Trong một vụ tai nạn, người phụ nữ ôm đứa con nhỏ trên tay kêu gào đến khản cổ: Ai cứu con tôi TN 10-C51
Trong một vụ tai nạn, người phụ nữ ôm đứa con nhỏ trên tay kêu gào đến khản cổ: Ai cứu con tôi với! Thế nhưng, xem lại camera an ninh ở chung quanh, người ta thấy có tới ba hay bốn chiếc xe đi ngang qua đó, thấy nạn nhân ôm đứa con đẫm máu, họ đã lẳng lặng bỏ đi. Sau hàng giờ chờ đợi xe cấp cứu, đứa bé được đưa tới bệnh viện, nhưng đã quá muộn. Người ta đặt vấn đề: Phải chăng ngày nay, con người ngày càng trở nên vô cảm với nhau, họ nhắm mắt làm ngơ khi thấy anh em mình bị nạn ? Nhiều người có thể hiếu kỳ đứng xem một tai nạn xảy ra, nhưng không mấy người dám ra tay cứu giúp người bị nạn.
Tin Mừng hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu hoàn toàn khác. Ngài không vô cảm, không dửng dưng với nỗi đau của con người, nhưng đồng cảm, thấu cảm. Người đưa tay chạm đến con người và tìm cách giải gỡ con người khỏi đau khổ. Câu chuyện Chúa Giêsu cho con trai bà góa thành Naim được sống lại đã cho thấy tâm hồn chạnh thương của Chúa Giêsu.
Thánh Luca kể rằng: Chúa Giêsu đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà góa. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: Đừng khóc nữa. Khác với lần Chúa làm phép lạ cho Lazarô sống lại. Lần đó, Chúa chạnh thương vì thấy cảnh những người chị đau khổ khóc thương em, nhưng Ngài vẫn đòi cô Matta phải có một lòng tin và phải tuyên xưng đức tin: Con tin Thầy là Đấng Kitô. Trong phép lạ cho con trai bà góa thành Naim sống lại, Chúa không đợi chờ một lời kêu xin, Ngài cũng không đòi một điều kiện nào. Chúa thực hiện phép lạ hoàn toàn do sự thúc đẩy của tình thương, của trái tim mách bảo.
Chúa cảm thông trước hết với cảnh mẹ góa con côi. Người mẹ này đã phải đau khổ vì mất người chồng là chỗ dựa, là điểm tựa cho bà. Bà chỉ còn cậy nhờ vào người con trai duy nhất. Người con trai này là tương lai, là hy vọng, là chỗ dựa cho bà lúc tuổi già, vậy mà đứa con này lại chết. Người đàn bà này đau khổ đến tận cùng, bà như hoàn toàn mất hết hy vọng vào cuộc sống, cuộc sống của bà sẽ không còn ý nghĩa khi đứa con trai không còn. Cảm thông cho hoàn cảnh lá vàng đưa tiễn lá xanh, Chúa Giêsu đã bước đến nói với bà: Đừng khóc nữa ! Ngài tiến lại gần, chạm đến quan tài, các người khiêng dừng lại. Với hành động này, Chúa Giêsu đã đưa tay ra để ngăn cản tiến trình của sự chết, của sự chôn vùi và phân hủy. Bằng một mệnh lệnh: Hỡi thanh niên, tôi truyền cho anh: hãy chỗi dậy ! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Điều đó chứng tỏ quyền năng nơi lời của Chúa Giêsu. Nếu như ngày xưa trong công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa phán: Hãy có, thì mọi vật liền có. Hôm nay, cũng bằng một mệnh lệnh: Hãy trỗi dậy, người thanh niên thực sự được phục hồi sự sống.
Đức Giêsu trao anh ta lại cho bà mẹ. Điều này cho thấy, sự sống mà người thanh niên này đón nhận lại hoàn toàn là quà tặng bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Kế đó, Đức Giêsu tặng người thanh niên này lại cho bà mẹ. Chắc chắn không có niềm vui nào có thể diễn tả được niềm vui của người mẹ khi nhận lại người con của mình. Kinh Thánh không diễn tả cảm xúc và sự vui mừng của bà mẹ, nhưng đã ghi lại cảm xúc và phản ứng của đám đông đang chứng kiến phép lạ: Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Khi nói đến giờ Thiên Chúa viếng thăm, người Do Thái hiểu đó là giờ, là thời của Đấng Cứu thế đã đến. Đó là thời mà các tổ phụ, các tiên tri đã loan báo, thời Thiên Chúa hứa sẽ giải thoát dân Người, thời của niềm vui và ơn cứu độ.
Khi nhìn nhận Đức Giêsu như là một vị tiên tri cao cả đã xuất hiện, người Do Thái nhớ ngay đến tiên tri Elia. Ông là một vị đại tiên tri và còn là thủ lãnh của Isarel. Elia đã từng chạnh lòng thương khi thấy đứa con của bà góa thành Sarepta tắt thở. Bà mẹ đau khổ, dằn vặt không chỉ vì đứa con phải chết, nhưng bà còn dằn vặt vì cho rằng chính do quá khứ tội lỗi của bà mà khiến con bà phải chết. Elia không thể cầm lòng trước cảnh đau thương này, ông cầu xin cùng Thiên Chúa và Chúa đã cho em bé được sống. Qua việc này, bà góa Sarepta đã tin Elia là người của Thiên Chúa. Truyền thống Israel cho rằng, ông Elia là người của Thiên Chúa nên không chết. Ông được Thiên Chúa đến đón về trời bằng xe ngựa bốc cháy. Dựa vào đó, dân Do Thái hy vọng ông sẽ trở lại vào ngày Chúa viếng thăm dân Người. Khi thấy phép lạ Chúa Giêsu cho con trai bà góa thành Naim sống lại, dân chúng đã nhớ ngay đến Elia và nhớ đến giờ Chúa trở lại viếng thăm như Chúa đã hứa.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng đến viếng thăm dân Ngài. Ngài không chỉ viếng thăm như một vị khách, nhưng đã chia sẻ đến cùng thân phận con người, cùng đau nỗi đau với con người. Ngài cảm thông với đau khổ của con người, xoa dịu và chữa lành những vết thương trong tâm hồn, đem đến cho con người Tin Mừng giải thoát.
Tin Mừng của Chúa Giêsu có sức mạnh giải thoát và biến đổi hoàn toàn cuộc đời con người. Thánh Phaolô là một trong những người đã được biến đổi, được lôi kéo bởi Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Phaolô đã để lại đàng sau quá khứ, con người cũ, để trở thành con người say mê Tin Mừng và miệt mài nói về lòng thương xót của Chúa đã dành cho ông. Phaolô đã nhận ra tất cả cuộc đời của ông là một chuỗi những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, chỉ vì Ngài chạnh lòng xót thương ông.
Chúng ta tin rằng: Con người có thể vô cảm dửng dưng với nhau, nhưng Thiên Chúa không bao giờ dửng dưng với đau khổ của con người. Vì, Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa chạnh thương. Tin như thế, để không bao giờ ta thất vọng khi gặp đau khổ, thử thách. Tin, để thấy Chúa luôn ở bên chúng ta, Chúa đang đồng cảm với đau khổ của chúng ta; Ngài đang bước cạnh chúng ta khi chúng ta gặp thử thách tăm tối nhất. Chúa cũng đang nói với kẻ đau khổ: Đừng khóc nữa ! Đừng buồn, đừng thất vọng nữa! Có Ta đang chia sẻ với con !
Thiên Chúa cũng đang an ủi, nâng đỡ cuộc sống chúng ta qua bao người chung quanh. Thiên Chúa đang dùng họ để đồng hành, chia sẻ với cuộc sống của ta, chỉ có điều chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không mà thôi. Đồng thời, Thiên Chúa cũng muốn qua chúng ta để Ngài đồng hành và an ủi các anh chị em đau khổ khác nữa. Ngài muốn mượn trái tim của ta để chạnh thương những anh chị em bất hạnh. Ngài muốn dùng đôi tay của chúng ta để chạm đến anh chị em, dùng môi miệng ta để nói lời an ủi yêu thương, dùng ánh mắt của ta để khích lệ anh chị em chỗi dậy những khi bị suy xụp.
Có người cho rằng: Chỉ có loài vật mới có thể đứng trước nỗi đau của đồng loại mà chăm sóc cho bộ lông bộ da của mình. Điều đó dường như ngày càng đúng trong xã hội hôm nay. Xã hội này đang biến con người thành những con vật vô cảm như thế. Nó biến con người chỉ còn biết lo cho bản thân mà không nghĩ đến anh em, tìm cái danh, cái lợi cho mình, cho gia đình bằng mọi giá, kể cả việc chà đạp lên phẩm giá và quyền lợi của người khác. Có thể nhiều người Kitô hữu cũng đang có lối sống vô cảm như thế.
Có những cha mẹ già đang bị bỏ rơi, hắt hủi như kẻ ở nhờ trong gia đình, hãy quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn để cho tuổi già của các ngài khỏi tủi nhục vì con cái. Có những người chồng, người vợ và cả những đứa con bị coi như đồ thừa trong gia đình, không được ai hỏi đến, họ đang cần một nụ cười, cần một hành động chạnh thương, một cái nhìn thông cảm của người thân.
Chung quanh ta có những bạn trẻ tự ti mặc cảm vì khiếm khuyết, bệnh tật hoặc công việc, đang sống khép mình trong dằn vặt. Những người này đang cần đến sự chạnh thương, sự động viên và những cử chỉ cảm thông để giúp họ vượt qua mặc cảm. Là con của Chúa, xin cho chúng ta có được trái tim chạnh thương của Ngài, để chúng ta có thể trở thành những người Chúa dùng, đem tình yêu, lòng xót thương của Chúa đến cho mọi người. Amen.
Chết là số kiếp con người phải trải qua. Không ai trường tồn, bất tử với thân xác mục nát của mình, TN 10-C52
Chết là số kiếp con người phải trải qua. Không ai trường tồn, bất tử với thân xác mục nát của mình, nhưng đó lại là khát vọng của con người. Nếu như những người được Chúa Giêsu cho sống lại về thân xác mà được sống bất tử, có lẽ Chúa sẽ phải phiền phức khi tất cả mọi người chết trên thế gian này đều xin cho được sống lại. Nhưng những người được Chúa cho sống lại đều cũng sẽ phải chết. Chết hai lần. Với người không tin có đời sau thì chết là hết, nhưng với người tin vào Thiên Chúa thì chết để được sống muôn đời. Sống hai lần.
Cùng với các môn đệ và đám đông đến cửa thành Nain, thấy người ta khiêng một người chết đi chôn. Người này là con trai duy nhất của một bà góa ngoại đạo. Chồng đã chết; bây giờ đến lượt người con duy nhất, một niềm vui và hy vọng cuối cùng cho cuộc sống tương lai của bà cũng bỏ bà ra đi vĩnh viễn. Bà khóc thảm thiết đến nỗi nhìn thấy bà, Chúa Giêsu đã phải chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Chúa Giêsu không đòi hỏi bà điều gì. Chính lòng thương xót thôi thúc Ngài tiến lại gần, sờ vào quan tài và ra lệnh cho người chết: “ Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!” Thật lạ lùng, người chết còn nghe được gì mà Ngài lại ra lệnh như người đang sống. Anh ngồi lên và bắt đầu nói. Ngài trao người con trai đã chết được sống lại cho bà mẹ như sinh con lần thứ hai, nhưng rồi anh lại cũng phải chết. Về sau này, người ta cũng trao lại cho Mẹ Maria người con đã chết được tháo xác từ cây thánh giá để rồi phục sinh trong vinh quang sau ba ngày nằm trong mồ.Đây mới thật là sự sống lại để không bao giờ chết. Sống lần thứ hai.
Sống, chết nằm ở trong tay của Đấng Toàn Năng. Tiên tri Êlia, trong thời Cựu Ước, nhờ làm phép lạ cho hũ bột không vơi, vò dầu không cạn của nhà bà góa ở Xarépta, mà được bà cho ở nhờ; nhưng bất ngờ, con bà ngã bệnh và chết. Bà khóc lóc, đổ tội cho ông Êlia mang xui xẻo đến cho nhà bà. Êlia bồng lấy đứa trẻ đem lên phòng chỗ ông ở và đặt nó nằm lên giường. Ông nằm lên trên đứa trẻ và kêu: “ Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này trở lại với nó.” Thiên Chúa đã nghe lời ông kêu cầu. Đứa trẻ đã sống lại. Êlia đã phải cậy vào quyền năng của Thiên Chúa để cho hồn về với xác. Về phần mình, Chúa Giêsu đã dùng chính quyền năng của mình để ra lệnh cho xác chết của con bà góa thành Nain sống lại, vì chính Ngài là” sự sống lại và là sự sống.”
Qua việc cho con bà góa sống lại, Chúa Giêsu chứng tỏ cho chúng ta thấy quyền năng vô biên của Ngài trên hết mọi sự và lòng thương xót bao là của Ngài không chỉ dành riêng cho ai , nhưng cho hết mọi người; đồng thời cũng cho chúng ta thấy ý nghĩa của cái chết về xác phàm và sự sống lại vĩnh viễn nơi quê trời.
Đối với con mắt đức tin của người Kitô hữu, chết chưa phải là hết. Chết là một sự biến dạng, là đi về Nhà Cha. Ai đặt tin tưởng vào Thiên Chúa, sẽ được Ngài cho sống lại vào ngày sau hết. “ Thiên Chúa yêu thương thế gian đế nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga3:16) Sống lần thứ hai
Chúa cho người con trai bà góa sống lại vì lòng thương xót của Ngài đối với nỗi thống khổ của bà. Nỗi thống khổ của con người có thể đánh động lòng thương xót của Chúa. Với những người đau khổ, đừng quên chạy đến với lòng thương xót của Ngài.
Sống chết là thuộc quyền của Thiên Chúa. Khi giết người, phá thai, con người đã phủ nhận quyền bính của Thiên Chúa. Chúng ta phải sống thế nào để đón nhận sự sống thứ hai khi được phục sinh với Đức Kitô? Thánh Phaolô đã cho chúng ta gương sống của ngài: “ Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.”( Gl 2:20b)
Trong cuộc sống chúng ta nghe rất nhiều những bài ca dao dạy về tình liên đới, sự cảm thông nâng TN 10-C53
Trong cuộc sống chúng ta nghe rất nhiều những bài ca dao dạy về tình liên đới, sự cảm thông nâng đỡ nhau như:
"Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"
Tình thương giữa con người với nhau luôn thúc đẩy chúng ta yêu thương đùm bọc để “chia ngọt sẻ bùi” với nhau vì:
"Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”
Vượt ra khỏi tình anh em máu mủ là tình quê hương, tình đồng loại cũng phải yêu thương nhau như câu ca dao đã nói:
"Nhiễu điểu phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"
Lời dạy của tiền nhân là vậy. Thế nhưng có mấy ai thực thi. Xem ra con người từ cổ chí kim vẫn chỉ lo cho mình, đôi khi còn dửng dưng với nỗi bất hạnh của đồng loại và cả người thân. Thế nên cha ông ta cũng đau xót nói rằng:
"Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch định ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri riu rít bò ru lấy phần”
Câu ca dao này khiến chúng ta nhớ tới tích chuyện cổ xưa kể rằng: Vua Thạch Sùng có một cuộc sống rất bệnh hoạn, mỗi lần cùng khách dự tiệc thì nhất định phải để cho người đẹp chuốc rượu, nếu người đẹp không thể làm cho khách uống được thì người đẹp bị tội chết.
Một hôm, Thạch Sùng làm tiệc mời thừa tướng Vương Đạo và một vị đại tướng quân.
Thường ngày Vương thừa tướng rất ít uống rượu, nhưng ông ta biết Thạch Sùng có thói quen ác độc ấy, bèn miễn cưỡng đến và ăn uống đến say mèm, mà vị đại tướng quân kia lại cố ý không uống, kết quả là Thạch Sùng giết hết ba người đẹp.
Vương thừa tướng khuyên vị đại tướng quân uống, đại tướng quân nói:
- “Hắn ta giết người của gia đình hắn, mắc mớ gì đến tôi chứ ?”
Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy mình đâu có trách nhiệm với sự sống tha nhân. Chúng ta theo chủ thuyết “makeno” để sống chết mặc bay. Người ta giết nhau chứ có giết mình đâu mà can thiệp. Đây là lối sống ích kỷ thiếu tình yêu lòng cảm thông với tha nhân.
Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Tình yêu của Ngài luôn chạnh lòng thương xót mọi phận người khổ đau. Ngài xót xa khi nhìn thấy đoàn người đói khát mệt mỏi sau một ngày theo Chúa trên đồng hoang mông quạnh. Ngài xót xa khi nhìn thấy nỗi đau thể xác nơi các bệnh nhân. Ngài còn quả quyết Ngài đến để lòng thương xót vô bờ bến dành cho các tội nhân.
Tình thương lòng cảm thông ấy hôm nay Ngài dành cho người mẹ thành Nain đang tiễn đưa con mình. Ngài chạnh lòng thương và gọi cậu dậy để trả lại sự sống cho cậu. Dẫu biết rằng con người rồi cũng chết, nhưng Ngài xót xa cảnh ly biệt của mái đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Ngài đã tỏ bày lòng thương xót của một vì Thiên Chúa luôn sẵn lòng thi ân cho con người.
Đức Thánh Cha Phanxico cũng từng nói: Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn hoạt động động để cứu giúp. Thiên Chúa của lòng thương xót đáp lời và quan tâm đến người nghèo, quan tâm đến những ai kêu gào trong tuyệt vọng. Thiên Chúa lắng nghe và can thiệp để cứu giúp, bằng cách tạo nên những con người đủ khả năng để lắng nghe tiếng rên rỉ của đau khổ và hỗ trợ những ai bị áp bức”.
Ước gì chúng ta luôn có cái nhìn đầy cảm xúc của Chúa để mở rộng lòng trước những bất hạnh của tha nhân. Xin cho chúng ta luôn biết mở toang tấm lòng của mình để gió cuốn ta đi đến với mọi hoàn cảnh khổ đau, với những mảnh đời bất hạnh hầu xoa dịu những thương đau cho anh em như Chúa đã sống vì yêu thương nhân loại chúng ta. Amen
Xuyên suốt Tin Mừng của Đức Kitô nhằm nói lên con người nhân hậu, đầy lòng thương xót của Người. TN 10-C54 Đalat
Xuyên suốt Tin Mừng của Đức Kitô nhằm nói lên con người nhân hậu, đầy lòng thương xót của Người. Chúa đến với mọi thành phần xã hội: Ngài đến với người nghèo, những người bị xã hội bỏ rơi, những người bị quỷ ám Ngài xua trừ ma quỷ ra khỏi tâm hồn của họ, Ngài chữa bệnh hoạn tật nguyền, Ngài đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi, Ngài yêu mến trẻ em, đặc biệt Ngài làm cho người chết sống lại như hôm nay Ngài đã làm cho con bà góa thành Naim, đã chết đang khiêng đi chôn, được sống lại khi mẹ của thanh niên này và mọi người đều đã tuyệt vọng.
Cảnh u buồn, ảm đạm của đám tang đã khiến nhiều người tuyệt vọng. Thật tình mà nói, bà góa thành Naim đã rơi vào tình trạng đau khổ tuyệt đối và hoàn toàn lẻ loi, cô độc. Bởi vì đối với người Do Thái thời đó, góa bụa đã là một sự đáng khinh,vì bị liệt vào hạng đàn bà cằn cỗi, không thể sinh nở. Do đó, tất cả hy vọng của bà đều đổ dồn vào đứa con trai duy nhất, mà giờ này bà đã hoàn toàn tuyệt vọng vì con bà đã chết. Bà theo quan tài đứa con trai yêu duy nhất ra nơi huyệt mộ, lòng của bà hầu như tan nát vì bà không còn hy vọng gì nữa. Chúng ta không thể nào tưởng tượng được sự u buồn, nặng nề của đám tang con trai của bà góa thành Naim. Và rồi Chúa Giêsu trông thấy bà, Ngài cảm động, Ngài thông cảm với nỗi đau của bà. Nhưng nơi Chúa Giêsu, sự cảm thông của Ngài mang đầy hy vọng, Ngài sẽ đem lại cho bà sự an bình, niềm hy vọng thật sự. Chúa bảo bà: “ Đừng khóc nữa “. Lời nói của Ngài không chỉ là lời động viên, an ủi cho qua lệ nhưng đây là lời đem lại cho bà niềm vui, sự hy vọng vì Chúa sẽ làm cho con bà sống lại. Qua lời nói của Chúa Giêsu, Ngài muốn nói với bà góa bà còn hữu ích cho Giáo Hội, cho Xã hội, con của bà sẽ sống lại, Chúa sẽ đem lại niềm hy vọng lớn lao cho bà. Và rồi, Chúa chạnh lòng thương xót, Ngài đã làm cho cậu thanh niên sống lại trước sự kinh ngạc và hết sức thán phục của mọi người. Bà góa, những người thân thương trong họ hàng hai bên, và nhiều người có mặt trong đám tang hôm đó, đã tìm lại được niềm hy vọng: họ hiểu và cảm nghiệm chỉ có tình yêu của Thiên Chúa là mạnh hơn, vượt lên tất cả mọi sự.
Cái chết của con bà góa thành Naim nhắc nhở mọi người, nhắc nhở chúng ta:” Ai cũng phải chết “. Cuộc đời của con người có ba điều quan trọng: sinh, sống và chết.Sinh ra thì con người cũng không biết lúc nào.Chết càng không biết giờ nào. Sống ở trần gian thì gặp muôn vàn đau khổ. Con ngươi khổ đủ điều: khổ vì nghèo, vì túng thiếu, khổ vì bệnh hoạn, tật nguyền, khổ vì già yếu. Chết lại càng khổ hơn. Chúa tạo dựng nên con người, Ngài luôn quan tâm đến những vấn đề của con người như sinh, lão, bệnh, tử. Thực tế, con bà góa thành Naim đã được sinh ra, đã đau ốm và đã chết. Đứng trước vấn đề rất thực tế của con người. Trước sự đau khổ cao độ của con người, của bà góa, Chúa Giêsu đã can thiệp vào những vấn đề hết sức cụ thể của con người để minh chứng Ngài có quyền trên sự sống và cả sự chết của con người.
Chúa Giêsu không phải chỉ là một vị ngôn sứ quyền năng, nhưng Ngài là Đấng cứu độ. Ngài đã toàn thắng sự chết: Ngài đã đẩy xa, xóa tan nọc độc của tội.Ngài đã từ cõi chết sống lại và ban cho chúng ta được sống lại với Người…
Lạy Chúa Giêsu, cái chết làm cho con người âu lo, sợ hãi.Tuy nhiên, chính Chúa cũng đã chấp nhận cái chết để cứu rỗi loài người và Chúa đã chiến thắng sự chết khi từ trong sự chết, Chúa đã phục sinh khải hoàn.Chúa đã cho chúng con niềm tin và cho chúng con hy vọng được sống lại với Chúa.Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con xác tín sâu xa vào sự sống lại của Chúa vì tin tưởng chúng con cũng sẽ được sống lại với Chúa.Xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ thất vọng, nhất là đừng bao giờ tuyệt vọng nhưng luôn tin tưởng tuyệt đối và luôn bám chặt vào Chúa. Amen. GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ: 1.Đối với người Do Thái son sẻ là gì ? 2.Người Do Thái trọng nam khinh nữ nghĩa là sao ? 3.Bà góa thành Naim có tuyệt vọng khi con trai duy nhất của bà chết không? 4.Chúa đã mang lại cho bà góa điều gì ? 5.Tại sao con người khi gặp gian nan mới cần tới Chúa ?
Ai sinh ra trên đời này cũng đều trải qua 4 cửa ải là: “Sinh, lão, bệnh, tử”. Nói cách khác: chết TN 10-C55
Ai sinh ra trên đời này cũng đều trải qua 4 cửa ải là: “Sinh, lão, bệnh, tử”. Nói cách khác: chết là một trong 4 khâu của định luật: "Thành, trụ, hoại, diệt". Hay nói theo tam đoạn luận trong triết học thì: đã sinh ra trong thân phận con người, ai cũng phải chết. Vì thế, tôi là con người, nên tôi cũng phải chết.
Như vậy, không ai tránh khỏi cái chết. Mọi người đều phải kết thúc cuộc hành trình trên trần gian này bằng cái chết. Đã có sinh thì ắt phải có tử.
Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại câu chuyện Đức Giêsu cùng với các môn đệ đi vào thành Caphácnaum và gặp thấy đám tang con trai bà góa thành Naim đang được đem đi chôn. Hình ảnh đám tang của con trai bà góa cho chúng ta thấy: người thanh niên này đã trải qua cuộc sống dương thế. Anh ta đã kết thúc tại cửa ải thứ 4 là “tử”; khâu cuối cùng là “diệt”. Như vậy, tử thần đã chiến thắng. Cái chết đã thống trị.
Thế nhưng, khi gặp được Đức Giêsu, cái chết có phải là đã kết thúc mọi chuyện và là mồ chôn vĩnh viễn thân phận cát bụi của người thanh niên kia không? 1. Điểm giao của lòng thương xót
Không! Đức tin cho chúng ta thấy cái chết không phải là ngõ cụt, nhưng nó là một giai đoạn cần phải trải qua để đi vào sự sống vĩnh hằng. Cái chết như là một cửa khẩu, để qua đó, ta sang được bến bờ bình an và hạnh phúc viên mãn. Niềm tin ấy đã được Đức Giêsu hé mở và củng cố qua cái chết của con trai bà góa thành Naim hôm nay.
Hình ảnh đám tang ở trong thành đi ra, còn Đức Giêsu và các môn đệ thì đi vào. Hai hình ảnh không thuận chiều nhau mà là trái chiều. Nhưng hai nhóm người đó đã gặp nhau tại một điểm giao. Điểm giao đó là “tình yêu”, “lòng thương xót” của Đức Giêsu.
Quả thật, Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, mà Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót đó, nên Ngài luôn yêu thương và thông cảm cho nỗi khốn cùng của con người. Vì thế, khi thấy đám tang con của một bà hóa, Ngài đã “chạnh lòng thương”(esplanchnisthè), mà theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa chính xác là “xúc động đến ruột gan”.
Vì thế, Ngài đã có lòng thương cảm sâu đậm cho hoàn cảnh éo le của gia tang.
Éo le là bởi vì mẹ của người chết lại là một bà góa. Mọi hy vọng đều đổ dồn vào người con trai duy nhất, nay con bà chết, bà biết trông vào ai? Nỗi cô đơn trở nên tột cùng khi những kỳ thị của dân tộc sẽ đến với bà. Sự bất hạnh lại càng lên đến đỉnh cao khi những truyền thống trong xã hội Dothái thời bấy giờ coi thành phần các bà góa là những người không có tiếng nói, là hạng người thấp cổ bé họng.
Đứng trước tình cảnh như thế, và với con tim nhạy bén trước đau khổ của loài người, Đức Giêsu đã động lòng trắc ẩn. Ngài đã đứng lại an ủi bà và truyền cho những người khiêng cáng dừng lại, sau đó Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, ta bảo anh: Hãy trỗi dậy!”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa.
2. Đức Giêsu mặc khải sự sống vĩnh hằng
Hành vi Đức Giêsu bảo những người khiêng cáng dừng lại và Ngài truyền lệnh cho người chết chỗi dậy thể hiện quyền năng của một vị Thiên Chúa uy quyền và làm chủ sự sống lẫn sự chết; đồng thời cũng cho chúng ta thấy bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,16). Một Thiên Chúa luôn yêu thương, chữa lành; một Thiên Chúa đem lại cho con người niềm an ủi và hạnh phúc sau những đắng cay tủi nhục; một Thiên Chúa gieo vào trong tâm hồn con người niềm hy vọng khi mọi chuyện tưởng chừng như đã chấm dứt bằng cái chết.
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là những cách giải thoát mang tính hiện sinh mà thôi, bởi lẽ người thanh niên hôm nay được Đức Giêsu cho sống lại, nhưng rồi một ngày nào đó anh ta cũng sẽ phải chết. Nhưng điều mà Đức Giêsu muốn đi xa hơn qua việc cho người thanh niên này sống lại, đó chính là đem lại cho con người sự sống viêm mãn, một sự sống dồi dào đằng sau cái chết. Vì thế, Ngài đã muốn giải thoát con người khỏi cái chết đời đời, để thay vào đó là sự sống trường tồn mai hậu. Đây là trọng tâm của sứ điệp mà hôm nay Đức Giêsu muốn nhắn gửi nơi mỗi người chúng ta.
Qua phép lạ cho con trai bà góa thành Naim chết được sống lại, Đức Giêsu không chỉ cho chúng ta thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho những người bé mọn, cũng không chỉ dừng lại ở việc Ngài cảm thông với nỗi cô đơn, mất mát to lớn của bà goá nọ. Nhưng điều quan trọng hơn, đó chính là dấu chỉ tiên báo trước việc Ngài sẽ sống lại và những ai tin vào Ngài thì cũng sẽ được sống lại, được đưa vào nơi tràn đầy hạnh phúc và bình an.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Trước tiên, cần phải có sự thương cảm với những người kém may mắn. Không ai sống trên đời này như một hòn đảo. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Việt Nam ta cũng có câu: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Vì thế, không thể dửng dưng nhìn xem nỗi bất hạnh của người khác rồi hả hê cười đùa vui vẻ; cũng không phải huênh hoang tự kiêu khi thành công để rồi khinh bỉ người cùng khốn.
Thứ đến, sống theo tinh thần của Đức Giêsu, là: hãy biết ra khỏi chính mình để đi đến với những ai cần tới bàn tay, khối óc, con tim của chúng ta. Cần ra khỏi ốc đảo của tự kiêu, để như Đức Giêsu, đi đến đâu thì thi ân giáng phúc tới đó (x. Cv 10,38).
Cuối cùng, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những người bất hạnh, để thấy được sự cô đơn, đau khổ, mất mát của họ. Từ đó, biết cảm thông, liên đới và ra tay giúp đỡ anh chị em chúng ta cách thiết thực và chân thành.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết rung động trước những nỗi đau của con người, biết nhạy bén trước những nhu cầu của anh chị em đồng loại, để đem lại cho họ niềm vui, bình an và hạnh phúc. Xin cho chúng con biết ra khỏi chính mình, để không bị rơi vào tình trạng co cụm lại nơi bản thân. Bởi vì nếu co cụm lại với chính mình mà thôi, thì đấy là lúc chúng con đang đánh mất chính mình. Amen.
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 7:11-17)
Trong Tông sắc Khuôn mặt lòng thương xót thông báo ấn định Năm thánh ngoại thường Lòng Chúa TN 10-C56
Trong Tông sắc Khuôn mặt lòng thương xót thông báo ấn định Năm thánh ngoại thường Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc biệt nói đến câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giê-su cho con trai của bà góa thành Na-in được sống lại. Lý do là vì câu chuyện diễn tả rất cảm động lòng Chúa thương xót được biểu lộ một cách cụ thể qua việc làm của Chúa Giê-su. Lý do duy nhất Chúa Giê-su thực hiện phép lạ này là để khẳng định với chúng ta rằng Thiên Chúa luôn xót thương chúng ta, nhất là khi chúng ta gặp gian nan thử thách trong cuộc sống. Vậy chúng ta hãy dựa vào những điều thánh sử Lu-ca kể lại để nhận biết Thiên Chúa yêu thương ta như thế nào.
Na-in không phải là một thành phố nhộn nhịp đông người, có lẽ cũng không phải là nơi thực sự đáng cho Chúa Giê-su đến rao giảng. Nhưng Người đã đến đó cùng với các môn đệ và đám đông dân chúng. Chắc chắn Chúa có lý do để đặc biệt ghé lại đây. Chúng ta có thể tin rằng Người muốn đến Na-in là vì một bà góa đau khổ đang cần đến Người. Đây là một người đàn bà rất đau khổ, khổ vì chồng mất sớm, bây giờ lại khổ vì đứa con trai duy nhất của bà cũng đi theo cha nó! Không cần phải kể lể, chúng ta cũng thấy được hoàn cảnh vô cùng khó khăn của bà góa này. Mất chồng, bà chẳng còn được ai che chở bao bọc, dễ dàng trở thành nạn nhân của bất công xã hội. Đó là chưa nói đến phương diện tình cảm. Tất cả đều trông nhờ vào đứa con trai duy nhất, niềm hy vọng cuối cùng của bà. Nhưng giờ đây hy vọng ấy vụt tắt, để lại cả một viễn tượng tối tăm. Vì tội nghiệp cho bà, nên trong đám tang con của bà, “có đám đông trong thành cùng đi với bà”. Họ cùng đi, cùng chia sẻ nỗi đau với bà, đó là tất cả những gì họ có thể làm được cho bà, nhưng vẫn không thể đem về cho bà những gì bà đã mất. Vì thế, bà cần có Chúa Giê-su, lòng thương xót của Thiên Chúa bằng xương bằng thịt.
Vậy chúng ta hãy chiêm ngưỡng những gì Chúa Giê-su làm cho bà hôm nay khi Người chủ tâm đến Na-in để gặp bà. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ghi lại đôi ba dòng thôi, nhưng cũng đủ để chúng ta nhận ra được lòng Chúa thương xót. Đức Phanxicô viết: “Khi Chúa gặp bà góa thành Na-im đang tiễn đứa con duy nhất của mình tới mộ, Người đã cảm thấy có một sự đồng cảm mạnh mẽ với sự đau đớn khôn cùng này của một bà mẹ đang than khóc đứa con của mình, đến độ Người đã làm cho đứa con ấy được phục sinh từ cõi chết và trao người con này lại cho bà (xc. Lc 7,15). Để diễn tả thái độ “chạnh lòng thương”của Chúa Giê-su, ĐGH viết rằng Chúa Giê-su “đã cảm thấy có một sự đồng cảm mạnh mẽ với sự đau đớn khôn cùng này của một người mẹ…” Rồi Chúa dùng mọi cách để biểu lộ sự đồng cảm này, bằng lời nói “Bà đừng khóc nữa”, và bằng hành động “lại gần, sờ vào quan tài”.
Lòng Chúa Thương Xót chẳng cần câu nệ luật thanh tẩy của cha ông, nên Chúa Giê-su đụng vào quan tài. Giống như bà mẹ không muốn rời xác con, Chúa cũng muốn ôm lấy đứa con tội nghiệp của Người. Hành động tột đỉnh của Lòng Thương Xót là lệnh truyền của Ngôi Lời tạo dựng: “Này, người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Lời đã ban cho người thanh niên sự sống, giờ đây Lời phục hồi cho anh sự sống đã mất. Cuối cùng, cử chỉ đầy ý nghĩa của Lòng Thương Xót là “Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ”. Thanh niên được Chúa cho sống lại khác nào món quà quý giá nhất được trao lại cho bà mẹ của anh. Quả thực, lòng Chúa thương xót đã thương thì thương cho trót, đã yêu thì yêu đến cùng!
Sống sứ điệp của bài Tin Mừng
Đơn giản thôi, nếu muốn sống sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cứ “có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương”! Đó cũng là khẩu hiệu sống cho Năm thánh này. Hôm nay Chúa Giê-su đã dạy cho các môn đệ và đám đông dân chúng bài học về lòng thương xót. Dân trong thành Na-in đã chia sẻ với nỗi đau của bà góa mất đứa con trai độc nhất. Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu “bà góa” của thời đại. Đó là những người mất mát đủ thứ và cần một bàn tay chạm tới, một lời nói khích lệ ủi an. Đức Thánh Cha xin chúng ta tích cực thực hành “Mười bốn mối thương người”, một cách biểu lộ cụ thể lòng thương xót. Đáp lời mời gọi ấy là cách tốt nhất để sống Năm thánh này! Lm. Đa-minh Trần đình Nhi