SỰ KHỦNG BỐ ÊM DỊU - Chuyện Phiếm của Gã Siêu - Linh mục Fx. Hoàng Đình Mai Bài 11

Thứ sáu - 23/07/2021 02:58
SỰ KHỦNG BỐ ÊM DỊU - Chuyện Phiếm của Gã Siêu - Linh mục Fx. Hoàng Đình Mai - Bài 11
SỰ KHỦNG BỐ ÊM DỊU - Chuyện Phiếm của Gã Siêu - Linh mục Fx. Hoàng Đình Mai - Bài 11

SỰ KHỦNG BỐ ÊM DỊU - Bài 11

Gã Siêu
(Linh mục Fx. Hoàng Đình Mai)
--------------------------------------------------------------------------

Trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, ai nấy đều hy vọng sẽ được sống những năm tháng an bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, mơ ước thì rất nhiều mà lại chẳng được bao nhiêu. Ngàn năm thứ ba được khởi đầu bằng sự việc bọn khủng bố cướp máy bay, rồi đâm thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới, khiến cho mọi người đều bàng hoàng khiếp hãi.

Rồi từ đó cho đến nay, nạn khủng bố vẫn liên tục được phát triển từ bắc xuống nam, từ đông sang tây và bọn khủng bố dường như có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc. Không ngày nào mà báo chí không đề cập tới nạn khủng bố. Nào là ôm bom tự sát. Nào là đặt bom ở xe để cho nổ tung, thậm chí còn cài bom cả vào đế giày…Và trong tháng bảy vừa qua, những vụ đánh bom ở Luân Đôn, một lần nữa lại làm cho cả thế giới bị rúng động, bị co giật  như lên cơn kinh phong.

Vậy thế nào là khủng bố?


Gã xin trả lời một cách vắn tắt: Khủng bố là làm cho người khác sợ hãi. Còn phương thế tạo nên sự sợ hãi thường là những hành động tàn bạo và dã man. Người ta có thể khủng bố lẫn nhau về phương diện thể xác như bắt bớ, đánh đập và tạo nên những cái chết thương đau. Nhưng người ta cũng có thể khủng bố lẫn nhau về phương diện tinh thần như tạo nên những căng thẳng, những buồn tủi, những tuyệt vọng.

Gã không phải là một chuyên viên về chính chị chính em, nên chả dám xớ rớ bàn tới những chuyện liên quan đến nền an ninh thế giới hay đến sự hòa bình của nhân loại. Những vấn đề này quá ư là to lớn,  nên bị coi như ở ngoài vòng… phủ sóng.


Gã chỉ xin nói tới một phạm vi rất nhỏ bé, rất hạn hẹp, đó là

phạm vi gia đình và giới hạn sự khủng bố trong mối liên hệ giữa vợ chồng với nhau mà thôi.

Ngày xưa, khi học về sự cháy, tên khoa học gọi là hiện tượng “oxy-hóa”,  gã thấy người ta phân biệt hai sự cháy, đó là sự cháy bùng và sự cháy ngầm. Cháy bùng là cháy có phát ra ngọn lửa như chúng ta thường thấy ở trong bếp. Còn cháy ngầm là cháy không phát ra ngọn lửa, như chúng ta thường thấy nơi sự rỉ sét của các thứ  kim loại. Cũng vậy, trong mối tương quan giữa vợ chồng với nhau, gã xin tạm chia sự khủng bố thành hai loại, đó là


- sự khủng bố tàn bạo và
- sự khủng bố êm dịu.

Tác giả Mai Thắng trong một bài báo đã đưa ra nhận xét như thế này: Thông thường khi yêu nhau, người ta vẫn làm những điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Thế nhưng, một số người lại cho rằng yêu có nghĩa là chiếm hữu một cách ích kỷ. Sự khủng bố êm ái này diễn ra mà đôi khi ngay cả người trong cuộc cũng không hay biết.


1. - Trước hết, anh chồng khủng bố chị vợ như thế nào?

Như chúng ta đã biết, người chồng vốn được gọi là phái mạnh, phái khỏe. Vì thế, sự khủng bố của họ thường nghiêng về tàn bạo hơn là êm dịu.

Thực vậy, vào cái thuở ban đầu khi mới quen nhau, mới thương nhau, anh ta lịch sự, ga lăng và hào hoa bao nhiêu, thì bây giờ lại khó khăn, bẳn gắt bấy nhiêu. Mở miệng ra là chửi bới cộc cằn. Hơi một chút là hành động cách hùng hổ. Xét về sự đấm đá thì không ai bằng. Thiết tưởng những sự khủng bố như thế đều xuất phát từ cái đầu óc gia trưởng, độc tài và độc đoán.

Thứ nhất là trong việc làm.

Ngày xưa, anh ta chiều chuộng nâng niu theo kiểu: Cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Còn bây giờ thì thường xuyên cho nồi niêu xoong chảo bay ra ngoài sân, rồi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau. Đáng lẽ ra anh ta phải dùng bàn tay để xây dựng, thì nay lại dùng để phá đổ.


Có những anh chồng đã hành động một cách hết sức tàn bạo và dã man, đánh đập chị vợ không biết nương tay, bắt chị vợ phải hầu hạ cung phụng mình như một ông hoàng theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”, chẳng thèm đụng ngón tay lay thử bất cứ công việc gì trong gia đình.

Một cô giáo đã tâm sự như sau:
Thực là mệt mỏi. Mỗi khi đi làm về còn phải ghé qua chợ mua thức ăn, ghé qua truờng đón thằng nhỏ. Thế mà về đến nhà, ông chồng lúc thì đang vểnh râu ngồi xem tivi, lúc thì đang lướt như múa trên bàn phím. Ông ấy có đến ba bằng đại học, uyên bác lắm chứ  có phải thường đâu. Đông tây kim cổ cái gì cũng biết, chỉ mỗi chuyện vợ con sống chết ra sao là không biết mà thôi. Có lần tôi bận, gọi điện nhờ đón con, thì ông ấy hỏi con học ở trường nào, làm tôi cười ra nước mắt…(Gia Đình 32)

Thứ hai là trong lời nói.

Ngày xưa,

lời nói của anh ta sao nó ngọt như đường cát, mát như đường phèn, sao nó êm dịu và nhẹ nhàng đến thế. Còn bây giờ mới chua chát, gắt gỏng làm sao.

Trước kia thì:
Anh anh, em em. Còn bây giờ thì: Mày mày, tao tao. Thậm chí còn: Cái con mẹ mày, cái con mụ nọ, cái con chết bầm kia… Rồi anh ta lại dành cho chị vợ tất cả những món cao lương mỹ vị bằng những tiếng chửi bới tục tĩu, lôi cả bố mẹ, ông bà và tổ tiên không biết bao nhiêu đời ra mà riếc  móc.

Anh ta cứ nghĩ rằng: Càng nói to, càng gắt gỏng thì chân lý và phần thắng sẽ thuộc về mình. Rất nhiều khi anh ta đã dùng chiến thuật “cả vú lấp miệng em”.

Gã thấy có những anh chồng rất sai, rất trái và rất ngang, còn hơn cả cua bò, thế mà mỗi khi phát ngôn đều la mắng, gắt gỏng để phủ đầu và lấp liếm những sai lỗi của mình.

Trong đời sống vợ chồng, về phương diện lời nói người ta đã diễn tả bằng một kinh nghiệm chua chát  như sau:


Những ngày trước hôn nhân thì chị nói anh nghe.
Liền sau hôn nhân thì anh nói chị nghe.
Còn sau đó cả hai người cùng nói và hàng xóm phải nghe.

Gã cũng thấy có những anh chồng luôn kê tủ đứng, chê bai chị vợ truớc mặt bàn dân thiên hạ.

Bữa tiệc mừng tân gia chưa kết thúc, thì anh đã vào bếp gọi chị ra nói lớn tiếng:


Anh đã nhắc em không biết bao nhiêu lần, khi nấu ăn em phải hết sức chú ý trong việc gia giảm và mắm muối. Món nào em nấu cũng mặn chát như thế thì ai mà nuốt cho nổi. Hôm nay anh mời sếp và các đồng nghiệp trong công ty đến, mà em nấu nướng kiểu này thì mất hết cả thể diện của anh.

Không biết bao nhiêu lần anh chê bai chị truớc mặt người khác như thế. Anh không quan tâm tới việc người khác nghĩ gì về vợ mình, cứ không vừa ý là anh giận sôi lên, rồi không tiếc lời quát tháo. Nếu có ai góp ý “vợ chồng đóng cửa bảo nhau” thì anh gạt phắt đi:

Tôi có nói oan, nói sai cho cô ấy đâu mà phải giữ ý giữ tứ, tôi cứ nói trước mặt mọi người cho cô ấy cảm thấy xấu hổ, để lần sau còn nhớ mà sửa đổi. Vợ với chả con, vụng về hết chỗ nói, đã thế lại còn ngang ngạnh không chịu sửa đổi, hễ tôi nói là gân cổ lên cãi. (Gia Đình 29).

Thứ ba là trong tư tưởng.

Anh ta cho ý kiến của mình luôn là đúng, là phải, còn ý kiến của chị vợ luôn là sai, là trái. Nhiều khi anh ta lên tiếng khinh bỉ và coi thường chị vợ: Ôi giời, đàn bà con gái biết chi mà nói. Bao giờ anh ta cũng lấy cái “lý đoán” của mình mà áp đảo chị vợ và buộc chị vợ phải nhắm mắt vâng theo răm rắp, đúng với cốt cách “phong kiến” ngày xưa: Phu xướng, phụ tùy. Chồng đã phán, thì vợ phải chấp hành nghiêm chỉnh. Sự khủng bố về mặt tư tưởng thường diễn một cách từ từ và âm thầm theo kiểu mưa dầm thấm đất. Phải chăng đây cũng là kiểu khủng bố êm dịu duy nhất của người chồng?

Bất ngờ gặp lại chị, tôi thấy chị thay đổi hẳn từ cách ăn mặc, tóc tai đến tính tình. Những bộ quần áo sinh động được thay thế bằng quần tây, áo sơ mi đóng khuôn. Biệt danh “tóc ngắn nhí nhảnh” mà lớp yêu mến đặt cho chị dường như không còn thích hợp bởi mái tóc dài duỗi thẳng đuốt.


Chị thở dài phân bua: Ông xã của mình bắt buộc như thế, cảm thấy không thoải mái nhưng biết làm sao bây giờ. Qua trò chuyện, tôi thấy chị thay đổi cả thói quen chủ động trong mọi vấn đề, chẳng hạn như việc gọi thức ăn cho mình khi vào quán hay việc mặc đồ gì khi đi chơi… tất cả đều do anh ấy.

Chị cuời gượng: Quen rồi, anh ấy quyết định mọi thứ, mình chỉ việc làm theo. Và có lẽ chị không phải là trường hợp cá biệt “đánh mất bản sắc” của mình. Vì người yêu, sẵn sàng làm mọi sự, kể cả thay đổi bản thân không đúng với cá tính của mình, miễn là vừa lòng người mình yêu.

Nếu như có người đã viết hai câu thơ:

Đừng nhìn em như thế,
cháy lòng em còn gì.

Thì qua những kiểu khủng bố như trên, tác giả Đình Bôn đã có lý khi thốt lên:

Đừng hành nhau như thế,
chết đời em còn gì. (Gia Đình 29).

*****

2. - Tiếp đến, chị vợ khủng bố anh chồng như thế nào ?

Như chúng ta cũng đã biết, người vợ vốn được coi là phái đẹp, phái yếu. Vì thế sự khủng bố của họ thường nghiêng về êm dịu hơn là tàn bạo.

Nói thế, không phải là không có những bà vợ mang khuynh hướng bạo lực đâu nhé, tuy rằng rất ít và rất hiếm.

Anh hàng xóm của tôi đã tốt nghiệp đại học và là truởng ban biên tập thời sự của một tờ báo lớn.


Tôi đã từng chứng kiến tận mắt nhiều lần vợ anh mắng anh là đồ ngu, đồ đần độn, và khiếp quá, có lần vợ anh cầm cả cán chổi vụt thật mạnh xuống giường. Nhát vụt ấy là lời cảnh cáo anh, chả khác gì cách dạy con của các cụ ngày xưa. Anh vẫn ngồi như tượng, mặt tím vì giận vợ và xấu hổ với hàng xóm, vì họ đều là đồng nghiệp…(Gia Đình 29).

Do chân yếu tay mềm, nên vũ khí người vợ dùng để khủng bố ông chồng thường là lời nói.


Thực vậy, tìm được một bà, một cô vừa niềm nở và tươi tắn, lại vừa kín miệng và thận trọng trong lời nói, là một điều rất khó, bởi vì phần đông các bà các cô đều mắc phải cái tật thích nói dài, nói dẻo, nói dai, nói day, nói dứt và lắm khi còn nói xiên , nói xỏ.

Có những chị vợ thường xuyên cạu cọ với chồng với con.


Chúng ta thử tưởng tượng ra một anh chồng làm công chức. Ở sở thì bị bề trên đè nén, bề ngang ganh tị và bề dưới bướng bỉnh. Về nhà chỉ thầm mong tìm thấy một khuôn mặt tươi tắn và một lời nói dịu dàng của chị vợ, cùng với những nụ cười vô tư của con cái để quên đi hết nỗi sầu buồn chất chứa trong lòng, mà hăng hái tiếp tục cuộc chiến đấu vì cơm áo gạo tiền.

Thế nhưng, bất cứ lúc nào hễ thấy mặt anh chồng, chị vợ lại cằn nhằn: Sao anh thua người ta thế này, sao anh thua người ta thế nọ… Người ta thì kiếm tiền như nước, đem về cho vợ cho con, còn anh sao vô tài bất tướng quá vậy.

Ngay cả những lúc thân mật, chị vợ cũng luôn rót vào tai chồng những lời chua như chanh và cay như ớt.

Ngồi vào bàn ăn, thì mặt mày làm thành một đống. Như vậy, làm sao người chồng có thể chịu đựng cho nổi. Nhất là mỗi khi có chuyện xích mích, bất đồng trong gia đình, hay chẳng may anh chồng lỡ sai lỗi điều chi, thì chị vợ xả ga nói cho bằng thích: nói dài, nói dẻo, nói dai, nói day, nói dứt, nói xỏ, nói xiên… xoáy vào tận lục phủ ngũ tạng, xoáy vào tận tâm can tì phế của anh chồng. Lải nhải ngày cũng như đêm.

Bị khủng bố tới nước này, anh chồng thường có hai cách giải quyết:


- Một là
lẳng lặng bỏ nhà ra đi dăm bảy tiếng đồng hồ hay vài ba ngày để xả…”stress”.

- Hai là
tức nước vỡ bờ, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, nện cho chị ta một trận, để mà câm cái miệng lại. 

Cả hai cách giải quyết đều bất ổn cho cá nhân cũng như cho gia đình.

Đúng vậy, những lời nói theo kiểu “dài-dẻo-dai-day-dứt” như trên thường không đem lại kết quả như lòng mong ước, trái lại lắm lúc còn như đổ thêm dầu vào lửa làm cho bùng nổ… chiến tranh giữa các vì sao.

Bởi đó, rút ra từ những kinh nghiệm quí giá, phần lớn các chị vợ đã tâm niệm rằng: Mật ngọt chết ruồi. Người ta bắt được nhiều ruồi chỉ bằng một giọt mật, còn hơn là bằng cả một thùng dấm chua.

Và thế là các chị ấy bèn thay đổi chiến thuật, dùng những lời nói ngọt ngào như đường như mật mà rót vào tai các anh chồng. Một khi đã khoái cái lỗ nhĩ, các anh chồng chỉ còn biết gật đầu vâng theo mà thôi. Đây chính là một sự khủng bố êm dịu mà kết quả được diễn tả là trên cả tuyệt vời.

Gã xin đưa ra một vài chứng từ được góp nhặt trên tuần báo “Gia Đình”, qua đó cho thấy với chiến thuật khủng bố êm dịu, các chị vợ đã chiến thắng một cách khốc liệt, còn những anh chồng đã phải ngậm đắng nuốt cay, chịu thua một cách te tua thảm hại.

- Chứng từ thứ nhất là của hai người đang… cặp bồ với nhau.


Trong tiệc cưới ở nhà hàng nọ, chúng tôi cảm thấy thương và buồn cười cho anh bạn trẻ ngồi chung bàn.

Cô bạn gái của anh ta cứ luôn miệng nững nịu, bắt anh ta phải làm việc này việc nọ để phục vụ cho cô. Từ việc lấy đôi đũa ra khỏi bao giấy, đến việc lột tôm cho vào đĩa thức ăn, ngay cả cầm chiếc khăn lên lau mặt cô cũng nhờ người yêu xé hộ. Chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh tượng ấy, một anh chàng độc thân bèn chép miệng thở dài ngán ngẩm: Hết ham có người yêu.

- Chứng từ thứ hai là của một cặp vợ chồng cưới nhau hơi bị…mới.


Họ vừa mới kết hôn và cũng vừa mới qua tuần trăng mật tại Đà Lạt. Chi tiết nhỏ này cũng nói lên khá nhiều về tình trạng “kinh tế rủng rỉnh” của họ. Ấy thế mà có một cuộc chiến ngầm đang diễn ra mà kẻ bại trận lại chính là…“anh yêu”.

Nàng mới tậu được một chiếc váy lửng đồ hiệu, nhưng vòng cạp hơi bị chặt vì cái eo của nàng dạo này hơi bị phát triển. Và thế là: Anh ơi, anh đưa em đi sửa lại cái cạp váy nhé? Anh miễn cưỡng: Ừ, thôi nào đi.

Chuyện vặt này thế là cho qua.


Lại đến việc khác. Một ngày đẹp trời, nàng bảo anh đưa nàng đến cái “shop” chuyên về đồ lót phụ nữ. Anh ngần ngừ. Đàn ông đến đó ngượng chết đi được. La liệt những “quang treo” và “lá nho”. Khiếp. Nhưng chẳng để cho anh trình bày lý do ngại ngùng, “em yêu” liền đưa ngay giải pháp: Thì anh dựng xe bên đường và đứng đợi em. Cuộc chờ ấy dài bằng cả thế kỷ.

Nàng biết anh có tài rán trứng. Và thế là hôm hai vợ chồng về quê ngoại, nàng bèn khoe với mẹ rằng con rể của mẹ làm bếp rất giỏi. Tiến thoái lưỡng nan, anh đành phải ngoan ngoãn hì hục dưới bếp, chiến đấu với lửa rơm.


Ngoài ra, anh còn bị quật ngã bởi một độc chiêu khác nữa, đó là nàng luôn đóng vai hải quan, khám túi áo, khám túi quần, khám ví da. Có nghĩa là anh bị quản lý một cách chặt chẽ, không còn có một quĩ đen quĩ đỏ nào cả. Thậm chí trên điện thoại di động, anh cũng phải luôn xóa sạch những tin  nhắn lạc lõng à ơi. Nếu không thì chết. Bạn bè chê anh là hèn, nhưng anh bèn lớn tiếng thanh minh thanh nga: Tớ nể vợ chứ đâu có sợ vợ. Nể vợ khác với sợ khác chứ. Tớ không phải là loại  đàn ông mềm yếu.

- Chứng từ thứ ba là của đôi vợ chồng cưới nhau hơi bị…cũ.


Từ trên lầu đi xuống, chị õng ẹo: Alô, anh đến đón em và đi mua sắm một tí nhé… Bận hả…Vậy em đi xe ôm. Khổ ghê. Có chuyện mới nhờ. Vậy mà… Chỉ cần nghe cái điệp khúc “khổ ghê” bằng giọng giận dỗi của chị là anh lại phải “đau khổ” thi hành mệnh lệnh của chị, dù đang bận bịu đến mấy đi nữa.

Anh than thở: Nếu không, cô ấy sẽ đưa ra những biện pháp làm cho mình đứng ngồi không yên. Công việc tại văn phòng khiến anh khó có thể rời khỏi nơi làm việc trong giờ hành chánh, nhưng anh phải năn nỉ sếp, hoặc tranh thủ lúc giải lao để đáp ứng nhu cầu của chị. Mà những việc đột xuất của chị lại rất thường xuyên và hay rơi vào giờ hành chánh. Thế mới khổ cho anh. Có lẽ vì lý do trên, mặc dù gắn bó với công ty đã ba năm, mà chưa bao giờ anh được khen thưởng. Thậm chí đôi lúc anh còn bị khiển trách, không phải vì khả năng làm việc, mà vì hay vắng mặt trong giờ hành chánh ở cơ quan. Sự việc trên làm gã nhớ tới một bài thơ của Bắc Tiếu với tựa đề là “Khéo”:

- Vợ tui là khéo nhất nhà,
Rất hay sai vặt, nhưng mà sai hay.
Anh ơi, giúp em cái này,
Mang giùm cái đấy vào đây anh à….


Từ kinh nghiệm xương máu, nằm gai nếm mật, những anh chồng thâm niên phục vụ cho chị vợ đã phải cúi đầu tự thú… trước bình minh: Khi một người đàn bà yêu thương chúng tôi, thì tình yêu của người ấy đã quật ngã chúng tôi, khiến chúng tôi như bị tước đoạt hết tất cả và như bị đánh bại một cách thê thảm.

Trước sự khủng bố êm dịu của các bà vợ, gã xin mượn tạm bài thơ “Chồng ngoan” của Minh Thu thay cho lời kết:

Hầu con từ thuở còn thơ,
Hầu vợ đến thuở bạc phơ mái đầu.
Muốn cho vợ khỏi càu nhàu,
Bếp dọn sạch bếp, nhà lau sạch nhà.
Sinh nhật phải nhớ tặng quà,
Nấu ăn ngày tám tháng ba khỏi bàn….


Gã Siêu
(Linh mục Fx. Hoàng Đình Mai)
 

Tác giả: Lm Hoàng Đình Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây