CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA - Lễ Thánh Gia Thất 2004

Thứ sáu - 10/03/2023 06:17
CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA - Lễ Thánh Gia Thất 2004
CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA - Lễ Thánh Gia Thất 2004
CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA
Lễ Thánh Gia Thất 2004

-----------------------------------------

Lễ Thánh Gia Thất, 26/12/2004

I. BỔN PHẬN ĐỐI VỚI CHA MẸ

1.1 Lời Chúa

Trích sách Huấn ca 3,3-37.14-17a

Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
Người đó phục vụ các bậc sinh thành
như phục vụ chủ nhân.
Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,
và sẽ đền bù tội lỗi cho con.
Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó,
và các tội con sẽ biến tan
như sương muối biến tan lúc đẹp trời.
Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,
ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.
Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn,
thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.

1.2 Suy niệm 1 :

Đoạn sách Huấn ca vừa được công bố đã chỉ ra bản chất và cách cụ thể về bổn phận của những người làm con đối với cha mẹ.

Về bản chất, bổn phận đối với cha mẹ là điều cao cả vì trước hết đó là thánh ý Chúa : Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, làm cho người mẹ thêm uy quyền đối với con cái. Người cha được vẻ vang vì con cái, điều ấy hàm chứa việc người cha đã thực hiện tốt trách nhiệm đối với con cái ở cả hai lãnh vực trần thế và Nước Trời. Bằng tình phụ tử vốn xuất phát từ Chúa Cha, người cha đã lao động để nuôi sống con, đã dạy dỗ và tạo điều kiện cho con thành đạt và nên người, đã cầu nguyện và hướng dẫn để con trưởng thành về đường sống đạo. Người cha đã dầy công nuôi dạy và đào tạo con cái cả hai phần hồn và phần xác. Như vậy, con cái có bổn phận đối với cha mẹ là điều tự nhiên và thực hiện bổn phận ấy chính là thực thi đạo hiếu.

Sách Huấn ca đã chỉ ra cách thực thi đạo hiếu rất cụ thể và sâu sắc. Cụ thể, vì người con thể hiện lòng tôn kính cha mẹ bằng cả lời nói và việc làm, nghĩa là bằng cả suy nghĩ và hành động. Suy nghĩ để thấy rõ sự vẻ vang và hạnh phúc của cha mẹ và của con cái là một, nỗi tủi nhục của cha mẹ cũng là của con cái. Ý thức được như thế, người con đã thực sự hòa nhập vào đời sống và tình thương yêu của cha mẹ. Nhưng sách Huấn ca còn chỉ ra cách thực hiện lòng thảo kính đối với cha mẹ. Cụ thể là “Hãy săn sóc cha, chớ làm người buồn tủi … hãy cảm thông chứ không được xem thường người, nếu vì tuổi già người có lú lẫn”. Đó là giới răn thảo kính cha mẹ. Lòng hiếu thảo ấy sẽ sinh ân phúc như lời sách Huấn ca dạy : “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe”.

Người con hiếu nghĩa sẽ được chúc phúc làm cho cửa nhà được vững bền. Trái lại, nếu bất hiếu, nó sẽ bị kết án mạnh mẽ vì “ai bỏ rơi cha mình …, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa”, và “lời nguyền rủa của người mẹ làm cho nhà nó trốc rễ bật nền”.

1.3 Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong ngày lễ kính Thánh Gia Thất hôm nay, chúng con được sung sướng chiêm ngắm Chúa, chiêm ngắm lòng hiếu thảo của Chúa nơi Thánh Gia xưa.

Trong cuộc sống trần thế, Chúa đã có một người cha tuyệt vời là thánh Cả Giuse, một người cha rất mực hiền lành và khiêm tốn, cần cù lao động để nuôi dưỡng Chúa … Chúa cũng đã có một người mẹ xinh đẹp thánh thiện là Đức Maria. Từ khi nói lời “Xin Vâng”, người đã ý thức rất rõ người đang ở cùng Con Thiên Chúa. Suốt cả đời ấu thơ, niên thiếu và trưởng thành của Chúa, Đức Maria đã âm thầm ghi nhận tất cả hạnh phúc và đau khổ. Và trong Gia Đình Thánh ở Nadarét, Chúa đã nêu tấm gương hiếu thảo là vâng phục hai đấng, đồng thời luôn hướng về Chúa Cha để thực hiện thánh ý Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con thường xuyên suy gẫm về đời sống đạo đức, thánh thiện của Gia Đình Thánh ở Nadarét, để từ đó chúng con rèn luyện nhân đức hầu trở nên thánh thiện như lòng Chúa ước mong.

1.4 Hát “Giuse trong xóm nhỏ” (cả 3 phiên khúc).

II. XÂY DỰNG GIA ĐÌNH TRÊN NỀN TẢNG YÊU THƯƠNG

2.1 Lời Chúa

Trích thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côlôsê 3,12-21

Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.

Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.

2.2 Suy niệm 2 :

Muốn xây dựng hạnh phúc gia đình, điều cốt yếu là phải xây dựng gia đình trên căn bản tình yêu. Có tình yêu thì mọi cái đều có thể làm, có thể vượt qua, có thể tha thứ.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Muốn có một xã hội lành mạnh, bắt buộc phải có những gia đình lành mạnh, như Đức Kitô đã dạy : “Cây xấu không thể sinh trái tốt”.

Trong gia đình, nếu mọi người đều biết tôn trọng nhau, cất cho nhau gánh nặng, thì chắc chắn sẽ không có bất hòa, chia rẽ.

Chồng yêu thương vợ, sẵn sàng kề vai san sẻ bớt gánh nặng hằng ngày cho vợ. Vợ yêu thương chồng, luôn dùng cử chỉ, lời nói dịu hiền đối đãi với chồng, luôn chia sẻ những ưu tư khó khăn của chồng. Cha mẹ yêu thương con cái, luôn dùng tình thương nhắc nhở và uốn nắn. Con cái yêu thương cha mẹ, luôn lắng nghe cha mẹ như những bậc thầy kinh nghiệm.

Lời dạy của thánh Phaolô trong đoạn thư gửi tín hữu Côlôsê trên đây thật là rõ ràng : “Người vợ phải phục tùng chồng, người chồng phải yêu thương vợ, con cái phải vâng lời cha mẹ, người cha phải nhẫn nại với con cái”. Còn đối với tất cả, thánh nhân dạy phải biết chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, phải yêu thương nhau vì tình yêu là “mối dây ràng buộc điều toàn thiện”. Một gia đình được xây dựng trên nền tảng yêu thương như vậy thì sẽ có bình an và luôn vang lên lời ca tụng, cảm tạ, tri ân…

2.3 Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, nhìn lại chặng đường mà gia đình chúng con đã đi qua, chúng con không khỏi sững sờ khi thấy nhiều lần, vì thiếu chịu đựng, vì ích kỷ, vì quyền lợi riêng tư … chúng con đã gây nên bao đau khổ phiền hà cho người thân yêu ruột thịt.

Xin Chúa hãy đến và ở lại trong gia đình chúng con, để nâng đỡ và nhắc nhở chúng con luôn biết sống đẹp lòng Chúa, biết hy sinh chính mình để tìm hạnh phúc cho người thân yêu, để tất cả chúng con xây dựng được một mái ấm gia đình ngập tràn yêu thương như Gia Đình Nadarét của Chúa. Amen.

2.4 Hát “Đâu có tình yêu thương”

III. XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH BẰNG CÁCH THỰC HIỆN THÁNH Ý CHÚA

3.1 Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Mátthêu 2,13-15.19-23

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng : "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !" Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng : "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi". Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng : Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.

3.2 Suy niệm 3 :

Đoạn Tin Mừng này được công bố cho ta thấy : hai lần, hay đúng hơn phải là ba lần, thánh Giuse nhận được lệnh truyền của Thiên Chúa qua việc sứ thần báo mộng cho ngài. Vì ngài được đặt làm gia trưởng, với trách nhiệm bảo vệ Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người, nên mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa liên quan đến Gia Đình Thánh đều được truyền đến cho ngài. Và ngài đã đón nhận và thi hành mệnh lệnh của Chúa trong khiêm tốn và thầm lặng, dầu có lúc hoang mang nghi ngờ. Ngài đã hành động dứt khoát, không chần chờ khi đã hiểu ra thánh ý Chúa, như ta thấy qua những đoạn Kinh Thánh sau đây :

“Khi tỉnh dậy, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà” (Mt 1,24) ; “Ông Giuse liền chỗi dậy và đang đêm đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập” (Mt 2,14) ; “Sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê” (Mt 2,22).

Toàn là những lệnh truyền với những tình huống khó khăn. Hoạ vô đơn chí !

Trong đời sống thường nhật, gia đình chúng ta cũng lắm lúc gặp khó khăn, chao đảo. Liệu người gia trưởng chúng ta có được bản lãnh của thánh Giuse để mau mắn và dứt khoát hành động, đưa gia đình vượt qua gian nan thử thách, hay chúng ta lại đầu hàng và chạy trốn … ?

Và có bao nhiêu gia đình cũng gặp phải những giằng xé, những khắc khoải, cũng bị lôi cuốn trong cơn lốc của lịch sử, thậm chí bị xua đuổi, phải chạy trốn về nơi vô định, đói khát, thất thểu, với số phận thảm thương của người tỵ nạn.

Ngay cả trong mái ấm gia đình của chúng ta, nhiều phen sóng gió cũng nổi lên, khi phải âu lo về sức khỏe, tiền bạc, khi có những tranh chấp hoặc lúc gặp phải những hiểu lầm hay thiếu thông cảm giữa vợ-chồng, cha mẹ và con cái…

Chúng ta hãy thinh lặng giây lát để suy niệm trước Thánh Thể…

Nói tóm lại, Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu hoàn toàn làm theo sự hương dẫn của thánh Giuse, còn thánh Giuse thì hoàn toàn vâng theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Gọi Gia Đình Nadarét là Thánh Gia vì mỗi thành viên trong Gia Đình là Thánh và biết giải quyết mọi khó khăn một cách thánh thiện, có nghĩa là hoàn toàn thuận theo thánh ý Thiên Chúa.

3.3 Cầu nguyện với thánh ca :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin thương nâng đỡ những người lâm cảnh túng thiếu và không nhà không cửa, để họ vững tin vào Lời Chúa dạy mà vươn lên.

Hát : “Tin cậy mến” (câu 1)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho mọi gia đình kitô-hữu chúng con được ơn thánh hóa và biết giải quyết mọi khó khăn một cách đạo đức như Thánh Gia xưa.

Hát : “Tin cậy mến” (câu 2)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho các gia đình trong giáo xứ chúng con biết sống thánh thiện và hiệp nhất như Gia Đình Nadarét xưa.

Hát : “Tin cậy mến” (câu 3)
------------------------------
Ban Giáo Lý GP Đàlạt
Giáng Sinh 2004

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây