đúng lúc ấy, Đức Giêsu hiện ra và đứng trên bãi biển gọi các ông với những từ rất thân thương, gần gũi: “Này các chú, không có gì ăn ư”. Khi họ đáp không có, Đức Giêsu truyền lệnh cho họ thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Kết quả đúng như lời Đức Giêsu nói. Tổng tất cả là 153 con. Ngay lập tức, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nhận ra Thầy của họ và reo lên: “Chúa đó!”.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tác giả cho biết đây là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Tuy nhiên, lần này có những điểm đặc biệt vì ngoài việc củng cố niềm tin, chúng ta thấy có những tình tiết khác:
Thứ nhất, vâng lời Chúa thì sẽ được thành công cách mỹ mãn hơn cả suy tính của con người. Có Chúa mọi chuyện sẽ được êm đẹp. Thuyền đầy cá và lưới không rách chứng minh điều đó.
Thứ hai, qua mẻ cá lạ với 153 con, muốn nói lên các ông sẽ là lưới người như lưới cá và ơn cứu độ phải được loan đi đến với hết mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Thứ ba, công cuộc truyền giáo là của mọi người, không riêng rẽ. Vì thế, sự hiệp nhất để cùng nhau thi hành sứ vụ là điều cần thiết. Một mình không thể chu toàn. Lưới đầy cá và phải nhờ các thuyền khác cùng kéo lên cho thấy đặc tính này.
Cuối cùng, yêu mến thì sẽ nhận ra Chúa và đi vào mối tương quan mật thiết với Ngài cách đặc biệt như Gioan.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Sống tín thác vào Ngài ngay trong những biến cố đau buồn, thất vọng nhất của cuộc đời. Sống tình hiệp nhất, yêu thương và làm chứng cho Chúa trong thời đại chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin củng cố lòng mến và ban cho chúng con những ơn cần thiết để chúng con chu toàn trách nhiệm Chúa trao phó trong cuộc đời. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu Phục Sinh đang hiện diện trong Giáo Hội và trong cuộc sống mỗi người. Khi ta tin tưởng làm theo lời Chúa dạy, Chúa sẽ làm cho mọi việc được thành công ngoài sức tưởng tượng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bao lần trong cơn gian nan thử thách, con mong ước có Chúa hiện diện bên con để nâng đỡ chở che. Những lúc thất bại hoặc cô đơn giữa đám đông cuộc đời, con mong gặp được Chúa để Chúa hướng dẫn ủi an. Con mong chờ Chúa nhưng không gặp được Chúa. Thật ra Chúa vẫn đến và hiện diện bên con mà con chẳng nhận ra Chúa, nên con vẫn còn sợ hãi, có khi thất vọng chán chường. Chúa như vắng mặt trong cuộc đời con.
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, xin cho con biết nhận ra Chúa vẫn có mặt sống động trong Giáo Hội và trong cuộc sống con mọi nơi mọi lúc, như xưa Chúa đã tỏ mình cho các tông đồ bên biển hồ Tibêria. Xin cho con hiểu rằng Chúa hiện diện để mong con đến gặp Chúa và lắng nghe Lời Chúa, để Chúa bày tỏ tình yêu quan tâm dẫn dắt và ban ơn giúp con đạt tới ơn cứu độ.
Xin cho con luôn biết lắng nghe và can trường phó thác sống theo Lời Chúa, trong lúc gặp may mắn cũng như lúc gian nan trong đêm tối của cuộc đời. Chúa vẫn lên tiếng mời gọi con, hướng dẫn dạy bảo con. Xin đừng để những nỗi đau, những day dứt, những hoang mang, những thất bại làm át đi tiếng nói yêu thương của Chúa. Xin đừng để con vì chạy theo những đam mê hoặc những lôi cuốn của cuộc đời, mà lòng trí trở nên tối tăm không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa là Đấng yêu thương và quyền năng, xin Chúa nâng đỡ Giáo Hội trong mọi nghịch cảnh và giúp cho Giáo Hội thành công trong sứ mạng truyền giáo. Amen.
Ghi nhớ: “Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.
Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận kể lại một chứng từ:
Một buổi sáng tháng 10 năm 1975, tôi ra dấu cho một cậu bé 7 tuổi tên là Quang, đi dự lễ 5 giờ về, khi trời chưa sáng: “Con nói với mẹ mua cho cha mấy bloc lịch cũ!” Chiều tối, khi mặt trời bắt đầu lặn, Quang đem lại cho tôi các cuốn lịch bloc. Từ khi ấy, trong tháng 10 và tháng 11 năm 1975, hằng đêm tôi viết cho dân tôi thông điệp từ cảnh tù đày. Mỗi sáng, cậu bé tới lấy các tờ lịch, đem về nhà cho các anh chị chép lại thông điệp…
Và ngài đã viết tác phẩm Đường hy vọng của ngài như vậy đó… Tư tưởng này được chia sẻ với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma Mùa chay năm 2000 và khắp thế giới khi ngài giảng thuyết...
Suy niệm
Ra khơi suốt đêm, những mẻ lưới không bắt được con cá như Gioan nhấn mạnh: “Đêm ấy họ vẫn không bắt được gì” (Ga 21,3). Đức Giêsu đang đứng trên đất liền, Ngài vừa mới trải qua một cuộc vượt biển, vượt biển trần gian xuyên qua cái chết đến phục sinh và Ngài đang hiện diện ở phía bên kia, bến bờ khác trong ánh sáng của một “ngày mới - Phục sinh”. Nhưng các môn đệ không nhận ra Người! Những gian nan, vất vả, sương mù của hoàn cảnh đã che khuất các Ngài.
Ngài ra lệnh hãy tiếp tục ra khơi, dù cả đêm vất vả nhưng: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền…” (Ga 21,6). Thánh ý Thiên Chúa, đôi khi nó không hợp với lý lẽ của con người, đã suốt đêm mà không được gì, nhưng trong thiên ý, cứ thực thi thì sẽ thấy hiệu quả. Các môn đệ Chúa sau này bước đi trong thánh ý dù giàu những điều kiện khắc nghiệt nhất mà đối với người đời là không thể, là điên rồ…
Lưới đầy với 153 loại cá, theo giải thích của thánh Giêrônimô, các nhà vạn vật học thời xưa cho biết trên thế giới có 153 loại cá, đủ các loại cá này hợp với thành ngữ “đủ mọi thứ cá” trong dụ ngôn về nước Trời (x. Mt 13,47). Giáo hội của Chúa như mẻ lưới hội tụ tất cả mọi dân tộc. Giống như người mục tử chân chính quy tụ trong đàn mình mọi con chiên đến từ chuồng khác ngoài Israel (x. Ga 10,1b), như Con Người lôi kéo tất cả mọi người vào trong mẻ lưới cánh chung (x. Ga 12,32; 6,44). Các tông đồ ra khơi để kéo mẻ lưới đó theo thánh ý của Thầy Giêsu, và các thừa tác viên tiếp tục sứ mạng xuyên suốt thời gian.
Mọi người quây quần bên Thầy, Chúa Giêsu Phục Sinh trao bánh trường sinh cho anh em nhưng cũng chính là tấm bánh được bẻ ra và trao ban. Hình ảnh của bẻ bánh trao ban là hình ảnh sống động của người mang bất cứ một trách nhiệm nào trong gia đình, công sở và cộng đồng. Người có trách nhiệm là người trao bánh và như tấm bánh được bẻ ra trao cho anh em, đó là nghĩa cử tình yêu của người dấn thân.
Người mang sứ mạng ra khơi, tung lưới, phải có điều kiện kiên định của tình yêu. Đó là nguồn sức mạnh trong sứ vụ, sau này tông đồ Phaolô cũng cảm nghiệm: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).
Chúng ta cũng đã từng cảm thấy vô vọng trước những hoàn cảnh đau khổ, thiếu thốn, lo lắng, gian nan… trong cuộc sống, trong hành trình ra khơi với trách nhiệm, với sứ vụ. Hãy tin vào sức mạnh tình yêu với Thiên Chúa, Ngài sẽ thay đổi được tất cả, dù với chỉ hạt bụi: Trở nên người sống động theo hình ảnh Thiên Chúa (St 2,7) hòn đá có thể trở nên con cái Abraham (x. Mt 3,9).
Ý lực sống: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con”. (Tv 18,2)
1. Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Tin Mừng Gioan. Gioan viết để tường thuật về việc Chúa hiện ra với các Tông đồ trên bờ biển hồ Tibêria. Nhờ mẻ cá lạ mà các Tông đồ nhận ra Chúa. Người đầu tiên nhận ra Chúa là Gioan, và kế đến là các Tông đồ khác. Cuối cùng, là một bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò đã nhận ra nhau.
2. Tin mừng cho biết, lúc đó ông Phêrô cùng 6 ông khác là Tôma, Nathanael, Giacôbê, Gioan và hai môn đệ khác không kể rõ tên, tất cả là bảy người. Đêm hôm đó các ông cùng nhau đi thả lưới bắt cá nhưng vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Đến gần sáng, các ông chèo thuyền vào gần bờ thì có một người lạ đứng trên bờ hỏi các ông có bắt được gì không và bảo các ông thả lưới bên phải thuyền, các ông làm theo đề nghị đó, và thật lạ lùng, cá đâu nhiều đến nỗi không sao kéo thuyền vào được.
3. Tin Mừng còn cho biết, các môn đệ bắt được 153 con cá lớn mà lưới không bị rách. Các nhà chú giải Thánh Kinh vẫn xem con số 153 là tượng trưng cho 153 loài cá dưới biển. Cũng cần phải nói thêm rằng, chi tiết “lưới nhiều cá mà không bị rách, thuyền chở nặng gần chìm” cũng là một ý nghĩa biểu tượng mà tác giả Tin Mừng muốn chuyển tải. Giáo hội qui tụ muôn dân nhưng vẫn đủ chỗ, không bao giờ thiếu chỗ cho các công dân gia nhập Nước Trời, và ân sủng của Thiên Chúa mà các chứng nhân mang đến cho mọi người không bao giờ bị vơi.
4. Đức Giêsu đã chọn các Tông đồ để họ tiếp tục sứ mệnh của Ngài. Nhưng rồi trong cuộc sống theo Chúa, cũng có những lúc thăng trầm, nhất là các ông đã bị thử thách nặng nề với cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá. Đó là mầu nhiệm mà lúc đầu các ông không hiểu, mặc dầu nhiều lần Đức Giêsu đã loan báo và giải thích về cái chết có giá trị cứu rỗi của Ngài.
Trong lúc các ông trở về với nghề cũ tại biển hồ Tibêria và tâm hồn chờ đợi một dấu lạ gì đó từ Chúa Giêsu Phục sinh. Chính lúc đó, Đức Giêsu hiện ra, và một lần nữa, Ngài thực hiện phép lạ mẻ cá lạ lùng để qua đó Ngài tái xác nhận rằng Thiên Chúa không thay đổi chương trình cứu rỗi của Ngài; Ngài vẫn trung thành với lời mời gọi và sứ mệnh đã trao cho các môn đệ. Con số 153 con cá ở đây tượng trưng cho mọi dân tộc trên thế giới, đã đến lúc các Tông đồ phải làm chứng cho Chúa nơi mọi dân tộc (Mỗi ngày một tin vui).
5. Qua phép lạ mẻ lưới lạ lùng, Đức Giêsu muốn bảo cho các Tông đồ biết trước Giáo hội của Ngài sẽ được phổ biến khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô và không quyền lực nào có thể làm cho tan rã, vì Giáo hội của Ngài được xây trên nền tảng vững chắc. Vì danh Chúa, các ông phải mạnh dạn tuyên xưng đức tin và bảo vệ Giáo hội: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
Bài học mà Chúa dạy các môn đệ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài, chứ không dựa vào khả năng chuyên môn của mình. Trong việc thi hành chương trình cứu độ, Chúa dùng các ông như những dụng cụ tầm thường nhưng dụng cụ ấy lại hữu hiệu khi biết vâng theo ý Chúa và nhiệt tình cộng tác dưới sự hướng dẫn của Ngài.
6. Đức Giêsu Phục sinh tuy không còn hiện diện một cách xác thể để các môn đệ có thể chạm đến Ngài, nhưng Ngài vẫn hiện diện với họ một cách vô hình: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”, và chắc chắn sẽ xuất hiện đúng lúc để giúp cho công việc đã trao cho họ được trổ sinh hoa trái. Điều cần thiết là họ phải tuân theo mệnh lệnh của Ngài, bởi vì “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”.
7. Chúng ta đã từng cảm thấy vô vọng trước những hoàn cảnh đau khổ, thiếu thốn, lo lắng, gian nan... trong cuộc sống, trong hành trình ra khơi với trách nhiệm, với sứ vụ. Hãy tin vào sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, Ngài sẽ thay đổi được tất cả, dù với chỉ hạt bụi: Trở nên người sống động theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 2,7) hòn đá có thể trở nên con cái Abraham (x. Mt 3,9).
8. Truyện: Ngài đi đâu đó?
Câu chuyện “Quo vadis” được kể như sau: Phêrô đến Rôma giữa lúc hoàng đế Nêrông đang bắt bớ đạo. Nhiều người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, các tín hữu khuyên Phêrô chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo Thánh.
Khi ra khỏi cổng, Phêrô gặp Chúa vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis?”, nghĩa là Ngài đi đâu đó? Chúa trả lời: “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu và quay lại Rôma. Ông an ủi và giúp đỡ các tín hữu sắp chịu cực hình giữ vững niềm tin.
Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hỏa thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.
Phần cuối của đoạn Tin Mừng Gioan (có lẽ không do Gioan viết, mà do các đồ đệ của Gioan) tường thuật cuộc hiện ra cho các tông đồ trên biển hồ Tibêria.
1. Theo gợi ý của ông Phêrô, số tông đồ khác trở lại nghề cũ là đi đánh cá.
2. Khi đó xảy ra lại một tình huống giống y lần đầu tiên Phêrô gặp Chúa Giêsu và được Ngài gọi: các ông không đánh được cá, nhưng nhờ Chúa Giêsu sau đó đánh được rất nhiều cá (x. Lc 5,4-11).
3. Các tông đồ nhận ra Chúa Giêsu: đầu tiên là Gioan, kế đến là các ông khác.
4. Bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò nhận ra nhau.
B. Suy Niệm (...nẩy mầm)
1. Trong những lần hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại, Chúa Giêsu không bao giờ nói nửa lời trách móc tội các ông đã bỏ Ngài hay chối Ngài, cũng không nói nửa lời ám chỉ, mà toàn những lời dịu dàng, an ủi, khích lệ. Các ông cũng không một lời xin lỗi Chúa, thế mà Chúa vẫn tha. Tha thứ đâu cần phải nói ra bằng lời, ăn năn đâu cần phải thốt ra bằng tiếng. Chúa đến với ta, ta ở bên cạnh Chúa thế là đủ.
2. Sự tha thứ của Chúa không diễn tả bằng lời, nhưng bằng thái độ: “Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ. Ngài cũng cho các như thế”.
3. “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến liền nói với Phêrô: “chính Chúa đó”: Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa. Ông nhận ra Chúa nhờ một kỉ niệm mà mẻ các lạ giúp ông nhớ lại. Khi đã yêu thì từng chi tiết, từng biến cố, đếu nhắc ta nhớ đến người mình yêu. Xin cho con yêu Chúa đủ để mỗi sự lành trong ngày đều khơi lên kỉ niệm của con về Chúa.
4a. Trong lòng Phêrô ngổn ngang nhiều tình cảm: Mặc cảm phạm tội, hối hận, nhớ Chúa và mong gặp lại Ngài. Nhưng mạnh nhất là tình cảm mong nhớ Chúa. Bởi khi vừa nghe Gioan nói “Chúa đó”, bao nhiêu tình cảm khác biến đâu hết, chỉ còn mỗi tình cảm muốn gặp lại Chúa. Vì thế ông “liền khoác áo vào rồi nhảy xuống biển” bơi tới Chúa. Dù con có thế nào đi nữa, nhưng xin cho con luôn nhớ Chúa và quên đi tất cả khi gặp lại Chúa.
4b. Trong toán học, chúng ta biết tầm quan trọng của vị trí con số “không” trong tương quan với dấu chấm thập phân: số “một” càng bị nhiều số “không” ngăn cách nó xa với dấu chấm thập phân thì giá trị của nó càng thấp. Thí dụ: 0,000.001.
Tuy nhiên nếu số “một” đứng đầu thì sau nó càng nhiều số “không” chừng nào thì giá trị của nó càng cao chừng ấy. Thí dụ: 1.000.000.
Chính Chúa là số một. Khi ta đặt Chúa hàng đầu trước những công việc của ta. Thì càng làm nhiều chừng nào thì giá trị của chúng càng cao chừng đó. Ngược lại Chúa càng xa tâm trí chừng nào thì công việc ta làm càng ít chùng ấy. (Frank Mihalic).
5. “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Chúa Giêsu”.
Mỗi ngày tôi học và làm việc theo một thời khóa biểu kín mít mà tôi tự đặt ra cho mình, tối về mệt mỏi tôi lại lăn ra ngủ. Tôi thường thấy mình rơi vào những khoảng trống, cảm thấy mình lạc lõng cô đơn và đâm ra chán nản. Thế rồi tôi được một vị “Kĩ sư tâm hồn” khuyên mỗi ngày nên dành cho Chúa một vài phút.
Từ đó mỗi tối trước khi ngủ, tôi đã dành ra ít phút để nhìn lại những ơn Chúa ban của một ngày sống và nhìn lại chính mình. Tôi thấy còn nhiều bóng tối phủ lấp tâm hồn tôi.
Thật hạnh phúc mỗi khi trên giường ngủ mà có thể mỉm cười với chính mình. Những giây phút tĩnh nguyện cuối ngày đã giúp tôi khám phá ra màu nhiệm của Chúa hiện diện và đồng hành với tôi trên khắp các nẻo đường.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, những bóng tối trong tâm hồn và những bận tâm khác đã thoả lấp làm con không nhận ra được sự hiện diện của Chúa. Một vài phút dành cho Chúa chẳng là gì so với 24 giờ mà Chúa dành cho con, thế mà con không biết! Cảm ơn Chúa, cảm ơn người “kĩ sư tâm hồn” đã mở mắt con. (Epphata)
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Tin Mừng Gioan. Gioan viết để tường thuật về việc Chúa hiện ra với các tông đồ trên bờ biển hồ Tibêria. Nhờ mẻ cá lạ mà các tông đồ nhận ra Chúa. Người đầu tiên nhận ra Chúa là Gioan, và kế đến là các tông đồ khác. Cuối cùng, là một bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò đã nhận ra nhau.
1. Có một chi tiết nhỏ nhưng khá thú vị nếu chúng ta để ý: Đó là khi hiện ra với các môn đệ sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu luôn hiện ra với các ngài trong những khung cảnh của cuộc sống đời thường. Chắc là Chúa phải có một dụng ý khi làm như thế. Thí dụ trong bài Tin Mừng hôm nay, tuy Chúa có hẹn với các môn đệ của Chúa là Ngài sẽ gặp họ ở Galilê, nhưng Chúa không xác định rõ nơi chốn. Rõ ràng trước đó các môn đệ đã tụ tập nhau lại và họ chờ đợi Chúa. Thế nhưng, Chúa đã không đến với họ lúc họ chờ đợi mà lại đến với họ lúc họ cùng nhau đi làm việc.
Rất nhiều người trong chúng ta tưởng rằng, muốn được gặp Chúa thì chúng ta phải đi tới nơi nọ nơi kia, phải đến Đền thờ nọ Đền thờ kia. Việc Chúa hiện ra với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay có lẽ phải là cơ hội cho chúng ta suy nghĩ lại. Chúng ta có thể gặp được Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Nhà văn Julia A. Manhan kể lại rằng: Ngày nọ, có một cậu bé muốn gặp Chúa. Cậu nghe nói rằng, phải qua một cuộc hành trình dài mới đến được nơi Chúa ở. Vì thế, cậu bé chuẩn bị những chiếc bánh ngọt và một hộp 6 lon nước cho vào cái túi nhỏ rồi lên đường.
Khi cậu đi được vào khoảng ba dãy phố, cậu gặp một bà lão. Bà cụ ngồi trong công viên mắt đăm đăm nhìn những con chim bồ câu. Cậu ngồi xuống cạnh bà và mở túi ra. Chưa kịp đưa nước lên uống thì cậu thấy bà lão có vẻ đói bụng. Cậu lấy chiếc bánh mời bà lão. Bà nhận chiếc bánh với đầy vẻ biết ơn và mỉm cười với cậu. Nụ cười của bà đẹp đến nỗi cậu bé muốn được nhìn lại lần nữa. Thế là cậu đưa thêm cho bà lon nước. Bà lại mỉm cười với cậu. Cậu bé rất thích thú.
Hai bà cháu ngồi với nhau ở đó suốt cả buổi chiều, ăn uống và mỉm cười, nhưng không ai nói lời nào.
Trời tối, đứng lên chuẩn bị ra về, nhưng vừa đi được một bước, cậu quay lại, chạy về phía bà lão và ôm bà. Bà đã tặng lại cậu bé nụ cười đẹp chưa từng thấy.
Một lát sau cậu về đến nhà. Khi cậu bé vừa mở cửa, mẹ cậu đã sửng sốt khi nhìn thấy niềm vui rạng rỡ trên con mình.
Mẹ cậu hỏi:
- Hôm nay có chuyện gì mà con hạnh phúc thế?
Cậu trả lời:
- Con đã ăn bữa trưa với Chúa!
Bà chưa kịp nói gì thì cậu bé thêm:
- Mẹ biết không, Chúa có nụ cười tuyệt đẹp mà con chưa từng thấy!
Trong khi đó, bà lão trở về nhà cũng đem theo một niềm hạnh phúc. Con trai bà cụ rất ngạc nhiên khi thấy vẻ bình an thanh thản trên khuôn mặt mẹ, anh hỏi:
- Mẹ ơi, hôm nay con có điều gì làm mẹ hạnh phúc thế?
Bà lão đáp:
- Mẹ ăn bánh trong công viên với Chúa!
Trước khi cậu con trai kịp nói thì bà thêm:
- Con biết không, Chúa trẻ hơn mẹ tưởng nhiều!
2. Con người ai cũng mong muốn được hạnh phúc. Nhưng nhiều khi hạnh phúc chỉ như một chiếc bóng. Chúng ta mãi mê chạy theo một chiếc bóng mà quên rằng, niềm vui đích thực, hạnh phúc đích thực lại nằm ngay trong chính tầm tay của chúng ta. Câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ hôm nay cho chúng ta thấy điều đó.
Tin Mừng thuật lại, các môn đệ đã thả lưới thâu đêm mà không bắt được con cá nào. Tình cờ có một người lạ mặt xuất hiện bảo họ hãy thả lưới bên phải và mẻ cá nhiều đến nỗi lưới muốn rách và thuyền muốn chìm. Chúa Giêsu đến với các môn đệ như một người vô danh, không kèn, không trống, không một biểu dương rầm rộ nào. Ngài đến một cách kín đáo nhẹ nhàng. Ngài hiện diện một cách âm thầm và vô danh như chính sinh hoạt thường nhật của chúng ta. Chúa Giêsu đã chọn cảnh sống thường ngày của con người để hiện ra với các môn đệ. Ngài đến vào giữa lúc các ông đang thả lưới. Ngài tham dự vào bữa ăn của các ông. Ánh lửa mà Chúa Giêsu đã đốt lên bên bờ hồ Tibêria buổi sáng hôm đó đã soi sáng tâm hồn các môn đệ, để các ông hiểu rằng, Chúa Kitô Phục Sinh đang có mặt trong từng phút, từng giây của cuộc sống con người và chỉ có sự hiện diện ấy mới có đủ sức biến những sinh hoạt tầm thường nhất của con người như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ trở thành những niềm vui đích thực trong cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con cảm nếm được niềm vui vì có Chúa luôn hiện diện với chúng con. Amen.
Thánh sử Gioan tông đồ trong bài tường thuật Tin Mừng hôm nay nói rằng đây là lần thứ ba Chúa hiện ra với các tông khi Chúa từ cõi chết sống lại. Thời gian Chúa hiện ra là vào buổi sáng sớm. Địa điểm là ở bờ biển hồ Galilêa. Sinh hoạt của các tông đồ lúc này là cùng nhau đi dánh cá.
Thời gian Chúa hiện ra là vào buổi sáng sớm của một ngày mới, điều ấy có nghĩa là không gian lúc này rất yên tĩnh, chỉ có tiếng vi vu của những làn gió ban mai lướt nhẹ trên mặt nước biển và những ngọn cỏ cây quanh đây sau một giấc ngủ đêm an lành vẫn còn vươn đọng những giọt sương mai trên đó. Không gian bình yên, tĩnh lặng như thế giữa đất trời bao la mênh mông thật là xứng hợp cho cuộc gặp gỡ của Chúa với các tông đồ. Chúa là nhân vật chính lúc này, vai trò của Chúa như là một thầy dạy, một người chỉ đạo, một người điều khiển sinh hoạt, nghề nghiệp, cuộc sống mưu sinh của các tông đồ: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được” (Ga 21, 6). Tuy thánh Phêrô là người đứng đầu các tông đồ, điều khiển các tông đồ, nhưng không có Chúa thì cũng chỉ là con số không, mặc dù có vất vả bao nhiêu trong cuộc sống đi chăng nữa thì con số không vẫn là con số không: “Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: Tôi đi đánh cá đây. Các ông kia nói rằng: Chúng tôi cùng đi với ông. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: Này các con, có gì ăn không? Họ đồng thanh đáp: Thưa không. Chúa Giêsu bảo: Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá” (Ga 21, 1 – 6). Như vậy, chỉ có Chúa thì việc Chúa hướng dẫn dạy dỗ các ngài mới có hiệu quả, và các ngài không có bị phân tâm bởi môi trường sống, để rồi các ngài mới hiểu và gắn bó với Chúa hơn.
Khi các tông đồ lên bờ biển rồi, Chúa bảo các ngài lại ăn vì Chúa đã chuẩn bị bữa ăn sẵn sàng cho các ngài rồi: “Lạy Chúa, khi ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 144, 16). Khi ăn như vậy, và những gì đã xảy ra trước đó, các ngài biết đó chính là Chúa của mình đã sống lại từ cõi chết. Các ngài cảm thấy gần gũi, gắn bó với Chúa và dường như không còn sợ hãi như những lần trước nữa, để rồi qua đó chúng ta thấy rằng mỗi khi Chúa hiện ra với các tông đồ sau khi Chúa từ cõi chết sống lại, Chúa luôn dùng lời Chúa và Thánh Thể Chúa là hai nguồn ơn thánh và dưỡng chất để nâng đỡ đức tin các tông đồ, nhờ đó mà các tông đồ đã vượt qua được sự sợ hãi, các thử thách mà tin vào Chúa, trung thành với Chúa, làm chứng nhân cho Chúa đến cùng: “Chúa Giêsu bảo rằng: Các con hãy lại ăn. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: Ông là ai? Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại (Ga 21, 9 – 14).
Lạy Chúa phục sinh, điều Chúa mong muốn nơi chúng con là chúng con phải sống với nhau, làm việc chung với nhau để giúp nhau nên thánh, và biết vâng lời các đấng bậc trong Giáo Hội, cộng tác với các ngài để xây dựng Giáo Hội ngay tại trần thế này mỗi ngày một vững mạnh hơn. Xin Chúa giúp chúng con biết siêng năng học hỏi lời Chúa và rước Thánh Thể Chúa, để thêm sức mạnh, giúp chúng con sống và đem hết khả năng để làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống của chúng con. Amen.