Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật PS 2-ABC Bài 451-456: Câu chuyện ông Tôma & Lòng thương xót Chúa

Chủ nhật - 07/04/2024 07:10
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật PS 2-ABC Bài 451-456: Câu chuyện ông Tôma & Lòng thương xót Chúa
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật PS 2-ABC Bài 451-456: Câu chuyện ông Tôma & Lòng thương xót Chúa
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật PS 2-ABC Bài 451-456: Câu chuyện ông Tôma & Lòng thương xót Chúa
----------------------------------    
Mục Lục:

Phúc Âm: Ga 20, 19-31: "Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến". 1

PS 2-ABC451: MỞ CỬA LÒNG THƯƠNG XÓT.. 2
PS 2-ABC452: PHÚC VÌ THẤY, PHÚC HƠN VÌ TIN.. 6
PS 2-ABC453: BA CÁI “T” CẦN THIẾT CHO ƠN CỨU RỖI 9
PS 2-ABC454: MUÔN ĐỜI THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG.. 12
PS 2-ABC455: TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH ĐÒI HỎI MỘT THÁI ĐỘ XÁC TÍN.. 18
PS 2-ABC456: CHÚA PHỤC SINH, CÒN MANG ĐẦY THƯƠNG TÍCH! 22

-------------------------------

Phúc Âm: Ga 20, 19-31: "Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người. - Ðó là lời Chúa.

-----------------------------

---------------------------------
 

PS 2-ABC451: MỞ CỬA LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Chúa Luôn Nhân Hậu Và Thương Xót, Con Mãi Kính Tin Với Mến Yêu. Nói với Maria Faustina Kowalska PS 2-ABC451


Chúa Luôn Nhân Hậu Và Thương Xót
Con Mãi Kính Tin Với Mến Yêu.

Nói với Maria Faustina Kowalska (1905-1938, Dòng Đức Mẹ Thương Xót – O.L.M., Our Lady of Mercy), Chúa Giêsu xác định: “Trước khi Ta đến như một Thẩm Phán công bình, Ta sẽ mở rộng Cửa của Lòng Thương Xót. Ai từ chối bước qua Cửa của Lòng Thương Xót thì phải bước qua Cửa của Sự Công Bình.” (Nhật Ký, số 1146)

Và Chúa Giêsu muốn Chúa Nhật II Phục Sinh được dành để biệt kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX). Ngài yêu thương tội nhân chúng ta đến cùng, Ngài muốn mọi người tín thác vào Ngài qua lời nguyện ngắn gọn Ngài đã dạy: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.”

Trong Nhật Ký (số 699), Thánh Faustina đề cập 10 điều về Đại Lễ LCTX:

1. Vào ngày đó, mọi chiều sâu thẳm nhất về Lòng Nhân Từ của Ta sẽ được rộng mở ra.

2. Ta sẽ tuôn đổ ra cả một đại dương về ơn huệ trên tất cả những linh hồn nào tiếp cận với Nguồn Suối Nhân Từ của Ta qua Bí Tích Hòa Giải và Rước Mình Thánh Chúa.

3. Linh hồn nào đi xưng tội trước đó và lãnh nhận Thánh Thể vào ngày lễ này sẽ lãnh nhận được sự tha thứ trọn vẹn của Ta, thoát khỏi mọi án phạt về tất cả các tội đã phạm.

4. Vào ngày lễ này, tất cả mọi cánh cửa về ơn huệ của Thiên Chúa sẽ được mở rộng ra cho tất cả mọi người.

5. Đừng để một tâm hồn nào phải sợ hãi khi đến gần Ta, thậm chí ngay cả khi người đó đầy các tội lỗi tày trời.

6. Lòng Nhân Từ của Ta cao vời đến nỗi không một tâm trí nào của loài người hoặc thiên thần có thể hiểu và đo lường được mãi cho đến muôn đời.

7. Trong mối quan hệ với Ta, mỗi tâm hồn sẽ suy niệm về tình yêu thương và lòng nhân từ của Ta mãi cho đến muôn đời.

8. Ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được nổi bật lên từ chiều sâu thẳm Lòng Nhân Từ của Ta.

9. Mong ước của Ta là ngày lễ này được trọng thể cử hành vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh.

10. Nhân loại sẽ không có được hòa bình mãi cho đến khi nào biết quay về Nguồn Suối Nhân Từ của Ta.

Mười điều đó cho thấy LCTX vô hạn, thực sự Ngài rất muốn cứu chúng ta nếu chúng ta thành tâm sám hối. Có nhiều dụ ngôn nói về Lòng Chúa Thương Xót, nhưng nhân vật “nổi bật” được nhắc tới là Tông đồ Tôma – người có “biệt danh” là Tông Đồ Cứng Lòng Tin. Chỉ là “chuyện nhỏ,” vì chính Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện lòng thương xót trên đồi Canvê, và người được hưởng LCTX ngay chiều hôm đó là “đại ca” Dismas.

Điều kỳ diệu xảy ra ngay lập tức nếu chúng ta thật lòng tin vào LCTX. Đức tin rất quan trọng và rất cần thiết, vì NHỜ TIN MÀ SỐNG, như Chúa Giêsu đã xác định với cô Mácta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11:25-26) Chính Chúa Giêsu đã sống lại trước sự kinh ngạc của mọi loài, nhờ sự phục sinh của Ngài mà mọi loài nên mới, tưng bừng rộn rã vì là “ngày Chúa đã làm ra.” (Tv 118:24)

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã và đang được hưởng LCTX mặc dù đức tin của chúng ta còn non yếu. Vì thế, chúng ta phải thực hiện lời khuyên của Thánh Vịnh gia: “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.” (Tv 118:1) Đức từ bi đó cũng chính là LCTX.

Kinh Thánh cho biết rằng sau khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, “cộng đoàn tín hữu đầu tiên đông đảo lắm, nhưng họ chỉ có một lòng một ý, không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, mọi sự đều là của chung.” (Cv 4:32) Họ sống theo di ngôn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13:34; Ga 15:12) Đó cũng là sống và thực thi lòng thương xót theo ý Ngài. Chúng ta đã và đang được Thiên Chúa thương xót thì chúng ta cũng phải biết thương xót nhau. Đó là hệ lụy tất yếu, và là công bằng vậy.

Kinh Thánh cho biết: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 4:33-35) Sống vì Chúa và vì tha nhân thì sẽ an tâm, đó là hạnh phúc và tự do đích thực.

Dù là ai, từ dân Israel tới nhà Aharon, từ người kính sợ Chúa tới tội nhân, cũng đều hân hoan xưng tụng như Thánh Vịnh gia: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:2-4) Lời xưng tụng đó cũng là cách tôn vinh LCTX. Chúng ta phải không ngừng xưng tụng vì “tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực,” nhờ vậy mà “không phải chết, nhưng sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm,” và dù “Chúa sửa phạt, nhưng không nỡ bắt phải chết.” (Tv 118:16-18) Quả thật, LCTX bao la khôn ví, quá kỳ diệu. Phàm nhân không thể nào hiểu nổi.

Thật vậy, Thiên Chúa đã tuyên phán qua miệng ngôn sứ Isaia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49:15) LCTX vô hạn, chúng ta không thể không cảm tạ. Thật vậy, bức tượng không thể hiểu người tạc tượng, thụ tạo không thể hiểu Tạo Hóa. Chắc chắn như vậy. Và điều kỳ diệu thực sự đã xảy ra: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” (Tv 118:22-23)

Người ta nhờ TIN mà được SỐNG. Ngược lại, KHÔNG TIN thì KHÔNG ĐƯỢC SỐNG – tức là CHẾT. Tin là khôn ngoan, không ai dại gì mà không TIN để ĐƯỢC SỐNG đời đời. Thánh Gioan lý luận: “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.” (1 Ga 5:1-2) Yêu thương liên quan niềm tin, và ngược lại. Hai vấn đề không thể tách rời. Rất cụ thể!

Rõ ràng YÊU và TIN là hai “đầu mối” của một sợi dây, không thể có đầu này mà không có đầu kia. Thánh Gioan giải thích: “Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.” (1 Ga 5:3-4) Luật rất “nhẹ” (có nặng nề gì đâu), nghe đơn giản mà không dễ thực thi cho đúng.

Nói về “nguồn mạch đức tin,” Thánh Gioan cho biết: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người TIN rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ NƯỚC và MÁU; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.” (1 Ga 5:5-6) Có tin thì mới thể hiện tình yêu thương và làm chứng về LCTX – theo hoàn cảnh sống của mình.

Nổi bật vấn đề liên quan đức tin là trình thuật Ga 20:19-31, kể về việc “độ cứng” trong đức tin của Tông Đồ Tôma Điđymô. Thánh Gioan cho biết: Tám ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại, vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Ngài lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.”

Không biết ông Tôma bữa đó bận gì mà vắng mặt, không hiện diện với các tông đồ. Nghe các bạn nói Thầy sống lại và đã hiện ra với họ. Ông nhất định không tin và nói chắc nịch: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có tin.” Các ông kia chẳng biết làm gì hơn. Tuần sau, các ông lại họp mặt trong nhà, lần này có cả ông Tôma. Các cửa vẫn đóng kín như bưng, con muỗi chui qua còn chưa lọt. Thế mà bỗng Chúa Giêsu đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Nói rồi Ngài nói với ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Chắc là ông Tôma xấu hổ lắm, thế nên ông chỉ còn biết cúi đầu mà thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Thật lòng mà nói, cũng nhờ ông Tôma cứng lòng tin mà chúng ta có thêm một mối phúc: “Không thấy mà tin.” Nhờ lòng tin của ông cứng như sáp nguội mà hậu sinh chúng ta được hưởng thêm một mối phúc rất đặc biệt như vậy.

Thánh Gioan cho biết thêm: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em TIN rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em TIN mà ĐƯỢC SỰ SỐNG nhờ danh Người.” (Ga 20:30-31) Quả thật, Chúa Giêsu yêu thương tới cùng, (Ga 13:1) nên Ngài luôn tìm mọi cách để chúng ta được cứu độ. Trong Nhật Ký (số 796), Thánh Faustina cho biết rằng Chúa Giêsu bảo thánh nữ lần Chuỗi Lòng Thương Xót trong chín ngày trước Đại lễ LCTX, bắt đầu từ Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúa Giêsu cho biết lợi ích: “Nhờ tuần cửu nhật này, Ta sẽ ban mọi ân sủng cho các linh hồn.”

Là tín nhân, ai cũng biết rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng, ai cũng cần phải sám hối khi còn kịp trong Giờ Thương Xót, thời gian mà Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài, vì không ai biết thời gian còn bao lâu, dù còn trẻ hay đã già. Vì thế, hãy luôn tự nhủ: “Tôi ơi, đừng cứng lòng nữa!”

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin hoán cải chúng con theo Thánh Ý Ngài, xin làm mềm trái tim xơ cứng của chúng con, xin ban ơn giúp sức chúng con sống trọn vẹn đức tin và yêu thương đến cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

---------------------------------
 

PS 2-ABC452: PHÚC VÌ THẤY, PHÚC HƠN VÌ TIN

 

Có một nhà sư tình cờ nhặt được một viên ngọc quý. Vì nghĩ mình là người tu hành, chẳng cần PS 2-ABC452


Có một nhà sư tình cờ nhặt được một viên ngọc quý. Vì nghĩ mình là người tu hành, chẳng cần chi thứ đó, nên ông đem chôn viên ngọc vào một gốc cây. Một hôm, có người hành khất đến xin bố thí ở chùa. Nhà sư bỗng nhớ lại viên ngọc, liền chỉ chỗ cất giấu cho anh. Người ăn xin đến gốc cây và tìm thấy viên ngọc. Anh ta rất đỗi vui mừng vì biết từ nay sẽ giàu có. Nhưng sau giây phút mừng vui, anh chợt nghĩ: “Tại sao nhà sư kia lại chấp nhận sống nghèo khổ trong lúc có một viên ngọc quý giá như thế này?” Sau một thời gian, người hành khất trở lại gặp nhà sư, trả viên ngọc và nói: “Bạch Thầy, con biết trong lòng Thầy có một kho tàng lớn lao khiến Thầy chẳng thiết đến vàng ngọc. Vậy con xin Thầy cho con kho tàng trong lòng Thầy mà thôi”.

Đức Ki-tô, qua bài Tin Mừng hôm nay, cũng muốn ban tặng cho ta một viên ngọc vô cùng quý giá, đó là niềm tin vào cuộc phục sinh của Người và niềm hy vọng vào cuộc phục sinh của chúng ta.

Từ Chúa Nhật Đầu Tiên

Phần đầu của bài Tin Mừng Chúa nhật này – năm nào ta cũng đọc lại – đưa ta đến thời điểm “sau cái chết của Đức Giê-su”, vào buổi chiều “ngày thứ nhất trong tuần”, ngày quy tụ phụng vụ của các Ki-tô hữu, thời gian thuận tiện để Chúa hiện diện giữa cộng đoàn được Người quy tụ để chia sẻ Lời cùng Bánh, và để sai họ đi vào thế gian. Trong trình thuật, ta gặp lại 3 giai đoạn đặc biệt của tiến trình Phục sinh: –Đấng Phục Sinh có sáng kiến đến thăm. – Môn đồ nhận ra Đức Giê-su thắng vượt sự chết. – Đấng Phục sinh trao ban sứ mệnh. Đột ngột hiện ra giữa các môn đệ, Người cũng chỉ có 3 lời vắn vỏi: bình an, Thánh Thần, tha tội.

– Trước hết, tác giả trình bày cho thấy các môn đệ hội họp ở một nơi mà “các cửa đều đóng kín vì sợ người Do-thái”, tức giới chức tôn giáo Giê-ru-sa-lem. Có lẽ qua xác định này, Gio-an muốn nói tới cảnh bách hại mà những ai nghe Tin Mừng thời ông phải chịu: bị loại ra khỏi Hội đường vì nhận Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Dần dà, họ tìm những địa điểm hội họp riêng, tránh mắt những kẻ bắt bớ.

Trong lúc các môn đệ họp nhau, “Đức Giê-su đến đứng giữa họ”. Lời đầu tiên của Người là ban an bình: “Bình an cho anh em” (Shalom). Đây không chỉ là kiểu nói xã giao thông thường của người Do-thái (“chúc anh em được bình an”); cùng với việc tái sinh đức tin, cuộc Phục sinh của Đức Giê-su thật sự đem lại hiệu quả là hân hoan và an bình, hai món quà của thời Mê-si-a mà Người đã hứa cho họ.

– Đức Giê-su tiếp đó cho họ “xem tay và cạnh sườn Người”. Các dấu vết đóng đinh này cho thấy: dẫu tỏ mình với những điều kiện kỳ lạ, Đức Giê-su vẫn không muốn môn đệ lầm tưởng Người với một bóng ma, nghĩa là một kẻ khác với nhân vật đã chịu khổ nạn. Chắc chắn sự hiện diện thể lý bình thường của Đức Giê-su chẳng còn nữa, nhưng Đấng ngự giữa các môn đệ vẫn là Người, vẫn là Đấng họ từng hiểu biết mến yêu, nhưng từ nay đã “thay đổi hình dạng”, đã từ cõi chết tiến vào cõi sống, chẳng còn lệ thuộc không gian và thời gian lẫn các định luật sinh, lý, hóa học. Sợ hãi tan biến, các môn đệ tràn đầy vui mừng, niềm vui được cưu mang trong nước mắt, thử thách, gian khổ và nay thành toàn trong mầu nhiệm sống lại.

– Cuối cùng, Đấng phục sinh hiện ra không phải chỉ để hiện ra, chẳng nhằm mục đích đưa môn đệ trở lại quá khứ nhung nhớ, song để biến họ nên “sứ đồ”, trao ban cho họ một “sứ mệnh”: đem đến cho mọi người Tin Mừng về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Để tấn phong, Người thổi hơi sức Thánh Thần của mình cho họ. Ơn Thánh Thần này cho phép họ tha thứ tội lỗi: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em... Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Lời này không đưa ra một so sánh, nhưng nói lên một nền tảng, một cội rễ. Các môn đệ được sai đi để nối dài hoạt động của Đức Giê-su... Như Thiên Chúa đã thổi thần khí của Người vào A-đam (x. St 2,7), như Thánh Thần xuống trên Đức Giê-su (x. Ga 1,33-34), Đức Giê-su cũng thổi hơi sức của Thánh Thần trên các Tông đồ... Như Thiên Chúa, rồi như Đức Giê-su sứ giả Thiên Chúa, các môn đệ cũng loan báo ơn cứu độ, cứu khỏi tội lỗi và cứu khỏi thần chết, nhờ sức mạnh cuộc khổ nạn-phục sinh của Thầy mình. Mỉa mai thay, chứng từ đầu tiên của các ông lại bị chính anh bạn đồng môn Tô-ma từ chối.

Tới Chúa Nhật Kế Tiếp

Sự vắng mặt của ông này ngày thứ nhất trong tuần cho phép tác giả đưa ra màn kế tiếp, “tám ngày sau”. Ông đã đi đâu biệt tăm trong những ngày sôi nổi nhất, rồi xuất hiện giờ chót để lại đặt vấn đề từ đầu khiến ai nấy đều phiền nhiễu. Là kiểu người tiêu biểu sự cứng lòng, đại diện cho một thứ chủ nghĩa thực chứng (duy nghiệm, positivisme), Tô-ma từ chối chuyện Thầy sống lại: ông đòi “thấy” và “sờ” đã rồi mới tin. Tin Mừng Mát-thêu cũng đã không giấu diếm chuyện có vài môn đệ tỏ ý nghi ngờ sự kiện đó. Lu-ca thì nhắc đến thái độ “ngỡ ngàng và ngờ vực” của mọi môn đệ (x. 24,41). Kể cũng oan cho Tô-ma phải bị mang tiếng là kẻ duy nhất “cứng tin”. Ông không hề giữ độc quyền cứng tin mà chỉ không may là kẻ cứng tin cuối cùng giữa các Tông đồ.

Thế là Đức Giê-su lại đến. Rồi như muốn chiếu cố đặc biệt đồng thời kê nhẹ Tô-ma (trong khi quở mắng các Tông đồ kia chỗ khác, x. Mc 16,9-14), Người bảo ông: “Hãy nhìn xem, hãy đặt ngón tay vào bàn tay Thầy, vào cạnh sườn Thầy”. Vị Tông đồ cứng lòng tin có làm như thế không? Hẳn là không, vì sau khi đã chỉ cho ông thấy như ông đòi hỏi, Đức Giê-su còn mở mắt lòng tin cho ông: “Hãy tin, đừng cứng lòng”, nên ông chẳng còn cần và còn muốn làm việc ấy nữa. Và đây, kẻ tìm lại niềm tin đã tặng Đức Giê-su danh hiệu lớn lao nhất của cả Tin Mừng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Một đỉnh cao mà các định nghĩa tín lý sau này không vượt qua nổi. Giữa “Ngôi Lời là Thiên Chúa” ở khởi đầu (Ga 1,1) và câu tuyên xưng Đức Giê-su là “Chúa và là Thiên Chúa”, chẳng còn gì để nói thêm. Cốt lõi của lòng tin Ki-tô giáo là thế, là tin Thiên Chúa đã làm người trong nhân vật Giê-su. Điều này thách đố quan niệm của dân Rô-ma đương thời, coi một mình hoàng đế là Thần linh tối thượng.

Tô-ma cứng tin không phải là chuyện mới mẻ và đáng chú ý. Nhưng chính vì Tô-ma chỉ là anh cầm đèn đỏ trong vụ chậm tin và cứng tin, nên chuyện của ông mới thành tuyệt vời. Bất kỳ kẻ cứng tin nào, cho dẫu là ở giờ thứ 25, cho dẫu là kẻ cuối cùng thì vẫn là độc nhất vô nhị đối với Đấng Phục sinh và cũng được Người chiếu cố. Chẳng có vấn đề đa số thắng thiểu số ở đây. Chúa không vì 99% đã tin mà bắt 1% còn lại phải... tự động tin theo. Cũng không phải vì 99% đã tin mà coi như không đáng kể, “coi như pha”, “cho qua luôn” 1% hay một anh Tô-ma nào đó còn sót lại. Đức Ki-tô có thể trách chúng ta chậm tin, cứng tin, thậm chí “lòng chai dạ đá”, nhưng Người vẫn quý trọng đòi hỏi thâm sâu của mỗi chúng ta là được đích thân gặp gỡ Người, cách này hay cách khác, chứ không phải chỉ qua trung gian, đại diện. Người đã chẳng từng chiếu cố một Phao-lô, một Augustinô, một Phanxicô, một Pascal, một Anphongsô, một Claudel, một Charles de Foucauld, một Edith Stein đó sao?

Cho Tới Chúa Nhật Hôm Nay

Quang cảnh kết thúc bằng một mối phúc hứa ban cho những ai sống trong thời đại vắng bóng sự hiện diện thể lý của Đức Giê-su, tức chúng ta: “Ai không thấy mà tin, mới là người có phúc”. Mối phúc cuối cùng của Tin Mừng, mối phúc của những kẻ tin. Dĩ nhiên lời này chẳng có ý nói Tô-ma và các Tông đồ kém phúc thua chúng ta hiện tại, mà chỉ muốn bảo: có “một thời để thấy và một thời để tin”, có thế hệ những người chứng kiến trực tiếp và có thế hệ đông đảo những kẻ tin vào chứng nhân là các Tông đồ và những người kế vị. Lời đó cũng chẳng phải là để khuyến khích sự... nhắm mắt tin đại, nhưng là để nhấn mạnh về ơn mở mắt lòng tin. Vì xét cho cùng, mọi kẻ tin, thấy hay không thấy, sáng mắt hay không sáng mắt mà tin, thì đều đã được sáng lòng, được phúc sáng lòng. Đó thật là một viên ngọc!

Đấy cũng là câu kết luận của cả cuốn Tin Mừng và nhắc lại một chủ đề lớn trong Do-thái giáo: giữa “điều thấy” và “điều tin”, giữa “cảnh tượng” và việc “thấu hiểu cảnh tượng”, từ thứ hai mới làm nên tính cách bình thường và lý tưởng của tín hữu. Ngay cả những kẻ đã thấy cũng phải vượt quá điều họ thấy. Ngôi Lời, tự phút giây trở thành “nhục thể”, đã chỉ cho các môn đệ thấy “nhục thể”, nghĩa là nhân tính nơi lẽ ra phải “thấy Thiên Chúa trong vinh quang của Người”. Nên chúng ta, những kẻ tiếp nhận Tin Mừng, có phúc ở chỗ gắn bó với Đức Ki-tô và trở thành tín hữu không qua những vật chứng (Biệt phái và Kinh sư chẳng thấy nhiều vật chứng sao?) nhưng qua những lý chứng và nhất là nhân chứng, rồi qua việc gặp gỡ Đức Ki-tô một cách nào đó của riêng mình. Thế nhưng, ngày nay vẫn còn những người thích tìm những dấu lạ (vật chứng), như việc Chúa và Mẹ hiện ra đây đó, mà không chú ý đến điều chính yếu là Lời Chúa trong sách Tin Mừng và trong cuộc sống qua các dấu chỉ. mục lục

-------
Kính mời tham khảo thêm bài viết : “Biết nhờ tin nhân chứng”: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/biet-nho-tin-nhan-chung-42273

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

---------------------------------
 

PS 2-ABC453: BA CÁI “T” CẦN THIẾT CHO ƠN CỨU RỖI

 

Trong quyển Nhật Ký Thông điệp Lòng Chúa Thương Xót, thánh nữ Faustina viết rằng, muốn nhận PS 2-ABC453


Trong quyển Nhật Ký Thông điệp Lòng Chúa Thương Xót, thánh nữ Faustina viết rằng, muốn nhận được LÒNG THƯƠNG XÓT của Chúa, thì bạn và tôi cần phải làm ít nhất ba việc sau đây:

• Một là THỈNH CẦU lòng thương xót. "Các linh hồn nào kêu gọi đến Lòng Thương Xót của Ta- đều làm cho Ta vui thích. Ta sẽ ban cho các linh hồn đó còn nhiều hơn cả điều họ xin (1146).

• Hai là TÍN THÁC vào lòng thương xót. "Khi một linh hồn tiến đến gần Ta với lòng tín thác, Ta đổ tràn đầy ân sủng trên họ đến mức độ họ không tài nào chỉ giữ riêng cho mình, mà phải toả ra cho các linh hồn khác (1074).

• Ba là THỰC HÀNH lòng thương xót. "Con có bổn phận thực hành lòng thương xót đối với những người lân cận của mình, bất cứ lúc nào và ở đâu, không được thoái thác hay tránh né, hoặc chữa mình" (742).

Trong ba việc THỈNH CẦU–TÍN THÁC & THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA, bạn nghĩ thử xem cái nào là cái khó nhất? Theo tôi, THỰC HÀNH lòng thương xót của Chúa là việc khó nhất? Bạn biết tại sao vậy không? Xin thưa là bởi vì trong mỗi người chúng ta, cái tôi, cái ích kỷ và cái tự ái…bao giờ cũng lớn, bao giờ cũng cồng kềnh, và luôn có khuynh hướng lấn át cái lòng thương xót của chúng mình. Tôi xin đơn cử ra đây một vài ví dụ cụ thể, để chứng minh rằng thực hành lòng thương xót là một việc rất nan giải chứ không hề dễ chút nào cả!

• Vừa đi làm về, đang mệt mỏi, bước vào nhà thì nghe mẹ của bạn nói bà muốn đi tham dự thánh lễ, đi sinh hoạt với hội cao niên, đi thăm người này, đi viếng người kia…Lúc đó bạn có vui vẻ lắng nghe, có sẵn sàng đưa bà cụ đi không? Hay là bạn càu nhàu, nhăn nhó, hay t phiền ệ hơn nữa, nói những lời làm bà cụ buồn

• Đang lúc đọc lời truyền phép: “Cùng một thể thức ấy sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng và trao cho các môn đệ và nói…” thì điện thoại của một người nào đó kêu ầm ĩ theo điệu nhạc: “Ò e Ro-be đánh đu, thằng tây nhảy dù, cow boy bắn súng…”Lúc đó bạn vẫn cầm lòng cầm trí, vẫn cử hành thánh lễ bình thường, hay là bạn nhăn nhó và nhìn về phía người giáo dân đó với cặp mắt mang hình “viên đạn”?

• Tình hình kinh tế xuống dốc, công việc thì ít, mắm muối, gạo thịt, xăng nhớt cứ lên giá vùn vụt…Vậy mà tháng nào nhà thờ cũng xin tiền lần thứ hai cho chỗ …. này chỗ nọ … Bạn có vui vẻ làm theo lời khuyên của ông Tô-bít: “Tùy con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít” (4:8). Hay là bạn lầm bầm: “Lại tiền, cứ đến nhà thờ là nghe xin tiền, mai mốt ông đi...chùa cho khoẻ!”

Còn nhiều lắm, mà tôi tin rằng ít nhiều gì thì bạn cũng đã cảm nghiệm được rằng thực hành lòng thương xót không phải là chuyện dễ dàng. Như vậy thì phải làm sao đây? Không lẽ thấy khó rồi chúng mình bỏ cuộc không thực hành lòng thương xót như Chúa Giêsu mong ước hay sao? No way! Bạn và tôi phải nỗ lực cố gắng, và kiếm cách để thực hành lòng thương xót, để rồi mình mới được Thiên Chúa xót thương.

Để có thể thực hành “lòng thương xót đối với những người lân cận của mình, bất cứ lúc nào và ở đâu, không được thoái thác hay tránh né, hoặc chữa mình” (Nhật Ký # 742) bạn và tôi hãy nhớ “Khi tôi thực hành lòng thương xót với người khác, là khi đó tôi và bạn đang thương xót chính bản thân mình và đang làm LỢI cho chính mình nữa.” Lợi ở chỗ nào hả? Có đấy! • Lợi ở đời này. Bởi vì Chúa Giê-su đã khẳng định: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mc 4:24). Khi bạn và tôi lâm cảnh khốn khó và nghèo túng… lúc đó, tha nhân và chính Chúa sẽ tỏ lòng thương xót chúng mình y như chúng mình đã có lòng thương xót tha nhân vậy. Bây giờ mà mình không thực hành lòng thương xót đối với tha nhân, thì mai mốt này sẽ không có ai thương xót mình cả, đó là một sự thật rõ ràng như 2+2=4 vậy!

• Lợi ở đời sau. Khi còn sống ở đời này mà chúng mình biết thương xót người ta, thì khi ra trước tòa phán xét, bạn và tôi chắc chắn sẽ được Thiên Chúa xót thương, tha thứ và sẽ được Ngài ban thưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Bởi vì Chúa Giê-su đã phán: “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).

Thực hành lòng thương xót đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em, với bà con láng giềng, với bạn bè, với các linh mục, với các tu sĩ, với các dòng tu, với những anh chị em mình chưa hề biết mặt, chưa hề gặp gỡ… thương xót họ bằng những hành động cụ thể là một cái PHÚC cho mình, cho gia đình, cho con cái cháu chắt của mình nữa, bạn có tin không?

Nếu bạn tin thương xót người khác là có PHÚC thì xin bạn đừng ngần ngại hay so đo tính toán nữa, JUST DO IT! Còn nếu bạn không tin đó là cái PHÚC, thì Chúa cũng xin chào … thua! Cầu chúc bạn một mùa Phục Sinh tràn đầy ơn Chúa, mạnh khỏe và bình an.

Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

---------------------------------
 

PS 2-ABC454: MUÔN ĐỜI THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG


“Thiên Chúa giàu lòng thương xót là Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Chính Người là Con Thiên Chúa đã tỏ lộ và cho chúng ta biết Cha nơi chính bản thân mình” (thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 1).
 

Suy niệm từ Cựu sang Tân Ước, không có trang nào của Thánh Kinh không gợi lên, không nêu cao PS 2-ABC454


Suy niệm từ Cựu sang Tân Ước, không có trang nào của Thánh Kinh không gợi lên, không nêu cao tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Từ ngàn đời, Thiên Chúa đã thể hiện Thiên Chúa chính là Đấng giàu lòng thương xót. Thiên Chúa xót thương và chăm sóc nhân loại, nhưng không phải nhân loại chung chung, mà tình yêu thương xót ấy thể hiện cụ thể trên từng người một.

1. Thiên Chúa xót thương trong tạo dựng và cứu chuộc.

Chính vì tình yêu thương xót, Thiên Chúa đã tạo dựng con người cách độc đáo, đầy “trách nhiệm”, và là sự thông chia chính mình, thông chia chính sự sống, thông chia quyền bá chủ của mình.

Thiên Chúa tạo dựng họ không giống bất cứ cái gì, nhưng là mang chính hình ảnh của Người. Thánh Kinh diễn tả “tâm trạng” của Thiên Chúa thật cảm động: Người tạo dựng mọi vật xem ra quá dễ dàng, chỉ cần “Thiên Chúa phán…(mọi vật) liền có…” (St 1, 1tt).

Đến khi phải tạo dựng loài người, không phải “phán”, “liền có” nữa. Kinh Thánh cho thấy, Thiên Chúa như nghĩ ngợi lắm, cân nhắc lắm. Người như đặt vào công trình tạo dựng cuối cùng này tất cả trách nhiệm, tất cả chiều sâu suy tư, tất cả nỗi niềm của bản thân.

Thiên Chúa tự ngỏ với chính mình: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1, 26).

 Và kết quả vô cùng đẹp, vô cùng đáng quý: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ…” (St 1, 26-28).

Khi lòng dạ con người bội phản, vì xót thương, Thiên Chúa lại trao ban tình yêu cứu chuộc. Người đã không vì tội của loài người mà hủy diệt họ. Thay vì hủy diệt, Thiên Chúa cứu họ đời đời. Thiên Chúa không bao giờ thay lòng đổi dạ trong tình yêu thương xót của Người:

“Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31, 3). Hay:“Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,l0).

Con Một của Thiên Chúa là chính ơn cứu chuộc, là bằng chứng về sự sống, để nhân loại tiếp tục được sống. Thánh Phaolô đã phải ngỡ ngàng trước tình yêu của Đấng Toàn năng dành cho loài thụ tạo phản trắc:

“Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 6-8).

Chúa Kitô còn khẳng định mạnh mẽ hơn, để đòi chúng ta tin Người, để nhờ tin, chúng ta được cứu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Đó là một tình yêu dâng cao ngút ngàn, lên đến đỉnh điểm khi quyết hiến trao Con Một cho trần thế. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã một lòng xót thương. Đến muôn đời Thiên Chúa vẫn thủy chung thương xót.

Ban Con Một là một quyết định không thể tả, không còn quyết định nào bằng.“Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8, 32a), thì Thiên Chúa còn tiếc gì với chúng ta. “Một khi Người đã ban Người Con đó, Lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8, 32b).

Từ nay Thiên Chúa tự hiến chính mình nơi Người Con Một. Từ nay Thiên Chúa hiện diện gần gũi, cụ thể giữa loài người nơi Người Con Một. Từ nay Thiên Chúa đã thân hành xóa khoảng cách đến không còn khoảng cách: Bởi từ nay, nơi Người Con Một, Thiên Chúa, đã “cắm lều” ở giữa loài người.

Bởi vậy, khi công bố về tình yêu cao dâng đến vô bờ của Thiên Chúa, Chúa Kitô đã nói bằng những lời thắm thía: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…”. Cũng như khi chúng ta diễn tả: “Tôi vui đến nỗi tôi đã….”. Liên từ “đến nỗi” là liên từ diễn tả sự vỡ òa, diễn tả sức mạnh lan tràn, diễn tả nỗi niềm lớn hơn điều mà mình có thể nói ra, có thể bộc lộ. Nó diễn tả sự lớn lao hơn nhiều, mà giới hạn của ngôn từ đã không thể cho biết hết.

Thiên Chúa “yêu đến nỗi”, nghĩa là lòng yêu của Thiên Chúa đã ngút ngàn, không còn cách nào khác, không còn bất cứ một giới hạn nào. Tình yêu ấy, một tình yêu “đụng trần” đã trao dâng đến đỉnh điểm, đã là một lực mạnh trên mọi sức mạnh, vượt thắng mọi sức mạnh.

Thiên Chúa “yêu đến nỗi” là yêu đến tận cùng. Vì thế, để diễn tả sự cùng tận của tình yêu ấy, hành động hiến trao Con Một là hành động quá đỗi, không gì bằng, không còn gì khác hơn, không thể có gì thay thế.

Cảm nghiệm được tình yêu ngàn đời như một của Thiên Chúa, thánh Phêrô say sưa, sung sướng giảng về Chúa Kitô, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa như một đam mê không thể cưỡng, như một đòi buộc không thể bỏ qua:

“Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi” (Cv 2, 23-24).

Vô vàn những lần Thiên Chúa thể hiện Người là Đấng đầy lòng xót thương. Trọn cả dòng lịch sử cứu độ, là trọn cả dòng lịch sử khắc ghi đậm nét tình yêu thương hãi hà của Thiên Chúa.

Đó là một tình yêu ngàn đời không đủ lời chúc tụng. Đó là một tình yêu núi không thể đo, biển không thể lường. Đó là một tình yêu dù giàu sức tưởng tượng cũng không thể tưởng nghĩ. Đó là một tình yêu dũng mãnh, bền bỉ, trung thành, bao dung, đầy ắp, vời vợi, đằm thắm, trào tràn, cuồn cuộn, dịu ngọt, luôn luôn trao ban, luôn luôn đi bước trước, luôn luôn tín thành, luôn luôn hiến dâng…

2. Chúa Kitô xót thương loài người.

Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (TC gltx) nói về Chúa Kitô: “Khi trở thành tình thương nhập thể, tình thương được biểu lộ với một sức mạnh đặc biệt đối với những người đau khổ, những người bất hạnh và những người tội lỗi, Đức Kitô, Đấng hoàn tất làm cho Chúa Cha hiện diện và cũng mạc khải đầy đủ hơn Chúa Cha là Thiên Chúa ‘giàu lòng thương xót’” (số 3).

Bởi Thiên Chúa, từ ngàn xưa, đã không bao giờ rút lại tình yêu thương xót, vì thế, Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa làm người đã thể hiện mọi nơi, mọi thời tình yêu thương xót không mệt mỏi ấy.

Nhiều lần, Tin Mừng cho thấy Chúa Kitô tỏ lòng thương xót như thế. Người mời gọi kẻ nhọc nhằn hãy đến để được Người sớt chia ưu tư, thống khổ của họ: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho” (Mt 11, 28).

Chúa nhìn thấy sự đói của những người theo Chúa. Đã hơn một lần, Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ (x. Mt 14, 13–21; Mt 15, 32-39; Ga 6, 1-15).

Chúa xót xa trước những cảnh đời sống trong bệnh tật. Chúa chữa lành cho họ, như đã từng chữa lành cho người phụ nữ bệnh loạn huyết mười hai năm (x. Mt 9, 20-22), chữa người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9, 1-41)…

Chúa xót xa trước giọt nước mắt đớn đau của người mẹ khóc con, của người chị khóc em, như trường hợp Chúa cho đứa con của bà góa thành Naim hay cho Lazarô sống lại (x. Lc 7,11-17; Ga 11, 1-45)… Chúa chạnh lòng trước bệnh tật đớn đau của đầy tớ ông đội trưởng (x. Mt 8, 5-13), hay cái chết của con gái ông trưởng hội đường (x. Mc 5, 21-43)…

Chúa lập tức chữa lành cho tên lính bị thánh Phêrô chém đứt tai mà không cần bất cứ một điều kiện nào, dù lúc đó, Chúa đang bị người ta lên án và sẽ giết chết Chúa ngay sau đó (x. Ga 18, 10-11).

Đến giây phút cuối đời, lúc mà Chúa phải chết thảm trên thánh giá, Chúa vẫn đầy lòng xót thương đối với người trộm cùng bị đóng đinh (x. Lc 23, 39-43)…

Chúng ta không thể kể hết những lần Chúa tỏ tình yêu xót thương đối với con người. Đặc biệt cả cuộc đời, từ vâng lệnh Chúa Cha, nhập thể, sống nơi trần gian, chết cay đắng, sống lại vinh quang, vinh thăng trên trời… đều là tình thương tự nguyện của Chúa Ngôi Hai dành cho chúng ta, một tình thương không thể chứa đựng nơi mọi mỹ từ của loài người, khi phải diễn tả tình thương ấy.

Tình yêu dẫn đến cái chết cho người mình yêu đã lớn. Một tình yêu tự nguyện ném mình vào cái chết càng lớn lao khôn xiết. Dù vâng lệnh Thánh ý tuyệt đối, trước sau gì, Chúa Giêsu vẫn thể hiện mạnh mẽ tình yêu của chính Chúa cho trần thế chúng ta: Chúa tự nguyện đến cùng trong sự tự hiến chính mình:

“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là lệnh của Chúa Cha mà tôi đã nhận được” (Ga 10, 17-18).

Vì lòng xót thương, trên thánh giá, lời Chúa Kitô “xin Cha tha cho chúng…” (Lc 23, 34), đâu chỉ là lời dành cho những kẻ đang đùng đùng sát khí dưới chân thánh giá.

Nếu nhập thể là để cứu độ, và bây giờ, vinh thăng trên trời, ngự bên hữu Chúa Cha là để chuyển cầu cho ta, để đưa ơn cứu độ của ta đạt đến vĩnh cửu, thì lời “xin Cha tha cho chúng” là, và phải là lời muôn đời Chúa Kitô chuyển cầu cho tất cả chúng ta.

Chúng ta quá đỗi hạnh phúc vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô dành cho chúng ta. Chính nhờ tình yêu thương xót, Chúa Kitô là trạng sư tuyệt đối, đời đời trước tòa Thiên Chúa.

Vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến lúc trao hơi thở sau hết, lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng, khi “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34).

Trái Tim mở ra là để nhân loại hạnh phúc ngụp lặn trong biển tình yêu vời vợi ấy. Dòng máu cứu chuộc trở thành nguồn sự sống và sức sống cho tất cả mọi người thiết tha tìm đến. Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa thương xót chúng ta.

Nhưng không dừng ở đó. Trái Tim Chúa Kitô mở ra, không chỉ cho thấy sự mạnh mẽ, dữ dội của tình yêu nơi Chúa Kitô dành cho loài người. Hình ảnh Trái Tim mở ra, gợi lại cho chúng ta lời tiên tri Hôsê từ xa xưa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11, 8).

Lòng Thiên Chúa chứa đầy yêu thương. Thiên Chúa đã yêu. Mãi mãi cứ yêu. Ngàn đời tình yêu Thiên Chúa vẫn không cùng. Vì thế, Trái Tim Chúa Kitô vừa khắc sâu tình yêu của Thiên Chúa, vừa bộc lộ đến vô cùng tình yêu chan chứa, chứa đầy trong Trái Tim Thiên Chúa.

Làm sao có thể nói hết tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Chỉ xin được nhìn ngắm bài học của lòng thương yêu ấy, để chúng ta cũng sống tình người bằng lòng bác ái, vị tha, đón nhận, cảm thông… giữa người cho nhau, vì nhau trong cõi đời này…

3. Nỗ lực của chúng ta sống lòng xót thương.

Người Kitô hữu cần thể hiện tình yêu thương xót bằng chính việc thực thi lòng xót thương của mình. Lời mời gọi sống tình yêu thương xót là một trong những lời mời gọi triệt để nhất của Tin Mừng. Càng suy niệm Tin Mừng, chúng ta càng nhận ra giáo huấn về việc thực thi lòng xót thương là vô cùng cụ thể.

Chẳng hạn, có lần đám đông hỏi thánh Gioan tẩy giả: “Chúng tôi phải làm gì đây?”, thì được trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11).

Còn Chúa Giêsu khẳng định giúp đỡ anh chị em là giúp đỡ chính Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…. Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 31 - 46).

Chúa muốn chúng ta phải quảng đại, phải biết luôn mở rộng vòng tay, mở rộng cửa trái tim. Chúa muốn chúng ta không tiếc thời giờ, tài năng và vật chất khi anh chị em xung quanh cần đến.

Trên bình diện ngôn từ, chúng ta quảng đại cho đi những lời động viên, khen ngợi, ủi an, sớt chi nỗi niềm và đừng phê phán, đừng chỉ trích. Hãy thể hiện sự đồng cảm. Cần biết bản thân cũng đầy thiếu sót, lỗi lầm để không trở thành "quan tòa" lên án anh chị em. Tôi nhớ, có lần đọc được ở đâu đó lời này, đáng để chúng ta ngẫm nghĩ: “Xin đừng phê phán tôi vì tôi phạm tội khác hơn bạn”.

Trên bình diện đời sống, bắt đầu sự sống mỗi ngày bằng những món quà nhỏ mọn: một nụ cười, một cái bắt tay, một sự thân thiện, một cái nhìn trìu mến, một cử chỉ thật lòng… Hãy tận tâm hy sinh, tận tâm phục vụ. Hãy hy sinh âm thầm, phục vụ lặng lẽ…

Hãy cố gắng:

Không bực mình khi bị làm phiền;
Không càm ràm khi chạm phải điều gì khó chịu;
Không sửng cồ, nóng nảy khi bị khiêu khích;
Không gây bất hòa khi đối diện với hoàn cảnh không mong muốn;
Không thể hiện bức bối khi đối diện với người, với hoàn cảnh không vừa ý.
Không khoe khoang bản thân;
Không tìm tư lợi;
Không để bụng oán ghét;
Không hận thù dù với ai, với bất cứ hoàn cảnh nào...

Ngược lại, mọi nơi, mọi lúch chúng ta hãy học tinh thần cảm thông, chịu đựng, đón nhận, khoan dung, mực thước, nhịn nhục, tha thứ, nhẫn nại, suy nghĩ điều tích cực, suy đoán điều có lợi cho đối phương...

Chúng ta đừng quên, cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi phát triển ngày càng mạnh là nhờ lòng quảng đại của từng thành viên trong cộng đoàn ấy. Ngày nay, nếu chúng ta sống bên cạnh nhau, luôn biết không chỉ xem “mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32), mà còn hiến mình xây dựng Nước Chúa tại nơi mình sống, ngay trong cộng đoàn mình hiện diện, sẽ càng làm gia tăng biết bao lợi ích thiêng liêng cho chính bản thân, cho mọi thành viên và cho cả cộng đoàn.

Một cuộc sống tuyệt vời, một cuộc sống đáng sống sẽ diễn ra nếu mỗi người đều thực thi tình yêu thương xót bằng chính lòng quảng đại của mình.

Chỉ cần từng người nỗ lực thực thi lòng thương xót mà Thiên Chúa và Chúa Kitô đã đi bước trước và thể hiện, thì chắc chắn, mọi nơi, mọi lúc sẽ chỉ tràn ngập những điều tốt đẹp, tràn ngập niềm vui sống, tràn ngập tình yêu dành cho sự sống.

Hãy thực thi lòng thương xót bằng thể hiện sự quảng đại ngay bây giờ, ở đây, ngày hôm nay.

Hãy cấp tốc làm cho tình yêu thương xót của Chúa được thể hiện bằng mỗi phút giây.

Hãy thể hiện sự quảng đại của chính chúng ta cách liên tục, không dừng lại, không ngơi nghỉ, không mệt mỏi.

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

---------------------------------
 

PS 2-ABC455: TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH ĐÒI HỎI MỘT THÁI ĐỘ XÁC TÍN

 

Chúa Giêsu nói với Tôma: “Đừng cứng lòng nữa” (Ga 20;27). Còn chúng ta thường gọi tất cả PS 2-ABC455


Chúa Giêsu nói với Tôma: “Đừng cứng lòng nữa” (Ga 20;27). Còn chúng ta thường gọi tất cả những ai muốn sống theo câu phương châm “có thấy mới tin” là “cứng lòng tin” vì họ tìm kiếm những dấu hiệu hữu hình để xác định niềm tin của họ. Có bao giờ chúng ta muốn xem xét lại sự cứng lòng tin này của Tôma không?

1. Một nguyên cớ khiến Tôma chưa tin

Khi đọc câu chuyện về Tôma sau sự phục sinh của Chúa, chúng ta hiểu gì về Tôma? Chúng ta có bao giờ nhận ra rằng Tôma không hoàn toàn nghi ngờ Chúa Phục sinh không?

Thực ra, các tác giả Tin Mừng không đề cập nhiều về Tôma ngoại trừ việc Tôma được Chúa Giêsu chọn vào số mười hai Tông đồ. Chỉ có Tin Mừng Gioan mới đề cập đến Tôma chi tiết hơn. Lần đầu tiên Tin Mừng theo Gioan nhắc đến Tôma là ở chương 11. Chúa Giêsu được hai chị em cô Mácta và Maria cho người đến báo: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11:3). Chúa Giêsu biết rõ những gì đang và sẽ xảy ra: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11:4). Ngài không vội thực hiện cuộc hành trình đến với họ: “Sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Ngài còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở” dù Ngài “quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11:5-6). Tuy nhiên Chúa Giêsu có ý định đi đến Bêtania: “Rồi sau đó, Ngài nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê!” (Ga 11:7). Một số ông nghĩ rằng trong hoàn cảnh này việc đi đến Giuđê thực sự nguy hiểm, vì lúc đó các nhà lãnh đạo Do Thái đang tìm cơ hội để giết Chúa Giêsu: “Các môn đệ nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” (Ga 11:8). Chính Tôma,  khi nhận ra Chúa Giêsu quyết tâm đến Bêtania, ông nói với những người khác: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16). Như thế, chúng ta có thể thấy Tôma dũng cảm. Ông sẵn sàng sát cánh bên Chúa Giêsu cho đến chết. Ông kêu gọi những người khác cùng đi với Thầy mình trở lại miền Giuđê, nơi không chỉ có làng Bêtania mà còn thành Giêrusalem nữa, nơi người Do thái đang “tìm cách bắt Ngài” (Ga 10:39), vì “Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số” (Ga 11:18).

Vài chương sau, Gioan ghi lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa ăn tối cuối cùng. Chúa Giêsu đang chuẩn bị các môn đệ vượt Qua qua đau khổ để đến vinh quang - nhưng một cách kín đáo: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: "Nơi tôi đi, các người không thể đến được", bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy” (Ga 13:33). Ngôn ngữ của Chúa Giêsu có vẻ như đánh đố. Người ta có thể cảm thấy các môn đệ cố sức hiểu hàm ý những gì Chúa Giêsu đang nói. Dĩ  nhiên Tôma cũng vậy, nhưng cuối cùng chỉ một mình ông lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14:5). Ngay trước lúc đó ít phút, chính Phêrô cũng đặt một câu hỏi tương tự: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” (Ga 13:36). Những người khác hẳn cũng bối rối như hai ông. Họ không hiểu nhưng họ không hỏi. Họ không dám lên tiếng. Riêng Tôma thì khác, ông không chịu im lặng. Ông không hiểu và ông muốn hiểu! Ông không thể theo Chúa Giêsu nếu ông không biết ở đâu và bằng cách nào. Tôma thẳng thắn và thực tế một cách khác biệt. Đơn giản là như vậy.

Hai câu chuyện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn phản ứng của Tôma sau khi Chúa sống lại. Đấng Phục Sinh hiện ra giữa các môn đệ đang tụ tập trong sợ hãi sau những cánh cửa khóa kín, và làm họ tràn ngập niềm vui: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20:22). Ngài ban cho họ Thần Khí của Ngài và giao cho họ sứ mệnh tiếp tục công cuộc cứu độ: “Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20: 22-23). Chúa Giêsu làm cho những người bạn thân nhất của Ngài biết đến sự hiện diện và quyền năng của Ngài và ban cho họ chính Thánh Thần, ân huệ thần linh. Ít nhất đó là những gì Thánh sử Gioan cho chúng ta biết.

Nhưng Tôma không có mặt: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Chúa Giêsu đến” (Ga 20:24). Có lẽ lúc ấy ông đang ở bên ngoài. Trong hoàn cảnh đó không ai dám bước chân ra khỏi cửa: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái” (Ga 20:19). Nhưng Tôma thì khác. Ông dám bước ra, không hề sợ hãi, có thể là liều lĩnh nữa.

Tôma quay lại và họ nói với ông rằng họ đã nhìn thấy Chúa - nhưng đối với Tôma, có điều gì đó không đúng! Có thể ông đang nghĩ nếu anh em đã thấy lại Thầy tại sao anh em vẫn chôn chân trong căn phòng này? Nếu anh em đã gặp lại Thầy yêu dấu, tại sao tôi không thể đọc được niềm vui tràn ngập trên khuôn mặt anh em? Anh em còn chờ đợi điều gì? Chờ Tôma này trở lại sao? Chắc chắn là không, nếu thực sự xác tín, anh em sẽ hân hoan ra mặt và háo hức đến mức tôi có thể nhìn thấy sự thay đổi trong mắt anh em chứ!

Vì vậy, Tôma nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có tin” (Ga 20:25). Tôma như muốn trách khéo các tông đồ: “Tôi không thấy anh em đáng tin”. Tôma - đơn sơ, thực tế, thẳng thắn - người không hiểu nhưng muốn hiểu, người khao khát bước theo Chúa Giêsu nhưng cần biết đường đi. Có lẽ Tôma khi đó chưa có ý niệm gì nhiều về việc Chúa sống lại. Không có gì để nói ông tin hay nghi ngờ việc Chúa sống lại cho bằng ông nghi ngờ lời nói của bạn bè! Tôma nhận thấy rất khó có khả năng Chúa đã sống lại vì chung quanh ông có một nhóm nhân chứng mà ông thấy không đáng tin cậy. Tôma nghi ngờ lời nói và chứng tá của cộng đoàn các môn đệ của Chúa lúc đó. Tôma không thể đọc được sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trên khuôn mặt của những người bạn đồng liêu của mình.

Tôma sẽ đọc gì trên khuôn mặt của chúng ta? Chúng ta đọc được gì trên khuôn mặt của nhau khi chúng ta hát “Hallêluia, Chúa nay thực đã phục sinh”? Chúng ta cần trở nên một cộng đoàn đáng tin cậy, một cộng đoàn đã nhìn thấy Chúa và được biến đổi. Có một câu nói cổ xưa trong Giáo hội phương Đông: “Nếu bạn muốn biết Chúa Giêsu có thực sự sống lại hay không, hãy nhìn những khuôn mặt chung quanh bạn trong đêm Vọng Phục Sinh.”

2. Từ nghi ngờ đến tuyên tín

Chúa Giêsu sống lại đã gọi Tôma là “cứng lòng”; chúng ta cũng có thể là kẻ cứng lòng như Tôma.  Nhưng hiển nhiên Chúa Giêsu không mặc kệ sự cứng lòng của Tôma, và có lẽ của các tông đồ khác, dù họ chưa bộc lộ rõ ràng ra bên ngoài giống như tính cách Tôma thường có. Chúa Giêsu đã dùng quyền năng Thiên chúa của mình làm cho kẻ chết sống lại: con gái ông Giairô trưởng hội đường (Mc 5:22), con trai bà góa thành Naim (Mt 7:11), nhất là Ladarô chết chôn bốn ngày bước ra khỏi huyệt mộ (Ga 11:4-44). Nhưng việc một người chết thực sự, được tẫn liệm và mai táng trong huyệt mộ niêm phong kỹ càng, đến ngày thứ ba tự sống lại, là chuyện không bao có thể xảy ra từ xưa đến nay, và mãi mãi cho đến tận cùng của thời gian, trừ một mình Ngài. Chắc chắn Chúa Giêsu biết rất rõ việc đó. Ngài đã loan báo trước cho các môn đệ không ít lần: “Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (lần 1, Mt 16,21-23), (lần 2, Mt 17,22–23), (lần 3, Mt 20,17–19), nhưng các ông làm sao hiểu nổi chuyện có một không hai như thế: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Ngài về lời ấy” (Lc 9:44-45). Cho nên yêu cầu các môn đệ của Ngài tin vào sự phục sinh của Ngài mà không cho họ thấy những vết thương ở tay, chân và cạnh sườn mà Ngài đã chịu trước khi chịu chết xem ra là một đòi hỏi quá khó. Tôma chỉ yêu cầu điều mà ông, và có thể coi là thay mặt cho các tông đồ khác, cảm thấy đó là việc “đương nhiên” phải có. Chính vì thế Chúa Giêsu không bác bỏ yêu cầu “phải lẽ” này: “Ngài nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:38-29). Hôm nay, Chúa Giêsu cũng cho Tôma, cũng là cho các môn đệ khác, thấy các dấu chứng đó: “Ngài bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20:27). Lại một lần nữa không ai trong số những người khác đáp lại Chúa Kitô phục sinh. Trước Đấng Phục Sinh tỏ tường, Tôma tràn đầy đức tin. Ông tuyên xưng bằng một đức tin trọn vẹn và vững chắc: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Tôma biết lời ông tuyên xưng có nghĩa gì. Ông biết rằng nếu Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì mọi điều Ngài nói về chính Ngài, mọi điều Ngài rao giảng là đúng: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Sự cứng lòng tin Tôma bây giờ lại hóa thành chứng tá vượt trội về Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Thánh Gioan khẳng định, trong bài đọc thứ hai hôm nay, rằng: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật… Ai tin vào Con Thiên Chúa, người đó có lời chứng ấy nơi mình. Ai không tin Thiên Chúa, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Ngài. Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Ngài. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.” (1 Ga 5:5-6; 10-12).

Câu chuyện này thực sự là chuyện của mỗi người chúng ta: để sống một cuộc đời xứng đáng với Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng Cứu Độ của chúng ta, chúng ta không tránh khỏi chiến đấu với sự nghi ngờ, bị nỗi sợ hãi đè nặng và liên tục thấy mình thiếu rất nhiều điều Ngài đang mong đợi nơi chúng ta. Những gì Tôma đã làm có thể là điều chúng ta cũng cần phải làm theo - để vượt qua chính sự nhát đảm của mình, để tin và sống niềm tin ấy như Chúa Giêsu Phục sinh nói với Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).

Phêrô Phạm Văn Trung

---------------------------------
 

PS 2-ABC456: CHÚA PHỤC SINH, CÒN MANG ĐẦY THƯƠNG TÍCH!


Anh chị em thân mến,
 

Hẳn anh chị em vẫn biết rằng Phục Sinh là mầu nhiệm; một mầu nhiệm nền tảng và cao trọng nhất PS 2-ABC456


Hẳn anh chị em vẫn biết rằng Phục Sinh là mầu nhiệm; một mầu nhiệm nền tảng và cao trọng nhất của Ki-tô giáo. Và nếu đó là mầu nhiệm thì đầu óc con người sao hiểu thấu được! Chỉ còn nhờ vào niềm tin. Vì thế, mục đích của việc Chúa hiện ra là để củng cố đức tin cho các Tông Đồ và các môn đệ, sau đó Người trao ban cho các ông sứ mạng làm chứng nhân về biến cố Phục Sinh mà chính các ông cảm nhận.

 Trình thuật hôm nay kể lại hai lần hiện ra của Chúa Giê-su. Việc đầu tiên Người làm trong hai lần hiện ra là chúc bình an cho các môn đệ. Đây không phải là lời chúc mà thôi, nhưng đó là ân huệ đầu mùa của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ. Người không chỉ chúc một lần, nhưng đã lập lại lời chúc ‘Bình an cho anh em’ đến ba lần.

Khi đón nhận ơn bình an của Chúa Phục Sinh, các môn đệ cũng hiểu rằng họ phải trao ban cho người khác điều mà họ vừa lĩnh nhận, nghĩa là trở thành sứ giả bình an cho nhân loại. Có nghĩa là khi chúng ta chúc bình an cho nhau là lúc chúng ta cầu mong cho nhau được bình an thật sự. Việc này chỉ có thể có được khi chúng ta được bình an mà thôi. Không ai trong chúng ta có thể trao cho người khác điều mà chúng ta không có!

Sau đó Chúa cho họ thấy tay và cạnh sườn của Người. Khi làm như thế, Chúa muốn cho các ông nhận ra rằng thân xác của Chúa Phục Sinh và con người đã trải qua khổ nạn, chết trên Thập Giá là một người. Vinh quang chỉ tỏ hiện qua hành trình của đau khổ. Cho dù hy sinh đi liền với các bi kịch trong cuộc sống của Chúa; nhưng qua hy sinh Chúa đã hoàn tất mầu nhiệm Tình Yêu để chiến thắng bằng cuộc chỗi dậy và hiện diện một cách vĩnh cửu. Khi thấy những chứng tích đó, các môn đệ đã vui mừng và tin rằng người đang ở trước mặt họ là Đức Giê-su, vị Thầy đáng kính của họ.

Sau đó, Chúa Giêsu tiếp tục ban bình an và Thánh Thần cho các ông để các ông ra đi hoàn thành sứ mạng mà chính Người vừa hoàn tất.

Lần hiện ra thứ nhất này không có mặt Tôma. Các môn đệ khác đã kể lại cho ông biết về việc này: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Nhưng Tôma đã không tin vào lời loan báo của các bạn mình. Thật ra, các bạn của ông cũng chẳng làm chứng được gì. Họ vẫn đóng kín vì sợ hãi. Cho dù Thần khí đã đuợc trao ban, nhưng các bạn của Tôma đã không để cho sức mạnh của Thần Khí tác động. Họ vẫn chưa ra khỏi vùng an toàn, vẫn dựa vào các cánh cửa đã đuợc đóng kín để bảo vệ, chưa sẵn sàng ra đi rồi vịn cớ là không biết đi đâu! Lời loan báo của họ không đi đôi với việc họ làm thì làm sao khiến Tôma tin đuợc.

Còn Tôma, ông muốn niềm tin của ông phải dựa trên trải nghiệm của cá nhân; ông muốn chạm vào thân thể của Chúa, nên đáp rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, lần này có mặt Tô-ma.

Cũng như lần hiện ra lần trước. Việc đâu tiên Người làm là ban bình an cho các môn đệ rồi sau đó quay sang Tôma và nói: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tôma đã đáp trả bằng một niềm xác tín thật cao độ rằng Người là CHÚA và là THIÊN CHÚA của ông.

Sau đó qua Tôma, Chúa đã thể hiện tình thương của Người dành cho chúng ta bằng cách trao ban cho chúng ta thêm mối phúc nữa là “Phúc thay những người không thấy mà tin.”

Trước khi xem xét cách biểu lộ niềm tin của Tôma, chúng ta biết rằng ông không phải là trung tâm của bài Tin Mừng hôm nay. Trình thuật nói về việc Chúa hiện ra thì Chúa phải là trọng tâm. Khi nhìn như thế, chúng ta mới khám phá ra lòng đại lượng phát sinh từ tình yêu của Chúa.

Chúng ta vẫn thường đuợc dậy bảo niềm tin vào Chúa phải là một niềm tin vô điều kiện, phó thác hoàn toàn theo Chúa. Nhưng hôm nay, Chúa hành xử với Tôma quả thật khác hẳn với lối suy nghĩ cầu toàn của chúng ta. Chúa chấp nhận điều kiện mà Tôma đưa ra. Cho dù đã đuợc tôn vinh, nhưng Chúa vẫn không che dấu các thương tích. Đó chính là chứng tích của Tình yêu thì làm sao phải che dấu! Các vết thương đó cần đuợc bộc lộ hơn là che dấu.

Tôma cũng có nỗi đau của riêng mình. Ông cũng là nguời đang mang thương tích. Chúa Giê-su, Thầy đáng kính của ông đã chết. Cái chết của Người để lại trong ông một tâm trạng buồn rầu và mất mát; ông và dân tộc ông còn biết trông cậy và nương tựa vào ai nữa đây. Ông đi trốn một mình. Ông cần có một không gian và nơi ẩn nấp để đối diện với niềm đau này. Vì thế ông đã hụt mất một cơ hội khi Chúa hiện ra lần trước.

Các bạn của ông cũng thế, họ cũng có niềm đau rồi sinh ra chán nản và thất vọng. Nhưng họ đã chọn cách đối diện với bi kịch mà họ đang đón nhận bằng cách liên đới, chia sẻ, an ủi và hỗ trợ nhau. Trước đây họ nương tựa vào Thầy. Sau khi Thầy của họ bị giết, họ không biết số phận của họ rồi sẽ ra sao? Thầy của mình quyền năng đến dường nào mà còn bị xử tử phương chi là họ, những cậu học trò nhút nhát và sợ sệt. Trong tình thế đó, họ chọn giải pháp đi trốn để dấu đi nỗi sơ hãi.

Nói chung là chỉ có ai đã kinh qua đau khổ mới thông cảm cho những người đồng cảnh ngộ. Chúa đã bị thương tích và Người cũng nhìn thấy các nỗi đau khổ mà Tôma đang đối diện; vì thế Người cũng muốn cho ông biết là Người rất thông cảm với yêu cầu của ông.

Qua sự tiếp xúc, Thầy trò gặp và nhận ra nhau. Chúa chữa lành thuơng tích cho ông. Còn ông nhận ra Thầy mình là Chúa và là Thiên Chúa của ông. Ông đầu phục hoàn toàn trước quyền năng của Thầy mình, Đấng mới bị án tử mấy ngày qua.

Để kết thúc bài suy niệm, chúng tôi xin gửi đến anh chị em tâm tình của Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle đã chia sẻ cho các thành viên tham dự tĩnh tâm tại Tổng Công Hội lần thứ 25 của Dòng Chúa Cứu Thế, tổ chức ở Pattaya, vào năm 2018, tại Thái Lan. Ngài nói như sau:

“Chúa Phục Sinh không xoá đi dấu vết của thập giá. Vết thương vẫn là vết thương. Thế giới của chúng ta đầy những vết thương. Ai nhắm mắt lại trước những vết thương của anh chị em mình thì không có quyền tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chạm vào những vết thương của nhân loại là điều kiện cần thiết cho một đức tin đúng nghĩa.

Chúng ta hãy chạm vào vết thương của người nghèo, hãy đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thâu của họ. Đó chính là phần tuyên xưng đức tin của chúng ta. Chối từ những vết thương của anh chị em mình là cắt đứt những cầu nối của tình hiệp thông.

Chúng ta thường sợ chạm vào những vết thương của người khác.

Tại sao vậy? Một phần sợ bị lây nhiễm, phần khác vì chúng ta sợ gợi lại chính những vết thương của chúng ta. Sợ hãi này làm cho chúng ta xa cách anh chị em chúng ta. Có một mối hiệp thông sâu hơn. Đó là hiệp thông với nhau trong những vết thương chung, nỗi đau chung, cái nghèo chung. Người liên kết chúng ta lại với nhau và đã ôm lấy tất cả chính là Chúa Giêsu đã trải qua muôn ngàn khổ đau rồi mới đuợc Phục Sinh. Trong Đức Ki-tô chúng ta hiệp thông với nhau; trong Chúa Cứu Thế chúng ta liên đới với nỗi đau và mang lấy vết thương của anh chị em mình.

Hãy gặp và chạm vào chính Chúa Phục Sinh, Đấng đang mang thương tích nơi những anh chị em nghèo, bị tổn thương, bị bỏ rơi, đang lầm đường, đầy tội lỗi. Cùng nhau đến với họ bằng sự dịu dàng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy để tình liên đới với người nghèo trở thành nền tảng, trở nên bản chất đích thật cấu tạo nên người môn đệ của Chúa Cứu Thế, Đấng đã sống lại và hiện diện nơi những con người tất bạt về mọi phương diện, thể xác cũng như tâm hồn.

Chúa Phục Sinh vẫn còn mang thương tích. Người đang chờ chúng ta nơi những con người đầy thương tích đó. Hãy đến để gặp và chạm vào họ vì Chúa Phục Sinh đang hiện diện và chờ chúng ta nơi những vết đau của tha nhân. Alleluia, Alleluia. Amen.

Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

-------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây