Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 72 - TN 24-C: MỘT TÌNH THƯƠNG THA THỨ LẠ LÙNG --------------------------------
Một văn sĩ nọ đã kể lại câu chuyện ngắn về cậu bé tên là David. Chuyện có tựa đề là: “Người Con Của Ai Đó” như sau:
David đã bỏ nhà ra đi một thời gian. Sau đó, nó hối hận ăn năn về những lỗi lần của nó, muốn trở về nhà để xin lỗi Ba Mẹ, nó mới viết thư về cho mẹ như sau:
Thưa Mẹ, vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà, con sợ cha lắm, nếu cha tha thứ cho con, thì mẹ hãy xin cha cho cột một dây vải trắng, nơi cây xoài trước nhà. Khi nhìn thấy dấu hiệu này, con biết là cha đã tha thứ và con sẽ về lại nhà.
Vài ngày sau, David lấy vé xe lửa về quê. Đường xe lửa đi ngang qua trước nhà, cậu nghĩ, nếu cậu thấy được sợi dây vải trắng cột trên cây xoài, thì cậu sẽ xuống trạm xe kế bên và đi về nhà. Nếu không thì sẽ đi luôn sang nơi khác.
Cậu David rất hồi hộp khi xe chạy gần đến nhà. Sợ mình có thể nhìn lầm hay nhìn không kịp, cậu cũng đã nhờ người ngồi bên cạnh cùng nhìn kỹ giúp. Xe chạy ngay qua địa điểm, không những là cậu, mà cả người bạn cũng đều nhìn thấy. Người bạn ngạc nhiên thắc mắc hỏi cậu:
- Tại sao cây xoài nhà đó lại đầy những tấm vải trắng, treo trên khắp các cành cây như vậy ?
David mỉm cười, không trả lời, cậu muốn giữ lấy ý nghĩa của dấu hiệu đó chỉ cho riêng mình mà thôi và đã hân hoan xuống trạm xe kế tiếp.
---------------------------
Câu chuyện vui trên đây giúp chúng ta hiểu thêm sứ điệp của Phúc âm, mà Chúa gởi đến chúng ta hôm nay (TN 24 C),.
Như cậu David, chúng ta luôn mang nặng ý thức về những lỗi lầm của mình và rồi nghi ngờ tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
David cần được củng cố niềm tin nơi tình thương của người cha, khi nhìn thấy những dấu hiệu cho biết chắc là người cha đã sẵn sàng tha thứ.
Chúng ta cũng vậy, Thiên Chúa đã thực hiện nhiều dấu chỉ trong cuộc đời chúng ta, để chỉ cho chúng ta thấy tình thương của Ngài. Và dấu chỉ quan trọng nhất hằng ngày chúng ta vẫn thấy, đó là cây thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Thánh giá, là dấu chỉ rõ ràng nhất, chắc chắn nhất cho chúng ta thấy được tình thương tha thứ của Thiên Chúa, đối với mỗi người chúng ta, thật bao la vô bờ bến. Bởi như thánh Phaolô nói: Chúa Giêsu đã đã hy sinh mạng sống mình chúng ta, để đền tội thay cho chúng ta, đang khi chúng ta hãy còn là những tội nhân (Roma 5,8).
*****
Bài Phúc âm hôm nay ghi lại ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa: Dụ ngôn con chiên bị mất, dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất, nhất là dụ ngôn người cha nhân hậu.
Qua bài Phúc âm này, Giáo Hội nhắc lại cho chúng ta dụ ngôn về tình thương của Thiên Chúa Cha đối với con người tội lỗi, của người chăn chiên đi tìm con chiên lạc, của người đàn bà bị mất một đồng tiền, của người cha có đứa con bỏ nhà đi hoang, một thái độ yêu thương tha thứ vượt quá mức độ bình thường, mà con người có thể tưởng tượng được, và đã phản chiếu được phần nào tình thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta, thật mênh mông, bao la, vô bờ bến.
Theo lệ thường, nếu chúng ta có một trăm con chiên, mà lỡ bị mất đai một con, chúng ta có nhất quyết đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm gặp được mới thôi hay không ? Chắc chắn là không, vì số chín mươi chín con còn lại, không đáng giá hơn một con bị lạc mất hay sao ?
Quan niệm của con người chúng ta, thường là hay căn cứ vào số lượng, và có thể chúng ta cho rằng hành động của người chăn chiên trong dụ ngôn là một hành động khác thường, nếu không muốn nói là điên khùng, theo những suy nghĩ của con người.
Nhưng đối với Thiên Chúa thì không điên khùng chút nào, bởi Ngài không đặt tương quan của Ngài trên căn bản con số, chất lượng, nhiều hay ít, nhiều người hay ít người, nhưng trên căn bản tương quan giữa Ngài với từng cá nhân một:
Mỗi con chiên, mỗi con người, đều có một giá trị riêng, có thể nói là duy nhất đối với Ngài, và do đó nếu bị lạc mất, thì Ngài nhất quyết phải tìm cho bằng được mới thôi.
Rồi hành động của người đàn bà cũng thế, theo thường tình, thì mất một đồng cũng không sao, vì còn lại cả chín đồng nữa kia cơ mà. Nhưng để diễn tả mức độ tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa, thì dù một đồng kia bị mất, cũng đều là hết sức quan trọng, nên Ngài phải cố tìm cho được mới thôi.
Người cha của đứa con đi hoang, theo thường tình, thì cứ bỏ mặc kệ nó, nhưng để diễn tả thái độ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, thì người cha kia hằng ngày cứ đứng trông ngóng chờ mong con mình trở về, và ông đã nhìn thấy con mình trở về, trước khi nó nhìn thấy ông. Người cha đã tha thứ cho đứa con, ngay cả trước khi nó mở miệng xin tha. Đã thế, người cha lại còn làm tiệc ăn mừng nữa.
Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người và mỗi người. Ngài muốn tận dụng mọi phương thế có thể, để ban ơn cứu rỗi cho con người.
Vì Ngài yêu thương con người, yêu thương từng người một cách vô cùng.
Nhưng con người có chấp nhận ân sủng và tình thương của Ngài hay không ?
Chúng ta hãy đọc tiềp theo.
*****
Trong bài dụ ngôn về người cha của đứa con hoang đàng, chúng ta quan sát thấy thái độ ganh tị giữa hai anh em. Người anh cả ở nhà với cha, thay vì thông cảm và vui mừng với cha, vì người em mình trở về, thì ngược lại, người anh lại tỏ ra ganh tị, tỏ ra phản đối người cha.
Mặt khác, như trong Cựu ước, chúng ta cũng thấy ông Môisen đã cầu nguyện cùng Chúa, xin Ngài tha thứ cho dân đã phạm tội xúc phạm đến Ngài, Môisen đã không xin Chúa hủy diệt dân mình, nhưng đã hết lòng van xin Chúa, để Chúa tha thứ cho dân mình.
Cũng thế, chúng ta đừng bắt chước thái độ của người anh cả trong dụ ngôn, đừng ganh tị với anh chị em mình khi được ơn Chúa tha thứ cho, nhưng hãy bắt chước thái độ của Môisen cầu nguyện cùng Chúa, xin Ngài tha thứ tội lỗi cho anh chị em mình và cho cả chính mình nữa.
Trước nhan Thiên Chúa, tất cả mọi người chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, đều cần đến lời cầu nguyện của nhau, để được ơn trở lại cùng Chúa và để được ơn trung thành với đức tin.
Lạy Chúa, xin Chúa thương tha thứ các tội lỗi chúng con và xin nâng đỡ những thành tâm thiện chí của mỗi người chúng con.
Xin giúp mỗi người chúng ta biết trở về cùng Chúa, và biết luôn cố gắng hết mình để sống xứng đáng là con cái Cha trên trời. Amen.