Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 8-C Bài 101-106 Mù không thể dắt mù

Thứ sáu - 25/02/2022 09:19
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 8-C Bài 101-106 Mù không thể dắt mù
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 8-C Bài 101-106 Mù không thể dắt mù
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 8-C Bài 101-106 Mù không thể dắt mù
------------------------------------

TN 8-C101: CÂY LOẠI NÀO THÌ SẼ RA TRÁI LOẠI ĐÓ, VÀ CON NGƯỜI CŨNG VẬY.. 1
TN 8-C102: MÙ DẮT MÙ LĂN CÙ XUỐNG HỐ.. 4
TN 8-C103: CHÂN LÝ KHIÊM NHƯỜNG.. 7
TN 8-C104: CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN_C.. 9
TN 8-C105: NGƯỜI MÙ MÀ DẪN ĐƯỜNG ĐƯỢC SAO?. 11
TN 8-C106: CHỐNG THÓI GIẢ HÌNH.. 16

--------------------------------

 

TN 8-C101: CÂY LOẠI NÀO THÌ SẼ RA TRÁI LOẠI ĐÓ, VÀ CON NGƯỜI CŨNG VẬY


Lm. Bosco Dương Trung Tín

“Người tốt thì lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình. Kẻ xấu thì lấy cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng đầy thì mới nói ra”(Lc 6,45).

 

Người ta thường nói: “cây nào thì trái đó”. Câu này có thể hiểu theo hai nghĩa. Một là “cây loại TN 8-C101


Người ta thường nói: “cây nào thì trái đó”. Câu này có thể hiểu theo hai nghĩa. Một là “cây loại nào thì sinh trái loại đó”; hai là “cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu”.

Theo nghĩa thứ nhất: “Cây loại nào thì sinh trái loại đó”, có vẻ chính xác hơn. Như cây nho thì sinh trái nho; cây táo thì sinh trái táo. Điều này không ai mà không chấp nhận, vì “rõ như ban ngày”. Ngay cả khi người ta ghép “mắt cây mãng cầu” hay “mầm cây mãng cầu” vào cây bình bát, thì khi ra trái vẫn là trái mãng cầu, chứ không ra trái bình bát. Vì bình bát và mãng cầu cùng loài. Khi ghép như vậy, cái chính là mắt ghép, còn cây chủ chỉ có nhiệm vụ đưa nước và chất bổ dưỡng nuôi mắt ghép đó thôi, nên không thể sinh trái bình bát được. Bản chất là mãng cầu thì sinh ra trái mãng cầu chứ không ra trái bình bát được.

Còn theo nghĩa thứ hai thì chưa chắc. Chưa chắc cây tốt thì sinh trái tốt và cây xấu thì sinh trái xấu. Có khi cây xấu lại sinh trái tốt và cây tốt lại sinh trái xấu. “Cây tốt”, theo quan niệm của con người thì tốt vẻ bề ngoài, lá xanh tươi, phát triển tốt. “Cây xấu” là cây èo uột, cằn cỗi. Thế nhưng, cây cằn cỗi, èo uột hay xanh tươi thì do đất chứ không do cây.

  “Xấu” và “Sâu” còn khác xa hơn nữa. Cây sâu và trái sâu là do côn trùng đục khoéc hay châm chích; nó chỉ ở khách quan bên ngoài chứ không do chính bản chất của cây là sâu hay tự trái đó là xâu. Nên dịch: “Không cócây nào tốt mà sinh quả sâu; cũng không có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt” là không ổn(x. Lc 6,43).

  Vì cây tốt sinh trái mà không xịt thuốc trừ sâu, thì vẫn có thể bị côn trùng châm chích và trở nên trái sâu vàcây sâu, tức là cây bị sâu đục vẫn có thể ra trái ngon lành như thường, nếu xịt thuốc trừ xâu hay che chắn. Ta phân tích như thế để có thể hiểu được ý nghĩa mà Đức Giê-su muốn dạy.

  Như vậy, ta phải hiểu theo nghĩa thứ nhất, tức là “Cây loại nào thì sẽ ra trái loại đó”. Và con người cũng vậy. Người loại nào thì sinh trái loại đó. “Người tốt thì lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình. Kẻ xấu thì lấy cái xấu từ kho tàng xấu” của lòng mình. Nên khi “nhìn trái sẽ biết cây”(x. Lc 6,44). TRÁI ở đây phải hiểu là lời nói, thái độ và cuộc sống.

Quả thực qua lời nói, thái độ và cuộc sống, ta có thể biết người đó tốt hay xấu. “Vì lòng đầy thì mới nói ra”(x. Lc 6, 45). Trong lòng mà thiện, mà tốt thì sẽ nói ra những điều thiện, điều tốt; cuộc sống sẽ tốt lành và thánh thiện và cách cư xử cũng sẽ thánh thiện và tốt lành. Có khi lời nói có thể lừa được người khác; cách cư xử hay thái độ có thể dối được người ta, nhưng cuộc sống thì không lừa ai được. Có ngày đuôi chuột cũng lòi ra và người ta sẽ biết bộ mặt thật thôi.

Bởi đó, khi lòng thiện và tốt thì lời nói, thái độ, cách cư xử và cuộc sống đều tốt hết. Còn lòng mà xấu xa, thì có thể có lời nói tốt nhưng không lành, vì đó chỉ là những lời nói ngon, nói ngọt; nói xạo, nói dối. Thái độ thiện nhưng không thánh, vì đó chỉ là vẻ bên ngoài, không có từ trong lòng; đó là giả hình, giả bộ thôi. Và cuộc sống thì chắc là xấu xa rồi.

Một ví dụ cụ thể mà Chúa dùng trong bài Phúc Âm. Người tốt là người biết nhìn cái xà trong mắt mình, chứ không chú ý vào cái rác trong mắt người khác. Nghĩa là sẽ nhìn thấy tội to của mình chứ không lên án tội nhỏ xíu của người khác. Còn người xấu là người sẽ thấy cái rác trong mắt người khác dù nhỏ xíu mà không thấy cái xà to tướng trong mắt mình. Nghĩa là chỉ thấy tội người khác, dù nhỏ xíu đến đâu cũng moi, cũng móc cho bằng được; còn tội mình to “tổ bố”, thì không thèm để ý tới. Chúa nói, đó là “kẻ đạo đức giả” (x. Lc 6, 42).

Chúa nói không phải để ta xét đoán hay lên án ai, vì Chúa đã dạy: “Anh em đừng xét đoán, để anh em khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án ai thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” mà (x. Lc 6, 37). Ta biết để ta sống và cư xử với người đó thôi. Tốt hơn ta hãy lo cho chính mình, hãy làm cho mình nên tốt lành và thánh thiện.

Là người ai cũng muốn cho mình nên tốt lành và thánh thiện hết; chẳng ai muốn mình nên xấu xa và độc ác bao giờ. Có điều người ta lầm, tưởng mình là tốt lành, thánh thiện, nhưng thực ra là xấu xa, độc ác.Bởi đó ta phải coi lại “kho tàng” của lòng mình; trong đó chứa điều tốt lành hay xấu xa.

Như ta biết, “kho tàng” là nơi cất giấu. Kho tàng trong lòng ta thì không thể cất giấu tiền của được, nhưng nơi đó cất giấu những điều tốt, điều hay; những điều thánh, điều thiện được. Do đó, ta phải tích trữ nơi tâm hồn của mình những điều hay, lẽ phải; những điều tốt lành và thánh thiện, càng nhiều càng tốt. Bằng cách, thấy cái gì hay, cái gì tốt ở đời thường, ở bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu; nhất là trong Giáo Hội, trong Lời Chúa, những gì là tốt lành, những gì là thánh thiện mà Chúa dạy, ta hãy học, hãy tìm hiểu và hãy thực hành.

Thấy những gì “xấu” thì ta phải tránh cho “xa”, như ăn cắp, nhận hối lộ, chạy theo mốt; lạm dụng tính dục trẻ em; lợi dụng người khác; hại người; giết người cướp của; nghiện ngập ma túy, rượu chè, cờ bạc; nói hành, nói xấu; giả hình, giả bộ; đạo đức giả; vv……..Vì những điều xấu dễ làm, dễ nhiễm, tránh càng xa càng tốt; còn điều tốt, điều lành thì phải học, phải luyện mới có, tích lũy càng nhiều càng tốt.

Như thế kho tàng của lòng ta càng ngày càng nhiều của tốt, của hay; của thánh, của thiện, để rồi từ đó ta nói, ta nghĩ, ta làm, ta giúp đỡ, ta phục vụ và ta sẽ sinh nhiều hoa trái tốt lành và thánh thiện. Thế mới đúng như lời thánh Phao-lô nói: “Khi cái thân hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử” (x. 1Cor 15, 54).

Khi ta sống tốt lành và thánh thiện, thì cái thân hư nát của ta sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này của ta sẽ mặc lấy sự bất tử, nghĩa là ta được sống đời đời trên thiên đàng. Nếu ta kiên tâm bền chí và càng ngày càng tích cực tích trữ cho mình nhiều điều hay, lẽ phải; những điều tốt lành và thánh thiện, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của ta sẽ không trở nên vô ích đâu (x. 1Cor 15,58).

“Của” ta tích trữ là của ta và ta sẽ được hưởng chứ không ai cướp giật được của ta. Vàng bạc, của cải ta cất giấu sẽ bị người ta cướp, chứ những điều hay, lẽ phải; những điều tốt lành và thánh thiện thì không ai có thể cướp được của ta.

Vậy bao lâu còn được sống trên trần gian này, ta hãy tích lũy cho kho tàng của lòng mình nhiều những điều hay, lẽ phải; nhiều những điều tốt lành và thánh thiện; càng nhiều càng tốt, để ta lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình mà nói, mà làm, mà nghĩ, mà giúp đỡ, mà phục vụ, mà cư xử, mà sống. Ta sẽ nên tốt lành và thánh thiện ở đời này và chắc chắn sẽ được vào Nước Trời ở đời sau. Thật đúng là “Cây loại nào thì sẽ ra trái loại đó”. Và con người cũng vậy.

--------------------------------

 

TN 8-C102: MÙ DẮT MÙ LĂN CÙ XUỐNG HỐ


JM. Lam Thy

 

Sống trong cảnh mù loà là điều đáng sợ nhất. Thật là bất hạnh đối với một đứa trẻ ngay từ khi TN 8-C102


Sống trong cảnh mù loà là điều đáng sợ nhất. Thật là bất hạnh đối với một đứa trẻ ngay từ khi mở mắt chào đời đã phải sống trong tăm tối, phải chấp nhận một cuộc đời không thấy ánh sáng, không nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, con người cũng như cỏ cây! Lúc lớn lên có thể nghe mọi chuyện, có thể sờ mó tất cả, nhưng không thể nào hình dung ra được hình dáng, màu sắc! Ở đời, khi nói về nỗi khổ thể lý của người bị mù lòa, người ta vẫn thường nói: “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”.

Đó là nói về mặt thể xác, ngoài ra, về tinh thần, con mắt còn được gọi là “cửa sổ của linh hồn” (con mắt không những biểu lộ tâm trạng mà còn nói lên khí chất, tài năng của mỗi người), là “ngọn đèn của thân thể” (“Đèn của thân thể là con mắt của anh. Khi mắt anh sáng, thì toàn thân anh cũng sáng. Nhưng khi mắt anh xấu, thì thân anh cũng tối. Vậy hãy coi chừng kẻo ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối. Nếu toàn thân anh sáng, không có phần nào tối tăm, thì nó sẽ sáng hoàn toàn, như khi đèn toả sáng chiếu soi anh.” – Lc 11, 34-36). Quan niệm của người Do Thái đối với những kẻ tật nguyền bẩm sinh (đui mù, què quặt, nói chung là những khuyết tật từ trong lòng mẹ, khi sinh ra đã phải gánh chịu) đều là những kẻ có tội phải chịu những hình phạt khủng khiếp đó.

Bài Tin Mừng hôm nay (CN VII/TN-C – Lc 6, 39-45) trình thuật về dụ ngôn: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Suy niệm Lời Chúa bất chợt nhớ đến một câu chuyện có thật xày ra: “MỘT TU SĨ KHIẾM THỊ VIỆT NAM ĐƯỢC PHONG CHỨC LINH MỤC” (Wikipedia):

Ngày Chúa nhật 14/10/2012 tại nhà thờ Thánh Hippolyte, quận 13, Paris (Pháp), thầy phó tế khiếm thị Dương thuộc Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời (AA – Les Augustins de l’Assomption), đã được truyền chức linh mục. Không có vấn đề chiếu cố hay thương cảm đối với thầy. Câu hỏi cần phải trả lời là: “Thầy có đủ khả năng để trở thành một linh mục không?” Cũng như tất cả các vị bề trên Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, cha Jean-François Petit, người dạy học cho thầy Dương trong sáu năm, đã trả lời: có! Sự kiện này nói lên những huyền nhiệm diệu kỳ không ai hiểu thấu trong mầu nhiệm ơn gọi. Nhìn lại hành trình của tân chức đã đi là cả một câu chuyện dài thấm đẫm nỗi đau nhưng vượt lên trên là hy vọng, tin yêu và cậy trông.

Linh mục Dương, tên đầy đủ là Phê-rô Phạm Văn Dương, sinh ngày 6/6/1973, tại Rú Đất, hạt Bảo Nham, giáo phận Vinh, thuộc địa bàn xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An. Ngài là con thứ 3 trong gia đình làm nông nghiệp và có tới 10 anh chị em. Cuộc đời dâng hiến của ngài bắt đầu từ mốc gia nhập dòng Anh em Đức Mẹ Lên Trời (AA) kể từ năm 1998. Sau một thời gian học tập tại Việt Nam, năm 2002, thầy Dương qua Pháp. Thật không may mắn, đến năm 2004, khi đường tu còn dang dở, đau thương ập đến với người tu sĩ trẻ tuổi khi thầy bị một loại virus đặc biệt tấn công khiến đôi mắt trở nên mù hẳn.

Con đường ơn gọi tưởng chừng chấm dứt. Giữa lúc cuộc sống trở nên đau khổ tột cùng, thầy Phê-rô Dương vẫn một lòng tin tưởng vào thánh ý Chúa. Con người lạc quan, có cách nói chuyện vui vẻ, hay đùa, hay tếu ấy không bao giờ đầu hàng số phận. Thầy Phê-rô Dương đã có thể theo đuổi việc học nhờ một máy tính nhận dạng giọng nói và những bản văn Kinh Thánh hay Phụng vụ bằng chữ nổi. Và cuộc đời không phụ sự nỗ lực vươn lên và dấn thân miệt mài của vị tu sĩ mù. Ngài được bề trên truyền chức và chuẩn bị sứ mệnh phục vụ cộng đoàn tại Việt Nam. Đúng vậy, vị tu sĩ 33 tuổi này đã có đủ điều kiện để được thụ phong linh mục.

Ngày 5/2/2012, thầy Dương chịu chức phó tế và ngày 14/10/2012 lãnh tác vụ linh mục tại nhà thờ Thánh Hyppolyte (giáo xứ Thánh Hyppolyte cũng là nơi cha giúp việc trong thời gian còn tu học), do Đức cha Eric de Moulins-Beau-fort – Giám mục phụ tá giáo phận Paris – truyền chức. Sau khi chịu chức, tân linh mục Phê-rô Dương làm việc mục vụ tại giáo xứ Thánh Hippolyte và tháng 11/2012, cha trở về Việt Nam để làm phụ tá Giám Tập. Cha đã tìm đến Mái ấm Thiên Ân và mày mò học chữ nổi bằng tiếng Việt. Thánh lễ mở tay của cha Dương được cử hành tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (TGP Saigon) vào chiều ngày 19/11/2012. Đó là một buổi lễ vô cùng đặc biệt, dành riêng cho các em khiếm thị trong một số mái ấm tại thành phố và tất cả các phần trong phụng vụ đều sử dụng chữ nổi.

Việc phong chức cho người khiếm thị vốn dĩ “xưa nay hiếm”. Tại Pensylvania có linh mục Bernad J. Ezaki bị khiếm thị. Canada cũng có một linh mục khiếm thị. Giáo luật dự trù như thế nào về những trường hợp khiếm thị hay khuyết tật? Giáo luật điều 930, triệt 1, quy định: “Linh mục đau yếu và già cả, nếu không thể đứng được, có thể ngồi khi cử hành Thánh Lễ, nhưng luôn phải giữ các luật phụng vụ; tuy nhiên không được ngồi làm lễ trước mặt dân chúng nếu không có phép của Bản Quyền sở tại (tức Đức Giám mục).” Còn triệt 2 quy định về các linh mục khiếm thị: “Linh Mục mù lòa hay bị tật bệnh nào khác, vẫn có thể cử hành hy tế Thánh Thể hợp pháp, khi dùng bất cứ bản văn Thánh Lễ nào đã được phê chuẩn, hoặc trong trường hợp cần thiết, được sự trợ giúp của một linh mục hay một phó tế hoặc một giáo dân đã được huấn luyện thích đáng.”

Dẫn chứng trên cho thấy Lời dạy của Đức Ki-tô trong bài Tin Mừng hôm nay hoàn toàn không phải chỉ vào trường hợp những người bị mù thể chất, mà thật sự ám chỉ vào những kẻ bị “mù tâm linh”. Đó chính là cách dùng dụ ngôn mà Đức Ki-tô rất hay dùng để giảng dạy. (Dụ ngôn: Nói ví, dùng cách so sánh, ví von để nói cho dễ hiểu). Có nhiều cách dùng dụ ngôn như “Ví dụ” (nói ví); “Ẩn dụ” (ví ngầm); “Tỉ dụ” (so sánh); “Ám tỉ” (so sánh ngầm). Quả thật với biện pháp ẩn dụ trong những dụ ngôn, Đức Giê-su đã làm cho những bài giảng của Người trở nên sinh động, gần gũi, thân tình, giúp cụ thể hoá những ý niệm trừu tượng, khiến người nghe dễ tiếp thu.

Tại sao Chúa không nói thẳng vào vấn đề, mà lại dùng dụ ngôn? Xin nghe chính Người hay kể dụ ngôn giải thích: “Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.” (Mt 13, 10-15).

Đức Giê-su hay dùng dụ ngôn để giảng dạy, bởi có những sự kiện, những công việc nếu chỉ dùng trí khôn của con người thì không thể hiểu được. Cũng giống như đám người Do Thái “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13, 13). Vì thế, Chúa mới dùng dụ ngôn để giúp họ sáng mắt, hiểu ra vấn đề mà Chúa muốn truyền dạy. Vâng, không chỉ những người sống cách đây 20 thế kỷ, mà ngay ở thế kỷ XXI này, cũng vẫn còn không ít những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu Lời Chúa. Đó chính là những kẻ không thấy cái xà trong mắt của mình, mà chỉ hung hăng đòi lấy cọng rác trong con mắt của người anh em (Lc 6, 41-42).

Tóm lại, người tín hữu hãy nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, trước khi góp ý tu sửa lỗi lầm của người anh em. “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã” nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước khi phê phán người khác. Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Tắt một lời: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Trước tiên “Hãy sám hối” là nhận ra thân phận bất toàn của mình, ăn năn hối cải về những sai phạm mình đã mắc phải; để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, cộng với một đức tin kiên định, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, được làm bạn (Ki-tô hữu) với chính Người Thầy đã dạy: “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.” (Lc 6, 42). Ước được như vậy. Amen.

------------------------------

 

TN 8-C103: CHÂN LÝ KHIÊM NHƯỜNG


P.Trần Đình Phan Tiến

 

Khiêm nhường là nhìn nhận “sự thật”, sự thật duy nhất đó là “Thiên Chúa”, Đấng đã mạc khải TN 8-C103


Khiêm nhường là nhìn nhận “sự thật”, sự thật duy nhất đó là “Thiên Chúa”, Đấng đã mạc khải cho nhân loại chính Ngài là Thiên Chúa. Từ nơi Thiên Chúa mới có sự sống đích thực, bởi vì Ngài là Đấng Vĩnh Hằng, sự sống nơi trần thế được phát ra bởi Thiên Chúa, nơi Ngài phát ra tình thương tự nhiên, hằng hữu, vũ trụ nhân sinh chứng minh điều ấy. Nhưng, khi nhân thế bất tuân, xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài vẫn giáng phạt, rồi lại thứ tha, đó là quyền nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành, mặc nhiên hủy diệt , nếu Ngài muốn, Thiên Chúa hủy diệt điều Ngài không muốn, đó không phải là “ tội ác”, bởi vì , nơi Thiên Chúa cao minh tuyệt đối, không thọ tạo nào sánh được. Điều Ngài muốn “ hủy diệt”, Ngài không “ tham khảo” ý ai, vì nơi Thiên Chúa là chân lý.Giống như, người thợ gốm, khi muốn đập vỡ bình sứ, mà ông ta làm ra, là chuyện tất yếu, để tái tạo lại cho hoàn chỉnh hơn, thì ông ta không thể hỏi ý bình sứ mà ông ta muốn đập vỡ.

Nhưng, nơi Thiên Chúa là còn chân lý khác , đó là ”TÌNH YÊU” , khi muốn đập vỡ bình sành, nhưng ông ta “ thương xót” nó, cầm lên, nâng niu, xoa đi, nắn lại, từ chân lý yêu thương, ông ta không đập vỡ, nhưng dùng sự nhẫn nại, và tình thương, cùng với “đôi tay “ kỳ diệu, đôi tay tạo thành, với quyền năng của mình, “ Người Thợ gốm” đã biến một món đồ tưởng chừng đã bỏ đi, để tái tạo một “tác phẩm” ưng ý. Vâng, đó là Thời Tân Ứơc, Đức Giêsu- Kitô, Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người, cùng Bản Tính “Thương Xót” như Ngôi Cha, Chúa Giêsu –Kitô đã từ Trời xuống thế, đem đến cho nhân loại một “sự bao dung” lớn lao, được minh chứng bằng tình thương “ Cứu Độ”.

Vâng, không thể có loài thụ tạo, cứu độ loài thụ tạo, chân lý là như thế, mặc nhiên phải do Đấng Tạo Thành, sự Nhập Thể làm Người của Ngôi Hai Thiên Chúa, đến từ Thiên Ý của Trời cao. Theo đó, là một Mầu Nhiệm, Mầu Nhiệm thì thiêng liêng, kể cả bậc hiền triết, thánh nhân cũng “ bó tay”, phương chi là “ phàm nhân tục tử”, nếu nghiệm ra thì không còn là mầu nhiệm nữa. Nếu ai đó , chỉ đọc được một đoạn đầu của Thánh Kinh Cựu Ứơc, mà vội “ kết án “ Thiên Chúa ”độc ác”, thì họ không hiểu gì về Thánh Kinh, rõ ràng là như thế.

Thiên Chúa là một “ hành trình” sáng tạo, đồng hành, yêu thương dẫn dắt con người một cách tiệm tiến qua dòng thời gian, lịch sử con người ghi lại cuộc hành trình đó, gọi là “ Kinh Thánh”. Vì vậy, lịch sử Thiên Chúa giáo không phải “ dừng lại” ở Thánh Kinh Cựu Ước, mà là xuyên suốt hành trình “ yêu thương”, tạo dựng , hồi phục, vỗ về, nâng niu, bồng ẵm, nựng nịu nhân thế là “tác phẩm “ của Ngài.

Thiên Chúa không hành phạt con người từ “ Lời Hứa” trong Cựu Ứơc, như Thánh Kinh truyền lại: “ Ta đã yêu thương ngươi bằng tình yêu muôn thuở, như người mẹ thương con mình, thì Ta , Ta cũng yêu thương ngươi như vậy, và dù người mẹ có quên con mình đi nữa, thì Ta, Ta cũng không quên ngươi bao giờ.”

Vâng , đây là mấu chốt để “Hứa “ ban Đấng Cứu Thế, và đây cũng chính là ”Giao Ứơc mới”, Giao Ứớc mới chính là “ kết tinh” của “ Lòng Thương Xót” bởi Đấng Tạo Thành với loài thụ tạo.

Theo đó, Đấng Cứu Thế không phải tự Người phát ra,hay là Người muốn đến thì đến, mà là do bởi một “hành trình yêu thương” bởi Đấng Tạo Thành, từ bởi một Thiên Chúa duy nhất.

Thiên Chúa yêu thương con người, thì Ngài dựng nên con người, Ngài không thể hỏi ý kiến loài thụ tạo, Thiên Chúa cứu độ con người, thì Ngài cũng không thể hỏi “ý kiến “ họ, cũng như người thợ gốm , không thể hỏi ý kiến tác phẩm của mình, khi người đó muốn tạo nên một bình sành, hoặc một vật dụng nào đó . Nhưng, Ngài mặc khải tình thương, mầu nhiệm cho nhân thế.

Vì vậy, “ xem quả thì biết cây”, một Ngôi Vị Thiên Chúa Cứu Độ bằng một mầu nhiệm làm Người, một hành trình Cứu Độ, biểu lộ một Lòng Xót Thương cao cả, thì rõ ràng Ngôi Vị Thiên Chúa Tạo Thành loài người thật nhân từ xiết bao.

“Tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn thầy” , mặc nhiên , Chúa Giêsu muốn mặc khải cho con người biết rằng: “ Loài người không thể hơn Thiên Chúa được”, phàm nhân có đi vào vũ trụ, lên cả cung trăng, bắn phi thuyền, hay nguyên tử vào vũ trụ, họ cũng không thể “ tìm ra “ Thiên Chúa, vì một lý lẽ đơn giãn, họ là “ thụ tạo” của Đấng Tạo Thành. Vâng , đó là “ Chân lý khiêm nhường” vậy.

Ai học được chân lý khiêm nhường, người đó “gặp” được Thiên Chúa, Đấng là “Tình Yêu muôn thưở”. Qua luân lý nhân sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta biết được “ Chân lý Nước Trời”. Một giá trị tuyệt vời của Luân Lý Nước Trời, mà chúng ta gọi là ” nhân quả”, thuyết nhân gian gọi là ” quả báo” nhãn tiền.

Từ đó, chúng ta biết được, đối với Thiên Chúa chỉ có “ TÌNH YÊU” mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mạc khải cho chúng con nhiều ý nghĩa của chân lý khiêm nhường, xin cho chúng con thành tâm, lắng nghe, thực thi, hầu đem lại cho chúng con nhiều hoa trái như lòng Chúa ước mong ./. Amen

----------------------------

 

TN 8-C104: CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN_C


Lm. Antôn

 

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta ba bài học rất quan trọng.  Bài học thứ TN 8-C104


Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta ba bài học rất quan trọng.  Bài học thứ nhất Chúa dạy chúng ta không nên mù quáng sống theo những giá trị của xã hội ngày nay.  Chúa dạy và muốn chúng ta trở nên những ngọn đèn và là ánh sáng cho thế gian. Chúng ta là những ngọn đèn sáng phải được đặt trên chân đèn để soi sáng cả nhà. Chúng ta là những ngọn đèn phải được đặt trên đỉnh núi để chiếu sáng cho thế giới. Chúng ta biết trong xã hội hiện đại ngày nay có nhiều sự sai lầm, mơ hồ, và giả mạo; có nhiều sự dữ, gian dối và tội lỗi.  Xã hội ngày này lôi cuốn và dạy chúng ta sống ích kỷ, chú trọng vào tiền bạc, vật chất và tự do buông thả, cho nên Chúa dạy chúng ta, là những Ki-tô hữu, không đi theo đám đông, không sống theo những gì họ nói và làm. Chúng ta phải biết rõ về chính mình là những người tin theo Chúa. Chúng ta phải vững tin và can đảm sống những điều chúng ta tin, sống lời Chúa dạy. Chúng ta không thể mù quáng đi theo đám đông. Nếu chúng ta chấp nhận và sống những giá trị của xã hội này, và đi theo đám đông, chúng ta đang để cho người mù dẫn dắt chúng ta. Chúng ta là người có mắt nhưng lại để dẫn dắt bởi những người mù thì sẽ bị rơi xuống hố. Chúa nói: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư?”  Chúng ta là những người được ánh sáng chân lý của Chúa Ki-tô chiếu sáng vì vậy chúng ta phải là ánh sáng cho thế gian và là muối cho đời.

Bài học thứ hai Chúa dạy chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay là việc xét đoán người khác.  Qua dụ ngôn người mù và cái xà trong mắt, Chúa dạy chúng ta phải tự xét mình trước hết.  Có ánh sáng Chúa Ki-tô soi sáng và có sáng mắt thì mới thấy đường, mới thấy sự thật và chân lý, để dẫn dắt hay sửa sai người khác.  Chúa cảnh báo chúng ta về tật xấu hay xét đoán người khác mà quên những tội lỗi và tật xấu của mình cần sửa đổi trước.  Kinh nghiệm cho chúng ta thấy chúng ta dễ phê bình, dễ xét đoán thậm chí dễ kết án người khác hơn là thấy được những lỗi lầm và tật xấu của mình mà sửa đổi.  Cho nên điều kiện

cần thiết để hướng dẫn, để chỉ bảo và để sửa sai người khác, trước hết là phải tự xét đoán mình, phải biết mình trước đã.  Nhưng biết mình không phải là chuyện dễ, và biết được lầm lỗi của chính mình thì lại càng khó hơn vì sự tự cao, tự ái và tham lam ngăn chận, che dấu.   Vì thế muốn biết rõ mình, chúng ta phải có sự khiêm nhường chân thật.  Biết rõ mình để sửa sai, để thay đổi.  Biết người khác để tránh cái xấu, cái dở, cái sai của họ, hay học điều hay, điều tốt của họ.  Biết chính mình phải biết đúng, và biết người khác cũng vậy.  Nhưng một điều đáng buồn là nhiều khi chúng ta chỉ biết cái xấu, cái dở của người khác, còn cái hay, điều tốt của người khác thì chúng ta không chú ý, hay cố tình không muốn biết.  Cũng thế, chúng ta biết người khác thì thường là để phê bình, chỉ trích hơn là khích lệ, xây dựng.  Chúng ta hãy tự hỏi: như vậy có bất công, có ích kỷ, có sai lầm, có tội không?  Vì thế, Chúa dạy chúng ta: phải đẩy cái xà ra khỏi mắt mình trước, thì mới có mắt sáng, mới thấy đường để lấy cái rác ở nơi người khác.

Bài học thứ ba mà Chúa muốn dạy chúng ta là về lòng dạ con người. Hãy coi chừng lòng dạ của mình.  Chúng ta biết lòng dạ và lời nói của chúng ta liên hệ mật thiết với nhau như cây với quả. Lòng dạ tốt thì cách xử sự bên ngoài sẽ tốt.  Lòng dạ xấu thì cái nhìn về bên ngoài chắc chắn không thể nào tốt được.  Miệng chúng ta nói ra những tự tưởng chất chứa trong lòng.  Nếu đó là những tư tưởng tốt đẹp sẽ hướng dẫn chúng ta có những hành động tốt đẹp, ngược lại, tư tưởng xấu sẽ dẫn chúng ta đến những thái độ, hành động xấu.  Trong Tin mừng, Chúa Giê-su đã nhiều lần cảnh cáo những người Pha-ri-sêu sống giả hình, bề ngoài.  Lúc nào họ cũng tự cao, nghĩ mình là những người đạo đức, danh vọng, vì thế họ chỉ quan tâm đến hình thức bề ngoài để tạo thêm uy tín. Mỗi người chúng ta cũng cần ý thức để tâm hồn luôn có những tư tưởng tốt đẹp, luôn có lời Chúa trong tư tưởng, và không để bị quyến rũ, lôi cuốn vào những ý nghĩ xấu.  Sống trong xã hội này, chúng ta thường bị những tư tưởng xấu lôi cuốn, những tư tưởng này sẽ hướng dẫn hành động và cuộc sống của chúng ta, ảnh hưởng đến đời sống đức tin, và ảnh hưởng đến hạnh phúc, hòa thuận vợ chồng và con cái trong gia đình.

Chúng ta biết những người có những tư tưởng xấu trong lòng thì thường có những lời nói xấu, có những thái độ tiêu cực, thù hằn, thích và chú ý vào những tật xấu nơi người khác, rất ham thích chỉ trích, phê bình và ưa “vạch lá tìm sâu.” Những ai sống trong xét đoán, phê bình, chỉ trích và ghen ghét, người ấy sẽ chết trong chính sự xấu và bóng tối tội lỗi của chính mình.  Còn những người có những tư tưởng tốt trong lòng thì thường có cuộc sống hy sinh tham gia phục vụ, có cuộc sống bác ái và quảng đại, tạo niềm hy vọng, vui mừng và sự hiệp nhất, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Cây tốt thì sinh trái rốt, cây xấu thì sinh trái xấu.” Lời nói việc làm của người người hữu Kitô chỉ có thể sinh hoa kết trái tốt, nếu siêng năng suy niệm và thực hành lời Chúa.  Đời sống của chúng ta chỉ có thể “phát xuất ra sự lành” nếu chúng ta có những tư tưởng tốt, sự nhiệt thành, sốt sắng và lòng yêu mến với việc tham dự Thánh lễ, Bí tích Tình yêu của Chúa, nếu được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa và lời Chúa là ánh sáng và là lời ban sự sống.

Vì vậy, Chúa dạy chúng ta hãy để trong tâm trí, lòng dạ chúng ta những điều tốt đẹp, cao quí và lời Chúa dạy.  Chúng ta cầu xin Chúa đừng để chúng sống khô héo trong thái độ chỉ trích và xét đoán.  Xin giải thoát chúng ta khỏi những ý nghĩ và tư tưởng đen tối, để chúng ta sống trong ơn lành, an bình, hạnh phúc và yêu thương, và cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta luôn xanh tươi, sinh hoa trái tốt lành và đẹp lòng Chúa. 

-------------------------------

 

TN 8-C105: NGƯỜI MÙ MÀ DẪN ĐƯỜNG ĐƯỢC SAO?

 

Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước rao giảng lòng yêu thương kẻ thù và không lên án kẻ khác, đó TN 8-C105


Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước rao giảng lòng yêu thương kẻ thù và không lên án kẻ khác, đó là hai đặc điểm thể hiện rõ nhất sự tin cậy nơi Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để chúng ta học được một thái độ như vậy và thực hành nó? Về vấn đề này, bản văn Tin Mừng hôm nay trả lời bằng ba trình thuật mà thánh Luca kết hợp lại với nhau. Đây là những câu chuyện dụ ngôn, một thể loại đã được sách Huấn Ca đánh giá cao trong bài đọc thứ nhất, và được “giải mã” bằng hình ảnh: đôi khi người kể chuyện đưa ra áp dụng, đôi khi ông để người nghe tự giải quyết.

Cọng rác và cái xà.

Được đưa ra mà không cần áp dụng, dụ ngôn này là của người Do Thái; trong số những dụ ngôn khác, dụ ngôn này được gán cho cho Rabbi Tarphon, vào cuối thế kỷ thứ nhất. Dụ ngôn này nói rằng bạn không thể sửa lỗi người khác nếu bạn không tự sửa mình trước. Nếu không, người ta chỉ đơn giản đóng một màn kịch giả dối mà thôi: đó là ý nghĩa của từ đạo đức giả vốn được đúc kết ở đây bởi thứ tinh thần giả dối. Do đó, hình ảnh này làm sáng tỏ câu chuyện dụ ngôn về người mù dẫn đường bằng cách mời gọi cần phải có sự sáng suốt và sự hoán cải cá nhân bởi vì nếu không có điều đó, người ta không thể dẫn đường cho người khác.

Nếu chúng ta muốn hướng dẫn ai đó mà bản thân lại kém hiểu biết thì chỉ dẫn đến thảm họa. Điều này áp dụng cho ai? Luca trả lời bằng một con đường vòng, ông trích dẫn một khẩu hiệu xuyên suốt các sách Tin Mừng và liên quan đến mối quan hệ Thầy / Môn đệ; Luca khẳng định: người môn đệ được “trang bị”, được huấn luyện, là người có thể dẫn đường giống như thầy của mình. Chúng ta cần hiểu rằng chúng ta phải luyện tập cách cư xử nhân từ của chính Chúa Giêsu nếu chúng ta muốn dẫn lối cho người khác. Không nghi ngờ gì nữa, Luca nhấn mạnh vào điểm này, như ở đầu chương 6 này, ngài đang nghĩ đến những “thầy dậy” (διδάσκαλος  theo tiếng Hy Lạp), vốn chịu trách nhiệm đảm bảo việc giảng dạy trong cộng đoàn: “Có mấy người Pharisêu nói: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?” (Luca 1: 2).

Một người mù có thể dẫn đường một người mù khác không? Mọi người đều hiểu rằng để dẫn đường, bạn phải nhìn thấy rõ ràng, bạn phải, như người ta thường nói, “biết rõ nơi bạn đang bước tới”. Đó là điều hiển nhiên, vậy mà trong đời sống tâm linh, chúng ta thường quên mất qui luật đầy lẽ thường tình này.

Một người mù và một người mù khác, là hai người bình đẳng, bình đẳng trong mù quáng, ngu dốt; Sư phụ và đệ tử, vẫn là hai người bình đẳng, khi đệ tử đã học được tất cả những gì sư phụ truyền đạt cho mình, thì họ bình đẳng về kiến thức. Trong cả hai trường hợp, cả hai đều không đủ điều kiện để hướng dẫn người kia. “Người dẫn đường”, “Vị Thầy”, những thuật ngữ này được tìm thấy trong Mátthêu 23,8-1 1. Về phần người mù, thuật ngữ này xuất hiện trong Mátthêu 15,14. Trong Mátthêu, những chủ đề này được sử dụng trong cuộc tranh cãi chống lại những người Pharisêu, những người tự đặt mình làm người dẫn đường, tiến sĩ và thầy dậy. Bây giờ, trong Mátthêu 23,chúng ta được nói rằng không ai có thể tự đặt mình làm người dẫn đường hoặc làm chủ. Chỉ một mình Thiên Chúa, và Chúa Ktô, được trao quyền làm điều này. Bằng cách đưa những văn bản này ra khỏi bối cảnh luận chiến của chúng, Luca, vốn không nhắm nói với người Do Thái Palestine, đã mang lại cho những văn bản này một phạm vi rộng lớn hơn. Không ai trên thế giới này có thể lấy ý chí và quan điểm của mình thay vào tự do của người khác; chúng ta không được phép bắt người khác phải đi trên con đường của riêng chúng ta. Ngay cả cha mẹ vốn sinh ra và dạy dỗ con cái của họ cũng không được quyền làm như thế.

Muốn thấy rõ những gì nơi người khác, thì cần phải thấy rõ nơi chính mình và phải làm trong sạch cõi lòng và tinh thần của mình. Thật sự người ta không thể hướng dẫn người khác một cách lành mạnh khi người ta luôn nung nấu trong mình sự tức giận hoặc trả thù. Chúng ta không thể hướng dẫn người khác khi, chỉ vì tự hãnh, chúng ta tiếp đón họ như một kẻ cả, ngồi trên cao.

Nhìn lại mình trước khi nhìn người khác là điểm cơ bản của đời sống huynh đệ, là nơi chúng ta giúp đỡ nhau trên đường đến với Chúa. Rất dễ dàng nhìn ra lỗi của người khác và chất vấn họ với lý do lớn lao là cần phải thay đổi thế giới. Đối với Thiên Chúa, muốn thay đổi của thế giới, chỉ cần bắt đầu bằng sự thay đổi chính chúng ta, hoán cải chính mình.

Chúng ta hãy đọc kỹ Tin Mừng, Chúa Giêsu không sai các tông đồ đi “cải đạo” người khác từ người sai thành người đúng, Ngài chỉ sai họ đi mang Tin mừng cứu rỗi, và khi Ngài nói chuyện với đám đông, Ngài không nói với họ “Hãy đi và sửa lỗi những người khác”, nhưng Ngài nói với họ “Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy Sám Hối và tin vào Tin Mừng!” (Mc 1,15)

Chỉ có sự thật và sự hoán cải cá nhân mới có thể khiến chúng ta trở thành nghệ nhân của tình yêu và chỉ có tình yêu mới có thể cải thiện được thế giới. Chỉ có tình yêu thương mới có thể mở ra con đường dẫn đến trái tim của Thiên Chúa và dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

Không bao giờ dễ chịu khi thấy lỗi của chính mình, nhận ra lỗi của mình, và thường thì chúng ta muốn người khác phải chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của chúng ta. Chúng tay rất thường hay đổ lỗi cho người khác. Ở đây Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng lừa dối chính mình, đừng lừa dối Thiên Chúa. Sống và làm theo theo sự thật trong cuộc sống của chúng ta là điều cần thiết để phát triển, thăng hoa, để tìm thấy sự bình an trong nội tâm, bình an với người khác. Chỉ trong tình yêu, chúng ta mới có thể đón nhận người khác vì chính lợi ích của người ấy và chúng ta cũng có thể dẫn lối cho người ấy đến hạnh phúc. Nhưng liệu chúng ta có đủ can đảm để dừng lại và nhìn vào cõi lòng của chính mình trước không? Liệu chúng ta có đủ can đảm để cho phép mình được Chúa huấn luyện trong sự thật không?

Cây nào trái ấy.

Sự so sánh có hai mặt: một mặt, chất lượng của quả cho biết chất lượng của cây sinh ra nó; mặt khác, chỉ cần nhìn thấy một loại trái cây, người ta biết được bản chất của cây sinh ra trái đó. Và vì trong Kinh thánh, trái cây thường tượng trưng cho các hành vi đạo đức, nên việc áp dụng rất dễ dàng: các hành vi của con người bộc lộ phẩm chất và bản chất của lòng dạ người ấy, con người sâu xa của người ấy. Chỉ khi con người bộc lộ hết mình, người ta mới có thể thấy người ấy là người như thế nào. Vì vậy, chúng ta hãy cẩn thận khi muốn can thiệp vào quá trình chín muồi của trái cây. Chính Thiên Chúa là Đấng làm cho mọi cây cối tăng trưởng: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1 Côrintô 3,6 - 9). Tóm lại, chúng ta được mời gọi chờ đợi thời gian thu hoạch. Chỉ khi mọi sự hoàn thành, chúng ta mới thấy giá trị của nhau như thế nào; chúng ta đừng tìm cách tách lúa mì ra khỏi cỏ lùng trước thời điểm: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi" (Mátthêu 13: 29-30). Một lần nữa chúng ta hãy tôn trọng người khác.

Thế điều gì là tốt, điều gì là xấu? Đừng vội phán xét, đừng định kiến ​​một cách bản năng như “Adam - con người đầu tiên” vốn luôn có mặt trong chúng ta,nhưng  hãy cố gắng nhớ câu chuyện cây “biết lành biết dữ”. Những gì xấu xa, chết chóc, luôn luôn xuất hiện với chúng ta như thể tốt đẹp, tốt lành, dễ chịu, hữu ích, vì nếu không như thế chúng ta đã không chọn nó. Rốt cuộc mắt chúng ta được mở ra và chúng ta chỉ biết trái cây tội lỗi và sự chết. Thế còn cây biết lành là cây nào?

Dụ ngôn về cây và trái, dù tốt hay xấu, cho thấy các môn đệ cần phải cắm rễ cuộc đời mình vào chính sự tốt lành của Thiên Chúa để không trở nên trái xấu. Những việc làm tốt lành của họ chứng minh họ đang trở nên trái tốt, đang tăng trưởng tốt đẹp trong nhựa sống là Lời của Thầy. Quả sung và quả nho gợi lên hoa trái của đất hứa, đất do Thiên Chúa ban cho. Do đó, chúng không chỉ là dấu chỉ của nỗ lực của một mình người môn đệ mà còn cho thấy ân sủng của Chúa trong chính những nỗ lực ấy.

Lòng có đầy, miệng mới nói ra.

Bài đọc thứ ba, giống như bài thứ nhất, kết thúc bằng từ, “Lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Luca 6: 45). Lời nói được trình bày như là hoa trái cuối cùng của cây mà chúng ta đang có. Điều này có thể làm chúng ta ngạc nhiên, vì chúng ta đã quen với những lời nói và việc làm đối lập nhau. Để hiểu điều đó phải nhớ rằng ý nghĩa và hậu quả của lời nói vượt ra ngoài chính lời nói. Đối với Kinh thánh, lời nói bao gồm mối tương quan, sự giao tiếp. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Gioan 1:1) có nghĩa là mọi thứ bắt đầu bằng mối tương quan với Thiên Chúa, với Chúa Kitô, vốn là mối tương quan, gắn bó, trao đổi với Thiên Chúa. Lời nói tốt lành thể hiện lòng tốt vì nó thiết lập một mối tương quan chân chính, có tên gọi là tình yêu. Lời nói xấu không phải là lời nói đúng nghĩa; vì khi ấy nó chỉ là một công cụ phục vụ cho ý đồ xấu, nó không còn được sử dụng để thiết lập mối tương quan hướng lên tình yêu thương. Trong thực tế, mối tương quan ấy bị giết chết bởi lời nói gian dối, xấu xa, ác độc. Vì là Lời của sự khởi đầu, cũng là Lời của sự kết thúc, Chúa Kitô là mối tương quan gắn kết của chúng ta.

Tác giả Tin mừng nói: những người tuyên bố mình dẫn đường cho người khác phải chứng minh bằng hành động của họ rằng họ có khả năng làm như vậy; và lời nói cũng là một hình thức bộc lộ hành động của con người;

“Sàng rồi, trấu ở lại sàng,
nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay.
Có thử lửa mới biết bình thợ gốm,
nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay.
Xem quả thì biết vườn cây,
nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.
Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng:
muốn biết người, phải nghe miệng nói năng” (Huấn ca 27: 4-7).
Ở đây một lần nữa, chúng ta có thể lấy những lời của Chúa Kitô làm hướng dẫn hành động để áp dụng cho đời sống đức tin. Trong thực tế, lời của Chúa Kitô là một nguồn cảm hứng, một trí tuệ. Những gì được yêu cầu nơi chúng ta là sự kính trọng, là nơi bắt đầu sự thiện hảo. Và điều này bắt nguồn từ thực tế rằng chúng ta là anh em - từ ngữ “anh em” được lặp lại trong các câu 41,42-43: “Chúa Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Luca 6: 39-42). Là anh em nghĩa là bình đẳng; tất cả đều mù quáng như nhau, theo một cách nào đó. Là anh em trong sự mù quáng. Và cũng là anh em trong hiểu biết vì công việc của thầy dậy với môn đệ bao gồm việc giúp môn đệ đạt đến trình độ như thầy dậy. Nhưng từ ngữ “anh em” ngụ ý một điều cơ bản hơn: mỗi người được liên kết với Chúa bằng một liên kết trực tiếp. Chính mối liên kết này, mối tương quan của Người Con với Cha, tạo nên sự tôn trọng lẫn nhau của chúng ta. Vì vậy, từ một thứ đạo đức hạn hẹp, chúng ta được dẫn đến cách nhìn của Chúa Kitô về các mối tương quan của chúng ta. Khi tuyên bố rằng mình là người chỉ đạo và dẫn đường là đã coi người khác không có khả năng đi đúng con đường mình đi. Không phải thế, dẫn đường là giúp mỗi người đi trên con đường riêng của họ, đến gặp Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14: 6), và thực hành lời thánh Gioan khuyên nhủ trong thư thứ nhất chương 3 câu 7 của ngài:

“…Đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường.
Ai sống công chính, kẻ ấy là người công chính,
như Đức Giêsu là Đấng Công Chính.”
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập.

(passionistedepolynesie.e-monsite và croire.la-croix)

---------------------------

 

TN 8-C106: CHỐNG THÓI GIẢ HÌNH

 

Cách đây hơn ba mươi năm, trên chính một tờ báo nổi tiếng ở Liên Xô, người ta thấy một tranh TN 8-C106


Cách đây hơn ba mươi năm, trên chính một tờ báo nổi tiếng ở Liên Xô, người ta thấy một tranh biếm họa thế này. Có 3 hàng người chồng lên nhau. Hàng dưới cùng mặc đồ công nhân, đang dang tay bước một cách hùng dũng, cờ trong tay họ bay phấp phới. Hàng thứ hai, ở giữa, mặc đồ trí thức, cũng vung tay múa chân theo nhịp quân hành. Trên cùng là một con người, mặc y phục lãnh tụ, mắt đeo kiếng đen, tay phải cầm cây gậy của người mù còn tay trái đang sờ soạng trong không khí. Lạ một điều là hai hàng người dưới đều không có đầu. Bàn chân người hàng giữa đặt ngay trên cổ người hàng dưới, và bàn chân lãnh tụ trên cùng đặt ngay trên cổ người hàng giữa.

1- Nguyên tắc

Như trong phụng vụ Chúa nhật tuần trước, hôm nay chúng ta được mời gọi tiếp tục (và kết thúc) “Diễn từ trên đồng bằng” của Luca chương 6, một trang nêu bật chủ đề tình yêu và lòng thương xót. Và như trong đoản văn tuần trước, chúng ta cũng có thể phát hiện hai nguyên tắc hướng dẫn việc giải thích bản văn hôm nay, một bản văn đặc biệt bàn đến cuộc chiến chống giả hình.

Nguyên tắc thứ nhất, nằm nơi câu 39, được diễn tả qua một quy phạm khôn ngoan, một loại dụ ngôn mini hay một châm ngôn rút từ kho tàng phong phú của minh triết dân dã: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Bức tranh châm biếm mang tính chính trị nói trên là một minh họa cho dụ ngôn mở đầu này hay có thể đã cảm hứng từ nó. Để làm hướng dẫn viên cho một kẻ khác, con người phải có trong chính mình một ánh sáng và một sự phong phú, bằng không sẽ trở nên nguyên nhân sụp đổ chẳng những cho mình mà còn cho tha nhân nữa.

Đấy là điều đã được ghi nhận trong sách Huấn Ca, tác phẩm của một hiền nhân Cựu Ước (bài đọc thứ nhất: Hc 27,4-7). Sự mù quáng của một con người tỏ lộ qua suy nghĩ riêng của mình như cái sàng sàng lúa và trấu: “Sàng rồi, trấu ở lại sàng. Nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay”. Giá trị đích thực của một con người chỉ được khám phá qua việc phân tích ngôn ngữ của đương sự, nghĩa là những phát biểu của đương sự ra bên ngoài: “Chớ vội khen khi người chưa lên tiếng; muốn biết người phải nghe miệng nói năng”. Để kết luận, chúng ta có thể nói nguyên tắc thứ nhất Đức Giê-su phát biểu là lời mời gọi khám phá sự mù quáng vốn ở trong chúng ta và giữa chúng ta, bằng cách đưa ra ánh sáng thực tại của các sự vật đã bị bóc trần mọi sắp xếp và mọi vỏ bảo vệ.

Nguyên tắc thứ hai được chứa trong câu 40. Nó đưa ra một quy phạm chẳng những thuộc “lý trí” hay kinh nghiệm mà còn mang tính thần học nữa, hướng đến bình diện siêu nhiên: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi”. Hiển nhiên vị thầy Đức Giê-su ám chỉ chính là Người và môn đệ phải vươn tới mẫu gương cao cả đó, như trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, Đức Giê-su cũng đã dạy môn đệ “hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Thật thế, Thiên Chúa đã “tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Người là Đức Ki-tô” (Rm 8,29).

Và như thế, một môn đệ chú tâm tới vị Thầy ấy sẽ tự động trở nên một kẻ khiêm tốn, công chính, chân thành. Đương sự sẽ chẳng tiếm quyền phê phán người khác nhưng sẽ khiêm tốn “mặc lấy thân nô lệ” như Đức Ki-tô để cứu vãn anh em mình. Đương sự sẽ không nại đến phẩm chức mình để được phục vụ song là tình nguyện phục vụ. Từ kho tàng lòng đương sự sẽ chẳng kéo ra độc dược nhưng là sự dịu dàng và hiền lành, từ cây cuộc đời đương sự sẽ không sinh ra trái đắng trái độc song là quả ngọt quả lành, như Đức Ki-tô đã làm suốt cuộc sống trần gian. Từ miệng lưỡi đương sự sẽ chẳng phát xuất những lời gây thương tổn hay sợ hãi nhưng là những lời “thần khí và sự sống”.

Như thế đoản văn biến thành một khúc ca tình yêu nhưng cũng là một bài biểu dương sự chân thành của con tim chống lại mọi kiêu căng và giả dối. Thần học gia Tin lành Dietrich Bonhoeffer, chết tử đạo tại trại tập trung Đức Quốc xã thời Thế chiến thứ II, trong tác phẩm Etica đã nhắc lại rằng “lòng tốt không phải là một tính chất của cuộc sống song chính là cuộc sống và tốt lành có nghĩa là sống”. Chính vì thế Đức Giê-su đã định nghĩa những kẻ giả hình là “mả tô vôi”, xác chết biết đi: họ tự lừa dối mình khi tỏ ra sống động linh hoạt, trong lúc thật ra, với một tâm hồn gian trá nhơ bẩn, họ chẳng sống tí nào.

2- Thực tế.

Với câu thứ ba (c. 41), Đức Giê-su đi vào áp dụng thực tế: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” Đây cũng là khía cạnh “bậc thầy minh triết” của Đức Giê-su, một quan sát viên tuyệt vời, đầy hài hước và nghiêm nghị bổ ích. Y như minh triết dân dã của nhiều nền văn hóa trong nhân loại: “Chân mình thì lấm mê mê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người !” (Ca dao Việt Nam). Người ta ít dám giải thích câu đó, nhưng vì tật sính phê bình rất thường gặp và nguy hiểm cho đời sống huynh đệ nên ta cần dừng lại để phân tích. 

Đức Giê-su đang nói đến các tương quan giữa “anh em”, một từ được nhắc tới 4 lần trong 8 dòng. Tương quan trong đời sống lứa đôi, đời sống gia đình, trong các cộng đoàn đủ loại, các nhóm bạn bè đủ kiểu… Lời cảnh cáo đi trước câu trên (“Mù mà lại dắt mù được sao?”) khiến ta nghĩ tới các lời khuyên dành cho những người có trách nhiệm. Thành thử đây chẳng phải là lời kêu gọi phải nhắm mắt, nhưng là thay đổi cái nhìn.

Tự bản năng, cái nhìn của hữu trách có tính xoi mói. Người ta theo dõi (đôi lúc, than ôi, người ta rình mò kiểu mật thám gián điệp), người ta vạch lá tìm sâu, và tìm được là phê phán ào ào. Để làm nghề của mình theo tinh thần Tin Mừng không dễ, người hữu trách phải coi chừng cú đòn “lên lớp”: chúng ta rất thường tố cáo nơi kẻ khác các khuyết điểm của chính mình, những khuyết điểm lúc ấy trở thành lộ liễu kinh khủng: “Ổng trách con có cô bạn nhỏ -một cậu thanh niên tâm sự với vị linh mục về cha mình- nhưng ổng lại có một bồ nhí!” Nhiều chủ chăn trách con chiên thiếu tinh thần vâng lời, trong lúc chính mình lại chiều theo áp lực của thế quyền thay vì vâng phục các nguyên tắc của Tin Mừng và Giáo Hội.

Vậy phải hoàn hảo đã mới được lấy cái rác nơi anh em ra? Không! Chắc chắn không, nhưng ít nhất chớ bao giờ quên những cái xà của chính mình. Một bà mẹ quở mắng đứa con gái nói chuyện qua iPhone quá dài, đang khi chính bà ở cả giờ trên điện thoại! Đó là loại chuyện làm xộc xệch bất cứ cuộc sống chung nào.

“Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ.” Nếu lấy cái xà không luôn luôn dễ, thì việc ý thức về nó chắc chắn sẽ giúp cái nhìn của ta nên chân thực hơn. Chúng ta có lẽ sẽ thấy cái rác đúng là cái rác, chẳng quan trọng gì. Hoặc sẽ thấy rằng trong trường hợp nào đó với con người nào đó, không nhất thiết phải tự phong mình làm những nhà kiểm duyệt, việc này sẽ loại bỏ những phê bình khó chịu lẫn vô ý tứ. Các bà cụ thời nay, ví dụ vậy, đã hiểu rằng tốt nhất không nên bận tâm tới các cọng rác trong lũ cháu của họ, nhất là khi cha mẹ chúng có đó!

Nhưng bà cụ cũng như bất cứ ai chẳng được trở thành câm như hến. Trách nhiệm đích thực của chúng ta, hay đơn giản là ưu tư giúp đỡ của chúng ta, buộc chúng ta phải đưa ra “nhiều nhận xét”. Nếu phản ứng của chúng ta là thẩm tra trước các khuyết điểm của mình, cung giọng của chúng ta sẽ khiêm tốn hơn và chúng ta sẽ có thể… cùng nhau tiến bộ.

Sâu xa hơn, câu chuyện cái xà đưa chúng ta về tình trạng con tim chúng ta. “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu”, Đức Giê-su nói. Những kẻ phê phán, những kẻ nói xấu, những kẻ vu khống, những kẻ điên cuồng tìm cái rác nhỏ nhất, đều có ác tâm cả. Ngược lại, cũng chẳng ra gì một vài kiểu “nhân từ” hơi buông lỏng, dửng dưng hoặc quá mù quáng. Rõ ràng là xem ra không thể vừa nhân từ vừa ngu dốt. Ta có thể xin Thiên Chúa ban bí quyết về điều này. Làm sao vừa sáng suốt vừa nhân hậu? Lời đáp có lẽ nằm nơi câu nói của một nhà thần nghiệm người Anh thường được nhiều tác giả trích dẫn: “Thiên Chúa không nhìn cái bạn đã là hay đang là, nhưng nhìn cái bạn muốn là”.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

---------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây