Một khi bụng đã đói, thì mắt liền mờ tịt và tay chân bỗng bủn rủn, thậm chí con ruồi đậu vào GãSiêu 151
Một khi bụng đã đói, thì mắt liền mờ tịt và tay chân bỗng bủn rủn, thậm chí con ruồi đậu vào mép cũng chẳng buồn xua Ăn chay là một trong số những việc làm đạo đức quan trọng mà hầu như tôn giáo nào cũng thực hiện. Tuy nhiên, cách thức giữ chay lại khác biệt tuỳ theo chủ trương của mỗi tôn giáo. Chẳng hạn theo Phật giáo, ăn chay là ăn và uống những thứ có nguồn gốc từ thực vật, không được ăn thịt cá hay những thứ có nguồn gốc từ động vật vì liên quan đến việc sát sinh. Thực vậy, với quan niệm về luân hồi, sau khi chết, tuỳ theo công phúc mình đã làm khi còn sống, mà được đầu thai làm kiếp loài vật hay loài người, cho tới khi được lên cõi Niết Bàn. Thời gian ăn chay được gọi là trai kỳ, nhiều hay ít tuỳ theo lòng mộ mến của mỗi người: * Nhị trai là ăn chay 2 ngày mỗi tháng: Mùng 1 và 15 âm lịch. * Tứ trai là ăn chay 4 ngày mỗi tháng: Mùng 1,14,15 và 30, nếu tháng thiếu, thì lấy ngày 29. * Lục trai là ăn chay 6 ngày mỗi tháng: Mùng 1,8,14,15,23 và 30, nếu tháng thiếu thì lấy ngày 29. * Thập trai là ăn chay 10 ngày mỗi tháng: Mùng 1,8,14,15,18, 23,24,28, 29 và 30, nếu tháng thiếu thì lấy các ngày 27.28. và 29. * Nhất nguyệt trai là ăn chay suốt một tháng. * Tam nguyệt trai là ăn chay suốt ba tháng. * Ăn chay trường là ăn chay suốt cả đời. Phật tử được khuyến khích ăn chay vào những ngày 1,14,15 và 30 vì đó là những ngày mở cửa âm và các linh hồn được tự do! Đối với Hồi giáo, thì có tháng “Ramadan”. Tháng này được bắt đầu một cách thống nhất, từ ngày 13.9 cho toàn thể cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới. Nhiều người thường gọi một cách đơn giản tháng Ramadan là “tháng nhịn ăn”, hoặc “tháng ăn chay”, nhưng cả hai cách gọi đều không chính xác cho lắm, bởi vì các tín đồ Hồi giáo thực sự không ăn chay và cũng không nhịn ăn, bởi vì nếu nhịn ăn suốt cả một tháng, thì e rằng khó mà sống nổi. Trong tháng này, tất cả các tín đồ Hồi giáo đều thực hiện nghiêm túc qui định: Không ăn, không uống, không hút…nghĩa là không được đưa bất cứ thứ gì vào miệng. Tuy nhiên, qui định này chỉ được áp dụng vào ban ngày, cụ thể là từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn mà thôi. Ngoài ra, luật cũng qui định: những người đau ốm, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi…đều được miễn trừ, không phải nhịn. Việc nhịn ăn và nhịn uống như thế có mục đích tạo sự thông cảm với những người nghèo đói, đồng thời tập luyện sự tiết chế, chống lại những cám dỗ về vật chất. Chúng ta thử tưởng tượng xem: Với thời tiết nóng và khô của sa mạc, thế mà suốt ngày trong cả tháng không được động đến một giọt nước, thì đó phải là một hy sinh to lớn. Tuy nhiên khi mặt trời đã lặn và tiếng loa từ các giáo đường vang lên, người ta lại được phép tổ chức tiệc tùng và ăn uống linh đình, như kiểu xứ ta ăn tết. Theo một thống kê của Ai Cập, thì lượng thực phẩm tiêu thụ trong tháng Ramadan thường gấp 2, gấp 3 lần các tháng khác trong năm. Rồi vào lúc 2 hay 3 giờ sáng, mỗi khu phố lại có một người mang một cái trống nhỏ, tiếng rất đanh, vừa đi vừa đánh theo nhịp ngũ liên, lại vừa hô to để đánh thức mọi người thức dậy, lo nấu nướng cho kịp ăn uống trước khi mặt trời mọc, để bắt đầu một ngày nhịn mới. Còn bên Do Thái giáo, thì ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức. Người Do Thái có một cuộc “đại chay”, nhân ngày lễ xá tội. Đây là một việc bắt buộc mang tính cách cá nhân đối với mọi thành phần Dân Chúa. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn vào các ngày quốc hận. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy giả và những người Biệt Phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Sau cùng là Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng. Ăn chay là rèn luyện cho bản thân cách thức chống lại những ham muốn xác thịt và tỏ lòng sám hối ăn năn, quay trở về cùng Thiên Chúa. Người Công giáo phân biệt giữa “ăn chay” và “kiêng thịt”, nhưng trong thực tế hai việc này lại thường đi đôi với nhau. Ăn chay là giới hạn phần lương thực được tiếp nhận vào cơ thể. Chỉ được ăn một bữa no và hai bữa đói mà thôi. Còn kiêng thịt là không được ăn thịt những động vật máu nóng như heo, bò, gà…nhưng lại được phép ăn cá, tôm, cua, ếch và các thứ hải sản vì chúng thuộc vào loại máu lạnh! Tuy nhiên trứng, sữa và những chế phẩm từ thịt có máu nóng, đều không phải kiêng. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần của việc ăn chay, đôi khi ăn ít hơn hay ăn đạm bạc hơn bình thường cũng được cho là một hình thức ăn chay. Đồng thời Giáo Hội khuyến khích nên dùng số tiền do việc hy sinh ăn uống này, để giúp cho những người nghèo túng. Những người đạo đức sốt sắng có thể ăn chay ngày thứ sáu trong tuần và 40 ngày trong suốt cả mùa chay. Tuy nhiên hiện nay, chỉ buộc phải giữ hai ngày, đó là thứ tư Lễ tro và thứ sáu Tuần Thánh mà thôi. Mặc dầu mỗi năm chỉ có hai ngày ăn chay, thế nhưng người ta lại hay bị “cám dỗ” để rồi mất chay, hay mất ý nghĩa của ngày ăn chay. Đúng thế, bên Tây phương, người ta thường cử hành lễ hội “Mardi gras”, tức là “Thứ ba béo”, ngày cuối cùng trước khi bước vào mùa chay. Trong ngày này, người ta tổ chức tiệc tùng linh đình, ăn uống cho thật đã, để bù lỗ cho bốn mươi ngày khắc khổ sắp tới. Người ta múa hát tưng bừng, nhảy nhót cho thật xả láng, để bù lỗ cho cái bầu khí ảm đạm của mùa chay. Có những nước đã tổ chức lễ hội này thật hoành tráng, chẳng hạn như Brasil với những trò giả trang và vũ điệu Samba, đã thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan. Tất cả những tiệc tùng và nhảy múa được kết thúc vào lúc 24 giờ ngày thứ ba, để rồi sau đó người ta bước sang ngày thứ tư Lễ tro, khởi đầu cho mùa chay, với màu tím tê tái nơi tâm hồn, với khuôn mặt ủ rũ như treo cờ tang, với luật buộc ăn chay và kiêng thịt. Còn đối với người Việt Nam, nhất là vào những năm tháng xa xưa, khi đời sống còn thấp kém. Trong bữa cơm gia đình, quanh đi quẩn lại, thì cũng chỉ có cà ghém mắm tôm, canh cua mồng tơi, hay rau muống luộc...Thỉnh thoảng lắm mới có tí cá, hay tí thịt. Thành thử, những người nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thì hầu như mỗi ngày của họ đều ăn chay và kiêng thịt, cuộc đời họ vốn dĩ đã là một mùa chay kéo dài. Vào ban sáng, có người chỉ uống một ly cà phê, có người chỉ ăn một chút, gọi là “điểm tâm”, rồi làm việc cho đến trưa mới dùng bữa mà vẫn vui vẻ khoẻ mạnh. Thế nhưng trong ngày ăn chay, ban sáng cũng vẫn theo thói quen bình thường, thế mà mới hơn 9 giờ, đã cảm thấy đói ngấu đói nghiến. Mới nhịn nhim nhím có tí xíu, thế mà đã cảm thấy như kiến bò bụng, đói cồn đói cào. Một khi bụng đã đói, thì mắt liền mờ tịt và tay chân bỗng bủn rủn, thậm chí con ruồi đậu vào mép cũng chẳng buồn xua. Và người lớn thường bảo: -‘ Đó là chước mốc ma quỉ.’ Ở nông thôn, vào ngày ăn chay kiêng thịt, người ta cũng thường kiêng luôn cả việc xác, bởi vì bụng đói thì làm sao có thể kham nổi những công việc đồng áng nặng nhọc. Và thế là ngoài những lúc đến nhà thờ tham dự thánh lễ hay ngắm nguyện, các cụ có tí tuổi, thường hay tổ chức “kiệu lá”, tức là…ăn gỏi cá. Các cụ chuẩn bị cho việc kiệu lá, cho việc ăn gỏi một cách rất công phu. Ngay từ ngày hôm trước, các cụ đã bảo con cháu đi chợ mua cá, hay kéo lưới dưới ao để bắt cá. Cá dùng để ăn gỏi thường là cá chép, cá rô, hay cá lóc… Rồi sáng hôm ăn chay, người thì rang gạo để giã làm thính. Người thì thái cá. Thịt cá thái xong, được đặt và gói trong những tấm giấy bản để thấm nước cho thịt được khô. Người thì làm nước chấm. Nước chấm được làm bằng mẻ nấu với cá băm nhuyễn. Người thì đi kiếm rau gồm các thứ lá như: Lá mơ, lá đinh lăng, lá sung, lá tầm duộc, lá cóc…Phải chăng cũng vì thế, các cụ thường gọi ăn gỏi là “kiệu lá”. Xem ra một bữa ăn gỏi, một lần kiệu lá như vậy vừa hoành tráng, vừa tốn kém lại vừa vui vẻ hơn một đám tiệc bình thường! Còn dân bợm nhậu, thì chỉ mong sao cho ngày ăn chay và kiêng thịt qua mau, đề rồi còn tụ lại, gầy độ và lai rai với nhau nữa chứ. Chuyện rằng: Vào tối ngày thứ tư lễ tro, mấy ông bợm nhậu cùng nhau mần thịt một con chó. Họ chờ cho đúng không giờ ngày thứ năm là bắt đầu nhậu. Họ làm như đã thật lâu không gặp nhau, đã thật lâu không được cụng ly với nhau, cũng như đã thật lâu không đụng đũa tới món cờ tây. Ngồi chờ hút thuốc lào vặt cũng sốt ruột, lợi dụng lúc mọi người lui hui dưới bếp, một anh bạn vội vặn chiếc kim đồng hồ treo trên tường, vì anh ta thầm nghĩ rằng: - Thà một người chết cho toàn dân được nhờ, thà một kẻ chịu tội cho bè bạn được sớm lai rai. Người ta ăn để mà sống, đó là chuyện đời thường, nhưng đời thường vốn có những cái nghịch lý của nó. Vì thế, không thiếu gì những kẻ sống để mà ăn. Họ đi tìm những khoái cảm trong việc ăn uống. Có những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Ăn no uống đủ nhưng vẫn chưa đã. Và thế là ‘’a-lê-hấp’’ móc cổ họng cho chó ăn chè để tiếp tục nhậu nữa. Tiệc một chưa đủ, bèn rủ nhau gầy sòng làm tiệc hai. Tăng một chưa đã, bèn mần tiếp tăng hai. Bên cạnh những kẻ thiếu ăn, có những bàn tiệc mâm cao cỗ đầy, thức ăn thừa mứa, mà mỗi khẩu phần trị giá bằng cả một năm lao động cực nhọc của những kẻ khố rách áo ôm. Đúng là tác phong ném tiền qua cửa sổ. Thánh kinh diễn tả rất đúng về hạng người thừa tiền và rửng mỡ này, khi gọi họ là những kẻ chỉ biết lấy cái bụng của mình làm chúa, ‘’quorum deus venter est’’ ! Thượng Đế đã ban cho con người một cái miệng và như chúng ta đã biết: Công dụng của cái miệng là để ăn và nói. Rất nhiều lần chúng ta đã phải khổ sở vì những lời dèm pha đầy ác ý. Lưỡi người còn sắc hơn cả gươm giáo và độc hơn cả nọc ong. Số người chết vì cái lưỡi còn nhiều hơn vì những cuộc chiến tranh tương tàn. Lời nói có thể làm cho chúng ta bị thân bại danh liệt, tiêu tan sự nghiệp, như ca dao diễn tả:
-‘ Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, Miệng không vành, miệng méo tứ tung.’ Còn về cái khoản ăn cũng không kém phần nhiêu khê và rắc rối. Người ta lao động quần quật cũng để tìm kiếm của ăn đút vào miệng. Cái miệng con người đã làm cho bao súc vật bị tuyệt chủng, bao cây cối đi đến chỗ xác xơ tiêu điều… và đến núi cũng phải lở. Rồi những cuộc chiến tranh giữa người với người đã xảy ra cũng chỉ vì miếng ăn. Và miếng ăn quả là miếng nhục! Giá như con người không phải ăn nữa thì sẽ lợi biết bao nhiêu. Lợi được thời gian. Lợi được công sức. Lợi được tiền bạc. Nhưng mà có lẽ lúc bấy giờ cuộc đời cũng sẽ buồn đi rất nhiều. Vì thế, gã vẫn cứ phải chịu khó ăn để mà sống mỗi ngày, cho dù là ăn những của đắng đót. Gã không biết Thượng đế có bé cái lầm hay không khi trao ban cho mỗi người chúng ta một cái miệng trong khi đó lại có những hai con mắt, hai lỗ tai và hai lỗ mũi. Phải chăng Ngài muốn chúng ta nghe nhiều hơn, nhìn nhiều hơn, hít thở nhiều hơn, còn ăn và nói thì nên giảm bớt, “sì tốp” lại phần nào. Và theo gã nghĩ đó cũng chính là sống tinh thần chay tịnh. Thực vậy, nếu hiểu sống tinh thần chay tịnh là kiêng, là nhịn, là dẹp bỏ, là chấp nhận hy sinh, thì một tác giả nào đó đã đưa ra những cách giúp chúng ta sống tinh thần chay tịnh như sau: - Dẹp bỏ những lời nói phạm và lấp đầy cõi lòng bằng những lời cảm thông, an ủi và khích lệ. - Dẹp bỏ những thái độ khó chịu và lấp đầy cõi lòng bằng những tâm tình biết ơn. - Dẹp bỏ những hiềm khích và lấp đầy cõi lòng bằng sự tha thứ và kiên nhẫn. - Dẹp bỏ thái độ bi quan và lấp đầy cõi lòng bằng niềm hy vọng và sự lạc quan. - Dẹp bỏ những băn khoăn lo lắng và lấp đầy cõi lòng bằng niềm tin tưởng vào Chúa trong khoảng khắc hiện tại. - Dẹp bỏ những chiếm hữu và lấp đầy cõi lòng bằng những điều đơn giản của cuộc đời. - Dẹp bỏ những ý tưởng hời hợt và lấp đầy cõi lòng bằng những suy gẫm và những lời cầu nguyện. - Dẹp bỏ những phê bình chỉ trích và lấp đầy lòng bạn bằng hình ảnh Đức Kitô nơi những người chung quanh. - Dẹp bỏ tính ích kỷ và lấp đầy lòng bạn bằng tình yêu thương đối với người khác. - Dẹp bỏ những hận thù oán ghét và lấp đầy cõi lòng bạn bằng một thái độ hoà giải. - Dẹp bỏ thói quen nói quá nhiều và lấp đầy cõi lòng bạn bằng sự thinh lặng và lắng nghe người khác. Sống tinh thần chay tịnh như thế, chắc chắn cuộc đời chúng ta sẽ ngập tràn bình an, yêu thương và hạnh phúc. Gã Siêu
Canada đang giữa mùa thu, nắng vàng đang bát ngát, và đồi phong bên nhà đang nhuốm màu đỏ tươi. GãSiêu 152
Canada đang giữa mùa thu, nắng vàng đang bát ngát, và đồi phong bên nhà đang nhuốm màu đỏ tươi. Trong bữa ăn Lễ Tạ Ơn tuần qua tại nhà Cụ Chánh, Cha Paolo phát biểu: Thời tiết đi theo vòng tròn, còn đời chúng ta đi trên đường thẳng. Tôi đang đọc sách viết về phương đông. Hình như ở Việt Nam qúy bạn nói ‘chết là về với tổ tiên’, có phải không cơ ? Ông cha này thâm thúy thế đấy các cụ a. Anh John liền phụ họa ngay: Đúng như vậy. Quê vợ con ở Việt Nam tin rằng chết là về, về với tổ tiên, còn ở Âu Châu Mỹ Châu thì chết là về với Thượng Đế. Bên nào đúng thưa Cha ? Cha Paolo cười rất tươi, hình như câu hỏi của Anh John hợp ý ngài quá. Ngài trả lời: Cả hai đều đúng. Về với tổ tiên, mà tổ tiên thì ở trong lòng Thượng Đế. Cụ Chánh nghe đến đây thì như lây cái vui từ Cha Paolo. Cụ kể: Tôi có quen một số bạn người Lào. Người Lào có một quan niệm về cuộc đời rất cao. Xứ Lào còn có tên là Pathet Lan Xang, có nghĩa là Xứ Một Triệu Con Voi. Nhóm bạn mà tôi quen đều quê ở tỉnh Savannakhet. Danh xưng này có nghĩa là ‘ Cửa Thiên Đàng’. Người Lào nhìn cuộc đời rất bình thản. Câu thông thường trên môi người Lào là ‘ Bò pền nhắng, phỏ khoan xúc ma chạc chày’, nghĩa là ‘Không sao cả, hạnh phúc đến từ trái tim mà’. Bởi vậy được làm bạn với người Lào thì tôi sung sướng lắm. Người Lào nói chung đều sống bình dị, không đua đòi hơn thiệt, làm vừa đủ ăn. Họ thấy ta tranh đua kèn cựa, làm ngày làm đêm, không còn giờ để nghĩ đến cuộc sống thì họ ngạc nhiên lắm, vì theo họ thì hạnh phúc đâu có đến từ những việc này. Dân ở Savannakhet tin rằng chết là đi gặp tổ tiên ở thế giới bên kia. Trong tang lễ, người Lào không khóc lóc thảm thiết như người mình. Đến viếng xác thì bao giờ cũng phải ở lại ăn cơm với tang gia. Người Lào không chôn người chết xuống đất, mà hoả thiêu rồi đem thán cốt vào chùa. Tháng Mười Một này người Công Giáo gọi là Tháng các Linh Hồn, tháng nhớ đến các người thân yêu đã khuất, tháng nghĩ nhiều tới việc mình sẽ ra đi. Cha Paolo nói tiếp: Đi đâu, đi lên hay đi xuống ? Muốn đi lên thì chúng ta phải mua cho được vé đi lên. Trong Thánh Kinh Chúa Giêsu nói rất rõ về việc mua vé đi lên này: Ai cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống thì người đó sẽ vào nước trời. Nói đến đây rồi ngài lại cười ha ha và nói rằng ngài không giảng đạo mà chỉ xin góp niềm vui với dân làng. Ai trong làng tôi cũng qúy Cha Paolo, và cha cũng quý hoá làng tôi lắm. Chúng tôi đã bỏ bùa cho ông Cha Canada gốc Ý này. Bùa làm bằng nước mắm. Bữa nay ngài tình cờ ghé chơi trên đường đi thăm bệnh nhân, đúng lúc dân làng đang ăn món bún chả Hà Nội. Các cụ biết món này chứ. Ngon quá sức. Cụ Chánh liền kéo ghế mời ngài. Ông cha ngồi xuống rồi cầm đũa ăn ngay. Chúng tôi thích cái tính chân tình này của Cha qúa. Món bún chả là món thịt nướng thả trong nước mắm chanh ớt rồi ăn với bún, rau diếp và các loại rau thơm. Món này phải có rau kinh giới và tía tô. Ngài đã chan rất nhiều nước mắm và đã ăn rất tha thiết. Người tỏ ra vui vẻ và sung sướng nhất bữa nay là cụ B.95. Cụ cứ gắp thịt gắp rau bỏ vào bát cho ngài, bắt ngài ăn cho nhiều, cái lối tiếp thức ăn Bắc Kỳ ngày xưa ấy mà. Vừa tiếp thức ăn cụ vừa bắt ngài nói chuyện. Cụ xin Cha Paolo cứ việc giảng đạo, công khai giảng về Chúa cho cụ nghe. Ông cha này cũng thâm trầm lắm. Ngài nói: Thiên Chúa tạo dựng ra loài người, tất cả chúng ta đều là con của ngài. Ngài là cha, là bố đẻ thật của chúng ta. Cha mẹ ta chỉ là phương tiện để Chúa đem chúng ta vào đời. Đạo Chúa là đạo dạy chúng ta nhìn ra Chúa là người cha đích thực và mọi người là anh em với nhau. Tôi đọc sử VN thì thấy người VN gọi nhau là đồng bào, vì cùng một bọc trăm con mà ra, và như thế thì rõ ràng mọi người là anh em với nhau, đúng y như lời Chúa dạy. Nói đến đây rồi Cha Paolo cười ha ha: Như vậy thì truyền thuyết trăm con của VN có gốc từ Thánh Kinh. Nghe Cha Paolo nói xong, bồ chữ ODP xin góp ý. Rằng cái thuyết trăm con, chúng ta là anh em với nhau, xuất phát từ VN rồi lan sang bên Tàu. Ở bên Tàu có triết gia Vương Dương Minh chủ trương vạn vật nhất thể, nghĩa là tất cả nhân loại đều thuộc một khối duy nhất, đều thuộc một gốc tổ, nói theo Cha Paolo thì đều là con cái của Chúa. Và Việt Nam có công đầu trong việc này. Anh John ngồi nghe rất chăm chú. Anh giơ tay xin góp ý. Rằng nếu như vậy thì trong văn chương Anh có thi sĩ John Donne đầu thế kỷ 17 cũng lây cái học thuyết Trăm Con của VN, và vạn vật nhất thể của Vương Dương Minh. Thi sĩ Donne làm một bài thơ rất hay, đại ý đề cao con người chúng ta là một khối. Ông nổi tiếng với bài thơ nhan đề là ‘ Không ai là ốc đảo cả’. Bài thơ bằng tiếng Anh, lời thơ rất đơn sơ dễ hiểu như thế này:
No man is an island Every man is a piece of the continent, A part of the main. If a clod be washed away by the sea, Europe is the less Any man’s death diminishes me Because I am involved in mankind And therefore never send to know For whom the bell tolls It tolls for thee Nghĩa tiếng Việt như sau:
Không cá nhân nào có thể là ốc đảo Mỗi con người là một phần lục địa |Một phần của cái chung Dù chỉ một hòn đất bị biển cuốn đi Cả Âu Châu sẽ không còn toàn vẹn Bất cứ sự ra đi của cá nhân nào Cũng làm tôi tổn hao Vì tôi là một phần của nhân loại Vậy đừng hỏi chuông nguyện hồn ai Chuông nguyện hồn chính anh đó Nhân nghe Cha Paolo nói tới việc cho người đói ăn để mua vé đi lên trời trên đây, tôi liền nhớ tới bữa ăn Lễ Tạ Ơn ở hai trung tâm bác ái Toronto. Nơi thứ nhất là Good Shephert Centre ở phía đông, nơi thứ hai là Scott Mission ở phía tây. Hai nơi này hàng ngày vẫn mở cửa tiếp đón những người nghèo đến ăn trưa và ăn tối. Trung Tâm Good Shephert rất lớn, mỗi ngày phục vụ trung bình 900 người, ngày lễ Tạ Ơn đã phục vụ 1.400 người. Trung Tâm Scott Mission nhỏ hơn, mỗi ngày phục vụ 350 người, ngày lễ Tạ Ơn đã phục vụ hơn 500 người. Ngày Lễ Tạ Ơn, nơi nào cũng dọn một bữa ăn truyền thống: xúp, salad, gà tây, bò nướng, khoai chiên và bí ngô. Các người phục vụ bữa ăn đều là những thiện nguyện viên.Tôi có đến thăm hai trung tâm này. Thấy những người ngồi ăn, thấy những người phục vụ bữa ăn, ai cũng vui vẻ tươi cười, tôi cảm động qúa. Ngoài hai trung tâm trên đây, Toronto còn có Daily Bread Food Bank là nơi bạn có thể đem tặng các loại thực phẩm cho người nghèo. Nơi này rất lớn. Hàng ngày có rất nhiều thiện nguyện viên tới đây giúp phân loại thực phẩm. Năm vừa qua, trung tâm này đã trao 799.315 gói thực phẩm cho ngưòi đến xin. Canada là nước đầy phước lành, điều này qủa không sai. À, mà tôi mải kể chuyện liên hệ Cõi Trên mà chưa nói tới chuyện thời sự Cõi Dưới. Chuyện nổi bật nhất trong tháng qua là chuyển tổng tuyển cử ở Canada, ngày 14 tháng Mười. Đảng Bảo Thủ đương quyền lại thắng lớn, chiếm 143 ghế trong quốc hội, lại tiếp tục cầm quyền. Đảng Tự Do chỉ được 76 ghế, so với khóa trước đảng này mất đi 19 ghế. Đảng Bloc Quebécois 50 ghế, Đảng Tân Dân Chủ 37 ghế. Canada là xứ tự do nên có Đảng Cộng Sản, đảng này chả được ghế nào. Nổi bật nhất trong quốc hội lần này là phái nữ. Có 437 ứng cử viên phái đẹp, và 68 người đẹp đã trúng cử, chiếm tỷ lệ 27%. Ai bảo phái nữ là phái yếu ở Canada ư ? Lầm to nha. Ai cũng tiếc cho Đảng Tự Do. Trước đây đảng này mạnh và uy tín lắm, với những đảng trưởng nổi danh như Pierre Trudeau, Jean Chrétien, Paul Martin. Lần này Đảng Tự Do đi xuống như vậy là do cá nhân đảng trưởng. Hiện nay đảng trưởng Stephane Dion đã xin từ chức. Ông là giáo sư đại học, bằng cấp đầy mình, thế nhưng điểm yếu của ông là ông nói tiếng Anh dở qúa. Ông gốc tiếng Pháp, tuy biết tiếng Anh nhưng ông nói không trôi chảy một chút nào. Mấy vị tiền nhiệm cũng gốc tiếng Pháp như ông nhưng họ đều nói tiếng Anh làu làu như gió. Về kinh tế, theo Bộ trưởng Tài chánh Flaherty thì Canada rất mạnh rất vững, kinh tế tài chánh Canada không hề chao đảo như nhiều nước hiện nay. Về mặt ngoại giao thì Canada vừa đón tiếp tổng thống Nicolas Sarkozy từ Pháp Quốc tới thăm. Ông đến đây để dự hội nghị Pháp thoại thế giới. Ông đến đây tươi cười vui vẻ chứ không hung hăng như De Gaule khi xưa. Các cụ còn nhớ biến cố sấm nổ này không ? Hồi đó, năm 1967, tổng thống Pháp quốc Charles de Gaule đến đây mừng lễ hội Québec. Khi ông tham dự cuộc biểu dương, ông đã hô to: Vive le Québec libre’ có ý cổ võ việc ly khai. Lúc đó chính quyền liên bang Canada giận qúa sức. Ngày ông De Gaule ra về, chính quyền trung ương không thèm tiễn chân. Cụ B.95 nghe đến đây thì che miệng ngáp. Cụ bảo sao chuyên thời sự bữa nay khô qúa. Xin các bác cho nghe chuyện gì tươi mát và vui vẻ cơ. Liền có ngay. Ông H.O. liền quay về tôi rồi hỏi: Nhà văn Nguyễn Xuyên bên Bỉ đã cho câu đối mới chưa? Các cụ còn nhớ chuyện này chứ ? Năm ngoái Cha Nguyễn Xuyên mừng tuổi tôi câu đối tết. Ngài bảo đây không phải là tác phẩm của ngài mà là của một giáo dân trong đêm văn nghệ. Câu đối như thế này: Thày sinh vật vật cô sinh vật, vật đúng chỗ sinh mà sinh vào đúng chỗ vật vế đối lại: Anh tiểu thương thương chị tiểu thương, thương vào chỗ tiểu mà tiểu vào đúng chỗ thương’. Tôi bèn trả lời ông H.O. rằng năm nay chưa nghe Cha Nguyễn Xuyên nói gì, nhưng tôi có nhận được sự phụ họa từ độc giả. Có độc giả khoái câu đối này qúa nên đã nổi hứng bắt chước và đã làm ra hai câu như thế này: - Con bò cạp cạp con bò cạp, cạp đúng chỗ bò mà bò đúng chỗ cạp - Anh cà phê cà chị cà phê, phê đúng chỗ cà mà cà đúng chỗ phê Làng nghe xong thì thích qúa, phá ra cười. Tiếng cười này đã mở đầu cho cuộc vui trong làng. Rồi anh John được làng phỏng vấn về việc học tiếng Việt. Anh John liền kể ngay: -Tôi học tiếng Việt, càng học càng khám vá ra nhiều điều thích thú. Tôi thấy lời nói trong tiếng Việt có thể mang mùi vị của thức ăn. Chẳng hạn Chị Ba ăn nói ngọt ngào mặn mà, còn Chị Tư thì lời nói cay đắng chua chát.... mặn ngọt chua cay thì rõ ràng là mùi vị thức ăn. Ông ODP liền góp ý ngay: Như anh vừa nói đó, anh bảo người Việt ‘ăn nói’, rõ ràng tiếng ăn đi với tiếng nói nên lời nói mang mùi vị của thức ăn là vậy. Rồi từ việc ăn nói trong tiếng Việt, ông ODP bước sang tiếng Pháp nói ở miền Québec. Rằng nếu bạn là liền ông và tin vào toa thuốc ăn gì bổ nấy, bạn muốn tăng cường sức mạnh của liền ông nên bạn đi tìm ‘ ngầu phín dê’ư ? Mời bạn vào chợ thịt dê. Rồi bạn có biết phải diễn tả làm sao để bác hàng thịt biết bạn muốn món đó không ? Tôi không biết ở Paris thì tên nó là gì, còn ở Québec tên món đó gọi là ‘amourettes’. Tại sao ngầu pín dê mà lại là amourettes ? Để cho mọi người ngơ ngác một lúc rồi ông mới cười hề hề. Rằng ông Tây ở Québec cũng giỏi như ông An Nam ta, cũng cho rằng ngẩu pín dê là món đại bỗ cho tình yêu, mà tiếng Tây gọi tình yêu là amour mà. Ngầu pín dê đã được thơ mộng hóa là Amourettes, hay thiệt vậy đó. Rồi ông ODP trả diễn đàn cho anh John. Anh liền xin nói tiếp về tiếng Việt. Rằng dấu phết trong chính tả giữ vai trò rất quan trọng trong việc diễn nghĩa. Tôi gặp được 2 ví dụ rất hay trong sách, như thế này: Đàn bà không có đàn ông, không là gì cả Đàn bà không có, đàn ông không là gì cả Câu 1 thì chê đàn bà, đàn bà cần đến đàn ông. Còn câu 2 thì chê đàn ông: Đàn ông không có đàn bà thì đàn ông là số không. Và đây là ví dụ thứ 2: Mỗi gia đình có 2 con, vợ chồng hạnh phúc Mỗi gia đình có 2 con vợ, chồng hạnh phúc Câu trên thì đề cao hạnh phúc của cả hai vợ chồng, câu dưới thì đề cao cái anh chồng có 2 vợ. Nghe đến đây thì ai cũng khen anh John có chí học tiếng Việt với một bộ óc khoa học. Anh này giỏi tiếng Việt là phải lắm, đúng không các cụ ? Anh John được cả làng khen, đặc biệt 2 đại biểu phái đẹp trong làng, cô Cao Xuân và Tôn Nữ đã vỗ tay to nhất.. Anh John sung sướng vô cùng. Được hứng khởi, anh nói luôn: Tôi đố các bạn trong tiếng Việt chỉ cần nói một câu thôi, mà diễn tả đầy đủ anh con trai đi ngoại tình rõ ràng. Nói thế nào đây ? Chỉ cần một câu đơn giản thôi nha. Cả làng bị hỏi bất ngờ, ớ ra hết. Mấy bồ chữ trong làng cũng tắc luôn. Anh John cười hề hề, giọng cười tinh quái, thủng thẳng nói: Câu này không phải của tôi nha mà là câu trong sách, khi tôi học về cách viết làm sao cho cô đọng mà đầy đủ ý nghĩa. Các bạn cứ đọc thong thả, nghĩ từng chữ, thì sẽ thấy anh con trai này hư đốn, đi ngủ lang ở nhà bồ tèo: ‘ Chúng tôi ngủ dậy, mặc quần áo,rồi tôi vội về nhà chở vợ đi chợ...’ Cả làng nghe xong thì gật gù rồi cười hà hà. Chị Ba Biên Hòa thấy chồng đã đi qúa lố, bèn xin ngưng rồi yêu cầ ông ODP đổi đề tài, thay đổi không khí vừa bị ô nhiễm. Ông ODP liền ưng ngay. Ông xin nói về cái tai nghễnh ngãng của chúng ta, chữ tác thành chự tộ. Điển hình là cái tai của Ông Jacques Cartier người da trắng đầu tiên đặt chân đến miền đất hạnh phúc này vào năm 1533. Ông gặp một nhóm người Da Đỏ. Hai bên không nói cùng một thứ tiếng. Ông nói gà, bà nói vịt. Có lẽ ông hỏi họ về miền đất này tên là gì. Mấy ông Da Đỏ lại đoán ông tây có ý hỏi ‘ nhà mấy anh ở đâu ?’ nên mới chỉ về hướng mấy túp lều phía xa rồi nói ‘ Kanata’. Ông Jacques Cartier nghĩ đây là câu trả lời về tên đất. Vì tai ông là tai người tây, vữa nghễnh ngãng vừa khó nghe nên thay vì ghi là Kanata thì ông ghi là Canada. Danh xưng Canada hiện nay có gốc từ sự nghễnh ngãng này. Ông ODP đang định kể tiếp thì anh John chặn lại. Dù đã bị vợ cấm nói mà anh không thể im lặng được. Anh liền nói: Bác ODP kể còn thiếu lời giải thích. Người Da Đỏ nói Kanata, Kanata là câu tiếng Việt. Vì người Da Đỏ vốn quê ở VN, họ xa tổ quốc Viêt Nam lâu ngày nên họ nói lơ lớ. Kanata chính là ‘ Cái Nhà Ta’ mà ra. Kanata, Canada, Cái Nhà Ta, rõ ràng cùng một gốc. Các cụ đã thấy cái anh John này nhớ dai và rõ ràng thuộc bài bản của tôi, chúng tôi là đồ đệ của Triết gia Kim Định mà. Chị Ba lại phải ra lệnh cho anh John im lặng để nghe xong phần diễn thuyết. Ông ODP kể tiếp: Cũng giống như chuyện Canada ở Mỹ Châu, khi nhóm người Da Trắng đầu tiên bước chân lên đất Úc Châu năm 1788, họ gặp một con vật kỳ lạ, đi bằng hai chân và có túi mang con ở bụng liền hỏi con vật này tên gì. Người thổ dân trả lới là ‘ Khan ghu ru’ có nghĩa là ‘ tôi không biết’. Vì không hiểu ý nghĩa nên ông da trắng ghi luôn tên con vật là kangaru. Ông ODP xin chấm hết bài diễn văn và xin cụ Chánh cho ý kiến. Cụ Chánh tiên chỉ làng từ đầu bữa ăn đến giờ chỉ ngồi gật gù tán thưởng và cười góp. Cụ xin được tha phần phát biểu vì tuổi già. Cả làng đều cười ầm lên. Chị Ba Biên Hòa lên tiếng ngay: Cụ mà già cái gì. Kìa xem cụ Summer Redstone, 85 tuổi, chủ tịch Viacom và CBS, sáng nào cũng thức dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe, chạy bộ và đi bơi rồi ngồi vào bàn giấy làm việc ngay. Kìa xem ông già gân Hugh Hefner, 82 tuổi, vẫn còn đầy phong độ hào hoa phong nhã và còn minh mẫn điều hành tạp chí Playboy. Kià xem cụ Thiệu Dật Phu, chủ nhân hãng phim Shaw nổi tiếng hoàn cầu, tuy đã 100 tuổi mà vẫn còn tới văn phòng làm việc. Kìa xem cụ Nguyễn Công Trứ đã ngoài 80, khi nghe quân Pháp đánh thành Đà Nẵng, đã xin vua cho vào lại quân đội để diệt xâm lăng. Rõ ràng các vị này thân lão mà tâm bất lão. Bởi vậy lời Cụ Chánh than gìa là không đúng sự thực. Các cụ đã thấy Chi Ba Biên Hòa thông minh sáng láng chưa. Cô giáo Anh văn ngày xưa có khác, nói có sách mách có chứng, anh John mê mệt ngày đêm là phải. Cụ Chánh không cãi được lý sự của Chị Ba bèn phải lên tiếng: Nhân bàn về cái tai ngoại quốc, lão chỉ biết sơ sơ vài chuyện này mà thôi. Chuyện ông Da Trắng Cartier nghe Kanata mà viết ra Canada thì ông ta cũng đã giỏi lắm rồi vì không xa âm chính bao nhiêu. Chứ ông Tàu nói tiếng quan thoại mà đọc tên ngoại quốc thì khiếp lắm. Chẳng hạn tên nước chúng ta là Việt Nam, các ông ấy phát âm là giuế nàm nghe có tức không chứ. Mỹ Quốc thì các ông ấy đọc là may của, Pháp quốc là phá của. Coca Cola họ đọc là khớ khẩu khở lớ, Pepsi Cola là pai sư khở lớ. Chưa hết. Trong văn học VN có hai văn tài nổi tiếng là Thi sĩ Hồ Zếnh và nhà khảo cổ Vương Hồng Sển. Zếnh và Sển đâu có phải là âm tiếng Việt, mà sao ta cứ gọi như thế ? Truy nguyên ra thì đây là âm Tàu. Ông Hồ Zếnh có bố là người Quảng Đông, mẹ là người VN bà Đặng Thi Vân. Hai ông bà đẻ ra cậu con trai đặt tên là Hà Triệu Anh. Khi đến làng xin khai sinh, ông bố đọc tên con Hà Triêu Anh theo giọng Quảng Đông là Hồ Zếnh, ông thư ký làng bèn ghi đúng lời ông bố, không có ghi theo lời bà mẹ. Còn tên của học giả Vương Hồng Sển cũng giống như thế. Tên Việt Nam của cụ là Vương Hồng Thịnh, nhưng vì ông bố Tàu phát âm trọ trẹ, Thịnh mà ra Sển, ông thư ký làng cứ phép làng, ông bố nói sao thì ghi như vậy. Phe các bà nghe chuyện phát âm của mấy ông Tàu thì có vẻ không vui, các bà chê là cái tai Tàu nghễnh ngãng, Triệu Anh nghe đẹp thế mà hóa ra Zếnh, Thịnh đẹp thế mà hóa ra Sển, thiệt là kỳ cục. Anh H.O. bèn chuyển tiếng Tàu kỳ cục ra tiếng Việt vui vẻ. Anh bảo lúc nãy Chị Ba nói về tuổi già làm anh nhớ tới một câu ca dao liên hệ tới các vị cao niên, câu ca dao như thế này: Già thì già tóc gìa râu Riêng về cái ấy còn lâu mới già Anh xin đố mọi người ‘cái ấy’ trong câu ca dao chỉ cái gì. Phe các bà nghe xong bèn la lên, rằng câu này tục qúa, thật là vô phép vô tắc, trước mặt khách qúy là cha Paolo mà anh dám nói lời tục tĩu. Anh H.O. bèn cãi ngay: Đầu óc các bà tục tĩu thì có, câu ca dao mới này nói lên cái vui tươi hạnh phúc của tuổi già, ‘cái ấy’ chỉ ‘tiếng cười’. Nào xưa nay có ai nói tiếng cươi già nua bao giờ đâu ! À, ra thế. Hóa ra cái đầu chúng ta bị ô nhiễm. Đầu chúng ta tục nên chúng ta cứ nghĩ ra sự tục ! Gã Siêu
Người đời thường bảo: - Thái quá, bất cập. Phàm những gì quá độ, đều bất ổn. Trong khi đó GãSiêu 153
Người đời thường bảo: - Thái quá, bất cập. Phàm những gì quá độ, đều bất ổn. Trong khi đó, nhân đức luôn đứng ở giữa, ở cái mức trung dung. Từ nhận định trên, gã đi vào mối liên hệ giữa anh chồng với chị vợ và đã nhận ra những thái độ quá quắt, dẫn đến những chuyện không hay trong đời sống tình cảm của cá nhân cũng như gia đình. Thái độ thứ nhất, đó là coi vợ như đầy tớ, để rồi mặc sức “khủng bố”. Trước hết là khủng bố về mặt tinh thần bằng những cấm đoán, áp đặt tư tưởng và lập trường của mình trên tư tưởng và lập trường của vợ, theo kiểu phu xướng vụ tùy, xuất giá tòng phu, khiến người vợ lúc nào cũng phải vâng lời tối mặt. Tiếp đến là khủng bố về mặt thể xác bằng những đánh đập, hành hạ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, khiến vợ phải mang thương tích, đồng thời lúc nào cũng phải sống trong tình trạng căng thẳng và ngột ngạt. Thậm chí đôi khi còn dẫn tới một cái chết oan uổng và tất tưởi. Gã xin đưa ra một trường hợp điển hình cho những bạo hành trong gia đình: Sau khi cưới, những ngày tháng hạnh phúc chưa được bao lâu, thì gia đình bắt đầu có mối bất hòa và rạn nứt. Ban đầu từ chuyện mẹ chồng nàng dâu, cho đến những chuyện cỏn con của đời sống vợ chồng. Cứ không bằng lòng điều gì, chẳng cần góp ý với chị một câu nào, anh liền đánh đập chị như một thú tiêu khiển. Hết đánh, rồi tới đập phá đồ đạc và chửi bới đe nẹt chị. Khi bị anh đánh đâp thâm tím cả mặt mày, chị quay sang cầu cứu bố mẹ chồng, nhưng cũng chẳng nhận được một sự an ủi nào. Tệ hơn nữa, bố mẹ chồng còn gọi điện, mời bố mẹ đẻ lên để “nói chuyện”. Đích điểm của những lần nói chuyện ấy chỉ là những lời lẽ chửi bới, nhục mạ, hay nhẹ nhàng nhất thì cũng dạy cho chị và và gia đình bên ngoại một bài học…(Báo Gia đình, số 13 ra ngày 26 tháng 3 năm 2007). Thái độ thứ hai, đó là coi vợ như bà chủ, để rồi lúc nào cũng khúm núm và nơm nớp sợ hãi. Đây là tác phong đã được Tú Xương miêu tả: - Làm trai rửa bát quét nhà, Vợ gọi thì dạ, bẩm bà em đây. Phần đông các ông chồng trên trái đất này đều mắc phải một chứng bệnh, được gọi toạc móng heo ra, là chứng bệnh “sợ vợ”. Các ông ấy đã lý sự cùn với nhau để bênh vực cho chứng bệnh vốn dĩ đã trở nên “di căn” hay “mãn tính” của mình. Chẳng hạn: - Mình sợ vợ mình, chứ đâu có sợ vợ người ta đâu mà lo. Chẳng hạn: - Mình đâu có sợ vợ, mà chỉ nể vợ. Chẳng hạn: - Mình làm vậy cốt để cho cửa nhà được êm ấm. Tuy nhiên, dù biện minh thế nào chăng nữa, thì râu quặp cũng vẫn chỉ là râu quặp mà thôi. Những anh chồng sợ vợ vốn thường sống và thực thi hết mình lời khuyên bảo sau đây:
- Kính vợ đắc thọ, Sợ vợ sống lâu. Nể vợ ta hết u sầu, Để vợ lên đầu, thì trường sinh bất lão. Ngoài hai thái độ bất cập kể trên, nhiều lúc gã còn gặp thấy một thái độ khác, tuy không đến nỗi tệ hại, nhưng cũng không kém phần bất ổn đó là cái thói nịnh vợ. Thái độ này, hình như cũng đã được Tú Xương bàn đến như sau:
- Vuốt râu nịnh vợ con bu nó. Quắc mắt khinh đời cái bộ anh. Sỡ dĩ như vậy bởi vì trong thâm tâm, anh chồng luôn dành cho chị vợ một địa vị…tối ưu: - Nhất vợ nhì giời. Lắm lúc anh chồng nịnh một cách rất trơ trẽ, khiến người được nịnh là chị vợ cũng cảm thấy ngượng ngùng. Những lời lẽ nịnh bợ ấy sẽ phản tác dụng vì trở nên bôi bác giả hình, như muốn che lấp một ý đồ đen tối nào đó. Để tránh đi tình trạng bi đát trên, hôm nay gã xin…”cắt thuốc” và đưa ra mấy thang “độc chiêu”, thay vì phải khen vợ thì lại được vợ khen. Anh chồng phải nắm đàng chuôi, phải ở vào cái thế “thượng phong” và phải chơi “nước cờ cao”…Như vậy mới xứng với đấng mày râu, mới đáng với bậc tu mi nam tử. Thang thuốc gã đưa ra gồm bốn vị:
Thứ nhất: đưa lương đủ. Thứ hai: tối ngủ nhà. Thứ ba: giúp việc bà. Thứ tư: quà đúng lúc. Bây giờ gã sẽ bàn rộng tán dài về từng vị trong thang thuốc tuyệt vời ấy.
Thứ nhất: đưa lương đủ. Kinh nghiệm cho thấy: để làm được chuyện nọ chuyện kia, thì vấn đề đầu tiên bao giờ cũng vẫn là vấn đề…tiền đâu.. Trong phạm vi gia đình, quốc gia cũng như quốc tế, ai nắm được túi tiền, thì người đó cũng nắm được quyền lực, để rồi chi phối và bắt người khác phải quy phục mình răm rắp. Gã xin đưa ra một thí dụ, chẳng hạn như những đồng tiền viện trợ. Nước Mỹ vốn là nước hào phóng nhất trong vấn đề viện trợ cho các…chư hầu. Thế nhưng, một khi đã ngửa tay nhận lãnh những đồng tiền viện trợ, thì chắc chắn sẽ phải đi vào quĩ đạo của Mỹ. Mỹ bảo sao phải nghe vậy, bằng không thì sẽ bị cắt viện trợ. Lúc đó sẽ dở khóc, dở cười và dở mếu nữa. Thành thử, dù là viện trợ nhân đạo, nhưng cũng vẫn kèm theo những điều kiện. Và những điều kiện này thường được hiểu ngầm với nhau, chứ ít khi được viết ra trên giấy trắng mực đen. Trong phạm vi gia đình cũng vậy. Sở dĩ uy quyền của chị vợ tương đối lớn, bởi vì chị vợ vốn là “tay hòm chìa khóa”, nắm giữ tiền bạc trong gia đình. Với vai trò của người quản lý khôn ngoan, chị vợ nào cũng muốn thâu tóm tất cả vào một mối. Vì thế, chị vợ không những muốn kiểm soát tiền lương cũng như tiền lậu, tiền bổng cũng như tiền lộc của anh chồng, mà còn muốn cứ đúng hẹn, anh chồng phải giao nộp đầy đủ, không thiếu một đồng, không thừa một cắc. Sự giao nộp đầy đủ này đem lại rất nhiều lợi ích.. Trước hết, chị vợ biết đường mà chi tiêu cho gia đình. Thực vậy, sống trong thời buổi gạo châu củi quế, vật giá leo thang đến chóng cả mặt. Vì thế, ngân sách trong gia đình thường bị thâm thủng và thiếu hụt, đôi khí tới mức độ trầm trọng. Nắm được đầu vào, chị vợ mới có thể lên kế hoạch cho đầu ra một cách hợp tình và hợp lý, liệu cơm mà gắp mắm, cái gì không cần thiết thì gạch bỏ, chứ không bóc ngắn cắn dài, con nhà lính tính nhà quan, để suốt đời cứ bị nợ nần chồng chất. Tiếp đến, vì tiền bạc được quản lý một cách hết sức chặt chẽ, nên chị vợ sẽ giúp cho anh chồng tránh được những thói hư tật xấu, những tệ đoan xã hội. Đúng thế, các cụ ta ngày xưa đã bảo: - Có tiền mua tiên cũng được. Chính vì thế, người thời nay cũng nhận xét và thấy được rằng: - Đờn ông, muốn hư thì phải có tiền. Hay nói cách khác: - Tiền dễ làm cho cánh đờn ông trở thành hư. Thực vậy, có tiền anh chồng mới dễ dàng cùng với bè bạn chén thù chén tạc. Tăng một chưa hết, lại lê lết qua tăng hai. Có tiền, anh chồng mới dễ dàng bén mảng tới những nơi được tận cùng bằng chữ…ôm. Chẳng hạn như bia ôm, cà phê ôm, karaoke ôm…Thậm chí ở Hà Nội, theo như báo chí dăng tải, còn có cả…thịt chó ôm nữa! Có tiền, anh chồng mới dễ dàng sa đà vào cờ bạc cũng như hút sách. Và tệ hại hơn nữa, thay vì đem tiền về để nuôi sống vợ con, anh chồng lại dùng vào việc phát triển những tình cảm sai trái và ngoài luồng, bằng cách bao gái, hay nuôi…bồ nhí, khiến cho gia đình bị đổ vỡ tan hoang. Mặc dù quản lý chặt chẽ, nhưng chị vợ cũng nên xét tới những nhu cầu chính đáng của anh chồng, chẳng hạn như tiền xăng nhớt, cà phê cà pháo…để rồi tuồn vào ví của anh chồng một số tiền còm. Chị vợ nên nhớ rằng tiền bạc là phương tiện làm cho cuộc sống trở nên tươi hồng, chứ không phải là cùng đích phải theo đuổi bằng bất cứ giá nào. Đừng biến mình trở thành một thứ ngân hàng, hay kho bạc của nhà nước: có đầu vào mà chẳng có đầu ra. Nhập vô thì hồ hởi, xuất ra thì nhăn nhó. Thiết tưởng mỗi người nên xác tín về giá trị của tiền bạc: Nó có uy lực riêng của nó. Tuy nhiên, uy lực ấy không phải là vô song và tuyệt đối như người ta vốn thường sánh ví: Tiền bạc có thể mua được một ngôi nhà, nhưng không mua được một mái ấm. Tiền bạc có thể mua được một chiếc giường êm ấm, nhưng không mua được giấc ngủ ngon lành. Tiền bạc có thể mua được chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian. Tiền bạc có thể mua được sách vở, nhưng không mua được kiến thức. Tiền bạc có thể mua được địa vị, nhưng không mua được lòng tin phục. Tiền bạc có thể mua được thuốc men, nhưng không mua được sức khoẻ. Tiền bạc có thể mua được tình dục, nhưng không mua được tình yêu….
Thứ hai: tối ngủ nhà. Đây là một vị thuốc rất cần cho sức khỏe của gia đình, nhất là đối với các gia đình trẻ, mới được bố mẹ cho…ra riêng. Thực vậy, lúc bấy giờ, tình yêu còn đang mặn nồng và hơn thế nữa trong chiếc tổ ấm dễ thương ấy, thường chỉ có hai vợ chồng: đi ra thì cũng chỉ ta với mình, đi vào thì cũng chỉ mình với ta. Có thêm chăng nữa, chỉ là một đứa con. Cứ tưởng tượng ra xem: chị vợ sau khi nấu nướng xong xuôi, ngồi đợi anh chồng về để cùng ăn. Thế nhưng, anh chồng lúc đó lại đang bận lai rai với các chiến hữu, ba hoa đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, bởi vì tửu nhập thì ngôn xuất, rượu vào thì lời ra. Cái cảm giác chờ đợi, khiến cho chị vợ dễ dàng bực bội và tức tối, bởi vì: - Ngồi chờ không bực cho bằng ngồi chực nồi cơm. Thức ăn nguội dần, chị vợ ngồi xơi một mình mà nuốt chẳng trôi. Bực bội tức tối đã đành mà còn thắc thỏm lo âu: - Giờ này anh ấy đang ở đâu và với ai ? Trên đường về có gặp phải tai nạn gì không ? Mãi tới khuya anh chồng mới về tới nhà trong tình trạng chân nam đá chân chiêu, toàn thân bốc lên một mùi rượu nồng nặc, ấy là chưa kể tới cái cảnh anh chồng…OK thau, cho chó ăn chè. Như vậy, làm sao chị vợ có thể chịu đựng nổi. Ngoài ra, ban ngày bàn dân thiên hạ phải lao động cật lực, đầu tắt mặt tối, người nào việc nấy. Vì thế, khi màn đêm buông xuống mới chính là lúc người ta nghỉ ngơi, chơi bời, du hí. Bóng đêm như đồng lõa, ma dẫn lối quỉ đưa đường, khiến cho anh chồng loạng quạng mò tới những địa chỉ đen. Và ở đó, anh chồng làm gì và với ai thì chỉ có ông trời mới biết được mà thôi. Vì thế, tối ngủ nhà là thượng sách. Giống như trong thời chiến, binh lính thường phải cắm trại một trăm phần trăm. Riêng ban đêm thường có lệnh giới nghiêm, người dân ai ở nhà nấy, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cũng vậy, tối về ngủ nhà dưới sự chăm sóc và quản lý chặt chẽ của chị vợ, anh chồng sẽ như một cầu thủ ở trong cái thế…việt vị, bất nhóc nhách, chẳng còn sơ múi gì nữa. Và như vậy, theo sự diễn tả của truyện Tây Du Ký, thì anh chồng sẽ tránh được biết bao nhiêu thứ yêu tinh, biết bao nhiêu ổ nhền nhện, biết bao nhiêu hang tội lỗi…Một cuộc sống trong lành và mạnh khỏe như mở ra và chờ đón ở phía trước.
Thứ ba: giúp việc bà. Thời buổi bây giờ là thời buổi nam nữ bình quyền. Người chồng ngang hàng với người vợ. Và người vợ cũng ngang hàng với người chồng. Vì thế, cả hai đều phải chia sẻ trách nhiệm và bổn phận với nhau. Ngày nay, nhiều chị vợ không phải chỉ biết làm bạn với nồi niêu xoong chảo nơi xó bếp, mà còn anh dũng tiến ra ngoài xã hội, đảm nhận những công việc quan trọng và cũng đã gặt hái được những thành quả sáng chói. Nếu để cho chị vợ, một vai gánh việc nước, một vai lo việc nhà, thì e rằng quá sức chịu đựng của loài người ? Vì thế rất cần sự quan tâm và giúp đỡ của anh chồng. Có lẽ cái thời chồng chúa vợ tôi cần phải qua đi, vì không còn thích hợp. Thực vậy, ngày xưa có những ông chồng sau giờ làm việc trở về nhà, thì liền ngồi đọc báo, xem TV và…chờ cơm. Việc bếp núc được coi như là việc riêng của người vợ. Cái não trạng này đang dần dần được thay đổi. Nhiều anh chồng cũng đã lăn xả vào bếp để tiếp sức với chị vợ. Nếu không thổi được nồi cơm, thì cũng có thể làm được một món ăn, chẳng hạn như luộc rau, kho thịt… Nếu không làm được món ăn, thì cũng có thể ngồi nhặt hành, băm tỏi…Thấy anh chồng đầy thiện chí như vậy, chị vợ nào mà chẳng vui mừng như mở cờ trong bụng. Thậm chí khi nhìn thấy đôi bàn tay “hậu đậu” và lóng ngóng của anh chồng, chị vợ bèn giành lấy công việc về cho mình một cách đầy yêu thương và trìu mến: - Thôi anh nghỉ đi, để em làm. Ngoài chuyện bếp núc, anh chồng còn có thể giúp đỡ chị vợ những việc lặt vặt thuộc nhiều lãnh vực khác nữa, chẳng hạn như trang hoàng nhà cửa, dạy bảo con cái, trồng bông tưới kiểng, nuôi gà nuôi vịt… Tóm lại, cả hai cùng cộng tác với nhau trong việc tổ chức và điều hành gia đình, để gia đình thực sự trở thành một mái ấm ngập tràn yêu thương và hạnh phúc. Những sự giúp đỡ này, tuy âm thầm và nhỏ bé, nhưng lại có sức hâm nóng tình yêu và làm cho bầu khí gia đình thêm ấm cúng.
Thứ tư: quà đúng lúc. Trong hoàn cảnh khó khăn, người ta chỉ mong sao được ăn no và mặc ấm. Để ăn no, thì lắm khi “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”. Để mặc ấm, thì áo đụp, áo kép đắp lên người hai ba lớp miễn sao cho khỏi run lên lập cập Thế nhưng, khi hoàn cảnh khó khăn ấy đã qua đi và một tương lai tươi sáng đã hé mở, thì từ chỗ ăn no mặc ấm, người ta ước mơ được ăn ngon mặc đẹp. Và thế là phú quí sinh lễ nghĩa. Trong những tháng năm gần đây, gã đã thấy xuất hiện tại Việt Nam nhiều lễ hội để tôn vinh phe đờn bà con gái. Ngoài những lễ hội cổ truyền như tết Nguyên đán, còn có: - Ngày tình yêu 14 tháng 2. - Ngày phụ nữ quốc tế, mồng 8 tháng 3. - Ngày tưởng nhớ công ơn mẹ hiền vào Chúa nhật thứ hai trong tháng năm. - Nếu chị vợ đi dạy học thì có ngày nhà giáo 20 tháng 11. Nếu chị vợ làm bác sĩ, thì có ngày thầy thuốc 27 tháng 2. Ngoài ra, trong lãnh vực riêng tư còn có một số những ngày khác, đánh dấu những kỷ niệm khó quên trong đời, chẳng hạn ngày sinh, ngày cưới…Và nếu là người Công giáo, thì còn có ngày mừng kính thánh bổn mạng. Vì thế, một anh chồng lịch sự và tế nhị, cần phải ghi những ngày đáng nhớ này vào sổ tay của mình, để rồi cứ đúng hẹn lại lên. Hãy biểu lộ tình cảm và sự ga lăng của mình vào đúng những ngày trọng đại ấy bằng một cử chỉ đặc biệt, chẳng hạn như mời chị vợ đi ăn nhà hàng, hay tổ chức một bữa cơm thân mật trong gia đình. Hay bằng một quà tặng nào đó. Dĩ nhiên, quà tặng phải tùy theo túi tiền của mình. Có khi không cần đến một quà tặng đắt giá, chỉ một bông hồng mà thôi cũng đủ làm cho chị vợ cảm động đến chớp chớp đôi mắt và rưng rưng như muốn khóc.
Hỡi những anh chồng khốn khổ ơi! Xin hãy nghe lời xúi dại của gã chỉ một lần: - Chịu khó uống thang thuốc bắc gã đã cắt, gồm bốn vị chính: Đưa lương đủ, tối ngủ nhà, giúp việc bà, và quà đúng lúc. Gã sẽ bảo đảm “chăm phần chăm” thế nào các anh cũng được chị vợ của mình khen lấy khen để và bỗng dưng trở thành những con người thật dễ thương mà chẳng mất đồng xu cắc bạc nào cả. Gã Siêu
Không hiểu tại sao mấy bữa nay đầu óc của gã cứ lởn vởn những ý nghĩ đen tối về chuyện người đời GãSiêu 154
Không hiểu tại sao mấy bữa nay đầu óc của gã cứ lởn vởn những ý nghĩ đen tối về chuyện người đời thay trắng đổi đen, sát phạt nhau đến nổ cả đom đóm mắt và phun cả máu đầu. Đâu còn cảnh thiên hạ thái bình, con nít đùa giỡn với hổ báo, mà chỉ còn người với người là chó sói với nhau. Nghĩ tới đây gã bèn nhớ tới một câu chuyện trong sách “Cổ học tinh hoa” như sau: Tại lầu sách kia có một con hồ tinh không hiện hình ra bao giờ, nhưng lại thường hay trò chuyện rất lý thú, ai nghe cũng phải phục. Một hôm tân khách họp đông, có cả con hát mời rượu. Khi men rượu đã bừng bừng, họ hẹn ước với nhau rằng: - Ai sợ gì thì phải nói, mà nói vô lý thì bị phạt rượu. Bấy giờ, cử tọa lần lượt phát biểu: nào sợ người học rộng, nào sợ người nhà giàu, nào sợ người quan to, nào sợ người nịnh giỏi, nào sợ người khiêm tốn quá, nào sợ người lễ phép câu nệ quá, nào sợ người thận trọng ít nói, nào sợ người hay nói nửa chừng… Sau cùng hỏi đến hồ tinh, thì hồ tinh đáp: - Ta chỉ sợ hồ tinh. Ai nấy đều cười, bảo rằng: - Người ta sợ hồ tinh mới phải, anh là đồng loại can gì mà sợ ? Phạt anh một chén rượu. Hồ tinh cười và nói: - Thiên hạ duy có đồng loại là sợ nhau. Con cùng cha mới tranh gia sản; gái cùng chồng mới hay ghen tuông; kẻ tranh quyền nhau, tất là quan lại đồng triều; kẻ tranh lợi nhau tất là lái buôn một chỗ. Bức nhau thì trở ngại nhau, trở ngại nhau thì làm nghiêng đổ nhau. Người bắn trĩ thì dùng con trĩ làm mồi, chứ không dùng con gà, con ngỗng; người săn hươu thì dùng con hươu làm mồi, chứ không dùng con dê, con lợn. Phàm những việc hại nhau đều dùng đồng loại cả. Cứ thế mà suy thì hồ sợ hồ là thậm chí lý. Cử tọa đều cho câu nói của hồ tinh là xác đáng. Từ câu chuyện trên, gã xin bàn đến chuyện ghen và ghét. Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt ganh đua với ghen ghét. Thực vậy, ganh đua là cố gắng để được bằng người hay hơn người. Đây là một đức tính thúc đẩy người ta liên tục phát triển và tiến lên không ngừng. Nếu ai cũng bằng lòng với số phận của mình, thì làm gì có được những sáng kiến và cả “tối kiến” điểm tô cho cuộc đời như cành đào đầu xuân với trăm hoa đua nở. Trong khi đó ghen là bực bội tức tối khi thấy người khác hơn mình. Nó xuất phát từ tính ích kỷ, háo thắng, hẹp hòi và thiển cận. Như vậy, giữa ghen ghét và ganh đua có một sự cách biệt, như sự cách biệt giữa tật xấu và nhân đức. Nếu đưa mắt nhìn chung quanh, hẳn chúng ta sẽ thấy sự ghen ghét đã len lỏi và có mặt trong mọi lãnh vực, trong mọi phạm vi. Là con nhà có đạo, đọc lại Cựu ước, gã thấy cái ghen xuất hiện rất sớm. Trước hết là cái ghen của ma quỉ. Thấy loài người được Thiên Chúa sủng ái, được hạnh phúc trong tình yêu thương của Ngài nơi vườn địa đàng, ma quỉ đã đem lòng ghen và ghét, nên mới bày mưu thâm chước độc cám dỗ để rồi ông bà nguyên tổ đã sa ngã và phải cúi đầu lãnh nhận bản án của đau khổ và chết chóc. Tiếp đến là cái ghen của Cain. Thấy lễ vật của Abel được Thiên Chúa chấp nhận, Cain đã bực bội để rồi cuối cùng đã rắp tâm thực hiện ý đồ đen tối, giết em mình ngoài đồng vắng. Ngoài ra, còn phải kể tới cái ghen của anh em tổ phụ Giuse. Thực vậy, Giuse là con út của Giacóp, nên được cha cưng chiều và yêu thương hơn. Thấy vậy, nhưng người anh đã tỏ ra tức tối, nhất là từ lúc Giuse kể lại giấc mơ về những bó lúa của các anh đã cúi rạp xuống như phục lạy bó lúa của mình. Rồi mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đã xoay quanh mình như muốn chúc tụng ngợi khen…Và để thỏa mãn cho sự ghen tức, họ đã ném Giuse xuống giếng cạn, rồi lại kéo lên mà bán Giuse cho phường lái buôn đang trên đường đi xuống Ai Cập. Trong Tân ước, chúng ta cũng thấy cái ghen đã xuất hiện. Trước hết, các môn đệ đã thực sự tức tối khi thấy hai anh em con ông Giêbêđê đòi ngồi bên tả và bên hữu Chúa, khiến Ngài phải lên tiếng can thiệp và phá tan cái đầu óc xôi thịt của các ông; - Ai muốn làm lớn thì phải trở nên rốt hết và ai muốn cầm đầu thì phải phục vụ anh em. Chính Chúa cũng đã từng là nạn nhân của sụ ghen ghét. Đúng thế, trước những lời giảng dạy đầy khôn ngoan và những việc kỳ diệu Chúa đã làm…Hay nói cách khác, trước những thành quả to lớn Ngài đã gặt hái được, bọn biệt phái đã đem lòng ghen tức. Thậm chí, có lần họ đã kháo láo với nhau: - Kìa xem bàn dân thiên hạ đã theo ông ấy hết cả rồi. Sau cùng, chính lòng ghen ghét này đã thúc đẩy họ bỏ vạ cáo gian khiến Chúa Giêsu đã bị kết án tử hình thập giá. Rời bỏ Kinh thánh để bước vào đời thường, gã thấy cái ghen đã có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc, cũng như trong mọi lãnh vực. Trước hết là trong lãnh vực gia đình. Không ít thì nhiều con cái đều kêu trách cha mẹ ăn ở thiên vị, không công bằng, con yêu con ghét. Đứa được nhiều, đứa được ít. Rồi từ đó sinh ra ngang bướng, giận hờn và thù oán. Không giận được cha mẹ, thì trút nỗi giận lên đầu đứa em. Mà đứa em thì có tội tình gì để phải lãnh nhận hậu qủa của sự ghen ghét ấy. Thực ra, không nên trách móc cha mẹ mà nên trách móc chính bản thân. Bởi vì chắc hẳn cha mẹ sẽ yêu thương đứa con siêng năng hơn đứa con lười biếng, đứa con đau yếu hơn đứa con khỏe mạnh, đứa con ngoan ngoãn hơn đứa con xấc láo… Đặc biệt hơn cả là trong lãnh vực tình yêu vợ chồng. Thực vậy, trong lãnh vực này, cái ghen thường được định nghĩa là như thái độ bực bội khi thấy tình yêu của mình bị đánh cắp, hay nói cách khác, đó là thái độ tức tối khi thấy kẻ khác phỗng tay trên tình yêu của mình. Người ta thường bảo: - Có yêu thì mới ghen. Và như vậy, cái ghen đều luồn lách vào trong máu huyết của những người đang yêu, bất kể đờn ông hay đờn bà, con giai hay con gái. Tuy nhiên, nơi đờn bà con gái, cái ghen thường mang một sắc thái đặc biệt hơn, chẳng thế mà ca dao đã từng nói: - Ớt nào là ớt chẳng cay, Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng. Vôi nào là vôi chẳng nồng, Gái nào là gái có chồng chẳng ghen. Trong ngôn ngữ Việt Nam có rất nhiều danh từ để chỉ những mức độ khác nhau của cái ghen. Chẳng hạn như: Ghen bóng ghen gió, đó là một cái ghen vu vơ, một cái ghen không có bằng cớ rõ rệt, một cái ghen có tính cách phủ đầu như muốn răn đe người mình thương rằng: - Chớ có lạng quạng, xớ rớ vô là….chết với bà. Còn ghen hờn, ghen tủi, đó là là một cái ghen chất chứa trong lòng mà chẳng dám nói ra, cũng như chẳng có một hành động nào bên ngoài, cứ âm thần gậm nhấm nỗi giận hờn và tủi phận, khiến cho tê tái cả tâm hồn, tan nát cả con tim, héo hắt cả cuộc đời và quay quắt cả con người… Trong khi đó ghen thầm là một cái ghen để ở trong bụng, nhưng bên ngoài thì vẫn vui vẻ, coi như “nơ pa”, chẳng có sự gì xảy ra cả, để rồi lẳng lặng theo dõi và đưa ra những biện pháp vừa sâu lại vừa cay. Đây là cái ghen của những bậc cao thủ võ lâm, với bản lãnh đĩnh đạc, đáng cho thiên hạ phải kiêng nể. Gã có thể nhận ra cái ghen ấy nơi Hoạn Thư trong truyện Kiều. Hoạn Thư là vợ của Thúc Sinh và là người đàn bà có cái ghen độc đáo. Nàng ghen nhưng biết giữ thể diện cho chồng, tìm mưu hại tình địch là Thúy Kiều. Hoạn Thư bắt Kiều phải gảy đàn và hầu rượu cho nàng và chồng dự tiệc, khiến Thúc sinh dở khóc dở cười, muốn độn thổ biến đi mà cũng chẳng được. Dù biết chồng có vợ lẽ, nàng vẫn làm ra vẻ thản nhiên cười nói như không, mà trong bụng máu ghen sôi lên sùng sục. Dù biết chồng giấu mình về việc cưới vợ lẽ, nàng vẫn rắp tâm thi hành độc kế, vừa không để thiên hạ gán cho mình là ghen xằng ghen bậy, vừa đày đọa Thúy Kiều và Thúc Sinh chẳng nhìn được nhau và cũng chẳng cất đầu lên nổi, bấy giờ nàng mới hả dạ. Một cái ghen vừa khoa học lại vừa tế nhị. Chính nàng sau này đã thú nhận:
- Rằng tôi chút phận đàn bà, Ghen tương thì cũng người ta thường tình. Ngoài khuôn mặt của Hoạn Thư, gã còn tìm thấy một khuôn mặt khác, không kém phần hiểm độc. Đó là khuôn mặt của Trịnh Tụ. Chuyện rằng: Vua Ngụy đem một người con gái đẹp dâng cho vua Kinh. Vua Kinh lấy làm thích chí và yêu thương nhiều lắm. Phu nhân vua Kinh là Trịnh Tụ biết thế. Chính nàng cũng mến chuộng người con gái ấy, có khi lại còn mến chuộng hơn cả nhà vua nữa. Người con gái ấy muốn ăn mặc, chơi bời gì, phu nhân cũng đều sắm sửa cho đủ cả. Vua khen: - Phu nhân biết ta yêu mến tân nhân mà cũng đem lòng yêu mến còn hơn ta nữa, thật có khác nào như người con có hiếu thờ cha mẹ, như người tôi trung thờ vua vậy. Phu nhân đã chắc bụng vua không ngờ mình là người ghen, nhân dịp mới bảo tân nhân rằng: - Vua yêu mến ngươi lắm, nhưng ghét cái mũi ngươi. Giá từ nay, hễ ngươi trông thấy vua, ngươi cứ che lấy cái mũi ấy đi, thì vua yêu mến được mãi đấy. Tân nhân nghe theo lời, từ đó mỗi khi trông thấy vua là che ngay mũi lại. Vua thấy thế bảo với phu nhân rằng: - Tân nhân trông thấy ta mà cứ che mũi là ý làm sao ? Phu nhân thưa: - Tôi không được rõ. Đợi vua hỏi mãi, mới thưa rằng: - Tôi nghe đâu như tân nhân có nói hơi vua khí nặng, lấy làm khó chịu. Vua tức giận bảo: - À nếu thế thì xẻo ngay cái mũi ấy đi. Vua vừa nói đoạn, thì một viên quan hầu cầm dao ra, xẻo ngay cái mũi của ân nhân. Vì phu nhân đã dặn viên quan ấy hễ thấy vua phán gì thì làm ngay tức khắc. Quả là thâm sâu và hiểm độc. Và sau cùng, ghen lồng ghen lộn, đó là cái ghen của người có dòng máu nóng, khi đã máu ghen đã bốc lên thì đứng ngồi không yên, phải tìm cách bộc lộ ra bên ngoài bằng những hành động và thường là những hành động khốc liệt và tàn bạo như cuồng phong vũ bão, nào là chặn đường đánh cho một trận te tua, nào là dùng dao lam rạch mặt cảnh cáo, nào là tạt acid cho đi đoong cả con người…cốt ý sát hại tình địch hầu lưu lại cho tình địch một dấu ấn và một bài học để đời. Gã rất lấy làm tâm phục và khẩu phục cha ông chúng ta trong việc ghép và dùng chữ. Chẳng hạn như học hành, đã học thì phải đem ra mà thi hành. Chẳng hạn như nhịn nhục, đã nhịn người ta thì phải cúi đầu chấp nhận bị nhục nhã. Chẳng hạn như khôn ngoan, đã khôn thì cũng cần phải ngoan nữa, bằng không thì đó sẽ là một tai họa cho cả và thiên hạ. Cũng vậy, người ta thường nói ghen ghét, một khi đã ghen với người nào, thì chắc chắn cũng sẽ ghét người ấy, nghĩa là có ác cảm với người ấy. Giống như cái ghen, cái ghét cũng có những mức độ đậm đặc khác nhau. Trước hết là ghét ngọt ghét bùi, bên trong thì ghét nhưng bên ngoài vẫn làm bộ vui vẻ, dịu ngọt. Đây là cái ghét của người có bản lãnh sâu sắc và hiểm độc. Tiếp đến là ghét bỏ, nghĩa là vừa có ác cảm lại vừa muốn ruồng bỏ. Và sau cùng là ghét cay ghét đắng, thậm chí còn ghét vào tận tim, cho dù tới chết vẫn không thèm nhìn mặt nhau. Câu chuyện sau đây xảy ra bên Mỹ cách đây mấy chục năm nhưng gần đây người ta mới biết. Số là có một người đàn bà kia, khi gần chết, không muốn được chôn trong nghĩa địa vì ở đó có những kẻ bà ghét cay ghét đắng bởi vì khi bà còn sống họ đã gây gổ và làm khổ bà. Con gái bà đã thi hành theo ý đó. Cô đem bỏ xác bà vào trong một tủ sắt kín. Mãi mười lăm năm sau, người ta mới phát giác ra và bắt đem đi chôn trong nghĩa địa. Từ ghen tới ghét, khoảng cách không bao xa. Rồi từ ghét tới những hành động tàn ác với chủ đích hãm hại người khác, khoảng cách cũng gần lắm, như chúng ta đã thấy ở trên. Thực vậy, người ta thường bảo: - Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Ngày trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Phép nước Vệ là ai đi trộm xe của vua thì bị tội phải chặt chân. Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe của vua ra đi. Vua nghe thấy liền khen rằng: - Có hiếu thật, vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân. Ngày kia, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt, còn một nửa bèn đưa cho vua. Vua khen: - Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta. Về sau, vua không còn yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng: - Di Tử Hà trước dám liều lấy xe của ta mà đi, lại còn cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày. Nói xong đem Di Tử Hà ra trị tội. Câu chuyện trên như muốn chứng minh rằng: một khi đã ghét thì thế nào cũng có những hành động hãm hại kẻ mình không ưa thích. Đúng thế, nếu phân tích về thái độ ghen ghét, chúng ta thấy nó chẳng mang lại lợi lộc gì, mà hơn thế nữa, chỉ đem lại những hậu quả tai hại mà thôi. Thực vậy, sự ghen ghét của chúng ta không thể nào vo tròn và bóp méo, thay trắng và đổi đen. Người ta giàu thì đã giàu. Người ta thi đỗ thì đã đỗ…Lời nói gièm pha của chúng ta không thể thay đổi được sự thật. Đồng thời sự ghen ghét còn đem lại những hậu quả tai hại cho chính bản thân, bởi vì người ghen ghét từ đày đọa, tự làm khổ mình. Cái hơn của người khác làm cho mình bực bội đến mất ăn mất ngủ. Và như vậy, cuộc đời cứ mỗi lúc một thêm héo hắt và quay quắt.
Còn nếu cứ để cho sự ghen ghét mặc sức bành trướng, chắc chắn nó sẽ thúc đẩy chúng ta đi tới chỗ liều lĩnh bỏ vạ cáo gian, nói hành nói xấu và những hành động dã man khác nữa để hả lòng, hả dạ. Vậy sự ghen ghét xuất phát bởi đâu ? Trước hết sự ghen ghét xuất phát từ tính kiêu căng của mình. Thực vậy, kẻ kiêu căng bao giờ cũng muốn mình phải là nhất, phải là trung tâm của thế giới, phải là cái rốn của vũ trụ. Thấy ai phê bình chỉ trích, liền nổi giận đùng đùng. Thấy ai hơn mình thì hậm hực và tìm cách gièm pha, hạ nhục cho bõ ghét. Thái độ này hoàn toàn trái ngược với lời Chúa dạy trong Tin mừng: - Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Hay như một câu danh ngôn đã bảo: - Ai khen ta mà khen phải, ấy là bạn ta. Còn ai chê ta mà chê phải, ấy là thày ta. Tiếp đến, sự ghen ghét xuất phát từ bụng dạ hẹp hòi của mình. Thực vậy, thấy người khác tài giỏi hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn, chúng ta phải mừng thì mới đáng mặt quân tử, như lời thánh Phaolô đã xác quyết: - Hãy vui cùng người vui và hãy khóc cùng kẻ khóc. Một xã hội cần phải có những phần tử ưu tú, thì mới hòng tiến triển được, chứ nếu tất cả chỉ xoàng xĩnh, hay thường thường bậc trung, thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ chen vai sát cánh được với bàn dân thiên hạ. Sau cùng, sự ghen ghét còn xuất phát từ sự thiếu sáng suốt của mình. Thực vậy, đứng trước những thành công của người khác, chúng ta cần phải tự vấn lương tâm, cần phải xét mình và đặt ra những câu hỏi để rút tỉa lấy những bài học cụ thể, nhờ đó mà làm đẹp cho bản thân, cũng như làm giàu cho cuộc sống. Tại sao người ta lại giàu có ? Vì người ta đã chí thú trong việc làm ăn, cần kiệm trong việc chi tiêu, chứ không vung tay qúa trán. Còn chúng ta thì luôn ươn lười và trễ nải, có làm thì cũng chỉ là làm…biếng, hay làm ít mà xài nhiều theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, thậm chí lại còn xài sang nữa, theo kiểu “con nhà lính tính nhà quan”, thì làm sao có thể khấm khớ và phất lên cho được. Tại sao người ta tài giỏi ? Vì người ta chăm chỉ học tập, siêng năng tìm hiểu. Còn chúng ta thì chơi bời lêu lồng. Đi thi thì dựa vào nghệ thuật “quay cóp”. Nếu không quay cóp được, thì nắm chắc phần rớt trong tay. Tóm lại, đứng trước những thành công của người khác, chúng ta đừng vội chõ mõm vào mà phê bình chỉ trích. Trái lại, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để rút tỉa được những kinh nghiệm quí giá. Còn đứng trước những thất bại của bản thân, chúng ta đừng vội chạy tội mà đổ lỗi cho người khác, nhưng hãy tìm hiểu lý do tại sao mình lại thất bại, để rồi ra sức uốn nắn sửa đổi lại những khuyết điểm ấy. Điều cần thiết là phải đấm ngực mình mà rằng: - Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Chứ đừng đấm ngực người khác mà rằng: - Lỗi tại anh, lỗi tại chị, lỗi tại hoành cảnh…mọi đàng. Nguyên tắc trong mọi hành động, đó là: - Đừng nghiêm khắc với người khác mà khoan dung cho bản thân mình. Trái lại, hãy khoan dung cho người khác mà nghiêm khắc với chính bản thân mình. Để kết luân, gã xin ghi lại mẩu chuyện sau đây: Ngày nọ, Cú mèo gặp chim gáy. Chim gáy bèn hỏi: - Bác sắp đi đâu đấy. Cú mèo trả lời: - Tôi sắp sang ở bên phương đông. - Tại sao lại đi như thế ? - Vì ở đây, nghe tôi kêu, người ta ghét, cho nên tôi phải dời đi chỗ khác. Chim gáy góp ý: - Bác phải đổi tiếng kêu mới được, chứ nếu không đổi tiếng kêu, thì dù sang tới phương đông, người ta nghe tiếng, cũng lại ghét bác mà thôi, vì nhân tình đâu mà chẳng thế. Cứ như ý tôi, thì không gì bằng bác phải rụt cổ, thu cánh suốt đời, đừng kêu nữa là hơn. Đừng ghen và cũng đừng ghét người khác. Trái lại, hãy sửa đổi những sai lỗi, những khuyết điểm nơi con người mình, bởi vì tiêu chuẩn cần phải thực hiện, đó là: Muốn được thương, thì bản thân phải là người thương được. Gã Siêu
Nếu so sánh giữa con người với con vật, gã nghiệm ra rằng: Trong khi con vật luôn dẫm chân tại GãSiêu 155
Nếu so sánh giữa con người với con vật, gã nghiệm ra rằng: Trong khi con vật luôn dẫm chân tại chỗ, trước sau như một, ngày xưa và hôm nay vẫn cứ y như thế, thì con người biến đổi không ngừng. Gã xin đưa ra một vài thí dụ điển hình: Con chim ngày xưa làm tổ thế nào, thì hôm nay nó vẫn làm tổ như vậy, cho dù chiếc tổ ấy được đan bằng những cọng cỏ khô thật tỉ mỉ và khéo léo. Con ong ngày xưa kéo mật thế nào, thì hôm nay nó vẫn kéo mật như vậy, cho dù mật ong có hương vị thơm ngon tuyệt vời. Dầu vậy, thỉnh thoảng gã cũng thấy con vật này hay con vật kia có những hành động khác thường, chẳng hạn: con sáo biết nói, con gấu biết đi xe đạp, con khỉ biết nhảy dây… Sở dĩ chúng làm được như vậy là do dày công tập luyện, để rồi hành động theo phản xạ, chứ không phải hành động theo bản năng. Trong khi đó, con người không ngừng biến đổi và tạo nên những tiến bộ trong mọi lãnh vực. Chẳng hạn trong lãnh vực ăn. Ngày xưa người ta ăn tươi nuốt sống, còn hôm nay chúng ta đã biết nấu chín và chế biến thành những món đặc sản, cao lương mỹ vị. Chẳng hạn trong lãnh vực mặc. Ngày xưa người ta lấy lá cây hay da thú mà che thân, còn hôm nay chúng ta đã biết dệt nên bao nhiêu loại vải, đã biết may thành bao nhiêu mẫu mã áo quần. Trong lãnh vực ở. Ngày xưa người ta ở hang, ở lỗ, còn ngày nay chúng ta đã biết xây dựng những tòa nhà nhiều tầng, thậm chí còn có cả những tòa nhà chọc trời. Trong lãnh vực đi, ngày xưa người ta đi bộ, đi voi, đi ngựa, còn ngày nay chúng ta đã có được biết bao nhiêu phương tiện di chuyển như xe đạp, xe máy, xe hơi, tàu thủy, tàu hỏa, tàu bay, thậm chí còn có cả những phi thuyền, hỏa tiễn để chinh phục không gian. Hôm nay gã xin “tán hươu tán vượn” với bàn dân thiên hạ về những biến đổi trong tình yêu. Đặc biệt là những biến đổi nơi anh đờn ông con giai trong quãng đời… làm chồng của mình. Về tình yêu của anh chồng dành cho chị vợ, có người đã chia ra thành ba thời kỳ hay ba giai đoạn, nhưng cũng có người chỉ chia ra làm hai thời kỳ hay hai giai đoạn mà thôi. Dựa vào những suy nghĩ cá nhân cũng như dựa vào những kinh nghiệm xương máu của các chiến hữu trên khắp các vùng chiến thuật, gã sẽ bàn tới những thời kỳ hay những giai đoạn này. Trước hết về ba thời kỳ, hay ba giai đoạn của tình yêu. Theo tác giả Kim Vốn trên báo “Phụ Nữ Chủ Nhật” thì đối với nhiều chuyên gia tâm lý, tình yêu có thể được chia thành ba giai đoạn, đó là sáu tuần, sáu tháng và sáu năm với “các thái độ ứng xử được thích nghi cho phù hợp”, đi từ chiều chuộng, sang chăm sóc một cách miễn cưỡng, để rồi cuối cùng…người vợ chẳng còn một ký lô gà ram nào sốt! Sự phân chia này được trình bày bằng lời nói cũng như bằng giọng nói của anh chồng như sau: Tình yêu theo thời gian 6 tuần: Anh yêu em! 6 tháng: Thì anh yêu em mà! 6 năm: Nếu không yêu cô thì tôi đã bỏ quách đi từ lâu rồi! 6 tuần: Em yêu, mẹ gọi điện thoại cho em nè! 6 tháng: Điện thoại của em đó! 6 năm: Điện hoài điện hủy! 6 tuần: Anh nghĩ rằng em rất thích có chiếc nhẫn ấy. 6 tháng: Ít ra chiếc lọ cũng có ích vì nó dùng để cắm hoa. 6 năm: Ừ thì cứ mua thứ gì mà cô muốn! 6 tuần: Ồ, không việc gì đâu 6 tháng: Cẩn thận, coi chừng vỡ 6 năm: Trời ơi, người đâu và vụng về đến thế! 6 tuần: Em mà nấu thì sẽ có một bữa ăn ngon lành. 6 tháng: Tối nay chúng ta sẽ ăn gì đây? 6 năm: Ngày nào cũng trứng luộc thì chịu làm sao được? 6 tuần: Với chiếc áo đầm này, em mới đẹp làm sao? 6 tháng: Lại một chiếc áo đầm nữa à? 6 năm: Bao nhiêu chiếc áo đầm mới đủ cho cô đây? 6 tuần: Anh đã cắt cỏ vườn, em khỏi phải quan tâm nữa. 6 tháng: Chiếc máy cắt cỏ hết mẹ nó xăng! 6 năm: Hôm nay cô đi mà cắt cỏ vườn. 6 tuần: Anh đã mướn cho em một cuốn phim thật hay 6 tháng: Có thật là em muốn xem cuốn phim đó không? 6 năm: Tối nay có bóng đá, cô để TV đó cho tôi. Gã cũng đã sưu tầm được một số hình ảnh khác rất cụ thể về ba giai đoạn của tình yêu, nhưng mang tính cách trung lập hơn, khách quan hơn và vô tư hơn, không ngả bên này cũng không nghiêng bên nọ, không bênh chị vợ mà hạ thấp anh chồng, hay ngược lại hạ thấp chị vợ mà bênh anh chồng. Gã tạm gọi ba giai đoạn này là: Trước, liền sau và lâu sau. Với những người thích màu sắc, thì trước khi cưới là một màu hồng rực rỡ, liền sau khi cưới là một màu trắng nhạt, còn lâu sau khi cưới là một màu xám ảm đạm. Với những người thích nghiên cứu về thời tiết, thì trước khi cưới là những ngày mùa xuân nắng ấm, liền sau khi cưới là những ngày hè thu oi bức hay mưa dông, còn lâu sau khi cưới là những ngày dài mùa đông lạnh giá. Với những người thích âm thanh, trước khi cưới anh nói thì em nghe và em nói thì anh nghe, liền sau khi cưới, anh nói thì anh nghe và em nói thì em nghe, còn lâu sau khi cưới, thì cả hai cùng nói, nhưng hàng xóm phải nghe. Với những người có tinh thần ăn uống, trước khi cưới thì nhìn nhau mà no, liền sau khi cưới thì nhìn nhau mà ngáp, còn lâu sau khi cưới thì nồi niêu xoong chảo thỉnh thoảng lại bay ra ngoài sân. Với những người vốn mang dòng máu ga lăng, trước khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía nàng và chàng sẵn sàng chịu ướt, liền sau khi cưới thì chiếc dù nằm ở chính giữa và mỗi người chịu ướt một nửa, còn lâu sau khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía chàng và nàng đành cam chịu ướt. Từ đó, người ta đi tới một kết luận không mấy sáng sủa: - Yêu nhau trong ba ngày, ghét nhau trong ba tháng và chịu đựng nhau suốt ba mươi ba năm. Có kẻ còn bi quan hơn khi phát biểu: - Trong cuộc đời anh đàn ông có hai ngày vui lớn. Ngày vui thứ nhất đó là ngày lấy vợ, còn ngày vui thứ hai đó là ngày vợ chết. Tiếp đến về hai thời kỳ, hay hai giai đoạn của tình yêu. Nhiều chuyên viên tâm lý khác thích đơn giản và sáng sủa hơn, nên đã chia tình yêu và nhất là tình yêu của anh chồng thành hai thời kỳ hay hai giai đoạn. Các chuyên gia này đã chọn ngày cưới mà cắm mốc thời gian cho sự phân chia ấy. Vì thế, hai thời kỳ hay hai giai đoạn này được gọi là tình yêu trước khi cưới và tình yêu sau khi cưới. Báo “Phụ Nữ Chủ Nhật”, số ra ngày 15.01.2006 có đăng một bài ngăn ngắn với những ghi nhận như sau: Trước khi cưới: - Anh yêu! Ghê quá, con chuột chết kìa. - Để đó cho anh. Sau khi cưới: - Anh ơi! Có con mèo chết trên mái nhà mình. - Thì lấy cây mà hất nó xuống, có con mèo chết mà cũng phải kêu chồng. Trước khi cưới: - Em bệnh hả: Em yêu! Có đau lắm không em? Sau khi cưới: - Khỏe chưa? Dậy nấu cơm ăn, bộ tính cho cả nhà xơi mì gói hả? Trước khi cưới: - Không sao, dù bận nhưng nếu em cần là anh đến ngay. Sau khi cưới: - Anh còn lu bu nhiều việc lắm, chưa về ngay được đâu! Trước khi cưới: - Chúc em một sinh nhật thật vui vẻ và hạnh phúc. Sau khi cưới: - Ôi dào, còn đầu óc đâu mà lãng với mạn nữa hả em. Trước khi cưới: - Sao anh ăn cái gì em nấu cũng thấy ngon! Sau khi cưới: - Em chiên kiểu gì mà cháy đen như vậy? Trước khi cưới: - Trông em thật dễ thương mỗi khi em khóc. Sau khi cưới: - Hết than thở rồi lại khóc lóc, vợ con gì thấy mà phát chán. Trước khi cưới: - Em là người phụ nữ đẹp nhất mà anh từng gặp! Sau khi cưới: - Thằng bạn anh mới cưới được một cô bé vừa xinh lại vừa đẹp. Nó lấy vợ trễ, thế mà khôn.
Trước khi cưới: - TV có gì hay không em? Sau khi cưới: - Dọn cơm chưa? Tối ngày ngồi đó mà xem phim Hàn Quốc. Trên báo “Gia đình”, một chị vợ cũng đã ghi lại tâm sự buồn của mình, trước khi chia tay ca bản “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi và tình nghĩa đôi ta chỉ có thế mà thôi”: Trước: Anh chiều chuộng em như một nàng công chúa nhỏ: khi ăn, anh chủ động gắp cho em; khi đi xe bus đông người, anh giành chỗ tốt cho em, dù mặt đỏ tía tai; khi đi qua đường, anh luôn dắt tay em và đi trước mở lối cho em. Nay: Khi ăn, anh chẳng thèm nhìn em lấy một lần; khi lên xe bus, anh để mặc em đứng bám vào tay vịn; khi đi qua đường, anh cũng chẳng thèm nắm lấy tay em. Kết luận: Là phụ nữ, ai cũng muốn được yêu thương, được chiều chuộng, được bảo vệ. Anh có hiểu hay không? Trước: Mọi áo quần, trong cũng như ngoài, đều do anh mua. Mẫu mã nào mới anh cũng đều sắm cho em. Nay: Anh chưa một lần đưa em đi mua đồ, mỗi lần tới siêu thị, đến trước gian hàng của phụ nữ, em kéo anh vào để cùng chọn với em, anh lại nói một cách khó chịu: - Em thấy bên trong có bóng dáng một thằng đờn ông nào không ? Kết luận: Anh không hiểu tâm tình người phụ nữ là như vậy, bảo sao em không bị tổn thương? Trước: Anh thường kéo em ra ngoài luyện tập thể dục và nói cho em hiểu rằng sức khỏe là vốn liếng quí giá nhất của con người. Nay: Bản thân anh không tập thể dục nữa, lại còn bắt em phải ở nhà cả ngày, quanh quẩn với những công việc lặt vặt. Ngay cả khi em muốn tới câu lạc bộ tập thẩm mỹ, anh cũng không cho. Kết luận: Anh có biết rằng phụ nữ khi đã đến tuổi trung niên, nếu không chú trọng rèn luyện và bảo dưỡng, thì tốc độ lão hóa sẽ rất nhanh. Trước: Anh thường đem lại cho em rất nhiều những niềm vui bất ngờ. Chẳng hạn như anh đặt trên bàn của em chiếc vé xem văn nghệ, làm em vui suốt cả tuần. Nay: Anh bỏ em qua một bên, chẳng thèm nói một lời. Có khi em nấu nướng thật ngon và đợi anh về cùng ăn, nhưng anh lại gọi điện thoại và nói với em rằng: - Tối nay anh có tiệc chiêu đãi, không về ăn cơm đâu… Kết luận: Anh có hiểu rằng một khi cơm canh đã nguội ngắt, em còn lòng dạ nào để hâm nóng lại đây. Trước: Dù đi công tác xa thế nào, thì hàng đêm anh đều gọi điện thoại về cho em. Nay: Khi đi công tác xa, thỉnh thoảng anh mới gọi điện thoại về cho em, nhưng cũng chỉ hỏi bài tập của con đã làm xong chưa. Ngay cả một câu quan tâm đến em, anh cũng không có. Kết luận: Anh có biết rằng khi vắng anh, em nhớ anh nhiều lắm hay không? Sao anh quá tiết kiệm lời nói với em như thế. Dù chia tình yêu thành ba hay thành hai thời kỳ và giai đoạn, nhưng những biến đổi trên xem ra cũng thật bất lợi, vì thế có kẻ đã băn khoăn tự hỏi: - Phải chăng hôn nhân chính là nấm mồ chôn vùi tình yêu ? Nghĩ như vậy xem ra có phần hơi bi quan, bởi vì trên thế gian vẫn có những cặp yêu thương nhau cho đến lúc đầu bạc răng long, đúng như lời mừng chúc: trăm năm hạnh phúc. Tuy nhiên cũng giúp cho chúng ta nhận ra cái khó khăn trong tình yêu. Thực vậy, tình yêu trước hôn nhân hay còn được gọi là tình yêu của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, thường dễ dàng bởi vì lúc bấy giờ người ta đang “mê mẩn cả tâm thần”, sẵn sàng kê cho bằng một trăm chỗ lệch, cũng như sẵn sàng chín bỏ làm… mười một, mười hai. Cái khó khăn nhất chính là tình yêu sau hôn nhân. Làm sao duy trì cho nó được bền vững và liên tục phát triển, bởi vì lúc bấy giờ người ta mới tìm thấy những con rận trong chăn, cũng như mới khám phá ra những khuyết điểm của nhau và những lao đao vất vả trong cuộc sống lứa đôi. Thế nhưng, dù khó khăn tới đâu chăng nữa thì cũng vẫn phải tìm lấy phương thức riêng để giải quyết và vượt qua, nếu muốn làm cho tình yêu của mình được hâm nóng, và bản thân mình, dù là những cặp “uyên ương… già”, cũng vẫn không kém phần say đắm. Những vun trồng và chăm sóc của chúng ta sẽ làm cho khóm gừng càng già càng cay. Những hy sinh cho nhau và vì nhau của chúng ta sẽ làm cho tình yêu ngày càng thêm nồng thắm. Gã Siêu
Lm Trăng Thập Tự
Tưởng nhớ Lm PX. Gã Siêu Hoàng Đình Mai
Tháng 7-1967, chúng tôi gặp nhau tại Giáo hoàng Học viện Đà Lạt. Trước tết Mậu Thân, về Sài Gòn GãSiêu 156
Tháng 7-1967, chúng tôi gặp nhau tại Giáo hoàng Học viện Đà Lạt. Trước tết Mậu Thân, về Sài Gòn, tôi đang đạp xe trên đường Nguyễn Tri Phương chợt dừng lại, dắt xe lên hè phố. Số 223. Đúng, đây rồi. Niên khóa trước tòa nhà này còn là Chủng viện Piô XII của giáo phận Hà Nôi di cư. Tôi mỉm cười thích thú, phải quan sát vị trí anh bạn tôi đã nói, nhìn lên, hình dung ra anh trong đêm, đang đứng trên lầu, ra hiệu cho người bán “hủ tiếu gõ” rồi thòng cả bộ đồ nghề và tiền xuống cho anh ta. Chỉ một lát, cái thao tác như kéo gàu nước dưới giếng lên hoàn tất. Cả bọn sẽ có bữa tiệc hủ tiếu trong đêm. Gã Siêu Hoàng Đình Mai kể lại chuyện hủ tiếu gõ vào một chiều Chúa nhật, khi hai chúng tôi thả dốc Đinh Tiên Hoàng ra phố Đà Lạt. Anh cặp nách cái hộp bánh quy tròn cao, nhẹ hều, màu đỏ, vừa đi vừa bảo tôi: - Chiều cậu ghé phòng mình ăn phở nhé. Có cả tay Khánh kia nữa. Anh Khánh kia là JB Vũ Dư Khánh, gốc Thái Bình, nhập giáo phận Sài Gòn, sau 4-1975, sang Canada, tiếp tục học thần học, thụ phong linh mục, làm bí thư cho một Giám mục và qua đời năm 2006. Đi ngang một quán phở, Gã Siêu ghé vào, giao hộp bánh quy cho chủ quán. Chúng tôi ra thăm gia đình người thân của anh ở đường Trương Công Định. Lúc về, anh nhận lại cái hộp màu đỏ, nặng, bọc trong bịch ni-lông. Về trường, cha giám luật nhìn cái hộp đỏ, bảo anh: - Lại bánh quy nữa rồi! Tới giờ học riêng buổi chiều, phòng Gã Siêu trở thành quán phở. Chủ yếu của Gã không phải là ăn nhưng là tạo dịp ngồi “đấu láo”, tức là bàn chuyện phiếm. Máu chuyện phiếm của Gã vốn sôi nổi từ xưa. Sau năm Dự bị, chúng tôi học Triết năm I. Một bài phóng sự “chuyện phiếm” xuất hiện trên tờ nội san của lớp, ký tên Nham Nhở, chòng ghẹo hết tất cả mọi người trong lớp, không trừ ai. Chẳng ai đoán ra tác giả bài phóng sự, chỉ vì một lẽ: Người bị Nham Nhở chiếu tướng trước hết lại là Mai nhà ta, bị chọc ghẹo cay độc về đôi mắt hơi lạc quan của anh, nhắm một đàng, nhìn một nẻo. Có người còn tỏ ý trách tác giả tàn nhẫn, nỡ chọc vào khuyết tật bẩm sinh nhạy cảm của người anh em. Về sau, anh lấy tên Gã Siêu cũng theo nghĩa ấy: Siêu thị, là người có tài nhìn phía này mà thấy phía kia. Họ Hoàng về hùa với Nham Nhở, chọc hết mọi người nên chẳng ai ngờ anh là tác giả. Về sau mọi người biết ra, chỉ cười ngặt nghẽo, không giận được, vì tác giả đã tự chọc mình trước. Hơn 50 năm sau, sáu tháng trước khi họ Hoàng lìa đời, vị thủ lĩnh của Giáo hội Công giáo là Giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng một trong những nét tiêu biểu của sự thánh thiện ngày nay là biết hài hước, nhìn đời cách hóm hỉnh, lạc quan: “Các thánh vui tươi và rất biết đùa. Mặc dù không xa rời thực tế, các ngài tỏa ra tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Sống đời Kitô hữu là sống ‘hoan lạc trong Chúa Thánh Thần’ (Rm 14,17), vì tình bác ái nhất thiết sẽ đem lại niềm vui; hễ đã yêu thì bao giờ cũng vui mừng khi được kết hợp với người mình yêu mến... hoa quả của tình bác ái là niềm vui” (Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay, số 122). Những chuyện nghịch ngợm được, họ Hoàng không thua ai, nhưng bắt tay vào việc lại nghiêm túc không ai bằng. Bút danh Tụy Hiền dành cho những chuyện ngoan ngùy, đứng đắn. Hồi đó, ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt nở rộ nhiều nhóm dịch thuật. Riêng Tụy Hiền, Oanh Sông Lam, Nguyễn Địa Đàng và tôi cũng lập thành nhóm nhưng nghiêng về sáng tác. Hướng nhắm của Tụy Hiền là truyện ngắn. Tác phẩm đầu tay của anh là bút ký Hình Bóng Cũ, viết về người mẹ đã ra đi khi tác giả còn ấu thơ chưa ghi giữ được hình ảnh. Bút ký khiến độc giả nao lòng và ứa lệ. Anh đưa bản thảo cho một chủng sinh lớp lớn cùng giáo phận gốc xem, xin góp ý. Đang khi nhóm chúng tôi chuẩn bị để in thật đẹp trên giấy lụa hồng, người đàn anh kia lại muốn tán thưởng đàn em bằng một món quà bất ngờ. Tiếc là bản in vội của vị này đã khiến tác giả nản lòng đến độ gần như buông bút, không buồn viết truyện ngắn nữa. Thay vào đó, anh đã tận tụy lo cho một số cây bút trẻ là học sinh cấp II và cấp III các trường trung học tại Đà Lạt hưởng ứng tờ tập san Lửa Hồng, in ronéo xinh xắn trên giấy hồng. Anh đọc bài, chọn bài và sửa chữa tận tụy. Anh làm việc khoa học không kém máy móc ngày nay. Những gì đã đọc đều được anh ghi chú lên những phiếu giấy A4 xén làm tư, xếp thành chủ đề theo vần ABC rất mạch lạc. Hộc phiếu của anh có độ dày gần một mét. Mỗi lần dọn bài, chỉ loáng một cái, anh đã gắp ra được hàng loạt thông tin và chi tiết minh họa. Hồi chưa có máy vi tính, những chuyện phiếm anh viết thật dễ dàng là nhờ hộc phiếu ấy. Còn bạn ngày nay, muốn đọc lại truyện phiếm của anh thì dễ nhất là vào trang Đất Hứa của Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn[1]. Nếu Ban Truyền thông của một dòng nữ không chịu bỏ sót một bài nào thì chắc hẳn những truyện phiếm này không chỉ là để mua vui, thư giãn. Người xưa làm thơ trào phúng là để ngạo đời và cũng răn đời. Linh mục Gã Siêu của chúng ta viết truyện phiếm là để gợi ý cho đời bằng nụ cười ý nhị. Chuyện phiếm là một cách viết để đi vào lòng người, giúp người đọc hướng tới những giá trị nhân văn và biết cách đối nhân xử thế. Là một tác giả truyện phiếm, nhà văn của chúng ta chẳng bao giờ mơ mộng viển vông như một nhà thơ. Anh rất thực tế và có óc tổ chức, biết biến sách vở thành hiện thực. Có lần anh nằm đọc sách trên võng, bảo mấy người cháu ra chợ mua thỏ về nấu ra gu (la gu). Mấy cô bé lắc đầu nguầy nguậy, vì chưa học nấu món ấy bao giờ. - Này nhé, các cháu cứ ra đó mua một con thỏ, nhờ họ cắt tiết, vặt lông, rồi xẻ thịt và mua thêm những món này, món này.. Ông bác vừa xem truyện vừa đọc những chỉ dẫn trong sách nấu ăn rồi bày cho các cháu từng chi tiết một. Đám cháu gái phục bác sát đất. - Các cháu thấy chưa! Người ta dạy hết ở trong quyển Gia chánh này này. Bác chỉ cần đọc kỹ rồi phán ra cho các cháu làm thôi. Nấu ăn cũng phải đọc sách đấy. Cha Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai sinh ngày 28/07/1947 tại làng Tụy Hiền, An Tiến, Mỹ Đức, Hà Đông (nay là Hà Nội), vào Tiểu Chủng viện Piô XII (Chủng viện di cư của Giáo phận Hà Nội) năm 1959, lên Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X năm 1967, thụ phong linh mục ngày 03/12/1975 tại nhà thờ Tân Hiệp. Sau đó, Cha phục vụ tại Giáo xứ Ngọc Thạch (từ 1976 – 1979), Chính xứ An Sơn (1979-2008) rồi về Tòa Giám Mục Long Xuyên làm quản lý Giáo phận năm 2008 và qua đời ngày 01/09/2018. Cha gục chết một mình trong đêm khuya, bên cạnh những sổ sách giấy tờ của chức vụ quản lý, đèn bàn và đèn phòng vẫn sáng, cửa chỉ khép hờ. Thánh Lễ An táng sẽ được cử hành vào lúc 15h chiều ngày thứ Ba 04/09/2018 tại nhà thờ Giáo xứ An Tôn, Kênh 1a, Cái Sắn. Trong bản tin lễ an táng, tác giả Người Giồng Trôm nhắc đến sự tận tụy âm thầm lặng lẽ của cha và như nghe văng vẳng lời của Chúa: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21). Đức Cha GB Bùi Tuần viết: “Đã lâu rồi, Cha Phanxicô làm việc không mệt mỏi. Tuy già yếu, bệnh tật, nhưng luôn tỏ ra một trí khôn thông minh, một tinh thần trách nhiệm cao. Cha luôn khiêm nhường, vâng lời, gần gũi và đức tin mạnh”. Trên trang giaophanlongxuyen.org, Ban Truyền thông Giáo phận viết: “Giáo phận Long Xuyên đã mất đi người quản lý trung tín và một linh mục đạo đức. Giáo hội Việt Nam vắng bóng một nhà dịch thuật. Bạn đọc Báo Tĩnh Tâm và các trang web Công giáo sẽ không còn thấy hình bóng và bài viết của chàng Gã Siêu với những chuyện phiếm và các bài về giáo dục hôn nhân của cây bút Tụy Hiền. Riêng quý Đức cha và anh em trong Tòa Giám mục nhớ lắm cái tên Hoàng Đình Mai với những câu chuyện cười trong bữa cơm sau những giờ làm việc miệt mài. Tất cả những nỗi mất mát này khó lấy gì bù đắp, chỉ xin dâng lên Thiên Chúa để làm thành lễ vật hy sinh, cầu nguyện cho Cha Cố được Chúa mau ân thưởng Nước Trời. Xin Cha Cố cũng nhớ đến chúng con!”,… bầu cử cho chúng con luôn sống trong niềm vui: “Niềm vui Kitô giáo thường được đi kèm với một cảm thức hài hước, nổi bật nơi Thánh Tôma More, Thánh Vincentê đệ Phaolô và Thánh Philipê đệ Neri chẳng hạn. Sự khôi hài bệnh hoạn không phải là dấu chỉ của sự thánh thiện. “Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn anh em” (Gv 11,10). Chúng ta nhận được rất nhiều từ Chúa “để vui hưởng” (1 Tm 6,17), cho nên đôi khi buồn rầu có thể là dấu hiệu của sự vô ơn, vì chúng ta chỉ biết nghĩ đến mình nên không thể nhận ra hồng ân của Thiên Chúa” (Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay, số 126). Đức Thánh Cha viết tiếp: “Tôi không nói về niềm vui tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa hiện đang lan rộng trong một số môi trường văn hoá ngày nay. Thực ra, chủ nghĩa tiêu thụ chỉ biến con tim thành nặng nề. Nó có thể mang lại cho ta những khoái cảm ngẫu hứng và chóng qua, nhưng không phải là niềm vui. Điều tôi nhắm nói đến là niềm vui trong tình hiệp thông, là chia sẻ và dự phần, vì “cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,35) và “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr9,7). Tình yêu huynh đệ làm tăng khả năng vui mừng, vì nó làm cho ta có thể vui vì điều tốt lành của người khác: “Hãy vui với người vui” (Rm 12,15). “Chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu mà anh em lại mạnh” (2 Cr 13,9). Mặt khác, nếu ta “chỉ biết nghĩ đến các nhu cầu của mình thôi, ta tự kết án mình phải sống một cuộc sống ít hạnh phúc” (Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay, số 128). Cha Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai đầy yêu thương và khoan dung. Những năm cha ở An Sơn, tôi về thăm được ba lần và quan sát thấy người anh em của mình thật nhân hậu. Cha xả hết ưu tư phiền não theo khói thuốc lào để đón nhận thiên hạ với tất cả sự yếu đuối của họ. Mười năm gần đây, khi cha làm quản lý Tòa Giám mục, tôi chưa có dịp đến thăm, chỉ trao đổi qua điện thoại và gặp nhau được vài lần khi họp lớp. Năm 2015, tôi nhờ cha giúp một tay chấm chung khảo giải Viết Văn Đường Trường, cha bận chưa giúp được, hẹn tới năm sau. Năm 2016, dù vẫn bộn bề với những việc xây cất của Giáo phận, cha đã nạp bảng điểm đúng thời hạn. Thế là đến cuối đời chúng tôi vẫn gần nhau trong nỗi ước mơ chung của những năm mới lên Đà Lạt: tìm kiếm và nâng đỡ những tài năng văn chương trẻ cho Giáo hội.
Theo gã được biết, thì hổ, cọp hay hùm…là một loài thú vừa lớn lại vừa dữ, thuộc nhà mèo. Thân GãSiêu 157
Theo gã được biết, thì hổ, cọp hay hùm…là một loài thú vừa lớn lại vừa dữ, thuộc nhà mèo. Thân dài, cổ ngắn, đầu tròn, râu cứng, răng nhọn. Lông màu vàng đỏ và có nhiều vằn đen. Sống trong các khu rừng, kể cả rừng đầm lầy có lau sậy. Chúng thường ăn thịt hươu nai, lợn rừng, thậm chí có khi bắt cả trâu bò mà ăn. Mỗi bữa dùng tới 30, hay 50 ký lô thịt. Sau đó, có thể nhịn trong nhiều ngày…(Từ điển Bách khoa Việt Nam).
Như vậy, xét theo chính tông dòng họ “miêu” thì có đủ các loại mèo, từ mèo to đến mèo nhỏ, từ mèo mun đến mèo mướp, từ mèo nhà đến mèo rừng…Đây là những loài mèo con nhà “mão”. Bên cạnh đó còn có những con tương cận, tuỳ theo vóc dáng, và nhất là bộ lông, người ta có thể chia thành:
1. Hổ, cọp, hay hùm. 2. Báo hay beo. 3. Sư tử.
Tóm lại, cọp beo và sư tử đều có liên hệ dây mơ rễ má với nhau, vì cùng chung một gốc gác là mèo. Chẳng thế mà dân bợm nhậu hiện nay vốn gọi mèo là tiểu hổ. Ngoài ra, trong dân gian người ta thường gọi hổ, cọp, hùm là…ông ba mươi. Số là ngày xưa, hễ ai giết được một con cọp, thì sẽ được nhà nước thưởng cho ba mươi quan tiền!
Nói tới hổ, cọp hay hùm là người ta nghĩ ngay tới cái dáng dấp hào hùng mạnh mẽ, cái khí thế oai phong lẫm liệt. Vì vậy, hình ảnh của loài thú này vốn được dùng làm biểu tượng cho các vị tướng lãnh và các bậc anh hùng. Chẳng hạn người ta dùng danh từ “hổ tướng” để nói về một viên võ tướng có dáng điệu uy nghi, oai vệ, trông rất hùng dũng:
- Ra oai hổ tướng đoạt thành, Ngói tan, trúc chẻ, tan tành thịt xương.
Còn hai chữ “hổ trướng” có ý nói tới nơi đóng quân của viên chủ tướng. Nơi đây thường có vẽ hình con hổ. Tục truyền rằng vua nước Lương là Từ Tri Ngạc, trong những cuộc chinh phạt, thường dùng da hổ vây quanh trướng để họp với các thuộc hạ, luận bàn về quân sự. Vì thế nơi này được gọi là hổ trướng:
- Họp trong hổ trướng luận bàn quân cơ.
Cũng vì thế, mà người dân Việt Nam đã gọi ông Hoàng Hoa Thám, hay Đề Thám, người anh hùng đất Yên Thế là Hùm thiêng Yên Thế.
Theo sử sách ghi lại, ông là người thôn Lang Trung, thuộc tỉnh Bắc Giang. Tên thật là Trương Văn Thám. Cha là Trương Văn Vinh, còn mẹ là người làng Ngọc Cục, gần thôn Lang Trung. Năm 20 tuổi, Thám tình nguyện xung vào đoàn nghĩa binh của Trần Quang Soạn để chống Pháp. Năm 23 tuổi, theo cha nuôi là Ba Phúc đi Vân Nam vận động nghĩa binh, rồi về giúp việc cho Cai Kinh, được phong làm Đề đốc và từ đó được gọi là Đề Thám.
Ngày 06.7.1888, Cai Kinh bị giết ở Lạng Sơn, Đề Thám tụ tập nghĩa quân chống Pháp suốt vùng Võ Giang, Hiệp Hoà, Việt Yên…Tháng 4 năm 1889, binh lính được khoảng 500 tay súng, tụ tập ở làng Đình Tảo, làm lễ tế cờ, cùng nhau uống máu ăn thề, rồi lập đồn ải khắp vùng Phủ Lạng Thương, Vĩnh Phúc Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang và đặt tổng hành dinh tại Yên Thế. Lúc mạnh thì đánh. Lúc yếu thì trá hàng, làm cho Pháp rất cực nhọc, dẹp không được, mà cầm cũng không yên.
Chính trong lần trá hàng chót vào năm 1905, Đề Thám cho tổ chức đảng Nghĩa Hưng để hoạt động trong hàng ngũ của địch, rồi ngày 17.11.1907 làm một vụ nội công ngoại kích tại cửa Nam, Hà nội và ngày 27.6.1908 đầu độc công binh Pháp. Năm 1909, Pháp phải huy động hết lực lượng đánh vào Yên Thế, làm cho Đề Thám phải chiến đấu rất cam go. Nghĩa quân, lớp tử trận, lớp ra hàng, số còn lại cũng dần dần mất hết tin tưởng nơi chủ tướng. Các con lớn đều chết, chỉ còn người con gái nhỏ tên Hoàng Thị Thế, là con bà vợ ba, cũng cùng mẹ bị bắt vào tháng 11 năm 1909.
Mặc dù đã ở vào đường cùng, ông vẫn còn cố gắng hoạt động ở Thượng Yên. Ngày 21.11.1911, Pháp đem quân đến bao vây ngọn đồi gần Yên Lê, làm bị thương 7 người và giết chết 5 người khác. Riêng ông thì thoát khỏi vòng vây. Từ đó, hay tin ông ở đâu là Pháp liền đem quân truy nã, nhưng không thể nào bắt được ông. Cuối cùng, Pháp phải nhờ đến Lương Tam Kỳ là một tên giặc khách cho người trá hàng, lừa thế giết ông trong đêm ngày 9.2.1913, để lãnh tiền thưởng.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và đảng Nghĩa Hưng bị chấm dứt. Tuy nhiên, người anh hùng đất Yên Thế hay con hùm thiêng Yên Thế vẫn sống mãi trong tâm khảm của người dân Việt Nam.
Thực đúng như người xưa đã từng nói:
- Hổ tử hùng tâm tại. Có nghĩa là cọp tuy chết, nhưng cái khí thế hùng mạnh của nó vẫn còn đó. Người anh hùng tuy chết, nhưng danh tiếng vẫn lưu truyền muôn đời.
Hay như:
- Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh, có nghĩa là hổ chết để da, người ta chết để tiếng.
Cũng giống như cọp, người anh hùng đôi lúc cũng gặp phải hoạn nạn theo kiểu: hùm thiêng mắc bẫy mọi, có nghĩa là người tài ba mà sa cơ vì mưu kế của một kẻ vô danh.
Đời Tam Quốc bên Tàu, Quan Vân Trường đứng đầu ngũ hổ tướng của Hán Trung Vương. Khi thủ Kinh Châu, đã từng bắt Vu Cấm, giết Bằng Đức là tướng tài của Tào Tháo. Nhưng rồi lại bị Lữ Mông, một viên tướng tầm thường của Ngô Quyền triệt hạ các phong hoả đài, đoạt Kinh Châu trong lúc Quan Công đi đánh Phàn thành, rồi phục binh bắt Quan Công nơi Quyết Thạch.
Và một khi dậu đổ thì bìm leo. Hổ lạc bình dương, khuyển khi. Có nghĩa là cọp xuống đất bằng thì bị chó khinh. Người anh hùng một khi đã hết thời, thì ngay cả những kẻ chẳng ra gì cũng dám mở miệng chê bai.
Còn đâu nữa cái thời oanh liệt, bọn tiểu nhân kéo đến núp bóng, lợi dụng danh nghĩa mà ra oai theo kiểu “cáo mượn oai cọp”. Truyện rằng:
Tuyên Vương làm vua cả nước Sở. Chiêu Hề Tuất chỉ là một kẻ bầy tôi. Thế mà người phương bắc, hễ nghe thấy nói về Chiêu Hề Tuất cũng đều phải kính sợ. Vua lấy làm lạ, một hôm hỏi quần thân là vì cớ làm sao? Không ai trả lời nổi. Chỉ có Giang Nhất thưa được rằng:
- Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con cáo. Cáo bảo: Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là Trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả bách thú. Ngươi ăn thịt ta là ngươi trái mệnh trời, hại đến thân ngay lập tức. Không tin, cứ để ta đi trước, ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà lại không sợ hãi tìm đường trốn cho mau hay không!
Hổ cho cáo là nói thật, bèn theo cáo đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả. Hổ vẫn không biết rằng bách thú sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ cáo. Nay nhà vua nước mạnh, quân nhiều mà vua giao cả quyền thế cho Chiêu Hề Tuất, người phương bắc sợ Hề Tuất, nhưng kỳ thực là sợ vua, cũng như bách thú sợ cáo vậy.
Những kẻ tầm thường mượn quyền thế người trên để hống hách, doạ nạt người ta. Nếu không biết, thì người ta còn sợ, chứ khi “hổ mà thêm cỏ, lừa mà thò tai”, thì chẳng những người ta đem lòng khinh, mà còn làm đê nhục cho bõ ghét. (trích trong Cổ Học Tinh Hoa).
Còn đâu nữa cái thời oanh liệt làm bá chủ cả sơn lâm, như Thế Lữ đã từng diễn tả qua bài “Nhớ rừng”:
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt, Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua. Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ, Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi. Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi, Với cặp báo chuồng bên vô tư lự. Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa. Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già, Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi, Với khi thét khúc trường ca dữ dội Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng, Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng, Vờn bóng âm-thầm, lá gai, cỏ sắc. Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc Là khiến cho mọi vật đều im hơi. Ta biết ta chúa tể muôn của loài Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi.
(……..)
Tiếp đến, gã xin trình bày về cái tình của loài cọp. Cọp tuy dữ, thế nhung nhiều lúc cái tình của nó cũng thật đậm đà và dễ thương, nó chẳng bao giờ ăn thịt con của mình.
Đối với con người, cọp thường là một mối đe doạ và để lại những hậu quả thảm khốc. Thế nhưng đôi lúc cọp cũng tỏ ra quí mến và biết ơn người đã từng giúp đỡ nó, như câu truyện « Người nuôi cọp » dưới đây:
Ngày xưa, ở huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa có một ông lão tiều phu tên Nguyễn Quốc Oai, tính khí ngông nghênh. Ông lão không có con, chỉ có hai vợ chồng trơ trọi. Nhà làm ở trong núi, hàng ngày kiếm củi bán để sống.
Một hôm, ông lão đi vào rừng trông thấy ở dưới đèo có một con cọp con lông vuốt chưa mọc mà mình mẩy thì đầm đìa máu. Đoán chừng là cọp mẹ cõng con đánh rơi xuống không lấy lên được, bèn trèo xuống bắt lên đem về nuôi, lấy thuốc bôi cho khỏi chỗ đau. Bà vợ thấy thế, can chồng rằng:
- Cọp là giống hung tợn, nuôi thế nào được, hãy thả nó ra, kẻo lại mắc họa về sau.
Ông lão không nghe, nói rằng:
- Giống vật cũng có linh tính, biết đền ơn trả nghĩa. Như trước kia có người đàn ông kiếm củi ở làng Thuận Lộc chữa cho cọp khỏi hóc, người đàn bà bán rượu ở làng Trung Hà giúp cọp sinh đẻ, đến bây giờ những người ấy vào rừng không lo gì cọp nữa. Những người ấy làm ơn trong một lúc mà con cháu còn được đền ơn đến bây giờ. Huống chi là ta nuôi từ lúc yếu đến lúc mạnh, coi nó như là con.
Từ đó, ông nuôi cọp như con. Lúc ăn uống, cho ngồi ở bên, lấy thức mình ăn thừa cho cọp ăn. Dần dần, lông cọp mỗi ngày một dài, nanh vuốt đầy đủ, mà cọp lại hiểu ý người ta, lúc thì múa, lúc thì nhảy làm trò cho vui.
Thấy thế, ông lão càng yêu nó lắm. Đi đâu, ông cũng bảo nó đi theo hầu mang đồ nhắm và đeo bầu rượu. Lúc uống rượu xong thì ông lại cưỡi cọp mà đi lăng nhăng ở trong rừng núi, ai trông thấy cũng lấy làm lạ, sợ hãi.
Buổi tối ông thường đơm đó ở dưới khe suối lấy cá, thỉnh thoảng bị kẻ khác lấy đi mất. Vì thế đêm đêm ông dặn cọp cứ ra đấy mà giữ. Khi nào ông đến thì ho lên mấy tiếng cho nó biết. Hễ cọp nghe thấy tiếng thì ra đón rước. Ông xuống khe, đổ đó lấy cá đem đổi lấy thịt để nuôi cọp.
Cứ như thế được nửa năm. Một đêm, ông say rượu, ra chỗ đơm đó quên không lên tiếng, con cọp ngờ là người khác liền cắn ngay một miếng. Đến lúc trông mặt, biết là cha nuôi mình thì đã muộn. Cọp liền cõng xác cha nuôi lên bờ rồi về nhà, đến trước vợ ông lão, cọp phục xuống mà chảy nước mắt ra, như là kẻ đến thú tội. Người vợ thấy thế lấy làm ngạc nhiên, đốt đuốc đi theo cọp.
Khi đến nơi, thấy chồng nằm trên bờ suối, áo quần đầm đìa những máu, bà liền kêu lên rồi trỏ vào mặt con cọp mà mắng:
- Mày đã quên cái ơn nuôi nấng mà đã vội cắn trả lại chủ mày thế ư? Tao không muốn trông thấy mặt mày nữa, đi đâu thì đi.
Cọp cúi đầu xuống mà ra đi. Sáng hôm sau, người vợ khiêng xác chồng đi chôn.
Đến ngày thành phục thì con cọp đem một con lợn về để ngoài sân, đến ngày cất đám, cọp lại đem về một con bò để cúng chủ. Lại đến ngày tiểu tường, các cọp rủ nhau đến quấy, bắt những súc vật trong làng. Dân chúng sợ hãi xem bói bảo rằng:
- Ấy là cọp muốn báo ơn ông ấy đấy. Các ông nên làm đền mờ thờ Hổ ông. Hễ ông ấy được cúng tế thì yên.
Bấy giờ làng mới đem thờ ông Nguyễn Quốc Oai ở bên tả đình, tôn làm hậu thần, đèn hương ngày đêm cúng tế, gọi là đền Hổ ông.
Quả nhiên từ đấy trong làng được bình yên. (trang Quê Hương)
Cũng vậy, trâu đi, cọp về, mong rằng đất nước sẽ được an bình và dân tộc sẽ được ấm no hạnh phúc.
Ngôn ngữ Việt Nam ta thật phong phú để diễn tả hành động ăn. Khi kính cẩn người trên thì bảo GãSiêu 158
Ngôn ngữ Việt Nam ta thật phong phú để diễn tả hành động ăn.
Khi kính cẩn người trên thì bảo: - Mời, xơi.
Khi vui vẻ với bè bạn thì bảo: - Nhậu, chén, lai rai.
Khi bực bội với kẻ dưới thì bảo : - Đớp, hốc.
Mở cuốn Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, gã đếm được cả thảy 173 tiếng được ghép với chữ ăn, như ăn giỗ, ăn cưới, ăn chay. Và còn rất nhiều tiếng ăn chẳng liên quan gì tới miệng tới lưỡi, như ăn đòn, ăn cướp, ăn quịt.
Từ đó, gã thấy ăn là một trong những sinh hoạt chính của con người, bởi vì chúng ta cần phải ăn để được sống. Hơn thế nữa, chúng ta làm lụng vất vả cũng chỉ vì chén cơm manh áo. Và bữa ăn đã trở thành một trung tâm, một điểm hội tụ của gia đình.
Đúng thế, mỗi ngày chúng ta thường quây quần chung quanh mâm cơm hai ba lần, nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của mâm cơm, của bữa ăn. Thực vậy, mâm cơm là nơi xum họp và bàu khi của bữa ăn phải là bàu khí của yêu thương và hợp nhất, như tục ngữ đã diễn tả: Trời đánh còn tránh bữa ăn.
Nhìn vào những người cùng ngồi chung một bàn, chúng ta sẽ thấy được một sợi dây liên kết, một mẫu số chung nào đó. Nếu là bữa cơm trong gia đình thì sợi dây liên kết là tình máu mủ ruột thịt. Nếu là bữa tiệc thì mẫu số chung có thể là một niềm vui, như khi tham dự đám cưới, một nỗi buồn như khi tham dự đám giỗ, hay một công việc cần phải toan tính, như mấy kẻ bắt mối áp phe rủ nhau đi nhậu nhà hàng để thương lượng và dàn xếp.
Cách thức ngồi ở bàn ăn cũng nói lên một sự bình đẳng và hợp nhất vì mọi người cùng quây quần chung quanh một chiếc bàn, hay tụ lại trên một manh chiếu, cùng chia sẻ một thức ăn, cùng múc lấy một nguồn sự sống. Còn gì đẹp cho bằng cảnh gia đình đầm ấm :
- Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Trong cuốn “Người Việt Cao quí”, Pazzi, một tác giả ngoại quốc, đã ca tụng tình yêu thương hợp nhất của người Việt Nam qua hình ảnh chén nước mắm. Tác gỉa viết: “Ý thức về tinh thần cộng đồng và hợp nhất nơi người Việt được thể hiện rõ ràng trong chén nước mắm đặt ở giữa mâm cơm. Mắm là nón ăn phổ biến, có nhiều sinh tố, mắm còn là thức ăn căn bản của mọi gia đình Việt Nam. Người Việt Nam khi sống ngoài đất nước mình bao giờ cũng tưởng nhớ tới nước mắm một cách tha thiết. Chén nước mắm không bao giờ thiếu trong các bữa ăn, hay nói cách khác nó không thể nào thiếu được. Mọi người đều chấm chung trong một chén nước mắm, như cùng gặp nhau trong một điểm hòa đồng”.
Vì là một trong những sinh hoạt chính yếu, nên các gia đình thường thoả thuận ngầm với nhau: Đến bữa, mọi người đều phải có mặt đông đủ, bởi vì “người đi không bực, cho bằng người chực nồi cơm”. Cơm nấu xong, phải ăn liền tù tì khi còn nóng hổi thì mới ngon, chứ còn kẻ chờ và người đợi, tới khi nguội tanh nguội ngắt, thì dù thức ăn được nấu ngon cũng trở thành dở.
Khi ngồi xuống mâm cơm, ông bà hay cha mẹ thường ngồi trước, rồi sau đó mới đến con cháu. Trước khi dùng bữa, nếu là con nhà có đạo, thì người chủ gia đình sẽ làm dấu thánh giá và cùng nhau đọc kinh Lạy Cha, để cảm tạ và xin Chúa thánh hóa những của ăn sắp được hưởng dùng. Sau đó, những người dưới phải mời những người trên. Thí dụ đứa cháu thì phải mời ông bà, cha mẹ và các anh các chị…xơi cơm. Nghi thức này xem ra hơi bị kéo dài, nhất là đối với những gia đình đông con nhiều cháu.
Khi ăn, con cháu thường nhường những miếng ngon miếng ngọt cho ông bà và cha mẹ. Thế nhưng, ông bà và cha mẹ cũng thường nhường lại cho con cháu, nhất là những đứa còn nhỏ. Ngoài ra, người xưa còn nhắc nhở chúng ta: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Có nghĩa là khi ăn phải trông xem trong nồi còn nhiều cơm hay ít, để liệu có nên ăn thêm nữa hay thôi, cho phải phép. Còn khi muốn ngồi xuống chỗ nào, phải trông xem cái hướng mình ngồi có gây cản trở cho ai hay không, rồi mới ngồi.
Suốt ngày chúng ta làm lụng vất vả, mỗi người một việc và mỗi việc một nơi. Bởi đó, như gã đã viết ở trên, bữa cơm phải là nơi hội tụ, phải là lúc sum họp của mọi người trong gia đình. Nhiều khi gã thấy các bữa cơm thật tẻ nhạt và rời rạc vì thiếu vắng những khuôn mặt thân yêu, mạnh ai người ấy ăn, còn những người khác thì lại đang làm những việc đâu đâu. Tới giờ cơm, chúng ta hãy tạm gác bỏ mọi công việc không mấy cần thiết ấy để đoàn tụ, để họp mặt. Đồng thời cố gắng tạo cho bữa ăn một bàu khí tươi vui cởi mở.
Có nhiều gia đình đã biến bữa cơm thành một tòa án nhân dân để xét xử, trong đó anh chị em tố cáo những sai lỗi của nhau với cha mẹ, để rồi cha mẹ, như những ông quan tòa nghiêm khắc, đã lên tiếng chửi bới, đánh mắng, làm cho bữa ăn trở thành ngột ngạt và căng thẳng. Chúng ta nên nhớ lại lời người xưa khuyên nhủ: Trời đánh còn tránh bữa ăn. Có nghĩa là dù công việc quan trọng đến đâu chăng nữa, thì cũng đợi cho mọi người dùng bữa xong, thì mới đem ra tính toán, chứ không nên đề cập tới trong lúc mọi người còn đang ăn. Cũng vậy, thiếu gì lúc chúng ta có thể bảo ban, sửa dạy con cái, nên đừng nhằm vào bữa cơm mà tố khổ và chửi bới lẫn nhau.
Ngày nay, với những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, người ta đã chế tạo ra nhiều dụng cụ, giúp đỡ cho công việc bếp núc được dễ dàng.
Trước hết là cái nồi cơm điện. Nhờ nó, người ta không còn phải làm trải qua những công việc tỉ mỉ khi thổi một nồi cơm như ngày xưa nữa, mà chỉ cần vo gạo, đổ nước và gạo vào nồi, rồi cắm điện và ngồi chờ…cơm chín. Tuy nhiên, theo nhiều người nhận xét, thì cơm được nấu trong nồi điện không ngon bằng cơm nấu trong niêu đất hay nồi đồng, nồi gang với lửa củi hay lửa rơm.
Tiếp đến là cái tủ lạnh. Nhờ nó, người ta tiết kiệm được rất nhiều thời giờ. Mỗi tuần chỉ cần đi chợ một hai lần mà thôi. Sau đó thực phẩm tươi sống được cất vào tủ lạnh để ăn dần. Ngoài ra còn rất nhiều những dụng cụ khác nữa, như bếp ga, lò nướng…giúp cho công việc bếp núc được dễ dàng và bớt đi phần nào những vất vả nhọc nhằn.
Thêm vào đó là hệ thống siêu thị với những thức ăn được chế biến sẵn, chỉ việc cho vào nồi mà đun, hay cho vào chảo mà chiên, cùng với những hàng quán ở khắp nơi, chỉ việc nhấc điện thoại là cơm nóng canh ngọt sẽ được phục vụ tận nhà, khiến cho người phụ nữ không còn phải bận rộn nhiều đến góc bếp của mình nữa.
Vì thế, nhiều bà nhiều cô hiện nay xem ra lơ là phần nào cái bổn phận nữ công gia chánh của người nội trợ và những bữa cơm gia đình mỗi ngày một trở nên khan hiếm và mất dần ý nghĩa của nó. Sở dĩ như vậy là vì nhiều người phụ nữ hôm nay được học hành đến nơi đến chốn và bước chân ra ngoài xã hội. Nói một cách cụ thể hơn, người vợ hôm nay cũng phải đi làm như người chồng. Một chị vợ đã phát biểu như sau:
- Tôi đi làm suốt cả ngày cũng đã mệt lắm rồi, chiều về nhà lại phải chui đầu vào bếp nữa, thì làm sao kham nổi. Huống chi còn phải tranh thủ giải quyết bữa cơm chiều thật nhanh thật gọn, để ban tối đến lớp học tại chức…
Tác giả Duy Thảo, trên báo “Phụ nữ Chủ nhật” số 23 ra ngày 19.6.2005, đã ghi nhận như sau: “Cuộc sống tất bật với biết bao nhiêu công việc, khiến người ta quên đi hương vị của những bữa cơm gia đình. Dần dần, điều đó trở thành thói quen. Người ta cho rằng: Ăn ở đâu mà chẳng được, miễn sao nạp đủ năng lượng để tái sản xuất sức lao động. Có người bằng lòng với một dĩa cơm bụi bên vỉa hè, sang hơn thì vào quán. Người khác thì kêu cơm hộp, cũng có khi mọi người kéo nhau đi nhà hàng…”
Có những nhà chẳng còn bữa cơm gia đình nữa. Thí dụ một gia đình trẻ gồm có ba người. Ban sáng kéo nhau ra quán ăn điểm tâm. Ban trưa người vợ và người chồng thì ăn cơm nơi “căn tin” của cơ quan mình. Đứa nhỏ ăn cơm trong nhà trẻ. Ban tối anh chồng thường về muộn vì còn bận tiếp khách hay la cà ăn nhậu với bè bạn.
Có những nhà, bữa cơm gia đình tuy còn đấy, nhưng lại mất đi sự ấm cúng của nó. Mỗi người một hộp cơm mua sẵn, hay mỗi người một tô cơm, muốn ăn vào lúc nào thì ăn, hay vừa ăn vừa ngó vô màn hình TV, vì anh chồng không thể bỏ qua trận bóng đá, chị vợ không thể bỏ qua cuốn phim Hàn quốc và đứa con không thể bỏ qua bộ phim hoạt hình.
Cũng theo tác giả trên: Bữa cơm gia đình không đơn giản chỉ là “đầu vào” cho cơ thể, nhưng còn là nơi sum họp của các thành viên trong nhà. Những câu chuyện được kể lại và từ đó những khúc mắc được giải tỏa, những ấm ức được xoa dịu. Qua những bữa ăn, các ông chồng sẽ nắm rõ hơn giá cả thị trường. Các bà vợ sẽ biết thêm tình hình thời sự thế giới. Trong những gia đình hạnh phúc, tiếng cười tràn ngập bữa cơm.
Thực vậy, với bữa cơm gia đình, chúng ta không phải chỉ chia sẻ cho nhau những thức ăn và đồ uống, là nguồn sống cho cơ thể, mà còn chia sẻ cho nhau những tình cảm chân thành, để những thành viên gần gũi và gắn bó với nhau hơn, nhờ đó gia đình thực sự trở thành một mái ấm hạnh phúc.
Để kết luận, gã xin ghi lại nơi đây lời khuyên của một người mẹ nói với cô con gái sắp sửa”theo chàng về dinh”: - Con phải giữ lửa cho căn bếp của gia đình luôn ấm nóng, chứ đừng để nó nguội lạnh nghe con.
Việt Nam và thế giới đã trải qua dịch cúm gà H5N1 và đang phải đối phó với dịch cúm lợn H1N1 GãSiêu 159
Việt Nam và thế giới đã trải qua dịch cúm gà H5N1 và đang phải đối phó với dịch cúm lợn H1N1. Qua những gì đọc trên báo chí, trong mỗi cơn dịch gã đã chọn lấy một bài viết mà gã cho là đắc ý nhất, đối với riêng gã mà thôi.
Trước hết là dịch cúm H5N1, được gọi là cúm gà, hay nói đúng hơn là cúm gia cầm, kể cả loài chim chóc sống trên rừng hay được nuôi trong lồng. Dịch cúm này do một loại virus gây nên, rồi lây nhiễm sang một số động vật có vú. Loại virus ấy được phát hiện trước tiên tại Ý vào năm 1900, bắt đầu hoành hành và lây nhiễm qua người từ năm 1997 tại Hong Kong và có nguy cơ trở thành một đại dịch trong tương lai. Tính đến ngày 28.2.2008, trên thế giới đã có 369 người niễm virus H5N1 và trong đó 234 người đã tử vong.
Mấy năm trước tại Việt Nam, hễ ở đâu dịch bệnh này xuất hiện, thì lập tức mọi gà vịt, chim chóc đều bị thu gom và đem chôn hay đem đốt trong đường bán kính ba cây số. Chính vì thế, gã ghi nhận được mẩu truyện “Tiếng gọi của con chim sáo” của tác giả Bích Ngân, đăng trên báo báo “Tuổi Trẻ Chủ Nhật”, số 1065 ra ngày 08.02.2004, đại khái như thế này:
Sau nhiều năm tháng vừa học vừa làm, hai vợ chồng trẻ dốc tất cả vốn liếng mới thành lập được một trại gà nho nhỏ. Khi trại gà vừa mới ra lò thì anh chồng đột ngột qua đời. Trại gà liên tục phát triển vừa đúng một năm, thì xảy ra dịch cúm. Thế là toàn bộ số gà nuôi trong trại đều bị cán bộ đến bắt và mang đi chôn, chỉ còn lại một con chim sáo.
Hôm ấy, chị vợ tổ chức lễ giỗ đầy năm cho anh chồng và cũng để nhớ tới đàn gà thân thương của mình đã bị ngỏm củ tỏi. Đang lúc thắp nén nhang tưởng niệm, chị vợ bỗng giật mình vì nghe thấy tiếng nói rất quen thuộc: - Hằng ơi, anh yêu em lắm. Đó là tiếng nói của con chim sáo. Tiếng nói ấy khiến chị vợ cảm thấy như hồn anh chồng đã nhập vào nó. Thế nhưng cùng lúc đó, anh cán bộ thú y xuất hiện và bảo cho chị hay: - Cả chim sáo cũng bị hủy diệt. Suốt đêm, chị vợ trằn trọc không tài nào ngủ nổi. Cuối cùng, chị vợ quyết định mở lồng trả tự do cho con chim sáo. Và khi anh cán bộ đến, chị nói: - Đêm hôm qua, con chim sáo nhà tôi đã bị mèo vồ mất rồi. Chị vừa dứt lời, thì một giọng nói vang lên : - Hằng ơi, anh yêu em lắm.
Thì ra đó vẫn là giọng nói của con chim sáo. Mặc dù được tự do, nhưng con chim sáo không nỡ rời xa chủ, nó bay vào kẹt tủ. Và bây giờ nó lên tiếng nói. Tiếng nói của nó là như một lời tố giác: Lạy ông tôi ở bụi này. Và anh cán bộ thú y chỉ cần thò tay ra, chụp lấy và nhét vào bao. Còn chị vợ thì đứng nhìn. Những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên gò má lúc nào cũng chẳng hay biết.
Tiếp đến là dịch cúm H1N1, được người miền Bắc gọi là cúm lợn, người miền Nam gọi là cúm heo, còn những người thích đùa thì gọi là “cúm Trư Bát Giới”. Đây là một loại bệnh hô hấp thường xảy ra cho các đàn heo. Thế nhưng, virus bệnh này đã biến thể thành dạng lây từ người sang người và hiện nay vẫn còn đang tiến mau, tiến mạnh và tiến vững chắc trên toàn cõi địa cầu, để rồi thực sự bùng phát thành một cơn đại dịch, khiến cho tổ chức Y tế Thế giới nâng mức báo động lên cấp 6, tức là cấp cao nhất.
Thực vậy, dịch cúm này xuất phát từ Mễ, lây qua Mỹ, Canada và hiện giờ đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Chính phủ Mễ cho biết hơn 60 người đã bị thiệt mạng và trên 1000 người bị nghi là đã bị nhiễm bệnh. Riêng tại Việt Nam cũng đã có tới hơn 500 người mắc phải, nhưng hình như chưa có ai bị đi tàu suốt sang thế giới bên kia!
Không biết tác giả nào đó đã viết bài “Phở là phương thuốc trị cúm độc quyền của người Việt Nam”. Gã đã đọc và lấy làm thích thú. Theo tác giả, thì thuốc điều trị bệnh cúm lợn hiện nay là Tamiflu và thành phần chính để chế tạo Tamiflu là axit shikimic. Axit này được chiết xuất từ bông đại hồi. Cây đại hồi, còn được gọi là đại hồi hương, hay bát giác hồi hương, hay chỉ đơn giản là cây hồi, một loại cây gia vị có mù thơm, thu được từ vỏ quả hình sao. Loại cây này mọc ở bên Tàu và ở vùng đông bắc Việt Nam, như Cao Bằng, Lạng Sơn…Quả của nó được thu hoạch ngay trước khi chín và được dùng trong ẩm thực của người Tàu và Việt. Chẳng hạn trong ngũ vị hương cũng có đại hồi.
Các nước Âu Mỹ không trồng được đại hồi, cho nên khi điều chế Tamiflu, họ phải trải qua nhiều giai đoạn tong hợp mới có được axit shikimic. Trong khi đó người Tàu chiết xuất trực tiếp từ bông đại hồi, nên bây giờ số lượng dữ trữ Tamiflu của họ đủ để cung ứng cho trên một tỷ dân Tàu, nếu dịch cúm này xảy ra trên đất nước họ. Còn người Việt Nam chúng ta từ lâu đã có một cách tổng hợp axit shikimic vừa nhanh chóng, lại vừa ngon bổ rẻ, mà không cần tới mấy ông dược sĩ hay mấy nhà khoa học, mà chỉ cần tới bàn tay của bà nội trợ để nấu mon…phở bò.
Sở dĩ như vậy là vì đại hồi cũng là một thành phần gia vị được sử dụng trong việc nấu nước dùng cho món phở của người Việt Nam chúng ta. Chính vì thế, ăn phở đã trở thành một phương thế đặc biệt của người Viet Nam để trị liệu bệnh cúm hiện nay. Như chúng ta đã biết: Phở là một món ăn truyền thống và đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng hay nước lèo theo cách gọi của người miền Nam, cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Ngoài ra, còn kèm theo các gia vị như tương, tiêu, chanh, ớt, nước mắm… Phở thường là phở bò và phở gà. Tại một số nơi ở miền bắc, còn có thêm phở lợn, phở vịt, phở ngan…nhưng xem ra không mấy ăn khách. Nước lèo nói chung được làm bằng việc hầm xương bò hay xương gà và gia vị bao gồm quế, hồi, gừng, thảo qua, đinh hương, hạt mùi. Miền bắc thường sử dụng nhiều bột ngọt, còn được gọi là mì chính…Bánh phở theo truyền thống được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng, rồi cắt thành sợi. Phở thường được dùng làm món điểm tâm ban sáng, hay món ăn ban tối, ít thấy nơi bán phở thường trực suốt ngày.
Một số giả thuyết cho rằng phở có lẽ xuất hiện đầu tiên tại Nam Định, nhưng Hà Nội mới là nơi làm cho món ăn này nổi tiếng như ngày nay. Nhờ cuộc di cư năm 1954, phở được liên tục phát triển ở miền Nam với nhiều khác biệt. Chẳng hạn tại nhiều nơi và nhất là tại Saigon, thịt bò trong phở thường được bán theo năm kiểu: tái, chín, nạm, gầu, gân tuỳ theo ý thích của khách. Ngoài ra còn có một chén nước béo để riêng, nếu khách muốn, đồng thời còn phải có chanh, ớt, ngò gai, húng quế và giá, đôi khi còn có cả hành tây cắt lát mỏng. Sau này, một sốt tiệm còn thêm ngò ôm, húng láng, hành lá dài và các loại rau thơm khác. Một số tiệm phở nổi tiếng ở Saigon trước năm 1975 mà nay vẫn còn như phở Tàu Bay, Phở Hoà, phở Quyền…Riêng phở gà thì đóng đô ở đường Hiền Vương. Và hiện nay, nhờ việc định cư của người Việt tại nước ngoài, phở đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Có giả thuyết cho rằng phở bắt nguồn từ phương pháp nấu món thịt hầm của Pháp, được gọi là “pot-au-feu”, đọc thành “pô tô phơ”. Có giả thuyết cho rằng phở chịu ảnh hưởng của Tàu, vì khá giống với món hoành thánh. Tuy nhiên bánh phở cùng với những gia vị và rau thơm, nhất là với cách thức chế biến, phở đã mang một tính cách đặc biệt của ẩm thực Việt Nam, nên chắc chắn phải có nguồn gốc từ Việt Nam. Do đó gã xin nhắc lại: trong hoàn cảnh H1N1 bùng phát, thì ăn phở chính là một phương thế đặc biệt của người Việt Nam để trị liệu bệnh cúm.
Đọc tới đây, hẳn rằng có nhiều anh chồng cười thầm trong bụng, bởi vì chữ “phở” hiện nay vốn được bàn dân thiên hạ hiểu là bồ nhí, còn “cơm” được hiểu là “bà xã”. Trên trang báo này, gã đã từng bàn đến cơm và phở, chả và nem. Hôm nay, với những tài liệu mới, gã xin trở lại đề tài này một lần nữa: Phở và cơm.
Xét về “thành phần cấu tạo”, thì cơm và phở rất giống nhau, vì được làm chủ yếu từ gạo tẻ. Phở có thịt có hành, thì cơm cũng có, đã vậy cơm còn an toàn hơn vì không bao giờ bị trộn hàn the và nhất là giá rẻ hơn mà lại no lâu hơn. Dân gian gọi vợ là cơm và bồ nhí là phở, xét theo khoa học, thì cách gọi này chẳng xúc phạm đến ai, vì cả hai “món” vừa có thành phần chế biến giống nhau, nhưng lại vừa có những giá trị độc lập khác nhau, chẳng cái nào hơn cái nào.
Nhưng về phương diện thực tế, rõ ràng phở luôn tượng trưng cho sự bay bướm, mặc dù nhiều lúc “phở” xấu hoặc già hơn cơm, nhưng vẫn chiếm được ưu thế của mình trong chuyện tình ái lăng nhăng. Lê Anh Vũ trên báo “Phụ nữ Chủ nhật” đã diễn tả như sau: - Cơm khoe: tớ nhất trên đời, Phở rằng: tớ cũng tuyệt vời đấy nha. Cơm là từ gạo mà ra, Phở cũng từ gạo, nhưng mà…ngon hơn.
Nói theo kiểu triết học, thì cái ngon của cơm thuộc vào “bản thể”, còn cai ngon của phở thuộc vào “tuỳ thể”: - Cơm nhờ hương gạo mà thơm, Phở nhiều “nguyên liệu” nên thơm đủ mùi.
Một tác giả khác, mà gã không nhớ tên, đã đưa ra những lý do mang tích hài hước, để giải thích vì sao do đờn ông lại thích phở, mà vẫn không bỏ được cơm:
Lý do thứ nhất, đó là và vì đờn ông ít được ăn phở, nhất là phở đặc biệt, thì phải có tiền có xe, trong khi cơm ngày nào cũng được ăn và phải ăn: - Cơm ăn hàng bữa nên quen, Phở thì thỉnh thoảng nên thèm đương nhiên.
Lý do thứ hai, đó là vì đờn ông dùng cơm ở nhà, trong bầu khí quen thuộc ấm áp đến độ nhàm chán, còn dùng phở ở xa nhà, trang trí lạ mắt, đôi khi còn đẹp mắt và có cả âm nhạc phụ hoạ.
Lý do thứ ba, đó là vì khi đã no, thì rất khó ăn thêm cơm, còn đối với phở, no tới mấy cũng có thể làm thêm vài tô: - Cơm ăn no bụng là thôi, Phở vừa no, lại muốn đòi ăn thêm.
Lý do thứ bốn, đó là khi ăn phở, ta có thể dễ dàng đòi thêm tí hành, tí bánh hay tí ớt cho thêm phần đậm đà. Còn khi ăn cơm, thì có gì xơi nấy, yêu sách lôi thôi còn bị mắng, hay bị gắt gỏng: không ăn thì thôi.
Lý do thứ năm, đó là khi ăn phở xong, có thể đứng dậy, đi ngang hoặc ngồi và nằm một chút. Còn khi ăn cơm xong, có nhiều khả năng phải thu dọn và rửa chén bát.
Lý do thứ sáu, đó là phở thì không quán nào giống quán nào, thậm chí không tô nào giống tô nao. Còn cơm thì bao nhiêu năm rồi cũng vẫn thế, chỉ có nguội hơn mà thôi.
Lý do thứ sáu, đó là phở có thể được ăn chung với bạn bè, còn cơm thì rất ít, phần lớn là ăn chung với…bà nấu cơm.
Lý do thứ bảy, đó là phở tuy cùng một chỗ, nhưng có thể yêu cầu tái, chín, nạm, gầu, gân…tuỳ thực khách quyết định. Còn cơm thì hoàn toàn do mụ nấu quyết định, không được đòi hỏi lôi thôi.
Lý do thứ tám, đó là nếu ăn phở nhiều tới mức trở thành khách quen, thì có thể ăn…nợ, ăn ghi sổ. Chứ còn cơm, nếu không đưa tiền lương, sẽ bị cúp ngay.
Và sau cùng lý do thứ tám, đó là bỏ tiệm phở này, ta có thể dễ dàng tìm tiệm phở khác, chứ còn bỏ cơm, thì quả thật lôi thôi to và phức tạp vô cùng,
Chính vì những lý do trên, mà có anh chồng thèm phở và lại cứ muốn ăn thêm mãi, nên đã ẵm tới 10 bà vợ, như bài thơ của một anh bạn bên Đan Mạch đã gửi về cho gã: - Vợ một dành để nấu ăn, Vợ hai tôi để quét sân lau nhà. Vợ ba da dẻ nõn nà, Nên đành cất kỹ để mà tôi…ôm. Vợ bốn tội nghiệp ốm ròm, Thôi thì coi sóc chăm nom vịt gà. Vợ năm có tính thật thà, Đi làm mang “chéc” về nhà bỏ băng. Vợ bảy giặt giũ chiếu mền, Đấm lưng cạo gió khi mình ốm đau. Vợ tám xinh đẹp làm sao, Để đi dạo phố hỏi chào bà con. Vợ chín có tính hát đàn, Thôi thì ca múa nhịp nhàng tôi nghe. Vợ mười làm lụng sau hè, Trồng rau, bửa củi chẳng nề chuyện chi. Mười vợ tôi vẫn cười khì, Kiếm thêm bà nữa lỡ khi tối trời, Mười vợ sướng lắm ai ơi! Không tin làm thử…Ối giời khoẻ re.
Gã nghĩ rằng đây chỉ là một bài thơ bỡn cợt, chứ lam sao mà có được trong thực tế cuộc đời. Hơn thế nữa cũng vì trọng phở khinh cơm mà có những anh chồng đối xử thật bất công với bà xã, theo kiểu:
- Bồ là phở nóng tuyệt vời, Vợ là cơm nguội đáy nồi hẩm hiu. Bồ là nơi tỏ lời yêu, Vợ là nơi trút bao nhiêu bực mình. Bồ là rượu ngọt trong bình, Vợ là nước ở ao đình nhạt pheo. Nhìn bồ đôi mắt trong veo, Vợ thì đôi mắt trong veo chẳng thèm. Bồ tiêu thì chẳng tiếc tiền, Vợ tieu một cắc thì liền kêu hoang. Bồ hờn thì phải xuống thang, Vợ hờn bị mắng, bị phang thêm liền. Một khi túi hãy còn tiền, Thì bồ thắm thiết kề liền bên anh. Một mai hết sạch sành sanh, Bồ đi, vợ đón anh về nhà ta…
Tuy nhiên, như gã vừa mới xác quyết ở trên: cái ngon của cơm thuộc vào “bản thể”, còn cái ngon của phở thuộc vào “tuỳ thể”. Vì thế, phở nay còn mai mất, nay xuất hiện mai biến đi, nhưng cơm thì bền vững đến muôn ngàn đời: - Một mai hết sạch sành sanh, Bồ đi, vợ đón mời anh đi về. Bồ là lều, vợ là nhà, Gió to lều sụp, mái nhà còn kia. Vợ là cơm nguội của ta, Nhưng là đặc sản thằng cha láng giềng!
Nếu cơm ngon tự bản thể của nó, thì nơi người vợ cũng có nhiều ưu điểm, nhiều cái hay và cái tốt, nhưng chỉ vì u mê tăm tối và bị dục vọng làm mờ cặp mắt, khiến anh chồng chẳng còn nhìn thấy. Vì thế, cần phải phục hồi giá trị cho cơm, cũng như cho chị vợ của mình: - Cơm chân chất, chẳng đẩy đưa, Phở trang trí đẹp, dễ lừa mắt ai. Cơm ngon chẳng sợ tiếng tai, Phở tuy đẹp đẽ nhưng đầy hoài nghi. Cơm quen chẳng ngại ngần gì, Phở ăn dăm bữa tức thì ngán thôi. Phụ “cơm”, chớ phụ người ơi! Cho dù thua “phở”, nhưng thời…an tâm. (Lê Anh Vũ)
Cho nên hỡi nhưng anh chồng, chớ có dại mà đi hoang, đèo bòng bồ nhí, thèm phở bỏ cơm, chi bằng hãy tỉnh ngộ: - Ta về ta tắm ao ta, Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn.