Qua những tin tức về sinh hoạt của các cộng đồng người Việt, gã rất mừng vì những thành công mà người mình đã gặt hái được nơi đất lạ quê người.
1. Thứ nhất là những thành công trên con đường học vấn.
Gã rất mừng vì có những bà già trầu, nếu như ở Việt Nam, thì chỉ biết cái xó bếp nhà mình, cả đời chẳng hiểu có được một lần ra thành phố hay không, thế mà giờ đây cũng ti toe dăm ba câu tiếng Mỹ, tiếng Ăng lê, nào là con cá này nặng mấy “pao”, nào là chiếc đò này dài mấy “phít”, rồi cũng “hai”, giơ tay bắt khi gặp nhau và “bai” vẫy tay chào khi rời nhau, khiến cho gã vô cùng cảm phục.
Gã rất mừng vì có những thằng bạn, nếu như ở Việt Nam, thì cũng chỉ là dân “cu trâu” suốt ngày chỉ biết đến thửa ruộng và ca bản “con trâu đi trước cái cày theo sau”, có bửa đầu ra cũng chẳng thấy được một nửa tiếng OK hay Yes. Nếu ông trời có đãi ngộ và số phận có mỉm cười, chui lên được thành phố, thì cũng chỉ là dân cu li cu leo.
Thế mà bây giờ chúng nghiễm nhiên trở thành kỹ sư điện tử, chuyên viên máy móc. Thận chí có anh, khi công ti giảm biên chế, rút bớt nhân viên, thì anh không những chẳng bị loại trừ để ăn lương thất nghiệp, mà còn được tăng lương, tăng cổ phần, vì công ti sợ anh đi làm chỗ khác.
Gã rất mừng vì có những sinh viên học sinh Việt Nam ở nước ngoài đạt thành tích cao trong những cuộc thi quốc tế, thậm chí có những sinh viên học sinh được chính tổng thống nước Mỹ khen tặng. Phải chăng đây cũng là một niềm vinh hạnh cho đất nước.
Biết đâu trong một thời gian gần đây, những sinh viên học sinh này sẽ trở về để phục vụ cho quê hương.
Biết đâu mấy chục năm nữa, những sinh viên học sinh này sẽ trở thành dân biểu, nghị sĩ và cũng biết đâu chừng là tổng thống của một đất nước hùng mạnh, như Kennedy, tổng thống Hoa kỳ, vốn là dân Mỹ gốc Ái nhĩ lan… Phải, biết đâu cũng sẽ có một tổng thống Hoa kỳ, là dân Mỹ gốc Việt. Nghĩ tới đây, gã cảm thấy vô cùng hồ hởi và niềm kiêu hãnh của dân tộc nổi lên đùng đùng.
*****
Tuy nhiên, cho đến bây giờ gã vẫn còn nhớ lời phát biểu của một ông giáo sư ngoại quốc về những sinh viên Việt Nam ở Saigon trước năm 1975.
Lời phát biểu ấy như thế này:
Sinh viên Việt Nam rất thông minh. Nếu một sinh viên Việt Nam chọi với một sinh viên ngoại quốc, dù là nước Nhật, nước Mỹ, nước Đức hay nước Pháp… thì sinh viên Việt Nam cũng chẳng hề phải kiêng nể.
Nhưng nếu một nhóm sinh viên Việt Nam chọi với một nhóm sinh viên ngoại quốc thì họ sẽ thua xa.
Sở dĩ như vậy vì họ không biết cộng tác, không biết làm việc chung với nhau.
Phải chăng sự chia rẽ là một căn bệnh trầm trọng trong những cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài.
Những chuyên viên Việt Nam ở nước ngoài. Quả thực đây là một kho tàng “chất xám” vô giá, nếu như nhà nước ta biết lợi dụng, thì sẽ đem lại cho quê hương một tương lai tươi sáng.
Gã thử làm một phép tính: Gửi một thanh niên du học, từ lúc bước chân ra đi cho đến lúc thành tài, nhà nước và gia đình phải tốn biết bao nhiêu công sức và tiền của, thế mà cái “kho tàng chất xám” này như một quà tặng từ trên trời rơi xuống, có nằm mơ cũng chẳng thấy được. Bỏ qua, không tạo điều kiện cho họ trở về phục vụ thì quả là một lãng phí to lớn.
2. Thứ hai là những thành công trong công việc làm ăn.
Gã rất mừng vì đa số người Việt Nam đã ăn nên làm ra ở nước ngoài. Khởi đầu từ một con số không khi đặt chân tới miền đất lạ, thế mà giờ đây họ đã có được một cơ ngơi bề thế. Nào là con cái được học hành đến nơi đến chốn, nào là nhà riêng, nào là xe riêng… sở dĩ như vậy vì họ là những người cần cù siêng năng, lại lắm sáng kiến.
Nhiều người sẵn sàng “kéo cày” ngoài giờ lao động, để được hưởng tiền lương cao.
Cộng thêm vào đó là tính tiết kiệm trong chi tiêu, nên họ phất lên trông thấy và mỗi ngày một thêm khấm khớ, khiến cho thiên hạ phát thèm rỏ dãi.
Gã cũng rất mừng vì những người ngoài nước đã không quên, mà còn nghĩ tới những người trong nước, bằng cách gửi quà hay tiền về để giúp đỡ, như cha ông chúng ta ngày trước đã dạy:
- Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Thực vậy, cho đến bây giờ người ta vẫn không thể làm được một thống kê đầy đủ cho biết mỗi năm đã có bao nhiêu triệu đồng đô la được các Việt kiều gửi hay đem về giúp đỡ cho thân nhân tại quê nhà, bởi vì có rất nhiều cách thức gửi: gửi qua ngân hàng, gửi qua những cơ quan chính thức được nhà nước cho phép, gửi qua những Việt kiều về nước, gửi chui qua những tổ chức tư nhân… Những cách thức sau này thì làm sao nhà nước có thể nắm vững được mà lên bản thống kê.
Thế nhưng, dù gửi bằng cách nào chăng nữa, thì những đồng đô la ấy vẫn có thể được gọi là những đồng đô la nhân nghĩa, vì chúng đã được rót vào đất nước Việt Nam, giúp đỡ những gia đình Việt Nam và được chính những người Việt Nam tiêu dùng để cải thiện và nâng cao đời sống.
Đây cũng lại là một thứ quà tặng từ trên trời rơi xuống, chẳng phải lao động mệt mỏi, chẳng phải vật vả đầu tư mà cũng có được một số vốn bằng ngoại tệ kha khá để làm giàu và làm đẹp cho xứ sở.
Thời gian đầu, thiên hạ thường gửi về những thùng hàng. Thế nhưng, gửi hàng về vừa cồng kềnh, lại vừa phức tạp, nên dần dần thiên hạ bắt đầu chuyển hệ, gửi tiền về vừa gọn nhẹ, vừa kín đáo lại vừa có thể xử dụng được ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Thực vậy, nhiều lần mấy thằng bạn đã viết thư cho gã và bảo: Mi cần gì thì cho biết, ta sẽ gửi về cho.
Và gã đã phải mỉm cười, rủa thầm trong bụng, chứ không dám viết thành chữ hay nói thành lời thành tiếng mà rằng:
Ngu chi ngu lạ, đô la ai mà chẳng cần. Mi cứ thử gửi cho ta mấy chục bạc lẻ xem ta có nỡ lòng nào mà từ chối hay không ?
Lại nữa, không phải chỉ ở Việt Nam, mà còn ở khắp nơi trên thế giới, đi tới đâu chúng ta cũng đều nghe thấy vang vọng một điệp khúc: Em chỉ thích bản nhạc có hai nốt đô và la mà thôi.
Bàn về chuyện nhận đô la của những người thân gửi về, gã đã ky cóp tích lũy được những mẩu chuyện vui vui.
Thỉnh thoảng vào những buổi trưa hè oi ả, đang mơ màng với giấc ngủ nặng nề, mồ hôi mồ kê vãi ra nhễ nhại, thì bỗng một kẻ lạ hoắc bước chân vào nhà. Kẻ lạ ấy có thể là đờn ông, mà cũng có thể là đờn bà, có thể là thanh niên mà cũng có thể là thiếu nữ. Kẻ lạ ấy mắt trước mắt sau, vội vã hỏi một vài câu vắn gọn: Ông có ai quen ở bên Mỹ hay không ? Tên gì ? Bang nào ? Vui lòng cho mượn chứng minh nhân dân. Rồi kẻ lạ đưa một mẩu giấy chỉ to bằng hai đầu ngón tay và nói:
Phiền ông hãy ghi là mình đã nhận đủ số tiền bằng này. Rồi ký tên.
Nếu có nhắn gửi gì cho người bên đó thì cứ việc ghi thêm vào.
Sau đó, kẻ lạ mặt trao tiền, rồi vội vã ra đi như khi đã đến, không dám uống cả một ly nước, hay một ly cà phê… vì sợ bị bỏ thuốc mê và bị trấn lột.
Thuở bấy giờ, ở những nơi khỉ ho cò gáy như nơi gã cắm dùi, thì làm gì được ông bưu điện ghé mắt nhìn tới.
Để liên hệ, gã đành phải mượn địa chỉ của một người ở trên tỉnh. Ngày kia gã được người ấy nhắn lên để lĩnh tiền.
Người ấy bảo: Số tiền này từ bên Úc gửi về, mà mình chẳng có ai thân ở bên đó cả, nên chắc là của chú mày đấy. Thôi, cứ cầm về xài đỡ.
Nhận xấp tiền mà cứ băn khoăn thắc thỏm: Sao mấy đứa bên Úc gửi mà chẳng báo.
Thôi, kệ bà nó, tới đâu hay tới đó. Tiền đến tay ta, ta cứ việc…thoải mái.
Và thế là mùa xuân năm ấy, gã đã có được một cái tết tưng bừng khói lửa. Tiền lì xì cho bọn nhóc cũng được tăng lên gấp đôi, gấp ba…
Nhưng rồi ngày vui qua mau, sau tết, người ấy bèn triệu gã lên mà phán:
Xin lỗi chú mày nhé, số tiền hôm trước chẳng phải của chú mày đâu, mà là của thiên hạ.
Bây giờ mình mới nhận được thư báo. Vậy cảm phiền chú mày hãy mau mau hoàn trả lại số tiền ấy để rồi mình còn trao cho họ nhé.
Ké nhờ địa chỉ của người khác cũng lắm cái nhiêu khê và phức tạp. Vì thế, khi bầu không khí đã thoáng đãng, không còn ngột ngạt nữa, gã bèn đăng ký một hộp thư ngoài huyện.
Có hộp thư riêng, gã liền được thiên hạ chiếu cố nhờ vả. Và khi cho mượn địa chỉ đôi lúc cũng xảy ra những chuyện hơi bị phiền.
Có lần vào ngày hai mươi chín tết, gã nhận được điện tín với nội dụng: Mời ông lên địa chỉ số…. để lãnh tiền.
Nhận được bức điện này, gã vội vã khăn gói quả mướp đi ngày đi đêm để lên thành phố vì đã cận tết lắm rồi.
Thế nhưng lúc nhận tiền thì mới vỡ lẽ tiền không phải là của mình, nhưng là của người này người nọ, mà thiên hạ nhờ mình chuyển hộ.
Và như thế, khi đi thì vui mừng hồ hởi vẽ ra trong đầu óc một cái tết huy hoàng, còn khi về thì tiu nghỉu, ai hỏi cũng chẳng buồn thưa. Tới nhà thì mệt phờ râu cá chốt. Tắm rửa qua quít rồi giao hàng.
Chủ nhân có lẽ vì bận rộn với những công việc dọn dẹp nhà cửa vào chiều ba mươi tết, nên rất vui vẻ cám ơn, mà quên béng mất những sự rất… đời thường còn lại. Và thế là gã cũng phải tự an ủi: Việc đâu còn đó, cứ để cho thiên hạ vui vẻ cái đã. Sau tết mình sẽ tính toán lại cũng chưa muộn cơ mà.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn mà công nhận rằng: Nhờ những đồng đô la được rót về, nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo túng khố rách áo ôm.
Thực vậy, nhờ những đồng đô la nhân nghĩa này, nhà cửa được xây dựng lại cho mới. Nhờ những đồng đô la nhân nghĩa này, cha mẹ già được chăm sóc hẳn hoi, những người thân yêu được ăn mặc tươm tất và xấp nhỏ được học hành đến nơi đến chốn. Nhờ những đồng đô la nhân nghĩa này, cuộc sống được cải thiện.
Có mấy cán bộ gặp một linh mục và hỏi: Tại sao xứ của linh mục không được phát triển như những xứ khác, vì con số nhà xây lại còn ít.
Và linh mục này đã thẳng thừng trả lời: Hiện nay tại Việt Nam, xứ nào có nhiều Việt kiều, thì xứ ấy giàu và liên tục phát triển.
Hồi năm 1978, tôi đã nghe các ông, không ngừng khuyên nhủ giáo dân hãy ở lại để xây dựng quê hương đất nước. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình đã dại. Giá như hồi đó, tôi cứ nhắm mắt làm ngơ cho họ vượt biên, thì bây giờ xứ tôi đâu có còn những mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo.
Gã xin khẩu phục tâm phục vị linh mục đã bạo mồm bạo miệng dám nói thẳng và nói thực.
Gã cũng xin khẩu phục tâm phục khi đọc thấy trên những tờ báo Công giáo ở nước ngoài như Mục vụ, Dân Chúa, Đức Mẹ hằng cứu giúp… có khoản kêu gọi yểm trợ cho những giáo xứ nghèo, hay những tổ chức từ thiện tại quê nhà.
Và gã càng xin khẩu phục tâm phục hơn nữa khi thấy có những Việt kiều lúc về nước, mặc dầu thời gian ít ỏi, cũng đã cất công lặn lội đến những trại cùi để trao tận tay số tiền của mình hay của một số người chắt chiu dành dụm mà giúp đỡ. Xin đa tạ và bái phục.
Đồng đô la hiện thời rất có giá, nên khi cầm đô la về nước, những Việt kiều không phải chỉ giúp đỡ cho thân nhân của mình, mà hơn thế nữa, chính bản thân họ cũng được nhiều lợi ích.
Thực vậy, giá cả sinh hoạt ở Việt Nam tương đối rẻ, nên tha hồ tiêu xài rủng rỉnh.
Có những Việt kiều đã về nước để sửa lại sắc đẹp, để may sắm áo quần… Có những Việt kiều đã về nước để cưới vợ, để hưu dưỡng và không chừng để chết trên vùng đất thân yêu. Vì tất cả đều rẻ hơn so với bên đó.
Đồng tiền nếu biết sử dụng họp tình và hợp lý, thì sẽ trở thành một người bạn, giúp chúng ta làm được nhiều việc tốt lành, nhưng nếu qua đam mê chạy theo nó, thì nó sẽ trở thành một ông chủ hà khắc, khả dĩ giết chết những tình cảm tốt đẹp nhất của chúng ta.