Tổng Luận Thần Học: Phần I: Câu hỏi 3: ĐƠN GIẢN TÍNH CỦA THIÊN CHÚA - Th. Tôma Aquinô (8 tiết)

Thứ ba - 11/06/2024 03:21
Tổng Luận Thần Học: Phần I:  Câu hỏi 3:  ĐƠN GIẢN TÍNH CỦA THIÊN CHÚA  - Th. Tôma Aquinô (8 tiết)
Tổng Luận Thần Học: Phần I: Câu hỏi 3: ĐƠN GIẢN TÍNH CỦA THIÊN CHÚA - Th. Tôma Aquinô (8 tiết)
Tổng Luận Thần Học: Phần I:
Câu hỏi 3:
ĐƠN GIẢN TÍNH CỦA THIÊN CHÚA
- Th. Tôma Aquinô (8 tiết)


---------------------------------

Khi sự hiện hữu của một vật đã được nhận thấy, thì còn lại vấn đề đi xa hơn tìm hiểu thể cách hiện hữu của vật đó. Bởi vì chúng ta không thể biết Thiên Chúa là cái gì, nhưng đúng hơn là chúng ta không biết Thiên Chúa không phải là những cái gì; chúng ta hẳn không nghiên cứu Thiên Chúa thế nào, nhưng phải hơn là chúng ta nghiên cứu Thiên Chúa không thế nào.
Bởi đó, chúng ta phải nghiên cứu:

1. Thiên Chúa không thế nào? (CH.11)
2. Thiên Chúa được chúng ta biết thế nào? (CH.12)
3. Thiên Chúa mệnh danh thế nào? (CH.13)

Bây giờ, có thể trình bày Thiên Chúa không thế nào, bằng cách loại trừ khỏi Thiên Chúa những cái gì không thích hợp với Ngài, chẳng hạn như sự hỗn hợp sự chuyển động, và các sự tương tự như vậy. Bởi đó, chúng ta thảo luận đơn giản tính của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta loại bỏ sự hỗn hợp khỏi Thiên Chúa. Và bởi vì bất cứ sự vật đơn giản nào trong các vật hữu hình đều bất toàn và là một cấu tố của một vật khác, chúng ta sẽ thảo luận sự hoàn hảo của Thiên Chúa, vô hạn tính của Thiên Chúa, bất dịch tính của Thiên Chúa, đơn nhất tính của Thiên Chúa.
Liên hệ đơn giản tính của Thiên Chúa, có tám quan điểm phải sưu tầm:

---------------------------------
Nội Dung:

TIẾT 1: THIÊN CHÚA LÀ MỘT VẬT THỂ KHÔNG?. 2
TIẾT 2: THIÊN CHÚA HỖN HỢP CHẤT THỂ VÀ MÔ THỂ CHĂNG?. 4
TIẾT 3: THIÊN CHÚA CHÍNH LÀ YẾU TÍNH, HOẶC BẢN TÍNH CỦA NGÀI KHÔNG?. 6
TIẾT 4: YẾU-TÍNH VÀ HIỆN HỮU ĐỒNG NHẤT Ở NƠI THIÊN CHÚA KHÔNG?. 7
TIẾT 5: THIÊN CHÚA BỊ CHỨA ĐỰNG TRONG MỘT GIỐNG KHÔNG?. 9
TIẾT 6: Ở NƠI THIÊN CHÚA CÓ TUỲ THỂ KHÔNG?. 11
TIẾT 7: THIÊN CHÚA HOÀN TOÀN ĐƠN GIẢN KHÔNG?. 13
TIẾT 8: THIÊN CHÚA THAM DỰ VÀO SỰ HỖN HỢP CỦA CÁC VẬT KHÁC KHÔNG?. 14


---------------------------------

 

TIẾT 1: THIÊN CHÚA LÀ MỘT VẬT THỂ KHÔNG?

VẤN NẠN

Xem ra Thiên Chúa là một vật-thể.

1. Vật thể có ba kích thước. Kinh Thánh chỉ định cho Thiên Chúa ba kích thước, vì có lời chép: “Chúa cao hơn trời ông ngăn được chăng? Sâu hơn âm phủ, đâu nhìn thấu? Dài hơn lục địa rộng hơn biển” (G 11,8.9). Bởi đó, Thiên Chúa là vật thể.

2. Tất cả mọi vật có hình ảnh, là vật thể, vì hình ảnh là phẩm chất của lượng. Nhưng Thiên Chúa xem ra có hình ảnh, vì đã ghi chép: “Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta” (St 1,26). Mà hình ảnh được gọi là ảnh tượng, theo lời nói: Chúa Con hình ảnh ban thể Chúa Cha (Dt 1,3). Vậy Thiên Chúa là vật thể.

3. Cái gì có những bộ phận hữu hình, là vật thể. Mà Kinh Thánh chỉ định cho Thiên Chúa các bộ phận hữu hình: Mắt Chúa hằng ngó kẻ công minh (Tv 32,18). Ngươi có cánh tay như Thiên Chúa chăng? (G 40,9). Tay hữu Chúa giơ cao lên, tay hữu Chúa chiến oai phong (Tv 118,16). Bởi đó, Thiên Chúa là vật thể.

4. Thái độ vô tri chỉ thuộc về vật thể. Nhưng những cái gì có tính cách thái độ, vị trí được chỉ định cho Thiên Chúa, trong Kinh Thánh: Tôi thấy Chúa ngự trên ngai oai hùng (Is 4,1), và Thiên Chúa đứng ra xử đoán, trang nghiêm phán xét các dân (Is 3,10). Bởi đó, Thiên Chúa là vật thể.

5. Chỉ các vật thể hay các vật hữu hình được coi là khởi điểm và đích điểm. Mà Kinh Thánh nói Thiên Chúa, được coi là đích điểm: Lạy Chúa là hy vọng dân Israel, mọi người bỏ Chúa đều bị nhục! Những ai lìa xa Chúa đều bị ghi tên trên đất rằng chúng đã bỏ suối nước hằng sống là Thiên Chúa (Hierony. 18,13). Bởi đó, Thiên Chúa là vật thể.

TRÁI LẠI

Phúc Âm thánh Gioan đã ghi: Thiên Chúa là tinh thần (Ga 4,24).

TRẢ LỜI

Một sự thực tuyệt đối là Thiên Chúa không phải một vật thể và được chứng minh ba thể cách.
Thứ nhất, vì vật thể không chuyển động, trừ phi nó bị tác động: đó là một sự kiện hiển nhiên trừ chứng lý qui nạp. Mà đã minh chứng Thiên Chúa là đệ nhất động cơ, tức là vật tác động đầu tiên, mà không bị tác động. Như thế rõ ràng là Thiên Chúa không phải là vật thể.
Thứ đến, vì vật đệ nhất một cách tất yếu, phải là hiện thể và hoàn toàn không có tiềm thể tính, tức là, một hiện thể thuần tuý. Vì mặc dầu với một vật thể đơn đi từ tiềm thể tính đến hiện thể tính, thì tiềm thể tính có trước hiện thể tính về thời gian, tuy nhiên, nói một cách tuyệt đối, hiện thể tính có trước tiềm thể tính; vì bất cứ sự vật nào tiềm-thể, chỉ được đem tới hiện thể tính bởi vật hiện thể. Nhưng đã chứng minh Thiên Chúa là vật đầu tiên, tức là đệ nhất hữu thể (CH.2, t.3). Cho nên tuyệt đối Thiên Chúa không có tiềm thể tính, và tất cả mọi vật thể đều có tiềm thể tính, vì chẳng hạn như một liên tục hữu có thể bị phân chia đến vô cùng. Như vậy, Thiên Chúa không phải là vật thể.
Thứ ba, Thiên Chúa là vật cao cả nhất trong mọi vật, như đã trình bày (CH.2, t.3). Mà một vật thể không phải vật cao cả nhất trong mọi vật. Vì tất cả mọi vật hoặc hữu hồn hoặc vô hồn, một vật hữu hồn cao đẳng hơn vật vô hồn. Nhưng vật được gọi là hữu hồn, thì rõ ràng không phải vì nó là vật thể, nên trái lại, mọi vật thể đều là vật hữu hồn. Bởi đó, việc làm cho hoá nên hữu hồn, lệ thuộc vào một vật khác, như thân thể nhân loại được hoá nên hữu hồn nhờ linh hồn. Bởi đó, cấu tố làm cho vật thể hoá nên vật thể hữu hồn, thì cao đẳng hơn vật thể. Cho nên Thiên Chúa không phải là vật thể.

GIẢI ĐÁP

1. Như chúng tôi đã nói trên, Kinh Thánh đặt ra trước mặt chúng ta các sự vật thiêng liêng và thuộc về Thiên Chúa qua các hình ảnh của vật hữu hình. Bởi đó, khi Kinh Thánh chỉ định cho Thiên Chúa ba kích thước qua sự so sánh với lượng hữu hình, thì biểu thị số lượng tài năng của Thiên Chúa; qua chiều sâu, Kinh Thánh biểu thị tài năng của Thiên Chúa thấu biết mọi sự vật ẩn khuất; qua chiều cao biểu thị sự siêu việt tính của tài năng tuyệt hảo của Thiên Chúa; qua chiều dài, biểu thị sự lâu dài mãi mãi của sự hiện hữu Thiên Chúa; qua chiều rộng, biểu thị tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Hoặc là, như Dionysius nói, chiều sâu của Thiên Chúa nói lên bất khả đạt tính của yếu tính Thiên Chúa; chiều dài của Thiên Chúa nói lên sự xuất phát tài năng của Thiên Chúa thâm nhập và xuyên qua tất cả mọi sự vật; chiều rộng của Thiên Chúa nói lên sự Thiên Chúa che đậy tất cả mọi sự vật, vì mọi sự vật đều Thiên Chúa che chở.

2. Nhân loại được gọi là hình ảnh của Thiên Chúa, không phải quan hệ với thân xác, nhưng vì quan hệ với cấu tổ làm cho nhân loại ưu tú hơn các thú vật. Bởi đó, khi nói: Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta, thì đã nói thêm: để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu (St 1,26). Nhưng nhân loại ưu tú vượt lên trên tất cả mọi thú vật bởi lý trí và trí năng của nhân loại; bởi đó, chính do trí năng và lý trí vô hình mà nhân loại được gọi là hình ảnh Thiên Chúa.

3. Các bộ phận hữu hình được chỉ định cho Thiên Chúa trong Kinh Thánh, bởi vì các hành động của Thiên Chúa, và sự chỉ định như thế do một sự tương tự nào đó thôi. Thí dụ, tác dụng của con mắt là thấy, do đó, con mắt được chỉ định cho Chúa, biểu thị tài năng của Thiên Chúa thấy bằng trí tuệ, chứ không bằng giác quan; và cũng phải lý luận như vậy đối với tất cả các bộ phận khác.

4. Bất cứ cái gì thuộc về thái độ, vị trí, thì cũng một thể cách, được chỉ định về Thiên Chúa chỉ vì lý do dựa trên một sự tương tự nào đó thôi. Thiên Chúa được nói là ngồi (ngự), vì bất dịch tính và sự thống trị của Thiên Chúa. Thiên Chúa được nói là đứng, vì quyền năng của Thiên Chúa thắng bất cứ sự vật nào chống lại Thiên Chúa.

5. Chúng ta đến gần Thiên Chúa, không phải bằng những bước đi hữu hình, vì Thiên Chúa ở khắp nơi; chúng ta đến gần Thiên Chúa bằng tình yêu mến của linh hồn, và nhờ các hành động của chính linh hồn; chúng ta đến gần Thiên Chúa. Bởi đó, đến gần Thiên Chúa hoặc rút lui biểu thị thuần tuý sự yêu mến thiêng liêng giống với sự di chuyển nơi chỗ.

---------------------------------

 

TIẾT 2: THIÊN CHÚA HỖN HỢP CHẤT THỂ VÀ MÔ THỂ CHĂNG?


VẤN NẠN

Xem ra Thiên Chúa hỗn hợp chất thể và mô thể.

1. Cái gì có hồn, thì phỗi hợp chất thể và mô thể; vì hồn là mô thể của vật thể. Nhưng Kinh Thánh chỉ định cho Thiên Chúa, cái hồn; vì có nói đến trong thư gởi dân Do Thái (10,38), ở đó Thiên Chúa phán: Nhưng người lành của Ta sống bởi đức tin; nên họ cứ lưỡng lự, ắt Ta không bằng lòng. Bởi đó, Thiên Chúa hỗn hợp chất thể và mô thể.

2. Hơn nữa, sự giận, sự vui, và những tình cảm tương tự, là những đam mê của hợp vật, như đã nói về hồn (Aristote, De An., 1,1). Nhưng các tình cảm này được chỉ định cho Thiên Chúa trong Kinh Thánh: Chúa thịnh nộ dân, ghét lây chính ngay sản nghiệp (Tv 105,47). Bởi đó, Thiên Chúa hỗn hợp chất thể và mô thể.

3. Hơn nữa, chất thể là nguyên nhân cá thể hoá. Nhưng Thiên Chúa xem ra cá thể, vì không thể nói có nhiều Thiên Chúa. Bởi đó, Thiên Chúa hỗn hợp chất thể và mô thể.

TRÁI LẠI

Bất cứ cái gì hỗn hợp chất thể và mô thể, là vật thể vì lượng với kích thước là đặc tính thứ nhất của chất thể. Nhưng Thiên Chúa không phải là vật thể như đã minh chứng. Bởi đó Thiên Chúa không hỗn hợp chất thể và mô thể.

TRẢ LỜI

Tuyệt đối chất thể không có ở nơi Thiên Chúa.

Thứ nhất, bởi vì chất thể là cái gì hiện hữu tiềm thể. Nhưng chúng ta đã chứng minh Thiên Chúa là hiện-thể thuần tuý, hoàn toàn không tiềm thể. Bởi đó, dứt khoát tuyệt đối Thiên Chúa không hỗn hợp chất thể và mô thể.
Thứ đến, bởi vì tất cả mọi vật hỗn hợp chất thể và mô thể, thì có được sự hoàn hảo và sự tốt là do mô thể, và bởi đó, sự tốt của chất thể, là sự tốt được thông phần cho, vì chất thể thông phần với mô thể. Còn sự tốt thứ nhất và sự đẹp nhất, tức là Thiên Chúa, thì không là sự tốt được thông phần, vì sự tốt thuộc yếu tính, thì có trước sự tốt được thông phần. Cho nên Thiên Chúa không hỗn hợp chất thể và mô thể.
Thứ ba, bởi vì mỗi một tác nhân hành động do mô thể của nó, và như thế, cái thể cách mà nó có mô thể thì chính là thể cách nó làm tác nhân. Bởi đó, bất cứ cái gì là tác nhân một các căn nguyên và thuộc yếu tính, thì là tác nhân do mô thức một căn nguyên và thuộc yếu tính. Mà Thiên Chúa là tác nhân đệ nhất, vì Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành đệ nhất, như đã trình bày (CH. 2, t.3). Cho nên Thiên Chúa do yếu tính của Ngài, là một mô thể, và không hỗn hợp chất thể và mô thể.

GIẢI ĐÁP

1. Một hồn được chỉ định cho Thiên Chúa, vì có sự tương tự trong các hành động, vì chúng ta muốn cái gì, đó là hồn muốn. Bởi cái gì làm vui thích ý muốn (ý chí) của Thiên Chúa, thì được nói là làm vui thích hồn của Thiên Chúa.

2. Sự giận, và những tình cảm tương tự; được chỉ định cho Thiên Chúa, vì một sự tương tự trong các hiệu quả. Vậy, bởi vì việc phạt một cách đặc biệt là việc làm của người thịnh nộ, sự phạt của Thiên Chúa, bằng cách ẩn dụ, được nói về sự thịnh nộ của Thiên Chúa.

3. Các mô thể được lãnh nhận vào trong chất thể, thì được cá thể hoá bởi chất thể: chất thể không ở trong một cái khác làm chủ thể căn bản thứ nhất, dầu mô thể tự nó, nếu không bị vật nào khác ngăn trở, thì có thể được lãnh nhận bởi nhiều chất thể. Nhưng có loại mô thể không thể được lãnh nhận vào trong chất thể, nhưng tự lập hữu, thì được cá thể hoá, chính do việc nó không có thể được lãnh nhận vào trong một chất thể: cái mô thể như thế, chính là Thiên Chúa. Vậy, chất thể không có ở trong Thiên Chúa.

---------------------------------

 

TIẾT 3: THIÊN CHÚA CHÍNH LÀ YẾU TÍNH, HOẶC BẢN TÍNH CỦA NGÀI KHÔNG?

VẤN NẠN

Xem ra Thiên Chúa không phải đồng nhất với yếu tính, hoặc bản tính của chính Ngài.

1. Vì không có sự vật nào ở trong chính nó. Mà yếu tính, hoặc bản tính của Thiên Chúa, tức là Thiên tính, được nói là ở trong Thiên Chúa. Vậy, Thiên Chúa không đồng nhất với yếu tính, hoặc bản tính của Ngài.

2. Hiệu quả được đồng hoá với nguyên nhân của nó; vì mỗi một tác nhân sản xuất vật tương tự với mình. Mà ở noi các vật thụ tạo, cá thể không đồng nhất với bản tính; vì một người không đồng nhất với nhân-tính. Bởi đó, Thiên Chúa và Thiên-tính không đồng nhất với nhau, không phải chỉ là một.

TRÁI LẠI

Có lời ghi chép về Thiên Chúa: quả quyết Ngài là chính sự sống, chứ không phải Thiên Chúa chỉ là một vật đang sống: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Nhưng tương quan giữa Thiên tính và Thiên Chúa giống y như tương quan giữa sự sống và một sinh vật. Vậy, Thiên Chúa là chính Thiên tính của Ngài.

TRẢ LỜI

Thiên Chúa đồng nhất với yếu tính hoặc bản tính của Ngài. Để hiểu biết được đồng nhất tính này, phải lưu ý trong các vật hỗn hợp chất-thể và mô thể, bản-tính hoặc yếu tính, phải phân biệt với cá thể, vì yếu tính hoặc bản tính chỉ bao gồm cái gì trong lời định nghĩa của loại. Như nhân tính bao gồm tất cả những cái gì nằm trong lời định nghĩa con người, vì sự định nghĩa nói lên điều làm cho con người là con người và nói lên điều được biểu thị bởi nhân tính, tức là, điều làm cho con người là con người. Nhưng chất thể cá thể với các tuỳ thể cá thể hoá, không nằm trong lời định nghĩa của loại. Vì xác thịt này, bộ xương này, màu đen hoặc màu trắng này vv... Không được bao gồm trong lời định nghĩa con người. Bở đó, xác thịt này, bộ xương này, và các phẩm chất thuỳ thể biểu thị chất thể đặc thù này, không được bao gồm trong nhân tính, nhưng được bao gồm trong cái thực tại, tức là trong một con người. Bởi đó, các thực tại mà là con người, có trong chính nó một cái gì mà nhân tính không có. Do đó, nhân tính và một con người không hoàn toàn đồng nhất, nhưng nhân tính được hiểu là phần mô thể của con người, vì các nguyên lý được sử dụng để định nghĩa một vật, thì hành động với tính cách là một cấu tố mô thể tương quan với chất thể cá thể hoá có tình trạng này khác biệt đối với các vật không hỗn hợp chất thể và mô thể, vì ở nơi các vật này, sự cá thể hoá không thể hiện do chất thể cá thể, nghĩa là không do chất thể này, nhưng chính các mô thể được cá thể hoá bởi chính chúng nó. Trong trường hợp này, một cách tất yếu, các mô thể là những cá thể lập hữu. Bởi đó, cá thể và mô thể là đồng nhất, tức là, mô thể là cá thể. Cho nên, Thiên Chúa không hỗn hợp chất thể và mô thể, thì Thiên Chúa phải là chính Thiên tính của Ngài, là chính sự sống của Ngài và cũng là chính tất cả các ưu phẩm được chỉ định cho Ngài.

GIẢI ĐÁP

1. Chúng ta có thể nói về các đơn thể, dường như chúng nó là các hợp vật mà do đó, chúng ta có sự hiểu biết. Bởi đó, khi nói về Thiên Chúa chúng ta sử dụng các danh từ cụ thể để biểu thị sự lập hữu của Ngài, vì đối với chúng ta, duy các hợp vật lập hữu, và chúng ta dùng các danh từ trừu tượng để biểu thị đơn giản tính của Ngài. Khi nói về Thiên tính, hoặc sự sống, hoặc các ưu phẩm khác, chẳng hạn như sự hiện hữu của Thiên Chúa, chúng ta nhận chân đường lối hợp vật, để trí năng chúng ta lãnh hội được, chứ không có một sự hỗn hợp trong Thiên Chúa.

2. Các hiệu quả do công trình của Thiên Chúa, không mô phỏng được Thiên Chúa cách hoàn toàn, nhưng theo mức độ chúng có khả năng. Sự khuyết điểm trong việc mô phỏng Thiên Chúa là vật đơn giản và đơn nhất, chỉ được biểu thị nhờ phức số tính. Trạng thái này là nguồn gốc gây nên sự hỗn hợp trong các hiệu quả của Thiên Chúa; và như thế, ở nơi các hiệu quả này, cá thể không phải là đồng nhất với bản tính.

---------------------------------

 

TIẾT 4: YẾU-TÍNH VÀ HIỆN HỮU ĐỒNG NHẤT Ở NƠI THIÊN CHÚA KHÔNG?


VẤN NẠN

Xem ra yếu tính và sự hiện hữu không phải đồng nhất ở nơi Thiên Chúa.

1. Nếu yếu tính và hiện hữu đồng nhất, hiện hữu của Thiên Chúa không có cái gì để thêm vào cho mình. Mà sự hiện hữu không còn cái gì để thêm vào, đó là sự hiện hữu phổ quát được quy về cho tất cả mọi vật. Do đó, Thiên Chúa là sự hiện hữu tổng quát có thể quy về cho tất cả mọi sự vật. Nhưng lý luận này sai bét: “Người ta tặng hư danh cho hòn đá phiến gỗ” (Kn 14,21). Cho nên sự hiện hữu của Thiên Chúa không phải là yếu tính của Ngài.

2. Chúng ta có thể biết được Thiên Chúa hiện hữu hay không như đã chứng minh ở trước (CH.2, t.2): nhưng chúng ta không biết được Thiên Chúa là cái gì? Bởi đó, sự hiện hữu của Thiên Chúa, không đồng nhất với yếu tính của Ngài hoặc với bản tính của Ngài.

TRÁI LẠI

Thánh Lilaire nói: Ở nơi Thiên Chúa, sự hiện hữu không phải là một phẩm chất tuỳ thể, nhưng là một chân lý lập hữu (De Trin, 7).

TRẢ LỜI

Thiên Chúa chẳng những là yếu tính của Ngài như đã trình bày mà lại còn là sự hiện hữu của Ngài. Sự khẳng định này có thể trình bày nhiều cách.
Thứ nhất, bất cứ cái gì mà một vật có, ngoài yếu tính của nó, phải được tạo nên hoặc bằng nguyên nhân cấu tạo của yếu tính trong cách là tuỳ thể cố hữu đi theo loại một cách tất yếu, thí dự, sự cười là cố hữu của nhân loại, và được sinh ra các nguyên nhân cấu tạo thuộc về loại, hoặc bởi một tác nhân ngoại giới, như sự nóng được gây nên trong nước là, bởi lửa. Bởi đó, nếu sự hiện hữu của một vật phân biệt với yếu tính của nó, sự hiện hữu này được tạo nên hoặc do tác nhân ngoại giới, hoặc bởi các nguyên nhân thuộc yếu tính của chính vật ấy. Nhưng tuyệt đối không thể có được điều này là sự hiện hữu của một vật được tạo nên chỉ do các nguyên nhân cấu tạo thuộc yếu tính của chính mình, vì không cái gì là nguyên nhân túc lý cho chính sự hiện hữu của mình, nếu sự hiện hữu của nó phải được tạo nên. Bởi đó, một vật mà sự hiện hữu phân biệt với yếu tính, phải có sự hiện hữu được tạo nên bởi một vật nữa. Nhưng không nói được như vậy đối với Thiên Chúa, vì chúng ta gọi Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành đệ nhất. Cho nên ở nơi Thiên Chúa, sự hiện hữu không phân biệt với yếu tính.
Thứ đến, sự hiện hữu là hiện thể tính của tất cả mọi mô thể hoặc bản tính; quả thế nó thiện tính, thí dụ hoặc nhân tính, ở hiện thể là nói nó hiện hữu. Vậy, phải đối chiếu sự hiện hữu với yếu tính, nếu yếu tính phân biệt với sự hiện hữu, như hiện thể tính với tiềm thể tính. Do đó, vì ở nơi Thiên Chúa không có tiềm thể tính, như đã trình bày ở trước, ở nơi Thiên Chúa yếu tính không phân biệt với sự hiện hữu. Cho nên yếu tính của Thiên Chúa là sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Thứ ba, cũng như một vật có lửa, nhưng không phải là lửa, nó có lửa do sự tham dự; cũng vậy một vật có sự hiện hữu, không phải là sự hiện hữu, là sự hiện hữu bằng cách tham dự. Nhưng Thiên Chúa là chính cái yếu tính của Ngài, như đã trình bày. Bởi đó, nếu Thiên Chúa không phải là sự hiện hữu của Ngài, Ngài sẽ là sự hiện hữu được tham dự, chứ không phải là sự hiện hữu thuộc yếu tính. Như thế Ngài không phải là vật đệ nhất: đây là sự phi lý. Cho nên Thiên Chúa là sự hiện hữu của Ngài, chứ không phải thuần tuý là cái yếu tính của Ngài.

GIẢI ĐÁP

1. Việc người ta nói một vật không có cái gì thêm vào được hiểu hai thể cách: Hoặc bởi yếu tính hoặc bởi nó ngăn trở bất cứ sự thêm vào, “thí dụ: yếu tính của động vật không lý tính, tức thú vật, là không có trí năng”; hoặc chúng ta có thể hiểu một vật không có cái gì phải thêm vào cho chính mình, vì yếu tính của nó không đòi hỏi cái gì phải thêm vào cho nó, như giống thú vật không có trí năng, bởi vì theo yếu tính của thú vật nói chung, là không có trí năng; hoặc theo yếu tính của thú vật nói chung, thì cũng không thiếu trí năng. Và như thế Thiên Chúa không có gì thêm cho Ngài theo ý nghĩa thứ nhất; đang khi ác vật nói chung không có gì thêm cho theo ý nghĩa thứ hai.

2. Động từ trong tiếng Latinh có hai nghĩa: có, là nghĩa thứ nhất biểu thị hiện thể hiện hữu; và ý nghĩa thứ hai, biểu thị sự liên kết một mệnh đề nối thuộc từ với chủ từ: Thiên Chúa hằng hữu. Chúng ta không biết được hiện hữu hiểu ở ý nghĩa thứ nhất, vì chúng ta thật sự không hiểu được hiện thể hiện hữu của Thiên Chúa, cũng như không hiểu được yếu tính của Thiên Chúa. Nhưng hiện hữu hiểu ở nghĩa thứ hai, chúng ta biết được mệnh đề “Thiên Chúa hằng hữu là có thực, là xác thực. Và thực sự chúng ta biết hiện hữu của Thiên Chúa do các hiệu quả của Ngài”.

---------------------------------

 

TIẾT 5: THIÊN CHÚA BỊ CHỨA ĐỰNG TRONG MỘT GIỐNG KHÔNG?


VẤN NẠN

Xem ra Thiên Chúa bị bao gồm trong một giống.

1. Bản thể là một vật tự lập hữu. Mà một hữu thể như thế ấy, thì một cách đặc biệt thích hợp thật sự với Thiên Chúa. Vậy, Thiên Chúa thuộc giống bản thể.

2. Mỗi một vật được đo lường bởi một cái gì thuộc về giống riêng của nó, như chiều dài được đo bằng sự dài và các số được đo bằng số. Mà Thiên Chúa là cái để đo lường tất cả mọi bản thể, như nhà chú giải trình bày. Vậy Thiên Chúa thuộc giống bản thể.

TRÁI LẠI

Giống, theo ý có trước điều được nó bao gồm nhưng không gì có trước Thiên Chúa hoặc trong thực tại hoặc theo ý nghĩa. Vậy Thiên Chúa không ở trong giống.

TRẢ LỜI

Một vật có thể thuộc về giống hai thể cách: hoặc cách tuyệt đối và cố hữu, như loại được bao gồm trong giống, hoặc bằng quy kết như vật có thể được quy về giống như các nguyên lý và các tình trạng thiếu. Thí dụ, điểm và đơn vị được quy về giống lượng, như các nguyên lý của lượng; đang khi sự mù và tất cả mọi sự thiếu, được quy về giống tập quán. Nhưng Thiên Chúa không ở trong giống thể cách nào trong hai thể cách nói trên. Việc Thiên Chúa không thể là một loại cho bất cứ giống này, được trình bày ba cách.

Thứ nhất, vì một loại được cấu tạo bằng giống và dị biệt tạo nên loại, luôn luôn có liên quan với yếu tố là nguồn gốc phát xuất giống như hiện thể tính có liên hệ với tiềm thể tính. Như vậy từ ngũ thú vật phát xuất từ bản tính cảm giác được biểu thị trong cụ thể, vì cái cốt yếu để hoán nên con thú vật, đó là bản tính cảm giác. Đàng khác, vật có lý tính phát xuất từ bản tính có trí năng, vì cốt yếu của vật có lý tính, đó là bản tính có trí năng. Mà vật có trí năng so sánh với vật có cảm giác như hiện thể tính so sánh với tiềm thể tính. Cũng một chứng cứ này có giá trị đối với các vật khác. Bởi đó, ở nơi Thiên Chúa, tiềm thể tính không thêm vào cho hiện thể tính: Thiên Chúa tuyệt đối không thể xếp vào giống nào với tính cách là một loại.

Thứ đến, bởi sự hiện hữu của Thiên Chúa là yếu tính của Ngài; giả như Thiên Chúa ở trong một giống nào thì Ngài phải thuộc về giống hữu thể, vì giống thuộc biểu thị yếu tính: giống quan hệ đến yếu tính của các vật. Nhưng Triết gia đã trình bày sự hiện hữu không thể là một giống, vì mỗi một giống có sự dị biệt ở bên ngoài yếu tính thuộc giống (Metaph. 2.3). Nhưng không sự dị biệt nào có thể tồn tại phân biệt với sự hiện hữu, vì phi hữu không thể là một dị biệt. Do đó, Thiên Chúa không ở trong một giống.

Thứ ba, bởi tất cả các thành phần của một giống có phần trong niệm tính (quiddity) hoặc yếu tính của giống: giống một cách yếu tính được chỉ về cho các thành phần; nhưng các thành phần phân biệt với nhau trong sự hiện hữu của chúng nó; vì thí dụ sự hiện hữu của con người và của con ngựa không như nhau. Sự hiện hữu của người này và sự hiện hữu của người kia cũng không như nhau. Như thế, trong mỗi một thành phần của một giống, sự hiện hữu và niệm-tính, tức yếu tính, phải phân biệt nhau. Mà ở nơi Thiên Chúa, sự hiện hữu và yếu tính không phân biệt nhau, như đã trình bày ở tiết trước. Bởi đó, rõ ràng là Thiên Chúa không ở trong một giống mà Ngài là một loại. Cho nên, Thiên Chúa dứt khoát không có giống, cũng không có dị biệt mà người ta cũng không có thể cách nào định nghĩa Thiên Chúa cũng không có sự minh chứng nào về Thiên Chúa, ngoài minh chứng do các hiệu quả của Thiên Chúa đã tạo nên. Vì định nghĩa xuất phát từ giống và dị biệt là phương tiện cho một minh chứng, đó là lời định nghĩa.

Việc Thiên Chúa không ở trong giống, như quy về giống ấy với tính cách là nguyên nhân của giống ấy thật rõ ràng vì lý do này, là một nguyên nhân quy về bất cứ giống nào, thì không được vượt ra ngoài giống ấy, thí dụ: điểm là nguyên nhân cho lượng liên tục mà thôi, và đơn vị là nguyên nhân của lượng gián đoạn. Nhưng Thiên Chúa là nguyên nhân của tất cả mọi vật, như sẽ trình bày sau. Nên Thiên Chúa không bị chứa đựng trong một giống với tính cách là nguyên nhân của giống ấy.

GIẢI ĐÁP

1. Từ ngữ bản thể không phải chỉ biểu thị sự hiện hữu bởi chính nó, vì sự hiện hữu, tự nó, không thể là một giống như đã trình bày; mà còn biểu thị một yếu tính: nhưng yếu tính này tất nhiên phải hiện hữu theo thể cách này, tức là hiện hữu bởi chính nó; tuy nhiên sự hiện hữu này không phải là yếu tính của mình. Như vậy, rõ ràng là Thiên Chúa không ở trong giống bản thể.
2. Vấn nạn này dựa trên sự đo lường theo tỷ lệ: Vật đo lường theo tỷ lệ phải cân đối với vật được đo lường. Nhưng Thiên Chúa không phải là vật đo lường theo tỷ lệ cho sự vật nào. Hơn nữa, Thiên Chúa được gọi là vật đo lường cho tất cả mọi sự vật theo ý nghĩa tất cả mọi sự vật chỉ có sự hiện hữu theo mức độ chúng tương tự với Thiên Chúa.

---------------------------------

 

TIẾT 6: Ở NƠI THIÊN CHÚA CÓ TUỲ THỂ KHÔNG?


VẤN NẠN

Xem ra có các tuỳ thể ở trong Thiên Chúa.

1. Bản thể không có thể là tuỳ thể cho bản thể khác như Triết gia chủ trương (Metaph. 2,3). Bởi đó, điều gì là tuỳ thể trong một chủ thể không thể là bản thể cho chủ thể khác; như vậy người ta đã minh chứng sự nóng không phải là mô thể bản thể của lửa, vì nó là một tuỳ thể nơi nơi các vật khác. Mà sự khôn ngoan, năng lực và những cái tương tự, là những tuỳ thể đối với chúng ta; cũng được chỉ về Thiên Chúa. Vậy trong Thiên Chúa có các tuỳ thể.

2. Trong mỗi một giống,, có một nguyên nhân đệ nhất. Mà có nhiều giống của cách tuỳ thể. Vậy nếu cái thành phần thứ nhất của các giống này không có trong Thiên Chúa, hẳn có nhiều vật đầu tiên khác Thiên Chúa: đây là một sự phi lý.

TRÁI LẠI

Mỗi một tuỳ thể ở trong chủ thể; mà Thiên Chúa không có thể làm chủ thể, vì không mô thể đơn giản nào có thể làm chủ thể, như Boè chủ trương. Vậy trong Thiên Chúa không có tuỳ thể.

TRẢ LỜI

Do các điều chúng ta đã nói, rõ ràng là không có tuỳ thể trong Thiên Chúa.
Thứ nhất, một chủ thể so sánh với các tuỳ thể của mình, như tiềm thể tính so sánh với hiện thể tính; vì chủ thể theo một nghĩa nào đó, được hiện thể hoá do các tuỳ thể. Nhưng không thể có tiềm thể tính trong Thiên Chúa, như đã trình bày.
Thứ đến, Thiên Chúa là sự hiện hữu riêng của Ngài; mà Boèce nói, một vật đang hiện hữu, có thể cái gì thêm vào cho mình: nhưng sự thêm vào thể này không thể thêm vào cho chính sự hiện hữu. Vậy, thí dụ một vật nóng, có thể có một vài cái bên ngoài thêm vào cho mình, thí dụ, như màu trắng, nhưng chính sự nóng không có sự gì khác ngoài sự nóng.
Thứ ba, bởi vì cái gì thuộc về yếu tính thì có trước cái gì thuộc về tuỳ thể. Do đó, Thiên Chúa là vật đầu tiên tuyệt đối, nên ở nơi Thiên Chúa, không có cái gì là tuỳ thể, Thiên Chúa cũng không có những tuỳ thể thuộc yếu tính, như khả năng cười là tuỳ thể thuộc yếu tính nhân loại, vì các tuỳ thể như thế, được tạo nên bởi các nguyên nhân cấu tạo của chủ thể. Mà không cái gì được tạo nên trong Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất. Vậy người ta kết luận không có tuỳ thể trong Thiên Chúa.

GIẢI ĐÁP

1. Năng lực và sự khôn ngoan không được chỉ về Thiên Chúa và chúng ta cách đồng nghĩa, như người ta sẽ minh chứng ở sau; do đó, không có tuỳ thể ở trong Thiên Chúa như ở nơi chúng ta.

2. Bản thể có trước các tuỳ thể mình, các nguyên nhân tạo nên các tuỳ thể có thể quy về các nguyên nhân của bản thể, như quy về cái có trước. Mà Thiên Chúa trước tiên không bao giờ trong giống bản thể; Thiên Chúa là vật đệ nhất đối với tất cả mọi vật, ở ngoài mọi giống.

---------------------------------

 

TIẾT 7: THIÊN CHÚA HOÀN TOÀN ĐƠN GIẢN KHÔNG?

VẤN NẠN

Xem ra Thiên Chúa không hoàn toàn đơn giản.

1. Bất cứ cái gì phát xuất từ Thiên Chúa, đều mô phỏng Thiên Chúa như vậy tất cả mọi hữu thể xuất phát từ hữu thể đệ nhất, tất cả mọi sự tốt phát xuất từ sự tốt thứ nhất. Nhưng trong các vật Thiên Chúa đã tạo thành, không gì hoàn toàn đơn giản. Bởi đó, Thiên Chúa cũng không hoàn toàn đơn giản.

2. Hơn bất cứ cái gì tốt hơn, thì phải được chỉ định cho Thiên Chúa. Nhưng với chúng ta, cái gì hỗn hợp thì tốt hơn cái đơn giản. Vậy, các hoá hợp chất tốt hơn các yếu tố và các yếu tố tốt hơn các thành phần cấu-tạo của yếu tố. Bởi đó, không thể nói Thiên Chúa hoàn toàn đơn giản.

TRÁI LẠI

Augustin nói: Thiên Chúa thực sự và tuyệt đối đơn giản (De Trin. 6,6).

TRẢ LỜI

Tôi trả lời rằng: Đơn giản tính tuyệt đối của Thiên Chúa có thể trình bày nhiều thể cách.

Thứ nhất có thể trả lời qua các Tiết trước của Câu Hỏi 3 này. Vì không có sự hỗn hợp các phần của lượng, trong Thiên Chúa, vì Ngài không phải là một vật thể; cũng không có sự hỗn hợp của chất thể và mô thể. Bản tính của Thiên Chúa không phân biệt với cá thể Thiên Chúa. Yếu tính của Thiên Chúa cũng không phân biệt với sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ở nơi Thiên Chúa không có sự hỗn hộp của giống và dị biệt; cũng không có sự hỗn hợp của chủ thể và tuỳ thể. Cho nên Thiên Chúa không hỗn hợp cách tuyệt đối và hoàn toàn đơn giản.

Thứ hai, bởi vì mỗi hợp vật thì đi sau các thành phần hợp thành và lệ thuộc vào chúng; mà Thiên Chúa là hữu thể đệ nhất, như đã trình bày ở trước.

Thứ ba, mỗi một hợp vật có nguyên nhân, vì các vật bản tính khác nhau không hoá hợp nhau được, nên không có vật nào làm cho chúng nó hoá hợp. Mà Thiên Chúa không phải được tạo nên, như đã trình bày ở trước, vì Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành đệ nhất.

Thứ tư, trong một một hợp vật, phải có tiềm thể tính và hiện thể tính; mà tình trạng này không có ở nơi Thiên Chúa. Quả thế trong hợp vật hoặc một thành phần trong các thành phần có thể hiện thể hoá thành phần khác; hoặc ít nhất, mọi thành phần đều ở tiềm thể tính đối với vật toàn thể nguyên vẹn.

Thứ năm, vì không có hợp vật nào có thể chỉ về cho một thành phần nào trong các thành phần của mình. Sự khẳng định này thật là hiển nhiên trong một vật nguyên vẹn được tạo nên do các thành phần khác nhau; vì không có phần nào trong một con người là con người; cũng không có phần nào của bàn chân là bàn chân. Nhưng trong các vật nguyên vẹn giống nhau, mặc dầu một vài vật có thể chỉ về cho vật nguyên vẹn có thể chỉ về thành phần như một phần không khí là không khí; một phần nước lã là nước lã; tuy nhiên, một vài vật có thể chỉ về vật nguyên vẹn, mà nguyên vẹn không thể chỉ về cho các thành phần, thí dụ, nếu một khối nước nguyên vẹn là hai thước khối, thì không phần nào của khối nước này là hai thước khối. Vậy trong một một hợp vật, có một cái gì không phải chính hợp vật này. Mặc dầu có thể nói như trên về bất cứ vật gì có mô thể, là nó có một cái gì không phải là chính nó, như trong một vật trắng thì có một cái gì không thuộc về yếu tính của màu trắng; tuy nhiên chính trong mô thể, không có gì khác ngoài chính nó. Như vậy, vì Thiên Chúa là mô thể tuyệt đối, hay nói phải hơn, Ngài là hữu thể tuyệt đối, Ngài không hỗn hợp một tí nào, Thánh Hilaire liên hệ đến chứng cứ này, khi nói: “Thiên Chúa là dũng lực, không phải được cấu tạo bằng các vật yếu đuối; Thiên Chúa là sự sáng, cũng không phải hỗn hợp bằng các vật tối tăm” (De Trin., 7).

GIẢI ĐÁP

1. Bất cứ cái gì phát xuất từ Thiên Chúa, thì mô phỏng Thiên Chúa, như các vật được tạo thành mô phỏng nguyên nhân đệ nhất. Nhưng yếu tính của vật được tạo thành, thì tất yếu hỗn hợp một thể cách nào đó. Vì ít ra sự hiện hữu của nó, phân biệt với yếu tính của nó, như sẽ trình bày ở sau (CH.50, t.2).

2. Với chúng ta, các vật hỗn hợp thì tốt hơn các vật đơn giản, vì sự hoàn hảo trong sự tốt được tạo thành không gặp được ở nơi một vật đơn giản, nhưng gặp được ở nơi nhiều vật. Nhưng sự hoàn hảo trong sự tốt của Thiên Chúa gặp được ở nơi vật đơn giản, như sẽ trình bày ở sau.

---------------------------------

 

TIẾT 8: THIÊN CHÚA THAM DỰ VÀO SỰ HỖN HỢP CỦA CÁC VẬT KHÁC KHÔNG?

VẤN NẠN

Xem ra Thiên Chúa là thành phần của các vật khác.

1. Denys nói: Sự hiện hữu của tất cả mọi vật là cái gì ở trên sự hiện hữu, đó là bản tính của Thiên Chúa (De Cael. Hier., 4,1). Nhưng sự hiện hữu của tất cả mọi vật, tham dự vào sự hỗn hợp mọi vật. Cho nên, Thiên Chúa tham dự vào sự hỗn hợp của các vật khác.

2. Thiên Chúa là mô thể. Vì Augustin nói: Lời nói của Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa, là mô thể không phải được tạo thành (Serm. CXVII, 2). Nhưng mô thể là một phần của hợp vật. Cho nê, Thiên Chúa là phần của hợp vật nào đó.

3. Hơn nữa, bất cứ những vật nào hiện hữu, mà không phân biệt với nhau một cách nào, thì như nhau. Nhưng Thiên Chúa và chất thể đệ nhất hiện hữu và không phân biệt nhau một cách nào. Bởi đó, Thiên Chúa và chất thể đệ nhất như nhau. Nhưng chất thể đệ nhất tham dự vào sự hỗn hợp các vật. Cho nên Thiên Chúa cũng tham dự vào sự hỗn hợp các vật. Minh chứng tiểu tiền đề: bất cứ những vật nào, phân biệt nhau, thì phân biệt do sự dị biệt nào đó, và như thế chúng nó là những hợp vật. Mà Thiên Chúa là chất thể đệ nhất đều là đơn giản. Cho nên Thiên Chúa và chất thể đệ nhất không phân biệt nhau cách tuyệt đối.

TRÁI LẠI

Denys nói: Không thể sờ mó Thiên Chúa, cũng không có thể có vật nào khác hỗn hợp với Thiên Chúa bằng cách phối hợp phần với phần.
Hơn nữa, nguyên nhân đệ nhất chi phối tất cả mọi vật mà không phối hợp với chúng, như nói ở quyển sách các nguyên nhân (De Causis, 20).

TRẢ LỜI

Về vấn đề này, có ba sự sai lầm. Có những người khẳng định Thiên Chúa là linh hồn của vũ trụ, như thánh Augustin đã trình bày (De Civit Dei, 7). Đó cũng là ý kiến của những người quả quyết Thiên Chúa là linh hồn của các tầng trời thứ nhất. Có những người nói: Thiên Chúa là nguyên nhân mô thể của tất cả mọi vật, đó là ý kiến của những kẻ theo Armaury. Sự sai lầm thứ ba của David de Dinan khờ khạo chủ trương Thiên Chúa là chất thể đệ nhất. Nhưng tất cả ba lý thuyết này đều không có sự thật, vì Thiên Chúa không có thể tham dự vào sự hỗn hợp của bất cứ vật gì, với tính cách là nguyên nhân mô thể hoặc nguyên nhân chất thể.

Thứ nhất, bởi vì chúng tôi đã trình bày ở trước, Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành đệ nhất; mà nguyên nhân tác thành không đồng nhất theo số với mô thể của vật được tạo thành, nhưng đồng nhất cách loại thuộc: vì người sinh người, nhưng chất thể đệ nhất không đồng nhất theo số, cũng không đồng các loại thuộc, với nguyên nhân tác thành, vì chất thể đệ nhất hiện hữu tiềm thể, đang bị nguyên nhân tác thành hiện hữu hiện thể.

Thứ hai, Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành đệ nhất, nên hành động thuộc về Thiên Chúa một cách đầu tiên và nguyên thường. Mà cái gì tham dự vào sự hỗn hợp với vật khác, không hành động cách đầu tiên và nguyên thường, nhưng nói đúng hơn, đó là chính cái hợp-vật hành động. Cái tay không hành động, nhưng người ta hành động với cái tay, lửa đốt nóng nhờ sự nóng của nó. Bởi đó, Thiên Chúa không thể là một phần của hợp vật.

Thứ ba, vì không một phần nào của hợp vật, có thể hiện hữu trước hết cách tuyệt đối, chính chất thể hoặc mô thể cũng không được, mặc dầu chúng nó là những phần trước tiên của các hợp vật. Vì chất thể là thuần tuý tiềm thể, và tiềm thể tính thì tuyệt đối có sau hiện thể tính, như đã thấy rõ rang qua những điều đã nói trước đây, đang khi mô thể với tính cách là một phần của hợp vật, chỉ là mô thể dự phần; và cái gì dự phần, có sau cái thuộc yếu tính; và chính cái bị dự phần cũng có sau cái thuộc yếu tính, chẳng hạn như lửa ở trong các vật bị đốt cháy, có sau cái gì là lửa theo bản tính; nhưng đã minh chứng Thiên Chúa là hữu thể đầu tiên cách tuyệt đối.

GIẢI ĐÁP

1. Bản tính của Thiên Chúa được gọi là sự hiện hữu của tất cả mọi vật với tính cách là nguyên nhân tác thành và là nguyên nhân mô phạm của mọi vật, chứ không phải với tính cách là yếu tính của mọi vật.

2. Ngôi Lời là mô thể mô phạm, chứ không phải là mô thể làm một thành phần của hợp vật.

3. Các vật đơn giản không phân biệt nhau bằng cách thêm vào các dị biệt, vì sự phân biệt nhờ các dị biệt là phân biệt giữa các hợp vật. Như thế người ta và ngựa phân biệt nhau nhờ các dị biệt của chúng nó: có trí năng và không có trí năng; các dị biệt này không phân biệt nhau nhờ các dị biệt khác nữa. Một cách đích xác, các sự dị biệt đó không phải là phân biệt với nhau, nhưng là tạp đa. Bởi đó, theo Triết gia, các vật được nói là tạp đa cách tuyệt đối, còn các vật dị biệt, thì phân biệt nhau bởi một cái gì đó (Métaph., 9,3). Cho nên chất thể đệ nhất và Thiên Chúa không phân biệt nhau, nhưng là tạp đa chính do sự hiện hữu tạp đa của Thiên Chúa và của chất thể đệ nhất.

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây