Trong những năm gần đây, nhiều người đã lớn tiếng than ngắn thở dài về tình trạng đạo đức bị xuống cấp một cách trầm trọng, không phải chỉ ở Việt Nam mà thôi, mà còn ở nhiều nơi trên khắp thế giới.
Đối với những người đã có tí tuổi, thì cứ việc lấy nhau, rồi lôi nhau ra tòa ly dị, bỏ nhau cái một. Người ta thay đổi vợ chồng như thay đổi áo quần, khiến cho gia đình bị lung lay tận gốc rễ, không còn là một tổ ấm, mà chỉ còn là một nơi đày đọa và đay nghiến lẫn nhau. Vì thế, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, sớm ngày nào hay ngày ấy, mặc cho con cái sất bất xang bang, long đong vất vưởng.
Không phải chỉ bỏ nhau một cách thoải mái, mà còn bỏ cả con cái một cách vô tư.
Người ta loan truyền những cách thức ngừa thai và phá thai, người ta vẽ ra một tương lai ảm đạm cho những gia đình đông con, khiến cho các đôi vợ chồng cảm thấy con cái là như một gánh nặng, chứ không còn là một hồng ân.
Đã là gánh nặng thì cứ việc tìm cách để loại trừ, hơi đâu mà quàng vào cổ cho thêm phần cực nhọc, lo âu suốt bao nhiêu ngày tháng.
Ấy là trong gia đình, còn ngoài xã hội thì hỡi ôi, hễ có tí chức tí quyền thì vội vã lợi dụng mà vơ vét về cho đầy túi tham của mình, mặc cho đất nước tan hoang, quê hương xiêu đổ…
Lớn thì xơi miếng to, nhỏ thì đớp miếng bé. Có tiền thì phải tiêu tiền. Vì thế, bèn tung tiền vào những vụ ăn chơi vung vít, đèo bòng bồ nhí… cho đến lúc khuynh gia bại sản, thân bại danh liệt, mới mở con mắt dậy bỗng thấy mình tay không, nằm trong nhà tù mà đếm lịch từng ngày.
Còn đối với xấp nhỏ, lắm khi miệng còn hoi mùi sữa, đã thích chơi trò bạo lực, xách súng đến trường bắn xối xả vào bè bạn, cũng như thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mà hỏi thăm sức khỏe thày cô, còn đâu nữa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người xưa.
Lớn hơn một chút thì đã vội vã nếm mùi đời bằng cách chơi xì ke ma túy, hay vướng vào cái vòng tình ái cong cong.
Chẳng thế mà con số những “đấng” vị thành niên tìm cách phá thai, giải quyết sốt sột cái “bầu tâm sự” của riêng mình, vì đã trót lỡ dại, mỗi ngày một gia tăng…
Còn nhiều nữa, nhưng nếu viết ra, thì gã sẽ bị kê tủ đứng là một kẻ “cả tiếng lại dài hơi” mà than van oán trách.
Trong khi đó, việc cần làm ngay, là phải tìm ra một giải pháp tích cực để cứu vãn tình thế.
Suy nghĩ về vấn đề này, gã bèn nhớ tới một câu danh ngôn, đại khái như sau:
- Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà rủa xả bóng đêm.
Một nhà hùng biện được mời tới sân vận động để nói chuyện với bàn dân thiên hạ. Ông đã bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách tắt hết mọi đèn đóm, khiến sân vận động tối thui, thậm chí ngồi bên cạnh mà cũng chẳng nhìn thấy khuôn mặt của nhau.
Sau đó, ông bật một que diêm, giơ lên cao và hỏi:
- Quí vị có nhìn thấy không?
Mọi người đều trả lời:
- Thấy… Thấy.
Khi mọi người đã yên lặng, ông liền yêu cầu:
- Bây giờ, ai mang theo diêm hay quẹt, thì vui lòng bật lên.
Chỉ trong giây lát, sân vận động như bừng sáng với ánh lửa của những que diêm và những chiếc quẹt, khiến mọi người nhìn rõ khuôn mặt của nhau. Rồi ông bắt đầu “Giô… đề”:
- Quí vị thấy đấy, nếu mỗi người chúng ta cố gắng làm những công việc tốt, cho dù là nhỏ bé và tầm thường, thì những công việc tốt ấy cũng sẽ dư sức đẩy lui bóng tối.
*****
Mẩu chuyện và câu danh ngôn trên khiến gã phải giật mình, bởi vì rất có thể bản thân đã chẳng thắp nổi một ngọn nến, đã chẳng đánh nổi một que diêm hay đã chẳng bật nổi một hộp quẹt, nên đêm vốn dĩ đã tối lại càng tối hơn.
Đang miên man suy nghĩ, bỗng tình cờ gã đọc được mấy hàng chữ sau đây trong một bài viết:
“Có biết bao nhiêu người rất trung thành với những biểu dương tôn giáo, nhưng lại hoàn toàn sống xa lạ với những đòi hỏi của tôn giáo. Có biết bao nhiêu người có đạo, mà không có đức…”
Lời nhận xét này lại càng làm cho gã thêm bối rối đến toát cả mồ hôi hột khi tự hỏi:
- Mình là dân có đạo, nếu xét kỹ lý lịch, không chừng còn là dân đạo dòng, đạo gốc… thế nhưng, liệu mình đã thực sự có đức hay chưa?
Như có lần đã thú nhận với bàn dân thiên hạ rằng: gã rất lấy làm tâm phục, khẩu phục cha ông thuở trước, vì cách chơi chữ và ghép chữ, hầu như chẳng một dân tộc nào trên trái đất này sánh nổi.
Chẳng hạn: đã nhường thì phải nhịn, đã nhịn thì phải nhục, đã khôn thì phải ngoan, đã học thì phải hành… Và hôm nay, đã có đạo thì cũng phải có đức.
Và thế là gã bắt đầu tìm hiểu thế nào là đạo và thế nào là đức. Đâu là mối liên hệ giữa đạo và đức?
Đạo có nghĩa là đường.
Đường được mở ra với mục đích dẫn tới một địa điểm nào đó.
Tuy nhiên, muốn đến nơi định đến, chúng ta phải biết chọn đúng con đường và phải cố gắng bước đi trên con đường ấy. Bằng không, thà rằng ngồi chơi xơi nước ở nhà cho khỏe vẫn hơn.
Từ đó, người ta đã đưa ra những định nghĩa khác nữa về đạo, tùy theo phạm vi của nó rộng hay hẹp.
Trước hết, theo nghĩa rộng, đạo là lề lối phải theo, là lẽ phải mọi người đều tuân giữ.
Nếu trong thực tế, chúng ta thấy có nhiều loại đường khác nhau: Đường bộ, đường thủy, đường hàng không.
Nguyên đường bộ mà thôi cũng đã có biết bao nhiêu thứ: đường mòn, đường hẻm, đường đất, đường đá, đường bê tông, đường trải nhựa, đường cao tốc… thì đối với đạo cũng vậy.
Đạo theo nghĩa rộng cũng có nhiều thứ, nhiều loại khác nhau.
Chẳng hạn đạo làm quan là phải biết thương dân và hành sử theo sự liêm chính.
Dương Chấn được bổ làm thái thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương Ấp. Quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được ông đề bạt cho, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya, đem vàng đến lễ.
Dương Chấn bảo:
- Trước tôi biết ông là người khá mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư?
Vương Mật cố nài, thưa rằng:
- Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết.
Dương Chấn nói:
- Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?
Vương Mật nghe nói, xấu hổ lui ra.
Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ biết chăm lo việc dân việc nước, không tham nhũng, không làm giàu cho mình. Ông thường nói:
- Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quí hơn là để lại tiền của, ruộng nương cho chúng ư?
Chẳng hạn: đạo làm con là phải hiếu thảo, vâng lời cha mẹ.
Thày Tử Lộ vào hầu đức Khổng Tử, nói rằng:
- Đội nặng, đi đường xa, thì tiện đâu nghỉ đấy, không đợi chọn chỗ, rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm nên thế nào, hay thế ấy, không đợi khi có quyền cao, chức trọng mới chịu làm.
Ngày trước Lộ này, lúc song thân còn, cơm thường dưa muối, đường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân. Lúc song thân mất, làm quan ở nước Sở, xe ngựa hàng trăm, lương bổng hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những của tốt, mỗi khi nhớ đến song thân, lại muốn dưa muối, đội gạo nuôi các ngài như trước, thì không sao được nữa.
Cha mẹ tuổi già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Con muốn nuôi, mà cha mẹ không còn sống.
Đức Khổng Tử nói:
- Nhà ngươi cư xử với song thân như thế là rất phải. Lúc các ngài còn, thì hết lòng phụng dưỡng. Lúc các ngài mất thì hết lòng thương tiếc.
Chẳng hạn: đạo làm vợ, làm chồng, thì phải trung thành cùng nhau trong suốt cả cuộc đời, bất kể trẻ hay già, đẹp hay xấu, lên voi hay xuống chó.
Vua Cảnh Công có cô con gái yêu muốn gả cho Án Tử. Một hôm đến ăn tiệc tại nhà Án Tử, thấy vợ của Án Tử, vua bèn hỏi:
- Phu nhân đấy phải không?
Án Tử thưa:
- Vâng, phải đấy.
Vua nói:
- Ôi! Phu nhân người trông sao vừa già lại vừa xấu ! Trẫm có đứa con gái đẹp muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?
Án Tử đứng dậy thưa rằng:
- Vợ tôi thật vừa già, lại vừa xấu, nhưng lấy tôi và cùng tôi ăn ở đã lâu, kể từ lúc còn trẻ và đẹp.
Vợ tôi thường nhờ cậy tôi, mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy. Nay nhà vua, tuy muốn ban ơn, chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc với những điều vợ tôi đã nhờ cậy bấy lâu nay.
Nói đoạn, Án Tử lạy hai lạy, xin từ không lấy.
Mỗi đấng, mỗi bậc đều có cái đạo của mình, đều có cái lề lối phải tuân giữ, cho ra môn, ra khoai, cho ra trên, ra dưới, cho tôn ti trật tự hẳn hoi, chứ không hầm bà lằng, cá mè một lứa.
Thế nhưng, suy cho cùng: cái đạo quan trọng nhất, theo gã nghĩ, đó là cái đạo làm người.
Đây chính là cái gốc, gốc có mạnh thì cành lá mới phát triển sum xuê.
Đây chính là cái nền, cái móng, nền móng có vững thì mới xây được tòa nhà cao cao.
Phải làm người trước đã, rồi sau đó mới thêm vào những thứ phụ tùng lỉnh kỉnh như: người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, người con, người thày, người thợ…
Cái đạo làm người hệ tại việc biết sống với mình bằng cách tự lập và biết sống với người khác bằng yêu thương hòa thuận.
Thày Nhan Uyên hỏi đức Khổng Tử:
- Hồi này nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe là có oai, chơi với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy có nên không ?
Đức Khổng Tử nói:
- Ngươi hỏi thế phải lắm. Nghèo mà cũng muốn được như giàu, thế là biết bằng lòng với số phận, không ham mê gì. Hèn mà cũng muốn được như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe mà cũng muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính, không lầm lỗi gì. Chơi với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói.
Tác giả “Cổ học tinh hoa” đã thêm lời bàn như sau: Không cần công danh phú quí, thế là biết giữ thiên tước hơn nhân tước. Không để ai khinh lờn được, thế là biết trọng phẩm giá mình. Không muốn đeo cái lo vào mình, thế là biết giữ thân không phiền lụy ai. Ở đời mà giữ trọn vẹn được mấy điều như thế, thiết tưởng thật là một cách vui thú rất cao thượng vậy.
Theo nghĩa thông thường, đạo được đồng hóa với tôn giáo, là con đường tu dưỡng dựa theo một thần quyền, có một giáo lý rõ rệt để tin theo, cũng như có một tổ chức chặt chẽ, luôn khuyên nhủ làm lành tránh dữ để đạt tới cõi phúc mai sau.
Hiểu theo nghĩa này, thì từ đông sang tây, từ cổ chí kim đã xuất hiện trên mặt đất này nhiều đạo khác nhau, chẳng hạn như đạo Phật, đạo Bà La Môn, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo, Đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành…Mục đích của các đạo là thúc đẩy con người ăn ngay ở lành, xây dựng xã hội mỗi ngày một tốt đẹp, để rồi nhờ đó được siêu thoát, được bước vào cõi phúc trường sinh.
Tuy nhiên, có một điều làm gã ngạc nhiên không ít, đó là trong một nghĩa hẹp, không biết từ đời thưở nhà nào, người bình dân Việt Nam vốn đã dùng chữ đạo để ám chỉ Công giáo. Vì thế, người ta thường nói:
Bên lương bên giáo. Bên lương là người thờ cúng ông bà, còn bên giáo là người theo Công giáo. Người có đạo chính là người theo Công giáo. Cố đạo là linh mục. Làm phép đạo là cử hành theo nghi thức Công giáo. Đạo dòng là theo đạo Công giáo từ đời ông bà.
Sau khi đã bàn về chuyện đạo, bây giờ gã xin bàn đến chuyện đức.
Ngày nay, tại Việt Nam mọi đồng tiền lớn nhỏ người ta đều in hình bác Hồ. Vì thế, bàn dân thiên hạ thường bảo:
- Có bác là có tất cả. Với bác thì chỗ nào cháu chui cũng lọt.
Câu nói này có nghĩa là:
- Có tiền là có mọi sự, từ chức tước uy quyền cho đến những tiện nghi vật chất như nhà lầu xe hơi. Có tiền thì việc khó mấy cũng xong.
Nhưng trước năm 1975, gã còn nhớ mang máng đồng tiền 500 hay 1000 chi đó được in hình đức thánh Trần Hưng Đạo, Vì thế, bàn dân thiên hạ cũng hay nói:
- Vấn đề đầu tiên là phải có đức.
Câu nói này được diễn giải như sau:
- Vấn đề đầu tiên, có nghĩa là vấn đề tiền đâu ? Phải có đức, hiểu ngầm đức thánh Trần, có nghĩa là phải có tiền.
Tuy nhiên, đây không phải cái nghĩa gã muốn bàn tới. Gã cũng không đề cập đến đức như là cái quả về sau của những công việc từ thiện đã làm, như tục ngữ ca dao đã khuyên nhủ:
- Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
- Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta tu lấy đức để đời cho con.
Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho nhiều người vay mượn. Một hôm sau Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi, Phùng Huyên hỏi:
- Tiền nợ thu được, có định mua gì về không?
Mạnh Thường Quân nói:
- Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại bảo rằng:
- Các ngươi công nợ bao nhiêu. Thường Quân đều cho cả.
Rồi đem văn tự ra đốt sạch. Lúc về, Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường Quân:
- Nhà Tướng công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu thứ gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái “đức”, tôi trộm phép vì Tướng công đã mua về.
Mạnh Thường Quân nghe nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa. Sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan về ở đất Tiết, dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng:
- Trước tiên sinh vì tôi mua “đức”, đức ấy hôm nay tôi mới trông thấy.
Gã cũng không muốn nói tới đức như danh xưng dành cho các bậc đáng tôn kính, như khi chúng ta nói:
- Đức Chúa, Đức Mẹ, Đức Bà, Đức Trinh Nữ, Đức Thánh Cha, Đức Giám mục, Đức Ông…
Theo gã, đức là toàn bộ cách ăn ở hiền lành, hợp với đạo lý, hay nói cách khác, đức là tất cả những điều tốt đẹp mìnnh đạt được nhờ sự tu dưỡng tính tình.
Hiểu như vậy, thì giữa đạo và đức có một mối liên hệ chặt chẽ và gắn bó cùng nhau: cái đạo sẽ giúp thực hiện cái đức, còn cái đức sẽ làm sáng cái đạo.
Trước hết, cái đạo sẽ giúp thực hiện cái đức.
Thực vậy, chúng ta thường nói:
- Niềm tin thắp sáng cuộc đời.
Trong những hoàn cảnh đen tối, hay trong những lúc gặp phải gian nan thử thách, nhiều khi chúng ta chán nản, muốn buông xuôi, mặc cho “con tạo xoay vần đến đâu”, thì niềm tin tôn giáo sẽ thổi vào tâm hồn tuyệt vọng của chúng ta một nguồn sinh lực mới, khiến chúng ta có đủ can đảm vượt qua mọi khó khăn chồng chất.
Hơn thế nữa, tôn giáo nào cũng dạy chúng ta ăn ngay ở lành, khuyên nhủ chúng ta làm lành tránh dữ. Tất cả những điều ấy có ý nghĩa gì, nếu không phải là thôi thúc chúng ta tập luyện các nhân đức.
Đồng thời tôn giáo còn cung cấp cho chúng ta những phương tiện để thực hiện mục đích tốt đẹp ấy, chẳng hạn như giảng dạy, khích lệ, nhắc bảo…Ấy là gã chưa nói tới những phương tiện siêu nhiên, những nâng đỡ của ơn thánh, khiến chúng ta dễ dàng cất bước trên con đường trọn lành.
Vì thế, đã có đạo thì cũng phải có đức, hay ít nữa đã có đạo thì cũng phải cố gắng tập luyện cho mình những nhân đức để trở thành một người tốt lành, trước khi trở thành người con cái Chúa, như niềm tin hằng mong mỏi.
Đồng thời trong khi tập luyện các nhân đức, chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân cho niềm tin. Và như vậy, cái đức sẽ làm sáng cho cái đạo.
Trên một chuyến xe đò, gã đang thiu thiu ngủ, thì bỗng nghe thấy mấy bà ngồi phía sau tranh luận một cách sôi nổi.
Bà thì nói:
- Thật chán chết chồng với con, hở một tí là bồ nhí với bia ôm.
Bà thì bảo:
- Thật tức đến hộc cả máu, mà đành phải cắn răng chịu vậy, bởi vì nói ra thì tan hoang cửa nhà.
Bà thì phê bình:
- Mà cái con gà móng đỏ ấy có hơn gì mình đâu?
Cuối cùng một bà lên tiếng:
- Chỉ có mấy bà bên đạo là sướng. Đạo của họ chỉ cho phép một vợ một chồng và phải trung thành với nhau cho đến chết, nên mấy ông bên đạo hết dám tơ tưởng, léng phéng gì ráo trọi. Tôi ấy à, hễ có con gái là tôi cứ nhè mấy anh bên đạo mà gả phứt đi cho rồi.
Tôi bỗng mỉm cười. Thì ra cái đức chung thủy của mấy ông chồng đã làm cho đạo Công giáo thêm phần sáng giá.
Tư tưởng thì trừu tượng khó mà kiểm chứng. Lời nói thì lắm lúc trở thành bôi bác giả hình, theo kiểu:
- Khẩu Phật tâm xà.
- Miệng nam mô, bụng bồ dao găm.
Chỉ những hành động cụ thể mới có sức hấp dẫn, làm sáng tỏ cho niềm tin. Chẳng thế mà, đức thánh “Pha Pha” đã có lần phát biểu:
- Thế giới ngày nay rất cần đến những chứng tá, hơn là cần đến những thày dạy.
Hay như tục ngữ cũng bảo:
- Lời nói như gió lung lay,
Việc làm như tay lôi kéo.
Hãy biến xác tín thành hành động. Hãy biến niềm tin thành việc làm. Bởi vì niềm tin không có việc làm thì chỉ là một niềm tin đã chết. Chính hành động, chính việc làm, chính cuộc sống gương mẫu mới là một bài giảng hùng hồn có sức lôi cuốn người khác. Biết bao nhiêu người đã trở lại chỉ vì đã thực sự xúc động trước một hành động bác ái yêu thương nào đó của một người có đạo.
Như trên gã đã nói:
- Đã có đạo thì cũng cần phải có đức. Và cái đức sẽ làm sáng cho cái đạo.
Thế nhưng, thực tế lại không đơn giản chút nào, bởi vì rất nhiều người có đạo mà lại chẳng có đức. Họ nói về đạo rất hay. Họ thuộc lòng mọi kinh sách. Nhưng cuộc sống của họ lại ngập tràn những bê bối. Họ chỉ sống đạo trong nhà thờ, chứ không hề sống đạo giữa lòng cuộc đời.
Phải, trong nhà thờ, họ là những con chiên ngoan, nhưng bước xuống cuộc đời, họ liền hóa kiếp thành một loài lang sói. Trong nhà thờ, họ ăn năn sụt sùi đến vãi cả nước mắt, nhưng bước xuống cuộc đời, họ lại vội vã gian tham, vội vã thù oán, vội vã ghen tị…
Người ngoài nhìn vào họ đã phải lắc đầu ngao ngán:
- Có đạo mà cũng như vậy à ?
Và rồi những người ấy đã kết luận một cách chua chát:
- Tin đạo, nhưng đừng tin kẻ có đạo.
Bổn phận của chúng ta, những người có đạo, là phải đảo ngược lại câu kết luận ấy, đó là:
- Chúng ta phải sống cho có đức, để rồi qua bản thân chúng ta, những kẻ có đạo, người ngoài sẽ tin vào đạo. Gã Siêu