Suy Niệm Tin Mừng Lễ thánh Giuse 19/03 Lễ thánh Giuse Bài 101-126

Thứ tư - 19/03/2025 18:26
Suy Niệm Tin Mừng Lễ thánh Giuse 19/03 Lễ thánh Giuse Bài 101-126
Suy Niệm Tin Mừng Lễ thánh Giuse 19/03 Lễ thánh Giuse Bài 101-126
Suy Niệm Tin Mừng Lễ thánh Giuse 19/03 Lễ thánh Giuse Bài 101-126

----------------------------------
Mục Lục:

PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a. 1
19/03-101: Thánh Giuse, người chồng tốt, người cha hiền. 2
19/03-102: Niệm 46. Trở nên công chính nhờ biết thực thi Ý Chúa. 5
19/03-103: Âm thầm nhưng sáng ngời nhân đức. 9
19/03-104: Thánh Giuse, con người mạnh mẽ với trái tim yêu nồng nàn. 12
19/03-105: Thánh Giuse 19-3. 14
19/03-106: Thánh Giuse, người công chính sống bởi đức tin. 16
19/03-107: Tín thác, cậy trông, yêu mến như thánh Giuse. 21
19/03-108: Thánh Giuse: tận tâm với Chúa và là người Cha tận tụy với gia đình. 23
19/03-109: Trung Thành Với Thánh Ý Thiên Chúa. 26
19/03-110: Khủng hoảng gia đình. 27
19/03-111: Suy Niệm về Thánh Giuse. 29
19/03-112: Yên lặng, làm việc và vâng phục. 32
19/03-113: Người gia trưởng gương mẫu. 35
19/03-114: Ngày 19 Tháng 3: Thánh Giuse. 37
19/03-115: Thánh Giuse 19-3. 39
19/03-116: “Sau 3 ngày ông bà mới tìm thấy con trong Đền thờ…”. 40
19/03-117: Thánh Giuse đón nhận mầu nhiệm.. 41
19/03-118: Sự công chính của Thánh Giuse. 43
19/03-119: Tìm hiểu về lễ Thánh Giuse 19/3 “Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria”. 44
19/03-120: Thánh cả Giuse luôn làm theo ý Chúa. 51
19/03-121: Làm như sứ thần truyền. 52
19/03-122: Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng sợ.  (Mát-thêu 1:20) 53
19/03-123: Lễ Trọng Thánh Giuse. 55
19/03-124: Thánh Giuse – Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria. 58
19/03-125: CẦU THANG THÁNH GIUSE.. 60

---------------------------------

PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a


“Giu-se đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.
PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a

“Giu-se đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Gia-cóp sinh Giu-se là bạn của Ma-ri-a, mẹ của Chúa Giê-su gọi là Ðức Ki-tô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Ma-ri-a đính hôn với Giu-se, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giu-se bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giu-se con vua Ða-vít, đừng ngại nhận Ma-ri-a về nhà làm bạn mình, vì Ma-ri-a mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giê-su: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giu-se đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.

Ðó là lời Chúa.Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Gia-cóp sinh Giu-se là bạn của Ma-ri-a, mẹ của Chúa Giê-su gọi là Ðức Ki-tô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Ma-ri-a đính hôn với Giu-se, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giu-se bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giu-se con vua Ða-vít, đừng ngại nhận Ma-ri-a về nhà làm bạn mình, vì Ma-ri-a mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giê-su: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giu-se đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền. - Ðó là lời Chúa.

---------------------------------

-------------------------------
 

19/03-101: Thánh Giuse, người chồng tốt, người cha hiền


--Logos năm B
 

Người ta kể một câu chuyện kỳ lạ về sự trợ giúp của thánh Cả Giuse như sau: Tại một giáo xứ 19/03-101


Người ta kể một câu chuyện kỳ lạ về sự trợ giúp của thánh Cả Giuse như sau:

Tại một giáo xứ miền quê, vào một đêm kia, có ông già lạ mặt đến gõ cửa nhà xứ xin cha xứ đi xức dầu cho một bệnh nhân là một người đàn ông trong làng.

Được cụ già dẫn đi, vị Linh mục nhanh chóng đến nhà bệnh nhân. Khi đến nơi, mọi người trong nhà rất ngạc nhiên vì không có ai trong nhà đi mời vị linh mục đến xức dầu, vì mọi người đang bận rộn lo cho người bệnh đang hấp hối.

Không kịp tìm hiểu, vị linh mục ban những bí tích cuối cùng cho bệnh nhân. Thật may mắn, chỉ ít phút sau, người đàn ông ra đi bình an, kịp thời lãnh nhận các bí tích cuối cùng.

Khi xong xuôi mọi việc, vị linh mục đi tìm ông cụ già lạ mặt để hỏi cho ra lẽ. Thế nhưng, mọi người tìm kiếm khắp nơi cũng không thấy ông cụ già bí mật kia đâu. Ngay lúc ấy, vợ người chết chợt nghĩ ra một điều gì đó, thưa với vị Linh mục: “Thưa cha, con hiểu rồi! Chồng con có lòng yêu mến thánh Giuse cách đặc biệt, thường cầu khấn thánh Giuse trong những cơn nguy khốn. Con tin rằng: ông cụ già kia chính là thánh Giuse đến để giúp đỡ chồng con trong cơn nguy tử”.

Ngay lúc ấy, vị Linh mục giật mình và nhớ lại: ông cụ già kia có khuôn mặt rất giống thánh Giuse!

Câu chuyện trên là một lời minh chứng hùng hồn cho thấy: Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ hữu hiệu cho những ai chạy đến với Người. Tất cả những ai đến với thánh Giuse, đều được Người ra tay cứu vớt, phù hộ.

Để phác họa dung mạo và sứ mệnh của thánh Giuse trong đời sống Chúa Kitô và Giáo Hội, ngày 15/8/1989 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông huấn ”Đấng Gìn Giữ Chúa Cứu Thế” (Redemptoris Custos). Đức Giáo Hoàng muốn khẳng định rằng: thánh Giuse là ”Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế”, thì cũng gìn giữ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội và tất cả chúng ta.

Hôm nay, mừng lễ thánh Giuse, để tìm hiểu thế nào là “Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế và Giáo Hội”, chúng ta cùng chiêm ngưỡng hai khía cạnh nổi bật trong dung mạo của Người:

Thánh Giuse, người chồng tốt lành

Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại: sau khi đính hôn với Đức Maria, thánh Giuse khám phá thấy Đức Maria đã mang thai. Vì là người công chính, không muốn tố cáo Đức Maria, thánh Giuse định tâm lìa bỏ Maria cách kín đáo. Thế nhưng, sau khi được mộng báo về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thánh Giuse đã đón nhận Maria về nhà làm vợ mình.

Qua trình thuật Tin Mừng, chúng ta thấy được nét đẹp trong mối duyên phu phụ của thánh Giuse: chính Thiên Chúa đã kêu gọi thánh Giuse bước vào mối duyên tình yêu đó. Chính Thiên Chúa đã trao cho thánh Giuse sứ mệnh trở thành phu quân của Đức Trinh Nữ. Vì thế, vai trò làm chồng của thánh Giuse xuất phát từ Thiên Chúa.

Là một người chồng vừa thánh thiện vừa trinh khiết, thánh Giuse luôn đồng hành với Đức Trinh Nữ Maria trên đường đời, làm chứng cho sự đồng trinh của Đức Mẹ và trở thành người bảo vệ danh dự và phẩm hạnh cho Đức Mẹ.

Là một người chồng có tinh thần trách nhiệm, thánh Giuse luôn nâng đỡ, bảo vệ Đức Mẹ từ hang đá Bêlem cho đến cuộc chạy trốn sang Ai Cập và trở về Nagiarét. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thánh Giuse cũng luôn chứng tỏ là một người chồng gương mẫu. Thánh Giuse luôn trở thành mẫu gương sống động cho mọi người chồng qua muôn thế hệ.

Thánh Giuse, người cha nhân hiền

Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại biến cố Đức Mẹ và thánh Giuse lạc mất Chúa Giêsu tại Giêrusalem. Sau khi tìm lại được Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã kêu lên: ”Cha con và Mẹ đây đã đau khổ tìm con” (Lc 2, 41-51a). Đoạn Tin Mừng thật cảm động: qua lời xác nhận của Đức Mẹ, thánh Giuse chính là một người cha. Nhưng không phải người cha bình thường, mà là người cha giàu lòng phụ tử: đã bôn ba, vất vả bất kể ngày đêm, đi tìm kiếm người con đi lạc.

Một trong những nét nổi bật của thánh Giuse mà các sách Tin Mừng thuật lại là tình phụ tử cao vời của người. Dù chỉ là cha nuôi, thánh Giuse đã tận tình chăm sóc, bảo vệ Chúa Giêsu bằng tất cả khả năng và sức lực của một người cha. Với lòng dũng cảm và hy sinh, thánh Giuse đã dẫn dắt Chúa Giêsu và Mẹ Maria vượt qua biết bao thử thách gian nan. Chính trong những gian truân vất vả, vai trò làm cha của thánh Giuse mới được thể hiện một cách trọn vẹn nhất. Với đôi tay cần mẫn siêng năng, đôi tay đã từng chai sạn vì lao động vất vả trong xưởng mộc Nagiarét, thánh Giuse đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu và Mẹ Maria với tất cả tình yêu trong trái tim của người chồng tốt, người cha hiền. Thánh Giuse xứng đáng là người cha gương mẫu cho mọi thế hệ và thời đại.

Chúng ta có thể tìm thấy một hình ảnh đẹp đẽ nơi thánh Giuse với tư cách là người chồng tốt lành và người cha nhân hiền. Đó là thánh Giuse luôn có một đôi vai thật rộng, thật vững vàng. Đôi vai ấy gánh vác tất cả trách nhiệm đối với Thánh Gia Thất. Trên đôi vai ấy, một bên là “Con Thiên Chúa”, một bên là “Mẹ Thiên Chúa”, đã không làm cho thánh Giuse quỵ ngã trên đường đời. Trái lại, như người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, thánh Giuse đã chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa trao phó một cách tốt đẹp.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia trưởng luôn có một đôi vai cứng cáp như đôi vai của thánh Giuse, luôn can đảm và trung thành mang vác những gánh nặng của gia đình với tư cách là người chồng và người cha tốt lành.

Khi đứng trước một cơn bão đang đến gần, chim đại bàng thường có một thái độ rất đặc biệt: nó không chạy trốn đến một vùng trời thanh bình, yên ổn. Trái lại, theo bản năng, nó sẽ bay lên một đỉnh cao quen thuộc trên núi và chờ cho gió ào ào thổi đến.

Khi cơn bão đến, chim đại bàng giang rộng đôi cánh, buông mình vào gió bão. Nó xòe đôi cánh để cho gió nâng nó lên và đưa nó vượt lên trên cơn bão. Khi cơn bão hoành hành ở dưới, thì đại bàng bình yên ngay ở phía trên. Nó sử dụng năng lượng của cơn bão để bay thật cao, thật xa.

Thánh Giuse không chạy trốn trước những thử thách và gian truân, nhưng người đã buông mình vào tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa để vươn lên cao. Chúng ta hãy noi theo gương mẫu của thánh Giuse để luôn vươn lên từ những khó khăn và vất vả đời thường, trung thành đi theo Chúa trên cuộc hành trình đức tin của người kitô hữu hôm nay.

-------------------------------
 

19/03-102: Niệm 46. Trở nên công chính nhờ biết thực thi Ý Chúa


--Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

(2Sm 7,4-5. 12-14. 16; Rm 4,13. 16-18. 22; Mt 1,16. 18-21. 24)
 

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ thánh Giuse, ngài là Đấng 19/03-102


Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ thánh Giuse, ngài là Đấng Công Chính, là bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, là Cha Nuôi Đấng Cứu Thế.

Tuy nhiên, thánh Giuse được biết đến là một con người thinh lặng, âm thầm tuyệt đối, nhưng lại có một cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ cho công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa.

Chính vì điều đó mà thánh nhân được mệnh danh là người có một đời sống đức tin sâu xa, lòng trông cậy vững vàng và đức mến thiết tha.

Có được điều đó là vì thánh Giuse luôn tìm thánh ý Thiên Chúa thay cho ý riêng của mình. Ngài cũng sẵn sàng đón nhận mọi thử thách, đau thương để thánh ý Chúa được nên trọn.

1. Từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa

Thánh Giuse là con cháu Vua Đavít, ngài thuộc dòng dõi hoàng tộc. Khi xuất thân từ con dòng cháu giống như vậy, thân thế của thánh Giuse rất sáng giá. Từ đó, ta có thể suy tư và nhận biết rằng: thánh Giuse là một con người gương mẫu về việc trung thành với luật lệ của tiền nhân. Có lẽ ngài cũng giống như những người đạo đức của Dothái thời bấy giờ, đó là:

Luôn coi luật lệ Cựu Ước là khuôn vàng thước ngọc, là ánh sáng, là con đường để dẫn đưa mình tới hạnh phúc.

Tuy nhiên, thánh Giuse lại được Thiên Chúa ghé mắt nhìn và muốn sử dụng ngài trở thành người phục vụ cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là người chu toàn lề luật thuần túy. Vì thế, Thiên Chúa đã làm cho thánh Giuse từ một người công chính của thời Cựu Ước trong việc chu toàn lề luật cũ, trở thành người công chính của thời Tân Ước trong chương trình của Thiên Chúa.

Sự công chính mà Thiên Chúa muốn dành tặng cho thánh Giuse được khởi đi từ biến cố ngài được báo mộng để đón nhận Đức Maria về làm vợ của mình trong khi Mẹ Maria đang mang thai.

Khi đón Mẹ Maria về chung sống như vậy, thánh Giuse thực sự trở thành người bảo vệ Đức Maria khỏi dị nghị và cái chết, bởi vì việc Mẹ Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, vì thế, một người phụ nữ mang thai mà không có chồng, chắc chắn, chiếu theo luật, Mẹ sẽ bị ném đá. Việc đón nhận Đức Maria trong lúc nước sôi lửa bỏng như vậy đồng nghĩa với việc cứu sống Đức Maria cách nhãn tiền. Đây là một việc làm can đảm và mang tính quan trọng, quyết định.

Khi chấp nhận như vậy, thánh Giuse đã làm tan biến cái ”tôi” của mình để sống và phục vụ cho chương trình của Thiên Chúa.

Như vậy, nếu sự công chính thời Cựu Ước là chu toàn lề luật theo mặt chữ, thì công chính giờ đây, với thánh Giuse là: lắng nghe Lời Chúa, yêu mến, trung thành và thực thi trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa.

2. Vâng theo ý Chúa là chấp nhận một cuộc thử thách cam go!

Khi chấp nhận đi vào đường lối của Thiên Chúa, thánh Giuse đã bước đi trên con đường chẳng mấy ai đi, bởi vì nó không mấy êm ả!

Nhưng với ngài, không một lời than van, oán trách, ngược lại, ngài đi trên con ấy bằng một tình yêu vô vị lợi và với tinh thần trách nhiệm cao.

Bí quyết mà thánh Giuse có được, đó là: ngài luôn gieo vào từng suy nghĩ, hành động của mình bằng một thứ tình yêu độ lượng, bao dung, từ đó, mọi chuyện dù có vất vả, khó khăn…, cũng không thể làm chùn ý chí của ngài.

Điều này được chứng minh ngay sau một thời gian khi đón nhận Mẹ Maria về làm vợ, thánh Giuse đã phải lặn lội đưa Mẹ Maria trở về quê quán để khai tên tuổi. Biến cố này đối với thánh Giuse là một sự kiện rất đáng ghi dấu, bởi vì chuyến đi này đầy ắp tình yêu của ngài với Mẹ Maria, nhưng lại là chuyến đi xa của đôi vợ chồng nghèo!

Chính vì điều này, mà khi đến nơi, không tiền, không bạc, nên không thuê được nhà trọ, vì thế, xót xa lắm khi phải đưa người vợ đầy yêu thương đang bụng mang dạ chửa sắp sinh con tiến ra cánh đồng, nơi dành cho bò lừa để tá túc qua đêm.

Rồi không gì khổ tâm cho bằng chứng kiến cảnh Con Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng nên đất trời, mà lại phải sinh trong máng cỏ của bò lừa, tanh hôi và lạnh giá!

Sự khó khăn không chỉ dừng lại ở đấy, nhưng chỉ mới được có vài ngày sau khi sinh, Gia Đình Thánh đã phải trốn chạy cảnh bạo chúa Hêrôđê ra tay tương tàn sát hại những con trẻ ở Belem.

Không phải chạy gần, mà chạy tới Aicập ngay trong đêm. Hơn nữa, sau khi nghe tin vua Hêrôđê băng hà, Giuse lại quyết định đưa vợ và con của mình hồi hương.

Rồi trong suốt thời gian Đức Giêsu sống ẩn dật, Kinh Thánh chỉ nhắc tới thánh Giuse có một lần. Tuy nhiên, lần nhắc đến này lại là lần ngài và Mẹ Maria tất tưởi đi tìm Đức Giêsu vì bị lạc mất Ngài.

Lược qua những biến cố trong cuộc đời của thánh Giuse như vậy, để cho chúng ta hiểu rằng: chấp nhận đi theo đường lối của Thiên Chúa, ấy là chúng ta chấp nhận lội ngược dòng của cuộc đời. Tuy nhiên, như thánh Giuse, ngài đã không hề than trách, không hề ngại khó ngại khổ, mà ngược lại, thánh Giuse đã làm cho tình yêu của ngài với Thiên Chúa qua Mẹ Maria và Đức Giêsu ngày càng lớn mạnh.

Còn chúng ta thì sao?

3. Sứ điệp Lời Chúa

Trong cuộc sống của con người hiện nay, có lẽ khi nói đến sự công chính của thánh Giuse và mời gọi noi gương ngài để sống sự công chính ấy trong cuộc sống, chắc có nhiều người cho là hão huyền! Bởi vì ngày nay, người ta nhìn mọi biến cố dưới nhãn quan khoa học, ít quan tâm đến hiện tượng lạ xảy ra trong cuộc đời. Bên cạnh đó, chủ nghĩa thực dụng, vô thần và những trào lưu tục hóa đang ngày càng xâm lấn tư tưởng của con người, đã làm cho con người rơi vào tình trạng luôn tìm cách giải nghi huyền nhiệm theo hướng thực dụng!

Người Kitô hữu cũng không ngoại lệ bởi những diễn biến trên!

Chính vì vậy, nên người ta ít nhạy bén trước lời mời gọi của Thiên Chúa qua các dấu chỉ. Việc từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa là điều mà nhiều người không muốn nghĩ tới. Hơn nữa, quan niệm hưởng thụ lại là tiêu chí chủ đạo trong cuộc sống hôm nay, vì thế, khi nói đến hy sinh, chịu khổ vì người khác là điều mà nhiều người không thích!

Sứ điệp ngày lễ thánh Giuse hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm để từ bỏ ý riêng, nhằm phục vụ cho thánh ý và chương trình của Thiên Chúa. Chỉ khi ý riêng của chúng ta được hòa vào thánh ý Thiên Chúa, thì cuộc đời chúng ta mới thực sự được tự do hoàn toàn và đời sống mới có giá trị đích thực.

Luôn loại bỏ tư tưởng rằng: tin và theo Chúa là tránh được những đau khổ, vất vả…. Không phải vậy! Nhưng cần điều chỉnh lại suy nghĩ và hướng tới tinh thần như thánh Giuse, đó là: chấp nhận tin và theo Chúa là sẵn sàng đi vào con đường hy sinh, đau khổ, từ bỏ. Hơn nữa, điều quan trọng nhất, đó là biết đón nhận đau khổ, hy sinh, từ bỏ với tình yêu vô vị lợi và luôn hướng tới người khác. Chỉ có như vậy, chúng ta mới biến đau khổ thành phương thế để được cứu chuộc mình và tha nhân.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải có một đức tin sống động, đức mến nồng nàn và niềm phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Có thế, chúng ta mới hy vọng có đủ độ nhạy bén như thánh Giuse để biết được đâu là thánh ý Thiên Chúa và đâu là ý loài người.

Nguyện xin thánh Giuse luôn bầu cử cho mỗi chúng ta có được trái tim yêu thương, xả thân hết mình vì Chúa và tha nhân như ngài. Xin thánh Giuse nâng đỡ đời sống đức tin, lòng mến và niềm cậy trông nơi chúng ta. Ước gì nhờ lời chuyển cầu của ngài, chúng ta can đảm và an vui dấn bước theo Chúa để được cứu độ. Amen.

-------------------------------
 

19/03-103: Âm thầm nhưng sáng ngời nhân đức


-- Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

(2 Sm 7, 4-5a. 12-14. 16; Rm 4, 13. 16-18. 22; Mt 1, 16. 18-21. 24a)
 

Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ thánh Giuse, bạn trăm năm 19/03-103


Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ thánh Giuse, bạn trăm năm Mẹ Maria và là Cha Nuôi Đức Giêsu. Riêng tại Việt Nam, chúng ta mừng lễ cách đặc biệt hơn, bởi vì ngài còn là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cuộc đời và gương sáng của thánh Giuse, để qua đó, mỗi người biết noi gương bắt chước thánh nhân để sống xứng đáng là người con của Chúa.

1. Âm thầm để thi hành ý Chúa

Nếu mới chỉ nghe đọc qua bậc lễ trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội, chúng ta thấy lễ của ngài được nâng lên bậc I. Vì thế, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự cao trọng của thánh nhân trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều làm cho nhiều người không khỏi ngạc nhiên, đó là sự âm thầm nơi một con người vĩ đại này!

Đọc Kinh Thánh, chúng ta nhận ra đời sống của thánh nhân rất đỗi âm thầm. Âm thầm đến độ trong toàn bộ Kinh Thánh, không có một chỗ nào kể việc phát ngôn của thánh Giuse!

Nhưng nơi thánh Giuse, chúng ta khám phá ra ngài là một con người của hành động trong khiêm tốn và âm thầm.

Thật vậy, ngài âm thầm đón nhận lời sứ thần truyền tin trong mộng. Âm thầm thi hành cách triệt để. Làm gia trưởng một gia đình nghèo khó. Nghề nghiệp chẳng có gì nổi nang. Xuất hiện trên trần gian chẳng ai nói tới. Ngày ngài chết cũng chẳng được sử sách lưu truyền!

Tuy mang trong mình dòng máu hoàng tộc Đavít, nhưng thời đại huy hoàng của đế vương không còn. Phải chăng, giờ đây, người ta chỉ còn biết đến giòng dõi chứ ít còn ai nghĩ đến vẻ uy nghi của thời hoàng kim… Vì thế, Giuse bây giờ hoàn toàn là người bình dân với cái nghề rất đỗi bình thường để kiếm miếng cơm manh áo cho mình và gia đình của ngài.

Như đã chia sẻ, tuy toàn bộ Tin Mừng, chúng ta không thấy thánh Giuse có một lời nói nào để lại cho hậu thế, nhưng cả cuộc đời, không một lúc nào, ngài rời xa gia đình cũng như vơi cạn tình yêu thương với Mẹ Maria và Đức Giêsu. Bí quyết của thánh Giuse trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình chính là niềm tin và lòng mến của ngài đặt để nơi Thiên Chúa thật tuyệt đối sắt son. Điều này đã làm cho ngài trở nên phi thường ngay trong thân phận bình thường là một bác thợ mộc làng quê Nazareth.

2. Tầm thường trở nên phi thường nhờ lòng mến

Quả thật, đức tin của thánh Giuse phải liệt vào hạng sáng ngời: theo lẽ thường, ít ai có thể tin nổi một chuyện lớn lao liên quan đến cả cuộc đời của bản thân và gia đình mà lại diễn ra trong một giấc mơ? Ấy vậy mà Giuse, ngài đã tin! Chính vì niềm tin tuyệt đối này mà thánh nhân đã trở nên vĩ đại khi sẵn sàng để cho Thánh ý Thiên Chúa được thể hiện nơi mình.

Biến cố đón nhận Đức Maria về nhà của ngài và sự kiện chạy trốn sang Aicập cũng như từ Aicập trở về cho ta thấy rõ đặc tính tuyệt vời này của thánh Giuse.

Đức tính thứ hai cũng rất cao thượng, đó là: đức ái tuyệt hảo nơi ngài. Khi nghe biết Mẹ Maria mang thai, thánh Giuse rất trăn trở và áy náy??? Không biết thai nhi mà người vợ mình hết mực yêu thương, tin tưởng này là của ai, vì cả hai người chưa về chung sống với nhau???. Như vậy, xét theo con mắt người đời, Đức Maria đã ngoại tình. Chiếu theo luật Môsê, khi người phụ nữ bị phạm tội ngoại tình và bị tố cáo, người phụ nữ ấy chắc chắn bị ném đá cho tới chết. Nhưng thánh Giuse đã không nỡ để cho một phụ nữ liễu yếu đào tơ bị chết cách đau đớn, thê thảm. Vì thế, ngài đã lựa chọn giải pháp êm xuôi để cho Đức Mẹ được có cơ hội sống. Phương án mà thánh nhân dự định, đó là sẽ bỏ đi cách âm thầm, không oán trách, không than van… Tuy nhiên, ý định của thánh Giuse đã được Thiên Chúa can thiệp khi mạc khải cho biết việc Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, và ngài sẽ được chọn để trở thành cha nuôi Con Thiên Chúa về mặt pháp lý nhằm phục vụ chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa trên nhân loại. Chính khi nghe được lời trấn an cũng như kế hoạch của Thiên Chúa, thánh Giuse đã sẵn sàng thể hiện đức ái trọn hảo với Đức Maria qua việc sẵn sàng đón nhận ngài về để chăm sóc.

Sau này, khi Mẹ Maria sinh hạ Đức Giêsu, rồi suốt thời gian làm gia trưởng của gia đình, thánh Giuse đã âm thầm và rất lo lắng, quan tâm đến Mẹ Maria và trẻ nhỏ Giêsu trong lòng mến.

Đây chính là điểm sáng thứ hai xây dựng nên nhân cách tuyệt vời của thánh Giuse.

Như vậy, thánh Giuse là một con người bình thường, âm thầm, kín đáo, khiêm nhường, nhưng nơi ngài đã toát lên những đức tính anh hùng sáng ngời, xứng đáng để cho mọi người noi theo, đó là đức tin son sắt và đức mến nồng nàn.

3. Bài học cho mỗi chúng ta

Mỗi khi mừng lễ thánh Giuse, chúng ta hãy ngước nhìn lên ngài và khám phá ra những nhân đức quý giá nơi thánh nhân, để như một bài học sống động cho đời sống đạo của chúng ta.

Bài học đầu tiên chúng ta cần có, đó là: đừng bao giờ thất vọng vì mình sinh ra, lớn lên hay lãnh đạo một gia đình nghèo nàn khốn khó. Cũng đừng bao giờ bi quan vì nghề nghiệp của mình chẳng bằng ai. Lẽ tất nhiên là ta phải cố gắng nhằm có cơ hội tốt hơn đẻ lo cho gia đình và cuộc sống hôm nay. Nhưng điều muốn nói ở đây, đó là hãy đón nhận những gì mình đang có như một hồng ân của Chúa, để từ đó biết dâng lời cảm tạ và tri ân ngài. Bên cạnh đó, hãy làm những công việc bình thường một cách phi thường bằng lòng mến. Mặt khác, đừng bao giờ có thái độ kỳ thị hay khinh bỉ những người bình dân, nghèo khó. Có thể về mặt kinh tế, người ta không bằng ai, nhưng về đời sống đạo đức, họ lại là con người tốt lành thánh thiện hơn nhiều người.

Bài học thứ hai, đó là tấm gương cho các gia trưởng trong gia đình: thánh Giuse dù nghèo khó, vất vả làm việc để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, ngài không than van kêu trách, lớn tiếng nạt nộ… Ngược lại, ngài rất ân thầm và chu toàn bổn phận của một người cha, người chồng trong gia đình. Sẵn sàng đón nhận cuộc sống hiện tại và tìm cách làm cho tốt hơn một cách trong sáng, lành mạnh.

Vì thế, mỗi người chúng ta là những người cha, người chồng trong gia đình, những lúc khó khăn hay không được như ý muốn, chúng ta hãy noi gương thánh Giuse, đó là âm thầm dâng cho Chúa và thi hành đúng bổn phận của mình cách chu đáo. Luôn nhận phần khó khăn về mình, và làm mọi việc vì lòng mến.

Bài học cuối cùng, chính là bài học về sự tin tưởng, phó thác tuyệt đới nơi Thiên Chúa: nếu cuộc đời của thánh Giuse đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, và mau mắn thi hành những gì đã tin, thì đến lượt chúng ta, hãy nhạy bén với ơn Chúa và các dấu chỉ thời đại, nhằm khám phá và tìm ra thánh ý Thiên Chúa để thi hành trong đức ái cũng như lòng mến theo gương thánh Giuse.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một mẫu gương âm thầm là thánh Giuse. Ngài là mẫu gương tuyệt vời cho các bậc gia trưởng trong gia đình cũng như cho mỗi người chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương bắt chước công đức của ngài và thi hành, để mai ngày chúng con được hạnh phúc chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa muôn đời trên Thiên Quốc. Amen.

-------------------------------
 

19/03-104: Thánh Giuse, con người mạnh mẽ với trái tim yêu nồng nàn


--Lm. Giuse Lê Danh Tường
 

Nghệ thuật hội họa và điêu khắc hay phác họa thánh Giuse với hình hài già nua, râu dài, tóc ngả 19/03-104


Nghệ thuật hội họa và điêu khắc hay phác họa thánh Giuse với hình hài già nua, râu dài, tóc ngả màu. Đặc biệt các tác phẩm vào những thế kỷ XV – XIX, các hoạ sỹ thường vẽ lên chân dung thánh nhân là một ông già. Nhưng sau này, hình ảnh thánh nhân dần dần trẻ hơn.

Để giải quyết vấn đề đồng trinh sạch sẽ của Đức Maria mà người ta đã vẽ nên một Giuse già nua bên cạnh một Maria trẻ trung xinh đẹp. Nhưng càng chiêm ngắm Thánh Giuse, người ta càng nhận ra nơi ngài một khuôn mặt trẻ trung đầy nghị lực, một tâm hồn yêu thương mạnh mẽ.

Khoa tâm lý chiều sâu cho thấy: người  mạnh là người có khả năng cảm thấy bình tĩnh trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Bình thản trước mọi thay đổi đột ngột. Lúc nào cũng tỉnh táo và điềm tĩnh đưa ra những lựa chọn tốt nhất.

Thánh Giuse là người đã giữ thinh lặng trong mọi biến cố của cuộc đời mà Kinh Thánh đã nhắc tới: Nhận thấy Maria có thai mà không phải của mình, ngày Maria sinh con mà phải trú ngụ nơi hang đá, trẻ Giêsu mới chào đời mà phải chạy chốn sang Ai cập,… Để giữ được thái độ ấy, thánh nhân phải là người mạnh mẽ phi thường. Đứng trước những nghịch cảnh như vậy mà Ngài vẫn bình thản được. Lạy thánh Giuse, chúng con thật cảm phục Ngài.

Sự giằng co giữa thánh ý Thiên Chúa và ý muốn của con người thật dữ dội. Khi đối chọi với sự lựa chọn ấy ta mới thấy khủng khiếp là dường nào. Quả thực, ơn gọi là một cuộc hành trình đi trong đêm tối của đức tin. Bỏ ý con người và chấp nhận thánh ý Thiên Chúa là bước vào con đường phiêu lưu cùng đức tin.

Thánh Giuse đã phải đối chọi với sự lựa chọn ấy và Ngài đã chọn thánh ý Thiên Chúa. Những lần Kinh thánh nhắc đến sự lựa chọn của Ngài thường là: trong giấc mộng. Ngài đã bước đi trong tối tăm mịt mù, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ khi chấp nhận đi theo con đường của Thiên Chúa trong biến cố truyền tin. Biến cố trong đền thờ không là “trong giấc mộng” nhưng lại vượt cả sức tưởng tượng giữa cái Ngài thấy nơi Giêsu tại đền thờ và khung cảnh sống điền viên nơi làng quê Nazaret.

Tình yêu thực thụ, tình yêu tinh tuyền và trong sáng luôn sẵn sàng cho đi, sẵn sàng hy sinh tất cả vì người mình yêu. Tình yêu ấy chỉ mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc, được triển nở, được tươi trẻ mỗi ngày một hơn và được tự do đi trên con đường của người mình yêu. Nó khác hẳn với một tình yêu ích kỷ chỉ mong chiếm đoạt cho mình, bắt người yêu thoả mãn những đòi hỏi của mình, lôi người yêu vào trong cuộc đời của mình, biến người yêu thành một phần của mình, nô lệ mình. Đức Giêsu đã sống tình yêu đích thực ấy, không phải với một người nhưng là với mỗi người và mọi người. Vì yêu mà Thiên Chúa đã để cho con người được tự do.

Đừng quên, Giuse đã đính hôn với Maria trước khi có biến cố truyền tin. Chắc chắn Giuse đã yêu Maria nhiều lắm. Những cách hành xử của Giuse cho ta thấy Giuse đã yêu Maria với tình yêu thực thụ, một tình yêu chỉ muốn tốt cho người mình yêu, chỉ muốn phục vụ, chỉ muốn người mình yêu được triển nở hạnh phúc. Giuse đã sẵn sàng hy sinh tất cả cho người mình yêu là Maria. Bởi thế mà dù ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà, Ngài vẫn là một Giuse công chính và Maria trọn đời đồng trinh. Để có được như vậy, Giuse phải là một con người có một tình yêu nồng nàn và một tâm lý vững vàng mãnh liệt lắm.

Dẫu sao Giuse cũng là người phàm. Chính yếu tố thứ ba đã giúp Giuse kiên trung với một tình yêu trong sáng đến trọn đời. Thủa ban đầu, Adam và Eva đã chung sống hạnh phúc trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong giây phút mà Adam và Eva phạm tội, ta không thấy sự hiện diện của Chúa, nhưng sự hiện diện của ma quỷ thì thật rõ nét. Giuse và Maria đã cùng chung bước trong sự hiện diện của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và ở giữa hai người. Ta không thấy bóng dáng của ma quỷ can thiệp được vào cuộc đời của Giuse, nhưng sự chỉ dẫn của Chúa với ông rất rõ nét. Tâm hồn Giuse luôn hướng về Chúa và để Chúa hướng dẫn nên ông đã đi đến suối nguồn Tình Yêu.

Quả thật, Giuse không thể là một ông già yếu đuối hay một bác thợ mộc tầm thường. Nhưng bên cạnh Maria và Hài Nhi Giêsu, Giuse là một con người trẻ trung, mạnh mẽ và ngập tràn tình yêu trong sáng. Thánh nhân luôn an nhiên đón nhận thánh ý Chúa và vững vàng tiến bước trước mọi cảnh ngộ của cuộc sống.

Lạy Thánh cả Giuse, xin chỉ dạy con, giúp con tôi luyện con người mình để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống con luôn vững vàng. Xin hướng lòng con luôn hướng về thánh ý Chúa để con được trung tín đến cùng trong ơn gọi đời con.

-------------------------------
 

19/03-105: Thánh Giuse 19-3


—Lm. Phêrô Mai Quốc Anh sss
 

Hàng năm, Giáo hội dành riêng tháng ba để kính nhớ thánh cả Giuse và mừng kính ngài cách đặc 19/03-105


Hàng năm, Giáo hội dành riêng tháng ba để kính nhớ thánh cả Giuse và mừng kính ngài cách đặc biệt vào ngày 19/3 hằng năm. Khi suy niệm về các nhân đức của thánh cả Giuse, chúng ta học được nhiều điều nơi ngài, mặc dù trong cả bốn Tin mừng, chẳng thấy chỗ nào có tiếng nói của Ngài, một câu nói cũng không thấy. Thánh nhân không nói, nhưng lại nói rất nhiều. Trong thinh lặng, trong khiêm nhường, Ngài đã để lại cho chúng ta cả một kho nhân đức. Và, kho nhân đức ấy không những chẳng bao giờ lỗi thời, mà còn trở nên bài học quý giá cho chúng ta, cách riêng cho các gia trưởng: là những người đang là chồng, là cha, là ông.

Hôm nay, tôi không đề cập hết các nhân đức của thánh Giuse, mà chỉ xin chia sẻ chút tâm tình về chân dung của ngài: chân dung về một thánh Giuse thinh lặng, một sự thinh lặng nội tâm, đầy tín thác trước huyền nhiệm lớn lao của Thiên Chúa; được thể hiện rõ nét qua đoạn tin mừng cộng đoàn chúng ta vừa nghe.

Vào dịp giáng sinh, trên những tấm thiệp, chúng ta thường thấy vẽ cảnh thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu trên lưng lừa đi trốn kẽ thù. Bầu trời đen thẫm, có vài tia chớp loé lên ở cuối chân trời, vừa đủ sáng để soi đường. Hơn nữa, đọc tin mừng những chỗ có đề cập đến thánh Giuse, chúng ta cũng nhận ra một điều là: những điều xẩy ra trong cuộc đời của ngài đều diễn ra vào ban đêm: Sứ thần 3 lần hiện ra với ngài vào ban đêm; Đưa Mẹ con hài nhi lẩn trốn Hêrôđê cũng vào ban đêm; đưa Đức Maria tìm chỗ sinh con, cũng vào ban đêm. Có thể nói suốt cuộc đời thánh Giuse là đêm tối. Nhưng đây là đêm tối của những người được Chúa tuyển chọn và yêu thương. Mà ta gọi là đêm tối đức tin.

Cuộc sống trong gia đình quê Nadarét, đối với thánh Giuse là cả một huyền nhiệm. Huyền nhiệm bởi chính Ngài cũng không hiểu mình là ai trong huyền nhiệm lớn lao đó, thế mà ngài vẫn dấn bước, vẫn chấp nhận, chấp nhận vai trò làm ‘cha’ để cho huyền nhiệm đó được tiếp diễn trong thế gian này. Có nhiều người ví ngài như là người đồng hành với chiếc kiệu, mà không biết người trong kiệu là ai, thường dân hay thánh nhân. Không biết nhưng vẫn đồng hành hết cuộc đời. Điều này chúng ta thấy rõ nơi thánh cả Giuse: suốt cuộc đời âm thầm, thinh lặng, đồng hành, che chở cho Đức Maria và CGS. Âm thầm, thinh lặng đến độ mà khi Chúa Giêsu cuộc đời công khai, thì Thánh Giuse hầu như hoàn toàn không còn được nhắc đến, thậm chí, ngài chết bao giờ, chết như thế nào, chết ở đâu thì cũng chẳng ai biết, và cũng chẳng được đề cập đến trong TM.

Trong khi Đức Maria đối diện với huyền nhiệm của Thiên Chúa, Mẹ đã ‘hằng ghi nhớ mọi điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2,19), thì bên cạnh đó, Thánh Giuse, một người bạn đời trung tín, bước đi trong sự thinh lặng, âm thầm. Ngài thinh lặng trong cái thinh lặng của TC. Và chính TC dường như cũng không buồn ngỏ lời với ngài, ngoại trừ vài lần trong lúc mơ ngủ. Tất cả diễn ra trong mơ hồ, khó hiểu và đêm tối. Đến nỗi có lần thánh nhân gần như bị quật ngã bởi không tìm thấy lối đi cho mình. Phải đối diện với những nghi ngờ, và cuối cùng đã phải ‘định tâm lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo’.

Thánh Giuse chỉ đóng vai phụ trong màn kịch lớn, chỉ là cái bóng trong đêm tối. Thế nhưng, Thiên Chúa cần đến vai phụ đó, cần đến cái bóng đó cho chương trình cứu độ của Ngài. “Này Giuse, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. “

Nơi thánh Giuse, tôi muốn giới thiệu cho cộng đoàn, cách riêng cho quý ông gia trưởng bài học về sự thinh lặng, một sự thinh lặng nội tâm, phó thác và sẵn sàng nhận ra “sự hướng dẫn âm thầm của Thiên Chúa”.

Sở dĩ chúng ta học nơi thánh Giuse sự thinh lặng vì lẽ sự ồn ào ngày nay đã lan nhiễm khắp nơi. Sự ồn ào không chỉ ở bên ngoài xã hội, mà đã len lỏi vào trong đời sống gia đình, khiến tâm hồn con người ta không ngừng khắc khoải và bất an. Chính những lúc đối diện với một thế giới quá ồn ào đó, thì hình ảnh của thánh Giuse lại rất cần thiết cho mỗi người chúng ta, ngài như chiếc neo kìm giữ con thuyền gia đình chúng ta, không bị mất hướng, không bị cuốn trôi và tan theo những con sóng vô hình và vô tình. Hơn nữa, để chống lại sự lây nhiễm của một thế giới quá ồn ào, đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã chỉ cho chúng ta ‘liều thuốc bổ’ mang tên Giuse, khi Ngài nói: ‘Chúng ta hãy để mình bị tiêm nhiễm bởi sự thinh lặng của thánh Giuse. Chúng ta rất cần sự thinh lặng ấy, vì trong thế giới nhiều lúc quá ồn ào, khiến chúng ta khó suy gẫm và lắng nghe tiếng Chúa… chúng ta cần nuôi dưỡng sự suy gẫm nội tâm, để có thế tiếp nhận và canh giữ CGS trong cuộc sống chúng ta’.

Thánh Giu-se đã chiến đấu với bản thân mình, với bóng đêm để làm loé lên trong đời mình ánh sáng hi vọng. Làm được như thế là vì Ngài mang trong mình ngọn lửa của tình mến, ngọn lửa tín thác và cậy trông. Đêm đen cuộc đời tuy dài, nhưng xa xăm vẫn còn ánh sáng soi đường. Dẫu rằng lắm khi rất mờ mờ ảo ảo, thánh nhân vẫn yêu mến, vẫn gắn bó và vẫn tiến bước với Chúa và trong Chúa.

Trong đêm tối của sự thinh lặng, thánh Giuse đốt lên trong tâm hồn mình ngọn đèn thao thức và tín thác, khiến sự thinh lặng đêm tối, biến thành niềm hi vọng sáng ngời. Niềm hi vọng ấy như dây đàn, rất bén nhạy, mỏng mảnh để sẵn sàng rung lên tiếng ngân trước lời mời gọi như gió thoảng của Thiên Chúa. “Này Giuse, đừng ngại đón Maria về; Này Giuse hãy trỗi dậy, đưa Mẹ con Hài Nhi trốn sang Ai cập, Ngày Giuse, hãy đưa Mẹ con hài nhi trở về…. . Niềm hy vọng và sự tín thác đó tạo nên sức mạnh giúp thánh Giuse lèo lái gia đình Nadarét vượt qua những khó khăn, nguy hiểm.

Quý gia trưởng kính mến!!! Nhìn vào thánh Giuse, chúng ta tin tưởng vào lời Chúa, học tinh thần phó thác cho Chúa, để Chúa dẫn ta qua đêm tối. Để rồi cuối đoạn đường chúng ta có thể hát vang lên rằng: Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

-------------------------------
 

19/03-106: Thánh Giuse, người công chính sống bởi đức tin


--Lm Giuse Đinh Quang Thịnh
 

Chỉ riêng Tin Mừng Matthêu dùng từ “công chính” gắn liền với tên của hai vị: ông Giuse (x Mt 1,19) 19/03-106


Chỉ riêng Tin Mừng Matthêu dùng từ “công chính” gắn liền với tên của hai vị: ông Giuse (x Mt 1,19) và ông Abel (x Mt 23,35), là người đầu tiên trong nhân loại giết chiên làm lễ vật dâng lên Chúa, được Ngài chấp nhận, vì Ngài không nhận của lễ rau quả do ông Cain dâng  (x St 4).Như thế ông Giuse được đồng hóa với ông Abel, mà ông Abel là tiền trưng Đức Giêsu. Thế thì ông Giuse công chính cũng là tiền trưng Con Thiên Chúa cứu độ loài người. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể được Chúa Cha ra lệnh đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu (x Mt 1,21: Tin Mừng), để trong thân phận làm người, Đức Giêsu diễn tả ba chức năng:Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Bởi đó đời sống của ông Giuse cũng đã diễn tả trước ba chức năng này .

I- ÔNG GIUSE THI HÀNH CHỨC TƯ TẾ

Của lễ ông Giuse dâng lên Chúa chính là Maria, người ông rất yêu dấu mà ông đã đính hôn (x Mt 1,16: Tin Mừng), khác nào ông Abel sát tế con chiên quý nhất trong ràn để dâng lên Thiên Chúa (x St 4,4).

Thực vậy, ngôn sứ Nathan gọi người vợ là “con chiên” của người nghèo, mà ông quan giàu có lại bắt làm thịt đãi khách chứ không bắt chiên của mình. Vua Đavid nghe ngôn sứ Nathan báo tin này, vua nổi nóng ra lệnh trừng phạt đích đáng tên quan gian ác ấy. Lúc đó, ngôn sứ Nathan mới chỉ vào vua mà nói: “Tên quan đó chính là Ngài”, vua tái mặt và giật bắn người lên vì chuyện vua cướp vợ của tướng Uria đã bị lộ, từ đó ông thật lòng ăn năn sám hối (x 2Sm 12).

Thế thì ông Abel dâng con chiên quý nhất của mình lên Thiên Chúa đã bị người anh là ông Cain đập chết! Sự cố này đã trở nên hai dấu chỉ:

1- Báo trước ông Giuse dâng người yêu là Maria để tùy Thiên Chúa dùng thực hiện chương trình riêng của Ngài. Đó là lý do Hội Thánh đặt lễ Kính Thánh Giuse đính hôn với Đức Maria trước sáu ngày lễ Truyền Tin cho Maria (ngày 25-3). Ngày Truyền Tin đối với thánh Giuse là ngày rất đau đớn, vì xem ra Chúa đoạt vợ ông, để Maria cộng tác với Con Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ loài người vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh , khởi sự từ Chúa Nhật Lễ Lá; còn ông Giuse thì Chúa đổi sứ mệnh: thay vì sống đời vợ chồng như con cái đời này, thì Chúa muốn ông nêu giá trị con cái thời cánh chung: “Có vợ mà kể như không có” (x 1Cr 7,29; Lc 20,34-38).

2- Báo trước Hy Lễ của Đức Giêsu mà thánh Gioan đã giới thiệu cho mọi người được biết Người là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng khử trừ tội trần gian (x Ga 1,29). Thực vậy, khi Đức Giêsu bị lên án tử vào lúc 12 giờ trưa (Do Thái là giờ thứ 6), thì chính giờ đó ở đền thờ Giêrusalem người ta giết chiên tế lễ cho Thiên Chúa (x Ga 19,14-16). Vì Đức Giêsu mới thực là Của Lễ được Chúa Cha ưng nhận, để từ đó lễ dâng con chiên cho Thiên Chúa của người Do Thái theo Luật Môsê đã đến ngày cáo chung.

Vậy ta tôn kính thánh Giuse thì cũng phải bắt chước ngài dâng lên Chúa những gì quý giá nhất trong đời của ta: Tình yêu, tiền của, thời giờ, tất cả phải dùng trong ý thức làm nên một của lễ nhờ, với, trong Chúa Giêsu. Sống như thế mà gặp đau khổ ta mới giống Chúa Giêsu, vì Người mời gọi chúng ta cộng tác với Người theo mẫu gương ông Phaolô “chịu đau khổ vì Tin Mừng để bù vào những gì còn thiếu trong các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì thân mình Ngài là Hội Thánh” (x Cl 1,24).

Theo tin Đài Chân Lý Á Châu loan đi khắp thế giới ngày 07-03-2012: Mẹ Dolores là một trong số các ngôi sao Holywood, tiến bước trên thảm đỏ trong buổi lễ trao giải thưởng Oscar vào ngày 26-02-2012. Vì mẹ đã đóng cuốn phim tài liệu “Chính Chúa là một Elvis lớn lao hơn” (God is bigger Elvis). Năm nay mẹ Dolores đã 73 tuổi, tu Dòng Kính Đan Viện Biển Đức Regina Laudis ở Bethlehem thuộc tiểu bang Connecticut, nước Mỹ.

Vào năm 1957, minh tinh Dolores ở tuổi 21,đã đóng nhiều phim nổi tiếng với vua nhạc rock Elvis Presley, đang ở đỉnh cao danh vọng, vì Dolores là một ngôi sao tài sắc vẹn toàn, cô đã được mời ký hợp đồng đóng phim lên tới triệu dollars. Thế mà Dolores bỏ lại những hợp đồng bạc triệu, và từ bỏ hôn ước với một kiến trúc sư giàu có, trẻ tuổi, tên là Donald John Robinson đã hết lòng yêu Dolores. Ông Donald là một trong những người thắc mắc nhất trong số những người ái mộ ngôi sao Dolores, đã theo dõi sự kiện mẹ Dolores bỏ danh vọng đi tu. Trong độ tuổi thanh xuân phơi phơi một cách dễ dàng không vương vấn, không dấu hiệu báo trước! Ngay cả vị hôn phu của cô là ông Donald cũng không thể lý giải tại sao đã năm năm Donald và Dolores hẹn hò với nhau. Ngay sau khi họ vừa làm lễ Đính hôn, cô lại tỏ ý muốn đi tu! Ông Donald đã không thể tin ở tai của mình, vì thấy Dolores vẫn tiếp tục đi đóng phim bình thường. Ông không hề ngờ rằng ơn kêu gọi dành cho Dolores đã bắt đầu từ trước khi cô quen biết ông ở tuổi 21, và sự nghiệp điện ảnh đang ở vào thời kỳ rực rỡ nhất! Một người bạn của Dolores kể lại là nghe Dolores than thở rằng đóng phim căng thẳng quá, rồi chỉ sau vài tuần lễ thì lại đường ai nấy đi. Cô phải chia tay với người bạn mới quen mà cô yêu quý. Điều này để lại nhiều trống rỗng trong lòng cô gái trẻ đẹp, đơn sơ, dễ mến. Cô đi đến nhà Dòng Biển Đức để tĩnh tâm và học hỏi lối sống và làm việc của các nữ tu, là những người cô cho là rất ổn định và đáng khâm phục. Hai năm sau Dolores đủ điều kiện nhập Dòng vào năm 1960, và đến năm 1970 thì được Khấn trọn đời, làm cho nhiều kẻ xấu miệng loan báo cô đã có bầu với Elvis, bây giờ họ phải đấm ngực!

Ông Donald bị Dolores bỏ rơi, vẫn vui lòng chấp nhận ở vậy không chịu lập gia đình với ai, vì cho rằng không ai có thể thay thế được Dolores trong tim ông. Suốt thời gian Dolores tu trì, ông Donald hằng năm hai lần vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh đến nhà Dòng thăm Dolores. Vào tháng 11 năm 2011, ông Donald qua đời, trước đó vài tháng ông đã để lại Di chúc hiến tất cả tài sản của ông cho Đan Viện Biển Đức để nhà Dòng có thêm tài lực mà phục vụ công ích.

Ai cũng phải khâm phục mối tình của Dolores và Donald đã hơn nửa thế kỷ, cả hai đã hiến dâng tình yêu cao quý nhất cho Chúa: một người thì trung thành với lời Khấn độc thân trọn đời trong bậc tu trì; một người thì chung thủy với lời đính ước trong mối tình vợ chồng.

II- ÔNG GIUSE THI HÀNH CHỨC NGÔN SỨ.

Cả trong bốn Tin Mừng, không có tác giả nào ghi lại một lời thánh Giuse nói, chỉ riêng có ông Matthêu ghi ba lần ông Giuse giữa đêm khuya mau mắn chỗi dậy làm theo ý Chúa:

Lần I: Giữa đêm ông Giuse được Thiên thần báo mộng: “Hãy chỗi dậy đón Maria về, vì Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần”, nghe được ông Giuse thực hành tức khắc (x Mt 1,24: Tin Mừng).

Lần II: Giữa đêm ông Giuse được Thiên thần báo mộng: “Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài  trốn sang Ai Cập, vì vua Hêrôđê sắp lùng bắt Hài Nhi để giết”, ông Giuse cũng mau mắn làm theo lời sứ thần thúc giục (x Mt 2,13-14).

Lần III: Giữa đêm ông Giuse lại được Thiên thần báo mộng: “Hãy chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel vì những kẻ tìm hại tính mạng Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2,20). Ông cũng mau mắn thi hành lệnh Chúa như những lần trước

Như vậy, ba lần ông Giuse chỗi dậy mau mắn làm theo ý Chúa để Maria và Con Thiên Chúa không rơi vào tay kẻ ác. Quả là ba lần ông mau mắn thực hành ý Chúa trong đêm tối, đã báo trước sau ba ngày Đức Giêsu cũng từ trong bóng đêm tội lỗi giam Ngài trong sự  chết, Ngài đã chỗi dậy làm cho tất cả những ai tin vào Ngài không rơi vào tay ác thần (động từ chỗi dậy hay phục sinh tiếng Hy Lạp là Egero). Và khi Đức Giêsu chỗi dậy, Ngài trao cho Hội Thánh tiếp tục sứ mệnh ngôn sứ của Ngài, mà Ngài đã được thánh Giuse cha Ngài giáo dục rất xuất sắc, đến nỗi mới 12 tuổi Ngài đã trở thành bậc thầy dạy giáo lý cho các bậc tấn sĩ ở Giêrusalem (x Lc 2,41t).

Ta không biết thánh Giuse chết vào thời điểm nào, ta chỉ thấy thánh Giuse tới lúc ngài gặp Con mình tại Đền Thờ đang giảng dạy Giáo Lý cho các bậc tấn sĩ, nên ta có quyền kết luận rằng: thánh Giuse đã khuất đi trong bình an khi ông đã hoàn tất sứ mệnh giáo dục Con thành một giáo lý viên xuất sắc. Không biết những người làm cha mẹ khi ra khỏi thế gian này, có được về với Chúa trong bình an như thánh Giuse hay không? Nếu không chu toàn sứ mệnh giáo dục con cái về đức tin cách chu đáo! (xem trệt cuối số 11 trong Hiến Chế Hội Thánh của CĐ.Vat.II).

Sách Huấn ca chương 30, câu 4 nói: “Người cha (mẹ) dù có tắt thở, họ cũng chưa chết, vì đã để lại đứa con giống hệt mình”.

Vậy ông Giuse không thi hành sứ mệnh ngôn sứ qua miệng lưỡi – ông là ngôn sứ im lặng - nhưng ông thi hành qua bàn tay phục vụ tận tình và hết sức mau mắn, mà việc làm thì quan trọng hơn lời nói. Người đời hay nói: “Mỹ nói là làm; Nhật không nói vẫn làm; Việt Nam nói một đàng làm một nẻo”

III- ÔNG GIUSE THI HÀNH SỨ MỆNH VƯƠNG ĐẾ.

Sở dĩ ông Giuse lúng túng khi biết bạn mình có thai: đón bạn về thì không được trao phó, mà âm thầm trốn đi là cách kết án Maria ngoại tình! Nhưng khi được sứ thần loan báo ý định của Thiên Chúa: “Ông phải đón Maria về, vì Hài Nhi được sinh ra là do quyền năng của Chúa Thánh Thần”. Điều này Chúa muốn ông làm ứng nghiệm lời ngôn sứ tiên báo: “Từ dòng dõi vua Đavid sẽ xuất hiện vị thủ lãnh, chính nó sẽ xây nhà cho danh Chúa, và Ta sẽ cho vương quyền của nó kiên vững muôn đời” (x 2Sm 7,4-16: Bài đọc I). Vì ông Giuse thuộc dòng vua Đavid (x Mt 1,20: Tin Mừng).

Ông Giuse nghe Lời Chúa từ trong đêm tối và mau mắn thực hành. Ta biết bóng tối là sự ác, là tội lỗi; Lời Chúa là Ánh Sáng chiến thắng bóng tối, nghĩa là biến dữ ra lành, biến tội ra ơn, biến chết ra sống. Thực vậy, nhờ ông Giuse mau mắn thi hành lệnh Chúa ngay trong đêm để Maria không bị ném đá; Hài Nhi Giêsu không bị vua Hêrôđê giết! Để rồi từ trong bóng tối đang bao phủ  miền Ai Cập, ông Giuse lại chỗi dậy đem “Ngôi Lời đã làm người” về quê hương để giải phóng loài người khỏi tay tử thần, mà chính các đầu mục Do Thái là thủ phạm!

Vậy khi ông Giuse thực hiện lệnh Chúa trong mộng báo, ông đã trở thành đấng bảo trợ Maria và Hài Nhi. Ông Giuse là hiện thân của ông Marđôkê đã nuôi Esther, là vợ của vua Assurius. Khi dân Do Thái bị nhà vua ra lệnh tiêu diệt, trong thân phận những người nô lệ vô phương chống lại lệnh vua, nhưng nhờ ông Marđôkê đã tiết lộ lệnh ác độc đó cho Esther, Esther đã cầu nguyện rồi khéo léo làm tiệc đãi vua, nhờ thế vua đã hứa với Esther “xin gì trẫm cũng cho, dù nửa nước”, Esther đã xin với vua: “Xin vua đừng nuôi ong trong tay áo”, vua hỏi lại: “Ai?” Esther chỉ vào Aman, người đã bầy mưu để vua ra án tru diệt dân Israel. Thế là vua cho lệnh treo cổ Aman lên trụ cao do chính hắn dựng lên nhằm treo cổ Marđôkê, cậu của Esther. Thế là toàn dân Do Thái được thêm sức mạnh, họ kết hợp từng nhóm tiêu diệt hết những tay sai của Aman, dân được thoát án tử sống bình an! (x sách Esther)

Cũng thế, nhờ ông Giuse lao động có của nuôi Đức Maria và Đức Giêsu. Hai đấng thực hiện cuộc giải phóng loài người thoát án tử vì tội. Do đó thánh Giuse là đấng Bảo Trợ Hội Thánh, để những kẻ thuộc về Hội Thánh thoát khỏi án tru diệt vì tội lỗi gây nên.

Vậy nếu ta noi gương thánh Giuse sống ba chức năng tư tế, ngôn sứ, vương đế khởi đi từ lúc lãnh Bí tích Thánh Tẩy, là ta đã nối dài Đức Tin của tổ phụ Abraham, người đã được Chúa đặt làm cha nhiều dân tộc do bởi lòng tin, để nhờ Đức Tin của ông mà ta có Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không ra có (x Rm 4,13.16-18.22: Bài đọc II). Nhất là khi ta hiệp dâng Thánh Lễ với Chúa Giêsu, Con ông Giuse, là ta được phúc sống trong nhà Chúa với ông Giuse, để cùng cất lời tạ ơn: “Lạy Chúa, phúc thay người ở trong Thánh Điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài” (Tv 84/83,5: Tung Hô Tin Mừng). Và như thế ta đã làm cho ơn Chúa được “THÊM LÊN” đúng với tên của ông Giuse bởi động từ “Yasaph” trong tiếng Hy Lạp. Để “dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ” (Tv 89/88, 37: Đáp ca).

THUỘC LÒNG

Người cha (mẹ) dù có tắt thở, họ cũng chưa chết, vì đã để lại đứa con giống hệt mình (Hc 30,4).

-------------------------------
 

19/03-107: Tín thác, cậy trông, yêu mến như thánh Giuse


--Lm. Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD
 

Trong số những người thân cận với Đức Giêsu nhất, có lẽ thánh Giuse ít được mô tả cách chi 19/03-107


Trong số những người thân cận với Đức Giêsu nhất, có lẽ thánh Giuse ít được mô tả cách chi tiết nhất. Ngài chỉ được diễn tả rất sơ sài và có ít những bản văn Kinh Thánh lưu tâm đến, có chăng chỉ là những chương đầu của Tin Mừng Mátthêu và Luca. Tin Mừng chỉ thuật lại những giấc mộng của thánh nhân hoặc giới thiệu sơ qua về ngài trong gia phả của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ các bản văn kinh Thánh, chúng ta nhận thấy rằng thánh nhân không chỉ là con người của thinh lặng, ẩn dật mà còn là con người đặt niềm Tin, Cậy, Mến nơi Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống thường ngày.

Một niềm tín thác không nghi ngờ

Qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy rằng thánh Giuse có một niềm tin sắt đá, vì trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, ngài vẫn phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, và vững tin những điều người đang làm là do bàn tay Thiên Chúa chỉ định và hướng dẫn. Tuy Thiên Chúa không thông báo cho ngài một cách minh nhiên, chỉ qua những giấc mơ, nhưng với sự tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, ngài đã đáp trả lại tiếng gọi được biểu lộ sâu xa trong những giấc mơ ấy. Nhờ lòng tin vào Thiên Chúa của thánh Giuse mà Đức Maria và Chúa Giêsu đã ra đi và trở về bình an như một phép lạ vậy. Dù biết rằng, để thực hiện những gì đã nghe thấy trong những giấc mơ là một việc không dễ dàng chút nào nhưng nhờ một đức tin vững vàng vào Thiên Chúa nên thánh nhân đã thực thi mọi việc như điều Thiên Chúa muốn.

Trong những thử thách như vậy, thánh nhân có thể bị cám dỗ hoài nghi về vai trò là Đấng Cứu Thế của Đức Giêsu. Nhưng nhờ sự tín thác, ngài vẫn đứng vững, vì ngài vững tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã hứa (x.Rm 4,21). Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa có thể làm những điều vượt hơn tất cả những gì chúng ta cầu xin hay nghĩ tới (x.Ep 3,20), vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể (x. Mc 10,27; Lc 1,37). Có lẽ thánh Giuse luôn tin rằng Thiên Chúa mãi trung tín đối với những ai tin tưởng nơi Ngài. Qua bài đọc I trích sách Samuen quyển thứ hai và trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã hứa ban cho ông Ápraham và vua Đavít một dòng dõi mà vương quyền tồn tại đến muôn đời. Giờ đây, lời hứa ấy đang trở thành hiện thực khi Con Thiên Chúa đang được thánh Giuse cưu mang và nuôi dưỡng. Dù niềm tin ấy chỉ được thể hiện trong những giấc mơ của mình, nhưng ngài vẫn tín thác và cậy trông nơi Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống.

Một lòng cậy trông trên hết mọi sự

Qua những mô tả của các tác giả Tin Mừng, chúng ta thấy rằng thánh nhân chỉ âm thầm với những việc làm của mình. Ở nơi đền thánh, duy chỉ mình Đức Maria lên tiếng thầm trách yêu Chúa Giêsu vì đã để hai ngài lo lắng, còn thánh Giuse vẫn im lặng. Sự im lặng của thánh nhân để nói lên rằng, ngài luôn lắng nghe lời Chúa phán. Dù chỉ qua những giấc mơ, thánh nhân vẫn mau mắn thi hành. Nhờ lòng cậy trông nơi Thiên Chúa, thánh nhân đã nhận Ðức Maria làm vợ. Nhờ lòng trông cậy, thánh nhân đã giữ cho Thánh Gia kiên vững trong những biến cố khó khăn: khi sự truy sát của Hêrôđê bắt đầu, ngài đã phải đem gia đình trốn sang Ai Cập; đến khi vua Hêrôđê băng hà, ngài lại âm thầm đem hai người thân yêu nhất trở về nguyên quán là làng Nadarét. Qua những biến cố trên, chúng ta thấy thánh Giuse là một người sống đức tin bằng hành động, không lý luận, không thắc mắc. Tâm hồn và thân xác của ngài luôn sẵn sàng dâng hiến để thánh ý Thiên Chúa được thi hành. Quả thật, nhờ sự cộng tác đắc lực của thánh Giuse mà kế hoạch Nhập Thể của Chúa Giêsu được diễn ra hết sức tốt đẹp như chương trình Thiên Chúa muốn. Không đòi hỏi được tuyên dương, thánh Giuse đã làm trọn sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó cho ngài.Như vậy, nhờ đức cậy, thánh Giuse có thể chấp nhận mọi thử thách với lòng trung tín sắt son. Ngài có thể vượt qua những cơn bão tố dữ dội nhất của cuộc đời để mang tới niềm vui cho gia đình Nadarét.

Một lòng yêu mến thiết tha

Lòng tận tụy chăm sóc cho Đức Maria và sự tận tình nuôi nấng Đức Giêsu đã nói lên một tình yêu bao la trời biển của thánh Giuse dành cho Thánh Gia. Hàng ngày, ngài vẫn miệt mài lao động để duy trì cuộc sống gia đình. Ngài đã chăm sóc chu đáo và hết lòng dạy bảo Chúa Giêsu khôn lớn như Tin Mừng Luca đã đề cập: “Trẻ Giêsu càng lớn càng thêm khôn ngoan và nhân đức, đẹp lòng Thiên Chúa và mọi người” (x.Lc 2,51-52). Sở dĩ Chúa Giêsu cũng cần được nuôi nấng và giáo dục như bao trẻ nhỏ khác vì Ngài cũng là con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Sự âm thầm hy sinh của thánh Cả Giuse để che chở cho Đức Maria và nuôi dạy Đức Giêsu nên người không chỉ cho thấy niềm tin sâu xa, mà còn thể hiện một tình yêu vô bờ bến của ngài đối với những người thân yêu.

Noi gương thánh nhân chúng ta cũng hãy học đòi bắt chước thánh Giuse với một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, một lòng cậy trông sâu xa dù đi trong đêm tối của cuộc đời và một tình yêu vô điều kiện đối với những người được trao phó cho mình.

Nguyện xin thánh cả Giuse luôn cầu bầu cùng Chúa cho Giáo Hội Việt Nam và những người nhận ngài làm bổn mạng; xin cho họ luôn có một đức tin vững vàng để biết trông cậy nơi Chúa. Xin cho mọi người biết hy sinh nhiều hơn nữa cho tha nhân cũng như làm chứng cho Chúa trong xã hội tục hóa hôm nay.

-------------------------------
 

19/03-108: Thánh Giuse: tận tâm với Chúa và là người Cha tận tụy với gia đình


--Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
 

Trong hầu hết các quốc gia, người mẹ trong gia đình được so sánh như là ánh sáng, là vườn hoa 19/03-108


Trong hầu hết các quốc gia, người mẹ trong gia đình được so sánh như là ánh sáng, là vườn hoa, là gió mát cho ngôi nhà, thì người cha được ví như trụ cột, giữ vai trò chính yếu chống đỡ cho cả ngôi gia gia đình. Dù cột trụ là quan trọng, nhưng sự hiện diện của người cha nhiều khi rất âm thầm, đến độ bị bỏ quên trong gia đình. Cho dù không được nhắc đến, nhưng các người cha vẫn đêm ngày chỉ biết tận tâm, tận tuỵ với gia đình với vợ con.

Thánh Giuse cũng là một người chồng, người cha tận tuỵ trong gia đình Nazareth, chèo chống gia đình vượt qua bao sóng gó thử thách. Vậy mà thánh Giuse vẫn giữ sự âm thầm thinh lặng, đến độ dường như mọi người bỏ quên sự hiện diện của Ngài. Hôm nay, cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm của Mẹ Maria và là cha nuôi Chúa Giêsu, chúng ta chiêm ngắm và suy gẫm về cuộc đời thánh Giuse: một con người tận tâm với Chúa và là một người cha tận tuỵ với gia đình.

Trong Giáo Hội, để phân biệt, mỗi khi nhắc đến thánh Giuse, thường luôn kèm theo vai trò của Ngài với Đức Maria hoặc với Chúa Giêsu. Ví dụ gọi Ngài là Thánh Giuse - bạn trăm năm Đức Maria; hoặc Giuse - cha nuôi Đấng Cứu Thế. Chi tiết đó thôi cũng đủ để cho ta suy ra rằng: Thánh Giuse không giữ riêng điều gì cho mình, cũng không có gì nổi bật ngoài việc hoàn toàn gắn bó cuộc đời với Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế như là Chúa của mình và với Đức Maria như gia đình của mình.

Giuse quả là một người tận tâm với Chúa

Ngay từ chương đầu Tin Mừng Matthew, khi giới thiệu về hoàn cảnh giáng sinh của Đức Giêsu, đã nhắc đến Đức Maria đính hôn với một người tên là Giuse thuộc chi họ Đavit. Mặc dù được nhắc đến như một nhân vật phụ, nhưng Tin Mừng cũng cũng phải công nhận: “Ông Giuse là một người công chính.” Người công chính có nghĩa là một con người đạo đức, kiên trì trung thành với giới răn lề luật của Thiên Chúa. Người công chính thì khác với người Biệt phái: Người Biệt phái giữ giới răn lề luật theo hình thức phô trương bên ngoài mà không thật lòng yêu mến. Còn người công chính là người giữ giới răn lề luật của cách tận tâm, tận tình, hoàn toàn tin tưởng phó thác nơi Chúa, khiêm tốn chờ đợi lời hứa cứu độ của Chúa.

Đứng trước một mầu nhiệm quá lớn lao: “Maria có thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần”, Giuse đã không biết phải ứng xử thế nào cho phù hợp. Một đàng ông tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa và sự trong trắng của Đức Maria, người yêu của ông; đàng khác ông không thể hiểu, cũng không thể giải thích sự việc Maria có thai. Giuse đã chọn giải pháp âm thầm rút lui, thay vì tố cáo người bạn của mình. Giuse định âm thầm rút lui vì cung kính trước một mầu nhiệm lớn lao và vì thấy mình quá bất xứng. Nhưng Thiên Chúa đã có cách của Ngài, Ngài muốn Giuse cộng tác cách tận tâm, tận tình vào chương trình của Ngài qua việc đón nhận Maria và Hài Nhi về làm vợ và làm con của mình. Chỉ qua một giấc chiêm bao, Giuse đã nhận ra ý Chúa và đã mau mắn thi hành: “Khi tỉnh dậy, Giuse đã làm như sứ thần Chúa truyền dạy.”

Với thái độ tận tâm, tận tình với Thiên Chúa, Giuse được Chúa chọn để đứng vào gia phả của Đấng Cứu Thế, đã chu toàn cách vuông tròn sự tín nhiệm của Thiên Chúa. Mặc dù không sinh ra Đấng Cứu Thế theo máu huyết, nhưng qua việc kết hôn với Đức Maria, đón nhận Hài Nhi Giêsu, thì đồng thời Giuse cũng sẵn sàng dâng tặng cho trẻ Giêsu dòng dõi vua Đavit của mình. Quyết định này của Giuse đã làm trọn lời Chúa đã hứa và các ngôn sứ tiên báo: “Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi vua Đavit.” Lời hứa này đã trở thành niềm hy vọng cho dân Israel, giúp họ vượt qua biết bao thăng trầm của lịch sử.

Giuse một người cha tận tâm với Gia đình

Kể từ khi đón nhận Đức Maria và Hài Nhi về nhà mình, Giuse trở nên một người chồng, người cha tận tuỵ với gia đình. Giuse vẫn âm thầm chu toàn trách nhiệm của mình theo thánh ý Thiên Chúa mà không một lời than thở. Ông chu toàn trách nhiệm trong gia đình với lòng đạo đức và đời sống công chính. Ngay khi đón Maria về nhà không được bao lâu, thì lệnh đăng ký hộ tịch của hoàng đế Augustô đã gây ra bao khó khăn cho gia đình mới này: Cuộc sống của hai người có lẽ chưa ổn định; công việc thất thường, vì nghề thợ mộc của Giuse cũng chỉ là bác thợ trong làng; kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn; người vợ trẻ lại đang mang thai sắp đến thời kỳ sinh nở. Vậy mà, Giuse không thắc mắc, ông nhận ra lệnh hồi hương về Bêlem như là lệnh của Chúa. Cũng vì nhận ra ý Chúa và hoàn toàn vâng phục, trở về thành Bêlem, Giuse đã góp phần làm ứng nghiệm lời các ngôn sứ tiên báo: Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại Bêlem, quê hương của vua Đavit.

Trở về quê hương, nhưng có lẽ cũng không còn người ruột thịt, Giuse một mình phải xoay sở để làm lại từ đầu, ổn định cuộc sống, chu cấp những nhu cầu cần thiết cho Maria và Hài Nhi Giêsu. Cuộc sống của gia đình trẻ này chắc chắn không phải là cuộc sống thoải mái dư dật. Việc chu cấp cho gia đình có cuộc sống tạm ổn có lẽ cũng đã là công việc khá vất vả cho người cha. Nhưng Giuse cũng không hề lên tiếng, ông chỉ âm thầm tận tuỵ làm việc và giữ vai trò như trụ cột trong gia đình. Cuộc sống bình lặng không kéo dài bao lâu, thì sứ thần lại báo tin cho Giuse trong giấc mộng: “Phải đưa Maria và Hài Nhi trốn qua Aicập để tránh sự truy sát của vua Hêrôđê.” Một lần nữa, trong sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa, Giuse đem trẻ Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Cuộc sống tại quê hương đã khó khăn, thì cuộc sống nơi đất khách quê người càng khó khăn hơn nữa. Với vai trò là người chồng và với trái tim của người cha, Giuse vẫn tận tuỵ âm thầm phục vụ Maria và Hài Nhi Giêsu tại Ai Cập cho đến khi Thiên Chúa lại báo mộng, gọi ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trở về. Một lần nữa với sự vâng phục hoàn toàn, Giuse đã đưa Maria và trẻ Giêsu trở về Giuđa, để làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Ta gọi con ta từ Ai cập trở về.”

Trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, công việc không ổn định, nhưng Giuse không chỉ lo cho đời sống vật chất của gia đình, mà còn tận tuỵ chu toàn cách tốt đẹp bổn phận đạo đức của gia đình. Mặc dù vất vả, nhưng Giuse đã tạo nên cho gia đình một nếp sống đạo đức qua việc chu toàn bổn phận luật Môsê quy định. Giuse đã đưa Maria lên Đền Thờ để được thanh tẩy, đem con dâng cho Chúa sau bốn mươi ngày sinh và cũng chuẩn bị một của lễ nhỏ là đôi chim bồ câu con. Thánh Luca còn ghi lại: “Hàng năm cha mẹ Đức Giêsu có thói quen lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.” Điều đó cho thấy, đối với Giuse, việc chăm lo đời sống đạo đức của gia đình và giáo dục đức tin cho con cái trở thành ưu tiên trong cuộc sống. Để hình thành nên thói quen đạo đức tốt lành, chắc chắn gia đình của Giuse đã phải hy sinh rất nhiều công sức. Tin Mừng còn cho thấy khi Giuse Maria trở lại Giêrusalem tìm trẻ Giêsu sau ba ngày, thì thấy trẻ Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ nghe và hỏi họ. Chi tiết này cho thấy, chắc chắn khi ở với Giuse và Maria, trẻ Giêsu đã được cha mẹ dạy cho đọc Kinh Thánh, nghe, học hỏi các sách luật và ngôn sứ. Vì thế, trẻ Giêsu mới có thể ngồi giữa các bậc tiến sĩ để trò chuyện với họ.

Thưa quý OBACE, mỗi lần suy gẫm về cuộc đời thánh Giuse, người ta thấy dường như không có gì để nói về con người âm thầm thinh lặng này. Thế như khi chiêm ngắm chân dung và cuộc đời thánh Giuse trong những đoạn hiếm hoi của Tin Mừng nhắc đến Ngài, chúng ta có thể khám phá ra rất nhiều điều để học nơi gương sống của Giuse. Trên hết, Giuse vẫn là người tín hữu tận tâm tận tình với Chúa và là một người chồng, người cha tận tuỵ làm việc vì gia đình, vì vợ con.

Ngày nay, nhiều người đã đánh mất sự cân bằng giữa việc tận tâm với Chúa và sự tận tuỵ hết mình với gia đình. Nhiều người lấy lý do cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhiều lo toan, để bỏ qua bổn phận đối với Chúa. Nhiều gia đình đánh mất sự tín trung trong việc thờ phượng Thiên Chúa, coi việc đến với Chúa như một gánh nặng. Nhiều người khác còn coi Thiên Chúa như sự cản trở công việc làm ăn và sự thăng tiến xã hội, vì thế họ sẵn sàng loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi gia đình, công việc. Khi đánh mất sự cân bằng này, gia đình sẽ gặp bất an, bất hoà và bất hạnh.

Xin cho mỗi gia đình, cho các bậc làm cha mẹ biết học nơi gương của thánh Giuse và gia đình Nazareth, biết dành ưu tiên và tận tậm tận tình với Chúa, đồng thời cũng tận tuỵ với bổn phận của mình trong gia đình theo gương thánh Giuse. Xin thánh nhân cũng ra tay nâng đỡ che chở các gia đình mỗi khi gặp khó khăn thử thách. Amen.

-------------------------------
 

19/03-109: Trung Thành Với Thánh Ý Thiên Chúa

 

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Cả Giuse, mặc dù thánh nhân chỉ xuất hiện vài lần trong 19/03-109


Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Cả Giuse, mặc dù thánh nhân chỉ xuất hiện vài lần trong các sách Tin Mừng. Nhưng chừng ấy cũng đủ để Giáo Hội có cơ sở để tôn vinh Người trong vai trò cha nuôi của Chúa Giêsu và là bạn trăm năm của Ðức Maria.

Thánh Giuse là mẫu người thầm lặng ít nói. Các sách Tin Mừng không ghi lại lời nào của Người, ngay cả lúc tìm gặp Chúa Giêsu trong đền thờ, thì cũng chính Ðức Maria là người lên tiếng nói với Chúa Giêsu. Thánh Giuse ít nói nhưng người chăm chú lắng nghe các lệnh truyền của Chúa và mau mắn làm theo, nhiều khi các lệnh truyền ấy có vẻ ngang trái bất ngờ. Khi nhận Ðức Maria làm vợ và đưa Mẹ về nhà mình; khi đem gia đình trốn sang Ai Cập; khi hồi hương trở về Nazareth, thánh Giuse luôn luôn trung thành với thánh ý Thiên Chúa mà không đòi hỏi một điều kiện nào. Hễ Thiên Chúa gọi thì Người lắng nghe; Thiên Chúa nói thì Người vâng lời. Thánh Giuse đúng là một người sống đức tin bằng hành động, không lý luận, không thắc mắc, tâm hồn và thân xác Người luôn sẵn sàng dâng hiến để thánh ý Thiên Chúa được thi hành. Và quả thật, nhờ sự cộng tác đắc lực của thánh Giuse, mà kế hoạch nhập thể của Chúa Giêsu được diễn ra hết sức tốt đẹp. Không đòi hỏi được tuyên dương, thánh Giuse đã làm trọn sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó cho Người.

Lạy Thánh Cả Giuse, nhiều khi con ham nói mà ít chịu lắng nghe tiếng Thiên Chúa, ham suy luận mà ít chịu vâng phục cách triệt để thánh ý Thiên Chúa. Xin thánh nhân dạy con biết noi gương Người, biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong thinh lặng và biết sống đức tin bằng hành động. Xin thánh nhân nâng đỡ những người cha trong gia đình để họ sống trọn sứ mạng làm chồng, làm cha. Xin thánh nhân phù trợ Giáo Hội Việt Nam trong vai trò hướng dẫn những người Kitô và làm chứng cho đức tin Kitô giữa lòng dân tộc.

-------------------------------
 

19/03-110: Khủng hoảng gia đình

 

Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong cuộc sống của mọi người chúng 19/03-110


Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong cuộc sống của mọi người chúng ta. Theo Công đồng, thì gia đình chính là trường học đầu tiên dạy chúng ta những bài học làm người. Thực vậy, mỗi khi nghĩ về gia đình tôi thường cảm thấy một cái gì thật êm đẹp và ấm cúng, những điều mà bà mẹ dạy cho con khi nó còn ngồi trên gối, những bài học mà người cha đã chỉ bảo cũng như những kỷ niệm, những mẫu gương của đời sống gia đình. Tất cả những cái đó sẽ không bao giờ tàn phai trong cõi lòng chúng ta. Một khi cá nhân đã được canh tân, thì xã hội và Giáo Hội cũng được mang lấy một bộ mặt mới. Chính vì vậy gia đình đã góp một phần rất lớn vào công cuộc xây dựng một Giáo Hội thánh thiện và một xã hội lành mạnh. Gia đình là viên gạch, là nền tảng cho xã hội, gia đình là một tế bào sống của Giáo Hội hay nói một cách khác, gia đình chính là một Giáo Hội được thu nhỏ lại.

Thế nhưng hơn bao giờ hết, hiện nay gia đình lại rơi vào một tình trạng khủng hoảng trầm trọng và bị lung lay đến tận gốc rễ. Nào là tình yêu bị đe doạ với những bộ luật cho phép được ly dị, xoá bỏ những hôn nhân trong đời. Nào là những thai nhi không được bảo đảm với những phương thuốc ngừa thai và phá thai. Bên Âu châu, vợ chồng thay đổi nhau như thay đổi áo. Có những cô đào đã trải qua bảy tám đời chồng mà vẫn chưa tìm thấy một nơi để dừng lại. Cha mẹ thì đau khổ vì con cái, nhưng con cái lại cảm thấy bực bội trước những cấm đoán của cha mẹ. Giữa cha mẹ và con cái có một vực thẳm ngăn cách mà không có lấy một nhịp cầu thông cảm. Con cái nhiều lúc cảm thấy ngột ngạt trong bầu khí gia đình vì những sự la hét, chửi bới của cha mẹ, để rồi thoát ly gia đình, đi bụi đời, sống một cuộc sống lang thang, để rồi giết hại đời minh trong những vui thú tệ hại như cần sa, như ma tuý. Nếu chịu khó ngồi xuống và trong yên lặng hãy suy nghĩ về thực trạng đó, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều lý do tạo nên. Nhưng trong giây phút này tôi chỉ muốn nêu lên một lý do chính yếu đó là thiếu sự nhường nhịn.

Thực vậy, bá nhân bá tánh, mọi người đều có một tính tình riêng, và hơn thế nữa nhân vô thập toàn, mọi người đều có những sai lỗi của mình. Nơi đó trong một nếp sống chung, không thể nào tránh khỏi những bực bội, những buồn phiền, những sai lỗi của người khác. Ngay như đến Thánh gia cũng không thoát khỏi cái định luật chung ấy: Bấy giờ Giuse nhận thấy Maria mang thai không bởi hành động của mình. Sự kiện này đã làm cho Giuse đau khổ không ít, chắc hẳn Giuse cũng đã trải qua những đêm không ngủ để tìm hiểu, để đặt ra những câu hỏi và tìm lấy những câu trả lời, Giuse đã âm thầm chịu đựng. Nếu như chúng ta, thì sẽ phải làm cho ra lẽ. Và trong sự ghen tương, chúng ta sẽ đánh đập người vợ ấy một trận nên thân, rồi đuổi người vợ ấy về với cha mẹ, hay lôi người vợ ấy ra toà để ly thân, ly dị, vì chúng ta không thể chấp nhận được một sự chia sẻ tình yêu như vậy, và chắc hẳn gia đình chúng ta sẽ tan rã. Chính trong sự yên lặng và nhường nhịn, Giuse đã tìm ra chân lý, Giuse đã hiểu được sự thật, Giuse đã vượt qua cơn sóng gió, để rồi chấp nhận và yêu thương Maria như người bạn trăm năm của mình.

Kinh nghiệm bản thân cũng cho ta thấy, một sự nhịn là chín sự lành: Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê. Chính sự nhường nhịn ấy sẽ tạo nên tình yêu và một bầu khí ấm cúng trong gia đình. Làm sao mà người chồng có thể còn bực tức trước một cử chỉ yêu thương như thế: chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở thưa anh giận gì. Chúng ta hãy học cùng thánh Giuse để biết yêu thương nhường nhịn lẫn nhau, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái. Đồng thời chúng ta hãy xin Thánh Giuse sửa đổi những sai lỗi trong gia đình chúng ta.

Có một người vợ trẻ âm thầm chịu đựng những đau khổ do một ông chồng chơi bời trác táng gây nên ông ta bỏ nhà ra đi không kể ngày và đêm. Người vợ trẻ ấy chỉ còn biết tìm an ủi trong việc tíao dục đứa con duy nhất và xin thánh Giuse hoán cải người chồng của mình. Một buổi tối ông ta trở về nhà nghe thấy có tiếng nói chuyện. Ông ta nhìn qua khe cửa và thấy được một cảnh tượng cảm động: Người vợ đang dạy đứa con cầu nguyện: Con hãy cầu xin cho ba con, người mà má hằng yêu thương và con cũng sẽ yêu thương, con hãy xin thánh Giuse hướng dẫn ba con. Ông ta vô cùng xúc động trước cảnh tượng đó và đã dứt khoát trở về với mái ấm gia đình. Chúng ta cũng hãy xin thánh Giuse phù trợ cho gia đình chúng ta.

-------------------------------
 

19/03-111: Suy Niệm về Thánh Giuse


—PM Cao Huy Hoàng
 

Tháng 3 về, chúng ta cùng tạ ơn Thánh Giuse là Đấng bảo trợ mỗi gia trưởng chúng ta trong thời 19/03-111


Tháng 3 về, chúng ta cùng tạ ơn Thánh Giuse là Đấng bảo trợ mỗi gia trưởng chúng ta trong thời gian qua, và còn sẽ bảo trợ chúng ta trong suốt cuộc đời làm chồng, làm cha, làm ông nội, ông ngoại.

Tỏ lòng tri ân ấy, Chúa không muốn chúng ta chỉ nói lên bằng lời, mà còn phải nói lên bằng cuộc sống gia trưởng theo mẫu gương gia trưởng nhân đức của Ngài. Vì thế, suy niệm về những ngày đời thánh thiện của Thánh Giuse, làm bài học quí giá cho mỗi gia trưởng là thật cần thiết.

Đón nhận nhau trong đức tin

Thiên Chúa đã chọn Thánh Giuse cộng tác vào chương trình cứu chuộc, chương trình mạc khải tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại, nên có thể nói, người được Thiên Chúa chọn hẳn phải là một người đủ phẩm cách đẹp lòng Thiên Chúa. Và điều đẹp lòng Chúa nhất là Tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa.

Quả thật, nếu đức tin của Mẹ Maria được thể hiện bằng sự khiêm tốn và vâng phục để Thiên Chúa thực hiện mầu nhiệm nhập thể: “Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như Lời sứ thần truyền. Xin hãy thành sự trong tôi, như Lời Ngài đã phán”, thì Thánh Giuse âm thầm không nói gì, không trả lời gì, mà Ngài chỉ làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà: ‘Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần’. Điều Thánh Giuse đã làm là một câu trả lời “vâng phục” bằng “đức tin” hùng hồn nhất (x. Rm 1,5; 16,26; 2Cr 10,5-6).

Thế thì, Lời chúc của Elizabet dành cho Mẹ Maria “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45) cũng chính là lời mà mọi miệng lưỡi phải chúc tụng Thánh Giuse như vậy.

Thánh Giuse và Mẹ Maria đã đón nhận và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa là đón nhận nhau, và cả hai cùng đón nhận Phôi Thai Đấng Cứu Thế bằng một đức tin. Từ đó, làm thành một cộng đoàn mới của Thiên Chúa, trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Việc thánh Giuse đón Đức Maria về làm vợ trong lúc Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế, quả là một gương đức tin hùng hồn vào Thiên Chúa quyền năng: Thiên Chúa chọn cho Giuse một người vợ. Thiên Chúa chọn cho Maria một người chồng. Thiên Chúa chọn cho Đấng Cứu Thế những người làm Cha Mẹ. Vì quả thực, nếu để tự Giuse chọn, có lẽ Giuse không chọn Maria, vì ngại những tiếng đời dị nghị. Nhưng việc ấy không xảy ra theo ý của Giuse, mà đã xảy ra ngược lại theo ý của Thiên Chúa.

Còn chúng ta, có tin rằng Thiên Chúa đã tham gia vào việc chọn lựa của mình không? Có nhiều người đã sống với nhau bao nhiêu năm rồi, mới ngộ ra là có bàn tay Thiên Chúa định liệu cho việc của Chúa nơi gia đình mình. Có nhiều người cho là chuyện ông trời xe định, nồi nào vung nấy. Nhưng thiết tưởng đức tin công giáo đòi hỏi chúng ta phải xác tín ngay từ buổi đầu của cuộc hôn nhân rằng Thiên Chúa tham dự vào việc tuyển chọn cho mình một người bạn đời theo ý Chúa. Và từ ấy, cuộc sống của vợ chồng trải ra trong sự quan phòng của Thiên Chúa, để tiếp tục công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và tiếp tục thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài. Chỉ trong đức tin, cuộc sống của hôn nhân mới có đủ nghị lực để vượt qua những thử thách và bền vững cho đến cùng.

Như vậy, việc đón nhận nhau trong đức tin là bài học trước tiên của đời sống gia đình công giáo. Đón nhận một người bạn đời về chung sống với nhau nên nghĩa vợ chồng, đón nhận con cái Chúa ban trong ánh sáng đức tin, có thể nói là đón nhận tình yêu Thiên Chúa, hồng ân của Thiên Chúa nhằm đến việc thực hiện chương trình mạc khải của Thiên Chúa nơi gia đình là: Tình yêu và cứu độ.

Nhìn lại đời sống gia đình chúng ta, mỗi người có thể suy xét lại và trả lời trước mặt Chúa, rằng ngày ấy con yêu nàng, con cưới nàng làm vợ, có phải vì Đức Tin là để có một gia đình nhằm thực hiện chương trình của Chúa, hay có một gia đình thực hiện chương trình của chúng ta. Chúng ta đã đón nhận nhau vì Chúa hay vì ta? để sống cho Thiên Chúa hay cho chúng ta?

Thánh thiện trong đức cậy

Mẹ Maria đã tin tưởng và ký thác toàn thân mình cho Thiên Chúa để Ngài thực hiện ơn cứu độ, thì thánh Giuse cũng cậy trông hoàn toàn vào sức mạnh của Thiên Chúa để vượt thắng những nguy cơ làm mất đi vẻ đẹp tinh tuyền thánh thiện của gia đình Con Thiên Chúa. Việc giữ đức khiết tịnh cho mình và cho người bạn đời, thiết tưởng phải việc ưu tiên hơn cả. Bởi vì thánh ý của Thiên Chúa đã khởi đầu bằng việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng một trinh nữ. Và trinh nữ ấy đã khấn nguyện giữ mình đồng trinh đến trọn đời. Như thế, đời sống gia đình của Thánh Giuse, Mẹ Maria và Con Thiên Chúa phải là một đời sống tinh tuyền tuyệt đối nơi cả ba con người.

Với loài người, thì không thể, nhưng với Thiên Chúa thì việc gì cũng có thể. Và chúng ta tin rằng, đức cậy trông nơi Thánh Giuse phải là tuyệt hảo. Chính vì đức trông cậy và nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa, mà Thánh Giuse vượt thắng những yếu hèn của đời người, gìn giữ được đức công chính, vẻ đẹp nguyên tuyền của mình trong trắng thanh cao như nhành huệ, đồng thời bảo bọc được sự đồng trinh trọn đời của người bạn đời chí thiết.

Hình ảnh người con mà đức tin cho biết là “Con Thiên Chúa” trong gia đình, có thể nói là yếu tố quan trọng vào bậc nhất trong việc hình thành đức cậy trông nơi Thánh Giuse. Người “con làm việc của Cha trên trời” và “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan” là hoa trái của đức cậy trông mà Thánh Giuse đã miệt mài ký thác.

Gia đình chúng ta hôm nay quên nhắm đến hạnh phúc do sự công chính, thánh thiện mang lại, mà chỉ nhắm đến hạnh phúc do những giá trị trần thế ban phát cho. Thật đáng trách cho mỗi gia trưởng chúng ta, khi không hướng gia đình đến đời sống thánh thiện thuần khiết, lại còn vướng vào những trào lưu tục hóa làm mất đi vẻ thánh thiện nguyên tuyền của hôn nhân công giáo. Thêm vào đó, lại không hướng niềm cậy trông vào Chúa mà lại đặt hy vọng nơi những thực tại hão huyền.

Chu toàn trách nhiệm trong đức mến

Hoa trái của Đức tin là đức mến. Đức Mến thôi thúc thánh Giuse chu toàn vai trò làm chồng làm cha trong gia đình. Từ việc đưa vợ về làm sổ bộ, lo cho vợ sinh nở, đưa vợ con trốn sang Ai cập, hồi cư, cắt bì và đặt tên cho con, dâng con vào đền thờ, tìm con khi lạc mất, cùng vợ con kiếm có cái ăn cái mặc… tất cả đều được thể hiện với tình yêu mến.

Chúa Giêsu lớn lên và trưởng thành mặt nhân tính trong cung lòng Mẹ Maria, thực ra trong trái tim yêu thương của Mẹ Maria và trong tấm lòng từ ái của Cha Thánh Giuse. Cả hai đầy tình yêu thương và tính trách nhiệm.

Tình thương đích thực bắt nguồn từ Thiên Chúa, và cụ thể nơi vợ chồng Maria, Giuse: Tình thương đó là hy sinh cho người mình yêu được hạnh phúc. Sự hy sinh ấy bao gồm cả tự do, ý chí, sự sống, thời gian và tất cả những gì tưởng như mình phải được, cũng bằng lòng mất đi. Sự hy sinh ấy được thể hiện với lòng khiêm cung, lịch sự, khoan dung, nhẫn nại. Và sự hy sinh ấy chính là nét họa bản tính của Thiên Chúa trong tâm hồn mỗi con người có lòng yêu mến Ngài.

Cả Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria đều đã thắm đẫm tình yêu của Thiên Chúa. Vì yêu nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa, nên việc chu toàn trách nhiệm với đứa con được sinh ra cũng chính là chu toàn trách nhiệm mà Thiên Chúa giao phó trong nhiệm cuộc của Ngài.

Tình mến không vị kỷ. Tình mến không huênh hoang. Tình mến không nóng nảy…. là tình mến của Thánh Giuse. Tình mến chứa chan sự công chính thánh thiện, tràn đầy niềm hân hoan, vẻ dịu dàng, nét khiêm tốn là tình mến của Thánh Giuse. Tình mến ấy phải là tình mến chuẩn mực cho các gia trưởng hôm nay.

Nghĩ về mình, có thể có đôi người trong chúng ta đang được niềm vui mừng vì đã theo gương nhân đức của Thánh Giuse trong đời sống gia đình, nhưng thiết tưởng, đa số trong chúng ta chưa chọn lấy tình mến chuẩn mực của Ngài làm tiêu chí sống đời vợ chồng gia đình. Thật đáng tiếc.

Tháng 3 lại về, tháng kính Thánh Giuse, cho chúng ta một cơ hội nhìn vào gương sống của thánh quan thầy các gia trưởng mà suy nghĩ về:

* Mầu nhiệm gia đình, trước tiên, phải xác tín gia đình là một mầu nhiệm trong nhiệm cuộc sáng tạo và cứu rỗi nhân loại.

* Đức tin của chúng ta, Đức tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng, đã chọn lựa và chỉ định cho chúng ta người bạn đời, để sống với nhau mà thực hiện thánh ý Chúa.

* Đức trông cậy của chúng ta, đức trông cậy duy nhất nơi sức mạnh của Thiên Chúa mới giúp chúng ta sống công chính thánh thiện và bình an hạnh phúc.

* Đức mến của chúng ta, đức mến phải được mặc lấy lòng khoan dung từ bi nhân hậu của Thiên Chúa mà chu toàn bổn phận Chúa giao phó trong sứ mệnh sáng tạo và cứu rỗi ngay trong chính gia đình mình.

Nguyện xin Thánh Giuse cầu thay nguyện giúp cho mỗi gia trưởng chúng con biết noi gương nhân đức Ngài, mà thăng hoa cuộc lữ hành trần thế của chúng con trên đường công chính.

-------------------------------
 

19/03-112: Yên lặng, làm việc và vâng phục

 

Cuộc đời thánh cả Giuse có thể được tóm kết trong ba nhân đức, đó là yên lặng, làm việc và 19/03-112


Cuộc đời thánh cả Giuse có thể được tóm kết trong ba nhân đức, đó là yên lặng, làm việc và vâng phục.

Trước hết thánh cả Giuse là một con người yên lặng.

Phúc Âm đã không để lại một lời nói nào của thánh cả. Phải chăng đó cũng là một sự kiện đặc biệt đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thực vậy, thế giới hôm nay là một thế giới của âm thanh, của ồn ào. Con người thời nay thường nhìn sự vật theo những lời quảng cáo và đánh giá kẻ khác theo những lời tuyên bố nóng bỏng. Nhất là nhìn vào đời sống, chúng ta thấy rằng mình đã sai lỗi quá nhiều trong lời nói. Đúng thế, với lời nói, chúng ta có thể vấp phạm bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, bất kỳ với ai và bất kỳ về vấn đề nào. Bởi đó, có người đã đưa ra một so sánh thật buồn cười: nếu mỗi lần chúng ta nói hành nói xấu người khác, mà Chúa khiến chúng ta phải hắt hơi, thì chắc hẳn tiếng hắt hơi của chúng ta đã át cả tiếng ồn ào của xe cộ, của thác nước, của sóng biển. Chúng ta thường nói nhiều và đã nói nhiều thì cũng thường nói bậy và nói sai, như người xưa đã bảo: đa ngôn thì đa quá. Hơn thế nữa, nói nhiều thì cũng thường hay nói dai và nói ẩu khiến cho người khác phải buồn phiền, tình yêu thương bị sứt mẻ và sự cảm thông không còn nữa. Ném một nắm lông vịt vào trong gió, thì làm sao nhặt lại được. Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo cũng không kịp. Bởi đó, hay thận trọng trong lời nói, bởi vì:

– Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Và nhất là chúng ta hãy học cùng thánh cả Giuse bài học yên lặng. Hãy biết yên lặng trong những giây phút căng thẳng và sóng gió, bởi vì nếu biết yên lặng đúng lúc, thì có thể chặn đứng được 90% những đổ vỡ đáng tiếc, vì yên lặng là vàng, là thái độ khôn ngoan nhất của con người và là phương thuốc chữa lành những tội lỗi xấu xa.

Tiếp đến thánh cả Giuse là một con người cần cù lao động.

Phúc Âm cũng không để lại cho chúng ta nhiều chi tiết về vấn đề này. Nhưng chắc chắn ngài là một người thợ siêng năng và nổi tiếng. Thực vậy, khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai, những người cùng quê với Ngài đã ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Ngài và họ đã bàn tán: Bởi đâu Ngài được như thế? Ngài chẳng phải là con bác thợ mộc đó ư? Tại Nagiarét, thánh cả Giuse đã làm việc bằng đôi tay của mình để phục vụ Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Với chúng ta cũng vậy. Lao động và sản xuất đó là những ngôn từ được nghe nói đến rất nhiều và chúng thực sự có một chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống hôm nay. Con người sinh ra để làm việc, như cánh chim sinh ra để tung bay. Nhờ làm việc, con người biến đổi bộ mặt trái đất và đem lại cho cuộc đời một ý nghĩa. Nó là như một thứ muối mặn làm tăng thêm hương vị cho cuộc sống.

Nhưng cụ thể hơn, đó là nhờ làm việc chúng ta mới có được chén cơm manh áo, như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Ai không làm thì không đáng ăn.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn về nàng ve và chị kiến: Nàng ve chỉ biết ca hát suốt cả mùa hè, đến khi mùa đông tới thì liền bị chết đói và chết rét. Trong khi đó, chị kiến cần cù tích trữ từng hột gạo, thì dù gió bấc có thổi cũng không lo sợ bị túng thiếu.

Sự nghèo túng gõ cửa nhà người làm việc, nhưng không bao giờ dám bước vào. Hay như ca dao cũng bảo:

– Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho.

– Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.

Với xã hội, thì lao động là một cách thức chúng ta trả nợ cho đời, đồng thời cũng là một cách thức chúng ta góp phần xây dựng quê hương đất nước. Thực vậy, sống trong xã hội, chúng ta liên hệ mật thiết với nhau và nương tựa vào nhau nhiều lắm. Chẳng hạn hằng ngày chúng ta hưởng dùng đường sữa, xăng dầu…do công lao của người khác, thì bây giờ đến lượt chúng ta phải đóng góp bằng những sản phẩm do công sức lao động của chúng ta đem lại.

Còn đối với Thiên Chúa, thì lao động chính là một cách thức chúng ta cộng tác với Ngài trong cộng cuộc sáng tạo như lời Ngài đã phán: Hãy làm chủ cá biển, chim trời và mọi loài trong vũ trụ.

Sau cùng, thánh cả Giuse là một con người luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Phúc Âm đã kể lại ba lần thiên thần hiện ra trong giấc mộng để báo cho thánh cả biết ý định của Thiên Chúa và lần nào thánh cả cũng đã cúi đầu xin vâng mà không hề phản đối. Lần thứ nhất thánh cả đã xin vâng, đón nhận Maria về nhà làm bạn mình, dù đang phân vân và nghi ngờ. Lần thứ hai thánh cả đã xin vâng đưa Mẹ Maria và Hài nhi Giêsu lên đường trốn sang Ai Cập. Và lần thứ ba thánh cả đã xin vâng trở về Palestine, định cư tại Nagiarét. Cả ba lần, thánh cả đều vâng lời mau mắn, không đặt vấn đề, không hỏi tại sao.

Còn chúng ta thì khác, chúng ta thường tìm ý mình hơn là ý Chúa. Và mỗi khi gặp phải những tai ương hoạn nạn, chúng ta thường kêu trách và xúc phạm đến Chúa, vì chúng ta cho rằng Chúa bất công và vâng lời chỉ là một hành động hèn nhát, mất tự do và chôn vùi nhân phẩm. Vì thế, hãy sống yên lặng, làm việc và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, để chúng ta sẽ trở nên là những tôi tớ trung thành và khôn ngoan như thánh cả Giuse ngày xưa.

-------------------------------
 

19/03-113: Người gia trưởng gương mẫu

 

Truyện Thánh Giuse theo Phúc Âm thì ngắn gọn lắm: Thánh Giuse là chồng của Đức Mẹ, Mẹ 19/03-113


Truyện Thánh Giuse theo Phúc Âm thì ngắn gọn lắm: Thánh Giuse là chồng của Đức Mẹ, Mẹ của Chúa Cứu Thế. Khi Mẹ Maria đã đính hôn với Thánh Giuse thì một hôm, Thiên Thần của Thiên Chúa có tên là Gabriel hiện đến và loan tin rằng Mẹ sẽ thụ thai và hạ sinh Chúa Cứu Thế, Con Thiên Chúa. Chín tháng sau, những điều loan báo đây được thực hiện đầy đủ. Khi Chúa Giêsu sinh ra thì Thánh Giuse trở thành Cha Nuôi, Đấng Bảo Vệ và Thày Dạy của Ngài. Thánh Giuse giữ vai trò là Quản Gia, là Gia Trưởng trong thánh gia thất Nazareth.

Tình yêu và sự trung tín của Ngài đối với gia đình thì mọi người đều biết. Ngài đã sống với bà vợ trẻ. Ngài chấp nhận sự đầu thai và hạ sinh nhiệm lạ. Để bảo vệ Mẹ Maria và Hài Nhi, Ngài đã vội vã và can đảm trốn sang Ai Cập ngay lúc ban đêm. Khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, Ngài dẫn Mẹ Con lên đền thánh. Lúc trở về đã mất liên lạc với Chúa Giêsu và Thánh Cả đã phải vất vả lo lắng tìm kiếm 3 ngày trời. Thời đó không có cảnh sát, không có Internet, không có các phương thế truyền thông như ngày nay… tất cả phải dùng sức lực mà tìm mà kiếm.

Có hai chi tiết trong đời Thánh Cả chúng ta muốn nhắc lại ở đây: Việc mang Con đi trốn và việc đi tìm Con.

Đem Con đi trốn

Thánh Giuse biết được người Con siêu việt này là Con Thiên Chúa nhưng thực tế Ngài lại tỏ ra rất yếu đuối, bất lực. Khi người ta đe doạ sẽ giết chết thì đã không tự động trốn thoát, hay tấn công lại kẻ thù của mình. Trái lại đã cậy dựa vào sự che chở của Thánh Giuse. Lý do để trốn cũng đã đòi hỏi nơi Thánh nhân một niềm tin tuyệt đối vào Lời của Chúa. Dù trước mặt Ngài Chúa Giêsu chỉ là một em nhỏ sơ sinh rất yếu đuối, nhưng Ngài tin tưởng không chút hồ nghi: Đây là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng mà các tiên tri đã loan báo và là Đấng giải thoát Dân Chúa khỏi nô lệ.

Ra đi trong đêm tối: mù mịt không biết tương lai như thế nào. Người Con thần thánh này mới sinh ra đã chạy rồi thì còn cứu ai được? Đi về Ai Cập như là một chuyến đi đày biệt xứ, những gì sẽ xảy ra ở đó, sinh sống làm sao, ở chỗ nào, đâu có thân nhân gì bên đó… Một đêm đen dày đặc trước mặt và Giuse đã can đảm với đức tin như đèn sáng soi, Ngài đã băng mình vào bóng đêm như người con nhỏ sà vào lòng mẹ với trọn niềm tin tưởng.

Những người con Chúa ban cho mỗi gia đình là hồng ân của Chúa. Thông thường chúng ta ghi nhận điều đó vì Chúa phú bẩm vào trái tim chúng ta tình yêu tự nhiên đối với con cái. Nhưng cũng có những lần, những lúc, những trường hợp chúng ta khó nhìn nhận những người con là hồng ân của Thiên Chúa, là phúc lành của Ngài ban cho gia đình. Nhưng các em trở nên gánh nặng cho gia đình và trở nên đối tượng cho những cuộc bắt bớ của tệ đoan xã hội. Có lẽ các bậc phụ huynh còn gặp những cảnh khó khăn hơn mang con trốn trong đêm tối. Nhưng niềm tin mà Thánh Giuse phải nắm giữ chắc chắn lớn hơn vì người Con yếu đuối trước mặt Ngài là Chúa Trời Đất, Chúa của cả bạo chúa Herod. Ngài nêu gương cho ta và khích lệ ta nên vững tin dù trước những hoàn cảnh coi như phải chết đi để giữ vững niềm tin.

Tìm Con đi lạc

Một biến cố cuối cùng mà Thánh Kinh nói đến việc làm của Thánh Cả Giuse đó là việc Ngài, với tư cách là gia trưởng, hướng dẫn Đức Mẹ và Thiếu Niên Giêsu đi lên Đền Thánh dự lễ hội trong dịp Lễ Vượt Qua. Người Con mới lớn được dẫn đi lễ chầu tại trung tâm tôn giáo của Dân Chúa, không biết vì lý do gì đã không đi chung với Cha Mẹ. Trên chuyến đi trở về Nazareth, sau khi đi được một ngày đường Cha Mẹ mới khám phá ra Chúa Giêsu không đi với ai nên Ông Bà đã phải tất tưởi trở lại Thành Thánh để tìm người Con mà Thiên Chúa đã trao phó cho Ông Bà.

Không biết ai sẽ chịu trách nhiệm về việc đi lạc này nhưng chắc chắn Thánh Giuse và Đức Mẹ đã phải đau khổ rất nhiều khi lạc mất người Con quí trọng này. Mặc dù tin nhận Con mình là Thiên Chúa nhưng Thánh Giuse và Đức Mẹ đã dồn hết nỗ lực để đi tìm, đi kiếm… Sau ba ngày mới thấy con. Trong những ngày sầu khổ đó chắc hẳn đức tin của Thánh Giuse bị thử thách rất nhiều.

Trong câu truyện này chúng ta thấy một sự rất gần gũi giữa hoàn cảnh của Thánh Gia và của các gia đình chúng ta ngày nay. Vấn đề con cái đã là vấn đề lớn chi phối các gia đình. Chúng ta nên làm gì? Hãy bắt chước Thánh Giuse: Đi tìm. Tìm con trong mọi góc xó, mọi nẻo đường, mọi cơ hội. Tìm để gặp con trong lối suy tư, trong ý định tuổi trẻ của chúng. Tìm gặp con nơi học đường, trong chúng bạn, trong các sinh hoạt hàng ngày hay trong những biến cố ngoại thường. Có lẽ nhiều cha mẹ đã lạc con ngay trong học đường, không biết con học gì, nhà trường ra sao, các thầy cô như thế nào, chương trình học có gì trở ngại cho con em không? Hay nhiều cha mẹ đã lạc con trong lũ bạn bè vô danh vì cha mẹ chẳng biết con chơi với ai, chơi ở đâu, lúc nào.

Muốn đi tìm thì phải hy sinh, phải quên mình, bỏ ăn, bỏ ngủ như Thánh Giuse và Đức Mẹ. Kiên nhẫn và không đầu hàng. Các Ngài lạc mất một ngày mà phải tìm đến ba ngày. Chúng ta tìm con để gặp được các em có lẽ không phải ba ngày nhưng là một cuộc tìm kiếm trường kỳ. Sau cùng chắc chắn những cha mẹ tìm con cái sẽ gặp.

Cha Mẹ không biết việc của con sao? Làm sao Cha Mẹ biết được. Con là một Mầu Nhiệm đối với Cha Mẹ. Cả đời Cha Mẹ là một cuộc tìm kiếm không ngừng đề gặp Con. Chúng ta cũng có thể nói được như vậy đối với những người con mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Nguyện xin Thánh Cả Giuse giúp chúng ta theo gương Ngài thực hiện việc phục vụ trong gia đình, cố gắng để mang con đi trốn, và nhất là đi tìm con.

-------------------------------
 

19/03-114: Ngày 19 Tháng 3: Thánh Giuse


-- NguoiTinHuu.com
 

Phúc Âm đã ca ngợi Thánh Giuse là người "công chính". Ý nghĩa của chữ "công chính" rất sâu 19/03-114


Phúc Âm đã ca ngợi Thánh Giuse là người "công chính". Ý nghĩa của chữ "công chính" rất sâu xa.

Khi Phúc Âm nói Thiên Chúa "công chính hóa" người nào, điều đó có nghĩa Thiên Chúa, là Ðấng cực thánh và "chính trực", biến đổi người đó bằng cách cho họ được chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa, và bởi đó họ đáng được Thiên Chúa yêu mến.

Khi nói Thánh Giuse "công chính", Phúc Âm muốn nói rằng ngài hoàn toàn mở lòng cho tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho ngài. Ngài trở nên thánh thiện vì tự mở lòng cho Thiên Chúa.

Với những gì còn lại chúng ta dễ phỏng đoán. Hãy suy nghĩ về tình yêu mà ngài đã theo đuổi và dành được con tim của Ðức Maria, và sự sâu xa của tình yêu mà hai người đã chia sẻ cho nhau trong cuộc hôn nhân.

Khi Thánh Giuse quyết định từ bỏ Ðức Maria khi thấy người có thai, điều này không trái với sự thánh thiện của Thánh Giuse. Phúc Âm có ghi lại một chữ quan trọng là ngài dự định thi hành việc này "cách âm thầm" vì ngài là "một người chính trực, nhưng không muốn tố giác bà để bị xấu hổ" (Mátthêu 1:19).

Người công chính thì đơn sơ, vui vẻ, hết lòng vâng lời Thiên Chúa - khi kết hôn với Ðức Maria, khi đặt tên cho Hài Nhi Giêsu, khi săn sóc gia thất ở Ai Cập, khi đem gia thất về lại Nagiarét, khi sống âm thầm trong bao năm trường với đức tin và dũng cảm.

Vì Thánh Giuse không xuất hiện trong cuộc đời rao giảng công khai của Ðức Giêsu, nhiều sử gia tin rằng có lẽ Thánh Giuse đã từ trần trước khi Ðức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng.

Thánh Giuse là quan thầy của những người hấp hối, vì người ta cho rằng khi ngài từ trần có Ðức Giêsu và Ðức Maria ở bên cạnh, đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong ước khi từ giã cõi đời.

Thánh Giuse còn là quan thầy của Giáo Hội hoàn vũ, của các người làm cha, các thợ mộc, và vấn đề công bằng xã hội.

Lời Bàn

Phúc Âm không nói gì nhiều về Thánh Giuse trong những năm sau khi trở về Nagiarét, ngoại trừ biến cố tìm thấy Ðức Giêsu trong Ðền Thờ (xem Luca 2:41-51). Ðiều này có thể hiểu Thiên Chúa muốn chúng ta biết rằng thánh gia cũng giống như mọi gia đình khác, những biến cố xảy ra cho thánh gia cũng xảy ra cho bất cứ gia đình nào, bởi đó khi bản tính bí ẩn của Ðức Giêsu bắt đầu lộ diện thì mọi người đều không tin là Ngài có thể xuất thân từ gia đình đó: "Ông ấy không phải là con bác thợ mộc hay sao? Mẹ của ông ấy không phải là bà Maria sao...?" (Mt 13:55a). Và "Có gì hay ho xuất phát từ Nagiarét?" (Gioan 1:46b).

Lời Trích

"Thánh Giuse được Cha trên trời chọn để làm người bảo vệ đáng tin cậy, che chở những kho báu của Ngài, đó là Chúa Con và Ðức Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse. Người đã thi hành nhiệm vụ này với sự trung tín cho đến khi Thiên Chúa gọi người, và nói: 'Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng niềm vui của Thiên Chúa ngươi'" (Thánh Bernadine ở Siena viết về Thánh Giuse).

-------------------------------
 

19/03-115: Thánh Giuse 19-3


--Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Khi tỉnh dậy Giuse đã thực hiện như lời Sứ thần truyền, ông tiếp nhận bạn mình nhưng không ăn ở cho đến khi bà sinh con trai đầu lòng thì ông đặt tên con trẻ là Giêsu”
 

Đính hôn hay thành hôn? Đây là Đính Hôn nhưng theo luật Do Thái trong thời gian chờ đợi rước 19/03-115


1/ Đính hôn hay thành hôn? Đây là Đính Hôn nhưng theo luật Do Thái trong thời gian chờ đợi rước dâu 6 tháng hay hơn nữa hai người có quyền “ăn ở” với nhau nếu có thai thì đứa con được pháp luật công nhận. Cho nên Đính Hôn của Do Thái kể như Thành Hôn của Việt Nam nhưng chưa về chung sống với nhau ngay.

2/ Ông Giuse là người công chính. Công chính theo truyền thống Do Thái là tuân thủ lề luật. Ông Giuse có quyền “kêu oan” và Đức Maria sẽ bị kết án nhưng Giuse được chọn làm Cha Nuôi Chúa Cứu Thế nên đã giữ Đức Công Bình và Bác Ái của Tân Ước hơn là công bình của Cựu Ước: Không tố cáo vu vơ không bằng chứng, không làm thiệt hại cho ai, luôn tôn trọng mạng sống người vô tội… nên đã chọn giải pháp “im lặng” cứ để Đức Maria ở bên ngoại…

3/ Chúa đã ra tay giải quyết… và Giuse đã tuyệt đối vâng lời như Đức Mẹ đã “xin vâng”.

4/ Giêsu chính là tên sứ thần đã báo trước cho Đức Maria… Thánh Giuse đặt tên con trẻ là chính thức nhận con mình.

Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa Cứu Độ, tức là Chúa Cứu Thế.

5/ Thánh Matthêu trích dẫn bản 70 đoạn Is 7, 14 có ý chứng minh Đức Mẹ Đồng Trinh…

6/ Hai kiểu nói cần hiểu chính xác:

– Sinh con Đầu Lòng… không có nghĩa là còn con khác nữa… mà nhắc tới luật trong sách Xuất Hành: Con Trai Đầu Lòng thì thuộc về Thiên Chúa.

– Không ăn ở “cho đến khi bà sinh con” kiểu nói xác định khoảng thời gian đó, không được quả quyết gì sau đó. Cho tới khi bà sinh con, không đương nhiên là sau đó thì ông bà ăn ở với nhau.

Trường hợp bà Michal vợ vua Đavit, bị Chúa phạt: “không có con cho đến chết”… không có nghĩa là sau khi chết bà sẽ sinh con (2Sm 6, 23).

Xin cho chúng con học gương công chính và vâng lời của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Amen.

“Xin vâng, Mẹ dậy con hai tiếng xin vâng, hôm qua hôm nay và ngày mai…” (Mi Trầm).

-------------------------------
 

19/03-116: “Sau 3 ngày ông bà mới tìm thấy con trong Đền thờ…”

 

Công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được chuẩn bị từ rất xa… Các tiên tri trong Cựu Ước đã 19/03-116


1/ Công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được chuẩn bị từ rất xa… Các tiên tri trong Cựu Ước đã dọn đường bằng cách báo trước những biến cố xẩy ra trong chương trình cứu chuộc mà Đức Kitô thực hiện… từ nơi Chúa sinh ra: Belem… tới nơi Chúa chịu chết: Giêrusalem. Tất cả đều khớp với nhau, không sai một ly. Các thánh kí dùng kiểu nói: “để ứng nghiệm lời tiên tri đã báo…”.

2/ Sự việc Đức Mẹ và thánh Giuse lạc mất Chúa 3 ngày tại Giêrusalem, trùng khớp và báo trước cái chết và mai táng Chúa 3 ngày trong mồ tại Giêrusalem:

– Cũng dịp lễ Vượt Qua.
– Cũng tại Giêrusalem.
– Cũng 3 ngày không thấy Chúa.
– Cũng những khổ đau, lo lắng, sầu não… của người mẹ mất con.

3/ Chúa muốn cho Đức Mẹ và Thánh Giuse trải nghiệm trước cuộc khổ nạn của Chúa. Các ngài là những người cộng tác mật thiết vào công trình cứu chuộc của Chúa.

Nguyện xin Thánh cả Giuse quyền cao sang, rầy đang no đầy ơn phúc trên Thiên đàng, cứu giúp chúng con thế trần lầm than, ngày đêm mong về nơi yên vui phúc nhàn.

-------------------------------
 

19/03-117: Thánh Giuse đón nhận mầu nhiệm


--Minh An, http://danvienphuocly.com/

(Mt 1,16.18-21.24)
 

Kitô giáo thường hay nói đến các mầu nhiệm như: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai 19/03-117


Kitô giáo thường hay nói đến các mầu nhiệm như: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể, mầu nhiệm Đức Trinh Nữ sinh con mà vẫn đồng trinh... Mầu nhiệm là điều gì đó cao siêu, khó hiểu, là điều kín đáo chưa được nói cho biết, và nhiều khi nói ra thì ngay cả điều đó cũng vượt tầm hiểu biết của con người, khiến con người không thể nắm bắt được một cách rõ ràng và tường tận.

Hôm nay, Giáo hội cho chúng ta mừng kính trọng thể thánh cả Giuse, người có tước hiệu “Đấng công chính”. Thánh Giuse đã trở nên công chính vì biết vâng phục ý Chúa và biết sống theo lời dạy của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Cho dù, những sự kiện xảy ra trong cuộc sống đầy oái ăm, bí nhiệm nhưng thánh Giuse vẫn vâng theo ý Chúa, để chương trình cứu độ của Ngài được thành tòan.

Thật vậy, bài Tin Mừng ngày mừng lễ thánh Giuse được trích từ Phúc âm thánh Matthêu (Mt 1,16.18-21.24), đã minh chứng cho chúng ta biết rõ về sự công chính của thánh Giuse trong việc vâng phục Thiên Chúa, qua mầu nhiệm mà ông rất khó hiểu, mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể đúng là vượt tầm hiểu biết của con người như thánh nhân, nhưng Giuse vẫn đáp tiếng xin vâng để đón nhận.

Đúng thế, điều khó hiểu trước tiên cho Giuse có lẽ là việc Maria mang thai. Maria được xem là „người vợ“ dịu hiền, đầy nhân đức thánh thiện như thế, nhưng tại sao lại mang thai khi mà Giuse “chưa ăn ở” với cô? Suy đi, nghĩ lại và có khi cảm thấy đớn đau trong lòng, nhưng vẫn chưa có lời đáp cho thỏa đáng…nên Giuse quyết tâm “bỏ của chạy lấy người” một cách kín đáo, âm thầm để không bị ảnh hưởng đến đời sống của cả hai người. Đó có thể là suy tính mang yếu tố rất con người nơi thánh Giuse: “…ông Giuse chồng bà Maria là người công chính và ông không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Thực ra, một số nhà chú giải không cho rằng, Giuse “bỏ của chạy lấy người”, nhưng ông thấy mầu nhiệm quá cao siêu nên không dám đón nhận, không dám cạnh tranh với Thiên Chúa của ông.

Băn khoăn, lo lắng… là dấu chỉ của một con người đầy bất an. Giuse không an lòng lắm với “mầu nhiệm” cực kỳ khó hiểu này! Nhưng Giuse là người công chính, không muốn tố giác sự việc này, nên đành âm thầm “đào tẩu”. Có lẽ trong trái tim của Giuse lúc này đã trào tràn tình yêu vô hạn, nhưng cũng chứa chan mùi vị đắng cay, khổ đau. Ông yêu thương Maria mà không cần đến luật pháp can dự; nếu ông tố giác Maria về tội “ngoại tình” thì luật pháp sẽ xử cô cho đến chết (bị ném đá cho đến chết). Đúng là chỉ có tình yêu mới can dự vào ý muốn của Giuse, ông thà chịu đựng trong âm thầm hơn là nhìn thấy cảnh tượng người vợ của mình bị ném đá cho đến chết. Ông đã đưa ra quyết định “đào tẩu” khỏi Maria một cách rất kín đáo, để cô được an toàn.

Thánh ý của Thiên Chúa thật nhiệm mầu, khi đã làm cho Đức Maria thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, thì cũng phải làm cho Giuse khai thông về mầu nhiệm khó hiểu này nữa. Người đã hiểu thấu tâm trạng “khó xử” của Giuse và đã khai lòng mở trí qua giấc mộng cho ông, để ông tạm hiểu và chấp nhận “mầu nhiệm khó hiểu” đó: “Này Giuse, con cháu Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).

Khi Giuse đã được “khai thông bế tắc” mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng của vợ mình, ông đã đón nhận với tâm tình tôn kính, vâng phục Thiên Chúa: „Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1,24a). Như thế, nhờ sự vâng phục, Giuse đã cho nhân loại thấy được giá trị Thiên Chúa “cứu” qua con người nhỏ bé Giêsu mà chính ông là người hướng dẫn, nuôi nấng và bảo vệ trong gia đình Nazareth.

Quả thật, vâng phục là thái độ mau mắn đáp lời của Thiên Chúa. Giuse đã vâng phục Thiên Chúa, nên ý định của Thiên Chúa được thành toàn và Giuse đã đóng góp phần mình rất lớn vào chương trình cứu độ này. Nếu chúng ta gọi Đức Maria với tước hiệu “Mẹ Đấng cứu chuộc”, chúng ta cũng có thể gọi thánh Giuse là “cha nuôi của Đấng cứu chuộc” thì chẳng có gì là sai trái cả. Ngài đáng được đón nhận tước hiệu như thế, vì ngài cũng đã tham gia vào sứ vụ cứu chuộc của Con Thiên Chúa.

Vâng phục một cách đơn sơ và mau mắn là thái độ của Giuse, để mầu nhiệm Nhập Thể được thành toàn. Nếu hôm nay, Chúa nói với chúng ta những sứ điệp Người mong muốn qua giấc mộng, qua bao con đường khác, rất riêng tư, mà chỉ mình ta cảm nhận được… nếu chúng ta cũng mau mắn đáp tiếng “xin vâng” như Giuse, chắc chắn chúng ta cũng sẽ đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa đối với thế giới này.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở rộng cõi lòng, để chúng con đón nhận mầu nhiệm Chúa Nhập Thể mỗi ngày qua Bí Tích Thánh Thể như chính thánh Giuse xưa đã đáp tiếng “xin vâng” để đón nhận Thiên Chúa nhập thể vào thế giới. Amen.

-------------------------------
 

19/03-118: Sự công chính của Thánh Giuse


--Lm Giuse Nguyễn An Khang

Chúa nhật IV Mùa Vọng Năm A--Mátthêu 1, 18-25
 

Chúa nhật hôm nay, trước lễ giáng sinh, Giáo hội đề nghị chúng ta nghe “loan báo việc sinh Đức 19/03-118


Chúa nhật hôm nay, trước lễ giáng sinh, Giáo hội đề nghị chúng ta nghe “loan báo việc sinh Đức Giêsu cho Giuse”.

Mátthêu viết: “Mẹ Người là bà Maria đã đính hôn với Giuse” Đính hôn hay thành hôn có nghĩa là “đến với, phối hợp với một người nào đó,” chỉ việc chung sống vợ chồng. Cô thiếu nữ Dothái được đính hôn vào khoảng tuổi 12, thoát khỏi quyền giám hộ của người cha để ở dưới quyền giám hộ của người chồng vào lúc 13-14 tuổi. Theo phong tục và hôn nhân của người Dothái, đính hôn đã là thành vợ chồng trước pháp luật, nhưng việc rước dâu thường cách xa lễ đính hôn, có khi cả năm trời. Thường thì hai người không chung sống trước khi rước dâu, nhưng giả thiết có con với nhau trong giai đoạn này, đứa con vẫn là con hợp pháp.

Maria đã đính hôn với Giuse, nghĩa là cả hai như các cặp hôn nhân khác, có dự tính thành vợ chồng. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Người ta đặt câu hỏi: Ông Giuse có biết việc Đức Maria thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần, trước khi Thiên thần báo tin không? Sự công chính của Giuse ở chỗ nào?

Theo nhiều nhà chú giải, Giuse công chính không theo nghĩa vâng lời lề luật. Vì chẳng có luật nào buộc phải ly dị người mới đính hôn (Đnl 22,13-21; 23-27), luật chỉ dạy ly dị khi hôn nhân đã hoàn hợp (Đnl 24,1). Đàng khác âm thầm ly dị, Giuse lại càng bất tuân lề luật. Vì chứng thư ly dị chỉ có giá trị pháp lý, khi mang tính cách chính thức công khai. Vả lại, ly dị âm thầm như thế không thể giữ bí mật được lâu, trong một ngôi làng nhỏ bé như Nadarét. Đàng khác, nếu Giuse coi Maria vô tội, ta không thể hiểu được tại sao ông lại nghĩ đến chuyện ly dị bà, vì pháp luật đâu cho phép. Xét như là hôn phu, ông có bổn phận bảo vệ hôn thê vô tội, chống lại mọi nghi ngờ vô bằng cứ của kẻ khác.

Hơn nữa, trong Tin mừng của Mátthêu, chỉ duy nhất Giuse được gọi là công chính, tựa như Abel người công chính. Abel công chính không phải theo luật, vì lề luật chỉ được công bố với Maisen, nhưng vì kính sợ Thiên Chúa. Vì thế, không thể cắt nghĩa đức công chính của Giuse “ theo luật” được, nhưng công chính vì kính sợ Thiên Chúa.

Nhiều nhà chú giải cho rằng: Trước khi Thiên sứ loan báo, Giuse đã biết Maria có thai bởi quyền năng Thánh Thần, có thể do chính Maria tiết lộ, tâm sự với người mình đính hôn, hay đúng hơn mẹ của Maria, theo tập quán Đông phương. Vì thế, điều làm cho Giuse băn khoăn, không phải vì tiết hạnh của Maria, song là sự thụ thai huyền nhiệm của nàng. Trước mầu nhiệm ấy, Giuse nghĩ: Ông không có quyền đem về nhà một kẻ, Đức Giavê đã dành riêng cho Người, ông không có quyền làm cha đứa con không phải là của ông. Ông nhận ra quyền làm Cha của Trẻ này là chính Thiên Chúa, còn ông, không được coi như cha của đứa con đó.

Thật thiêng thánh! Trước mầu nhiệm ấy, Giuse muốn rút lui và cẩn thận không muốn tiết lộ mầu nhiệm thiên linh ấy nơi Maria (Theo Origène và Eusèbe, từ “deigmatisai” = tiết lộ, không bao hàm ý nghĩa xấu: tố giác, bêu nhục như từ Paradeigmatisai; Touon cũng dịch là tiết lộ, bầy tỏ). Giuse phản ứng như hết thảy mọi kẻ công chính trong Kinh thánh, trước việc Thiên Chúa can thiệp vào đời họ: như Maisen cởi giầy trước bụi gai rực cháy, như Isaia khiếp đảm trước việc xuất hiện của vị Thiên Chúa ba lần thánh (Is 6,3-4), như Êlisabét hỏi tại sao mình được Mẹ Thiên Chúa đến thăm (Lc 1,39-45), như Phêrô cúi mình thưa: “Lạy Chúa, xin hãy xa con vì con là kẻ tội lỗi. “ Tuy nhiên, “đang khi Giuse toan tính lìa bỏ Maria, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về. “ Giuse kính sợ Thiên Chúa, không phải vì lề luật.

-------------------------------
 

19/03-119: Tìm hiểu về lễ Thánh Giuse 19/3 “Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria”


-- Lm. Phan Tấn Thành, O.P
 

Lần đầu tiên tên Thánh Giuse được nhắc đến vào ngày 19/3 là một cuốn “Tử đạo thư” (martyrologium19/03-119


Lần đầu tiên tên Thánh Giuse được nhắc đến vào ngày 19/3 là một cuốn “Tử đạo thư” (martyrologium: nêu danh tánh của các thánh nhân dịp kỷ niệm ngày qua đời của các đấng) thế kỷ VIII của một đan viện Biển-đức ở Rheinau (thuộc tổng Zurigô, Thụy sĩ). Vào thế kỷ IX, một đan viện khác cũng thuộc dòng Biển-đức ở Reichenau (miền nam nước Đức) tưởng nhớ người vào ngày 19/3, và cũng có thể là nơi xuất phát phong trào phổ biến lòng tôn kính thánh nhân. “Tử đạo thư” thế kỷ X của Fulda đã đặt tiêu đề ngày 19/3 là: “Tại Bêlem, Thánh Giuse, Đấng dưỡng nuôi Chúa” (In Bethleem, sancti Joseph, nutritoris Domini).

Thanh Giuse

Giáo Hội nhìn nhận tầm quan trọng của Thánh Giuse không chỉ qua những tuyên ngôn, những văn kiện, nhưng nhất là qua những việc tôn kính đạo đức. Trong chương hai, chúng tôi đã nói qua sự phát triển của lòng sùng kính Thánh Giuse trải qua các thế kỷ. Trong mục này, chúng ta hãy tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của vài hình thức cụ thể, được xếp vào hai loại chính:

Những hình thức phụng vụ, theo lịch phổ quát và địa phương: lễ kính Thánh Giuse ngày 19/3 (bài lễ; kinh tiền tụng và phụng vụ giờ kinh); lễ ngoại lịch kính Thánh Giuse; lễ Thánh gia; lễ Thánh Giuse lao động; lễ kính cuộc kết hôn; lễ kính Thánh Giuse bảo trợ Hội Thánh; tưởng nhớ việc trốn sang Ai-cập.

Những việc đạo đức dân gian:

a) các kinh nguyện: kinh cầu Thánh Giuse; bảy sự vui buồn;

b) các thời điểm: thứ Tư hàng tuần, tháng 3 dương lịch.

Ngày lễ chính: 19 tháng Ba

Như đã nói trong chương 2, bên Đông phương, nghi điển Byzantin kính nhớ Thánh Giuse chung với các thánh tổ phụ vào mùa Giáng Sinh; riêng nghi điển Coptô (bên Ai cập) mừng vào ngày 26 tháng Abib. Bên Tây phương ngày lễ chính được cử hành vào ngày 19 tháng ba, với một tiến trình lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ.

Lần đầu tiên tên Thánh Giuse được nhắc đến vào ngày 19/3 là một cuốn “Tử đạo thư” (martyrologium: nêu danh tánh của các thánh nhân dịp kỷ niệm ngày qua đời của các đấng) thế kỷ VIII của một đan viện Biển-đức ở Rheinau (thuộc tổng Zurigô, Thụy sĩ). Vào thế kỷ IX, một đan viện khác cũng thuộc dòng Biển-đức ở Reichenau (miền nam nước Đức) tưởng nhớ người vào ngày 19/3, và cũng có thể là nơi xuất phát phong trào phổ biến lòng tôn kính thánh nhân. “Tử đạo thư” thế kỷ X của Fulda đã đặt tiêu đề ngày 19/3 là: “Tại Bêlem, Thánh Giuse, Đấng dưỡng nuôi Chúa” (In Bethleem, sancti Joseph, nutritoris Domini).

Người ta không rõ nguồn gốc mối liên hệ giữa ngày 19/3 với Thánh Giuse. Một giả thuyết cho rằng trước kia đã có lễ Thánh Giuse Antiokia vào ngày 20/3 trong nhiều “tử đạo thư”. Có thể do sự trùng tên cho nên lịch đã ghi Thánh Giuse hôn phu của Đức Maria vào cùng ngày hoặc vào ngày hôm trước. Một giả thuyết nữa cho rằng thời xưa tại Rôma, ngày 19/3 là lễ của các người thợ tôn kính nữ thần Minerva; vì thế nó được thay thế bằng lễ kính Thánh Giuse là một người thợ xem ra dễ hiểu. Tiếc rằng chưa có đủ bằng chứng lịch sử về lễ kính Thánh Giuse thợ vào các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Dù nguồn gốc như thế nào đi nữa, việc mừng lễ Thánh Giuse vào ngày 19/3 đã được thành hình từ đầu thiên niên kỷ thứ hai.

Vào khoảng năm 1030, một đan viện dòng Biển-đức tại Winchester đã cử hành lễ Thánh Giuse. Cũng trong thế kỷ này, dòng Cát-minh từ thánh địa trở về châu Âu đã góp phần vào việc quảng bá lòng sùng kính.

Vào năm 1129 các đan sĩ Biển-đức thuộc đan viện Thánh Hêlena đã cất một nhà thờ dâng kính Thánh Giuse ở Borgo Galliera (thành phố Bologna, Italia). Có thể nói được đây là trung tâm phổ biến lòng sùng kính thánh nhân sang các nơi khác. Cũng tại nơi đây, tên Thánh Giuse, vốn đã trở thành quen thuộc bên Đông phương, bắt đầu được đặt cho các trẻ em khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Có lẽ lòng đạo đức sơ khởi kính Thánh Giuse trong dòng Phan-sinh bắt nguồn do ảnh hưởng của cuộc tiếp xúc với Bologna.

Sang thế kỷ XIII, chúng ta tìm thấy những bản văn được soạn để mừng lễ. Tại Liège có môït lời nguyện riêng cho Thánh Giuse. Đan viện Biển-đức Thánh Lorensô tại thành phố đó đã có toàn bộ kinh nguyện, với cung hát, để tôn kính người. Đan viện Thánh Florianô ở nước Áo có một quyển sách lễ với một bài lễ kính Thánh Giuse, và một bài lễ khác kêu cầu những công nghiệp của người “chống lại sự phỉ báng của phường tội lỗi”.

Trong thế kỷ XIII, các tu sĩ dòng Phan-sinh đã tự động mừng lễ Thánh Giuse, và một “tử đạo thư” đã xếp ngày 19/3 như là ngày lễ duplex maior trong khi một quyển trước đó chỉ mừng với cấp duplex minor. Tại Pháp, nhà thờ Phan-sinh ở Toulouse có một nhà nguyện tôn kính Thánh Giuse từ năm 1222, và vào ngày 7/7/1275 một nhà thờ kế cận tu viện Phan-sinh ở Bourbonnais miền Champagne đã được cung hiến long trọng với thánh hiệu này.

Những cuộc thập tự chinh cũng là cơ hội để mang những di tích thánh từ thánh địa về châu Âu, ví dụ như cây gậy của Thánh Giuse, và chiếc nhẫn đính hôn người trao tặng Đức Maria.Vào năm 1254, một nhà nguyện được xây cất trong nhà thờ Thánh Lôrensô ở Joinville-sur-Marne (Pháp) để tôn kính dây thắt lưng và nơi đây đã trở thành trung tâm hành hương. Có lẽ tại những nhà nguyện được cất lên để tôn kính Thánh Giuse, lễ mừng kính người được cử hành vào tháng ba.

Vào ngày 1/5/1324, dòng Tôi Tớ Đức Mẹ trở thành dòng tiên khởi tuyên bố tại tổng hội rằng các thành viên của dòng phải cử hành trong tất cả nhà thờ của họ lễ Thánh Giuse được ấn định mừng vào ngày 15/3. Các tu sĩ dòng Tôi Tớ Đức Mẹ đã làm chủ nhà thờ Thánh Giuse ở Bologna kể từ năm 1301, và họ đã phổ biến việc cử hành lễ này. Tổng hội dòng Phan sinh vào năm 1399 cũng đã thiết lập lễ Thánh Giuse với chín bài đọc trong giờ kinh phụng vụ và một Thánh lễ sử dụng phần chung của các thánh “hiển tu” (Commune confessorum), đồng thời quyết định rằng lễ này phải được cử hành vĩnh viễn trong toàn Dòng. Tuy nhiên, không rõ các quyết nghị này có ảnh hưởng đến đâu.

Tại Agrigento (nam Italia), nơi có các tu viện của dòng Phan-sinh, Đa-minh, Cát-minh, vào thế kỷ XIV đã lưu hành “Kinh nguyện kính thánh cả Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Officium Santissimi Joseph nutricii et patris adoptivi Domini nostri Jesu Christi). Trong phần điệp ca của kinh Magnificat, người được gọi là “dòng dõi ưu tuyển của Bêlem, được giải thoát khỏi mọi vết nhơ tội lỗi” (O proles almifica de Bethleem electa, gemma nimis ardua, ab omni labe erepta).

Những chi tiết vừa rồi nhằm trình bày nguồn gốc của việc mừng kính lễ trong tháng Ba cùng với việc phát triển ở phương Tây. Sang thế kỷ XV, ngày lễ mới bắt đầu được phổ biến hơn. Tại công đồng Constance (1414-1418) các nghị phụ đã nghe Cha Jean Gerson thuyết minh về lời bầu cử đầy quyền năng của Thánh Giuse, Đấng đã sai khiến hài nhi Giêsu và Đấng có thể được kêu cầu cách hiệu nghiệm để chấm dứt nạn ly giáo đang gây đau khổ cho Hội Thánh. Cha Gerson đã xin công đồng xem xét và phong ban cho Thánh Giuse một danh dự lớn lao hơn. Tuy nhiên, xem ra ảnh hưởng của dòng Phan-sinh trong thế kỷ này mới thực là nhân tố chính cho việc bành trướng ngày lễ.

Các tu sĩ dòng Phan-sinh như Thánh Bernardinô Siena (+1414) không chỉ giảng về Thánh Giuse mà còn phân phát lược đồ các bài giảng nữa. Tu sĩ Bernardinô Feltre đã thiết lập ở khắp nước Ý những quỹ tín dụng (cho vay không lãi) mang tên là “những ngọn núi đạo đức” (Monte di pietà) đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse. Năm 1461 ở Salamanca, tổng hội dòng Phan-sinh (nhánh nhiệm nhặt) đã ấn định ngày lễ vào 19/3. Năm 1471, một người bạn của Cha Bernardinô Feltre và là nguyên Bề trên tồng quyền của dòng Phan sinh đắc cử giáo hoàng, đó là đức Sixtô IV. Vào tháng mười một năm 1480, người cho phép dòng Phan-sinh được cử hành mừng lễ bậc duplex maior ngang hàng với các lễ Hiển Linh, Truyền Tin, và Phục Sinh. Mặc dầu là đặc ân được ban cấp cho một dòng tu, nhưng sự phê chuẩn công khai của đức thánh cha đã mở đường cho việc bành trướng lễ rộng rãi hơn. Nhiều ấn bản của Sách lễ Roma và Sách nguyện, chẳng hạn như những quyển do tu sĩ Philipphê Rotingo ở Venise xuất bản năm 1481, đã sắp xếp ngày lễ với bậc duplex maior với bài đọc riêng. Người ta cho rằng đức Sixtô IV đã mở rộng lễ này ra khắp Hội Thánh với cấp simplex, mặc dầu chưa có tính cách bó buộc. Một ấn bản Sách lễ Roma tại Venise do Giovanni Sessa in vào năm 1497 đăng lịch của dòng Phan-sinh với ngày lễ này và những bản văn riêng mà Sách Lễ của đức Piô V sẽ sử dụng.

Qua thế kỷ XVI, người ta thấy sự bành trướng của việc cử hành lễ 19/3 trong các giáo phận và các dòng tu, với việc ghi tên trong các lịch phụng vụ cùng với việc xuất bản những bản văn dùng trong các Sách lễ và Sách nguyện. Việc cải tổ Phụng vụ sau công đồng Trentô đã thiết lập sự thống nhất các sách phụng vụ trong toàn thể nghi lễ Latinh. Khi đức Piô V cho xuất bản Sách nguyện (năm 1568) và Sách lễ Roma (năm 1570), ngày 19/3 được dành kính “Thánh Giuse hiển tu” ở bậc duplex. Nói chung, những lời nguyện được trích từ bài lễ của các vị thánh khác (Thánh Matthêu và Thánh Tôma). Tuy nhiên, trong thế kỷ này, nhiều thánh thi và lời nguyện được sáng tác và sử dụng trong các lịch riêng, kể cả sau cuộc canh tân của đức Piô V.

Theo lời yêu cầu của nhiều quốc gia và đoàn thể , đức Grêgôriô XV tuyên bố lễ Thánh Giuse là ngày lễ buộc trong toàn thể Giáo Hội (ngày 8/5/1621). Ngày 6/12/1670, đức Clêmentê X nâng lên bậc duplex secundae classis, và soạn ba bài thánh thi cho giờ kinh phụng vụ (kinh Chiều: Te Ioseph celebrent; kinh Sách: Caelitum, Ioseph, decus; kinh Sáng: Iste, quem laeti).

Ngày 4/2/1714, đức Clêmentê XI phê chuẩn những bản văn riêng cho ngày lễ 19/3, bao gồm những thánh thi đã được đức Clêmentê X chứng nhận. Ngày 8/12/1870 đức Piô IX công bố Thánh Giuse là bảo trợ của Hội Thánh và nâng lễ Thánh Giuse lên bậc duplex primae classsis.

Trong thông điệp Quamquam Pluries năm 1889, đức Lêô XIII ước muốn rằng tại những nơi nào mà ngày 19/3 không phải là lễ buộc thì cũng nên được tuân giữ với lòng đạo đức và lòng nhiệt thành như ngày lễ buộc.

Năm 1911 đức Piô X dời ngày lễ vào Chúa nhật sau ngày 18/3 như để giảm bớt số lượng ngày lễ buộc trong tuần. Tuy nhiên, chỉ sau ba tuần lễ, do những cuộc tranh luận về phụng vụ mùa Chay, lễ Thánh Giuse được mừng trở lại vào ngày 19/3 ở bậc duplex primae classsis, nhưng không phải là lễ buộc, với tiêu đề mới “Lễ Trọng Kính Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, Hiển Tu” (Commemoratio Sollemnis S.Ioseph, Sponsi B.M.V. Confessoris). Với việc cải tổ phụng vụ năm 1913, ngày lễ được giảm xuống bậc duplex secundae classis.

Khi đức Bênêđitô XV ban hành bộ Giáo luật năm 1917, điều khoản 1247 một lần nữa ấn định lễ Thánh Giuse là ngày lễ buộc trong toàn thể Hội Thánh. Hậu quả là vài tháng sau, lễ phụng vụ được nâng lên bậc duplex primae classsis. Trong bộ Giáo luật 1983, lễ Thánh Giuse là một trong mười ngày lễ buộc của Hội Thánh hoàn vũ, tuy hội đồng giám mục địa phương có thể xin loại bỏ các ngày đó.

Năm 1956 một quyết định quan trọng theo sau việc thiết lập lễ Thánh Giuse Lao Động là huỷ bỏ lễ Thánh Giuse Bảo Trợ được cử hành vào ngày thứ Tư trong tuần thứ ba sau lễ Phục Sinh. Sắc lệnh này đã nối kết tiêu đề của lễ trọng này: “Bảo trợ Hội Thánh hoàn vũ” vào ngày lễ chính của Thánh Giuse 19/3.

Năm 1969 trong lịch phụng vụ canh tân do đức Phaolô VI ban hành, ngày 19/3 được xếp vào hàng lễ trọng và mang tiêu đề “Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria” (S.Ioseph, Sponsi B.M.V.). Với sự thay đổi này, không chỉ ngày lễ mà cả tiêu đề “bảo trợ Hội Thánh hoàn vũ” cũng bị loại bỏ.

Bản văn Thánh lễ ngày 19/3

Sách Bài đọc ban hành năm 1969 ấn định ba bài đọc như sau: 2 Sm 7,4.12-14a.16 (đức Mêsia dòng dõi vua Đavit); Rm 4,13.16-18.22 (gương mẫu đức tin); Mt 1,16,18-21.24 hay Lc 2,41-51a.

Sách lễ Roma ban hành năm 1970 có những lời nguyện mới về Thánh Giuse trong thánh lễ, đề cao vai trò của người trong nhiệm cục cứu độ và về niềm vui của Hội Thánh có Thánh Giuse là mẫu gương và đấng bầu cử. Những bản văn hiện tại chú trọng đến Thánh Giuse trong tương quan với Đức Kitô và với Hội Thánh:

đối với Đức Kitô, Thánh Giuse “đã hết lòng phục vụ Đức Kitô, Con Một Chúa”. “Chúa đã giao phó Con Một Chúa chăm sóc giữ gìn như người cha lo cho con cái”.

đối với Hội Thánh, Thánh Giuse là vị bảo trợ “được thánh nhân phù trợ ở dưới thế gian này thì cũng được cầu thay nguyện giúp trước toà Chúa”; đồng thời người cũng là mẫu gương cho Hội Thánh trong việc “cộng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu”, biết “phục vụ hy sinh suốt đời như người tôi trung”.

Kinh Tiền Tụng duy trì bản văn được đức Bênêđitô XV châu phê ngày 9/4/1919, tóm tắt những điều chính yếu của Tin Mừng về vai trò thánh Giuse “người công chính, kết bạn với Đức trinh nữ Mẹ Chúa Trời ... tôi tớ trung tín và khôn ngoan được trao phó coi sóc Thánh gia”, để thay quyền Chúa Cha “gìn giữ Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa Nhập Thể bởi quyền năng Thánh Thần”.

Phụng vụ các giờ kinh

Khi bàn về lịch sử lễ kính Thánh Giuse, chúng ta đã đề cập đến sự phát triển của Sách nguyện về lễ này. Vào thế kỷ XIII, một đan viện dòng Biển-đức ở Liège đã có một bài nguyện riêng, và vào năm 1399, các tu sĩ dòng Phan-sinh đã đọc các giờ kinh với chín bài đọc. Đức Sixtô IV (1471-1484) thuộc dòng Phan-sinh đã đưa các bản văn này vào Sách nguyện Roma. Nhiều sách nguyện khác có kinh phụng vụ kính Thánh Giuse vào thế kỷ XVI. Sau công đồng Trentô, những bản văn được thống nhất dưới thời đức Piô V (1566-1572) nhưng bản văn đầy đủ hơn được đức Clêmentê XI công bố ngày 4/2/1714 mà người ta nói do chính người soạn ra. Những bản văn này không thay đổi trong hai thế kỷ rưỡi, cho đến khi duyệt lại sách phụng vụ giờ kinh năm 1971 bao gồm những bản văn mới cho ngày lễ 19/3, lễ Thánh Gia, lễ Thánh Giuse Lao Động.

Lễ ngoại lịch kính Thánh Giuse

Lễ ngoại lịch kính Thánh Giuse bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XIII, và được đưa vào nhiều Sách lễ xuất bản vào thế kỷ XVI như ở Orleans, Paris, Strasbourg, Salzburg, Chalon va Reims.

Sắc lệnh năm 1883 cho phép các công nghị giáo phận và các cộng đoàn tu trì sáng tác các kinh nguyện ngoại lịch và ấn định những lễ ngoại lịch vào các ngày khác nhau trong tuần, riêng ngày thứ Tư là: “Thánh Giuse, bạn của đức Trinh Nữ Maria, bảo trợ của Hội Thánh Công giáo”. Tiêu đề này xuất hiện ở phần “Lễ nhớ ngoại lịch quanh năm” trong Sách lễ Roma được xuất bản dưới thời đức Lêô XIII, nhưng trong ấn bản của đức Bênêđitô XV, tiêu đề chỉ còn giữ lại “Lễ Thánh Giuse” mặc dầu các bản văn không thay đổi. Thỉnh thoảng giáo quyền ban phép cho một vài hội dòng được cử hành lễ nhớ ngoại lịch vào những dịp không bị ngăn trở bởi lịch phụng vụ.

Trong Sách lễ Roma năm 1970, các thánh lễ ngoại lịch không còn gắn với ngày nào đặc biệt trong tuần nữa, nhưng được xếp theo thứ tự hệ thống cấp bậc: bắt đầu với lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Maria ở vị trí thứ tám, các thiên thần ở vị thế thứ chín, Thánh Giuse được xếp vào hàng thứ mười, trước các tông đồ.

Ca nhập lễ trích từ Lc 12,42 và ca hiệp lễ lấy từ Mt 25,21 nhằm trình bày Thánh Giuse như mẫu người đầy tớ trung tín mà Đức Kitô nói đến. Lời tổng nguyện của bản văn cũ vẫn duy trì, trong khi lời nguyện trên lễ vật và lời nguyện hiệp lễ là những bản văn mới, xin vì mẫu gương và lời chuyển cầu của Thánh Giuse, người công chính và vâng phục cùng là thừa tác của các mầu nhiệm cứu độ giúp chúng ta sống thánh thiện và công chính trong tác vụ của mình.

(Trích: Sứ Mạng Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô & Hội Thánh)

-------------------------------
 

19/03-120: Thánh cả Giuse luôn làm theo ý Chúa


--Lm. Micae Võ Thành Nhân
 

Tin Mừng của Chúa theo tông đồ, thánh sử Mátthêô được Giáo Hội trích tuyên đọc trong ngày lễ 19/03-120


Tin Mừng của Chúa theo tông đồ, thánh sử Mátthêô được Giáo Hội trích tuyên đọc trong ngày lễ trọng đại hôm nay, thánh Cả Giuse là  người công chính, cho nên chúng ta có thể quả quyết rằng, ngài có một cuộc sống rất tốt lành, thánh đức, gần gũi, thân mật với Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta có thể nói ngài như là bạn hữu của Thiên Chúa. Do đó, sự bén nhạy với Lời Chúa của thánh nhân chẳng ai sánh bằng. Chúa sai thiên thần đến nói với ngài trong giấc mơ thôi mà ngài đã hiểu: “Ông Giuse đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21 – 22).

Như vậy, cái bạn hữu của ngài với Chúa giống như hai người bạn tri âm, tri kỷ. Người này chỉ cần nghe tiếng đàn của người bạn mình kia đánh lên thôi là đã hiểu được ý của bạn muốn nói với mình rồi. Còn chúng ta, Chúa nói trực tiếp với chúng ta qua Người Con yêu dấu, duy nhất của Chúa là Chúa Giêsu và được ghi chép trong Kinh Thánh, rồi đến Giáo Hội giải thích, giảng dạy cho chúng ta, vậy mà chúng ta vẫn chưa hiểu và thực hiện được trong cuộc sống này, bởi lòng trí của chúng ta còn đầy dẫy những đam mê xác thịt, danh lợi thú, tham, sân, si…

Cuộc đời của thánh Cả Giuse, có thể nói ngài chỉ có nghe và thực hiện Lời Chúa truyền dạy mà thôi. Ngài không bao giờ hỏi lại. Đức Mẹ trong biến cố truyền tin còn hỏi lại Thiên Thần Gabriel: "Việc ấy xảy ra thế nào được vì tôi không biềt đến người nam” (Lc 1, 34). Đức Mẹ hỏi lại như vậy là để Đức Mẹ hiểu Lời Chúa hơn mà Đức Mẹ thực hiện một cách trọn vẹn, hoàn hảo hơn. Thánh Cả Giuse cũng như Đức Mẹ có được sự vâng phục như vậy là vì các ngài tuyệt đối tin tưởng vào Chúa. Sau khi đón nhận lời Chúa rồi, ngài không chút phân vân, do dự, lưỡng lự mà mau mắn đem ra thực hiện là ngài đưa Đức Mẹ về nhà mình: “Khi tỉnh giấc, thánh Cả Giuse làm như lời thiên thần Chúa dạy và đón vợ về nhà mình” (Mt 1, 24). Và trọn cuộc đời, ngài tận dụng tất cả những hồng ân Chúa ban cho ngài để mà lo cho gia đình Thánh Gia Thất có một cuộc sống thánh thiện, đức hạnh, trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau, và rồi được mọi người trần gian thương mến và noi gương trong cuộc sống làm người, nhất là về đời sống hôn nhân gia đình.

Lạy Chúa, chúng con mừng lễ trọng thánh Cả Giuse hôm nay, chúng con đừng đưa mắt tìm đâu cho xa mà hãy ngước mắt nhìn lên chính thánh nhân để thấy ngài là mẫu gương tuyệt vời về người chồng, người cha mà Chúa ban cho chúng con. Ngài vẹn toàn tín trung với Chúa, sắc son với Đức Mẹ, chỗ tựa nương vững chắc của Chúa Hài Đồng. Vì thế, xin Chúa cho chúng con biết sống như thánh Cả để Chúa thương xót chúng con hơn. Xin thánh Cả tiếp tục thực hiện công việc ngày xưa là bảo vệ Thánh Gia Thất, hãy bảo vệ chúng con, nhất là những lúc chúng con gặp gian nan, khốn khó trong cuộc sống.

-Lạy thánh Cả Giuse, xin nhớ đến chúng con và cầu thay nguyện giúp cho chúng con bên tòa Đức Kitô là Dưỡng Tử của ngài. Xin kêu cầu bạn trăm năm của ngài là Đức Trinh Nữ Maria rất thánh dủ lòng thương xót chúng con. Người là Thân Mẫu Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiện trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. (St Bênađinô Xiêna linh mục).

Thánh Cả Giuse nâng đỡ các gia đình - cầu cho chúng con.

Thánh Cả Giuse an ủi kẻ mắc gian nan - cầu cho chúng con... Amen. (Kinh cầu Thánh Giuse).

-------------------------------
 

19/03-121: Làm như sứ thần truyền


--Emmanuen Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Giuse hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý 19/03-121


Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Giuse hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã giao phó Đức Giêsu cho Thánh Cả Giuse, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin Chúa nhậm lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà ban cho Giáo Hội biết luôn luôn cộng tác với Đức Giêsu, để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu. Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Maria, có sứ mạng, như người cha chăm sóc Đức Giêsu, nhưng, Chúa đã muốn người chủ thánh gia ở Nadarét tiếp tục sứ mạng ấy trong Hội Thánh, thân thể của Chúa Kitô. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh thì thánh Giuse là Đấng che chở Hội Thánh.

Luôn cộng tác với Đức Giêsu, bằng một lòng tin son sắt, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Hípri cho thấy: Đức tin của các thánh tổ phụ… Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa, trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa. Bởi thế, ông được kể là người công chính. Đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo.

Luôn cộng tác với Đức Giêsu, bằng một lòng trung thành với sứ mạng, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bênađinô Xiêna nói: Thánh Giuse trung thành dưỡng nuôi và gìn giữ Chúa Giêsu… Thiên Chúa đã đặt thánh nhân lên bậc phụ vương, giao cho người quản trị Nhà Thiên Chúa. Nhằm cứu độ muôn dân muôn nước, chính Thiên Chúa đã nâng tôi lên. Người đã thương phù trợ và giải thoát tôi.

Luôn cộng tác với Đức Giêsu, bằng một lòng trông cậy vững vàng, chờ đợi Chúa thực hiện lời hứa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Samuen Quyển II: Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 88, vịnh gia cho thấy: Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ. Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, trích thư Rôma: Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện họ luôn luôn được hát mừng Ngài. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu tường thuật: Ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy. Người ở trong thánh điện, sẽ luôn hát mừng Chúa; được chúc tụng, ngợi khen Chúa là một hồng ân cao cả, bởi vì, những lời ca tụng của chúng ta chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng, đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Thánh Giuse làm như sứ thần truyền: đón rước Đức Maria về nhà, và đặt tên cho con trẻ là Giêsu, Đấng sẽ cứu dân khỏi tội lỗi của họ. Kho tàng chúng ta ở đâu, lòng trí chúng ta hướng về đó: ở trong thánh điện, đền thánh, chúng ta thờ phượng Chúa, hướng về Chúa; mở lòng ra đón Chúa, có Chúa ngự trị trong tâm hồn, chúng ta sẽ trở thành đền thờ của Chúa; sứ mạng của người ở trong đền thánh là hát mừng ơn cứu độ của Chúa dành cho mình và cho toàn thể Dân Chúa. Hát mừng ơn cứu độ với lòng tin tưởng, phó thác, cho dẫu, thực tế trước mắt, thật nghiệt ngã, như tình cảnh của ông Ápraham: trông cậy, ngay cả khi, chẳng còn gì để trông cậy; như đức tin của các thánh tổ phụ: Aben, Khanóc, Nôê, và như thánh Giuse âm thầm, lặng lẽ, vâng lời, làm theo lời sứ thần truyền, cho dẫu, vẫn còn mù tối trước thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Thánh Giuse đã trung thành gìn giữ Đức Giêsu, Đấng sẽ cứu dân khỏi tội lỗi của họ. Ước gì chúng ta biết luôn luôn cộng tác với Đức Giêsu, để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu. Ước gì được như thế!

-------------------------------
 

19/03-122: Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng sợ.  (Mát-thêu 1:20)

 

Thử nghĩ bạn đang đối diện với một quyết định lớn, thí dụ kết hôn hoặc nhận một đứa con nuôi Ngày 19/03-122


Thử nghĩ bạn đang đối diện với một quyết định lớn, thí dụ kết hôn hoặc nhận một đứa con nuôi, đi tu, thay đổi nghề nghiệp hoặc di chuyển.  Hay bạn đang vật lộn với một mối quan hệ, thí dụ phải đối xử làm sao với một người bạn hữu có lối sống đi ngược lại giới răn của Chúa.  Bạn làm gì đây?  Phải, bạn sẽ lý giải.  Bạn tìm những lời khuyên:  trong Kinh Thánh, từ giáo huấn của Giáo Hội và từ những người cố vấn kinh nghiệm.  Bạn cầu nguyện xin ơn soi sáng.  Nhiều lắm.  Có lẽ bạn cũng xin những người khác cầu nguyện cho bạn.  Cuối cùng bạn đưa ra một kế hoạch hành động.

Nhưng nếu như sau khi bạn đã kỹ lưỡng cân nhắc và quyết định, Chúa lại bảo bạn phải thay đổi hoàn toàn thì sao?  Liệu bạn có thể bỏ đi quyết định của bạn không?  Đó chính là cuộc chọn lựa khó khăn mà thánh Giu-se, “người công chính”, đã phải đối diện.

Kinh Thánh không viết nhiều về thánh Giu-se, nhưng từ “người công chính” đã nói lên thật nhiều về con người của Ngài.  Từ ấy có nghĩa là Ngài đã một lòng tìm kiếm Chúa và thi hành thánh ý Người.  Rõ ràng Ngài đã hướng tất cả cuộc sống vào hai điều răn trọng nhất:  “Hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi” bằng tất cả con người của Ngài, và “Hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi” (Đệ Nhị Luật 6:5; Lê-vi 19:18).  Cho nên khi phải đối diện với một tình thế tiến thoái lưỡng nan – chấp nhận một vị hôn thê không hề có gì phải chê trách nhưng lại đã mang thai – thánh Giu-se đã vật lộn với một giải pháp vừa không thích hợp cho Đức Ma-ri-a lại vừa không đúng theo luật Mô-sê.  Cho nên xem ra không còn con đường nào khác ngoài một cuộc ly dị âm thầm.

Phải can đảm biết mấy khi chọn lựa lại quyết định này và chấp nhận một kế hoạch không lường trước được!  Cho nên không lạ gì khi thấy những lời đầu tiên sứ thần nói với thánh Giu-se là “Đừng sợ”!  Đừng để tâm tới những lời ong tiếng ve về việc Đức Ma-ri-a mang thai.  Hãy chấp nhận sự kiện này, là ông không thể thấu suốt được đường lối của Thiên Chúa.  Đừng lo lắng về công việc quá lớn lao đối với ông.  Thánh Giu-se đã đáp lại với đầy lòng tin.  Ngài đã phó thác tất cả cuộc đời cho việc tiếp nhận Con Một Thiên Chúa đến với nhà mình.  Còn Thiên Chúa là Đấng không khi nào thiếu lòng quảng đại, đã ân thưởng cho Ngài cảm nghiệm được thế nào là biết được Đấng Em-ma-nu-en, “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” (Mát-thêu 1:23).

Bạn có muốn biết Thiên Chúa ở cùng bạn không?  Vậy bạn hãy theo gương thánh cả Giu-se.  Bạn hãy đặt Chúa lên trên hết và tìm kiếm Người bằng tất cả tâm hồn bạn.  Bạn hãy đem đến cho Người những quyết định và khó khăn của bạn;  hãy lắng nghe sự dẫn dắt của Người.  Rồi bạn đừng sợ!  Chắc chắn Chúa đã ở với thánh Giu-se thế nào, Người cũng ở với bạn như vậy.

“Lạy Chúa, con có thật nhiều chương trình và ước mong cho cuộc đời mình.  Con đem tất cả đến cho Chúa.  Lạy Chúa, xin cho con thấy đường lối Chúa.  Con sẵn sàng nghe và vâng phục”.

-------------------------------
 

19/03-123: Lễ Trọng Thánh Giuse


19 tháng 3

Lễ Trọng Thánh Giuse,
Bạn trăm năm Đức Trinh nữ Maria
 

Ở phương Tây, tài liệu tham khảo lâu đời nhất về việc tôn kính Thánh Giuse (Ioseph sponsus 19/03-123


Ở phương Tây, tài liệu tham khảo lâu đời nhất về việc tôn kính Thánh Giuse (Ioseph sponsus Mariae) Ngày 19/3-2

Ở phương Tây, tài liệu tham khảo lâu đời nhất về việc tôn kính Thánh Giuse (Ioseph sponsus Mariae) liên quan đến ngày 19 tháng 3 xuất hiện vào khoảng năm 800 tại miền Bắc nước Pháp. Sau đó, từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 14, các tài liệu đề cập đến Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Vào thế kỷ 12, quân thập tự chinh đã xây dựng một nhà thờ để tôn vinh ngài tại Nazareth. Nhưng phải đến thế kỷ 15, việc tôn kính Thánh Giuse mới lan rộng nhờ ảnh hưởng của Thánh Bernađinô thành Siêna, và đặc biệt là cha Jean Gerson (+1420), Chưởng ấn Nhà thờ Đức Bà Paris, người đã thúc đẩy việc thiết lập chính thức một lễ kính Thánh Giuse. Trước đó, tại Milan trong các cộng đoàn Dòng Augustinô, cũng như nhiều nơi ở Đức, đã cử hành những thánh lễ kính ngài. Phải đến năm 1480, với sự phê chuẩn của Đức Giáo hoàng Sixtus IV, lễ kính Thánh Giuse mới bắt đầu được cử hành vào ngày 19 tháng 3. Đến năm 1621, lễ này trở thành lễ buộc với sắc lệnh của Đức Giáo hoàng Grêgôriô XV. Năm 1870, Đức Giáo hoàng Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ Giáo hội Hoàn vũ, và Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã thêm tên của ngài vào Lễ quy Rôma của Thánh lễ vào năm 1962. Gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn thêm bảy lời cầu mới trong Kinh Cầu Thánh Giuse, bao gồm: Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế, luôn ân cần phục vụ Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ loài người, nơi nương tựa lúc gặp nguy nan, Đấng Bảo trợ kẻ lưu đày, Đấng Bảo trợ người sầu khổ và Đấng Bảo trợ kẻ túng nghèo.

Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,16. 18-21. 24)

Phụng vụ cũng đề xuất đoạn Luca 2,41-51.

Người cha yêu dấu

Thánh Giuse đã dấn thân phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngài chăm sóc Thánh Gia mà Thiên Chúa đã trao phó cho ngài. Từ khoảnh khắc truyền tin, ngài trở thành người tôi trung tận tụy, một người tôi tớ quan phòng khi chăm sóc Đức Maria và Hài Nhi mà Mẹ cưu mang trong cung lòng. Ngài bảo vệ Thánh Gia trong những lúc nguy nan. Đây chỉ là một vài trong số những đức tính của Thánh Giuse, giúp giải thích lý do tại sao Dân Chúa đặc biệt sùng kính ngài.

Người cha dịu dàng và yêu thương

Thánh Giuse đã dạy Chúa Giêsu cách bước đi bằng cách nắm tay Người. Chúa Giêsu nhận ra sự dịu dàng của Thiên Chúa nơi Thánh Giuse, Người Công chính. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu nhìn thấy hình ảnh một người đầy đức tin, biết cách nhìn cuộc đời với niềm hy vọng, bởi giữa cơn bão tố, Chúa vẫn luôn vững tay lèo lái hành trình của cuộc sống.

Người cha vâng phục

Kế hoạch của Thiên Chúa đã được mặc khải cho Thánh Giuse qua những giấc mơ. Ngài luôn đáp lại cách mau mắn: trong biến cố Truyền Tin, khi vua Hêrôđê tìm cách sát hại Hài Nhi, và cả khi vua Hêrôđê băng hà. Thánh Giuse được Thiên Chúa hướng dẫn và ngài luôn vâng phục. Chúa Giêsu đã học được sự "vâng phục làm con" đối với Thiên Chúa nơi Thánh Giuse. Người đã học sự vâng phục từ cha mẹ mình.

Người cha biết đón nhận

Thánh Giuse được miêu tả như một người tôn trọng và nhạy bén, biết đặt phẩm giá và sự sống của Đức Maria lên trên tất cả, ngay cả danh dự của chính mình. Thánh Giuse đón nhận, tin chắc rằng mọi sự đều được Thiên Chúa quan phòng hướng dẫn. Ngài hiểu rằng cuộc sống được tỏ lộ theo mức độ mà con người chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa, và hòa hợp với kế hoạch ấy. Đây chính là tính hiện thực Kitô giáo: biết đón nhận Thiên Chúa trong lịch sử đời mình, và học cách đón nhận mọi người mà ta gặp gỡ.

Người cha sáng tạo và can đảm

Đối mặt với khó khăn, Thánh Giuse luôn khơi dậy những nguồn lực bất ngờ nhất. Ngài là người mà qua đó Thiên Chúa biểu lộ sự chăm sóc quan phòng ngay từ khởi đầu lịch sử cứu độ. Những thử thách không bao giờ làm cản bước lòng can đảm và kiên trì của người công chính và khôn ngoan này, người mà Thiên Chúa đã tin tưởng, cũng như Ngài đã tin tưởng vào Đức Maria. Chính nhờ đó, ta nhận ra nơi Thánh Giuse hình ảnh Đấng Bảo trợ Thánh Gia: trước hết là gia đình của ngài ở Nazareth, và ngày nay là Hội Thánh.

Người cha lao động

Công việc, được hiểu như sự tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là điều mà Thánh Giuse đã thực hiện trong đời mình và đã dạy cho Chúa Giêsu. Công việc mang một ý nghĩa quan trọng để tạo ra một “bình thường mới,” nơi không ai bị loại trừ. Công việc của Thánh Giuse nhắc nhớ rằng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, không coi thường lao động tay chân. Công việc bảo đảm phẩm giá con người.

Người cha trong âm thầm

Là một người cha, Thánh Giuse đã giới thiệu Con Thiên Chúa với những kinh nghiệm và thực tại của cuộc sống: không ràng buộc Người, không kìm hãm, không sở hữu, nhưng phát triển khả năng lựa chọn và tự do của Người, cuối cùng để Người rời khỏi nha. Lý lẽ của tình yêu luôn là lý lẽ của tự do: niềm vui của Thánh Giuse là hiến dâng chính mình. Ngài trở nên lu mờ, để vào một thời điểm, lùi bước, nhường chỗ cho Con mình tỏa sáng.

Lời nguyện

Kính chào Đấng Gìn giữ Đấng Cứu Thế,
Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa đã trao Con Một của Chúa cho ngài;
Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài;
Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài.

Lạy Thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời.
Xin giúp chúng con đón nhận ân sủng,
lòng thương xót và lòng can đảm,
và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.

(Lời nguyện từ Tông thư Patris Corde của Đức Giáo hoàng Phanxicô)

Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News

-------------------------------
 

19/03-124: Thánh Giuse – Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria


Lễ trọng

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
 

Việc tôn sùng thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi Đức Giêsu, được phổ biến 19/03-124


Việc tôn sùng thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi Đức Giêsu, được phổ biến bên Phương Đông từ thế kỷ thứ V, lan tràn sang Phương Tây vào thời Trung Cổ. Lễ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 800, trong Hạnh các thánh tử đạo xứ Gaule, vào ngày 19.03, trùng hợp với ngày lễ một thầy phó tế của Antiochia cũng mang tên Josippe. Sau đó, việc tôn kính lan tràn khắp nơi vào thế kỷ thứ XIV, XV và XVI. Vào năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố thánh Giuse là quan thầy Hội thánh (lễ ngày 19.03) và vào thánh 04 năm 1956, Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập lễ thánh Giuse Thợ (01.05), quan thầy các thợ thuyền. Ngài cũng được tôn kính như thánh quan thầy các thợ mộc và người hấp hối.

Nhiều hình ảnh trình bày thánh Giuse dựa theo Phúc Âm và Ngụy Thư: Phép lạ cây gậy trổ hoa của Giotto, Padoua; Hôn nhân với Đức Trinh Nữ Maria của Raphael, Milan; giấc mơ của thánh Giuse của Georges de La Tour, Nantes; Trốn sang Ai Cập của Duccio, Sienne…

Thánh Giuse (tiếng Hipri: yôsep = xin Thiên Chúa thêm vào), con của Giacóp (Mt 1,16) hay Héli (Lc 3,23), cũng là “Con vua Đa-vít” (Mt 1,20). Tại Nazareth, ngài làm nghề tektôn (Mt 13,55) có nghĩa là: thợ xây nhà, thợ làm gỗ, đá hay kim loại. Ngài đính hôn với Maria vào lúc Thiên thần truyền tin (Mt 1,18; Lc 1,27). Ngài đón nhận Hài Nhi, hôn thê Maria và đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng thời thơ ấu (Mt 1 & Lc 1-2); trong Phúc Âm ngài được gọi là tektôn (thợ mộc), con ngài là Đức Giêsu.

Hình ảnh thánh nhân trong Tin Mừng gợi lên những ơn gọi trong Thánh Kinh. Lời loan báo cho biết về việc Đức Giêsu sinh ra (Mt 1,20-21) nhắc nhớ lại sự loan báo cho Abraham về sự sinh ra của Isaac và việc trốn chạy sang Ai Cập, việc lưu đày của Môisen đến Madian (Xh 4,19-23). Cũng như ông Noe (St 6,9), ngài được gọi là người công chính (Mt 1,19).

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Trong niềm vui, chúng ta cử hành lễ thánh Giuse “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Thiên Chúa đặt lên coi sóc gia đình Người”. Kinh Tiền tụng lấy lại đề tài sứ vụ “người công chính” được ban cho Đức Maria như người hôn phu và như “người tôi tớ trung tín và khôn ngoan”, Thiên Chúa gởi gấm gia đình mình. Phúc Âm thời thơ ấu chứng minh sứ vụ tiền định của thánh Giuse: ngài đem vị hôn thê về nhà mình và đặt tên cho hài nhi mà Đức Maria sinh hạ, là Giêsu (Mt 1,24-25). Ngài đem Đức Maria và trẻ Giêsu trốn sang Ai Cập và trở lại Israel khi Hérode qua đời, luôn luôn thực hiện sứ vụ làm cha.

b. Sự trung tín của thánh Giuse trong việc thực hiện sứ vụ được nhắc đến trong Tin Mừng thánh Matthêu: thánh Giuse thực hành điều Thiên thần truyền tin cho mình (1,24)… ngài chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ em sang Ai Cập (2,14); Giuse tỉnh dậy, đem con trẻ và mẹ em, trở về đất Israel (2,21). Nhờ vào sự vâng phục tuyệt đối mà các lời tiên tri đều được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, như có nói trong các Phúc Âm: Tất cả các việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (Mt 1,22; 2,23).
c. Thánh Giuse như một cha chăm sóc Con Một Thiên Chúa. Ngài gìn giữ các mầu nhiệm cứu độ, điều này cũng đầy rẩy những khó khăn. Đức Maria nói với Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Và Phúc Âm nhấn mạnh: “Nhưng ông Bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50). Dù vậy, Đức Giêsu luôn vâng phục cha mẹ mình, nhắc tới một Người Cha khác, Đấng là “nguồn của mọi tình phụ tử” (Ep 3,15): “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2,49).

Cũng như Đức Maria, mẹ Đức Giêsu, trở thành Mẹ Hội thánh, thì thánh Giuse, “người gìn giữ trung thành” của Đức Giêsu, được tôn kính như “Đấng bảo vệ Hội thánh phổ quát”, Nhiệm Thể Chúa Kitô, mà ngài nâng đỡ nhờ lời cầu bầu. Như thánh Bernadin de Sienne kết thúc một bài giảng: “Lạy thánh Giuse, xin nhớ đến chúng con, xin cầu bầu cho chúng con nơi Con Nuôi của ngài; xin làm cho chúng con cũng được phù hộ nơi Đức Trinh Nữ Maria, hôn thê của ngài, cũng là Mẹ Đấng, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, luôn sống và hiển trị muôn đời.”

Enzo Lodi

-------------------------------
 

19/03-125: CẦU THANG THÁNH GIUSE


Trần văn Huyến
 

Tôi theo nhóm người trượt tuyết ngày 31/12/2011 từ Dallas trực chỉ hướng tây bắc tới thành phố 19/03-125


Tôi theo nhóm người trượt tuyết ngày 31/12/2011 từ Dallas trực chỉ hướng tây bắc tới thành phố Santa Fe, tiểu bang New Mexico, với chủ đích là kiểm chứng ‘Cầu thang Thánh Giuse’ tại nguyện đường Loretta.

Đã từ lâu tôi đã nghe nói nhiều về chiếc cầu thang kỳ lạ này, được cho là chính Thánh Giuse kiến tạo, nay có dịp thuận tiện nên mặc dù mùa đông giá lạnh với đường xá nguy hiểm vì băng tuyết, tôi quyết định phải theo nhóm người, vượt ngàn dặm hiểm nguy để có thể tới chứng kiến tận mắt và sờ tận tay chiếc cầu thang có một không hai bên Tây bán cầu này.

Nguyện đường Loretta tọa lạc tại số 207 Old Santa Fe Trail, khởi công xây dựng năm 1873 và tới năm 1878 mới hoàn thành, chiều dài 30 mét 5, chiều ngang 8 mét, chiều cao 21 mét 3. Với kích thước này, cách đây 134 năm, nguyện đường Loretta được coi là một nguyện đường lớn nhất tại Santa Fe, thủ đô tiểu bang New Mexico.

Đức Cha Jean Baptiste Lamy, người Pháp, đã mời kiến trúc sư Antoine Monly và con trai là Projectus Monly từ Paris sang vẽ kiểu và xây Nhà thờ chính tòa St Francis, đồng thời khuyến khích các nữ tu nhờ hai cha con ông Monly xây nguyện đường Loretta theo mô hình nhà thờ Sainte Chapelle tại Paris mà họ đã tham gia trong công tác trùng tu vào đầu thập niên 1800. Theo mô hình phổ thông các nhà thờ bên Âu châu thời đó thì không có cầu thang lên gác lửng dành cho ca đoàn vì cầu thang sẽ chiếm nhiều chỗ trong lòng nhà thờ. Vả lại, vào thế kỷ thứ 19, chỉ có phái nam được hát trong ca đoàn nên họ dùng thang gỗ để leo lên gác ca đoàn mà không cần cầu thang.

Sau khi khánh thành nguyện đường và cha con ông Monly đã rời khỏi thành phố thì thực tế đem lại một vấn đề hết sức nan giải: ca đoàn gồm toàn các nữ tu và nữ sinh với tu phục và váy đầm dài tới gót chân, không thể leo lên gác ca đoàn bằng thang gỗ. Các nữ tu đã mời nhiều tay thợ chuyên nghiệp đến làm cầu thang nhưng sau khi quan sát, đo đạc, tính toán, tất cả đều lắc đầu nói không thể thực hiện được vì gác ca đoàn thì cao, lòng nhà nguyện lại hẹp, cầu thang sẽ chiếm qúa nhiều chỗ kê ghế. Giải pháp còn lại là hoặc vẫn phải dùng thang leo lên gác ca đoàn, hoặc nới rộng nguyện đường dành chỗ làm cầu thang. Và dĩ nhiên, giảp pháp này cũng không thể chấp nhận. Sau cùng, Mẹ Bề Trên Magdalenđưa ra quyết định: khi khởi công xây dựng nguyện đường, công trình được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse, quan thầy nghề thợ mộc, thì nay khi gặp khó khăn, công việc cũng phải được giao cho Thánh Giuse lo liệu.

Trong cuốn niên giám của Dòng còn ghi lời phát biểu của Bà: “Chúng ta tôn kính Thánh Giuse mỗi ngày thứ tư hàng tuần để xin Người trợ giúp, và đã nhiều lần, chúng ta chứng kiến sự can thiệp đầy quyền thế của Thánh Giuse”. Ngay hôm đó, các nữ tu bắt đầu làm tuần 9 ngày xin Thánh Giuse. Sau 8 ngày liên tục cầu nguyện với đầy lòng tin tưởng và phó thác nơi Thánh Giuse thì đột nhiên vào ngày thứ 9, xuất hiện một ông già râu tóc bạc dắt theo một con lừa tới xin làm cầu thang lên gác ca đoàn. Ông thợ mộc chỉ mang theo một ít đồ nghề đơn giản: 1 cái cưa, 1 thước đo hình chữ T và 1 cái búa. Ông cũng không đòi tiền công trước hoặc tiền ứng mua vật liệu. Với tinh thần đơn sơ, các nữ tu nghĩ rằng sẽ thanh toán tiền công và tiền vật liệu sau khi công việc hoàn tất nên không cần hỏi tên tuổi ông thợ. Sau khi giao công việc, vì đức khiết tịnh, các nữ tu không tiện liên lạc với ông và để mặc ông thợ tiến hành công tác, đồng thời tạm dùng một phòng học để cầu nguyện và cử hành phụng vụ.

Sau thời gian 7-8 tháng, các nữ tu được thông báo cầu thang đã hoàn tất nhưng không tìm thấy ông thợ đâu cả: ông thợ đã đột nhiên bỏ đi mà không đòi tiền công và tiền vật liệu, cũng không để lại tên tuổi hoặc điạ chỉ. Các nữ tu đã nhờ tìm kiếm khắp nơi và còn nhắn tin trên các báo địa phương, tuy nhiên, không ai nghe biết về ‘ông thợ kỳ lạ’ này. Sau cùng, Mẹ Bề Trên đã phải đến xưởng gỗ để thanh toán tiền vật liệu, nhưng mọi người làm việc tại đây cho biết không có ai đến mua gỗ làm cầu thang cho nguyện đường. Do không tìm ra tông tích ông thợ ‘huyền bí’ này nên người đương thời đều kết luận đó chính là Thánh Giuse đã đáp lời cầu xin của các nữ tu. Hiện nay, tại Nhà Mẹ các nữ tu Loretta ở tiểu bang Kentucky, trong sách kinh hàng ngày, có hình vẽ ông thợ mộc đầu tóc bạc phơ dắt theo con lừa với túi đồ nghề gồm 1 cái cưa, 1 cây thước và 1 cái búa.

Năm 1971, một trận hỏa hoạn lớn thiêu hủy nhiều ngôi nhà của học viện và khu vực chung quanh. Tuy nhiên, như một phép lạ, nguyện đường Loretto vẫn đứng y nguyên, không hề hấn gì.

Sau hơn 8 giờ lái xe trong đêm với tốc độ trung bình 120 cây số/giờ, chúng tôi tới ranh giới Texas và New Mexico khi trời hừng sáng. Và kìa, trước mặt chúng tôi và hai bên xa lộ 40, trải dài những cánh đồng tuyết chạy mút tới chân trời. Thảm tuyết bao la phản chiếu ánh mặt trời tạo nên một phong cảnh kỳ ảo khiến chúng tôi có cảm tưởng như đang đi trên một hành tinh nào khác trong giải ngân hà. Quả thực, chúng tôi thật may mắn vì mặc dù vào mùa đông, bầu trời New Mexico lúc này trong sáng với mặt trời trên cao tỏa ánh sáng dịu hiền, làm ấm lòng khách viễn du, nhưng không đủ sức nóng để làm tan chảy những cánh đồng tuyết trải dài từ ranh giới Texas tới thành phố Santa Fe.

Chúng tôi tới nguyện đường Loretto kiến trúc theo kiểu Gothic lúc 4 giờ 30 chiều, đúng vào ngày đầu năm dương lịch và phải đợi khá lâu mới đến lượt vào bên trong nguyện đường vì nhiều đoàn hành hương đã tới trước. Có những đoàn từ các tiểu bang miền Bắc như Minnesota, Michigan, từ miền Đông như New York, Pennsylvania. Chúng tôi cũng gặp 1 đoàn người Việt từ California. Đặc biệt có 2 đoàn, 1 từ Canada và 1 từ Pháp. Điều này cho thấy ‘Cầu thang Thánh Giuse’ đã được biết đến khắp nơi, mỗi năm có khoảng 250 ngàn khách hành hương đến nguyện đường Loretta để xem cầu thang, và đúng như nữ tu Januarius, Giám đốc học viện Loretto năm 1960, cho biết du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng cầu thang lạ lùng này, trong số đó, có cả kỹ sư, kiến trúc sư, khoa học gia đến tìm hiểu, nghiên cứu và nói rằng họ không thể hiểu làm thế nào một chiếc cầu thang như vậy có thể tồn tại sau gần 1 thế kỷ sử dụng. Quả thực, cầu thang đã thách đố những phân tích khoa học cũng như khoa kiến trúc và ngành thủ công nghệ.

Bước qua cửa vào cuối nguyện đường, du khách sẽ lập tức bị thu hút bởi những tác phẩm nghệ thuật:

-Bàn thờ gỗ được làm từ bên Ý, chạm trổ bằng tay theo kiểu Gothic, rồi sơn cho giống màu đá cẩm thạch. Bàn thờ nguyên thuỷ này được đặt trong nguyện đường từ năm 1910 đến nay, hơn 100 năm vẫn không thay đổi. Phía dưới bàn thờ có khắc nổi hình Bữa Tiệc Ly của Leonardo da Vinci.

-Trong gian cung thánh, phía bên phải gần bao lơn, có tượng Thánh Giuse tay trái cầm cây gậy, tay phải ẵm Chúa Hài Đồng. Cũng trong gian cung thánh, phía bên trái gần bao lơn, có tượng Đức Mẹ ban ơn đứng trên qủa cầu, chân trái đạp đầu con rắn, chân phải có chuỗi Mân Côi và dưới đó là các ngôi sao. Cả hai bức tượng đều có kích thước lớn hơn người bình thường.

-Hai tượng thiên thần bổn mạng đứng 2 bên phía trên bàn thờ và tượng thiên thần ngồi bưng bình nước thánh lớn là công trình nghệ thuật của nhóm nghệ nhân M.M. K. Brokaw nổi tiếng đương thời.

-Tượng Trái Tim Chúa Giêsu, đặt trên tường phía bên trái, tay trái chỉ Trái Tim Cực Thánh, tay phải xuôi xuống với bàn tay mở rộng như ban ơn cho những ai đến với Người.

-Chặng đường Thánh gía hai bên tường biểu lộ nét sinh động của nghệ nhân khi diễn tả được nỗi bi thương của Chúa và Đức Mẹ cũng như sự tàn ác của ‘quân dữ’. Thực ra, chặng đường Thánh gía là do sáng kiến của thánh Phan-xi-cô từ thế kỷ 13 nhằm giúp tín hữu, trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, sốt sắng nhớ lại hành trình khổ nạn của Chúa khi vác Thập gía lên đồi Can-vê, nhờ đó những người không biết đọc cũng có thể trải nghiệm cuộc thương khó của Người. Khởi đầu, người ta dựng những cây thánh giá nhỏ bằng gỗ ở những khoảng cách khác nhau và tín hữu dừng lại mỗi chặng trong khi suy tưởng về quãng đường thập gía Chúa đã đi qua. Sau cùng, các họa sĩ và các nhà điêu khắc đã vẽ hoặc tạc nên những cảnh sống động về chặng đường khỗ nhục cuả Chúa vác Thánh gía lên đồi để chịu đóng đinh. Phải chính mắt trông thấy những chặng đường Thánh gía tại nguyện đường Loretta, chúng ta mới thấy tài nghệ tuyệt vời của các nhà đúc tượng khi thực hiện những tác phẩm nghệ thuật này. Chặng đường Thánh gía Loretta hiện nay là một kho tàng nghệ thuật vô gía mặc dù được thực hiện từ năm 1800. Tất cả những bức tượng và chặng đường Thánh gía đều bằng đá cẩm thạch nghiền nát, rồi đổ vào khuôn, nung trong lò như kỹ thuật làm đồ gốm, sau đó các nghệ nhân tô vẽ bằng tay.

-Kỹ thuật sơn kính màu tại nguyện đường Loretta đã đạt tới mức hết sức tinh vi, không thua gì các thánh đường nổi danh bên Âu châu như nhà thờ Fatima Bồ Đào Nha, nhà thờ Thánh An-tôn Lisbon, nhà thờ chính tòa Burgos, đại thánh đường Thánh I-nha-xi-ô Loyola Tây Ban Nha, nhà thờ Sacré Coeur, nhà thờ Notre Dame Paris ở Pháp, những nơi mà tôi có dịp viếng thăm trong chuyến hành hương Fatima-Lộ Đức tháng 10 năm 2011. Kính màu trên vòm cửa cuối nguyện đường vẽ biểu tượng của Chúa Giêsu bằng 2 cây Thánh gía đặt chéo lên nhau với ánh hào quang màu xanh dương. Hai bên phía dưới là chữ Hi-lạp Alpha và Omega, nói lên Chúa Ki-Tô là khởi đầu và là sau hết. Cửa kính tròn sau gác ca đoàn có hình bông hồng lớn, được gọi là ‘Rose window’, vẽ chữ M, lồng trên chữ A (Ave Maria), lời chào kính Đức Mẹ Maria vì khi thành lập Hội Dòng Loretto ngày 25/4/1812 tại Kentucky, các nữ tu đã chọn Đức Mẹ làm bổn mạng. Ngoài ra, còn 2 kính màu lớn, một vẽ ảnh Thánh Stanislas ẵm Chúa Hài Nhi, bổn mạng của các tập sinh và các thiếu nữ, một vẽ ảnh Thánh Catherine thành Alexandra tay ôm cành thiên tuế, bổn mạng các trinh nữ và các nữ sinh.

Tuy nhiên, đích điểm của khách hành hương chính là ‘CẦU THANG THÁNH GIUSE’. Thật vậy, suốt thời gian ở trong nguyện đường, lúc nào tôi cũng thấy khách hành hương, hết lớp này đến lớp khác, chăm chú quan sát cầu thang từ trên xuống dưới, rồi lại từ dưới lên trên, không bỏ qua một chi tiết nhỏ nhặt nào, rồi bàn tán, thảo luận, và đi từ ngạc nhiên đến trầm trồ không tiếc lời khen ngợi. Sau đó, nhiều người đến qùy dưới chân tượng Thánh Giuse cầu nguyện trước khi quyến luyến ra về sau khi đã chụp hàng chục tấm ảnh, hoặc quay phim làm kỷ niệm.

Cầu thang nằm sát tường bên phải, phía cuối nguyện đường, có hình xoắn ốc, vòng 2 lần, mỗi vòng 360 độ, không có cột chịu lực ở giữa. Toàn bộ sức nặng tựa trên chân cầu thang và phần nối với gác ca đoàn.Điều này trái hẳn với nguyên lý về trọng lực (law of gravity) khiến các khoa học gia không sao giải thích được. Kiến trúc sư Urban C. Weidner cũng là chuyên gia nghiên cứu gỗ cho biết ông chưa bao giờ thấy cầu thang hình xoắn ốc bằng gỗ mà không có cột chịu lực ở giữa. Theo ông, nó sẽ sụp đổ ngay khi có người đặt chân bước lên. Thế mà các nữ tu và nữ sinh phải lên xuống cầu thang mỗi ngày một hay nhiều lần để hát phụng vụ. Năm 1959, cả ca đoàn học viện Loretto đứng hát trên các bậc thang mà nó vẫn vững chắc như làm bằng xi-măng côt sắt.

Cầu thang có 33 bậc cùng một kích thước, tượng trưng cho 33 năm Chúa sống ở trần gian, 2 bên các bậc thang không có song chắn an toàn khi lên xuống, cũng không có tay vịn. Một nữ sinh thời gian làm cầu thang mới 13 tuổi, sau vào tu dòng Loretto lấy tên Mary, kể lại rằng chính cô và các bạn là những người đầu tiên bứơc lên cầu thang, nhưng vì sợ qúa nên phải bò lên từng bậc, rồi khi xuống, phải cho hai chân xuống trước, rồi bám bậc phía trên,từ từ trụt xuống. Chính vì thế, sau 7 năm các nữ tu và nữ sinh phải ‘bò lên bò xuống’ các bậc thang để lên gác ca đoàn, Phillip August Hesch, chuyên viên bảo trì nhà thờ chính tòa St. Francis, được mời tới làm tay vịn và song chắn 2 bên cầu thang cũng như quanh gác ca đoàn. Điều đặc biệt là cầu thang không có dù 1 chiếc đinh, hoặc keo dán để liên kết các vật liệu với nhau. Ông thợ ‘bí mật’ đó chỉ dùng các chốt gỗ hình vuông để liên kết một cách tài tình, chính xác và hết sức mỹ thuật.

Cầu thang được ráp nối bằng 93 tấm gỗ, dài từ 0.9 đến 1.5 m, gồm 10 tấm dùng làm sườn phía ngoài (nên có 9 đường nối), 8 tấm làm sườn phía trong (7 đường nối), 33 tấm làm bậc thang, 33 tấm kê giữa 2 bậc thang, phần còn lại dùng làm đoạn vòng dưới chân cầu thang. Kỹ thuật ráp nối thật lạ lùng và tinh xảo, và như trên đã nói, ông thợ không dùng đinh, cũng không dùng keo dán, chỉ nối kết bằng những chốt gỗ hình vuông mà thôi. Kiến trúc sư kiêm chuyên gia nghiên cứu gỗ Urban Weidner đã có nhận xét: một trong những điều làm sửng sốt các kỹ sư và các nhà kiến trúc là những tấm gỗ được ghép nối thành sườn cầu thang với độ cong tuyệt hảo, mỗi tấm gỗ có độ cong thật chính xác, đường ghép nối lại hết sức tinh vi, không tìm thấy một khuyết điểm nào. Ông Weidner vẫn băn khoăn suy nghĩ là một kỹ thuật tinh vi như thế mà vào thập niên 1870, một mình ông thợ mộc với những dụng cụ rất thô sơ, làm thế nào có thể thực hiện được.

Về gỗ làm cầu thang, nhiều chuyên gia đã phân tích, tìm hiểu loại gỗ và xem loại đó xuất xứ từ đâu. Tuy nhiên, không một ai có thể khẳng định là loại gỗ nào để tìm ra xuất xứ của nó. Mặt các bậc thang liên tục bị giẵm lên từ khi hoàn thành cách đây hơn 100 năm, nhưng chỉ mép bậc thang bị mòn đi một chút. Có nhà nghiên cứu cho đây là một loại thông mà thớ gỗ nằm gần vỏ, người khác thì cho là loại thông vàng lá dài. Urban Weidner lại khẳng định loại gỗ ít bị mòn này không hề có tại New Mexico. Việc ông thợ lấy gỗ từ đâu mang về làm cầu thang vẫn còn là một bí ẩn.

Chuyên gia Forrest N. Easley, sinh quán New Mexico, tốt nghiệp ưu hạng tại Đại học Colorado ngành Lâm học và Mộc học, đã từng làm việc cho các cơ quan chính phủ và Hải quân Hoa Kỳ trong 40 năm, đặc trách nghiên cứu và quản trị ngành gỗ. Với thành quả và công trình nhiều năm nghiên cứu, ông là chuyên gia về gỗ nổi tiếng, có uy tín và được mọi người kính nể. Năm 1996, Forrest Easley đã bỏ ra 15 tháng nghiên cứu và phân tích gỗ làm cầu thang Loretto. Ông lấy một mẩu gỗ cầu thang đem vào phòng thí nghiệm và dùng kính hiển vi, kính khuếch đại để quan sát, phân tích tế bào cấu tạo của gỗ. Ông cho biết gỗ có tế bào cấu trúc hình vuông, không giống bất cứ loại gỗ nào hiện có, và cũng không biết rõ nguồn gốc từ đâu. Đây là loại gỗ vân sam (spruce) ‘có một không hai’, vì tất cả các loại gỗ vân sam khác không bao giờ có cấu trúc tế bào hình vuông. Như vậy, chỉ có thể phân loại gỗ này vào giữa nhóm Picea sitchensis và Picea engelmanni. Forrest đề nghị đặt tên khoa học là Pinacae Picea josefìi Easley, còn tên phổ thông nên gọi là gỗ vân sam Loretto.

Giáo Hội luôn luôn thận trọng khi đề cập đến những hiện tượng siêu nhiên mà con người không giải thích được. Cũng trong tinh thần đó, các nữ tu và Giáo quyền tại Santa Fe không muốn đưa ra một tuyên bố khẳng định nào về chiếc cầu thang lạ lùng này, chỉ cho đó là sự đáp ứng của Thánh Giuse đối với lời cầu nguyện và sự phó thác của các nữ tu nơi Thánh Giuse. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ Thánh Giuse chính là ông thợ đã làm chiếc cầu thang lạ lùng đó.

Truyền thống tôn kính Thánh Giuse đã có từ lâu đời trong Giáo Hội, từ những thế kỷ đầu, thời các thánh Giáo phụ. Rồi qua các thế kỷ, chúng ta thấy rất nhiều vị thánh đã tỏ ra lòng sùng kính Thánh Cả Giuse cách đặc biệt.

Tiêu biểu nhất, thế kỷ 13 có thánh Margaret Cortona, thế kỷ 14 các thánh Bridget Thụy Điển, thánh Vincent Ferrer, thánh Bernardine Siena. Đặc biệt thế kỷ 16 có thánh Teresa Avila, nữ tiến sĩ đầu tiên của Hội Thánh, là tông đồ nhiệt thành với lòng phó thác tuyệt đối vào Thánh Cả Giuse. Bà đã thành lập 17 tu viện và dâng kính 13 tu viện cho thánh Giuse. Qua kinh nghiệm bản thân của bà về những ơn đã nhận được từ Thánh Giuse, thánh Teresa quả quyết:”Tôi thấy không lần nào xin gì cùng Thánh Giuse mà không được. Dường như Thiên Chúa ban cho các Thánh giúp ta việc này việc nọ. Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết Thánh Giuse giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Những ai không tin lời tôi, hãy thử mà xem”.

Sang thế kỷ 17, Mẹ Đáng Kính Maria Agreda, nữ tu Dòng Thánh Phan-xi-cô, trong mọi khó khăn cũng như nghịch cảnh, lúc nào bà cũng tín thác nơi Thánh Giuse. Trong cuốn sách Thành Trì Thiên Chúa (La mistica ciudad de Dios), bà viết: “Sự cầu bầu của Thánh Giuse thực là mạnh thế, để giúp chúng ta giữ đức trong sạch, gỡ mình khỏi tội lỗi, thêm lòng kính mến Đức Mẹ, được ơn chết lành, khỏi quỷ ma cám dỗ, được sức khỏe phần xác cùng sự cứu trợ trong mọi hoàn cảnh khó khăn”.

Trong thời cận đại, chúng ta có 2 vị Thánh được coi là Tông đồ nhiệt thành hơn cả của Thánh Cả Giuse: Thánh Daniele Comboni và Thánh Andre Bessette. Cả hai có chung đặc điểm là cùng sinh vào thế kỷ 19 và được phong hiển thánh vào thế kỷ 21, nhưng thánh Daniele qua đời vào thế kỷ 19 và thánh Andre qua đời thế kỷ 20.

1. Thánh Daniele Comboni là một linh mục truyền giáo tại Phi châu, sau làm Giám mục, được phong thánh ngày 5/10/2003. Ngài đã sáng lập Dòng Thừa Sai gồm cả hai ngành nam tu sĩ và nữ tu. Ngay khi khởi đầu việc truuyền giáo tại Sudan, Cha Daniele đã phó thác sứ mạng này cho Đức Mẹ và Thánh Giuse. Trong một cuộc hành trình bằng lạc đà phải xuyên qua những cánh rừng rậm Phi Châu, Cha bị té gẫy nát cả bàn tay và cánh tay. Mặc dù vô cùng đau đớn, Cha Daniele vẫn phải leo lên lưng lạc đà, băng rừng tới bờ sông Nile để được đưa bằng thuyền tới tụ điểm truyền giáo. Sau 82 ngày nằm liệt trên giường điều trị vết thương, Cha trở lại công việc, và ngay lập tức, Cha viết hóa đơn gởi Thánh Giuse, yêu cầu Ngài phải lấy tiền từ ‘ngân hàng Thiên quốc’ bồi thường cho Cha tám mươi hai ngàn quan, nghĩa là mỗi ngày Cha nằm trên giường trị thương và không dâng Thánh lễ được, Thánh Giuse phải trả cho Cha một ngàn quan. Rốt cuộc, Thánh Giuse ‘đành’ phải chi ra số tiền ‘khổng lồ’ đó. Tiếp theo, không biết từ đâu đến, Cha Daniele nhận được những số tiền lớn, chẳng những Cha có thể trả hết những chi phí chuyên chở, chi phí điều hành 2 nhà ở Cairo, 2 học viện ở Verona và Bắc Ý, thanh toán lương bổng cho nhân viên địa phương và hoàn tất công việc xây cất ngôi nhà dành cho các nữ tu, gồm nhà ở, trường học và vườn trẻ. Đúng là Thánh Giuse quá rộng lượng, đã trả cho Cha Daniele cả vốn lẫn ‘4 lời’.

2. Thánh Andre Bassette là Thày trợ sĩ Dòng Thánh Gía. Ngài sinh ngày 9/8/1845 trong một gia đình lao động gồm 10 anh chị em (2 người mất sớm), mồ côi cha năm lên 9 và mồ côi mẹ năm lên 12. Thuở nhỏ Ngài ít được đi học, chỉ biết đọc biết viết, và để mưu sinh, cậu bé Andre suốt 13 năm phải làm nhiều nghề khác nhau: thợ thiếc, thợ rèn, thợ sửa giầy, thợ làm bánh, v.v. và có thời gian phải sang Hoa Kỳ kiếm sống. Tuy nhiên, cậu Andre rất có tâm hồn đạo đức. Khi nào có chút giờ rảnh, cậu đều qùy gối cầu nguyện trước Thánh Gía, và khi có cơ hội, cậu đem Thánh kinh nói chuyện với bạn bè. Ngoài ra, cậu có lòng kính mến Thánh Giuse đặc biệt.

Năm 25 tuổi, nhờ sự giới thiệu của cha xứ và nhất là sự can thiệp của Đức Cha Ignace Bourget, thanh niên Andre được nhận vào Nhà Tập. Thày Andre khấn trọn đời ngày 2/2/1874 khi 28 tuổi. Trong suốt 40 năm, công việc chính của Thày là gác cổng trường College de Notre Dame Montreal. Thày thường nói đùa:“khi tôi đến, người ta chỉ cho tôi cái cổng và tôi ở đó suốt 40 năm”. Ngoài công việc chính, Thày Andre còn làm những việc không tên như lau nhà, lau đèn nhà nguyện, lau cửa kính, vác củi, chạy thơ, v.v. Thày cũng được giao nhiệm vụ đi thăm các học sinh bị bệnh, và cũng nhờ công việc này, không bao lâu, Thày nổi tiếng là ‘người làm phép lạ Montreal’, có khả năng chữa bệnh nhờ lời xin của Thày với Thánh Giuse. Khi đến thăm bệnh nhân tại nhà, Thày bảo họ cầu cùng Thánh Giuse rồi xức dầu Thánh Giuse cho họ (dầu lấy từ cây đèn luôn luôn thắp sáng trước bàn thờ Thánh Giuse trong nhà nguyện). Thế rồi càng ngày tiếng tăm Thày Andre, ‘người làm phép lạ’, càng loan truyền khắp nơi khiến hàng ngàn người từ xa kéo đến, và rất nhiều người được khỏi bệnh nhờ Thầy cầu nguyện với Thánh Giuse. Chỉ riêng năm 1916 đã có 435 trường hợp được báo cáo khỏi bệnh mà y giới không giải thích được.

Thường ngày Thày Andre phải tiếp khách hành hương từ 8 đến 10 giờ và mỗi năm Thày nhận khoảng 80 ngàn thơ từ khắp nơi gởi đến xin khấn hoặc xin những lời chỉ dạy của Thày. Thày Andre luôn luôn nói với những người đến xin chữa bệnh: “Tôi chỉ là kẻ quê mùa. Nếu có ai ngu dốt hơn tôi, chắc chắn Chúa sẽ chọn người đó thay tôi”. Câu nói này làm chúng ta nhớ tới câu nói của Thánh Bernadette được Đức Mẹ hiện ra ở Lộ-Đức: tôi là kẻ ngu dốt nhất trong các người ngu dốt. Nếu có ai ngu dốt hơn tôi thì Đức Mẹđã chọn người đó rồi. Các Thánh sao mà khiêm nhường đến thế, chẳng bù cho chúng ta, có người còn cho mình ‘thay trời’ (thế thiên) hành đạo. Quả đúng như lời Chúa dạy: ai đưa mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Khi có người được khỏi bệnh đến cám ơn, Thày Andre trả lời: “Đó là Thánh Giuse chữa. Tôi chỉ là con chó nhỏ của Ngài mà thôi”.

Giấc mơ của Thánh Andre là xây một đại thánh đường kính Thánh Giuse. Khởi đầu, Thày Andre quyên góp được số tiền 200 Gia kim và mỗi học sinh trả cho Thày 5 xu tiền hớt tóc. Năm 1904, Thày làm được một nhà nguyện bằng gỗ dài 5,49m, rộng 4.57m gần địa điểm Vương cung thánh đường Thánh Giuse hiện nay. Giấc mơ của Thày Andre đã trở thành hiện thực năm 1924 khi thánh đường Thánh Giuse được xây trên sườn đồi Mount Royal bên cạnh nhà nguyện nhỏ bé của Thày. Năm 1955 thánh đường hoàn thành, cao 263 thước, cao nhất thành phố Montreal và được thánh hiến. Mỗi năm có trên 2 triệu người đến viếng Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse, và nhiều người đến xin ơn đã được như ý nguyện.

Thày Andre qua đời năm 1937 lúc 91 tuổi. Hơn một triệu người từ khắp nơi đến kính viếng và đi qua quan tài của Thày để được nhìn Thầy và vĩnh biệt Thày lần cuối. Thi hài Thày Andre được an táng trong Vương Cung Thánh Đường mà Thày đã có công khởi xướng. Thày Andre được ĐGH Gioan-Phaolô đệ nhị phong chân phước ngày 23/5/1982 sau phép lạ ông Carlo Audino khỏi bệnh ung thư năm 1958 nhờ lời cầu bầu của Thày. Ngày 17/10/2010 Chân phước Andre được ĐGH Bê-nê-đic-tô thứ 16 tôn phong hiển thánh sau khi phép lạ thứ 2 được công nhận.

Nhân nói đến thời cận đại, không thể không đề cập đến biến cố vĩ đại ngày 13/10/1917 khi Đức Mẹ hiện ra lần thứ 6 với ba trẻ tại Fatima và trên bầu trời có Thánh Giuse, Chúa Hài Đồng và Đức Mẹ cùng xuất hiện bên cạnh mặt trời. Liền sau đó, chị Lucia la lên: trông mặt trời kìa! (Regardez le soleil), và trước sự chứng kiến của khoảng 70 ngàn người, mặt trời nhảy múa. Từ xưa đến này, ít khi nghe nói đến việc Thánh Giuse hiện ra, nhưng trong thời cận đại, sự kiện Thánh Giuse xuất hiện trên bầu trời cùng với Chúa Giêsu và Đức Mẹ có lẽ nhắc nhở chúng ta rằng Người vẫn luôn luôn quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của mỗi người chúng ta, và sẵn lòngcầu bầu cho chúng ta trước Tòa Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

Trên đây là truyện các Thánh tôn vinh Thánh Cả Giuse. Đến đây xin độc gỉa lượng thứ cho vì chỉ muốn chứng minh rằng trong cuộc sống đời thường, nếu chúng ta thành tâm cầu khẩn Thánh Giuse, Người sẽ nhận lời. Xin được kể hầu qúy vị một kinh nghiệm mới xảy ra trong gia đình như sau: Tôi có người con gái thứ 3 tên là Trần-Nguyễn Thiên Hương Lan, gọi bằng tên Mỹ là Mary cho tiện và vắn tắt. Mary tốt nghiệp Đại học Dược khoa với cấp bằng Doctor of Pharmacy và đã hành nghề dược sĩ hơn 10 năm. Mới đây một bệnh viện trong vùng cần tuyển một dược sĩ có kinh nghiệm để bào chữa thuốc trị bệnh cho các trẻ em khuyết tật hoặc mắc những bệnh nan y. Mary muốn nộp đơn xin làm nhưng xem ra tiêu chuẩn rất khó. Tôi đã khuyến khích Mary và khuyên Mary cầu nguyện cùng Thánh Giuse.

Một tuần sau khi phỏng vấn, Mary nhận được thư từ chối. Mary buồn rầu thông báo cho tôi và nghĩ là chuyện đã rồi nên tôi không quan tâm nữa. Bất ngờ tuần sau Mary gọi điện thoại báo tin vừa được bệnh viện cho hẹn đến làm thủ tục nhận việc. Mary cho biết ngay khi nhận thư từ chối, trong lòng không vui, lại thắc mắc vì sao đã cầu xin Thánh Giuse mà Người không nhận lời, nên theo đúng lời Mary kể, Mary hỏi Thánh Giuse TẠI SAO, sau đó ‘email’ cho bà Giám đốc phòng nhân viên của bệnh viện. Ngay chiều hôm đó, Mary nhận được hồi báo cho biết đã có sự lầm lẫn, và trong số những ứng viên đủ tiêu chuẩn, người được chọn chính là Mary. Mary tin rằng chính Thánh Giuse đã nhận lời cầu xin của mình mà chỉ cho họ nhận ra sự lầm lẫn.

Để kết thúc bài viết, xin trích dẫn bài suy ngẫm ngày thứ sáu trong cuốn Tuần cửu nhật kính Thánh Giuse do nhà sách Trái Tim Đức Mẹ tái bản năm 1993 mà không thấy tên tác gỉa:

“Muốn biết thế lực Thánh Cả trên Thiên Đàng ngày nay, không gì bằng nhớ lại công việc Người đã làm xưa trong Nhà Nazarét. Nơi đây, vì phận sự gia trưởng, Người đã xếp đặt mọi công việc cho Đức Mẹ và Chúa Con. Ngót ba mươi năm trường, hai Đấng đã lấy làm hạnh phúc được vâng lời Người trọn vẹn, chẳng lấy chi làm sung sướng cho bằng làm vừa lòng đẹp ý Người luôn. Ấy là thế lực Người ở trần gian, huống chi trên Thiên Đàng, quyền uy Người còn lớn gấp bội. Có lẽ nào trên chốn vinh quang, Chúa Giêsu và Đức Mẹ lại phai lạt lòng yêu mến đối với Người? Tất nhiên lời cầu nguyện của Người phải mạnh thế dường nào! Đấng Cứu Thế vừa thấy đôi tay, suốt ba mươi năm, đã làm lụng vất vả để nuôi Mình, rày chắp lại van xin, thì cầm lòng sao được mà chẳng mau kíp ban ơn?”

-------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây