Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 129 Mùa Vọng 1B: Chuyện bào hiểm đời đời

Thứ năm - 30/11/2023 04:40
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 129 Mùa Vọng 1B: Chuyện bào hiểm đời đời
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 129 Mùa Vọng 1B: Chuyện bào hiểm đời đời
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 129
Mùa Vọng 1B

Chuyện bào hiểm đời đời
------------------------------------------

Bạn thân mến,

Hiện nay, các công ty bảo hiểm làm ăn rất phát đạt, vì càng ngày, người ta càng cảm thấy cần thiết phải đề phòng những rủi ro bất ngờ xảy đến: bệnh tật, tai nạn, chết chóc… nên đua nhau đi mua bảo hiểm.

Có bảo hiểm, thì khi những rủi ro xảy đến, họ sẽ không đến nỗi bị thiệt hại, vì đã được đền bù.

Điều khiến người ta lưu tâm và phải quyết định mua bảo hiểm, đó là tính bất ngờ của sự rủi ro.

Vì nếu người ta biết trước, hay dự đoán trước được chính xác ngày giờ những rủi ro xảy đến và xảy đến thế nào, thì gần đến ngày giờ ấy, người ta mới cần phải chuẩn bị đề phòng.

Nhưng nếu nó xảy ra bất ngờ, và có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, thì người ta càng phải đề phòng từ xa, và đề phòng không ngừng.

Và lỡ, có những lúc người ta không thể thấy trước, không có chuẩn bị trước hay không có đề phòng trước, thì lúc đó người ta cũng sẽ không an tâm.

Chính vì thế, những người ý thức được tính bất ngờ của những rủi ro, thì lo tìm cách mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, để tâm hồn họ luôn luôn được bình an, thanh thản.

Những rủi ro, và thiệt hại từ rủi ro, có tính nhất thời và có ảnh hưởng nhất thời, thì con người biết lo xa, đề phòng.

Nhưng thật buồn cười và phi lý thay, khi những rủi ro và thiệt hại to lớn hơn, to lớn vô cùng, có ảnh hưởng đời đời, vĩnh viễn, thì rất nhiều người lại chẳng thèm quan tâm, chẳng hề đề phòng, hay chẳng hề có chuẩn bị một tí gì.  

Lý do rất đơn giản, là do họ không nghĩ đến, do họ không có giờ nghĩ đến, hay chưa đủ tin rằng có một cuộc sống vĩnh cửu, sau cái chết.

Và cuộc sống đó, hạnh phúc hay đau khổ, là tùy thuộc vào đời sống ngắn ngủi hiện tại.

Họ có thể tin rằng: nếu công cuộc làm ăn mà họ đang tiến hành bị thất bại, thì họ chỉ lâm vào thế kẹt khoảng 10 năm, vì thế họ phải cố gắng hết sức để thành công trong cuộc làm ăn hôm nay.

Nhưng còn cuộc sống mai sau, họ không còn thời gian, không còn tâm trí để quan tâm, để suy nghĩ đến sự thành bại của cả cuộc đời họ, nếu cái kết sẽ hết sức bi thảm và sẽ kéo dài vô tận, do đời sống tâm linh đời này của họ bị thất bại, thì sẽ ra sao ???


*****

Điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm, đó là tính bất ngờ của ngày Chúa đến.

«Ngày Chúa đến» ở đây, có thể hiểu cách thực tế và cụ thể nhất, là ngày Chúa gọi ta về với Ngài, tức ngày tận cùng của đời ta, ngày ta tắt thở, lúc ta lìa đời.

Nếu ngày đó đã được ta chuẩn bị thật chu đáo, thật kỹ lưỡng, thì ngày đó sẽ không có gì phải sợ, vì đó là ngày, mà ta đã mong chờ đã chuẩn từ lâu, để được bước vào một cuộc sống mới, vĩnh cửu, đầy hạnh phúc.

Nhưng nếu ngày đó không được ta chuẩn bị cho tốt đẹp, cho thật chu đáo, cho thật kỹ lưỡng, nên khi sự bất ngờ ập tới, ta phải ra trình diện trước tòa án của Thiên Chúa, để chịu phán xét, với tình trạng tâm hồn mang đầy tội lỗi, mang đầy những vết nhơ xấu xa... thì ngày ấy sẽ là ngày rất khủng khiếp, đáng sợ cho ta biết chừng nào. Vì ta chưa hoàn toàn sẵn sàng, để đối diện với sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa.

Nhưng “ngày Chúa đến”, cũng còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là ngày tận cùng của toàn thể nhân loại, ngày cánh chung, ngày tận thế, ngày Đức Giêsu sẽ trở lại, để phán xét chung toàn thể nhân loại.

Dù hiểu theo nghĩa nào, thì ngày Chúa đến vẫn là ngày bất ngờ:

- bất ngờ chẳng những về thời gian mà còn về cách thức nữa.

Người ta, chẳng những không biết được mình sẽ chết ngày nào, giờ nào, ở đâu... và ngay cả đến cái cách chết, cũng không ai biết chắc chắn được:

- Có thể trên giường bệnh, ngoài đường xá, vì tai nạn giao thông, hay đang khi làm việc.

- Có kẻ thì chết rất thanh thản, bình an, như đang nghỉ ngơi, không có một chút đau đớn nào.

- Có người thì chết trong tình trạng sẵn sàng để ra đi, vì hằng ngày đều đã chuẩn bị.

- Có kẻ chết không nhắm mắt, vì còn tiếc nuối một điều gì đó.

- Có người chết trong hy vọng, chờ đón một số phận vĩnh cửu tốt đẹp

- Có kẻ chết trong lo sợ, vì những hành vi trong cuộc sống hôm nay bất ổn làm sao ấy…

Và cũng chẳng có ai biết được ngày Chúa đến phán xét toàn nhân loại sẽ xảy ra thế nào, rất có thể khác hẳn với những gì người ta dự kiến.

*****

Kinh nghiệm đã qua cho thấy:

Khi Đức Giêsu đến lần thứ nhất: mặc dù đã được các ngôn sứ báo trước từ mấy trăm năm, và lần lượt theo thời gian Chúa cũng gởi các ngôn sứ đến nhắc đi nhắc lại, không biết là bao nhiêu lần, thế mà khi Ngài đến, thì chẳng có mấy ai biết, và cũng không ai ngờ được là Ngài lại đến theo cách ấy, hoàn toàn ngoài dự kiến của mọi người.

Giới lãnh đạo tôn giáo thời ấy có ngờ trước được rằng chính họ lại là chủ mưu trong việc xúc phạm và giết chết Đấng Cứu Thế bao giờ đâu?

Họ luôn nghĩ rằng: họ là người công chính, là nhà thông luật, thông hiểu kinh thánh, nên nếu có ai khác phản đối họ, làm khác họ... là sẽ bị lên án ngay và bị cho là kẻ phá hoại tôn giáo và đáng phải chết!

Thế mà Đức Giêsu lại là người phản đối và lên án họ nặng nề nhất!

Vì cố chấp với những thành kiến của mình, nên con người thường không học được những bài học những kinh nghiệm từ lịch sử đã qua!

Chính vì tính bất ngờ của cái chết, mà người khôn ngoan thật phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng, để có thể ra trước tòa Chúa bất kỳ lúc nào, dẫu Ngài đến dưới bất kỳ hình thức nào, dẫu là không ngờ, không biết trước!  

Phần chúng ta, chúng ta phải luôn chuẩn bị cách nào, để bất kỳ lúc nào Chúa gọi, chúng ta cũng ở trong tình trạng đẹp lòng Thiên Chúa, nghĩa là tâm hồn ta luôn trong sáng, luôn tràn ngập tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

Chuẩn bị như thế, chính là sống thái độ «tỉnh thức» mà Đức Giêsu đề nghị trong bài Tin Mừng hôm nay (Chúa Nhật MV 1B: Mc 13, 33-37).

Nếu chúng ta luôn sống trong tâm trạng hồi hộp, lo âu để đón chờ Chúa đến, thì đó không phải là cách tỉnh thức, mà Đức Giêsu muốn chúng ta có.

Tâm trạng hồi hộp, âu lo, sợ sệt...  là điều bất lợi cho tâm lý và thần kinh của ta.

Ngài muốn ta tỉnh thức, nhưng đồng thời lại hoàn toàn an tâm, không phải lo âu, hay hồi hộp chút nào.

Ngài muốn ta chuẩn bị trong tâm trạng bình an, vui tươi, thoải mái và hạnh phúc.

Muốn chuẩn bị được như thế, thì ta cần phải thường xuyên củng cố tình yêu thật vững mạnh trong lòng ta, yêu Chúa và yêu người.

Một người luôn sống trong tâm trạng yêu thương như thế, chắc chắn là một người đẹp lòng Thiên Chúa.

Nếu yêu thương đã trở thành bản tính của ta, thì ta không thể sống mà không yêu thương.

Dù yêu thương là tình trạng của tâm hồn hay được thể hiện qua thành hành động, thì ta không thể làm bất kỳ việc gì, mà không do yêu thương.

Biến yêu thương trở thành bản tính của ta, thì đó là chuẩn bị cho ngày Chúa đến cách tốt nhất, hoàn hảo nhất.

Lúc ấy, yêu thương không còn là một hành động nhất thời, khi thì có, lúc thì không, mà đã trở nên bản tính thường xuyên, hằng ngày của ta.

Tất cả mọi hơi thở, mọi cử động, mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta, dù là vô tình hay hữu ý, đều thấm nhuần tình yêu thương.

Tình thương phải là phản xạ cách tự nhiên, trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống thường nhật của ta.

Người có bản tính yêu thương, thì sẽ nói những lời yêu thương và có những hành động yêu thương thật dễ dàng, và sw4 tránh được những nói lời khó nghe hay những hành động vị kỷ.

Muốn có được bản tính yêu thương như thế, trước tiên ta phải giác ngộ thâm sâu rằng: tha nhân chính là bản thân nối dài của ta.

Hay nói một cách khác: tha nhân chính là «cái tôi khác» của ta.

Bất cứ điều gì ta làm cho tha nhân, cũng là làm cho chính ta, và cũng là làm cho chính Thiên Chúa.

Bất kỳ điều tốt đẹp nào ta làm cho tha nhân, thì sự tốt đẹp ấy cũng trở về với chính ta.

Và cũng vậy, bất kỳ điều xấu, điều ác nào ta làm cho tha nhân, cho người khác, thì những sự xấu ác ấy sẽ sớm muộn gì cũng trở về với ta.

Vì toàn thể nhân loại chỉ là một thân thể duy nhất, trong đó có Đức Giêsu là đầu, còn tất cả mọi người đều là chi thể (x. 1Cr 12,12-26). Cái tay, mà làm cho con mắt bị mù, thì rồi cái tay cũng sẽ bị mất hẳn năng lực của mình, chẳng còn làm được nhiều việc như xưa nữa.

Giác ngộ được như thế rồi, ta còn phải luyện tập, để sống cho phù hợp với sự giác ngộ ấy.

Lâu dần, sự luyện tập này sẽ trở thành thói quen, và thói quen được duy trì sẽ trở thành bản tính. Bản tính sẽ chi phối toàn bộ con người ta, từ quan niệm, tư tưởng, đến lời nói và hành động.

Một người có bản tính là yêu thương như thế, thì trở nên giống Thiên Chúa. Đó chính là sự thánh thiện, là đạo đức đúng nghĩa nhất.

Và một khi ta đã đạt được bản tính yêu thương đó, thì cả cuộc đời ta sẽ chẳng còn cần phải chuẩn bị chút nào cho ngày Chúa đến nữa, bởi chính bản tính yêu thương của ta là sự chuẩn bị tốt đẹp nhất, chu đáo nhất cho cái ngày trọng đại ấy.

Chuẩn bị như thế, chẳng bao giờ ta phải sống trong hồi hộp lo âu cả. Tâm hồn ta sẽ luôn luôn bình an và hạnh phúc.

Lạy Chúa, chúng con đã bước vào mùa vọng, mùa trông đợi Chúa đến. Trong thời gian này, Chúa thường nhắc nhở chúng con việc Chúa sẽ đến, sẽ vào ngày chúng con không ngờ, vào giờ chúng con không biết.

Xin cho chúng con biết chuẩn bị những hành trang cần thiết, đó là một tâm hồn không bị hoen ố bởi tội lỗi và một đôi tay chất đầy công nghiệp, là những hành vi bác ái yêu thương, để bất kỳ lúc nào Chúa đến, chúng con cũng luôn sẵn sàng ra đón Chúa và được Chúa cho vào hưởng hạnh phúc Nước trời.

Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây