Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 128.
Thường Niên 34-A Cách ông Vua quét sạch mọi tham nhũng và hối lộ ------------------------------------------
Bạn thân mến,
Vào khoảng giữa thế kỷ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Côcadơ, ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một ông vua Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm, chính trực, ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng, hối lộ.
Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó, thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng hay hối lộ, thì sẽ bị phạt đánh 50 roi trước mặt công chúng.
Điều không may xảy ra cho ông, là người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội này, lại chính là mẹ của ông.
Sự kiện này đã làm cho ông đau khổ và rất khó nghĩ.
Nhưng, không có luật trừ hay châm chước nào, đối với sắc lệnh, mà ông đã ban hành.
Liên tiếp ba ngày liền, nhà vua ngồi yên trong phòng để suy nghĩ, sang ngày thứ tư, ông xuất hiện trước công chúng, cùng với thân mẫu.
Ông ra lệnh cho hai người lính trói tay mẹ ông lại và bắt đầu xử lý theo luật định.
Thế nhưng, khi chiếc roi đầu tiên vừa quất xuống trên người mẹ ông, thì nhà vua liền chạy đến bên cạnh bà, ông mở trói cho bà, rồi ra lệnh cho hai người lính trói tay ông lại, lột áo ông ra, và bắt đầu cuộc đánh roi.
Đúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua, với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:
“Bây giờ thì tất cả các ngươi có thể ra về, luật đã được thi hành, máu của vua các ngươi đã chảy ra, để đền bù cho tội ác này”.
Kể từ ngày đó, trong đất nước, người ta không còn bao giờ nghe đến nói tội tham nhũng hay hối lộ nữa.
*****
Hình ảnh của ông vua trên đây, có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào điều mà Giáo Hội gọi là mầu nhiệm nhập thể cứu độ:
Chúa Giêsu Kitô, chính là Thiên Chúa hoá thân làm người, để cứu độ con người.
Cũng như ông vua Hồi giáo trên, đã chịu đòn thay cho mẹ và diệt trừ tội tham nhũng, hối lộ ra khỏi đất nước, Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người, đã trải qua tất cả những cảnh huống của con người, kể cả cái chết nhục nhã đau thương trên thập giá, để cứu độ con người.
Nói rõ hơn,
Thiên Chúa yêu thương con người. Tình yêu ấy không phải là một lý thuyết trừu tượng, nhưng đã trở nên hữu hình, và loài người có thể cảm nghiệm được, qua con người và cuộc đời của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là chính tình yêu của Thiên Chúa giữa người trần, có nghĩa là, vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho chúng ta.
Ngài dùng con của Ngài, để thực hiện ý định yêu thương của Ngài, như thánh Gioan đã viết:
“Cứ dấu này chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, là Ngài đã sai con một xuống trần để cứu chuộc chúng ta”. (Ga 3,16)
Chúa Giêsu đã đến, Ngài đã giảng dạy, và cuối cùng, Ngài đã bị đóng đinh vào thập giá.
Thập giá là đỉnh cao của cuộc đời Chúa Giêsu và cũng là đỉnh cao của tình yêu của Thiên Chúa, như Chúa đã nói:
“Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống vì người mình yêu”. (Gio 15,13).
Nếu Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là chính bản tính của Ngài, thì đạo của Ngài hẳn phải là đạo yêu thương.
*****
Vì thế, Chúa dạy chúng ta phải sống yêu thương và Chúa coi những việc chúng ta làm cho người khác, là chúng ta làm cho chính Ngài, như bài Tin Mừng hôm nay (TN 34-A: Mt 25,31-46 Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ) đã thuật lại.
Rồi trước khi chấm dứt cuộc đời rao giảng Tin Mừng ở trần gian, Chúa còn quả quyết:
“Tôi bảo thật, những gì anh em làm cho một trong những người bé nhỏ của tôi, là anh em đã làm cho chính tôi”. (Mt 25, 31-46)
Như vậy, Chúa Giêsu tiếp tục nhập thể nơi người anh chị em sống bên cạnh chúng ta, và Ngài tiếp tục nơi chính mỗi người Kitô hữu hôm nay.
- Ngài cần đến đôi tay chúng ta, để phục vụ. - Ngài cần đến môi miệng chúng ta, để nói lên lời an ủi khuyến khích. - Ngài cần đến trí hiểu và con tim chúng ta, để sống tình liên đới yêu thương. - Ngài cần đến đôi chân chúng ta, để đến với mọi người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra Chúa đang hiện diện giữa những anh chị em đau khổ nhất, đang đồng hành với chúng con trong cuộc đời này.
Xin Tình Yêu Chúa thôi thúc trái tim chúng con, để trái tim chúng con biết mở rộng ra mà đón nhận Chúa, nơi những anh chị em đó và sẻ chia với họ cuộc sống này, vì lòng yêu mến Chúa.