Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin.
Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy.
Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài".
Theo các nhà chú giải, sách Tin Mừng Máccô kết thúc ở chương 16, câu 8, với việc các phụ nữ sợ hãi, chạy trốn, không dám nói gì với các môn đệ. Sách này cũng không nói đến việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông. Kết thúc khác thường này của Máccô làm chúng ta ngày nay chưng hửng. Cả các Kitô hữu thế kỷ thứ hai cũng bị ngỡ ngàng, vì vào thời đó họ đã có trong tay các sách Tin Mừng khác. Các sách này đều kể chuyện các phụ nữ đã đi gặp các môn đệ, chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các bà trước tiên; rồi sau đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ và sai các ông đi loan báo Tin Mừng (Mt 28,19-20; Lc 24, 46-48; Ga 20, 21). Để giải quyết khó khăn do phần kết của sách Tin Mừng Máccô đặt ra, một tác giả được ơn linh hứng đã viết thêm phần phụ lục (Mc 16, 9-20), dựa trên các sách Tin Mừng khác và sách Công vụ Tông đồ. Năm 1546, phần này đã được Công đồng Trentô nhìn nhận là Lời Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ. Đức Giêsu phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Maria Mácđala. Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc, nhưng họ không tin (cc. 9-11). Lần thứ hai, Đức Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê. Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin (cc. 12-13). Lần thứ ba, Đức Giêsu đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một. Ngài khiển trách họ về tội không tin những kẻ đã thấy Ngài phục sinh (c. 14). Xem ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các môn đệ, dù họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy, dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại. Ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi. Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy. Có những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động. Nhưng Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình. Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa. Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao. “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (c. 15). Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay. Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác. Thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn... Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã, vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này. Chỉ mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu, để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa phục sinh, vì Chúa đã phục sinh nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ. Vì Chúa đã phục sinh nên con được tự do bay cao, không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối, sợ thất bại, sợ khổ đau, sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở. Vì Chúa đã phục sinh nên con hiểu cái liều của người kitô hữu là cái liều chín chắn và có cơ sở. Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong. Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác. Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo. Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi mang một sức thu hút mãnh liệt khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời: nhìn tất cả từ trên cao để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo. Sự Phục Sinh của Chúa giúp con dám sống tận tình hơn với Chúa và với mọi người. Và con hiểu mình chẳng mất gì, nhưng lại được tất cả. Amen.
Tin không dễ. Các môn đệ không tin dù những người mắt thấy tai nghe kể lại. Các thượng tế thấy người què được chữa lành, vẫn không tin. Tại sao? Vì 4 lý do:
Trước hết, tin song hành với yêu. Ta tin người mình yêu. Và ta yêu người mình tin. Ma-đa-lê-na đứng đầu những người tin Chúa Phục Sinh. Vì bà đã yêu nhiều. Vì bà được tha nhiều. Thánh Phê-rô cũng đứng đầu danh sách các môn đệ đã tin. Ngài cũng được tha nhiều. Nên ngài đã yêu nhiều.
Vì thế, tin không đi với trí tuệ. Các thầy tư tế và các nhà thông luật, dù thông thạo Kinh Thánh, nhưng vẫn không tin. Dù người què bẩm sinh được khỏi đang đứng sờ sờ trước mắt các ông. Cho thấy tin không phải là thái độ của trí tuệ, nhưng là thái độ của trái tim. Phê-rô và Gio-an bị coi là những người thất học. Nhưng có đức tin lớn lao. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có lý khi quả quyết: Đức tin không đi vào tâm hồn qua trí tuệ của những nhà thông thái, nhưng qua trái tim của những người bình dân.
Nhưng còn một lý do nữa khó khăn hơn: tin là một hành vi dấn thân. Tin Chúa phải từ bỏ tất cả. Có lẽ vì thế mà giới tư tế ngần ngại. Nếu tin theo Chúa họ sẽ mất tất cả. Sẽ phải từ bỏ quan điểm. Sẽ mất quyền lực. Mất địa vị.
Mấy ai được như thánh Phao-lô dám từ bỏ tất cả để được Chúa Ki-tô. Từ bỏ tất cả mớ kiến thức thông kim bác cổ, để chỉ biết Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh. Từ bỏ hết đặc quyền đặc lợi của một người thuộc tầng lớp Biệt phái, thuộc công dân La mã, để trở thành một Ki-tô hữu nghèo khổ, bị khinh miệt, bị săn đuổi, bị bắt bớ, bị giam cầm và sau cùng bị xử tử.
Thánh Phê-rô vì tin mà chấp nhận tất cả. Chịu hạch hỏi. Chịu giam cầm. Chịu đánh đòn. Chịu chết khổ hình. Chỉ giữ niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh. Và ngài vui mừng vì được chịu khổ vì Chúa.
Như thế, tin là một lựa chọn quyết liệt: Hoặc Thiên Chúa hoặc loài người. Hôm nay trước mặt Thượng hội đồng, thánh Phê-rô đã không ngần ngại tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người”.
Như thế tin là một cuộc phiêu lưu. Thoát khỏi thế giới hữu hình đi vào thế giới vô hình. Vượt qua danh lợi trước mắt của trần gian để đạt tới vinh quang Nước Trời. Siêu thoát quyền lực trần gian để vâng phục Chúa Phục Sinh. Liều mất tất cả ở đời.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas "Phúc cho những ai không thấy mà tin" không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ. Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao? Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh. Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta tiếp rước trong Thánh Lễ mỗi ngày biến chúng ta thành những chứng nhân sống động của Ngài trước mặt mọi người.
Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỉ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống vời Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. (Mc. 16, 9-11)
Sự phục sinh của Đức Kitô là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Thánh Phao-lô đã quả quyết với chúng ta: Nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của anh em ra vô ích, rỗng tuếch, không mục đích, vô giá trị, vô dụng, vì anh em vẫn ở trong tình trạng như cũ.
Chúng ta tuyên dương sự phục sinh của Đức Giêsu vào sáng ngày lễ vượt qua. Nhưng tự đáy lòng, sự khó tin vẫn không bao giờ đẩy xa khỏi chúng ta được. Chúng ta không bao giờ thấy Đấng phục sinh, không biết bóng dáng hình hài Người thế nào. Và chúng ta thường nghĩ rằng nếu chúng ta được may mắn như các tông đồ, thì đức tin của chúng ta sẽ không bao giờ lay chuyển, dù gặp bất cứ thử thách nào.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý đến Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng đức tin giả thiết đó có nồng nàn bốc cháy như đức tin của các tông đồ. Thánh Mác-cô đã ba lần nhấn mạnh: “Nhưng họ vẫn không tin”, “và các ông vẫn không tin hai người này”, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.
Tin Đức Giêsu phục sinh đòi hỏi một điều khác nữa cần thiết hơn điều tai nghe mắt thấy. Đó là cảm nghiệm được sự sống lại và được giải thoát. Điều đó đòi hỏi sống cảm nghiệm tích cực, không giới hạn và cởi mở vô cùng.
Tóm lại, đức tin vào Đức Giêsu phục sinh chỉ phát sinh từ lòng trông cậy riêng đối với tôi, riêng đối với mỗi người. Trông cậy có thể được sống lại cho chính bản thân chúng ta trong sự hợp nhất với Người và duy trì được sự hiện diện sâu xa với Người ngay ở đời này.
Chúng ta cần phải bắt đầu thực hiện ngay với sự kiện phục sinh của Đức Kitô khi chúng ta cảm nghiệm được ý nghĩa và tầm quan trọng của mầu nhiệm này. Lúc đó trong ta mới vọt lên sức sống cuồng nhiệt trọn vẹn, một sức sống tràn trề hy vọng đời sống đổi mới chứ không bị hủy diệt.
Chính lúc đó chúng ta sẽ hiểu được tầm quan trọng của sứ điệp phục sinh đối với đời chúng ta, làm cho chúng ta say mê rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật.
(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
Trong cuộc triển lãm hội chợ về hoa tại thành phố Luân Ðôn, điều bất ngờ xảy ra trong nhóm người say mê cây cảnh: giải nhất đã về tay một cô gái trẻ. Người ta lại càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng cô gái này lại cư ngụ trong một khu phố tồi tàn chật chội nhất thành phố, được mệnh danh là "chỗ thiếu ánh sáng". Nơi đó có thể nói được rằng thiếu cả ánh sáng văn minh lẫn ánh sáng mặt trời. Chính những người lâu năm kinh nghiệm trong nghề trồng hoa kiểng cũng chẳng hiểu làm sao mà cô gái trồng được một chậu hoa tuyệt đẹp tại một nơi thiếu ánh sáng như thế.
Khi được phỏng vấn, cô đã thổ lộ bí quyết của mình như sau: căn nhà của cô ở chỉ có một vùng ánh sáng, nếu mặt trời di chuyển từ đông sang tây thì vùng ánh sáng cũng chạy từ tây sang đông. Cứ thế, suốt ngày chậu hoa của cô phải di chuyển từ góc này đến góc kia cho tới ngày nó được hưởng trọn phần ánh sáng như hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Nhìn lại bài đọc Tin Mừng hôm nay và các tường thuật về những lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại sẽ cho chúng ta một điểm đáng lưu ý này là: sau khi sống lại, Ngài không tức khắc đi tìm nhóm môn đệ đang tụ họp và cầu nguyện, nhưng Ngài chỉ hiện ra với từng cá nhân hoặc nhóm nhỏ, rồi cho họ sứ mạng truyền đạt tin vui đến với nhóm mười một tông đồ.
Khi hiện ra với toàn thể các môn đệ, Ngài lại khiển trách họ: "Tại sao lại cứng lòng tin?" Chúng ta có thể xem điều trên đây như một mô tả niềm tin của mỗi người. Hơn nữa, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh đến với chúng ta tùy theo mỗi thời điểm và mỗi khung cảnh của cuộc sống. Ánh sáng của Ngài buộc chúng ta phải biết cố gắng tìm kiếm để được nhận lãnh.
Nói như thánh Augustinô: "Chúa dựng nên con, không cần có con cộng tác. Nhưng Chúa không thể cứu chuộc con, nếu không có con cộng tác". "Có con" không có nghĩa là con hiện diện ở đó như một tảng đá quanh năm tiếp thu ánh sáng, nhưng chẳng sử dụng ánh sáng để rồi chịu cảnh vỡ nát của thời gian. Sự hiện diện của con phải là sự hiện diện của một bông hoa luôn hướng về ánh sáng mặt trời. Vì ánh sáng mặt trời là nguồn sức sống cho cây, đồng thời cũng là dịp cho hoa vươn mình khoe sắc.
Vì thế, ánh sáng vui mừng của Ðức Kitô Phục Sinh trước hết là một đáp ứng cho một tâm hồn tha thiết tìm kiếm Ngài. Maria Madalena và các phụ nữ đến mồ từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, họ đã được Ngài hiện ra trước hết, dù rằng họ chẳng chiếm giữ một vai trò quan trọng nào trong việc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ðức Kitô Phục Sinh cũng vẫn luôn quan tâm đến tất cả. Ngài chẳng muốn cho một kẻ nào phải hư mất.
Hai môn đệ tuyệt vọng trên đường Emmau được Ngài đồng hành nâng đỡ. Cả đến sự đòi hỏi gần như thách thức của thánh Tôma cũng được Ngài sẵn sàng đáp ứng. Ngài hiện diện để trao đổi niềm tin yếu kém: "Tại sao lại không tin?" "Hỡi những kẻ yếu lòng tin". Ðó là những lời kêu mời giác ngộ chân lý: "Hãy nhận biết Ngài và hãy tin tưởng vào Ngài".
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ biết khám phá ra sự hiện diện của một Thiên Chúa mà phần đông chúng ta tưởng Ngài đã chết. Ngài vẫn luôn hiện diện với ta dù rằng nhiều lúc con người như hoàn toàn chìm trong bóng tối. Ánh sáng của Ngài vẫn dọi chiếu, nhưng theo một góc độ nào đó buộc chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn.
Tại nhiều công ty, xí nghiệp, cuối năm, người ta hay có buổi tổng kết để rút ưu - khuyết điểm cho năm tới.
Hôm nay, tác giả Máccô cũng trình thuật một bài tổng hợp các lần hiện ra của Đức Giêsu với cá nhân; tập thể; với phụ nữ và đàn ông, cũng như diễn biến tâm trạng của từng lần... Cuối cùng là lệnh truyền sai đi để loan báo Tin Mừng mà các ông đã chứng kiến và tin: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”.
“Hãy đi”: đây chính là mệnh lệnh chứ không phải là lời khuyên. Lệnh truyền này được khởi đi sau khi Chúa đã phục sinh. Điều này cho thấy: Tin Mừng và niềm vui phục sinh phải là đích đến của người tông đồ.
“Loan báo Tin Mừng”: khi loan báo, Đức Giêsu – Kitô phải là điểm quy chiếu, là nội dung của lời rao giảng, chứ không phải là đối tượng hay tin nào khác...
“Loan báo cho mọi loài thụ tạo”, điều này muốn nói lên 3 chiều kích của sứ vụ: chiều dài tức là mọi lúc, chiều ngang là mọi nơi và chiều sâu là mọi người.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy:
Mỗi người đều được Chúa tin tưởng và yêu thương để trao phó sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài cho muôn dân.
Tuy nhiên, muốn rao giảng về Chúa cho mạnh mẽ thì người rao giảng phải là người xác tín mạnh mẽ như Maria Mácđala, hai môn đệ ở Emmau và các tông đồ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho Tin Mừng phục sinh của Chúa luôn được chúng con loan báo đến tận chân trời góc bể. Nhưng tiên vàn, xin cho cả cuộc sống chúng ta trở thành sứ điệp Phục Sinh cho mọi người. Amen.
Sứ điệp: Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Là Kitô hữu, tức là có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh em. Ai không thiết tha với việc loan báo Tin Mừng, người đó chưa thực là Kitô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày Chúa chịu chết trên Thánh giá, bầu trời hy vọng như sụp đổ trước mắt những kẻ tin theo Chúa: các tông đồ thất vọng, các môn đệ bỏ về quê làm ăn, những nguời phụ nữ đạo đức bơ vơ…, tâm hồn họ dường như đã chết. Ngược lại, Tin Mừng Phục Sinh đã làm sống lại tâm hồn của những người tin mến Chúa.
Đón nhận được tin Chúa sống lại, con thấy ai ai cũng mừng. Niềm vui đó không thể giữ cho riêng mình. Họ đã mau chóng loan Tin Mừng Phục sinh cho những người thân quen. Maria Mađalêna thấy Chúa sống lại, bà vội vã về ngay báo tin cho các tông đồ. Hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra Chúa đang sống, họ đã ngược về Giêrusalem ngay trong đêm tối để báo tin vui cho các tông đồ.
Lạy Chúa, con được mệnh danh là Kitô hữu, nhưng cuộc sống con còn buồn chán, còn bơ vơ, còn hững hờ với việc sống đạo, là vì con chưa thực tin Chúa Phục Sinh. Con chưa thiết tha với việc giới thiệu Chúa cho người khác, là vì con chưa thực sự cảm nghiệm được Chúa đã sống lại. Nếu con có Tin Mừng Phục Sinh trong lòng, con đã không thể ngồi yên khi thấy bao kẻ khác chưa tin Chúa.
Con xin Chúa mở mắt đức tin để con thấy Chúa sống lại, xin cho con cũng được sống lại thật về phần linh hồn, để dù giữa hoàn cảnh nào, giàu hoặc nghèo, mạnh khỏe hay tật nguyền…, con vẫn thấy an vui trong lòng vì con là Kitô hữu đã tin thật Chúa Phục Sinh. Và với niềm vui ấy, xin Chúa giúp con biết loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh chị con. Amen.
Ghi nhớ: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.
Số giáo dân thêm nhiều, và hầu hết các họ đạo đứng vững được trong thử thách, dù lâu ngày vắng linh mục, một phần lớn còn là nhờ hoạt động tông đồ giáo dân của một số người nhiệt thành với công cuộc của nước Chúa.
Ở Trại Mỹ (Chaimi) tỉnh Quảng Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi), cha Đắc Lộ gặp gia đình ông cụ Phaolô và bà Mônica. Tuy bị lòa cả hai mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành truyền giáo: Cụ thật là linh hồn sống động của họ đạo đó. Các ngày Chúa Nhật và lễ trọng, cụ họp giáo dân trong căn nhà, trong khu nhà cụ và cụ giảng dạy khuyên răn họ.
Cụ còn giúp cho họ tất cả mọi phương tiện cần thiết để bảo vệ đức tin họ đã được lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ lan rộng ra với tất cả những người ngoại đạo và giúp được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ có quyền trên cả ma quỷ. Những người bị quỷ ám vùng đó đều được cụ trừ quỷ (Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam).
Suy niệm
Khi gặp được Ðức Giêsu Phục Sinh, Maria ra đi loan báo cho các môn đệ nhưng họ không tin. Hai môn đệ bỏ về quê Emmaus gặp được Chúa Phục Sinh, trở về Giêrusalem báo tin, họ cũng chẳng tin. Cuối cùng, chính Ðức Giêsu hiện ra với nhóm Mười một cho các ông chứng nghiệm nhãn tiền và quở trách lòng cứng tin của họ.
Khi các môn đồ nhận được niềm tin Phục sinh của Thầy mình, họ thay đổi hẳn: Thay vì sợ hãi, yếu tin luôn trốn tránh ban đầu khi Thầy chết, họ đã mạnh mẽ dám công nhiên tuyên bố rằng thời điểm Thiên Chúa thi ân nay đã đến như Đức Giêsu đã báo trước. Họ tin rằng Đức Giêsu đã “sống lại” và “nước của Đức Chúa” đã đến. Các môn đệ cũng loan báo tin mừng Chúa sống lại cho khắp tận cùng thế giới: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32). Thánh Phêrô loan báo Đức Kitô sống lại trước toàn dân Israel (x. Cv 3,14-16) và trước Thượng hội đồng Do Thái mà không chút sợ hãi (x. Cv 4, 10), sự sống lại và Phục sinh của Thầy đã đánh chết cái sợ, cái sợ đã từng làm ông chối Thầy (x. Mt 26,69-75; Mc 14,66-72; Lc 22,56-62; Ga 18,25-27). Phaolô, người đã từng không tin và đi bắt đạo Chúa, sau lại xác tín mạnh mẽ: “Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại” (x. Rm 4,24; 8,11; 2Cr 4,14; Gl 1,1; Ep 1,20; Cl 2,12). Phaolô cũng đã tuyên xưng cùng một niềm tin Chúa Kitô Phục sinh cho dân Israel (x. Cv 13,33; 17,3) và trước Thượng hội đồng Do Thái (x. Cv 23,6), cho cả dân ngoại khắp nơi ông đến (x. Cv 17,31). Môn đệ Philipphê loan truyền tin mừng Chúa Phục sinh cho viên thái giám Êtiôpia (x. Cv 8,35).
Đức Kitô hằng sống là ý nghĩa và là cùng đích cuộc đời của họ, vì thế chỉ một nhóm nhỏ sống niềm tin Đức Kitô sống lại đã làm dậy sóng cả thế giới như Suzanne de Diétrich đã quả quyết: “Sự xác thực của Phục sinh đã xây dựng Giáo hội. Không có sự việc Phục sinh, không bao giờ có Giáo hội Kitô”. Với thánh tông đồ Phaolô: Chính niềm tin Phục sinh chi phối mọi sinh hoạt của vị tông đồ này (x. Gl 2,20; 6,14-18), và ông chỉ sống để làm chứng cho một chân lý duy nhất: Đức Kitô đã chết và đã sống lại (x. 1Cr 15; Rm 4,24-25; 6,4.9;7,4...). Cuối cùng, cũng vì niềm tin sống lại, Phaolô đã hy sinh mạng sống mình tại Rôma.
Niềm tin Phục sinh đã bén rễ sâu và được thực hiện nơi người tín hữu qua mọi thời đại bằng lời nói, bằng lòng can đảm, đôi khi bằng chính mạng sống mình. Cũng chính niềm tin đó mà thánh Stêphanô đã trở nên chứng nhân đầu tiên và trải qua nhiều thế kỷ mãi cho đến ngày nay các chứng nhân tử đạo vẫn nối tiếp làm chứng nhân cho niềm tin Phục sinh, bất chấp mọi thứ kể cả cái chết. Đó là niềm tin của Giáo hội: Đức Kitô Phục sinh và chúng ta cũng được phục sinh.
Ý lực sống: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em nữa cũng trống rỗng... và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,14.17).
1. Phần cuối của Tin Mừng thánh Marcô (cũng không do Marcô viết, và do ai đó viết thêm vào) ghi tóm lược ba cuộc hiện ra chính của Đức Giêsu sau khi sống lại:
- Đức Giêsu Phục sinh hiện ra cho bà Maria Madalena, cho hai môn đệ ở Emmau và nhóm Mười Một (Mc 16,9-14),
- Đức Giêsu Phục Sinh sai các Tông đồ đi rao giảng và hứa cho các ông được làm dấu lạ (Mc 16,15-18).
- Đức Giêsu Phục Sinh lên trời, còn các Tông đồ thì chăm lo rao giảng (Mc 16,19-20).
Đoạn Tin mừng hôm nay ghi lại những lần Chúa Phục Sinh hiện ra và sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng.
2. Các môn đệ lúc đầu đã không tin mặc dù đã nghe các phụ nữ kể lại việc Đức Giêsu hiện ra. Các ông cũng vẫn không chịu tin khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục Sinh. Phải tới lúc Chúa đến thì các ông mới tin. Xét như vậy thì chúng ta thấy đức tin không do suy luận, cũng không do có bằng chứng người ta kể lại, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban.
Theo Tin Mừng, sau khi khiển trách các môn đệ về thái độ cứng lòng tin của họ, Đức Giêsu đã củng cố lại niềm tin đó, rồi Ngài mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay còn yếu đức tin. Vì thế, phải tin rồi mới đi rao giảng. Các môn đệ đã có đức tin rồi, nên Chúa tin tưởng trao trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Chúa để loan báo lại cho những người khác.
3. Ở đây, chúng ta thấy cách Đức Giêsu hành động: Ngài sai người được Ngài hiện ra đem Tin Mừng Phục sinh đến cho người khác. Những thế hệ Kitô đến sau chắc chắn không thể nhìn thấy trực tiếp Đức Giêsu, nhưng phải qua trung gian của các Tông đồ là những người đã được nhìn thấy Chúa. Đó là hoàn cảnh của mọi Kitô hữu hôm nay: tin Chúa nhờ lời chứng của những người đã được củng cố trong niềm tin. Chính Đức Giêsu đã nhìn thấy điều ấy, do đó trong lần hiện ra cho các Tông đồ như được kể lại nơi Tin Mừng Gioan, Ngài đã nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
4. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Đấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Đấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ (Mồi ngày một tin vui).
5. Tin vào Chúa Phục Sinh không phải tin rồi ngồi đó, mà phải đem Tin Mừng ấy đến cho tha nhân, như bài Tin Mừng hôm nay nói đến điều đó. Sau khi hiện ra với các môn đệ. Đức Giêsu bảo các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Khi các Tông đồ nhận được niềm vui phục sinh của Thầy mình, họ thay đổi hẳn thái độ. Thay vì sợ hãi, yếu tin luôn trốn tránh ban đầu khi Thầy chết, họ đã mạnh mẽ dám công nhiên tuyên bố rằng thời điểm Thiên Chúa thi ân nay đã đến như Đức Giêsu đã báo trước. Họ tin rằng Đức Giêsu đã “sống lại” và “Nước của Thiên Chúa “ đã đến.
Niềm vui Phục Sinh cần được diễn tả bằng đời sống chứng nhân, ánh sáng Phục Sinh phải được chiếu tỏa ra cho môn dân. Ánh sáng tự nó phải phản chiếu – không có niềm vui Phục sinh thật nếu không ra đi loan báo Tin Mừng.
6. Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Đấng Phục sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo hội lặp lại cử chỉ trao ban của Đức Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Đấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo hội và của các Kitô hữu. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một Thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Đấng Phục Sinh.
7. Truyện: Giáo hội cần Tông đồ giáo dân.
Số giáo dân thêm nhiều, và hầu hết các họ đạo đứng vững được trong thử thách, dù lâu ngày vắng Linh mục, một phần lớn còn là nhờ hoạt động tông đồ giáo dân của một số người nhiệt thành với công cuộc của Nước Chúa.
Ở Trại Mỹ (Chaimi) tỉnh Quảng Ngãi, cha Đắc Lộ gặp gia đình ông cụ Phaolô và bà Monica. Tuy bị lòa cả hai mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành truyền giáo. Cụ thật là linh hôn sống động của họ đạo đó. Các ngày chủ nhật và lễ trọng, cụ họp giáo dân trong căn nhà, trong khu nhà cụ và cụ giảng dạy khuyên răn họ.
Cụ còn giúp cho họ tất cả phương tiện cần thiết để bảo vệ đức tin họ đã lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ lan rộng ra với tất cả những người ngoại đạo và giúp được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ quyền trên cả ma quỉ. Những người bị quỉ ám vùng đó đều được cụ trừ quỉ (Lm Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam).
Phần cuối của Tin Mừng Máccô (cũng không do Máccô viết mà do ai đó viết thêm vào) ghi tóm lược 3 cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sau khi sống lại:
Hiện ra cho Maria Mađalêna. Hiện ra cho hai môn đệ trên đường về Emmau. Hiện ra cho mười một tông đồ. Đoạn Tin Mừng này nhấn mạnh:
Thái độ không tin của các tông đồ (Không tin lời của Maria Mađalêna, cũng không in lời của hai môn đệ Emmau).
Chúa Giêsu khiển trách thái độ không tin ấy. Sau khi làm cho các ông tin, Chúa Giêsu sai các ông “đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”. B. Suy Niệm (...nẩy mầm)
1. Sau khi khiển trách các môn đệ đã cứng lòng tin, rồi củng cố lại lòng tin đó, Chúa Giêsu mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay đức tin còn yếu. Vì thế phải tin rồi mới đi rao giảng.
2. Các môn đệ đã không tin mặc dù nghe các phụ nữ kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra cho các bà. Các ông vẫn không tin khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục sinh. Chỉ mãi đến lúc Chúa đến thì các ông mới tin. Đức tin không do suy luận, không do có bằng chứng, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban. Con cám ơn Chúa đã ban đức tin cho con. Con xin Chúa giữ gìn và củng cố đức tin của con.
3. Có một bà nổi tiếng là đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc.
Bà hỏi:
- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là một người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
4. “Sau khi sống lại được Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mađêlêna… Bà đi báo tin cho những kẻ từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc”.
Tôi là Maria Mađêlêna, mọi người sỉ vả, chê bai tôi, không ai dám đụng đến tôi vì sợ bị ô uế và lây nhiễm tội lỗi. Mọi cặp mắt khinh miệt đều hướng về tôi. vậy mà khi gặp Ngài, Ngài nhìn tôi với đôi mắt trìu mến và đầy tình thương. Tôi không thể nào quên đôi mắt ấy, đôi mắt kéo tôi ra khỏi vũng lầy tội lỗi. Từ giây phút đó, tôi bước đi theo Ngài, cùng với Ngài rảo qua khắp làng mạc, thành phố để rao giảng Tin Mừng.
Rồi Ngài bị bắt, bị đem giết. Tôi bối rối sợ hãi và tuyệt vọng. Các môn đệ của Ngài cũng đã bỏ chạy. Nhưng Ngài vẫn chưa được yên cả đến xác Ngài cũng bị đánh cắp khi tôi ra viếng mồ sau khi Ngài chết vài ngày. Ôi cuộc đời của Ngài như thế này sao? Vậy là chấm dứt, chấm dứt tất cả!
Trong cơn tuyệt vọng, Ngài gọi tôi “Maria”. Vâng chính là Ngài. Không phải là cái xác tôi đang tìm mà là một Đức Giêsu đang sống, sống thực sự. Nhiệm vụ của tôi là bây giờ phải đi loan báo tin mừng này cho tất cả mọi người. Tôi không có quyền giữ lại niềm vui và hạnh phúc cho riêng mình. Chúa muốn mọi người cũng được hạnh phúc như tôi, được chia sẻ niềm hạnh phúc này.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại, xin Phục sinh tâm hồn con và cho con biết đem niềm vui Phục sinh đến cho mọi người. (Epphata).
1. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là phần cuối của Tin Mừng Marcô. Đoạn này có lẽ không phải do Marcô viết mà do một người nào đó viết thêm vào. Đây là một bản tóm lược 3 cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại:
Chúa hiện ra cho Maria Mađalêna. Chúa hiện ra cho hai môn đệ đi đàng Emmau. Và Chúa hiện ra cho mười một tông đồ. Đoạn Tin Mừng này nhấn mạnh:
- Thái độ không tin của các tông đồ: Không tin lời của Maria Mađalêna, cũng không tin lời của hai môn đệ Emmau.
- Chúa Giêsu khiển trách thái độ không tin ấy.
- Sau khi làm cho các ông tin, Chúa Giêsu sai các ông “đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”(Mc 16,15).
2. Các môn đệ lúc đầu đã không tin mặc dù đã nghe các phụ nữ kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra. Các ông cũng vẫn không chịu tin khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục Sinh. Phải đợi tới lúc Chúa đến thì các ông ấy mới tin. Xét như vậy thì chúng ta thấy đức tin không do suy luận, cũng không do có bằng chứng người ta kể lại, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban.
Sau khi khiển trách các môn đệ về thái độ cứng lòng tin của họ, Chúa Giêsu đã củng cố lại lòng tin đó, rồi Ngài mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay còn yếu đức tin. Vì thế, phải tin rồi mới đi rao giảng. Các môn đệ đã có đức tin rồi, nên Chúa tin tưởng trao phó trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Chúa để họ loan báo lại cho những người khác.
Có một câu chuyện ngụ ngôn rất hay về vấn đề này. Chuyện kể rằng, sau khi chịu nạn chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã Phục Sinh trở về Thiên Đàng trong uy nghi hiển vinh. Dầu đã được vinh quang nhưng tay chân Ngài vẫn còn mang thương tích. Các thiên sứ hân hoan đón chào Chúa. Quang cảnh đang nhộn nhịp vui tươi thì bỗng có một thiên sứ đặt vấn đề:
- Chắc là Chúa đã phải chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó?
Chúa Giêsu đáp:
- Đúng vậy!
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Có phải tất cả mọi người đều đã biết những gì Chúa làm cho họ không?
Chúa Giêsu trả lời:
- Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Thế thì Chúa làm gì để giúp cho mọi người được biết?
Chúa Giêsu đáp:
- Ta đã trao Phêrô, Giacôbê, Gioan và các đồ đệ của ta trách nhiệm đi nói với những người khác, rồi những người khác lại nói cho những người khác nữa, rồi cho những người này lại nói cho những người kia, cho đến lúc những người ở nơi xa xôi nhất trên địa cầu cũng đều được nghe.
Thiên sứ nhìn Chúa với vẻ nghi ngờ. Vị này đã quá hiểu rõ lòng dạ con người như thế nào, nên nói tiếp:
- Vâng, nhưng nếu như Phêrô, Giacôbê, Gioan và các môn đệ của Chúa quên đi thì sao? Hoặc nếu họ mệt mỏi không còn tha thiết gì đến việc loan báo nữa thì sao? Hay như những người ở thế kỷ 20 này không chịu thực hiện trọng trách việc thuật lại câu chuyện tình yêu của Chúa cho những người khác nữa thì sao? Liệu Ngài có lập một chương trình nào khác không?
Chúa Giêsu trả lời:
- Không! Ta không sắp đặt một chương trình nào khác. Ta đặt tin tưởng nơi họ.
Chúa vẫn tin tưởng nơi những ai tin ở Chúa.
3. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người. Việc này phải được coi là một bổn phận khi chúng ta được Chúa thương nhận chúng ta làm con của Chúa qua Bí Rửa Tội.
Nhà văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại trong một câu chuyện ngắn một cuộc thoại của ba người khách bộ hành như sau:
Mệt mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối. Bên cạnh dòng suối trong mát, mỗi người cảm thấy sảng khoái và hứng khởi nên họ nói lên cảm tưởng của mình về lợi ích của nó.
Người thứ nhất lên tiếng: “Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, mà còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau”.
Người bộ hành thứ hai góp ý: “Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi rằng: “Hỡi loài người, hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn”.
Sau một phút trầm ngâm, người bộ hành thứ ba mới thốt lên: “Những gì các bạn vừa phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa tôi muốn chia sẻ với các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp trả nào... mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại, xin phục sinh tâm hồn con để chúng con đem niềm vui Phục Sinh đến cho mọi người. (Epphata).
Thánh sử Máccô có nói đến những lần Chúa hiện ra với các tông đồ sau khi Chúa sống lại. Chúa hiện ra để Chúa an ủi, nâng đỡ, dạy dỗ, chỉ bảo, hướng dẫn các ngài, đôi khi Chúa cũng khiển trách về lòng tin của các ngài nữa, vì dường như lòng trí các ngài vẫn còn mê muội nhiều quá: “Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại” (Mc 16, 9 – 14). Phải nói rằng Chúa rất kiên trì và rất nhẫn nại với các tông đồ của Chúa trong việc hướng dẫn đức tin, để các ngài không mất đức tin qua việc khủng hoảng quá lớn trên con đường theo Chúa. Theo Chúa mà bây giờ dường như mất hết mọi sự, bản thân thì phải trốn chui trốn nhủi những người biệt phái, luật sỹ, kỳ lão, trưởng tế, vì sợ họ sẽ bắt và giết chết bản thân như đã bắt và giết thầy của mình. Đây là đêm tối của cuộc đời các ngài trong hiện tại, còn tương lai thì mịt mù không thấy lối đi. Giả sử nếu có thấy thì chỉ thấy toàn là những chướng ngại vật giăng mắc, nằm ngổn ngang cản lối thì lại càng làm cho thêm rắc rối, thất vọng hơn nữa mà thôi. Thế nhưng, nhờ Chúa đã thương yêu và giúp đỡ các ngài cho đến cùng, Chúa không bỏ rơi các ngài giữa chừng, cho nên Chúa thường hiện ra, cho dù các ngài đang ở nơi đâu, cho dù các ngài đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Những lần như thế, Chúa lấy Lời Chúa để dạy dỗ, củng cố đức tin cho các ngài và cuối cùng là dẫn các ngài đến với bàn tiệc bữa ăn Thánh Thể Chúa để rồi các ngài đã vượt qua các thử thách đó và vững tin vào Chúa.
Một khi các ngài vững tin vào Chúa, Chúa lại trao ban cho các ngài sứ mạng cao cả là làm chứng cho Chúa: “Rồi Người nói: Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài” (Mc 16, 15). Như vậy, tuy các ngài yếu đuối, chẳng xứng đáng để Chúa trao ban cho sứ mạng cao quý mà Chúa đã lãnh nhận nơi Chúa Cha, nhưng vì Chúa yêu thương các ngài, tạo cho các ngài có cơ hội lập công phúc, có cơ hội cộng tác với Chúa, có cơ hội được hạnh phúc, vinh dự giữa muôn tạo vật trên trần gian này, để rồi chúng ta thấy Chúa muốn các tông đồ cũng như chúng ta ngày hôm nay luôn ở với Chúa để Chúa cũng luôn chia sẻ trách nhiệm của Chúa cho chúng ta trong việc xây dựng Nước Chúa dù trong hiện tại hay trong tương lai, để chúng ta có ý thức trách nhiệm, cố gắng cộng tác với ơn Chúa ban mà sống tốt hơn, hoàn thiện bản thân theo ý Chúa muốn hơn. Như vậy, khi Chúa trao ban sứ mạng này, Chúa tin tưởng các tông đồ, Chúa biết các ngài sẽ làm được nếu cố gắng công tác với ơn Chúa ban, chứ sứ mạng này không vượt quá khả năng của các ngài, khiến cho các ngài không thực hiện được. Thực tế hai ngàn năm qua đã minh chứng điều đó, Giáo Hội chúng ta đang lan rộng khắp nơi trên thế giới này.
Lạy Chúa là Đấng sống lại từ cõi chết, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương chúng con trong lúc chúng con là tội lỗi, bất xứng, nhưng Chúa đã chịu chết, sống lại và trở thành Đấng Cứu Độ chúng con. Chúng con xin Chúa trở nên sức mạnh, dũng lực để chúng con ra đi loan truyền sự phục sinh của Chúa, và giúp mọi người tin vào Chúa và nỗ lực xây dựng thế giới này, cuộc sống này thành trời mới đất mới, nơi Thiên Chúa ngự trị trong mọi tâm hồn, và mọi người sống chan hòa yêu thương nhau như anh em một nhà, con một Cha trên trời. Amen.