Vì mục đích chính yếu của môn học thánh là dạy cho biết Thiên Chúa, không những biết Thiên Chúa như Ngài đang có trong chính Ngài, mà còn dạy cho biết Thiên Chúa là nguyên thuỷ và cùng đích của các sự vật, và đặc biệt là của các vật thụ tạo có trí năng lý tính, như đã trình bày rõ ràng ở trước (Câu hỏi [CH.] 1, Tiết [t] 7. Bởi đó, cố gắng trần thuyết môn học thánh này; chúng ta sẽ nghiên cứu về Thiên Chúa, về sự sống động của thụ tạo lý tính hướng về Thiên Chúa; về Chúa Kitô, với tính cách một con Người, là con đường đưa chúng ta đến với Thiên Chúa.
Nghiên cứu Thiên Chúa, sẽ có ba mục.
Chúng ta sẽ nghiên cứu cái gì quan hệ với yếu-tính của Thiên Chúa, cái gì quan hệ với sự phân biệt Ba Ngôi; cái gì có quan hệ với sự phát sinh của các vật thụ tạo từ Thiên Chúa.
Quan hệ với yếu tính Thiên Chúa, chúng ta phải nghiên cứu:
TIẾT 1, SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA HIỂN NHIÊN KHÔNG? TIẾT 2, CÓ THỂ MINH CHỨNG SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA KHÔNG? TIẾT 3, THIÊN CHÚA HIỆN HỮU KHÔNG?
Xem ra sự hiện hữu của Thiên Chúa hiển nhiên tại-sự.
1. Những điều mà sự hiểu biết về chúng nó, tự nhiên có trong trí năng chúng ta, gọi là điều hiển nhiên tại sự, như chúng ta có thể thấy ở nơi các nguyên lý sơ thuỷ. Mà Damascène nói: Sự biết Thiên Chúa tự nhiên in sâu vào não mọi người (De Fide Orth., I,1). Vậy sự hiện hữu của Thiên Chúa hiển nhiên tại sự. 2. Những điều mà khi các từ ngữ được hiểu biết, được biết ngay, gọi là hiển nhiên tại sự; những sự hiển nhiên tại sự, theo lời Triết gia nói, chỉ có thực đối với các nguyên lý sơ thuỷ để chứng minh như thế, khi biết bản tính của một cái nguyên và bản-tính một phần, thì lập tức công nhận một cái nguyên, lớn hơn một phần của nó; mà ngay khi cái ý nghĩa của tiếng Thiên Chúa được hiểu, tức thì biết Thiên Chúa hằng hữu. Vì trong tên “Thiên Chúa”, được biểu thị một cái gì mà không thể lãnh hội một cái gì cao cả hơn. Nhưng cái gì hiện hữu trong thực tế và trong trí năng vĩ đại hơn là chỉ hiện hữu trong trí năng. Bởi đó, vì ngay khi tên “Thiên Chúa” được hiểu, tức thì tên “Thiên Chúa” hiện hữu trong trí năng, do đó, tên “Thiên Chúa” cũng hiện hữu trong thực tế. Vậy, mệnh đề “Thiên Chúa hằng hữu” hiển nhiên tại sự. 3. Sự hiện hữu của chân lý thì hiển nhiên tại sự; vì bất cứ ai phủ định sự hiện hữu của chân ý, thì công nhận chân lý không hiện hữu: và nếu chân lý không hiện hữu, mệnh đề chân lý không hiện hữu là có thực. Vậy nếu cái gì có thực, sự thực phải có thực. Mà Thiên Chúa chính là sự thực: Ta là đường là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). Vậy mệnh đề “Thiên Chúa hằng hữu” là hiển nhiên tại sự.
TRÁI LẠI
Không có ai trong tư tưởng công nhận sự ngược lại với điều hiển nhiên tại sự, như Triết gia đã quả quyết đối với các nguyên lý sơ thuỷ để minh chứng. Nhưng sự ngược lại mệnh đề để hiện hữu có thể được công nhận trong tư tưởng: Kẻ ngu si tự nhủ rằng: Làm gì có Chúa (Tv 52,1). Vậy, sự hiện hữu của Thiên Chúa không hiển nhiên tại sự.
TRẢ LỜI
Một sự vật có thể là hiển nhiên một trong hai cách: một đàng hiển nhiên trong chính nó, mà nó không hiển nhiên đối với chúng ta; đàng khác việc sự vật hiển nhiên trong chính nó và đối với chúng ta. Mệnh đề hiển nhiên tại sự vì thuộc từ được bao gồm ngay trong yếu tính của chủ từ: thí dụ, người ta là con thú vật, vì thú vật được chứa đựng trong yếu tính nhân loại. Bởi đó, nếu yếu tính của thuộc từ và của chủ từ được mọi người biết, mệnh đề tự hiển nhiên đối với mọi người. Như rõ ràng đối với các nguyên lý sơ thuỷ được dùng để minh chứng, là những từ ngữ của các nguyên lý này chung mà không có ai không biết, chẳng hạn như hữu thể và phi hữu, cái nguyên và một phần, và những khái niệm tưởng tượng như thế. Tuy nhiên nếu có một ít người không biết yếu tính của thuộc từ và chủ từ, thì cái mệnh đề hiển nhiên tại-sự, nhưng không hiển nhiên đối với những người không biết ý nghĩa của những tiếng thuộc từ và chủ từ trong mệnh đề. Bởi đó, ông Boèce nói, xảy ra là một ít khái niệm và hiển nhiên tại sự đối với người thông thái, như các bản thể vô hình không ở trong không gian. Bởi đó, tôi nói rằng: Mệnh đề “Thiên Chúa hằng hữu” tự nó, thật là hiển nhiên, vì thuộc từ đồng nhất với chủ từ, tức là, thuộc từ và chủ từ là một đơn nhất thể, vì Thiên Chúa là chính sự hiện hữu riêng của Ngài, như sẽ trình bày dưới đây. Hiện giờ chúng ta không biết yếu tính của Thiên Chúa, mệnh đề đó không hiển nhiên tại sự, nhưng cần được minh chứng nhờ các sự vật chúng ta biết rõ hơn, dầu chúng ta ít biết bản tính của chúng, tức là nhờ các hiệu quả do có công trình của Thiên Chúa.
GIẢI ĐÁP
1. Việc biết Thiên Chúa hằng hữu, biết một cách đại khái và mập mờ, đã được in sâu vào trong con người chúng ta do bản tính, vì Thiên Chúa là hạnh phúc của nhân loại. Nhân loại tự nhiên ước ao hạnh phúc và cái gì nhân loại tự nhiên ước ao, được nhân loại biết cách tự nhiên. Tuy nhiên, sự biết này, không phải là biết được một cách tuyệt đối rằng Thiên Chúa hằng hữu; cũng như biết một người nào đó đang đến gần, không phải là như hoàn toàn biết Pièrre đang đến gần, dường như chính Pièrre đang đến gần; vì có nhiều người tưởng nghĩ sự thiện hảo hoàn toàn, tức là cái hạnh phúc, cốt ở tại sự giàu có của cải, kẻ thì coi các sự vui thú là hạnh phúc, và những kẻ khác thì nghĩ ra chuyện khác là hạnh phúc. 2. Có lẽ không phải mọi người nghĩ đến “Thiên Chúa”, thì hiểu không thể nghĩ ra có cái gì cao cả hơn; vì số người tin tưởng Thiên Chúa có thân xác. Nhưng cho rằng mọi người hiểu tên “Thiên Chúa” biểu thị cho một cái gì mà không thể nghĩ ra có cái khác cao cả hơn; dầu vậy, không thể kết luận mà hiểu biết điều được biểu thị do cái tên Thiên Chúa hằng hữu trong thực tại; nhưng chỉ có thể hiểu điều ấy hiện hữu trong tư tưởng. Cũng vậy, có thể lý luận điều đó hiện hữu trong thực tại, nếu không thừa nhận thực sự hiện hữu trong thực tại một cái gì mà không thể nghĩ ra cái gì khác cao cả hơn. Và chính điều này không được thừa nhận bởi những kẻ chủ trương Thiên Chúa không hiện hữu. 3. Sự hiện hữu của chân lý nói cách đại loại, hiển nhiên, tại sự; nhưng sự hiện hữu của một chân lý nguyên thuỷ, không hiển nhiên đối với chúng ta.
1. Xem ra sự hiện hữu của Thiên Chúa không thể chứng minh, vì sự hiện hữu của Thiên Chúa là một tín điều. Mà cái gì thuộc về tín điều, không chứng minh được, vì sự chứng minh là sự hiểu biết có tính cách khoa học, đang khi đức tin không thể thấy được, như thánh Tông đồ đã trình bày rõ ràng (Dt 11,1). Vậy, không có thể minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa. 2. Yếu tính là trung điểm cho việc minh chứng mà chúng ta không thể biết cấu tố của yếu tính, chúng ta chỉ biết những điều mà đó không phải là cấu tố của yếu tính, như Damascène đã nói. Vậy, không thể minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa. 3. Giả như cơ thể minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì sự minh chứng này chỉ có thể được thực hiện nhờ các hiệu quả các công trình của Thiên Chúa. Nhưng các hiệu quả không cân đối với Ngài tạo ra; thì hữu hạn và ở giữa các hữu hạn với cái vô hạn không có cân đối. Vậy, nguyên nhân không thể được minh chứng do hiệu quả không cân đối với mình: xem ra không thể minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa.
TRÁI LẠI
Thánh Tông đồ nói: Công việc vĩ đại của Thiên Chúa giúp trí năng nhân loại nhận ra những đặc tính vô hình nơi Thiên Chúa (Rm 1,20). Sự việc nhận biết này không xảy ra được, nếu sự hiện hữu của Thiên Chúa không được minh chứng nhờ các sự vật đã được tạo thành; vì sự kiện thứ nhất mà chúng ta phải biết về bất cứ sự vật nào, đó là sự hiện hữu.
TRẢ LỜI
Sự minh chứng thể hiện hai thể cách: một thể cách nhờ nguyên nhân được gọi là minh chứng chiếu bản tính; và thể cách minh chứng thứ nhất này lý luận từ cái gì có trước nhất tuyệt đối. Thể cách thứ hai là nhờ hiệu quả và được gọi là minh chứng chiếu lý do; và thể cách minh chứng thứ hai này, lý luận cái gì có trước nhất tương đối với chúng ta. Khi một hiệu quả được chúng ta biết rõ hơn nguyên nhân của nó, thì đi từ hiệu quả, chúng ta tiến hành đến sự biết nguyên nhân của nó. Và từ mỗi một hiệu quả, sự hiện hữu của nguyên nhân thực sự riêng biệt của nó có thể được minh chứng theo mức độ cái hiệu quả được chúng ta hiểu biết. Vì mỗi một hiệu quả lệ thuộc vào nguyên nhân của nó, như hiệu quả hiện hữu, nguyên nhân phải hiện hữu. Vậy, sự hiện hữu của Thiên Chúa, dầu không hiển nhiên đối với chúng ta thế nào đi nữa, vẫn có thể được minh chứng từ các kết quả của Thiên Chúa đã tạo thành mà chúng ta biết.
GIẢI ĐÁP
1. Khi sự hiện hữu của một nguyên nhân và những chân lý khác tương tự thuộc về Thiên Chúa và được trí năng tự nhiên của nhân loại biết được, không phải là những tín điều, nhưng đó là các lời mở đầu cho các tín điều. Vì đức tin giả thiết sự biết tự nhiên, cũng như ân sủng giả thiết bản tính, và sự hoàn hảo giả thiết vật có thể được làm cho hoàn hảo. Tuy nhiên, không có gì ngăn cấm nhân loại, không nắm lấy được chứng cứ, chấp nhận làm tín điều, một cái gì mà tại sự được biết và được minh chứng cách khoa học.
2. Khi sự hiện hữu của một nguyên nhân được minh chứng do một hiệu quả thì hiệu quả này thay thế sự định nghĩa của nguyên nhân trong việc minh chứng sự hiện hữu của nguyên nhân. Đường lối này một cách đặc biệt, là trường hợp liên hệ với Thiên Chúa; bởi vì muốn minh chứng sự hiện hữu của sự vật nào, thì thiết yếu phải chấp nhận ý nghĩa của cái tên làm trung điểm, chứ không phải chấp nhận cái yếu tính của sự vật ấy, vì vấn đề yếu tính đi sau vấn đề hiện hữu. Vậy các tên gọi Thiên Chúa, căn cứ vào các kết quả Thiên Chúa đã thực hiện, như sẽ trình bày ở sau (CH. 13, t.1). Bởi đó, khi minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa nhờ các hiệu quả Thiên Chúa đã thực hiện, chúng ta có thể lấy ý nghĩa của cái tên Thiên Chúa để làm trung điểm. 3. Đi từ các hiệu quả không cân đối với nguyên nhân mà đến nguyên nhân, thì không biết được nguyên nhân cách hoàn hảo. Nhưng đi từ mỗi một hiệu quả, thì có thể minh chứng sự hiện hữu của nguyên nhân cách rõ ràng; và như vậy, chúng ta có thể minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa do các hiệu quả mà Ngài đã tạo nên; mặc dầu nhờ có hiệu quả này, chúng ta không biết được Thiên Chúa cách hoàn hảo, như Ngài đang có trong yếu tính của Ngài.
Xem ra Thiên Chúa không hiện hữu. 1. Nếu một trong hai vật tương phản nhau là vô hạn, thì vật kia bị tiêu diệt. Mà Thiên Chúa, theo ý nghĩa của tên, là sự thiện vô hạn. Vậy giả như Thiên Chúa hiện hữu, thì không thể có sự ác phát xuất được; mà thực sự có sự ác trong thế gian. Nên Thiên Chúa không hiện hữu. 2. Thật là dư thừa nếu giả thiết một cái gì vốn có thể được sản xuất bởi ít nguyên nhân, mà thực sự đã được sản xuất do nhiều nguyên nhân. Xem ra tất cả mọi sự vật chúng ta thấy trong thế gian, có thể dựa vào các nguyên nhân khác, trong trường hợp giả thiết Thiên Chúa không hiện hữu. Vì tất cả mọi sự vật có thể quy về một nguyên nhân, đó là cái thiên nhiên. Và tất cả mọi sự có ý chí tự do có thể quy về một nguyên nhân, tức là trí năng nhân loại, hoặc ý muốn nhân loại. Vậy, không cần giả thiết sự hiện hữu của Thiên Chúa.
TRÁI LẠI
Đã nói trong ngôi vị Thiên Chúa: Ta là Đấng hiện hữu duy nhất (Xh 3,14).
TRẢ LỜI
Sự hiện hữu của Thiên Chúa được chứng minh theo ngũ đạo, tức là năm con đường. Con đường thứ nhất và rõ ràng hơn, đó là chứng cứ do sự chuyển động. Một sự kiện chắc chắn và hiển nhiên với giác quan chúng ta, là trong thế giới có những vật đang ở trong chuyển động. Mà cái gì ở trong chuyển động, thì bị động bởi vật khác, vì không vật nào có thể bị động, mà đã không ở trong tiềm thể-tính đối với sự vật mà nó bị động hướng về đó. Còn vật tạo nên sự chuyển động, thì hiện thể, Vì sự làm sự chuyển động là làm cho một vật, thay đổi từ tiềm thể tính đến hiện thể tính, trừ phi phải nhờ một vật ở trạng thái hiện thể. Như vậy, cái gì hiện thể nóng, tức là lửa, làm cho củi, là vật ở tiềm thể nóng, hoá nên hiện thể nóng, và nhờ đó làm chuyển và thay đổi củi. Nhưng không có thể cũng một vật, một trật ở tiềm thể tính và hiện thể tính dưới cũng một phương diện, nhưng chỉ có thể như thế ở một trật là tiềm thể nóng; nhưng một trật, nó có thể tiềm thể lạnh. Cho nên, một vật dưới cũng một phương diện và cũng một thể cách, không thể vừa là vật làm chuyển động vừa là vật bị động, nghĩa là, vật ấy không thể làm chuyển động chính mình. Bởi đó, vật nào đang chuyển động (đang ở trong chuyển động) thì bị động bởi một vật nữa. Nếu một vật làm chuyển động một vật khác, mà chính nó cũng ở trong sự chuyển động thì nó cũng cần bị động bởi vật khác nữa, và vật khác này lại cũng phải bị động bởi một vật khác nữa. Nhưng tình trạng làm chuyển động này không thể kéo dài tới vô-cùng, vì như vậy không có vật làm chuyển động đầu tiên, tức là đệ nhất động cơ; mà nếu không có vật làm chuyển động đầu tiên thì cũng không có những vật làm chuyển động kế tiếp, vì lẽ các vật tác động chuyển động kế tiếp đến sau, có thể làm chuyển động theo mức độ chúng bị làm chuyển động bởi vật làm chuyển động đầu tiên, như cây gậy chỉ chuyền động nhờ nó bị làm chuyển động bởi cái tay. Bởi đó, tất yếu phải tới một vật làm chuyển động đầu tiên, không bị động bởi vật nào khác. Và vật làm chuyển động đầu tiên này, ta gọi là Thiên Chúa. Con đường thứ hai đi từ bản tính của nguyên nhân tác thành. Trong thế giới các vật khả giác, chúng ta gặp ở đó một trật tự các nguyên nhân tác thành. Không có và dứt khoát không có thể có một trường hợp mà một vật được bắt gặp làm nguyên nhân tác thành cho chính mình; vì vậy nó có trước chính mình: đó là một bất khả hữu. Nhưng trong hàng các nguyên nhân tác thành, không có thể đi tới vô cùng, vì ở nơi các nguyên nhân tác thành kế tiếp thứ tự: nguyên nhân thứ nhất là nguyên nhân của các nguyên nhân tác-thành trung gian, và nguyên nhân tác thành trung gian là nguyên nhân của nguyên nhân tác thành cuối cùng. Nguyên nhân trung gian có thể nhiều hoặc một cái duy nhất. Nhưng thủ tiêu nguyên nhân tác-thành, là thủ tiêu hiệu quả. Bởi đó, nếu không có nguyên nhân tác thành thứ nhất ở giữa các nguyên nhân, thì sẽ không có cuối cùng, cũng sẽ không có cái nguyên nhân tác thành trung gian: nhưng ở trong các nguyên nhân tác thành, không thể tiếp tục đi cho tới vô hạn, vì như thế là không có nguyên nhân tác thành thứ nhất, thì không có hiệu quả cuối cùng, cũng không có nguyên nhân tác thành trung gian: hai kết luận này đều sai. Cho nên tất yếu phải thừa nhận nguyên nhân tác thành thứ nhất và nguyên nhân tác thành thứ nhất, gọi là Thiên Chúa. Con đường thứ ba khởi đầu từ khả hữu tính và tất hữu tính và đi như thế này. Chúng ta gặp nhau trong thiên nhiên những vật có thể hiện hữu và không hiện hữu, vì chúng nó được sinh sản ra và hư nát đi, và do đó, chúng nó có thể hiện hữu và không hiện hữu, thì rồi có lúc nó không hiện hữu. Bởi đó, nếu tất cả mọi sự đều có thể không hiện hữu, thì đã có một lúc nào đó, không hiện hữu một sự vật nào cả. Vậy giả như giả thiết nói đây là sự thật, thì đã có lúc không một sự vật nào hiện hữu, bởi cái gì không hiện hữu, chỉ có thể bắt đầu hiện hữu do một sự vật đang hiện hữu. Bởi đó, đã có lúc không một sự vật nào hiện hữu, thì không có một sự vật có thể bắt đầu hiện hữu; và như vậy hiện giờ không một sự vật hiện hữu: đây là sự phi lý. Cho nên, không phải tất cả mọi vật đều hoàn toàn là khả hữu; nhưng phải hiện hữu một vật mà sự hiện hữu của vật này là tất hữu, nhưng tất cả mọi tất hữu thể có tất hữu tính của nó; bị tạo nên hoặc không bị tạo nên nó một vật khác nữa. Nhưng không thể đi đến vô cùng trong hàng các vật tất hữu có tất hữu tính bị cấu tạo do vật khác, như đã minh chứng liên hệ với các nguyên nhân tác thành. Cho nên chúng ta không thể không công nhận sự hiện hữu của một vật tự có tất yếu tính riêng của mình, và không lãnh nhận tất yếu tính này từ một vật khác nữa, nhưng phải hơn là sinh ra cho các vật khác cái tất yếu tính của chúng nó. Và vật tự có yếu tính riêng của mình, được gọi là Thiên Chúa. Con đường thứ tư đi từ cấp bậc trong các vật, ở giữa các vật, có những vật hơn kém tốt, thật cao quý và những tính chất tương tự. Nhưng sự hơn kém được chỉ định về các vật khác nhau, vì chúng nó, bằng nhiều thể cách khác nhau, giống với một vật nào cực độ, chẳng hạn như một vật nóng hơn theo mức độ nó gần hơn với vật nóng nhất, tốt nhất. Cũng vậy, có một vật nào thật nhất, tốt nhất, cao quý nhất, và do đó, có một vật nào hiện hữu nhất, vì các vật lớn nhất trong chân lý thì lớn nhất trong sự hiện hữu, như đã nó ở sách Siêu hình học (Metaph. 2,18). Nhưng cái cực độ trong mỗi giống là nguyên nhân của tất cả các cá-thể trong giống này, chẳng hạn như lửa, là cực độ của sự nóng, của tất cả mọi vật nóng, như đã nói ở sách Siêu hình học (Metaph. 2,18). Bởi đó, cũng phải có một vật nào đối với tất cả mọi vật, là nguyên nhân cho sự hiện hữu của chúng nó, là nguyên nhân cho sự tốt của chúng nó, cũng như cho tất cả mọi sự hoàn hảo của chúng nó, và các nguyên nhân cực độ phổ quát này, được gọi là Thiên Chúa. Con đường thứ năm đi từ sự cai trị vũ trụ. Chúng ta thấy các vật không có lý trí, không có sự hiểu biết, như các vật thiên nhiên, hành động theo mục đích, và sự kiện này thật là hiển nhiên do sự hành động của chúng luôn luôn, hoặc hầu như luôn luôn theo một thể cách, để đạt tới mục đích tốt nhất. Bởi đó, rất rõ ràng là chúng nó hoàn thành mục đích của chúng, không phải một cách ngẫu nhiên, nhưng một cách được chỉ định. Nhưng bất cứ việc nào không có sự hiểu biết, không thể chuyển động về mục đích, nếu nó không được điều khiển bởi một vật có sự hiểu biết và lý trí; như mũi tên được điều khiển bởi người bắn cung. Bởi đó, một vật có lý trí nào đó hiện hữu mà nhờ vật có lý trí này, tất cả mọi vật thiên nhiên được điều khiển đến mục đích của chúng nó: vật có lý trí này được gọi là Thiên Chúa.
GIẢI ĐÁP
1. Thánh Augustin nói: “Vì Thiên Chúa là sự thiện tối cao, Ngài không muốn cho phép sự ác hiện hữu nơi các công trình của Ngài, nếu sự toàn năng và thiên tính của Ngài là như thế đến nỗi đem lại sự lành ngay từ trong sự dữ” (Enchir. 11). Việc này thuộc về thiên tính vô hạn của Thiên Chúa, là Ngài có thể cho phép sự dữ hiện hữu và tạo nên sự lành bởi sự dữ. 2. Vì thiên nhiên hành động vì mục đích nhất định theo sự điều khiển của tác nhân cao đẳng, bất cứ điều gì được thiên nhiên thực hiện, phải quy về Thiên Chúa, là nguyên nhân đệ nhất. Cũng thế, bất cứ điều gì được thực hiện do ý chí điều khiển, phải quy về một nguyên nhân cao đẳng nào, khác với lý trí và ý chí nhân loại, vì lý trí và ý chí nhân loại thay đổi và sa sút; mà tất cả mọi vật có thể thay đổi và có khả năng hư hỏng, thì phải quy về nguyên nhân đệ nhất không thay đổi và tất hữu, như đã trình bày.