Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 034 - MV 1-C: Con tàu Titanic kiêu hùng đã bị chìm sâu trong lòng biển (Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật MV 1-C)
Đêm 15.04.1912 các báo đài trên thế giới đồng loạt đăng tin về tai nạn đắm tàu khủng kiếp nhất trong lịch sử hàng hải từ xưa đến nay, đó là
Con tàu Titanic kiêu hùng, đã bị chìm sâu trong lòng biển.
Con tàu Titanic nổi tiếng, đang chạy trên vùng Bắc Đại Tây Dương, thì đụng phải một tảng băng ngầm, khiến cho thành tàu bị thủng một mảng lớn, nước thoải mái tràn vào các khoang tàu. Vài tiếng đồng hồ sau, thì con tàu bị gãy làm đôi và chìm sâu xuống lòng biển, mang theo phần lớn hành khách và hầu như toàn bộ thủy thủ đoàn.
*****
Titanic là một con tàu vĩ đại nhất trong lịch sử hàng hải. Con tàu dài 271 mét, rộng 28 mét, cao 22 mét, có 8 tầng lầu, có đầy đủ tiện nghi: Nào là có phố vui chơi, với nhiều trò chơi hấp dẫn, có hồ bơi, có sân chơi thể thao, có rạp hát, có vườn hoa, có nhà hàng với nhiều món ăn sang trọng, đắc tiền…
Số hành khách có mặt trên tàu lúc gặp nạn là khoảng 1.500 người.
Hầu hết họ là những người có danh giá, có địa vị xã hội, như các ông hoàng, bà chúa, chính khách, đại phú gia, nghệ sĩ và thương gia…
Con tàu Titanic khi sắp hạ thủy đã được mọi người, kể cả các chuyên gia, đánh giá là an toàn tuyệt đối, và có khả năng thách thức với mọi thời tiết.
Nhưng thực tế, mới khởi hành chưa được mấy ngày, thì con tàu đã gặp nạn.
Đây là một trong những tai nạn đường biển khủng khiếp nhất, từ trước cho đến nay, trong lịch sử hàng hải thế giới.
*****
Gần đây, trong dịp kỷ niệm biến cố đắm tàu Titanic, một tạp chí tôn giáo kia, sau khi nhắc lại thảm họa, đã nêu ra cho độc giả một câu hỏi để suy nghĩ như sau:
“Giả như bạn cũng có mặt trên con tàu Titanic, khi con tàu đang bị chìm, thì bạn có tiếp tục vui chơi, ăn uống và khiêu vũ… mà không hề quan tâm đến việc mình sắp bị chết chìm không ?”
Câu hỏi này rất phù hợp với câu nói của Đức Giêsu, trong Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng ( Năm B ) hôm nay, mà Giáo Hội muốn chúng ta suy nghĩ:
“Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề, vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy, như một chiếc lưới, bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34).
Nơi khác Chúa cũng nói:
“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến… Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,42.44).
Tuy cái chết thường đến bất ngờ, nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ đâu. Vì Chúa vẫn thương yêu chúng ta. Người luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu, báo trước về cái chết, để chúng ta kịp thời gian chuẩn bị:
- Mỗi khi thấy một người chết vì bệnh hay do tai nạn… là một tín hiệu Chúa gửi tới, để nhắc nhở về cái chết của mỗi người chúng ta.
- Khi chúng ta thấy có những sợi tóc bạc xuất hiện trên đầu, một chiếc răng bị hư, đôi mắt ngày càng bị lu mờ đi, tay chân bị thấp khớp, đau nhức, sưng lên, khiến việc di chuyển đã nên khó khăn, một cơn bệnh nặng xuất hiện… là những tín hiệu cho thấy sự lão hóa, là báo trước về giờ chết của chúng ta có lẽ đã gần đến !
Chúng ta không nên bịt tai, nhắm mắt trước, những tín hiệu ấy, nhưng hãy thành tâm suy nghĩ, chuẩn bị, để sẵn sàng chờ đón giờ chết đến.
Chúa căn dặn chúng ta phải canh chừng và phải đề phòng, đó là đừng để cho những đam mê, lạc thú bất chính, những tiện nghi vật chất, những nhu cầu thể xác như cơm, áo, gạo, tiền… chi phối chúng ta, làm cho chúng ta quên đi cái cùng đích của đời mình, là phải lo trở về Nhà Cha trên trời.
Trong khi chờ đợi ngày ấy, chúng ta cần phó thác cuộc sống của ta trong tay Chúa Quan Phòng và đừng quên dành ưu tiên trong việc tìm kiếm Nước Trời, như lời Chúa Giêsu đã dạy:
“Anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, sẽ uống gì, hay sẽ mặc gì đây ? (Mt 6,31).
Nhớ “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Rồi Chúa cũng đừng quên lời Chúa dạy hôm nay: Phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.
Tỉnh thức, nghĩa là luôn trung thành chu toàn các việc bổn phận Chúa trao.
Cầu nguyện, là năng nhớ đến Chúa, thỉnh thoảng trong ngày dâng lên Chúa những lời nguyện vắn tắt, kèm theo những việc tốt, phục vụ giúp đỡ tha nhân.
Cầu nguyện, còn là siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên. Nhờ đó, chúng ta sẽ có chất nhựa sống là Ơn Thánh hóa của Chúa thông ban, giúp chúng ta mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn, giống như Cha trên trời hơn (x. Mt 5,48). Và tất nhiên, đáng được Chúa yêu thương hơn.