Chuyện Phiếm của Gã Siêu – Lm. Hoàng Đình Mai - Bài 16 Đờn ông ... Đấu Tranh

Thứ bảy - 04/05/2024 19:21
Chuyện Phiếm của Gã Siêu – Lm. Hoàng Đình Mai  - Bài 16  Đờn ông ... Đấu Tranh
Chuyện Phiếm của Gã Siêu – Lm. Hoàng Đình Mai - Bài 16 Đờn ông ... Đấu Tranh

Chuyện Phiếm của Gã Siêu
 – Lm. Hoàng Đình Mai

GãSiêu 16: Đờn ông ... Đấu Tranh 

 

Tình cờ đọc một tờ báo, gã thấy một bài thơ hay hay của một tác giả tên là Hà Hà, bèn ghi lại GãSiêu 16


Tình cờ đọc một tờ báo, gã thấy một bài thơ hay hay của một tác giả tên là Hà Hà, bèn ghi lại, để bàn dân thiên hạ cùng đọc cho vui. Bài thơ ấy mang tựa đề “Phụ nam… ngâm khúc”:

- Trăm năm trong cõi người ta,
Ai không cưới vợ thật là đại… khôn.
Chiều về ghé quán dùng cơm,
Tối ra quán nhậu thảo thơm bạn hiền.
Khuya về lăn ngủ… như tiên,
Một mình xài hết trọn tiền kiếm ra.
Chẳng cần phải nộp cho bà,
Chẳng cần lấm lét vào ra hỏi trình.
Khi nào quần áo hôi rình,
Nước hoa xịt…xịt, thì mình lại thơm.
Khi nhà đầy những rác rơm,
Mở cho quạt thổi… tinh tươm tức thì!
Alô! Em út vu vi,
Chờ mong đến hẹn đến thì lại lên!
Lỡ mà trong túi hết tiền,
Mạnh tay ký nợ căng-tin sáng chiều.
Một mình sung suớng bao nhiêu.

Có lẽ tác giả đã nghiền ngẫm thân phận nghiệt ngã của kẻ làm chồng, để rồi viết ra cái “ngâm khúc” trên, mà tán tụng kiếp sống “phòng không”, trăm năm cô đơn của mình. Cạch cho đến già cũng chẳng dám hó hé hay tơ tưởng đến “cái ghế” làm chồng của mình nữa:

- Kiếp sau xin chớ làm chồng,
Thà làm một gốc cây thông trong rừng!!!

Gã còn nhớ có lần gã đã bàn rộng tán dài về sự hẩm hiu của cánh đờn ông con giai. Bây giờ, chỉ xin tóm tắt lại trong một vài điểm chính yếu.

- Trước hết, xã hội đã cư xử tệ bạc với anh ta, coi anh ta chẳng có một gờ ram nào trong bậc thang giá trị, bởi vì: Thứ nhất con nít, thứ hai đờn bà và thứ ba là con chó.

Cũng giống như ông bố đã tuyên bố thật hách xì xằng trước mặt cậu con giai: Thà rằng làm con chó nhà Đức Chúa Trời, còn hơn làm vương làm tướng ngoài thế gian!

- Tiếp đến, xã hội đã cư xử bất công đối với hắn. Trong khi phe đờn bà con gái được dành cho biết bao nhiêu lễ hội, để mà tôn vinh, cũng như tưởng nhớ công ơn, nào là ngày tình yêu, ngày mẹ hiền, ngày quốc tế phụ nữ, ngày phụ nữ Việt Nam… thì anh ta lại chẳng có một lễ hội nào cả.

Trong những ngày thê lương và ảm đạm ấy, anh ta chỉ biết móc cái ví vốn dĩ đã xẹp lép, mà mua quà cáp.

Anh ta mà lỡ quên, thì chắc chắn chiến tranh lạnh sẽ xảy ra, và không chừng cục diện thế giới sẽ bị lật nhào.

Ngay tại Việt Nam, chỉ thấy ông nhà nước ra rả ca tụng những bà mẹ anh hùng, mà chẳng thấy dành được một lời cỏn con nào, để tán dương những ông bố anh hùng cả.

Vì thế, thời gian đã chín mùi. Đây là lúc phe đờn ông con giai phải vùng lên mà đòi quyền sống, phải giải phóng mình khỏi gánh nặng cuộc đời, cũng như khỏi cơn ác mộng về công danh sự nghiệp, phải đấu tranh để đòi quyền được đối xử bình đẳng, ít nữa cũng phải ngang với đờn bà con gái.

Bàn về sự đấu tranh, cũng như về sự giải phóng cho phe đờn ông con giai, gã thấy có rất nhiều lãnh vực cần phải điều chỉnh lại cho hợp tình và hợp lý.

Tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của mục chuyện phiếm, gã chỉ xin đưa ra hai lãnh vực nho nhỏ mà thôi.

1 - Thứ nhất, đờn ông con giai phải được giải phóng khỏi gánh nặng của công danh và sự nghiệp.

Thực vậy, từ ngàn xưa và ngay cả cho tới ngày hôm nay, phe đờn ông con giai vốn được coi là phái khỏe, phái mạnh, cho nên phải xốc vác, phải cáng đáng những công việc ngoài xã hội.

Sống trong cuộc đời, anh đờn ông con trai đầu phải đội trời và chân phải đạp đất. Muốn xứng đáng với cái bản mặt của một đấng mày râu hay của một bậc tu mi nam tử, thì cần phải có công danh và sự nghiệp.

Quan niệm này, gã thấy nổi bật trong thơ văn của Nguyễn Công Trứ, mà hồi xưa gã đã từng phải học thuộc lòng.

Thực vậy, đã là anh đờn ông con giai, thì phải ươm mơ giấc mộng lớn và phải quyết tâm thực hiện giấc mộng lớn ấy trong cuộc đời mình, chứ không thể sống tầm thường, chịu mục nát như cỏ cây:

- Trót sinh ra thì phải có chi chi,
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu!

Đối với anh đờn ông con giai, sự nghiệp và công danh là như một món nợ cần phải dứt khóat thanh toán:

- Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.

Vì thế anh ta phải dồn mọi thời giờ, mọi công sức cho vấn đề công danh và sự nghiệp.

Đây là vấn đề “số một” đối với anh ta. Chuyện công danh sự nghiệp phải đi trước, rồi chuyện gia đình, vợ con mới bước theo sau.

Ngoài ra, trong bất kỳ xã hội nào cũng đều có một sự phân công. Chẳng hạn như trong gia đình, đã bế em thì khỏi phải rửa bát. Hay nói cách khác đã rửa bát thì khỏi phải bế em.

Cũng vậy, một khi anh đờn ông con giai đã lăn xả vào những công việc bên ngoài, đã kề vai gánh lấy trách nhiệm về phương diện xã hội, thì đương nhiên, mọi công việc trong gia đình, từ chuyện nuôi dưỡng và dạy bảo con cái, đến chuyện bếp núc và nồi niêu soong chảo, nghĩa là toàn bộ công việc “tề gia nội trợ” đều được anh ta đá sang phần đất phía đờn bà con gái.

Chẳng thế, mà bàn dân thiên hạ  đã ưu ái phong tặng  cho người vợ danh hiệu là… nội tướng!

Tuy nhiên, cùng với những năm tháng dài, thế gian đã ra khác và quan niệm trên cũng đã bị đổi thay.

Phong trào giải phóng đờn bà con gái hay cũng nói cách khác, phong trào đờn bà con gái vùng lên, đòi quyền sống đã khuyến khích chị em lăn xả vào những hoạt động xã hội, bên ngoài ngưỡng cửa gia đình.

Và các chị em cũng đã gặt hái được những thành quả to lớn, không thiếu gì những người đã làm tới tổng thống và thủ tướng, dân biểu và nghị sĩ, bộ trưởng và giám đốc này kia kia nọ.

Vậy thì chuyện gia đình sẽ phải đá sang phần đất của ai?
Chẳng lẽ lại như chim tu hú hay sao?

Thực vậy, tu hú là một loại chim  lông hơi vàng, và không biết làm tổ nên phải đẻ nhờ trong tổ quạ: Tu hú sẵn tổ mà đẻ. Sau đó, lại còn phó mặc cho quạ mẹ ấp trứng và nuôi dạy đàn con tu hú. Thành thử việc nuôi dạy này không thể nào đạt được chất lượng cao, khiến bàn dân thiên hạ đã phải phê bình: Nuôi như quạ nuôi tu hú.

Con nhà có đạo thì nhận ra bàn tay quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa qua sự việc này.

Số là tu hú được trao cho trọng trách canh giữ các khu rừng, để khỏi bị sâu bọ tàn phá.

Nếu tu hú cũng làm tổ và ấp trứng như những loài chim khác, thì rất có thể chỉ trong một thời gian ngắn sâu bọ sẽ làm cho những cánh rừng trở nên xơ xác. Vì thế, tu hú phải nhờ tới loài quạ giúp đỡ.

Cũng vậy, một khi chị đờn bà con gái đã đội mũ bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, thì đương nhiên anh đờn ông con giai phải chui đầu vào bếp, nếu muốn giữ lấy cái thế cân bằng cho gia đình khỏi sụp đổ.

Mà đã chui đầu vào bếp, thì cũng đương nhiên phải giảm bớt những công việc và trách nhiệm ngoài xã hội.

Chứ nếu phải đảm đương cả hai lãnh vực, thì e rằng ép người quá đáng, ngoài cả sức tưởng tượng, anh đờn ông con giai chắc chắn sẽ không chịu đựng nổi, chỉ còn nước thở hắt ra mà chết.

Tuy nhiên, có rất nhiều chị đờn bà hơi bị tham lam, muốn anh chồng của mình phải được cả danh lẫn lợi, nghĩa là vừa có địa vị cao ngoài xã hội, được mọi người nể trọng, lại vừa kiếm được lắm của nhiều tiền, mang về nuôi sống vợ con:

- Chàng đi cho thiếp đi cùng,
Ấm no thiếp ở, cơ hàn thiếp… lui.

Thế nhưng, một khi anh ta đã “tung cánh chim tìm về tổ ấm”, nghĩa là đã bước vào ngưỡng cửa nhà mình và trở về với vợ con, thì anh ta phải để cho chị vợ toàn quyền xử dụng và sai bảo theo kiểu một bài thơ của Bắc Tiếu:

- Vợ tui là khéo nhất nhà,
Rất hay sai vặt, nhưng mà sai hay.
Anh ơi giúp em tí này,
Mang hộ cái đấy vào đây anh à!

Cách đây khoảng 15 năm, một tờ báo bên Nước Anh mở một cuộc thi tuyển có tên là “Người chồng gương mẫu nhất nước”. Kết quả là ông John Lavangham đã dành được cái tước hiệu này. 

Không ai phàn nàn về sự tuyển lựa này, vì mỗi sáng, ông đều mang cà phê vào tận giường cho vợ. Giúp vợ rửa chén bát, đi chợ giùm vợ và nếu có chuyện gì vợ lên tiếng mắng chửi thì ông không bao giờ hé môi nói lại nửa lời.

Chỉ có thế, cũng đủ khiến cho ông hạ đo ván 569 đối thủ khác ngon lành.

Ngoài tước hiệu “Người chồng gương mẫu nhất nước” ông còn được một giải thưởng bằng Anh kim, tương đương 570,000 đô la Mỹ.

Thế nhưng oái oăm thay, vừa lãnh tiền xong thì ông đã điện thoại cho một vị luật sư giỏi, để làm một lá đơn ly dị vợ.

Sở dĩ như vậy, vì ông ta đã sống 16 năm trời trong áp bức, khổ sở, mà hôm nay ông mới hy vọng thoát ra khỏi đó.

Thành thử theo gã nghĩ, cái thế trung dung vẫn là cái thế cần phải được áp dụng. Nghĩa là cả vợ lẫn chồng, cả đờn bà lẫn đờn ông đều phải chia sẻ trách nhiệm chăm lo cho gia đình, cũng như phải tham gia những hoạt động ngoài xã hội.

Điều cần thiết là đừng quá chú trọng bên này và coi thường bên kia, hay dành cho bên này trọn vẹn thời giờ để rồi chểnh mảng và nhếch nhác đối với bên kia, bởi vì:

Phàm cái gì thái quá cũng đều bất cập.

Chính trong chiều hướng ấy, tác giả Trịnh Trung Hòa, trong một bài đăng trên báo “Kiến Thức Ngày Nay”, đã viết như sau:

“Có thể nói, với đàn ông hiện đại, sự nghiệp và gia đình quan trọng như nhau.

Thành công trong sự nghiệp, mà gia đình không ấm êm hạnh phúc, thậm chí tan vỡ, mỗi người một nơi, con cái ly tán, thì như thế cùng lắm mới chỉ thành công một nửa.

Vì thế, theo quan niệm mới, gia đình hạnh phúc là một trong hai mục tiêu chính của đời người đàn ông, là thành công quan trọng không kém gì sự nghiệp.

Chỉ như thế, đàn ông mới dành thời gian công sức cho gia đình, tạo điều kiện cho vợ tham gia công việc xã hội.

Không những thế, nỗ lực xây dựng một gia đình hạnh phúc và phấn đấu để có một sự nghiệp, phải được coi như hai quá trình tương hỗ, được tiến hành song song, cái nọ thúc đẩy cái kia, chứ không đối nghịch nhau, triệt tiêu nhau như nhiều người lầm tưởng”.

*****

2- Thứ hai, đờn ông con giai phải kiên quyết đấu tranh đòi cho mình quyền được đối xử bình đẳng, ngang hàng với đờn bà con gái

Không phải chỉ trong lãnh vực lễ hội, mà hầu như trong mọi lãnh vực, phe đờn bà con gái luôn được ca tụng.

Nào văn chương, nào hội họa, nào điện ảnh. Làm sao kể ra cho hết những tác phẩm nghệ thuật đề cao hình ảnh người mẹ, người vợ, người chị, người em gái.

Còn những tác phẩm đề cao hình ảnh người cha, người chồng, người anh thì thật là họa hiếm, lơ thơ như tơ liễu buông mành.

Gã rất lấy làm tâm đắc với một vài nhận xét của tác giả Trịnh Trung Hòa trên báo Kiến Thức Ngày Nay, và xin mượn tạm để rồi dựa vào đó, mà bàn rộng, bàn dài cho thỏa chí toại lòng.

Hình như bàn dân thiên hạ không tiếc lời ngợi khen đối với phe đờn bà con gái, nhưng lại rất hà tiện đến độ sẻn so đối với cánh đờn ông con giai. Quả là bất công hết chỗ nói.

Và đau hơn nữa, những kẻ to miệng hơn cả lại thuộc cánh đờn ông con giai. Đúng là đâm sau lưng chiến sĩ.

Dĩ nhiên gã cũng rất ủng hộ việc ca tụng và ngợi khen những người mẹ và  những người vợ đã giãi nắng dầm mưa, một sương hai nắng vì chồng vì con.

Thậm chí cả những người chị đã cam chịu số kiếp cô đơn  để  nuôi dạy đàn em nên người, khi cha mẹ chẳng may mất sớm.

Thế nhưng, bàn dân thiên hạ cũng cần phải mở to đôi mắt để nhìn nhận, rồi lên tiếng ca tụng và ngợi khen những  gian khổ và mệt mỏi, những đắng cay và chua xót của người cha và người chồng.

Không thiếu gì những người cha đã can đảm chấp nhận cảnh gà trống nuôi con, theo đúng bài bổn  “hy sinh đời bố, để củng cố đời con”.

Và những hy sinh to lớn này, cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm chứ.

Không thể chỉ nói tới nỗi khổ của đờn bà con gái, mà quên béng nỗi khổ của đờn ông con giai, bởi rất nhiều khi họ cũng xất bất xang bang vì vợ vì con.

Nếu chị vợ bực bội trước thói rượu chè và đèo bòng bồ nhí của anh chồng, thì anh chồng cũng bực bội không kém trước tật ghen bóng ghen gió và tiêu xài vung vít theo kiểu con nhà lính, tính nhà quan của chị vợ.

Không thể chỉ nói tới những khó khăn của đờn bà con gái, mà lờ tít những khó khăn của đờn ông con giai, bởi rất nhiều lần họ cũng ba chìm bảy nổi và chín cái lênh đênh vì vợ vì con. Gã cảm thấy Thiên Chúa thật công bằng trong lãnh vực này.

*****

Thực vậy, sách Sáng Thế Ký kể lại rằng:

Sau khi hai ông bà nguyên tổ là Adong Eva phản bội cùng Thiên Chúa, bằng cách giơ tay ngắt trái cấm mà ăn, thì Ngài đã hiện ra và công bố án phạt:

- Với Eva, Ngài phán: Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.

- Với Adong, Ngài phán: Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng ngươi đừng ăn nó, nên đất đai sẽ bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.

Gã rất lấy làm tâm phục khẩu phục sự phân minh của Thiên Chúa.

Nếu chị vợ phải mang nặng đẻ đau, thì anh chồng cũng phải đầu tắt mặt tối mới tìm được chén cơm manh áo.

Thật đúng với một câu nói đã được xếp vào hàng “ranh ngôn”:

Phía sau hình ảnh của một chị đờn bà chưng diện là bóng dáng của một anh đờn ông đang… kéo cày, nhễ nhãi đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Một trong những vấn đề nổi cộm đang được mọi người chú trọng tới trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đó là vấn đề bạo lực trong gia đình. Có những anh chồng nổi tiếng là vũ phu, đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay, sút gọn chị vợ vào góc tủ như đá trái banh lọt tỏm vào cầu môn, hay đánh đập chị vợ đến thâm tím cả mặt mày. Những trường hợp trên cần được xử lý nghiêm khắc.

Thấy hai anh chồng cũng thuộc vào hàng cục mịch, suốt ngày chỉ tìm cách gây sự để mà đánh vợ.

Ông hàng xóm bèn tìm cách khuyên nhủ:

- Với anh chồng thứ nhất, ông ta nói: Đờn bà con gái là phái yếu, ta không nên đánh đập họ. Và nếu cần phải đánh ,thì hãy dùng cành hoa mà đánh.

Và anh chồng thứ nhất đã trả lời: Chẳng cần phải hoa với hoét, tôi cứ dùng ngay cái búa tạ mà phang là xong tuốt.

- Với anh chồng thứ hai, ông ta nói: Đờn bà con gái là những bông hồng, ta không nên vùi dập họ.

Và anh chồng thứ hai đã trả lời: Tôi đâu có vùi dập họ, mà chỉ bẻ bớt những gai nhọn của bông hồng nhà tôi mà thôi.

Thế nhưng, dường như bàn dân thiên hạ chỉ nhìn thấy những vết bầm tím, nghĩa là chỉ nhìn thấy sự bạo hành ngoài thân xác, mà anh chồng đã ưu ái ghi lại cho chị vợ, mà lại chẳng bao giờ nhìn thấy những “vết thương lòng đang rỉ máu”, nghĩa là chẳng bao giờ nhìn thấy sự bạo hành trong tinh thần, mà chị vợ đã tức tối mang đến cho anh chồng.

Chị vợ có thể thực hiện sự bạo hành trong tinh thần đối với anh chồng bằng những lời lẽ từ cay nghiệt đến độc ác, bằng những thái độ cư xử từ lạnh lùng đến tàn tệ. Mỗi lời nói và mỗi thái độ cư xử như thế chẳng khác gì một lưỡi lam khía vào trái tim anh chồng. Những vết thương rỉ máu trong cõi lòng cũng đau đớn không kém, và thậm chí nhiều khi còn đau đớn hơn cả những bầm tím ngoài thân xác.

Gã xin kể lại một trường hợp điển hình đã được tăng tải trên tuần báo “Gia Đình” như sau:

“Phát hiện ra anh chồng có bồ nhí, chị vợ đã rình bắt quả tang, rồi đánh ghen ầm  ĩ và tìm mọi cách để giành lại chồng.

Thế nhưng, khi anh chồng quay về, thì cũng chị vợ là người đẩy anh chồng xa lìa tổ ấm một cách bất đắc dĩ.

Chị vợ quá cố chấp và luôn soi mói, nghi ngờ anh chồng. Chị vợ yêu cầu anh chồng không được giao du với bạn bè khác giới “kẻo ngựa lại quen đường cũ, sa ngã lúc nào không hay”.

Chị vợ còn kiểm soát chặt chẽ tiền lương và thời gian làm việc của anh chồng. Anh ta đi đâu mà về muộn là lập tức bị lục vấn, tra khảo căn kẽ và chưa kịp nghe lời giải thích, chị vợ đã gán luôn cho anh ta cái tội “hú hí với con nào”.

Mỗi lần vợ chồng giận nhau, thì chị vợ bèn nhắc lại chuyện phản bội này  ngay cả trước mặt con cái và nguyền rủa anh chồng là “thằng chồng thiếu chung thủy, là đồ tồi, là tên ba lăng nhăng…”

Anh chồng chán đờ,i vì muốn đem tất cả thiện chí của mình để chuộc lỗi lầm mà cũng không xong. Tuyệt vọng, anh la cà quán xá với bè bạn, không muốn trở về ngôi nhà lúc nào cũng bao phủ không khí ngột ngạt, não nề”. Rồi sự gì phải đến ắt sẽ đến. Và họ đã chia lìa nhau.

Ngoài ra, lại còn một sự bất công khác nữa, đó là khi đờn bà con gái và nhất là chị vợ chẳng may bị bạo hành, chẳng may bị ngược đãi, thì họ có thể báo cảnh sát và lập tức mấy “thầy phú lít” đến can thiệp liền tù tì.

Họ cũng có thể vác đơn trình ba tòa quan lớn mà kiện.

Và những vị quan tòa “chí tư vô công” này dường như lúc nào cũng sẵn sàng bênh vực, và ủng hộ cho họ.

Nếu tình huống xấu nhất xảy ra như chuyện tan đàn xẻ nghé, thì họ cũng được thừa hưởng chí ít là 50% tài sản.

Ngược lại, khi đờn ông con giai và nhất là anh chồng chẳng may bị bạo hành, chẳng may bị ngược đãi thì biết làm sao bây giờ. Nói ra thì chẳng ai thèm tin. Muốn báo thì báo ở đâu? Muốn kiện thì kiện ở đâu? Người ta chẳng cười vào mũi cho ấy. Mà nếu có kiện thì cũng mất cả chì lẫn chài, không chừng còn bị thân bại danh liệt nữa là đàng khác.

Thôi thì hãy mau mắn lắng nghe theo lời xúi dại sau đây của gã:

Hỡi tất cả đờn ông con giai, hãy đoàn kết lại. Ta phải đấu tranh. Ta phải giải phóng mình khỏi gông cùm xiềng xích. Cho dù đó chỉ là những gông cùm êm ái và những xiềng xích nhẹ nhàng.

Gã Siêu

--------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây