Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 75 - TN 28-C: CHUYỆN NỮ TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG XINH ĐẸP --------------------------------
Đầu tháng 10 năm 1962, chiếc phi cơ hàng không Panam (Mỹ), chở mấy trăm Giám mục người Mỹ đi họp Công Đồng chung Vatican II.
Tại cửa lên máy bay, có hai cô tiếp viên hàng không đang chào đón hành khách, thì có một cô kiều diễm thật tuyệt vời.
Đức Cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục giáo phận New York, đồng thời là một nhà văn và một nhà hùng biện nổi tiếng Nước Mỹ, đã lưu ý đến sắc đẹp của cô tiếp viên nầy.
Thế rồi, khi phi cơ hạ cánh, hai cô đứng bên cửa xuống cầu thang chào từ biệt từng người và hành khách đáp lại hai tiếng cám ơn.
Nhưng, đến lượt Đức Cha Fulton Sheen, người ta thấy ngài đưa miệng ghé vào tai cô tiếp viên xinh đẹp kia, mà nói nhỏ một câu gì đó không ai nghe được.
Bốn tháng sau, khi khóa I Công Đồng chung Vatican II kết thúc, các Giám Mục được trở về nước nghỉ.
Một hôm, cô chiêu đãi viên xinh đẹp đó tìm đến gặp Đức Cha Fulton Sheen: “Thưa Đức Cha, Đức Cha còn nhớ con là ai không?”
– “Tôi còn nhớ lắm, Đức Cha còn đáp. Cô là tiếp viên trên chiếc hàng không đưa chúng tôi đến Rôma”.
– “Nhưng Đức Cha có còn nhớ là Đức Cha đã nói gì với con không?”
– “Tôi đã nói: có khi nào cô đã tạ ơn Chúa, vì Ngài đã ban cho cô một sắc đẹp thật tuyệt vời không?”
– “Thưa Đức Cha, chính vì câu hỏi đó, mà hôm nay con đã đến xin hầu chuyện Đức Cha. Vậy theo Đức Cha, con phải làm gì để tạ ơn Chúa?”.
Trước câu hỏi đột ngột quá bất ngờ đó, Đức Cha Fulton Sheen có phần lúng túng, không biết phải trả lời làm sao. Ngài trầm tỉnh một lúc, rồi chấp tay lên ngực, Ngài ngước mắt lên trời, như thể xin ơn soi sáng.
Trong chốc lát, ngài nói: “Cha vừa mới được một tin từ Việt Nam: đó là Đức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp, đang là Giám Mục giáo phận Sài Gòn, đã xin từ chức, để đi phục vụ một trại phong cùi ở miền núi Di Linh – Lâm Đồng.
Những người phong cùi ở đó khốn khổ lắm con ạ! Họ đang chờ cái chết đến với họ.
Vậy theo ý cha, cách tạ ơn Chúa, đẹp lòng Ngài hơn cả và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc mặn mà của con, để đến an ủi họ”.
Mặt cô tiếp viên tái dần đi. Cô đứng lặng yên trong mấy phút. Đột nhiên, cô cúi đầu tạm biệt, và không nói một lời.
Rồi từ đó, không biết hai người có còn gặp nhau hay thư từ liên hệ gì nữa chăng. Nhưng đầu năm 1963, đài phát thanh, cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng, để sống với những người phong cùi trong sáu tháng”.
*****
Cái nhìn đức tin thúc đẩy chúng ta tạ ơn Chúa là như thế đó. Nhận được ơn thì phải biết chia sẻ cho người khác, để nói với Thiên Chúa và anh em mình rằng: “Tất cả đều là hồng ân”.
Biết bao ơn lành lớn nhỏ Chúa tuôn đổ xuống trên cuộc đời chúng ta, có bao giờ chúng ta nhận ra những hồng ân ấy, để dâng lên những lời cảm tạ mỗi ngày không?
Những điều chúng ta đang có, tưởng rằng tầm thường, nhưng thật ra lại rất phi thường.
Đừng đợi khi mắt mù, tai điếc, cụt tay, què chân, chúng ta mới nhận ra: có thân thể lành lặn là quý giá vô cùng.
Nếu chúng ta biết cám ơn những gì mình đang có, chúng ta sẽ biết cám ơn suốt đời vì tất cả những gì Ngài đã ban cho.
*****
Chúa Giêsu đã hỏi: “Không phải cả mười người được khỏi phong cùi sao? Thế thì chín người kia đâu, sao không trở lại tạ ơn Chúa, mà chỉ có một người ngoại giáo này thôi?”
Đối với người Do Thái, người bị phong cùi được coi như bị Thiên Chúa chúc dữ và còn bị luật coi là người mắc ô uế nhơ bẩn, bị xã hội khai trừ, phải sống biệt lập trong các bãi tha ma, và khi đi tới đâu, nếu trông thấy ai thì phải tự lắc chuông, lên tiếng báo động trước từ xa, để cho người ta biết mà tránh.
Nhưng Chúa Giêsu không xa tránh họ. Họ đã đến với Chúa, như Chúa đến với họ. Vì Ngài là tình thương cứu chữa. Chỉ có tình thương mới tìm đến với những con người bị bỏ rơi, bị loại trừ.
Trên đất nước chúng ta có hàng chục trại phong cùi. Một số trại do các tu sĩ, nữ tu đảm nhận điều hành, chăm sóc các bệnh nhân.
Nếu ở Việt Nam, tên tuổi của Đức Cha Jean Cassaigne gắn liền với trại phong cùi Di Linh, thì danh tiếng của Cha Đamien còn vang vọng giữa hải đảo Milokai – Thái Bình Dương, người mà nhà ái quốc Gandhi đã ca ngợi và nói: “Nên tìm hiểu: đâu là nguyên do phát sinh một cuộc sống anh hùng như vậy”. Nguyên do của cuộc đời hy sinh ấy là tình yêu mến Chúa, như Chúa đã yêu thương chúng ta, yêu cho đến tận cùng.
Vậy khi chúng ta được Chúa ban cho mọi ơn lành hồn xác, thì đừng quên cám ơn Chúa và đừng kiêu hãnh khinh miệt kẻ khác.
Thánh Inhaxiô nói: “Tội lớn lao hơn cả là tội vô ơn”.
Trong nhóm 10 người phong cùi được Chúa chữa lành, chỉ có một người đã trở lại cám ơn Chúa và người đó lại là người ngoại giáo.
Nhiều khi chúng ta được ơn Chúa, nhưng không biết cám ơn Chúa. Khi hoạn nạn thì khấn vái bốn phương, khi được như ý rồi, thì quên lời đã nguyện hứa. Tệ hơn nữa, còn tự kiêu, tự phụ, khinh miệt những người xấu số, bệnh tật, nghèo khó, phong cùi.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cám ơn Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, về tất cả những gì con đã lãnh nhận, ơn phần hồn, ơn phần xác, để con xứng đáng là người con hiếu thảo của Chúa. Amen.