Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi ABC Bài 201-250 Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi Vị

Thứ hai - 21/05/2018 10:02
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi ABC Bài 201-250 Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi Vị
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi ABC Bài 201-250 Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi Vị
Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi ABC Bài 201-250: Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị
------------------------------------------
Năm A:
Phúc Âm: Ga 3, 16-18 "Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian, nhờ Người mà được cứu độ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa". - Ðó là lời Chúa.

Năm B:
Phúc Âm: Mt 28, 16-20 “Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. - Ðó là lời Chúa.

Năm C:
Phúc Âm: Ga 16, 12-15: "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con". - Ðó là lời Chúa.
--------------------------
BaNgôi ABC201: HI VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN.. 2
BaNgôi ABC202: Lễ Chúa Ba Ngôi 7
BaNgôi ABC203: Chúa Nhật Lễ Kính Ba Ngôi Thiên Chúa. 11
BaNgôi ABC204: Chúa Nhật Kính Thiên Chúa Ba Ngôi 13
BaNgôi ABC205: LỄ CHÚA BA NGÔI 15
BaNgôi ABC206: LỄ CHÚA BA NGÔI 18
BaNgôi ABC207: Lễ Chúa Ba Ngôi C.. 22
BaNgôi ABC208: Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi 24
BaNgôi ABC209: Ba Ngôi Thiên Chúa Cộng Đồng Tình Yêu. 25
BaNgôi ABC210: Nét văn hoá ẩn mật trong dòng máu Việt 29
BaNgôi ABC211. Thành Phố Lè Phè "Big Easy" New Orleans. 34
BaNgôi ABC212. CÁNH ĐỒNG LÚA CHÍN.. 39
BaNgôi ABC213. NHẬN RA THIÊN CHÚA BA NGÔI 43
BaNgôi ABC214. Mầu Nhiệm Tình Yêu Hợp Nhất 45
BaNgôi ABC215. ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA.. 47
BaNgôi ABC216. Tận Thâm Cung của Thiên Chúa. 49
BaNgôi ABC217. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 53
BaNgôi ABC218. HÃY YÊU ĐI RỒI SẼ BIẾT SỰ THẬT.. 55
BaNgôi ABC219. ON BÌNH AN.. 57
BaNgôi ABC220. Mặt trời ban sự sống. 60
BaNgôi ABC221. Con búp bê và biển cả. 62
BaNgôi ABC222. CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI 64
BaNgôi ABC223. CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI 66
BaNgôi ABC224. SỰ HIỆN DIỆN CỦA NGƯỜI VẮNG MẶT.. 67
BaNgôi ABC225. LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI 69
BaNgôi ABC226. YÊU THƯƠNG VÀ HIỆP NHẤT NHƯ BA NGÔI THIÊN CHÚA.. 71
BaNgôi ABC227. HIEP THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA BA NGÔI 74
BaNgôi ABC228. LỄ CHÚA BA NGÔI 79
BaNgôi ABC229. CHÚA NHẬT BA NGÔI 82
BaNgôi ABC230. BA NGÔI HIỆP NHẤT.. 84
BaNgôi ABC231. NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN.. 85
BaNgôi ABC232. Làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi 87
BaNgôi ABC233. MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI 89
BaNgôi ABC234  LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI, NĂM B.. 95
BaNgôi ABC235. Lễ Chúa Ba Ngôi 97
BaNgôi ABC236. BA NGÔI HIỆP NHẤT.. 101
BaNgôi ABC237. CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI 103
BaNgôi ABC238. Chúa Ba Ngôi. 106
BaNgôi ABC239. Một Thiên Chúa – Lm. Giuse Trần Việt Hùng. 108
BaNgôi ABC240. Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. 110
BaNgôi ABC241. Tình Liên Đới Trong Ba Ngôi Thiên Chúa. 112
BaNgôi ABC242. Chúa Ba Ngôi 114
BaNgôi ABC243. TÌNH YÊU BA NGÔI 116
BaNgôi ABC244. XÂY DỰNG GIA ĐÌNH TÍN HỮU.. 120
BaNgôi ABC245. Isaac Newton. 122
BaNgôi ABC246. TÌNH YÊU LUÔN LÀ HY SINH.. 123
BaNgôi ABC247. KHÔNG CÒN HAI, NHƯNG ĐÃ LÀ MỘT.. 125
BaNgôi ABC248. ĐỀN THỜ BA NGÔI THIÊN CHÚA.. 127
BaNgôi ABC249. HIỂU GIỚI TÍNH QUA MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI 130
BaNgôi ABC250. LỄ CHÚA BA NGÔI 133

---------------------------
 

BaNgôi ABC201: HI VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN


Chúa Nhật C Ba Ngôi

 

Hi vọng là động lực sống.   Hướng sống và niềm vui sẽ mất đi, nếu không còn niềm hi vọng: BaNgôi ABC201


Hi vọng là động lực sống.   Hướng sống và niềm vui sẽ mất đi, nếu không còn niềm hi vọng.  Nhưng làm cách nào nuôi niềm hi vọng trong tâm hồn ?   Đó là bí quyết của Thánh Linh.  Chỉ niềm tin nào đem lại hi vọng, mới có giá trị và tồn tại.

NGUỒN HI VỌNG.

Cuộc sống luôn có những biến động.  Niềm hi vọng luôn bị đe dọa khi gặp những khó khăn.  Nhưng không phải bất cứ ai gặp khó khăn đều đánh mất niềm hi vọng.  Niềm hi vọng cũng huyền nhiệm như niềm tin Kitô giáo.  Đó là lý do tại sao phải tìm hiểu niềm hi vọng do Ba Ngôi Thiên Chúa đã dành cho chúng ta !

Trước hết, chỉ có Thiên Chúa mới đem lại và bảo đảm niềm hi vọng cho chúng ta.  Vì niềm hi vọng bắt nguồn từ Thánh Linh.   Quả thế, “chúng ta không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5:5)   Tình yêu Thiên Chúa là nguồn hi vọng, vì chính trong tình yêu, Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu độ.   Không có tình yêu, chẳng có một giá trị nào hiện hữu và tồn tại.   Bởi vậy, Thiên Chúa đã đặt nền tảng niềm hi vọng trên tình yêu tức là Thánh Linh.   Chẳng có gì tạo nổi niềm hi vọng ngoài tình yêu Thiên Chúa !   Thiên Chúa yêu thương chúng ta mãnh liệt và sâu đậm, nên niềm hi vọng của chúng ta chắc chắn phải lớn lao và bền vững hơn bất cứ thực tại nào trên trần gian. 

Nhưng tình yêu chưa đủ !  Thiên Chúa muốn niềm hi vọng phải đặt vào đúng chỗ.  Mù quáng chỉ dẫn tới ảo tưỡng và sụp đổ.   Cần phải có sự thật nữa.  Bởi thế, Đức Giêsu mới hứa: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16:13)   Sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người !   Không thấy được sự thật toàn vẹn, con người không thể được giải thoát.   Không được giải thoát, không có tình yêu và niềm hi vọng đích thực.  Thánh Linh đưa các môn đệ vào sự thật toàn vẹn của tình yêu Thiên Chúa.  Tình yêu Thiên Chúa vô cùng mãnh liệt và cao cả khiến các môn đệ không thể hiểu nổi.  Quả thực, nếu không có Thánh Linh soi sáng, làm sao nhận ra ơn cứu độ lớn lao nơi cái chết và phục sinh của Đức Kitô ? 

Thần Khí chính là sự khôn ngoan, “một sự khôn ngoan soi sáng cho thấy ý nghĩa thực tại.” (Faley 1994:387)    Thánh Linh “luôn hiện diện với Thiên Chúa trong toàn thể tiến trình tạo dựng.” (Faley 1994:384)   Người luôn hoạt động để tạo dựng một vũ trụ có trật tự.   Cuộc tạo dựng không chỉ xảy ra trong vũ trụ, nhưng cả trong Giáo hội nữa. Thần khí không chỉ hoạt động trong thời gian viết Thánh Kinh ! Nhưng Người còn hoạt động trong Giáo hội qua dòng thời gian nữa !    Muốn bảo vệ sự thật toàn vẹn, Người phải làm việc trong trật tự.   Cứ nhìn vũ trụ sẽ thấy công việc Thánh Linh làm trong Giáo hội, không thể theo ngẫu hứng hay tình cảm cá nhân ! 

Hơn nữa, Thánh linh còn đưa các môn đệ vào sự thật toàn vẹn về con người.  Mục đích cuối cùng của mạc khải là giao hòa con người với Thiên Chúa và anh em.   Nhưng làm sao giao hòa với Thiên Chúa và anh em, nếu con người không biết hết sự thật về chính mình và những tương quan vô cùng phong phú của mình ?   Không có gì khó bằng khám phá chính mình.  Nhưng Thánh Linh sẽ giúp con người nhận ra sự thật khó khăn đó.   Khi biết rõ chính mình, con người sẽ khiêm tốn hơn và hạnh phúc hơn.   Khi biết rõ tương quan sâu xa giữa mình và Thiên Chúa cũng như tha nhân, con người sẽ thấy mình phải cố gắng tới mức nào.  Vì chính trong tương quan này, con người sẽ tìm được hạnh phúc tròn đầy.   Chỉ trong tương quan với anh em, con người mới trở nên hình ảnh Thiên Chúa đích thực.  Vì tự bản chất, Thiên Chúa là một tương quan.  Nếu không, đã chẳng có Ba Ngôi trong một Thiên Chúa.   Trong các tương quan phản ánh tình yêu Thiên Chúa nhất, chúng ta phải kể đến gia đình.   Chính trong gia đình, con người cảm nghiệm được tình yêu thắm thiết của Ba Ngôi.  Càng chia sẻ sâu xa tình yêu gia đình, càng đi sâu vào huyền nhiệm Thiên Chúa.

Huyền nhiệm Thiên Chúa chính là sự thật toàn vẹn, đối tượng của niềm tin.   Bởi vậy, được đưa vào sự thật toàn vẹn là “được nên công chính nhờ đức tin,” tức là được tham dự vào đời sống Thiên Chúa.   Đời sống Thiên Chúa chan hòa bình an !   Không biết được sự thật toàn vẹn đó, cuộc sống sẽ tràn ngập đau khổ.   Trái lại, nhờ Thánh Linh, mọi vấn đề sẽ được giải quyết, kể cả vấn đề đau khổ.   Tín hữu không những không sợ đau khổ, nhưng nhờ ân sủng của Thiên Chúa, họ “còn tự hào khi gặp gian truân.” (Rm 5:3)   Tín hữu không tìm cách diệt trừ hay phủ nhận đau khổ.  Vì đau khổ dính liền với thân phận làm người.   Nhưng họ quan niệm đau khổ là một thử thách cần phải vượt qua.   Cuộc vượt qua thử thách đó không dựa vào sự thật bình thường, nhưng vào sự thật toàn vẹn do Thánh Linh mạc khải.
Càng đi sâu vào sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa và con người, càng được giải thoát.  Càng được giải thoát, càng vui tươi và bình an.  Chính Thánh Linh cảm thấy được niềm vui đó khi từ sự thật Thiên Chúa mà đến.   Người mạc khải: “Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.” (Cn 8:30-31)   Lối nhìn trần giới hoàn toàn khác hẳn.   Khôn ngoan mang bộ mặt trang trọng, chứ không thể đi đôi với “vui chơi”.   Nhưng chính niềm vui mới là dấu chỉ hi vọng lớn lao.   Đó là lý do tại sao niềm vui tràn ngập tuổi trẻ đầy hi vọng.   Hơn nữa, càng khôn ngoan càng chứng tỏ đã nắm được chân lý toàn vẹn. Càng nắm chắc chân lý toàn vẹn, càng đặt được nền tảng sâu xa cho niềm hi vọng và niềm vui. Do đó, có một tương quan sâu xa giữa niềm hi vọng và sự khôn ngoan, sự khôn ngoan bắt nguồn từ niềm tin nơi Thiên Chúa.

Đó là lý do tại sao niềm tin phát sinh hi vọng.   Chính thánh Phaolô quả quyết: “Còn chúng tôi thì nhờ Thần khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên  công chính như chúng tôi hi vọng.” (Gl 5:5)   Khi đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, con người có thể tìm được niềm hi vọng vững chắc, vì Thiên Chúa hằng hữu.  Thực vậy, “vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay ; chúng ta lại còn tự hào về niềm hi vọng được hưởng  vinh quang của Thiên Chúa.” (Rm 5:2)   Đức tin là bảo đảm cho chúng ta đạt được niềm hi vọng ngay tự đời này dù đầy những bất trắc.   Hơn nữa, đức tin còn có thể giúp con người bình an giữa cuộc đời đầy sóng gió.   Thật vậy, “chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng ; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên ; ai được công nhận là người trung kiên, thì có quyền trông cậy.” (Rm 5:3-4)  “Ngay cả những thử thách cũng góp phần giúp con người hi vọng đạt tới vinh quang, và sự chịu đựng sinh ra sức mạnh củng cố niềm hi vọng.  Đó là niềm hi vọng có nền tảng, chứ không phải chỉ là ước vọng suông.” (Faley 1994:386)   Niềm hi vọng là cao điểm qui tụ tất cả sức mạnh của người tín hữu.   Không có hi vọng, không ai còn hứng khởi để vượt qua những thử thách muôn mặt.  Khi đã vượt qua những thử thách đó, con người có thể hãnh diện và đầy hi vọng.  Nhưng sức mạnh nào đã giúp họ vượt qua thử thách, nếu không phải là Thánh Linh ?   Có vượt qua thử thách của đức tin, chúng ta mới có thể theo Đức Giêsu vào chung hưởng ân sủng Thiên Chúa.   Chính đức tin và hi vọng khiến Kitô hữu khác hẳn với mọi người.   Bình thường ai cũng run sợ trước đau thương thử thách. Nhưng người Kitô hữu như tràn đầy hứng khởi và tự hào vì được trở nên giống Đức Kitô đau khổ trong sứ mệnh cứu độ.  Quả thế, thập giá là “sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa.” (1 Cr 1:18)   Nếu không trung kiên gắn bó với thánh ý Thiên Chúa, chắc chắn Đức Giêsu đã không thể đem lại vinh quang cho Thiên Chúa. Bởi thế, ai trung kiên mới có quyền hi vọng !

Niềm hi vọng này lại trở thành mấu cứ cho niềm tin và tình yêu.   Quả thực, “lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em.” (Cl 1:5)   Lời chân lý gieo niềm hi vọng cứu độ vì phát xuất từ Thiên Chúa và do chính Thánh Linh loan báo.  Quả thế, Thần Khí “sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16:13)   Thánh Linh loan báo một tương lai vững chắc, chắc như chính “những biến cố vào giờ Chúa Giêsu vậy.” (NIB 1995:773)   Không phải Thánh Linh sẽ cho người tín hữu biết trước tương lai.  Thật vậy, theo Bultmann, “người tín hữu chỉ có thể đo lường được tầm quan trọng và họ mức chịu đựng khi thực sự đụng đầu với thực tế.  Họ có thể đoán trước tương lai trong niềm tin, chứ không biết trước về kiến thức.” (NIB 1995:773)  Nếu thế, Lời Chúa vô cùng cần thiết để củng cố lòng tin trước bất cứ thử thách bất ngờ nào.  Bởi vậy, vai trò Thánh Linh vô cùng quan trọng trong việc trao Lời Chúa cho cộng đoàn niềm tin và trong tương lai (x. NIB 1995:773)  Hoàn thành trọng trách đó, Thánh Linh sẽ đem lại vinh quang cho Chúa Cha và Chúa Con.  Thật vậy, “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16:14) Loan báo Tin Mừng vừa cứu độ muôn dân vừa vinh danh Thiên Chúa.

CHIỀU HƯỚNG MỚI

Thánh Linh đã thực sự trở thành ngôi vị không thể thiếu trong công cuộc cứu độ.  Điều kiện thực tế không cho phép các môn đệ hiểu tất cả những gì Chúa mạc khải trong một lúc.    Cái gì cũng phải đợi thời gian mới chín mùi được !  Chính Chúa đã nói rõ điều đó: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16:12)   Chúa Giêsu cũng tôn trọng trình tự thời gian.   Người cũng không thể đi trước thời gian hay giẫm chân lên Chúa Thánh Thần.   Tương lai thuộc về Thánh Linh.   Chính Thánh Linh vừa tiếp tục công cuộc mạc khải vừa ban sức mạnh và ánh sáng để các môn đệ được nâng lên mà nắm chắc nguồn hi vọng là Lời Chúa. Không thể tiên đoán Thánh Linh đi xa tới mức nào trong tương lai Giáo hội.   Công đồng Vatican II chứng tỏ Thánh Linh đã làm một cuộc “hiện xuống mới” giữa thời đại hôm nay.   Cuộc hiện xuống mới bắt đầu với cánh cửa Giáo hội mở ra thế giới.  Từ sau Vatican II, Giáo hội không còn tự cho mình ở trên và tách lìa trần gian. 

Trái lại, “Thánh Linh trong công đồng đại kết đã dẫn Giáo hội qua một tiến trình tự đánh giá sâu sắc về mình như thành phần thế giới.” (Faley 1994:388)   Từ nay, Giáo hội không còn chỉ thấy Chúa hiện diện trong Thánh Kinh, truyền thống, các nghi thức phụng vụ, “nhưng cả trong các biểu tượng và nghi thức từ các văn hóa và tôn giáo khác nữa.” (Heim 1998:14)   Nhờ Thánh Linh hướng dẫn, Giáo hội còn “tìm sự hiện diện Thiên Chúa trong hoàn cảnh của người nghèo và bị bách hại, trong các tôn giáo thế giới, và các giáo hội Kitô giáo khác.  Có một sự khôn ngoan vô hạn trong tất cả những thực tại này, một sự khôn ngoan làm giàu cho đức tin.” (Faley 1994:388)   Khi đã thoát khỏi tình trạng tự giam hãm mình trong vòng Công giáo chật hẹp, Giáo hội có nhiều ảnh hưởng và tương quan phong phú hơn.   Giáo hội đã bắt gặp nhiều cách diễn tả và cảm nghiệm khác nhau về sự thật nơi các tôn giáo khác và các anh em Tin Lành.   Thánh Linh đã đánh thức Giáo hội sau bao thế kỷ triền miên trong những giới hạn nhân gian.

Dĩ nhiên cuộc đối thoại với các tôn giáo và anh em Tin Lành không được xa rời  nguyên tắc “trung thành với Chúa Kitô và xác tín về ơn cứu độ dành cho mọi người.” (Heim 1998:26)     Phong trào đại kết đã có kinh nghiệm sâu xa về liên tôn và suy tư về “hệ thống chân lý và những khả năng hiệp nhất không dựa nhiều trền việc đồng thuận hoàn toàn về giáo lý.” (Heim 1998:13)   Đó là chiều cạnh lý thuyết cần thiết cho cuộc đối thoại.  Về mặt thực tế, không thể không nghĩ đến những nỗ lực của các nhà truyền giáo trong các thế kỷ qua.  Kinh nghiệm Alexandre de Rhodes, Nobili, Ricci cho thấy việc hội nhập văn hóa rất cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng.   Nói khác, “việc lột xác trong việc truyền giáo đòi phải đối thoại với các tôn giáo khác, hoặc ở mức độ thân thiện, giáo thuyết, hành động xã giao, hay kinh nghiệm tôn giáo.” (Heim 1998:14)   Hơn nữa, cần phải “chú ý tới tôn giáo phổ quát, thường gồm những yếu tố giao lưu văn hóa và tôn giáo đa nguyên.” (Heim 1998:14)   Chính Thánh Linh sẽ hướng dẫn Giáo hội khi mở ra chiều hướng quá sâu rộng và phong phú như thế.  Thực tế, Giáo hội vẫn tin rằng “ý thức đức tin (sensus fidei) sẽ cung cấp một nền tảng luận lý để# đánh giá về hình thức biểu tượng của hòa điệu đa nguyên này.” (Heim 1998:14)

Thánh Linh đang mở ra một mùa xuân tràn đầy hi vọng trong lòng Giáo hội, niềm hi vọng phát xuất tự và cũng phát sinh ra lòng tin và tình yêu.  Tương quan bộ ba tin cậy mến thật là huyền nhiệm, huyền nhiệm như chính Ba Ngôi Thiên Chúa.    Chính tương quan đó đã mở ra cho Giáo hội những chiều hướng mới đi vào một thế giới đang ngóng chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC202: Lễ Chúa Ba Ngôi


(Gio-an 16: 12-15)

 

Khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, ta quen thuộc với những hình ảnh Chúa Cha là Đấng tạo dựng: BaNgôi ABC202


Khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, ta quen thuộc với những hình ảnh Chúa Cha là Đấng tạo dựng, Chúa Con là Đấng cứu chuộc và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa.  Quả thực Ba Ngôi gắn liền với cuộc đời và số phận của ta.  Nhưng trong thần học của Tin Mừng Gio-an, Chúa Ba Ngôi thường được diễn tả qua mối liên hệ sống động với ta, đặc biệt trong việc Thiên Chúa tỏ ra những gì Người muốn ta tiếp nhận hoặc lắng nghe.  Thánh sử Gio-an gọi tất cả những điều Thiên Chúa muốn cho ta biết qua Chúa Giê-su là sự thật toàn vẹn.  Đoạn Tin Mừng hôm nay giúp ta suy niệm những công việc của Ba Ngôi làm để ta nhận ra được “mọi kích thước dài rộng cao sâu và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt qua sự hiểu biết” (Ep 3:18).

1)  “Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1:2)

Giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách vô biên, ta không thể tự sức mình biết được những gì về Thiên Chúa nếu chính Người không tỏ ra cho ta.  Tuy nhiên, Chúa đã nối liền khoảng cách ấy bằng cách sử dụng một số người được tuyển chọn để nói thay cho Người.  Họ là các vị ngôn sứ, chuyển đạt cho ta những điều Thiên Chúa muốn mặc khải bằng ngôn ngữ loài người.  Nhưng ngôn ngữ loài người có giới hạn, nên mặc dù Thiên Chúa đã “nhiều lần nhiều cách” (Dt 1:1) nói với con người qua các vị ngôn sứ, các vị ấy vẫn không thể diễn đạt được hết những gì Thiên Chúa muốn nói.  Kinh Thánh Cựu Ước là sưu tập những điều Thiên Chúa “phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ”, nói về những gì Thiên Chúa làm cho ta và những gì ta phải thực thi để sống xứng đáng là con cái Người.  Thế mà kết quả của những lần “nói thay Thiên Chúa” chẳng là bao.  Thiên Chúa đã thay đổi đủ kiểu đủ cách để củng cố mối quan hệ mà con người vẫn xa dần.

Chẳng lẽ Thiên Chúa phải thất bại?  Không bao giờ.  Thiên Chúa còn một cách cuối cùng, Người sử dụng cách ấy “vào thời sau hết này”.  Đó là Người dùng chính Ngôi Lời để nói với nhân loại.  Không phải nói bằng Lời uy quyền như ta thường nghe trong Cựu Ước:  “Chúa phán”, nhưng bằng lời thông thường của con người dùng để nói với nhau.  Không phải bằng Lời từ trời cao vọng xuống cõi trần, nhưng là Lời “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).  Từ đây, Thiên Chúa nói với ta bằng toàn bộ ngôn ngữ loài người, từ tiếng nói bập bẹ của trẻ thơ tới lời lẽ của người lớn, từ những cử chỉ nhỏ nhặt cho tới tất cả lối sống, để cho con người thấy thế nào là kiếp người, thế nào là một người con Thiên Chúa.  Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Lời đã trở thành những bài giảng đơn sơ dễ hiểu, nhưng chứa đựng những chân lý ngàn đời, bày tỏ những mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Nhưng đặc biệt nhất, ngôn ngữ của Chúa Giê-su là ngôn ngữ của yêu thương, diễn tả không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng những nghĩa cử đầy tình yêu, yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân đến chết trên thập giá.  Đó là tột đỉnh của ngôn ngữ Thiên Chúa muốn nói với nhân loại:  Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một.

2)  “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em”

Cả một đời Chúa Giê-su là để nói lên sự thật toàn vẹn rằng Thiên Chúa yêu thương nhân loại.  Nhưng bây giờ vào lúc Người đang đàm đạo với môn đệ trước khi chịu cuộc Thương Khó, sự thật toàn vẹn vẫn chưa được tỏ lộ.  Nó chỉ được tỏ lộ đầy đủ khi Chúa Giê-su chết trên thập giá để minh chứng Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến mức độ nào.

          Tất cả những giáo lý và mặc khải Thiên Chúa muốn dạy con người đã được trình bày qua lời giảng và lối sống của Chúa Giê-su.  Nhưng Chúa lại nói Người còn nhiều điều phải nói với môn đệ, vậy “nhiều điều” ấy là gì?  Là tất cả những gì sẽ xảy ra trong cuộc Thương Khó, cái chết, sự sống lại và vinh hiển của Người.  Tóm lại là ý nghĩa của mầu nhiệm Ki-tô, một mầu nhiệm cần phải được thấm nhập vào ta, biến đổi ta thành “dưỡng tử” của Thiên Chúa và “đồng thừa tự” với Đức Ki-tô.

          Mầu nhiệm Đức Ki-tô không chỉ là một mầu nhiệm đem ra học hỏi như một môn học thuần lý, nhưng là một mầu nhiệm thực hành để suy niệm, chiêm ngưỡng và sống, như thánh Phao-lô đã nêu gương.  “Với tôi, sống là Đức Ki-tô”, hoặc “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.  Mầu nhiệm Ki-tô là lời Thiên Chúa muốn nói với nhân loại và nhân loại có bổn phận phải lắng nghe và đón nhận, giống như “hạt giống rơi nhằm đất tốt nên sinh hoa kết quả:  hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13:8).

3)  “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”


Chúa Cha nói với ta.  Chúa Con là tất cả những điều Chúa Cha nói với ta.  Nhưng làm sao ta hiểu được những điều Chúa Cha nói, đó là vai trò của Chúa Thánh Thần.

          Chúa Cha phán dạy ba môn đệ trên núi Ta-bô-rê:  “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9:7).  Hãy vâng nghe lời Người nghĩa là nghe Người dạy dỗ, nhưng nhất là biết nhìn nhận ra sứ mệnh cứu thế của Người và tin vào Người.  Chúa Cha cũng đã nhắc nhở điều này:  “Để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3;16).  Các môn đệ đã đi theo Chúa Giê-su một thời gian khá dài.  Vậy mà các ông vẫn không nhận rõ thân thế, sự nghiệp và sứ mệnh của Người.  Các ông phải đợi tới khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, “xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.  Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2:3-4), dần dần các ông mới thấu hiểu được “nhiều điều khác” Chúa Giê-su chưa thể nói vì các ông “không có sức chịu nổi” (Ga 16:12).

          Vai trò của Chúa Thánh Thần là giúp ta hiểu Lời của Thiên Chúa, tức là tất cả những điều Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi con người Đức Ki-tô.  Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động khi linh hứng cho các tác giả viết xuống lời Chúa, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động nơi ta khi ta đọc và suy niệm lời Chúa.  Tuy nhiên, hiểu lời Chúa không chỉ bằng trí óc, mà phải hiểu bằng đời sống của ta.  “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như một người khi xây nhà đặt nền móng trên đá” (Lc 6:47-48).  Lời Chúa nếu không được Chúa Thánh Thần tác động thì cũng chỉ trơ trơ ra đó, không ích lợi gì cho ta.  Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần chỉ đưa ta “tới sự thật toàn vẹn” khi ta cộng tác với sự hướng dẫn của Người.  Tiếp nhận trong thái độ mở lòng là công việc của ta, còn làm cho Lời sinh hoa kết quả là công việc của Chúa Thánh Thần.

          Chỉ bảo dạy dỗ ta là công việc linh hoạt của Ba Ngôi Thiên Chúa, mục đích giúp ta được dần dần biến đổi thành tạo vật mới để “được sống muôn đời”.  Chúa Cha nói với ta mọi giây mọi phút trong cuộc đời, Chúa Con hiện diện với ta “mọi ngày cho đến tận thế” và Chúa Thánh Thần đang trên đường dẫn ta “tới sự thật toàn vẹn”.  Một cách đặc biệt, Thiên Chúa Ba Ngôi đang sống trong ta, nhưng liệu ta có “sống” mầu nhiệm Ba Ngôi hay không thì lại là vấn đề khác.

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

          Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm.  Vậy tôi đã tránh né không nghĩ đến vì không thể hiểu, hay vì tôi không nhận ra khía cạnh thực hành?

          Tôi có xác tín mình cần “nghe” được tất cả những gì Thiên Chúa muốn “nói” với tôi qua Chúa Ki-tô và “hiểu/sống” những điều ấy nhờ Chúa Thánh Thần không?  Toi sẽ làm gì để nghe và thực hành lời Chúa?

Cầu nguyện

          “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
          xin giúp con quên mình hoàn toàn
          để ở lại trong Chúa,
          lặng lẽ và an bình
          như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
          lạy Đấng thường hằng bất biến,
          mong sao không gì có thể khuấy động sự bình an của con,
          hay làm cho con ra khỏi Chúa;
          nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
          tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!
          Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
          xin biến hồn con thành chốn trời cao,
          thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
          nơi Chúa nghỉ ngơi.

          Ước chi
          con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
          nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
          với thái độ nhạy bén trong đức tin,
          cung kính tôn thờ
          và phó mình cho Chúa sáng tạo.”

Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 31)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi.

------------------------------

 

BaNgôi ABC203: Chúa Nhật Lễ Kính Ba Ngôi Thiên Chúa

 

Thiên niên kỷ mới đã thực sự bắt đầu. Nhưng hôm nay, nếu nhìn lại chương trình ba: BaNgôi ABC203


Thiên niên kỷ mới đã thực sự bắt đầu. Nhưng hôm nay, nếu nhìn lại chương trình ba năm chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000 do Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đề ra, năm 97 học hỏi về Chúa Giê-su là Ngôi Hai, năm 98 về Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba và năm 99 về Chúa Cha là Ngôi Thứ Nhất, chúng ta mới nhận thấy quyết định của Đức Thánh Cha là tuyệt vời, bởi vì khi chúng ta mừng kỷ niệm 2000 năm Chúa đến với trần gian, thì cũng có nghĩa là chúng ta mừng việc Chúa mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đúng vậy, qua Đức Ki-tô là Ngôi Lời hoặc Lời Thiên Chúa, chúng ta được biết về Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và về chính Ngôi Lời nữa. Nói khác đi, Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, đã nói gì với chúng ta về Đấng mà Người gọi là "Cha Thầy và cũng là Cha của anh em" và về Đấng mà Người xin "Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, và là Đấng Bảo Trợ"?

Lần giở từng trang sách Tin Mừng, chúng ta không gặp được một tiểu luận thần học nào của Chúa Giê-su về Thiên Chúa Ba Ngôi đâu. Nhưng Chúa đã giảng dạy về Thiên Chúa Ba Ngôi, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo người nghe, chỗ này một chút về Chúa Cha, chỗ kia một chút về Chúa Thánh Thần hoặc về chính Người, để rồi từ từ những ai nghe Người giảng có thể dần dần hiểu được quan hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa như thế nào, Ba Ngôi Thiên Chúa làm gì cho nhân loại, và nhân loại phải đáp trả kế hoạch cứu rỗi yêu thương của Thiên Chúa làm sao.

Vậy bài Tin Mừng hôm nay là một số những lời của Chúa Giê-su nói với các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Người nói về Chúa Cha yêu quý của Người như thế này: "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy." Nếu Chúa Giê-su nói Chúa Cha là Cha của Người thì chắc chắn Người phải là Con của Chúa Cha rồi. Mà thực như vậy, nhiều lần sách Tin Mừng cho chúng ta biết Chúa Giê-su đã nói đến quan hệ này giữa Người với Chúa Cha. Người bảo thức ăn của Người là thi hành ý Chúa Cha, điều mong muốn của Người là làm cho danh Cha được vinh hiển. Rồi nếu "mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy" thì rõ ràng là Chúa Cha và Chúa Con ngang hàng nhau, Chúa Cha là Thiên Chúa thì Chúa Con cũng là Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu nên Người không sống đơn độc, nhưng Người có đời sống cộng đồng, sống mối thông hiệp Cha-Con trong tình yêu và hiểu biết nhau, tức là trong Chúa Thánh Thần.

Nhưng Thánh Thần là Đấng nào? Chúa Giê-su nói gì về Thánh Thần? Trước hết, khi nói cho chúng ta biết về Chúa Thánh Thần là Chúa Giê-su kết thúc việc mạc khải cho nhân loại về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giê-su nói đến vai trò của "Thần Khí sự thật", bởi vì sau khi Người chết và sống lại, Thánh Thần sẽ giúp cho các môn đệ Chúa Giê-su tiếp nối công cuộc của Người, bằng cách cho họ nhớ lại tất cả những gì Người đã dạy bảo họ trước kia và hỗ trợ họ làm cho vinh quang Chúa Cha được tỏ rạng, giống như Người đã làm khi còn sống giữa họ. Hiểu theo một nghĩa nào đó, nếu ta có thể nói Thánh Thần thay thế Chúa Giê-su sau khi Chúa Giê-su về trời, thì điều ấy có nghĩa là Chúa Giê-su và Thánh Thần cũng ngang hàng nhau, tựa như Chúa Con ngang hàng với Chúa Cha và cả Chúa Con lẫn Thánh Thần cùng sống trong mối quan hệ yêu thương với Thiên Chúa Cha vậy.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ hé mở cho chúng ta thấy một Thiên Chúa của tình yêu mà thôi, nhưng hơn thế nữa còn cho chúng ta thấy tình yêu sung mãn của Thiên Chúa đã vỡ bờ, trào dâng và lan tới muôn loài muôn vật. Chính tình yêu Thiên Chúa đang làm cho vũ trụ và muôn loài muôn vật sinh tồn, và nhất là tình yêu ấy mời gọi, lôi kéo chúng ta đi vào trong cộng đồng yêu thương là chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Phao-lô tông đồ đã xác tín được điều đó nên ngài nhắn nhủ chúng ta cứ vững tin, vì chắc chắn sẽ được chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Ki-tô đã làm cho chúng ta nên công chính và nhờ Thánh Thần nên "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta." Qua bí tích Rửa tội, Thiên Chúa đã biến đổi thân phận chúng ta, đã nâng chúng ta lên làm con cái Chúa, đã làm cho tâm hồn chúng ta thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi.

Đối với tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta, có tâm tình nào xứng hợp hơn là tâm tình của tác giả Thánh Vịnh khi ngài cầu nguyện:

"Lạy Chúa! Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?
... Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu." (Tv 8)

Và để danh Chúa được lẫy lừng thì chúng ta là các nghĩa tử của Người phải sống như thế nào cho xứng đáng những người con cái Chúa, như Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã khuyến khích: "Mục đích của việc mừng thiên niên kỷ mới là làm vinh danh và ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi Người mọi sự mới có và mọi sự phải trở về với Người."

L.m Trần Đình Nhi

------------------------------
 
 

BaNgôi ABC204: Chúa Nhật Kính Thiên Chúa Ba Ngôi


Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:      Rô-ma 5: 1-5

 

Qua bốn chương đầu của thư gửi tín hữu Rô-ma, hầu hết thánh Phao-lô đã đề cập tới: BaNgôi ABC204


Qua bốn chương đầu của thư gửi tín hữu Rô-ma, hầu hết thánh Phao-lô đã đề cập tới tình trạng tội lỗi của con người, không phải để làm chúng ta thất vọng, nhưng để giúp chúng ta nhận ra con người cần Đức Giê-su đến tha thứ tội lỗi họ và cho họ được mạnh mẽ chống lại sự dữ. Nhờ tin vào Đức Ki-tô là chính sự tha thứ, con người được hòa giải với Thiên Chúa, khởi sự tiến trình công chính hóa. Những yếu tố tiêu cực của ơn công chính hóa là được tha thứ tội lỗi, được "quyền đứng thẳng lên" (jus + stare = justification) trước mặt Chúa, tức là được phục hồi thân phận làm con cái Chúa. Từ đây sẽ là khởi điểm phần hai của luận đề công chính hóa, nghĩa là thánh Phao-lô muốn nói đến những yếu tố tích cực của ơn công chính hóa, nói khác đi, khi làm cho chúng ta được công chính hóa, Đức Ki-tô đã đem lại cho chúng ta những gì?

        1) Trước hết Đức Ki-tô đem lại bình an (shalom), một từ mà Phao-lô thường sử dụng để diễn tả sự Công chính của Thiên Chúa. Mang thân phận tội lỗi, chúng ta trở thành thù nghịch với Thiên Chúa. Thế giới và con người sống trong tình trạng xáo trộn thiêng liêng. Nhưng sau khi tha thứ, Chúa Giê-su tái lập sự an hòa giữa chúng ta và Thiên Chúa. Bình an Chúa Giê-su đem lại không những là tình trạng hòa giải, mà còn là một bảo đảm sự Công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện nữa. Người cũng đặt chúng ta trong một quan hệ vị tha hơn đối với Chúa và tha nhân. Đời sống của chúng ta trở nên có trật tự và hướng về Chúa hơn (c. 1).

        2) Đức Ki-tô cũng đem lại cho chúng ta ân sủng của Thiên Chúa (c. 2). Vì chúng ta đã trở nên con cái Thiên Chúa nên Người tiếp tục để ý săn sóc chúng ta và tiếp tục ban những hồng ân cần thiết để chúng ta được sống làm con cái Người.

        3) Một yếu tố tích cực nữa của ơn công chính hóa, đó là được hưởng vinh quang của Thiên Chúa (c. 2). Nhưng vì hiện thời chúng ta còn đầy ích kỷ cần gột rửa nên chưa thể chia sẻ hoàn toàn vinh quang ấy, cho nên Thiên Chúa đã để vinh quang ấy như là niềm "hy vọng" chắc chắn cho chúng ta. Nếu chúng ta càng bớt đi tính vị kỷ của mình thì chúng ta càng chia sẻ vinh quang Chúa nhiều hơn.

        Tuy nhiên, đời sống của Ki-tô hữu dù được bình an, được ân sủng và được hưởng vinh quang cũng vẫn phải đối phó với nhiều đau khổ gian truân trước khi được hoàn toàn cứu độ, vì chúng ta vẫn còn mang nơi mình sự yếu đuối và mỏng dòn của con người. Nhưng bình an, ân sủng và hy vọng đã cho chúng ta một tư thế mới để chúng ta có thể đối phó được với những gian truân khổ đau ấy. Không những chúng ta có khả năng đối phó với gian truân, mà chúng ta còn có thể ở trong tư thế "tự hào" nữa. Rồi qua những đối phó triền miên ấy, những yếu tố tích cực của ơn công chính sẽ rèn luyện, đào tạo chúng ta thành người mới, những người sống theo Thánh Thần, nghĩa là sống niềm hy vọng chắc chắn và tràn đầy. Càng sống theo Thánh Thần, chúng ta càng nhận được tình yêu của Thiên Chúa đổ vào tâm hồn chúng ta. Và như vậy, những yếu tố tích cực của ơn công chính sẽ đưa chúng ta đến một lối sống mới: sống yêu thương, mến Chúa yêu người.

        Trên đây là một vài suy niệm về đoạn thư Rô-ma 5: 1-5. Nhưng điều tuyệt diệu là tại sao Phụng vụ Lời Chúa lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi đã chọn đoạn văn này. Chúng ta vẫn biết bài đọc 2 (thường gọi là bài Thánh Thư hoặc bài đọc Tân Ước) là những suy tư thần học và áp dụng vào đời sống Ki-tô hữu. Nếu thế thì bài đọc Tân Ước hôm nay là một suy niệm hết sức sâu xa về những gì Ba Ngôi Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và về thái độ đáp trả của chúng ta. Thiên Chúa Cha có một kế hoạch cứu rỗi cho chúng ta. Thiên Chúa Con xuống trần gian thực hiện công cuộc cứu rỗi ấy. Thiên Chúa Thánh Thần được phái đến nhân danh Đức Ki-tô giúp chúng ta đáp trả và sống ơn cứu rỗi ấy. Cả Ba Ngôi đều tích cực trong việc làm cho chúng ta được nên công chính và giúp cho việc công chính hóa ấy được hoàn tất. Vỏn vẹn có năm câu ngắn ngủi, nhưng chứa đựng cả một chân lý thần học sâu xa và bài học thực hành căn bản cho người Ki-tô hữu. Bài học thực hành sống động nhất chính là Đức Ki-tô, Đấng đã sống trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và tình yêu loài người đối ới Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Tôi nhận ra năng động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong kế hoạch cứu chuộc tôi như thế nào? Năng động ấy là một hành động liên tục của Thiên Chúa, đồng thời cũng phải là sự đáp trả (response) liên tục nơi tôi như thế nào?

        Thường chúng ta ít để ý tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong tiến trình công chính hóa. Bài đọc này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vai trò ấy thế nào? Có phải vì không nhận ra tầm quan trọng ấy, nên chúng ta trở thành thụ động trong kế hoạch cứu rỗi của Chúa không? Để được tích cực hơn, chúng ta phải làm gì?

        Tôi thường suy niệm về tình yêu Thiên Chúa, nhưng có khi nào chiêm ngưỡng tình yêu ấy hoạt động thế nào trong kế hoạch cứu rỗi không?

        Tôi có thể khám phá gì thêm nếu đem đối chiếu bài đọc này với bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài hát thích hợp, td. "Chúa là tình yêu" hoặc "Xin dạy con yêu Ngài."

L.m Trần Đình Nhi

------------------------------
 
 

BaNgôi ABC205: LỄ CHÚA BA NGÔI


(Gio-an 16: 12-15)

 

Thông đạt là phương thức để biểu lộ mối quan hệ.  Xem cách thông đạt, ta hiểu được: BaNgôi ABC205


            Thông đạt là phương thức để biểu lộ mối quan hệ.  Xem cách thông đạt, ta hiểu được mối quan hệ ấy là gì và như thế nào.  Đoạn Tin Mừng Gio-an được sử dụng trong lễ trọng Chúa Ba Ngôi là những lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Ki-tô hữu.  Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm.  Ta không hiểu được mầu nhiệm khi tách biệt nó với cuộc sống của ta.  Nhưng ta lại có thể hiểu được một phần mầu nhiệm ấy khi đặt nó trong mối quan hệ với cuộc đời mình.  Đó chính là điều Chúa Giê-su đã làm để giúp ta hiểu một phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi Người cho chúng ta thấy mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người.  Qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện mối quan hệ ấy.  Bởi vậy, muốn biết gì về Thiên Chúa, ta cứ đến với Chúa Giê-su.

 a)  “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”
          
 Khẳng định như trên, Chúa Giê-su muốn cho ta thấy giữa Người và Chúa Cha có sự thông hiệp toàn vẹn, đến nỗi không còn gì là của riêng một ngôi vị.  Động từ “có” chỉ là cách nói của loài người để ta căn cứ vào những gì một người sở hữu mà xác định người ấy thuộc phạm trù nào, thí dụ một người “có” nhiều tiền bạc của cải thì ta gọi đó là người giầu, nhà triệu phú hay tỷ phú.  Tuy nhiên vẫn không thể diễn tả được tất cả mọi mặt của cùng con người ấy, thí dụ người đó tuy giầu tiền bạc, nhưng lại nghèo tình thương.  Làm người sống giữa nhân loại, Chúa Giê-su cũng bị giới hạn bởi ngôn ngữ.  Người cố gắng sử dụng ngôn ngữ loài người cách tuyệt hảo nhất để nói về Thiên Chúa.  Người bảo các môn đệ:  “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.”  Mọi sự thuộc chân, thiện, mỹ đều gặp thấy nơi Chúa Cha.  Ta thường đọc trong các kinh nguyện về Chúa:  Người “trọn tốt trọn lành vô cùng, phép tắc vô cùng...”  Đó là những nét chúng ta sẽ gặp thấy nơi Chúa Giê-su giúp ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào.

            Nhưng ý của Chúa Giê-su không chỉ là cho ta thấy những đặc tính của Thiên Chúa Cha, mà Người muốn nhấn mạnh rằng Người chia sẻ với Chúa Cha tất cả những đặc tính ấy.  Nói khác đi, Người chuẩn bị mở ra cho ta một chân trời mới để ta biết được Thiên Chúa là Đấng nào, nghĩa là Người muốn mời gọi ta:  Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy, nên giờ đây Thầy muốn chia sẻ lại cho anh em!  Đúng như thánh Phao-lô suy diễn, những gì ẩn giấu trong mầu nhiệm Thiên Chúa đều đã được tỏ lộ qua Chúa Ki-tô, vì “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15).

 b)  “Thánh Thần sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”
          
 Chúa Giê-su muốn chia sẻ với ta hết những gì Người có.  “Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”  Chúa Giê-su đã thấy rõ điều ấy nơi các môn đệ Người.  Đối với họ, không có sức chịu nổi cũng có nghĩa là họ chưa đủ lòng tin để nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật.  Làm sao tin được đây là Thiên Chúa đang khi họ cũng như nhiều người khác chỉ thấy Chúa Giê-su là người Na-da-rét, con ông Giu-se thợ mộc và bà Ma-ri-a.  Cùng lắm thì Người có thể là một vị ngôn sứ thôi!  Tất cả họ đều chưa thể đạt tới được “sự thật toàn vẹn.”  Cho nên họ cần phải được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.”

            Vậy sự thật toàn vẹn là gì?  Trước hết, đó là chân tính và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã xuống đầy tâm hồn họ.  Người ban sức mạnh trợ giúp cho lòng tin của họ.  Người ban lửa mến để cho họ biết gắn bó với Chúa Giê-su.  Chỉ có lòng tin và lòng mến mới giúp họ nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, vì lý trí không thể chấp nhận việc Thiên Chúa làm người và sống giữa nhân loại.  Thánh Thần sẽ giúp họ nhớ lại tất cả những điều Chúa Giê-su đã dạy dỗ họ.  Nhớ lại như thế, họ sẽ lãnh hội được sự thật toàn vẹn của giáo lý Chúa Giê-su đã giảng dạy trước đây, được gồm tóm trong khẳng định như sau:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

 c)  Cha, Con, Thánh Thần và chúng ta
         
  Cầu nguyện về Thiên Chúa Ba Ngôi thường là điều khó và có vẻ khô khan.  Đấy là vì ta không nhìn ngắm Ba Ngôi như một sinh hoạt sống động, mà lại coi như một điều thần học cao siêu, hoặc vì ta chỉ biết thuộc lòng mấy điều sách giáo lý dạy:  thưa, Đức Chúa Trời có ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần.  Nhất là vì ta không nhớ rằng Chúa Giê-su đã đem ta vào trong sinh hoạt của Ba Ngôi và Chúa Thánh Thần đã dẫn ta tới sự thật toàn vẹn.  Bởi vậy, ta chỉ có thể cầu nguyện về Ba Ngôi Thiên Chúa khi ta cảm nhận được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho nhân loại, khi ta nhận ra những chiều kích dài rộng cao sâu của tình yêu ấy qua cái chết của Con Một Người và khi ta mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần để Người giúp ta càng ngày càng nhận biết sâu xa hơn chân tính và sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su.  Đã có thông đạt thì phải có tiếp nhận.  Thiên Chúa Ba Ngôi muốn thông đạt cho ta tình yêu của Người thì ta có bổn phận tiếp nhận thông đạt ấy và cố gắng đáp lại tình yêu Người dành cho ta.  Mà phải là tình yêu sống động, được biểu lộ qua cuộc sống làm con cái Chúa.

 d)  Suy nghĩ và cầu nguyện
           
Tôi có khi nào cầu nguyện với Ba Ngôi Thiên Chúa không?  Hay tôi thường tránh né vì nghĩ rằng đó là mầu nhiệm?  Có lẽ tôi cần phải đặt lại vấn đề cầu nguyện như sau:  khi cầu nguyện, tôi nhắm mục đích muốn hiểu biết Chúa bằng trí óc hay là muốn yêu mến Chúa bằng trái tim?

            Là Ki-tô hữu, tôi có thường cảm nghiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cùng hoạt động để giúp tôi sống như con cái Người và tiến bước trong kế hoạch yêu thương của Người không?  Tôi sẽ tập cảm nghiệm điều ấy bằng cách nào?

            Chúa Thánh Thần giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp tôi sống theo tinh thần của Chúa Giê-su.  Vậy tôi có vâng theo sự soi sáng của Người không?  Nhất là tôi có nhờ ơn giúp để nhận định đâu là ý Chúa trong từng lời nói việc làm và tư tưởng không?

 Cầu nguyện:

            “Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
            xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
            Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
            xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
            Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
            xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
            Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
            xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
            Lạy Chúa Ba Ngôi,
            Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
            xin cho các ki-tô hữu chúng con
            trở thành tình yêu
            cho trái tim khô cằn của thế giới.
            Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.”
                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 32)

 Lm. Đaminh Trần Đình Nhi,
3-6-2004
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC206: LỄ CHÚA BA NGÔI


(10.06.2001)

Nghe:

* Cn 8, 22-31:

Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy trước khi có mặt đất.

* Rm 5,1-5:

Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.

* TIN MỪNG: Ga 16,12-15: Đấng Bảo Trợ sẽ đến.

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổì. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

 Ngẫm:

 * Câu hỏi gợi ý:

 

Mối liên kết chặt chẽ giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Giê-su, giữa Chúa Cha và Chúa: BaNgôi ABC206


1.  Mối liên kết chặt chẽ giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Giê-su, giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su.

2.   Thiên Chúa Ba Ngôi và Sự Hiệp Thông Cộng Đoàn.

3.   Những cách sống phù hợp (hoặc không phù hợp) với Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.
 
* Suy tư gợi ý:

1. Mối liên kết chặt chẽ giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Giê-su, giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su.

Sách Châm Ngôn cho ta thấy Đức Khôn Ngoan hiện diện ngay từ thuở ban đầu của Chương Trình Tạo Dựng của Thiên Chúa. Theo quan niệm của người Do Thái xưa thì Đức Khôn Ngoan chính là biểu tượng của Thần Khí. Sách Sáng Thế ghi lại cũng sự kiện ấy như sau: "Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước" (St 1, 2). Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước vào buổi bình minh của Tạo Dựng thì có nghĩa là Thần Khí Thiên Chúa có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của Thiên Chúa từ trong Công Trình Tạo Dựng cho đến Công Trình Cứu Độ!

Trong bài đọc 2 và bài Tin Mừng chúng ta thấy mối liên kết chặt chẽ giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu cũng như giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu. Mọi sự Chúa Cha có thì Đức Giêsu cũng có y như thế: Chúa Cha và Chúa Giêsu có chung tất cả mọi sự!! Còn Chúa Thánh Thần là Đấng tiếp nối công việc mà Đức Giêsu đã khởi sự. Ngài thực hiện cách trung thành tất cả những gì mà Đức Giêsu đã giao cho Ngài, không thêm không bớt một ly một tí nào. Ngài dậy dỗ các môn đệ Chúa Giêsu đã gọi và đã chọn để huấn luyện, đào tạo họ trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng. Phải nhờ Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Đức Giêsu mới có thể hiểu các Mầu Nhiệm của Người, mới có thể hiểu Tình Yêu và Kế Hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa
 
2. Thiên Chúa Ba Ngôi và Sự Hiệp Thông Cộng Đoàn.

Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Cha, Con Và Thánh Thần là Mầu Nhiệm trọng tâm của Ki-tô giáo và là nền tảng căn bản nhất của Đạo Công Giáo. Người ta có thể nói trong Giáo Hội ngày nay Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa đã giúp người tín hữu hiểu đầy đủ hơn về Tính Cộng Đoàn và Tính Hiệp Thông của Giáo Hội. Vì thế mà khắp nơi có những nỗ lực to lớn nhằm xây dựng các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, các Cộng Đoàn nhỏ, các Cộng Đoàn Chia Sẻ Lời Chúa. phỏng theo Cộng Đoàn Tín Hữu Đầu Tiên ở Giêrusalem là Cộng Đoàn vẫn được gọi là Cộng Đoàn của Ngày Lễ Ngũ Tuần:

"Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dậy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng..

Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người theo nhu cầu.

Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ" (Cv 2,42-47).

Nói đến Cộng Đoàn là phải nói đến sự Hiệp Thông. Mà nói đến Hiệp Thông thì gỉa thiết là giữa những tín hữu trong cùng một Cộng Đoàn phải có một mối quan tâm chung về Giáo Hội cũng như về xã hội, nhất là về người nghèo. Nói đến Hiệp Thông là phải gỉa thiết có sự hiểu biết, yêu thương, kính trọng và chia sẻ thực sự . Chia sẻ về tinh thần cũng như về vật chất giữa những người cùng thuộc một Cộng Đoàn.

Hơn nữa, Sự Hiệp Thông Cộng Đoàn ở đây không chỉ được hiểu là sự Hiệp Thông giữa các tín hữu của cùng một Cộng Đoàn mà còn được hiểu là Sự Hiệp Thông của Cộng Đoàn Tín Hữu này với các Cộng Đoàn tín hữu khác. Sự Hiệp Thông ấy xuất phát từ Mầu Nhiệm Thông Hiệp của Chúa Ba Ngôi và đặt nền tảng trên Mầu Nhiệm ấy.
 
3. Sống phù hợp (hoặc không phù hợp) với Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi .

Chúng ta hãy nhìn vào cách sống của mình cũng như của Cộng Đoàn mình để xem chúng ta vẫn thường sống như thế nào?

a) Nếu chúng ta có biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, biết bổ túc cho nhau, biết sống liên đới với nhau, biết sống đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ nhau thì chúng ta đã sống phù hợp với Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.

b) Còn nếu chúng ta không biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, hoặc sống ích kỷ chỉ biết có mình, không chịu san sẻ với người khác, hoặc không sống tình liên đới với tha nhân, hoặc sống bất hòa-chia rẽ-ghen t# là chúng ta đang sống không phù hợp với Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.
 
Nguyện:

- Lạy Chúa Ba Ngôi là Cha là Con và Thánh Thần, chúng con chúc tụng ngợi khen Chúa là Tình Yêu, là Hiệp Thông!

- Lạy Chúa Ba Ngôi là Mầu Nhiệm Thông Hiệp Hoàn Hảo Sung Mãn, chúng con nguyện xin Chúa ban cho chúng con tinh thần Đoàn Kết, Yêu Thương, Chia Sẻ và Hiệp Thông với nhau!

- Lạy Chúa Ba Ngôi là nền tảng của các gia đình mà chúng con là thành viên: Gia Đình ruột thịt, Gia Đình Thiêng Liêng là Khôi Bình, Gia Đình Đức Tin rộng lớn hơn là Giáo Xứ . Nguyện xin Chúa ban cho chúng con ơn ý thức mình là thành viên, là chi thể của các Gia Đình ấy và ơn trợ giúp chúng con hoàn thành trách nhiệm của một chi thể, một thành phần sống động, hầu làm cho các Gia Đình ấy có sức sống mạnh mẽ, dồi dào sinh ích cho các thành viên và cho người chung quanh. Amen!

(Giêrônimô Nguyễn Văn Nội)
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC207: Lễ Chúa Ba Ngôi C


Thần Khí Sự Thật Đến

 

Gio 16:12-15: 12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức: BaNgôi ABC207


Gio 16:12-15: 12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

Đoạn Gio 16:12-15 nằm trong phần thứ ba của diễn từ Ly biệt (16:4b-15). Bố cục của đoạn nầy có thể phân chia như sau: - Dẫn nhập: không thể mang nỗi (16:12); - Thần Chân Lý (12:13-15).

Các con không thể mang nỗi (16:12)

Sau khi bàn về nhiệm vụ của Thánh Thần đối với thế gian, Gioan nói đến nhiệm vụ của Người đối với các môn đệ. Trong 14:30 lý do Chúa Giêsu không nói với các môn đệ nữa là vì kẻ thù của Người đến. Ở đây Người không thể nói nhiều điều được vì các môn đệ của Người không có khả năng hiểu lời của Người. “Bastasein” nghĩa là “mang”; nghĩa bóng là hiểu một vấn đề, lời và đón nhận nó một cách điềm tĩnh (c. 12). Người sắp ra đi và sẽ không còn ở với các môn đệ nữa. Các ông không thể đi theo Người nơi Người đi (13:3). Ở lại trần gian, nếu không có Người, các môn đệ không thể làm được gì (x. 15:5). Do đó, cần Thánh Thần đến giúp đỡ họ hiểu lời của Người.

Thần Chân lý dẫn anh em vào mọi chân lý (16:13)

 Phần hai nầy tập trung bàn về Thánh Thần như Thần Chân lý: nhiệm vụ dẫn các môn đệ vào trong mọi chân lý (c. 13); qua đó, nói đến việc tôn vinh Chúa Giêsu (c. 14), và xuất xứ của lời từ Chúa Cha (c. 15). Thần Chân lý đã được hứa ban để ở với và ở trong các môn đệ (14:17). Trong động từ “dẫn vào” nầy có chữ “đường” (hodos): Thánh Thần đưa các môn đệ vào mọi nẻo đường của chân lý. Chúa Giêsu là Đường và Chân Lý (14:5-6), và lời Người nhận từ Chúa Cha để loan báo cũng là chân lý (8:40.45.46; 17:17). Từ chương 1, Gioan đã nói là “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (1:17-18). Như thế, nói Thánh Thần dẫn vào trong mọi chân lý nghĩa là dẫn vào bên trong bản thân Chúa Giêsu-Sự Thật, trong lời nói và hành động của Người. Lý do Thần Chân lý không tự Người nói gì thêm, vì các môn đệ đã tìm thấy trong Chúa Giêsu chân lý hoàn hảo và sung mãn (14:6). Thánh Thần không có nhiệm vụ nào khác là làm cho các môn đệ ngày càng hiểu sâu xa hơn Chân lý nầy.

Thần Chân lý trong tương quan với Chúa Giêsu và Chúa Cha (16:14-15)

 Hai cụm từ “lãnh nhận từ Tôi và loan báo cho anh em” liên kết hai câu nầy lại với nhau. Một câu nói đến việc Thần Chân lý tôn vinh Chúa Giêsu, và câu kia nói đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa Cha và Con, “tất cả những gì của Cha đều là của Con” (c. 15; 16:15; 17:10). Việc tôn vinh thường được đề cập giữa Chúa Cha và Chúa Con, được thực hiện cách riêng trong cuộc thương khó (12:23; 13:31.32; 17:1.5). Ngoài điều nầy ra, việc tôn vinh Chúa Giêsu còn được làm do phép lạ Chúa Cha thực hiện cho Người (11:4) để Người được nhận biết là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (11:27). Mục đích của việc tôn vinh Chúa Giêsu là làm cho mọi người nhận biết Người là Con Thiên Chúa (x. 8:54; 17:10). Cũng thế, Thần Chân lý tôn vinh Chúa Giêsu trong mức độ Người lấy lời của Chúa Giêsu mà loan báo cho các môn đệ. Điều Người làm cho họ hiểu trước tiên là Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Đó cũng là đối tượng của động từ “loan báo” (4:25; 16:13.14.15), và “làm chứng” về Chúa Giêsu cho các môn đệ (15:26). Đối với Chúa Cha, Thần Chân lý đến từ Chúa Cha (15:26), qua lời thỉnh cầu của Chúa Giêsu (14:16) hay “nhân danh” Người (14:26).

Đến dẫn đường vào chân lý và dạy cho hiểu lời của Chúa Giêsu, Thần Chân lý tiếp tục sự hiện diện và công trình của Chúa Giêsu cho đến khi việc cứu độ nhân loại được hoàn tất.

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC208: Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi


Năm C

Lắng nghe sứ điệp bài Tin Mừng  (Gio-an 16:12-15)

 

Ai trong chúng ta chẳng muốn biết sự thật, mà phải là sự thật trăm phần trăm.  Vậy mà hầu như: BaNgôi ABC208


          Ai trong chúng ta chẳng muốn biết sự thật, mà phải là sự thật trăm phần trăm.  Vậy mà hầu như chúng ta cũng không có được sự thật ấy.  Hôm nay bài Tin Mừng kể lại Chúa Giê-su hứa với các môn đệ rằng Người sẽ nhờ Thần Khí sự thật dẫn họ đến với “sự thật toàn vẹn”.

          Mặc dù đã có lần Chúa nói với các môn đệ:  “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6), nhưng họ cũng không thể hiểu được sự thật Chúa muốn nói là gì.  Bây giờ thì họ sắp sửa hiểu được sự thật ấy, vì Người đã hứa:  “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.

          Sự thật toàn vẹn đã được tỏ bày đầy đủ nơi Ngôi Lời nhập thể.  Con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su chính là sự thật chứng minh cho tình yêu Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Nhưng nhận biết tình yêu Chúa yêu thương chúng ta và đáp trả tình yêu đó không phải là dễ dàng.  Chúa Giê-su nói với các môn đệ về việc khó nhận biết này khi Người bảo họ:  “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em.  Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi”.  Đúng vậy, còn nhiều điều về những gì Thiên Chúa Ba Ngôi làm cho chúng ta nhưng chúng ta không hiểu hoặc “không có sức chịu nổi”.  Chúa Cha phác họa một “kế hoạch yêu thương” (Ep 1:9) dành cho chúng ta.  Chúa Con được sai đến trần gian để thi hành kế hoạch yêu thương ấy.  Giờ đây Chúa Thánh Thần là “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn”, nghĩa là Người sẽ mở lòng trí chúng ta để hiểu được Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế nào.

          Một điều Chúa Giê-su mặc khải khiến chúng ta phải kinh ngạc, vì nó là chân lý thật đến độ chúng ta không tin nổi.  Đó là “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” và Chúa Thánh Thần “sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.  “Mọi sự Chúa Cha có” nghĩa là gì nếu không phải là tình yêu Người dành cho chúng ta.  Tình yêu đó cũng là “của Thầy” vì Chúa Giê-su đã sống để rao giảng tình yêu ấy và chết trên thập giá cho tình yêu ấy.  Còn Chúa Thánh Thần thì “loan báo” tình yêu ấy giúp chúng ta nhận ra.  Qua những lời Chúa Giê-su tâm sự với môn đệ trong Bữa Tiệc Ly như thánh Gio-an ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta mới hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ là giáo lý cao sâu về một Thiên Chúa trong ba Ngôi vị, nhưng còn là mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu và đón nhận nữa.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Tỏ bày tình yêu chân thật với người khác là việc không dễ.  Có lẽ chúng ta nghe hoặc nói thuộc lòng quá nhiều cái điệp khúc “I love you” nên không còn biết là mình nghe hoặc nói điều gì nữa!  Thiên Chúa không phải như chúng ta.  Người nói yêu chúng ta là yêu thực lòng.  Người chứng minh tình yêu ấy bằng cái chết của Chúa Giê-su.  Người sai Chúa Thánh Thần tới đóng ấn tình yêu ấy.  Vậy mà chúng ta không nhận biết hoặc không đón nhận tình yêu ấy thì đúng là chúng ta ngoan cố không muốn đi tới “sự thật toàn vẹn”.  Cuộc sống và đức tin Ki-tô hữu chúng ta là mỗi ngày có biết mở lòng đón nhận sự thật toàn vẹn đó hay không mà thôi.  Chúa Thánh Thần đến mở tâm hồn chúng ta và Người đang dẫn dắt chúng ta trong niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa, niềm tin sẽ giúp chúng ta “khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.  Tiến tới sự thật toàn vẹn chính là chúng ta đang sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rồi vậy!

Lm. Dominic TTL 
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC209: Ba Ngôi Thiên Chúa Cộng Đồng Tình Yêu

 

Ba Ngôi Thiên Chúa là một cộng đồng Tình Yêu”. Tư tưởng này đã được Đức Giám Mục Mai: BaNgôi ABC209


“Ba Ngôi Thiên Chúa là một cộng đồng Tình Yêu”. Tư tưởng này đã được Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giám Phận Orange, California trình bày qua buổi phát thanh trên Chương Trình Tin Mừng Sự Sống vào dịp Lễ Chúa Ba Ngôi năm 2006.

Cộng Đồng Tình Yêu là một cách thức diễn tả đầy đủ và trung thực về sinh hoạt nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Gioan đã viết về sinh hoạt này như một định nghĩa về Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8). Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa chính là một cộng đoàn tình yêu gồm Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần. Và sự kết hợp giữa Ba Ngôi là Tình Yêu.

CỘNG ĐỒNG TÌNH YÊU

Từ Cộng Đồng Tình Yêu này phát sinh sức sống và thông ban sức sống ấy cho các loài thụ tạo, mà cao cả nhất, rõ ràng nhất chính là tình yêu được thông ban cho con người. Tình yêu, do đó, đã trở thành nhu cầu và sức sống của con người. Tất cả chúng ta ai cũng muốn được yêu và yêu. Tình yêu này được thể hiện qua những tiến trình sau:

Tạo dựng: Thiên Chúa tình yêu. Tình yêu nội tại và thâm sâu này không thể chỉ để cho một mình, những đã được thể hiện qua việc Thiên Chúa san sẻ tình yêu ấy cho mọi loài qua hành động tạo dựng. Ngài tạo nên thiên thần và con nguời. Con người kém thiên thần một chút vì còn lệ thuộc vào xác thể. Ngài còn tạo dựng nên muôn loài, muôn vật trong vũ trụ mà cốt yếu là để cho con người có thể nhìn thấy, khám phá thấy và cảm nhận được tình yêu của Ngài. Sách Sáng Thế Ký đã cho biết, tất cả những công trình sáng tạo trên trời, dưới đất, dưới lòng đất là chỉ để dành cho con người. Nó thuộc quyền con người quản lý với chỉ duy một mục đích là để con người nhận ra và yêu mến Thiên Chúa.

Mặc dù công trình tạo dựng vẫn được dành riêng cho Thiên Chúa Cha, nhưng trong tình yêu Thiên Chúa đã có Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần, và vì thế, nó cũng được coi là công trình tạo dựng của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Một cộng đồng tình yêu.

Cứu chuộc: Cũng trong Sáng Thế Ký và qua Thánh Kinh, chúng ta biết rằng thiên thần và loài người sau khi được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, đã tự cho mình tốt lành và muốn tự nhận mình là Thiên Chúa. Ý thức và ước muốn tự do ấy đã đẩy một số thiên thần xa rời tình thương Thiên Chúa. Thủ lãnh các thiên thần sa ngã ấy là Lucifex sáng láng nay trở thành Satan tối tăm. Nguyên Tổ con người là Adong và Evà đẹp đẽ trước mặt Thiên Chúa sau khi sa ngã cũng đã trở nên trần truồng, hổ ngươi và lẩn trốn Ngài.

Vì Lucifex và các thần dữ không bị lệ thuộc vào xác phàm, nên hành động bội phản của chúng đã khiến chúng vĩnh viễn trở thành thù địch Thiên Chúa. Riêng con người được Ngài cho một cơ hội mới, đó là ơn Cứu Chuộc sẽ đến để hòa giải và ban cho con người ơn tha thứ.

Ngôi Con đã lãnh trách nhiệm này. Ngài đã nhập thể và đến với gia đình nhân loại qua thân phận con người: “Và Ngài đã làm người và ở cùng chúng tôi”. Niềm xác tín này đem con người về với tình thương vô biên của Thiên Chúa, nhất nữa, khi thấy Chúa Con chấp nhận cái chết trên thập tự để hòa giải con người với Thiên Chúa.

Một lần nữa, công trình cứu chuộc là việc làm của Ngôi Con, nhưng cũng chính là việc làm của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì yêu thương công trình tạo dựng của mình mà Ngôi Cha không đành lòng bỏ rơi con người. Vì yêu thương con người mà Ngôi Con đã chấp nhận xuống thế. Và cũng vì yêu thương con người, mà Ngôi Thánh Thần đã không ngừng hoạt động để khơi lên một tình mến bao la nơi tâm hồn con người, và để khai sáng tâm hồn họ nhận ra tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thánh hóa: “Thánh Thần khấn xin ngự đến”. Trong Ca Tiếp Liên ngày Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội đã cầu xin với Chúa Thánh Thần để ngài ngự xuống trên Giáo Hội và với mỗi tâm hồn các tín hữu. Ngài đến để thánh hóa các tạo vật mới đã được cứu chuộc bởi cuộc khổ nạn của Chúa Con. Và Ngài đến để canh tân bộ mặt trái đất, biến nó thành nơi mà ánh sáng lời Chúa và ơn Cứu Độ được chiếu sáng và đơm bông nở hoa. Tất cả công trình sáng tạo, cứu chuộc của Thiên Chúa giờ đây lại được kiện toàn nơi Chúa Thánh Thần bằng tình yêu và ngọn lửa sốt mến.

Cũng như công trình tạo dựng và cứu chuộc, công trình thánh hóa và bảo vệ được dành riêng cho Chúa Thánh Thần, ngọn lửa tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính với ngọn lửa yêu mến này mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người, và đã cứu chuộc con người. Và như vậy, thánh hóa con người sau khi được cứu chuộc cũng chính là việc làm của chung Ba Ngôi Thiên Chúa, một công đồng tình yêu.

NGỌN LỬA TÌNH YÊU

Tình yêu Thiên Chúa là sức sống nội tại của Ba Ngôi. Sức mạnh tình yêu ví như ngọn lửa rực sáng và nóng bỏng mà Ngài đã thông ban cho nhân loại, đặc biệt trong ngày Thánh Thần Hiện Xuống.

Lửa tình yêu ấy cũng được cảm nhận qua 3 đặc tính căn bản: Sáng, nóng, và thiêu hủy.

Ánh sáng tình yêu: Ánh sáng ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa được chiếu tỏa rạng ngời qua công trình sáng tạo của Ngài. Ba Ngôi Thiên Chúa được mọi loài, mọi vật trên trời, dưới đất nhận biết qua những công trình vỹ đại và diệu kỳ của Ngài. Ở đâu và bất cứ nơi nào bàn tay hóa công cũng dễ dàng được nhận biết. Đặc biệt, công trình sáng tạo kỳ diệu và vỹ đại nhất của thế giới hữu hình là con người. Chỉ cần nhìn vào con người là ta có thể nhận ra sự khôn ngoan, tài năng tuyệt đối, và tình yêu vô biên của Ngài. Bởi thế, thân xác con người được gọi là: “Đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần”. Và con người được gọi là “con Thiên Chúa”. Đức Kitô đã dậy cho con người biết điều này khi truyền dậy chúng ta cầu xin với Chúa Cha trên trời: “Lậy Cha chúng con ở trên trời”.

Ánh sáng tình yêu, và vinh quang Thiên Chúa không chỉ dành để cho một người, mà cho mọi tạo vật, cho tất cả chúng ta. Và đây cũng là lý do mà chúng ta phải làm vinh danh Ngài: “Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến dưới đất cũng như trên trời”.

Khả năng thiêu hủy: Đặc tính thứ hai của lửa là phá hủy và thiêu đốt. Chính ngọn lửa tình yêu của Ba Ngôi trong Ngôi Con đã thiêu đốt mọi tội lỗi nhân loại và tội riêng của mỗi người. Đã làm cho thân xác của Chúa Con trở nên bánh thơm ngon, và máu của Chúa Con trở nên rượu thơm ngon nuôi sống linh hồn mỗi người.

Sức phá hủy và tận diệt ấy còn giúp con người vì yêu mến Thiên Chúa biết hãm dẹp xác thịt và cầm hãm nổi ngũ quan trước muôn cám dỗ. Và cũng như Chúa Con, nhiều tín hữu đã can đảm chấp nhận lấy máu đào và mạng sống mình để làm chứng nhân cho sự hiện diện và tình yêu Ba Ngôi trong cuộc đời. Đó là những cái chết của các vị tử đạo, cũng như của mỗi Kitô hữu chúng ta hằng ngày trên hành trình đức tin tiến về quê hương vĩnh cửu.

Sức nóng cháy của tình yêu: Sức nóng cháy và đổi mới chính là hành động riêng biệt của Thánh Thần trong sứ mạng thánh hóa và đổi mới tâm hồn, cuộc đời các tín hữu. Bẩy ơn của Chúa Thánh Thần như những chất xúc tác làm chuyển hóa tâm hồn và đời sống con người, khiến chúng ta được sốt nóng lên ngọn lửa yêu mến.

“Không có Chúa thì còn chi thanh khiết”. Không có ngọn lửa nóng bỏng này, các tín hữu làm sao có thể giữ được tình mến của mình đối với Chúa, và tình yêu của Chúa đối với mỗi người.

CON ĐƯỜNG TỪ ÓC XUỐNG TRÁI TIM

Đức Giám Mục Mai Thanh Lương trong khi dẫn giải khả năng cảm nhận tình yêu Thiên Chúa đã cho rằng con đường từ óc xuống trái tim là con đường dài nhất và khó đi nhất của con người.

Nhiều khi chúng ta biết, chúng ta tri thức được Thiên Chúa, được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống, nhưng cảm nhận và bị thu hút bởi cái biết cũng như sự hiện diện của Ngài lại là một điều hết sức khó khăn. Nhiều người đã mất cả cuộc đời mình mới cảm nhận được điều mình biết. Có những người phải mất nửa cuộc đời mới cảm nhận được. Và may mắn hơn, một số ít cảm nhận được điều ấy một cách sớm sửa.

Như vậy, khi nói về Chúa Ba Ngôi, nhất là sự hiện hữu của Ngài trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, thì ngoài tầm hiểu biết của mỗi người, việc cảm nhận được điều ấy mới thật sự là điều khó khăn và cần thiết. Tri thức con người có thể giúp ta hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng cảm nhận được Ngài và yêu mến Ngài là việc làm của con tim tức lòng mến. Và ở đây ngọn lửa tình yêu chính là ánh sáng, sức thiêu hủy và nóng cháy giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8), và Tình Yêu ấy luôn luôn sống động nơi Ba Ngôi Thiên Chúa và được thể hiện qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.

 T.s. Trần Quang Huy Khanh
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC210: Nét văn hoá ẩn mật trong dòng máu Việt

 

Trận bão Katrina đánh vào thành phố New Orleans cũng như vùng vịnh Mễ Tây Cơ ở Louisiana: BaNgôi ABC210


Trận bão Katrina đánh vào thành phố New Orleans cũng như vùng vịnh Mễ Tây Cơ ở Louisiana và Mississippi vào cuối tháng 8 năm 2005 đã gây thiệt hại khủng khiếp và số người chết cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thành phố New Orleans vốn thấp dưới mực nước biển, đuợc bảo vệ an toàn do hệ thống đê cao bao bọc chung quanh. Nhưng trận bão cấp số 4 này đã làm nước dâng quá cao phá vỡ một số khúc đê khiến nước tràn vào dìm cả một thành phố sâu xuống nước! Biết bao cảnh tang thương đã xảy ra. Người dân phải bỏ chạy đi khắp các tiểu bang.

Sau trận bão trở về nhiều người mới thấy càng ngao ngán hơn. Có những vùng bị hư hại hoàn toàn, nhà cửa tan hoang không thể sửa chữa đuợc, chỉ có cách ủi sập để xây lại từ đầu. Thành phố có chương trình tái thiết đại qui mô, nhưng cả hai năm sau mà chẳng mấy ai nhúc nhích muốn về ngay, lý do đơn giản là có về thì cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu, vì mọi hệ thống đạ bị hư haị hoàn toàn hay tê liệt rồi, như truờng học, nhà thương, bưu điện, sở cảnh sát, các tiệm buôn bán... Rồi sau đó người ta đề cập tới tình trạng bị khủng hoảng tâm lý. Nhiều chương trình y tế về vấn đề này kéo theo cả tỷ đô la.

Thế mà chỉ nửa năm sau, dân gốc Việt đã kéo nhau về hầu như đầy đủ, đang khi chung quanh dân Mỹ Trắng Mỹ Đen vẫn còn lèo tèo thưa thớt. Sự kiện này đã gây chú ý rất nhiều đối với người đia phương cũng như báo chí toàn quốc. Dân gốc Việt xắn tay tái thiết nhà cửa, gầy dựng lại cơ sở làm ăn, nâng đỡ nhau xây lại cộng đồng sau những đổ vỡ. Sau những rầu rĩ buổi đầu, gương mặt họ bắt đầu tươi tỉnh nhìn lên với đầy hy vọng. Và ít thấy ai nói tới chuyện phải đi bác sĩ thần kinh.

Đúng là dân mình chịu khổ quen rồi. Bây giờ có thêm một cái khổ nữa họ vẫn kham nổi. Và nhất là tinh thần liên đới công đồng mới thật đáng ca ngợi. Điều này quả thực đã làm cho người Mỹ chính hiệu ngạc nhiên là phải.

THỜI ĐIỂM TỶ LỆ BỆNH TÂM TRÍ

Vụ bão Katrina chỉ là một tiêu biểu. Tỷ lệ người Mỹ bị điên thật cao so với những nước Á Đông. Một người thân chết cũng bị điên. Bị li dị cũng điên. Bị mất việc cũng điên. Nói chung người Âu Mỹ sống trong xã hội nhiều tiện nghi nên sức chịu đựng ít được tôi luyện.

Nếu theo mức này thì chắc người Việt mình trong hơn nửa thế kỷ qua cần phải có mấy triệu bác sĩ trị liệu tâm lý. Nhưng thật lạ, trải qua những đau khổ cùng độ và những phi lí trong cuộc chiến hay trong những đổi đời khủng khiếp như vậy mà số người Việt bị điên mát không nhiều.

Sức chịu đựng phi thường của người Việt đã làm ngạc nhiên nhiều người ngoại quốc trong đó có linh mục dòng Tên người Ý tên Việt là Đỗ Minh Trí (phiên âm bởi tên chính là Dominici), người đã nhận Việt Nam là quê hương của mình, đã có một nhận xét rất đặc sắc về tâm hồn Việt Nam. Sức chịu đựng bền bỉ và thích nghi cân bằng đời sống với bất cứ hoàn cảnh nào đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu như một gia sản riêng của người Việt, ít dân nào có được:

"Cuộc sống con người là một sự cân bằng giữa sức khoẻ và bệnh tật, niềm vui và đau khổ, giữa lao động và nghỉ ngơi, giàu có và nghèo nàn... Khi sự cân bằng đó mất đi bởi vì một yếu tố trở nên lấn lướt hơn so với yếu tố kia, con người sẽ bị khủng hoảng. Cuộc sống của cả một dân tộc trở nên phong phú và có nhân tính nếu như cái dáng dấp bi thảm của khổ đau quân bình với cái hình dạng của niềm hân hoan và hạnh phúc...

Tôi nhớ vào năm 1979 ở Kuku, các bác sĩ người Pháp đã rất kinh ngạc vì số lượng rất thấp của những căn bệnh rối loạn tâm trí giữa một số lượng đông đảo người tị nạn đang sống trong một tình cảnh bi đát. Tôi tin rằng sở dĩ có được điều này là do tâm tính vui vẻ và thơ thới của Người Việt... Chính ngay điều đó chứng tỏ được rằng sự thông minh của người Việt đã biết cách tạo dựng nên những điều kiện lý tưởng để cho cuộc sống của họ, dù rằng đôi khi cay đắng và bi thảm, trở nên có nhân tính.

Nhân tính, đó mới là phẩm chất mà theo tôi, tâm hồn người Việt Nam có thể tóm gọn vào hai chữ đó. Người Việt Nam có rất nhiều nhân tính. Họ không khao khát một sự thánh thiện cao siêu, một nếp sống hào hùng hay những khám phá phi thường. Lý tưởng của họ là một nếp sống an nhàn, tràn đầy niềm vui đơn sơ và bình dị của con người.

Chính cái nhân tính đó đã làm cho người ngoại quốc rất ưu ái và gắn bó rất chặt chẽ với dân tộc Việt Nam. Nhất là người Tây phương rất cần đến cái nhân tính đó của người Việt Nam, là vì họ đã biến đổi cuộc sống thành một cuộc chạy đua điên cuồng trong lãnh vực tiến bộ khoa học kỹ thuật, một sự tiến bộ đã làm cho cuộc sống nhân loại khổ sở biết chừng nào!" (LM Dominici, Việt Nam Quê Hương Tôi, Diễn Đàn Chúa Nhật, trang 26-28).

TRUY TẦM NÉT ẨN MẬT

Nhà ảnh Mark Sindler nổi tiếng ở New Orleans về những bức hình diễn được nét văn hóa tiêu biểu của người Việt mà người Âu Mỹ đang cần tìm hiểu. Anh mò ra được vùng “kinh tế mới” là vùng đất bỏ hoang từ lâu, nay được các cụ Việt ta chặt cây, làm cỏ, xới đất trồng rau, thành hàng thành luống. Lúc đầu thì lấy thùng xách nước dưới mương lên trông rất “miệt vườn”. Sau này các cụ “cơ giới” hóa bằng máy bơm, mua cũng rẻ thôi. Nhìn những đọt rau đang mơn mởn phóng lên, các cụ thấy đời mình tươi trẻ lại, hy vọng lóe lên trong ánh mắt. Về nhà ăn cơm thấy ngon hơn, đọc kinh thấy dòn hơn, chứ không uể oải như mọi khi.

Rình mãi, Mark Sindler mới chụp được cảnh “Vườn Rau Xanh Ngát Một Mầu” của mấy ông bà cụ vùng Versailles. Thay vì ngồi than ngao ngán “thấy đời mình là những quán không” thì đi trồng rau. Vừa chạm đến thiên nhiên tươi mát, vừa có tiền còm mua bánh kẹo cho các cháu. Các cụ còn phát ngôn ngon lành: “Người Mỹ các anh cứ nhốt mình trong phòng như cái hộp vuông. Như vậy điên mát là đúng rồi. Phải mở hộp vuông ra mà hòa với trời tròn, với đời sống cộng đồng, thì cuộc sống mới vuông tròn được. Nước cứ bị đóng lại trong một cái ao nhỏ, trước sau gì thì cũng bị ủng thối.”

Có lý thật. Hèn chi thấy nụ cười các cụ no tròn và miệng hát nghêu ngao. Bác sĩ thần kinh mà đến đây thì thế nào cũng thất nghiệp.

NÉT VĂN HÓA DI TRUYỀN TRONG DÒNG MÁU VIỆT

Bác sĩ Dean Ornish hiện rất thành công trong chương trình khảo cứu rất khoa học về việc chữa bệnh hòa hợp thể lý với tâm lý. Một trong những sinh hoạt chính của những người tham dự chương trình là gặp gỡ nhau để chia sẻ trong tình thân. Bác cầu tình thân với người khác sẽ làm cho tính tình được thanh thản, bớt bị căng thẳng. Bởi vì khi bị căng thẳng thì trong cơ thể tiết ra một loại hóa chất gọi là adrelanine, noradrelanine và cortisol. Những chất này như còi hụ tình trạng báo động nguy cấp, mọi nỗ lực chỉ còn dồn vào một động tác duy nhất là đánh hay chạy; mọi sinh hoạt khác bị ứ đọng hoàn toàn: ăn không cảm thấy ngon, đầu hết suy nghĩ được, mạch máu trì trệ, mất kháng tố chống nhiễm trùng nên các tế bào sinh chứng, dễ bị cảm cúm, mất hết hứng khởi...

Như vậy, cô đơn tách lìa cũng là chất độc mà chỉ tình thương mới chữa cứu nổi. "Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn thôi!" Không có con đường nào khác nữa đâu. Bác sĩ Ornish tâm sự: "Tôi càng tìm vun quén cho mình thì càng cô đơn, nhưng khi tôi biết tìm phục vụ người khác thì tôi thấy hạnh phúc hơn nhiều."

Nhìn được như vậy thì người ta mới thích nhạc Jazz. New Orleans là thủ đô loại nhạc này, bộc phát từ những hứng khởi rung cảm tâm hồn hơn là những qui luật ước định. Người chơi nhạc Jazz hay thưởng ngoạn nhạc Jazz đều cần phải mở tâm đóng kín "ao tù" ra mà hòa vào nhịp sống chung của dòng đời tươi mát.

Vậy ra New Orleans là một thành phố thu hút du khách sành điệu, biết nhìn ra những nét phản tỉnh tìm lại niềm sinh thú trong một xã hội quá đóng kín khép lại khiến mỗi ngày mỗi nghèo nàn tinh thần ra. New Orleans luôn "giầu có" sinh động với Mardi Gras, với đại hội nhạc Jazz, với những tiệm ăn Pháp nổi tiếng, với Café du Monde, với Superdome, với cầu xa lộ Causeway dài nhất thế giới (dài 24 miles, tức 40 cây số) bác qua Biển Hồ, với cầu Con Cò vươn tay ôm dòng Mississippi uốn lượn vòng quanh thành phố Vành Trăng Lưỡi Liềm (Crescent City). Và bây giờ thì du khách Mỹ thích tìm đến các làng Việt để truy tầm nét văn hóa ẩn mật của dân Việt: tại sao với bằng ấy khổ nạn mà người Việt ít bị điên.

Sức chịu đựng bền bỉ từ niềm tin "dù ai nói ngược nói xuôi, ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng" hòa hợp với nếp sống mở rộng khơi được dòng tình, đã là những nét di truyền trong dòng máu Việt. Những nét văn hóa gốc này được truyền đạt qua những truyện thiêng bánh dầy bánh chưng tạo được phong thái hoàng vương, sức mạnh từ Trời của Phù Đổng Thiên Vương, của công tác xây thành Cổ Loa, của Thôi Vỹ với Ngọc Long Toại, của tình duyên Trời xe định giữa Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung v.v.

TIN VUI GỬI AO TÙ BỊ Ứ ĐỌNG

Tình trạng trì trệ ứ đọng cũng giống như nước ao tù bị ủng thối dễ làm cho điên, do đóng kín chỉ biết giữ cho mình, mà không mở tới được với dòng sống tuôn chảy. Nhìn như vậy thì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong đạo Chúa quả là một Tin Vui Gửi Thời Đại Mới cho mỗi người. Nếu mình không mở tâm ra thì bác sĩ bắt buộc phải mổ tim thôi. Thiên Chúa biểu hiện không như một ngôi vị đơn độc, mà là một hiệp thông tình thương như một gia đình có ngôi Cha, ngôi Con, và ngôi Thánh Thần. Đúng là một chia sẻ cộng đồng bác cầu tình thân làm nên cây leo hạnh phúc ràng buộc quấn chặt lấy nhau, một khuôn mẫu cân bằng sức khỏe vững như kiềng ba chân, một cảm nghiệm tạo dựng sức mạnh tinh thần.

Đây cũng chính là cảm nghiệm chung của nhân loại khi vượt qua được cái tôi hạn hẹp mà mở tới chiều kích đại ngã tâm linh. Từ ngữ nhân chủng học gọi là nhiệm hiệp (participation mystique). Thánh Phaolô đã sống thật sâu xa niềm hiệp thông này: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20). Niềm tin này đã tạo ra sức mạnh vượt qua tất cả, và có thể làm được phép lạ như thánh Phaolô quả quyết: "Tôi có thể làm được mọi sự với Chúa là sức mạnh cho tôi." (Philipphê 4:13).

Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại phép lạ chữa người què do thánh Phêrô làm ngay sau khi nhận lãnh Thần Khí Chúa. Mọi người kinh ngạc ùa tới các tông đồ.

"Thấy vậy, ông Phêrô lên tiếng nói với dân: 'Thưa đồng bào Israel, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi có thể làm cho người này đi lại được nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi? Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaac và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu...Chính vì lòng tin vào danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.'" (TĐCV 3: 12-16)

PHÚT MỞ TÂM

Cử chỉ làm dấu của người tin Đạo Chúa mang đầy ý nghĩa hiệp thông có sức vượt ra khỏi tình trạng tù túng ứ đọng và nhỏ hẹp của con người mình mà hòa được vào dòng sinh lực Thần Linh. Như một cái đèn hay cái máy được cắm vào dòng điện sẽ bắt đầu khởi động.

Trước khi làm một việc gì, nói điều gì, trước một khó khăn phải đương đầu, mình làm dấu nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, để Chúa hiện diện, hành động và nói năng qua mình. Chính Chúa tác động chứ không còn phải là mình nữa. Như thế thì còn chuyện gì mà không vượt qua nổi.

Sự khác biệt là ở niềm tin. Phép lạ là ở niềm tin. Chúa Cha đã trao toàn quyền cho Chúa Giêsu. Bây giờ Ngài lại đã trao quyền lực làm phép lạ như thế cho các môn đệ là mỗi tín hữu trước khi lên trời: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần... Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28:19-20)

"Nhân danh Thầy họ sẽ trừ được quỉ, nói được các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe."(Mc 16: 17-18)

Nhìn như vậy thì làm dấu Thánh Giá đúng là một phương cách đơn giản để làm phép lạ, có sức thay đổi tất cả. Hãy nhận ra tình trạng tù túng hạn hẹp của mình lúc này. Đó là cái phàm ngã = con người giả của tôi, do tôi tự tạo ra và giữ lại!

Giờ đây tôi bằng lòng buông bỏ cái tôi giả đó, để mở rộng cái tâm cắm điện vào Thần Lực, hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Và tôi thực hành ngay một cử chỉ làm dấu Thánh Giá, làm chậm lại, thật chậm, với tất cả ý thức và niềm tin: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Và từ nay mình sẽ cảm nhận được sức mạnh của cử chỉ làm dấu Thánh Giá trước bất cứ công việc gì.

 Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC211. Thành Phố Lè Phè "Big Easy" New Orleans


Tin Vui Lễ Chúa Ba Ngôi

 

Cách đây mấy năm xẩy ra vụ nổ bom một tòa nhà có nhiều cơ quan chính phủ tại Oklahoma: BaNgôi ABC211


Cách đây mấy năm xẩy ra vụ nổ bom một tòa nhà có nhiều cơ quan chính phủ tại Oklahoma City nước Mỹ, trong đó có một vườn trẻ. Nhiều người bị chết thê thảm, trẻ con cũng bị banh xác. Phi lí quá! Những người mẹ vừa khóc thảm sầu vừa nhặt những mảnh thịt xương con mình văng vãi. Sau đó, nhiều người bị khủng hoảng tâm lý. Tivi phải thường xuyên kêu gọi bác sĩ tình nguyện giúp chữa những người bị điên.

THỜI ĐIỂM NHIỀU NGƯỜI BỊ ĐIÊN

Vụ Oklahoma City chỉ là một tiêu biểu. Tỷ lệ người Mỹ bị điên thật cao so với những nước Á Đông. Một người thân chết cũng bị điên. Bị li dị cũng điên. Bị mất việc cũng điên. Nói chung người Âu Mỹ sống trong xã hội nhiều tiện nghi nên sức chịu đựng ít được tôi luyện.

Nếu theo mức này thì chắc người Việt mình trong hơn nửa thế kỷ qua cần phải có mấy triệu bác sĩ trị liệu tâm lý. Nhưng thật lạ, trải qua những đau khổ cùng độ và những phi lí trong cuộc chiến hay trong những đổi đời khủng khiếp như vậy mà số người Việt bị điên mát không nhiều.

Sức chịu đựng phi thường của người Việt đã làm ngạc nhiên nhiều người ngoại quốc trong đó có linh mục dòng Tên người Ý tên Việt là Đỗ Minh Trí (phiên âm bởi tên chính là Dominici), người đã nhận Việt Nam là quê hương của mình, đã có một nhận xét rất đặc sắc về tâm hồn Việt Nam. Sức chịu đựng bền bỉ và thích nghi cân bằng đời sống với bất cứ hoàn cảnh nào đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu như một gia sản riêng của người Việt, ít dân nào có được:

"Cuộc sống con người là một sự cân bằng giữa sức khoẻ và bệnh tật, niềm vui và đau khổ, giữa lao động và nghỉ ngơi, giàu có và nghèo nàn.. . Khi sự cân bằng đó mất đi bởi vì một yếu tố trở nên lấn lướt hơn so với yếu tố kia, con người sẽ bị khủng hoảng. Cuộc sống của cả một dân tộc trở nên phong phú và có nhân tính nếu như cái dáng dấp bi thảm của khổ đau quân bình với cái hình dạng của niềm hân hoan và hạnh phúc...

Tôi nhớ vào năm 1979 ở Kuku, các bác sĩ người Pháp đã rất kinh ngạc vì số lượng rất thấp của những căn bệnh rối loạn tâm trí giữa một số lượng đông đảo người tị nạn đang sống trong một tình cảnh bi đát. Tôi tin rằng sở dĩ có được điều này là do tâm tính vui vẻ và thơ thới của Người Việt... Chính ngay điều đó chứng tỏ được rằng sự thông minh của người Việt đã biết cách tạo dựng nên những điều kiện lý tưởng để cho cuộc sống của họ, dù rằng đôi khi cay đắng và bi thảm, trở nên có nhân tính.

Nhân tính, đó mới là phẩm chất mà theo tôi, tâm hồn người Việt Nam có thể tóm gọn vào hai chữ đó. Người Việt Nam có rất nhiều nhân tính. Họ không khao khát một sự thánh thiện cao siêu, một nếp sống hào hùng hay những khám phá phi thường. Lý tưởng của họ là một nếp sống an nhàn, tràn đầy niềm vui đơn sơ và bình dị của con người.

Chính cái nhân tính đó đã làm cho người ngoại quốc rất ưu ái và gắn bó rất chặt chẽ với dân tộc Việt Nam. Nhất là người Tây phương rất cần đến cái nhân tính đó của người Việt Nam, là vì họ đã biến đổi cuộc sống thành một cuộc chạy đua điên cuồng trong lãnh vực tiến bộ khoa học kỹ thuật, một sự tiến bộ đã làm cho cuộc sống nhân loại khổ sở biết chừng nào!" (LM Dominici, Việt Nam Quê Hương Tôi, Diễn Đàn Chúa Nhật, trang 26-28).

ĐI TÌM CÁI BÍ MẬT

Nhà ảnh Mark Sindler nổi tiếng ở New Orleans về những bức hình diễn được nét văn hóa tiêu biểu của người Việt mà người Âu Mỹ đang cần tìm hiểu. Anh mò ra được vùng “kinh tế mới” là vùng đất bỏ hoang từ lâu, nay được các cụ Việt ta chặt cây, làm cỏ, xới đất trồng rau, thành hàng thành luống. Lúc đầu thì lấy thùng xách nước dưới mương lên trông rất “miệt vườn”. Sau này các cụ “cơ giới” hóa bằng máy bơm, mua cũng rẻ thôi. Nhìn những đọt rau đang mơn mởn phóng lên, các cụ thấy đời mình tươi trẻ lại, hy vọng lóe lên trong ánh mắt. Về nhà ăn cơm thấy ngon hơn, đọc kinh thấy dòn hơn, chứ không uể oải như mọi khi.

Rình mãi, Mark Sindler mới chụp được cảnh “Vườn Rau Xanh Ngát Một Mầu” của mấy ông bà cụ vùng Versailles. Thay vì ngồi than ngao ngán “thấy đời mình là những quán không” thì đi trồng rau. Vừa chạm đến thiên nhiên tươi mát, vừa có tiền còm mua bánh kẹo cho các cháu. Các cụ còn phát ngôn ngon lành: “Người Mỹ các anh cứ nhốt mình trong phòng như cái hộp vuông. Như vậy điên mát là đúng rồi. Phải mở hộp vuông ra mà hòa với trời tròn, với đời sống cộng đồng, thì cuộc sống mới vuông tròn được. Nước cứ bị đóng lại trong một cái ao nhỏ, trước sau gì thì cũng bị ủng thối.” Có lý thật. Hèn chi thấy nụ cười các cụ no tròn và miệng hát nghêu ngao. Bác sĩ thần kinh mà đến đây thì thế nào cũng thất nghiệp.

NÉT VĂN HÓA DI TRUYỀN TRONG DÒNG MÁU VIỆT

Bác sĩ Dean Ornish hiện rất thành công trong chương trình khảo cứu rất khoa học về việc chữa bệnh hòa hợp thể lý với tâm lý. Một trong những sinh hoạt chính của những người tham dự chương trình là gặp gỡ nhau để chia sẻ trong tình thân. Bác cầu tình thân với người khác sẽ làm cho tính tình được thanh thản, bớt bị căng thẳng. Bởi vì khi bị căng thẳng thì trong cơ thể tiết ra một loại hóa chất gọi là adrelanine, noradrelanine và cortisol. Những chất này như còi hụ tình trạng báo động nguy cấp, mọi nỗ lực chỉ còn dồn vào một động tác duy nhất là đánh hay chạy; mọi sinh hoạt khác bị ứ đọng hoàn toàn: ăn không cảm thấy ngon, đầu hết suy nghĩ được, mạch máu trì trệ, mất kháng tố chống nhiễm trùng nên các tế bào sinh chứng, dễ bị cảm cúm, mất hết hứng khởi...

Như vậy, cô đơn tách lìa cũng là chất độc mà chỉ tình thương mới chữa cứu nổi. "Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn thôi!" Không có con đường nào khác nữa đâu. Bác sĩ Ornish tâm sự: "Tôi càng tìm vun quén cho mình thì càng cô đơn, nhưng khi tôi biết tìm phục vụ người khác thì tôi thấy hạnh phúc hơn nhiều."

Nhìn được như vậy thì người ta mới thích nhạc Jazz. New Orleans là thủ đô loại nhạc này, bộc phát từ những hứng khởi rung cảm tâm hồn hơn là những qui luật ước định. Người chơi nhạc Jazz hay thưởng ngoạn nhạc Jazz đều cần phải mở tâm đóng kín "ao tù" ra mà hòa vào nhịp sống chung của dòng đời tươi mát.

Vậy ra New Orleans là một thành phố thu hút du khách sành điệu, biết nhìn ra những nét phản tỉnh tìm lại niềm sinh thú trong một xã hội quá đóng kín khép lại khiến mỗi ngày mỗi nghèo nàn tinh thần ra. New Orleans luôn "giầu có" sinh động với Mardi Gras, với đại hội nhạc Jazz, với những tiệm ăn Pháp nổi tiếng, với Café du Monde và bánh tiêu beignet, với Superdome, với cầu xa lộ Causeway dài nhất thế giới (dài 24 miles, tức 40 cây số) bác qua Biển Hồ, với cầu Con Cò vươn tay ôm dòng Mississippi uốn lượn vòng quanh thành phố Vành Trăng Lưỡi Liềm (Crescent City). New Orleans được gọi là Thành Phố Lè Phè = "Big Easy" với lối sinh hoạt khoáng đạt vui vẻ suốt năm. Và bây giờ thì du khách Mỹ thích tìm đến các làng Việt để truy tầm nét văn hóa ẩn mật của dân Việt: tại sao với bằng ấy khổ nạn mà người Việt ít bị điên.

Sức chịu đựng bền bỉ từ niềm tin "dù ai nói ngược nói xuôi, ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng" hòa hợp với nếp sống mở rộng khơi được dòng tình, đã là những nét di truyền trong dòng máu Việt. Những nét văn hóa gốc này được truyền đạt qua những truyện thiêng bánh dầy bánh chưng tạo được phong thái hoàng vương, sức mạnh từ Trời của Phù Đổng Thiên Vương, của công tác xây thành Cổ Loa, của Thôi Vỹ với Ngọc Long Toại, của tình duyên Trời xe định giữa Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung v.v.

TIN VUI GỬI AO TÙ BỊ Ứ ĐỌNG (Lễ Chúa Ba Ngôi)

Tình trạng trì trệ ứ đọng cũng giống như nước ao tù bị ủng thối dễ làm cho điên, do đóng kín chỉ biết giữ cho mình, mà không mở tới được với dòng sống tuôn chảy. Nhìn như vậy thì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong đạo Chúa quả là một Tin Vui Gửi Thời Đại Mới cho mỗi người. Nếu mình không mở tâm ra thì bác sĩ bắt buộc phải mổ tim thôi. Thiên Chúa biểu hiện không như một ngôi vị đơn độc, mà là một hiệp thông tình thương như một gia đình có ngôi Cha, ngôi Con, và ngôi Thánh Thần. Đúng là một chia sẻ cộng đồng bác cầu tình thân làm nên cây leo hạnh phúc ràng buộc quấn chặt lấy nhau, một khuôn mẫu cân bằng sức khỏe vững như kiềng ba chân, một cảm nghiệm tạo dựng sức mạnh tinh thần.

Đây cũng chính là cảm nghiệm chung của nhân loại khi vượt qua được cái tôi hạn hẹp mà mở tới chiều kích đại ngã tâm linh. Từ ngữ nhân chủng học gọi là nhiệm hiệp (participation mystique). Thánh Phaolô đã sống thật sâu xa niềm hiệp thông này: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20). Niềm tin này đã tạo ra sức mạnh vượt qua tất cả, và có thể làm được phép lạ như thánh Phaolô quả quyết: "Tôi có thể làm được mọi sự với Chúa là sức mạnh cho tôi" (Philipphê 4:13).

Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại phép lạ chữa người què do thánh Phêrô làm ngay sau khi nhận lãnh Thần Khí Chúa. Mọi người kinh ngạc ùa tới các tông đồ. "Thấy vậy, ông Phêrô lên tiếng nói với dân: "Thưa đồng bào Israel, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi có thể làm cho người này đi lại được nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi? Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaac và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu...Chính vì lòng tin vào danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em." (TĐCV 3: 12-16).

PHÚT MỞ TÂM

Cử chỉ làm dấu của người tin Đạo Chúa mang đầy ý nghĩa hiệp thông có sức vượt ra khỏi tình trạng tù túng ứ đọng và nhỏ hẹp của con người mình mà hòa được vào dòng sinh lực Thần Linh. Như một cái đèn hay cái máy được cắm vào dòng điện sẽ bắt đầu khởi động.

Trước khi làm một việc gì, nói điều gì, trước một khó khăn phải đương đầu, mình làm dấu nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, để Chúa hiện diện, hành động và nói năng qua mình. Chính Chúa tác động chứ không còn phải là mình nữa. Như thế thì còn chuyện gì mà không vượt qua nổi.

Sự khác biệt là ở niềm tin. Phép lạ là ở niềm tin. Chúa Cha đã trao toàn quyền cho Chúa Giêsu. Bây giờ Ngài lại đã trao quyền lực làm phép lạ như thế cho các môn đệ là mỗi tín hữu trước khi lên trời: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần... Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28:19-20).

"Nhân danh Thầy họ sẽ trừ được quỉ, nói được các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe" (Mc 16: 17-18).

Nhìn như vậy thì làm dấu Thánh Giá đúng là một phương cách đơn giản để làm phép lạ, có sức thay đổi tất cả.

Hãy nhận ra tình trạng tù túng hạn hẹp của mình lúc này. Đó là cái phàm ngã = con người giả của tôi, do tôi tự tạo ra và giữ lại!

Giờ đây tôi bằng lòng buông bỏ cái tôi giả đó, để mở rộng cái tâm cắm điện vào Thần Lực, hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Và tôi thực hành ngay một cử chỉ làm dấu Thánh Giá, làm chậm lại, thật chậm, với tất cả ý thức và niềm tin: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Và từ nay mình sẽ cảm nhận được sức mạnh của cử chỉ làm dấu Thánh Giá trước bất cứ công việc gì.

 Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC212. CÁNH ĐỒNG LÚA CHÍN


LỜI CHÚA:

Bài đọc1: Dnl.4,32-34.39-40: Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác.

Bài đọc 2: Rm.8,14-17: Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha.

Phúc âm: Mt.28,16-20: Hãy làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

SUY NIỆM:

 

Cha Maistrino người Ý, thuộc hội thừa sai Milanô đang truyền giáo tại Hồng Kông vào đầu thế: BaNgôi ABC212


Cha Maistrino người Ý, thuộc hội thừa sai Milanô đang truyền giáo tại Hồng Kông vào đầu thế kỷ 20. Cha kể lại một chứng từ sau đây:

Một ngày năm 1938, một phụ nữ người Hoa đến gặp tôi và rụt rè nói:

-Con không có đạo. Con có người bạn có đứa con gái tên là Têrêsa Quang thị Lộ bị lao phổi nặng, chắc không sống bao lâu nữa. Cô ấy muốn trở lại đạo Công Giáo. Xin cha thương giúp.

Tôi nhận lời đi giúp ngay. Nhưng bà ta nói tiếp:

-Thưa cha, bạn con dặn: Nếu cha bằng lòng đến giúp thì xin cha đến cách kín đáo, vì chồng bà không thích người có đạo. Ông ta còn ngăm đe bà vợ: Nếu linh mục nào bén bảng đến nhà, ông sẽ đuổi ra xấu hổ. Vậy xin cha cẩn thận đến nhà lúc ông đi làm.

Nói xong bà ta biên địa chỉ nhà cho tôi rồi cáo biệt ra về.

Tôi bắt đầu tìm biết đến người không thích đạo ấy. Ông ta là luật sư nổi tiếng, có hai vợ, Têrêsa là con của vợ bé ở ngoại ô, còn ông thường sống với vợ lớn ở thành phố.

Sáng hôm đó, tôi đánh bạo đến nhà Têrêsa. Tôi cảm thấy vừa nguy hiểm vừa ngượng ngùng vì những cặp mắt soi mói của những người trong xóm. Cố tìm được nhà, vừa bước vào, tôi đã thấy cô Têrêsa nằm trên giường cây, đầu gối trên viên gạch, thân hình gầy ốm xanh xao.

Cô lễ phép chào tôi rồi kể lại lúc học ở trường Tin Lành, cô đã chọn tên Têrêsa vì thích tên này và vì mộ mến thánh nữ. Giờ đây cô muốn trở thành người Công Giáo….

Tôi liền nhờ một phụ nữ Trung Hoa tên là Êlêna dạy đạo cho cô. Và ba tháng sau, Êlêna báo tin cho tôi cô Têrêsa trở bệnh nặng. Tôi vội vàng chạy đến và rửa tội cho cô. Tôi vừa đọc xong:

“Têrêsa, cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Cô ngước mắt nhìn tôi với đôi mắt tràn đầy niềm vui tươi hạnh phúc….

Nhờ máu tử giá của Chúa Giêsu Kitô đổ ra để cứu chuộc thế gian, nên nguồn sinh lực ân sủng dồi dào khơi dậy các linh hồn tìm về nguồn ơn cứu rỗi. Sự khao khát ấy như Chúa đã nói từ xưa: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Lời nói ấy vẫn còn tiếp tục âm vang qua mọi thời đại và càng ngày càng trở nên thời sự:

-Thời đó mặc dù quan Philatô là vị thủ lãnh thông giỏi mà vẫn còn bỡ ngỡ hỏi Chúa Giêsu rằng: “Sự thật là gì” (Ga.18,38).

-Thời nay một số tù nhân ngoại giáo và những lính cai tù cũng đã hỏi Đức Hồng Y Tổng Giám Mục F.X. Nguyễn văn Thuận rằng: “Tại sao ông đã bỏ mọi sự: gia đình, quyền thế, giàu sang, để theo Chúa Giêsu? Có Thiên Chúa thực không? Lúc đó Đức Hồng Y Thuận trở thành ngôn sứ và mục tử của Chúa trong trại giam. Ngài đã giải thích những thắc mắc của họ….

Những ai đã được diễm phúc làm con Chúa, nhất là những người được đặc ân dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì, càng có khả năng và hoàn cảnh thuận tiện để nâng đỡ những linh hồn giầu thiện chí tìm về Chân Thiện Mỹ nhưng chưa thấy được ánh vinh quang huy hoàng của Chúa:

-Họ khao khát Lời Chúa.
-Họ khao khát gương sáng.
-Họ khao khát làm con của Chúa.

Đi vào thực tế trong đời sống, có rất nhiều linh hồn ước mong làm con Chúa nhưng còn bị ngăn trở bởi đam mê, bị ngăn bởi gia đình họ hàng, hoàn cảnh làm ăn phức tạp; hoặc là nhiều người không được các tông đồ dân Chúa đem nguồn sức thiêng đến cho họ. Chẳng hạn tiếng kêu S.O.S. thời sự nóng bỏng trong thế giới hiện tại của vô số thai nhi bị sát hại, chúng đang chờ mong các thiện nguyện viên đem “nước hằng sống” đến cứu họ….

Hôm nay trước khi về trời Chúa Giêsu cũng nói những lời cấp bách và truyền cho các tông đồ tiếp tục sứ mệnh của Ngài:

1.Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy: Vương quyền này tỏ rõ từ lời tuyên bố Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavit. Và sách sử còn chép rằng: Lúc còn trẻ Ngài được các nhà chiêm tinh từ đông phương nhìn nhận là “Vua dân Do Thái”. Tiếp nối trong cuộc đời, Chúa Giêsu đã từ chối nghe theo lời ma quỉ cám dỗ trong sa mạc để được quyền hành thế gian mà không cần phải hiến thân phục vụ tha nhân và chịu đau khổ cho đến chết. Nhưng trái lại Ngài đã theo ý Đức Chúa Cha, lãnh nhận cuộc tử nạn đầy thương khó để trở thành “Vua dân Do Thái” với mọi quyền hành trên trời dưới đất.

2.Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân:

Đây là hậu quả tất nhiên của vua uy quyền mà Chúa Giêsu đã được. Việc sai đi truyền giáo ở đây có ý nghĩa rất đặc biệt là đến với muôn dân chứ không hạn chế như trước kia là chỉ đến với “chiên lạc nhà Israel”. Đó là Hội Thánh phổ quát, đạo Công Giáo là dành cho hết mọi người. Chúa muốn qui tụ mọi dân tộc khác nhau, nhờ phép rửa tội mà chúng ta được trở nên nghĩa tử của Chúa Ba Ngôi: Với Chúa Cha là Đấng Tạo Thành, với Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc, và với Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hoá.

3.Làm phép rửa cho họ: Đây là công tác của vị tông đồ. Khi ban phép Rửa tội, vị tông đồ đã tháo gông cùm của sự chết mà đưa họ vào cuộc phục sinh với Đức Kitô. Từ đây họ có thể cùng hợp xướng với thánh Phaolô rằng: “Tôi sống nhưng không phải còn là tôi sống, mà là đức Kitô sống trong tôi” (Gl.2,20).

4.Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần: Dấu ấn ân tình Chúa Ba ngôi khắc ghi trong tâm hồn sẽ là hạt giống trổ sinh ơn thánh, làm linh hồn ta lớn luôn mãi. Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa mà ta được lãnh nhận là ơn bí tích Rửa tội mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận qua bàn tay Giáo Hội. Hằng ngày chúng ta cảm nghiệm mầu nhiệm ấy mỗi khi sốt sắng làm dấu Thánh Giá trên mình.

5.Giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền: Thánh Phaolô nói: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr.5,14). Động lực này sẽ giúp vị tông đồ hăng say loan truyền Lời Chúa khắp nơi: trực tiếp đến với tha nhân hoặc qua đài phát thanh, Intenet v.v.

6.Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Giêsu hiện diện ở trần gian 33 năm. Và sau Ngài về trời Chúa Thánh Thần sẽ mãi mãi là bảo đảm, là sức mạnh cho các tông đồ lên đường thi hành sứ mệnh được trao phó.

Ước gì chúng ta hợp nhất với các tông khắp nơi trên đường truyền giáo qua các vần thơ:

Trải qua các phố các phường,
Xĩm làng buổi sáng, hội đường chiều hơm.
Chữa chuyên, dạy dỗ, thăm nom,
Tình thương trải rộng bao trùm nơi nơi.
Những mong sứ điệp Nước Trời,
Rao truyền cho khắp người đời được nghe.
Thấy dân thống khổ ê chề,
Lịng người xúc động tràn trề mối lo.
Thường kêu mơn đệ dặn dị:
Các con hãy nguyện xin cho thêm người.
Lúa đà chín ngợp chân trời,
Kíp thêm cơng gặt, kịp thời tăng thu.

(Trích thơ của Linh Mục Nguyễn xuân Văn)

Br. B.M.Thiện Mỹ CMC
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC213. NHẬN RA THIÊN CHÚA BA NGÔI


BẰNG CẢM NHẬN TÌNH YÊU NGÀI

 

Mỗi lần suy về Chúa Ba Ngôi, Kitô hữu chúng ta đều có cùng một cám dỗ là muốn hiểu và: BaNgôi ABC213


Mỗi lần suy về Chúa Ba Ngôi, Kitô hữu chúng ta đều có cùng một cám dỗ là muốn hiểu và muốn biết Thiên Chúa như thế nào? Và tại sao một Thiên Chúa mà lại có ba ngôi.

Cơn cám dỗ trên không những đã trở thành một cám dỗ đầy thu hút, đầy tò mò đối với những trí khôn bình thường, nhưng nó đã trở thành một thách đố đối với những trí khôn thông minh và thánh đức như của Augustine chẳng hạn. Rất tiếc không ai trong nhân loại có thể dùng cái lỗ cáy trí tuệ của mình để chứa đựng biển cả càn khôn của Thiên Chúa được.

Thật khó để trí khôn con người có thể tri thức được Thiên Chúa. Càng không thể được khi con người muốn mổ xẻ, phân tích Thiên Chúa Ba Ngôi trong bản thể và thiên tính của Ngài; trong đó với ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi là một Thiên Chúa. Augustine đã sa vào cái chước cám dỗ này, và vì thành tâm kiếm tìm chân lý, ông đã được tha thứ. Có lẽ rút được kinh nghiệm ấy, nên Tôma A’quinas đã tỏ ra dè dặt và khiêm tốn hơn khi viết về Thánh Thể: “Ta hãy lấy Đức Tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Vì chỉ có Đức Tin mới làm cho chúng ta tin rằng tấm bánh đã được truyền phép kia là Thánh Thể Chúa Giêsu. Và cũng chỉ có Đức Tin mới làm cho chúng ta tránh khỏi những thắc mắc về Thiên Chúa Ba Ngôi là điều tự nhiên con người muốn biết, nhưng ngược lại, không thể nào biết được.

Trong cái nhìn tự nhiên, điều làm cho con người dễ bị cám dỗ để phân tích về Chúa Ba Ngôi là những hình ảnh mà ta thường thấy “vẽ” về Thiên Chúa. Những hình ảnh mà trong đó Chúa Cha được trình bày bằng hình một ông già râu tóc bạc phơ. Chúa Con với hình ảnh một thanh niên, đẹp trai, có mái tóc ngang vai, và bộ râu đầy tính nam giới. Và Chúa Thánh Thần qua hình ảnh một con bồ câu trắng với những luồng sáng tỏa quanh.

Hơn nữa, những điều mà phần đông Kitô hữu đã học thuộc lòng nhưng ít khi thấu triệt, đó là Chúa Cha “sinh ra” Chúa Con. Chúa Con “sai” Chúa Thánh Thần xuống nhân danh Ngài sau khi Ngài đã về trời. Giữa “cha” và “con”. Và Chúa Thánh Thần là “tình yêu” của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Giữa kẻ “sai” và người “bị sai” đã tạo nên một hình ảnh hết sức mơ hồ, lẫn lộn và khó hiểu. Hình ảnh ông già, chàng thanh niên, và chim bồ câu lại tạo nên một sự so sánh, mà tự nhiên khiến ta không dễ chấp nhận đó là Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần. Làm thế nào Chúa Cha lại “sinh ra” Chúa Con mà không có mẹ. Và làm thế nào Chúa Thánh Thần lại được coi là tình yêu của giữa Cha và Con. Làm sao Thánh Thần lại bị “sai” xuống với các Tông Đồ và các tín hữu do Chúa Con.

Chúa Cha có phải là ông bố, và Chúa Con có phải là anh con trai. Và Chúa Thánh Thần có phải là một gạc nối giữa hai bố con ấy không? Và đó có phải là hình ảnh thật của Thiên Chúa Ba Ngôi không? Chắc chắn Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là thế, nhưng là sao thì chúng ta cũng không thể biết được, và còn lại duy nhất đức tin và những cảm nhận bằng tình yêu được thể hiện mà con người có thể nhận ra được bằng tấm lòng thành kính và khiêm tốn.

Thật vậy, điều Augustine không làm đưọc, và đầu óc ông không thấu triệt được, thì Thánh sử Gioan đã hé mở khi viết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8). Qua định nghĩa này, con người có thể và có khả năng cảm nhận được sự hiện hữu cũng như hiểu được phần nào Thiên Chúa như thế nào. Vì có ai mà không yêu và muốn được yêu? Tình yêu, do đó, được coi như một nhu cầu và bản năng cần thiết cho cuộc sống con người. Thiếu tình yêu con người sẽ trở thành khô cằn, thảm sầu, thất vọng, khốn khổ và sẽ chết. Chính vì thế, Thiên Chúa đã thông ban và chia sẻ tình yêu của Ngài cho thụ tạo, đặc biệt là với con người.

Theo giáo lý, Ngôi Cha yêu Ngôi Con và tình yêu ấy chính là Ngôi Thánh Thần. Sự gắn bó giữa Cha, Con, và Thánh Thần làm nên một cộng đồng yêu thương giữa Ba Ngôi và trong Chúa Ba Ngôi. Chính ở tình yêu này Thiên Chúa trở thành hạnh phúc, sung mãn, và qua hành động thông ban, chia sẻ hạnh phúc của Ngài cho nhân loại, Ngài đã trở nên tốt lành, đáng mến, và đáng tôn thờ.

Do tình yêu, Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất và quân hoà trong những khác biệt giữa ngôi vị, và công việc. Theo Thánh Kinh, Ngôi Cha được biết đến qua hành động tạo dựng. Ngôi Con được biết đến qua hành động cứu chuộc. Và Ngôi Thánh Thần được biết đến qua hành động thánh hóa. Và cả Ba Ngôi hợp lại trở nên một Thiên Chúa đầy tình yêu, tốt lành, đáng mến, hạnh phúc và quyền năng vô biên.

Tóm lại, cảm nhận tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi trong việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa là cách thức dễ dàng nhất và thực tế nhất mà con người có thể làm khi suy về Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt khi suy về tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong chính sự yêu thương nội tại của Ngài, và trong việc Ngài chia sẻ tình yêu ấy với các loài thụ tạo, trong đó có con người. Chúng ta qua Đức Tin và Thánh Kinh cảm nhận được tình yêu tạo dựng, tình yêu cứu độ, và tình yêu thánh hóa. Do một nguồn mạch yêu thương duy nhất là Thiên Chúa, và do cùng một Đấng Tạo Hóa.

Không do tình yêu Thiên Chúa vũ trụ và mọi sinh vật hữu hình và vô hình đã không được tạo dựng nên. Không do tình yêu Thiên Chúa, nhân loại đã không được cứu độ, và Chúa Giêsu đã không đến với trần gian, đã không mặc khải cho nhân loại biết về Thiên Chúa. Và nếu không do tình yêu Thiên Chúa, nhân loại dù đã được cứu chuộc vẫn không về được vĩnh hằng vì không được thánh hóa và giúp cho hiểu được và biết cách xử dụng ơn huệ ấy.

Cảm nghiệm tình yêu, do đó, là một nhận thức rõ ràng về sự có mặt của Thiên Chúa, về cách thức Ngài hành xử và yêu thương con người, cũng như về đường lối Ngài cứu chuộc và thánh hóa con người. Nhưng rồi con người đối lại với tình yêu Thiên Chúa như thế nào? Và trong tương quan tình yêu ấy, con người đối xử với nhau như thế nào? Đó là những vấn nạn cần thiết để con người hiểu và yêu mến Thiên Chúa, hơn là dùng lý lẽ và trí khôn mình phân tích hoặc mổ xẻ về Thiên Chúa là điều mà không những con người mà ngay cả thần thánh trên thiên đình cũng không làm được. Bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu, vỹ đại, và uy quyền từ muôn thuở.

T.s. Trần Quang Huy Khanh
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC214. Mầu Nhiệm Tình Yêu Hợp Nhất

 

Ngày xưa khi còn bé đang tuổi thiếu nhi, tôi đã được học giáo lý về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba: BaNgôi ABC214


Ngày xưa khi còn bé đang tuổi thiếu nhi, tôi đã được học giáo lý về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, cha xứ tôi đã dùng một hình ảnh để mô tả về mầu nhiệm này. Cha hỏi:

- Các con đưa mắt nhìn xem mặt trời các con sẽ thấy gì?

Cả ngàn thiếu nhi trả lời:

- Thưa cha, thấy một vòng tròn to, đỏ như lửa ạ!
- Giờ cha tắt máy quạt các con có thấy gì không?
- Thưa cha, thấy nóng ạ!
- Nhìn qua cửa sổ nhà thờ các con thấy gì?
- Thưa cha, thấy ánh sáng ạ!
-Vậy, bởi đâu mà có ánh sáng và sức nóng.
- Thưa, tự mặt trời phát ra.
- Vậy ánh sáng có phải là mặt trời không? Sức nóng có phải là mặt trời không?

Cả nhà thờ thưa to:

- Thưa phải.
- Như vậy là có ba mặt trời phải không?

Tất cả đoàn Thiếu Nhi chúng tôi ngẩn người ra. Thú thật ngày đó tôi không thể hiểu nổi những điều cha xứ dạy, và cha kể chuyện thánh Augutinô: Trong một lần kia, thánh nhân đi dạo trên bãi biển, vừa đi vừa suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và ngài không thể hiểu nổi về mầu nhiệm cao siêu này. Đang lúc miên man thì ngài nhìn thấy một em bé cầm cái vỏ ốc nhỏ múc nước từ dưới biển đổ vào một lỗ cáy, thánh nhân lấy làm ngạc nhiên, lại gần hỏi em bé:

- Này em bé, sao em lại lấy vỏ ốc nhỏ xíu như vậy mà múc cả một đại dương như thế? Bé không biết là mình đã làm một việc vô lý sao?

- Em bé trả lời:

- Thưa ngài, việc cháu làm còn dễ hiểu hơn là điều ngài đang suy nghĩ! Thánh nhân đã chợt hiểu ra.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Công giáo. Quả thật, đây là một mầu nhiệm thâm sâu, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả người có óc tưởng tượng nhất cũng không sao hiểu thấu hay hình dung ra được. Bởi vì Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một bài toán: 3 là 3; 1 là 1; chứ không có bài toán nào 1 là 3 hoặc 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số cho con người cộng, trừ, nhân, chia.

Vậy ai đã dạy cho chúng ta biết về mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Người đã đến từ Chúa Cha và Người đã mặc khải cho con người biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Người là Con Một của Chúa Cha. Người và Chúa Cha là một. Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người, nghĩa là Người cùng bản tính với Chúa Cha. Người là Thiên Chúa. Người cũng đã cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng Người và Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt. Nếu Người không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Vì thế, Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm và mãi mãi vẫn là mầu nhiệm. Và Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nói lên một điều duy nhất đó.

Vì vậy, khi Giáo hội mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này. Hơn thế nữa, lại còn mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương hiệp nhất. Tình yêu giữa Ba Ngôi không khép kín trong Ba Ngôi, nhưng đã trào tràn trên hết mọi loài thụ tạo. Bởi thế, tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng nhất, và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm ngừời và làm con Chúa. Đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi: Yêu Thương - Hiệp Nhất.

GM Lệ Tâm
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC215. ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

 

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao siêu và quan trọng vọng nhất trong đạo, do: BaNgôi ABC215


Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao siêu và quan trọng vọng nhất trong đạo, do Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng đã mạc khải qua Thánh Kinh. Một mầu nhiệm đó vượt quá trí khôn thụ tạo, mà Giáo Hội truyền dạy chúng ta. Thánh Gioan Thánh Giá lại dạy: "Hãy nghe lời cốt yếu và đầy chân thật mà giác quan không thể chạm tới. Hãy tìm lời đó trong Đức Tin và trong tình yêu mến, con đừng tìm vui thỏa, mãn nguyện trong bất cứ thụ tạo nào". Thánh Phaolô dạy: "Đức Tin là bảo đảm những điều chúng ta hy vọng, là bằng chứng thực tại những điều chúng ta không thấy" (Heb 11.1).

Nếu chúng ta hỏi các nhà khoa học: Điện là gì và tại sao điện có nhiều công hiệu khác nhau như vậy ? Tại sao khi cắp điện vào thi bàn ủi nóng ? Tủ lạnh tỏa hơi lạnh ? Lắp bóng điện vào là đèn cháy sáng ? Bật công tắc máy quạt là máy quay ?... Còn biết biết bao điều tương tự như thế nữa, dù các nhà khoa đại tài cũng không giải thích thỏa đáng được.

Vay trong lãnh vực tự nhiên ấy mà các nhà khoa học còn không thể hiểu, thì trong lãnh vực siêu nhiên, con người hữu hạn có thể hiểu sao được? Chúng ta hãy khiêm nhường suy phục và tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa mà Chúa đã thương tỏ cho chúng ta.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được tỏ rõ trong Tân Ước như lúc:

a. Chúa Kitô đi giảng, Ngài đã truyền cho các môn đệ: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần" (Mt 28:19).

b. Khi Chúa Kitô chịu phép rửa trên sông Jordan, Chúa Thánh Thần lấy hình ảnh Chim Bồ Câu đậu trên đầu Ngài và đồng thời có tiếng Chúa Cha từ trời tuyên phán: "Đây là Con Cha yêu dấu, Con làm vui thỏa lòng Cha" (Mt 3:17).

c. Rồi khi khác, Chúa lại phán: "Nếu các con yêu mến Thầy, hãy vâng giữ lệnh Thầy truyền, Thầy sẽ nài xin Chúa Cha sai Đấng An Ủi đến ở cùng các con mọi ngày" (Jn 14:15)...

Chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội tuyên xưng Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, Cha Con, và Thánh. Ngài đã cứu chuộc, ban ơn thánh hóa, để chúng ta sống xứng đáng ơn gọi làm con Chúa.

Khi dựng nên ta, Ngài đã yêu thương ta như một thụ tạo của Đấng tạo thanh. Khi rửa tội, Ngài đã phục hồi ơn nghĩa làm con Chúa. Khi sống trong ơn nghĩa, Ngài lại coi ta như người bạn tâm phúc, như Người Yêu muôn thuở. Chúng ta hằng được Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn, như ngự trên Thiên Đàng hạnh phúc, Ngài phán: "Hạnh phúc của Ta là ở giữa con cái loài người". Thánh Phaolô cũng đã minh xác: "Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, là đền của Chúa Thánh Thần ngự trị" (I Cor 3:16).

Vậy chúng ta phải có nghĩa vụ nào đối với Vị Thượng Khách qúy mến ấy ? Chúng ta phải năng tưởng nhớ đến Người, năng dâng lên Ngài lòng tôn thờ, yêu mến, tri ân và nhất là đừng bao giờ cố tình phạm tội trọng xúc phạm đến Ngài.

Lạy Mẹ Maria là bạn tâm phúc của Chúa Thánh Thần, xin Mẹ giúp chúng con hiểu biết giáo huấn của Ngài, để chúng con biết quí trọng và gìn Chúa Ba Ngôi đang ngự trong tâm hồn chúng.
Xin thúc dục chúng con năng tưởng nhớ, viếng thăm và thân thưa với Ngài, nhất là giữ tâm hồn chúng con luôn trong sạch, thánh thiện, để chỉ biết yêu mến và làm hài lòng Ngài thôi.

Lm. Thu Băng, CMC
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC216. Tận Thâm Cung của Thiên Chúa

 

Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh mở màn chẳng những với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: BaNgôi ABC216


Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh mở màn chẳng những với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mà còn với cả ba Lễ Trọng sau đó nữa, đó là Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (chính thức được cử hành vào Thứ Năm trong tuần Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng thường được cử hành vào Chúa Nhật), và Lễ Thánh Tâm Chúa (bao giờ cũng vào Thứ Sáu trong Tuần Lễ Mình Máu Thánh Chúa, dù là Lễ Trọng nhưng là lễ trọng không buộc). Nếu Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống thì sự sống Ngài ban đây được bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, được chất chứa nơi Mình Máu Thánh Chúa Kitô, và được thông ban do tình yêu vô biên của Thiên Chúa, một tình yêu được biểu hiện nơi Thánh Tâm Chúa Kitô.

Riêng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi của chu kỳ phụng vụ năm B này liên quan đến mầu nhiệm con người tạo vật được làm con Thiên Chúa, được thông dự vào sự sống thần linh, sự sống nội tại của Thiên Chúa, Thiên Chúa Ba Ngôi. Trước hết, trong bài Phúc Âm của Thánh Ký Mathêu chúng ta thấy Chúa Kitô lần đầu tiên (cũng là lần sau hết nên là lần duy nhất) tỏ tường mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bằng một câu nói ngắn gọn bao gồm cả Ba Ngôi một lúc, đó là “Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh ‘Cha và Con và Thánh Thần’”. Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo thì khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là con người tạo vật tội lỗi chẳng những, về phần tiêu cực, được rửa sạch tội tổ tông cùng tội mình làm (nếu được rửa tội vào lúc đã có đủ trí khôn) và được tha cả hình phạt bởi tội lỗi, mà còn, về phần tích cực, được ơn nghĩa với Thiên Chúa, kèm theo ba thần đức Tin Cậy Mến, để nhờ đó họ tư cách và khả năng thực hiện những tác động thần linh, cũng như được thông phần bản tính thần linh sống sự sống thần linh, sống như một người con cái Cha trên trời, trở nên chi thể của Chúa Kitô và thành đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Vấn đề thực tại sự sống thần linh hay cơ cấu sự sống siêu nhiên nơi con người lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội được phân tích theo giáo lý trên đây tuy rõ ràng nhưng có vẻ phức tạp và dài dòng. Giống như kiểu phải dọn dẹp một căn nhà cũ bề bộn những thứ bẩn thỉu hôi ám xấu xa cho đàng hoàng sạch sẽ trước đã rồi sau đó mới mang đồ đạc mới vào để trưng bày thành một căn nhà mới mẻ, hợp thời và sang trọng vậy. Thật ra, như ánh sáng chiếu tỏa tự nhiên làm tan bóng tối ngay lập tức thế nào thì con người tạo vật lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội cũng thế, bởi vì, lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, trước hết và trên hết, là lãnh nhận Thần Linh Thiên Chúa. Nếu Chúa Kitô đến là để làm phép rửa Thánh Linh (x Jn 1:33), và những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa (x Jn 1:12), thì kẻ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội tức là con người được tái sinh bởi trên cao (x Jn 3:3), được tái sinh bởi nước và Thần Linh (x Jn 3:5). Cuốn Tông Vụ, một cuốn sách được gọi là Phúc Âm Thứ Năm, Phúc Âm về Chúa Thánh Thần, hầu như mỗi lần thuật lại một trường hợp lãnh nhận phép rửa đều có dính dáng hay đi liền với việc lãnh nhận Thánh Thần. Chẳng hạn như trường hợp Thánh Phêrô rửa tội cho cả nhà dân ngoại đầu tiên là gia đình Cornêliô (x Acts 10:44-48); trong trường hợp đây, thậm chí Thánh Thần đã xuống trên gia đình dân ngoại này trước khi họ chính thức lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội bằng hình thức nước nữa. Hay trường hợp Thánh Phaolô rửa tội cho một số môn đồ ở Êphêsô, những người mới lãnh nhận phép rửa thống hối của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, để họ có thể lãnh nhận Thánh Thần (x Acts 19:1-6).

Đúng thế, không có Thánh Thần, không lãnh nhận Thánh Thần, nghĩa là nếu không được Cha trên trời ban cho Thánh Thần của Ngài, cũng là Thánh Thần của Con (x Gal 4:6), một Thánh Thần hiệp thông Cha Con, không ai có thể nhận biết Thiên Chúa, một Vị Thiên Chúa tỏ mình nơi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, tức không thể chấp nhận Chúa Kitô (x Acts 1Cor 12:3), do đó cũng không thể làm con Cha trên trời. Đó là lý do, ngay câu đầu tiên trong bài đọc hai hôm nay, Thánh Phaolô đã tuyên bố: “Tất cả những ai được Thần Linh Thiên Chúa dẫn dắt đều là con cái Thiên Chúa”. Tại sao? Tại vì Thánh Thần được ban cho con người lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đây, cũng trong bài đọc thứ hai cho thấy, là Thánh Thần yêu thương, chứ không phải là một thứ tinh thần sợ sệt (như tinh thần của Thời Cựu Ước), một Thánh Thần làm cho “chúng ta kêu lên ‘Abba’ (tức là ‘Cha ơi’)”. Phần chúng ta là thành phần lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Chúa Kitô, Phép Rửa Thánh Thần, nhờ Thánh Thánh đã được ban cho, chúng ta từ từ sẽ thấy được rằng và sẽ sống xứng đáng với ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Đó là lý do sau khi cho biết những ai lãnh nhận tinh thần thừa tự để có thể kêu với Thiên Chúa là ‘Cha ơi’, Thánh Phaolô liền dẫn giải thêm: “Chính Thần Linh làm chứng cho tâm linh chúng ta rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa”. Đúng thế, Thánh Thần được ban cho Kitô hữu chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội sẽ “dẫn đắt” thành phần con cái Thiên Chúa chúng ta, sẽ làm cho mỗi một người Kitô hữu chúng ta từ từ cảm nhận được trong cuộc đời sống đạo của mình thân phận cao trọng được làm con cái Thiên Chúa, tức dần dần làm cho chúng ta sống xứng đáng với ơn gọi của mình. Tất cả tiến trình Linh Đạo Kitô Giáo, hay tất cả con đường nên thánh của Kitô hữu là ở chỗ này.

Thật vậy, Thánh Thần được ban cho Kitô hữu khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là Vị, qua các tặng ân của mình, tặng ân khôn ngoan và thâm hiểu, tặng ân huấn dụ và sức mạnh, tặng ân tri thức và kính sợ cùng hiếu thảo (x Is 12:2-3), sẽ làm cho Kitô hữu mỗi ngày một sống trọn ơn gọi làm con cái Thiên Chúa hơn. Ở chỗ, Ngài làm cho họ càng ngày càng nên giống như Chúa Kitô, càng đạt đến tầm mức thành toàn của Chúa Kitô là Đầu (x Eph 3:13,15), một Người Con đẹp lòng Cha mọi đàng (x Mt 3:17, 17:5), vì luôn luôn làm theo ý của Cha hơn là ý của mình (x Jn 17:4). Đúng thế, làm cho Kitô hữu nên giống Chúa Kikô, hay làm cho Chúa Kitô được hoàn toàn hình thành nơi Kitô hữu, tức là làm cho Kitô hữu sống trọn Kinh Lạy Cha, với tất cả tâm nguyện và đời sống chỉ biết làm sao để “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6:9-10). Vì tất cả cuộc đời trần gian của Chúa Kitô, của Con Thiên Chúa Làm Người là sống chết với ước nguyện duy nhất này. Để rồi, sau khi hoàn tất mọi sự trên Thập Giá đúng như ý muốn của Cha, cho dù có phải uống cạn chén đắng Cha trao (x Mt 26:39), thậm chí có bị Cha hoàn toàn bỏ rơi (x Mt 27:46), Vị Thiên Chúa Nhập Thể này, sau khi sống lại từ trong kẻ chết, đã thông ban Thánh Thần của mình cho các tông đồ, và qua các vị ban cho thành phần tin tưởng chấp nhận Người (x Jn 20:22-23; Lk 24:46-47).

Nếu Chúa Cha khi hoàn toàn tỏ mình ra nơi Ngôi Lời Nhập Thể đồng thời cũng thông ban Thánh Thần của Ngài cho nhân loại nơi Con Người Giêsu Kitô, và Con Thiên Chúa Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô đến để tỏ Cha ra (x Jn 1:18) đồng thời cũng để thông ban Thánh Thần của Người cho những ai tin tưởng chấp nhận Người và qua họ cho tất cả thế gian, thì Thánh Thần đến là để làm cho con người tin nhận Chúa Kitô, nên một với Chúa Kitô, sống Chúa Kitô, một Chúa Kitô Thiên Sai, đến để làm chứng về Cha, Đấng đã yêu thương thế gian đến ban Con một mình để những ai tin Con thì không phải chết nhưng được sự sống trường sinh (x Jn 3:16), được Thánh Thần, được hiệp thông với Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi, Đấng con người đã lãnh nhận Phép Rửa ‘nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’.

Thiên Chúa là Cha đã ban cho chúng ta Bản Thân Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể, và ban cho chúng ta Thâm Cung của Ngài là Thánh Thần, Thần Chân Lý (x Jn 16:13), Vị Thần Linh thấu suốt mọi sự kể cả thâm cung Thiên Chúa (x 1Cor 2:10). Nếu bản tính Thiên Chúa, theo Mạc Khải Cựu Ước, là hiện hữu (x Ex 3:14), thì Chúa Kitô đã mạc khải trong Tân Ước rất chính xác: “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24). Bởi vì, “là Thần Linh”, từ đời đời đến đời đời, Thiên Chúa (Chủ Thể) hằng Ý Thức (Thần Linh) về Bản Thân Mình (Ngôi Lời). Đó là lý do, “ai tôn thờ Thiên Chúa phải tôn thờ Ngài trong Thần Linh và chân lý” (Jn 4:24), tức trong Thần Linh và Chúa Kitô (Chân Lý). Nhờ Thánh Thần, Thần Linh của Thiên Chúa, con người tạo vật mới có thể biết được Thiên Chúa như chính Ngài biết mình Ngài, như Ngài đã tỏ ra nơi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô. Như thế, một khi được lãnh nhận Thánh Thần là Thần Linh của Thiên Chúa, là con người được hiệp thông với Thiên Chúa, được nên con Thiên Chúa và sống Sự Sống Thần Linh, Sự Sống Nội Tâm của Thiên Chúa.

Vấn đề cần phải đặt ra ở đây là trong Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa Kitô kết Bữa Tiệc Ly, một lời nguyện mà, theo nội dung, là cốt lõi của Phúc Âm nói riêng và của toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước nói chung, tại sao Chúa Giêsu không hề nói đến một chút nào Thánh Thần? Nếu vậy thì chẳng những Lời Nguyện Hiến Tế này không thể gồm tóm tất cả Mạc Khải của Thiên Chúa, mà chính Mạc Khải về Thiên Chúa cũng có khuynh hướng đa thần hơn là độc thần. Bởi vì, nếu không có Thánh Thần, không hiệp thông nên một, Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con không còn là Một Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất mà là hai Thiên Chúa hoàn toàn khác nhau, có những lúc kình chống nhau như nước với lửa, như sáng với tối, không vị nào chịu vị nào, vị nào cũng muốn mình là chúa tể. Đó là lý do Chúa Kitô mới mạc khải “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24). Vị “Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất” (Jn 17:3) chính là Vị “Thiên Chúa là Thần Linh”. Thật ra, dù Chúa Giêsu không hề minh nhiên nhắc đến chữ Thánh Thần hay Thần Linh như Người đã nói với các tông đồ trước đó trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Thánh Thần thực sự hiện diện trong Lời Nguyện Hiến Tế này. Ở những chỗ Người nói về “sự sống đời đời” và “hiệp nhất nên một”.

Về “sự sống đời đời”, nếu Thánh Thần là Thần Linh Thiên Chúa, là Ý Thức Thần Linh của Thiên Chúa về Bản Thân Mình, mà “sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất và Giêsu Kitô Cha sai” (Jn 17:3), thì “Người ban cho họ sự sống đời đời” (Jn 17:2) đây không phải là ban Thánh Thần cho những ai tin vào Người hay sao? Thật vậy, vì Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất về bản thể và ưu phẩm, nên trong thâm cung của Thiên Chúa, Ba Ngôi đều là sự sống. Tuy nhiên, nơi Thiên Chúa lại có Ba Ngôi Vị khác nhau về tính cách và vai trò, mà Ba Ngôi là sự sống cũng có tính cách khác nhau. Chúa Cha là sự sống tương tự như Mặt Trời, Ngôi Lời “là sự sống” (Jn 4:16) tương tự như ánh sáng tỏa ra từ mặt trời, “Ánh Sáng sự sống” (Jn 8:12), và Thánh Thần là sự sống tương tự như Nhiệt Năng của Mặt Trời làm cho sinh vật sinh động.

Về “hiệp nhất nên một”, nếu Chúa Kitô liên quan đến ân sủng, Chúa Cha liên quan đến tình yêu và Thánh Thần liên quan đến ơn thông hiệp (x 2Cor 13:13), thì lời Chúa Kitô nguyện cùng Cha cho Giáo Hội “được hiệp nhất nên một như Chúng Ta” (Jn 17:21) bấy giờ không phải là cho Giáo Hội “được Thần Linh như Chúng Ta” hay sao, nhờ đó, họ được ở trong Chúng Ta? Có thể nói, hoạt động ngoại tại của Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất là Mạc Khải tất cả thâm cung của Thiên Chúa là Thần Linh nơi Lời Nhập Thể Vượt Qua đầy Thánh Thần. Nếu nội tại, Chủ Thể Thần Linh (Ngôi Cha) Ý Thức Thần Linh (Thánh Thần) được Bản Thân Thần Linh của Mình là Ngôi Lơi thế nào, thì ngoại tại, Ngôi Lời cũng Ý Thức Ngôi Cha như vậy, cũng phản ảnh vinh hiển Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha như vậy (x Heb 1:3), chẳng những qua Mầu Nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua, mà còn qua Giáo Hội Chứng Nhân của Người nữa.

Vậy con người tạo vật chúng ta được rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, như bài Phúc Âm nói đến đây là gì, nếu không phải được tái sinh vào Sự Sống Thần Linh. Vì “Cha” đây nghĩa là nguồn mạch sự sống. “Con” đây là chính sự sống của Cha, phát xuất từ nguồn mạch của mình là Cha. “Thánh Thần” đây là “Đấng ban sự sống”, vì Ngài là Ý Thức của Cha về Bản Thân Cha là Con. Bởi thế, khi được lãnh nhận phép rửa “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” là Kitô hữu lãnh nhận “phép rửa Thánh Thần” (Jn 1:33), hay lãnh nhận chính Thánh Thần, tức Ý Thức Thần Linh, để họ có thể “hiệp nhất nên một như chúng ta là một” (Jn 17:22), tức như “Cha ở trong Con” (Jn 17:21), ở chỗ Cha Ý Thức Bản Thân Mình là Con, và như “Con ở trong Cha” (Jn 17:21), qua việc Con Nhập Thể “tỏ Cha ra” (Jn 1:18). Sự Sống Thần Linh, hay Sự Sống Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi Kitô hữu đây quả thực ở chỗ họ “nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô” (Jn 17:3).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC217. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần


PM. Cao Huy Hoàng

Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi

 

Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, xin mỗi người hãy lắng lòng một phút để tưởng nhớ và tri ân người: BaNgôi ABC217.


Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, xin mỗi người hãy lắng lòng một phút để tưởng nhớ và tri ân người Mẹ đạo đức, người Cha thương yêu của mình. Đó là những người đầu tiên ghi Dấu Thánh Giá trên trán chúng ta trong ngày rửa tội, những giáo lý viên đầu tiên dạy ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi và cầm tay chỉ dẫn ta làm Dấu Thánh Giá.

“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” là lời nguyện kèm theo với động tác làm Dấu Thánh Giá. Thiết tưởng dù có đọc thành tiếng, đọc thầm hay không thành tiếng, thì mỗi tín hữu đều phải nhớ rằng: Dấu Thánh Giá không chỉ là một động tác, càng không phải là một động tác theo thói quen hay vô thức, càng không phải là một động tác trang trí như trên sân khấu hay nơi sân cỏ… mà là một động tác đầy ý thức tâm linh: Ý thức rằng chúng ta đang sống và làm việc “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.

Giáo hội vẫn ước mong khi mỗi tín hữu làm việc gì cũng đều bắt đầu với Dấu Thánh Giá. Trong nhà, ngoài đường, nơi riêng tư, nơi công cộng, cả những nơi có người chưa tin Chúa hoặc có người chống lại Thiên Chúa, thì Dấu Thánh Giá không chỉ là một hình thức tuyên xưng mình là người có đạo, mà còn là một cách sống đạo trọn vẹn, cách kết hiệp hoàn toàn với Ba Ngôi Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc trong cuộc đời, để mọi người nhìn thấy chúng ta mà nhận biết Cha chúng ta trên trời.

Với ý thức ấy chúng ta đang sống và làm việc trong sự kết hiệp mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa, cuộc sống của mỗi Ki-tô hữu là một bài ca vinh danh, một chứng tá nước trời, một bài giáo lý sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi, như Thánh Phaolô khuyên bảo: “Vậy dù khi ăn, dù khi uống, hay làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”. (1Cr 10,31).

Làm Dấu Thánh Giá và đọc “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, thiết tưởng, còn nhắc nhở cho chúng ta về thánh lễ mọi lúc mọi nơi trong đời mình, mà đỉnh cao của Thánh Lễ là sự dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa, kết hợp với hy lễ thập giá của Chúa Giê-su. Với tâm tình ấy, nhờ soi dẫn của Thánh Thần, chúng ta khám phá ra một chiều kích thú vị “không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ngay trong Dấu Thánh Giá, một động tác nhỏ, nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu trong hành trình đức tin của mỗi người.

Điều kỳ diệu đó chính là ân sủng, tình yêu và sự thông hiệp từ Thiên Chúa Ba Ngôi mà Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc để thành một lời nguyện chúc cho chúng ta: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em”. (2 Cr 13, 13)

Tình yêu của Chúa Cha đã thể hiện nơi Người con: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16)

Ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta nên một trong Thiên Chúa, làm cho chúng ta nên anh em với nhau nhờ cùng là em của Chúa Giê-su Trưởng Tử.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi năm nay, còn nhằm “Ngày Của Cha”, tôn vinh các người Cha. Ước gì, khi nhớ đến “công Cha như núi ngất trời”thì chúng ta cũng nhắc nhớ chúng ta đến “Tình Cha” đã yêu thương sáng tạo tác, dưỡng nuôi, và cứu chuộc chúng ta. Bởi vì, Cha là Tình Yêu, Cha giàu lòng thương xót, Cha yêu con cái và làm tất cả cho con cái được hạnh phúc. Như chính Cha đã mạc khải cho Môi-sê “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành" (Xh 34,6). Và vì tất cả là lòng thương xót, là tình yêu “đến nỗi ban con một mình…” (Ga.3,16)

Người cha trần gian được hạnh phúc, được vui mừng, hãnh diện vì những đứa con ngoan, những đứa con biết sống cho vinh danh cha thế nào, thì người Cha trên trời cũng mong cho con cái biết sống cho vinh danh Thiên Chúa như vậy. Bởi vậy, việc không vâng lời Cha, không tín nhiệm nơi Cha, phản nghịch Cha, nếu đã là một vấn đề nếu là khá nhức nhối trong gia đình trần gian, thì hơn thế nữa, là một chuyện thật đáng buồn lòng Thiên Chúa trong đời sống tâm linh. Vì thế, mỗi người hãy hiểu lòng yêu của Cha mình, hãy hiểu lòng yêu của Cha trên trời là Thiên Chúa và sống sao nên con cái hiếu thảo với Cha. Hãy tin tưởng và ký thác đời mình trong tay Thiên Chúa.

Vâng, lễ Chúa Ba Ngôi đang mời gọi chúng ta sống sao nên con hiếu thảo đối với Cha trên trời.

Thiết tưởng, gương mẫu hiếu thảo tuyệt hảo nhất chỉ có nơi Chúa Giê-su , Đấng đã vâng ý Cha trọn vẹn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Ước gì, mỗi lần làm Dấu Thánh Giá, là một lần, bạn và tôi cùng bắt đầu một công việc với lòng hiếu thảo như Chúa Giê-su theo hướng dẫn của Thánh Thần và cho vinh danh Cha chúng ta trên trời.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin ân sủng của Chúa Giê-su, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng chúng con, mọi ngày trong hành trình về Nước Trời. A men.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC218. HÃY YÊU ĐI RỒI SẼ BIẾT SỰ THẬT


 ( LỄ CHÚA BA NGÔI )

 

Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,13). Nhờ lời mạc khải của Chúa: BaNgôi ABC218.


Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,13). Nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi riêng biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Một mầu nhiệm vượt quá trí suy của nhân loại.

Vì sao Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa hay vì sao chỉ một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi? Xin được trả lời cách thành thật rằng bản thân không biết. Vì tin vào Đức Kitô, Đấng có lời quyền năng và yêu thương tôi cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá, nên tôi tin vào lời của Người. Chính Chúa Kitô đã phải trả giá rất đắt, là cái chết thập giá, cho sự mạc khải này trong bối cảnh Do Thái giáo chỉ tin có một Thiên Chúa duy nhất và độc nhất. Chúng ta đừng quên một trong những lý do khiến những người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã từng lấy đã ném Chúa Giêsu và lên án tử hình cho Người, vì Người tự cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x.Ga 10,31-33; Mt 26,62-66 ).

Thánh Kinh, đặc biệt Chúa Kitô không cho biết vì sao một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi, nhưng đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như thế nào. Đó là mầu nhiệm tình yêu liên đới, hiệp thông trọn hảo, đầy năng động và sáng tạo. Và chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình, ngay trong kiếp lữ thứ này, có thể cảm nghiệm phần nào đó mầu nhiệm ấy, khi sống trong Thánh Thần, Đấng là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa con và Chúa Cha.

“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” (Ga 17,3). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6). “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy (x.1Cor 12,3). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.

Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu?  Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc? Làm sao ta có thể biết được giá trị của con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trải rộng com tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân? …

Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết nhiều lẽ huyền nhiệm của sự trao ban và đón nhận. Hãy hiệp thông cách thực sự thì bạn sẽ biết thế nào là tình liên đới. Đây là một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề bằng trí khôn, mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi u buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.

Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.

Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:

    Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.

    Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.

    Một tình yêu thúc đẩy ta nổ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.

Khi ta sống được chút tâm tình yêu mến này, thiết tưởng rằng chúng ta sẽ chẳng còn băn khoăn với câu hỏi tại sao Ba Ngôi mà chỉ một Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì biết cội nguồn của mình chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –  Ban Mê Thuột.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC219. ON BÌNH AN


Lm Giuse Trần Việt Hùng

 Xin Thiên Chúa là nguồn bình an, ở cùng tất cả anh em. A-men (Rm 15,33)

 

Ơn bình an là món qùa quý báu nhất, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông đồ và những người: BaNgôi ABC219


Ơn bình an là món qùa quý báu nhất, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông đồ và những người tin theo Chúa. Tâm hồn bình an thì luôn thanh thản, an hòa và vui tươi. Sự bình an đích thực chính là ân sủng của Chúa. Chúa chính là nguồn ơn bình an. Khi Chúa giáng trần, các thiên thần đã đồng thanh hát ca: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."(Lc 2,14). Chúa ban bình an cho người Chúa thương. Chúa là Hoàng Tử Bình An. Hằng năm, vào dịp Lễ Lá, chúng ta nghe người Do-thái ca khen chúc tụng Chúa Kitô: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!(Lc 19,38).

Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa biết các Tông đồ còn lo sợ, nghi ngờ và hoang mang. Mỗi lần Chúa hiện đến với các Tông đồ, Chúa đều ban chúc sự bình an. Thánh Luca ghi lại: Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "(Lc 24,36). Ơn bình an là ơn cao trọng, Chúa luôn ưu ái ban tặng cho những ai có thiện tâm. Bình an là sự phó thác và tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa. Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em."(Ga 20,26). Chúng ta nhận thấy các tông đồ đang trong cơn bối rối và nghi ngờ, Chúa đã đến ban bình an và xóa tan mọi sợ hãi lo âu. Ơn bình an thật tuyệt vời.

Các dân nước và con người có thể kiến tạo nền hòa bình cho quê hương dân tộc. Sự hòa bình của thế gian chỉ là sự an bình bên ngoài trong sinh hoạt xã hội. Sự bình an của thế gian khác xa với sự bình an đích thực của Chúa Giêsu ban cho các tâm hồn thiện tâm. Sự bình an của Chúa sẽ giải tỏa mọi lo âu và xao xuyến. Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi (Ga 14,27). Chúng ta có thể cầu chúc cho nhau sự bình an, nhưng sự an bình đích thực còn tùy thuộc nơi mỗi tâm hồn xứng đáng lãnh nhận hay không.

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng và lời đầu tiên mà Chúa Giêsu gởi gắm là: Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! "(Lc 10,5). Món qùa thật quý giá. Lời cầu chúc bình an như cửa ngõ dẫn chúng ta xích lại gần nhau. Khi chúng ta cùng tụ họp quanh bàn thờ dâng lễ, chúng ta được cầu chúc và chia sẻ sự bình an của Chúa Kitô. Trong các thánh lễ, phần đối thoại, linh mục cầu chúc cộng đoàn dân Chúa: Bình an của Chúa ở cùng anh chị em. Và chủ tế tiếp tục mời gọi: Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau. Chúc bình an không chỉ là một nghi lễ mà là một cử chỉ giao hòa, tha thứ và yêu thương.

Người môn đệ của Chúa ra đi với hành trang là sự bình an. Đem bình an đến cho mọi người như Chúa Kitô đã ban bình an cho anh em. Thánh Gioan lập đi lập lại nhiều lần lời cầu chúc bình an của Chúa: Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."(Ga 20,21). Không có sự bình an trong tâm hồn, chúng ta không thể phục vụ cách hiệu qủa. Khi tâm hồn còn chao đảo, ngờ vực và tính toán hơn thua thì tâm hồn vẫn chưa lặng yên. Tâm hồn an bình là một tâm hồn an hòa, thánh thiện và thư thái nhẹ nhàng.

Nói đến sự bình an là nói đến sự an vui, thành thật, tín trung và thông cảm. Tâm hồn bình an là tâm hồn hạnh phúc. Hạnh phúc là vì tâm hồn không bị quấy rầy, không bị dằn vặt và không bị lo lắng sợ hãi. Khi chúng ta còn vướng mắc trong tội hoặc còn nợ nần vay trả chưa đền bù cả về tinh thần lẫn vật chất. Sự bình an chưa cư ngụ trong tâm hồn của chúng ta. Chúng ta cũng có thể đánh mất sự bình an qua những dối trá, lừa lọc, dấu diếm và làm điều sai trái. Nỗi sợ cứ ám ảnh tâm hồn làm cho chúng ta bất an. Sự gian dối làm chúng ta lo lắng, bồn chồn và sợ hãi. Sự sợ hãi từ tận đáy tâm hồn chứ không phải sự sơ sệt bởi ngoại cảnh. Chúng ta gặp gỡ đối diện với nhau bằng mặt chứ chưa bằng lòng. Còn có cái gì uẩn khúc, gây động và nổi dậy bên trong.

Sự bình an đích thực là tìm được sự xóa nợ đời. Bao nhiêu lỗi lầm và oan trái chúng ta đã gây ra làm tổn thương người khác. Làm sao chúng ta có thể sửa sai và đáp đền. Một sự lừa đảo, một câu truyện xấu làm qùa, một sự dèm pha gian dối và một pha bịa đặt làm mất phẩm giá và danh dự của người khác, làm sao chúng ta có thể đền bù cho cân xứng. Lòng chúng ta sẽ khắc khoải khôn nguôi. Lương tâm chúng ta cứ dằn vặt. Chính chúng ta đang đánh mất sự bình an đích thực trong tâm hồn. Làm sao chúng ta có thể trả hết nợ đời. Chỉ có cách lấy ân trả oán. Lấy đức báo thù. Sự đời vay trả trả vay. Đức ái trọng trên hết. Lấy lòng yêu mến tha thứ bù lấp nơi thù hành, ghét ghen. Sống ở đời, chúng ta ai cũng mặc nợ nhau tình nhân ái. Lấy đức ái mà xây dựng tình người. Chúng ta sẽ tìm được chút bình an.

Khi sống trong sự thật, chúng ta không còn sự sợ hãi và lo lắng. Tâm hồn chúng ta không bị ràng buộc vào những món nợ gian dối ở đời. Thơ của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Rôma viết: Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng (Rm 15,13). Hãy trút bỏ những vướng bận để tâm hồn được giải thoát. Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự bình an không phải sự bình an của thế gian. Đây là sự bình an sâu lắng trong tâm hồn. Có nghĩa là chúng ta có Chúa ở cùng.

Trong các thơ gởi cho các tín hữu và các giáo đoàn đều có những lời dẫn nhập đầy tràn bình an và ân sủng: Thánh Gioan viết lời chào: Thiên Chúa là Cha và Đức Giê-su Ki-tô là Con Chúa Cha sẽ cho chúng ta được hưởng ân sủng, lòng thương xót và bình an, trong sự thật và tình thương (2Ga 1,3). Thơ của thánh Phêrô cũng gởi lời cầu chúc: Chúc anh em được đầy tràn ân sủng và bình an, nhờ được biết Thiên Chúa và Đức Giê-su, Chúa chúng ta (2Pet 1,2). Thơ của thánh Phaolô gởi cho Philomen đã viết: Chúc anh chị em được đầy tràn ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giê-su Ki-tô (Phil 1,3).

Mỗi lần Chúa Giêsu chữa lành các bệnh họan tật nguyền cho dân, Chúa cầu chúc họ đi bình an. Khi Chúa chữa cho người đàn bà bị bệnh, thánh Marcô viết: Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."(Mc 5,34) và thánh Luca cũng diễn tả: Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."(Lc 7,50). Được chữa lành thân xác nhưng quan trọng hơn là chữa lành tâm hồn. Chúa ban cho họ được ơn bình an đích thực. Cũng thế, sau mỗi thánh lễ chúng ta tham dự, trước khi ra về, các vị chủ tế cũng cầu chúc: Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Đi trong bình an là đi trong đường lối của Chúa Kitô. Chúng ta sẽ có niềm vui và hạnh phúc trong Chúa và Mẹ Maria. Vì Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An và Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình.

Chúng ta hãy chào nhau bằng lời chào chúc bình an. Lời cầu chúc bình an gắn liền với hành trình cuộc sống, như khi chúng ta chúc nhau thượng lộ bình an, đi bình an và sau cùng là nghỉ yên trong an bình (RIP- rest in peace). Sự bình an là cửa ngõ bước vào hạnh phúc trường sinh. Có sự bình an trong tâm hồn là chúng ta đang được hưởng nếm hạnh phúc nước trời ngay tại trần thế. Chúng ta cần có sự lắng đọng tâm hồn trong sự suy gẫm cầu nguyện mỗi ngày. Cầu nguyện là đường dẫn chúng ta đến sự bình an đích thực. Chúa Giêsu đã cầu nguyện lâu giờ và cầu nguyện nhiều lần mỗi ngày. Chúa Giêsu đã kết hợp mật thiết với Cha của Ngài.

Hãy cầu xin Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta ở trong Chúa. Lạy Chúa, xin Chúa dạy chúng con biết chìm đắm trong cầu nguyện, để tâm hồn chúng con được vui hưởng sự bình an thư thái.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC220. Mặt trời ban sự sống

 

Một vị linh mục đang chờ máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, thì một người đàn ông đến: BaNgôi ABC220


Một vị linh mục đang chờ máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, thì một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và bắt đầu đề cập tới vấn đề tôn giáo, ông nói:

- Tôi không thể nào chấp nhận được những điều tôi không hiểu, chẳng hạn như vấn đề Chúa Ba Ngôi hay bất cứ vấn đề nào giống như thế. Chẳng ai có thể cắt nghĩa cho tôi, nên tôi sẽ không bao giờ tin.

Chỉ vào một luồng ánh sáng chiếu qua khung cửa kính, vị linh mục hỏi:

- Ông có tin mặt trời không nhỉ?

Ông ta trả lời:

- Dĩ nhiên là có.

Vị linh mục nói tiếp:

- Phải, ánh sáng ông thấy qua cửa sổ, xuất phát từ mặt trời cách đây 150 triệu cây số. Sức nóng chúng ta cảm nhận được cũng xuất phát từ mặt trời. Đối với Chúa Ba Ngôi, một phần nào cũng tương tự như thế. Mặt trời là Chúa Cha. Từ mặt trời mà có ánh sáng, cũng như từ Chúa Cha mà có Chúa Con. Rồi từ Chúa Cha, Chúa Con mà có Chúa Thánh Thần, cũng như từ mặt trời, từ ánh sáng mà có sức nóng. Ông hiểu thế nào về mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Thì một phần nào tương tự như thế, ông hiểu về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Hôm nay chúng ta tụ hợp nơi đây để chúc tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta phải chấp nhận, đó là một chân lý, một mầu nhiệm không ai có thể hiểu thấu. Sở dĩ chúng ta biết được phần nào là do Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, như lời Ngài đã phán trong Tin Mừng: “Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”.

Mặt trời là nguồn năng lượng vật chất thế nào thì Chúa Ba Ngôi cũng là nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta như vậy. Mặt trời chiếu toả ánh sáng thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng soi sáng tâm hồn chúng ta như vậy. Mặt trời đem đến sức nóng để sưởi ấm vạn vật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ đem lại sức nóng thiêng liêng để sưởi ấm, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Mặt trời tiêu diệt vi khuẩn chữa lành bệnh tật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ khử trừ những thói hư tật xấu và loại trừ tội lỗi ra khỏi tâm hồn và cuộc đời chúng ta như thế. Mặt trời đem lại cho chúng ta niềm vui cho chúng ta thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu như thế.

Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý: Chúa Ba Ngôi không phải là một nguồn năng lượng vô hồn nhưng là những ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương. Với Ngài, chúng ta có thể kêu cầu như chúng ta vốn đã thường làm, mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, đọc kinh Sáng Danh, hay như lát nữa đây, chúng ta cùng nhau hát kinh Tin Kính...

Cùng với lời tuyên xưng chúng ta hãy sống gắn bó mật thiết với các Ngài, để rồi các Ngài sẽ ra tay nâng đỡ phù trợ cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC221. Con búp bê và biển cả


(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

 

Trong quyển sách tựa đề: “Sức thu hút của Thiên Chúa”, tác giả người Italia, ông A-léc-xan-dro: BaNgôi ABC221


Trong quyển sách tựa đề: “Sức thu hút của Thiên Chúa”, tác giả người Italia, ông A-léc-xan-drô Phong-xa-tô đã kể lại câu chuyện vui sau đây về con búp bê bằng muối:

Muốn tìm hiểu thế nào là biển cả để thỏa mãn tính tò mò của mình, con búp bê một mình tiến ra bờ biển và hỏi:

- “Biển cả ơi, bản chất của biển cả là như thế nào?”

Và biển cả đã trả lời:

- “Biển cả là biển cả. Nếu ngươi muốn biết ta là như thế nào thì hãy xuống đây, hãy để cho toàn thân ngươi thấm nhập vào biển cả”.

Con búp bê bằng muối do dự. Nhưng rồi vì tính tò mò thúc đẩy, nó tiến gần ra mặt nước rồi đưa hai chân thấm vào nước biển. Trong nháy mắt sóng biển đánh mạnh vào đôi chân bằng muối của nó làm cho đôi chân tan thành nước biển. Con búp bê kinh hãi lùi lại, nhưng đôi chân đã mất. Tiếng biển cả dịu dàng mời gọi:

- “Này con búp bê nhỏ kia ơi, biển cả là biển cả. Ngươi muốn biết biển cả như thế nào thì đừng sợ. Hãy tiến vào đây với ta. Ta sẽ bảo vệ ngươi. Ngươi sẽ được hòa nhịp với ta và hiểu ta như thế nào. Hãy can đảm lên! Nếu bỏ cuộc nửa chừng thì không bao giờ ngươi sẽ hiểu biển cả như thế nào đâu, và phải sống những năm tháng còn lại với đôi chân đã mất”.

Tính tò mò thúc đẩy, con búp bê ngâm mình xuống biển. Chỉ một lát sau con búp bê bằng muối đã hòa tan trong nước biển và hiểu được thế nào là biển cả.

Anh chị em thân mến, giữa con búp bê bằng muối và biển cả có một căn bản giống nhau. Cũng thế, giữa con người và Thiên Chúa cũng có một sự giống nhau. Con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài. Tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa, muốn hiểu biết Thiên Chúa, muốn được kết hợp với Ngài ngày càng khăng khít hơn, giống như con búp bê bằng muối kia muốn hiểu biển cả là thế nào.

Như con búp bê được biển cả mời gọi dìm mình vào trong lòng biển cho mình hòa tan trong biển để hiểu được biển cả, thì mỗi người chúng ta cũng được mời gọi dìm mình vào trong Thiên Chúa. Cần để cho cái tôi của mình được hòa tan đi, biến mất đi trong Thiên Chúa để có thể hiểu biết Thiên Chúa, sống kết hợp với Ngài. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Lý trí loài người khó mà hiểu biết cho tường tận được. Chúng ta không hiểu biết Thiên Chúa bằng lý trí cho bằng tình yêu. Thật vậy, chỉ khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta mới hiểu và biết Chúa. Chỉ có sự hiểu biết như vậy mới làm cho ta thỏa lòng thỏa trí. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm hiệp thông và tình yêu.

Thiên Chúa là Tình Yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là 3: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương hiến tặng sự sống, hoàn toàn tương quan với nhau, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là Chúa Thánh Thần.

Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi mà còn lan tỏa ra bên ngoài, trên khắp vũ trụ: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban cho thế gian quà tặng quý giá nhất của người Con Chí Ái của Ngài, nghĩa là chính sự sống của Ngài. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng trao ban Thánh Thần, nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Chính nơi Người Con ấy, nơi bản thân, cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu và thế nào là sống như con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa: “Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Thưa anh chị em, với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa muốn vạch ra cho chúng ta con đường của yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta chỉ có thể yêu thương và hiệp nhất với nhau khi mỗi người thực sự phải là mình, và chấp nhận đồng hành gắn bó với tha nhân, coi tha nhân là thành phần của chính hiện hữu của mình, đồng thời ý thức rằng mình chỉ có thể sống nhờ tha nhân, sống với tha nhân và sống cho tha nhân; bởi vì tự chính trong nguyên lý, sự sống không phải là một thực tại đơn độc, khép kín, mà là chia sẻ, hiệp thông: sự sống thần linh của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Cái độc đáo mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi muốn nói lên đó là Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự khác biệt. Ngài yêu thích sự khác biệt. Ngài tạo ra sự khác biệt và Ngài bao hàm chính sự khác biệt đó trong bản tính của Ngài. Nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa của sự hiệp nhất. Ngài hiệp nhất những gì khác biệt. Phải có cái khác biệt thì mới có thể nói tới hiệp nhất. Phải có Ba Ngôi mới có thể hiệp nhất thành một Thiên Chúa. chỉ khi nào chúng ta chấp nhận và tôn trọng cái khác biệt: khác biệt về hiện hữu, về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, địa vị, phái tính, tuổi tác v.v… và sống với những khác biệt đó, hiệp nhất những cái khác biệt đó. Chỉ khi đó, chúng ta mới đi đúng con đường mà ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi soi dẫn chúng ta. Sự hiệp nhất ấy không làm cho chúng ta phong phú hơn và sống đúng bản chất là cộng đoàn của Thiên Chúa yêu thương, là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, trong Thánh lễ hôm nay, cũng như trong các Thánh lễ, chúng ta dâng lên Chúa Cha của lễ cuộc đời chúng ta, nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi muôn đời.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC222. CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI


Mt 28, 16-20

"Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy các con hãy đi đến với muôn dân, làm phép rữa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần." (Mt 28, 19)

 

Sau lễ Phục sinh, Thăng Thiên, Hiện Xuống, Hội thánh tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Việc: BaNgôi ABC222


Sau lễ Phục sinh, Thăng Thiên, Hiện Xuống, Hội thánh tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Việc sắp xếp này rất hợp lý. Đối với người giáo dân, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vẫn còn quá cao sâu. Vô tri bất mộ, chúng ta vì không hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi, nên nhiều khi cũng thiếu lòng yêu mến. Dù vậy, có phải phụng vụ quá tôn vinh Chúa Kitô hơn Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không? Chính nhờ Chúa Con xuống thế làm người mà chúng ta biết về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhất là khi ta hiểu được và đón nhận hồng ân: được làm con Chúa, thuộc về Chúa.

Ba Ngôi hiệp nhất trong một bản tính, một quyền năng và tình yêu: Đ iều gì Chúa Cha có, thì nơi Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng có. Điều gì Chúa Con muốn, thì Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng muốn y như thế. Vì Ba ngôi vì yêu nhau, mà kết hợp quá chặt chẽ với nhau, mà ta gọi là Ba Ngôi vị, nhưng chỉ có một Chúa duy nhất.

Điều này không phải ai cũng hiểu được. Vì Ba Ngôi kết hợp quá chặt chẻ và yêu thương nhau vô cùng, nên nảy sinh chương trình tạo dựng vũ trụ. Hội thánh tin nhận đây là công trình sáng tạo vì tình yêu. Tình yêu càng được biểu lộ hơn nữa khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, nhất là cho con người quyền tự do đón nhận Chúa hay không.

Thiên Chúa thấy trước, con người sẽ từ chối làm con TC vì con người kiêu căng, nhưng TC vẫn thực hiện. Đến khi con người sa ngã, Thiên Chúa lại càng tỏ ra tình yêu vô bờ bến khi đưa ra sáng kiến cứu chuộc con người sa ngã. Điều này làm chúng ta ngạc nhiên vô cùng, vì không hiểu nổi Tình yêu nơi Thiên Chúa.Tất cả những điều đó, chỉ là một phần nhỏ so với sự thật về Tình yêu Thiên Chúa mà ta sẽ biết trên nước Trời.

Chuyện kể rằng: Thánh Augustinô đi lại trên bờ biển, đang tìm hiểu xem về mầu nhiệm Chúa Ba Ngoi. Thiên Thần hiện ra dưới hình đứa bé, nhắc nhở Ngài bằng việc lấy tay đào một lổ nhỏ trên cát, rồi lấy võ nghêu múc nước biển đổ vào lổ này. Thánh nhân tò mò, cho là vô lý. Em bé (thiên thần) trả lời: điều con làm là vô lý khi muốn đổ hết nước biển vào lổ này, nhưng chưa vô lý bằng tâm trí Ngài muốn tìm hiểu rõ ràng về Chúa Ba Ngôi.

Ba Ngôi luôn kết hợp mật thiết với nhau trong bản tính , quyền năng và tình yêu. Khi ta lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, chính là lãnh nhận ơn để trở nên con Thiên Chúa, nên môn đệ và là em của Chúa Giêsu, được múc lấy sự sống của Ngài. Hiểu như vậy, ta có sẵn sàng sống ngay chính, quảng đại, yêu thương, để được tham dự vào sự sống thần linh đó không? Thiên Chúa Ba Ngôi đã hết tình cho nhân loại, vì tình yêu. Ta có sẵn sàng sống tình yêu như Chúa Ba Ngôi không?
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC223. CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI


Mt 28, 16-20

 

Đài truyền hình VTV3 có chương trình gọi là "truyện cổ tích ngày nay". Chương trình này: BaNgôi ABC223


Đài truyền hình VTV3 có chương trình gọi là "truyện cổ tích ngày nay". Chương trình này thường họ đưa một đoạn phim ngắn. Sau đó người dẫn chương trình mới nói lên ý nghĩa của đoạn phim này. Có một đoạn phim như sau: một cậu bé cầm trên tay 7000 đ đến tiệm kem để mua 1 cây kem giá đúng 7000 d.

Ở tiệm bán kem cậu nhìn thấy có một cô bé dẫn theo đứa em của nó, và tìm mua cây kem giá 1000 đ, bởi trên tay nó vỏn vẹn chỉ có 1000 đ. "ở đây không có cây kem 1000 đ, giá chót cũng phải 2000 đ", tiếng bà chủ quát. Hai chị em cô bé lặng lẻ ra về. Đứa em như thèm được ăn kem, nó quay lại nhìn về phía tiệm kem. Bấy giờ cậu bé có 7000 đ đã không mua cây kem 7000 đ nữa, nhưng là mua 3 cây kem giá mỗi cây 2000 đ. Ba đứa bé tìm đến một bóng cây ở ven đường, chúng nó ngồi xuống cùng ăn kem và nói cười vui vẻ.

Cuộc sống quanh ta có biết bao nhiêu là nét đẹp, chỉ cần chịu khó để ý một chút, chúng ta sẽ nhận ra ngay. Một cậu bé còn quá nhỏ, chưa thể giải thích nỗi về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, cũng không thể nói về tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi cho rỏ ràng được. Vậy mà, qua việc làm của cậu, cậu như đang hoạ lại chính diện mạo về một tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thiên Chúa không yêu thương chính mình. Người không đơn độc, nhưng là có Ngôi Vị. Ngôi Vị chính là trao ban. Cha hướng về Con, Con hướng về Cha, Cha và Con cùng nhìn về Thánh Thần.

Hình ảnh một cậu bé ăn cây kem sửa, rất bổ dưỡng, rất có lợi cho sức khoẻ tuổi thơ của cậu ta. Nhưng khi đó, cậu bé đang yêu lấy chính mình. Cậu sẽ trở nên đơn độc một mình. Ngược lại, cậu quên đi chính bản thân, sẳn sàng trao ban, nhiệt tình chia sẻ cái cậu đang có trong tay đó là một cây kem 7000 đ. Cậu biết rất rõ, cây kem 7000 đ là kem sữa, nhiều chất bổ cho cậu. Và cây kem 2000 đ là cây kem đá ít chất cho cậu.

Nhưng rồi cậu chọn ăn cây kem đá. Bởi khi ăn cây kem đá, cậu không ăn một mình, mà cậu sẽ ăn với các bạn của cậu. Cậu ăn cây kem sửa, mà kế bên cậu có người đang khóc vì không có kem ăn, cậu cảm thấy cũng không ngon cho mấy. Nhưng nếu phải ăn kem đá, mà cậu làm cho người khác vui, thì cậu thấy cây kem đá vẫn ngon như thường.

Đây là một cái "ngon" không phải giống như ngon miệng mà vị giác mang lại cho chúng ta. Nhưng là một thứ "ngon" sâu lắng nhất, một kiểu ngon do tình yêu mang đến. Nó làm cho chúng ta sẵn sàng dâng hiến, sẵn sàng trao ban. Điều này khác với sự ban bố. Ở đây, người ta không lấy cái dư thừa để cho nhưng là họ đang chia chính sự sống, đang chia chính niềm vui mà họ đang có. Và đây chính là mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng kính hôm nay.

Lạy Chúa Ba Ngôi cực Thánh, xin cho con mỗi ngày biết nhạy bén để nhận ra những nhu cầu của anh chị em đang sống xung quanh chúng con. Xin Người dạy con biết phải làm gì và bằng cách nào để mỗi ngày con thiệt sự trở nên sứ giả tin mừng của Chúa, biết vẽ lại chân dung một thiên Chúa Ba Ngôi bằng chính đời sống của con. Amen
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC224. SỰ HIỆN DIỆN CỦA NGƯỜI VẮNG MẶT

 

Có một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm. Ngày nọ, khi bước vào một công viên, ông: BaNgôi ABC224


Có một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm. Ngày nọ, khi bước vào một công viên, ông đă gặp tổ kén lạ. Ông liền bứt cành cây đem kén bướm về nhà. Ít ngày sau, ông thấy nhúc nhích bên trong kén, nhưng con bướm vẫn chưa phá kén bay ra.

Hôm sau, kén lại nhúc nhích, nhưng chẳng có gì khác lạ. Lần thứ ba, vẫn thấy như trước, ông liền lấy dao rạch kén, thế là con bướm bay  ra ngoài. Tuy nhiên, bướm không tăng trưởng và chẳng bao lâu thì chết.

Sau này, ông được người bạn là nhà sinh vật học cắt nghĩa như sau: Thiên nhiên đă xếp đặt cho con bướm phải đấu tranh mới thoát ra khỏi cái kén, vì  nhờ đấú tranh gian khổ mà nó có thể phát triển mạnh mẽ để sinh tồn.

***

Muốn làm cánh bướm bay trên ngàn hoa rực rỡ, bướm phải làm kiếp sâu lặng lẽ, cô tịch trong vỏ kén lặng lờ, khuất nẻo. Muốn làm con bướm bay trong bầu trời xanh ngắt, bướm phải là con sâu đen đủi xấu xa, vặn vẹo đau đớn trong tổ kén đợi chờ.

Để trở nên những tín hữu Kitô vững mạnh, tăng triển về đường thiêng liêng, chúng ta phải trải qua một thời kỳ gian khổ để tiến triển về mặt tâm linh, chúng ta cũng phải vượt qua đấu tranh thử thách. Nhưng trong những thời điểm ấy, Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta, cho dù chúng ta không nh#ìn thấy Người.

Lúc sắp sửa ra đi, để trấn an các tông đồ, Đức Giêsu đă hứa rằng, dù vắng mặt, nhưng Người vẫn luôn hiện diện giữa các ông và ban b#ình an cho các ông. Sự hiện diện của người vắng mặt! Đó là cảm nghiệm mà chỉ có những kẻ yêu nhau mới nhận ra mà thôi. Từ sau biến cố Phục Sinh, Đức Giêsu đă trở nên con người của mọi thời đại.

Người hiện diện trong những kẻ yêu mến Người: "Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy" (Ga 14,23).

Người hiện diện trong những kẻ yêu thực hành và giữ lời Người: "Ai yêu mến Thầy, th#ì sẽ giữ lời Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đă sai Thầy" (Ga 23,24).

Người hiện diện không chỉ đơn độc, nhưng là hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng đến thăm và ở lại trong những ai yêu mến Đức Giêsu và tuân giữ lời Người.

Nếu Chúa Cha chính là Thiên Chúa trong t#nh trạng vô h#nh, th#ì  Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa đă hiện diện, nói năng, hành động để cứu chuộc con người; và Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, Đấng kéo dài cách thiêng liêng sự hiện diện, lời nói và hành động của Đức Giêsu và Chúa Cha.

V#ì thế, Thánh Thần sẽ thông truyền trọn vẹn sự sống của Thiên Chúa cho con người, khi soi sáng dạy dỗ con người dần dần hiểu Lời Thiên Chúa, Lời đó chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha: "Thánh Thần sẽ dạy cho anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đă nói với anh em" (Ga 14,26).
Với lời hứa này, kể từ ngày lễ Hiện Xuống đầu tiên, Thánh Thần đă soi sáng và hướng dẫn Giáo hội hiểu thấu triệt Lời Chúa trong Kinh Thánh, để tr#ình bày một cách sáng tỏ hơn, và để giải quyết những vấn đề mới mẻ cho từng thời đại. Vì  thế mà các Công đồng liên tiếp được triệu tập dưới sự bảo trợ của Thánh Thần.

***

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người trong lòng chúng con, trong lòng Giáo hội, và trong lòng thế giới: Để chúng con luôn yêu mến và tuân giữ Lời Người. Để chúng con được soi sáng và hướng dẫn bởi Thánh Thần. Và để chúng con được canh tân và tái tạo mỗi ngày trong Thiên Chúa Tình Yêu. Amen!

Thiên Phúc
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC225. LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI


Mt 28, 16 - 20

 

Là mầu nhiệm lớn nhất của Kito giáo, khôn dò khôn thấu, Chúa mặc khải để ta tin chứ không để: BaNgôi ABC225


Là mầu nhiệm lớn nhất của Kito giáo, khôn dò khôn thấu, Chúa mặc khải để ta tin chứ không để hiểu, là chuyện bên trong của Thiên Chúa, đừng tìm hiểu cho mất công. Thánh Âu Tinh sánh việc tìm hiểu mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi như nhóc con ngồi bãi biền mà lấy miễn ngao múc nuớc biển đổ vào cái lỗ mà nó moi trên bãi cát. Lập luận nầy không thuyết phục. Có tin thì cứ.

Từ "ngôi" không tìm thấy trong ngôn ngữ của Đức Giêsu. Là cách giải thích theo triết tây. Hy Lạp có Jupiter, vợ là Zenon và con là Apollo. Ba vị rõ ràng. Là đa thần . Ấn Độ có Brahma (Đấng Tối cao), Shiva thần  huỷ diệt hay thần sinh sản (Mẹ) và Atman (spirit). Là ba chứ không là một. Đa thần. Còn Kitô giáo thì độc thần nên phải ba mà một.

Sách giáo lý mới không có bài nào nói Đức Chúa Trời Ba Ngôi mà thay vào đó là bài: THIÊN CHÚA LÀ CHA VÁ CON VÀ THÁNH THẦN. Rất đúng và hiểu được.

Thiên Chúa duy nhất. Chắc chắn. Không có gì bàn cãi.

Thiên Chúa thiêng liêng chúng ta không thể biết được gì bên trong, trừ khi "thiêng liêng" ấy hoạt động ra bên ngoài (mặc khải). Cảm nghiệm được kết quả của hoạt động ấy thì biết về Đấng ấy và chỉ bấy nhiêu thôi cũng như Đấng Phục Sinh chỉ được tin chắc khi các tông đồ cảm nghiệm được nơi chính mình sự hiện diện biến đổi mà Người thực hiện nơi họ.

Thiên Chúa hoạt động tạo dựng: phán lời và quyền năng (thần khí) ĐI LIỀN THEO THỰC HIỆN LỜI vừa phán ra cho có y như lời.

Thiên Chúa duy nhất phán lời và lời được thực hiện bằng thần khí (spirit) của Người. Lời và thần khí phát xuất từ một Đấng duy nhất. Thiên Chúa phán lời và thần khí thực hiện lời phán ra. Là một và ba. Lời và thần khí phát xuất từ Thiên Chúa. Lời và thần khí là của một Thiên Chúa. Dù cho Lời và thần khí có là hai đi nữa thì cũng là của Thiên Chúa duy nhất, hiện hữu với Thiên Chúa trong Thiên Chúa dù có nói là đồng hiện hữu với Thiên Chúa.

Dựng nên con người: Thiên Chúa nói: Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh ta giống như ta rồi lấy bụi đất nắn hình con nguời và thở hơi vào lổ mủi....Nói và thở hơi (spirit) làm nên con người.

Nhưng dường như thần khí 'yếu' nên con người sa ngả và tạo vật sụp đổ theo. Thiên Chúa không còn đơn giản nói lời ....mà sai Lời đến, hóa thân làm người, bằng lời nói cuả con người, dạy con người Lời được ghi lại trong Phúc Âm. Lời được phán ra nhưng phải có thần khí kích hoạt mới kết quả. Đức Giêsu về cùng Cha và từ nơi Cha gởi Thánh Thần đến để kích hoạt Lời trong Phúc Âm sinh kết quả.

Trước đó là thần khí vì còn là một thần lực vô danh. Còn bây giờ là Đấng được sai, có địa vị có tên là "Đấng Bảo Trợ", chủ trì thời đại thứ III, thời cuối cùng. Là Đấng ban phát ơn cứu đô mà Đức Giêsu đã hoàn thành. Là Đấng Thánh Hóa để kết thúc thời gian theo chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa hoạch dịnh chương trình nhưng được thực hiện như đã thấy.(Từ thần khí nghe không đựoc sạch sẽ và gây phản cảm).

Thiên Chúa là ba: Thiên Chúa phán lời là sinh Con, là Cha (là cách giải thích và đặt tên của các nhà thần học). Đức Giêsu cũng gọi Thiên Chúa là Cha.Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ bằng lời nhưng tạo dựng thì có thần khí âm thầm kích họat lời mới sinh kết quả. Cứu độ thì Cha sai Thánh Thần đến thế gian (chính thức như một sứ giả) vì Lời đã được ban trong thế gian và lời nằm chết trong Phúc Âm phải được Thánh Thần kích hoạt mới sinh kết quả (Đức Giêsu về cùng Cha rồi). Thánh Thần đến (một mình) như gió thổi đùng đùng như lữa cháy bừng bừng nên kết quả cũng tưng bừng như đã xảy ra. Thần khí vô danh xem ra yếu hơn Thánh Thần chính danh. Không là thần khì nũa mà là Thánh Thần.

Thiên Chúa phán lời là Cha và Con. Thiên Chúa sai Thánh Thần thì là Thánh Thần. Như vậy chúng ta biết Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Và Con (Filioque) và (et)Thánh Thần (Pater filioque et Spiritus Sanctus) là nói Con và Thánh Thần  đồng phát xuất từ Cha là Thiên Chúa duy nhất. Con và Thánh Thần là của Cha như nhau.(Phải mất rất nhiều thời gian và nước bọt mới phát minh ra đuợc từ filioque).

Ấy vậy Thiên Chúa là một (unus) và ba (et trinus). Chúng ta chỉ biết Thiên Chúa "hoạt động" cũng là Thiên Chúa mạc khải. Thiên Chúa ad extra. (còn bên trong Thiên Chúa chúng ta tuyệt đối không biết gì). 
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC226. YÊU THƯƠNG VÀ HIỆP NHẤT NHƯ BA NGÔI THIÊN CHÚA


Mt 28, 16 - 20

 

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đứng đầu trong ba mầu nhiệm chính trong đạo: BaNgôi ABC226


Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đứng đầu trong ba mầu nhiệm chính trong đạo Công Giáo. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi dạy cho chúng ta biết có một Thiên Chúa mà Người có Ba ngôi. Ba Ngôi hiệp nhất và yêu thương nhau. Nhân loại được hiện hữu nhờ tình yêu của Ba Ngôi. Đồng thời khi cử hành mầu nhiệm này, chúng ta được thúc đẩy hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và yêu thương nhau như chính Ngài.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc trí khôn con người cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Chính Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần, tức là Ngài đã dần dần vén lên bức màn của mầu nhiệm này. Ngài cho biết Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài cùng bản tính với Chúa Cha, Ngài cũng là Thiên Chúa. Và Chúa Thánh Thần là Đấng Ngài và Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau.

Trong kinh tin kính, chúng ta đều tuyên xưng: "Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất. Tôi tin kính một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, con Một Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra trước muôn thưở muôn đời. Tôi tin kính Chúa Thánh thần, người là Chúa và là Đấng ban sự sống, Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con". Đó là  một công thức thần học súc tích, mang nặng tính chất lý luận dài dòng và khó hiểu. Thế nhưng đây là một mầu nhiệm tuyệt đối nhất trong các mầu nhiệm. Mầu nhiệm của sự hiệp thông sự sống và tình yêu

Thiên Chúa là tình yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là chính Chúa Thánh Thần.  Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả ra ngoài trên khắp vũ trụ và đến nhân loại: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con chí ái của Ngài" (Ga 3, 16), nghĩa là chính "sự sống của Thiên Chúa" .

Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, nghĩa là ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban con yêu dấu của Ngài để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Chúa Con đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời, Người Con ấy cũng lại trao ban Thánh Thần, nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Chúa Con, công việc yêu thương. Chính nơi Người Con ấy, nơi bản thân, cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu, thế nào là sống như con người được tạo dựng giống hìng ảnh Thiên Chúa: "Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên Chúa" (1Ga 4, 8) còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương, "vì Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4, 8). Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất. Có thể nói Thiên Chúa là một gia đình: Cha , Con và Thánh Thần. Yêu thương chính là bản tính thần linh chung của Ba Ngôi, là lời lý giải cho mầu nhiệm cao cả mà chúng ta tuyên xưng.

Mầu nhiệm đức tin không bao giờ là một trò chơi và thách đố trí tuệ, nhưng luôn hàm chứa lời mời gọi sự sống, Thiên Chúa Ba Ngôi là thực tại sống động trong đời sống người Kitô hữu được khai sinh nhờ bí tích Rửa tội "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Lời cầu nguyện luôn luôn là lời nguyện " với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần". Thánh Lễ, trọng tâm của đời sống Kitô hữu, cũng được khai mở và kết thúc trong danh Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi đang sống trong lòng mỗi người, đời sống Ba Ngôi đang diễn ra trong mỗi tâm hồn.Từng giây từng phút, người Kitô hữu được liên kết chặt chẽ với Chúa Con, đến độ khi được tràn đầy Thánh Thần của Ngài, người Kiô hữu trở thành con của Cha trên trời. Vì vậy, phúc lành vĩ đại nhất cho kẻ tin là " được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần". Vì thế, sự nhận biết Thiên Chúa là tình yêu và là tình yêu cứu độ phải là sự thúc đẩy chúng ta yêu thương mọi người như Thiên Chúa yêu thương.

Như nơi Thiên Chúa, khởi điểm của tình yêu là mở ra, thông ban và chia sẻ. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ này đòi hỏi phải ra khỏi bản thân và đi đến vời người khác. Thái độ này đòi hỏi chúng ta  quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác, biết nhìn nhận người khác ngay trong cái khác biệt của họ.

Bản chất của tình yêu là lan tràn. Tình yêu không khép kín trong trong gia đình Ba Ngôi, nhưng trào vọt và chan hoà trong vũ trụ bao la, tuôn đổ trong lòng mọi người. Vì thế, việc tạo dựng vũ trụ được xem như kết quả của tình yêu tràn trề của Thiên Chúa. Tất cả mọi thụ tạo và đặc biệt là con người được coi như đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Trong tất cả mọi loài thụ tạo, con người gần gũi với Thiên Chúa hơn cả trong cách sống và tình yêu. Cũng vậy, niềm tin thúc bách tình yêu đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cách, để đến với muôn người và từng người, vượt qua mọi rào cản của màu da, chủng tộc, tôn giáo, ý thức hệ để tình yêu loan toả khắp nơi.

Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm và mãi mãi vẫn là mầu nhiệm. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó. Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa không khép kín lại trong Ba Ngôi, nhưng đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa. Đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất.

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin Chúa cho chúng con luôn biết sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bằng cách sống yêu thương và hiệp nhất nhau trong tình yêu Chúa. Và sống yêu thương nhau là cách thế tuyên xưng mầu nhiêm Chúa Ba Ngôi vậy. Amen.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC227. HIEP THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA BA NGÔI


Mt 28, 16 - 20

1.LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy: "Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả" ( 1 Cr 13,4-7).

2.SUY NIỆM:

 

Với trí khôn tự nhiên, lòai người chúng ta chỉ nhận biết có Đấng Tạo Hóa là Đấng tạo thành: BaNgôi ABC227


Với trí khôn tự nhiên, lòai người chúng ta chỉ nhận biết có Đấng Tạo Hóa là Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật thiên nhiên và an bài mọi sự trật tự và ngày càng tiến hóa nên hòan thiện hơn. Tuy nhiên chính nhờ Lời Chúa mặc khải mà lòai người chúng ta mới biết về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Vậy mặc khải nói gì về mầu nhiệm này? Vai trò của mỗi Ngôi thế nào trong công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và ban ơn cứu độ lòai người? Các nhà thần học đã dùng những hình ảnh nào để diễn tả về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hầu giúp chúng ta lãnh hội được phần nào về mầu nhiệm quan trọng này? Cuối cùng các tín hữu chúng ta phải sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như thế nào?

1)MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI TRONG THÁNH KINH:

1-Cựu Ước nhấn mạnh về một đức tin độc thần: Chỉ một Đức Chúa là Thiên Chúa độc nhất hiện hữu và là Đấng ban ơn cứu độ. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chưa mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Điều răn trọng nhất trong mười điều răn được Đức Chúa ban cho Ít-ra-en qua ông Mô-sê như sau:: "Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (Xh 20,3). Ngôn sứ I-sai-a cũng tuyên sấm lời Thiên Chúa: "Trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành. Và sau Ta cũng vậy. Chính Ta đây là Đức Chúa. Ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ" (Is 43,10-11).

2-Tân Ước mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi:

+Tin Mừng Mát-thêu thuật lại câu chuyện Đức Giê-su chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả, trong đó bắt đầu đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: "Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, thì các tầng trời mở ra. Người thầy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Và kìa, có tiếng từ trời phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3,16). Tiếng phán từ trời là lời của Chúa Cha (Ngôi I), Đức Giêsu đang đứng dưới lòng sông là Chúa Con (Ngôi II) và chim bồ câu ngự trên Người là biểu tượng Chúa Thánh Thần (Ngôi III). Ngòai ra Tin mừng Mát-thêu cũng ghi lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh cho các môn đệ trước khi lên trời nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28,19).

+Thánh Lu-ca trong Công vụ Tông đồ đã thuật lại bài giảng của Tông đồ Phê-rô nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: "Thiên Chúa Cha (Ngôi I) đã ra tay uy quyền nâng Người lên (Ngôi II), trao cho Người Thánh Thần (Ngôi III) đã hứa, để Người (Ngôi II) đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe" (Cv 2,33).
+Tin Mừng Gio-an nhiều lần đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: "Thầy (Ngôi II) sẽ xin Chúa Cha (Ngôi I), và Người (Ngôi I) sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác (Ngôi III), đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14,16). - "Mọi sự Chúa Cha có (Ngôi I) đều là của Thầy (Ngôi II). Vì thế, Thầy (Ngôi II) đã nói: Người (Ngôi III) lấy những gì của Thầy (II) mà loan báo cho anh em" (Ga 16,15). Nơi khác: "Tôi (Ngôi II) và Chúa Cha (Ngôi I) là Một" (Ga 10,30).

+Thánh Phao-lô diễn tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong lời chào như sau: "Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô (Ngôi II), tình yêu của Chúa Cha (Ngôi I) và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (Ngôi III) ở cùng tất cả anh chị em" (2 Cr 13,13). Trong thư Ga-lát, Phao-lô viết: "Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa (Ngôi I) đã sai Thần Khí (Ngôi III) của Con mình (Ngôi II) đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên"Áp-ba, Ba ơi!" (Gl 4,6).- Trong thư Ê-phê-sô: "Thật vậy, nhờ Người (Ngôi II), cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí (Ngôi III) duy nhất, mà đến cùng Chúa Cha (Ngôi I)" (Ep 2,18) ; "Chỉ có một thân thể, một Thần Khí (Ngôi III), cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa (Ngôi II), một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người (Ngôi I), Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người" (Ep 4,4-6). -Trong thư Ti-tô: "Thiên Chúa (Ngôi I) đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần (Ngôi III) xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô (Ngôi II) Đấng cứu độ chúng ta" (Tt 3,6).

2)NỘI DUNG MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:

1-Chỉ có Một Thiên Chúa và "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1 Ga 4,7), nhưng Người lại có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi, không Ngôi nào lớn hơn.

2-Về vai trò của Ba Ngôi:

+Chúa Cha sáng tạo: Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người. Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng (Ngôi Hai) làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3), và tiếp tục quan phòng gìn giữ để các tạo vật ấy tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một hòan thiện hơn. Người cứu độ loài người bằng việc sai Con Một (Ngôi II) nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần (Ngôi III) tiếp tục chương trình cứu độ lòai người qua Hội Thánh.

+Chúa Con cứu chuộc: Khi tới Giờ đã định, Chúa Cha (Ngôi I) sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) xuống thế làm người là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ mệnh Thiên Sai bằng việc đi khắp nơi công bố Tin mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người và sống lại để ban ơn cứu độ loài người. Đức Giê-su chính là "Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống" (x. Mt 16,16), là "Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha" (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Người luôn hiệp nhất với Chúa Cha (x. Ga 17,22).

*Về phẩm chức là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su ngang hàng với Thiên Chúa Cha như Người đã nói: "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10,30.33).

*Về vai trò là Đấng Thiên Sai, Đức Giê-su luôn lệ thuộc vào Chúa Cha trong mọi sự (x. Ga 5,19), và không thể lớn hơn Chúa Cha: "Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi" (Ga 13,16), "Bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy" (Ga 14,28).

*Về mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, Thánh Phao-lô dạy: "Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa (Ngôi II), mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Ngôi I), nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa (Ngôi I) đã siêu tôn Người (Ngôi II) và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Pl 2,6-11).

+Chúa Thánh Thần thánh hóa: Thánh Thần tuôn đổ thần khí ân sủng xuống trên các Tông đồ và các môn đệ trong lễ Ngũ tuần, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là Hội thánh, tiếp tục trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ mệnh của Chúa Giêsu: Một là làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng; Hai là làm tư tế thánh hóa loài người nhờ cử hành các phép bí tích do Chúa Giêsu thiết lập; Ba là làm vương đế phục vụ đoàn chiên được trao...Đấng ấy là Chúa Ngôi Ba, là Chúa Thánh Thần, Thánh Linh hay Thần Khí.

3)MỘT SỐ CÁCH DIỄN TẢ MẦU NHIỆM BA NGÔI KHI DẠY GIÁO LÝ:

Một Chúa Ba Ngôi là chân lý đức tin do Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người đã dạy, nhưng lại khó hiểu đối với tr1i khôn hữu hạn của lòai người. Nhằm giúp các tín hữu hiểu biết phần nào về mầu nhiệm này, các nhà thần học đã cố gắng diễn giải bằng các hình ảnh có trong thực tế đời thường dù chỉ là bất tòan như sau:

1-Thánh Pa-trick dùng hình ảnh lá cây "Tam diệp thảo": tuy chỉ có một lá, nhưng do ba lá nhỏ dính liền với nhau.   

2-Thánh I-nha-xi-ô dùng hình ảnh một hợp âm trên dòng nhạc, gồm ba nốt nhạc chồng lên nhau.

3-Ngoài ra, chúng ta có thể diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng mấy hình ảnh đời thường như:

+Nước tuy chỉ là vật chất nhưng có thể xuất hiện dưới ba dạng là: Thể hơi, thể đặc và thể lỏng;

+Hình tam giác đều tuy chỉ là một hình, nhưng có ba góc và ba cạnh bằng nhau.

+Một người đàn ông trong gia đình tuy chỉ là một người nhưng có 3 vai trò: là "cha" đối với con cái, là "con" đối với bố đẻ, là "chồng" đối với vợ.

4)SỐNG HIỆP THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG NOI GƯƠNG CHÚA BA NGÔI:

1-Hiệp thông bằng việc năng tuyên xưng đức tin Một Chúa Ba Ngôi: Mỗi lần làm dấu thánh giá và đọc kinh Sáng Danh, người tín hữu tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

2-Hiệp thông bằng việc năng cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi: Người tín hữu cần năng cầu nguyện với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha như Chùa Giêsu đã dạy (x Mt 6,9-13). Năng thưa chuyện với từng Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con Giêsu và Chúa Thánh Thần, ít nhất 5 lần mỗi ngày: buổi sáng khi vừa thức giấc, trước ba bữa ăn và trước lúc nghỉ đêm.

3-Nội dung những lời cầu nguyện với Thiên Chúa: có thể quy về 5 điều chính sau:

+Một là ngợi khen Cha: noi gương Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha "Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11,25) và như Đức Maria đã tôn vinh Thiên Chúa sau khi được bà Ê-li-sa-bét khen có phúc "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi..." (Lc 1,46-55).

+Hai là tạ ơn Cha: mỗi khi được may lành noi gương một trong mười người phong cùi đã quay lại tạ ơn Thiên Chúa sau khi được ơn chữa lành như lời Đức Giêsu trách những kẻ vô ơn: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngọai bang này" (Lc 17,17-18).

+Ba là xin lỗi Cha: như đứa con thứ đã hồi tâm quay về nhà bày tỏ lòng sám hối vời cha trong dụ ngôn người cha nhân hậu: "Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy" (Lc 15,18-19).

+Bốn là vâng lời Cha: noi gương Chúa Giêsu đã cầu nguyện phó thác nơi Cha: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26,39), hoặc như Đức Maria đã thưa với sứ thần truyền tin: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38).

+Năm là cầu xin Cha: xin Chúa ban bánh ăn phần xac cũng như ơn cứu độ phần hồn: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ"(Lc 6,9b-13).

4-Sống yêu thương tha nhân noi gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa: Người ta thường ví Chúa Ba Ngôi giống như một gia đình với ba Ngôi vị phần là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi yêu thương nhau làm khuôn mẫu cho các thành viên trong gia đình tín hữu và tình yêu vị tha mở rộng đến hết mọi người. Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã viết: "Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy" (1 Ga 4,16b). "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình"(1 Ga 4,20-21).

3.LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊSU, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dạy cho chúng con bài học này: "Thiên Chúa là Tình yêu" (1 Ga 4,7). Từ trước đến nay, con vẫn chưa sống được giới răn yêu thương như Chúa dạy: con còn hay nghĩ xấu cho người khác. Con thường tỏ ra ích kỷ, không quan tâm đến người bên cạnh, con thường làm ngơ và không mau mắn đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người nghèo đói bệnh tật đau khổ... Từ nay con quyết tâm sẽ sống yêu thương để nên con ngoan hiếu thảo của Chúa Cha. Xin giúp con luôn biết quảng đại tha thứ những lỗi phạm của người khác, vâng lời cha mẹ và thày dạy, thuận hòa với anh chị em trong gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Xin cho con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi nơi những người bất hạnh, để thể hiện tình thương bằng những việc làm cụ thể như: viếng thăm để an ủi và quảng đại chia sẻ cơm áo gạo tiền... giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn gặp phải, như Chúa dạy được tóm lại trong kinh "Thương Người Có Mười Bốn Mối" và kinh "Hòa Bình" của thánh Phan-xi-cô.

LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC228. LỄ CHÚA BA NGÔI


Mt 28, 16-20

 

Trong một buổi thuyết trình về những chân lý trong đời đời sống niềm tin tôn giáo, vị thuyết: BaNgôi ABC228


Trong một buổi thuyết trình về những chân lý trong đời đời sống niềm tin tôn giáo, vị thuyết giảng hỏi các thính giả của mình rằng: "Giả sử hôm nay Giáo hội nói với các bạn rằng: Thiên Chúa không hề có ba ngôi, Người chỉ có một ngôi vị duy nhất mà thôi, thì điều này có ảnh hưởng gì đến đời sống của các bạn không ?"

Thưa anh chị em ! Câu hỏi này tự nó đã hàm chứa một lời khẳng địng rằng: các chân lý tôn giáo không phải là những tín điều chỉ đòi buột ta tuyên xưng ngoài môi ngoài miệng, mà là buộc chúng ta tuyên xưng bằng chính cuộc đời của mình. Nghĩa là khi ta tuyên xưng một tín điều nào đó, muốn cho lời tuyên xưng ấy xác thực, chúng ta phải để cho tín điều ấy hướng dẫn và biến đổi đời sống của chính mình. Hôm nay đây, cùng với Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi.

Đây là một mầu nhiệm căn bản trong đời sống đạo của mình, một tín điều mà chúng ta tuyên xưng mỗi ngày khi làm dấu thánh giá, hay đọc kinh Sáng Danh. Thế nhưng bây giờ chúng ta thử nhìn lại xem: chúng ta đã tuyên xưng tín điều này trong đời sống của mình như thế nào? Nói khác đi là chúng ta có để cho tín điều ấy hướng dẫn và làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt hơn không ? Người ta thường nói: "Vô tri bất mộ": không hiểu biết thì không thể yêu mến; mà không yêu mến thì không thể hiện được nó trong đời sống của mình được.

Nhưng mà rồi làm sao tôi có thể cắt nghĩa được một Thiên Chúa duy nhất mà lại có ba ngôi khác nhau: Cha, Con và Thánh Thần? Làm sao tôi có thể giải thích ba ngôi riêng biệt ấy không phải là ba Chúa, mà chỉ là một Chúa duy nhất? Người ta đã gắng công tìm những hình ảnh này và hình ảnh khác để diển tả, nhưng cuối cùng thì đó cũng chỉ là những hình ảnh đơn điệu phần nào đáp ứng lại sự tìm hiểu của lý trí mà thôi. Đối với mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Chúng ta không thể tìm được một hình ảnh hay một ngôn từ nào để diển tả cách chính xác, rỏ ràng và đầy đủ được.

Đã là mầu nhiệm thì muôn đời sẽ vẫn là mầu nhiệm. Và đồng thời, mầu nhiệm nào cũng là một luồng ánh sáng đặc biệt để soi dẫn chúng ta trên con đường sống niềm tin của mình. Phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay tuy không nói rỏ cho chúng ta về mầu nhiệm này, nhưng chúng ta tìm thấy ở đó một nét đặc biệt nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là Tình Yêu. Thánh Gioan đã nghiền ngẫm mầu nhiệm này này hằng bao nhiêu năm trời, rồi cuối cùng ông chỉ thốt lên được rằng: "Thiên Chúa là Tình Yêu".

Quả thật, khi nhìn lại lịch sử cứu độ nhân loại và lịch sử của bản thân mình, chúng ta sẽ nhận thấy đó là một chuỗi dài của tình thương. Đành rằng trong cuộc sống, có những lúc mình phải đối diện với những đớn đau nghiệt ngã, đối diện với những tủi buồn trăn trở, nhưng khi nhìn kỹ lại, chúng ta sẽ thấy rằng đó chính là những lúc Chúa sửa dạy bảo ban, chính là những lúc Chúa gọt dũa, để đời sống của chúng ta được tốt hơn. Nhà thơ Lệ Khánh chẳng biết có cảm nhận được tình yêu nhiệm mầu này hay không, mà trong ngôn ngữ của con người, ông đã diển tả nó cách sâu sắc và thi vị:

"Yêu lặng lẽ là yêu không dám nói
Là âm thầm chuốc lấy mhững thương đau
Nhìn người ta rồi khe khẽ cúi đầu
Để đêm về khóc thầm bên gối trắng."

Khuôn mặt của Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mặt của một Thiên Chúa tình thương, mà chỉ có con người mới có được vinh dự vẽ lại khuôn mặt đó trong đời sống của mình. Thế nhưng con người hôm nay xem chừng như muốn từ khước cái vinh dự đó, thay vì làm cho sáng sủa dễ coi, thì người ta lại làm cho nó trở nên méo mó khó nhìn khi đối xữ với nhau bằng một đời sống thiếu công bằng, thiếu tình thương chia sẽ. Bằng chứng là chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, chết chóc dường như chưa bao giờ chấm dứt. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thể hiện được khuôn mặt của Thiên Chúa tình thương trong chính cung cách ứng xữ thường ngày của mình đối với những người cận kề với chúng ta không?

Tình yêu muốn tồn tại thì cần phải có sự đáp trả. Chúng ta hãy đáp trả lại tình thương của Thiên Chúa bằng cách tin vào Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Mà tin vào Đức Kitô là bước theo và tuân giữ các giới răn của Người. Tin vào Đức Kitô là thể hiện trong cuộc đời của chúng ta cung cách sống của Người. Nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ, phải nói năng và phải hành động giống như những gì chúng ta đã học biết nơi Phúc Âm của Người.

Đây không phải là một chuyện dễ dàng, cũng chẳng phải là một chuyện mà chúng ta chỉ làm trong một sớm một chiều. Bởi vì tin vào Đức Kitô và cư xử giống như Người là chúng ta phải đi ngược lại với nhhững quan niệm đương thời, mà lội ngược dòng nước chảy bao giờ cũng là một điều khó khăn, cũng là một điều vất vả. Chắc chắn rằng sẽ có những lúc chúng ta cảm nhận rằng: khi tôi càng tuân giữ các lề luật của Chúa, là lúc tôi càng cảm thấy mất tự do; Khi tôi càng sống theo các giới răn của Chúa, là lúc tôi càng bị thiệt thòi.

Thưa anh chị em ! Không bao giờ xảy ra một điều vô lý như vậy, vì Chúa đã hứa rằng: "Điều Ta răn dạy, con ơi giữ cho thật đúng, Tuân cứ lệnh Ta, con sẽ sống một đời."

Mà ngược lại, tôi càng bám vào lề luật của Chúa, là tôi càng được tự do theo đúng nghĩa của nó; tôi càng sống theo các giới răn của Chúa, là cuộc sống tôi càng được hạnh phúc. Một cánh diều muốn được tung bay lên bầu trời tự do, nó bắt buột phải được giới hạn bằng một sợi dây nhất định. Ngày nào nó tự bứt mình ra khỏi sợi dây ràng buột đó để được tự do hơn, được bay cao hơn, thì đó là ngày nó rơi xuống vực thẳm.

Hôm nay chúng ta không mừng lễ Chúa Ba Ngôi với một quyết tâm tìm hiểu cho thấu đáo mầu nhiệm ấy, nhưng chúng ta hãy mừng lễ này với một con tim chân thành, vì đã cảm nhận được tình thương của Chúa nơi cuộc đời của mình. Tình thương này sẽ luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, nhưng tình thương ấy cũng sẽ luôn luôn đặt chúng ta trước một sự chọn lựa đầy ray rứt: Tôi có sẵn sàng nói lên tiếng "không" với tất cả những gì đi ngược lại với lề luật của Chúa hay không?
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC229. CHÚA NHẬT BA NGÔI


Mt 18, 26-30

 

Chúng ta thường nghe câu ca dao quen thuộc nói về đời sống hôn nhân và gia đình: "Mình: BaNgôi ABC229


1. Chúng ta thường nghe câu ca dao quen thuộc nói về đời sống hôn nhân và gia đình: "Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai", vợ chồng cần phải có những điểm chung, nhưng cũng phải có những điểm riêng biệt, hoà hợp trong dị biệt là điều cần thiết trong đời sống hôn nhân nói riêng và đời sống con người nói chung. Sự hiệp nhất này muốn được bền vững phải được khởi nguồn và theo gương của Thiên Chúa Ba Ngôi.

2. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu, là một điều vượt quá sự hiểu biết của loài người, nhưng chúng ta vững tin vào chân lý này, bởi đây là điều chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta. Đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu chúng ta vừa nghe kể lại việc Đức Giêsu Phục Sinh hẹn các môn đệ đến một ngọn núi miền Galilê. Ở đó Người tuyên bố rằng: Người đã được Chúa Cha trao cho toàn quyền trên trời dưới đất và Người sai các ông đi khắp nơi thâu nạp môn đệ, làm phép rửa cho họ "Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ",

Trong khi rao giảng bằng nhiều lần và nhiều cách Đức Giêsu đã mạc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nhưng đặc biệt qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy rất rõ về mầu nhiệm này: chỉ có một Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,7.16), nhưng Người có Ba Ngôi riêng biệt: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính Thiên Chúa và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi không có vấn đề Ngôi nào lớn hơn.

Chúng ta thường nghĩ tín điều Ba Ngôi quá khô khan, như một công thức toán học: Ba Ngôi một Chúa, một Chúa Ba Ngôi. Nhưng suy nghĩ một chút, chúng ta dễ thấy đây không phải là một công thức khô khan, mà là suối nguồn yêu thương, hiệp nhất trong đó mỗi Ngôi vẫn giữ đặc nét của mình. Tình yêu và sức sống của Ba Ngôi được lan toả cho cả vũ trụ vạn vật, nhất là cho con người của chúng ta.

3. Xã hội, gia đình ngày hôm nay dễ bị xáo trộn, bất đồng... tại sao, hẳn do nhiều nguyên nhân, trong đó chính yếu là do thiếu sự thông cảm, hiểu biết nhau. Quốc gia, đoàn thể, cá nhân thường chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình là trên hết, bất chấp đến nước khác, nhóm khác, người khác.

Vậy hãy nhìn vào Thiên Chúa Ba Ngôi là mẫu gương về hiệp nhất: Ba Ngôi một Chúa, một sự hiệp nhất trong tình yêu, vì mỗi Ngôi quá sức yêu thương hai Ngôi kia nên đã trở nên một. Cũng vậy, nếu loài người biết lấy tình thương đối với nhau, biết đặt quyền lợi của kẻ khác không dưới quyền lợi của mình, hẳn chắc là không có hận thù, chiến tranh, giết chóc... Nếu trong cộng đoàn hay trong gia đình người này biết lo cho người kia, nghĩ đến ý muốn, hạnh phúc của người kia - như Ba Ngôi hướng về nhau, luôn làm đẹp lòng nhau - thì chắc sẽ tạo dựng được một cộng đoàn, một gia đình hạnh phúc dù cho có nhiều thành viên trong đó. Tình yêu đã liên kết Ba Ngôi nên một, cũng vậy theo gương Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đời sống hôn nhân gia đình hay cộng đoàn, nếu các thành viên thực sự có bác ái, yêu thương thì mọi sinh hoạt hằng ngày hẳn sẽ được tốt đẹp, như chúng ta thường nghe nói: "Thống nhất trong việc lớn, tương nhượng trong việc nhỏ, bác ái trong mọi việc".

Cách chung, ai cũng muốn mình có một vị thế nơi xã hội, cộng đoàn, gia đình. Vậy sự hiệp nhất có làm mất đi sự đặc thù, riêng biệt của cá nhân hay không ? Hãy nhìn vào Thiên Chúa Ba Ngôi: vì không tách rời trong hữu thể, nên các Ngôi không tách rời trong hành động, tuy nhiên mỗi Ngôi biểu lộ đặc tính riêng của mình, như vậy vừa có sự hiệp nhất ; nhưng vẫn có sự riêng biệt, Hội thánh vẫn tuyên xưng "Một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành mọi sự, một Đức Giêsu Kitô, cùng đích của mọi sự, và một Chúa Thánh Thần, trong Người muôn vật được hiện hữu", (x. Cđ Constantinople II: DS 421).

Hay trong các lớp giáo lý, chúng ta vẫn nghe nói: Chúa Cha dựng nên ta, Chúa Con cứu chuộc ta, và Chúa Thánh Thần thánh hoá ta. Sự riêng biệt này nhắc nhở từng người trong chúng ta phải cố gắng lo chu toàn bổn phận của mình, sống đúng vai trò của mình. Là vợ, là chồng phải yêu thương, trung thành, chung thủy với nhau. Là cha, mẹ phải sống đúng tư cách và cố gắng làm bổn phận của người cha, mẹ. Là con cái cũng phải sống đúng vai trò và phận vụ của người con như vâng lời, hiếu thảo... nếu sống như thế mới thật là "chính danh" và "chính phận".

4. Nhờ bí tích Rửa tội, nhân danh "Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần", mỗi chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống của Ba Ngôi diễm phúc, kể từ đó ta có "chính danh" là Kitô hữu ; nhưng ta có thực hiện "chính phận" không, nghĩa là có cố gắng sống xứng đáng là người con Chúa hay không (x. Ga 14,29)?Có sống yêu thương, hiệp nhất ngay cả với người thân, gần gủi với mình hay không? Không những chúng ta được mời gọi dự phần vào sự sống của Ba Ngôi, mà theo lệnh truyền của Đức Giêsu, như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, mỗi người chúng ta còn có nhiệm vụ đem sự sống viên mãn của Chúa Ba Ngôi đến cho tha nhân nữa. Chúng ta đã làm gì để cộng tác với Thiên Chúa Ba Ngôi trong chương trình cứu độ này ?
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC230. BA NGÔI HIỆP NHẤT


Ga 3, 16 – 18

 

Một con tàu rời bến, nó đã được định hướng để đi đến một nơi nào đó. Nó muốn đi đến nơi an toàn: BaNgôi ABC230


Một con tàu rời bến, nó đã được định hướng để đi đến một nơi nào đó. Nó muốn đi đến nơi an toàn, con tàu đó phải còn vững chắc, chiếc máy bên trong con tàu cũng phải được bảo đảm để làm lực đẩy cho con tàu. Nhưng nếu chỉ bao nhiêu đó thôi, thì con tàu vẫn nằm yên bất động và trở nên vô dụng vì nó không được sự hướng dẫn. Người hoa tiêu chính là linh hồn của con tàu, điều khiển cho con tàu đi đúng hướng cần thiết để đem lại lợi ích cho nhiều người. Nếu chỉ có người hoa tiêu mà không có con tàu, thì lấy gì mà điều khiển. Nếu chỉ có con tàu với cổ máy, cho dù có tốt như thế nào đi nữa thì nó cũng không hoạt động được. Nhưng nếu có con tàu, cổ máy và cả người hoa tiêu, mà người hoa tiêu lại không điều khiển nổi khi con tàu vận hành, để nó muốn đến đâu thì đến thì thật là một tai hoạ. Con tàu, cổ máy và người hoa tiêu cùng đồng nhất với nhau thì mới cho kết quả tốt.

"Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Con của Ngài thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời". Thiên Chúa yêu thương con người, ban cho họ làm chủ vũ trụ này, ban cho con người những gì cần thiết cho đời sống của họ. Nhưng con người không chịu vâng phục Thánh ý Chúa, con người muốn tách rời khỏi Thiên Chúa, nên con người đã đi mà không biết mình đi đâu. Thiên chúa không bỏ con người, nên sai con của Ngài đến trần gian, để những ai tin vào Con của Ngài thì đến được sự sống.

Tin là vâng nghe và hành động theo như những gì đã biết và đã được chỉ dạy. Tin là hành động theo sự hướng dẫn, chứ không phải ngồi yên mà chờ đợi.

Mừng lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, chúng ta nhận biết một điều: Ba Ngôi nhưng chỉ có một Chúa duy nhất, chính vì Ba mà là Một, nên Ba Ngôi chính là sự hoàn hảo và tốt đẹp mà con người được tận hưởng biết bao nhiêu điều tốt đẹp từ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mỗi người trong chúng ta, đã nhận được biết bao nhiêu điều tốt đẹp, từ con người đến cuộc sống. Nhưng người hoa tiêu trên con tàu đời người của chúng ta, có điều khiển được con tàu cho đi đúng hướng, hay người hoa tiêu đanh phải chịu thua.

Mỗi người trong chúng ta nhìn lại chính mình, Thiên Chúa ban cho mỗi người một hoàn cảnh và những điều kiện thích hợp, để chúng ta được sống đến ngày hôm nay. Có những lúc chúng ta rất hài lòng về cuộc sống hiện tại, nhưng cũng có những lúc không hài lòng. Có những lúc chúng ta tự hào vì mình làm được nhiều việc tốt, nhưng nếu giờ này đây bình tâm nhìn lại, chúng ta cũng sẽ xấu hổ về những việc làm của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta thành công, được hạnh phúc, được lợi lộc, được mọi người ca tụng, những lúc đó, chúng ta chỉ biết tự hào về chính mình, nhưng được bao nhiêu lần chúng ta biết cảm tạ hồng ân Chúa, để tìm hiểu Thánh Ý Chúa và làm việc cho tốt hơn. Rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta kêu ca, phiền trách người khác sống không công bằng, không tốt, không xứng đáng; chỉ vì lý do họ không chịu đáp ứng nhu cầu mà chúng ta đòi hỏi. Có khi chúng ta phiền trách cả Thiên Chúa mà mình tôn thờ, vì Ngài không chịu nghe lời đòi hỏi của chúng ta.

Nếu trong cuộc sống đời thường, chúng ta biết suy nghĩ và tìm hiểu thánh ý Chúa, sau đó mới nói và hành động, thì thật hạnh phúc cho chúng ta. Khi đó, chúng ta đang sống trong mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay, Thiên Chúa đang hành động với chúng ta, Thiên Chúa là người hoa tiêu tài tình đang đưa con tàu chúng ta đến bến bình an.

Có những lúc, chúng ta không cần biết đến ai, chỉ cần thoả mãn chính mình, thoả mãn những ước muốn, cho dù ngay chính hay bất chính, chúng ta không cần biết. Chính vì thế, chúng ta rơi vào tình trạng cô đơn, trống rỗng, chới với giữa dòng đời, như con thuyền không định hướng. Những lúc đó, con tàu cuộc đời của chúng ta đã không theo sự hướng dẫn của người hoa tiêu, nên con tàu không biết đâu là bến bờ. Nếu những lúc đó, chúng ta biết chợt giật mình và để cho Chúa hướng dẫn thì thật là hạnh phúc cho chúng ta.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Ba Ngôi hướng dẫn cuộc đời chúng ta biết luôn hiệp nhất trong Chúa, để những việc làm của chúng ta đem lại những kết quả tốt đẹp.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC231. NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN


Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

LỄ CHÚA BA NGÔI

Mt 28, 16-20

 

Bài ca nhập lễ viết:” Chúc tụng Thiên Chúa, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, vì: BaNgôi ABC231


Bài ca nhập lễ viết:” Chúc tụng Thiên Chúa, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, vì Người hằng thương xót chúng ta “. Người công giáo khi vì dấu Thánh Giá, họ tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu Thánh Giá là biểu hiệu con người thuộc về Thiên Chúa. Bởi vì, qua dấu Thánh Giá người môn đệ Chúa công khai xưng mình thuộc về Đức Kitô.

Để biết được Thiên Chúa, chúng ta phải ở trong cung lòng của Ngài. Đức Kitô vén mở mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho nhân loại. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất có ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Ba ngôi khác nhau nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã có lần nói với môn đệ của Ngài:” Ai biết Ta là biết Cha “. Hoặc “ Ta và Cha là một “ ( Ga 14, 10 ). “ Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta “ ( Ga 16, 15 ). “ Mọi sự của Cha có đều là của Ta “ ( Ga 16, 15 ). Ba Ngôi đều khăng khít gắn bó, hiệp nhất và duy nhất trong Thiên Chúa. Do đó, Ba Ngôi Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa và Thiên Chúa đưa con người hiệp thông với chính Ngài.

Chúng ta khi làm dấu Thánh Giá là diễn tả chúng ta tôn vinh và kính mến thờ lạy Thánh Giá Chúa Giêsu. Ông Tertulien đã viết một câu thật chí lý, để mãi cho đời: “ Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu Thánh Giá “. Đầu mỗi thánh lễ, vị Chủ Tế thường chào cộng đoàn như sau: “ Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em “.

Kinh tiền tụng ngày Lễ Chúa Ba Ngôi viết: “ Cùng với Con Một Cha và Chúa Thánh Thần, Cha là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Nhờ mặc khải Cha ban, chúng con tin Cha là Đấng vinh hiển và chúng con cũng tin như thế về Con Cha và Chúa Thánh Thần. Và khi tuyên xưng Cha là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi, tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau “.

Người Kitô hữu sống mầu nhiệm Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là sống trong tình yêu vì: “ Ai ở trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy “ ( 1 Ga 4, 16 ).

Chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi bằng lời cầu nguyện với tâm tình con thảo: “ Lạy Cha, xin cho nước Cha trị đến ! “. Chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi bằng kinh nghiệm tình yêu:’ Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương em “. Chúng ta mầu nhiệm Ba Ngôi bằng lòng can đảm, hiên ngang theo sự linh ứng của Chúa Thánh Thần.

Hằng ngày, chúng ta làm dấu Thánh Giá khi đi ngủ, khi thức dậy, khi đi lễ, khi đọc kinh, khi ăn vv...Đây là biểu lộ dấu ấn tình yêu chúng ta tuyên xưng nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Điều ghi ấn tượng mạnh mẽ là khi Linh mục nâng cao Mình và Máu Chúa, Ngài đọc “ Chính nhờ Ngài, hiệp Ngài mà mọi vinh dự và vinh quang đều thuộc về Chúa trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần “.

Người Kitô hữu được dìm vào nước nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhưng Chúa kêu mời mọi Kitô hữu làm phép rửa cho muôn dân. Đây là sứ mạng cao cả chúng ta phải thực hiện trong suốt cả đời sống ở trần thế này.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian để mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa Ba Ngôi ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Tại sao lại gọi là lễ Chúa Ba Ngôi ?
2.Ai tỏ cho chúng ta biết Chúa Ba Ngôi ?
3.Dấu Thánh Giá biểu lộ gì ?
4.Khi nào chúng ta làm dấu Thánh Giá ?
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC232. Làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi


LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 28:16-20)

 

Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã long trọng ban cho các môn đệ một lệnh truyền.  “Anh em: BaNgôi ABC232


          Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã long trọng ban cho các môn đệ một lệnh truyền.  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.  Khi truyền lệnh như vậy, chắc chắn Chúa Giê-su đã cho họ thấy rõ họ phải làm việc gì và làm việc ấy cho ai và vì ai.

          Vậy các môn đệ Chúa phải làm gì, hoặc sứ mệnh của họ là gì?  Đó là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dĩ nhiên là môn đệ của Chúa Giê-su như chính Người đã kêu gọi và làm cho họ trở thành môn đệ của Người.  Họ phải đi rao giảng về Chúa Giê-su và Tin Mừng của Người, để những người không có cơ may đích thân gặp Chúa và nghe Người giảng đều có thể biết về Chúa.  Sứ mệnh của người rao giảng không chỉ nói cho người ta biết về Chúa, mà còn giúp người ta yêu mến và tuân giữ các điều răn của Chúa nữa (Gio-an 14:15).  Nói khác đi, họ phải giúp người ta xây dựng một mối tương quan yêu thương cá nhân với Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có tình yêu đích thực mới là động lực chính đáng giúp họ thực hành lời giảng của Người và giữ các điều răn của Người.  Từ biết tiến tới yêu mến, rồi từ yêu mến tiến tới giữ các điều răn, đó là con đường bất cứ ai muốn làm môn đệ Chúa cũng phải bước theo.

          Ngoài ra, việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa đã xác định tính cách phổ quát của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.  Rao giảng Tin Mừng phải nhắm vào toàn thể nhân loại, không loại trừ ai, không giới hạn trong một miền hay một quốc gia.  Ai cũng cần được kêu gọi làm môn đệ Chúa, không phân biệt ngôn ngữ hay chủng tộc, thành phần xã hội hay văn hóa.

          Sứ mệnh làm cho muôn dân trở thành môn đệ thật là khẩn thiết, nhưng dấu chỉ nói lên một người đã được làm môn đệ cũng không kém phần quan trọng, đó là họ được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi.

          Tất cả chúng ta đều đã được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhưng có lẽ ít khi nào chúng ta suy nghĩ thêm một chút về ý nghĩa của “nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.  Đúng vậy, phải là nhân danh Chúa Ba Ngôi, thì cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta mới mang ý nghĩa đầy đủ.  Trước hết là mục đích cuộc đời Ki-tô hữu đều quy hướng về Ba Ngôi.  Chúa Cha tạo dựng chúng ta là để chúng ta được chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu với Người.  Chúa Con cứu chuộc chúng ta là để chúng ta được làm con Thiên Chúa và được cùng Người đồng thừa kế gia nghiệp Thiên Chúa.  Chúa Thánh Thần tiếp tục công việc cứu độ của Chúa Giê-su, dẫn dắt chúng ta sống theo căn tính mới là con Thiên Chúa và ban sức mạnh cho chúng ta được trung thành với ơn gọi làm con Thiên Chúa.  Tất cả ba Ngôi Thiên Chúa đã tích cực trong kế hoạch cứu độ để giúp chúng ta đạt tới cứu cánh của con người.  Mọi công việc tích cực ấy đều được thực hiện dưới một động lực duy nhất là tình yêu.  Vì thế, chúng ta chắc chắn có thể nói rằng được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi cũng chính là được rửa tội nhân danh Tình Yêu.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Được rửa tội nhân danh tình yêu mà lại không sống yêu thương thì quả thực là mỉa mai!  Được rửa tội là khởi đầu cho cuộc sống mới của người môn đệ, vì từ nay họ phải sống “nhân danh Ba Ngôi”, tức là nhân danh tình yêu.  Họ được sai đi để làm nhân chứng cho tình yêu.  Chúa Giê-su đã được sai đến trần gian và “được trao toàn quyền trên trời dưới đất”.  Toàn quyền của Người chính là sự thật và tình yêu.  Người đã thi hành quyền năng và sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa để thiết lập một cuộc tạo dựng mới.  Chúng ta cũng được Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi cộng tác vào cuộc tạo dựng mới ấy bằng cách sống và làm chứng cho sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.

          Chúng ta đừng sợ hãi trước sứ mệnh này, vì Chúa Giê-su đã hứa “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.  Nếu chúng ta có Chúa Giê-su là tình yêu Thiên Chúa nhập thể ở cùng chúng ta, nhất định chúng ta sẽ chu toàn được sứ mệnh! 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC233. MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI


CHÚA NHẬT IX TN- LỄ CHÚA BA NGÔI

Đnl 4,32-34.39-40 ; Rm 8,14-17 ; Mt 28,16-20.

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 28,16-20.

(16) Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

2.Ý CHÍNH:

 

Trong bài Tin mừng của thánh Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh hẹn các Tông đồ đến: BaNgôi ABC233


Trong bài Tin mừng của thánh Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh hẹn các Tông đồ đến một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Ở đó sau khi tuyên bố đã được Chúa Cha cho toàn quyền trên trời dưới đất, Người sai các ông đi khắp nơi thâu nạp môn đồ cho Người, làm phép rửa cho họ “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

3.CHÚ THÍCH:

-C 16-17: + Mười một môn đệ: Đây là Nhóm Mười Hai, nhưng thiếu Giu-đa, kẻ phản bội, và Mát-thi-a chưa được bổ sung vào danh sách thế chỗ cho Giu-đa (x. Cv 1,15-26). Nhóm này là Tông Đồ Đoàn được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Còn về Giu-đa Ít-ca-ri-ốt: khi thấy Thầy Giêsu sắp bị kết án tử hình, Giu-đa đã bị hối hận. Hắn liền đem ba mươi quan tiền trả lại cho các đầu mục Do thái nhưng đã bị họ từ chối. Giu-đa thất vọng nên đã ném tiền vào cung thánh Đền thờ rồi đi thắt cổ tự tử (x. Mt 27,3-5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Tức là đến miền đất dân ngoại theo chỉ thị của Chúa Phục Sinh qua bà Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Mt 28,10), và cũng để noi gương Đức Giêsu đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời tại xứ Ga-li-lê (x. Mt 4,12-17), + Đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến: Ngày nay người ta không thể xác định đây là núi nào. Nhưng có lẽ Mát-thêu chỉ muốn nói đến quả núi với ý nghĩa tượng trưng: Núi là nơi Thiên Chúa gặp gỡ và mặc khải cho loài người. Chẳng hạn: Đức Chúa đã trao Thập Giới cho Mô-sê trên núi Khô-rép (x. Xh 24,13.15.18). Đức Giêsu cũng đã công bố Hiến Chương Nước Trời hay Tám Mối Phúc Thật trên núi, nên còn gọi là “Bài Giảng Trên Núi” (x. Mt 5,1-7,27). +Thấy Người, các ông bái lạy: Sau nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin cho môn đệ, trước khi về trời Chúa Phục Sinh đã hiện ra để trao sứ mệnh loan Tin mừng phổ quát cho các ông. Cử chỉ bái lạy nói lên các ông đã tin Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa”. + Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: Câu này xem ra mâu thuẫn với thái độ bái lạy vừa nói. Thực ra, hoài nghi là thái độ phải xảy ra nơi các môn đệ trước khi các ông đạt tới đức tin hoàn hảo. Chắc là Mát-thêu muốn nói đến sự hoài nghi đã xảy ra trước đó mà ngài chưa lần nào đề cập đến. Như vậy đây chỉ là một sự trục trặc về lối hành văn, chứ không mâu thuẫn về mặt tư tưởng. Ngoài ra cũng có người cho rằng: Vì đây là cuộc hiện ra để “trao sứ mệnh” cho Nhóm Mười Một đại diện Hội Thánh, nên sự hoài nghi ở đây chính là sự hòai nghi nói chung của Hội Thánh xưa nay: Mầu nhiệm Phục Sinh tuy là một sự thật hiển nhiên, nhưng bao giờ cũng vẫn có người còn hoài nghi.

-C 18-19: +Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu sứ mệnh, cũng trên núi cao, Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian do Xa-tan hứa ban (x. Mt 4,8-10). Nhưng giờ đây Người tuyên bố: Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ứng nghiệm lời tuyên sấm của Ngôn sứ Đa-ni-en về sứ mệnh của Con Người như sau: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan” (Đn 7,14). + Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Hội Thánh phải dùng quyền Đức Giê-su ban để nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Trước hết là dân Do Thái (x. Mt 10,5-6), rồi đến mọi dân nước trên thế giới (x. Mt 8,11). +Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần:  Để người ta trở nên môn đệ Đức Giê-su, các Tông đồ phải làm phép rửa tái sinh họ bằng nước và Thần Khí (x. Ga 3,3.5). Phép rửa được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,19).

-C 28,20: +Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em: Sứ mệnh các Tông đồ gồm cả quyền dạy dỗ các tín hữu cho tới khi Hội Thánh đạt tới tình trạng viên mãn (x. Ep 1,23).+Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Phục Sinh hứa sẽ luôn ở trong Hội Thánh cho đến tận thế nhờ Thánh Thần và qua các mục tử, để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh “được sai đi”. Như vậy Đức Giê-su chính là “Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

4.CÂU HỎI:

1)Tại sao chỉ có mười một Tông đồ hiện diện lúc Chúa lên trời?
2)Số phận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt thế nào sau khi phản nộp Thầy?
3)Tại sao Chúa Phục Sinh  truyền cho các Tông đồ trở về Ga-li-lê?
4)Ngọn núi Chúa truyền cho các Tông đồ đến là núi nào?
5)Mấy kẻ còn hoài nghi gồm những ai và hoài nghi về điều gì?
6) Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian, do Xa-tan hứa ban khi nào?
7) Đức Giê-su đã được ai trao toàn quyền trên trời dưới đất, hầu ứng nghiệm với sấm ngôn của vị Ngôn sứ nào? Lời tuyên sấm ấy nội dung ra sao?
8)Chúa truyền cho Hội Thánh phải làm cho những ai trở thành môn đệ của Người?
9)Sau khi thâu nạp môn đệ, Hội Thánh cần tiếp tục làm gì cho họ?
10)Câu nào trong đọan Tin mừng trên chứng minh Chúa Giêsu mặc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: “Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2.CÂU CHUYỆN: CHÀNG SINH VIÊN VÀ ÔNG GIÀ.

Trên chuyến xe lửa từ Ly-ông đi Pa-ri (Lyon-Paris), một thanh niên ăn mặc sang trọng, ngồi bên một ông già có dáng vẻ hơi nhà quê. Bấy giờ ông cụ tay cầm cỗ tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng đang lẩm bẩm đọc kinh. Chờ cho ông cụ đọc kinh xong, chàng thanh niên liền gợi chuyện: “Cháu có thắc mắc là không biết tại sao đến giờ này mà ông vẫn còn tin vào những điều huyền hoặc của tôn giáo như thời Trung cổ? Chắc ông cũng tin mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh và những chuyện đại loại như thế mà mấy ông cha sở vẫn nhai đi nhai lại trong nhà thờ chứ gì?” Ông già trả lời: “Đúng vậy! Thế còn cậu thì sao?” Chàng trai liền cười rộ lên và nói: “Cháu mà lại tin vào những điều nhảm nhí đó sao? Cháu đã khám phá ra sự thật khi học đại học. Thiết tưởng ông cũng nên bắt đầu bỏ xâu chuỗi kia đi là vừa, để dành thời giờ đọc các sách báo khoa học tiến bộ!” Ông lão liền nói: “Tôi cũng muốn được như vậy, nhưng lại không biết tìm đâu ra các sách báo khoa học đó!” Chàng thanh niên đáp: “Được rồi, cháu sẽ gửi biếu ông một số sách báo khoa học. Thế ông có biết đọc không?”. Ông cụ trả lời: “Cám ơn cậu, tôi biết đọc”. Chàng thanh niên nói: “Thế thì tốt. Nhưng xin ông cho cháu biết địa chỉ để cháu sẽ gửi sách đến cho ông”. Bấy giờ ông già liền rút từ trong túi áo ra một tấm danh thiếp trao cho chàng thanh niên. Cậu ta ngạc nhiên trố mắt lên nhìn vào mấy hàng chữ trên tấm danh thiếp: “Lu-y Pát-tơ (Louis Pasteur) - Viện nghiên cứu khoa học Pa-ri (Paris)”. Thì ra ông cụ mà chàng thanh niên kia đánh giá là kẻ mê tín hủ lậu, không ai khác hơn, lại chính là nhà bác học lừng danh Lu-y Pát-tơ, người đã có nhiều bằng sáng chế khoa học và đã viết nhiều đầu sách nghiên cứu khoa học, mà anh ta rất say mê đọc với lòng khâm phục!

3.SUY NIỆM:

1)Đạo Công Giáo có nhiều chân lý mầu nhiệm, là những điều mặc khải của Thiên Chúa, đã được Đức Giê-su cho biết, được Hội Thánh giảng dạy. Các chân lý đức tin ấy tóm lại trong kinh Tin Kính. Trong số các mầu nhiệm đức tin thì Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất và là nền tảng của các mầu nhiệm khác. Đã là mầu nhiệm thì đương nhiên người ta khó lòng thấu hiểu được. Tuy nhiên nếu biết khiêm tốn xin ơn Thánh Thần soi sáng, và cố gắng tìm tòi học hỏi thì người ta cũng có thể lãnh hội được phần nào ý nghĩa, và sẽ không thấy có gì đối nghịch giữa khoa học và đức tin tôn giáo, như câu chuyện về nhà bác học Lu-y Pát-tơ nói trên đã cho thấy.

2)Cũng có nhiều chân lý đức tin mà những người vô tín khó lòng chấp nhận. Chẳng hạn khi nghe Đức Giê-su giảng về bí tích Thánh Thể, thì một số môn đệ đã chê trách: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”… Và “từ lúc đó có nhiều môn đệ đã rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,54-66). Cũng có một số chân lý đức tin khác được Đức Giê-su dạy như mầu nhiệm tử nạn và phục sinh… mà do thiếu đức tin nên các môn đệ không hiểu ngay được. Phải đợi đến khi được Chúa Phục Sinh nhiều lần hiện ra dạy dỗ cho các ông am hiểu Kinh thánh và nhờ tham dự nghi thức Bẻ Bánh, các môn đệ mới tin vào mầu nhiệm này (x Lc 24,13-35). Ngòai ra còn nhiều mầu nhiệm khác, trong đó có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, khi nghe Đức Giêsu rao giảng, các môn đệ chưa thể hiểu ngay, phải đợi đến khi Thần Khí của Chúa Phục Sinh tác động vào lễ Ngũ Tuần, các ông mới lãnh hội được sự thật tòan vẹn, đúng như lời Đức Giêsu dạy như sau: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không còn sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).

3)Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Dựa vào lời Chúa Giêsu mặc khải trong Tân Ước Hội Thánh đã rút ra chân lý mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như sau:

Chỉ có Một Thiên Chúa và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7), nhưng Người lại có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần (x Mt 3,16-17; Mt 28,19). Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi, không Ngôi nào lớn hơn (x Ga 14,10). Vai trò của mỗi Ngôi như sau:

  -Chúa Cha sáng tạo nên ta: Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người. Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng (Ngôi Hai) làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3), và tiếp tục quan phòng gìn giữ để các tạo vật ấy tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một hòan thiện hơn. Người cứu độ loài người bằng việc sai Con Một (Ngôi II) nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần (Ngôi III) tiếp tục chương trình cứu độ lòai người qua Hội Thánh.

-Chúa Con cứu chuộc ta: Khi tới Giờ đã định, Chúa Cha (Ngôi I) sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) xuống thế làm người là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ mệnh Thiên Sai bằng việc đi khắp nơi công bố Tin mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người và sống lại để ban ơn cứu độ loài người. Đức Giê-su chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Người luôn hiệp nhất với Chúa Cha (x. Ga 17,22).

-Chúa Thánh Thần thánh hóa ta: Thánh Thần tuôn đổ thần khí ân sủng xuống trên các Tông đồ và các môn đệ trong lễ Ngũ tuần, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là Hội thánh, tiếp tục trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ mệnh của Chúa Giêsu: Một là làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng; Hai là làm tư tế thánh hóa loài người nhờ các phép bí tích do Chúa Giêsu thiết lập; Ba là làm vương đế phục vụ đoàn chiên được trao phó…Đấng ấy là Chúa Ngôi Ba, là Thánh Thần, Thánh Linh hay Thần Khí.

4)Sống tình yêu thương noi gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa: Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Dây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”(1Ga 4,20-21)..

4.THẢO LUẬN: 1)Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì để đào sâu về giáo lý đức tin công giáo? 2) Để sống mầu nhiệm tình yêu của Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa, tôi sẽ thể hiện tình thương thế nào đối với những người tôi không ưa hoặc có ác cảm?  

5.CẦU NGUYỆN:

LẠY CHÚA. Thánh Phao-lô dạy: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7). Xin Chúa giúp chúng con năng đến thăm những người nghèo khổ bệnh tật…như Mẹ Ma-ri-a đã mang thai nhi Giêsu đến thăm gia đình Gia-ca-ri-a khi xưa. Xin cho con biết vui vẻ chào hỏi người khác noi gương Mẹ Ma-ri-a đã lên tiếng chào hỏi bà Ê-li-sa-bét trước để chia sẻ miềm vui ơn cứu độ cho thai nhi Gio-an trong lòng mẹ. Trong những ngày này, xin Chúa giúp chúng con biết sống hiệp thông với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi qua thái độ khiêm nhường phục vụ tha nhân noi gương Chúa đã sai Con Một nhập thể làm người để ở cùng chúng con và nêu gương yêu thương phục vụ lòai người chúng con.

     X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC234  LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI, NĂM B


(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

 Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi được mừng vào Chúa Nhật sau Chúa Nhật Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

 

Các Bài Đọc chu kỳ Năm B: Bài Đọc I (Đệ Nhị Luật 4: 32-34, 39-40): Ông Môsê nói với Dân: BaNgôi ABC234


Các Bài Đọc chu kỳ Năm B: Bài Đọc I (Đệ Nhị Luật 4: 32-34, 39-40): Ông Môsê nói với Dân Chúa: Thiên Chúa là Chúa duy nhất trên trời dưới đất; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa, không có Chúa nào khác. Bài Đọc II (Thơ Rôma 8:14-17): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta , nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta được làm con cái Chúa và có thể xưng với Chúa là Cha. Bài Phúc Âm (Matthêu 28:16-20): Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Hãy đi giảng dạy muôn dân và ban phép Thánh Tẩy cho họ “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”

  Thiên Chúa Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm, nghĩa là một Tín Điều mà chúng ta không thể nào cắt nghĩa được bằng lý trí; nhưng chúng ta tin và lãnh nhận do Chúa Giêsu đã giảng dạy, và nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng (Gioan 16:12) để nhận biết: Chỉ có một Thiên Chúa mà Ngài có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần; Ba Ngôi cùng một bản thể, cùng là một Thiên Chúa duy nhất.

  Người ta nói khi Thánh Patrick giảng dạy về Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài đã dùng một lá có ba nhánh để làm thí dụ. Giáo sư Tiến sĩ Phan Văn Ngọc, sau khi tìm hiểu Thánh Kinh kỹ càng và được ơn Chúa soi sáng, đã tin nhận Thiên Chúa và chịu phép Thánh Tẩy. Khi tìm hiểu giáo lý, ông cảm thấy điều khó hiểu nhất là về Thiên Chúa Ba Ngôi; nhưng sau cùng, ông suy nghĩ: dù chỉ là nước, nhưng vẫn có thể ở thể lỏng, thể rắn (nước đá) hay thể hơi (hơi nước).

  Tuy nhiên, tất cả những so sánh, những biểu tượng bề ngoài chỉ để tạm thời giải thích Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; vì ‘Mầu Nhiệm’ là điều vượt quá mọi sự suy nghĩ của lý trí con người. Con người dù thông minh thế nào, cũng không thể hiểu hết được những ‘bí ẩn’ trong vũ trụ, huống chi làm sao hiểu được hết mọi điều siêu việt của Thiên Chúa. Thánh Augustinô (354-430) là một nhà Thần Học và Triết Gia, Ngài luôn muốn cắt nghĩa mọi sự theo lý trí, kể cả Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Một ngày kia, Ngài đi đi lại lại trên bờ biển để vừa cầu nguyện vừa cố suy nghĩ trong tâm trí xem có cách nào để hiểu và cắt nghĩa được tường tận mọi điều về Thiên Chúa Ba Ngôi. Đang lúc vừa đi đi, lại lại trên bờ biển, vừa suy nghĩ mung lung, chợt ông thấy có một em bé trông rất khôi ngô và thông minh, đang dùng một vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ nhỏ trên bờ biển. Thánh Augustinô liền dừng lại hỏi em đang muốn làm gì vậy. Em bé mỉm cười trả lời: “Cháu đang muốn múc hết nước đại dương để đổ vào cái lỗ nhỏ này.” Thánh Augustinô liền cười và nói: “Sao cháu làm một việc vô ích như vậy… Làm sao cháu có thể múc nước cả đại dương này để đổ hết được vào cái lỗ nhỏ như thế?” Em bé liền cười nói: “Việc của cháu đang làm có vẻ khờ dại thật, nhưng việc bác đang suy nghĩ còn khờ dại hơn…”

  Thiên Chúa là cả một đại đương mênh mông, tâm trí con người chỉ là một giới hạn nhỏ bé, làm sao có thể thông hiểu tường tận hết mọi điều về Thiên Chúa. Chỉ với đức tin và tâm hồn khiêm nhường và sự kết hiệp với Chúa qua lời cầu nguyện, chúng ta mới có thể được Ơn Chúa soi sáng và tin nhận được các Mầu Nhiệm về Thiên Chúa, nhất là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chứ không phải qua suy nghĩ của lý trí hạn hẹp của chúng ta.

  Như vậy, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một điều ‘huyền nhiệm’ chỉ các nhà Thần Học mới hiểu được. Một nhà Thần Học thế kỷ 19, ông Thomas Hancock nói: “Một người đàn ông hay một người phụ nữ dù quê mùa không thể lý luận về Thịên Chúa Ba Ngôi, nhưng vẫn có thể nhận thức được về Thiên Chúa Ba Ngôi một cách hoàn hảo hơn một nhà Thần Học uyên bác, thông hiểu các tác phẩm của Thánh Athanasius hay Thánh Augustinô và tất cả những tranh luận của sáu thế kỷ đầu của Giáo Hội!” (trích trong Preaching the Lectionary, Reginald H. Fuller). Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta: “Đức tin của chúng ta không dựa vào những lý lẽ khôn ngoan của con người…nhưng nhờ mạc khải của Thiên Chúa qua sự soi sáng của Chúa Thánh Thần (Xin xem 1 Corintô, chương 2; hoặc Gioan 14: 26). Trong một lần cầu nguyện, Chúa Giêsu đã nói: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã không soi sáng cho những kẻ khôn ngoan thế gian biết những điều ấy, nhưng cho những người đơn sơ, hèn mọn!”

(Luca 10: 21; Matthêu 11: 25). Chính vì vậy, Pascal, một nhà tư tưởng lớn trong thế kỷ 17, đã luôn cầu xin cho mình được có một Đức Tin mạnh mẽ của một bà nhà quê ở xứ Bretagne!

  Chúng ta tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi đọc kinh Tin Kính. Mỗi khi chúng ta đọc kinh: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, chúng ta cúi đầu để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba ngôi: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.” Chúng ta được chịu phép Thánh Tẩy để gia nhập Gia Đình Hội Thánh Chúa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi trong công thức: “Cha rửa con, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”

  Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng kính mừng Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta luôn được ơn Chúa soi sáng để chúng ta có thể có một đức tin sáng suốt và mạnh mẽ, không phải chỉ dựa vào lý trí, nhưng bằng chính đời sống thực hành đức tin hàng ngày của chúng ta qua đức Bác Ái.

  Với lời cầu nguyện của Thánh Phaolô, chúng ta hãy cùng “nguyện xin Ân Sủng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Tình Yêu của Chúa Cha, và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng mỗi người, mỗi gia đình chúng ta!” (2 Corinto 13:13).
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC235. Lễ Chúa Ba Ngôi

 

Trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, khi giáo dân tỏ lòng tôn kính Thánh giá, ca đoàn thường: BaNgôi ABC235


Trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, khi giáo dân tỏ lòng tôn kính Thánh giá, ca đoàn thường hát bài thánh ca “Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi?  Hãy trả lời Ta đi”.  Nếu ta phải lập lại bài ca đó trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, thực cũng không có gì quá đáng.  Có mấy khi ta hỏi mình đã làm gì cho Chúa, hay ta chỉ mở miệng xin Chúa làm cho con điều này, xin Chúa giúp con điều kia.  Những bài đọc hôm nay đã giúp ta đặt những câu hỏi về Chúa và những câu hỏi về ta, để ta hiểu được mối quan hệ giữa Chúa với ta.

1.  Thiên Chúa đã làm gì cho anh chị em?  (bài đọc Cựu Ước – Đnl 4:32-34.39-40)

          Mở đầu cho sách Đệ Nhị luật là những diễn từ ông Mô-sê căn dặn dân Chúa trước khi họ tiến vào Đất hứa.  Lo lắng của ông là làm thế nào nhắc nhở Ít-ra-en phải luôn trung thành với Chúa, vì chính Chúa là Đấng đã tuyển chọn họ giữa muôn dân.  Do đó, cảm thấy sắp đến ngày về với Chúa, ông đã tụ họp dân chúng và cùng với họ ôn lại lịch sử dân Chúa những năm qua, nhất là về những điều Thiên Chúa đã làm cho họ.

          Ông đặt câu hỏi và so sánh giữa Thiên Chúa với các thần ngoại, giữa dân Ít-ra-en và những dân tộc khác, để bắt họ phải đi tới chọn lựa dứt khoát.  Ông nhấn mạnh tới việc Thiên Chúa tuyển chọn Ít-ra-en giữa những dân tộc khác để làm dân riêng của Người.  Từ ngày kêu gọi Áp-ra-ham, Thiên Chúa đồng hành với nhóm dân nhỏ bé này, bênh vực họ trước những dân tộc hùng mạnh, đem họ sang Ai-cập để học hỏi và trưởng thành.  Sự can thiệp của Thiên Chúa trước những đàn áp của Ai-cập là những chứng cớ hùng hồn để dân Ít-ra-en thấy rõ Thiên Chúa là Đấng nào đối với họ.

          Khác với các thần ngoại, Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống.  Vì Người hằng sống, nên Người có trái tim để yêu thương, có mắt để đoái nhìn đến dân Người, có tai để lắng nghe con cái Người… Còn các thần ngoại thì trái lại.  Thánh Vịnh đã nói nhiều về chúng.  Đây là một  đoạn tiêu biểu:  “Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành.  Có mắt có miệng, không nhìn không nói;  có mũi có tai, không ngửi không nghe.  Có hai tay, không sờ không mó;  có hai chân, không bước không đi;  từ cổ họng , không thốt ra một tiếng.  Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy” (Tv 113b:4-8).

          Sau khi hỏi dân chúng, ông Mô-sê đưa ra hai điều thực hành:  trước hết duy chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa chứ không có thần nào khác;  thứ hai, vậy thì ta phải tuân giữ thánh chỉ và mệnh lệnh của Người.  Đây không chỉ là điều ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en, nhưng cũng là lời Thiên Chúa nói với toàn thể nhân loại, nhất là với những ai đang lắng nghe Thiên Chúa “nói” qua Đức Ki-tô, Ngôi Hai hoặc Ngôi Lời của Thiên Chúa.  Nhìn lại cuộc sống của chính mình, ta nhận thấy mình có rất nhiều thiếu sót trong hai điều thực hành này.  Trong tâm hồn ta, nhiều khi không còn chỗ cho Thiên Chúa, nhưng thay vào đó là các thần tượng đủ loại, hoặc nói theo thánh Phao-lô:  “Anh em đừng trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng” (1 Cr 10:7).  Thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa nhiều khi không còn đủ sức mạnh để ngăn cản ta làm điều dữ, là vì ta không còn nhìn nhận uy quyền của Người nữa.  Ta cần phải mở cửa tâm hồn để đón nhận Ba Ngôi Thiên Chúa đến hoạt động trong ta.  Tình yêu của Thiên Chúa Cha, ân sủng của Chúa Con và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần có tác động trên ta, thì những điều thực hành ông Mô-sê đưa ra mới có thể được chu toàn.

2.  Ta được ân phúc làm con cái Thiên Chúa (bài đọc Tân Ước – Rm 8:14-17)

          Qua câu truyện của dân Ít-ra-en, ta hiểu được Thiên Chúa đã làm cho ta tất cả những gì tốt đẹp và lợi ích cho ta.  Tuy nhiên có một điều ta không thể tưởng tượng được làm sao Người lại có thể làm cho ta, đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho ta, Thần Khí làm cho ta nên nghĩa tử và được quyền gọi Thiên Chúa là Áp-ba!  Cha ơi! (Rm 8:15).

          Ở đây, thánh Phao-lô muốn nói lên vai trò đặc biệt của Chúa Thánh Thần.  Ngài thường nói về Chúa Thánh Thần như Thần Khí Thiên Chúa, hoặc Thần Khí Đức Ki-tô.  Như vậy, Chúa Thánh Thần chính là tinh thần của Chúa Cha và tinh thần của Chúa Con, là tinh thần thông hiệp giữa Ngôi Cha và Ngôi Con và được gọi là Ngôi Ba.  Tuy nhiên Ngôi Ba không chỉ hoạt động trong mầu nhiệm Ba Ngôi, mà còn hoạt động nơi ta nữa.  Người đến với ta để đổi mới căn tính của ta, từ một tạo vật không xứng đáng giờ được nâng lên chức phận làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa bằng một danh hiệu vô cùng thân thương:  Cha ơi!  Ta cứ tưởng tượng đang nhìn thấy một em nhỏ chơi đùa với ba của nó, thỉnh thoảng nó gọi “ba ơi, ba!”  Ôi ngọt ngào và thương ơi là thương!  Nếu như ta cũng có thể sống cái tâm tình của em bé đó thì hạnh phúc biết mấy.  Tuy nhiên làm sao ta có thể sống tâm tình ấy khi ta không thực sự xác tín rằng Thánh Thần đã đổi mới tinh thần của ta bằng tinh thần của Chúa Ki-tô.  Tinh thần của Chúa Ki-tô là tinh thần làm Con Thiên Chúa.  Cho nên nếu ta có được tinh thần của Chúa Ki-tô, ta mới có thể gọi Thiên Chúa là “Cha ơi!” như Chúa Ki-tô đã từng gọi, nhất là mỗi khi Người cầu nguyện.

          Chúa Thánh Thần đổi mới căn tính của ta, nhưng hơn thế nữa, Người còn cho ta thấy một tương lai tốt đẹp là kết quả của chức phận làm con Thiên Chúa:  cùng với Chúa Ki-tô, ta sẽ được hưởng vinh quang Thiên Chúa.  Chúa Thánh Thần là Thần Khí của sự thật, do đó Người cho ta thấy tương lai chắc chắn chứ không phải một hứa hẹn hão huyền.  Bảo đảm của tương lai này dựa trên quyền thừa kế vì ta là con Thiên Chúa, giống như Chúa Ki-tô.

          Thường thì ta ít quan tâm tới những điều Chúa Thánh Thần làm cho ta, giống như ta chẳng mấy khi quan tâm tới không khí ta hít thở.  Hôm nay thánh Phao-lô nhắc nhớ ta về hoạt động của Chúa Thánh Thần.  Chúa Giê-su lúc nào cũng để cho Thánh Thần “thúc đẩy”, “hướng dẫn” là vì Người luôn luôn sống theo Tinh Thần làm Con.  Nếu ta cũng được đầy tràn Tinh Thần của Người, ta sẽ sống đúng danh nghĩa con Thiên Chúa vậy.

3.  Ta sẽ làm gì cho Thiên Chúa? (bài Tin Mừng – Mt 28:16-20)

          Thiên Chúa Ba Ngôi đã yêu thương ta là tạo vật bất xứng qua những sinh hoạt tạo dựng, cứu độ và thánh hóa của Người.  Đáp lại, ta đã làm được gì cho Người?  Trước khi lên trời, Chúa Giê-su là Mô-sê Mới đã quy tụ các môn đệ Người trên núi và Người truyền cho họ hai điều phải thi hành, đó là:  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân  trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20).  Hình ảnh này làm ta nhớ lại khung cảnh ông Mô-sê đã khuyên nhủ dân Ít-ra-en trên núi trước khi ông qua đời và trước khi dân Chúa tiến vào Đất hứa.  Giờ đây, Chúa Giê-su là Mô-sê Mới, trước khi từ biệt môn đệ, Người cũng nhắn nhủ họ những điều giống như ông Mô-sê đã nói với dân It-ra-en.

          Dĩ nhiên đây là sứ vụ đặc biệt Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ, là giúp cho người ta “trở thành môn đệ” Người, để cũng như Người, họ là những người nhận biết Thiên Chúa và tuân giữ mệnh lệnh và thánh chỉ của Người.  Nhưng đó cũng là sứ vụ ta được chia sẻ với các ngài khi ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội và tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vua của Chúa Giê-su.  Cuộc sống ta phải làm chứng cho mọi người nhận biết Chúa Ki-tô là Con Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần đã cho ta được làm con cái Thiên Chúa.  Cuộc sống ta phải thể hiện việc ta “tuân giữ mọi điều Thầy [Giê-su] đã truyền”.

          Giống như ông Mô-sê, Chúa Giê-su nói với các môn đệ cùng những điều ông đã nói với dân Ít-ra-en.  Nhưng có một điều Chúa Giê-su khác với ông Mô-sê, một điều chỉ có Thiên Chúa làm được, là “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).  Ông Mô-sê thi hành nhiệm vụ của một ngôn sứ, nhắc nhở dân Ít-ra-en.  Còn Chúa Giê-su làm công việc của một vị Thiên Chúa, chẳng những dạy bảo mà còn ở bên cạnh ta qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, để dẫn dắt, ban sức mạnh giúp ta nhận biết Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Người.  Như thế, ta không phải lo lắng không thể chu toàn bổn phận, trái lại, có Chúa Giê-su ở cùng và đồng hành với ta như “Trưởng Tử của nhân loại mới”, chắc chắn ta có thể đền đáp tình yêu của Thiên Chúa và được chung hưởng vinh quang với Người.

4.  Sống Lời Chúa

          Thiên Chúa Ba Ngôi tuy là một mầu nhiệm, nhưng còn là lẽ sống của ta.  Cuộc đời ta đã gắn liền với mầu nhiệm này, từ lúc hiện diện trên cuộc đời này cho đến khi được kết hợp mật thiết trong hạnh phúc vĩnh cửu với Người.  Mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa có một ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc đời ta, nhưng ý nghĩa chung vẫn là để biểu lộ Tình Yêu vô điều kiện của Người.  Thánh Vịnh lập đi lập lại nhiều lần ý tưởng này, là “tôi sẽ ca tụng tình yêu Chúa đến muôn đời”, hoặc “tình Người yêu thương ta bền vững muôn đời”.  Thiên Chúa Ba Ngôi đối với ta là như vậy đó, còn ta là con cái Người, ta đã làm được gì cho Người chưa?

Suy nghĩ:  “Áp-ba!  Cha ơi!”, đó có phải là lời cầu nguyện đẹp nhất của tôi dâng lên Thiên Chúa không?  Đã bao giờ tôi dành một ít phút để suy nghĩ ý nghĩa của những lời này chưa?  Chúa Thánh Thần có bị “bỏ quên” trong đời sống thiêng liêng của tôi không?  Có khi nào tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi cảm nhận được sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tôi không?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa.  Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ mộ Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ Chúa Ba Ngôi).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC236. BA NGÔI HIỆP NHẤT


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Mt 28, 16-20

 

Đạo công giáo là con đường dẫn tới chân lý. Nhưng nói thì dễ mà tin  mầu nhiệm một Chúa: BaNgôi ABC236


Đạo công giáo là con đường dẫn tới chân lý. Nhưng nói thì dễ mà tin  mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi lại là một chuyện khó nuốt. Một Thiên Chúa  có Ba Ngôi: Cha, con và Thánh Thần. Ba ngôi chỉ là một Chúa, chứ không phải ba Chúa. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm của đức tin. Do đó, khi suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi, như thánh tiến sĩ Augustinô, Ngài cũng cảm thấy không thể nào hiểu nổi, tìm hiểu về Chúa Ba Ngôi cũng như một em bé cầm cái vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ cát trên biển. Vâng, vì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Người ta không thể suy luận, hay dùng lý trí hoặc khoa học để kiểm chứng về Chúa Ba Ngôi.

Vậy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là gì ? Ba Ngôi Thiên Chúa có liên hệ gì với ta?

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ GÌ  ?:

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao sâu, vượt quá sự hiểu biết của con người. Tôi còn nhớ khi nhỏ học giáo lý, các bà sơ vẫn dùng một vài hình ảnh loại suy để giúp các em thiếu nhi mường tượng phần nào về Chúa Ba Ngôi, các sơ dùng hình ảnh ngón tay trỏ, giữa, ngón tay đeo nhẫn và ngón tay út, những ngón tay đó có ba đốt, nhưng mỗi ngón tay đều chỉ là ngón tay út hay ngón tay giữa mà thôi. Các sơ còn dùng hình ảnh cái trứng gà, trứng có vỏ, có lòng trắng và tròng đỏ, nhưng đó cũng chỉ là cái trứng gà mà thôi.

Các sơ còn dùng hình ảnh nước, nước có thể hiện hữu dưới ba dạng: dạng hơi, thể rắn và thể lỏng. Nhưng tất cả những ví dụ ấy chỉ nói lên được một chút gì đó mà thôi, nó không tránh khỏi thắc mắc và vụng về khi phải diễn tả về mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Giêsu trong cung lòng của Thiên Chúa đã vén lộ cho con người biết về Thiên Chúa Ba Ngôi:” Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…”( Mt 28, 19 ). Trong dòng sông Giorđan, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, có tiếng từ trời phán:” Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”, đó là tiếng của Thiên Chúa Cha và có chim bồ câu đậu xuống trên đầu Chúa Giêsu. Như thế cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều xuất hiện lúc đó. Sách giáo lý công giáo viết:” Thiên Chúa Ba  Ngôi là mầu nhiệm đức tin hiểu theo nghĩa chặt chẽ nhất, một trong những” mầu nhiệm được ẩn dấu trong Thiên Chúa…không ai biết được nếu ơn trên không mặc khải” ( SPF 16 ).

Chắc chắn Thiên Chúa đã để lại dấu vết của bản thể Ba Ngôi Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và trong dòng mặc khải Cựu Ước. Nhưng trước cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm Ba Ngôi vẫn là một mầu nhiệm mà nguyên lý trí của loài người và ngay cả đức tin của Israen xưa cũng không thể vươn tới được”( GLCG số 237 ). Như thế, chúng  ta hiểu rõ rằng:” Chính Chúa Giêsu đã mặc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi “. Và sách giáo lý công giáo số 292 cũng viết:” Sự thống nhất không thể tách rời giữa hành động sáng tạo của Chúa Con và Chúa Thánh Thần với hành động sáng tạo của Chúa Cha đã được thoáng thấy trong Cựu Ước, và được mặc khải trong Tân Ước, nay được qui luật đức tin của Hội Thánh xác định rõ  ràng:” Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất…: Người là Cha, là Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo, là Tác Giả, là Đấng an bài mọi sự. Người tự mình tác tạo mọi sự nghĩa là nhờ Lời và đức Khôn Ngoan của Người”, “ nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần” như “ những bàn tay của Người”. Sáng tạo là công trình chung của Ba Ngôi chí Thánh.

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TA THẾ NÀO ?:

Tin vào Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương:” Ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”( 1 Ga 4, 16 )Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn suối phát sinh mọi mầu nhiệm, trong đó con người được tham dự vào cuộc sống thần linh của Người. Chúa Cha là Đấng sáng tạo đã dựng nên vũ trụ cho con người có nơi ăn, chốn ở, có phương tiện để sinh sống. Chúa Giêsu là Ngôi Hai giáng thế đã cứu chuộc con người, trả lại cho con người sự sống thần linh mà nguyên tổ loài người đã đánh mất. Chúa Thánh Thần, ngôi ba Thiên Chúa tiếp tục tăng cường sức sống thần linh nơi mọi người theo Chúa. Do đó, Chúa Ba Ngôi có liên hệ trực tiếp tới đời sống của từng con người. Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ở với con người, gắn bó với con người. Chính vì thế, mỗi lần chúng ta vì dấu thánh giá:” nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” hoặc đọc kinh sáng danh:” sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần” là ta tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi. Khi đọc kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa với tất cả đức tin sâu thẩm của mình. Trong lời chào đầu lễ, các linh mục luôn đọc:”Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”. Lời chào đó là lời chào của Giáo Hội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Nên, Ba Ngôi quả có mối giây liên kết rất mật thiết với mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta phải hết lòng biết ơn Chúa Ba Ngôi, tỏ lòng tôn kính, mến yêu Chúa Ba Ngôi đang ngự trong lòng mỗi con người.

Lạy Chúa Ba Ngôi xin đến với chúng con, xin ở lại trong tâm hồn chúng con vì tâm hồn của chúng con là Đền thờ cho Chúa Ba Ngôi ngự trị.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC237. CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI


 Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 Kinh Thánh:        Rô-ma 8: 14-17

 

Trước khi suy niệm đoạn thư này của thánh Phao-lô, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại mấy câu: BaNgôi ABC237


          Trước khi suy niệm đoạn thư này của thánh Phao-lô, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại mấy câu mở đầu (cc. 1-4) của chương 8 khẳng định Thiên Chúa đã thực hiện những gì Lề Luật không làm được và sự tương phản giữa những người sống theo xác thịt với những người sống theo Thần Khí.  Từ điểm này, Phao-lô rút ra kết luận liên quan tới luân lý và cứu rỗi:  sống theo xác thịt thì phải chết, còn sống theo Thần Khí sẽ đem lại sự sống đời đời.  Nhưng thế nào là sống theo Thần Khí?  Đó là sống theo căn tính mới của những người làm “nghĩa tử” của Thiên Chúa, trong mối quan hệ mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa.  Nói khác đi, Ki-tô hữu sẽ nhận rõ việc làm của tất cả Ba Ngôi giúp chúng ta thuộc về Thiên Chúa và sẽ được hưởng vinh quang với Người.  Bài đọc hôm nay soi sáng cho chúng ta hiểu về vai trò của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống Ki-tô hữu như thế nào.

 a)  Ước vọng của con người là được kêu lên:  “Áp-ba, Cha ơi!”

          Sau khi nguyên tổ phạm tội, loài người không còn tư cách để gọi Thiên Chúa là Cha nữa.  Qua bao nỗ lực, con người vẫn thất bại, không thể tự mình nối lại mối quan hệ với Thiên Chúa.  Cơn lụt hồng thủy chấm dứt, con người quay về với sự dữ khi con cháu ông Nô-ê cao ngạo muốn xây tháp Ba-ben để thách thức quyền năng Thiên Chúa.  Tiếp đến, Áp-ra-ham được tuyển chọn để thành lập một dân mới, dân tộc được tôi luyện trong đức tin vào Thiên Chúa, được củng cố qua những thử thách trong sa mạc và cuộc tiến vào Đất Hứa.  Họ có Lề Luật để giúp mình sống xứng đáng là dân Chúa.  Nhưng tất cả những nỗ lực ấy đều không thể xóa được tội lỗi ngăn cách giữa họ với Thiên Chúa.  Tuy tột đỉnh của nỗ lực là Lề Luật, nhưng luật chỉ giúp cho con người nhận thức mình yếu đuối chứ không thể giải thoát họ khỏi tội hoặc ban sức mạnh cho họ được giải thoát.

          Bao lâu ngăn cách đó còn, loài người không thể gọi Thiên Chúa là Cha.  Trong Kinh Thánh, kẻ tội lỗi được gọi là “kẻ thù của Thiên Chúa.”  Cho nên Thiên Chúa mới quảng đại yêu thương “kẻ thù” của mình đến độ “sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta” (8:3).  Chúa Giê-su cũng đã hùng hồn rao giảng lòng “yêu thương kẻ thù” ấy khi Người dạy:  “Còn Thầy, Thầy bảo anh em:  hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.  Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:44-45).

          Đức Ki-tô đã đối xử với Chúa Cha như một người Con Yêu dấu, vâng phục Người đến nỗi sẵn sàng chết trên thập giá để chu toàn thánh ý Cha.  Với tính cách là con người, tinh thần vâng phục của Đức Ki-tô đã cho Người có đủ tư cách gọi Thiên Chúa là Cha.  Là “trưởng tử” của nhân loại mới và qua mối liên hệ cùng chung bản tính loài người với chúng ta, Đức Ki-tô đã chia sẻ với chúng ta chính tư cách của Người, tức là giúp chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Cha ơi!” giống như Người đã gọi.

 b)  Được thừa kế sản nghiệp của Thiên Chúa:  điều vượt quá cả mong ước của con người

          Được gọi là con cái Thiên Chúa đã là một vinh dự không khi nào con người dám nghĩ tới.  Nhưng tình yêu của Thiên Chúa vô điều kiện và không giới hạn.  Nó đưa con người tới những hệ quả không thể đo lường được.  Để hiểu được mức độ cao cả lớn lao của những hệ quả này, chúng ta phải trở lại với Đức Ki-tô để xem bởi đâu Người đã đem chúng lại cho toàn thể nhân loại.  Đó là nhờ Thần Khí của Người.  Thần Khí ấy đã ở lại với Đức Ki-tô suốt cuộc sống, hướng dẫn Người chu toàn sứ mệnh và cuối cùng đã cho Người sống lại từ kẻ chết.  Cũng thế, vì chúng ta cùng chung bản tính loài người với Đức Ki-tô, nên “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.”  Tư cách “nghĩa tử” lại đưa con người đi xa hơn nữa, là làm đồng thừa kế với Đức Ki-tô.

Trong Cựu Ước, thừa kế ám chỉ việc dân Chúa được Đất Hứa làm sản nghiệp (Đnl 4:21).  Qua lời rao giảng và việc làm của Đức Ki-tô, Đất Hứa giờ đây trở thành Vương quốc Thiên Chúa (Mt 25:34), tức là sự sống vĩnh cửu (Mt 19:29) hoặc vinh quang với Thiên Chúa (Rm 8:17).  Thiên Chúa Cha đã trao ban mọi sự cho Chúa Con, để qua Chúa Con, Người ban cho Ki-tô hữu (Ga 16:15; 17:7-8).

          Tuy nhiên, Thiên Chúa đòi phải có sự cộng tác của chúng ta.  Người muốn chúng ta có được một chút xứng đáng bằng cách “cùng chịu đau khổ” với Đức Ki-tô.  Con đường Đức Ki-tô đi từ đau khổ tới vinh quang đã được phác họa để tất cả chúng ta cùng bước đi theo vết chân Người.  Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì Người muốn tuân phụ thánh ý Chúa Cha, muốn sống như Con Yêu dấu của Người.  Chúng ta cũng vậy, sống như con cái đích thực của Thiên Chúa chắc chắn sẽ làm cho chúng ta phải đau khổ và thiệt thòi trước mắt thế gian.

 c)  Tôi sẽ làm gì cho Chúa Ba Ngôi?

          Thiên Chúa Ba Ngôi, trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu đã giải thoát chúng ta khỏi tội và đưa chúng ta về làm con cái Người.  Cha mẹ làm bất cứ gì cho con cái không kể công, không đòi con cái phải làm điều này điều nọ cho mình.  Cho con cái đi học, nếu chúng thành công thì cha mẹ đã mãn nguyện rồi.  Nhìn vào tất cả những gì Thiên Chúa Ba Ngôi đã và đang hoạt động nơi tôi, chẳng lẽ tôi vô tình đến độ dửng dưng không muốn nhìn nhận hay sao?  Tiếng “Cha ơi!” thiêng liêng cần phải được nói lên từ con tim hiếu thảo của mỗi người Ki-tô hữu.  Gương hiếu thảo của Đức Ki-tô chiếu sáng vằng vặc, soi đường cho chúng ta bước theo Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

          Suy tư của thánh Phao-lô về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là những ý tưởng cao siêu của thần học gia, nhưng là chiêm niệm thực tế về tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa và việc làm của Ba Ngôi nhằm giúp chúng ta được sống đời đời trong vinh quang Thiên Chúa.

 Câu hỏi gợi ý chia sẻ

                Đã bao lần tôi đọc kinh Lạy Cha, nhưng tôi thực sự có tâm tình của đứa con kêu “Cha ơi!” không?  Tôi sẽ làm cách nào để cầu nguyện và sống ý nghĩa kinh nguyện ấy?

                Tôi nghĩ thế nào khi thấy mình được chia sẻ với Đức Ki-tô mọi sự Người có?  Ý thức về sự chia sẻ ấy có nơi tôi không?  Tôi có hiểu mình được làm đồng thừa kế với Đức Ki-tô như thế nào không?

                Tôn thờ Chúa Ba Ngôi, nhưng tôi có nhận biết Ba Ngôi hoạt động liên lỉ nơi tôi không?  Tôi có hiểu tiến trình cứu rỗi – được tuyển chọn, được trở nên công chính và sống đời sống mới trong Thần Khí – đang diễn ra nơi tôi và đòi tôi phải cộng tác không?  Tôi có đang được biến đổi để trở thành con cái Chúa mỗi ngày một xứng đáng hơn không? Biến đổi thế nào?

 Cầu nguyện kết thúc

                Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:

                Lạy Chúa là Chúa Trời con, xin Chúa hãy dạy cho con biết lấy sự ca ngợi Chúa làm điều vui sướng...  nghĩa là cho con được lập lại khôn cùng rằng:  Chúa trọn lành vô song, rằng: con yêu mến Chúa vô bờ bến...

                Xin Chúa dạy con biết sung sướng trong Chúa, sung sướng nhìn ngắm những sự tốt lành tuyệt đối của Chúa, sung sướng ca ngợi Chúa bằng những lời nỉ non âu yếm không ngừng, dưới chân Chúa...  (Cha Charles Foucauld, trích trong Suy nghĩ và Cầu nguyện, trang 32)   

 Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
12-6-03
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC238. Chúa Ba Ngôi.

 

Đoạn Tin Mừng ngắn ngủi vừa nghe đã hé mở cho chúng ta thấy mối quan hệ cũng như vai: BaNgôi ABC238


Đoạn Tin Mừng ngắn ngủi vừa nghe đã hé mở cho chúng ta thấy mối quan hệ cũng như vai trò của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện tình thương cứu độ đối với con người. Tình thương ấy xuất phát từ Chúa Cha là nguồn gốc và là Đấng khởi xướng. Tình thương ấy được thực hiện cho con người qua Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá. Tình thương ấy được thấm nhập vào trong tâm hồn mỗi người chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Đức Kitô đã trình bày và giới thiệu Chúa Thánh Thần như là Đấng sẽ tiếp nối sứ vụ của Ngài bằng cách giúp cho các môn đệ đi sâu vào ý nghĩa của những lời Ngài đã nói và những việc Ngài đã làm.

Thế nhưng không phải chỉ có dân chúng mà ngay cả các môn đệ đã không hiểu nổi những lời Ngài nói và những việc Ngài làm, bởi vì những lời nói và những việc làm ấy không phải chỉ cao siêu uyên bác mà còn vì chúng diễn tả một trật tự khác với trật tự các ông đang sống.

Hôm ấy bên bờ giếng Gacob, sau khi Chúa Giêsu tiếp chuyện một người phụ nữ Samaria thì các môn đệ mang thức ăn về và mời Ngài dùng. Nhưng Ngài đã bảo họ: Có thứ lương thực Ta phải ăn mà các con không biết. Các môn đệ bèn nói vơi nhau: Phải chăng có ai đã đem thức ăn lạ cho Ngài. Một lần kia, sau khi  nghe Chúa Giêsu giảng về bánh bởi trời, các môn đệ đã phản ứng: Lời chi mà chướng tai thế. Ai nghe cho nổi. Hay trong bữa tiệc ly, Phêrô đã không hiểu nổi cử chỉ Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, nên đã ngăn cản Ngài: Thầy mà lại rửa chân cho con ư? Và Chúa Giêsu đã đáp lại: Điều Ta làm nay con không hiểu, nhưng sau này con sẽ hiểu.

Phúc Âm còn ghi lại nhiều bằng chứng của sự không hiểu này. Chẳng hạn sau phép lạ bánh hoá nhiều lần thứ nhất, thánhMarcô đã ghi nhận: Họ không hiểu gì và lòng họ ra như chai đá. Còn lần thứ 2 thì chính Chúa Giêsu đã lên tiếng quở trách các môn đệ: Tại sao các con lo ngại rằng không có bánh. Các con chưa hiểu được hay sao? Cuối cùng một điều các môn đệ đã không hiểu nổi, đó là cuộc khổ nạn của Ngài. Theo thánh Marcô thì Chúa Giêsu đã 3 lần thông báo và giải thích và cả ba lần các ông đều tỏ ra không hiểu gì cả. Lần thứ nhất Phêrô đã lên tiếng can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời. Còn hai lần kia các ông thinh lặng nhưng thầm nghĩ rằng Thầy của mình sẽ lên ngôi trị vì và các ông ngấm ngầm tranh nhau chỗ nhất.

Như chúng ta đã thấy mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm lớn trong đạo, vượt qua cái giới hạn nhỏ bé của trí khôn con người. Sở dĩ chúng ta biết được phần nào là nhờ Chúa Giêsu đã tỏ lộ. Điểm cốt yếu không phải là bàn luận xem thế nào là 3 và thế nào là 1. Nhưng chính là tình thương của Thiên Chúa. Đúng thế mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa. Được khởi xướng do Chúa Cha, được thực hiện do Chúa Con và được tiếp nối do Chúa Thánh Thần. Tình thương ấy ngày nay vẫn còn được tiếp diễn qua từng người Kitô hữu, cũng như qua từng cộng đoàn, qua từng giáo xứ bằng những nỗ lực, những cố gắng liên kết mọi người lại trong công bình, yêu thương và hợp nhất. Cuộc sống của Chúa Ba Ngôi là tình thương. Ước chi cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng phải ngập tràn tình thương để trở nên một phản ảnh trung thực của Chúa Ba Ngôi.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC239. Một Thiên Chúa – Lm. Giuse Trần Việt Hùng.

 

Mừng trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta tôn thờ Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi: BaNgôi ABC239


Mừng trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta tôn thờ Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Qua lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người nhận biết về sự sáng tạo vũ trụ và muôn loài. Con người là loài cao quí nhất được chính Con Một Thiên Chúa ban ơn thanh tẩy và cứu độ. Trước khi rời khỏi các tông đồ, Chúa Giêsu đã trao quyền tái tạo con người qua Bí Tích Rửa Tội. Chúa Giêsu phán: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt. 28, 19). Chúng ta được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi khi làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

Thiên Chúa an bài mọi sự cách lạ lùng trong vũ trụ thiên nhiên. Tất cả mọi loài được Thiên Chúa quan phòng tạo dựng để tiếp nối sự hiện hữu qua việc truyền sinh các giống nòi. Tác giả sách Đệ Nhị Luật đã viết: Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? (Đnl 4,32). Từ những loài thực vật, động vật đến loài người đều được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Một sự di chuyển sống động không ngừng trong vũ trụ giúp chúng ta nhân biết một quyền năng phi thường.

Từ xa xưa, khát vọng tâm tư của loài người đã kiếm tìm nguồn cội có uy quyền. Sống giữa vũ trụ bao la, cha ông tổ tiên đã nhiều lần tìm dựa dẫm và nương nhờ chở che vào những đối tượng giả. Họ đã tôn thờ mọi thứ thần lạ do trí tưởng tượng của con người tạo nên. Họ đã phong thần cho tất cả các nguồn sức mạnh tự nhiên như: Thần sông, thần núi, thần sấm sét, thần mưa, thần gió, thần mặt trời, mặt trăng, các con vật và con người cũng được phong thần và đi đến thờ đa thần. Con người tôn thờ những Thần mà họ không hề biết, người Do-thái cũng bị ảnh hưởng bởi các thần dân ngoại, đã có thời họ đúc bò vàng để thờ lạy. Thiên Chúa đã chọn riêng dân Do-thái để mạc khải về Thiên Chúa độc thần và chương trình cứu độ.

Từng bước Thiên Chúa đã mạc khải cho Dân mà Chúa đã chọn tìm về nguồn chính thật để tôn thờ Một Thiên Chúa. Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa (Đnl 4, 39). Trải qua biết bao thăng trầm và thanh luyện, lòng người không dễ buông bỏ những sự thờ phượng bụt thần bằng gỗ đá vô hồn. Thiên Chúa đã dùng các tiên tri để nhắc nhở, dạy dỗ và hướng dẫn dân quay trở về với một Thiên Chúa có ngôi vị và yêu thương.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng trong đạo. Mầu nhiệm cao trọng nhất nhưng cũng gần gũi với đời sống của các tín hữu. Chúng ta có thể tuyên xưng mầu nhiệm qua việc làm dấu thánh giá nhiều lần trong ngày. Đã có rất nhiều suy tư thần học về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nhưng con người vẫn đắm chìm trong thao thức. Có rất nhiều nhà thần học đã dùng những hình ảnh, tỉ dụ và ẩn dụ để giải thích một chút về Chúa Ba Ngôi. Giúp chúng ta dễ hiểu qua các biểu tượng như hình tam giác ba cạnh, ngọn lửa và tia nắng, lá Shamrock, ba thể khí, lỏng và đặc và nhìn xem cây, cành và lá liên kết…Tất cả những giải thích cũng chỉ như giọt nước trong đại dương bao la. Trí khôn con người chỉ còn biết chìm đắm trong nhiệm mầu và qui phục bái lậy tôn thờ.

Khi chúng ta mở mắt chào đời thì mọi sự đã hiện hữu trong vũ trụ. Chúng ta được hít thở bầu khí quyển, được nuôi sống bằng của ăn thức uống và được ngắm nhìn vũ trụ vạn vần đổi thay. Đại đa số con người được sinh ra có đầy đủ giác quan để chiêm ngắm và thưởng thức tất cả những vẻ tươi đẹp của cuộc đời. Khi chúng ta càng ý thức và suy tư sâu thẳm, chúng ta sẽ nhận diện có một sự trật tự lạ lùng trong vũ trụ muôn loài. Từ sự di chuyển của đại vũ trụ tới những chuyển động của tiểu vũ trụ trong từng tế bào li ti, chúng ta nhận ra có một nguyên nhân đệ nhất.

Có rất nhiều vấn đề xảy ra trước mắt trong cuộc sống hằng ngày, thế mà các nhà chuyên môn cũng chưa thể giải đáp thích đáng mọi sự. Đôi khi có người dùng những sự suy luận hiểu biết thiển cận và mơ hồ để đưa ra những giả thuyết nhằm thách thức não trạng con người. Bởi thế, những điều gì chưa biết, chưa học và chưa hiểu, chúng ta không nên chối bỏ, phủ nhận và loại trừ. Chúng ta gắng công suy tư và học hỏi tìm tòi những bài học hữu dụng trong thiên nhiên. Các môn khoa học mới chỉ đi những bước đầu khám phá, tìm ra một số những nguyên lý và định luật chung về sự kết cấu của vũ trụ vật chất bao la. Mầu nhiệm sự sống vẫn còn nhiều vấn đề sâu thẳm, con người từng bước phát hiện những cái mới và cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Dựa vào nguyên lý nhân qủa, trông qủa thì biết cây. Chúng ta có thể quan sát và dùng lý trí để tìm ngược về dấu vết của các loài thụ tạo. Chúng ta không thể đi ngược tới vô tận, phải có một nguyên nhân đệ nhất. Chúng ta có thể gọi nguyên nhân đó là Thiên, Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Thành, Chủ Tể Vạn Vật, Chúa Trời và Thiên Chúa. Niềm tin của người tín hữu, Thiên Chúa là Đấng tự hữu, thiêng liêng, hằng có đời đời, quyền phép, thánh thiện, tốt lành, nhân từ, công bằng và chân thật vô cùng. Trong sách Giáo Lý Công Giáo cũ có câu hỏi: Ta làm thế nào mà biết có Đức Chúa Trời? Thưa: Ta nhìm xem trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ, liền biết có Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành và an bài mọi sự.

Có rất nhiều người chưa tìm hiểu vấn đề, đã vội chối từ và phủ nhận nguyên cội. Họ giống như những chiếc bình gốm tuyệt đẹp nói với chủ nhân rằng tôi không biết ông là ai. Với một trí khôn hạn hẹp, nông cạn và vô thường, nhiều người tưởng rằng họ đã nắm bắt được chân lý. Đã có biết bao nhiêu các nhà triết học, thần học, thần bí và các nhà khoa học đã đang gắng công tìm về nguồn vũ trụ. Trong đó có những Đạo giáo chỉ tập trung vào đời sống con người mà quên đi nguyên lý của vũ trụ bao la hiện hữu. Một số người cố gắng chọn con đường tịnh tâm, tu tâm và luyện tâm để tinh tấn giác ngộ. Những vị này giác ngộ tâm trí nhưng còn rất nhiều thiếu xót trong chức vị và ơn gọi làm người. Họ đã đặt mình là trung tâm của vũ trụ và phủ nhận quyền lực sáng tạo.

Qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã nhận được tinh thần nghĩa tử. Chúng ta không còn tinh thần nô lệ sợ hãi mà là con cái: Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa (Rm 8, 16). Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết trong tình yêu. Mỗi khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá trên mình, là chúng ta đang được kết hợp mật thiết với tình yêu Chúa Ba Ngôi. Tình yêu hiến thân hy sinh. Tình yêu của sự tha thứ bao dung.

Chúng ta cùng nguyện rằng: Sáng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. Amen.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC240. Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Christophoro Columbo, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của: BaNgôi ABC240


Christophoro Columbo, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: "Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh".

Lần kia, khi Columbo trình bày về thuyết "Trái đất tròn" trước một nhóm học giả được gọi là Hội Đồng Salamanca, một tổ chức quy tụ những nhà khoa học và thần học danh tiếng nhất thời bấy giờ, ông đã khởi đầu như sau: "Hôm nay tôi được hân hạnh đứng trước mặt các ngài nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì hoàng đế đã truyền lệnh cho tôi đệ trình lên sự khôn ngoan của quý vị một dự án mà tôi xác tín là Chúa Thánh Thần Ba Ngôi Thiên Chúa đã gợi hứng cho tôi".

Trong cuộc hành trình thứ ba của ông khởi hành năm 1948, Columbo đã thề hứa sẽ hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá ra đầu tiên, vì thế hòn đảo ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm Tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là "Trinidad", tức là Chúa Ba Ngôi.

Trong suốt cuộc đời, người Kitô hữu chúng ta luôn kinh nghiệm sự gần gũi của Ba Ngôi Thiên Chúa: lúc vừa mở mắt chào đời, chúng ta được nhận lãnh Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi. Trong suốt ngày sống, chúng ta thường ghi dấu thánh giá trên mình với lời chúc tụng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, cũng như mỗi lần chúng ta dùng bữa hay khi khởi đầu mọi sinh hoạt.

Cộng vào đấy mỗi lần chúng ta vấp ngã và khiêm nhượng đi xưng thú những lỗi lầm trong tòa cáo giải, chúng ta được giao hòa lại với Thiên Chúa và cộng đoàn nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi và cũng nhân danh Người các đôi trai gái yêu nhau được nối kết để chung sống đời hôn nhân.

Rồi cả các bệnh nhân cũng được ban ơn sức mạnh nhờ danh Thiên Chúa Ba Ngôi để khi nhắm mắt xuôi tay, các Kitô hữu chúng ta cũng được tiễn đưa vào cuộc sống đời sau và được chôn cất nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Mặt khác, Chúa Ba Ngôi cũng là trung tâm và mục đích mọi hoạt động của những kẻ tin kính Người. Bởi thế chúng ta thường kết thúc nhiều Kinh và những sinh hoạt bằng câu: "Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần".
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC241. Tình Liên Đới Trong Ba Ngôi Thiên Chúa


Lễ Chúa Ba Ngôi 3-6-2012

 

Một ngày nọ, thánh Augustinô  đang dạo theo bờ biển, suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: BaNgôi ABC241


Một ngày nọ, thánh Augustinô  đang dạo theo bờ biển, suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bất ngờ thấy một em bé  đang  đào một cái hố nhỏ  ở bờ biển. Rồi em chạy ra chạy vào múc nước đổ vào cái hố cỏn con. Thánh Augustinô lấy làm lạ hỏi: “Em làm gì thế?” Em bé đáp: “Con đang cố gắng múc cạn nước biển đổ vào cái hố này." Thánh nhân hỏi: "Biển thì rộng lớn, còn cái hố của con lại nhỏ bé, làm sao em có thể múc hết nước biển đổ vào đó được." Em bé hỏi lại: “Làm sao bác có thể dùng khối óc nhỏ bé của bác để hiểu được sự bao la sâu thẳm của Chúa Ba Ngôi được?” Nói xong em biến mất. Nghe thế, thánh nhân ngẩn người ra.

Giống như thánh Augustinô, ta không thể nào hiểu được mầu nhiệm một Chúa mà lại có ba ngôi. Nhưng

tại sao Thiên Chúa lại muốn mạc khải cho ta biết về bản tính siêu việt của Ngài khi ta không thể hiểu hết bản tính của Ngài? Vấn đề quan trọng của tín điều Chúa Ba Ngôi là ta  được dựng nên giống hình  ảnh Thiên Chúa. Vì thế, càng hiểu Thiên Chúa ta càng hiểu chính mình hơn. Các nhà thần học cho ta thấy rằng, người ta luôn gắng sức nên giống Chúa khi họ thờ phượng kính mến Ngài. Ai phụng sự Chúa như người dũng sĩ sẽ sống cách anh hùng. Ai phụng sự Chúa trong hoan lạc sẽ luôn tìm kiếm hoan lạc. Ai phụng sự Chúa trong khó chịu dễ có khuynh hướng bực bội. Như vậy, hiểu về tín điều Chúa Ba Ngôi tùy thuộc về cách ta phụng sự Ngài. Sau đây là hai điều cần suy tư.

Điều thứ nhất: Thiên Chúa không hiện hữu trong cá nhân  đơn  độc nhưng trong tương quan tình liên  đới với các ngôi khác. Nói cách khác, Thiên Chúa không sống đơn độc. Nghĩa là người Kitô hữu sống theo hình ảnh Thiên Chúa phải tránh xa chủ nghĩa cá nhân và tự cô lập hóa chính mình.

Điều thứ hai là tình yêu chân thật cần có tình thân giữa ba người. Người ta nói rằng: “Hai người tạo thành tình bạn, ba người làm thành đám đông.” Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho ta thấy một cộng đồng bao gồm ba thành phần. Cả ba  đều yêu mến nhau như người nam yêu người nữ sản sinh ra người con. Tình yêu sung mãn ấy làm ta nên giống tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói chung là ta chỉ trở nên trọn vẹn khi ta có tình liên đới với Thiên Chúa và với nhau và như thế ta sẽ nên giống hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên điều thách đố đối với ta về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là nguyên lý tay ba: ta-Thiên Chúa-tha nhân. Ta thực sự là Ki tô hữa đích thực khi ta sống liên đới với Thiên Chúa và với tha nhân. Xin Chúa Ba Ngôi ban ơn trợ giúp để ta loại trừ mọi lối sống ích kỷ, không chỉ sống cho riêng mình mà sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Có như thế tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa mới hiện diện trong cuộc đời ta.

Rev. Basil Quang Linh, CMC
Mầu Nhiệm Tình Yêu Hợp Nhất

*****

Ngày xưa khi còn bé đang tuổi thiếu nhi, tôi đã được học giáo lý về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, cha xứ tôi đã dùng một hình ảnh để mô tả về mầu nhiệm này. Cha hỏi:
- Các con đưa mắt nhìn xem mặt trời các con sẽ thấy gì?
Cả ngàn thiếu nhi trả lời:
- Thưa cha, thấy một vòng tròn to, đỏ như lửa ạ!
- Giờ cha tắt máy quạt các con có thấy gì không?
- Thưa cha, thấy nóng ạ!
- Nhìn qua cửa sổ nhà thờ các con thấy gì?
- Thưa cha, thấy ánh sáng ạ!
-Vậy, bởi đâu mà có ánh sáng và sức nóng.
- Thưa, tự mặt trời phát ra.
- Vậy ánh sáng có phải là mặt trời không? Sức nóng có phải là mặt trời không?

Cả nhà thờ thưa to:
- Thưa phải.
- Như vậy là có ba mặt trời phải không?

Tất cả đoàn Thiếu Nhi chúng tôi ngẩn người ra. Thú thật ngày đó tôi không thể hiểu nổi những điều cha xứ dạy, và cha kể chuyện thánh Augutinô:

Trong một lần kia, thánh nhân đi dạo trên bãi biển, vừa đi vừa suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và ngài không thể hiểu nổi về mầu nhiệm cao siêu này. Đang lúc miên man thì ngài nhìn thấy một em bé cầm cái vỏ ốc nhỏ múc nước từ dưới biển đổ vào một lỗ cáy, thánh nhân lấy làm ngạc nhiên, lại gần hỏi em bé:

- Này em bé, sao em lại lấy vỏ ốc nhỏ xíu như vậy mà múc cả một đại dương như thế? Bé không biết là mình đã làm một việc vô lý sao?
- Em bé trả lời:
- Thưa ngài, việc cháu làm còn dễ hiểu hơn là điều ngài đang suy nghĩ! Thánh nhân đã chợt hiểu ra.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Công giáo. Quả thật, đây là một mầu nhiệm thâm sâu, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả người có óc tưởng tượng nhất cũng không sao hiểu thấu hay hình dung ra được. Bởi vì Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một bài toán: 3 là 3; 1 là 1; chứ không có bài toán nào 1 là 3 hoặc 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số cho con người cộng, trừ, nhân, chia.

Vậy ai đã dạy cho chúng ta biết về mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Người đã đến từ Chúa Cha và Người đã mặc khải cho con người biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Người là Con Một của Chúa Cha. Người và Chúa Cha là một. Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người, nghĩa là Người cùng bản tính với Chúa Cha. Người là Thiên Chúa. Người cũng đã cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng Người và Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt. Nếu Người không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Vì thế, Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm và mãi mãi vẫn là mầu nhiệm. Và Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nói lên một điều duy nhất đó.

Vì vậy, khi Giáo hội mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này. Hơn thế nữa, lại còn mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương hiệp nhất. Tình yêu giữa Ba Ngôi không khép kín trong Ba Ngôi, nhưng đã trào tràn trên hết mọi loài thụ tạo. Bởi thế, tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng nhất, và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm ngừời và làm con Chúa. Đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi: Yêu Thương - Hiệp Nhất.

GM Lệ Tâm
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC242. Chúa Ba Ngôi

 

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi muôn đời vẫn là một mầu nhiệm cao vời nhất. Vì Chúa Ba Ngôi không: BaNgôi ABC242


Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi muôn đời vẫn là một mầu nhiệm cao vời nhất. Vì Chúa Ba Ngôi không phải là kết quả của việc con người suy luận. Sở dĩ chúng ta biết được là vì Thiên Chúa đã tỏ lộ. Thiên Chúa đã mạc khải, đã nói với con người bằng chính  ngôn ngữ nhân loại. Ngôn ngữ đó không đủ khả năng diễn đạt tất cả những thực tại thuộc lãnh vực thần linh. Mầu nhiệm chỉ được mạc khải theo khả năng lĩnh hội của con người trong tương quan với thời gian và không gian.

Để mạc khải về Ngôi Hai, Thiên Chúa đã chuẩn bị hằng mấy mươi thế kỷ bằng việc kén chọn cho mình một dân tộc. Qua dân tộc đó, Ngài biểu dương sức mạnh và tình thương để họ thấy rằng trên trời dưới đất, chính Ngài là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác. Chính Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất, mọi người phải tôn thờ và quy phục. Không có thần linh nào vượt trổi trên Ngài. Ngài là Đấng toàn năng cao cả, mọi giới răn và huấn lệnh của Ngài đem lại sự sống và sức mạnh cho những ai tuân giữ. Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài để hướng dẫn chăm sóc bênh vực và nhất là yêu thương họ. Hình ảnh áng mây cột lửa nhà tạm... nói lên sự hiện diện của Ngài. Ngài yêu thương họ bằng tình phụ tử chiến đấu bên cạnh họ, nuôi dưỡng họ bằng mật ngọt và bằng lúa thơm.

Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai có thể trông thấy Ngài trừ khi là Ngôi Con tự cung lòng Chúa Cha mà đến, và Người đã đến ở giữa chúng ta. Mầu nhiệm ngôi hiệp chứng tỏ con người có khả năng tuân nhận và thông hiệp với Thiên Chúa. Ngôi Hai làm người đê con người trở thành con Thiên Chúa. Chúa Cha và Chúa Con là một, Chúa Cha yêu mến Chúa Con và Chúa Con yêu mến Chúa Cha. Cả hai ở trong tình yêu và tình yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Tình yêu liên kết ngôi Cha ngôi Con nên một thân thể. Đến giờ Chúa Giêsu phải về cùng Chúa Cha, nhưng Ngài không để các môn đệ mồ côi. Ngài sẽ xin Chúa Cha ban Thánh Thần cho các ông. Ta đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Ta không đi thì Đấng yên ủi sẽ không đến cùng các con, song nếu Ta đi, thì Ta sẽ sai Người đến. Chúa Thánh Thần đã đến trong ngày lễ Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa. Các ông đã lấy cái chết để làm chứng cho niềm tin nơi Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần. Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa.

Công chúa Luise ngày kia bị một nữ tỳ trách móc. Không cầm nổi tức giận, công chúa bảo: Ngươi hãy nhớ, ta là con của đức vua. Nhưng người nữ tỳ trả lời: Còn tôi, tôi là con Thiên Chúa. Công chúa hiểu và về sau đã trở thành một vị nữ tu dòng Kín.

Qua bí tích Rửa Tội mọi người chúng ta đều được đóng ấn hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa đến cư ngụ trong linh hồn chúng ta. Hình anh đó phải lớn lên, lớn lên mãi, để mỗi ngày chúng ta càng trở nên giống Thiên Chúa trong tình yêu và trong sự thánh thiện. Yêu Chúa là tuân giữ những điều Chúa dạy. Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy.
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC243. TÌNH YÊU BA NGÔI

 

Một em bé trong bệnh viện Milwaukee, bị mù, đần độn, lại còn bị liệt não nữa. Em chỉ khá hơn loài BaNgôi ABC243 FB


Một em bé trong bệnh viện Milwaukee, bị mù, đần độn, lại còn bị liệt não nữa. Em chỉ khá hơn loài thảo mộc một chút là biết đáp ứng lại âm thanh và sự ve vuốt mà thôi. Cha mẹ em đã bỏ rơi em. Nhưng bệnh viện cũng chả biết xử lý thế nào với trường hợp của em. Thế rồi có một người nhớ đến May Lempke, bà y tá 52 tuổi sống gần đấy. Bà nầy đã từng nuôi nấng năm đứa con của chính mình, nên bà sẽ biết cách chăm sóc cho một đứa trẻ như thế. Họ yêu cầu bà chăm sóc đứa bé và bảo:"Thằng bé có lẽ sẽ chết yểu !" Bà May trả lời: "Nếu tôi chăm sóc đứa bé, nó sẽ không chết yểu đâu, và tôi rất sung sướng được chăm sóc cho nó."

Thế là bà May đặt tên cho cậu bé là Leslie. Chăm sóc cho cậu bé quả thật không dễ dàng chút nào. Ngày nào bà cũng phải xoa bóp toàn thân đứa bé, bà đã cầu nguyện cho nó, đã khóc vì nó, bà đã đặt đôi tay nó lên những giọt lệ của bà. Một hôm, có người nói với bà: "Tại sao bà không gởi đứa bé ấy vào viện ?  Nó chỉ làm phí cuộc đời của bà thôi ?” Leslie càng lớn thì càng có nhiều vấn đề phải đặt ra cho bà May. Bà phải giữ nó chặt vào một chiếc ghế để nó khỏi bị té xuống. Thời gian trôi qua, năm, mười, mười lăm năm. Mãi đến khi Leslie 16 tuổi, bà May mới có thể tập cho nó đứng một mình được. Suốt thời gian đó, bà May vẫn tiếp tục yêu thương và cầu nguyện cho cậu bé. Ngoài ra bà còn kể cho cậu bé nghe những mẩu chuyện về Chúa Giêsu, dù xem ra cậu chẳng nghe được tiếng bà.

Thế rồi một ngày nọ, bà May chợt nhận thấy Leslie dùng ngón tay của mình búng vào một sợi dây căng thẳng trên một gói đồ. Bà tự hỏi; điều ấy có ý nghĩa gì ?  Biết đâu Leslie lại nhạy cảm với âm nhạc chăng ? Và bà May bắt đầu cho Leslie nghe âm nhạc. Bà chơi đủ loại hình âm nhạc, mà bà tưởng tượng ra được với hy vọng có một loại nào đó có thể lôi cuốn cậu bé. Cuối cùng, bà May và chồng mua được một chiếc dương cầm cũ kỹ. Họ đặt nó vào giường ngủ của Lislie. Bà May cầm những ngón tay của Leslie đặt vào tay bà và tập cho cậu bé biết cách nhấn phím xuống, nhưng xem ra cậu ta chả hiểu.

Vào một đêm đông năm 1971, bà May bỗng thức giấc vì nghe có tiếng đờn của ai đó, đang chơi bản hoà tấu số 1 của Tchaikovsky. Bà lay lay chồng đánh thức ông dậy, và hỏi xem ông có quên tắt radio không. Ông ta nói rằng không, nhưng họ quyết định, tốt hơn là nên xem xét lại. Và họ khám phá ra một điều vượt khỏi mọi giấc mơ kỳ quái nhất của họ. Cậu Leslie đang ngồi tại chiếc dương cầm. Cậu đang mỉm cười và chơi đàn một cách ngẫu hứng, không thể nào tin được đây là sự thật ! Trước đây Leslie chưa bao giờ bước ra khỏi giường một mình. Trước đây cậu bé chưa bao giờ tự mình ngồi vào chiếc dương cầm được, cậu cũng chưa bao giờ tự dùng tay ấn được vào phím đàn. Thế mà bây giờ đây cậu lại đang chơi đàn tuyệt vời như thế!  Bà May vội quỳ gối xuống và thốt lên: "Lạy Chúa ! Con xin cảm tạ Ngài, Ngài đã không bỏ quên Leslie."

Chẳng bao lâu, Leslie bắt đầu kiếm sống bằng cây dương cầm. Cậu chơi được nhạc cổ điển, nhạc đồng quê miền tây, nhạc trữ tình, nhạc dạo và cả nhạc Rock nữa. Hoàn toàn không thể nào tin nổi. Tất cả những bài nhạc bà May đã từng chơi cho cậu nghe, đều tồn trữ trong óc cậu và giờ đây tuôn trào ra trên phím dương cầm qua đôi tay cậu. Giờ đây ở tuổi 28, Leslie bắt đầu nói chuyện. Tuy không thể nói lâu giờ. Nhưng cậu có thể đặt câu hỏi, trả lời những câu đơn giản và phát biểu được những lời phê bình ngắn gọn. Dạo này, Leslie chơi nhạc hoà tấu cho những ca đoàn nhà thờ, cho các cơ quan dân sự, cho các nạn nhân liệt não và cha mẹ họ, cậu còn xuất hiện cả trên đài truyền hình quốc gia nữa !

Các bác sĩ mô tả Leslie như là một người thông thái bị mắc một loại tâm bệnh, nghĩa là một người chậm phát triển về trí tuệ do tổn thất nơi não, nhưng lại cực kỳ tài năng. Họ không thể cắt nghĩa được hiện tượng dị thường này cho dù họ biết về nó gần 200 năm rồi. Bà May Lempke cũng không thể cắt nghĩa được điều ấy nhưng bà biết chắc rằng nhờ tình yêu mà tài năng ấy được khai mở. ( Lm. Mark Link, Phép Lạ của Tình Yêu ).
-----------------------------------
Thiên Chúa đã ân cần đáp lại tình yêu và lời cầu nguyện của bà May Lempke, khiến cho chàng trại tật nguyền tái sinh, thoát khỏi chứng liệt não, có thể tự chăm sóc và mưu sinh. Thiên Chúa là tình yêu, ( 1Ga 4, 8 ) như Thánh Gioan khẳng định. Ngài luôn yêu thương tất cả tạo vật, nhất là con người. Mặc dù con người vô tình hay tệ bạc, Ngài vẫn không ngừng thương yêu.

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan Chúa Nhật hôm nay (lễ Chúa Ba Ngôi – C: Gioan 16,12b), Đức Giêsu mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho các môn đệ. "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được.” Tuy nhiên Người không hề giải thích cho các môn đệ, mà trao phó cho Đức Chúa Thánh Thần soi sáng sau này, sẽ dạy biết tất cả sự thật. Qua Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi là gương mẫu tuyệt đỉnh của tình yêu trao ban, dâng hiến, tình yêu hiệp nhất và tình yêu thánh hoá cho các gia đình, công đoàn, Giáo Xứ và Giáo Hội.

Tình Yêu trao ban

Với tình yêu tác tạo, Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, vạn vật và con người. Ngài yêu thương trao ban Thần Khí cho con người có sự sống. Tiếc thay, Ađam và Evà kiêu căng phạm tội, đã làm mất lòng Chúa. “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế  này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.” ( 1Ga 4, 9 ). Với Lòng Thương Xót vô bờ, Thiên Chúa đã cứu độ loài người, bằng cách trao ban thế gian chính Người Con duy nhất. Rồi Đức Giêsu lại tiếp tục yêu thương con người, trao ban chính mạng sống mình, để cho nhân loại được sống dồi dào.

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan, vừa lên khỏi nước thì “Các tầng trời mở ra... Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” ( Mt 3, 16-17 ).  Đây là hình ảnh tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa, khắng khít tràn đầy yêu thương. Vâng theo Thánh Ý Chúa Cha, nhập thể làm người, Đức Giêsu tiếp tục khiêm hạ mặc lấy thân phận phàm nhân tội lỗi, để sám hối và xin thứ tha. Người làm đẹp lòng Chúa Cha, cũng như được trao phó mọi sự: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. ( Ga 3, 35 ).

 Tình yêu hiệp nhất

Tình yêu luôn đòi hỏi thể hiện sự gần gũi, kết nối, hội nhập, hiệp nhất với nhau, không còn xa cách, dị biệt hay bất hoà. “Tôi và Chúa Cha là một." ( Ga 10, 30 ). Tình yêu càng thắm thiết, càng đồng tâm, đồng nhất với nhau qua bản thể, tâm tình, suy tư, ý nghĩ. Qua cả hành động và ứng xử: “Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin vào các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha" ( Ga 10, 38 ).

Tuy mỗi người có bản sắc riêng, có năng lực và khuynh hướng riêng, nhưng tình yêu đoàn kết tín hữu Kitô vào một Giáo Hội, hiệp nhất niềm tin vào Thiên Chúa, nhất là hội nhập vào chính Đức Giêsu, như được tháp vào chung một cây nho. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thểtự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” ( Ga 15, 4 ).

Tình yêu hiệp nhất ảnh hưởng lẫn nhau, dưỡng nuôi và tương tác sinh lợi. “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” ( Ga 15, 7 ).

Tình yêu thánh hoá

Với tình yêu thánh hoá, Đức Chúa Thánh Thần ngự xuống, canh tân, đổi mới, khai hoá và thánh hoá những tâm hồn đói khát công chính, thành tâm theo Chúa, dấn thân yêu thương và phục vụ tha nhân. “Khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” ( Ga 14, 26 ).

 “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 48 ). Với sự trợ giúp thân thương của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu luôn mong các môn đệ, những người tin theo Chúa, những Kitô hữu trở nên tốt lành, yêu thương tha nhân, “những người được Thần Khí thánh hoá, để vâng phục Đức Giêsu Kitô và được máu Người tưới rảy” ( 1Pr 2 ).

Tràn đầy tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, người tín hữu Kitô luôn được bình an trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống thuận lợi hay khó khăn, tự do hay chịu bách hại, luôn được hoan hỉ và hy vọng, bởi vì Vương quốc Tình Yêu đang rộng tay chờ đón.

“Con hãy về tận nguồn là Thiên Chúa, để canh tân. Thánh Kinh nói về Thiên Chúa làm sao ? Thánh Gioan định nghĩa: "Thiên Chúa là Tình Yêu." Chúa Giêsu nói:"Thày và Cha Thày là một".

Cha muốn canh tân như ý Chúa: "Các con hãy yêu thương nhau". “Xin Cha cho chúng nên một." Yêu thương và hiệp nhất.” ( Đường Hy Vọng, số 639 ).

Lạy Chúa Giêsu chí nhân chí ái, xin ban chúng con Đức Chúa Thánh Thần đến canh tân, dạy dỗ, uấn nắn chúng con biết yêu thương nhau, cũng như thánh hoá chúng con. Đức Thánh Cha Biển Đức đã khuyên nhủ: “Trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô đó là mục đích cuộc sống của mọi tín hữu kitô trong ngàn năm thứ ba.” Xin Chúa thương ban cho chúng con ngày càng giống Chúa hơn.

Kính xin Mẹ Maria cầu bầu chúng con sống theo Mẹ. Luôn biết dâng hiến cuộc đời cho Chúa và tha nhân. Luôn hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô. Luôn trông cậy Đức Chúa Thánh Thần canh tân và thánh hoá chúng con. Amen.

AM. TRẦN BÌNH AN
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC244. XÂY DỰNG GIA ĐÌNH TÍN HỮU


THEO KIỂU MẪU "GIA ĐÌNH BA NGÔI"

Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà

 

Mầu nhiệm Ba Ngôi tuy rất cao siêu nhưng không phải là xa vời viển vông, trái lại đây là một: BaNgôi ABC244


Mầu nhiệm Ba Ngôi tuy rất cao siêu nhưng không phải là xa vời viển vông, trái lại đây là một mầu nhiệm rất thiết thân, rất gắn bó với đời sống người con cái Chúa và giúp cho đời sống con người trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

"Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi": Ba nên một

Trước hết, chúng ta hãy chiêm ngắm "Gia Đình" Ba Ngôi. Nói một cách bình dân thì "Gia Đình" nầy có ba nhân khẩu. Còn nói theo giáo lý và thần học thì "Gia Đình" nầy có ba Vị hay ba Ngôi riêng biệt. Vị thứ nhất là Chúa Cha, Vị thứ hai là Chúa Con, Vị thứ ba là Chúa Thánh Thần. Ba Vị yêu thương nhau vô hạn và thông hiệp với nhau trong tình yêu bền chặt đến nổi ba Vị không còn là ba mà nên một Chúa.

Chính Chúa Giêsu khẳng định chân lý nầy khi Ngài phán: "Thầy với Chúa Cha là một" (Ga 10,30). Vì thế, "ai thấy Thầy là đã xem thấy Chúa Cha" và Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra (kinh Tin Kính).

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn nói rõ hơn cho chúng ta biết tình hiệp thông khắng khít giữa Ngài với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần: "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy"(Ga 16,15). "Mọi sự của Cha cũng là của Con và những gì của Con cũng là của Cha".

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn dạy cho chúng ta biết: "Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. (Ga 3,35). Rồi "Con yêu Cha nên Con làm mọi sự đúng như Chúa Cha đã truyền dạy" (Ga 14, 31) cho dù phải "vâng lời Chúa Cha trong mọi sự cho đến chết và chết trên thập giá"(Phi 2,8).

Như thế, trong "Gia Đình" nầy, tình yêu thương đã liên kết ba Vị nên một với nhau, thế nên Hội Thánh dạy rằng dù có ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa.

Gia đình Ađam-Evà: hai nên một

Thế rồi, ba Ngôi Thiên Chúa đã lấy "Gia đình" Ngài làm mẫu để dựng nên gia đình thứ hai, đó là gia đình Ađam-Evà. "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ" (St 1,27) và đôi vợ chồng đầu tiên nầy tuy là gồm hai con người nhưng cũng đã trở nên một. Để trình bày tính cách 'hai nên một' nầy, kinh thánh đã diễn tả rất thi vị và hình tượng như sau: Sau khi tạo dựng Ađam, Thiên Chúa khiến cho ông ngủ say rồi rút xương sườn của ông mà dựng nên E-và rồi dẫn đến với ông. Ađam nói: "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Bởi đó, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (St 2, 18-23).

Vì được dựng nên theo đúng khuôn mẫu "Gia Đình" Thiên Chúa nên gia đình Ađam-Evà nói riêng cũng như gia đình tín hữu nói chung cũng mang những đặc tính giống như "Gia Đình" của Thiên Chúa là hiệp thông nên một trong yêu thương. Trong gia đình, người cha và người mẹ không còn là hai mà là một. Rồi hoa trái của tình yêu vợ chồng là con cái cùng có cùng chung huyết nhục với cha mẹ và được cha mẹ yêu thương như chính bản thân mình. Từ đây, cha, mẹ và con không còn là ba nhưng chỉ là một. Do đó, gia đình nhân loại đúng là họa ảnh của "Gia Đình" Ba Ngôi Thiên Chúa.

Gia đình Hội Thánh: nhiều nên một

Tiếp theo, Thiên Chúa cũng lấy "Gia Đình" Ba Ngôi làm mẫu để dựng nên gia đình thứ ba, rộng lớn hơn nhiều. Ta gọi đây là đại Gia Đình Hội Thánh.

Để thực hiện dự án nầy, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích rửa tội để tháp nhập mọi tín hữu vào thân mình Ngài như những cành nho được tháp vào thân nho, như bàn tay được tháp vào cơ thể. Thánh Phao-lô dạy: "Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. (Ga 3, 27-28). Thế là cả hàng tỉ người tin Chúa và được thanh tẩy trong Đức Giêsu Kitô không còn là nhiều nhưng đã hiệp thông nên một: nhiệm thể Chúa Kitô.

Chúa Giêsu lại còn dùng bí tích Thánh Thể để tăng cường sự hiệp thông nầy nên mật thiết hơn. Nhờ hiệp thông với Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong thánh lễ, chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa Giêsu và nên một với nhau.

Chúa Giêsu muốn rằng sự hiệp thông giữa những người con cái Chúa phải keo sơn như sự hiệp thông giữa ba Ngôi. Thế nên, trước khi lìa xa các môn đệ, Ngài thành khẩn cầu xin cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha" (Ga 17, 21).

Trong ngày lễ Chúa ba Ngôi hôm nay, chúng ta hãy cầu xin cho mỗi người chúng ta luôn nhìn ngắm và nhận "Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa" làm kiểu mẫu lý tưởng để xây dựng gia đình chúng ta, xây dựng giáo xứ chúng ta luôn sống trong yêu thương và hiệp nhất bền chặt như "Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi", nhờ đó mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta sẽ là một hình ảnh sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư mục vụ gửi cộng đoàn dân Chúa năm 2002 (số 6):

"Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa"
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC245. Isaac Newton

 

Isaac Newton là một nhà toán học và khoa học vĩ đại của mọi thời. Tuy nhiên về cuối đời ông, ông: BaNgôi ABC245


Isaac Newton là một nhà toán học và khoa học vĩ đại của mọi thời. Tuy nhiên về cuối đời ông, ông nói về những thành tựu của mình:

“Tôi không biết tôi xuất hiện với thế giới như thế nào, nhưng đối với tôi, tôi giống như một cậu bé chơi đàn trên bãi biển và thỉnh thoảng thích thú vì tìm thấy một viên sỏi bóng loáng hơn hoặc một vỏ sò xinh đẹp hơn thường gặp, trong khi đại dương bao la của chân lý chưa khám phá vẫn còn trải ra trước mắt tôi”.

Cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ mới bắt đầu. Chúng ta vẫn chỉ là những đứa bé chơi đùa trên bãi biển. Mầu nhiệm tăng lên thay vì giảm bớt với mỗi khám phá mới.

Một số người muốn biết mọi sự, muốn giải thích mọi sự, muốn tháo gỡ mọi sự thành những sự kiện. Nhưng sống với mầu nhiệm là một điều lý thú. Albert Einstein đã nói: “Kinh nghiệm đẹp nhất chúng ta có thể có là kinh nghiệm về điều mầu nhiệm ”. cả khi có đức tin thì mầu nhiệm, bóng tối đều không thế biết vẫn còn. Chúng ta không thể thấy toàn bộ đời sống. Như lới Van Gogh đã nói: “Trên trần gian này, chúng ta chỉ nhìn thấy một nửa bán cầu”
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC246. TÌNH YÊU LUÔN LÀ HY SINH

 

Những người đang yêu nhau trên thế gian trong tình lứa đôi trước và trong hôn nhân thường có: BaNgôi ABC246


Những người đang yêu nhau trên thế gian trong tình lứa đôi trước và trong hôn nhân thường có những cảm nhận tình yêu là hạnh phúc: “Anh ơi ! Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó tràn ngập tình yêu”… “Em thật sự hạnh phúc khi có anh”… “Anh là tất cả của đời em”… “Anh luôn là giấc ngủ bình an của em, là hơi thở trẻ trung tràn sức sống, là niềm hy vọng vô biên, là điểm tựa vững chắc, là mùa xuân vĩnh cửu của đời em…”

Những người đang yêu nhau trong tình gia đình, xã hội trong tương quan nhân loại cũng cảm nhận được tình yêu là hạnh phúc: “Tình Cha tình Mẹ ôi là bao la”, “Quả thật đời ta cần có nhau”, “Không ai là một hòn đảo lẻ loi”, “Có yêu người mới biết giá trị ấm nồng khi được yêu thương”…

Thật là hay, thật là ý nghĩa tuyệt vời. Những ai đã từng đi qua những ngày yêu trên thế gian này đều có thể hiểu thấu rằng tất cả những cảm nhận ấy đều xuất phát từ một khát vọng vô biên trong trái tim con người. Nếu khát vọng chính đáng ấy được nuôi dưỡng bằng một tình yêu chuẩn mực của Thiên Chúa Ba Ngôi là “Tình Yêu hy sinh, Tình Yêu cho đi” thì quả thật, những người yêu nhau ấy, đã cảm nếm được thứ hạnh phúc không bao giờ phai tàn.

Điều đáng tiếc là, không ít người phải rơi vào cảnh thất vọng, đau khổ triền miên, vì người ta đã yêu nhau theo cách của người trần gian, một thứ “tình yêu chiếm đoạt”. Người bị chiếm đoạt, mất đã đành, người chiếm đoạt được rồi cũng thành tay trắng. Bởi có ý nghĩa gì đâu những thứ hạnh phúc đời chóng vánh, thấy long lanh óng ánh hấp dẫn dễ thương nhưng bản chất hạnh phúc ấy chỉ là ảo tưởng, phù du….

Chỉ có Tình Yêu Chúa Giêsu mới là chuẩn mực của tình yêu và hạnh phúc đích thực: một tình yêu cho đi, một tình yêu dâng hiến cho người mình yêu, một tình yêu chấp nhận sự thua thiệt về mình để người mình yêu được hạnh phúc… Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy yêu như Thầy đã yêu”.

Hôm nay, Lễ Chúa Ba Ngôi cho chúng ta khám phá một chiều kích mới mẻ hơn nữa trong Tình Yêu của Chúa Giêsu: Tình yêu của Chúa Giêsu chính là Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy”. Chúng ta không hề thấy, không thể hiểu về Chúa Cha, cũng không tài nào biết Người có gì, nhưng qua Chúa Con, chúng ta hiểu về Người là Đấng giàu lòng thương xót, giàu tình yêu, giàu lòng khoan dung tha thứ. Chúa Giêsu còn cho ta biết về Chúa Thánh Thần là thành phần trong sự hiện hữu huyền nhiệm của Cha và Con: “Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con". Như vậy, qua Tình Yêu của Chúa Giêsu, con người trần gian biết về Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi thực cao vời, đáng kính, đáng trọng, đáng tôn sùng, đáng học theo để sống trong cuộc đời vốn dĩ rất cần có một Tình Yêu đúng nghĩa làm chuẩn mực.

Mầu nhiệm Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa ở chỗ “Ba Ngôi hy sinh cho nhau”. Tình yêu luôn là hy sinh, hy sinh vô điều kiện, hy sinh tuyệt đối.

Nếu giữ cho mình ngôi vị Thiên Chúa Cha là chủ tể muôn loài thì hẳn là Chúa Cha sẽ không san chia uy quyền, phép tắc cho ai. Nhưng không, uy quyền của Cha đã hiện thực nơi người Con, nơi Chúa Thánh Thần.

Vậy, hóa ra, Thiên Chúa là Đấng hiền lành, khiêm nhượng, biết từ bỏ mình, luôn hy sinh để cả Ba Ngôi hiệp nhất trong một tình yêu lẫn nhau và nhất là hiệp nhất trong tình yêu dành cho nhân loại. Chúa Giêsu đã đến thế gian, mặc lấy cả quyền năng và tình thương của Chúa Cha để thi hành ý cha dưới tác động khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.

Chúa Cha có cần phải sáng tạo trần gian và loài người không ? Chẳng thêm gì cho Ngài. Chỉ thêm chuyện hy sinh chia sẻ.

Chúa Cha có cần phải cứu chuộc con người không ? Cũng chẳng thêm gì cho Ngài. Chỉ thêm chuyện phải đày đọa Con mình, hy sinh, chia sẻ.

Nhưng Chúa Cha đã sáng tạo nên, đã cứu chuộc được, nhờ Tình Yêu Cha, Con và Thánh Thần, Ba Ngôi Hiệp Nhất với nhau trong cùng một ý định tràn ngập sự hy sinh, sẻ chia. Vâng, sáng kiến của Tình Yêu Sáng Tạo dẫn đến sáng kiến của Tình Yêu Cứu Chuộc. Sáng kiến nào cũng bắt nguồn từ sự hy sinh của cả Ba Ngôi.

Nhân Lễ Chúa Ba Ngôi, nhờ Tình Yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta chạm tới sự huyền nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, như Chúa Giêsu đã nói “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” ( Ga 14, 9 ). Huyền nhiệm ấy, chính là Tình Yêu. Tình Yêu của Thiên Chúa, trở nên chuẩn mực cho mỗi chúng ta trong tình yêu thương gia đình, hôn nhân, cộng đồng xã hội. Hãy sống trong tình yêu thương thì sẽ gặp được Thiên Chúa, vì “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1Ga 4, 8 ).

Trở lại với những cảm nhận về hạnh phúc trong tình yêu, thiết tưởng những người yêu nhau cần khẳng định lại cách yêu của mình theo tiêu chuẩn tình yêu Thiên Chúa mới có thể đạt đến hạnh phúc thật, hạnh phúc vô biên, hạnh phúc không bao giờ phai tàn.

Bấy giờ, những câu tình tứ lãng mạn kia “Anh ơi ! Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó tràn ngập tình yêu” sẽ trở nên thực sự hạnh phúc khi người ta quyết định hy sinh và dâng hiến cho nhau như Chúa Ba Ngôi đã hy sinh và dâng hiến cho nhân loại.

“Anh là tất cả của đời em” đồng nghĩa với việc anh đã yêu em bằng mối tình cho đi, vì hạnh phúc đời này và đời sau của người mình yêu.

“Tình Mẹ tình Cha ôi là bao la vĩ đại” chỉ khi cha mẹ theo khuôn mẫu của tình yêu Chúa Ba Ngôi mà hy sinh trọn vẹn cho con cái. Tình người “cần có nhau”, hay việc bác ái cho nhau cũng chỉ có giá trị vĩnh cửu đích thực khi việc trao ban ấy đồng nghĩa với việc hy sinh một phần Sự Sống của mình cho người khác được sống, sống phần xác và sống cả phần linh hồn.

Lạy Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã mạc khải cho chúng con huyền nhiệm về Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho chúng con.

Nguyện xin Thánh Thần Thiên Chúa cho chúng con tràn ngập tình yêu thương theo khuôn mẫu tình yêu hy sinh của Ba Ngôi Thiên Chúa, để chúng con được hạnh phúc đời này và đời sau. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, 22.5.2013
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC247. KHÔNG CÒN HAI, NHƯNG ĐÃ LÀ MỘT

 

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm chính, lớn nhất của Giáo hội. Đã: BaNgôi ABC247


Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm chính, lớn nhất của Giáo hội. Đã gọi là mầu nhiệm, có thể nói nếu chỉ dùng trí khôn con người khó có thể luận hiểu dễ dàng đuợc. Thế nhưng, cứ lấy Đức Tin và Lòng Mến mà bù lại rồi ơn Thiên Chúa sẽ luôn phù trợ con người để họ có thể nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã khẳng định: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có chịu đựng nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến Người sẽ dẫn anh em đến sự thật vẹn toàn.” ( Ga 16, 12 – 13 ). Như vậy điều mà Đức Giêsu muốn mặc khải đây, không gì ngoài tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho nhân loại. Khi Thần Khí tình yêu Ngài đến, sẽ thánh hoá và đổi mới toàn thể bộ mặt trái đất, làm cho mọi người nhận biết sự thật Chân Lý mà Đức Giêsu đã dùng cả cuộc đời rao giảng và minh chứng về Thiên Chúa Cha.

Thú thật với trí khôn hạn hẹp của con người, nhân loại không thể nào hiểu được sự cao cả ngàn đời của Thiên Chúa về công cuộc sáng tạo và cứu chuộc. Nhất là sự kết hiệp mầu nhiệm của Ba Ngôi. Thế nhưng, cho dù tình yêu mật thiết ấy khó hiểu đến mức nào cũng không ngoại trừ tình yêu bao la Ngài dành cho nhân loại. Tình yêu cao cả ấy là gì ? Là sự hy sinh và yêu thương đến tận cùng, là muốn cho nhân loại được làm người và sống hạnh phúc.

          Nhìn lại công trình sáng tạo và cứu chuộc của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta không thể nào không khỏi ngạc nhiên ngưỡng mộ về quyền năng và tình yêu vĩ đại của Nguời. Thế nhưng, dường như sự lôi cuốn của thế giới vật chất mãnh liệt quá, khiến nhân loại chẳng mấy ai lưu tâm đến sự hiện diện linh thiêng của Ba Ngôi chí thánh. Thực tế cuộc sống có lẽ cay nghiệt quá, khiến con người ta lúc nào cũng phải chăm chú đến miếng cơm manh áo để mà tồn tại, và thế là Thiên Chúa bị lãng quên…

Thiên Chúa yêu thương con người, việc đó lại rất dễ dàng, vì tình yêu chính là bản chất của Ngài, nhưng nói con người tin Thiên Chúa yêu mình sao khó quá. Có phải vì nhân loại không được yêu nên họ không tin ? Hoàn toàn không phải vậy. Vì chưng, hơi thở, sự sống, không khí, vũ trụ… mà con người đang sống và hít thở là ở đâu mà có, nếu không phải vì Thiên Chúa trao ban. Chính sự tồn tại của họ trên mặt đất này cũng là do ý định yêu thương ngàn đời của Ngài, vậy mà tại sao con người vẫn không thể tin ?

          Vật chất, vẫn luôn luôn là câu trả lời cho tất cả. Chính vì cơm áo gạo tiền, chính vị địa vị, quyền lợi, chức tước… tất cả mọi vinh hoa phú quí hào nhoáng của thế gian đã làm chủ họ, và một khi nhân loại trở thành nô lệ của danh vọng bạc tiền, họ đánh mất Thiên Chúa !

          Làm thế nào đây ? Có thể làm gì để tin Thiên Chúa yêu mình và có thể sống tự do thanh thoát không bị ách gôm cùm của tham vọng kìm kẹp ? Làm thế nào để có thể đón nhận được ân sủng và Thần Khí của tình yêu và sự sống ? Đó chính là vấn nạn nhức nhối đến muôn thuở cho con người khi còn tồn tại trên thế gian này.

Mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cũng chính là mừng mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương con người, mỗi người chúng ta cấn phải tín thác hơn nữa vào quyền năng và tình yêu của Ngài. Chỉ khi nào có được Niềm Tin và Lòng Mến như thế, nhân loại mới có được Sự Sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cuộc đời họ chắc chắn sẽ thay đổi…

Lạy Chúa, phải làm sao để con tin Thiên Chúa yêu mình và sống cuộc đời hạnh phúc. Hạnh phúc không phải giàu có bởi lắm bạc tiền nhưng là hạnh phúc vì có sự sống vĩnh cửu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong mình. Cả nhân loại, cả thế giới ngày ngày vật lộn, đối diện với cơm ăn áo mặc đến bạc đầu, khòm lưng vì sương gió, nhưng chẳng mấy ai vật vã kiếm tìm cho mình con đường có được Sự Sống vĩnh cửu ?

Xin giúp con, chỉ cần tin vào sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, chỉ cần tin quyền năng và hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi mình, để mà can đảm, tin tưởng và phó thác trọn vẹn cuộc sống trong tay Ngài.

Trong khi con đang vật vã duy trì sự sống thế trần ngắn ngủi bằng gạo tiền thì sao con không lo trau dồi cho mình Sự Sống vĩnh cửu thần linh bằng tình yêu và lòng mến ?

Ước gì, nơi tâm hồn chai cứng vì thất bại, khổ đau và nước mắt ấy, có Ba Ngôi Thiên Chúa luôn mãi hiện diện… không còn là hai, nhưng đã là một thì còn gì hạnh phúc, quí giá hơn !

M. HOÀNG THỊ THÙY TRANG
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC248. ĐỀN THỜ BA NGÔI THIÊN CHÚA

 

Ở Rôma, có rất nhiều hang Toại Đạo ( Catacombe ). Đó là những nghĩa trang đầu tiên của người tín hữu: BaNgôi ABC248


Ở Rôma, có rất nhiều hang Toại Đạo ( Catacombe ). Đó là những nghĩa trang đầu tiên của người tín hữu, nhưng cũng là nơi họ hội họp cầu nguyện trong ba thế kỷ đầu tiên bị Đế Quốc Rôma bách hại. Trong số đó có một hang rất nổi tiếng, mang tên Đức Giáo Hoàng Calisto. Hầu như khách hành hương nào muốn viếng thăm hang Toại Đạo, cũng đều được dẫn đến đấy tham quan. Hang này nằm sâu trong lòng đất ở ngoài thành Rôma.

Bên dưới của hang này có một vòm rất rộng, trong đó một bàn thờ đá được dựng lên để dâng lễ và bên cạnh có tượng bà Thánh Cêcilia. Chuyện kể lại rằng: Bà Cêcilia bị giết chết vì đạo khi còn rất trẻ. Lý hình cắt cổ bà để lại một khía lớn ở cổ. Bà chết trong tư thế nằm nghiêng. Nhưng trước khi tắt thở, để bày tỏ Đức Tin của mình, bà đã giơ hai bàn tay ra: Một bàn tay chỉ đưa ra một ngón và tay kia ba ngón. Nghệ sĩ nổi tiếng Maderna đã tạc tượng bà với đầy đủ chi tiết này, để diễn tả cho thấy Đức Tin kiên vững của Thánh Nữ Cêcilia vào Thiên Chúa. Đó là Đức Tin Một Chúa – Ba Ngôi. ( Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, Bài giảng 51, Chúa Nhật 26.5.1991 ).

Hôm nay, lễ kính trọng thể Ba Ngôi Thiên Chúa, hiệp thông cùng Thánh Nữ Cêcilia, chúng ta hướng tâm hồn lên Thiên Chúa Tình Yêu với những tâm tình dâng hiến.

Hiệp Nhất

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mẫu gương sống động của sự Hiệp Nhất cho toàn thể Giáo Hội, Giáo Phận, Giáo xứ, cho các cộng đoàn và cho từng tế bào xã hội, gia đình. Những quyền lực thế gian luôn ra sức sói mòn, gây ô nhiễm sự hiệp nhất, ra sức phân hóa, chia rẽ, đố kỵ, bất hòa, để dễ bề áp đặt nền móng cai trị. Vốn dĩ chúng chia để trị.

Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửabởi Ngôn Sứ Gioan Tiền Hô, Người được Thần Khí Chúa dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ. Xatan đã tận dụng mọi cơ hội và lý lẽ để cám dỗ Chúa Giêsu bỏ dở công cuộc cứu độ, phản bội Chúa Cha bằng những ham muốn thế tục. Nhưng Xatan chịu thất bại thảm hại, không thể ly gián Chúa Giêsu khỏi Chúa Cha.

Còn với thân phận yếu đuối, mỏng dòn, con người thường khó chống đỡ nổi những cơn cám dỗ ác liệt đó. Những bản năng phàm phu tục tử, những đam mê vật chất, xác thịt, những cuồng vọng kiêu căng, những thách thức xúc phạm đến quyền năng Thiên quốc, đã nô lệ hóa con người vào vòng kiềm tỏa của sự dữ, của ma quỷ, xa lánh Thiên Chúa, như khi Ađam và Eva sau khi phạm tội.

Ở đâu có sự phân hóa, chia rẽ là hiện diện ngay sự tê liệt, sự tàn lụi và sự chết. Trái lại, sự hiệp nhất trong Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu sự sống, sức sống mạnh và cuộc sống vững bền.

Thánh Nữ Cêcilia sống kết hợp mật thiết với Chúa, can đảm bước qua cái chết, xem cái chết ở đời này nhẹ tựa lông hồng, để được sống viên mãn đời đời.

Đền Thờ

Khi được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta hân hạnh trở nên con cái Thiên Chúa. Hơn nữa, khi sống tuân giữ Lời Chúa, thì chúng ta được vinh dự đón rước Thiên Chúa ngự vào tâm hồn: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ các lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến nó, chúng ta sẽ đến ở trong nó và chúng ta sẽ lập cư trong nhà nó” ( Ga 14, 23 ). Chúng ta được hồng phước trở nên Đền Thờ Chúa ngự, như Thánh Phaolô đã quả quyết: “Anh em lại không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ở trong anh em sao ?” ( 1Cr 3, 16 – 17 ; 6, 19 )

Như thế, mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá trên người, là chúng ta công khai tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa đang hiện hữu trong Đến Thờ bản thân chúng ta. Nhiều khi chúng ta làm dấu máy móc, vô thức, mà thiếu lòng thành kính: Ngợi khen, chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trước hết Nhân Danh Cha, Đấng Tạo Thành. Thứ đến, Nhân Danh Chúa Con, Đấng Cứu Chuộc. Sau hết, Nhân Danh Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa cuộc đời chúng ta.

Thánh Phaolô còn diễn tả sự trân trọng mỗi khi về Thánh Danh Chúa Giêsu được cất lên: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” ( Pl 2, 9 – 11 ).

Hiến dâng

Chúa Giêsu cũng vì yêu thương, đã chịu hiến tế qua cuộc khổ nạn, để giải thoát, cứu rỗi chúng ta khỏi sự chết, án phạt muôn đời. Người đã nêu tấm gương phục vụ đến cùng, vâng theo Thánh ý Chúa Cha trọn vẹn. Người cũng mời gọi chúng ta vác thập giá và chịu đóng đinh thân xác, để vâng theo Thánh Ý, để yêu thương tha nhân và cả thù địch.

Người cũng dạy chúng ta biết tự hạ, khiêm nhường, nhân ái, để phục vụ tha nhân, như Người đã bao lần phục vụ các môn đệ và những người bệnh hoạn, yếu đuối và bé nhỏ. Như thế mới có thể biểu hiện tình yêu qua hành động chính đáng. Mới thực sự hiến dâng cho tha nhân, cũng như cho Thiên Chúa.

Như thế, chúng ta mới phần nào làm chứng cho Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn yêu thương, tha thứ và sẵn sàng ban ơn.

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin ban cho con biết sống hiệp nhất Giáo Hội và với nhau, biết sống xứng đáng là Đền Thờ Chúa ngự, biết hiến dâng, hy sinh, vâng phục Thánh Ý Chúa, hầu làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa với mọi người.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết quên mình, từ bỏ ý riêng, để sống liên kết với tình yêu Chúa, hầu được hưởng phúc Thiên Đàng. Amen.

AM. TRẦN BÌNH AN
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC249. HIỂU GIỚI TÍNH QUA MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI

 

Một người đã cố gắng giải thích khoa Thần Học về Cơ Thể ( Theology of the Body ) cho những: BaNgôi ABC249


Một người đã cố gắng giải thích khoa Thần Học về Cơ Thể ( Theology of the Body ) cho những người bạn của anh ta, và yêu cầu cách giải thích tốt về những gì người Công Giáo muốn nói khi chúng ta nói rằng giới tính nên là “khuynh hướng hiệp nhất và sinh sản” ( unitive and procreative ). Điều chúng ta muốn nói là:

1. Hiệp nhất:

Giới tính thu hút vợ chồng thành sự kết hiệp hoàn hảo hơn với nhau; qua đó, “cả hai nên một xác thịt” ( St 2, 24 ), theo cách chỉ có thể hiểu đầy đủ đối với Thiên Chúa.

2. Sinh sản:

Giới tính kêu gọi cuộc sống mới, hoặc chí ít cũng là mở lòng ra với cuộc sống mới. Tình yêu đích thực không ghen tuông, mà sáng tạo.

Để hiểu giới tính, tôi nghĩ rằng người ta cần hiểu Chúa Ba Ngôi. Trong Tam Vị Nhất Thể, Chúa Cha yêu Chúa Con, Chúa Con được yêu thương, và cách diễn tả tình yêu đó là Chúa Thánh Thần. Lm. Barron làm tốt việc giải thích điều đó ở đây. Chính xác vì tình yêu mà Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và muôn loài trong đó. Thế nên Chúa Ba Ngôi vừa Hiệp nhất vừa Sáng tạo. Chính tình yêu đó thu hút Chúa Cha và Chúa Con thành Thiên-Chúa-Hiệp-nhất-bất-khả-phân-chia, và tình yêu đó kiến các Ngài tạo dựng vũ trụ.

Tình yêu của con người cũng như vậy. Khi chồng yêu vợ, cả hai thực sự nên một, sự thân mật tâm hồn và thể lý đó ước muốn sản sinh sự sống mới. Sự sẵn sàng sản sinh sự sống mới này, và ngay cả sự ham muốn, là dấu hiệu về điều gì đó lành mạnh về tâm linh hơn chỉ là dục lạc ( hedonistic ).

Trong tình dục hôn nhân cũng vậy, hai người nên một ( St 2, 24 ), nhưng hai người cũng là ba, khi tình yêu họ có dạng một đứa con chưa sinh ra. Như vậy tình dục “được thiết kế” làm nguyên nhân để hai người trở thành một điều khác tốt đẹp hơn, điều mà cả ba và một, phản ánh cách thức Chúa Ba Ngôi là Ba và là Một. Như vậy mỗi đứa con được sinh ra theo cách này đều được “đóng ấn” hình ảnh Chúa Ba Ngôi trong khái niệm của Ngài.

Đó là lý do chúng ta có thể nói về Chúa Ba Ngôi là Gia đình Đệ nhất: mỗi Thành viên trong Tam Vị Nhất Thể tự ban phát chính mình cho hai Ngôi Vị kia. Hãy đọc Kinh Thánh, bạn sẽ hiểu rằng thay vì tuyên bố tính vĩ đại của mình, mỗi Ngôi Vị trong Tam Vị Nhất Thể tập trung vào cách vĩ đại của hai Ngôi Vị kia:

– Chúa Cha ca ngợi Chúa Con trong các câu Mt 3, 17 và Mt 17, 5, và là Đấng làm chứng về Ngài ( Ga 5, 31 – 32 ).

– Chúa Con thi hành Thánh Ý Chúa Cha ( Ga 5, 19 – 20 ), trong khi từ chối làm chứng cho chính Ngài ( Ga 5, 31 – 32 ).

– Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần trên Chúa Con, trong khi Chúa Con ban Chúa Thánh Thần trên chúng ta ( Cv 2, 33 ).

– Có thể lời ca ngợi cao nhất mà Chúa Giêsu có thể nói là dành cho Chúa Thánh Thần: “ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” ( Ga 16, 7 ).

– Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến, nhân danh Chúa Con, và dạy chúng ta biết về Chúa Con la Đức Giêsu ( Ga 15, 26 ), điều đó chỉ nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa ( 1Cr 12, 3 ).

– Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống ( Dt 9, 14 ).

– Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta tới Chúa Cha ( Gl 4, 6; Ep 2, 18 ).

Hãy nhìn vào Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha khi tràn đầy niềm vui qua Chúa Thánh Thần ( Lc 10, 21 ), và bạn có được hình ảnh hoàn hảo về tình yêu. Chúa Cha gởi Chúa Thánh Thần đến, Chúa Thánh Thần đổ đầy tình yêu vào Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu ca tụng Chúa Cha. Chúa Giêsu ca tụng sự Hiệp nhất của Tam Vị Nhất Thể ( Trinitarian Unity ) ngay lập tức ( x. Lc 10, 22 ).

Đây là một trong các lý do mà ngừa thai là sai trái. Dùng các biện pháp tránh thai để ngăn cản tính sản sinh của tình yêu trong khi dùng các phương tiện khác là xuyên tạc hoặc hư hỏng ( perversion ). Chúng ta đang cố gắng kiểm soát và kiềm chế tình yêu: cho phép hai nên một mà không cho phép họ thành ba. Điều đó vô tác dụng – vợ chồng ngừa thai là đang ở mức nguy cơ cao về ly hôn nhiều hơn so với các cặp vợ chồng không ngừa thai. Thay vì đổ đầy tràn tình yêu cho nhau, người ta lại giữ lại cho mình.

Nếu một người ngồi ăn, nhai đồ ăn, thưởng thức hương vị, và lại nhổ ra, chúng ta thấy nó không lành mạnh và bất thường đối với thức ăn. Điều đó không xảy ra với đồ ăn ngon: chính lý do thực phẩm là món ngon để ăn vì cơ thể chúng ta cần nó để sống. Niềm vui của việc ăn uống là một cách tinh tế mà chúng ta làm những gì nên làm ( ăn uống ). Trích xuất niềm vui mà không thỏa mãn nhu cầu của cơ thể về việc hấp thụ calorie sẽ làm cho việc khoái khẩu trở thành vô nghĩa.

Chúng ta nhận biết kế hoạch của Thiên Chúa ( làm cho thực phẩm thành vui thú, nên người ta mới ăn, như vậy mới không chết đói ), và quyết định tích cực cản trở nó. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất” ( St 1, 22 ), và chúng ta được thu hút vào sự kết hiệp hôn nhân – niềm vui đó là cách khuyến khích. ( Ảnh chụp đại gia đình ông Nguyễn Văn Giáo, 24 người thuộc 4 thế hệ ở Yên Mỹ, Hưng Yên ).

Chúng ta khả dĩ nhận biết điều này nhờ vào chính “thiết kế giới tính”, hoặc bằng cách nhìn vào thế giới động vật. Ở đó, các khoa học gia cho chúng ta biết rằng động vật không hưởng lạc thú, nhưng chúng chỉ hành động theo bản năng sinh sản. Như vậy, bằng chính điểm cốt lõi, đó là khuynh hướng sinh sản. Đó cũng là Hiệp Nhất và Niềm Vui để đa số các cặp vợ chồng nhắm vào hồng ân Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại. Đối với thực tế sinh sản của giới tính, nhai và nhổ ra, là phản lại tình dục đích thực và chống lại Thiên Chúa.

Vợ chồng nên noi gương yêu thương của Chúa Ba Ngôi. Hãy đổ đầy tràn tình yêu cho nhau, thu hút vào sự kết hiệp hoàn hảo, và sẵn sàng thể hiện tình yêu đó để hình thành những đứa con.

TRẦM THIÊN THU,
chuyển ngữ từ CatholicDefense.blogspot.com
 
------------------------------

 

BaNgôi ABC250. LỄ CHÚA BA NGÔI


Mt 28, 16-20

HAY THÔI BỎ ĐI

 

Đứng trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, một số nhà thần học đề nghị: Hay thôi bỏ đi, đừng động: BaNgôi ABC250


          Đứng trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, một số nhà thần học đề nghị: Hay thôi bỏ đi, đừng động vào mầu nhiệm này nữa, vì sẽ không bao giờ có thể hiểu được tường tận. Mà khi đã không thể hiểu được tường tận, sẽ dễ làm người ta rối trí, rồi đâm ra nghi ngờ và thế là niềm tin vào Chúa bị gãy đổ. Nhất nữa, đó là mầu nhiệm chính yếu của Giáo Hội.

          Thực vậy, nếu tất cả nhân loại họp lại cũng không thể khám phá ra được mầu nhiệm này. Sở dĩ chúng ta biết được, là nhờ sự mặc khải, hé mở của Chúa Giêsu mà thôi. Nhưng không phải và không thể hiểu được tường tận mà ta lại gạt đi, không nói tới. Thực ra, trí óc con người luôn ở mức độ giới hạn, lúc nào cũng là non nớt và ấu trĩ khi so sánh với sự hiểu biết diệu kì của Thiên Chúa. Nhưng dù sao, sự hé mở chân lý này, cũng giúp nâng cao rất nhiều trong cái nhìn của chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng phải cố gắng hết sức, dựa vào những gì Chúa Giêsu đã dạy, để khám phá nhiều hơn về vẻ đẹp và sự lạ lùng của Thiên Chúa.

          Hơn thế nữa, qua lời dạy của Chúa, ta thấy mầu nhiệm này, không phải là một chuyện ảo ảnh xa xôi, nhưng lại vô cùng gần gũi và liên hệ mật thiết với cuộc sống của chúng ta, hơn chúng ta tưởng nhiều. Câu chuyện xảy ra ở bờ sông Giócđan, khi Chúa Giêsu bắt đầu giai đoạn rao giảng, là một minh họa rõ nét cho mầu nhiệm này. Chúa Giêsu đứng đó. Chúa Cha từ trên cao nói xuống: “Này là Con Ta yêu dấu”, Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đậu trên đầu Người.

          Con người chúng ta được dựng nên bằng vật chất và cuộc sống chung quanh ta, cũng toàn là vật chất. Vì thế, cái nếp suy nghĩ của ta, cũng mang tính chất của vật chất: Cái này và cái kia. Trong bản tính thiêng liêng phi vật chất của Thiên Chúa, thì không giống thế. Tuy là Ba Ngôi, nhưng cũng chỉ là một Thiên Chúa. Một hình ảnh gợi ý để dễ hiểu hơn: Giờ phút này, liền một lúc ta có thể nghĩ tới ba người bạn, hình ảnh ba người bạn đang đứng trong đầu ta. Tuy vẫn là ba người, nhưng cũng chỉ trong suy nghĩ của ta. Ta chỉ có thể PHÂN BIỆT, chứ không thể phân chia từng người được.

          Cao vời hơn suy nghĩ của ta nhiều lần. Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng. Mà thế giới thiêng liêng vượt hẳn khỏi những kinh nghiệm ta có, vì kinh nghiệm của ta, đều phát xuất từ vật chất, khiến ta chẳng thể nào hiểu được. Vì thế, đứng trước mầu nhiệm này, chỉ có một con đường duy nhất, giúp ta hiểu thấu, là đi vào con đường Đức Tin. Với niềm tin sắt son, ta sẽ dần dần khám phá ra được muôn điều kì diệu của mầu nhiệm cao cả này.

Gợi ý suy niệm:

1- Linh hồn bạn là đền thờ của Chúa Ba Ngôi không?
2- Bạn có mối liên hệ nào với Chúa Ba Ngôi?

 Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm Long Xuyên

------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây