Thánh Tôma Aquinô nói: Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt hảo. Với lời kinh này, chúng ta không những cầu xin những điều chúng ta có thể ước ao cách chính đáng, mà còn theo một trật tự những điều chúng ta đáng ao ước nữa. Vì vậy, lời kinh này không những dạy chúng ta cầu xin, mà còn huấn luyện toàn thể tâm tình của chúng ta nữa. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết dùng Kinh Lạy Cha để chúc tụng thờ lạy Chúa Cha, bởi vì, Người đã cho chúng ta được tái sinh vào sự sống của Người, khi nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một của Người. Hội Thánh chính là sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người: vì được kết hợp với Con Một của Người, Đấng đã trở thành “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), Hội Thánh được hiệp thông với cùng một Chúa Cha, trong cùng một Thánh Thần. Do đó, tuy còn có sự khác biệt giữa các hệ phái Kitô giáo, nhưng Kinh Lạy Cha vẫn là gia sản chung và là lời mời gọi khẩn thiết đối với mọi Kitô hữu, cùng toàn thể nhân loại đi vào trong sự hiệp nhất nên một.
Ước gì, trong tiến trình hiệp hành, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, và những bất đồng chia rẽ. Tình yêu của Thiên Chúa thì không có biên giới, nên lời cầu nguyện, và cung cách hành xử của chúng ta cũng phải như vậy. Trong tiến trình hiệp hành, khi đọc “Lạy Cha chúng con”, lòng chúng ta phải được mở rộng theo mức độ tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ trong Đức Kitô: mức độ của tình yêu Thiên Chúa là yêu không mức độ như lời thánh Bênađô đã nói. Xuất phát từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại, trong tiến trình hiệp hành, qua Kinh Lạy Cha, Hội Thánh sẽ đem hết tình yêu của mình mà cầu nguyện với mọi người và cho mọi người chưa nhận biết Cha, để tất cả được quy tụ về một mối… Giờ đây, cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta hãy cùng suy niệm và cầu nguyện với lời kinh mà chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta.
Suy niệm: Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải hướng tới việc: làm cho Danh Cha cả sáng. Thật vậy, Thiên Chúa mặc khải Danh Người trong những thời điểm quyết định của nhiệm cục cứu độ. Danh Chúa Cha chỉ được cả sáng, chỉ được thành tựu cho chúng ta và trong chúng ta, khi mà: Danh của Người được thánh hóa nơi chúng ta và trong chúng ta. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta luôn ý thức được ơn gọi nên thánh của mình, để Danh Cha được thánh hóa trong chúng ta bằng đời sống của chúng ta, bởi vì, nếu chúng ta sống tốt lành, thì Danh Cha được chúc tụng; nếu chúng ta sống tệ hại, thì Danh Cha bị phỉ báng, như thánh Phaolô đã từng khiển trách: “Chính vì anh em mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân” (Rm 2,24). Trong tiến trình hiệp hành, nếu chúng ta mong ước, và cầu xin cho Danh Cha được cả sáng bao nhiêu, thì chúng ta phải sống xứng đáng với sự thánh thiện của Người bấy nhiêu. Trong tiến trình hiệp hành, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta tin chắc mình sẽ được Chúa Cha đoái thương nhận lời, bởi vì, đó chính là lời kinh Đức Giêsu đã dạy chúng ta, và cũng chính Người đã cầu xin trong lời nguyện hiến tế của Người: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong Danh Cha, những người mà Cha đã ban cho con.”
Lời Nguyện Kết: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con ý thức rằng: khi chúng con cầu xin: “nguyện Danh Cha cả sáng”, là chúng con đang cầu xin cho Danh Cha được thánh hóa trong chúng con, là những kẻ đã thuộc về Cha, cũng như trong mọi kẻ khác, là những người, mà ơn thánh Cha còn đang chờ đợi họ. Xin cho tiến trình hiệp hành của Hội Thánh chúng con luôn tiến triển trong tình hiệp thông với Cha, và với Con Cha, là Đức Giêsu Kitô, là anh Cả và là Đầu của Hội Thánh chúng con. Amen.
Suy niệm: Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải hướng tới việc: làm cho Nước Cha Trị Đến. Thật vậy, Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta. Nước đó đã gần đến trong Ngôi Lời nhập thể, đã được loan báo trong toàn bộ Tin Mừng, và đã đến trong sự chết và sống lại của Đức Kitô. Trong tiến trình hiệp hành, mỗi khi Hội Thánh cử hành Bí Tích Thánh Thể, Nước Thiên Chúa lại đang ở giữa chúng ta. Nước đó sẽ đến trong vinh quang, khi Đức Kitô trao nó lại cho Cha Người: Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao, và mong mỏi Người ngự đến trong vinh quang. Chắc chắn rằng trong tiến trình hiệp hành, Hội Thánh không ngừng cầu xin: “Maranatha!”: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”, nhưng, ước muốn này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng của mình ở trần gian, trái lại, càng thúc giục Hội Thánh dấn thân nhiều hơn nữa, bởi vì, từ ngày Lễ Ngũ Tuần, cuộc Ngự đến của Nước Thiên Chúa là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng kiện toàn công trình của Đức Kitô nơi trần gian, và hoàn tất công việc thánh hóa, như lời thánh Phaolô đã nói: “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17).
Lời Nguyện Kết: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Nước Cha Trị Đến. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết phân định Thần Khí, để thấy rõ sự khác biệt giữa thăng tiến Nước Cha, và tiến bộ xã hội chúng con đang sống. Tuy phân biệt, nhưng không tách biệt, vì thế, trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết sử dụng các năng lực và phương tiện Cha ban, để phục vụ công lý và hòa bình trên mặt đất này, để nhờ đó, chúng con cùng nắm tay nhau xây dựng một nền văn minh tình thương: mọi người cùng nhận biết nhau là anh chị em con cùng một Cha trên trời, hầu để, Nước Cha được hiển trị ngay trong đời sống của chúng con. Amen.
Suy niệm: Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải hướng tới việc: làm cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chúa Cha đã cho chúng ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương, Người đã định từ trước trong Đức Kitô, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Vì thế, trong tiến trình hiệp hành, chúng ta phải tha thiết cầu xin: để kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, được thực hiện trọn vẹn dưới đất, như đã được thực hiện trên trời. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết gắn bó với Đức Kitô, nên một lòng một trí với Người, và nhờ đó, thực thi ý muốn của Người, để ý Chúa Cha đã nên trọn trên trời thế nào, thì cũng được thể hiện dưới đất như vậy. Trong tiến trình hiệp hành, lời cầu nguyện của Hội Thánh chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong Danh Thánh Chúa Giêsu, và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, cùng toàn thể các Thánh, là những vị đã làm đẹp lòng Chúa Cha, khi không muốn điều gì khác, ngoài thánh ý Chúa Cha. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, Ý Cha thể hiện trong Đức Giêsu Kitô thế nào, thì trong Hội Thánh cũng như vậy; như Phu Quân đã chu toàn thánh ý của Cha thế nào, thì Hiền Thê cũng hoàn tất Ý Cha như vậy.
Lời Nguyện Kết: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong tiến trình hiệp hành, xin Cha cho ý muốn của chúng con được kết hợp với ý muốn của Đức Giêsu, Con Cha, để chu toàn thánh ý Cha, là kế hoạch yêu thương: là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô, Con Cha. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con ý thức được sự hoàn toàn bất lực của mình, để chúng con biết kết hợp với Đức Giêsu, và nhờ quyền năng Thánh Thần của Người, chúng con có thể phó dâng cho Cha: ý muốn của chúng con và quyết định: luôn chọn điều Con Cha đã chọn: Đó là… luôn làm đẹp Ý Cha. Amen.
Suy niệm: Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải hướng tới việc: xin cho mọi người có Lương Thực Hằng Ngày. Tại sao chúng ta lại phải xin lương thực hằng ngày? Chúa Cha, Đấng ban sự sống cho chúng ta, chẳng lẽ lại không ban những gì cần thiết cho sự sống của chúng ta sao? Sự tồn tại của những con người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi chúng ta phải có trách nhiệm liên đới đối với các anh chị em của mình. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết sống tinh thần khó nghèo của các mối phúc, là nhân đức chia sẻ, thông chia, và phân phát những của cải vật chất, cũng như tinh thần, không do cưỡng bách, nhưng vì tình yêu, ngõ hầu sự dư thừa của người này, sẽ bù đắp sự túng thiếu của những người khác. Trong tiến trình hiệp hành, ước gì chúng ta biết lưu tâm đến một nạn đói khác: khiến cho con người phải diệt vong: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra, ước gì chúng ta biết vận dụng mọi nỗ lực của mình, để những người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng, bởi vì, trên trái đất này, còn những người đói khát: không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Chúa (x. Am 8,11).
Lời Nguyện Kết: Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Trong tiến trình hiệp hành, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, xin cho chúng con ý thức rằng: lời cầu xin thứ tư này liên quan đến Bánh Trường Sinh: đó là Lời Chúa và Thánh Thể. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con luôn biết kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, chính Người là hạt lúa đã được gieo vào lòng Đức Maria, được dậy men trong xác phàm, được làm thành bánh trong cuộc khổ nạn, được nấu nướng trong lò huyệt đá, được lưu giữ trong các nhà tạm, và được dâng lên trên các bàn thờ mỗi ngày, để cung cấp của ăn đàng hằng ngày cho chúng con. Amen.
Suy niệm: Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải hướng tới việc: “xin Cha tha nợ cho chúng con”. Chúng ta vẫn không ngừng phạm tội, và quay lưng lại với Thiên Chúa. Do đó, trong lời cầu xin này, chúng ta trở lại với Cha, như đứa con hoang đàng, và thú nhận mình là tội nhân trước mặt Cha, như người thu thuế. Lời cầu xin của chúng ta bắt đầu bằng “việc xưng thú”, qua đó, chúng ta vừa thú nhận sự khốn cùng của mình, và đồng thời, vừa tuyên xưng lòng thương xót của Cha. Tuy nhiên, nguồn ơn thương xót này không thể thấm nhập vào trái tim chúng ta, một khi chúng ta không tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Lời cầu xin này hết sức quan trọng, đến nỗi, đây là lời cầu xin duy nhất mà Đức Giêsu phải nhắc lại và triển khai thêm trong Bài Giảng Trên Núi. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết để của lễ lại trước bàn thờ, đi về làm hòa với nhau trước đã, bởi vì, hy lễ đẹp lòng Chúa Cha hơn cả là sự bình an, hòa thuận, và hiệp nhất giữa chúng ta với nhau, để rồi từ đó, chúng ta sẽ được hiệp thông sống động với Thiên Chúa, là Cha đầy lòng tha thứ, nhờ đó, chúng ta cũng biết tha thứ cho nhau “như” Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong Ðức Kitô.
Lời Nguyện Kết: Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. Trong tiến trình hiệp hành, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, xin cho chúng con ý thức rằng: Kinh nguyện Kitô giáo phải đi đến tận cùng của tình yêu: là tha thứ cho kẻ thù, bởi vì, lời nguyện này sẽ làm cho chúng con được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Con Cha. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con luôn biết tha thứ cho nhau, bởi vì, tha thứ là tột đỉnh của tình yêu Kitô giáo, là bằng chứng hùng hồn cho thế giới hôm nay: tình yêu thì mạnh hơn tội lỗi. Amen.
Suy niệm: Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải hướng tới việc: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Chúng ta luôn bị giằng co giữa xác thịt và Thần Khí. Với lời nguyện này, chúng ta muốn xin Cha ban Thánh Thần, để chúng ta biết phân định, và có đủ sức mạnh chống lại cơn cám dỗ. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phân định: đâu là thử thách cần thiết, để con người nội tâm của chúng ta được tăng trưởng, nhờ quen chịu đựng những thử thách, và đâu là cám dỗ dễ dẫn đến tội lỗi và sự chết. Nhờ biết phân định, chúng ta có thể vạch trần sự dối trá của chước cám dỗ. Thiên Chúa không muốn áp đặt, Người muốn chúng ta được tự do, nên có lúc, cám dỗ cũng có cái lợi: cơn cám dỗ khiến chúng ta nhận ra con người thật của mình: khám phá ra tình trạng tệ hại của mình. Muốn khỏi “sa chước cám dỗ”, chúng ta phải có quyết tâm: Kho tàng của chúng ta ở đâu, thì lòng chúng ta ở đó; Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà hành động. Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta hãy vững tin rằng: Thiên Chúa là Ðấng trung tín: Người sẽ không để chúng ta bị cám dỗ quá sức, nhưng, khi để chúng ta bị cám dỗ, Người sẽ cho chúng ta phương thế để thoát khỏi, và sức mạnh để chịu đựng (x. 1 Cr 10,13).
Lời Nguyện Kết: Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Trong tiến trình hiệp hành, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, xin cho chúng con ý thức rằng: Trong cuộc chiến đấu này, chúng con chỉ có thể chiến thắng nhờ cầu nguyện, như xưa, Ðức Giêsu đã chiến thắng Tên Cám Dỗ, lúc khởi đầu sứ vụ, và trong cuộc chiến cuối cùng, vào giờ hấp hối. Trong tiến trình hiệp hành, xin Cha kết hiệp chúng con với Đức Kitô trong cuộc chiến đấu và cơn hấp hối của Người, để chúng con khỏi sa chước cám dỗ, nhưng bền đỗ đến cùng, quyết tâm xây một Hội Thánh Hiệp Hành: hiệp thông, tham gia, và sứ mạng, như lòng Cha ước mong. Amen.
Suy niệm: Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh phải hướng tới việc: “xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Trong lời cầu xin cuối cùng này, Hội Thánh trình lên Cha mọi nỗi khốn cùng của thế giới. Hội Thánh không những xin được gìn giữ khỏi mọi sự dữ đang hoành hành nơi nhân loại, mà còn van xin Cha ban ơn bình an, và ơn bền vững đang khi trông đợi ngày Ðức Kitô quang lâm. Lời xin này liên hệ đến từng người chúng ta, trong sự thông hiệp với Hội Thánh: xin Cha cứu toàn thể gia đình nhân loại chúng ta. Trong tiến trình hiệp hành, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, Hội Thánh cho thấy lời kinh này không ngừng mở ra cho chúng ta những chiều kích của nhiệm cục cứu độ: Chúng ta từng liên đới với nhau trong tội lỗi và sự chết, nay được liên đới trong Thân Thể Đức Kitô, trong mầu nhiệm các thánh thông công. Trong lời xin này, Sự Dữ không là một điều trừu tượng, nhưng là một nhân vật, là Satan, là Ác Thần, thiên thần dữ đã chống lại Thiên Chúa, và luôn tìm cách ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa, và công trình cứu độ trong Đức Kitô. Khi cầu nguyện như thế, Hội Thánh khiêm tốn và tin tưởng tiền dự vào ngày mọi người và mọi loài được quy tụ trong Ðức Kitô, Ðấng nắm quyền trên Tử Thần và Âm Phủ, là Chủ Tể của mọi sự, Ðấng hiện có, đã có và đang đến.
Lời Nguyện Kết: Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Trong tiến trình hiệp hành, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, xin cho chúng con ý thức rằng: phàm ai đã được Cha sinh ra, thì không phạm tội, nhưng có Ðấng, mà Cha đã sinh ra gìn giữ, và bảo vệ, còn Ác Thần thì không thể nào đụng đến được. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con vững tin rằng: Cha sẽ rộng lòng thương cứu giúp, và giải thoát chúng con khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ chúng con ngự đến. Amen.
…………………….. Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (Dòng Biển Đức Nam)