Chuyện Quỷ Ám là có thật - Chuyện kể cho các gia đình - Sách 22

Thứ sáu - 07/07/2023 08:41
Chuyện Quỷ Ám là có thật - Chuyện kể cho các gia đình - Sách 22
Chuyện Quỷ Ám là có thật - Chuyện kể cho các gia đình - Sách 22
Lm. Phêrô NguyễnVăn Mễn
(sưu tầm)


Chuyện Quỷ Ám là có thật

Nguồn:
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/


---------------------------------

*** Đọc các bài của Lm. Mễn:
1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71;

2. Vào Internet: Youtube, Google, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, Cha Mễn kể chuyện, hoặc linh mục Mễn

3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com

5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165

**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)

**** Lạy  Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.

----------------------------

Mục Lục

Bài 1: Cha Đamien, vị tông đồ người hủi 2
Bài 2: Chuyện một vị tu sĩ vào Thiên Đàng. 5
Bài 3: Vị hoàng tử hạnh phúc. 6
Bài 4: Đừng bỏ việc nên làm và phải làm, khi còn thời giờ và cơ hội 9
Bài 5: Những chuẩn bị cần thiết cho ngày phán xét chung. 12
Bài 6: Hãy mai táng chính mình. 14
Bài 7: Về lạc thuyết Ariô trong Giáo Hội 16
Bài 8: Một quan niệm ngộ nghĩnh về vũ trụ. 19
Bài 9: Thói hay đổ lỗi cho người khác. 21
Bài 10: Chìa khóa vào Thiên Đàng của một thầy dòng. 23
Bài 11: Một kiểu truyền giáo dễ làm.. 26
Bài 12: Bài học khiêm nhường ở sông Giô-đan. 28
Bài 13: Chuyện Hoàng Đế Edward VIII từ bỏ ngai vàng. 30
Bài 14: Ma quỷ không bao giờ làm điều tốt 34
Bài 15: Có đời sau, nhưng đời sau không giống đời này. 38
Bài 16: Thói quen chạy tội và đổ lỗi cho người 40
Bài 17: Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. 43
Bài 18: Chuyện Quỷ Ám là có thật 45
Bài 19: Đổi mới bản thân là cần thiết hàng đầu. 47
Bài 20: Hãy cho nhau những cái đẹp. 49

----------------------------

 

Bài 1: Cha Đamien, vị tông đồ người hủi

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 544

Bạn thân mến,

Vào một buổi chiều, trong nhà thờ đầy nghẹt những người cùi hủi, Đức cha Maigret đứng bên bàn thờ quay xuống hỏi họ:

Các con thân mến, các con hằng mong ước có một linh mục đến ở cùng và phục vụ các con, thì đây Cha xin giới thiệu cho các con:

Cha Đamien (Joseph Damien de Veuster 1840-1889), người Bỉ. Ngài đã đến và sẽ ở lại để chăm sóc, phục vụ và chia sẻ với các con từ nay cho đến chết. Các con có vui mừng không?

Cả nhà thờ xôn xao, họ thì thầm to nhỏ, rồi họ từ từ tiến lên cung thánh. Họ đến bên cha Đamien, sờ vào mặt, vào tay và vào áo cha…

Cha Đamien đứng bên cạnh Đức giám mục, mà chẳng hiểu tí gì, nên hỏi Đức giám mục:

- Họ làm gì vậy?.

Đức cha giải thích:

Họ nói: họ không thể tưởng tượng được, một người từ nơi phương xa, chẳng có bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ và lại đẹp trai nữa, không bệnh tật gì, mà tự nguyện đến phục vụ họ, trên mảnh đất khốn cùng này.

Họ không tin vào mắt mình, nên họ mới xúm lại sờ mó vào người cha, xem thử cha có thực sự bị bệnh phong cùi như họ không?

Rồi họ nói với nhau rằng: “Không, cha không bệnh tật gì hết và cha lại đẹp trai nữa!”.

*****

Vào năm 1873, cha Đamien đã tự tình nguyện ra đảo Molokai (hòn đảo lớn thứ 5 trong quần đảo Hawaii), nơi mà chính quyền Hawaii thời đó “thu gom” tất cả những người bất hạnh, bị bệnh cùi hủi, ra sống ở đảo này, nhằm cách ly họ, để tránh sự lây lan cho xã hội. Vì thế họ đã bị bỏ mặc, sống lạc loài và cô đơn trên đảo, không nhận được bất cứ một sự chăm sóc nào, cả về thể xác, cũng như tâm linh!

Cha Đamien đã đến và biến đổi một trại cùi hiu quạnh này, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, thành một trung tâm sinh hoạt yên vui, như một gia đình lớn.

Và rồi sau 16 năm tận tình phục vụ những anh chị em cùi, cha đã bị lây bệnh và qua đời vào năm 1889. Vì thế cha được mệnh danh là “Tông Đồ người cùi”.

(Ngài được phong chân phước ngày 04/06/1995 và được phong hiển thánh ngày 11/10/2009).

*****

Hôm nay (31.05) Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ đi thăm viếng gia đình bà Elisabet.

Chúng ta thấy: Theo tường thuật của Phúc Âm, thì ngay sau khi nói lời “xin vâng” để chương trình cứu thế của Thiên Chúa được bắt đầu thực hiện, thì Đức Mẹ đã “vội vã” lên đường, đến thăm gia đình người chị họ.

Đây không phải là một cuộc thăm viếng bình thường, mà là một chuyến đi mang niềm vui của ơn cứu độ đến cho tha nhân.

Niềm vui này thật quan trọng và lớn lao, đến nỗi bà chủ nhà Elisabet, khi thấy Đức Maria đến đã phải thốt lên rằng:

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm viếng tôi”.

Và Gioan, tuy chỉ mới là một bào thai thôi, thì cũng đã vui mừng, mà nhảy lên trong dạ mẹ.

Như vậy chúng ta thấy, khi nhận được niềm vui của Tin Mừng cứu độ, Mẹ đã không giữ lại riêng cho mình, mà đã vội vã lên đường, đi chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người.

Với tư cách là Mẹ Đấng Cứu Thế, thì lẽ ra người phải đến chăm nom, phục vụ và ngợi khen Đức Mẹ, phải là bà Elisabet.

Nhưng vì lòng khiêm nhường, Đức Mẹ đã không quản ngại đường xá xa xôi, vất vả, và không phải là không có những mối nguy hiểm trên đường! Nhưng Mẹ vẫn đến để thăm viếng, phục vụ người chị em này đang mang thai.

*****

Noi gương Đức Mẹ, chúng ta là những người được mệnh danh là “người có Chúa” tức những Ki-tô hữu, thì cũng phải có bổn phận đem Chúa đến giới thiệu cho tha nhân.

Nhưng trước hết, hãy học nơi Mẹ nhân đức khiêm nhường và yêu thương.

Bởi chỉ có thực sự khiêm tốn và yêu thương chân thành, chúng ta mới có thể đem Tin Mừng cứu độ đến cho tha nhân được.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết thể hiện những hành động yêu thương quí mến mọi người, mà chúng ta gặp gỡ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Chúng ta có thể trao cho họ những nụ cười tươi thắm, những lời nói nhỏ nhẹ chân thành, những ánh mắt thiện cảm, nhân từ…

Như thế là chúng ta đã mang niềm vui, an bình đến cho mọi người, và nhất là chúng ta đã thể hiện được là người có Chúa Ky-tô (Ky-tô hữu) đang ngự trị nơi tâm hồn của chúng ta.

Lạy Chúa, còn biết bao người chưa nhận biết Chúa. Xin Chúa ban Thánh Thần xuống thức tỉnh tâm hồn họ, để nhờ đó, họ nhận ra chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất đã đến trần gian này, Đấng mà họ phải tôn thở, kính mến, để cuộc sống dương gian này mang lại ý nghĩa thực sự cho họ.

Và xin cũng ban cho mỗi người chúng con, luôn biết bổn phận của mình là Ky-tô hữu, thì phải biết đem Chúa đến cho mọi người và đem mọi người về cho Chúa, bằng đời sống yêu thương, bác ái, hy sinh và phục vụ của mình.

Lạy Chúa, xin giúp con mỗi ngày, biết cố gắng hy sinh, làm việc thiện, có ý cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, để Danh Chúa được mọi người nhận biết, mà yêu mến và tôn thờ Chúa. Amen.

-------------------

 

Bài 2: Chuyện một vị tu sĩ vào Thiên Đàng

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 545

Bạn thân mến,

Có một chuyện ngụ ngôn kể rằng:

- Trước cửa Thiên Ðàng, có một vị tu sĩ đến gõ cửa và cầu khẩn: "Lạy Chúa, xin cho con được vào".

Cánh cửa vẫn đóng kín, nhưng có tiếng hỏi: "Con có mang theo điều gì không?".

Vị tu sĩ đáp: "Con có mang theo một bị, chứa đầy những nhân đức của con".

Có tiếng vọng lại: "Ðiều ấy tốt, nhưng Ta không thể mở cửa cho con vào".

- Vị tu sĩ ra đi, nhưng buổi chiều ông lại đến gõ cửa, để xin được vào. Lần này, khi được hỏi: Có đem theo điều gì không?

Ông cho biết là có đem theo công nghiệp của những buổi Suy Niệm và cầu nguyện lâu giờ.

Tuy nhiên, ông vẫn chỉ nhận được lời này: "Thật là tốt, nhưng Ta vẫn không thể mở cửa cho con vào".

- Vị tu sĩ lại ra đi, đến tối, ông trở lại. Lần này trong tâm trạng gần như thất vọng, ông chỉ đến với con người của ông thôi, không hề mang theo gì hết. Nhưng tức khắc cánh cửa tự động mở rộng, để cho ông bước vào.

*****

Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta về một thái độ tinh thần cần phải có khi đến với Chúa, đó là đến với Chúa bằng chính thực tế con người của mình; bằng chính tâm tình tin tưởng và cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa, hơn là cậy dựa vào sức riêng của mình.

Ðây cũng là thái độ chúng ta thấy được nơi anh mù thành Giêricô, mà Tin Mừng theo thánh Marcô có ghi lại (Mc 10, 46-52).

Anh mù chỉ đến với Chúa, bằng chính thực tại bệnh tật, đau thương của mình và chỉ trông cậy vào tình thương của Chúa thôi:

"Lạy con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi".

Ðây là lời cầu xin của một tâm hồn khiêm tốn và tin tưởng, như Chúa Giêsu đã ghi nhận sau khi đã chữa lành anh:

"Lòng tin của anh đã cứu chữa anh".

Ðức tin nơi anh mù đã giúp anh vượt qua được những thử thách: Người ta càng ngăn cản anh, thì anh càng kêu to hơn, cho đến khi được Chúa nghe thấy và cho gọi anh lại.

*****

- Liệu chúng ta có đủ khiêm tốn, và kiên trì chờ đợi để gặp Chúa không?

- Chúng ta có ý thức mình cần đến ơn Chúa, cần đến tình yêu và sự tha thứ của Chúa không?

Như anh mù, chúng ta hãy luôn thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin thương xót con".

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy những kỳ công tuyệt diệu của Chúa đã và đang thực hiện trong lịch sử nhân loại và trong chính đời sống của con, để cuộc đời con và những việc con làm, sẽ là những bài ca tri ân, chúc tụng, tôn vinh Chúa không ngừng, trong tâm tình tin yêu, cậy trông và phó thác. Amen.

-------------------

 

Bài 3: Vị hoàng tử hạnh phúc

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 546

Bạn thân mến,

Oscar Wilde (một nhà văn nổi tiếng người Ireland) đã viết một câu chuyện thật đẹp, có tựa đề là “Vị hoàng tử hạnh phúc”.

Trong suốt cuộc đời mình, vị hoàng tử này đã sống một cuộc sống được che chở, bao bọc trong nhung lụa, nơi cung điện nhà vua.

Khi hoàng tử qua đời, người ta đúc một bức tượng của ông, và đặt ngay tại quảng trường chính của thủ đô, và đặ tên cho bức tượng là Vị hoàng tử hạnh phúc.

Trên bức tượng, được dát đầy những chiếc lá bằng vàng. Trên đôi mắt, có hai hòn ngọc bích, và một viên hồng ngọc đính trên cán thanh gươm.

Một buổi tối tiết trời lạnh lẻo, trên đường bay về phía nam, một con chim sẻ đáp xuống chân bức tượng. Khi con chim này đang đậu ở đó, thì có vài giọt nước rớt trên mình nó. Con chim ngước mắt nhìn lên, và nhận thấy vị Hoàng tử hạnh phúc đang khóc.

Con chim sẻ hỏi “Tại sao hoàng tử lại khóc vậy?”

Vị hoàng tử nói: “Khi còn sống, ta không hề biết đến đau khổ. Nhưng từ khi đến đây, từ trên cao nhìn xuống, ta nhận thấy có quá nhiều nỗi bất hạnh trên thế gian này. Ta rất muốn giúp đỡ họ, nhưng không thể được, vì đôi chân của ta bị chôn chặt vào cái bệ này rồi. Ta cần có một sứ giả. Ngươi có thể trở thành sứ giả của ta được chứ?”

Con chim sẻ trả lời: “Nhưng tôi phải bay sang Ai cập”.

- “Xin vui lòng ở lại với ta đêm nay”.

- “Được thôi. Vậy tôi có thể làm gì được cho ngài?”

- “Trong căn phòng đằng kia, có một bà mẹ đang săn sóc đứa con bị đau yếu. Bà ấy không có tiền để trả cho bác sĩ. Ngươi hãy lấy viên hồng ngọc trên cán thanh gươm của ta, và đem đến cho bà ấy”.

Con chim sẻ dùng mỏ, gắp viên hồng ngọc ra, rồi mang tới cho người phụ nữ, và bà ấy rất vui mừng. Bà đã mời được bác sĩ đến, và con bà được chữa khỏi bệnh.

Con chim sẻ bay trở lại và ngủ vùi.

Hôm sau, hoàng tử lại yêu cầu con chim ở lại một đêm nữa.

Rồi hoàng tử nhờ con chim lấy một trong hai hòn ngọc bích, đưa tới cho một cô gái nhỏ bán diêm sống ở quảng trường. Cô bé không hề bán được cây diêm nào trong ngày hôm đó, và đang sợ rằng sẽ bị đánh đập khi trở về nhà. Một lần nữa, con chim lại làm theo lời hoàng tử yêu cầu.

Sau khi làm xong những việc thiện rồi, đôi mắt của con chim đã được mở ra. Nó nhìn thấy rất nhiều cảnh nghèo nàn và khổ sở trong thành phố. Cho nên, nó vui lòng ở lại và trở thành một sứ giả của hoàng tử. Khi hoàng tử thúc giục, con chim lại nhặt từng chiếc lá vàng mỏng, rồi đem đến cho người nghèo khổ.

Cuối cùng, vào một buổi tối nọ, con chim bay trở lại. Nhưng đến lúc này, bức tượng đã hoàn toàn trống trơn, vì nó đã lột sạch không còn một món đồ trang trí nào.

Ban đêm trời rất lạnh.

Sáng hôm sau, người ta tìm thấy con chim sẻ nhỏ bé chết ngay dưới chân bức tượng. Vị hoàng tử đã cho đi tất cả tài sản của mình, nhưng không thể nào thực hiện được như vậy, nếu không có sứ giả của mình, đó là con chim sẻ nhỏ bé.

*****

Khi còn tại thế, Đức Kitô, Vua của chúng ta, đã tự hiến bản thân mình.

Ngay cả khi đã qua đời rồi, Người vẫn còn ban chính mình Người làm lương thực cho những ai tiếp nhận Người.

Và từ nơi Thiên Đàng cao vời, Người vẫn nhìn thấy nỗi khốn khổ của con cái Người trên trái đất này.

Nhưng đôi chân Người đã bị cột chặt, đôi tay Người bị trói, và lưỡi của Người im lặng. Người cần đến những sứ giả.

Người cần đến chúng ta.

Bởi Người không còn đôi tay nào nữa, ngoại trừ đôi tay của chúng ta, không còn đôi chân nào nữa, ngoại trừ đôi chân của chúng ta, Người không còn lưỡi nữa, ngoại trừ lưỡi của chúng ta.

Và những tài sản đó là của chính Người, chứ không phải là của chúng ta, mà chúng ta được mời gọi để phân phát: tình yêu thương, ơn tha thứ, lòng khoan dung, những niềm vui…

*****

Điều này có liên quan đến việc giúp đỡ người khác bằng những việc đơn giản, mà chúng ta luôn sẵn có, để đem đến cho tất cả mọi người: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, đón tiếp khách lạ, hoặc thăm viếng người bị đau yếu hoặc tù tội…

Để làm những công việc này, chúng ta không cần phải giàu có, hoặc phải có tài gì cả.

Tất cả những gì người ta cần đến, chỉ là có một tấm lòng nồng nhiệt và thái độ luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Mọi người đều có thể làm được điều gì đó.

Vâng, ngay cả một con chim sẻ bé nhỏ cũng đã làm được.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng loài người giống hình ảnh Chúa và đã cứu chuộc loài người bằng máu Ðức Kitô.

Xin dạy con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người đói khát, vô gia cư, rách rưới, đau yếu, tù đầy….

Xin tha thứ cho những lần con bịt tai, nhắm mắt, trước những nỗi thống khổ và rên xiết của người lầm than, bất hạnh, vì tính ích kỷ và lười biếng của con.

Xin ban cho con một trái tim biết rung động, để con biết đáp ứng nhu cầu của những anh chị em đang phải khốn khổ sống bên cạnh con. Amen.

-------------------

 

Bài 4: Đừng bỏ việc nên làm và phải làm, khi còn thời giờ và cơ hội

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 547

Bạn thân mến,

Đại thi hào Ta-go của Ấn Độ có thuật một câu chuyện đầy thi vị như sau:

Có một người hành khất nọ, ngày ngày vác bị đi xin bố thí.

Một lần nọ, đang trên đường hành khất, người ấy trông thấy xa giá của Đức Vua đi kinh lý đang tiến về phía ông. Lòng người hành khất bỗng khấp khởi mừng vui và hy vọng:

"Phen này, với của bố thí vua ban, ta sẽ không còn phải ngày ngày lê gót hành khất nữa!"

Thế nhưng, khi giáp mặt với người hành khất, Đức Vua đã chẳng bố thí gì; trái lại, ngài còn ngửa tay xin ông chia sẻ điều ông đang có trong bị.

Quá bất ngờ, người hành khất lúng túng thọc tay vào bị, bốc đại một hạt lúa, rồi đặt vào tay Đức Vua. Đoạn Đức Vua giá tiếp tục cuộc kinh lý.

Chiều đến, khi trở về túp lều dột nát của mình, người hành khất kiểm điểm lại những gì đã xin được trong ngày.

Bỗng ngạc nhiên vô chừng, vì ông nhìn thấy lấp lánh dưới đáy túi một hạt gạo bằng vàng.

Thì ra, khi ông trao cho Đức Vua một hạt lúa, ngài đã kín đáo đặt trở lại vào túi của ông một hạt vàng.

Lúc ấy người hành khất bật khóc và tiếc nuối: "Phải chi tôi đã dâng cho vua tất cả những gì tôi có cho rồi!"

*****

Tương tự như câu chuyện trên, bài Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 25,31-46) cũng cho thấy những bất ngờ:

Trong ngày phán xét: cả hai nhóm người lành, dữ đều được xét xử dựa trên điều họ không ngờ tới; chỉ khác một điều là nếu sự bất ngờ đó đem lại mối phúc cho nhóm này, thì nó lại mang đến sự bất hạnh cho nhóm kia.

Cũng như trường hợp của người hành khất, do không ngờ, đã bỏ sót điều lẽ ra nên làm, phải làm khi hãy còn thời giờ và cơ hội. Nhưng bây giờ thì... đã muộn!

*****

Mừng lễ Chúa Kitô Vua, Giáo Hội, qua các bài sách thánh, đã cho chúng ta thấy hình ảnh Chúa Kitô Vua mà chúng ta mừng, là vị Vua của người nghèo. Ngài đã tự đồng hoá mình với những người nghèo và rồi sẽ xét xử mỗi người chúng ta qua thái độ của chúng ta đối với người nghèo.

Chính Đức Giêsu, trong cuộc đời dương thế của Người, Người cũng đã minh chứng Người là Đức Vua của người nghèo, bởi Người luôn quan tâm đến những hoàn cảnh đáng thương, cần được giúp đỡ của những người bé mọn. Sự quan tâm ấy của Người, không chỉ thể hiện trong ngày chung thẩm, nhưng chính Người đã từng sống với những mối bận tâm đó từng ngày, từng giờ.

Các Tin Mừng có thể cho chúng ta nhiều bằng chứng về điều này:

- Người đã cho đám đông đói lả được no nê cơm bánh và Lời Chúa (Mt 14,13-21);
- đã giải tỏa cơn khát khao chân lý của người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4);
- đã tiếp rước một Giakêu thu thuế bị đồng bào khinh miệt, loại trừ (Lc 19,1-10);
- đã mặc lại chiếc áo nhân phẩm cho người phụ nữ ngoại tình, bị bắt quả tang (Ga 8,1-11);
- đã làm biết bao phép lạ xoa dịu cơn đau của những người đau yếu;
- đã chữa lành đủ mọi thứ bệnh tật.

- cuối cùng, Người cũng đã giải thoát nhiều trường hợp bị giam cầm trong xiềng xích trói buộc của quỉ dữ (Mt 18,28-34) v.v...

Tóm lại, khi mang đến cho những con người nói trên những ích lợi về phần xác, thì đồng thời Đức Giêsu còn làm thỏa mãn những nhu cầu tinh thần và tâm linh của họ nữa.

Ngoài việc quan tâm đến những người bé mọn, Đức Giêsu còn tự đồng hoá mình với những con người ấy, đến độ nếu ai đó làm một việc lành cho họ, thì được kể là làm cho chính Người (c. 40).

Với việc tự đồng hóa trên, Người cũng đã biến hai giới luật Mến Chúa và yêu người thành một.

Để từ đó, kẻ mến Chúa cũng phải yêu thương tha nhân, vốn được dựng nên theo hình ảnh Chúa; còn kẻ làm một điều tốt cho tha nhân, cũng chính là làm cho Đấng đã tự đồng hóa mình với những người bé mọn.

Tiêu chuẩn phán xét giờ đây, đã rõ: "Thiên Chúa sẽ đong lại cho mỗi người bằng chính "đấu tình thương" mà người ấy đong cho tha nhân (Mt 7,2).

Tiêu chuẩn này cũng am hợp với mối phúc thứ Năm: "Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương." (Mt 5,7)

Lạy Chúa, xin dạy con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi người đói khát, vô gia cư, rách rưới, đau yếu, tù đầy… để con biết đáp ứng kịp thời những nhu cầu của họ một cách tích cực như Chúa mong muốn. Amen.

-------------------




 

Bài 5: Những chuẩn bị cần thiết cho ngày phán xét chung

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 548

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 25,31-4 về ngày phán xét chung) chúng ta thấy nhiều sự thật quan trọng về kết cục của con người.

Sự thật thứ nhất là: thế giới này sẽ chấm dứt.

Không có gì vĩnh cửu ở đời này. Mọi sự rồi sẽ qua đi. Những gì được coi là bền vững, lâu dài, rồi cũng tan thành cát bụi, thành mây khói.

Của cải, tài năng, công danh, sự nghiệp, cũng sẽ trở thành hư vô. Cả đến con người cũ cũng không còn.

Sau cùng, mọi người sẽ bằng nhau và sẽ phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.

Sự thật thứ hai là: mọi người sẽ bị xét xử.

Tất cả mọi người sẽ tụ tập lại. Tất cả mọi người sẽ phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời:

- Cuộc xét xử sẽ diễn ra công khai.
- Những trách nhiệm liên đới sẽ được sáng tỏ.
- Những liên hệ thầm kín sẽ được phơi bày.

Nếu trên trần gian ta phải chứng kiến những cảnh bất công, thì tại phiên xử cuối cùng này, sẽ có sự công bằng tuyệt đối.

Chẳng ai có thể mua chuộc được vị quan tòa tối cao, quyền uy và công thẳng này đâu.

Sự thật thứ ba: sẽ có một vương quốc mới.

Tuy nhiên, kết thúc thế giới cũ, không phải là chấm dứt tất cả. Chúa Giêsu tổng kết thế giới cũ để đưa nhân loại vào một thế giới mới:

- Thế giới không còn thời gian.
- Thế giới vĩnh cửu.
- Thế giới không còn đau khổ.
- Thế giới hạnh phúc tràn đầy.

Vì Chúa sẽ thiết lập một vương quốc mới: vương quốc tình yêu. Cuộc xét xử chính là một cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới.

Vì là vương quốc mới là tình yêu, nên chỉ những ai có tình yêu mới được vào.

Luật lệ trong vương quốc mới chỉ có một luật duy nhất, đó luật tình yêu.

Việc cai trị cũng chỉ theo một nguyên tắc duy nhất dó là tình yêu.

Và Chúa Giêsu trở thành Vua Tình Yêu.

Sự thật thứ bốn: đời này là cơ hội duy nhất.

Thế giới mới và vương quốc mới, không phải bất ngờ mà có, nhưng được xây dựng ngay từ bây giớ ở đời này.

Đời này, tuy chóng qua, nhưng là cơ hội để ta xây dựng vương quốc mới.

Những ai có lòng yêu thương anh em, đặc biệt những anh em nghèo khổ, bé mọn, sẽ được tuyển chọn vào vương quốc mới là Nước Trời.

Đời này ngắn ngủi, nhưng lại là cơ hội duy nhất. Hết đời này sẽ không còn cơ hội nữa, bởi đã đến lúc chung cuộc rồi.

Vì thế, ta phải vội vàng, ta phải mau mắn, ta phải thực hành giới luật yêu thương, kẻo không kịp.

Với dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho chúng ta hết những bí mật của vận mạng thế giới.

Và Chúa Giêsu chỉ vẽ cho chúng ta con đường để được nhận vào Nước Chúa, đó là thực hành yêu thương, bằng những việc làm cụ thể:

- Cho người đói ăn.
- Cho người khát uống.
- Cho người rách rưới ăn mặc.
- Thăm viếng người đau yếu và kẻ tù đầy.

Đây là những việc làm vừa tầm tay của mọi người. Ai cũng có thể làm được. Ai cũng có điều kiện để làm.

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương như Chúa dạy, để con cũng được nhận vào Nước Chúa. Amen.

-------------------

 

Bài 6: Hãy mai táng chính mình

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 549

Bạn thân mến,

Có một vị linh mục nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh, để đánh động lòng giáo dân trong giáo xứ.

Một buổi sáng Chúa Nhật nọ, dân chúng bỗng nghe cha rao báo như sau:

"Một nhân vật trong giáo xứ chúng ta vừa qua đời, tang lễ sẽ được cử hành trọng thể vào sáng thứ Tư tới".

Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết coi nhân vật quan trọng ấy là ai.

Đúng ngày tang lễ, mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau đến nhà thờ rất đông. Từ cung thánh cho đến cuối nhà thờ, cả ngoài sân hầu như cũng không còn chỗ trống.

Người ta đến, không phải để cầu nguyện cho người quá cố, cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng nhân vật quan trọng đó là ai.

Sau thánh lễ, vị linh mục đến mở nắp quan tài ra, để cho mọi người đến chào từ biệt lần cuối cùng người quá cố.

Ai ai cũng sắp hàng chỉnh tề để nhìn cho kỳ được người chết.

Nhưng ai ai cũng đều ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy trong quan tài một tấm gương (kiến soi mặt) thật lớn và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người ai ai cũng đều chỉ nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.

Chờ cho mọi người làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích:

"Như quí ông bà anh chị em đã thấy, tôi đã cho đặt vào trong quan tài một tấm kính. Con người, mà anh chị em nhìn thấy trong quan tài, không phải là ai khác, hơn là chính mỗi người trong chúng ta.

Vâng, đúng thế, thưa quí ông bà anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải mai táng chính mình... Và Thánh lễ vừa rồi, tôi đã cử hành để cầu nguyện cho tất cả chúng ta".

*****

Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh công khai của mình, bằng một cử chỉ rất lạ lùng: Ngài đã dìm mình xuống dòng nước sông Gio-đan.

Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn loan báo cho mọi người biết rằng: Ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha, để đi vào Cái Chết, và nhờ đó, mà Ngài cứu rỗi được cả nhân loại.

Một cách nào đó, mầu nhiệm của Sự Chết và Sự Sống lại đã được diễn tả qua việc Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước sông Gio-đan.

Khi thiết lập Phép Rửa, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta coi đây là cửa ngõ để đưa chúng ta vào cuộc sống trường sinh. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Ngài.

Khi dìm mình trong nước của Phép Rửa, là chúng ta khởi đầu cuộc sống Kitô hữu bằng chính cái chết.

Sống đối với chúng ta, cũng có nghĩa là chết:

- chết cho những khuynh hướng xấu,
- chết cho những đam mê xấu,
- chết cho tội lỗi,
- chết cho ích kỷ,
- chết cho hận thù….

Do đó, cuộc sống đối với chúng ta cũng là một cuộc mai táng liên lỉ.

Cũng như hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi, cũng thế chúng ta phải chấp nhận chôn vùi con người cũ tội lỗi của chúng ta, để chúng ta có thể sống lại cùng với Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin cho con biết dìm mình trong dòng nước lòng từ bi thương xót vô biên của Chúa, qua việc con thành tâm sám hối, thường xuyên chỉnh sửa cuộc sống sao cho mỗi ngày một tốt hơn.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con. Amen

-------------------

 

Bài 7: Về lạc thuyết Ariô trong Giáo Hội

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 550

Bạn thân mến,

Vào năm 320, tại Alexandria, linh mục Ariô, người gốc xứ Lybia, bắt đầu phổ biến một lý thuyết mang tên ông, gọi là lạc thuyết Ariô, một lạc thuyết vô cùng nguy hại:

Theo Ariô, Chúa Cha là Đấng tuyệt đối siêu việt. Còn Chúa Con thấp hơn Chúa Cha về bản tính, uy quyền và vinh quang.

Chúa Con được gọi là Thiên Chúa, nhưng thực ra, Ngài chỉ là một vị “thần linh thấp hơn”. Bởi Thiên Chúa thật là Đấng Duy Nhất Tuyệt Đối, đó là Chúa Cha. Ngoài Ngài ra, bất cứ thực tại nào cũng đều chỉ là tạo vật được dựng nên từ hư vô bởi Chúa Cha mà thôi.

Ngôi Lời cũng thế. Ngôi Lời cũng chỉ là một tạo vật của Chúa Cha và tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa Cha. Ngôi Lời chỉ là một tạo vật hoàn hảo của Thiên Chúa, không đồng vĩnh cửu với Thiên Chúa.

*****

Hoàng đế Theôđôsiô đã tích cực đỡ đầu cho lạc thuyết này.

Cũng vào lúc ấy, hoàng đế lại phong vương cho hoàng tử mới 16 tuổi của ông được cùng trị vì trên ngai vàng với ông.

Trong những khách được mời đến dự buổi lễ phong vương, có Đức Giám mục Amphilôcô.

Trong buổi lễ, Đức Giám mục chỉ nói vài lời chúc mừng, rồi chuẩn bị ra về. Hoàng đế giận dữ hỏi:

- Ngài không quan tâm đến hoàng tử của ta sao?
- Ngài không biết rằng: Ta phong cho hoàng tử, cùng trị vì với ta hay sao?

Vị Giám mục bình tĩnh trả lời:

- Tâu hoàng thượng, hoàng thượng phật ý trước sự giả bộ thờ ơ của tôi đối với hoàng tử, vì tôi đã tỏ ra không tôn kính hoàng tử, như bệ hạ mong muốn.

Vậy thì, Thiên Chúa sẽ nghĩ sao về hoàng thượng, khi hoàng thượng giáng cấp Người Con ngang hàng của Ngài và cùng hiện hữu với Ngài, dưới danh hiệu Con Thiên Chúa.

*****

Từ câu chuyện trên chúng ta thấy:

Ngày nay, có nhiều người, kể cả một số người mệnh danh là Kitô hữu, đã chối bỏ, hoặc nghi ngờ về Thiên Tính của Đức Kitô.

Thiết tưởng những người ấy hãy lắng nghe lời Chúa Cha tuyên phong Đức Kitô trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô (Mc 1,11), khi Đức Kitô chịu phép Rửa ở sông Giô-đan: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.

Việc Đức Kitô chịu phép Rửa bởi Gioan, đánh dấu bước khởi đầu công cuộc cứu độ của Ngài.

Công cuộc trọng đại này là hành động của cả Ba Ngôi, vì chúng ta thấy Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống, đồng thời Chúa Cha phán bảo.

Biến cố này rất quan trọng, nên Giáo Hội muốn chúng ta mừng kính cách riêng trong ngày Lễ Chúa nhật TN 1-B, tựa như ngày đăng quang của Đức Giáo Hoàng hay ngày nhận chức của một tổng thống.

Đặc điểm mà chúng ta cần nhấn mạnh, đó là Chúa Cha trên trời rất hài lòng về Người Con yêu quý của Ngài, là Đức Kitô.

Có người cha nào mà lại không vui mừng, khi người con của mình khởi sự một chức vụ quan trọng: người cha của một bác sĩ, người cha của một tân linh mục, người cha của chú rể trong ngày cưới.

Niềm vui ấy càng lớn lao hơn, khi người con ấy vâng phục và tôn kính cha mình.

Đức Kitô là một người con yêu mến và vâng phục Chúa Cha.

Đồng thời Ngài luôn khoan dung và khiêm tốn như một kẻ tôi tớ, vì thế, Chúa Cha luôn hài lòng về Ngài.

*****

Còn chúng ta thì sao?

Với bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận, chúng ta được mời gọi để nhận biết, để yêu mến và để phụng sự Cha trên trời,

- khi chúng ta cố gắng chu toàn thánh ý Ngài giữa lòng cuộc đời,
- khi chúng ta cố gắng sống mầu nhiệm của bí tích Rửa Tội,
- khi chúng ta cố gắng noi theo Người Con Chí Thánh trong sự khiêm tốn và vâng phục,

thì chúng ta cũng làm hài lòng Cha trên trời, để rồi trong ngày cuối cùng, chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha tuyên phong, như ngày xưa Ngài đã tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giođan: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.

Lạy chúa, chính nhờ Bí tích Rửa Tội, mà con được trở nên con Chúa. Xin cho con biết nhận ra hồng ân cao quý này, để luôn cố gắng sống tốt: làm người con Chúa, cũng như làm tròn bổn phận mà Chúa trao phó. Amen

-------------------

 

Bài 8: Một quan niệm ngộ nghĩnh về vũ trụ

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 551

Bạn thân mến,

Ngày xưa, người ta có một quan niệm rất ngộ nghĩnh về vũ trụ:

Họ chia vũ trụ thành 3 tầng chồng lên nhau:

- Tầng trên cùng là trời hay là Thiên Đàng, nơi Thiên Chúa cư ngụ.
- Tầng giữa là đất, nơi loài người và muôn vật sinh sống.
- Tầng chót là âm phủ, nơi con người sẽ đến, sau khi chết.

Từ khi Adong Eva phạm tội, thì tầng giữa, tức thế giới sinh vật ngày càng trở nên tồi tệ.

Chính vì thế, mà các thánh luôn đã cầu xin Thiên Chúa từ trời ngự xuống, để cứu giúp nhân trần.

Chẳng hạn tiên tri Isaia đã van xin:

“Sao Ngài không xé bầu trời, mà ngự xuống với chúng con” (Isaia 63,19).

*****

Từ quan niệm trên, chúng ta đi vào đoạn Tin mừng theo thánh Marcô (Mc 1,7-11 Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giô-đan), chúng ta sẽ thấy 3 sự kiện này:

Sự kiện thứ nhất, đó là bầu trời mở ra.

Và như thế, lời cầu xin của các vị thánh ngày xưa đã được Thiên Chúa chấp nhận. Thiên Chúa đã đến với nhân loại, khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử.

Sự kiện thứ hai, đó là Thần khí Chúa dưới hình chim bồ câu đã ngự xuống trên Ngài.

Sự kiện này nhắc cho chúng ta nhớ lại lúc bắt đầu công cuộc tạo dựng: Thần khí Chúa cũng đã bay lượn trên nước.

Và như thế, cùng với Đức Kitô, Thiên Chúa thực hiện việc tái tạo, việc canh tân thế giới. Hay nói cách khác, Ngài thực hiện một công cuộc tạo dựng mới.

Và sau cùng, sự kiện thứ ba, đó là tiếng nói từ trời: Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

Sự kiện này muốn xác quyết rằng: Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Adong mới, là trưởng tử của công cuộc tạo dựng mới này, như lời thánh Phaolô đã viết:

- Người thứ nhất là Adong từ đất mà ra, nên thuộc về đất.
- Còn người thứ hai là Đức Kitô, từ Trời mà đến.

Chúng ta đã mang trong mình hình ảnh con người bởi đất, tức Adong cũ thế nào, thì chúng ta cũng phải mang lấy hình ảnh con người bởi Trời, tức Adong mới như vậy.

Từ đó, chúng ta đi tới kết luận:

Chúng ta là công dân của hai thế giới, bởi vì chúng ta mang trong mình hình ảnh của Adong thứ nhất, cũng như của Adong thứ hai.

Chúng ta chia sẻ sự sống với cả hai vị này.

Kinh nghiệm cho thấy: Chúng ta đã từng bị lôi cuốn về mặt xác thịt của Adong thứ nhất, nhưng đồng thời cũng lại được sự thôi thúc về tinh thần của Adong thứ hai.

Chúng ta thường bị xâu xé giữa sự thiện và sự ác, để rồi sự thiện chúng ta muốn thì chúng ta lại không làm, còn điều ác chúng ta ghét thì chúng ta lại làm.

Lạy Chúa, con luôn ý thức sự xâu xé này trong con, nên con cầu xin Chúa giúp con luôn bước đi trên những đường nẻo của Chúa, luôn thực thi những điều Chúa truyền dạy, để nhờ đó, con cũng sẽ được Chúa tuyên phong vào ngày sau hết:

“Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.

Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

-------------------

 

Bài 9: Thói hay đổ lỗi cho người khác

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 552

Bạn thân mến,

Một trong những thói xấu nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội ở mọi thời, đó là thói hay đổ lỗi cho người khác, không chịu nhận trách nhiệm về mình.

Mà căn bệnh này đã xuất hiện trên trái đất đã từ lâu lắm rồi, phải nói là ngay từ khởi thuỷ loài người đã có.

Đọc Kinh Thánh, trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy: Sau khi hai ông bà nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm, bất tuân lệnh Chúa (St 3, 1-18), Thiên Chúa đến hạch tội A-đam:

"Có phải ngươi đã ăn trái cây, mà Ta đã cấm ngươi ăn không?"

A-đam bèn đổ lỗi cho cả Thiên Chúa, lẫn E-và:

Tại vì "người đàn bà mà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con mới ăn."

Nói như thế, A-đam cho rằng: cả Chúa cũng có trách nhiệm trong vụ việc này, bởi tại vì Chúa đã trao người đàn bà nhẹ dạ này cho ông.

Giá như Chúa không dựng nên E-và và đã không trao nàng cho Ađam, thì Ađam đâu đến nỗi này.

Bấy giờ Chúa quay ra hỏi tội E-và:

"Ngươi đã làm gì?"

Người đàn bà liền trút tội cho con rắn:

Tại vì "con rắn đã lừa dối con, nên con đã ăn". (St 3, 9-13)

*****

Có vô số dê tế thần để người ta trút hết tội lỗi lên đầu chúng: tại ông, tại bà, tại trời, tại đất, tại gió, tại mưa, tại...tại... Bao nhiêu hậu quả và trách nhiệm đáng lẽ phải chịu vì lầm lỗi của mình, thì người ta đùn đẩy qua cho người khác.

Tìm đâu ra con người dũng cảm, dám đứng ra nhận lấy phần lỗi của mình và gánh lấy hậu quả do mình gây ra?

Đang khi đó, mặc dầu Chúa Giêsu được Gioan giới thiệu là Đấng quyền thế lớn lao, thậm chí Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người; là Đấng sẽ cử hành một phép rửa ngàn lần cao trọng hơn phép rửa của Gioan:

"Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước. Còn Người, Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần"

Vậy mà Chúa Giêsu lại đến với Gioan, như một người tội lỗi, chăm chú nghe Gioan rao giảng, hoà mình với những người thu thuế, với những tên cướp của giết người, với những hạng người đàng điếm, với những côn đồ và với bao nhiêu người tội lỗi khác, để chờ đến phiên mình bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ Gioan làm phép rửa cho.

Nhưng, Chúa Giêsu là Đấng không hề vướng tội, thì sao lại phải chịu phép rửa bởi Gioan?

Chúa Giêsu chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Người, nhưng vì tội lỗi của nhân loại, mà Người đã tự ý mang vào thân.

Người là

"Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2Cr 5, 21).

Người đến làm con "Chiên của Thiên Chúa" để gánh lấy tội lỗi thế gian (Ga 1,29) thay cho các con chiên, tính từ thời tạo thiên lập địa, cho đến tận thế.

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, mà Chúa Giêsu đã trở thành tội nhân, nên Người mới phải hoà mình với những tội nhân khác, để cho ngôn sứ Gioan làm phép rửa cho Người.

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, Người đã bị kết án, chết thảm thương trên thập giá, để đền thay tội lỗi muôn người.

"Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể, mà đưa lên cây thập giá. Để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương, mà anh em mới được chữa lành". (1 Pr 2, 24).

Cao đẹp thay, quảng đại thay hành vi hạ mình, gánh lấy tội lỗi nhân loại của Chúa Giêsu. Người mãi mãi là gương mẫu của chúng ta và đáng cho chúng ta khâm phục tôn thờ.

Lạy Chúa Giêsu, biết đến bao giờ con mới chừa bỏ được cái thói trút tội lên đầu người khác và chối bỏ trách nhiệm của mình?

Biết bao giờ con mới có đủ bản lãnh và can đảm, để đứng ra chịu trách nhiệm về những thiệt hại mình đã gây ra?

Lạy Chúa, tấm gương khiêm nhường của Chúa, hạ mình xuống nhận phép rửa dưới dòng sông Gio-đan vì tội lỗi nhân loại, vì sẵn sàng gánh tội cho hết mọi người, sẽ luôn là động cơ giúp con sửa chữa thói hay chạy tội, thói hay đổ lỗi cho người khác, thói vô trách nhiệm của con, để con xứng đáng thông phần ơn cứu độ của Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

-------------------

 

Bài 10: Chìa khóa vào Thiên Đàng của một thầy dòng

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 553

Bạn thân mến,

Một thầy dòng là thợ may cho cộng đoàn nhà dòng. Ngày kia, ông đau nặng, bệnh tình không thể qua được và chờ chết. Chính ông cũng cảm nghiệm được điều đó, cho nên có một lúc tỉnh mê mê, ông đã nói với anh em: “Làm ơn đưa cho tôi chìa khóa vào Thiên Đàng!”.

Anh em nhìn nhau, ngạc nhiên, bối rối, không hiểu ông muốn nói gì. Nhưng ông cứ lặp đi lại lặp nhiều lần: “Đưa cho tôi chìa khóa vào Thiên Đàng”.

Cuối cùng, có một thầy dòng bỗng nảy sinh sáng kiến đưa cho ông một cây kim may.

Không ngờ, khi cầm cây kim may, bệnh nhân có vẻ tỉnh hơn, và thấy hiện rõ một nụ cười thật tươi, tỏ ý mãn nguyện, hiện rõ lên khuôn mặt, làm cho gương mặt của thầy già sáng lên, khi nhìn cậy kim trong tay và nói:

“Tôi đã làm việc mỗi ngày với cây kim này vì vinh quang Chúa trong cộng đoàn nhà dòng này. Bây giờ nó sẽ là chìa khóa mở cửa cho tôi vào Thiên Đàng”.

*****

Vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong Cựu ước. Nó thường được liên kết với chủ đề tình yêu, và vườn nho đã trở thành biểu tượng của “dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16).

Ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh vườn nho được chăm sóc, để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn”, rất ân cần, rất chu đáo, qua nhân vật chủ vườn nho:

“Anh ra tay cuốc đất, nhặt đá, chọn giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a).

Người chủ quý vườn nho, đến nỗi anh ta có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho:

“Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?” (Is 5,4)…

Trong Tân ước, Chúa Giêsu tiếp tục phát triển hình ảnh vườn nho, cây nho như là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa. Nho là hình ảnh sự liên kết thân mật, sức sống tình yêu với Ngài:

“Thầy là cây nho, anh em là nhành, nhành nào liên kết với Thầy sẽ sinh hoa trái” (Ga 15,5)

Và vườn nho đã trở nên biểu tượng của nước Thiên Chúa …

Cách riêng trong dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho”, Đức Giêsu chỉ đích danh các thượng tế và kỳ lão.

Họ là những người được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăm sóc vườn nho. Nhưng thay vì mang hoa lợi về cho chủ là Thiên Chúa, thì họ lại muốn chiếm đoạt hoa lợi ấy cho mình.

Vì thế, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến là các ngôn sứ đều bị họ giết chết.

Ngay người con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu, cũng đã bị họ đóng đinh và treo Người trên cây thập giá.

Vườn nho mà Thiên Chúa trao cho dân Israel, được trao lại cho mọi dân tộc. Và từ nay, sự chăm sóc của Thiên Chúa là dành cho tất cả mọi dân, mọi nước:

“Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi”.

Trong Tân ước, mọi người, mọi dân tộc đều được mời gọi đi làm và ở trong vườn nho (x. Mt 20,1-16a).

Dân nước này sẽ được làm thành, bởi mọi kẻ sẽ sinh hoa trái cho nước Trời, nghĩa là những kẻ khi tiếp nhận Người Con, sẽ tụ họp quanh Người, để làm nên một dân mới của Thiên Chúa (x. Rm 9,25; 1Pr 2,10).

Dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho” có tính cách lịch sử: nghĩa là diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ, thái độ của họ với chính Chúa.

Dụ ngôn cũng mang tính cách tiên tri: Nơi con người thời đại đang và sẽ đến đối xử với Thiên Chúa và những tá điền vườn nho là hình ảnh của các giới lãnh đạo dân Do Thái, nhưng cũng chỉ trực diện mỗi chúng ta ngày hôm nay nữa, những người trong giao ước mới, được mời gọi đi làm vườn nho.

Thế giới chúng ta đang sống chính là vườn nho trong dụ ngôn. Thiên Chúa là ông chủ vườn nho. Mỗi người chúng ta đều là những tá điền được Chúa trao phó trách nhiệm trông coi vườn nho và làm phát sinh hoa lợi. Những gì ta đang có chính là hoa lợi từ vườn nho.

Muốn chiếm đoạt hoa trái của Thiên Chúa, muốn mình định đoạt tất cả, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, chính là hình ảnh những tá điền bất lương của ngày hôm nay, con người vẫn đang đi vào vết xe đổ nát của lịch sử quá khứ:

Vẫn đang diễn lại từng ngày, khi chúng ta chọn lựa cho mình một cách sống tự mình là chủ định đoạt “vườn nho”, mà không cần biết Đấng làm chủ vườn nho.

Chúng ta muốn tước đoạt của “thừa tự” của Đấng làm Con Thiên Chúa.

Chúng ta đang phác họa lại hình ảnh nguyên tổ trong vườn Địa Đàng: Muốn lấy cái “biết” của Thiên Chúa qua hành động hái và ăn trái “hiểu biết” theo ý đồ của Satan, để có vinh quang bằng Đấng Tạo hóa.

Sự “biết” không thấy đâu, nhưng lại bị tước đoạt vườn Địa Đàng đã được trao phó.

Những tá điền vườn nho cũng vậy: Khi giết con thừa tự, vườn nho không những không được hưởng, mà lại còn bị chủ vườn lấy quyền làm vườn giao phó cho các tá điền khác.

*****

Hôm nay, tôi và bạn là những tá điền làm vườn nho được Thiên Chúa ký thác. Ước chi chúng ta luôn ý thức trách nhiệm của mình là những tá điền chuyên chăm trong vườn nho của Chúa… Những tá điền cộng tác tạo dựng công trình vườn nho cho vinh quang Thiên Chúa....

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, xin hãy dùng con như ý Chúa muốn, để sinh hoa lợi thật nhiều cho Ngài. Amen.

-------------------

 

Bài 11: Một kiểu truyền giáo dễ làm

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 554

Bạn thân mến,

Tại một xứ vùng quê nước Pháp, có một người đàn ông khoảng 50 tuổi tên là Alix. Ông bị bại liệt. Mỗi buổi sáng bà vợ đặt ông vào một ghế bành, ở hiên nhà, trông ra đường, rồi đi làm. Bởi 2 ông bà không con, không cháu, nên không dám để trong nhà, khi bà vắng nhà cả ngày.

Ông Alix không phải là người công giáo, nhưng thỉnh thoảng cha sở vẫn tới thăm, cha còn khuyên giáo dân tới giúp đỡ ông. Các em nhỏ cũng tới vui chơi quanh ông, đem sách cho ông đọc và giúp ông mở sách, có khi chúng đọc cho ông nghe. Mỗi tuần lại có một bác sĩ tình nguyện tới chăm sóc ông.

*****

Lễ Giáng sinh năm đó, ông Alix đột ngột thưa với cha sở:

- Thưa cha, xin cha cho con rước lễ.

Cha sở ngạc nhiên, vì ông chưa phải là tín hữu. Nhưng ông thưa:

- Trước đây, con không tin gì vào Thiên Chúa, nhưng ít lâu nay, cha và anh em giáo hữu quá tốt đối với con, nên con thấy hạnh phúc như mình đã gặp được Chúa vậy. Chỉ có Chúa mới làm cho cha, bác sĩ và anh chị em bỏ công sức giúp đỡ một người xa lạ như con thế này.

Có lẽ chúng ta cũng nhận ra cha sở và các anh chị em giáo hữu Pháp đó, tuy không phải đã làm một việc truyền giáo vĩ đại gì, nhưng họ chỉ thi hành những bổn phận mà Chúa đòi buộc mọi môn đệ Chúa, khi đã tự nguyện sống theo giáo lý của Ngài.

Ngược lại nếu không thi hành những nghĩa vụ nhỏ bé đó, thì họ không thể là môn đệ Chúa được.

*****

Chúng ta thấy mừng theo thánh Marcô (Mc 1,7-11) đã kể lại chuyện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giô-đan, với những chi tiết, rất đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Dĩ nhiên Chúa không cần chịu phép rửa, vì Ngài hoàn toàn trong sạch.

Nhưng Chúa chịu phép rửa là để làm gương cho chúng ta, để chúng ta thấy: Một khi chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn và đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức, thì các bí tích đó sẽ ban cho ta những ân sủng đặc biệt, sẽ đặt ta vào địa vị môn đệ của Chúa, và tất nhiên là có những nghĩa vụ kèm theo.

Chúng ta biết: Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, thì bầu trời đã mở ra, Thánh Thần hiện xuống dưới hình chim câu, và có tiếng từ trời:

“Đây là Con Ta yêu dấu của Cha, Cha đặt tất cả tình yêu nơi Con” (Mc 1,11).

Từ giây phút đó, Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc đời công khai:

- Chúa đã xuôi ngược khắp nơi trên toàn cõi Israel, rao giảng Tin Mừng cứu độ, chữa lành các bệnh nhân, tuyển chọn và huấn luyện các tông đồ, đặt nền tảng cho Giáo Hội, để tiếp nối sứ mệnh của Chúa nơi trần gian, để bảo toàn và làm triển nở hạt giống Tin Mừng, cho đến ngày tận thế.

Cuối cùng, Chúa đã tạo dựng kho tàng Ơn Cứu Độ bằng một cái chết vô cùng nhục nhã và đau thương, như là một bằng chứng cho tình yêu cao cả và nồng thắm của Thiên Chúa dành cho nhân loại, trải qua mọi thời đại.

Những hiện tượng lạ xảy ra khi Chúa chịu phép rửa ở sông Giođan, chúng ta không còn thấy nữa, khi một tân tòng lãnh nhận phép rửa hay một Kitô hữu lãnh bí tích Thêm Sức.

Nhưng phép Rửa Tội và bí tích Thêm Sức chúng ta cử hành ngày nay, là những bí tích đã được Đức Kitô thiết lập và củng cố. Những bí tích đó phát sinh cùng một công hiệu như xưa, và cũng trao cho chúng ta sứ mệnh như xưa:

Đó là Ơn Thánh Thần và sứ mệnh truyền giáo.

Sứ mệnh đó đã được trao phó cho chúng ta, cho mỗi Kitô hữu. Chỉ khi nào chúng ta chu toàn sứ mệnh đó, thì chúng ta mới xứng đáng là môn đệ Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin đổ tràn đầy Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con, đổi mới chúng con, để nhờ Ngài chúng con sẽ trở nên những dụng cụ Chúa dùng, sẽ trở nên những chứng nhân đích thực và hữu hiệu của Chúa nơi trần gian này. Amen.

-------------------

 

Bài 12: Bài học khiêm nhường ở sông Giô-đan

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 555

Bạn thân mến,

Có một tài xế xe tải kia, không dám cho xe chạy qua cầu, vì anh thấy nóc của chiếc xe tải của anh cao hơn thành cầu tới cả tấc.

Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, không biết phải giải quyết thế nào, thì có một người đề nghị:

Hãy xì các bánh xe, cho nó bớt hơi xuống.

Người tài xế đã làm theo và cuối cùng chiếc xe đã đi qua cây cầu trót lọt, một cách an toàn.

Xì hơi cho bánh xe cho xẹp bớt xuống, cũng tương tự như thái độ nhún nhường của ta trong cuộc sống.

Trong giao tiếp với tha nhân, nếu ta "biết mình, biết người, thì sẽ trăm trận, trăm thắng !".

Chính nhờ cư xử cách nhún nhường, mà chúng ta sẽ dễ dàng thành công, sẽ đạt được những kết quả trong giao tế, trong mọi công việc làm ăn.

*****

Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu:

"Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11,29).

Ngài còn dạy:

"Anh em gọi Ta là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Ta là Thầy, là Chúa.

Vậy, nếu Ta là Thầy, và là Chúa,, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (x. Ga 13,14-15).

Đọc Tin mừng theo thánh Marcô (Mc 1,7-11) nói về việc Đức Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giô-đan, chúng ta thấy sự khiêm nhường của Đức Giêsu đáng chúng ta suy nghĩ đến mức nào:

Chúa Giêsu là Đấng vô tội, không cần phải thanh tẩy (x.Mc 1,9), thế nhưng Ngài đã hòa mình với đám đông, những người tội lỗi, để xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Còn Gioan Tiền Hô cũng biểu lộ sự khiêm nhường, khi tuyên bố:

"Có một Đấng quyền thế hơn tôi, đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người" (Mc 1,7).

Gioan cũng khẳng định: Tôi không phải là Đức Ki-tô. Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, để dọn đường cho Đức Ki-tô sắp đến (x. Ga 1,20.23).

Gioan còn nói về Đức Giê-su, với các môn đệ của ông: "Người cần được nổi bật lên, còn tôi thì phải lu mờ đi" (x. Ga 3,30)

*****

Khiêm nhường là một nhân đức nền tảng của Ki-tô giáo:

Trước hết, khiêm nhường là thái độ tôn trọng tha nhân: Nói ít nghe nhiều, tránh ba hoa, khoe khoang thành tích, tránh phê bình, chê bai người vắng mặt, kiên nhẫn lắng nghe người khác phê bình, góp ý những khuyết điểm của mình, tránh đổ lỗi cho tha nhân, nhưng biết nhận lãnh trách nhiệm của mình, sẵn sàng nói lời xin lỗi, luôn biết cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, biết cám ơn những ai giúp đỡ làm ơn cho mình, luôn ăn ở hiền lành và nhường nhịn tha nhân.

Biết kiềm chế tính nóng giận và tránh to tiếng la rầy người dưới, luôn "Dĩ hoà vi quý", tránh "Bé xé ra to" hay "Chuyện không đáng gì mà làm cho ầm ĩ  lên". Sẵn sàng đi bước trước đến với tha nhân, tận tình phục vụ hết khả năng, nhưng tránh để bị kẻ khác lợi dụng. Tránh thái độ "Thượng tôn hạ đạp", can đảm bênh vực những người yếu thế, thân cô thế cô, dám chống lại cường quyền áp bức bóc lột, sẵn sàng bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa, qua ý của Bề Trên và ý chung của tập thể....

Lạy Chúa Giê-su, qua việc Chúa đến xin chịu phép rửa của Gio-an, con biết Chúa muốn dạy con bài học về đức khiêm nhường.

Xin Chúa thương đổ xuống trên con ơn Thánh Thần thánh hoá và biến đổi con ngày càng một nên giống Chúa hơn, là "Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng".

Xin thanh tẩy con sạch mọi tội lỗi. Xin giúp con được ơn hoán cải mỗi ngày một nên khiêm tốn hơn, hầu xứng đáng được Chúa thứ tha mọi tội lỗi, và nhất là sẽ được tôn vinh là con Chúa, trước toà Chúa Cha sau này. Amen.

-------------------

 

Bài 13: Chuyện Hoàng Đế Edward VIII từ bỏ ngai vàng

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 556

Bạn thân mến,

Cựu Hoàng Đế Edward VIII của Anh Quốc, vào năm 1936, khi còn đang trên ngai Hoàng Đế nước Anh, bỗng ông si mê một thiếu phụ thuộc hàng thứ dân, đã một lần bà ly dị chồng.

Theo luật Anh Quốc, thì nhà Vua không được phép cưới một người đàn bà như thế, vì là điều xỉ nhục cho quốc thể. Bởi đó, nhà Vua phải chọn một trong hai con đường:

1. Phải bỏ mối si tình đó, nếu còn muốn là Hoàng Đế cai trị Anh Quốc.

2. Nếu muốn được yêu đương tự do, thì phải bỏ ngôi vị Hoàng Đế, trở thành một người thứ dân.

Chỉ vì muốn đáp lại tiếng gọi của ái tình, Cựu Hoàng Edward đã chọn con đường thứ hai, đã trả lại cho Anh Quốc uy quyền và mọi danh vọng, để được cùng người yêu sang Pháp Quốc, sống cuộc đời bình thường, như mọi người công dân khác.

Thế rồi, vào 1972 Cựu Hoàng Edward bỗng lâm bệnh nặng. Vừa được tin này, Nữ Hoàng Elizabeth là cháu của ông, đang cai trị Anh Quốc, vội vàng từ Luân Đôn bay thẳng sang Paris, xin được vào thăm bác của bà, nhưng Cựu Hoàng Edward nhất mực từ chối.

Sau vì Nữ Hoàng năn nỉ mãi, nên ông đã đòi một điều kiện là: Nếu bà muốn được vào thăm ông, thì phải phong cho người yêu của ông trở thành hàng công chúa, để người yêu của ông được nở mày nở mặt với đời, không còn bị người đời mỉa mai là hạng đàn bà thứ dân.

Vì tình huyết nhục, Nữ Hoàng Elizabeth đành phải chấp nhận điều kiện, để ông được toại nguyện.

Thế là ông vui sướng đến độ ngất xỉu, rồi chết luôn ngày 28 tháng 5 năm 1972.

Cựu Hoàng Edward VIII chỉ vì muốn được tự do theo tiếng gọi của ái tình, mà ông đã đành bỏ ngai vàng Hoàng Đế và mọi vinh sang danh vọng.

Nhưng rồi, lại cũng chỉ vì muốn mang danh vọng tặng cho người yêu của ông, mà ông đã vui sướng đến chết đi, vì danh vọng.

Đúng như dân gian vẫn thường nói: “Khi yêu, người ta đã trở nên như điên khùng!”

*****

Đọc đoạn sách tiên tri Giôna (3,1-10), chúng ta cũng thấy được mãnh lực của niềm tin tưởng và lòng yêu mến, khi vâng nghe Lời Chúa.

Tiên tri Giôna vừa công bố lệnh Chúa truyền:

"Chỉ còn 40 ngày nữa, thành Ni-ni-vê này sẽ bị phá hủy".

Khi nghe tin đó, chính nhà Vua đã lìa bỏ ngai vàng, cởi bỏ áo cầm bào, mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro. Khắp nơi trong thành Ni-ni-vê, người ta tuân theo sắc lệnh của nhà Vua và triều đình: Mọi người lớn bé, già trẻ, cả chiên bò, súc vật đều không được ăn uống của gì; lại cả người lẫn súc vật đều phải cuốn bao bố. Mọi người đều khẩn cầu cùng Chúa, quyết tâm cải thiện đời sống, tẩy trừ gian ác, xin Chúa nguôi giận và tha thứ tội lỗi cho dân.

Quả thật, Chúa đã thấy họ thực tâm sám hối cải thiện đời sống, chừa bỏ tội lỗi, Chúa liền động lòng thương xót, không thi hành việc giáng họa, tiêu diệt thành Ninivê, như lời Người đe phạt.

Đó là kết quả của niềm tin tưởng và lòng yêu mến.

*****

Còn bài Tin Mừng của thánh Marcô (Mc 1,14-20) cũng cho chúng ta thấy:

Sau khi Gioan Tiền Hô bị tống ngục, Chúa Giêsu đến xứ Galilea và rao giảng rằng:

"Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

Thế rồi, đi dọc theo bờ biển, Người gặp Simon và Anrê đang thả lưới, Người phán bảo hai anh em: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức hai ông bỏ chài lưới đi theo Chúa.

Đi một chút nữa, Chúa lại gặp Gioan và Giacôbê là hai con ông Giê-bê-đê đang xếp lưới, Người cũng gọi họ. Lập tức hai anh em cũng từ bỏ thân phụ và các người làm công, để đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu.

Các vị này đã dứt khoát bỏ mọi sự, để dấn thân theo Chúa ngay, cũng chỉ vì niềm tin tưởng và lòng mến yêu, đặt nơi Đấng đã kêu gọi họ.

Chính niềm tin tưởng và lòng yêu mến đó, có sức mãnh lực đến nỗi, đã làm cho các ngài sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ cùng với Chúa, đi khắp đó đây, để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân,

Rồi cuối cùng, các ngài đều sung sướng được chịu chết, để minh chứng niềm tin yêu nơi Chúa, như tiểu sử các ngài đã từng ghi nhận:

Thánh Phêrô (Simon), sau những năm theo Chúa rao giảng Tin Mừng, làm việc ngày đêm, long đong vất vả, trốn tránh ngược xuôi, ra tù vào khám. Ngài đã rảo khắp miền Anitokia và các vùng Tiểu Á, để thực thi sứ mạng Chúa ủy thác, dù phải gặp biết bao gian truân.

Cuối cùng, ngài đã phải lãnh án tử hình thập giá; nhưng ngài đã xin được đóng đinh ngược đầu xuống, để tôn kính Chúa và để người ta khỏi lầm tưởng ngài với Thầy Chí Thánh mình.

Cũng vậy, Thánh Anrê cũng chịu đóng đinh trên thập giá suốt hai ngày trời, sau nhiều năm rao giảng Tin Mừng và ca tụng Thầy Chí Thánh trước mặt muôn người.

Thánh Giacôbê thì bị dân chúng xua đuổi, hết thành này đến thành khác, nếm đủ mùi thống khổ, đớn đau, nhục nhã. Cuối cùng, ngài đã bị chém đầu để chứng minh cho Thầy mình.

Cùng một số phận, Thánh Gioan Tông Đồ được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt, được Chúa trao sứ mạng phụng dưỡng Mẹ Maria; và sau cuộc đời gian khổ vì Tin Mừng, ngài đã bị quảng vào vạc dầu sôi, chịu chết, để minh chứng cho niềm tin yêu và lòng trung thành của ngài với Đấng ngài yêu mến.

*****

Để minh chứng lòng trung thành và niềm tin yêu của chúng ta nơi Chúa, chúng ta có thể làm gì?

- Chỉ một tiếng gọi của ái tình, và để được thỏa mãn lòng si mê một người đàn bà thứ dân, Cựu Hoàng Edward đã phải sẵn sàng từ bỏ ngai vàng Hoàng Đế và mọi vinh sang phú quí triều đình Anh Quốc.

Còn chúng ta, chúng ta đã có thái độ nào khi nghe lời thống thiết Chúa kêu gọi:

"Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng", để được hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời trong Nước Thiên Chúa?

Chúng ta hãy noi theo gương dân thành Ni-ni-vê, cấp bách đáp lời tiên tri Giona kêu gọi, bỏ đàng tội lỗi, sám hối ăn năn, cải thiện đời sống, để đáng được Chúa thương ban ơn tha thứ.

Chúng ta hãy mau mắn đáp lại Lời Chúa mời gọi: "Hãy theo Cha" và hãy anh dũng dấn thân theo Chúa, trung kiên thực thi sứ mạng tông đồ, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, và nếu cần sẵn sàng hiến cả mạng sống mình, để minh chứng lòng trung thành và niềm tin yêu nơi Đấng đã yêu thương kêu gọi chúng ta, chúng ta hãy theo gương các Thánh Tông Đồ đã chịu chết vì Thầy mình.

Chúng ta hãy sống niềm tin vào tinh thần Tin Mừng, vào những giáo huấn của Chúa và những lời dạy dỗ của Giáo Hội, như Chúa và Giáo Hội đã kêu gọi.

Lạy Chúa, xin cho con luôn có được tâm hồn ngoan thảo. Xin chỉ bảo con biết đường lối Chúa. Xin cho con luôn biết lắng nghe Lời Chúa và biết can đảm, anh dũng dấn thân sống Lời Chúa, để con cũng được Chúa chúc phúc như chính Chúa đã kín đáo chúc khen Mẹ Chúa:

"Hạnh phúc hơn nữa cho những ai biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa" (Lc 11:28).

Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

-------------------

 

Bài 14: Ma quỷ không bao giờ làm điều tốt

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 557

Bạn thân mến,

Trong các truyện tích xưa có kể lại một câu truyện này:

Một hoàng tử kia rất đạo đức, ngày nào ông cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng để đọc kinh thờ phượng Chúa.

Xảy ra là có một hôm ông ngủ quên. Thấy vậy, tướng quỷ Satan đến đánh thức ông.

Khi biết kẻ đánh thức mình là Satan, hoàng tử tỏ dấu thắc mắc.

Nhưng ma quỷ nói với ông:

“Tôi là ai, điều đó không quan trọng, việc tôi đánh thức ngài là một điều tốt, ngài thấy không, ai làm việc lành cũng đều là người tốt cả”.

Hoàng tử đáp:

“Không bao giờ ma quỷ lại làm điều lành, làm điều tốt. Vậy nhân danh Thiên Chúa, mi phải nói rõ: Vì lý do nào mà mi đánh thức ta ?

Bấy giờ, ma quỷ buộc lòng phải nói thật:

“Nếu ngài ngủ quên, không đọc kinh sáng khi thức dậy, thì ngài sẽ hối hận, sẽ khiêm tốn và sẽ sửa chữa, chỉnh đốn, để sống đạo sao cho tốt hơn.

Còn ngày nào cũng ra vẻ sốt sắng, thì ngài sẽ tự mãn, sẽ kiêu ngạo, sẽ cho là mình đạo đức đủ rồi”.

Nói xong quỷ biến mất. Ma quỷ thật tinh khôn và rất hiểm độc.

*****

Ma quỷ không bao giờ làm điều lành, vì bản chất của nó là gian dối, là xảo quyệt.

Ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại, nó đã lừa đảo và xúi giục ông bà nguyên tổ Ađam – Evà phạm tội, chống lại Thiên Chúa.

Và nó vẫn tiếp tục làm như thế cho đến ngày tận thế, để lôi kéo người ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa.

Chỉ có Thiên Chúa mới yêu thương cứu vớt chúng ta thôi.

Thiên Chúa được hiện thân nơi Đức Kitô, Ngài đã đến trần gian, để yêu thương cứu chuộc loài người, Ngài là Đấng quyền năng, đã chiến thắng ma quỷ, và đã giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ.

*****

Đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô (Mc 1, 21-28), chúng ta thấy: Vừa thoạt nhìn thấy Chúa Giêsu, thần ô uế đã thét lên:

“Ông Giêsu Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông lại đến tiêu diệt chúng tôi sao ? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Tại sao ma quỷ lại phải thét lên ?

- Vì không thể có sự tương hợp giữa ô uế và thanh sạch, giữa tội lỗi và thánh thiện, giữa ma quỷ và Thiên Chúa. Cho nên, khi Chúa Giêsu đến, một kỷ nguyên mới sẽ được mở ra cho nhân loại, sẽ chấm dứt sự thống trị của thần dữ và đồng thời giải thoát con người khỏi mọi xiềng xích nô lệ.

Là những Kitô hữu, là những người tin vào Chúa Kitô và đón nhận Lời giải thoát, phải chăng câu hỏi đầu tiên mỗi người chúng ta phải tự đặt ra cho mình là:

Chính bản thân tôi, tôi đã được giải thoát chưa ?

Chúng ta phải nói là chưa, bởi vì nơi chúng ta vẫn còn biết bao thứ “quỷ ám”, biết bao thứ ngẫu tượng đang ám ảnh chúng ta.

- Có những người đang bán nhân phẩm bằng những đồng tiền rẻ mạt.
- Có những người đang thú vật hóa chính mình, bằng những hành vi đê tiện.
- Có những người đang tìm chiếm hữu tất cả, nhưng lại đánh mất chính mình….

Nói khác đi, lục soát lương tâm chúng ta cho kỹ, thì có lẽ ai trong chúng ta cũng đều phải thú nhận rằng: Mình còn nô lệ của rất nhiều rhứ ông chủ:

- có ông chủ, là một ý thức hệ, luôn trói buộc đôi cánh tư tưởng của chúng ta,
- có ông chủ, là những định kiến đối với cuộc đời, xã hội, con người, mà chúng ta không bao giờ muốn từ bỏ,
- có ông chủ là thói quen xấu, mà chúng ta tích luỹ như một pháo đài kiên cố, không muốn rời bỏ,
- có ông chủ là thứ tôn giáo vụ hình thức, mà trong đó, chúng ta cố gắng tô vẽ cho mình một bộ mặt đạo đức, thánh thiện, nhưng thực ra lại hoàn toàn xa lạ đối với Tin Mừng của chân lý, của yêu thương và của tự do đích thực…

***

Đàng khác, ma quỷ thường khống chế con người bằng cách pha trộn lòng tin thực sự, với những tin nhãm, kiêng kỵ, dị đoan, dối trá:

- tin vào những ngôi sao, những hành tinh vận chuyển,
- tin vào thẻ bài, cầu cơ, bói toán….

Tại sao lại tin vào những cái vô tri không đối tượng như thế ?

Càng văn minh người ta càng bị cám dỗ tin dị đoan, càng bị ma quỷ khống chế trong lãnh vực này.

Trên những tờ báo lớn của nhiều nước văn minh, chúng ta thấy dầy đặc những lá số tử vi.

Người ta dựa vào tử vi, phương hướng hành trình của tinh tú, để đoán định tương lai đời mình,

Có những người tin kiêng, ngay cả từng bước đi tốt xấu trong cuộc đời.

Người nào làm ăn phát đạt thành công, là có ngôi sao tốt.

Người nào gặp thất bại, đau khổ, là sinh bởi ảnh hưởng của một ngôi sao xấu.

Như thế là người ta đã làm nô lệ cho những vì sao vô tri giác, chẳng có quyền hành gì trên mình.

Khi người ta nô lệ cho những cái vô tri như thế, chính là người ta nô lệ cho ma quỷ núp đàng sau đó.

Người ta có cảm tưởng rằng:

Tin theo Chúa Giêsu là một điều tốt, là cần rồi. Thế nhưng, vì nghĩ: Ngài không giải thoát được hết những nguy hại trong đời, cho nên cần phải tin thêm vào những thứ vô tri đó, để tránh tai họa, để kiếm thêm hạnh phúc, để hy vọng mua may bán đắt...

Đó chính là một cám dỗ của vườn địa đàng tái diễn, để làm sao tách rời con cái Chúa ra khỏi lòng tin vào Ngài. Ma quỷ dùng cách đó, trước khi làm cho chúng ta bỏ hẳn lòng tin vào Chúa.

Nghĩa là trước khi làm cho chúng ta mất hẳn đức tin, thì hãy tạm pha trộn sự tin kiêng như thế đã, và đó là bước đầu của sự mất đức tin.

Chúng ta nên biết: Thiên Chúa là Đấng có quyền trên cả hồn lẫn xác, hiện tại lẫn tương lai, và suốt cả cuộc đời của chúng ta.

Ngài là Đấng duy nhất chúng ta phải tin thờ, còn những ai tin kiêng dối trá, dị đoan thì hãy nhớ một điều này:

“Tin ma thì ma nhát, tin quỷ thì quỷ hành”.

Cũng coi chừng: Khi ta bắt cá hai tay, thì sẽ mất cả chì lẫn chài.

Vì thế, Giáo Hội khuyên bảo chúng ta hãy coi chừng trong lãnh vực này, vì nó lầy lội, và người ta dễ bị sa lầy trong đó.

*****

Biết thân phận mình yếu đuối, bất toàn, dễ sa ngã, chúng ta càng cần phải luôn tỉnh thức.

Đồng thời, phải luôn cậy dựa vào quyền năng của Chúa, luôn cậy dựa vào vào ơn soi sáng của Ngài, để Chúa giúp khám phá ra những mưu mô hiểm độc của ma quỷ và kiên quyết đánh bại chúng.

Và giả như có lúc bị thua những cám dỗ, chúng ta càng cần phải tin tưởng vào Chúa hơn, bởi vì Thiên Chúa là Đấng cao cả vô cùng, là Đấng quyền năng, rất yêu thương chúng ta, và lòng nhân từ của Ngài cũng rất vô hạn, tội lỗi con người có nhiều tới đâu, có nặng nề đến mức nào, thì cũng như cát, như đá chìm sâu dưới đáy đại dương của lòng nhân hậu thương xót ấy mà thôi.

Không có tội lỗi nào, mà Thiên Chúa không tha thứ được.

Không có con người khốn khổ nào, mà Thiên Chúa không yêu thương…, chỉ cần chúng ta có lòng khiêm tốn, muốn được Chúa tha thứ, muốn được Chúa yêu thương mà thôi.

Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

-------------------

 

Bài 15: Có đời sau, nhưng đời sau không giống đời này

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 558

Bạn thân mến,

Có hai luồng tư tưởng sai lầm:

- Không tin vào đời sau.
- Hoặc tin vào đời sau, nhưng cho rằng đời sau cũng giống như đời này.

Đọc Tin Mừng theo thánh Marcô (Mc 12, 18-27), chúng ta thấy Chúa Giêsu phản bác cả hai lập trường sai lầm này. Ngài đã khẳng định:

- Có đời sau.

Vì tại bụi gai cháy đỏ, Thiên Chúa đã nói với Mô-sê:

“Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Nên Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”.

Bởi Thiên Chúa đang sống, nên mới có thể truyện trò với Mô-sê. Và các tổ phụ cũng đang sống bên Thiên Chúa. nên mới khẳng định Người là Thiên Chúa của họ.

- Nhưng, đời sau không còn giống như đời này.

Chúa Giêsu đã minh định:

“Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời”.

Chúng ta có bằng chứng vững chắc, vì Chúa Giêsu đã từ trời xuống, và đã lên trời. Người đã trở về với Chúa Cha. Người đã chiến đấu với thần chết.

“Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng, mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử”.

- Đó là niềm hy vọng vững chắc cho ta.
- Đó là đích điểm ta nhắm tới.
- Đó là con đường ta phải đi theo.

Các thế lực ma quỉ, thế gian, luôn tìm cách lung lạc niềm tin đó.

Nhưng thánh Phao-lô là người loan Tin Mừng Chúa Ki-tô phục sinh. Tin Mừng sự sống. Tin Mừng hy vọng cho nhân loại. Dù ngài phải chịu bắt bớ, đau khổ. Và chịu chết nữa.

“Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày Người đến” (2Tim. 6-12).

Chính vì niềm tin vào đời sau, nên những người công chính muốn thoát khỏi đời này. Vì thế gian là “thung lũng đầy nước mắt”. Chỉ khi về với Thiên Chúa ta mới được hạnh phúc thật.

Lạy Chúa, xin cho con được vững tin vào Chúa, được vững tin vào sự sống đời sau, để con sống xứng đáng ở đời này, nhưng không lưu luyến, và không quá mê mải đời này.

Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

-------------------

 

Bài 16: Thói quen chạy tội và đổ lỗi cho người

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 559
 
Bạn thân mến,

Có một lần dạy giáo lý, tôi hỏi các em: Thông thường, khi phạm tội thì điều đầu tiên mình phải làm gì?

Một em đứng lên trả lời: Thưa cha là bỏ chạy ạh!

Nghe qua, tưởng là chuyện đùa, nhưng điều đó đúng là lẽ thường tình:

- Ai phạm tội mà không bỏ chạy?
- Ai có tội mà không che dấu tội?

Con người trước khi phạm tội thì rất hung hăng, nhưng sau khi phạm tội thì lại hoảng loạn sợ hãi, như cha ông chúng ta thường nói:

“Chưa đánh được người, mặt xanh mày tía. Đánh được người rồi hồn vía lên mây”.

Có một đứa bé đang kiễng chân lên trước cổng của một ngôi nhà to lớn để nhấn chuông, nhưng kiễng chân mãi, mà không nhấn chuông được.

Tình cờ cha sở đi ngang qua thấy vậy liền nói: Để cha giúp con.

Thế là cha sở bế thằng bé lên, cho nó nhấn chuông.

Nhấn chuông xong, thả nó xuống đất, cha sở mới hỏi tiếp: Con còn cần cha giúp con điều gì nữa không?

Thằng bé liền nói: Dạ bỏ chạy ạh!

Thế là nó ba chân bốn cẳng bỏ chạy, cha sở mới ngớ người ra, chẳng biết nói gì!

Hóa ra thằng nhỏ đến nghịch chuông nhà người ta, mà cha sở lại tưởng nó có việc,  nên mới giúp nó nhấn chuông!

*****

Ở đời, người ta thường hay chạy tội, hay đổ tội cho người khác, để giảm khinh cho lỗi của mình.

Khi phạm tội, ông bà nguyên tổ Ađam – Evà cũng đã chạy trốn trong bụi cây.

Trốn không được, nên Adam mới đổ tội cho Evà.
Eva lại đổ tội cho con rắn.

Cain thì chối tội.

Cuộc đời quanh ta cũng có biết bao người sợ tội, sợ liên lụy, nên không dám nhận lỗi lầm về mình, càng không dám để lộ tội lỗi của mình cho người khác biết.

Ở Việt Nam có biết bao con đường chưa làm xong đã hư, và cũng như có biết bao cây cầu chưa khánh thành mà đã đổ xập.

Thế nhưng, điều đáng tiếc là chúng ta cũng chỉ nghe họ đổ tội cho nhau, dù đã gây nên biết bao thiệt hại cho xã hội, về vật chất, về tiền, có khi cả về mạng sống con người.

Ở gia đình cũng có biết bao cha mẹ thiếu trách nhiệm giáo dục con cái, thiếu cả gương sáng, nên con cái hư hỏng, nhưng điều đáng tiếc là họ chỉ đổ tội cho nhau và không bao giờ sám hối về tội của mình.

Có biết bao thanh thiếu niên phạm pháp và xì ke ma túy, khi bị bắt, họ cũng không nhận lỗi lầm của mình, mà còn đổ tội cho cha mẹ vì quá nuông chiều.

Có biết bao mối tình bất chính, đã gây nên hậu quả, là những cái thai ngoài ý muốn. Điều đáng tiếc là họ cố tình che dấu tội của mình, bằng việc tàn sát các thai nhi vô tội.

*****

Chúa Giêsu là Đấng hoàn toàn vô tội.

Ngài là Đấng cao cả, đến nỗi Gioan Tẩy Giả bảo là không đáng cúi xuống, cởi quai dép cho Người.

Thế mà, Chúa Giêsu lại đến với Gioan như một tội nhân. Ngài hòa mình vào giữa bao tội nhân, để nhận lãnh phép rửa sám hối của Gioan.

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan, là một khởi đầu cho một chuỗi những liên đới của Chúa Giêsu với tội nhân.

Ngài đã chấp nhận đứng chung với tội nhân, để gánh lấy hậu quả của tội lỗi nhân gian.

Hậu quả của tội lỗi là đau khổ, là sự chết.

Chúa Giêsu đã gánh lấy tội nhân loại, khi phải sống kiếp người đầy thăng trầm và khổ đau.

Chúa Giêsu gánh lấy tội nhân loại khi bị kết án, bị tẩy chay, bị loại trừ.

Chúa Giêsu còn gánh lấy tội nhân gian, khi bị chết treo trên thập giá, để đền thay tội lỗi nhân loại.

Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống mình, thành của lễ giao hòa với Thiên Chúa Cha.

Nhờ cuộc Tử Nạn và phục sinh của Ngài, mà nhân loại chúng ta được giao hòa với Chúa Cha, được gọi Thiên Chúa là Cha, và được thừa tự phần phúc Thiên Đàng do công phúc của Chúa Giêsu.

*****

Cuộc đời sẽ hạnh phúc biết bao, khi con người biết nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi, không chạy tội, nhưng luôn khiêm tốn nhìn nhận cái sai để sửa, để rút kinh nghiệm, để canh tân.

Cuộc đời sẽ không còn nước mắt của sự bỏ rơi, thất vọng, khi ai ai cũng can đảm chấp nhận liên đới với những mảnh đời bất hạnh, để cảm thông, để an ủi và giúp họ vượt qua những khổ đau.

Cuộc đời sẽ công bằng hơn, khi ai ai cũng dám làm, dám chịu, mà không chạy tội hay đổi tội cho người khác.

Lạy Chúa, xin giúp con đừng bao giờ chối tội, chạy tội, nhưng luôn biết nhìn nhận những khuyết điểm của mình, luôn biết nhìn nhận những sai lỗi của mình, để biết ăn năn, sám hối và để canh tân chỉnh sửa đời sống.

Xin cho con cũng biết liên đới với các tội nhân như Chúa Giêsu, để dâng những việc lành phúc đức, những lời kinh nguyện, những hy sinh lên Thiên Chúa, kết hợp với những nỗi đau thương mà Chúa đã chịu, để đền bù tội lỗi của con và của mọi người. Amen

-------------------

 

Bài 17: Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 560:

Bạn thân mến,

Trong bộ sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể lại một giai thoại như sau:

Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội.

Suốt một năm ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội.

Ngày ngày, các tu sĩ của cộng đoàn, mang thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người.

Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền.

Cả hai đến trình diện trước Bề Trên cộng đoàn, để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng đoàn hay không.

Khi được hỏi: suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.

Người ốm o buồn sầu cho biết:

- Trong năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi nhớ đến những hình phạt sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.

Đến lượt mình, người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:

- Suốt một năm qua, từng giây từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa, vì Chúa đã tha thứ cho tôi: tôi luôn nghĩ tới tình yêu thương của Ngài dành cho tôi.

Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi, khỏe mạnh, vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca cảm tạ, tri ân tình yêu Chúa.

*****

Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh.

Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân. Nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa.

Đó là cảm nhận của vua Đavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.

Lời rao giảng đầu tiên mà Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh công khai của Ngài chính là:

"Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng". (Mc 1, 14-20)

Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng.

Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô.

Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình;

Sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.

Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, chính là một người Cha rộng lượng, quãng đại, và yêu thương. Ngài muốn con người đến với Ngài cũng trong tình mến, trong yêu thương, chứ không phải là sợ hãi.

Đạo, mà Chúa Giêsu thiết lập, không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân hoan và hy vọng.

Đành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, ở khổ đau, ở buồn phiền, mà đích điểm phải là Chúa Phục Sinh;

Cho nên họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.

Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa con đọc hôm nay ban sức sống, để con không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của yếu hèn.

Xin cho con luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho con.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ con. Amen.

-----------------------------

 

Bài 18: Chuyện Quỷ Ám là có thật

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 561

Bạn thân mến,

Năm 1970, cuốn phim Quỷ Ám được trình chiếu và đã phá kỷ lục về số vé bán ra.

Chuyện phim được xây dựng trên một trường hợp có thật của một cậu bé 14 tuổi, sống tại bang Maryland vào năm 1949.

Tờ Newsweek đã mô tả như sau:

Tranh ảnh, bàn ghế và cả chiếc giường của cậu bé đột nhiên di động. Về đêm cậu bé không thể nào chợp mắt.

Sau khi được nhận vào bệnh viện trường đại học Geogetown, cậu bé bắt đầu lâm râm trong miệng những lời nguyền rủa hung hãn, bằng một thứ cổ ngữ.

Cuối cùng, cậu được trừ tà và được cứu thoát.

Hiện nay, cậu đang sinh sống tại thủ đô Washington.

Một vị linh mục già trừ đã tà cho cậu, hứa sẽ không bàn luận gì thêm về việc này, nhưng ngài nhấn mạnh rằng: Kinh nghiệm này đã thực sự biến đổi cuộc đời của mình.

*****

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô (Mc 1, 21-28) kể lại việc Chúa Giêsu trừ quỷ.

Với việc Chúa Giêsu xua trừ ma quỷ, chúng ta thấy có 2 câu hỏi được đặt ra cho chúng ta, rất đáng cho chúng ta phải suy nghĩ.

Câu hỏi thứ nhất đó là, nếu như Đức Kitô đã khai mạc Vương Quốc Thiên Chúa đã 2.000 năm rồi, vậy tại sao đến hôm nay, điều ác vẫn còn lan rộng khắp nơi, hay nói cách khác: vương quốc của Satan vẫn còn tác oai tác quái?

Dĩ nhiên, câu trả lời sẽ như sau: Nước Thiên Chúa không đến tức khắc, nhưng là một bước tiến từ từ.

Nó không phải là một biến cố chỉ xảy ra trong một lúc nào đó, mà là một chuyển biến liên tục suốt dọc dòng lịch sử nhân loại.

Ngài khai mạc vương quốc ấy, nhưng lại trao cho chúng ta hoàn tất.

Đó là lý do tại sao trong kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng kêu cầu: Xin cho Nước Cha trị đến.

Đức Kitô đã gieo trồng, còn bổn phận của chúng ta là vun xới và chăm sóc để Nước Chúa được đâm bông kết trái.

Câu hỏi thứ hai được đưa ra, đó là tại sao Nước ấy lại đến chậm như thế, hay nói cách khác: Tại sao vương quốc của Satan lại lâu tàn lụi như vậy?

Xin thưa: Chỉ vì chúng ta đã không hoàn tất nhiệm vụ của mình một cách thoả đáng, đã không thực hiện những lệnh truyền của Chúa.

Chẳng hạn: có bao nhiêu người trong chúng ta đã thi hành đúng và đủ giới luật yêu thương của Ngài.

Sở dĩ chúng ta chưa yêu thương người khác, thậm chí cả những người thân yêu trong gia đình, là vì chúng ta quá bận rộn với những công việc bên ngoài, đến nỗi quên mất sự tuyệt vời của những người ấy.

Vì chúng ta không biết dừng lại, để nhìn ra được bản chất đích thực của họ, vốn là những tạo vật xinh đẹp, đáng được yêu thương, giống như chúng ta, và đã được chính Thiên Chúa yêu thương.

Hãy sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, nhờ đó Nước Chúa mỗi ngày một trị đến, đồng thời nhờ đó chúng ta đẩy lui được ảnh hưởng của quyền lực Satan.

Lạy Chúa, xin hãy mở mắt con, mở tai con, mở lòng trí con, để con luôn nhận ra Chúa hiện diện ngay bên con, ngay trong xã hội nhiễu nhương, và nhất là xác tín Chúa hiện diện trong Tin Mừng và trong Thánh Thể nhiệm mầu, để con siêng năng tìm đến với Chúa, như lương thực nuôi sống con hằng ngày.

Xin hãy thức tỉnh con, để con có thể nhìn thấy Chúa trong mọi người.

Xin cho con luôn biết nương tựa vào Chúa, để con có thể xa tránh được Satan, luôn rình rập cám dỗ con, muốn khống chế tâm hồn yếu đuối của con.

Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

-------------------

 

Bài 19: Đổi mới bản thân là cần thiết hàng đầu

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 562

Bạn thân mến,

Một triết gia bên Ấn Độ, vào buổi xế chiều của cuộc đời, đã ngồi lại kiểm điểm và đã ghi lại nhật ký đời mình như sau:

Thoạt tiên, ở tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, tôi đã sốt sắng kêu xin thượng đế ban cho tôi có đủ nghị lực và cơ hội, để thay đổi cả thế giới.

Đến tuổi trung niên, tôi bỗng nhận ra nửa đời trôi qua, mà chẳng thay đổi được một ai, tôi liền điều chỉnh lời cầu của tôi với thượng đế.

Khi ấy tôi chỉ xin Ngài  cho tôi đủ khả năng, để hoán cải những người tôi gặp thường ngày, khởi đi từ những người thân yêu trong gia đình, cũng như những người bạn tôi hằng tiếp xúc.

Thế rồi đến nay, tôi thấy mình đầu tóc bạc phơ và mộng đẹp không còn nữa. Tôi chỉ xin với thượng đế:

- Lạy Chúa, ít nữa, xin ban cho con ơn biến đổi chính mình con.

Tiếc rằng: Tôi đã không xin với thượng đế điều này ngay từ tuổi thanh xuân, khiến tôi bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội, để đạt được sự hoàn thiện nơi chính bản thân mình.

***

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô (Mc 1, 29-39) và chúng ta sẽ nhận thấy: Chúa Giêsu là một nhân vật hết sức đặc biệt:

Trước hết trong phong cách Chúa giảng dạy.

Phúc âm đã ghi lại Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền, chính vì thế mà Ngài đã lôi cuốn hấp dẫn được đông đảo quần chúng đến nghe Ngài.

Tiếp đến là những phép lạ Ngài làm.

Đoạn Tin Mừng trên đây cho thấy: Bà mẹ vợ Phêrô đang sốt nặng, thế mà Ngài chỉ cần động tới bà, là bà liền được khỏi, trỗi dậy tiếp đãi Ngài.

Hơn thế nữa,Ngài còn chữa lành mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền, cũng như xua trừ ma quỉ.

Tất cả những phép lạ đều nói lên rằng: Nơi Ngài có một uy quyền tuyệt đối và uy quyền tuyệt đối này thuộc về Thiên Chúa.

Hay nói cách khác: Ngài chính là Thiên Chúa quyền năng.

*****

Thế nhưng, nếu suy nghĩ một chút, chúng ta còn nhận thấy: Ngài không phải chỉ là một vị Thiên Chúa quyền năng, mà Ngài còn là một người như chúng ta, một người như mọi người.

Trước hết, Ngài cũng đã gặp phải những cám dỗ, những thử thách.

Chẳng hạn tại hoang địa, sau khi đã ăn chay 40 đêm ngày, ma quỉ đã cám dỗ Ngài biến những hòn đá trở nên bánh để ăn, rồi Ngài còn bị cám dỗ thử thách chiếm hữu những vinh quang phù phiếm. Thế nhưng Ngài đã chiến thắng tất cả để làm gương cho chúng ta.

Tiếp đến, Ngài còn là một người khiêm nhường.

Chính Ngài, mặc dù không hề vướng mắc một chút bùn nhơ tội lỗi nào cả, nhưng Ngài cũng đã đến để xin Gioan làm phép rửa, để biểu lộ tâm tình sám hối.

Nhưng quan trọng hơn cả, Ngài còn có một trái tim biết rung động, một tấm lòng nhân hậu bao dung.

Chính vì thế, Ngài đã thực hiện những phép lạ, để xoa dịu những đớn đau của những người, mà Ngài có dịp tiếp xúc.

Cũng như Ngài đã mở rộng vòng tay, đón nhận và tha thứ cho những kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết cố gắng sửa đổi bản thân, để nhờ đó con sẽ trở thành những chứng nhân sống động cho Tin Mừng, cho tình thương của Chúa, để nhờ đó, con có thể lôi kéo nhiều người đến với Chúa, đển được ân huệ làm con Chúa. Amen.

---------------------------------

 

Bài 20: Hãy cho nhau những cái đẹp

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 563

Bạn thân mến,

Cuộc sống hôm nay rất cần những cái đẹp.
- Cái đẹp cho bản thân, như ăn ngon, mặc đẹp.
- Cái đẹp cho tha nhân, như một cử chỉ đẹp, một phong cách đẹp, một lời nói làm đẹp lòng người…

Nhà văn Tolstoy đã kể lại một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời ông như sau:

Một hôm, ông đang ngồi nghỉ mát trên ghế đá ở công viên, thì từ xa có một người quần áo rách nát, tả tơi, đến gần và ngả mũ xin ông giúp đỡ.

Thấy cảnh cơ cực, nhà văn liền thò tay vào túi, định lấy tiền giúp cho người hành khất.

Thế nhưng, ông đưa tay tìm hết túi này, đến túi kia, cũng không kiếm được một đồng nào trong túi.

Bấy giờ, ông nhìn người ăn xin và nói trong sự hối tiếc:

“Này người anh em! Xin thứ lỗi cho tôi. Rất tiếc là hôm nay, tôi không mang theo một đồng nào trong túi”.

Nghe lời nói chân tình đó, người ăn xin đã không buồn phiền, mà còn nở một nụ cười thật rạng rỡ trên môi và nói:

“Không sao đâu thưa ông. Hôm nay, ông đã cho tôi một món quà quý báu, còn hơn cả tiền bạc. Đó là ông đã không khinh dể coi thường tôi, mà còn coi tôi như người anh em của ông”.

*****

Đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô (Mc 1,40-45), chúng ta thấy thánh Marcô đã tường thuật một cử chỉ thật đẹp, mà Chúa Giêsu đã dành cho người mắc bệnh phong cùi, một thứ bệnh nan y, rất dễ lây lan:

“Ngài đưa tay chạm vào thân thể lở loét của anh”.

Một thân thể hôi hám và dơ bẩn, mà người đời đương thời với Chúa Giêsu đã xa tránh.

Hành động này của Chúa Giêsu, không chỉ nhằm mục đích chữa bệnh cho anh, mà còn muốn xoa dịu nỗi đau trong lòng của anh.

- Anh bị người đời khinh chê.
- Anh bị xã hội loại trừ.
- Người đời xếp anh vào hàng tội nhân, bị Thiên Chúa giáng phạt.

Khi chạm đến thân thể anh, Chúa Giêsu cũng đã chạm đến tâm hồn anh.

- Anh được chữa lành cả hồn lẫn xác.
- Thân xác anh khoẻ mạnh.
- Danh dự của anh cũng được phục hồi.
- Tâm hồn của anh cũng bình an và tươi vui.

- Từ nay, anh không bị người đời xa lánh, khinh chê.
- Từ nay, anh không còn tủi hổ vì phận số bất hạnh của mình.
- Qua Chúa Giêsu, anh được cộng đồng đón nhận.
- Nhờ Chúa Giêsu, anh được xã hội nhìn nhận.
- Xã hội không còn lý do để khinh chê hay loại bỏ anh ra bên lề xã hội.
- Giờ đây anh có thể sống tươi vui, như bao con người khác trong xã hội.
- Anh không còn mặc cảm về bệnh tật.
- Anh không còn mặc cảm bị khinh chê.
- Anh được quyền sống như bao con người khác, được tôn trọng và được yêu thương.

*****

Có ai đó đã từng nói rằng:

“Một lời nói hay, không bằng một cử chỉ đẹp”.

- Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn, khi mỗi người chúng ta biết làm đẹp lòng nhau.
- Cuộc sống sẽ bớt đi những tủi hờn, những cô đơn và thất vọng, nếu chúng ta biết sống đẹp với nhau.
- Đừng chơi xấu, đừng loại trừ nhau, nhưng hãy đón nhận nhau.
- Cuộc sống sẽ vơi đi những nỗi sầu khổ đắng cay, nếu mỗi người chúng ta biết đối xử đẹp với nhau.

Thế nhưng, giữa cuộc đời hôm nay, vẫn còn đó những lối sống tiểu nhân, tầm thường, nên vẫn còn đó những oan ức, những giọt nước mắt đắng cay, vì tình người phụ bạc, vì tình đời thay trắng đổi đen.

Cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó những lối sống kém văn hoá, những cư xử thấp hèn, nên vẫn còn đó những ứng xử thô lỗ, cộc cằn, những hành vi phi nhân và bất nghĩa.

Ước gì mỗi người chúng ta, hãy can đảm loại bỏ những hành vi thô lỗ, cộc cằn, những hành xử thiếu văn hoá, khởi đi từ chính gia đình chúng ta:

- Mỗi thành viên trong gia đình hãy biết dâng tặng cho nhau những cử chỉ đẹp như: sự quan tâm, sự khiêm tốn, ôn hoà và hiền hậu với nhau.

- Chúng ta không thể “khôn nhà dại chợ”, sống tốt với hàng xóm mà, cư xử tệ với anh em.

- Chúng ta không thể sống trọn vẹn đức ái Ky-tô-giáo, nếu chúng ta không yêu mến gia đình chúng ta.

Đức ái luôn mời gọi chúng ta phục vụ nhau một cách quảng đại, hy sinh và quên mình.

Đức ái mời gọi chúng ta sống khiêm nhu, hiền lành và nhẫn nại với nhau.

Đức ái bao hàm sự bao dung và đón nhận nhau trong yêu thương và tha thứ.

Đức ái không cho phép chúng ta loại trừ hay tẩy chay nhau.

Đức ái mời gọi chúng ta dâng tặng cho nhau những nghĩa cử yêu thương, làm đẹp lòng nhau.

*****

Chúa Giê-su năm xưa, đã đưa tay chạm đến người bệnh, để chữa lành cho anh ta.

Ngài có thể phán một lời thì con người anh có thể lành lặn.

Thế nhưng, Chúa đã sử dụng đôi tay để trao ban tình yêu và để trao ban sự quan, tâm trìu mến dành cho anh.

Phải chăng, Ngài cũng muốn chúng ta hãy tiếp tục trao ban cho nhau những nghĩa cử yêu thương nồng ấm tình người?

Lạy Chúa, xin cho con biết dâng tặng cho những người sống bên cạnh con, những nghĩa cử yêu thương, những lời nói dịu dàng, những hành vi bác ái và vị tha, nhờ đó, qua những cách sống đẹp của con, sẽ là cách hữu hiệu, để loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Amen

-------------------

Những sách đã in (49 cuốn):
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/nhung-sach-da-in-1654.html

*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)

I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (5 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/
1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1
2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2
3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
4. Chuyện gà mái ấp trứng đại bàng – Sách 4
5. Chuyện “Số Con Rệp” – Sách 5

II. – Chuyện đời chuyện đạo: (10 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1
2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2
3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3
4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4
5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
6. Phút thánh hoá gia đình đầu năm mới - Sách 6
7. Năm Mão nói chuyện con mèo - Sách 7
8. Một kiểu sống lại không vui - Sách 8
9. Chuyện con gà trống - Sách 9
10. Kinh cầu các thánh chẳng hề  được phong - Sách 10

III. - Chuyện kể cho các gia đình: (22 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/
1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1
2. Đừng bỏ cuộc - sách 2
3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3
4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4
5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5
6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6
7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7
8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8
9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9
10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10
11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11
12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12
13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13
14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
15. Chuyện cô giáo năm xưa - Sách 15
16. Kinh nghiệm của những người trở về “Từ Cõi Chết” nói với ta - Sách 16
17. Quyển nhật ký của mẹ - Sách 17
18. Phép lạ từ việc sùng kính Đức Mẹ - Sách 18
19. Ngày của bố - Sách 19
20. Chuyện 2 cha con hoang đàng - Sách 20
21. Chuyện Kẻ “tự bắc thang lên trời” - Sách 21
22. Chuyện Quỷ Ám là có thật - Sách 22

IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/
1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1
2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2
3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3
4. Căn hầm bí mật - Sách 4
5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5
6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6
7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7
8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8

V. – Kho sách quý: (4 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/
1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1
2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2
3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3
4. Sách tháng các linh hồn – Sách 4

----------------------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây