Vào năm 1984, bỗng dưng gã được công an kêu đi “làm việc”. Họ thân ái hạch hỏi gã về cái-tội-không-phải-là-tội.
Thế rồi quen mui thấy mùi ăn mãi (quen thành nết), cứ ba tuần một lần, họ lại trìu mến bắt gã phải trình diện, để coi tướng, coi tá, coi giò, coi cẳng, xem có sứt mẻ bề gì chăng.
Suốt mấy năm trời, gã luôn để bên cạnh giường một cái bị, trong đó có mấy bộ đồ và một chai dầu cù là, lỡ được ưu ái mời, thì mình đã sẵn sàng để… đi luôn.
Cũng trong thời gian ấy, vì muốn quên chuyện đời, gã bèn đóng cửa “ngâm kíu” về việc… bếp núc.
Gã lôi một đống sách dạy nữ công gia chánh, đọc ngấu nghiến, ghi chép hẳn hoi và phân loại cẩn thận. Cuối cùng gã đã tổng hợp và nghiệm thấy rằng:
- Tất cả các món ăn từ cổ chí kim, từ đông sang tây, đều được chế biến bằng bốn cách.
Một là luộc qua nước. Hai là chiên qua mỡ. Ba là nướng qua lửa. Bốn là ăn sống nuốt tươi.
Rồi tùy theo thể thức nêm mắm muối hành tỏi và các đồ gia vị cũng như tùy theo thể thức trình bày, mà làm ra món nọ món kia.
Riêng về cà phê, thiên hạ đã chỉ cho gã một bí quyết gia truyền như sau:
Ly cà phê tuyệt vời phải là ly cà phê đen như thằng quỷ, nóng như hỏa ngục và lịm như tình yêu.
Thế nhưng gần đây trên báo Phụ nữ Chủ nhật, có kẻ ghiền cà phê đã cả gan cho rằng cà phê còn tuyệt vời hơn cả đờn bà.
Và rồi kẻ bạo phổi ấy đã đưa ra những lý lo để biện minh cho chủ trương, đường lối của mình như sau:
- Bạn không cần thêm kem, cà phê vẫn cứ ngon. - Vào lúc sáng sớm, ly cà phê trông thật tuyệt cú mèo. Bạn không buồn ngủ sau khi xơi xong một ly cà phê. - Cà phê sẽ chẳng bao giờ làm cho bạn phải nhức đầu. - Bạn muốn cà phê ngọt hay đắng là tùy ở bạn. - Bạn có thể hút thuốc trong khi uống cà phê. Cà phê lạnh cũng êm, mà cà phê nóng cũng khoái. Còn cà phê Buôn Ma Thuột ấy hở? Chắc chắn sẽ mang lại cho bạn “nguồn cảm hứng sáng tạo mới”.
*****
Trở lại với câu chuyện “Gulliver phiêu lưu ký”, mà gã đã mê tít thò lò từ hồi còn nhỏ.
Sau khi thoát khỏi lãnh địa của những người tí hon, Gulliver bị lạc bước vào đất nước của những anh chàng khổng lồ.
Dưới mắt những anh chàng khổng lồ này, Gulliver chỉ là một nhóc tì, bé tí bé tẹo, khả dĩ có thể đứng được nơi đầu ngón tay của họ.
Và thế là chú nhóc tì, bé tí bé tẹo này tha hồ nhảy nhót trên vành tai, nghí ngoáy trong lỗ mũi của những anh chàng khổng lồ.
Còn đầu tóc của họ ư ? Quả là một cánh rừng bạt ngàn đối với chú nhóc.
Ngặt một nỗi, nếu chẳng may anh chàng khổng lồ hắt xì hơi một phát, thì cái phát hắt xì hơi ấy có thể thổi văng chú nhóc tì, bé tí bé tẹo ấy, đi cả mấy ki lô mét lận.
*****
Cà kê dê ngỗng một tí cho vui, bây giờ thì gã xin đi vào đề tài hôm nay, đó là nhân loại chẳng đờn ông, để đối với đề tài tháng trước, đó là thế giới không đờn bà.
Vào một đêm trăng sáng vằng vặc, có một tốp các bà, các chị, quyết đi vào rừng trúc, tìm cho được nguyệt lão, hầu trình bày nỗi khổ của mình.
Để tăng thêm nhuệ khí, vị chủ tịch của các bà các cô đã hô hào:
- Hỡi chị em ơi có biết không? Trời phú cho ta một tấm chồng. Có phước gặp được người tử tế, Vô duyên dính gã “tứ đổ tường”. Sáng xỉn, chiều say, khuya… tỉnh giấc. Nay cờ, mai bạc, mốt lông bông. Chồng con, cái nợ là như thế, Hỡi chị em ơi có biết không?
Nhìn thấy các bà các chị hùng hổ tiến đến, xem chừng nguyệt lão cũng run. Để giữ bình tĩnh, nguyệt lão bèn vuốt chòm râu bạc, rồi hắng giọng nói:
- Các ngươi muốn xin gì?
Tất cả đều nhất tề thưa lên:
- Chúng tôi muốn dứt bỏ cái sợi chỉ đỏ, mà ngày xưa ngài đã buộc chân chúng tôi với chân những… lão ấy, để trở thành vợ, thành chồng với nhau.
Nguyệt lão xua tay hỏi:
- Tại sao các ngươi lại muốn dứt bỏ sợi chỉ đỏ của ta?
Một bà đáp:
- Khổ lắm ngài ơi, kể từ khi có chồng, tôi như đeo gông vào cổ.
Một chị khác, xem chừng như một cô đào cải lương, đã vội ngâm mấy câu thơ sau đây:
- Lấy chồng, lấy phải chồng ghen, Như đeo trên mắt cục ghen hổ ngươi. Lấy chồng, lấy phải chồng lười, Một mình gánh cục nợ đời nặng vai. Lấy chồng, lấy phải chồng say, Lành nguyên….cục súc thẳng tay bạo hành. Nguyệt lão bèn trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:
- Vậy ý các ngươi như thế nào?
Một lần nữa, tất cả đều nhất trí và đồng ý:
- Xin ngài hãy làm cho bọn đờn ông biến khỏi mặt đất này, để chúng tôi thực sự được giải phóng và hạnh phúc.
Một chị bèn thỏ thẻ:
- Ước chi không có đờn ông, Thì em đâu phải tay bồng nách mang. Anh như cái ách giữa đàng, Em ngu quá xá nên quàng vô thân. Xưa kia bụi chẳng lấm chân, Tự do ngang dọc chẳng cần tới ai. Tiền mẹ tha hồ tiêu xài, Sáng siêu thị, tối mệt nhoài đăng xinh. Chẳng cần đi bẩm về trình, Dạ vâng nhỏ nhẹ: “thưa mình, em đây”.
Một chị khác cũng ấm ức than thở:
- Ước chi không có đờn ông, Thì đâu có cảnh chờ chồng đêm khuya. Mê nhậu, mê gái, mê bia, Ngất nga ngất ngưỡng đi hia một giò. Về nhà là ngáy kho kho, Quên bài… không trả, học trò lưu ban.
Nguyệt lão gật đầu:
- Được rồi, ta sẽ cho các ngươi được phỉ chí toại lòng.
Nói rồi, nguyệt lão giơ cây gậy trúc và hô:
- Đờn ông con giai…biến.
Và thế là kể từ giây phút trọng đại ấy, chẳng còn một mống đờn ông con giai, chẳng còn một vị nam nhi đại trượng phu, chẳng còn một dân húi cua tóc ba phân đều nào trên mặt đất này cả.
Và lịch sử bắt đầu một kỷ nguyên mới.
Một tác giả tên là Kim Hương đã ghi nhận buổi bình minh của kỷ nguyên mới ấy như thế này:
Sáng hôm đó, tôi thức dậy hơi bị sớm, bỗng phát hiện ra một việc là ông chồng mập nằm kế bên mình bị…”mất tích”. Chà, không biết ổng đi đâu sớm thế, chứ bình thường cũng phải hơn bảy giờ mới ra khỏi giường.
Tôi lo lắng chạy bay ra đường nghe ngóng coi có tin tức gì của chồng mình không. Ai ngờ, vừa ra tới ngoài đường, tôi thấy rất nhiều bộ dạng của những người phụ nữ: già có, trẻ có mà sồn sồn cũng có. Quần áo tươm tất có và cả đồ ngủ cũng “xuống đường”.
Hỏi ra mới biết, tất cả các ông chồng đều biến mất. Đầu tiên ai cũng tỏ ra lo lắng, không biết chồng mình đi đâu hay bị “bắt cóc”?
Nhưng nhìn qua nhìn lại, thấy bà nào cũng bị mất chồng, nên mọi người đều nghĩ:
“Chừng nào chồng họ xuất hiện, thì tất chồng mình cũng thế, chẳng sợ”.
Và cứ vậy mà yên chí lớn, ai về nhà nấy.
Thật sung sướng không sao kể xiết, khi bắt đầu một ngày mới không có… đờn ông.
Tôi lên kế hoạch đàng hoàng, chẳng phải lo đồ ăn sáng cho “ổng”, đỡ tốn thêm cái khoản cà phê, thuốc lá.
Lại nữa, đi chợ thích gì ăn nấy, không phải đắn đo suy nghĩ coi ổng thích ăn món chi?
Và không gì bằng đi siêu thị, mà không sợ ai to mồm rằng “mua gì lắm thế”.
Đã thế lại còn tiết kiệm được khá nhiều tiền khi không cần đến mỹ viện để làm gầy, lại còn được tha hồ ăn, chả sợ béo phì, chả sợ ai chê là mập như…
Và không phải giả bộ… cười khi thấy bản mặt “dễ ghét” của ổng.
Nhất là… Ôi thật tuyệt vời, cánh đờn bà chúng mình có thể nằm ngủ thẳng giấc.
Mới tính toán sơ sơ thôi, mà tôi đã cảm thấy lâng lâng, dễ chịu và thoải mái vô cùng.
Tôi sẽ trở lại thời con gái, thời mà tôi chưa bị đờn ông đem nhốt vô lồng, với bao nhiêu công việc không tên bù đầu bù cổ.
Nhưng từ đây, tôi và các chị sẽ đổi thay hoàn toàn, tự do hoàn toàn. Tôi đã chuẩn bị “tư thế mới” để bắt đầu lăn vào cuộc sống không đờn ông.
Hầu như tất cả quí bà quí cô đều hăm hở lên chương trình cho cuộc sống riêng, cũng như cho khoảng trời riêng của mình.
Trong cuộc sống và khoảng trời riêng ấy, dứt khoát là không có bóng dáng đờn ông, con giai.
Chương trình đại khái mang những nét giống nhau:
Ban sáng ta có thể nằm ngủ nướng mặc sức, chả phải dậy sớm mà chui vào bếp. Cứ việc thoải mái cho tới khi mặt trời xỏ lỗ mũi cũng chẳng hề hấn gì. Nếu muốn thì đánh răng rửa mặt, còn không thì cứ việc đầu bù tóc rối, có ai để ý đâu mà sợ. Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao!
Nếu thích trang điểm, thì ta cứ việc ngồi vào bàn, tô son trét phấn mặc sức. Cứ việc vô tư biến khuôn mặt mình trở thành khuôn mặt của một cô đào cải lương, hay của dân phường chèo cũng vẫn là hết ý.
Rồi sau đó ướm thử hết bộ này đến bộ kia, bộ nào ưng ý nhất thì khoác vào thân, cho dù bộ ấy có hở “một phần da, ba phần thịt”, cũng chẳng sợ ông xã nhăn mặt.
Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao!
Còn nếu mắc chứng bệnh “lươi huyền mãn tính”, thì ta cứ việc để nguyên bộ đồ ngủ mà đi lại trong nhà, hay xuống phố, mà chẳng cần đeo vào mình những thứ phụ tùng lỉnh kỉnh. Thế mới thật là nhẹ nhõm. Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao !
Không phải chui đầu vào bếp nấu nướng cho ông xã đã đành, mà ta còn tha hồ xơi theo sở thích của mình. Muốn gì xơi nấy. Thậm chí có thể anh dũng ngồi ngồi bên vỉa hè, húp chùn chụt một lúc vài tô bún riêu, hay vài tô bún ốc cho đã thèm, cho khoái khẩu mà chả sợ ma nào cười, ma nào chê.
Ta cũng có thể rít một hơi thuốc lá, rồi thả hồn mơ theo làn khói. Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao! Thời giờ còn lại của một ngày ấy hả?
Ta có thể ngồi hát karaoke hết bài này sang bài khác, từ những bài tình cảm ướt át, cho đến những khúc “quân hành ca” thật oai phong lẫm liệt.
Ta không sợ giọng hát vượt thời gian của ta hành hạ, làm rúng động con tim và làm điếc lỗ nhĩ của hàng xóm, Bởi vì hàng xóm gần gũi nhất của ta, hắn đã biến mất tiêu rồi, đâu còn nữa. Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao!
Ta có thể bật đầu máy coi hết những bộ phim tình cảm lâm ly, bi đát nhiều tập của Hồng Công hay của Hàn Quốc, mà chẳng sợ bị một ai phá đám. Xem từ sáng đến tối cho thỏa cơn ghiền, khi nào mắt mờ và tai lùng bùng mới thôi. Quả là đã điếu. Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao!
Ta có thể mải mê đọc những tờ báo lá cải, “ngâm kíu” từng vụ án cướp bóc, nhất là từng chuyện tình éo le, từng cuộc đánh ghen, ngay cả những tin xe cán chó, ta cũng chẳng bỏ qua, để rút tỉa những kinh nghiệm quí giá, làm giàu cho đầu óc và làm đẹp cho bản thân. Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao!
Ta có thể kéo nhau sang nhà bà hàng xóm, tụm năm, tụm ba, đấu hót vung vít. Tha hồ cà kê dê ngỗng, kể tội bọn đờn ông, từ lão này sang lão khác. Hết chuyện phe địch thì lại bắt quàng sang chuyện phe ta. Nào là nhỏ này dễ ghét, nào là nhỏ kia chả ra cái thể thống gì. Ngôn ngữ tuôn trào rông rổng, chẳng khác bà phát ngôn viên của bộ ngoại giao Việt Nam là mấy. Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao!
Ta còn có thể lôi nhau đi “shop”, ngắm hết gian hàng này đến gian hàng kia. Tha hồ mua sắm, mà chẳng phải dè chừng cặp mắt cú vọ của lão chồng keo kiệt, hay những tiếng thở dài của tên bồ mắc chứng bệnh than trầm trọng, kể từ ngày mười một tháng chín năm hai ngàn linh một. Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao!
Rồi khi màn đêm buông xuống, ta cứ việc nhảy phóc lên giường đánh một giấc cho đẫy con mắt, mà chẳng sợ bị ai khều, ai gọi.
Rồi sáng hôm sau, một ngày tuyệt vời vắng bóng đờn ông con giai lại được bắt đầu.
Và cứ thế, cứ thế. Ngày nọ nối tiếp ngày kia như hồi nọ nối tiếp hồi kia trong truyện Tam Quốc Chí diễn nghĩa bên Tàu, bản dịch của Tử Vi Lang và lời bàn của Kim thánh Thán. Ôi cuộc đời mới tuyệt làm sao!
Tất cả những cái ấy đã được đúc kết thành một bài thơ mang nhiều tính cách hồ hởi như sau:
- Không chồng, không phải không chồng, Không chồng, vì bởi chồng không có nhà. Ú là khỏe quá thân ta, Tha hồ ngủ, vất gối bừa lên chăn. Sáng buồn thì khỏi đánh răng, Cơm ăn khỏi phải lo mần cho ngon. Hễ vui cứ việc cười giòn, Mặc cho ai ngó, ai dòm kệ ai. Nhạc thì cứ mở đã tai, Tha hồ nhún nhảy gầm gừ mình ta. Rồi sang hàng xóm lân la, Ngồi lê đôi mách chuyện gà chuyện dê. Chuyện trời, chuyện nước, chuyện non. Chẳng chừa cả chuyện chồng con của mình. Một ngày thật quá phỉ tình, Ước chi chồng biến luôn mình mừng thay.
*****
Thế nhưng, sau thời gian quá độ đầy phấn chấn này, thời gian như chùng xuống, rồi ngừng đọng, không gian như đi vào một mùa đông ảm đạm, và lạnh lẽo. Người ta bỗng thấy quí bà quí cô trầm hẳn xuống. Ít cười và ít nói. Hình như ai cũng anh ách một bầu tâm sự riêng tư, mà chẳng biết tỏ cũng ai, bởi vì lỡ dại mồm, dại miệng nói ra, không chừng lại bị thiên hạ cười cho thối mũi, nên đành phải canh cánh bên lòng, như một ung nhọt đang nung mủ chưa chịu vỡ.
Thò chân xuống khỏi giường, nhìn thấy xấp nhỏ ngây ngô và ngơ ngác, bởi vì toàn là “vịt giời”, toàn là dân “thị mẹt”. Ta bỗng dưng tiếc nhớ những cái nghịch ngợm của mấy thằng nhóc, phá phách như quỉ sứ. Bực bội đấy, nhưng mà lại vui. Còn xấp nhỏ hôm nay ngơ ngác là do không có cha. Con mà không cha thì như nhà “không có nóc”. Tự thâm tâm ta nghiệm ra rằng đờn ông là như cây tùng, cây bách, phủ bóng mát xuống cuộc đời và là chỗ dựa tốt cho con cái, cũng như cho bản thân ta nữa, nếu như “hắn” không quá xệ.
Thực vậy, không có đờn ông con giai trong nhà, bóng đèn tắt không ai thay, cầu chì hư không ai sửa, bàn ghế gẫy chẳng ai thèm lấy đinh ra đóng lại. Ta mà cầm cái búa, thì cứ lóng nga lóng ngóng. Đầu đinh không đóng, chỉ chực đóng xuống ngón tay.
Ta cũng giống mấy anh học trò ngày xưa, là dân trói gà không chặt, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.
Hồi trước ấy hả?
Bao nhiêu việc nặng nhọc, ta khoán trắng cho bọn đờn ông con giai. Chỉ cần cười ruồi một phát, hay cho bọn họ uống nước đường bằng một lời khen là xong tuốt luốt.
Nặng nhọc đến mấy, họ cũng vẫn làm hùng hục, lại còn cảm thấy thích thú và khoái chí nữa. Thế mới chết. Sao mà họ mà ngu quá đỗi vậy!
Ngoài ra, do ăn uống thả dàn, không cần kiêng khem. Hễ cái gì khoái khẩu là xơi liền tù tì. Ổi, xoài và cóc thì cứ phải hàng ký lô. Chè cháo thì cứ phải dăm ba ly. Vì thế, thân thể ta cứ liên tục phát triển bề ngang. Lúc này eo ếch mà làm chi. Không còn đờn ông con giai thì ta cần chi mà phải làm đẹp. Bởi vì có làm đẹp thì cũng chẳng ma nào ngắm và xuýt xoa khen tặng. Thôi thì hãy vứt quách nó đi áo quần thời trang, giày dép “mô đen”, son phấn đủ kiểu. Bị ăn theo vào đó, các thẩm mỹ viện cũng như các tiệm uốn tóc, sửa móng tay móng chân đều dự động “phẹc mê bu tích”, có nghĩa là đóng cửa, giải nghệ, kiếm việc khác làm mà kiếm sống.
Từ hồi đó cho đến bây giờ, chẳng còn có một cuộc thi hoa hậu hay sắc đẹp nào cả. Bởi vì ta với ta, mình với mình, thì cần chi mà phải thi với thố. Ai cũng là “miss” cả. Ai cũng đẹp cả, nếu không mười phân vẹn mười, thì cũng chí ít kẻ tám lạng, người nửa cân.
Hơn thế nữa, cuộc thi không có khán giả chiêm ngưỡng và vỗ tay, sẽ nhạt phèo như nước ốc, ai mà ham.
Ngày quốc tế phụ nữ mồng tám tháng ba mất đi ý nghĩa của nó. Ta với ta, thì còn đấu tranh đòi bình đẳng với ai.
Và như vậy, các bà mất đi một dịp may hiếm có để làm làm tình làm tội, đày đọa đức ông chồng của mình cho bõ ghét.
Rồi ngày Valentine mười bốn tháng hai cũng vậy, sẽ trở thành trống rỗng, bởi vì mình với mình thì còn tình nhân, tình nhiếc mà làm chi.
Và như vậy, các cô mất toi niềm vui được nhận quà. Chả còn một bông hồng đỏ thắm, cũng như chả còn một lời tỏ tình tha thiết nào cả. Sao cuộc đời lại vô duyên đến thế.
Đi “shop” mãi, mua sắm mãi thì đồng tiền đồng bạc cứ âm thầm đội nón ra đi, cho tới lúc chả còn một xu teng dính túi. Đầu tháng rồi, mà chẳng ai thèm cống nộp tiền lương cho mình. Và thế là ta rơi vào một thế cờ bí. Đầu ra thì có, mà đầu vào lại không, khiến ta lo toát cả mồ hôi hột. Cái khó bó cái khôn. Ta chả còn mặt mũi nào để mỉm cười với đời. Coi phim Hồng Kông miết cũng như đọc báo hoài chỉ tổ mờ mắt. Cà kê dê ngỗng đủ mọi chuyện trên trời dưới đất với mấy bà hàng xóm, cũng như hát karaoke mãi, chỉ tổ mỏi mồm mỏi miệng mà thôi. Rồi khi trở về với lòng mình, ta trừng trừng nhìn ta trên tấm gương trong “toa lét” và bỗng thấy trái tim ta cô đơn, cuộc đời ta cô độc và bản thân ta cô quạnh quá đi thôi.
Lúc bấy giờ ta thầm ước có một mái ấm, để mà chắt chiu chiều chuộng. Mái ấm ấy có những tiếng bi bô và những trò ngịch ngợm của mấy thằng nhóc. Tuy vất vả cực nhọc, nhưng ta lại cảm thấy vui vui, vì thiên chức của ta là làm mẹ chúng nó kia mà. Lúc bấy giờ ta thầm ước có một gia đình để, mà ra công chăm sóc. Gia đình ấy có một bờ vai vững chắc để tựa vào, hầu tìm lấy một sự chở che, một sự cảm thông và một sự chia sẻ. Ta lấy làm tiếc xót, chỉ vì sự nghiệp giải phóng, mà ta đã nỡ bẻ gẫy cái gông đeo cổ.
Ta lấy làm đớn đau, chỉ vì muốn đòi quyền sống, cũng như muốn được bình đẳng với bọn đờn ông con giai, mà ta đã lỡ phá hủy cái chương trình muôn thuở muôn kiếp của đất trời.
Ta lấy làm hối hận, chỉ vì nghĩ rằng: Không gì quí hơn độc lập tự do, mà ta đã dại dột xin nguyệt lão hô biến đi tất cả bọn đờn ông con giai trên mặt đất này. Ôi, giá mà ta được làm lại từ đầu.