- Kinh CTT, Tin, Cậy, Mến, Kinh cầu cho Thượng Hội Đồng (Adsumus Sancte Spiritus)
Lạy Chúa Thánh Thần, này chúng con đang hiện diện trước nhan Chúa, khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa. Chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con, xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con; xin dạy chúng con lối đường phải đi, và cách bước đi trên đường lối đó. Chúng con yếu đuối và tội lỗi, xin đừng để chúng con gây xáo trộn; đừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm, cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến. Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con, để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu, và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật. Chúng con cầu xin Chúa, là Đấng hoạt động mọi nơi mọi thời, trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con, mãi mãi đến muôn đời. Amen. - Suy niệm theo ngày…
Hy Tế Thánh Thể là trọng tâm của tất cả các Mùa Phụng Vụ. Đó là điều mà chúng ta cử hành mỗi ngày. Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta phải tái khám phá và duy trì sự sống động của việc tôn sùng Thánh Thể. Trên thập giá, Đức Kitô đã biến “nạn nhân” (victima) thành “người chiến thắng” (Victor): Đức Kitô là Đấng chiến thắng, bởi vì, chính Người đã là nạn nhân. Chắc chắn, trong tiến trình hiệp hành, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cùng với sự tấn công tư bề của Ba Thù: thế gian, xác thịt, Satan, nhưng, chúng ta hãy vững tin vào lời của Đức Giêsu: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16,33). Đức Kitô “đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.” (x. Hr 9,26). Lịch sử tiết lộ những gì đã từng xảy ra và nó đã xảy ra như thế nào, Phụng Vụ đảm bảo rằng: quá khứ không bị lãng quên; không phải theo nghĩa làm cho sự kiện xảy ra một lần nữa (non faciendo), nhưng theo nghĩa, cử hành sự kiện đó (sed celebrando). Bí Tích Thánh Thể tái diễn (rappresentare) biến cố thập giá bằng cách cử hành, chứ không phải bằng cách nhắc lại. Do đó, theo lịch sử, chỉ có một Hy Tế Thánh Thể, là Hy Tế do Đức Giêsu thực hiện cùng với sự sống và cái chết của Người; nhưng mặt khác, theo Phụng Vụ, tức là nhờ Bí Tích Thánh Thể, mà có biết bao các Hy Tế Thánh Thể đã được cử hành, và sẽ được cử hành cho đến ngày tận thế. Sự kiện lịch sử đó chỉ diễn ra một lần (semel), còn Bí Tích thì diễn ra “mọi lúc” (quoties-cumque). Nhờ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những người đương thời, với sự kiện lịch sử đó, cách mầu nhiệm: sự kiện lịch sử hiện diện với chúng ta, và chúng ta có mặt tại sự kiện lịch sử năm ấy. Xin Chúa Thánh Thần “phủ bóng” trên tiến trình hiệp hành của chúng ta, để Hội Thánh được thông dự vào Hy Tế Thánh Thể của Đức Kitô, và để tiến trình hiệp hành của chúng ta được thánh hóa, và được biến đổi thành bí tích mang ơn cứu độ đến cho mọi người.
HỘI THÁNH HIỆP HÀNH LẮNG NGHE LỜI CHÚA DƯỚI SỰ HƯỚNG DẪN CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG HY TẾ THÁNH THỂ
Suy niệm: Sách Thánh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, thì cũng phải được đọc và giải thích nhờ chính Chúa Thánh Thần. Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, tác động của Chúa Thánh Thần được thực hiện qua sự xức dầu thiêng liêng: hiện diện nơi người công bố và người nghe. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết cầu xin sự xức dầu của Chúa Thánh Thần trước khi chúng ta nói và lắng nghe nhau. Nhờ Phép Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đã có được sự xức dầu, như một ấn tích không thể xóa nhòa. Tuy nhiên, việc xức dầu thánh đó, giống như một lọ dầu thơm được đậy kín: Dầu sẽ không toả hương thơm, nếu lọ chứa dầu: chưa bị vỡ ra. Đây là điều đã xảy ra với cái bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng được người phụ nữ đập vỡ, làm cho cả nhà sực mùi thơm. Việc tạo ra dầu, không tùy thuộc vào chúng ta, nhưng, việc loại bỏ các chướng ngại ngăn cản hương thơm dầu tỏa ra, thì tùy thuộc vào chúng ta. Trong tiến trình hiệp hành, cái bình là cái tôi, ý riêng của chúng ta. Phá vỡ nó đồng nghĩa với việc đặt mình trong sự khiêm nhường để lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau.
Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết rằng: không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào nỗ lực của chúng con; Đức tin, lời cầu nguyện và sự cầu xin khiêm nhường của chúng con có thể làm được nhiều điều. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết cầu xin sự xức dầu, trước khi bắt đầu: trao đổi, bàn thảo, và đưa ra những quyết định quan trọng; Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn và môi miệng của chúng con, để chúng con có thể nói điều Chúa muốn; Xin hãy xức dầu lòng trí chúng con, để chúng con có thể nói những ý kiến của mình với sự dịu dàng và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, bởi vì, nếu thiếu sự soi dẫn và sự xức dầu Thánh Thần, thì những gì chúng con nói, cũng là chỉ những tiếng ồn ào, vô ích mà thôi. Amen. -------------------------------------
HỘI THÁNH HIỆP HÀNH HIỆP THÔNG VỚI ĐỨC KITÔ TRONG HY TẾ THÁNH THỂ
Suy niệm: Bằng cách tham dự vào Hy Tế Thánh Thể, chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha: Tế Vật thần linh và hiến dâng chính mình cùng với Tế Vật ấy. Có hai thân thể của Đức Kitô trên bàn thờ: (1) có thân thể thật của Người (thân thể được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chết, sống lại và lên trời), và (2) có thân thể mầu nhiệm của Người là Hội Thánh. Đây là cách Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Thánh Thể làm nên Hội Thánh bằng cách làm cho Hội thánh trở thành Thánh Thể. Ước gì, trong tiến trình hiệp hành, Hội Thánh không chỉ giới hạn mình trong việc cử hành Hy Tế Thánh Thể, mà còn, phải trở nên Thánh Thể cùng với Đức Kitô. Điều này được diễn tả sinh động qua hình ảnh: Đức Kitô dâng tặng quà cho Chúa Cha, chỉ một mình Đức Kitô phải trả giá cho món quà này, nhưng, các chi thể của Nhiệm Thể được hiệp thông vào trong món quà, bằng cách: mỗi người ký tên mình lên món quà. Việc ký tên này là vài giọt nước được hòa với rượu trong Chén Thánh. Chúng không là gì khác ngoài nước, nhưng được hòa trong Chén Thánh, chúng trở thành một thức uống duy nhất.
Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con luôn biết hiệp thông với Đức Kitô trong Hy Tế Thánh Thể: bằng cách ký tên mình vào trong món quà, mà chỉ có một mình Đức Kitô phải trả giá. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng ta ý thức rằng: một khi chúng con đã ký cam kết, thì chúng con phải có nghĩa vụ tôn trọng chữ ký của mình. Điều này có nghĩa là, khi rời Thánh Lễ, chúng con cũng phải làm cho cuộc sống của mình trở thành quà tặng tình yêu dâng cho Chúa Cha, và cho anh chị em mình, bởi vì, chúng con không chỉ được mời gọi để cử hành Hy Tế Thánh Thể, mà còn, để Chúa biến chúng con trở thành Thánh Thể nữa. Amen. ------------------------------------
HỘI THÁNH HIỆP HÀNH HIỆP THÔNG VỚI CHÚA BA NGÔI TRONG HY TẾ THÁNH THỂ
Suy niệm: Nhờ hiệp thông với Đức Kitô, chúng ta đi vào trong sự hiệp thông với cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong Lời Nguyện Hiến Tế, Đức Giêsu thưa với Chúa Cha rằng: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23). Vì vậy, trong Hy Tế Thánh Thể, chúng ta không thể đón nhận Chúa Con, mà không đón nhận Chúa Cha đến với mình, mà Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một, và bản tính thần linh không thể tách rời, nên chúng ta cũng lãnh nhận cả Ba Ngôi. Trong tiến trình hiệp hành, Hội Thánh kết hiệp với Đầu, là Đức Kitô, Đấng không thể tách rời khỏi Chúa Cha. Khi ở trong Chúa Cha, Người vẫn hiệp nhất với Hội Thánh. Do đó, Hội Thánh cũng đi đến sự hiệp nhất với Chúa Cha theo cách đó. Những gì được nói về Chúa Cha cũng áp dụng cho Chúa Thánh Thần. Vào giây phút Ngôi Lời nhập thể, thì chính là lúc, Chúa Thánh Thần đã ban Chúa Kitô cho trần gian, bởi vì, Đức Maria đã thụ thai bởi phép của Chúa Thánh Thần; Khi chết trên thập giá, chính Chúa Kitô là Đấng ban Thánh Thần cho thế gian: khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã “trao Thần Khí”. Trong tiến trình hiệp hành, khi Hội Thánh cử hành Hy Tế Thánh Thể, lúc Truyền Phép: chính Chúa Thánh Thần ban Đức Kitô cho Hội Thánh, bởi vì, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, mà bánh rượu được biến đổi thành thân mình Đức Kitô; tại thời điểm Hiệp Lễ: chính Đức Kitô, Đấng đến trong chúng ta, lại ban Thánh Thần cho chúng ta.
Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con luôn biết hiệp thông với nhau khi tham gia vào trong sứ mạng chung của Hội Thánh. Trong tiến trình hiệp hành, xin Chúa Thánh Thần liên kết chúng con với Chúa Cha và Chúa Con thế nào, thì cũng liên kết chúng con nên một với nhau như vậy, để chúng con tiến tới xây dựng một Hội Thánh Hiệp Hành: hiệp thông, tham gia, và sứ mạng như lòng Chúa ước mong. Amen. -----------------------------------------
HỘI THÁNH HIỆP HÀNH HIỆP THÔNG VỚI NHAU TRONG HY TẾ THÁNH THỂ
Suy niệm: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Trong Hy Tế Thánh Thể, có hai thân thể của Đức Kitô được dâng trên bàn thờ, đó là: Thánh Thể và Hội thánh. Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta như những hạt lúa mì được nghiền nát, nhào trộn với nhau trong nước, và cùng được nấu trên lửa Thánh Linh để thành một tấm Bánh Thánh Thể. Cũng vậy, trong tiến trình hiệp hành, chúng ta với tư cách là những người được dìm vào trong nước khi chịu phép rửa và được nấu chín trong lửa của Thánh Thần, tất cả chúng ta tạo thành một Nhiệm Thể là Hội thánh. Do đó, trong tiến trình hiệp hành, chúng ta phải thật sự hiệp nhất, nên một với nhau, bởi vì, khi chúng ta vẫn còn có những bất hòa, chia rẽ với nhau, nếu chúng ta lên rước Thánh Thể, thì chúng ta như cô gái trẻ: chạy đến ôm hôn người yêu của mình, nhưng, khi làm như thế, cô gái lại giẫm lên chân người yêu bằng đôi giày cao gót của mình. Các anh chị em của chúng ta là đôi chân của Đức Giêsu, Đấng vẫn còn bước đi trên trần gian này.
Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con nhớ rằng: Chúa đã nói: “Người nghèo, thì lúc nào anh em cũng có bên cạnh; còn Thầy, thì không phải lúc nào, anh em cũng có đâu!” Trong Hy Tế Thánh Thể, điều này cũng đúng, theo nghĩa là, chúng con không phải lúc nào cũng có thể rước Mình Thánh Chúa, trong khi, chúng con luôn có thể nhận được Mình Thánh Chúa nơi những người nghèo, mọi nơi mọi lúc. Trong tiến trình hiệp hành, bên cạnh chúng con, luôn có những người nghèo về mọi phương diện. Trong những khoảnh khắc, chúng con nhìn thấy họ, xin cho chúng con nghe được tiếng Chúa nói: “Đây là Mình Thầy! Hãy cầm lấy mà ăn!” Amen. --------------------------------------------
HỘI THÁNH HIỆP HÀNH TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN TRONG HY TẾ THÁNH THỂ
Suy niệm: Trong tiến trình hiệp hành, khi Hội Thánh cử hành Hy Tế Thánh Thể: “Ai” hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể? Thưa, chính là Đức Kitô; Đức Kitô hiện diện bởi “Ai”? Thưa, bởi Chúa Thánh Thần; Những người lãnh nhận cần có điều kiện nào? Thưa, đức tin. Chính đức tin làm cho Hy Tế Thánh Thể không bị mang tính máy móc, và ma thuật. Đành rằng: Lời của Đức Kitô được Hội thánh lặp lại, và được Chúa Thánh Thần thực hiện mới “làm nên” Bí Tích, nhưng, sẽ có ích lợi gì, nếu như: Bí Tích không được chúng ta “lãnh nhận” bằng đức tin? Có lợi gì khi Đức Kitô thực sự “hiện diện” trên bàn thờ, nếu như: không phải là Người “hiện diện” với chúng ta và cho chúng ta? Trong tiến trình hiệp hành, khi Hội Thánh cử hành Hy Tế Thánh Thể, đức tin là điều cần thiết để làm cho sự “hiện diện” của Chúa Giêsu trở nên chắc chắn, và mang tính riêng tư cá vị, nghĩa là, một sự hiện diện sống động: gặp gỡ giữa hai chủ thể, hai ngôi vị: diện đối diện. Trong tiến trình hiệp hành, qua Nhiệm Tích Thánh Thể, chiều kích chủ quan và hiện sinh về sự “hiện diện” của Chúa Giêsu Thánh Thể, không làm mất đi sự “hiện diện” khách quan, đi trước đức tin của chúng ta, nhưng đúng hơn là: giả thiết và nâng cao đức tin ấy.
Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con có một đức tin vững mạnh khi cử hành Hy Tế Thánh Thể, để chúng con thật sự tin Chúa “hiện diện” với chúng con, chứ không phải chỉ “có mặt” cách thụ động, vô hồn. Kinh nghiệm về sự “hiện diện” của Chúa không phải là một nhận thức tự nhiên, nhưng, đó là kết quả của ân sủng, và là một bước nhảy của đức tin. Nếu trong tiến trình hiệp hành, qua Nhiệm Tích Thánh Thể, Chúa hiện diện ở đó cho chúng con và vì chúng con, mà chúng con lại mãi bận tâm với những chuyện khác, không đoái hoài gì tới Chúa, thì chúng con đã xúc phạm nặng nề đến Thánh Thể Chúa. Amen. ----------------------------------
HỘI THÁNH HIỆP HÀNH THI HÀNH CHỨC VỤ TƯ TẾ TRONG HY TẾ THÁNH THỂ
Suy niệm: Chức vụ tư tế Kitô giáo được dành cho tất cả mọi Kitô hữu, chứ không chỉ cho các thừa tác viên có chức thánh mà thôi. Trong Hy Tế Thánh Thể, tại bàn thờ, chúng ta hành động nhân danh Đức Kitô (in persona Christi), tức là chúng ta đại diện cho vị Thượng Tế là chính Đức Kitô. Khi Truyền Phép, Đức Giêsu của Nhà Tiệc Ly xưa không còn nữa, mà là, chính Chúa Kitô Phục Sinh đang hiện hữu: chính là Mình Chúa Kitô, Đấng đã chết, nhưng nay hằng sống đến muôn đời (x. Kh 1,18). Đức Giêsu ở đây, chính là “Đức Kitô Toàn Thể”: Đầu và các chi thể hiệp nhất không thể tách rời nhau. Vì vậy, nếu chính “Đức Kitô Toàn Thể” này là Đấng công bố lời Truyền Phép, thì chúng ta cũng đồng thanh với Người. Đúng, Hội Thánh đọc lời Truyền Phép nhân danh Đức Kitô, với tư cách là Đầu, nhưng, cũng nhân danh các chi thể trong Nhiệm Thể của “Đức Kitô Toàn Thể” nữa. Các chi thể, nhờ chức tư tế phổ quát và thừa tác, tham dự vào việc cử hành Hy Tế Thánh Thể, dâng lên Thiên Chúa Cha: Tế Vật thần linh và hiến dâng chính mình cùng với Tế Vật ấy. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết sát tế ý riêng của mình, để hòa vào hy lễ vâng phục của Đức Giêsu, mà dâng lên Chúa Cha, với tư cách là tư tế chi thể, hợp với Đầu trong Đức Kitô Tư Tế Toàn Thể. Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con ý thức rằng: Trong Hy Tế Thánh Thể, Chúa không đến bằng máu của người khác, nhưng bằng máu của chính mình, và đặt tội lỗi của người khác lên chính đôi vai của mình: Tội lỗi của chúng con, chính Chúa đã mang vào thân thể, mà đưa lên cây thập giá. Trong tiến trình hiệp hành, khi cử hành Hy Tế Thánh Thể, xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình, để xứng đáng thi hành chức vụ tư tế, hợp cùng với Chúa, để dâng chính mình chúng con cho Chúa Cha, như Chúa đã tự nguyện hiến tế vì chúng con. Amen. -----------------------------------
HỘI THÁNH HIỆP HÀNH CÓ ĐỨC MARIA - MẸ HỘI THÁNH - NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ
Suy niệm: Trong tiến trình hiệp hành, khi cử hành Hy Tế Thánh Thể, Hội Thánh vâng theo lệnh truyền của Đức Kitô: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), thì Hội Thánh cũng đón nhận, cùng một lúc, lời của Đức Maria: “Người bảo gì, thì cứ làm theo” (Ga 2,5). Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình, trước khi Hy Tế Thánh Thể được thiết lập, bởi vì, Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh trong để cho Ngôi Lời nhập thể: có một mối tương quan mật thiết giữa tiếng “Fiat” của Đức Maria, và tiếng “Amen” của chúng ta, khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Sau tiếng “Fiat”, Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Mẹ; sau tiếng “Amen”, Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào tâm hồn chúng ta. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết bắt chước Mẹ: khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa trong những tình cảnh éo le như Mẹ. Tiếng “xin vâng” của Mẹ làm nảy sinh ơn cứu độ cho chúng ta thế nào, thì ước gì tiến trình hiệp hành của chúng ta: cũng sẽ là một tiến trình vâng phục thánh ý Chúa, để toàn bộ cuộc sống chúng ta như cuộc sống của Mẹ, trở nên lời Kinh Magnificat không ngừng dâng lên Thiên Chúa để ca ngợi những kỳ công Chúa đã, đang, và sẽ còn làm cho chúng ta luôn mãi.
Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết lấy tinh thần của Đức Maria làm của mình: Trong suốt cuộc đời của Mẹ, bên cạnh Con của mình, Mẹ đã lấy chiều kích Hy Tế của Thánh Thể làm của mình: Khi dâng Chúa vào Đền Thánh, Mẹ đã nghe cụ già Simêon loan báo một “lưỡi gươm” sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ. Trong tiến trình hiệp hành, mỗi khi chúng con nhận lãnh Thánh Thể, thân mình của Đấng, mà Mẹ đã cưu mang trong cung lòng, xin cho chúng con đích thân cảm nghiệm những gì xưa kia Mẹ đã đón nhận dưới chân Thập Giá, để như Mẹ, tiến trình hiệp hành của chúng con thật sự là một tiến trình: đón nhận, cưu mang, và sinh hạ Chúa cho thế giới hôm nay. Amen.
…………………….. Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (Dòng Biển Đức Nam)