Chuyện một người con chọn mẹ để sinh ra - Chuyện Minh Họa Tin Mừmg - Sách 7

Thứ bảy - 23/12/2023 23:49
Chuyện một người con chọn mẹ để sinh ra - Chuyện Minh Họa Tin Mừmg - Sách 7
Chuyện một người con chọn mẹ để sinh ra - Chuyện Minh Họa Tin Mừmg - Sách 7
Lm. Phêrô NguyễnVăn Mễn
(sưu tầm)


Chuyện một người con
chọn mẹ để sinh ra


Nguồn:
https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/ 

---------------------------------

*** Đọc các bài của Lm. Mễn:
1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71;
2. Vào Internet: Youtube, Google, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, Cha Mễn kể chuyện, hoặc linh mục Mễn
3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com
5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165

**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)

**** Lạy  Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.


---------------------------------

Mục Lục:
Bài 1: Các môn đệ Chúa nhìn Chúa ra ma. 2
Bài 2: Chuyện dí dỏm của em bé mua hàng ở tiệm tạp hóa. 6
Bài 3: Sự kiện Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bị ám sát 8
Bài 4: Chuyện mất và được, một vòng quay lẫn quẫn. 13
Bài 5: Đố bạn biết: Trên đời này, sợi dây gì dài nhất 16
Bài 6: Chuyện hiến tặng trái tim để cứu sống kẻ thù. 21
Bài 7: Số may mắn của ông Earl Hamilton. 24
Bài 8: Một cảm nghiệm gặp gỡ Chúa của một đảng viên Cộng Sản. 27
Bài 9: Chuyện con chó sói làm thầy lang. 31
Bài 10: Vấn đề Mặc Y Phục Lễ Cưới 33
Bài 11: Hãy trả về cho Thiên Chúa hình ảnh của Ngài 35
Bài 12: Lý do đơn giản để tin Chúa Giêsu là có thật 38
Bài 13: Chuyện Nữ hoàng Shaba thử tài vua Salomon. 41
Bài 14: Một lễ thành hôn có một không hai 43
Bài 15: Chuyện ông Adong và bà Evà, sau khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. 50
Bài 16: Chuyện một người con chọn mẹ để sinh ra. 53

----------------------------


 

Bài 1: Các môn đệ Chúa nhìn Chúa ra ma

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 113
Thường Niên 19A


Bạn thân mến,

Các môn đệ Chúa nhìn Chúa ra ma!

Đây không phải là chuyện bá láp hay tưởng tượng đâu, mà là chuyện có thật và đã được Thánh Kinh thuật lại. 

Qua trích đoạn Tin Mừng của Mátthêu và Luca, thì ít nhất là có hai lần các môn đệ của Chúa đã nhìn Chúa mà cứ tưởng là ma.

1- Trong Tin Mừng theo Mátthêu (Mt 14:21-33), các môn đệ Chúa đã tưởng Chúa là ma, khi Chúa Giêsu đã sống lại, hiện đến với các ông trên mặt biển.

2- Và trong Luca (Lc 24:37), các môn đệ Chúa đã hoảng hốt tưởng Ngài là ma, khi các ông đang tụ họp và chăm chú nghe hai môn đệ vừa từ làng Emmau về, tường thuật việc Chúa hiện ra và  đã nhận ra Chúa lúc bẻ bánh.

*****

Vậy, đâu là lý do khiến các môn đệ nhìn thầy của mình, mà lại cứ tưởng là ma?

Đọc kỹ trích đoạn Tin Mừng của Mátthêu và Luca, ta thấy rằng: sở dĩ các môn đệ nhìn Chúa thành ma, là vì:

- Các ông đang phải lao đao, vất vả và chống chọi với sóng gió biển khơi.
- Và vì các ông đã để mình lạc mất niềm tin.

Đây cũng là những gì, mà các Kitô hữu chúng ta hôm nay đang gặp phải, và cũng sẽ như các môn đệ xưa kia, khiến chúng ta nhìn Chúa thành ma.

Thật vậy, trong biển đời đầy sóng gió và thử thách này, đã nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta đã để cho lòng mình bị xôn xao, lo lắng và sợ hãi, đến độ không nhận ra Chúa nữa, mặc dầu Ngài đang ở bên cạnh ta, đồng hành với ta giữa những biến cố đầy sóng gió của cuộc đời.

Thế nhưng lạy Chúa, Chúa đang ở đâu, giữa những đau thương như thế này: Mất vợ, mất chồng, mất con, mất nhà, mất việc…. Chúa đã ở đâu giữa những tai bay, vạ gió; giữa những ốm đau, bệnh tật; giữa những bất công chồng chất, mà người ta đổ lên đầu con… khi mà nước mắt con hằng ngày đổ ra tràn trụa, vì phải gánh chịu những nghiệt ngã, đau thương như thế. 

Trước mắt con, và đối với con, những thứ đó là gì, nếu không phải là ma quỉ, là những điều khốn nạn nhất, mà con rất sợ hãi và muốn trốn tránh. Như vậy thì làm sao con lại dám bảo, đó là Chúa ?

Rồi cũng như các tông đồ và môn đệ đang họp nhau, vừa vui, vừa sợ, khi nghe Clêopha và bạn mình mới từ làng Emmau trở về cho hay: họ vừa gặp Chúa, đã nghe Chúa nói, và đã thấy Chúa bẻ bánh…

Nhưng rồi, bỗng Chúa lại xuất hiện, đứng giữa các ông. Thế thì các ông lại không sợ hãi, lại không tưởng là ma sao được ? Bởi các ông đã đánh mất niềm tin:  Bởi các ông đã biết chắc là Chúa đã chết rồi. Người ta đã đóng đinh Ngài và Ngài đã được chôn trong mồ, khoét sâu trong núi đá.

Tất cả niềm tin, tất cả hy vọng giờ đây đã sụp đổ rồi, thì việc Chúa thình lình xuất hiện ở giữa các ông, nếu không phải là ma, thì còn là gì nữa ?

*****

Những thử thách trong cuộc đời và sự đánh mất niềm tin, đó là hai lý do khiến cho các tông đồ và các môn đệ Chúa nhìn Chúa thành ma.

Và đó cũng là những lý do khiến chính chúng ta nhìn Chúa và cũng tưởng Chúa là ma.

Nhưng nếu Chúa mà nhìn thành ma, thì ngược lại, ma có thể nào nhìn giống Chúa không?!

Thưa có!

Nhìn ma thành Chúa, đang được phản ảnh qua những lối sống, qua những cách suy nghĩ, qua những lối nhìn, và lối sống của con người thời đại hôm nay.

Suy nghĩ, sống và hành động theo triết lý “tương đối”, một triết lý, mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã bỏ ra bao công sức để giải thích và để giúp cho con người thoát khỏi vòng ảnh hưởng của nó.

Bởi vì, với lối cảm nhận và tầm nhìn này, sự lành, sự thiện, nhân đức cũng đồng nghĩa với sự dữ, xấu xa và tội lỗi.

Hoặc ngược lại, sự dữ, sự xấu xa và tội lỗi, cũng được nhìn và được đánh giá giống như việc lành, việc thiện, và nhân đức.

Chúng ta thử nhìn vào thế giới hôm nay:

- Ly thân, ly dị, đồng tính, hôn nhân đồng tính, phá thai… đang trở thành đồng nghĩa với hạnh phúc hôn nhân, hạnh phúc ái tình, và hạnh phúc của tự do chọn lựa.

Cũng thế, gian dâm, trộm cướp, giết người, khủng bố, chiến tranh, bạo loạn… cũng đồng nghĩa với thành công, quyền lực, và chiến thắng.

Đó là lối suy nghĩ, lối nhìn, và lối sống “cứu cánh biện, minh cho hành động” của nhân loại ngày nay.

Và bởi vì thế, mà thiện và ác, chính và tà, đạo đức và vô đạo… đang nở rộ trên cánh đồng nhân loại, và trên biển trần đầy sóng gió.

Những điều này đang làm cho cặp mắt tâm linh của nhiều người trở nên bệnh hoạn, mù lòa và không thể phân biệt đâu là Chúa và đâu là ma.

*****

Vậy để sửa lại tầm nhìn, và để cặp mắt tâm linh của chúng ta nhìn ra và phân biệt được đâu là Chúa và đâu là ma, thì tôi phải làm gì đây ?

- Trong mọi khốn khó cuộc đời, trong mọi lo toan cuộc sống… thì hãy làm như Phêrô lúc sắp chìm xuống lòng biển, chúng ta cũng phải giơ tay ra, nhìn lên Chúa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy xin cứu con” (Mt 14:30).

Chỉ trong cách sống ấy, chúng ta mới nhận ra Chúa, mặc dù Ngài có đi trên biển mà đến với chúng ta. Tức là mặc dù Ngài có đến với chúng ta dưới bất cứ hình thức nào, thì chúng ta cũng vẫn nhận ra Ngài.

Ngược lại, nếu chỉ nhìn vào mình, và nếu chỉ nhìn xuống dưới chân mình, tức là tìm mình và dùng khả năng của chính mình, để bước đi trên biển đời, thì những lúc ấy, dù Chúa có đứng ngay trước mắt, chúng ta cũng vẫn không thể nào nhận ra Ngài.

- Trong mọi thử thách cuộc đời, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không được để cho mình mất niềm tin. Bởi Chúa đã nói với các môn đệ, khi các ông hốt hoảng, tưởng Ngài là ma như sau:

Tại sao các con nghĩ như vậy? Hãy nhìn xem tay chân Thầy. Chính Thầy đây. Hãy sờ xem, ma làm gì có xương thịt(Lc 24:39).

“Ma làm gì có xương thịt”.

Chúa Giêsu đã cho tôi một ý niệm rõ ràng, để vững tin vào Ngài.

Nói ma quỉ không có xương thịt, hay nói rằng: những gì ma quỉ làm nên không đem lại cho tôi sự bằng an tâm hồn đâu, và không đem lại cho tôi sự sống đời đời đâu.

Ngoài ra, Chúa còn thách đố tôi, là hãy chạm vào Ngài, để thử nghiệm, tức là hãy đem Lời Ngài và hãy để chính Ngài đi vào cuộc đời của tôi, để nghiệm xem Ngài là ai và Ngài như thế nào.

Nhìn Chúa thành ma, hay nhìn ma thành Chúa, đó là một cuộc chiến nội tâm không ngừng nghỉ, trong sinh hoạt nội tâm của mỗi Kitô hữu chúng ta, đặc biệt, giữa thế giới hôm nay, khi mà tầm nhìn và sự lựa chọn của chúng ta càng ngày càng trở nên khó khăn phúc tạp hơn, giữa thiện và ác, giữa lành và dữ, giữa thiên đàng và hỏa ngục, và giữa Chúa và Satan.

Lạy Chúa, cuộc sống chúng con thường ngày có quá nhiều buồn phiền, niềm đau khổ và thử thách, khiến lắm khi chúng con chao đảo, ngã lòng trông cậy.

Xin Chúa thương ban ơn trợ giúp, để dù gặp nghịch cảnh thế nào đi nữa, chúng con cũng vẫn luôn gắn bó và tin yêu Chúa.

Xin cho con biết đón nhận những thử thách khó khăn đó, như những cơ hội để giúp con trưởng thành trong niềm tin.

Lạy Chúa xin giúp con. Amen.

------------------------------------------

 

Bài 2: Chuyện dí dỏm của em bé mua hàng ở tiệm tạp hóa

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 114 - Thường Niên 20A

Bạn thân mến,

Chuyện kể rằng:

Một em bé vâng lời mẹ xách giỏ ra tiệm tạp hóa mua hàng, với tên của từng món đồ mà mẹ em đã ghi trên mảnh giấy.

Người bán hàng nhìn em và để ý theo dõi từng cử chỉ cẩn thận của em một cách thích thú.

Sau khi đã xếp gọn các món vào giỏ cho em, ông dẫn em đến trước cái hộp đầy kẹo.

Vừa mở nắp hộp ra, ông vừa bảo em thò tay vào lấy kẹo.

Em bé vui mừng rút ra một viên kẹo.

Người bán hàng bèn khích lệ em và nói:

- Cháu hãy bốc cho đầy lòng bàn tay của cháu đi.

Em bé mỉm cười đáp:

- Vậy, ông hãy bốc kẹo giùm con.

Người bán hàng ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao vậy?

Em bé dí dỏm trả lời:

- Tại vì bàn tay của ông lớn hơn bàn tay của con rất nhiều.

Như em bé nhìn nhận cái bé nhỏ của mình trước sự lớn lao của người khác, nên đã được ban cho dư đầy, thì người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan cũng khiêm tốn nhận mình nhỏ bé như “chó con” được ăn “những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15, 21-28).

Bà còn hết lòng tin tưởng vào bàn tay lớn lao quyền phép của Thiên Chúa, nên bà đã xứng đáng lãnh nhận hồng ân cao cả, là con bà tức thì được chữa khỏi quỉ ám.

*****

Đây chính là thái độ ta cần phải có mỗi khi cầu nguyện.

Chỉ có những lời cầu nguyện khiêm tốn, nhận mình là không và Chúa là tất cả, chẳng đòi hỏi gì, mà chỉ trông đợi lòng thương xót Chúa, thì mới là những lời cầu nguyện đẹp nhất.

Chỉ có những lời cầu nguyện kiên trì, không bao giờ thất vọng, nản chí, cả khi Chúa xem ra như bỏ quên, như chối từ, yjì mới là những lời cầu nguyện phát sinh sức mạnh.

Sức mạnh của lời cầu nguyện chính là đức tin.

Sau khi đã chối từ lời cầu xin của người đàn bà ngoại giáo, với lý do chính đáng:
“Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel”,

thậm chí Người còn nặng lời với bà:

“Không nên lấy bánh dành cho con cái, mà ném cho lũ chó con”.

Thế mà Đức Giêsu, cuối cùng, cũng đã để bà chinh phục:

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Đứng trước lòng khiêm tốn, kiên trì và phó thác, Thiên Chúa sẽ không nỡ chối từ.

Đức Giêsu không những đã ban cho người đàn bà được thỏa lòng mong ước, mà Ngài còn công khai khen ngợi đức tin mạnh mẽ của bà trước các môn đệ.

Nếu Đức Giêsu đã không tiếc lời khen ngợi đức tin của người đàn bà ngoại giáo, hẳn là Người muốn đưa ra một mẫu gương khi cầu nguyện: khiêm tốn, kiên trì và phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa.

Nếu người đàn bà ngoại giáo cầu xin, mà cũng được nhận lời, thì chứng tỏ là Chúa không hề bị giới hạn trong phạm vi Giáo Hội, mà Người muốn ban ơn cho ai là tùy ý Người.

Có thể nói, đức tin là “một hồng ân nhưng không” của Thiên Chúa, vì thế, nhà toán học, kiêm triết gia Pascal đã nói:

Để có đức tin, con người phải quỳ gối cầu xin”.

Cầu xin, là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết, là nhận biết mình yếu đuối, và chỉ cậy trông một mình Người mà thôi.

Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương lòng tin mạnh mẽ, kiên trì, khiêm tốn, sâu thẳm của bà ngoại giáo xứ Canaan.

Bởi con, có khi vì đã quá quen với những ơn phúc tràn đầy của Chúa đã ban cho con cách nhưng không, nên con đã mang tâm trạng “gần chùa gọi bụt bằng anh”.

Xin đánh thức lòng con, để con biết nhiệt tâm, tin mạnh mẽ vào lòng thương xót vô bờ của Chúa, biết luôn luôn sấp mình trước tôn nhan hiền từ của Chúa, để van nài: Lạy Chúa, xin cứu con, như đã cứu lấy con bà Canaan xưa, khỏi bị khổ sở của quỷ ám. Amen.

------------------------------------------

 

Bài 3: Sự kiện Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bị ám sát

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 115
Thường Niên 21-A


Bạn thân mến,

Chúng ta, là những người con của Giáo Hội, cũng nên biết đôi chút về việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bị ám sát năm xưa:

Hôm đó là ngày 13-5-1981, vào lúc 5 giờ chiều thứ tư, như thường lệ, Đức Giáo Hoàng xuất hiện trước công chúng tại quảng trường thánh Phêrô.

Xe hơi của Đức Giáo Hoàng chở ngài đi một vòng xung quanh quảng trường, để vẫy tay chào đám đông dân chúng.

Ngài xuất hiện với tinh thần rất thoải mái.

Một nữ tu, người Ba Lan đang đứng gần đó, thốt lên: "Giáo Hoàng trông trẻ biết chừng nào!", khi xe đi qua trước mặt bà.

Xe còn đi vòng trở lại hai lần nữa.

Thình lình xảy ra tiếng súng nổ, Đức Giáo Hoàng trong trang phục áo dài trắng, ngã người ra, chạm vào viên quan thị vệ.

Đức ông bí thư Đức Giáo Hoàng là Sta-nis-lao (Stanislao Dziwisz), hỏi ngài bị thương ở đâu, thì được trả lời "ở bụng".

Đức ông còn hỏi "có đau không?" ngài trả lời "đau".

Ngay khi tài xế của Đức Giáo Hoàng nhận ra ngài bị trúng đạn, thì anh đã vội vàng lái xe về phía xe cấp cứu gần nhất ở cổng Đ gần Vatican.

Vì xe cấp cứu này không có bình ôxy, nên Đức Giáo Hoàng lại được chở tiếp đến xe cấp cứu thứ hai.

Đức ông bí thư nhớ lại:

"Đức Giáo Hoàng đã không hề nhìn chúng tôi. Ngài luôn nhắc đi nhắc lại lời ngỏ cùng Đức Mẹ: "Ôi Maria! Mẹ của con! Ôi Maria! Mẹ của con!"

Mắt ngài luôn nhắm.
Ngài tỏ ra rất đau đớn.
Ngài không hề thốt ra một lời thất vọng và tức giận nào;

Mà chỉ có những lời cầu nguyện uyên thâm, như bình thường, để át đi sự đau đớn ghê gớm.

Về sau, Đức Giáo Hoàng nói với tôi rằng: ngài vẫn tỉnh táo cho đến khi chúng tôi tới bệnh viện. Chỉ khi đến đó ngài mới bất tỉnh.

Suốt thời gian trên xe, ngài vẫn tin rằng: vết thương của mình không hề nguy hiểm đến tính mạng."

Sau này, Đức Gioan Phaolô II đã tâm sự với nhà báo người Pháp là Anrê  Fros-sard (Frossard) rằng:

"Trong chớp mắt, tôi đã ngã xuống quảng trường đền thờ thánh Phêrô. Tôi có linh cảm rất rõ rằng: Tôi vẫn sống và điều chắc chắn này luôn luôn ở bên tôi ngay cả trong khoảnh khắc tồi tệ nhất."

Chuyến đi tới bệnh viện  Ge-mel-li (Gemelli) mất khoảng 8 phúc.

Với huyết áp đang tụt xuống và nhịp tim dường như yếu hẳn đi, Đức Giáo Hoàng được đưa vào căn phòng cấp cứu ở tầng 7, rồi được chuyển sang phòng mổ.

Đức ông bí thư tháp tùng Đức Giáo Hoàng đã lo liệu để ngài nhận lãnh bí tích cuối cùng, ngay trước khi mổ.

Ca mổ kéo dài 5 giờ 20 phút.

Đức Giáo Hoàng đã mất 60 phần trăm lượng máu trong cơ thể và máu chảy vào trong.

Đức ông bí thư nói rằng:

"Những tia hy vọng đã lớn dần lên trong suốt ca mổ. Ban đầu vô cùng nặng nề, nhưng sau thấy rõ ràng: Không một bộ phận quan trọng nào bên trong cơ thể bị tổn thương, nên Đức Giáo Hoàng kể như đã được cứu sống."

Ngài đã bị thương ở vùng bụng, cùi tay bên phải và ngón tay trỏ ở bàn tay trái.

Viên đạn 9mm có sức công phá rất lớn, song nó đã đi theo một quĩ đạo khác thường, mà không gây nên sự hủy hoại nghiêm trọng nào, đối với cơ thể của Đức Giáo Hoàng.

"Anh thật là người có phúc" (Mt 16,17)

Đức ông bí thư nhận xét:

"Nếu viên đạn trúng vào động mạch chủ, thì cái chết chắc chắn sẽ xảy ra trong nháy mắt. Nếu nó không chạm vào xương sống hoặc bất cứ một cơ quan quan trọng nào..., thì điều đó hoàn toàn là một phép lạ phi thường."

Đức Giáo Hoàng và các bác sĩ của ngài đã công nhận điều đó.

Sau này Đức Giáo Hoàng nói rằng:

"Một người nổ súng và một người khác lại hướng dẫn quỹ đạo đường đạn."

Một ban thầy thuốc riêng được chỉ định cho ca mổ để cắt bỏ đoạn ruột dài chừng 5 tấc rưỡi. Ban thầy thuốc ấy gồm: Ba bác sĩ phẫu thuật, một chuyên viên gây mê (là người đã làm gẫy một cái răng của Đức Giáo Hoàng khi luồn ống thở qua miệng) và một chuyên gia về tim cùng với đội ngũ thầy thuốc của Vatican. Cần phải tẩy sạch hoàn toàn khoang bụng dưới, cầm máu động mạch, khâu kín đầu ruột già ở một vài chỗ và kiểm tra hệ thống thải tạm thời - ở hậu môn nhân tạo.

Sau đó Đức Giáo Hoàng được chăm sóc chu đáo, giữa sự chờ đợi về tin tức khắp nơi trên thế giới, liên quan tới sức khỏe của Đức Giáo Hoàng.

Tới nay, mưu đồ sát hại Đức Gioan Phaolô II vẫn còn là một trong những bí mật lớn nhất của thế kỷ.

*****

Tại quảng trường đền thờ thánh Phêrô buổi chiều ngày 13/5, đúng 5 giờ 17 phút, một người Thổ Nhĩ Kỳ là A-li Ag-ca (Mehmet Ali Agca) đã dùng khẩu súng tự động, kiểu Browning, bắn vài phát đạn, mà hai trong số đó đã trúng Đức Giáo Hoàng, khi ấy chỉ cách người bắn không xa hơn 20 bước chân.

Tức khắc Acca bị một nữ tu túm lấy tay và bị đám đông chung quanh vây chặt.

Acca nhận tội khi mới bị bắt, rằng y hoạt động một mình.

Acca đã bị kết án tù chung thân vào ngày 22/07/1981.

Thế rồi, vào tháng 5/1982, phạm nhân lại tiết lộ thêm một số những người đã dính líu tới vụ mưu sát, gồm ba nhân viên sứ quán Bungari tại Rôma và bốn người Thổ Nhĩ Kỳ, là những kẻ đồng phạm với y.

Thế là vụ mưu sát Đức Giáo Hoàng đã trở nên một trong những bí mất lớn nhất thế kỷ, bởi tới nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Riêng với chính nạn nhân là Đức Gioan Phaolô II, câu chuyện xem ra lại khá đơn giản.

"Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi" (Mt 16,18)

Tháng giêng năm 1980, người đứng đầu cơ quan tình báo Pháp đã gởi một bức điện cho Đức Giáo Hoàng về âm mưu của cộng sản liên quan tới sự sống còn của ngài.

Ông A-le-xan-dre (Alexandre De Marenches) đã tiết lộ: "Tôi đã được báo trước rằng: thông tin này quan trọng, bởi vì (trong phạm vi Tây Âu) nó rất đáng tin cậy.

Nhưng vị giám đốc cơ quan tình báo Pháp đã viết trong hồi ký: "Giáo Hoàng đã trả lời rằng: số mệnh của ông nằm trong tay Chúa."

Thế rồi, sau khi xảy ra vụ mưu sát, một người thân tín với Đức Gioan Phaolô II, đã hỏi ngài: tại sao không cho phép mở phiên toà về Ac-ca và những kẻ đồng mưu với y, thì Đức Giáo Hoàng đã trả lời rằng:

"Điều đó không làm cho tôi quan tâm, bởi vì đó là quỷ Satăng thực hiện công việc này. Và quỷ Satăng có thể bày đặt âm mưu theo hàng ngàn cách, nhưng không một cách nào trong đó khiến tôi phải bận tâm."

Đúng ra, Đức Giáo Hoàng chỉ quan tâm về con người của Ac-ca: Ngài đã tới thăm anh ở phòng giam, tại một nhà tù ở Rôma.

Đức Gioan Phaolô II đã trò chuyện với Ac-ca bằng tiếng Italia, trong vòng 20 phút.

Về cuối cuộc thăm viếng, Ac-ca đã quỳ gối xuống, hôn tay Đức Giáo Hoàng.

*****

Câu chuyện vừa kể cho thấy hình ảnh sống động của vị kế nghiệp thứ 263 của thánh Phêrô, người đại diện Nhóm Mười Hai, tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16).

Đức Giêsu đã xác nhận lời tuyên tín ấy là do ơn mạc khải của chính Thiên Chúa, không do loài người (c.17).

Hơn nữa, Đức Giêsu còn gọi Simon bằng danh xưng là Đá Tảng (tức Kêpha trong tiếng Hipri), trên đó chính Ngài sẽ xây Hội Thánh của Ngài và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

*****

Chính Đức Giêsu đã quy tụ các môn đệ lại, để làm nên Giáo Hội. Nhưng Ngài qui tụ họ lại trên Phêrô, với lời tuyên tín, nhờ ơn mạc khải làm đá tảng.

Tác vụ đứng đầu các tông đồ được giao cho Phêrô, để ông phục vụ đức tin của toàn Giáo Hội.

Hội Thánh sẽ đứng vững trước sự tấn công của Satăng;

Hơn nữa, Hội Thánh còn có sức mạnh giải thoát người ta khỏi nanh vuốt Satăng.

Trong câu chuyện vừa kể trên ta thấy rõ Đấng kế vị thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh, quả thật đã tỏ ra hết sức vững tin về quyền lực được ban cho ngài, để coi thường âm mưu đen tối của kẻ là cha sự dối trá.

Lạy Chúa, sự hiểu biết của chúng con nhiều khi chỉ dừng lại ở những suy nghĩ, ý thức hời hợt bên ngoài.

Chúng con chỉ dám chấp nhận những gì hợp với chúng con, thuộc về chúng con và nhiều khi chúng con chẳng có ý niệm gì về chương trình của Chúa.

Xin thêm cho con lòng quảng đại, sự thiện chí, để đón nhận tất cả mọi biến cố do thánh ý Chúa gởi đến, bởi con hiểu rằng: tất cả đều nhằm lợi ích cho con. Amen.

----------------------------------

 

Bài 4: Chuyện mất và được, một vòng quay lẫn quẫn

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 116
Thường Niên 22A


Bạn thân mến,

Ông Vincio, người Ý, 58 tuổi, là giáo sư môn toán.

Hôm đó là ngày 23.12.1993, đang trên đường đi, thì chiếc xe hơi của ông bị nổ lốp.

Ông xuống xe, loay hoay thay bánh “sơ cua”.

Đúng lúc đó, có người tới giúp ông một tay.

Khi ráp gần xong bánh xe, thì người đàn ông này xin kiếu từ vì có việc phải đi.

Ráp xong bánh xe, ông Vincio thu lại đồ nghề, thì mới biết hộp đồ nghề của mình, bị mất cắp một số đồ mắc tiền, do người đàn ông “tốt bụng” kia lấy.

Ông buồn bã thở dài, nhưng rồi khi nhìn xuống đất, thì ông lại thấy một tấm vé số rơi xuống đường, chắc chắn là của tên ăn trộm.

Ông lượm bỏ vào túi.

Dịp xổ số đầu năm 1994, ông mang vé số đó ra dò, thì may quá, vé số đó trúng 50 triệu lire tiền Ý, tức khoảng 60.000 đôla.

Với số tiền đó ai mà chẳng thích !!!

Nhưng lương tâm ông Vincio thì lại áy náy, vì vé số này không phải của ông.

Lòng ông dường như đang đeo một tấn đá nặng nề.

Ông bỏ tiền ra đăng quảng cáo, để tìm cho ra chủ nhân của tấm vé số đó.

Nhiều người tham, đã tới nhận bừa là của mình.

Nhưng chỉ vài câu hỏi, thì ông biết ngay là kẻ tham lam.

Ba tuần sau, tên “trộm đồ sửa xe”, đã điện thoại tới nhận và đã tả lại mọi chi tiết.

Ông Vincio mang 50 triệu lire tới trả cho chủ nhân.

Tên trộm quá cảm động, hết lời xin lỗi ông Vincio và nói:

Vì anh ta đang thất nghiệp, lại nuôi 2 đứa con thơ, nên buộc lòng ông phải lấy trộm đồ sửa xe, để bán lấy tiền.

Tên trộm hỏi: Tại sao ông Vincio không giữ lấy 50 triệu lire mà xài, vì có ai biết gì đâu.

Ông Vincio trả lời: Nhưng lương tâm ông không cho phép.

Ra về, ông Vincio cảm thấy nhẹ nhõm tâm hồn hơn bao giờ hết.

Mất đồ sửa xe, nhưng lại được tiền nhiều.

Được tiền đó, nhưng ông lại mất bình an trong tâm hồn.

Cái vòng lẫn quẫn “mấtđược đó cứ xoay tròn.

Cuối cùng, ông Vincio đã chấp nhận mất số tiền đó, để được bình an tâm hồn.

*****

Phúc Âm hôm nay (TN 22-A: Mt 16, 21-27) cũng nói tới cái Mấtcái Được.

“Nếu ai dám mất mạng sống mình ở đời này vì Thầy, thì sẽ được nó ở đời sau”.

Mất mạng sống, tức là từ bỏ mình, là vác thập giá theo Chúa

Được đời sau, tức được nước Thiên Đàng, được Thiên Chúa, được hạnh phúc muôn đời.

Như vậy, nếu so sánh chúng ta sẽ thấy: Mình mất những cái gì tạm thời, để được những cái gì vĩnh cửu:

- mất những thú vui chóng qua, để được hạnh phúc trường tồn,
- mất thân xác mục nát, để được linh hồn bất tử,
- mất tội lỗi và hình phạt, để được ân điển và phần thưởng,
- mất sự cắn rứt lương tâm, để được bình an tâm hồn….

Cái mất này, so với cái được, thì cái mất là quá nhỏ nhoi, còn cái được thì bao la vô tận.

Mất này, lại được “tấm vé” vào Nước Trời.

Nước Trời là một thực tại không thể mua bằng quyền lực, tiền bạc, sống lâu, danh vọng, tài giỏi...

Nước Trời chỉ có thể mua bằng việc dám mất mạng sống, dám từ bỏ mình.

*****

Từ bỏ mình:

- là khi chúng ta giữ 10 điều răn Chúa,
- là khi chúng ta yêu thương và tha thứ kẻ thù,
- là khi chúng ta chấp nhận cái nóng lạnh của thời tiết,
- là khi chúng ta chấp nhận những bệnh tật Chúa gởi đến,
- là khi chúng ta chu toàn bổn phận của cha mẹ hay con cái trong nhà,
- là khi chúng ta phục vụ những công tác của giáo xứ,
- là khi chúng ta dám bỏ giờ để thăm viếng bệnh nhân...

Nói chung là khi chúng ta chấp nhận phải hy sinh hơn, phải vất vả hơn, phải thiệt thòi hơn.

Thiên Chúa không hứa hạnh phúc mau qua, và Thiên Chúa không chiều chuộng để chúng ta hư đi.

Nhưng Thiên Chúa nói thẳng và nói thật:

Ai dám mất mạng sống, thì người đó được lại”.

Mỗi người chỉ sống một đời, đời đó lại rất cá biệt, không ai thay thế được.

Cho nên, chúng ta đừng dại mang đời mình ra chơi trò may rủi.

Vì được lời cả thế gian, mà sau này mất Thiên Đàng thì chúng ta biết lấy gì mà chuộc lại được.

Cái chắc ăn nhất: là dám chọn cái “mất” tạm thời, để nhận lại cái “được” thiên thu.

Lạy Chúa, xin giúp con biết: Cái gì cần phải chấp nhận “mất đi”, cái gì cần phải chấp nhận “từ bỏ”…, để con được nhẹ nhàng bước theo Chúa trọn con đường đời, mà Chúa muốn con đi, để sau những ngày tạm bợ sống ở trần gian này, con sẽ được về với Chúa, hưởng hạnh phúc muôn đời bên Chúa. Amen.

----------------------------------

 

Bài 5: Đố bạn biết: Trên đời này, sợi dây gì dài nhất

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 117
Thường Niên 23-A


Bạn thân mến,

Có lần, có người đã ra câu đố như thế này:

Đố bạn biết: Trên đời này, sợi dây gì dài nhất?

Thấy ai cũng tỏ ra lúng túng cho câu trả lời, thì người ra câu hỏi bèn ra đáp án ngay: Đó là sợi dây kinh nghiệm.

Mà đúng thật như vậy.

Bởi câu chúng ta thường nghe thấy trên môi miệng của kẻ này người nọ, mỗi khi có những sai lầm, hoặc mỗi khi sai phạm một lầm lỗi nào đó, thì liền luôn miệng phân bua: “Xin rút kinh nghiệm lần sau”.

Mà người ta cứ phải rút kinh nghiệm hoài, hết lần này, đến lần khác, và cứ thế cho đến cuối đời, mà người ta vẫn còn phải rút kinh nghiệm.

*****

Vâng, sống trong trần gian này, đã là con người, chắc chắn có những lúc chúng ta mắc lầm lỗi, sai sót, cho nên mới có câu danh ngôn này:

“Ai nên khôn, mà chẳng dại một lần”.

Và thực tế mà nói, không chỉ dại một lần, mà rất rất nhiều lần trong cuộc đời:

- Với những trẻ nhỏ mà phạm lỗi, thì cho nó còn là non dại.
- Lớn lên một chút mà mắc mắc lỗi, thì cho nó là thiếu trưởng thành.
- Đến tuổi trung niên mà mắc lỗi, thì cho kẻ đó là chưa chín chắn.
- Người già mắc lỗi, thì gọi “bảy mươi, vẫn chưa gọi là lành”.

Vậy mới nói: Người mắc sai lỗi, cũng không dừng lại ở bất cứ lứa tuổi nào, và ở bất cứ lứa tuổi nào, cũng đều có thể phạm lỗi.

Chính vì thế mà cuộc sống chúng ta, cũng như sỏi đá cũng cần có nhau, để giúp sửa lỗi cho nhau.

*****

Qua bài đọc thứ I (Ed 33, 7-9), Thiên Chúa dùng miệng tiên tri Êdêkiel răn dạy chúng ta:

“Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi”.

Đối diện với những hành vi xấu xa tội lỗi của anh em, chúng ta không được phép làm ngơ theo chủ nghĩa “mackeno”, nghĩa là mặc kệ nó, hoặc “Ui, khôn thì nhờ, dại thì ráng mà chịu”.

Đời sống con người mang tính xã hội, cho nên có tính liên đới với nhau và có nghĩa vụ giúp nhau hoàn thiện.

Tôi có bổn phận giúp người anh em quay trở lại đường ngay nẻo chính, theo đạo lý làm người, và làm con Chúa, không được dửng dưng, để họ mãi sa lầy trong vũng bùn tội lỗi.

Hành vi bác ái Kitô giáo không phải chỉ là giúp đỡ vật chất hay tiền của mà thôi, nhưng còn là giúp nhau hoàn thiện.

Chúng ta phải can đảm và kiên nhẫn sửa lỗi cho nhau trong tình bác ái.

Đúng như thế, sửa lỗi không phải là chỉ trích, là công kích, là rêu rao lỗi lầm của nhau. Chỉ trích thường là thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng cho nhau.

Sửa lỗi đòi sự tế nhị, kín đáo, thông cảm với yếu đuối lỗi lầm của nhau. Đây là một bổn phận và bác ái, mà chúng ta phải thực thi cho tha nhân.

*****

Chúa Giêsu đã đưa ra những bước sửa lỗi anh em mình, đầy tình bác ái Kitô giáo:

Bước thứ nhất là đối thoại để giúp người anh em nhận ra điều sai trái, từ hành động hay lời nói của họ.

Việc này cần phải hết sức tế nhị, để tránh gây tổn thương cho người anh em.

Vâng, “khen thưởng thì công khai, mà sửa sai thì thầm kín”.

Cho nên bước đầu tiên chỉ riêng mình với người mình muốn góp ý, để giữ thanh danh, thể diện cho họ.

– Sau khi đã thực hiện bước thứ nhất, mà không thành công, thì mới tiến tới
Bước thứ hai cần thêm người khác tác động.

Có thể là người thân, hoặc bạn hữu của người mình cần góp ý, hoặc người uy tín, được mọi người nể trọng, nhằm giúp họ nhận ra lời góp ý đó mang tính chất khách quan, không phải vì sự ghét bỏ loại trừ nhau.

– Nếu vẫn không thể lay chuyển được sự ươn ngạnh của người phạm lỗi, Chúa Giêsu dạy chúng ta mới đi đến

Bước thứ ba là đưa ra cộng đồng, vì “quốc có quốc pháp, gia có gia qui. Con người ta sống bên cạnh luật, còn có lệ, để giúp người trong cộng đoàn giữ kỷ cương.

Chính môi trường cộng đồng cũng có ảnh hưởng hình thành và uốn nắn đời sống tâm tính một người.

– Nếu người phạm lỗi vẫn cứng lòng, Chúa chỉ cho chúng ta

Bước thứ tư: kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

Và chúng ta biết: đây là những hạng người cần đến lòng xót thương hơn là sự loại trừ.

Chẳng phải chính Chúa Giêsu cũng đã từng nói với chúng ta trong Tin mừng theo thánh Luca (Lc 5,31-32) đó sao:

“Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Điều này cho thấy: Khả năng thuyết phục của con người không phải lúc nào cũng thành công, vì thế, hãy chạy đến với Chúa và nhờ Người giúp sức.

Trên hết mọi sự, là hãy cầu nguyện cho người anh em chúng ta được ơn hoán cải.

Chúa Giêsu không bao giờ cho phép chúng ta bỏ cuộc, ngay cả khi với sức lực con người không thể nào lay chuyển nổi.

Đã có nhiều trường hợp, như mẹ Têrêsa Calcutta giúp cho người vô gia cư được tìm lại niềm vui cuộc sống.

Thánh Monica đã nhờ lời cầu nguyện hoán cải được chồng con….

*****

Chuyện kể về nhà tù Challapalca, trại giam có độ cao 4.800 mét so với mực nước biển.

Nét đặc trưng của nhà tù này là nằm trong một khu vực khắc nghiệt, trên các dãy núi không thể tiếp cận được, cách xa khỏi các khu dân cư, hầu như không có bất kỳ thông tin liên lạc nào.

Nơi đây bị xem như “hỏa ngục trần gian”, nơi giam giữ những tù nhân khét tiếng.

Người ta sợ đến đó, lính canh phải hết sức để ý.

Nhưng cha Gigi Ginami, một linh mục làm việc tại Roma, đã tìm nhiều cách và đã đến được nơi đây, để thăm hỏi và giúp đỡ nhiều tù nhân hoán cải, thay đổi cuộc sống.

Đức cha Ciro Quispe Lopez, Giám mục địa phương, nghe biết rằng: Có một linh mục từ Roma đã đến trại tù này và muốn tiếp tục trở lại đó để gặp gỡ các tù nhân, ngài đã không tin vào tai của mình.

Đức cha tự hỏi: Nhưng mà một nhân viên giáo triều Roma làm gì ở đây, ở độ cao 4.600 mét như thế?

Hoạt động nguy hiểm này đã được đức cha Quispe Lopez và chính cha Gigi Ginami thuật lại trong cuốn sách “Angel”, được đặt theo tên của một trong những tù nhân nguy hiểm nhất bị giam tại đó: Angel, và cũng là nhân vật chính của cuộc hoán cải gây sốc.

Cuốn sách “Angel” kể lại những cuộc hồi sinh thầm lặng, nhưng cũng hêt sức kỳ diệu, nhờ sứ vụ của cha Ginami.

Tại Challapaca, nơi mà một Thánh lễ đã được cử hành trong nhà tù, nơi dãy hành lang của trại cải huấn, nơi các lính canh và tù nhân đã sống hòa bình với nhau trong 60 phút. Đó là một kỷ lục.

Đức cha Quispe Lopez cho biết: Giây phút chúc bình an cũng thật an bình, như đang diễn ra tại một giáo xứ.

Đức cha nói: “Nó khiến tôi can đảm và cả tôi cũng đi đến ôm chào mỗi tù nhân và chúc bình an cho họ.

Cha Gigi đã đến ngồi giữa các tù nhân, mà không có một chút lo lắng, hay bất an, hay sợ hãi nào.

Tôi tự hỏi: Điều gì đã khiến cho vị linh mục từ Vatican đến nơi này, với những tù nhân nguy hiểm nhất, những con người bị bỏ rơi?

Tôi không thể tin vào mắt mình”.

Cha Gigi nói với các tù nhân bằng tiếng Tây Ban Nha:

“Anh em đừng ngoái nhìn lại đàng sau, mà hãy nhìn về phía trước”.

Angel cũng ở trong số tù nhân này, một trong những tù nhân đáng sợ nhất ở nhà tù.

Anh đã xin cha Gigi giải tội cho anh.

Người lính gác không rời mắt khỏi Angel, theo lệnh chống bạo động, không bao giờ hết lo sợ rằng, anh ta có thể làm hại vị linh mục.

Khi nhìn thấy Angel xưng tội, cả người lính gác cũng quỳ gối xuống ở một góc phòng giam và cởi bỏ mặt nạ xuống.

Cha Gigi nhìn thấy những giọt nước mắt của kẻ sát nhân.

Cha nói với anh ta:

“Angel, nếu anh thật sự muốn trở thành một con người mới và đền bù tội ác mà anh đã gây ra, nếu anh có tiền, hãy sử dụng nó cho những người là nạn nhân của anh, xin lỗi họ, sống những năm ở trong nhà tù này và dâng những khó khăn vất vả cho những người anh đã giết và đã hành hạ họ.

Sau đó, chúng ta hãy ôm chào nhau và cùng đọc kinh Kính Mừng Maria”.

Lạy Chúa, bác ái Kytô giáo đòi hỏi chúng con không dung dưỡng sự xấu trong cộng đoàn, nhưng phải biết cảm thông với những yếu đuối của tha nhân.

Cần loại trừ tội lỗi, nhưng không được tẩy chay anh chị em, mà phải vực họ dậy, từ vũng bùn đen tối, để giúp họ làm lại cuộc đời.

Lạy Chúa, xin giúp chúng  con biết sống tình bác ái, khi sửa lỗi và giúp nhau trên con đường hoàn thiện làm con cái Chúa. Amen.

----------------------------------

 

Bài 6: Chuyện hiến tặng trái tim để cứu sống kẻ thù

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 118
Thường Niên 24-A


Bạn thân mến,

Theo ABC News, ông Yigal Cohen, một người Israen bị đau tim nặng, vừa nhận được trái tim của một người Palesttin, trong cuộc phẫu thuật ngày 5/6/2.000.

Gia đình ông Mazen Joulani, người hiến tặng tim cho biết: Ông vừa bị những người Do thái bắn hại tại một tiệm cà phê ngoài trời.

Gia đình này quyết định hiến tim của Joulani vào thứ sáu tuần qua, ngay trong ngày mà cuộc nổ bom ở Tel Aviv làm thiệt mạng 21 người.

Những phần nội tạng khác của Joulani cũng sẽ được ghép cho một số người Israen khác.

Bác sĩ Lavie, người thực hiện ca mổ nói:

Khi ông cầm hai trái tim trong tay, ông nhận ra rằng: “Tất cả những mâu thuẫn sắc tộc là hoàn toàn vô nghĩa”.

Nếu chúng ta biết rõ mối thù truyền kiếp giữa người Israen và người Palestin.

Nếu chúng ta nhìn thấy những cuộc xung đột đẫm máu thường xuyên xảy ra giữa hai dân tộc này trên truyền hình, báo chí, chúng ta mới thấy nghĩa cử hiến tặng trái tim để cứu sống kẻ thù, mới thật là nghĩa cử vô cùng cao đẹp.

Không những anh chỉ tha thứ cho kẻ thù đã bắn chết mình, mà còn trao ban luôn trái tim và các phần nội tạng khác, để cứu sống những kẻ đã sát hại dân tộc mình.

Đối với những người không có tấm lòng khoan dung, tha thứ, thì cho đây là hành động điên rồ, thậm chí còn là việc ngu xuẩn.

Nhưng với những người có niềm tin, thì đó lại là một bằng chứng hùng hồn của người môn đệ Đức Kitô:

“Anh em phải thương yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét anh em”.

*****

Tin Mừng hôm nay (Mt 18, 21-35) thuật lại:

“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”

Đức Giêsu đáp:

Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.

Điều đó có nghĩa: là phải tha thứ hoài, tha thứ mãi, tha thứ đến vô cùng. Đó là nét mới trong dung mạo của Đức Giêsu.

Mọi quốc gia, đảng phái, phong trào, đều chống lại điều xấu, đề phòng kẻ gian ác, tiêu diệt kẻ thù, duy chỉ mình Đức Giêsu dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù”.

Người đã chiếu tỏa nét cao quý ấy ngay trên thập giá, khi các kẻ thù hành hạ, chế nhạo, và đóng đinh Người:

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Nhưng tại sao phải tha thứ?

- Phải tha thứ cho anh em, vì đó là điều kiện để được Chúa thứ tha cho chúng ta.

Đức Giêsu đã nói: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”.

- Phải tha thứ cho anh em, vì chính Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, và Người còn liên tục tha thứ mãi, như kinh Lạy Cha Đức Giêsu đã dạy:

“Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.

- Phải tha thứ cho anh em, vì đó là một nghĩa cử yêu thương tuyệt đỉnh, mà Chúa luôn đòi hỏi và coi trọng hơn cả việc thờ phượng Người:

“Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

Tha thứ là một lệnh truyền khó thực hiện nhất, nhưng cũng là nghĩa cử cao cả nhất.

Chúng ta có thể cho đi tiền của, trao ban thì giờ, hiến dâng mạng sống. Nhưng các điều đó xem ra còn dễ hơn là tha thứ cho kẻ thù, yêu thương kẻ ngược đãi mình, và làm ơn cho kẻ oán ghét chúng ta.

Vâng, chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau được.

Đúng như lời Alexande Pope có nói: “Lỗi lầm là của con người, và tha thứ là của Thiên Chúa”.

Khi chúng ta quyết định tha thứ, là chúng ta đang vượt lên bản tính tự nhiên, và đang trở nên giống Thiên Chúa, đang nâng mình lên tới tột đỉnh của nhân đức.

Khi chúng ta quyết định tha thứ, là chúng ta đang thi ân cho kẻ thù. Nhờ sự tha thứ của chúng ta, mà họ được an tâm, không sợ báo thù. Cuộc đời họ sẽ lại nhẹ nhàng, thư thái, bình an.

Khi chúng ta quyết định tha thứ thì lòng chúng ta sẽ được tràn ngập niềm vui:

- vui vì mình đã làm được một nghĩa cử cao đẹp cho anh em,
- vui vì biết chắc rằng mình sẽ được Chúa thứ tha.

Từ chối tha thứ cho anh em, là nói rằng: Chúng ta không cần thứ tha.

Chỉ có kẻ công chính, mới không cần được tha thứ.

Nếu ai cho mình không cần được thứ tha, thì họ là kẻ kiêu ngạo đáng thương. Bởi họ tự khóa chặt cánh cửa tâm hồn, để lòng mình sẽ bị rêu phong, ẩm mốc.

Chính sự tha thứ sẽ đem lại cho tâm hồn ta có được một mùa xuân mới, để kẻ tha thứ và người được thứ tha, lại nở rộ mùa hoa nhân ái, cho lá vẫn xanh, cho hoa vẫn nở, trong mưa hiền hòa, trong nắng thênh thang.

Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa có thể tha thứ được cho anh em con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa, để con có thể tha thứ như Chúa, và để con cũng được Chúa tha thứ. Amen.

----------------------------------

 

Bài 7: Số may mắn của ông Earl Hamilton

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 119
Thường Niên 25-A


Bạn thân mến,

Năm 1979, ông Earl Hamilton, một thượng sĩ chánh Hải quân Hoa kỳ, đã mua 2 ngôi nhà tại Oxnard, California với giá 23 ngàn dollars một căn.

Vì lạm phát và cơn lốc leo thang, hai ngôi nhà ấy hôm nay trị giá khoảng 500 ngàn Mỹ kim, nghĩa là ông có lời gấp 10 lần.

Khi đề cập đến vấn đề nay, ông mỉm cười: Chúa thương tôi, nên tôi khấm khá hơn khi tại ngũ.

Nhiều người thấy gương của ông, cũng vội vã đầu tư.

Nhưng cơn lốc chim cút hết thời! Kinh tế bất ổn, việc làm bếp bênh, hãng xưởng đóng cửa. Ngôi nhà mới mua, vì thế bị mất giá năm, sáu chục ngàn.

Họ trách và hận trời thiên tư nên không được may mắn như ông Hamilton!

*****

Sống trên đời, ai cũng mong có một cuộc sống ấm êm, sung túc, tiện nghi và thành công.

Ai cũng muốn có mảnh bằng, một nghề nghiệp vững chắc, và ráng thử thời vận hên xui.

Nhưng thành công hay thất bại còn lệ thuộc vào ba yếu tố Thiên Thời, Địa Lợi và Nhân Hoà, hay mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Hiểu theo đức tin thì Chúa có ban, chúng ta mới có.

- Nhiều người đọc kinh tràng giang đại hải.
- Nhiều nhà trưng dọn bàn thờ, hương nến nghi ngút.
- Nhiều nhóm sốt sắng với việc tôn vương Thánh Tâm và chia sẻ Lời Chúa.

Rồi tự thoả mãn với cái thánh thiện và đạo đức bề ngoài ấy. Họ chỉ trích, sống lập dị, chống đối, và tranh giành chức tước. Tệ hơn thế, họ còn muốn lướt quyền thánh hoá, quản trị và dậy dỗ của các chủ chăn. Bằng mọi giá họ đòi được kính trọng và chào hỏi. Bằng mọi cách, họ phải được ghi danh trong sổ vàng. Và bực bội, nếu có ai chẳng may nổi danh và được nể vì hơn họ.

Thiển nghĩ, cách sống đạo hời hợt kiểu này sẽ không được Chúa chúc lành. Và dù có cố gắng cả đời, thì họ vẫn lẹt đẹt về cuối.

Cái sáng giá, mà Chúa chờ đợi là: một tâm hồn tan nát khiêm cung, và một lòng sám hối thành thực của người trộm lành. Anh bị án treo bên cạnh Chúa. Anh ngó sang Chúa, cầu xin ơn tha thứ vào giờ thứ 24 và phần phước anh được là “hôm nay, anh sẽ được vào Thiên quốc với Ta”. (Lc 23,43).

*****

Dụ ngôn Thợ làm vườn nho Chúa dậy hôm nay (TN 25-A Mt 20, 1-16a) không khích lệ tín hữu chờ đợi đến phút chót, rồi chớp nhoáng đổ bộ chiếm cửa trời.

Điều Chúa mong mỏi, là mỗi tín hữu có một phận sự, một nghĩa vụ, một tài khéo, một sứ mệnh và một ơn gọi đặc thù. Hãy phát triển năng khiếu, thực thi sứ mệnh, chia sẻ ơn gọi và dấn thân phục vụ.

- Đừng nhìn tha nhân mà phân bì.
- Không dò xét so đo và khinh khi người.
- Chẳng tự ti khi thua, không tự tôn lúc thắng.

Nếu không, chúng ta sẽ là những chú khỉ, chỉ giỏi bắt chước và đầy tị hiềm.

Chúng ta theo Chúa với thiện chí, ý thức và trưởng thành.

- Đức tin là đèn soi đường, dẫn lối.
- Khiêm tốn là tinh thần phục vụ.
- Vâng phục là phương thế cộng tác.
- Thương yêu là tôn chỉ hành sự và Nước trời là cùng đích.

Với một quan niệm đúng đắn, với một đời sống thiêng liêng vững chắc và với những nhân đức tuyệt vời như trên, chúng ta màng chi đến những vinh quang phù du nay còn mai mất, cũng chẳng ham gì những lời khen chê xã giao.

Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên bỏ hay bạc đãi những ai thành tâm, rộng lượng và tha thiết với việc Nhà Trời.

*****

Trong kỳ Đại hội Giáo Sĩ và Tu Sĩ tại Houston năm 1983, một vị đáng kính đã công khai khen thưởng một đồng nghiệp, vì “không hút thuốc, chẳng nhắm rượu: Cha thánh thiện quá!”

Lời phán đoán nông cạn này có phải là thước đo mức độ thánh thiện không?

Nếu đúng, thì từ Chúa Kitô đến nay, Giáo hội không có một ai thánh thiện! vì đã hút thuốc và uống rượu!

Sống trưởng thành thiêng liêng, là không kênh kiệu và không tự đắc, như phàm phu tục tử đã nhận xét: Một cha dòng thánh thiện gấp hai cha triều.

Sống khiêm tốn và vâng phục, không phải là cúi đầu trồng cây ngược.

Sống nghèo khó và đơn sơ không có nghĩa là than thở, để vơ vét, kèo nài sống sượng và vô duyên.

Trái lại,

- chúng ta vâng phục, mà cương quyết,
- lắng nghe, mà không mù quáng,
- bất đồng, nhưng không đả phá,
- rộng lượng, mà chẳng đòi công,
- kính phục, song không nịnh bợ,
- giầu có, mà không dâm dật,
- nghèo hèn, mà lòng thẳng ngay,
- thành công, mà vẫn khiêm tốn.

Với triết lý vững chắc và thần học thánh thiện này, chúng ta vui khi tha nhân được ơn lành và thành công.

Chúng ta cảm tạ Chúa và hài lòng với hiện tại.

Chúng ta sẽ không là những Cain, tra tay giết em, vì ghen, vì tị nạnh, vì thua kém!

Lạy Chúa, xin giúp con biết vượt qua được những thái độ ganh tị, thường xảy ra trong xã hội.

Xin mở rộng tâm hồn con, để con biết sống khiêm tốn và quảng đại như Chúa.

Xin cho con luôn biết nhìn ra những hồng ân Chúa ban, để con luôn biết cảm tạ, tri ân, và chúc tụng Ngài, trong suốt cuộc đời con. Amen.

----------------------------------

 

Bài 8: Một cảm nghiệm gặp gỡ Chúa của một đảng viên Cộng Sản

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 120
Thường Niên 26-A


Bạn thân mến,

Thomas Merton mồ côi cha mẹ năm 16 tuổi. Cậu gia nhập Ðảng Cộng sản năm 20 tuổi và gặp được Ðức Kitô năm 23 tuổi. Ðến năm 24 tuổi chàng trở thành phóng viên tờ Nữu Ước thời báo (New York Times). Năm 26 tuổi, chàng thu gom toàn bộ tài sản vào một chiếc túi vải, rồi đến sống ở Kentucky và trở thành một thầy dòng chiêm niệm Trappist (Anh em hèn mọn).

Trong quyển sách tự thuật về cuộc sống tâm linh rất ăn khách nhan đề: "The seven storey Mountain" (Ngọn núi bảy tầng), Thomas Merton đã mô tả lại bước đầu tiên trong tiến trình hối cải của chàng.

Ngay khi vừa tốt nghiệp Đại học, Thomas đã đi du lịch một mình qua Âu Châu và đã sống một cuộc sống khá buông thả.

Một đêm nọ, chính trong căn phòng chàng đang trọ, Thomas bỗng nhiên ý thức được tội lỗi của mình, chàng viết:

"Toàn bộ sự việc xảy ra nhanh như chớp. Bỗng dưng một nhận thức sâu xa và rất bất ngờ về nỗi bất hạnh và sự hư hỏng của linh hồn mình, đã xâm chiếm hoàn toàn thân tôi. Tôi vô cùng ghê tởm những gì tôi trông thấy và linh hồn tôi ao ước trốn thoát khỏi tất cả điều ấy một cách mãnh liệt và cấp bách, mà trước đó tôi chưa hề bao giờ cảm thấy như thế".

Merton nói rằng: đó là lần đầu tiên chàng đã cầu nguyện,và  cầu nguyện thực sự. Chàng cầu xin Chúa, Ðấng mà trước đó chàng chưa hề biết, xin Ngài tự trời ngự xuống, giải thoát chàng khỏi quyền lực xấu xa, đã cầm giữ tâm hồn chàng trong vòng nô lệ bấy lâu nay.

*****

Câu chuyện về Thomas Merton minh hoạ về sự hối cải của người con thứ trong câu chuyện Phúc âm hôm nay (TN 26-A: Mt 21, 28-32).

Ðồng thời nó cũng minh họa cho sự hối cải, mà tiên tri Êdekien nhắc đến trong bài đọc thứ nhất hôm nay (Ez 18,25-28).

Ðiều gì đã khiến cho người ta hối cải giống như trường hợp của đứa con thứ trong Phúc âm hôm nay, hay giống như Thomas Merton trong câu chuyện trên?

Cách đây nhiều năm, các lý thuyết gia chính trị thường phác thảo những bước cần thiết cho một cuộc cách mạng trong một nước.

Bước thứ nhất là tạo ra tâm lý bất mãn tận căn nơi dân. Bởi vì thiên hạ chỉ nghĩ đến việc đổi thay, nếu họ cực kỳ bất mãn với tình cảnh hiện tại của họ.

Ðiều này cũng đúng xét về bình diện từng cá nhân. Người ta chỉ lưu tâm thay đổi cuộc sống riêng, khi nào họ bất mãn với hiện trạng cuốc sống ấy.

Chúng ta thấy rõ điều này, trong trường hợp của Thomas Merton:

Chàng đã bất mãn sâu xa với cuộc sống mình.

Nói cách khác, bước đầu tiên trong tiến trình cải tà, là bất mãn với cuộc sống của chính mình.

"Bước nảy lửa" trong đời Thomas Merton chính là điều chàng kinh nghiệm được trong căn phòng khách sạn của chàng.

Nói theo ngôn ngữ thần học, đó là lúc ân sủng Chúa tuôn xuống.

Bước tiếp theo là thực hiện một điều cụ thể đầu tiên hướng về một cuộc sống mới.

Chúng ta cũng thấy điều này nơi cuộc đời Thomas Merton:

Ngay sáng hôm sau, sau khi có được cái kinh nghiệm đã xảy ra trong căn phòng khách sạn, Thomas Merton đã đi bộ ra ngoài ánh nắng ban mai. Tâm hồn chàng tan nát vì đau đớn và ăn năn. Nhưng đây là một cảm giác tốt đẹp, giống như cái nhọt được bác sĩ dùng dao giải phẫu.

Dù chưa phải là người Công giáo, Merton vẫn đi đến một nhà thờ, quì gối xuống và chậm rãi đọc kinh Lạy Cha, với tất cả niềm tin của mình. Đây là kinh duy nhất chàng thuộc, do một lần tò mò tìm thấy, và rất tâm đắc với lời kinh. Chàng cũng đã từng đọc đi đọc lại kinh này nhiêu lần.

Sau khi cầu nguyện xong, Merton trở lại dưới ánh nắng mặt trời. Chàng cảm thấy như được tái sinh.

Trông thấy một bức tường thấp bằng đá, Merton liền ngồi xuống trên đó, lòng hân hoan trong niềm an bình tâm hồn mới tìm gặp được. Trước đây chưa bao giờ Merton có được sự an bình như thế.

Merton vẫn còn quãng đường dài phải bước trước, để hoàn tất cuộc hối cải của chàng.

Tuy nhiên, chàng đã bắt tay làm một việc đầu tiên cực kỳ quan trọng, là hướng về một cuộc sống mới.

Cần phải ghi nhớ rằng: tất cả chúng ta vẫn còn lữ hành trên đường hướng về sự hối cải trọn vẹn.

Chẳng hạn, trong chúng ta: có một số người cần phải chiến đấu, để từ những Kitô hữu bình thường, trở thành Kitô hữu tốt. Một số khác, cần phải cố gắng từ những Kitô hữu tốt, trở thành những Kitô hữu xuất sắc.

Và số khác nữa thì cố gắng từ những Kitô hữu xuất sắc, trở thành kitô hữu gương mẫu.

Khi bình luận về cuộc du hành bất tận của người kitô hữu hướng về sự hối cải trọn vẹn, một thần học gia thế kỷ 19 người Ðan Mạch, tên là Soren Kierkegaard đã nói:

"Không hề có tình trạng đã thành một kitô hữu, mà chỉ có tình trạng đang trở thành một kitô hữu"

Như thế, sự hối cải là một tiến trình, là một cuộc du hành luôn tiếp diễn, và chỉ chấm dứt khi nào chúng ta chết.

Bước thứ nhất trong cuộc du hành này là sự bất mãn tận căn với nếp sống hiện tại của chúng ta. Hãy nhớ lại Merton đã bất mãn với cuộc sống mình như thế nào.

Bước thứ hai là bước những tia lửa gom lại làm thành ngọn lửa thúc giục chúng ta phải làm một điều gì đó cho cuộc đời mình. Hãy nhớ lại cảm nghiệm trong căn phòng khách sạn của Merton.

Bước cuối cùng là thực hiện việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng, là hướng về một cuộc sống mới. Hãy nhớ lại Merton đã tới nhà thờ để cầu nguyện ngay sáng hôm sau, khi đã xảy ra cảm nghiệm trong căn phòng khách sạn.

*****
 
Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta khám phá ra cuộc sống của chính mình. Chúng ta có cảm thấy bất mãn về mối tương giao hiện tại giữa mình và Chúa Giêsu không?

Chúng ta có ao ước thân tình sâu sắc hơn nữa với Chúa không?

Chúng ta có muốn yêu thương gia đình, láng giềng chúng ta nhiều hơn, giống như Chúa Giêsu yêu đã thương họ không?

Nếu có, thì các bài đọc hôm nay có thể ví như tia lửa bật ra, để biến thành ngọn lửa, mà chúng ta cần thiết phải có, để làm nên một điều gì cụ thể cho các mối tương giao nêu trên.

Có lẽ việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng hướng về cuộc sống mới, là ra trình diện, để được chữa lành trong Bí tích Cáo giải; là bắt đầu tìm gian nhiều hơn cho việc cầu nguyện, là lưu tâm đến một số vấn đề gia đình, chẳng hạn như tính hay nóng nảy với con cái, đồng thời cầu xin Chúa Giêsu giúp chúng ta làm một điều gì đó cụ thể, ngay tức khắc, để lướt thắng những khó khăn ấy.

Lạy Chúa, xin soi sáng và dẫn dắt con, để con can đảm đi vào lối bước của Chúa, để sau những ngày sống ở trần gian này, con sẽ được về hưởng hạnh phúc muôn đời bên Chúa. Amen.

------------------------------

 

Bài 9: Chuyện con chó sói làm thầy lang

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 121
Thường Niên 27-A


Bạn thân mến,

Chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” kể rằng:

Một hôm, con Lừa đang gặm cỏ, bỗng thấy con chó Sói phi nước đại phóng tới mình, thấy nguy, Lừa ta giả bộ đi khập khiễng. Khi Sói đến gần, hỏi nó vì sao bị thọt chân, thì Lừa trả lời:

- Vừa rồi, tôi nhảy qua hàng rào bị xóc gai.

Rồi Lừa đề nghị Sói:

- Trước khi ăn thịt tôi, anh hãy nhổ cái gai ở chân tôi ra trước đã, kẻo anh bị hóc gai, do bị gai đâm.

Tin lời, Sói mới cầm chân Lừa, giơ lên cao, và xem xét thật kỷ từng móng chân Lừa.

Thừa cơ, Lừa lấy hết sức bình sinh ra, đạp thật mạnh một cái vào mõm Sói, rồi ba giò bốn cảng chạy một mạch vào rừng, không dám quay mặt lại.

Phần Sói ta, do bị trúng thương bất ngờ, bị gẫy vài cái răng, nên ôm đầu tức tối, rên la.

- Đáng đời cho ta chưa! Cha mẹ sinh ta ra là dạy ta ăn thịt, chứ nào có dạy ta làm thày lang đâu!

Nếu chuyện ngụ ngôn nào cũng cho chúng ta một bài học, thì chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” muốn nói với chúng ta điều này:

“Kẻ nào không làm đúng công việc của mình, thì sẽ phải lãnh lấy hậu quả thê thảm”.

*****

Tin Mừng hôm nay (TN 27-A: Mt 21, 33-43) thuật lại dụ ngôn: “Những người thợ làm vườn nho”.

Suy cho cùng, mỗi người chúng ta cũng đều là những tá điền, được Thiên Chúa giao phó cho một vườn nho, đó là những tài năng tinh thần, của cải vật chất,... để chúng ta làm sinh lợi, và cuối cùng, mang hoa trái về cho Thiên Chúa.

Thiên Chúa rất tôn trọng chúng ta:

- Người để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp mọi công việc, theo sáng kiến riêng của mỗi người.

Thánh Matthêu viết: “Ông chủ cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa”. Ông không ở đó để kiểm soát, để canh chừng.

Nhưng, những tá điền đó đã không làm đúng công việc của mình. Họ đã lạm dụng sự tin tưởng của ông chủ và sự tự do của chủ ban cho, để tìm lợi lộc riêng cho mình.

Họ đã phụ lòng tín nhiệm của ông chủ.

Đã thế, họ còn ngược đãi và sát hại các đầy tớ mà chủ sai đến.

Thậm chí, họ cũng đã giết luôn cả con trai ông chủ.

Họ làm như thế là mong để chiếm lấy gia tài của chủ.

Hậu quả là: “Ac giả ác báo. Ông sẽ tru diệt tất cả bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ sẽ nộp hoa lợi cho ông”.

*****

Thiên Chúa ban muôn ngàn hồng ân cho ta, là để ta lo phục vụ Chúa và phục vụ anh em đồng loại, chứ không phải là để chúng ta chỉ biết lo tìm những tư lợi, phục vụ cho những tiện ích riêng cho mình, để rồi quên Chúa, quên anh em chung quanh mình.

Thiên Chúa kiên nhẫn trước những xúc phạm, và những lầm lỗi của chúng ta, là để tạo cơ hộ, là để cho chúng thời gian, để chúng ta hoán cải, chứ không phải để chúng ta càng ngày càng sa lầy trong tội lỗi.

Thiên Chúa trao phó cho chúng ta các tài năng, của cải, thời gian, những may mắn, thuận lợi... là để chúng ta lo tìm cách mà sinh lợi cho ta, cho xã hội ta đang sống, và cái lợi lớn nhất mà Chúa mong nơi chúng ta, là chúng ta sẽ đạt tới phần rỗi đời đời.

Nếu chúng ta không biết sử dụng ơn lành Chúa ban, thì Người sẽ cất đi và sẽ trao cho lại kẻ khác. Nỗi bất hạnh ấy, chính ta phải gánh chịu!

- Sẽ đến ngày chúng ta phải tường trình về công việc vườn nho, mà Chúa đã trao phó.

- Sẽ đến ngày chúng ta phải dâng lên Chúa những thu hoạch, hoa lợi, mà Người trông đợi.

Bội thu hay mất trắng, là hoàn toàn do công việc chúng ta đang làm hôm nay.

Đức Hồng Y Suhard đã nói:

“Chúng ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều chúng ta đã làm, đã không làm, hoặc đã cản trở không cho người khác làm”.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều là những tá điền canh tác vườn nho của Thiên Chúa:

- Vườn nho đó là thân xác, linh hồn và những tài năng Chúa ban.

- Vườn nho đó là lời Chúa, Thánh lễ và các phép Bí tích ban nguồn ơn cứu độ của Chúa.

- Vườn nho đó là ông bà. cha mẹ, con cháu, vợ chồng, là gia đình, xóm làng, xứ đạo, đất nước và Hội thánh....

Xin cho mỗi người chúng con biết cố gắng làm nảy sinh những hoa trái tươi sáng, như những vì sao chiếu sáng làm vinh danh Chúa, giúp cho mọi người được hưởng sự vui mừng của ơn cứu độ. Amen.

-------------------------------

 

Bài 10: Vấn đề Mặc Y Phục Lễ Cưới

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 122
Thường Niên 28-A


Bạn thân mến,

Khi nghe đọc xong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (28 TN-A: Mt 22, 1-14: Chuyện Không Mặc Y Phục Lễ Cưới), có một bạn trẻ đã rất bực bội nói với tôi: "Thiên Chúa chúng ta chỉ toàn đưa ra những cấm đoán",

Thật ra Thiên Chúa không phải là người khắt khe. Ngài mời chúng ta đến dự tiệc vui, tiệc cưới.

Ngài thích chia sẻ niềm vui và sự sống cho con người.

Ngài cần con người đáp lại lời mời đó, để sự hiệp thông giữa đôi bên được trọn vẹn.

Có ai nếm được nỗi chờ mong của Thiên Chúa không, khi khách mời không chịu đến?

Có ai nếm được nỗi đau của Thiên Chúa không, khi con người hờ hững, trước bữa tiệc mà Ngài đã đặt vào đó tất cả lòng mình?

Chuan ta có trăm ngàn lý do, để từ chối lời mời gọi của Chúa:

- Chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện gia đình, chuyện bè bạn, chuyện giải trí, chuyện lo cho sự nghiệp tương lai...

Chúng ta cũng có quá nhiều thứ ưu tiên khác, nên việc đến gặp gỡ Thiên Chúa, bị đẩy xuống hàng thứ yếu… Có khi là xưống hàng chót hết.

Biết bao lần chúng ta đã lỡ hẹn với Ngài, đã từ chối niềm vui vĩnh cữu và sự sống đích thực, để rồi chạy theo những cái bóng, những cái tạm bợ mau qua ở đời này.

Nhưng Thiên Chúa vẫn cứ sai người đi mời, và tiếp tục đi mời. Và bàn tiệc, thì lúc nào cũng sẵn sàng.

Vấn đề là ta có đến không?

Ta có đặt Chúa lên trên các mối bận tâm đời thường của chúng ta không?

*****

Dân tộc Do Thái đã chính thức được mời dự tiệc:

Thiên Chúa đă sai đến với dân Ngài yêu mến những ngôn sứ và những nhà rao giảng Tin Mừng. Nhưng họ đã khước từ và một số đã bị họ giết đi.

Bữa tiệc linh đình vốn là dành cho khách quý, nhưng nay lại trở thành bữa tiệc cho tất cả mọi người, mà các đầy tớ tình cờ gặp ở ngoài đường phố.

"Từ phương đông, phương tây, nhiều người sẽ dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp..." ((Mt 8,9-11)

Chúng ta là dân ngoại, được mời vào phòng tiệc, được gia nhập Hội Thánh qua phép Rửa:

Nhưng, có người đã vào phòng tiệc, mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người đã vào đạo, đã theo đạo, mà vẫn không được vào Nước Trời, vì họ đã đánh mất tấm áo trắng ngày Rửa tội.

Chúng ta phải coi chừng, kẻo lại rơi vào sự tự mãn như người Do Thái.

Được làm con cái Chúa, được sống trong Hội Thánh, đó không phải chỉ là những ơn để nhận, mà còn phải là ơn để sống.

Mặc y phục lễ cưới là thực sự đổi đời, là chứng tỏ cho Chúa thấy mình coi trọng bữa tiệc của Chúa.

Chúng ta phải thường xuyên tự hỏi mình xem: Mình có mặc y phục lễ cưới không?

Lạy Chúa, xin cho con biết can đảm dứt bỏ mọi vấn vương thế trần, để đáp lại lời mời gọi của Chúa, để  siêng năng đến tham dự tiệc thánh hàng ngày, và nhờ của ăn thần diệu là Mình Máu Chúa, con sẽ được sức mạnh đỡ nâng trên hành trình tiến về Quê Trời. Amen.

--------------------------------

 

Bài 11: Hãy trả về cho Thiên Chúa hình ảnh của Ngài

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 123
Thường Niên 29-A


Bạn thân mến,

Vua nước Đức Frederic tự cho mình là học rộng, tài cao, và lấy làm rất hãnh diện, vì đã khám phá ra một phương pháp mới, khả dĩ làm cho nền kinh tế quốc gia phát triển mạnh.

Ông ngồi trong phòng tính đi tính lại: Cứ mỗi năm chim sẻ ăn hết cả triệu triệu thùng thóc trên toàn lãnh thổ. Vì thế, ông truyền phát động chiến dịch bài trừ sẻ. Giết được một con chim là được một phần thưởng.

Toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt, vì thấy công việc dễ dàng và vui thú.

Thế là lần lượt các chim sẻ bị bắn chết, một số khác thì bay về một phương trời xa. Cuối cùng, chẳng còn thấy bóng dáng một con chim sẻ nào trên toàn lãnh thổ.

Frederic vui mừng khôn tả, vì tin chắc kế hoạch của mình sẽ thành công rực rỡ.

Nhưng nào có ngờ đâu, vừa khi ngày mùa tới, hoa trái đang tươi tốt và đầy hứa hẹn, thì bỗng không biết từ đâu, từng bầy sâu bọ đua nhau kéo đến, từng đàn châu chấu cũng ùn ùn xuất hiện, tràn lan khắp lãnh thổ, không cách nào có thể diệt nổi.

Thế là Frederic chỉ còn cách ngồi trong điện rồng, bóp trán, mà lòng thì buồn sầu ủ rũ trông thật hãm hại, vì đang chứng kiến kỳ công của mình đã hoàn toàn bị sụp đổ.

Các qui luật của thiên nhiên, các định luật trong vũ trụ, đều được Thiên Chúa an bài, sắp xếp, để nên tốt đẹp và hữu ích cho con người. Một khi con người đã phá vỡ những qui luật ấy, thì tai họa sẽ ập tới, chỉ còn là vấn đề thời gian.

*****

Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay (Chúa Nhật 29 TN-A: Mt 22,15-21), đã không chỉ khéo thoát khỏi cạm bẫy của nhóm Pharisêu: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”, mà Người còn bất ngờ đưa ra một câu nói khiến bọn họ phải câm miệng: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.

Qua câu này, Đức Giêsu đã nhìn nhận thế quyền của Xêda.

Nhưng quyền gì của Xêda, mà lại chẳng xuất phát từ Thiên Chúa.

Chính Đức Giêsu đã nói với Philatô: “Ngài sẽ không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài”.

Nếu phải trả lại cho Xêda đồng bạc mang hình danh hiệu của Xêda, thì có loài thụ nào mà lại không mang hình hài và tên gọi của Thiên Chúa…. cho nên cũng phải liệu mà trà về cho Thiên Chúa nguyên vẹn hình hài của Ngài.

Nhà bác học Newton đã nói: “Tôi nhìn thấy Thiên Chúa trên đầu viễn vọng kính của tôi”.

- Người ta phá vỡ hình ảnh bao la hùng vĩ của Thiên Chúa, khi người ta chặt cây, phá rừng để cho lụt lội tràn lan; nạn làm ô nhiễm môi trường, và vô tư thải khí carbonic lên bầu trời, làm cho lủng cả tầng Ozone.

- Người ta phá vỡ hình ảnh xinh đẹp của Thiên Chúa, khi người ta ly dị, phá thai, sinh hoạt đồng tình luyến ái…

- Người ta phá vỡ hình ảnh chân thật của Thiên Chúa, khi người ta vẫn đọc kinh, dâng lễ, vẫn xưng tội, rước lễ; nhưng thường ngày, họ lại vẫn sống ích kỷ, vẫn lường gạt và gian lận….

*****

Sách Sáng Thế viết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa”.

Vì thế, con người là tác phẩm tuyệt vời, mà Thiên Chúa nhìn thấy rất rõ hình ảnh của Người trong đó.

Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”.

Nghĩa là:

- Hãy trả lại cho Thiên Chúa hình ảnh con người, đã được Người dựng nên, rất đẹp, rất thanh khiết, rất hoàn hảo ngay từ thuở ban đầu.

- Hãy trả lại cho Thiên Chúa vũ trụ, tài nguyên và muôn sinh vật, hình ảnh trong lành, như khi Người đã dựng nên.

- Hãy trả lại cho Thiên Chúa thế giới do Người tạo nên, hình ảnh của an bình, hòa hợp  và yêu thương.

Chính Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, bằng một tình yêu vô biên.

Vì thế, hãy mở rộng tâm hồn, để đón nhận tình yêu Chúa.

Ta nên nhớ: Huyền diệu của tình yêu, là khi nào có người kia lãnh nhận, thì tình yêu ấy mới thực sự thành tình yêu.

Tình yêu cho đi, mà không có người nhận, thì nó sẽ trở về với người đã trao ban.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết trả về cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da và trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Amen.

----------------------------------

 

Bài 12: Lý do đơn giản để tin Chúa Giêsu là có thật

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 124
Thường Niên 30-A


Bạn thân mến,

Xưa nay, Chúa Giêsu là một câu hỏi, được đặt ra cho biết bao người: Chúa Giêsu có phải là một nhân vật có thật, hay chỉ là một sản phẩm, do trí óc loài người bày vẽ ra?

Một văn hào, Cha Pouget, cũng đã từng đặt ra câu hỏi ấy và Ngài đã trả lời như sau:

“Một trong những lý do khiến tôi tin chắc rằng Chúa Giêsu có thật, không phải do trí tưởng tượng loài người bày ra, vì Ngài đòi hỏi quá nhiều!”

Thật vậy, nếu loài người có bày ra, thì hẳn là đã bày ra một con người vừa tầm thức, vừa lý luận của mình, một con người dễ dãi, hợp lý, không quá đòi hỏi, như trong nhiều đạo giáo khác.

Đàng này, Chúa Giêsu đòi hỏi quá nhiều, đòi hỏi đến mức độ, mà Thánh Phaolô gọi là sự điền rồ của Thập giá:

Theo Chúa Giêsu, thì phải từ bỏ bỏ mọi sự, phải vác Thập giá, phải yêu thương anh em, phải tha thứ cho kẻ khác, không phải tha 7 lần, mà phải tha đến 70 lần 7 (70 x 7 = ???). Và còn biết bao nhiêu đòi hỏi khắc khe khác.

*****

Hôm nay (TN 30-A), Chúa nói về Đức Bác Ái yêu thương và về các đòi hỏi của nhân đức ấy.

Các kỳ mục Do Thái đến hỏi thử Chúa:

“Thưa Thầy, trong lề luật giới răn nào trọng nhất?”

Chúa trả lời:

“Đó là hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hất trí khôn. Đó là giới răn thứ nhất. Nhưng điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là ngươi hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi” (Lev 5,5).

Toàn thể lề luật và các Tiên tri gồm tóm trong hai giới răn ấy?

Đối với người Do Thái, họ chỉ chú trọng đến điều răn thứ nhất, đó là kính sợ Thiên Chúa. Đối với họ: Yêu là giới răn sợ.

Và họ đã chia lề luật ra thành 610 giới răn, trong số đó có 365 luật cấm làm.

Luật nhiều đến nỗi, mà các nhà thông thái cũng không thể nào biết được luật nào là quan trọng nhất.

Họ cứ tưởng: Giữ các giới răn đó là đủ, là hết nợ với Thiên Chúa, là sẽ được đi thẳng một mạch tới Thiên đàng, sau khi kết thúc cuộc sống ở trần gian này.

*****

Câu trả lời của Chúa Giêsu thì đi ngược lại cảm quan của Do Thái, như được mô tả trong cả Phúc Âm của Matthêô (TN 30-A: Mt 22,34-40).

Và cái mới, là việc Chúa hiệp nhất hóa một cách thật chặt chẽ hai giới răn, thành một giới răn “yêu thương”.

Chúa đặt cho giới răn yêu thương tha nhân một nền tảng cao siêu: Ấy là chính Tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Trong bài giảng trên núi, Chúa đã mở rộng chân trời đức Bác ái yêu thương đến mút cùng, đến tình thương của Đức Chúa Cha dành cho nhân loại.

Từ đây, trong Nước Trời, tình thương của chúng ta, như tình thương của Chúa đối với chúng ta, sẽ vô cõi, sẽ vô giới hạn. Ta hãy tha thứ cho anh em vô điều kiện, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Trong bài giảng về ngày phán xét chung (Mt 25), Chúa đã tự đồng hóa mình với anh em ta, và làm cho anh em ta là làm cho Chúa.

Đang khi đó thì nhà hiện sinh vô thần Jean Paul Sartres đã tuyên bố:

Hỏa ngục chính là người khác, thì Chúa lại nói: Người khác, là người anh em ngươi, chính là Ta.

“Con người đến để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28)

Câu hỏi của nhà thông luật Do Thái là một cạm bẫy, để đặt Chúa vào một tư thế phải lựa chọn: Thiên Chúa hay con người.

Câu trả lời của Chúa thật là huyền diệu, vượt lên trên hết mọi cảm nghĩ trần thế.

- Ngài là Thiên Chúa làm người.

- Ngài hoàn toàn tuân phục Đức Chúa Cha, nhưng Ngài cũng liên hệ mật thiết với nhân loại, với mỗi người chúng ta.

Cây Thánh giá chính là biểu tượng của hai mối tình chí thiết ấy:

- Thanh dọc là bàn tay giơ lên tới Thiên Chúa.
- Thanh ngang là vòng tay ôm lấy anh em.

Thiên Chúa và anh em chỉ là một mối tình duy nhất, đi về hai hướng. Đây chính là cốt lõi của mặc khải.

*****

Tiểu sử Thánh Martinô thành Tour, có ghi lại một câu chuyện thật thú vị như sau:

Ở cửa thành Amiens, một ngày mùa đông, chàng hiệp sĩ sẽ trẻ Martinô gặp người ăn xin, dường như trần truồng, đang rét run giữa tiết mùa đông.

Martinô nói:

- Tôi chỉ có áo quần và khí giới.

Rồi rút kiếm ra, Ngài đã xẻ đôi chiếc áo choàng đang mặc, và đem phủ lên mình người ăn xin, đang run rẩy.

Câu chuyện kết thúc như sau: Đêm hôm ấy, trong giấc mơ, Martinô đã thấy Chúa Kitô hiện ra, mặc nửa chiếc áo choàng đó, và quay sang nói với các thiên thần.

- Chính Martinô đã mặc cho Ta đấy.

*****

Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu gó ghi:

“Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày các ngươi đã đến với Ta…

Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,36).

Lạy Chúa:

- Khi con chán nản, xin Chúa gởi đến cho một con người cần được khích lệ.
- Khi con cần sự cảm thông của kẻ khác, xin Chúa gửi đến cho con một người cần sự cảm thông của con.
- Khi con cần sự chăm nom, xin Chúa gửi đến cho con một người cần sự săn sóc.
- Khi con chỉ biết nghĩ về con, xin Chúa hướng lòng trí con về người khác, để cảm thông, để đỡ nâng, để chia sẻ…. (Phỏng theo De la souffance à la joie- Kathryn Sprink)

Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

---------------------------------

 

Bài 13: Chuyện Nữ hoàng Shaba thử tài vua Salomon

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 125
Thường Niên 31-A


Bạn thân mến,

Chuyện kể rằng:

Ngày kia, nữ hoàng Shaba gởi đến vua Salomon hai bó hoa rất giống nhau, để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu, đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả.

Nhà vua bèn mở cửa sổ, cho bầy ong bướm bay vào. Tức thì các chú ong và các nàng bướm liền sà ngay xuống những bông hoa thật.

Những bông hoa giả có sắc, mà chẳng có hương, có bóng hình, mà không có sự sống.

Những kẻ giả hình nói nhiều, mà làm thì chẳng được bao nhiêu. Thậm chí, chỉ nói suông, mà không có thực hành. Họ dung túng cho mình, nhưng lại nghiêm khắc với kẻ khác.

*****

Tin Mừng hôm nay (TN 31-A Mt 23,1-12), Đức Giêsu vạch trần những con người giả hình ấy. Người nói:

“Họ bó những gánh nặng, mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào”.

Người giả hình còn nhiều tật xấu khác, mà Đức Giêsu không tiếc lời chỉ trích: Như tính khoe khang công đức, thích ăn trên ngồi trước, ưa được kính trọng chào hỏi nơi công cộng, và muốn người ta gọi mình là thầy”.

Sau khi nghe Đức Giêsu mô tả khuôn mặt của kẻ giả hình, hẳn ai trong chúng ta cũng thấy dáng dấp của mình trong đó:

- Nếu không háo danh, thì cũng khoa trương,
- Nếu không kể công lênh, thì cũng thích được trọng vọng,
- Nếu không ích kỷ, thì cũng nói nhiều, làm ít……

Đức Giêsu quả đã không nương tay, khi cầm con dao mổ, rạch sâu vào ung nhọt của lương tâm mỗi chúng ta. Cuộc giải phẫu ấy làm chúng ta đau buốt, nhưng sau khi đã lấy ra hết ung nhọt hôi tanh của tính giả hình, chúng ta sẽ chân thành và khiêm tốn hơn.

Chúng ta sẽ chỉ sống những gì mình nói và chỉ nói những gì mình đã làm.

Đức Gioan Phaolô II đã nói:

“Con người ngày nay, không cần những thầy dạy nói suông, nhưng cần những chứng nhân sống điều họ nói”.

Chúng ta không bao giờ phê bình lên án một ai, vì khi chỉ trích kẻ khác là chúng ta đang ngấm ngầm che giấu những tật xấu nơi chính mình, là chúng ta không dám đối mặt với sự thật nơi bản thân, bởi sự thật đó buộc chúng ta phải sám hối và canh tân luôn mãi.

Trong thẳm sâu của lòng người, ai cũng muốn có được một chút danh vọng, ai cũng thích trổi vượt hơn người.

Hôm nay, Đức Giêsu đã cho chúng ta một quan điểm mới, để đáp lại nhu cầu muốn làm lớn trong mỗi chúng ta:

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”.

Điều này, Đức Giêsu đã làm gương trước khi dạy. Tuy người là Chúa và là Thầy, nhưng Người luôn coi mình như bạn hữu, như anh em, và nhất là như đầy tớ phục vụ và yêu thương các môn đệ cho đến cùng.

Như thế, làm lớn theo quan điểm của Đức Giêsu, chính là cúi xuống trước anh em, để chân tình phục vụ họ trong yêu thương.

Thánh Phaolô viết: “Người được chấp nhận, không phải là để tự cao tự đại, nhưng là người được Chúa đề cao”.

Hãy soi đời mình vào tấm gương Giêsu, để tìm cho mình một phong cách sống đẹp nhất.

Lạy Chúa, Chúa là Ðấng thông biết hết mọi sự. Chúa biết cả những ý tưởng và ước muốn thâm kín của loài người.

Xin Chúa soi sáng, để con có thể biết mình: điểm tốt, cũng như xấu, để con có thể sống trung thực với lòng mình.

Xin cho lời nói của con, được đi đôi với tư tưởng và hành động, để lời cầu nguyện và của lễ con dâng được đẹp lòng Chúa, và được Chúa vui chấp nhận. Amen.

----------------------------------

 

Bài 14: Một lễ thành hôn có một không hai

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 126
Thường Niên 32-A


Bạn thân mến,

Joel and Marie sẽ sẽ thành hôn trong 12 ngày tới.       

Cả hai đều là thành viên của Phong trào Tổ Ấm, nên Phong trào đứng ra tổ chức (4-4-1993) một cuộc liên hoan giới trẻ, qui tụ được gần 5.000 người trẻ, từ 21 quốc gia, hầu hết từ Châu Á, như Nhật Bản, Miến Điện, Singapo, Malaixia, Thái Lan, HongKong, Đài Loan, Macao, đông nhất là Phi Luật Tân, nơi cuộc liên hoan được tổ chức.

Họ thuộc nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa và chế độ chính trị khác nhau, nhưng cùng chung niềm khát vọng “xây dựng một thế giới hiệp nhất”.

Khát vọng ấy được diễn tả qua những bài hát, những kịch câm, những điệu vũ, những phát biểu chia sẻ kinh nghiệm sống.

Đã có những bạn khi ra về, đã nhìn nhận sự quá thành công của cuộc liên hoan này.

Chẳng hạn:

- Bạn Kaori từ Nhật Bản nói: "Tôi không phải là Kitô hữu, nhưng là một Phật tử… Tôi nhận ra điều có thể thực hiện được: là xây dựng một thế giới hiệp nhất.

Đây là lần đầu tiên tôi có kinh nghiệm về hiệp nhất và cảm nhận được tình hiệp nhất đó tràn ngập ở bất cứ đâu, trong đại hội, mà tôi được tiếp cận.

Đây là khởi đầu của đời sống hiệp nhất của tôi, bởi vì tôi muốn sống lối sống hiệp nhất như tôi vừa được thấy."

Vậy hai cô cậu Joel and Marie đã chia sẻ được gì về tình yêu và hiệp nhất, để góp phần cho thành công của cuộc liên hoan?

Hai cô cậu đã đứng ra chia sẻ kinh nghiệm sống của mình trên sân khấu, có căng hai khẩu hiệu cho thấy điều thách đố là

“ĐI NGƯỢC DÒNG”

“XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA CHO KHÔNG”.

- Joel nói: Chúng tôi, khi tương quan với nhau, phải nhìn nhận Thiên Chúa là trên hết.

Tương quan với Chúa, quan trọng hơn tương quan giữa chúng tôi với nhau. Đó là điều hai chúng tôi đều nhất trí với nhau.

Quả thật, khi chúng tôi yêu nhau, tình yêu ấy chỉ đích thực, khi chúng tôi đặt lòng yêu mến Thiên Chúa lên hàng đầu. Chẳng vậy, chúng tôi sẽ nghèo nàn, chẳng có gì là thực chất, để cho nhau, hay cho bất cứ ai khác.

Vậy nên, chúng tôi cần phải cố thể hiện ý Chúa, trước khi thể hiện ý riêng mình.

Điều được bao hàm là phải sống trong sạch và phải giữ khoảng cách.

- Marie chia sẻ: Trong sạch có nghĩa là yêu nhau không vì mình, nhưng vì người mình yêu.

Tôi có thể thực hiện điều đó, nếu tôi để Đức Giêsu sống trong tôi. Người cho tôi khả năng thực sự là mình cách hoàn toàn và trọn vẹn. Nhờ vậy tránh tình trạng rỗng tuếch nơi tôi, khiến tôi phải dựa vào anh ấy về mặt tình cảm, như người hai chân không vững phải dựa vào nạng để đứng.

Anh ấy và tôi nhận Đức Maria làm người mẫu về trong sạch. Chúng tôi cố gắng sống với nhau, như những người bạn đích thực, cho tới khi thành hôn, thay vì đối xử với nhau như đã là vợ chồng rồi.

Chúng tôi nhất trí với nhau về những điều nên làm, cũng như những điều không nên làm.

Chúng tôi cũng cố trung thành với điều đã quyết tâm, bằng cách tránh những nơi hoặc những hoàn cảnh, gây nên những chước cám dỗ cho chúng tôi.

- Joel nói: Đã có thời, bản thân tôi cảm thấy bị lôi cuốn mạnh về giới tính đối với Marie.

Thật là thời điểm căng thẳng, đó là lúc tôi thực không rõ điều tôi cảm nhận đúng hay sai.

Nếu hai chúng tôi thực sự yêu nhau, thì nên nói cho nhau biết sự thật. Vậy tôi đã chia sẻ với Marie những cảm nhận của tôi.

Marie lắng nghe tôi nói, với một tình cảm quảng đại, đến nỗi tôi cảm thấy mình không bị xét xử, nhưng được thông cảm.

Vì có tình yêu hiệp nhất như vậy giữa chúng tôi, nên rõ ràng đó chỉ là một thời điểm qua đi.

Sau đó, tôi cảm thấy được bình tĩnh, tự do và bình an nội tâm.

Marie nói: Để cho tình yêu và tình hiệp nhất ấy lớn lên giữa hai người chúng tôi, chúng tôi cố gặp nhau ít là mỗi tuần, một lần, bằng cách tổ chức đi chơi ngoài trời hoặc tổ chức một bữa ăn, một buổi cầu nguyện, hay một buổi làm việc chung với nhau.

Cũng có những lần, với những sinh hoạt như vậy, chúng tôi mời cả người của gia đình chúng tôi, hoặc bạn bè đến nữa, vì chúng tôi cảm thấy đó là cách hướng tình yêu của chúng tôi về với những người lân cận.

Thường xảy ra về cuối tuần, chúng tôi cần gặp nhiều người khác nữa. Những chuyện của giới trẻ Tổ Ấm, hoặc của gia đình chúng tôi, có khi đến bất ngờ khiến chúng tôi mất cơ hội gặp nhau. Nhưng chúng tôi vui vẻ lo những chuyện đó, như là chút quà tặng, mà chúng tôi dành riêng cho những người khác.

Joel nói: Câu Phúc Âm đánh động tôi rất nhiều là

"Không ai có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng mình vì bạn hữu." (Ga 15,12-27)

Câu nói này của Chúa Giêsu đòi tôi phải cho đi tất cả, gồm cả sức lực, trí khôn và tình yêu, kể cả mạng sống tôi nữa.

Tôi cảm thấy mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả, nhưng nhiều khi tôi phải lái xe đưa cô về nhà ở tận Antipolo, vì sợ nguy hiểm cho cô phải đi về nhà một mình, ban đêm.

Tôi hiểu: khi tôi yêu Marie với tất cả tâm hồn, thì có nghĩa là tôi phải quan tâm tới những điều ưa thích.

Hôm ấy, tôi tháp tùng với cô đi vòng vòng, để mua thứ quần và áo gió theo sở thích.

Thật là mất giờ, khi tôi cho cô, để chọn lựa cho được điều cô ưa thích, đã làm cho tôi gần như phải bực mình, vì khi ấy đã khá muộn, mà tôi lại có cuộc hẹn gặp người khác nữa.

Nhưng khi ấy, tôi đã cảm thấy: tôi cần phải bày tỏ tình yêu đối với Marie bằng cách kiên nhẫn gợi ý, về màu sắc và kiểu may, để cô chọn.

Tôi thực sự đã khám phá ra được nhiều cơ hội như vậy, để bày tỏ tình yêu đích thực của nhau.

Marie nói: Chỉ còn 12 ngày nữa chúng tôi sẽ thành hôn. Chúng tôi thực muốn tình yêu của chúng tôi đối với Chúa, là cơ sở để giúp cho mái ấm của gia đình chúng tôi được bén rễ.

*****

Những lời chia sẻ của JoelMarie vừa trích ở trên, đã cho thấy: hai người trẻ đã có một tâm hồn cao thượng, rất đáng thán phục.

Nhưng những lời chia sẻ của họ có nói lên được điều gì, mà bài Tin Mừng hôm nay (TN 32-A: Mt 25,1-13) muốn nói chăng?

Bài Tin Mừng hôm nay rút ra từ chót, tức là bài giảng thứ năm, mà mọi người quen gọi là bài giảng cánh chung của Đức Giêsu, trong sách Phúc Âm thánh Matthêu:

- Đề tài là Nước Thiên Chúa đang đến.
- Điều được nhấn mạnh là: Phải tỉnh thức, vì thực sự không ai biết được ngày nào, giờ nào, Nước ấy sẽ đến.

Trước hết, Đức Giêsu báo trước những biến cố phải đến, trước ngày tận thế, như những cơn đau đớn khởi đầu (Mt 24,4-14), cơn gian nan khốn khó tại Giêrusalem (24,15-25). Kế đến là những dụ ngôn khuyến khích người nghe phải có thái độ tỉnh thức, cuối cùng là hình ảnh về ngày chung thẩm (25,31-46) là phần chót của bài giảng cánh chung.

*****

Riêng dụ ngôn mười trinh nữ, Chúa Giêsu muốn nhắc đến toàn bộ các Kitô hữu, giáo dân nam nữ, cũng như giáo sĩ, tu sĩ.

Ai cũng có thể là tín hữu khôn ngoan hay khờ dại:

- Khôn, là người biết chuẩn bị những điều cần thiết, để nghênh đón Chúa đến.

- Khờ, ngược lại, là kẻ chẳng quan tâm chuẩn bị.

Đức Giêsu sử dụng phong tục lễ cưới của vùng Trung Đông, để nói lên ý nghĩa và giá trị đích thực của dụ ngôn mười trinh nữ.

Điều gay cấn theo phong tục, là cuộc thương lượng giữa hai gia đình: Chỉ khi nào cuộc thương lượng kết thúc, chàng rể mới được đón cô dâu về.

Các phù dâu khờ cứ tưởng chàng rể sẽ không về ban đêm.

Còn các cô khôn thì ý thức rõ: chàng rể có thể về bất cứ lúc nào (cc.2-4).

Chàng rể trong thực tế đã chậm trễ (c.5), nhưng cuối cùng cũng đã xuất hiện vào thời điểm bất ngờ nhất (c.6).

Các cô khờ, trở tay không kịp. Cho nên, việc ra cửa hàng mà mua dầu, thì đã không kịp nhập đoàn rước dâu về nhà chồng (cc.7-10).

Cái cảnh họ bị khước từ, không được tham dự tiệc cưới (cc.11-12) chỉ là logic của việc họ đã không chuẩn bị, cho cuộc hành trình đưa họ vào dự tiệc cưới đó.

Vậy bài học là, phải luôn tỉnh thức (c.13).

*****

Lời chia sẻ của JoelMarie, dĩ nhiên không được cơ cấu hóa một cách khít khao như bài Tin Mừng, để nói lên lời khuyên là phải tỉnh thức.

Nhưng nội dung của lời chia sẻ cho thấy: hai người trẻ này rất ý thức về Nước Thiên Chúa đang đến và họ luôn chuẩn bị, để Chúa đến với họ, trong giây phút họ hiện đang sống.

Joel nói ở đầu cuộc chia sẻ là:

"Chúng tôi khi tương quan với nhau, phải nhìn nhận Thiên Chúa là trên hết."

Câu nói ấy cho thấy: hai người trẻ này đặt bản thân và tương quan giữa nhau, trong vòng tay ưu ái của Thiên Chúa.

Họ ý thức: chính Chúa đã đưa họ vào đời, ngang qua cha mẹ, là cộng sự viên của Người.

Chính Chúa cũng đang đưa họ về cùng đích, ngang qua mối tình, mà Người khơi dậy, nơi họ cho phép họ yêu thương nhau, tới mức có thể hy sinh mạng sống mình, vì tình yêu đó.

Cho nên, điều hoàn toàn logic, là họ phải đặt lòng yêu mến Thiên Chúa lên hàng đầu.

Và họ phải cố thể hiện thánh ý Chúa, trước khi thể hiện ý riêng mình.

Như vậy, chứng tỏ họ đang đặt mình hoàn toàn ở trong Nước Thiên Chúa, thay vì ở ngoài Nước ấy.

Nước Thiên Chúa là cảnh vực, nơi mà Thiên Chúa hiện làm chủ. Cũng tựa như nước Việt Nam bao gồm mọi lãnh vực dưới đất, trên không và ở biển khơi, nơi mà nước Việt Nam đang nắm chủ quyền.

Điều bảo đảm tình trạng họ ở trong Nước Thiên Chúa, là họ "để Đức Giêsu sống" trong họ, như lời Marie nói.

Đức Giêsu một khi chỗi dậy khỏi sự chết, Người không còn bị lệ thuộc vào những điều kiện ràng buộc của thân xác nữa.

Thiên tính Người như từng ẩn giấu mình đi, trong cuộc sống trần thế, nay biểu lộ ra cách mãnh liệt, qua Thần Khí Người ban, cho tất cả những ai nghe Lời Người dạy dỗ.

Chính Thần Khí luôn luôn sống động và luôn tỉnh thức, giúp JoelMarie đón nhận Nước Thiên Chúa đến, trong cuộc sống hàng ngày.

Ai cũng có thể là tín hữu khôn hoặc khờ, nhưng khi đọc Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy tự đánh giá mình là người khôn hay là người khờ?

Đọc những lời chia sẻ của JoelMarie chúng ta đặc biết chú y câu này:

- "Khi chúng tôi yêu nhau, tình yêu ấy chỉ đích thực, khi chúng tôi đặt lòng yêu mến Thiên Chúa lên hàng đầu. Chẳng vậy chúng tôi chẳng có gì là thực chất để cho nhau"?

- "Cần thể hiện thánh ý Chúa, trước khi thể hiện ý riêng mình"?

- "Đức Giêsu cho tôi khả năng thực sự là mình… nhờ vậy, mà tránh được tình trạng rỗng tuếch nơi tôi, khiến tôi phải dựa vào anh ấy… như người hai chân không vững, phải dựa vào nạng để đứng"?

- "Chúng tôi thực sự muốn: tình yêu của chúng tôi phải đặt cơ sở, đặt nền tảng nơi Thiên Chúa, để mái ấm của gia đình chúng tôi được bén rễ, và được phát triển bền vững".

Lạy Chúa, xin cho con biết khử trừ tội lỗi trong tâm hồn và chất đầy trên đôi tay nhỏ bé của con, bằng những công việc sáng chói, đó là những hành động bác ái, yêu thương, để khi Chúa đến, con sẽ được Chúa đón nhận vào bàn tiệc Nước Trời. Amen.

----------------------------------

 

Bài 15: Chuyện ông Adong và bà Evà, sau khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 127
Thường Niên 33-A


Bạn thân mến,

Có một câu chuyện trong dân gian kể rằng:

Khi ông Adong và bà Evà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, ông bà đã làm được một cái nhà, trên đất, toàn sỏi đá khô cằn, và đã làm lụng thật vất vả đổ mồ hôi trán, mới kiếm được cái để ăn.

Mỗi năm, hai ông bà lại có thêm một người con. Và theo năm tháng, những đứa con này lớn lên và có tổng cộng tất cả là có 14 người con. Ngày nay, chắc chả có ai can đảm sinh sản 14 người con!

*****

Một hôm, nghe tiếng gõ cửa, ông Adong ra mở cửa và thấy Thiên Chúa đến thăm. Bà Evà mau mắn mời Chúa ngồi và dâng nước cho Chúa dùng. Chúa cám ơn và hỏi: “Các đứa trẻ đi đâu hết cả rồi?”

Mau lẹ, ông Adong đi gọi các con và 7 đứa đã bước vào nhà, đứng nghiêm trang trước mặt Chúa.

Chúa đứng dậy mỉm cười và nói: “Cha sẽ chúc lành cho từng con một”.

Họ quì xuống trước mặt Ngài, và Ngài đặt tay trên đầu chúng.

- Với người con cả, Chúa: “Con sẽ là một ông vua oai hùng, dũng mạnh”.
- Với người con thứ hai, Ngài bảo: “Con sẽ là một công chúa xinh đẹp”.
- Với con thứ ba Ngài nói: “Con sẽ là một vị công tước khôn ngoan”,
- và những người còn lại, đều được lãnh nhận ơn lành, để trở nên những học giả, thi sĩ, đại thương gia….

Ông Adong và bà Evà thấy Chúa chúc lành rộng rãi cho các con của mình, nên vội vàng đi tìm 7 người con còn lại, dẫn đến trước mặt Chúa.

Chúa cười và nói: “Ta cũng phải chúc lành cho các trẻ này mới được”.

Nghe thế, ông Adong và bà Evà mỉm cười sung sướng.

- Đặt tay trên đứa thứ nhất, Ngài nói: “Con sẽ là một người đầy tớ trung tín”.
- Với người thứ hai, Ngài bảo: “Con sẽ là một bác nông phu”.
- Người con thứ ba cũng được chúc lành, để làm thợ đóng giày.
- Số còn lại người làm thợ rèn, người làm thợ mộc, người làm nghề may vá quần áo…

Bà Evà nghe thấy Chúa chúc phúc như vậy, nên khóc và thưa: “Lạy Chúa, thật không công bằng chút nào. Chúa phân phát các ân huệ của Chúa không đồng đều chi cả. Tất cả những người con này, đều là con của con, mà sao Chúa lại cho người được làm vua, người bị làm đầy tớ”.

Chúa lắng nghe lời than, rồi trả lời: “Này Evà, con không hiểu ý Cha. Cha thấy cần thiết phải phân chia các nhiệm vụ, các công việc trên mặt đất này, qua các người con của con.

- Nếu tất cả đều làm vua hoặc công chúa, thì còn ai sẽ làm nghề nông, để cung ứng thực phẩm nữa.

- Nếu tất cả đều làm quan, thì ai sẽ là người cung cấp quần áo.

- Mỗi người lãnh nhận nhiệm vụ khác nhau, nhưng dưới cái nhìn của Cha, tất cả đều quan trọng và cần thiết.

Giống như các phần trong thân thể. Tất cả đều hoà hợp, bổ túc và nuôi dưỡng nhau”.

Nghe vậy, bà Evà thưa: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Con đã quá vội vã và nông nổi. Con cầu xin cho thánh ý Chúa được nên trọn hảo, nơi các người con của con”.

*****

Qua bài Phúc âm hôm nay (TN 33-A: Mt 25, 14-30), với dụ ngôn người lãnh năm nén bạc, người hai nén, người một nén, Chúa muốn nói với chúng ta một sự thật căn bản này: Không ai giống ai và mỗi người lãnh nhận những tài năng, ân sủng khác nhau.

Tuy nhiên, tất cả mọi người đều có những gì cần phải có, để đạt kết quả cần thiết như Chúa muốn.

- Người lãnh một nén, không có nhiều như người có năm nén, đó là điều rõ ràng, hiển nhiên, nhưng ông đang có tất cả những gì ông cần. Nếu ông không đem đi chôn, thì có thể ông đã làm được rất nhiều chuyện.

Điều này phản ảnh tâm trạng con người một cách sâu xa: Thiên Chúa trao ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần, nhưng điều đáng buồn, là chúng ta thường không biết nhận ra giá trị và biết cảm tạ những gì chúng ta có.

Phải, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa trao ban ân huệ, cũng như tài năng, và có tất cả những gì cần có, để đạt tới đích Thiên Chúa muốn.

Thiên Chúa trao ban những ân huệ, và tài năng khác nhau, là để giúp con người có thể chu toàn các công việc khác nhau, bổ túc, khích lệ, và nâng đỡ nhau trong cuộc sống vất vả, nơi dương thế.

Mỗi người đều quan trọng và có chỗ đứng riêng biệt trên trái đất này.

Điều quan trọng, không nằm ở chỗ nhận được nhiều hay ít, nhận ân huệ này hay tài năng kia, nhưng là ở chỗ chúng ta đã, đang, và sẽ làm gì với những cái chúng ta đang có, những gì chúng ta đã lãnh nhận.

Đây là điều quan trọng của dụ ngôn muôn nói:

- Người có một nén, cũng có cùng một cơ hội như người có năm nén, nhưng ông đã chọn lựa việc đem chôn giấu đi.

Đó là điều tệ hại nhất, có thể chúng ta đã làm, với bất cứ quà tặng nào, mà Thiên Chúa đã yêu thương trao ban cho chúng ta.

Đâu là ân sủng, tài năng của chúng ta?

Và Thiên Chúa đã trao cho chúng ta những gì, để chúng ta chia sẻ với xã hội hôm nay?

Phải chăng chúng ta đem chia sẻ, hay lại đem chôn giấu dưới đất, đầu tư một cách ngu xuẩn hay dùng nó để làm vinh danh Chúa?

Chúng ta cần phải nhớ rằng: chúng ta có tất cả những gì cần thiết, đế chu toàn nhiệm vụ và bổn phận của chúng ta.

Và Thiên Chúa muốn chúng ta làm việc:

Người lãnh một nén bị khiển trách, bị phạt, không phải vì tội ông chỉ lãnh được một nén, nhưng vì ông không chịu làm việc, không khai thác khả năng của mình.

Do đó, câu hỏi quan trọng, mà mỗi người chúng ta cần kiểm điểm, suy nghĩ một cách thành thực trước mặt Chúa, và trả lời qua cuộc sống của mình, đó là: Chúng ta đã và đang làm gì, với những cái chúng ta có, những gì chúng ta đã và đang lãnh nhận?

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa, vì Chúa đã tín nhiệm chúng con, trao ban cho chúng con những nén bạc, để làm cho những nén bạc ấy gia tăng, đem lại lợi ích cho chúng con và cho nhiều người khác. 

Con xin cố gắng hết mình,  để đáp lại lòng yêu thương và sự tín nhiệm của Chúa. Nhưng xin Chúa luôn trợ lực, giúp sức cho con. Amen.

-------------------------------

 

Bài 16: Chuyện một người con chọn mẹ để sinh ra

Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 132
Mùa Vọng 4-B


Bạn thân mến,

Nếu được lựa chọn một người mẹ để sinh ra ở trần gian này, thì có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ chọn cho mình một người hết sức xinh đẹp và thánh đức. Xinh đẹp, đến nỗi làm cho tất cả các phụ nữ khác đều phải ghen tuông, sửng sốt. Thánh đức, đến nỗi làm cho mọi người đều phải cảm phục, ngợi khen.

Ai cũng thế thôi, và có lẽ thời nào cũng vậy thôi.

*****

Loài người muốn chọn người mẹ sinh ra mình, nhưng không bao giờ được. Chúng ta phải chịu nhận lấy người mẹ sinh ra mình, như một “số mệnh bắt buộc”, như một cái may, cái rủi, tốt ai nấy được, xấu ai nấy chịu. Không ai có quyền chọn người mẹ sinh ra mình.

Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác hẳn:

Ngài đã sinh ra bởi một người được lựa chọn. Ngài đã chọn người mẹ sinh ra mình. Một người con chọn một người mẹ. Đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không chọn một cách độc đoán:

Ngài không yêu cầu người phụ nữ được chọn, phải làm theo ý Ngài vô điều kiện. Nhưng Ngài rất tôn trọng tự do của người phụ nữ ấy, và muốn người phụ nữ ấy hoàn toàn ưng thuận theo suy nghĩ và theo sự tự do của mình.

Nói cách khác,

Thiên Chúa đã nhất định chọn một người phụ nữ để làm mẹ mình. Nhưng Ngài cũng muốn để cho người phụ nữ ấy chọn mình làm con nữa. Vì thế, sau khi đã tuyển chọn và trang điểm cho người phụ nữ ấy với muôn vẻ đẹp và ơn phúc, thì Ngài đã sai một sứ thần cao cấp, đến báo tin và thỉnh ý người phụ nữ ấy. Đó chính là câu chuyện truyền tin trong bài Tin Mừng hôm nay (MV 4-B: Lc 1, 26-38).

Sứ thần cao cấp đó là tổng lãnh thiên thần Ga-bri-en. Và người phụ nữ được truyền tin, đó là trinh nữ Maria.

Qua cuộc đối thoại giữa tổng lãnh thiên thần Ga-bri-en và Đức Maria, chúng ta biết: Cuối cùng, Đức Maria đã trả lời:

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin Người hãy thực hiện cho tôi, như lời sứ thần nói”.

Tiếng “Xin vâng” vừa thoát khỏi môi miệng Đức Maria, thì Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, ngự xuống mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Mẹ. Sự hiệp nhất bản tính Thiên Chúa, với bản tính loài người được thực hiện.

Và ngay lúc đó, Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ được đầy đủ mọi ơn phúc cần thiết, nối kết với chức vụ Mẹ Thiên Chúa, để chu toàn vai trò quan trọng này.

Đồng thời, Đức Mẹ đã trở nên Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.

*****

Chúng ta thấy Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của Đức Mẹ và Đức Mẹ cũng đã tự do đáp lại lời mời của Chúa.

Đức Mẹ đã chấp nhận cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, và vì sự ưng thuận của Đức Mẹ, đã mở đường cho việc Con Thiên Chúa nhập thể, để cứu chuộc chúng ta:

Con Thiên Chúa đã xuống thế trong cung lòng Đức Mẹ. Ngôi Lời đã hóa thành con người. Con Thiên Chúa đã trở nên con Đức mẹ.

Nếu chúng ta muốn hiểu thêm về vai trò của Đức Mẹ trong công cuộc cứu chuộc, thì chúng ta có thể đặt song đôi hai mẫu đối thoại:

- Từ một mẫu đối thoại phát xuất ra sự diệt vong của chúng ta, đó là mẫu đối thoại giữa con rắn và bà Eva, trong cuộc cám dỗ đầu tiên ở vườn địa đàng; và

- Từ mẫu đối thoại kia phát xuất ra ơn cứu chuộc cho chúng ta, đó là mẫu đối thoại giữa sứ thần Ga-bri-en và Đức Maria trong cuộc truyền tin.

So sánh cách thức con rắn tiếp xúc với bà Eva và cách thức sứ thần tiếp xúc với Đức Mẹ, chúng ta thấy một bên là sự ngạo mạn và bên kia là sự kính trọng.

Con rắn đề nghị những gì ?

Một nỗi ngờ vực, một sự dối trá, một cuộc nổi loạn.

Còn sứ thần Ga-bri-en đề nghị: Một sự ưng thuận và ơn cứu chuộc.

- Bà Eva ưng thuận và thế là có các hậu quả tai hại;

- Đức Maria thưa “Xin vâng” và Ngôi Lời đã làm người. Nhờ Đức Maria, nhờ thái độ tin tưởng và vâng phục của Đức Mẹ, nhân loại được liên kết trở lại với Thiên Chúa.

*****

Qua mầu nhiệm này, chúng ta thấy có nhiều bài học: Mầu nhiệm nhập thể, con Đức mẹ, chính là Con Thiên Chúa, quyền năng của Thiên Chúa, đức tin của Đức Mẹ, lòng khiêm nhường của Đức Mẹ, sự đồng trinh của Đức Mẹ, sự “Xin vâng” của Đức Mẹ.

Hôm nay chúng ta ghi nhớ bài học sau cùng thôi. Đó là theo gương Đức Mẹ, vâng theo thánh ý Chúa trong mọi sự.

Chúng ta có thể nói: Nếu có một chân lý nào được gọi là quan trọng nhất của đời Đức Mẹ, thì chân lý quan trọng đó là câu “Xin vâng thánh ý Chúa”.

Cũng vậy, nếu có một chân lý nào được coi là quan trọng nhất của cuộc đời Đức Kitô, thì chân lý quan trọng ấy cũng là “Con đến để làm theo ý Cha”.

Vậy, nếu Chúa Giêsu, nếu Đức Mẹ đã chọn chân lý cho đời sống mình là “Vâng theo thánh ý Chúa”, thì chân lý ấy cũng phải là chân lý quan trọng nhất của đời sống tất cả chúng ta.

Chúng ta đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh.

Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta. Mẹ là người đã chuẩn bị một lễ Giáng sinh đẹp nhất, công phu nhất, dài nhất bằng cả chín tháng cưu mang trong tình yêu.

Xin Mẹ cũng giúp chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh với tâm tình như Mẹ.

Lạy Chúa, Chúa đã trối lại cho chúng con người Mẹ yêu dấu của Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết sống gắn bó với Mẹ Maria, bằng việc tuân hành những mệnh lệnh Mẹ dạy bảo, để luôn làm đẹp lòng Chúa.

Xin giúp chúng con học được những bài học, như chính đời sống của Mẹ, để cuộc đời chúng con cũng mãi là bài ca tôn vinh danh Chúa như chính Mẹ đã sống. Amen.

---------------------------------

Những sách cha Mễn đã in (60 cuốn):
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/nhung-sach-da-in-1654.html

*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 )

I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (7 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/
1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1
2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2
3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
4. Chuyện gà mái ấp trứng đại bàng – Sách 4
5. Chuyện “Số Con Rệp” – Sách 5
6. Thiên Chúa là Đấng hay quên  – Sách 6
7. Chuyện một người con chọn mẹ để sinh ra – Sách 7

II. – Chuyện đời chuyện đạo: (13 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1
2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2
3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3
4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4
5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
6. Phút thánh hoá gia đình đầu năm mới - Sách 6
7. Năm Mão nói chuyện con mèo - Sách 7
8. Một kiểu sống lại không vui - Sách 8
9. Chuyện con gà trống - Sách 9
10. Kinh cầu các thánh chẳng hề  được phong - Sách 10
11. Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục - Sách 11
12. Các linh hồn nơi Luyện Ngục sẽ không quên sự giúp đỡ của chúng ta - Sách 12

13. Tình Mẫu Tử trong dịp Lễ Giáng Sinh - Sách 13

III. - Chuyện kể cho các gia đình: (26 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/
1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1
2. Đừng bỏ cuộc - sách 2
3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3
4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4
5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5
6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6
7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7
8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8
9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9
10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10
11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11
12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12
13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13
14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
15. Chuyện cô giáo năm xưa - Sách 15
16. Kinh nghiệm của những người trở về “Từ Cõi Chết” nói với ta - Sách 16
17. Quyển nhật ký của mẹ - Sách 17
18. Phép lạ từ việc sùng kính Đức Mẹ - Sách 18
19. Ngày của bố - Sách 19
20. Chuyện 2 cha con hoang đàng - Sách 20
21. Chuyện Kẻ “tự bắc thang lên trời” - Sách 21
22. Chuyện Quỷ Ám là có thật - Sách 22
23. Chuyện bán linh hồn cho ma quỉ - Sách 23
24. Thảm họa: Một Thiên Đường không có Thiên Chúa – Sách 24
25. Nếu Thiên Chúa không có, thì tại sao lại chống Ngài ? – Sách 25
26. Ông già Noel không mặc đồ đỏ – Sách 26

IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/
1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1
2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2
3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3
4. Căn hầm bí mật - Sách 4
5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5
6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6
7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7
8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8

V. – Kho sách quý: (6 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/
1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1
2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2
3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3
4. Sách tháng các linh hồn – Sách 4
5 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần I) – Sách 5
6 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần II)– Sách 6


----------------------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây