HIỆP HÀNH – CẦU NGUYỆN 9 NGÀY CÙNG 9 MỐI PHÚC

Thứ hai - 20/06/2022 08:54
HIỆP HÀNH – CẦU NGUYỆN 9 NGÀY CÙNG 9 MỐI PHÚC
HIỆP HÀNH – CẦU NGUYỆN 9 NGÀY CÙNG 9 MỐI PHÚC
HIỆP HÀNH – CẦU NGUYỆN 9 NGÀY CÙNG
9 MỐI PHÚC
-------------------------------------------------------

LỜI MỞ.. 1
Ngày Thứ Nhất: PHÚC CHO HỘI THÁNH NGHÈO KHÓ   2
Ngày Thứ Hai: PHÚC CHO HỘI THÁNH HIỀN LÀNH.. 2
Ngày Thứ Ba: PHÚC CHO HỘI THÁNH BIẾT KHÓC THAN   3
Ngày Thứ Tư: PHÚC CHO HỘI THÁNH ĐÓI KHÁT SỰ CÔNG CHÍNH   4
Ngày Thứ Năm: PHÚC CHO HỘI THÁNH BIẾT THƯƠNG XÓT NGƯỜI  4
Ngày Thứ Sáu: PHÚC CHO HỘI THÁNH BIẾT SỐNG TRONG SẠCH   5
Ngày Thứ Bảy: PHÚC CHO HỘI THÁNH BIẾT XÂY DỰNG HÒA BÌNH   6
Ngày Thứ Tám: PHÚC CHO HỘI THÁNH BỊ BÁCH HẠI  7
Ngày Thứ Chín: PHÚC CHO HỘI THÁNH CÓ MẸ ĐẦY ƠN PHÚC   7

-------------------------------------------------
 

LỜI MỞ


 Chúng ta đang hướng tới xây dựng một Hội Thánh Hiệp Hành: hiệp thông, tham gia, và sứ mạng, một Hội Thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhơ hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền (x. Ep 5,26). Nếu có ai hỏi: “Chúng ta phải làm gì để xây dựng một Hội Thánh thánh thiện?”, thì câu trả lời thật rõ ràng: Chúng ta phải làm những gì Đức Giêsu dạy trong Bài Giảng Trên Núi. Trong Các Mối Phúc, chúng ta gặp thấy Thầy Chí Thánh, và chúng ta được mời gọi phản chiếu chân dung của Thầy trong đời sống hằng ngày của Hội Thánh.

 Mặc dù những lời của Đức Giêsu rõ ràng đi ngược với cách người ta sống trong thế giới hôm nay. Ngay cả, dù chúng ta nhận thấy sứ điệp của Đức Giêsu đầy lôi cuốn, thì thế giới vẫn đẩy chúng ta về một lối sống khác. Các Mối Phúc không hề lỗi thời, hay có tính nhượng bộ, thỏa hiệp, nhưng vẫn quyết liệt và thách đố sự dấn thân của chúng ta. Tiến trình xây dựng một Hội Thánh thánh thiện chỉ có thể được thực hiện bằng Các Mối Phúc, và tiến trình này chỉ có thể được thành toàn viên mãn nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Người sẽ đổ đầy trong chúng ta sức mạnh của Người, và giải phóng chúng ta khỏi sự yếu hèn, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo.

 Trong tiến trình hiệp hành, một lần nữa, chúng ta hãy lắng nghe lời Đức Giêsu, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng. Chúng ta hãy để cho những lời của Người làm xáo trộn chúng ta, thách đố, và đòi hỏi chúng ta có một sự thay đổi thật sự trong lối sống của mình. Nếu chẳng vậy, một “Hội Thánh thánh thiện” sẽ vẫn: không là gì khác hơn, một cụm từ trống rỗng. Giờ đây, chúng ta hãy tập chú vào từng Mối Phúc một, nài xin Chúa Thánh Thần soi sáng, và thêm sức mạnh để chúng ta dám sống theo sự thúc đẩy của Người, trên hành trình lội ngược dòng này.

 ---------------------------------------

 

Ngày Thứ Nhất: PHÚC CHO HỘI THÁNH NGHÈO KHÓ


Suy niệm: Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn kỹ vào tận sâu thẳm tâm hồn mình, để thấy đâu là nơi chúng ta tìm thấy sự an toàn của mình trong đời sống. Người giàu thường cảm thấy an toàn nơi của cải, và nghĩ rằng: nếu của cải ấy bị đe dọa, thì tất cả ý nghĩa cuộc sống của họ trên đời này có thể tan tành. Chính Đức Giêsu đã nói với chúng ta điều này, trong dụ ngôn về người giàu có ngu ngốc (x. Lc 12,16-21). Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta ý thức được rằng: của cải chẳng bảo đảm được gì; của cải vật chất cũng như tinh thần, tất cả chỉ là phù vân, chỉ một mình Chúa là vững bền mãi mãi. Thật vậy, một khi nghĩ mình giàu, chúng ta có thể trở thành tự mãn đến nỗi không còn chỗ nào cho Chúa, cho tình yêu đối với anh chị em mình, hay cho việc thưởng thức những điều quan trọng nhất trong đời sống. Bằng cách đó, chúng ta hụt mất kho tàng lớn lao nhất. Vì thế, Đức Giêsu gọi những ai có tinh thần nghèo khó là những người có phúc, họ có một trái tim tội nghiệp, và Chúa có thể đi vào đó với tính mới mẻ luôn mãi của Người. Ước gì Hội Thánh Hiệp Hành, mà chúng ta đang hướng tới xây dựng thật sự là Hội Thánh nghèo: không có chỗ cậy dựa nào khác, ngoài một mình Thiên Chúa mà thôi.

Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết rằng: sự khó nghèo thiêng liêng thì gắn liền với thái độ “bình tâm”, nghĩa là: đứng ngay ở giữa như bàn cân, Chúa bên nào, chúng con nghiêng về bên đó: giữa giàu có và nghèo khó, giữa vinh dự và ô nhục, khỏe mạnh và bệnh tật… Chúa muốn sao cũng được. Xin cho Hội Thánh Hiệp Hành, mà chúng con đang hướng tới xây dựng phải là một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo, xin cho chúng con biết đồng cảm và chia sẻ với những người nghèo túng nhất, để chúng con được nên đồng hình đồng dạng với Đấng: tuy giàu có, nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì chúng con. Amen.

--------------------------------

 

Ngày Thứ Hai: PHÚC CHO HỘI THÁNH HIỀN LÀNH


Suy niệm: Trong một thế giới ngập tràn những xung đột, bất đồng và thù địch, chúng ta thường xếp loại người khác dựa trên tư tưởng, thói quen, cách nói năng, hay cách ăn mặc của họ. Chúng ta nghĩ mình có quyền thống trị, định đoạt, và bình phẩm kẻ khác. Tuy nhiên, Đức Giêsu đề ra một lối xử sự khác, dù có vẻ như là điều không thể, đó là con đường hiền lành. Đây là cách mà ta thấy Người sống với các môn đệ. Ta cũng chiêm ngắm điều này khi Người vào thành Giêrusalem: hiền lành, khiêm nhường ngồi trên lưng lừa. Trong tiến trình hiệp hành, nếu chúng ta thường xuyên khó chịu và nóng nảy với người khác, chúng ta sẽ đi đến kiệt quệ và mệt mỏi, nhưng, nếu chúng ta biết đón nhận những giới hạn của người khác, bằng sự dịu dàng và hiền lành, không ra vẻ kẻ cả, thì chúng ta có thể thực sự giúp ích cho họ, và không còn phí năng lực vào việc phàn nàn vô ích. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết học nơi Đức Kitô: hiền lành và khiêm nhường trong lòng, để những bàn thảo, trao đổi, quyết nghị của chúng ta được diễn ra trong bầu khí huynh đệ đầm ấm yêu thương.

Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết rằng: Hiền lành là cách diễn tả sự nghèo khó bên trong, của những ai đặt hết tin tưởng vào chỉ một mình Chúa mà thôi. Hiền lành luôn là điều tốt, vì những khát vọng sâu xa nhất của chúng con sẽ được lấp đầy: chúng con “sẽ được đất làm cơ nghiệp”, và chúng con sẽ nhìn thấy lời hứa của Chúa, được thực hiện trong đời sống chúng con. Trong tiến trình hiệp hành, nếu có người nào đó làm phiền chúng con, thì xin cho chúng con biết sửa lỗi họ, với một tinh thần hiền lành, ngay cả khi, chúng con bảo vệ đức tin và những niềm xác tín của mình, xin cho chúng ta cũng phải biết thể hiện, bằng một thái độ hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Amen.

-------------------------------------

 

Ngày Thứ Ba: PHÚC CHO HỘI THÁNH BIẾT KHÓC THAN


 Suy niệm: Chúa nói: “Phúc cho những ai đang khóc lóc”, nhưng, thế giới nói với chúng ta điều hoàn toàn ngược lại: giải trí, thú vui, tiêu khiển thì mới hạnh phúc. Con người thế gian tránh né các vấn đề đau ốm, buồn phiền, nơi gia đình hay ở xung quanh mình. Thế giới không muốn than khóc; nó không quan tâm đến những hoàn cảnh đau thương, và tìm cách che giấu các hoàn cảnh ấy. Người ta tiêu tốn nhiều năng lực để trốn tránh đau khổ với niềm tin rằng: họ có thể che lấp được thực tế, nhưng, thập giá chẳng bao giờ vắng bóng. Trong tiến trình hiệp hành, ước gì chúng ta biết nhìn sự vật đúng như sự thật của chúng, và biết thấu cảm những nỗi buồn đau, để chúng ta có thể chạm đến những chiều sâu của đời sống và tìm thấy hạnh phúc chân thực. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của Hội Thánh mà chúng ta đang hướng tới xây dựng!

 Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết rằng: Chúng con được ủi an, không phải bởi thế gian, nhưng là bởi Chúa, để rồi từ đó, chúng con không ngại đồng cảm và chia sẻ khổ đau của người khác, không trốn tránh các hoàn cảnh đau thương. Xin cho chúng con biết khám phá ra ý nghĩa của đời sống, qua việc đi đến giúp đỡ, cảm thông, và xoa dịu những ai đau khổ. Xin cho chúng ta cảm nhận rằng: tha nhân là thịt bởi thịt mình, để chúng con không sợ đến gần, ngay cả, chạm đến những vết thương nơi người ấy. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết chạnh lòng thương cảm những người bất hạnh cách sâu sắc, đến độ, mọi khoảng cách đều không còn nữa, bởi vì, chỉ bằng cách đó, chúng con mới sống được giáo huấn của Chúa như lời thánh Phaolô dạy: “Hãy khóc với người khóc!”. Amen.

-------------------------------------

 

Ngày Thứ Tư: PHÚC CHO HỘI THÁNH ĐÓI KHÁT SỰ CÔNG CHÍNH


 Suy niệm: Đói và khát là những kinh nghiệm nhức nhói, vì chúng liên quan tới các nhu cầu căn bản và bản năng sống còn của chúng ta. Có những người mong mỏi công lý và khát khao sự chính trực với cùng cường độ như vậy. Đức Giêsu nói rằng: họ sẽ được thỏa lòng, vì sớm hay muộn công lý sẽ đến. Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta có thể cộng tác để làm cho điều đó thành hiện thực, cho dù có thể chúng ta không luôn luôn nhìn thấy kết quả của những cố gắng của mình. Đức Giêsu đem lại một nền công lý, khác với thứ công lý của thế gian, là thứ vốn thường bị phá hỏng, bởi những lợi ích tầm thường và bị làm méo mó bằng nhiều cách. Kinh nghiệm cho thấy người ta thật dễ vướng vào tham nhũng, dễ bị mắc bẫy trong thứ chính trị đổi chác hằng ngày, trong đó, mọi sự trở thành việc mua bán. Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta phải đấu tranh cho công lý và hòa bình, bởi vì, biết bao người phải chịu sự bất công, bị gạt ra bên lề, trong khi, những kẻ khác thu tóm hết những lợi tức béo bở của cuộc sống này. Hội Thánh phải đứng về phía những người thấp cổ bé miệng, đấu tranh cho công lý đích thực và không thỏa hiệp với những kẻ nắm ưu thế.

 Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết rằng: Công lý chỉ thực sự đến trong đời sống, khi chúng con công minh chính trực, trong các quyết định của mình, nghĩa là, công lý chỉ được diễn ra, khi chúng con tìm kiếm công lý cho người nghèo và người yếu thế. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con luôn biết khao khát công lý và hòa bình cho tất cả mọi người, nhất là, cho những người hèn mọn, những người dễ bị tổn thương và bị đối xử bất công nhất. Xin cho chúng con luôn ghi nhớ và thực thi lời ngôn sứ Isaia đã kêu gọi: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, bảo vệ cô nhi, biện hộ cho quả phụ”. Amen.

 -------------------------------------

 

Ngày Thứ Năm: PHÚC CHO HỘI THÁNH BIẾT THƯƠNG XÓT NGƯỜI


 Suy niệm: Lòng thương xót có hai phương diện: thứ nhất liên quan đến việc chia sẻ, giúp đỡ người khác, và thứ hai là tha thứ, cảm thông cho nhau. Thánh Mátthêu đúc kết trong một quy tắc vàng: Những gì muốn người khác làm cho mình, thì hãy làm cho người khác như vậy. Trong tiến trình hiệp hành, ước gì chúng ta ý thức rằng: khi chúng ta trao hiến và tha thứ là lúc chúng ta đang tiến trên con đường hoàn thiện, đang trở nên giống Thiên Chúa, Đấng trao hiến và thứ tha vô ngần vô lượng cho chúng ta. Vì thế, thay vì bảo chúng ta “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), thánh Luca lại mời gọi: “Hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Hãy tha thứ, thì anh em sẽ được Thiên Chúa thứ tha; hãy cho, thì anh em sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6,36-38). Trong tiến trình hiệp hành, khi chúng ta suy xét, truy tìm những nguyên nhân của những khó khăn, thất bại, chúng ta nên nhớ rằng: “Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

 Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con nhớ rằng: Chúa không nói: “Phúc cho những ai rắp tâm trả thù”, nhưng Chúa gọi là “phúc” đối với những ai tha thứ, và tha thứ “bảy mươi lần bảy”. Chúng con được quy tụ trong một Hội Thánh thánh thiện, nhưng lại bao gồm những con người tội lỗi bất toàn, chúng con như một đoàn quân của những người được tha thứ. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con có được lòng thương xót của Chúa khi đối xử với những người xúc phạm đến chúng con; khi  chúng con cứng lòng, kiêu ngạo, xin cho chúng nghe được lời nhắc bảo: “Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như ta đã thương xót ngươi sao?” Amen.

 -----------------------------------

 

Ngày Thứ Sáu: PHÚC CHO HỘI THÁNH BIẾT SỐNG TRONG SẠCH


 Suy niệm: Mối Phúc này nói về những ai có tâm hồn đơn sơ, thuần khiết, và không uế nhiễm, bởi vì, một trái tim có khả năng yêu thương, thì không chấp nhận bất cứ thứ gì, có thể làm tổn hại, yếu nhược, hay gây nguy hiểm cho tình yêu ấy. Thánh Kinh dùng hình ảnh trái tim để diễn tả những ý hướng thực sự của chúng ta, những gì mà chúng ta thực sự tìm kiếm và khao khát, khác với tất cả những vẻ bên ngoài. Con người nhìn vẻ bên ngoài, nhưng Chúa nhìn tận trong trái tim (x. 1Sm 16,7). Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta một quả tim mới (x. Ed 36,26). Thiên Chúa, Đấng thấu suốt những gì bí ẩn nhìn thấy rõ cái gì là không trong sáng và không chân thành, cái gì chỉ là phô trương bên ngoài. Trong tiến trình hiệp hành, ước gì chúng ta biết nài xin Chúa thanh lọc con tim chúng ta, trở nên tinh tuyền thánh thiện, để chúng ta có thể nhìn thấy Chúa, thấy những ý định nhiệm mầu của Chúa, để soi đường dẫn lối chúng ta trong suốt tiến trình hiệp hành mà Hội Thánh đang hướng tới.

 Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết rằng: Chắc chắn không thể có yêu thương, nếu không có những việc làm của yêu thương, nhưng, những việc làm của yêu thương phải xuất từ tấm lòng, từ trái tim trong sạch của chúng con. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con ý thức rằng: Chính ý hướng trong trái tim là nguồn gốc của những khao khát và những quyết định thâm sâu dẫn tới các hành động của chúng con. Một trái tim yêu mến Chúa và tha nhân cách chân thành là một trái tim trong sạch: có thể nhìn thấy Chúa, mà hiện nay chúng con chỉ nhìn thấy lờ mờ như trong gương, nhưng khi sự thật và tình yêu khải thắng, chúng con sẽ có thể nhìn thấy “diện đối diện” như lời Chúa hứa: ai có quả tim trong sạch sẽ được nhìn thấy Chúa. Amen.

 --------------------------------------

 

Ngày Thứ Bảy: PHÚC CHO HỘI THÁNH BIẾT XÂY DỰNG HÒA BÌNH


 Suy niệm: Mối Phúc này làm chúng ta nghĩ đến những tình trạng chiến tranh bất tận trên thế giới, nhưng, chính chúng ta cũng thường là nguyên nhân của những xung đột, khi chúng ta nghe một điều gì đó về một ai đó, và ta đi lặp lại nó. Cái thế giới ngồi lê đôi mách không thể nào đem lại hòa bình, những người buôn chuyện là những kẻ thù của hòa bình. Trong tiến trình hiệp hành, ước gì chúng ta ý thức rằng: chỉ những người có tâm hồn bình an, mới thực sự kiến tạo hòa bình, vun đắp an bình, và xây dựng tình thân hữu trong xã hội. Ước gì chúng ta luôn ghi khắc lời Đức Giêsu đã hứa cho những người gieo rắc hòa bình: “Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta phải thực thi lời dạy của Đức Giêsu đi tới đâu cũng phải nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5), vì “người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình” (Gc 3,18). Nếu có những lúc trong tiến trình hiệp hành, chúng ta không biết phải làm gì, và tự hỏi phải làm gì đây, thì “chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an” (Rm 14,19), vì hiệp nhất thì tốt hơn là xung đột

 Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa! Trong tiến trình hiệp hành, thật không dễ kiến tạo hòa bình: không loại trừ ai, đón nhận ngay cả những người kỳ cục, những người gây phiền hay khó tính, những người khắt khe, lập dị, những người chúng con không ưa. Trong tiến trình hiệp hành, xây dựng hòa bình thật là một việc khó, bởi vì, nó đòi chúng con phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra một sự đồng thuận trên giấy tờ, hay một sự dàn hòa tạm bợ cho một thiểu số hài lòng. Đây cũng không thể là chuyện cố gắng phớt lơ, hay coi nhẹ sự xung đột; trái lại, chúng con phải thẳng thắn đối diện xung đột, giải quyết nó, bằng sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo, để biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới. Amen.

 --------------------------------------

 

Ngày Thứ Tám: PHÚC CHO HỘI THÁNH BỊ BÁCH HẠI


 Suy niệm: Chính Đức Giêsu cảnh báo rằng: con đường mà Người đề nghị thì phải đi ngược dòng: vô số người đã và đang bị bách hại, chỉ vì họ đấu tranh cho công lý, vì họ nghiêm túc dấn thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Trong tiến trình hiệp hành, ước gì chúng ta không chấp nhận tình trạng xoàng xĩnh vật vờ, mong muốn một đời sống dễ dãi, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”. Để tiến trình hiệp hành theo đúng những giá trị của Tin Mừng, chúng ta không thể kỳ vọng rằng mọi sự sẽ dễ dàng, vì sự ham hố quyền lực và những lợi ích thế gian thường cản lối chúng ta. Trong một thế giới tục hóa như hiện nay, chính trị, truyền thông, các cơ chế kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo trở nên quá rối loạn đến nỗi hóa thành một cản ngại cho sự phát triển xã hội và nhân văn đích thực. Kết quả là chúng ta không dễ dàng sống Các Mối Phúc; mọi cố gắng sống như vậy sẽ bị nhìn cách tiêu cực, bị nghi ngờ và chế giễu. Trong tiến trình hiệp hành, dù chúng ta có thể kinh nghiệm sự mệt mỏi và khổ sở thế nào đi chăng nữa: trong việc sống huấn lệnh yêu thương và theo đuổi con đường công lý, thì thập giá vẫn là nguồn tăng triển và thánh hóa của chúng ta.

 Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết rằng: bách hại chúng con đang nói ở đây là những bách hại không thể tránh được, chứ không phải loại bách hại, mà chúng con tự gây ra cho mình, qua việc ngược đãi người khác, hay trở nên kỳ quặc và xa cách, làm cho người ta không thể chịu nổi do thói kiêu căng, do tính tiêu cực và sự chua chát của chúng con. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con ý thức rằng: Bách hại không phải là chuyện của quá khứ, vì hôm nay chúng con cũng kinh nghiệm nó, hoặc là qua việc đổ máu của nhiều vị tử đạo thời nay, hoặc như bị vu khống và bị lừa dối: như Chúa gọi là “có phúc”, khi người ta vu khống chúng con đủ điều xấu xa vì Chúa. Amen.

 --------------------------------------

 

Ngày Thứ Chín: PHÚC CHO HỘI THÁNH CÓ MẸ ĐẦY ƠN PHÚC


Suy niệm: Ngoài tám mối phúc đã được Đức Giêsu công bố trong Bài Giảng Trên Núi, chúng ta gặp thấy một mối phúc khác. Đó là: phúc cho ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Mẹ có phúc không những vì Mẹ đã cưu mang và cho Chúa bú mớm, mà còn là vì Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa, nhờ vậy, Mẹ luôn nhận ra được thánh ý Chúa muốn nơi cuộc đời mình, để rồi cộng tác hết mình với Chúa. Đó chính là sự cao trọng mà Đức Giêsu đã đề cao nơi Mẹ. Trong tiến trình hiệp hành, ước gì chúng ta cũng biết bắt chước Mẹ: luôn lắng nghe Lời Chúa nói với chúng ta qua cầu nguyện và qua những trao đổi, bàn thảo, và quyết nghị, rồi quyết tâm đưa ra thực hành những gì Chúa đã soi sáng cho chúng ta. Mối phúc này không phải chỉ dành riêng cho Mẹ, nhưng Mẹ đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Ðây là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta cũng tìm được hạnh phúc như Mẹ, qua việc cưu mang Lời Chúa, bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành mầm sống trong chúng ta, chúng ta cũng có thể như Mẹ, sinh hạ Chúa cho thế giới hôm nay.

 Lời Nguyện Kết: Lạy Chúa! Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, bởi vì, Mẹ đã sống các Mối Phúc không ai sánh bằng. Mẹ đã cất giữ Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng. Mẹ là người triệt để lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa suốt cả cuộc đời. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mỗi người chúng con, để mối phúc lắng nghe và thực hành Lời Chúa cũng được mở ra cho tất cả mọi người, thuộc mọi thời đại. Trong tiến trình hiệp hành, xin Mẹ nâng đỡ để Hội Thánh của chúng con luôn sống phù hợp với những giá trị của Tin Mừng như chính Mẹ đã sống và nêu gương. Amen.

……………………..
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (Dòng Biển Đức Nam)

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây