Thiên Chúa dự định thực hiện một việc tốt lành cho dân Người, đó là ban ơn cứu độ. Phụng vụ: MV2-C101
Thiên Chúa dự định thực hiện một việc tốt lành cho dân Người, đó là ban ơn cứu độ. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khai triển đề tài ấy qua đoạn sách ngôn sứ Ba-rúc, đồng thời qua sứ điệp của ông Gio-an Tiền hô và lời khuyên của thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê, đưa ra một chương trình sám hối giúp ta tiếp nhận ơn cứu độ.
1. Giê-ru-sa-lem được khôi phục là hình bóng nói lên ơn cứu độ (bài đọc Cựu Ước – Ba-rúc 5:1-9)
Sách ngôn sứ Ba-rúc nói về cuộc lưu đày của Ít-ra-en tại Ba-by-lon và về viễn tượng dân được giải phóng rồi trở về Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên viễn tượng giải phóng ấy không chỉ mang tính cách lịch sử Ít-ra-en, mà còn ám chỉ về thời cứu độ Thiên Chúa thực hiện qua Chúa Ki-tô. Giê-ru-sa-lem đã trở nên điêu tàn sau khi dân Ít-ra-en bị phát lưu. Giờ đây, ngôn sứ Ba-rúc nhìn thấy một Giê-ru-sa-lem được phục hồi còn vinh quang rực rỡ hơn cả trước kia. Đức cha Êu-xê-bi-ô, giám mục Xê-da-rê, trong bài chú giải sách I-sai-a đã nói về vai trò của Giê-ru-sa-lem: “Quả thật, Xi-on đây cũng chính là Giê-ru-sa-lem, đã nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa, là thành được xây ở trên cao, trên núi của Thiên Chúa, nghĩa là trên Ngôi Lời, Con Một của Người”.
Vậy cái nhìn của ngôn sứ Ba-rúc về Giê-ru-sa-lem được cứu độ như thế nào? Hình ảnh đầu tiên về Giê-ru-sa-lem được cứu độ là “cởi bỏ áo tang khổ nhục để khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa” (Br 5:1). Cứu độ là được thay đổi từ tình trạng xấu tới tình trạng tốt, hoặc từ cái mất đến cái tìm lại được. Giê-ru-sa-lem đã trải qua một thời kỳ đen tối, mất đi tất cả và nằm trong bàn tay kìm kẹp của dân ngoại. Một thành lừng danh nay đã hoang tàn vì không còn dân chúng và sức sống nữa, khác gì một thành phố chết. Tình trạng chết ấy đúng là “áo tang khổ nhục” bao trùm Giê-ru-sa-lem. Bị ngoại bang xâm chiếm, Giê-ru-sa-lem nhục nhã vì Đền Thờ trở thành ô uế, các đồ dùng thờ phượng bị tục hóa, việc thờ phượng Thiên Chúa bị thay thế bằng việc cúng tế các thần ngoại, vinh quang và công chính của Thiên Chúa nhường chỗ cho đồi trụy và thấp hèn của thế gian.
Giữa tình trạng buồn thảm và thất vọng ấy, ngôn sứ Ba-rúc mang đến sứ điệp giải phóng của Thiên Chúa: “Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, hãy đứng ở nơi cao và hướng nhìn về phía đông” (Br 5:5). Phía đông là phía mặt trời, mặt trời công chính, biểu tượng của Thiên Chúa, sẽ mọc lên và phá tan u tối. Phía đông cũng là hướng Ba-by-lon, nơi con cái Ít-ra-en bị lưu đày sẽ lên đường trở về quê cha đất tổ. Con đường xưa đem dân Ít-ra-en đi lưu đày là con đường khổ cực, khó khăn và nhục nhã nay được dọn dẹp lại theo lệnh Thiên Chúa. “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn” (Br 5:7).
Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong sứ điệp giải phóng này phải là sự can thiệp của Thiên Chúa. Vai trò chủ động của Thiên Chúa được đề cao: Thiên Chúa “ban vinh quang vĩnh cửu, khoác áo choàng công chính cho Ít-ra-en, truyền dạy con cái Ít-ra-en tụ họp về, ra lệnh dọn đường để Ít-ra-en tiến bước an toàn, cho quế trầm tỏa bóng che rợp Ít-ra-en, dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc”.
Những gì Thiên Chúa đã làm cho Giê-ru-sa-lem thì Người cũng làm cho ta để cứu độ ta. Thiên Chúa đã khôi phục Giê-ru-sa-lem và xây thành “trên Con của Người”, nghĩa là Người cứu độ ta nhờ công nghiệp Chúa Ki-tô. Chúa sẽ dẫn ta “đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người” (Br 5:9). Nhưng ta cũng có bổn phận phải theo sự dẫn dắt của Chúa, nhất là trong công việc dọn đường cho ơn cứu độ, theo lệnh Chúa mà dẹp bỏ những núi cao, gò nổng và thung lũng “có tự lâu đời” trong ta, tức những tính hư tật xấu đã ăn rễ sâu trong lối sống của ta.
2. “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (bài Tin Mừng – Lu-ca 3:1-6)
Trong Cựu Ước, ngôn sứ Ba-rúc loan báo Thiên Chúa cứu độ Giê-ru-sa-lem. Lời tiên tri ấy nay đã ứng nghiệm khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Chúa Giê-su bắt đầu sứ mệnh cứu thế sau những năm sống ẩn dật tại Na-da-rét. Nhưng trước khi Người xuất hiện, có ông Gio-an “đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3:3).
Trước khi giới thiệu con người và sứ vụ của ông Gio-an Tiền hô cũng như của Chúa Giê-su, thánh sử Lu-ca đã không quên nói đến khung cảnh thời gian và không gian đạo đời. Ngài muốn trình bày một bối cảnh lịch sử để giúp ta nhận ra tính cách phổ quát của ơn cứu độ, là: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3:6). Sứ điệp về ơn cứu độ phổ quát ấy phải là cốt lõi lời rao giảng của ông Gio-an. Tuy nhiên, kèm theo lời rao giảng trọng đại này, ông Gio-an muốn có một nghi thức dễ khiến cho người ta cảm động và nghiêm túc tiếp nhận tin mừng cứu độ. Đó là làm phép rửa. Mục đích phép rửa của ông không phải là tha thứ tội lỗi dân chúng, mà chỉ là giúp họ “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”, bởi vì việc tha tội thuộc quyền của “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29).
Thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa thì ai cũng có khả năng thấy được, vì ơn cứu độ có tính cách phổ quát. Nhưng tiếp nhận ơn cứu độ lại là chuyện khác, cần phải có đáp trả và nỗ lực của mỗi người. Vì thế, đối với ông Gio-an, muốn kêu gọi người ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ, không gì tốt hơn là mượn lời ngôn sứ I-sai-a để kêu gọi dân chúng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3:4). Đường lối là hình ảnh dễ dàng nhất để mô tả một chuyển động, có điểm đi điểm tới. Mọi ngăn cản, khó khăn cần phải được dẹp bỏ. Hình ảnh con đường với thung lũng, núi đồi, khúc quanh co, chỗ lồi lõm thật là thích đáng giúp ta hiểu thế nào là một tâm hồn có những trở ngại khiến cho việc di chuyển giữa họ với Chúa thật khó khăn, hoặc có thể nói là không thể vượt qua nổi. Khó khăn trở ngại không phải về phía Thiên Chúa, mà hoàn toàn về phía con người. Làm sao Chúa đến với ta khi ta cứ theo con đường của ta là con đường tội lỗi và chống lại Chúa? Những thung lũng tham lam, núi đồi kiêu căng, khúc quanh co gian dối và lồi lõm bất trung đã dựng lên những chướng ngại vật cản đường Chúa đến. Do đó, dọn đường cho sẵn và sửa lối cho ngay là việc của ta, còn việc Chúa cứu độ chỉ được thể hiện nếu ta cộng tác với Chúa bằng cách chuẩn bị sẵn sàng.
3. Thánh Phao-lô nói gì về việc chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ? (bài đọc Tân Ước – Phi-líp-phê 1:4-6.8-11)
Ngôn sứ Ba-rúc và thánh Gio-an Tiền hô đã loan báo ơn cứu độ và việc chuẩn bị qua những hình ảnh cụ thể về Giê-ru-sa-lem và việc dọn đường lối. Còn thánh Phao-lô Tông đồ thì đề cập đến việc chuẩn bị tâm hồn khi ngài “khẩn khoản nài xin” anh chị em tín hữu hãy làm sao “cho lòng mến ngày thêm dồi dào” và “được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách” trong thời gian họ chờ đợi Chúa đến vào phút cuối đời. “Sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô”, đó là châm ngôn của mọi tín hữu muốn lãnh nhận được ơn cứu độ.
Trước hết ta thấy hết sức cảm động vì tấm lòng yêu thương của người cha nơi thánh Phao-lô. Tình thắm thiết của ngài dành cho tín hữu Phi-líp-phê cũng là tình ngài dành cho ta. Ngài chia sẻ những gì ngài đã sống, đó là sống “nhờ Đức Giê-su Ki-tô”. Cuộc sống đầy tràn tinh thần Chúa Ki-tô đã làm cho lòng mến của ngài ngày thêm dồi dào và được nên tinh tuyền. Ngài đã chạy hết quãng đường trong cuộc đua và đã chiến thắng trong cuộc thi đấu (2 Tm 4:7). Những lời ngài tâm sự với Ti-mô-thê phải là những lời khích lệ ta thực thi việc chuẩn bị dọn đường đón nhận Đấng Cứu Độ. Một trong những cách chuẩn bị mà thánh Phao-lô chú trọng nhất, đó là “góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng”, bởi vì nếu muốn rao giảng Tin Mừng thì chính mình phải sống Tin Mừng ấy trước. Cả cuộc đời ta là những tháng năm rao giảng Tin Mừng bằng đời sống. Thánh Phao-lô còn cho ta thấy tương lai chắc chắn của việc sống và rao giảng Tin Mừng, là: “Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm” (Pl 1:6). Nói khác đi, nếu Chúa đã giúp ta làm công việc dọn đường lúc ban đầu khi ta sống trên trần gian này, thì Người cũng giúp ta hoàn tất công việc dọn đường ấy khi Chúa Ki-tô trở lại trần gian ngày cuối đời của ta.
4. Sống Lời Chúa
Ngôn sứ Ba-rúc giúp ta xác tín vào ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho mọi người. Thánh Gio-an Tiền hô lập lại lời ngôn sứ I-sai-a để loan báo ơn cứu độ phổ quát và việc chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ. Còn thánh Phao-lô Tông đồ thì chia sẻ tâm tình yêu thương và khích lệ ta hãy “sống đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô”. Nếu tuần thứ nhất mùa Vọng chú trọng loan báo việc Chúa đến cứu độ, thì Phụng vụ Lời Chúa tuần này nhấn mạnh hơn đến việc ta hãy chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ. Chuẩn bị không phải chỉ trong mấy tuần lễ trước ngày lễ Giáng Sinh, nhưng là chuẩn bị cho cả một đời để sẵn sàng đón Chúa trở lại với ta.
Suy nghĩ: Con đường để Chúa đến với tôi và tôi đến với Chúa là con đường nào? Tôi có nhận ra những chướng ngại nào không, và tôi phải dẹp bỏ chúng thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cuàng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men. (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II mùa Vọng).
Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng giới thiệu Chúa Giê-su là Con Người sẽ đến xét: MV2-C102
Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng giới thiệu Chúa Giê-su là Con Người sẽ đến xét xử trần gian và sứ điệp của Người kêu gọi ta phải chuẩn bị đón tiếp Người, hôm nay Phụng vụ Lời Chúa trình bày một gương mẫu đáp lại sứ điệp của Chúa: ông Gio-an Tiền hô. Ông mời gọi người ta chuẩn bị đón tiếp Chúa. Nhưng lời mời gọi ấy lại chính là những điều ông đã sống và giờ đây ông đem chia sẻ với mọi người. Vậy ông Gio-an là ai và sứ điệp của ông là gì?
1) Thân thế và sứ mệnh của ông Gio-an Tiền hô
Trước khi viết về sứ mệnh của ông Gio-an Tiền hô, thánh sử Lu-ca đã ghi lại bối cảnh lịch sử xã hội và tôn giáo thời ấy. Các lãnh tụ đời cũng như đạo đều được nhắc tới. Đây không chỉ là cách viết của một sử gia nói có sách mách có chứng, nhưng hơn thế nữa, thánh Lu-ca còn muốn trình bày một bối cảnh mà ông Gio-an sẽ thi hành sứ mệnh là kêu gọi người ta hối cải, nghĩa là cần phải đổi mới cả hai phương diện xã hội cũng như tôn giáo.
Thân thế của ông Gio-an đã được nói đến trong Tin Mừng Lu-ca, chương 1. Cuộc ra đời của em bé Gio-an mang những nét đặc biệt, cho thấy bàn tay Thiên Chúa can thiệp rõ ràng. Mẹ em có thai trong tuổi già. Cha em bị câm một thời gian vì hoài nghi lời sứ thần Gáp-ri-en tiên báo. Mới là một bào thai, em bé đã biết nhảy mừng trong bụng mẹ khi bà đến viếng thăm Mẹ Ma-ri-a. Ngay việc đặt tên cho em cũng khác thường, không phải bằng cái tên của họ hàng muốn đặt cho, nhưng cái tên Gio-an do thiên sứ truyền cho ông Da-ca-ri-a phải đặt. Càng lớn lên, tinh thần cậu bé “càng vững mạnh”. Khi lớn khôn, “cậu sống trong trong hoang địa, cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en”.
Trong hoang địa, Gio-an lãnh nhận sứ mệnh từ Thiên Chúa và ông chọn lựa một địa bàn hoạt động cũng rất khác thường, là “đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Ta thử tưởng tượng mình sống vào thời ấy để thấy ông Gio-an thi hành sứ mệnh. Phương tiện giao thông chỉ là đôi chân dày dạn. Thế mà ông Gio-an đã đi khắp vùng ven sông Gio-an, đến các làng mạc chung quanh để rao giảng về sự sám hối. Kèm theo lời giảng, ông chọn lựa một nghi thức để giúp người ta biểu lộ tâm tình sám hối, đó là phép rửa. Mục đích sứ mệnh của ông là làm sao giúp người ta sẵn sàng “để được ơn tha tội”. Ông ý thức rõ ràng phép rửa của ông chỉ là một nghi thức dùng nước để giúp người ta ý thức tình trạng tội lỗi của họ thôi, vì nước không thể rửa sạch tội lỗi cho ai được. Chỉ có Đấng đến sau ông là Đức Ki-tô mới “làm phép rửa trong Thánh Thần” (Mc 1:8), nghĩa là chỉ Đức Ki-tô mới có thể tẩy rửa tội lỗi ta trong công trình cứu độ của Người. Do đó, sứ mệnh của ông Gio-an là làm tiếng hô kêu gọi người ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ, “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.
2) Sứ điệp sám hối
Dọn đường cho Đức Chúa đến, lối cho Người đi vào tâm hồn ta là mục tiêu của sứ điệp Gio-an. Nhưng nếu đường đã bị cắt, lối đã bị ngăn thì làm sao Chúa đến với ta được. Chúa không độc đoán dùng quyền năng của Người bắt ta phải để cho Người đến với ta, trái lại Người muốn có một cuộc gặp gỡ đồng tình, do ý muốn của đôi bên. Nếu Người đã xếp bỏ thời gian và không gian vô biên của Thiên Chúa lại để chấp nhận chịu hạn hẹp trong thời gian và không gian của loài người qua Đức Ki-tô mà đến với ta, thì Người cũng mong ta hãy phá bỏ đi những giới hạn tâm hồn của ta để mở lòng cho Người tới. Ngôn sứ I-sai-a đã dùng những hình ảnh thật quen thuộc để mô tả những giới hạn tâm hồn ấy. Đó là thung lũng, núi đồi, quanh co, lồi lõm. Đối với kỹ thuật và cơ giới hiện nay, thực hiện một con đường tại nơi gặp những trở ngại như trên không còn là vấn đề khó khăn. Máy móc tối tân có thể giúp người ta xây một xa lộ trong thời gian thật ngắn. Nhưng người ta lại bó tay không thể làm một con đường dẫn Chúa vào tâm hồn một người không muốn có sự thay đổi nào.
Ông Gio-an chỉ lập lại sứ điệp của ngôn sứ I-sai-a thôi. Sứ mệnh của ông quả đơn giản, là kêu gọi mỗi người hãy tự mình dọn đường lối cho Chúa đến. Đúng vậy, ngoài Chúa ra, ai có thể biết rõ được tâm hồn người khác. Mà giả như người khác có biết được những thung lũng, núi đồi, quanh co và lồi lõm của tâm hồn ta, thì họ cũng chẳng có thể làm gì hơn ngoài việc nhắc nhở ta sửa đổi. Ông Gio-an đã đem cả cuộc đời để làm công việc đơn giản là nhắc nhở kêu gọi người ta. Tiếng hô của ông trong hoang địa đã vượt biên tới tận kinh thành Giê-ru-sa-lem. Mọi người mọi giới đạo đời đã đến xin ông cho biết họ phải làm gì. Có nhiều người làm theo lời chỉ dạy. Nhưng cũng có nhiều người chẳng những không muốn nghe mà còn muốn dập tắt tiếng hô của ông. Ông chấp nhận mọi thử thách và cả cái chết đau thương để chu toàn sứ mệnh nhắc nhở ấy.
3) Những Gio-an Tiền hô hôm nay
Khi đem sứ điệp sám hối đến cho dân chúng, bản thân ông Gio-an đã sống sứ điệp ấy. Ông từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi của thành phố và những tham vọng để chọn lối sống trong hoang địa, giống như lấp đầy đi cái thung lũng tham sân si của ông. Ông bạt phẳng núi đồi kiêu căng ganh tị ngấm ngầm trong lòng, để xác tín chỗ đứng của ông sau Chúa Giê-su: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Ông cũng không quanh co đánh lận con đen, vỗ ngực nói với dân chúng đang ngưỡng mộ ông: Tôi chính là Đấng Mê-si-a đây! (xem Lc 3:15).
Mẫu người Gio-an đã lấy đời mình làm sứ điệp, làm tiếng hô sám hối. Ki-tô hữu hôm nay cũng ý thức sứ mệnh làm sứ điệp sám hối. Ta sống tinh thần sám hối, thay đổi và phá bỏ đi những trở ngại tâm hồn, để từ đó ta sẽ trở thành một tiếng hô cho gia đình, xã hội và thế giới. Kinh nghiệm cho ta biết rất nhiều bậc cha mẹ không thể bảo ban dạy dỗ con cái được, là vì “tiếng hô” của họ rỗng tuyếch, không có cơ sở bởi đời sống gương mẫu.
Trong viễn tượng truyền giáo, ta không thể mời gọi anh chị em chưa được biết Chúa đón nghe Tin Mừng nếu chính đời sống của ta không phản ảnh những giá trị Tin Mừng. Ta không thể nói với họ về bác ái, yêu thương, nếu chính ta thiếu lòng bác ái yêu thương. Ta không thể loan báo cho người khác biết Chúa đến cứu độ ta, nếu ta chưa cho họ thấy con đường Chúa đến với ta đã được chuẩn bị sẵn sàng.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tất cả cuộc sống Ki-tô hữu là một hành trình sám hối không ngừng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô. Vậy tôi đang trên hành trình ấy hay vẫn giậm chân tại chỗ? Tôi có ý thức sứ điệp Tin Mừng của Chúa Ki-tô cũng bắt đầu bằng việc kêu gọi sám hối không? Tôi đọc Mác-cô 1:15 hoặc Mát-thêu 4:17 và trả lời Chúa.
Những điểm xấu và tiêu cực nào trong tâm hồn tôi được ví như thung lũng, đồi núi, quanh co, lồi lõm? Tôi có một vài phương thức cụ thể nào để thay đổi chúng, đặc biệt trong mùa Vọng này?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến. Xin đừng mỉm cười mà nói rằng Chúa đã ở bên chúng con rồi. Có cả triệu người chưa biết Chúa. Nhưng biết Chúa thì được cái gì? Chúa đến để làm gì nếu đời sống con cái của Chúa cứ tiếp tục y như cũ? Xin hoán cải chúng con. Xin lay chuyển chúng con. Ước gì sứ điệp của Chúa trở nên máu thịt của chúng con, trở nên lẽ sống của cuọâc đời chúng con. Ước gì sứ điệp đó lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại, và đòi buộc chúng con, làm chúng con không yên. Bởi lẽ chỉ như thế, sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con bình an sâu xa, thứ bình an khác hẳn, đó là Bình An của Chúa.” - Helder Camara (Trích RABBONI, lời nguyện 11)
Chúa Giê-su đã công bố Tin Mừng chúng ta sắp được cứu chuộc và Người mời gọi ta hãy ở trong: MV2-C103
Chúa Giê-su đã công bố Tin Mừng chúng ta sắp được cứu chuộc và Người mời gọi ta hãy ở trong tư thế của người có đức tin, tức là hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, mà đón nhận ơn cứu rỗi (xem bài Tin Mừng Chúa Nhật I mùa Vọng). Tuy nhiên, đức tin chúng ta cần phải sống động và được biểu lộ qua hành động. Đó chính là điều thánh Gio-an Tẩy Giả lấy làm đề tài cho việc rao giảng của ngài. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn tiếp tục quảng diễn thái độ đức tin: để có thể đứng thẳng và ngẩng đầu, ta cần phải loại bỏ đi mọi trở ngại. Qua sứ vụ rao giảng sám hối, thánh Gio-an mời gọi chúng ta điểm mặt những trở ngại này và hãy quyết tâm thắng vượt.
a) Sứ vụ rao giảng thống hối của Gio-an Tẩy Giả
So sánh chương 3 với chương 4 trong Tin Mừng Lu-ca, chúng ta thấy thánh sử đi theo một cấu trúc tương tự để mô tả khởi đầu sứ vụ của ông Gio-an và khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su. Trước hết là giới thiệu hoàn cảnh lịch sử và địa lý, nhân vật chính là Gio-an Tẩy Giả và Chúa Giê-su, tiếp đến là việc các ngài thi hành sứ vụ, sau đó là phản ứng của những người đương thời trước công việc các ngài làm, và cuối cùng là cơn bách hại các ngài phải chịu (Gio-an bị bỏ tù và Chúa Giê-su bị lôi ra khỏi thành Na-da-rét). Điểm đặc biệt trong phần trình bày sứ vụ là cả hai vị đều thi hành những gì đã được Thiên Chúa hoạch định và được ngôn sứ I-sai-a tiên báo (Lc 3:4-6 và 4:18-19). Vậy theo ngôn sứ I-sai-a, sứ vụ của ông Gio-an Tẩy Giả là gì?
Là kêu gọi và giúp mọi người hãy dọn đường sửa lối cho Chúa đến. Không phải những con đường đất đá, nhưng là những con đường của tâm hồn, để tiếp nhận Chúa đến cứu chuộc chúng ta. Hình ảnh con đường thật là sống động, thực tiễn và súc tích dùng để nói lên một hình ảnh khó nhận ra được là tâm hồn. Những trở ngại khiến Chúa không thể đến với tâm hồn ta đã được cụ thể hóa bằng những gợi hình như thung lũng, núi đồi, quanh co và gồ ghề. Những hình ảnh quen thuộc này dễ gợi cho ta nhìn vào tâm hồn mình để nhận ra đâu là những thiếu vắng hụt hẫng, những kiêu căng tự phụ, những quanh quéo lươn lẹo và những bất mãn khó chịu, luôn bàng bạc trong nội tâm ta khi ta đối xử với Chúa, với anh chị em và với chính mình. Vì những trở ngại ấy mà Chúa không đến với ta được, anh chị em cũng không đến với ta được, và chính ta cũng không dám vượt qua những trở ngại ấy để đến với Chúa và anh chị em!
Việc dọn đường sửa lối này không ai có thể làm giúp ta. Chúa chỉ giúp ta những dụng cụ. Người cho ta Lời Chúa để làm “ngọn đèn soi bước ta đi,” Bí tích Hòa giải để giúp ta thống hối và sửa đổi, những lời giảng dạy của Giáo Hội để giúp ta suy gẫm và thăng tiến đời sống thiêng liêng... Ông Gio-an cũng chỉ đóng vai trò đốc công, hô hoán thúc giục mọi người mau hoàn tất công tác dọn đường sửa lối, chứ ông không thể làm gì hơn, vì ta mới là chủ động. Chính ta phải là người “dọn sẵn con đường của Đức Chúa” và là người “sửa lối cho thẳng để Người đi.”
Vậy con đường ấy đưa ta và Chúa đi đâu? Để ta đến với Chúa mà xin Người cứu độ ta và để Chúa đến với ta mà ban ơn cứu rỗi của Người cho ta. Đó là con đường lưu thông hai chiều, từng giờ từng phút chuyên chở những yêu thương, ân sủng, cảm tạ, tha thứ, nụ cười, nước mắt... để xây dựng một mối quan hệ mật thiết giữa ta với Chúa và quan hệ ấy sẽ được tồn tại vĩnh cửu mai sau. Tóm lại, con đường ấy sau khi đã được dọn sửa sẽ giúp cho “hết mọi người phàm thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
b) Ông Gio-an đã thi hành sứ vụ thế nào?
Thánh Lu-ca sử dụng chỉ một câu để mô tả hoạt động của ông Gio-an: “Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3:3). Tuy viết đơn sơ vậy, nhưng thực tế không đơn giản như thế đâu. Ông Gio-an cũng có phương án chứ. Ông chọn “vùng ven sông Gio-đan” làm địa bàn thực hiện sứ vụ, vì đó là nơi tiếp cận giữa Giu-đê với Sa-ma-ri và Ga-li-lê, đồng thời cũng tiếp cận với thế giới Dân ngoại nữa. Người trên Giê-ru-sa-lem có thể xuống, người từ miền bắc như Ga-li-lê và Sa-ma-ri có thể tới, người từ phía Dân ngoại như vùng Thập Tỉnh hoặc Xi-ri cũng có thể qua. Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho mọi người, không riêng gì Do-thái. Cho nên cũng phải kêu gọi mọi người, không phải chỉ người Do-thái, hết thảy hãy chuẩn bị đón nhận Đấng cứu chuộc. Ông không chỉ loan báo sự thống hối, vì loan báo mang ý nghĩa yếu và hơi thụ động, nhưng ông tích cực rao giảng, lớn tiếng hô hoán lên để càng nhiều người nghe được càng tốt. Lời giảng của ông không phải là mớ lý thuyết, nhưng là những lời thúc giục, kêu gọi, van nài, thực tế, đe dọa, nói thẳng nói thật. Mà nói thật thì mất lòng, do đó ông đành chịu thiệt thân vì nói.
Kèm theo lời rao giảng, ông làm một nghi thức gần giống như nghi thức tẩy rửa của Do-thái giáo, để giúp người nghe biểu lộ tâm tình thống hối và khi trở về nhà sẽ tiếp tục công tác “dọn đường sửa lối” trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Sứ vụ rao giảng thống hối và làm phép rửa, ông Gio-an không tự sáng chế ra, nhưng ông đã thi hành theo kế hoạch của Chúa sau khi “có lời Chúa phán cùng ông trong hoang địa,” một kiểu nói của Kinh Thánh giống như trường hợp Chúa Giê-su “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa” lúc Người khởi đầu sứ vụ cứu thế.
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi có nhìn vào Chúa Giê-su, Đấng đã phán: “Thầy là con đường” để dọn dẹp và sửa sang con đường của tôi không? Con đường của Chúa Giê-su sẽ soi sáng cho tôi thấy phải dọn sửa con đường của tôi như thế nào?
E. Krishassner kể truyện có một cậu bé nhặt được một tấm bản đồ thế giới đã bị xé làm nhiều mảnh. Thế mà cậu bé chỉ mất mấy phút đồng hồ ráp lại đầy đủ. Người ta hỏi sao cậu giỏi và ráp lại nhanh thế, cậu liền trả lời: “Dễ ợt mà. Ở mặt sau có hình một người. Cháu chỉ ráp lại hình ông ta là cả thế giới chỗ nào vào chỗ đó!” Nếu tôi thực sự thống hối và sửa đổi để “ráp lại” hình ảnh của tôi, thì hiệu quả sẽ như thế nào đối với gia đình, nhóm, xứ đạo của tôi?
Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI nói: “Chúng ta sẽ chẳng là những Ki-tô hữu trung thành nếu chúng ta không làm những Ki-tô hữu tiếp tục tiến trình được đổi mới” (ĐGH Phao-lô, ngày 27-6-1973). Tôi có chương trình nào để “đổi mới” tôi không? Phải thực hiện chương trình ấy một cách cụ thể như thế nào?
Lời nguyện Canh Tân: Lạy Chúa, chúng con là dân Chúa, là chiên thuộc đoàn chiên Chúa. Xin Chúa chữa lành những con chiên bị thương, xin nâng đỡ những con chiên đau khổ, xin rửa sạch những con chiên nhơ bẩn, xin sưởi ấm những con chiên nguội lạnh.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu biết tình yêu của Chúa là Cha, qua Đức Ki-tô là Chúa Chiên nhân lành, và qua Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết biểu dương và làm cho mọi người nơi đây nhận biết tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con xây dựng bác ái trên công bình, và công bình trên bác ái. Xin giúp chúng con mạnh mẽ trong Đức Tin, hân hoan trong Đức Cậy, và thiện toàn trong Đức Mến.
Lạy Chúa, xin đổi mới chúng con, để nhờ đó chúng con đổi mới bộ mặt trái đất. A-men.
Chúa đã đến, Chúa đang đến, và Chúa sẽ đến với con người và lịch sử vũ trụ. Để đến với thế giới: MV2-C104
Chúa đã đến, Chúa đang đến, và Chúa sẽ đến với con người và lịch sử vũ trụ. Để đến với thế giới và đến với nhân loại, Chúa cần có những con đường, dù là đường hẹp hay đường thập giá. Tuy Chúa là đường, đường đưa ta đến với Thiên Chúa là Cha, nhưng đường đời cần phải khai thông để cho Đấng là Đường đi vào mở lối. Gioan tiền hô được sai đến để dọn đường mở lối cho Chúa. Oâng kêu gọi toàn dân: “Hãy dọn đường Chúa, Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng…” (Lc. 3,4) Chúa không ham những con đường cao tốc hay những đại lộ thênh thang, vì đường hẹp mới là lối đi của Chúa và của các môn đệ Người. Đường hẹp nhưng phải là đường tình, nghĩa là đường của yêu thương, cảm thông và nhân ái. Một con đường nhung lụa nhưng được dệt bằng những bất công, bóc lột và thù hận sẽ chẳng bao giờ là lối đi của Vua vinh hiển cỡi trên mình lừa. Từng bước thầm Chúa đến với con người, như buổi đầu sáng thế, trong cơn gió thoảng chiều hôm, Chúa đến với nguyên tổ loài người (Kn. 3,8), hay như đêm đầy ánh sao, Chúa đã lặng lẽ đến nhà của Người (Ga.1,11), hay như buổi sáng tinh mơ của ngày phục sinh, Chúa đã đến bên Maria Mađalêna (Ga.20,14). Chúa đến bằng con đường của yêu thương, êm ái và nhẹ nhàng, êm như ru chiều hôm gió mát. Vì yêu mà đến nên Chúa chẳng ngại bao gian khó và khổ đau. Sách Diệu ca kể lại bước đường của Chúa đến với con người thật sinh động và không kém phần lãng mạn: “ Người yêu tôi đến, nhảy qua núi, băng qua đồi, dừng lại sau vách nhà, nhìn qua cửa sổ, rình bên kia hàng dậu…” (Dc. 2,8-9). Đường tình của Chúa đến với ta là thế đó! Còn đường tình của ta đến với Chúa có đủ nóng bỏng và quyết liệt không ? Nói như Phêrô:” Dầu phải đi đến tù ngục và tử hình, con vẫn sẵn sàng làm một với Ngài” (Lc. 22,33). Ngày nay Chúa cần có những bạn đồng hành và dám liều mình đi vào con đường cùng của Chúa. Bí lối mà vẫn không lúc nào dám quên Chúa hay xa Chúa, vì ý thức rằng khi Chúa đóng những cửa chính, thì Ngài vẫn chừa lại những cửa sổ. Đường đời mỗi người dù có lắm bụi trần, nhưng nếu lối đường đời ấy chủ yếu vẫn là đường tình, thì chắc chắn Chúa sẽ đến vì Chúa là tình yêu. Tình yêu, nói như Thánh Gioan, sẽ phủ lấp vô vàn tội lỗi. Chúa sẽ không chấp nhất tội lỗi và sự hèn yếu nơi ta, miễn là trái tim ta vẫn mãi rung động trước lời mời gọi yêu thương của Chúa và của tha nhân.
Dọn đường cho Chúa đến chính là trải rộng hoa qủa của Thánh Thần trên mọi nẻo đường là mến yêu, vui mừng, bình an và độ lượng. Nói như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II với người Do Thái mới đây: “ Cần xây những chiếc cầu, hơn là dựng lên những bức tường”. Nhịp cầu của thông cảm, của hiểu biết và yêu thương phải được nhân rộng; còn bức tường của ngăn cách, chia rẽ và hận thù phải phá bỏ trong mỗi tâm hồn và trong mọi quốc gia.
Thế giới càng văn minh hiện đại bao nhiêu, người ta lại càng chú trọng đến những con đường bấy: MV2-C105
1. Thế giới càng văn minh hiện đại bao nhiêu, người ta lại càng chú trọng đến những con đường bấy nhiêu. Là bởi vì đường là phương tiện giúp người ta dễ đến gần, dễ tiếp xúc với nhau hơn. Xa nhau hay gần nhau thường là do con đường mà ra.
Giữa con người với nhau đã thế, thì giữa Thiên Chúa và con người cũng vậy. Vì thế, thật dễ hiểu khi Gioan Tiền Hô dùng hình ảnh “con đường” kêu gọi mọi người “ăn năn sám hối để được tha tội”, ngõ hầu có thể “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”:
“Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho phẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng”.
2. Bảo rằng đó là lời kêu gọi của Gioan Tiền Hô thì cũng đúng, nhưng nói đó thật ra là tiếng Chúa kêu mời ta thì càng hữu lý hơn, bởi vì Gioan thật ra chỉ là “tiếng của người hô” trong sa mạc. “Tiếng” là tiếng của Chúa, còn “người hô”â chính là Gioan.
Gioan là khí cụ Chúa dùng để hô to lên, để thức tỉnh con người, bởi vì biết đâu đó có ai đó đang “mê ngủ” chăng ?. Tiếng Chúa thường được nói qua những con người. Đây là bài học lớn mà nhân loại dễ quên. Vì thế rất nhiều khi ta đã vô tình đánh mất những cơ hội Chúa đến viếng thăm và Người vẫn “đứng ngoài cửa” mà ta không mở để đón vào. Mãi mãi Chúa vẫn sẽ là “kẻ xa lạ ấy” (cet inconnu). Và rồi một Mùa Vọng nữa sẽ trôi vào dĩ vãng, chẳng để lại dấu tích nào. Năm tháng cũng sẽ qua đi và ơn Chúa không có tác động mảy may nào trong ta. Có bao giờ chúng ta ý thức như vậy không?.
3. Vì vậy, điều cần thiết là để cho lời của Chúa chất vấn ta. Những con đường mà Gioan nói đến không phải là những con đường chạy bên ngoài cho bằng là những nẻo đường trong tâm hồn ta.
Những con đường ấy nhiều khi như “thung lũng sâu”, tức những tư tưởng đen tối che lấp ánh sáng của Chúa. Có khi là những “núi đồi”, nghĩa là những sự “kiêu căng lòng trí”. Cũng có khi là những “khúc quanh co” bởi cách sống thiếu thẳng thắn trong tư tưởng cũng như hành động. Và cuối cùng là những chỗ “gồ ghề”, những khúc mắc giữa ta với Chúa và với tha nhân.
4. Bao giờ, những con đường ấy được dọn dẹp, được khai thông, chúng ta mới hi vọng “nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Ơn cứu độ là gì nếu không phải là “mến yêu, vui mừng và bình an” như Thánh Phaolô đã nói ?.
Lc 3, 16: "Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa" Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên
Bài Tin Mừng CN hôm nay khởi đầu với một chi tiết, có lẽ chúng ta thường để ngoài tai: "Đời Hoàng: MV2-C106
Bài Tin Mừng CN hôm nay khởi đầu với một chi tiết, có lẽ chúng ta thường để ngoài tai: "Đời Hoàng Đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilê...", những yếu tố lịch sử. Thế nhưng, chính cái yếu tố này lại là một phần thiết yếu của Tin Mừng. Chúng ta thường thấy các kitô hữu của chúng ta trong đời sống đạo cũng qúa thường gạt bỏ yếu tố lịch sử ra khỏi niềm tin của mình: người ta thường bảo nhau "Đạo tại tâm". Gioan Tiền Hô được Chúa kêu gọi "trong hoang điạ", con người được Thiên Chúa kêu gọi trong chính cảnh vực nhân sinh của họ, nhưng cảnh vực ấy phải thích hợp và không che lấp tiếng gọi của Chúa. Hoang điạ gợi lên sự đồng hành của Thiên Chúa với con người trong lịch sử. Hành trình của Abraham từ đất Ur đến Canaan, hành trình của Môsê và dân Người từ Ai Cập về đất hứa, hành trình của Elia về núi Horeb, và sau này trước khi ra loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu cũng từ hoang điạ đi lên. Hội thánh ngay từ thưở ban đầu suốt 300 năm cũng đã chỉ xuất hiện vững vàng từ những hầm trú, những hang toại đạo, thậm chí ngay tại VN Tin Mừng cũng chỉ được sáng tỏ trên các pháp trường, trong rừng thiêng nước độc...: Lịch sử đã là yếu tố không thể tách rời với Tin Mừng. Nhưng là một LỊCH SỬ PHẢI ĐƯỢC THANH TẨY. Thực ra Tin Mừng chính là LỊCH SỬ ĐÃ HOÀN TẤT CUỘC THANH TẨY để đạt tới tầm vóc viên mãn. "Hãy lấp mọi hố sâu, hãy bạt mọi núi đồi": lịch sử là hố, là núi, là đồi, là những con đường cong quẹo, gồ ghề. Chúng ta thường bảo đấy không có chỗ cho Tin Mừng, biết bao người Kitô hữu thường sống như thế đó: trong công việc, trong kinh doanh, trong xưởng máy, trong các chức phận xã hội không còn chỗ cho Tin Mừng. Và khi đến Nhà Thờ, trong các cử hành tôn giáo thì họ lại bảo ở đấy không có chỗ cho lịch sử. Bản thân Tin Mừng như chúng ta đang chờ đợi trong mùa vọng chính là NGÔI LỜI NHẬP THỂ trong một lịch sử nhất định: Lịch sử của Đức Giêsu trong toàn vẹn là chính Tin Mừng. Điều ấy được chuyển qua người Kitô Hữu nhờ Nhiệm Cục Cứu Độ khi họ tiếp nhận qua Lời, qua Bí Tích và qua Hội Thánh, là sự tiếp nối và hiện tại hóa Lịch Sử của chính Đức Kitô, để trong chính lịch sử hôm nay của mỗi người, Đức Kitô hoàn thành Lịch Sử của mình cho tới ngày cánh chung. Ngày mà theo Phaolô là ngày Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người. Đó cũng chính là nội dung loan báo của các tiên tri. Tiên tri Baruk đã hình dung Tin Mừng bằng một hình ảnh rất thân quen "Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang...". Đó là một sự đổi đời, đó là sự thanh tẩy lịch sử. Tuy nhiên, cuộc đổi đời ấy, công trình thay đổi lịch sử ấy tuy diễn ra trong bản thân mỗi người, nhưng cũng như nơi Đức Kitô, lại là tác động của Tình Yêu Thần Linh. Vi thế lời cầu nguyện của thánh Phaolô mãi mãi còn là lời cầu nguyện của chúng ta trong Mùa Vọng cuộc đời: "Tôi hân hoan khẩn cầu cho anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Tin Mừng từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Đấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đên ngày của Đức Giêsu Kitô..."
Hai giáo phận Phú Cường và Kontum vừa tiếp đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đại: MV2-C107
Hai giáo phận Phú Cường và Kontum vừa tiếp đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam. Dù không có mặt tại hai giáo phận ấy, chúng ta cũng dễ dàng hình dung ra sự vất vả của các giám mục, linh mục và giáo dân thuộc 2 giáo phận ấy trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm mục vụ của Vị Đại Diện của Đức Thánh Cha và cho việc tiếp đón Ngài.
Dọn đường tiếp đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli (dù sao cũng chỉ là một chức sắc của Giáo Hội) mà còn vất vả như vậy huống hồ dọn đường tiếp đón Thiên Chúa đến thăm mỗi người, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi dân tộc thì phải vất vả gấp trăm gấp ngàn lần! Nhưng phải nói rằng dọn đường cho Chúa cũng là một vinh dự vô cùng lớn lao đối với chúng ta là các Ki-tô hũu.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Bài đọc 1 (Br 5,1-9): Thiên Chúa sẽ cho thấy hào quang rực rỡ của ngươi.
1 Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; 2 hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. 3 Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi. 4 Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi là "Bình an xây dựng trên công chính", và "Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa". 5 Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông: Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy. Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui. 6 Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng. 7 Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa. 8 Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en, 9 vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc,dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.
2.2 Bài đọc 2 (Pl 1,4-6.8-11): Anh em hãy nên tinh tuyển, đừng làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.
4 Thưa anh em, tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, 5 vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng 6 Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm. 8 Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su. 9 Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, 10 để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm. 11 Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
2.3 Bài Tin Mừng (Lc 3,1-6): Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa
1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, 2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. 3 Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, 4 như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Br 5,1-9) là lời của ngôn sứ Ba-rúc kêu gọi thành thánh Giê-ru-sa-lem nhận thức sứ mạng và vai trò lịch sử của mình vì Thiên Chúa đang và sẽ thay đổi số phận của thành. Thiên Chúa ra chỉ thị cho thành là: “bạt thấp núi cao và gò nổng, lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu” để chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Sau này Gio-an Tiền Hô cũng hô hào dân Do Thái chuẩn bị tâm hồn đón rước Đấng Mê-si-a sắp xuất hiện.
- Qua đoạn văn Sách Ba rúc 5,1-9 trên, xuất hiện gương mặt của một Đấng Thiên Chúa trung thành với lời hứa và thích làm điều tốt đẹp cho dân, khiến dân riêng và thành thánh được vẻ vang trước mặt thiên hạ.
3.1.2 Bài đọc 2 (Pl 1,4-6.8-11) là những lời tâm tình của Thánh Phao-lô Tông đồ viết cho các tín hữu Phi-líp-phê. Thánh Phao-lô khen ngợi những việc tốt lành mà họ đã thực hiện để thúc đẩy họ tăng cường hơn nữa đời sống yêu thương, tinh tuyền trong khi chờ đón Ngày Chúa Ki-tô Quang Lâm. Đối với Thánh Phao-lô và các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai thì việc trông đợi Ngày/Biến Cố Chúa Ki-tô Quang Lâm là yếu tố chi phối tư tưởng và cách sống, có nghĩa là người Ki-tô hữu sống, hành động, hy sinh, hãm mình, phấn đấu vì Ngày/Biến Cố ấy. Nói cách khác điều người Ki-tô hữu mong đợi, ngóng chờ nhất là Ngày/Biến Cố Quang Lâm của Chúa Giê-su Ki-tô.
- Qua đoạn thư Phi-líp-phê trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, tinh tuyền; Chúa Giêsu là Đấng sẽ đến để hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 3,1-6) là tường thuật về khung cảnh (tôn giáo và chính trị, xã hội) và những lời kêu gọi và việc làm của Gio-an Tiền Hô là người được giao sứ mạng chuẩn bị các tâm hồn, chấn chỉnh nếp sống con người và cải cách cơ chế tôn giáo và xã hội, để Chúa Cứu Thế có thể đến được với hết mọi người, mọi nhà.
- Qua đoạn Phúc Âm Lu-ca trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng muốn cứu hết mọi người nên mới giao cho ông Gio-an sứ vụ rao giảng trong hoang địa, kêu gọi tội nhân ăn năn sám hối, để dọn đường đón nhận Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Hãy dọn đường cho Chúa Giê-su Ki-tô đến, không chỉ với ta mà còn đến với mọi người, mọi nhà, đến với xã hội và thế giới hôm nay!
Dọn đường không chỉ có nghĩa là đi xưng tội và còn có nghĩa là dẹp tan tội lỗi và mầm mống của tội lỗi trong tâm hồn con người. Vì thế mà nếu trong đời sống cá nhân hay cộng đồng xã hội còn ngổn ngang bất công, thù ghét, đố kỵ, chia rẽ, phân biệt đối xử và áp bức thì dọn đường cho Chúa có nghĩa là xây dựng và bảo vệ công lý và hòa bình, yêu thương và đoàn kết giữa người với người.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng trung tín trong mọi lời hứa với tổ tiên loài người là sẽ ban Đấng Công Chính cho dân Người. Sống với Thiên Chúa là Ngôi Lời Nhập Thể và đồng hành với chúng ta chỉ đường dẫn lối cho chúng ta qua gương lành và lời giảng dậy của Người.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Muốn thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến, chúng ta được mời gọi thực hiện hai việc quan trọng sau đây:
4.2.1 Canh tân đời sống cá nhân, có nghĩa là:
* thay đổi từ tình trạng tội lỗi sang tình trạng sạch tội;
* thay đổi từ tình trạng khô khan, nguội lạnh sang tình trạng đạo đức, sốt sáng;
* thay đổi từ tình trạng khép kín, bảo thủ, vị kỷ sang tình trạng cởi mở, cầu tiến và vị tha;
* thay đổi từ tình trạng trùm chăn, không dấn thân sang tình trạng dấn thân, phục vụ tha nhân.
* thay đổi từ tình trạng u mê và thờ ơ với Lời Chúa sang tình trạng siêng năng đọc, học Lời Chúa mỗi ngày, mỗi tuần và say mê Lời Chúa.
Chúng ta canh tân thân đời sống thì chúng ta trở thành một con người thánh thiện, dễ thương, hữu ích, được Thiên Chúa và mọi người yêu mến!
4.2.2 Dấn thân phục vụ một xã hội công bằng vì hai lý do khách quan và chủ quan. Khách quan là giá trị nội tại của công bằng; chủ quan là giá trị của công bằng trong mối liên hệ với con người và xã hội:
* Khách quan mà nói thì công bằng là tiền đề của bác ái, yêu thương, là điều kiện của hòa bình và hòa hợp giữa người với người và giữa các nhóm người với nhau.
* Còn chủ quan mà nói thì công bằng là một đòi hỏi bức bách của hàng chục triệu con người đang bị phân biệt đối xử, đang là nạn nhân của bất công trong xã hội Việt Nam ngày nay.
V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ LOÀI NGƯỜI
5.1 «Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho mọi dân, mọi nước để họ đón nhận những lời kêu gọi thực thi công lý và hòa bình của các vị ngôn sứ mà Thiên Chúa gửi đến trong thời đại này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam nói chung và cho hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội nói riêng, được Thiên Chúa dẫn đi trong hoan lạc và dưới ánh sáng vinh quang của Chúa trong Năm Đức Tin này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc giáo xứ chúng ta, để Thiên Chúa thực hiện những kỳ công nơi họ và qua họ, vì hạnh phúc của mọi người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người đang ra sức xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và lành mạnh cho mọi thành phần dân chúng.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Phụng Vụ là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một Mầu Nhiệm được thực sự tái: MV2-C108
Phụng Vụ là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một Mầu Nhiệm được thực sự tái diễn và tiếp diễn một cách trọn vẹn qua Phụng Niên của Giáo Hội, một Năm Phụng Vụ được mở màn từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng như hôm nay đây. Thế nhưng, theo Dự Án Cứu Độ của Thiên Chúa cũng như theo lịch sử, Chúa Kitô thực sự đã được sinh ra rồi, hơn 2000 năm trước đây, thì Mùa Vọng chúng ta đang cùng Giáo Hội bước vào đây là gì, nếu không phải là việc Giáo Hội hướng về và mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai. Đó là lý do bài Phúc Âm Thánh Luca Năm C hôm nay ở đoạn 21 và câu 27 đề cập tới việc Chúa Kitô đến lần sau hết: “Loài người sẽ thấy Con Người đầy uy quyền và vinh quang đến trên mây trời”.
Nhưng vấn đề ở đây là, nếu Chúa Kitô đã thực sự đến rồi, thì Kitô hữu chúng ta đã cảm nghiệm được Người chưa, hay Người vẫn ở trong tình trạng, như Thánh Gioan Tiền Hô đã nói thẳng với dân Do Thái là thành phần cũng trông đợi Vị Cứu Tinh của họ đến, trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 1 câu 26 là: “có một Đấng ở giữa các người mà các người không biết”. Đó là lý do tại sao, để nhận ra Đấng Thiên Sai đã đến với Dân Do Thái, như lời Chúa hứa với họ qua tiên tri Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất hôm nay, cũng là Đấng đã ở giữa loài người chúng ta, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay, là chúng ta phải “đứng vững trước Con Người”. Thế nhưng, tại sao Kitô hữu chúng ta cần phải “đứng vững trước Con Người” và nhất là làm thế nào để có thể “đứng vững trước Con Người”? Nếu Kitô hữu chúng ta không ý thức được vấn đề “đứng vững trước Con Người” bằng đời sống của mình, thì chúng ta chưa thực sự Sống Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh trong Mùa Vọng của Giáo Hội, nghĩa là Chúa Kitô vẫn còn là một Đấng ở giữa chúng ta mà chúng ta không biết!
Đúng thế, Mùa Vọng tới, chẳng những Kitô hữu mà cả trần gian, bao gồm tất cả mọi tín đồ thuộc tất cả mọi tôn giáo khác, không nhiều thì ít, đang sửa soạn đón mừng Giáng Sinh, ít là bề ngoài với những cánh thiệp chúc mừng nhau hay mua bán quà tặng trao cho nhau. Tuy nhiên, nếu không ý tứ, chúng ta đang sửa soạn dọn mừng Lễ Giáng Sinh hơn là dọn lòng để gặp được chính Vị Chúa Giáng Sinh. Những mầu sắc tưng bừng vui nhộn bề ngoài bắt đầu xuất hiện ở các khu thương mại, hay ở trước nhà của một số gia đình, liên quan đến việc mua sắm, trưng bày và tặng quà cho nhau, có thể làm cho chúng ta bị chi phối và quên đi chính cái ý nghĩa linh thiêng cao cả của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh. Từ đó, đối với không ít người, Lễ Giáng Sinh đã bị tục hóa, trở thành một dịp nghỉ ngơi vui chơi như tất cả mọi cuộc lễ khác.
Đó là lý do vấn đề tại sao Kitô hữu chúng ta cần phải “đứng vững trước Con Người” là vấn đề có liên quan hết sức mật thiết đến đức tin của Kitô hữu chúng ta. Thật vậy, tất cả Kitô hữu chúng ta đều đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, tức đã được trở nên con cái Thiên Chúa. Thế nhưng, biến cố chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa không phải chỉ là đặc ân Thiên Chúa ban cho chúng ta thôi, mà còn là việc chúng ta đáp ứng ân huệ Ngài ban nữa. Đúng thế, việc Con Thiên Chúa Làm Người là để loài người chúng ta được làm con Thiên Chúa, như Thánh Phaolô đã minh định trong Bức Thư gửi cho giáo đoàn Galata ở đoạn 3, câu 4 và 5 như sau: “Đến thời gian ấn định, Thiên Chúa đã sai Con Mình đến, sinh hạ bởi một người nữ, sinh ra theo lề luật để giải cứu những ai bị lụy thuộc lề luật, để chúng ta được hưởng địa vị làm thành phần dưỡng tử”. Tuy nhiên, một khi được Thiên Chúa kêu gọi làm dưỡng từ của Ngài trong Chúa Kitô, loài người chúng ta cũng cần phải xòe tay mở lòng đón nhận nữa, ở chỗ tỏ ra tin tưởng nhận biết Con Thiên Chúa được hạ sinh bỡi người nữ. Đó là lý do Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn 1, từ câu 10 đến câu 12, đã xác nhận như sau: “Người đã ở trong thế gian, nhờ Người thế gian đã được tạo thành, song thế gian lại không nhận biết Người. Người đã đến với dân riêng của Người, song họ không chấp nhận Người. Bất cứ ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa”.
Như thế, việc “đứng vững trước Con Người” đây chính là việc chúng ta tỏ ra hết sức trung thành với đức tin của mình, ở chỗ, không bao giờ chối bỏ hay dám chối bỏ Vị Thiên Chúa Làm Người, trái lại, hoàn toàn và liên lỉ tin tưởng chấp nhận Người, Đấng được Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở đoạn 9 câu 28 xác định là “sẽ đến lần thứ hai không phải để xóa bỏ tội lỗi mà là để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người”, tức cho thành phần “bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ”, như Chúa đã khẳng định trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 24, câu 13. Chi tiết vùa đề cập đến trên đây có thể se õ làm cho một số người trong chúng ta tự nhiên nhớ lại lời Chúa Kitô tiên báo trong Phúc Âm Thánh Luca ở đoạn 9 câu 27 tuần trước, đó là câu “trong những kẻ đang đứng đây có một số sẽ không nếm cái chết cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa”. Chúa Giêsu ám chỉ về ai khi Người nói “có một số sẽ không nếm cái chết cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa”?
Về lời Chúa Giêsu nói “có một số sẽ không nếm cái chết cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa”, theo suy diễn của người chia sẻ đây thì đó là môn đệ Stêphanô và tông đồ Gioan. Trước hết, đó là Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Kitô Giáo, bởi vì, ngay trước khi chết, Sách Tông Vụ ở đoạn 7 câu 56 đã thuật lại rằng “Người kêu lên ‘Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đang đứng bên hữu Thiên Chúa’”, một thị kiến rất ăn khớp với lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm Thánh Mathêu, đoạn 16, câu 28: “có một số sẽ không nếm cái chết trước khi họ thấy Con Người đến trong vương quyền”. Sau nữa, trong số này còn có tông đồ Gioan, bởi vì, theo Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 9 câu 1 ghi là “có một số sẽ không nếm cái chết cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa được thiết lập trong quyền năng”, thì trong Tông Đồ đoàn chỉ có một mình Thánh Gioan cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá Chúa Kitô (xem Jn 19:25), để chứng kiến giây phút Nước Cha bắt đầu trị đến, giây phút vương quốc Satan bị tiêu diệt, cũng là giây phút thiên đàng mở ra cho tội nhân vào, mà người đầu tiên bước vào lại là người tử tội bị đóng đanh bên hữu Chúa Giêsu (xem Lk 23:43). Ngoài ra, cũng chỉ có một mình vị tông đồ Gioan này, trước khi chết, như ngài đã cho biết trong Sách Khải Huyền của ngài, ở đoạn 21, câu 2, thế này: “Tôi cũng thấy một tân Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, diễm lệ như cô dâu sửa soạn nghênh đón lang quân của mình”, nghĩa là thánh nhân được thị kiến “thấy triều đại Thiên Chúa được thiết lập trong quyền năng”.
Vì vấn đề “đứng vững trước Con Người”, như đã diễn giải trên đây, mật thiết liên quan đến đức tin, do đó, để có thể “đứng vững trước Con Người”, Kitô hữu chúng ta cần phải giữ vững đức tin của mình, thế thôi, nói cách khác, giữ vững đức tin của mình là “đứng vững trước Con Người”, nhất là vào những lúc đêm tối đức tin, bị thử thách, chịu khổ đau, bị bách hại chống đối, đặc biệt vào những ngày cuối thời, những ngày khủng khiếp chưa từng thấy từ tạo thiên lập địa, như Chúa Giêsu báo trước trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 24, câu 21, thời điểm mà, trong bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay, Chúa Kitô cũng căn dặn các môn đệ rằng: “Khi những điều này bắt đầu xẩy ra thì các con hãy thẳng đứng và ngước đầu lên, vì việc cứu chuộc các con gần đến rồi”.
Đúng vậy, cách duy nhất để chúng ta có thể “đứng vững trước Con Người”, tức để chúng ta tỏ lòng mình kiên trung với Chúa Kitô cho đến cùng, nhất là trong thời đại văn hóa sự chết của chúng ta ngày nay đây, đó là thái độ chúng ta “thẳng đứng và ngước đầu lên”. Thẳng đứng và ngước đầu lên như thế nào, Chúa Giêsu cũng đã cắt nghĩa rõ ràng trong bài Phúc Âm hôm nay ngay sau đó thế này, “các con hãy coi chừng kẻo tâm thần các con bị trì trệ bởi lạc thú, chè chén và lo toan thế gian”. Thẳng đứng và ngước đầu lên, về phương diện tiêu cực, chẳng những liên quan đến việc sống tu đức, mà còn, về phương diện tích cực, cho thấy cả cử chỉ cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin nữa. Đó là cử chỉ Đức Tin của Mẹ Maria “thẳng đứng và ngước đầu lên” nhìn Con Mình treo trên thập giá trên đồi Canvê, một cử chỉ phụng vụ long trọng tế lễ Thiên Chúa. Đúng thế, nếu Chúa Kitô vẫn tiếp tục hiện diện và sống động với Giáo Hội cho đến tận thế, thì việc Giáo Hội cử hành Phụng Vụ “mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19) chính là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin của mình. Để rồi, nhờ tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, chủ động và tích cực, Kitô hữu chúng ta được sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô, hay Chúa Kitô tỏ hiện nơi Đức Tin của chúng ta và tỏ mình cùng ban mình cho lòng khao khát và trông mong của chúng ta. Tóm lại, Mùa Vọng là thời điểm Kitô hữu chúng ta phải làm sao cảm nghiệm được Thiên Chúa Làm Người đang thực sự ở cùng mỗi người chúng ta.
Mùa Vọng chẳng những là thời điểm Giáo Hội hướng về Chúa Kitô đến lần thứ hai, mà còn là thời điểm rất thích hợp để Kitô hữu chúng ta trở về nguồn nữa, tức trở về với Lịch Sử Cứu Độ của Thiên Chúa, để có thể cảm nhận được Thiên Chúa là Thần Linh đã thực sự tỏ mình ra cho loài người chúng ta, cho đến khi “Lời hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14), để chúng ta “được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10).
Về thời điểm Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ lúc nào, chúng ta có thể căn cứ vào những yếu tố sau đây để có thể đi đến kết luận thế này. Trước hết, nếu “vì một người mà tội lỗi cùng với sự chết đã đột nhập thế gian”, như Thánh Phaolô xác nhận trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma, đoạn 5 câu 12, thì Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ Adong, từ lời Thiên Chúa hứa với ông ngay trong bản án nguyên tội, như được Sách Khởi Nguyên ghi lại ở đoạn 3 câu 15 như sau: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ, người miêu duệ này sẽ đạp nát đầu ngươi”. Sau nữa, nếu việc Thiên Chúa cứu độ con người cần con người phải đáp ứng bằng đức tin, nghĩa là phải có đức tin con người mới được cứu độ, thì Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ Abraham là cha những kẻ tin (xem Rm 4:16-22; Gal 3:29), người đã bỏ quê cha đất tổ đi theo tiếng Chúa gọi đến nơi không biết mình sẽ đi về đâu (Gen 12:1-4; Heb 11:8), và nhất là đã không tiếc đứa con trai duy nhất của mình (Gen 22:16), một mầm mống theo lời Chúa hứa sẽ phát sinh một dân tộc đông như sao trời cát biển (Gen 15:1-6). Sau hết, nếu Dự Án Cứu Độ của Thiên Chúa được thực sự tỏ hiện trong lịch sử loài người, chứ không phải là một chuyện hoang đường và mộng tưởng, thì Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ Moisen, người được Thiên Chúa thực sự sai đến cứu dân Ngài cho khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập mà đưa họ vào mảnh đất Ngài đã hứa với cha ông tổ phụ của họ (xem Ex 3:10).
Trong 4 tuần lễ Mùa Vọng tuần cuối bao giờ cũng đọc bài Phúc Âm trực tiếp liên quan đến biến cố Giáng Sinh của Chúa Kitô, hai tuần giữa liên quan đến vai trò Tiền Hô Gioan Tẩy Giả trong việc dọn đường cho Người đến. Và tuần đầu tiên với bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn để nhắc nhở con cái mình hãy tỉnh thức đón chờ Chúa Kitô tới. Riêng chu kỳ năm C, Phúc Âm Thánh Ký Luca ghi lại lời Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta và căn dặn chúng ta phải làm sao khi ơn cứu độ đến: Người bảo là phải tỉnh thức đừng chè chén say sưa với đam mê nhục dục và những vui thú trần thế, trái lại, phải đứng dậy và ngước đầu lên.
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa loài người chúng con bằng xương bằng thịt hơn hai ngàn năm trước đây. Nhưng Chúa vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến tận thế qua Thánh Thể và Quyền Linh Giáo Hội. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, xin cho chúng con được cảm nghiệm thần linh về sự hiện diện của Chúa là Đấng Emmanuel. Amen.
Nếu ai đã có dịp lái xe trên những xa lộ siêu tốc của Mỹ sẽ có một cảm giác ngược lại khi phải lái: MV2-C109
Nếu ai đã có dịp lái xe trên những xa lộ siêu tốc của Mỹ sẽ có một cảm giác ngược lại khi phải lái xe trên những đoạn đường ổ gà, gập ghềnh và hư hao, lụt lội. Tôi đã có kinh nghiệm này vào một lần về thăm quê hương. Đường chật, ổ gà, lại bị ngập lụt vì mưa lũ. Cộng thêm cái không khí rừng chiều âm u của miền Việt Bắc đã làm tôi hoảng sợ và căng thẳng.
Khi đặt vấn đề là cần phải sửa lại một đoạn đường nào, thì tư tưởng đầu tiên sẽ đến với chúng ta đó là đoạn đường ấy, khúc đường ấy đã hư hỏng mà nguyên nhân gây ra những hư hỏng ấy là thiên tai, mưa gió, bão lụt, hoặc với sức nặng chuyên chở của hàng ngàn, hàng vạn chiếc xe ngày đêm soi mòn, và đè nặng trên mặt đường. Cũng có thể là do một bàn tay phá hoại nào đã đặt mìn, đặt chất nổ để nổ tung và phá tan đoạn đường.
Tiếp đến là thời gian sửa chữa. Đây là một thời gian mà những chuyên viên về đường xá, cầu cống, và lưu thông phải vất vả ngày đêm để sửa chữa và uốn nắn. Và đây cũng là thời gian những ai đi lại trên khoảng đường ấy phải hy sinh và chấp nhận. Họ sẽ phải theo những luật lệ khắt khe hơn và không được lái xe nhanh vì phải đi vào những khoảng trống đã được chỉ định trong thời gian toàn bộ đoạn đường đang được sửa chữa.
Sau cùng là một đoạn đường, một con đường mới xuất hiện. Trơn tru, bằng phẳng, và rộng rãi. Xe cộ lưu thông thuận lợi và nhanh chóng. Và người ta bắt đầu quên mất những khó chịu, bực bội trong thời gian sửa đường, cũng như những chuyên viên, những kỹ sư và các người đã sửa con đường ấy, đoạn đường ấy. Điều này khiến tôi nhớ lại bài đọc mà từ lâu lắm tôi đã học trong giờ Pháp Văn ở trình độ Trung Học. Tôi nhớ lại, trong đoạn văn ấy một người cha đã giải thích cho con mình rằng, con đường mà con ông đang đi đã được xây dựng trên bao mồ hôi, nước mắt, và sức lực của những người đã tạo dựng nên nó. Ông khuyên con ông hãy có tâm tình biết ơn những người ấy khi đi trên một đoạn đường. Không biết tại Hoa Kỳ này khi lái xe trên những xa lộ, siêu xa lộ có ai nhớ đến những kỹ sư, chuyên viên, nhân viên và tất cả những ai đã xây dựng, đã làm nên những con đường ấy không?!
Hôm nay, bằng một cái nhìn có tính cách tâm linh, tiên tri Isaia cũng đã đề cập đến việc sửa đường: “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3: 4-5). Nói như thế, có nghĩa là người của Thiên Chúa đã thấy rõ rằng con đường mà nhân loại, mà cá nhân tôi đang có đó không thuận tiện, không trơn tru, không bằng phẳng để đem con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, cũng như để Thiên Chúa đến gặp gỡ con người, gặp gỡ riêng từng người.
Sức công phá kinh hoàng do chất nổ mà Satan đã dúi vào tay Nguyên Tổ trong vườn Diệu Quang, và đã giập sập cây cầu và đoạn đường đưa con người đến với Thiên Chúa và Thiên Chúa đến với con người. Bằng hành động nghe theo lời phỉnh gạt của Satan, và bằng thái độ phủ nhận quyền bính qua việc giơ tay hái trái cấm để ăn, đã cắt đứt, đã làm sập và hủy hoại con đường giao thông giữa Thiên Chúa và con người. Và từ đó, giao thông, vận chuyển trên con đường này hoàn toàn bị gián đoạn.
Nhưng rồi Thiên Chúa đã muốn tạo lập lại giao thông trên con đường ấy. Ngài đã muốn khai mở lại con đường ấy. Ngài sẵn sàng cung cấp vật liệu, kỹ thuật, và dụng cụ. Ngài chỉ cần con người hợp tác, và sửa sang lại những nhịp cầu đổ vỡ, những chỗ bị hư hỏng, và những nơi gập ghềnh, khó đi.
Nếu đọc kỹ và suy niệm cẩn thận những lời hô hào sửa đường của Isaia, chúng ta không thấy người Thiên Chúa nói đến việc phá hủy con đường cũ, và làm con đường mới, nhưng chỉ đề cập đến việc sửa lại, chỉnh trang lại. Có nghĩa là, con đường vẫn có đó, vẫn cần thiết và không cần làm một con đường mới. Chỉ cần sửa lại là đủ. Nhưng việc ngài đòi hỏi con người phải sửa lại đoạn đường hư hỏng ấy, vì chính con người đã tự tay mình phá hủy. Tự tay phá hủy, nên cũng cần phải tự tay tu sửa.
Sửa bằng cách nào? Như những chuyên viên, những kỹ sư đã phải sử dụng máy móc, dụng cụ, và chất liệu. Nhân loại cũn cần phải sử dụng máy móc, dụng cụ, và vật liệu. Dĩ nhiên là phải chịu khó, vất vả và chấp nhận cực nhọc để làm công tác tu sửa.
Qua ánh mắt tâm linh, người kỹ sư trưởng và cũng là người nhìn biết rất rõ về các chi tiết và thiết kế việc tu sửa này chính là Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Thiên Sai. Người tu sửa và đã làm lại con đường ấy bằng tiếng “Fiat” – xin vâng rất khiêm nhường trong ngày Truyền Tin. Và người đã có Chúa Giêsu đến trong cung lòng của người. Đây là kỹ sư chính trong kế hoạch sửa đường của nhân loại và từng người.
Về vật liệu, cũng theo Tin Mừng đã cho biết, vật liệu chính mà Đức Trinh Nữ Maria dùng để tu sửa lại con đường cho Đức Kitô đến với nhân loại là tấm lòng khiêm cung: “Này tôi là nữ tỳ ngài”, và sự khiêm cung ấy được thể hiện qua tiếng “xin vâng”. Fiat.
Khiêm cung và vâng phục. Ngược lại với chất nổ được chế tạo bởi kiêu ngoại và bất phục tùng. Cuộc đời chúng ta không chỉ trong lãnh vực tâm linh, đạo đức, mà ngay trong những lối xử thế và sống đời thường, hai yếu tố này luôn luôn đem lại cho con người sự bình an, và giúp vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Thật vậy, con người chống đối nhau, hận thù nhau, và chém giết nhau cũng chỉ vì nghĩ rằng mình là hơn, là nhất, và không ai có thể hơn, có thể nhất hơn mình được. Hậu quả của suy tư ấy làm con người ghen tương, đố kỵ, bực tức, và giận hờn nhau. Và khi sự ghen tương, đố kỵ, bực tức và giận hờn lên đến không còn có thể chấp nhận được nữa, lúc đó con người sẽ tìm cách thủ tiêu nhau. Những tư tưởng và hành động ấy sẽ làm tan biến sự bình an trong tâm hồn để rồi từ đó, đời sống con người trở nên nặng nề, khó chịu và trăm ngàn nỗi khổ đau.
Ngoài ra, vì không có Thiên Chúa ở bên nên con người trở thành buồn nản, và thất vọng. Con người trở thành nạn nhân của Satan và sống dưới quyền khống chế của hắn. Lúc đó, thế gian, những phù vân thế tục, và dĩ nhiên, những đau khổ của kiếp người sẽ là phần thưởng cho tất cả những ai đi theo Satan. Nhưng thất vọng tuyệt cùng nhất là con người lạc mất Thiên Chúa Tình Thương.
Sửa đường. Còn lựa chọn nào khác nữa không? Thưa không. Còn phương cách nào khác nữa không? Thưa không! Con người và mỗi người nếu muốn đến được với Thiên Chúa và nếu muốn Thiên Chúa đến viếng thăm thì việc chấp nhận sửa đường là điều kiên duy nhất và tiên quyết. Nhưng sửa bằng vật liệu nào, và kỹ sư nào sẽ hướng dẫn, thì cũng chính Tin Mừng đã hé mở, kỹ sư ấy là Trinh Nữ Maria: “Nhờ Mẹ để đến với Chúa” (St. Loui de Mongforth). Và vật liệu, máy móc là tâm hồn khiêm cung và sự vâng phục. “Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 2:6).
Tiếng hô của Gioan Tẩy giả và lời kêu mời sám hối, canh tân của vị ngôn sứ đã làm nhiều người cùng MV2-C110
Tiếng hô của Gioan Tẩy giả và lời kêu mời sám hối, canh tân của vị ngôn sứ đã làm nhiều người cùng thời với ông “giật mình”. Rao giảng hay loan báo là nói lớn tiếng cho mọi người nghe một thông điệp quan trọng nào đó. Gioan – vị tiền hô đã lớn tiếng kêu mời mọi người “chịu phép rửa”, đồng nghĩa với việc mời gọi người khác thanh tẩy, chấp nhận một bước quyết liệt từ bỏ những gì là gian tà, sa đoạ để dành tâm hồn mình như là một “cõi thiêng” cho Thần khí Thiên Chúa ngự vào.
Người ta vẫn hay nhắc nhở nhau rằng “hãy có tinh thần đổi mới”, biết gạt bỏ những gì cũ và không hợp thời, đón nhận những thay đổi cần thiết. Theo cách tự nhiên thì mỗi một người sẽ nhận biết cụ thể điều gì với mình là “cũ” và cần thanh luyện hay đổi mới ra sao, vì ai mà chẳng thấy mình hôm nay khác với hôm qua. Nhưng sự thay đổi luôn đi kèm với những hệ luỵ của nó. Có thể đó sẽ là một cuộc bứt phá khó khăn khi người ta đã quá “ngựa quen đường cũ”. Có thể ta sẽ dễ dàng thay đổi những gì là hình thức bên ngoài, nhưng thay đổi tận căn hay làm một sự thay đổi hoàn toàn về cách nghĩ, nếp làm, quan điểm, lối hành xử..., hay làm một cuộc hoán cải - “metanoia” thì thật là khó, nhưng rất cần cho người môn đệ Chúa trong thời buổi hôm nay. Phải chân nhận rằng không một ai trong trần thế nào là hoàn hảo – ai ai cũng là tội nhân, ai ai cũng cần được ơn tha thứ của Thiên Chúa. May mắn thay cho chúng tavì Thiên Chúa Đấng từ trời cao đến với chúng ta là Chúa của lòng thương xót , từ bi và nhân hậu, chậm bất bình, hay tha thứ và rất mực khoan nhân (x. Tv 85)
Thông điệp của Gioan Tiền hô rất rõ ràng và quyết liệt: Hãy sám hối và canh tân để rồi được nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (x.Lc 3, 6). Ơn cứu độ mà Tin mừng nói đến không phải là câu chuyện cổ tích cứ hằng năm đến dịp là kể lại cho trẻ con. Đó chính là lịch sử của những biến cố vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện cho nhân loạivà cho từng cá nhân chúng ta. Đón nhận ơn cứu độ cũng có nghĩa là nhìn sâu vào chính cuộc đời mình mà nghiệm ra trong tương quan với Thiên Chúa những điều tốt lành Người đã thực hiện. Đó cũng là cơ hội để nhận ra bản tính bất toàn, yếu đuối của chúng ta mà biết cậy nhờ vào lòng thương xót, sự cảm thông từ phía Thiên Chúa vàcả từ phía mọi người sống xung quanh chúng ta vậy.
Ai cũng có ít nhiều kinh nghiệm về việc chuẩn bị cho một biến cố hay sự kiện quan trọng đối với MV2-C111
Ai cũng có ít nhiều kinh nghiệm về việc chuẩn bị cho một biến cố hay sự kiện quan trọng đối với cá nhân, gia đình và cộng đoàn mình. Kinh nghiệm ấy giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C hôm nay.
Gio-an Tiền Hô là người được Thiên Chúa sai đến để giúp dân Ít-ra-en đón nhận Chúa Cứu Thế là Đức Giê-su Na-da-rét. Sứ mạng của Gio-an là “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Dọn đường cho Thiên Chúa cũng là sứ mạng và là niềm hạnh phúc của mỗi Ki-tô hữu chúng ta. Chúng ta hãy mau bắt tay vào công việc quan trọng này! II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Bài đọc 1 (Br 5,1-9): "Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi".
Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa.
Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Đấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Ít-ra-en vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa.
Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Ít-ra-en núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Ít-ra-en đến ánh vinh quang.
2.2 Bài đọc 2 (Pl 1,4-6.8-11): "Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Đức Kitô".
Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay.. Tôi tin tưởng rằng Đấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Đức Giê-su Ki-tô.
Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Đức Giê-su Ki-tô. Điều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Đức Ki-tô, anh em được Đức Giê-su Ki-tô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
2.3 Bài Tin Mừng (Lc 3,1-6): "Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Đời hoàng đế Ti-bê-ri-ô năm thứ mười lăm, Phong-xi-ô Phi-la-tô làm toàn quyền xứ Giu-đê-a, Hê-rô-đê làm thủ hiến xứ Ga-li-lê-a, còn em là Phi-lip-phê làm thủ hiến xứ I-tu-ri-a và Tra-cô-ni-tê-đê; Ly-sa-ni-a làm thủ hiến xứ A-bi-lê-na; An-na và Cai-pha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gio-an, con Gia-ca-ri-a, trong hoang địa. Ông liền đi khắp miền sông Gio-đan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri I-sai-a rằng: "Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa". III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Br 5,1-9) là lời của ngôn sứ Ba-rúc kêu gọi thành thánh Giê-ru-sa-lem nhận thức sứ mạng và vai trò lịch sử của mình vì Thiên Chúa đang và sẽ thay đổi số phận của thành. Thiên Chúa ra chỉ thị cho thành là: “bạt thấp núi cao và gò nổng, lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu” để chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Sau này Gio-an Tiền Hô cũng hô hào dân Do-thái chuẩn bị tâm hồn đón rước Đấng Mê-si-a sắp xuất hiện.
- Qua đoạn văn Sách Ba-rúc 5,1-9 trên, xuất hiện gương mặt của một Đấng Thiên Chúa trung thành với lời hứa và thích làm điều tốt đẹp cho dân, khiến dân riêng và thành thánh được vẻ vang trước mặt thiên hạ. 3.1.2 Bài đọc 2 (Pl 1,4-6.8-11) là những lời tâm tình của Thánh Phao-lô Tông đồ viết cho các tín hữu Phi-líp-phê. Thánh Phao-lô khen ngợi những việc tốt lành mà họ đã thực hiện để thúc đẩy họ tăng cường hơn nữa đời sống yêu thương, tinh tuyền trong khi chờ đón Ngày Chúa Ki-tô Quang Lâm. Đối với Thánh Phao-lô và các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai thì việc trông đợi Ngày/Biến Cố Chúa Ki-tô Quang Lâm là yếu tố chi phối tư tưởng và cách sống, có nghĩa là người Ki-tô hữu sống, hành động, hy sinh, hãm mình, phấn đấu vì Ngày/Biến Cố ấy. Nói cách khác điều người Ki-tô hữu mong đợi, ngóng chờ nhất là Ngày/Biến Cố Quang Lâm của Chúa Giê-su Ki-tô.
- Qua đoạn thư của Thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Phi-líp-phê trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, tinh tuyền; Chúa Giê-su là Đấng sẽ đến để hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa. 3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 3,1-6) là tường thuật về khung cảnh (tôn giáo và chính trị, xã hội) và những lời kêu gọi và việc làm của Gio-an Tiền Hô là người được giao sứ mạng chuẩn bị các tâm hồn, chấn chỉnh nếp sống con người và cải cách cơ chế tôn giáo và xã hội, để Chúa Cứu Thế có thể đến được với hết mọi người, mọi nhà.
- Qua đoạn Phúc Âm Lu-ca trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng muốn cứu hết mọi người nên mới giao cho ông Gio-an sứ vụ rao giảng trong hoang địa, kêu gọi tội nhân ăn năn sám hối, để dọn đường đón nhận Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa. 3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Hãy dọn đường cho Chúa Giê-su Ki-tô đến, không chỉ với ta mà còn đến với mọi người, mọi nhà, đến với xã hội và thế giới hôm nay!
Dọn đường không chỉ có nghĩa là đi xưng tội mà còn có nghĩa là dẹp tan tội lỗi và mầm mống của tội lỗi trong tâm hồn con người. Vì thế mà nếu trong đời sống cá nhân hay cộng đồng xã hội còn ngổn ngang bất công, thù ghét, đố kỵ, chia rẽ, phân biệt đối xử và áp bức thì dọn đường cho Chúa có nghĩa là xây dựng và bảo vệ công lý và hòa bình, yêu thương và đoàn kết giữa người với người. IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng trung tín trong mọi lời hứa với tổ tiên loài người là sẽ ban Đấng Công Chính cho dân Người. Sống với Thiên Chúa là Ngôi Lời Nhập Thể và đồng hành với chúng ta chỉ đường dẫn lối cho chúng ta qua gương lành và lời giảng dậy của Người. 4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Muốn thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến, chúng ta được mời gọi thực hiện hai việc quan trọng sau đây:
4.2.1 Canh tân đời sống cá nhân, có nghĩa là:
* thay đổi từ tình trạng tội lỗi sang tình trạng sạch tội; * thay đổi từ tình trạng khô khan, nguội lạnh sang tình trạng đạo đức, sốt sáng; * thay đổi từ tình trạng khép kín, bảo thủ, vị kỷ sang tình trạng cởi mở, cầu tiến và vị tha; * thay đổi từ tình trạng trùm chăn, không dấn thân sang tình trạng dấn thân, phục vụ tha nhân. * thay đổi từ tình trạng u mê và thờ ơ với Lời Chúa sang tình trạng siêng năng đọc, học Lời Chúa mỗi ngày, mỗi tuần và say mê Lời Chúa.
Chúng ta canh tân thân đời sống thì chúng ta trở thành một con người thánh thiện, dễ thương, hữu ích, được Thiên Chúa và mọi người yêu mến! 4.2.2 Dấn thân phục vụ một xã hội công bằng vì hai lý do khách quan và chủ quan. Khách quan là giá trị nội tại của công bằng; chủ quan là giá trị của công bằng trong mối liên hệ với con người và xã hội:
* Khách quan mà nói thì công bằng là tiền đề của bác ái, yêu thương, là điều kiện của hòa bình và hòa hợp giữa người với người và giữa các nhóm người với nhau.
* Còn chủ quan mà nói thì công bằng là một đòi hỏi bức bách của hàng chục triệu con người đang bị phân biệt đối xử, đang là nạn nhân của bất công trong xã hội Việt Nam ngày nay. V. CẦU NGUYỆN CHO LOÀI NGƯỜI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho mọi dân, mọi nước để họ đón nhận những lời kêu gọi thực thi công lý và hòa bình của các vị ngôn sứ mà Thiên Chúa gửi đến trong thời đại này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 5.2 «Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam nói chung và cho hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội nói riêng, được Thiên Chúa dẫn đi trong hoan lạc và dưới ánh sáng vinh quang của Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 5.3 «Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc giáo xứ chúng ta, để Thiên Chúa thực hiện những kỳ công nơi họ và qua họ, nhờ đó hạnh phúc thật đến được với mọi người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 5.3 «Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người đang ra sức xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và hạnh phúc cho mọi người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigon ngày 01 tháng 12 năm 201 Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Bên bờ sông Giocđan, Gioan đã chu toàn sứ mạng của mình. Ông đã rao giảng sự sám hối ăn MV2-C112 Luong
Bên bờ sông Giocđan, Gioan đã chu toàn sứ mạng của mình. Ông đã rao giảng sự sám hối ăn năn, đó chính là điều kiện để được đón nhận vào Nước Trời. Nước Trời hiện giờ là đời sống ân sủng, là trở nên phần tử của Giáo Hội. Còn Nước Trời mai sau chính là niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
Gioan đã rao giảng bằng những lời nói đơn sơ, không văn hoa bóng bảy: Hãy sám hối ăn năn vì Nước Trời đã gần đến. Hãy dọn đường cho Chúa: quanh co uốn chon gay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho nay và nơi cao phải bạt xuống. Ông không phải chỉ rao giảng bằng lời nói suông, mà còn bằng chính đời sống của mình. Và như vậy, lời nói của ông luôn đi đôi với việc làm. Ông sống, ông làm trước đã, rồi sau đó ông mới giảng, mới dạy, nên lời giảng dạy của ông luôn có một sức lôi cuốn và hấp dẫn.
Thực vậy. Đời sống của ông là một đời sống khắc khổ: Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu với mật ong rừng. Thái độ và cung cách của ông là thái độ và cung cách của một kẻ khiêm nhường: Tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài. Ông chỉ biết một việc, đó là tìm mọi cách để làm vinh danh Chúa: Ngài cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi. Ông đã sai các môn đệ đến với Chúa Giêsu, có ý cho các ông nhận biết Chúa. Dù các môn đệ có từ bỏ mình mà đi theo Chúa, thì ông cũng không buồn. Chính ông đã giới thiệu Chúa Giêsu cho đám đông: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Và dù dân chúng có tin theo Chúa, thì ông cũng không bao giờ tỏ ra hậm hực và tức tối. Ông sẵn sàng rút vào bóng tối, để Chúa được nhận biết, và ông đã chết một cách đau thương trong ngục tù của vua Hêrôđê.
Sau cùng, đời sống của ông là một đời sống cầu nguyện. Thực vậy, ông đã ở trong hoang địa ngay từ thời còn niên thiếu, để được lắng nghe tiếng Chúa và để được kết hiệp mật thiết với Ngài. Ông đã chu toàn sứ mạng của một vị tiền hô, như lời tiên tri Isaia đã loan báo: Đây ta sai sứ thần của Ta đi trước mặt ngươi, để dọn đường cho ngươi.
Chúng ta cũng vậy. Mỗi người chúng ta cũng phải trở nên một vị tông đồ nhiệt thành, một vị tiền hô hăng hái của Chúa. Cái nguyên tắc hướng dẫn cho mọi hành động của chúng ta, đó là ở mọi nơi và trong mọi lúc, với bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng hãy tìm vinh danh Chúa và lợi ích của các linh hồn. Vì thế, hãy thực thi tinh thần của Gioan: Ngài can phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi. Hãy làm mọi việc, miễn sao Đức Kitô được rao giảng và được nhận biết.
Muốn chu toàn sứ mạng ấy, thì lời nói mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải sống niềm tin của chúng ta. Hay nói cách khác: Hãy làm rồi mới giảng, như Chúa Giêsu. Ngài đã khởi sự thi hành trước đã, rồi sau đó mới loan truyền, chứ không như bọn biệt phái, đã bị Chúa kết án: Họ nói mà không làm.
Mỗi người chúng ta phải là một Gioan tiền hô của Chúa, thế nhưng chúng ta đã nói gì và nhất là đã làm gì để chuẩn bị cho những người chung quanh đón nhận Chúa? Hay chỉ vì những gương mù gương xấu của chúng ta với một đời sống khô khan và nguội lạnh, đã làm thui chột hạt giống Tin Mừng đã nảy mầm trong cõi long những người anh em.
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Phần đông thế giới đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, các cửa tiệm tràn ngập những thiếp mừng MV2-C113
Phần đông thế giới đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, các cửa tiệm tràn ngập những thiếp mừng Giáng Sinh, cây thông Giáng sinh bao nhiêu quà Giáng sinh, món ăn, quần áo, đồ chơi Giáng sinh. Ở Việt Nam chúng ta nghèo khó, nhỏ bé, chỉ có hơn 6 triệu dân người Công giáo, thế mà đâu đâu cũng chuẩn bị Giáng sinh, nhiều cửa tiệm đã trình bày đầy dẫy những bông hoa và cây thông tuyệt đẹp, những cây thông giả lấp lánh ánh điện màu, những cành lá xanh tươi, mềm dịu hơn những cây thông thật rất nhiều. Tôi nghĩ những cây thông đó rất đắt tiền, tôi không dám hỏi chỉ đứng ngẩn người chiêm ngắm hồi lâu, rồi đành bỏ đi, lòng trí thầm khao khát có một cây về trưng hang đá.
Các thương gia vì lợi lộc tiền của đã dọn đồ mừng lễ Giáng sinh từ lâu và rất công phu, khó nhọc, còn các con Chúa mang tiếng đạo dòng thì sao?
Tôi tới một số nhà thờ vẫn im lìm, chưa thấy có gì là chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Một hai nhà thờ thông báo chương trình Tĩnh tâm Giới trẻ từ ngày 12-15 tiếp theo là gia trưởng, hiền mẫu, bô lão, nghĩa là chỉ chuẩn bị sơ sơ dọn mình mừng lễ Giáng sinh trước một hai tuần.
Nhưng phải dọn mừng lễ Giáng sinh thế nào cho xứng đáng, đúng theo Tin Mừng của Chúa hôm nay mà thánh Gioan đã hô hào: “Hãy dọn đường Chúa đến”.
Khung cảnh đế quốc Rôma và đất nước Do thái đã biểu hiện cả thế giới. Thánh Gioan tiền hô đã dấn thân vào đó để hô hào dọn đường cho Chúa Cứu thế đến với nhân loại. Sứ mệnh của ông thật lớn lao, nhưng đầy chông gai khó khăn. Ông đã thấy từ Hoàng đế Tibêriô đến Tổng trấn Philatô, các vua Hêrôđê, Philip, Lyxaria và cả các Thượng tế Hanna, Caipha, đạo cũng như đời, quan cũng như dân, lòng người như những con đường trong hoang địa, đầy những thung lũng hố sâu, những núi đồi hiểm trở, những khúc quanh co, gồ ghề, lồi lõm. Làm sao có thể sửa cho thẳng, lấp cho đầy, bạt cho thấp, uốn cho ngay, san cho phẳng, những con đường đó làm ách tắc giao thông với Thiên Chúa mà còn gây nhiều tai nạn kinh khủng cho con người.
Chúng giống như con đường 13 từ Pleiku về Nha Trang không ai quên được cả một Quân đoàn II thời Cộng hòa đầu năm 1975 đã chạy tháo lui theo con đường đá xuyên qua núi đồi, thung lũng, hố sâu, gồ ghề, quẹo khúc quanh co giữa rừng rậm mịt mù, hàng trăm ngàn người, hàng ngàn xe cộ bít nghẽn kẹt cứng lối đi, hàng chục ngàn người chạy loạn, hỗn độn, xô đẩy, bơ vơ, chết mất xác trên con đường kinh hoàng đó. Con đường chỉ dài gần 200 cây số nếu nó được sửa cho ngay thẳng, lấp cho đầy, bạt cho thấp, uốn cho ngay, san cho phẳng thì đoàn xe, đoàn người đó chỉ mất độ 2-3 giờ là thoát chết mà còn an bình vô sự nữa.
Hình ảnh con đường kinh hoàng ngoài mặt đất phản ảnh con đường bên trong tâm hồn, nó còn kinh hoàng tai hại hơn nhiều như Đức Giêsu đã nói rõ: “Từ lòng con người, phát xuất những ý định xấu như tà đâm, trộm cướp, giết người, ngoại tình tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc.7,21-22). Cho nên thánh Gioan đã khẩn thiết kêu gọi những núi đồi kiêu ngạo phải bạt xuống lòng tham không đáy phải lấp đầy, những gian dối quanh co, phải uốn cho ngay, những chia rẽ hận thù phải san cho an hòa, những bất công gồ ghề phải cho sòng phẳng. “Rồi hết mọi người sẽ được thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”. “Những nòi rắn độc hại không thể trốn được cơn thịnh nộ Thiên Chúa sắp giáng xuống, đừng tự phụ mình là con cháu Abraham, cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt, đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc. 3, 7-9).
Lời kêu gọi của Thánh Gioan rất cấp bách: Nếu không mau mau dọn đường Chúa đến thì cơn thịnh nộ Thiên Chúa sắp giáng xuống, cái rìu đã đặt sẵn vào gốc cây rồi, nếu biết mau mau dọn đường cho Đấng Cứu thế đến thì mọi người sẽ được ơn cứu độ, “sẽ được cởi bỏ áo tang khổ nhục và muôn đời được mặc lấy ánh huy hoàng của vinh quang Thiên Chúa, sẽ được đội lên đầu vinh quang của Đấng vĩnh cửu..” (Bài đọc I). Đấng mà bao nhiêu tiên tri đã dọn đường cho Ngài đến, Đấng mà dân chúng đã trông chờ hàng ngàn năm rồi và tiên tri Isaia đã hô hào đón rước từ hơn 500 năm trước. Nay Ngài đang đến rồi: thật là một công việc rất vĩ đại sắp xảy ra, thật vinh phúc cho mọi người đang sống mà các tổ phụ, các tiên tri, các ông cha họ khát mong mà không được đón rước. Ngài đã đến rồi, chỉ còn chốc lát nữa Gioan sẽ chỉ cho họ được thấy: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng cứu độ trần gian”. Ngài sẽ đến giải phóng cho họ khỏi cảnh đui mù, câm điếc, tàng tật, tê liệt, quỷ ám, khỏi cảnh tối tăm sự chết. “Ngài sẽ dẫn họ đi trong niềm hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng thương xót và sự công chính của Ngài” (Bài I)
Lạy Chúa, xin cho tâm hồn con trở nên chính lộ “rộng rãi bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục nhân hậu, từ tâm trung tín, hiền hòa tiết độ” (Gal.5,22-23) mới mong được đón rước Chúa đến.
Vọng là chờ và chờ thì phải có tinh thần sẵn sàng, chuẩn bị, đón...Là người, ai trong chúng ta cũng MV2-C114
Vọng là chờ và chờ thì phải có tinh thần sẵn sàng, chuẩn bị, đón...
Là người, ai trong chúng ta cũng có tâm thức, cũng có cảm thức về sự chờ đợi. Có thể là chờ đợi một chuyến xe, có thể là chờ đợi một con đò hay có thể chờ người mẹ thân thương đi chợ về. Mỗi sự chờ đợi đều có kết quả nhất định của nó. Chờ xe để ta được đến nơi ta đến, chờ đò để được sang bờ bên kia và chợ mẹ đi chợ về chắc chắn không ít thì nhiều ta cũng có bịch chè táo xọn hay túi chè bà ba.
Ngoài sự chờ đợi thường ngày, chờ đợi mang tính con người, mang tính vật chất như chờ mẹ về có quà chợ thì người Kitô hữu lại có sự chờ đợi lớn hơn những chờ đợi thường ngày đó. Chờ đợi này của con người mang tính cách thiêng liêng, mang tính cách quyết liệt và quyết định cho đời của con người.
Chính vì vậy với Mùa Vọng, Hội Thánh kêu mời chúng ta sẵn sàng cho cuộc chờ đợi thiêng liêng, chờ đợi ơn cứu độ, chờ đợi, chuẩn bị, dọn đường cho Đức Kitô ngự đến.
Sự chờ đợi này hẳn nhiên là quan trọng hơn đợi đò, đợi xe, đợi mẹ bởi lẽ đợi xe không có thì đợi chuyến sau, đợi đò không được thì đợi thêm chuyến nữa và có thể hôm nay mẹ đi chợ về không có gì và mẹ hẹn ngày mai bởi lẽ mẹ... hết tiền. Sự chờ đợi này hẳn nhiên căn cốt cũng không phải là dọn dẹp làm hang đá cho đẹp, hoành tráng, mà là dọn con đường tâm hồn mình.
Trang Tin Mừng rất ngắn hôm nay thánh Luca gợi lên cho ta thấy cách thức đón Chúa trở lại theo lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả là “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).
Chúa Giêsu Kitô đang ngự đến. Chúa đã đến rồi đó nhưng rồi có rất nhiều ‘núi cao, hố sâu’ ngăn cản giữa ta và Chúa và giữa Chúa với ta để Chúa khó đến hay thậm chí với chúng ta.
Đơn giản một con đường đang đi thênh thang bỗng dưng có hố sâu và có những đồi cao thì không tài nào qua được dù con người có cố gắng cách mấy. Với hố sâu, qua thì lọt tỏm xuống hố ngay và với đồi cao thì không tài nào đi qua được dù có đổ mồ hôi sôi con mắt.
Hố sâu ngăn cách làm cho con người khó và không gặp được Chúa đó chính là hố sâu tội lỗi và núi đồi kiêu căng, tự phụ. Và hẳn nhiên, dễ hiểu đó là để Chúa đến được với ta và ta đến được với Chúa chỉ có một cách thế duy nhất là phải bạt mọi núi đồi, san phẳng mọi hố sâu để Chúa ngự đến chiếm lĩnh tâm hồn ta.
Khởi đi bằng hành động sám hối. Sám hối là dọn con đường của lòng mình để Chúa ngự đến như có lời chép rằng: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, chỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5,14).
Rất khó để con người biết mình sai lỗi đó là căn bệnh thời đại của con người ngày hôm nay. Chính vì thế, khởi đầu là mình biết mình sai lỗi, rồi chấp nhận lỗi của mình để mình hoán cải bằng một hành động thiết thực.
Hành động thiết thực nhất ta có thể làm đó là ta quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi, ăn năn dốc lòng chừa vì lòng mến Chúa và lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để ta hòa giải với Chúa.
Tâm tình hòa giải đó là tâm tình mà Thiên Chúa mong muốn, Thiên Chúa mời gọi nơi mọi người chúng ta. Ta, một khi được giải thoát khỏi tội lỗi, ta được trở nên thánh thiện và được sống đời đời (x. Rm 6,22-23).
Trở lại với những trang đầu của Thánh Kinh và lịch sử cứu độ, ta không thể nào quên được cái biến cố định mệnh tách lìa ta với tình yêu Thiên Chúa đó là do con người kiêu ngạo. Chỉ vì tưởng chừng ta bằng với Thiên Chúa để rồi kiêu căng huênh hoang như ông bà nguyên tổ giơ tay hái trái cấm.
Khởi đi sự kiêu căng của ta từ trong suy nghĩ đến việc làm. Sự kiêu căng ấy thể hiện ở chỗ tự cho mình là ‘cái rốn của vũ trụ’, không coi ai ra gì, dần dần dẫn đến một tình trạng nguy hiểm hơn cả là cũng chẳng còn kính sợ Thiên Chúa. Sống tự phụ, cứ nghĩ rằng mình có thể làm được tất cả mà chẳng cần ơn Chúa, và đây là một thái độ hết sức nguy hiểm, vì người đó loại Chúa ra khỏi cuộc sống của mình.
Khi ta kiêu căng, chắc chắn Chúa không đến được với ta và ngược lại tha nhân cũng chẳng đến với ta được.
Khi ta kiêu căng, ta sẽ cô độc trong sự tự phụ của mình. Kết quả là ta đi đến chỗ bất mãn với tất cả và tự diệt vong (x. 2Tx 1,7-9). Cho nên phải bạt những núi đồi kiêu căng này.
Và chính khi ta biết khiêm nhường, ta mới thấy được rằng nếu không có Chúa thì tất cả những gì mình có, mình làm ra được chỉ là con số không. Chính thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều này khi ngài nói: “Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr 12,9).
Chúa Giêsu đến với ta hàng ngày không phải dưới hình ảnh Hài nhi Giêsu hay hình ảnh vị Thẩm phán cánh chung trong ngày Quang Lâm, nhưng dưới hình ảnh những người anh em thân cận, những người Chúa gởi đến với ta trong cuộc sống.
Có vô vàn ngăn trở khiến chúng ta không thể gặp Chúa nơi tha nhân. Đức Giêsu đã nói rõ: “Từ lòng con người, phát xuất những ý định xấu như tà đâm, trộm cướp, giết người, ngoại tình tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21-22).
Vì những ngăn trở như thế này đã khiến cho hai người láng giềng cách nhau một bức vách không thể đến với nhau được, khiến cho hai người bạn cùng chung sở làm không nhìn mặt nhau; thậm chí cha mẹ, con cái, anh em ruột thịt... chung sống dưới một mái nhà, ngồi quanh một mâm cơm, nhưng tâm hồn xa nhau vạn dặm.
Dặt mình trước mặt Chúa trong mùa Vọng này, ta nhớ lại chính Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài hiện diện trong các anh chị em chung quanh nên những gì chúng ta làm cho những người chung quanh là làm cho chính Ngài (Mt 25,40).
Khi cảm nhận được điều đó, dọn đường Chúa đến với ta không gì khác hơn là dọn đường cho anh chị em chung quanh có thể đến được với mình, là xoá bỏ đi những ngăn cách giữa ta với tha nhân mà ta giáp mặt hằng ngày. Chỉ khi nào giữa chúng ta và mọi người chung quanh không còn phân ly ngăn cách, thì lúc con đường mới dọn xong và Chúa mới có thể đến được với ta.
“Hãy dọn đường Chúa đến” bằng những hành động cụ thể: sửa đường cong queo của tinh thần vô trách nhiệm, của lòng ích kỷ, của tính hay mánh mung lừa đảo bằng những con đường ngay thẳng của tinh thần liên đới, chia sẻ, thật thà, biết tôn trọng sự thật; lấp mọi hố sâu của ganh ghét, chia rẽ, hận thù, thiên kiến, nghi kỵ bằng sự khoan dung tha thứ, bằng sự tin tưởng thiện chí vào nhau; bạt mọi núi đồi của lòng kiêu hãnh, thói kiêu căng tự mãn bằng tinh thần khiêm nhu; lấp đi những hố sâu lòng tham lam, vơ vét, bất hoà bằng cách đặt lợi ích chung lên trên quyền lợi của cá nhân; san bằng những lượn sóng gồ ghề nói hành, nói xấu nhau bằng nói tốt, nghĩ tốt về nhau; san bằng những con đường bi quan yếm thế của những thất vọng, của những ngày đen tối, của những lỗi lầm trong quá khứ bằng những cái nhìn tích cực, lạc quan tràn đầy hy vọng nơi chính mình, nơi kẻ khác và nơi cuộc sống... Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đón Chúa đến nơi tha nhân giữa lòng xã hội của ngày hôm nay.
Trong sâu lắng của tâm hồn, ta hãy xin Chúa hãy cất khỏi chúng ta tất cả những gì làm cho chúng ta xa lìa Chúa, và xin ban cho chúng ta tâm tình thống hối ăn năn để hoán cải theo tinh thần Tin mừng, để ngày Chúa đến chúng ta hân hoan đón tiếp Ngài.
Sa mạc vốn là một chủ đề quen thuộc trong Kinh Thánh. Thực vậy, những cuộc gặp gỡ giữa Thiên MV2-C115
Sa mạc vốn là một chủ đề quen thuộc trong Kinh Thánh. Thực vậy, những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người thường diễn ra trong sa mạc. Maisen phải lẩn trốn vào sa mạc để được nhận biết Chúa và lãnh nhận sứ mạng giải phóng dân tộc. Dân Do Thái đã phải lang thang trong sa mạc suốt 40 năm trời, đây là thời gian thanh luyện cần thiết trước khi được đặt chân vào miền đất hứa. Và điển hình hơn cả đó là 40 đêm ngày trong sa mạc của Chúa Giêsu. Tại đây, Ngài đã ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.
Qua phim ảnh, chúng ta thấy sa mạc đồng nghĩa với nắng cháy, nghèo nàn và trơ trụi. Phải chăng có trở nên trống rỗng và nghèo nàn, có trút bỏ bớt đi những cái không cần thiết, chúng ta mới lắng nghe được tiếng Chúa và thanh luyện được niềm tin?
Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh rằng những cuộc bách hại luôn là yếu tố thanh luyện và canh tân Giáo Hội. Trong thử thách và khổ đau, trong nghèo nàn và trơ trụi, Giáo Hội lại càng vững mạnh hơn. Có trút bỏ được những cái không cần thiết va làm cho vướng mắc thì Giáo Hội mới trở nên sáng suốt và giàu có. Giàu có không do những phương tiện vật chất và các thứ đặc quyền đặc lợi, mà giàu có bởi một niềm tin được tinh luyện và can trường hơn.
Từ trong sa mạc, Gioan đã nghe được tiếng Chúa, đã lãnh nhận sứ mạng của ngài và đã loan truyền cho mọi người: Hãy dọn đường Chúa đến, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy và nơi cao phải bạt xuống. Lời kêu gọi này, Chúa chẳng những đã ngỏ với đám dân nghèo hèn, thấp cổ bé miệng, mà còn nhắn gởi với cả giai cấp thống trị nữa.
Ngồi tù và cuối cùng bị chém đầu vì dám lên tiếng tố cáo hành vi tội ác của Hêrôđê. Số phận của Gioan cho chúng ta thấy ông đã đi đến tận cùng sứ mạng đã lãnh nhận. Ông đã dám nói thẳng và nói thật bởi vì ông không có gì để tiếc nuối, không có gì để bám víu, không có gì để giữ lấy, không có gì để mất mát.
Còn chúng ta thì khác. Chén cơm manh áo hay một ít vinh hoa có thể là động lực thúc đẩy con người thoả hiệp và sống dối trá. Đó cũng có thể là cơn cám dỗ của mỗi người chúng ta trong thời buổi hiện nay. Một ít đặc lợi vật chất, một vài ưu đãi và dễ dãi, đó là miếng mồi ngon khiến nhiều người nếu không bán đứng lương tâm, nếu không uốn cong miệng lưỡi, thì cũng chấp nhận thoả hiệp bằng một thái độ yên lặng.
Mùa Vọng là mùa của sa mạc. Có đi vào sa mạc của nghèo khó và siêu thoát, chúng ta mới dễ dàng nhận ra tiếng Chúa. Và có từ sa mạc của nghèo khó và siêu thoát, chúng ta mới có đủ nghị lực để gióng lên tiếng của Chúa: Hãy dọn đường Chúa đến.
Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng. Mùa Vọng của năm phụng vụ cũng như mùa vọng của cuộc MV2-C116
Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng. Mùa Vọng của năm phụng vụ cũng như mùa vọng của cuộc đời chúng ta. Chúng ta không phải chỉ đón nhận việc Chúa đến như một biến cố lịch sử trong đêm Giáng sinh, cũng không phải chỉ đón nhận việc Ngài đến mỗi lần chúng ta lên rước lễ, mà đặc biệt là còn đón nhận việc Ngài đến vào ngày cuối cùng của cuộc đời chúng ta, cũng như vào ngày sau hết của vũ trụ vật chất này. Vậy để đón mừng Chúa đến, chúng ta đã chuẩn bị như thế nào?
Chúng ta nên thực thi sứ điệp Gioan Tiền Hô đã gởi đến cho người Do Thái bên bờ sông Giócđan, đó là hãy ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi để quay trở về cùng Chúa. Ông đã thẳng thắn cảnh cáo họ: Hãy sinh hoa trái tốt lành để chứng tỏ cõi lòng sám hối của các ngươi, bằng không thì này đây cái rìu đã được đặt dưới gốc cây. Và cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị chặt và ném vào lửa.
Chúng ta hãy nghiêm chỉnh tự vấn lương tâm xem: nếu như lúc này Chúa đến với tôi, thì liệu tôi có sẵn sàng để trình diện, để tính sổ cuộc đời với Ngài hay không?
Có một cậu bé 17 tuổi, người Hoà Lan, đã từng trốn khỏi trại tập trung của Đức Quốc Xã hồi thế chiến lần thứ II, nhưng rồi cậu bị bắt trở lại và bị kết án tử hình. Ngay trước khi bị hành quyết, cậu đã gởi cho bố cậu lá thư như thế này:
“Thưa bố quý yêu!
Thật là khó khăn lắm con mới viết được những hàng chữ này cho bố, để báo tin rằng con đã bị toà án quân sự kết tội tử hình. Xin bố đọc lá thư này một mình và khéo léo báo cho mẹ biết giùm con. Chẳng bao lâu nữa, điều đó sẽ xảy đến với con. Và chỉ trong thoáng chốc, thế là con sẽ về với Chúa. Nói cho cùng đấy có phải là một cuộc chuyển tiếp đáng kinh hãi hay không? Con cảm thấy rõ ràng mình đang ở gần bên Chúa. Con đã chuẩn bị mọi sự cần thiết để đón chờ cái chết. Con nghĩ rằng con sẽ đỡ đau khổ hơn bố nhiều vì con biết rằng mình đã xưng thú hết mọi tội lỗi và hiện tâm hồn con hoàn toàn thanh thản.
Con của bố”.
Ước chi vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, chúng ta cũng nói lên được như vậy. Mùa Vọng là thời gian thuận tiện để chúng ta chuẩn bị những hành trang cần thiết cho cuộc gặp gỡ định mệnh với Chúa. Thế nhưng cho đến lúc này, chúng ta đã làm được những gì để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ định mạng ấy.
Theo truyền thuyết, lúc nhà danh họa Leonardo da Vinci vẽ bức tranh “Bữa Tiệc ly” của Chúa MV2-C117
Theo truyền thuyết, lúc nhà danh họa Leonardo da Vinci vẽ bức tranh “Bữa Tiệc ly” của Chúa Giêsu, ông có việc cải vã với một người và đi đến xô xát nhau. Sau đó, ông vào phòng làm việc, cầm cọ lên định vẽ gương mặt của Chúa, nhưng ông không phác họa được nét nào. Ngồi mãi không vẽ được, buộc lòng ông phải quyết định làm một việc mà ông tin chắc nó sẽ giúp ông vẽ được gương mặt Chúa… Ông đặt cọ xuống, đi thẳng đến gặp người ông vừa ẩu đả và làm hòa. Sau đó, ông trở lại phòng làm việc, và vẽ được gương mặt Chúa dễ dàng.
***
Có bao giờ tôi trải qua một kinh nghiệm như ông Leonardo không? Điều gì thúc đẩy tôi thống hối tội lỗi?
Điều khiến tôi thống hối tội lỗi, không những vì tội lỗi đưa đến hỏa ngục, mà nhất là vì tội lỗi ngăn cản Chúa đến với tôi, không thể đem ơn cứu rỗi cho tôi và mọi người cũng như ngăn cấm ông Leanardo vẽ gương mặt Chúa. (Theo “Vision 2000”). Trong mùa Vọng, thánh Gioan Tiền hô mời gọi chúng ta dọn đường cho Chúa đến: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt xuống thắp…” Thung lũng, núi đồi chính là tội lỗi chúng ta. Chúng ta phải lo sám hối ăn năn, để dọn đường cho Chúa đến cứu thoát chúng ta và mọi người.
2. Cú sút này sẽ trật đích
Một buổi chiều Chúa nhật, hàng triệu người Mỹ đang theo dõi truyền hình trận tranh giải toàn quốc môn Golf. Vào một phút gay go, máy thu hình tập trung vào cầu thủ Jack Nicklaus. Anh đang giữ banh, chuản bị sút, nhưng đột nhiên anh bỏ mặc quả banh và thốt to: “Cú sút này sẽ trật đích !...” Về sau Nicklaus giải thích tại sao anh làm thế. Anh nói: Trước mỗi cú sút bóng, tôi sắp xếp trong trí tôi thế nào cho nó trúng đích. Nếu thấy nó không thể trúng đích được, tôi phải ngưng và sắp xếp lại…
***
Điều Jack Nicklaus thực hiện trên sân Golf chính là điều Chúa dạy chúng ta làm hằng ngày, nhất là trong Mùa Vọng này. Chúng ta phải sắp đặt tâm hồn xứng đáng đón rước Chúa hằng ngày, nhứt là trong ngày Người Giáng Sinh và ngày Người phán xét. Nếu thấy tâm hồn không thể đón rước Chúa được vì tội lỗi, chúng ta phải thay đổi cách làm cách sống, như Jack Nichlaus sắp xếp lại các sút bóng cho trúng đích. (Theo Cha M. Link)
3. Con đã chuẩn bị sẵn sàng
Tạp chí This Week có thuật câu chuyện cảm động của cậu trẻ 17 tuổi, người Hòa Lan, trốn trại tập trung Đức Quốc Xã, nhưng đã bị bắt lại và bị kết án tử hình. Trước khi bị hành hình, cậu viết thơ gởi cho bố cậu với mấy lời sau đây: “Bố thân mến, con đã bị kết án tử hình !... chẳng bao lâu nữa, điều đó sẽ xảy đến với con, và con sẽ được về với Chúa. Con cảm thấy con đang ở gần bên Chúa. Con đã chuẩn bị sẵn sàng đón chờ Chúa đến với con… Con đã xưng hết tội lỗi, và hiện giờ tâm hồn con hoàn toàn thanh thản… Ký tên: Kless
***
Phúc cho tôi, nếu tôi nói được như cậu Kless: “Con đã chuẩn bị sẵn sàng đón chờ Chúa đến với con…” Nếu Chúa đến giờ này, tôi có xứng đáng đón rước Chúa không? Nếu không, tôi sẽ làm như cậu Kless: “Con đã xưng hết tội lỗi, và hiện giờ tâm hồn con hoàn toàn thanh thản…”
4. Người giàu có nhất
Một chủ nông trài về nhà sau một chuyến du lịch. Sau khi gặp gỡ gia đình mừng rỗ, ông đi thăm nông trại và người đầu tiên ông gặp là người tá điền trung thành nhất của ông. Ông gặp ngay lúc người tá điền vào bàn ăn, và trước khi ăn, người đó đọc kinh cầu nguyện và cám ơn Chúa.
Thấy vậy, ông ta nói: - Nếu Chúa ban cho tôi bữa ăn tồi tệ như thế, tôi không bao giờ cám ơn Chúa.
Nghe vậy, người tá điền liền nói: - Tôi rất mừng được gặp lại ông hôm nay, vì tối qua tôi mơ thấy người giàu nhất trong làng này sẽ qua đời trong đêm nay.
Người chủ nông trại nghe nói thế thì hết sức bối rối lo sợ, vì có ai là người giàu nhất trong làng nầy.
Thế là tối hôm đó ông ta mời bác sĩ đến khám sức khỏe. Bác sĩ bảo ông rất khỏe mạnh, dù vậy ông vẫn ăn ngủ không yên. Đêm đó ông nằm mãi vẫn không ngủ được, bỗng có tiếng gõ cửa. Ông hé cửa ra, một gương măt hớt hải loan báo:
- Thưa ông, người tá điền của ông vừa qua đời:
Người chủ ông nông trại thở ra nhẹ nhõm, vì tử thần chưa gõ cửa nhà ông. Nhưng ông lại chợt nghĩ: “Người giàu nhất trong làng này không phải là ta…”
***
Chúng ta mong đợi Chúa Cứu Thế đến giải thoát chúng ta khỏi khốn khổ. Một trong những khốn khổ của con người là nghèo khó, nhứt là nghèo khó tâm hồn. Vì thế thánh Phaolô nói Chúa đến ban cho chúng ta sự giàu có: “Sự giàu có mà Thiên Chúa mang đến cho con người là gì nếu không phải là những giá trị vĩnh cửu, những gì sẽ mãi mãi tồn tại bên kia cái chết. Chính người tá điền trên đây đã được Chúa Cứu Thế đến ban cho sự giàu có đó. Thế nên ông ta là người giàu có nhiều còn ông chủ nông trại trên đây tuy có nhiều của cải vật chất, nhưng lại là người nghèo về tinh thần, về ơn Chúa !... (Theo “Phút cầu nguyện cuối ngày”, tập 1)
5. Tìm Chúa
Một thiếu nữ nghe nói Chúa ở trên ngọn núi tận cùng trái đất. Nàng muốn tìm gặp Chúa để Chúa cứu giúp nàng. Nàng đi lên ngọn núi đó. Nhưng ngay lúc nàng khởi sự leo lên thì Thiên Chúa tự nhủ:
- Làm thế nào Ta chứng tỏ cho loài người biết Ta thương mến họ. Ta biết rồi: Ta sẽ xuống núi ở giữa họ.
Thế là khi cô thiếu nữ leo lên đến đỉnh núi, thì Chúa không còn ở đó nữa. Nàng nghĩ:
- Thiên Chúa không có ở đây, như thế là chẳng có Thiên Chúa.
***
Câu chuyện trên muốn nói với chúng ta: Nhiều khi chúng ta tìm Chúa sai chỗ: Thiên Chúa đã xuống thế làm ngời ở giữa chúng ta. Ngạn ngữ Do thái có câu: “Thiên Chúa ngự ở bất cứ nơi nào chúng ta để cho Ngài vào ở”.
Muốn Chúa đến ở với chúng ta, cứu vớt chúng ta, chúng ta phải nghe tiếng Người: “hoán cải tâm hồn”, phải nghe lời thánh Gioan Tiền hô: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”
Gioan con Zacaria xuất hiện rao giảng sám hối. Đây là sứ điệp tiên tri Barúc đã từng loan báo: MV2-C118
Gioan con Zacaria xuất hiện rao giảng sám hối. Đây là sứ điệp tiên tri Barúc đã từng loan báo: “hãy dọn đường cho Chúa, thung lũng hãy lấp đầy, đồi núi hãy san phẳng…”. Dân Do Thái mong chờ Chúa, hàm chứa, Chúa sai vị Thiên Sai (Kitô) để giải phóng họ khỏi cảnh lưu đầy ở Babylon. Tiên tri đã loan báo phải bạt các núi đồi, san phẳng những thung lũng để dân Chúa trở về. Người ta sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa qua việc Ngài đưa dân từ nơi lưu đầy trở về quê hương. Điều này xảy ra khi vua Kyrô người Ba Tư ban hành chiếu chỉ cho dân Do Thái lưu đầy được trở về quê cha đất tổ. Dân Do Thái vui mừng. Họ nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ. Mỗi người đều được mời gọi trở về để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.
I. Sám hối để có thể sống hạnh phúc
Sám hối hàm chứa nhận ra mình chưa sống như phải sống. Thiên Chúa vẫn yêu thương và mời gọi con người sống tốt hơn, sống như Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa muốn tôi sống hạnh phúc. Tôi có hạnh phúc như Thiên Chúa muốn không? Tại sao tôi không hạnh phúc?
Phải chăng tôi đang quá bận tâm lo lắng về cơm ăn áo mặc? Phải chăng tôi muốn có nhiều tiền, tôi muốn có những gì cần thiết về của ăn áo mặc cho tôi và những người thân yêu trong khoảng thời gian an toàn? Phải chăng tôi muốn có sự an toàn của người phú hộ ”hãy ngủ nghỉ yên vì ngươi có nhiều của” (Lc.12, 13-21)? Phải chăng tôi lo lắng mọi sự và không biết rằng Thiên Chúa yêu tôi, Ngài sẽ cho tôi những thứ tôi thật sự cần (Mt.6, 25-34)?
Tôi có buồn bực vì không được người tôi yêu đáp trả? Tôi có thông cảm nỗi lòng của người tôi yêu, có thể họ cũng yêu ai đó mà cũng không được đáp trả? Tôi có muốn người khác yêu tôi, và tôi không cần biết những bận tâm và ao ước của người tôi yêu? Nếu tôi không chấp nhận con người của tôi, và nếu tôi không tôn trọng tự do của người khác, thì làm sao tôi có thể sống hạnh phúc đích thực?
II. Yêu thương để sống hạnh phúc Con người tùy thuộc nhiều yếu tố để sống hạnh phúc. Có lẽ khi dân lưu đầy trở về, sẽ gặp nhiều vấn đề phát sinh: chẳng hạn vấn đề nhà cửa, cơm bánh hằng ngày, vấn đề tương giao giữa con người với nhau, vấn đề phát triển tối đa con người của mình. Chỉ cần không dung hợp hài hòa những điều trên, con người cũng không cảm thấy hạnh phúc; hoặc nữa, nếu con người muốn một điều gì “quá mức” mà không có được, họ cũng không cảm thấy hạnh phúc. Đức Phật đã đề xuất lý thuyết “diệt dục”, đừng muốn nữa, thì sẽ không khổ. Đức Yêsu dạy con người: hãy yêu thương nhau (Ga.13, 34), nghĩa là, muốn điều tốt cho người khác, vui với người vui khóc với người khóc, giúp người khác triển nở và hạnh phúc.
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa làm tất cả vì yêu. Con người được mời gọi để trở nên giống Thiên Chúa, được mời gọi để chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa. Chính khi con người nên giống Thiên Chúa, thì con người được hạnh phúc. Con người được mời gọi để sống yêu thương như Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Chính khi con người sống yêu thương, thì con người được hạnh phúc. Cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận. Con người hạnh phúc khi phục vụ và giúp người khác triển nở.
Hãy lấp bằng những hố sâu ngăn cách, hãy bạt những núi đồi kiêu kỳ làm ngăn trở mình sống yêu thương như Thiên Chúa. Mỗi người được mời gọi để nhìn lại chính mình, để thấy mình chưa sống như Thiên Chúa muốn, để thấy mình chưa yêu thương như Thiên Chúa mời gọi, để trở lại với Thiên Chúa là Đấng làm tất cả vì yêu thương.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Chính khi yêu thương là đã hạnh phúc! Bạn có kinh nghiệm về điều này không? 2. Yêu là làm đẹp mình, bạn có đồng ý với câu nói này không? Xin dẫn chứng.
Khi thành phố bắt đầu về đêm, dòng người và xe cộ trở nên thưa thớt, người ta thấy xuất hiện những MV2-C119
Khi thành phố bắt đầu về đêm, dòng người và xe cộ trở nên thưa thớt, người ta thấy xuất hiện những công nhân cặm cụi đi ra quét dọn các con đường. Niềm vui của họ là nhìn những con đường sạch bóng cho ngàn người đi qua. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một bài hát cũng mượn những vần thơ diễn tả hình ảnh người phu quét rác: “Người phu quét lá bên đường, quét cả nắng vàng quét cả chiều thu”. Có một vị chính khách nọ khi ra tranh cử tổng thống cũng nói với mọi người: “Nếu tôi được bầu chọn làm nguyên thủ quốc gia, công việc đầu tiên tôi sẽ làm là cho xây dựng những con đường”.
Cũng vậy, Giáo hội ngày hôm nay mời gọi chúng ta đóng vai người phu quét lá để dọn con đường trong tâm hồn đón Chúa đến. Giáo hội trích mượn lời hiệu triệu của Thánh Gioan tiền hô để nhắn gửi chúng ta: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi. Mọi thung lũng phải lấy cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng (Lc 3, 4)”.
Nhưng dọn đường như thế nào?
Đạo là đường. Đạo Công giáo không phải là một pháo đài gồm chứa những luật lệ cứng ngắc để chúng ta rút lui vào đó cố thủ. Đạo mà Chúa Giêsu khai sáng là một con đường rộng mở thênh thang để chúng ta bước tới, đi đến gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Chúa Giêsu đã nói: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Cuộc hành trình đức tin của chúng ta cũng chính là con đường đưa dẫn chúng ta tiến về ánh sáng và sự sống vĩnh cửu. Nhưng con đường đó nhiều khi ngập đầy bụi bặm và rác rưởi của tội lỗi mà chúng ta cần phải quét dọn hằng ngày.
Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma đã viết “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy anh em hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rm 13, 12.13). Bóng tối của màn đêm là hình tượng biểu trưng tội lỗi và sự chết. Vũ khí của sự sáng mà Thánh Phaolô nhắc bảo chính là sức mạnh Thiên Chúa ban cho những ai được Thần khí hướng dẫn để không sống theo xác thịt. Điều mà Thánh Phaolô nói tới cũng tương hợp với lời hiệu triệu của thánh Gioan mà chúng ta nghe trong bài Tin mừng hôm nay. Con đường cong queo của những luồn lẹo gian dối phải uốn cho ngay. Lũng sâu chất chứa những thù hận và cách ngăn phải lấp cho đầy. Núi cao của tham vọng và ích kỷ phải bạt cho bằng. Muốn sửa lại những con đường đó, chúng ta phải đi vào hành trình hoán cải nội tâm một cách sâu xa.
Hoán cải và trở về
Có một người đàn ông nọ vô tình đọc thấy một bản cáo phó trên một trang báo. Người ta nhầm lẫn đưa tin ông vừa mới chết. Ông xúc động, nhưng bàng hoàng hơn cả vì bản cáo phó xem ông như một kẻ giết người hàng loạt, vì ông đã chế tạo nhiều vũ khí để sử dụng trong chiến tranh. Bản cáo phó đã đánh động tâm hồn ông, và ông quyết định chuyển hướng. Thay vì phục vụ chiến tranh như trước đây, ông bắt đầu dấn thân phục vụ cho hòa bình. Ông đã hiến dâng toàn bộ tài sản ông sở hữu để cổ vũ cho công lý và hòa bình trên khắp thế giới. Người đàn ông ấy chính là Alfred Nobel, người đã khai lập giải Nobel hòa bình để phục vụ cho mục đích này. Đó là một con người đã biết thức tỉnh và trở về trong sám hối.
Hoán cải (metanoia) theo nguyên ngữ Hy lạp chính là trở về, trở về với Chúa và trở về với anh em. Trong mùa vọng cũng như trong mùa chay, chúng ta được nhắc nhở thực hành việc sám hối. Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì trong suốt cuộc lữ hành trần thế, chúng ta vẫn luôn cần phải trở về liên tục, bởi vì đây là thái độ nội tâm căn bản thể hiện đức tin của mọi tín hữu quy hướng về Thiên Chúa. Sám hối không phải chỉ là nhớ lại một vài lỗi phạm và đến tòa cáo giải xưng thú để lương tâm được thanh thản. Sám hối trước hết và trên hết chính là một tư thế nội tâm để quay trở về. Cuộc lữ hành đức tin chúng ta giống như một con thuyền nhỏ trên dòng sông chảy ngược. Con thuyền không thể đứng yên một chỗ mà phải tiến tới, nếu không, con thuyền sẽ bị dòng nước cuốn ngược lại. Vì thế cuộc hành trình trở về được Giáo hội nhắc nhở trong mùa vọng như một động thái cần thiết để đón chờ Chúa đến. Chúng ta không thể trở về với Chúa mà lại không biết cách trở về làm hòa với nhau. Cũng thế, sự hoán cải mà thánh Gioan Tiền hô nói đến, đòi hỏi chúng ta phải phá đổ bức tường cách ngăn của những thù hận, phải uốn lại cho ngay những luồn lẹo gian dối trong cách hành xử thường ngày làm phương hại đến cận nhân chung quanh.
Có lẽ chúng ta đều biết bức tranh nổi tiếng vẽ bữa tiệc ly của danh họa Leonardo da Vinci. Ông tập trung cao độ để phác họa dung mạo Chúa Giêsu ngồi giữa các học trò trong giờ phút ly biệt đầy thân thương và quyến luyến. Nhưng cầm cọ lên, ông lại buông xuống vì không thể vẽ nổi. Nguyên nhân vì chiều hôm trước, ông mới cự cãi kịch liệt với anh hàng xóm bên cạnh và tâm hồn trở nên bất an. Cuối cùng ông quyết định gác bút, đi làm hòa với người bạn ấy rồi mới trở về xưởng vẽ. Chúng ta thấy dung mạo Chúa Giêsu trong bức tranh rất sống động và toát lên một tình yêu vô hạn. Không có bình an trong tâm hồn, Leonardo da Vinci không tài nào thể hiện được chân dung Đức Giêsu trong bức họa nổi tiếng ấy. Cũng vậy, chúng ta không thể nào đến với Chúa mà tâm hồn vẫn còn những rào chắn khổng lồ cách ngăn chúng ta với anh chị em chung quanh mình.
Hình mẫu nơi Gioan tiền hô
Gioan tiền hô là người gác cổng dẫn vào Tin mừng. Ngài là nhịp cầu nối giữa cựu ước và tân ước. Gioan mời gọi dân chúng sám hối để trở về, nhưng ông tự thú ông không phải là đấng Messia, mà chỉ là người phu quét đường, còn Đức Giêsu mới chính là con đường để chúng ta bước tới. Ông chỉ là tiếng kêu giữa sa mạc vọng lại lời, còn Đức Giêsu mới chính là ‘Lời’, là ngôi Lời đã trở thành xác phàm. Vì thế Gioan tóm kết sứ mạng của mình trong câu châm ngôn ‘Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại. Có Đấng đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cúi xuống xách dép cho Ngài’. Sự khiêm tốn mà Gioan nêu gương chính là chìa khóa căn bản để chúng ta bày tỏ tâm thức sám hối, trở về với Chúa và với nhau. Khiêm tốn nhận ra những giới hạn và bất toàn nơi mình, chúng ta mới có thể quét sạch rác rưởi trong tâm hồn, dọn đường cho Chúa đến. Thánh Gioan đã nêu gương mẫu cho chúng ta về thái độ khiêm tốn căn bản này.
Kết luận
Trong một cuộc triển lãm, họa sĩ Vangog có trưng bày một bức tranh tuyệt đẹp với tựa đề ‘Chúa đến’. Ông vẽ Chúa Giêsu đang đứng gõ cửa trước một căn phòng. Một người bạn đến xem tranh, tấm tắc khen ngợi tài nghệ của ông, nhưng anh bạn góp ý: “Này Vangog, bức tranh của anh khá hoàn hảo nhưng còn thiếu xót một chi tiết, có lẽ anh quên không để ý tới. Căn phòng Chúa đứng gõ cửa còn thiếu một nắm đấm để mở ra”. Vangog trả lời: “ Không phải thế đâu. Chúa đang đứng gõ cửa căn phòng tâm hồn mỗi người chúng ta. Còn bạn hay tôi, chúng ta có mở hay không là do chúng ta quyết định. Nắm đấm để mở cửa phòng nằm ở bên trong, chứ không nằm phía bên ngoài”.
Trong mùa vọng, chúng ta đợi chờ Chúa đến. Ngài đang đến gõ cửa tâm hồn từng người. Cửa phòng có được mở ra hay không, và Chúa có đi vào được căn phòng tâm hồn chúng ta hay không, còn tùy nơi cá nhân mỗi người.
Cuộc đời là một chuỗi những đợi chờ. Có đợi chờ đương nhiên sẽ đến. Có đợi chờ hoài cổ mà MV2-C120
Cuộc đời là một chuỗi những đợi chờ. Có đợi chờ đương nhiên sẽ đến. Có đợi chờ hoài cổ mà chẳng bao giờ thấy! Có đợi chờ mang lại niềm vui như chờ người yêu, chờ nhận quà, nhưng cũng có đợi chờ chỉ mang lại thất vọng chán chường như chờ kết quả xét nghiệm khi khám bệnh...
Vì có đợi chờ nên cũng có chờ hụt, hay còn gọi là leo cây. Ngày xưa Hồ Zếnh chắc cũng từng bị cô bồ cho leo cây nên mới sáng tác bài thơ:
Em cứ hẹn nhưng em đừng tới Để lòng buồn anh dạo mãi quanh sân Cầm điếu thuốc trên tay cháy lụi dần Anh khẽ nói gớm sao mà lâu thế!
Rồi cũng có biết bao lần chúng ta chờ đợi trong hụt hẫng, “tưởng là thế nhưng không phải thế” như những câu chuyện vui sau:
Mẹ ơi! Sáng nay có cô Mười ở bên Mỹ mới đến nhà chơi. Cô tặng cho nhà mình một món quà và nói rằng: “Món quà của cô tuy nhỏ nhưng cũng đủ cho gia đình cháu dùng trong một năm”.
Nghe thế, mẹ cu Tý mừng quýnh, hỏi ngay:
- Món quà gì thế con? - Dạ, một quyển lịch!
Hoặc câu chuyện khác:
Chàng: Anh sẽ tặng em một món quà làm cho ngón tay em xinh thêm
Nàng: (tưởng là những chiếc nhẫn kim cương hay cũng ít là hột xoàn bèn nói) Anh đừng tặng những thứ mắc quá.
Chàng: Em vớ vẩn, cái cắt móng tay có cái nào mắc đâu!
Dân Do Thái ngày xưa cũng đã chờ đợi. Họ chờ đợi rất nhiều thế kỷ rồi mới tới ngày Con Chúa hạ sinh như ai đó đã từng nói:
Giê-su Giê-su không bỗng dưng mà có Cả pho cựu ước còn đó Trăn trở bao đời mới sinh hạ Giê-su.
Nhưng họ cũng mừng hụt vì Đấng Messia không đến theo ý họ. Theo ý họ là một Đấng Messia đánh đông dẹp tây, hùng dũng nhưng Chúa lại đến trong thân phận một hài nhi yếu đuối. Họ thất vọng và đáng tiếc là đã không chấp nhận sự thật ấy. Họ đã để niềm vui trôi qua vì không nhận được hồng ân Con Chúa giáng trần.
Thế nên, khởi đầu mùa vọng chúng ta thường nghe Gioan mời gọi: hãy mở một con đường cho Chúa đến. Con đường mà Gioan muốn nói là lối sống của chúng ta. Hãy sống và loan báo về lòng thương xót của Chúa. Hãy làm chứng cho nhân loại thấy một chân dung đầy yêu thương của Chúa. Hãy mang Chúa đến một cách cụ thể cho những mảnh đời bất hạnh quanh ta. Họ có thể là người nghèo, là người già nua, là người bệnh tật... Họ có thể là những người đang cô đơn vì ly dị, hay bị giầy vò lương tâm khi đang sống rối vợ rối chồng... Họ có thể là những người nam người nữ đang túng thiếu tình cảm lẫn tiền bạc... Họ có thể là những đứa trẻ đang bị lạm dụng khi phải bươn chải bán vé số, đánh giày, nhặt ve chai...
Họ là những người bất hạnh. Họ không chờ đợi một vì Thiên Chúa ở trên trời hay nơi nào xa xăm. Họ đang chờ một Thiên Chúa xót thương đang ở giữa họ, đang cùng họ chia sẻ gánh nặng cuộc đời và nâng đỡ, ủi an họ.
Thế nên, hãy mang Chúa đến để thăm viếng nâng đỡ họ. Có thể Thiên Chúa của chúng ta không mang đến cho con người sự giầu có tiền bạc, sự trường sinh bất tử, nhưng mang đến cho nhân loại những tín hữu đang hăng hái “đi ra” xoa dịu nỗi đau cho anh em.
Người ta nói: con đường là do lối mòn đi nhiều sẽ thành. Ước mong mọi người ky-tô hữu hãy can đảm mở lối cho mọi người. Hãy mở một con đường tình yêu, lòng cảm thông, quan tâm tới tha nhân. Hãy mở con đường chân thiện mỹ bằng chính đời sống của mình. Ước gì Chúa sẽ đến với tha nhân qua lối mòn yêu thương mà các tín hữu đã tạo ra nên trong cuộc sống hôm nay. Amen.
Lời của ca khúc: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, của cố nhạc sỹ họ Trịnh, mang âm vọng của MV2-C121
Lời của ca khúc: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, của cố nhạc sỹ họ Trịnh, mang âm vọng của những ca từ mộc mạc, lạc quan và yêu đời cho mọi người. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn không phải là người công Giáo, thế nhưng bài hát của ông, dòng nhạc của ông trên một bình diện hết sức là con người, cũng có thể mời gọi người Kitô hữu hãy mang tâm tình của một con người đầy hoan hỉ, để mặc lấy chiếc áo cưới huy hoàng, diễm lệ và thật lộng lẫy mà đón mừng Mầu Nhiệm Nhập Thể, Cứu Thế của Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô, Chúa của chúng ta. Mùa Vọng đã khai mở một kỷ nguyên mới và đã dần khép lại với những sợi tơ lòng run rẫy, bởi những niềm vui, và vui mãi trong cuộc đời có Chúa và có nhau.
Chứng minh điều này không khó, Tiên tri Sô-phô-ni-a trong bài đọc thứ nhất đã gợi lên: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà It-ra-el hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3,14). Thánh Phao-lô Tông đồ cũng hồ hỡi bảo mọi người rằng: “ Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4,4). Như thế niềm vui và nối tiếp những niềm vui trong Chúa Nhật thứ 3 mùa vọng, không phải là màu tím buồn mà là màu hồng hớn hở và hân hoan. Niềm vui trong lòng, niềm hạnh phúc sung sướng sẽ toát ra trên khuôn mặt, trong giọng nói và trong những nụ cười rạng rỡ trên môi. Vui vì Chúa sắp đến, vui vì một đại lễ Giáng sinh, chất chứa biết bao là ân tình, là tín thác, là bác ái, sẻ chia. Người Kitô yêu đời và nhìn đời dưới lăng kính của đức tin. Một làn gió, một sợi sương, một nghĩa cử yêu thương, bốn phương xa gần là anh em, là hình ảnh của Đấng Tạo thành vạn vật. Không lạ gì mà Gioan Tẩy Giả, một con người của sa mạc lại là người có sức mạnh giảng thuyết để thu hút đám đông lũ lượt kéo nhau đến xin đón nhận đức tin. Niềm hạnh phúc của mỗi người không chỉ giữ riêng mình, mà phải biết trao ban. Thánh Gioan Tẩy Giả đề nghị những người đến với ông: “ Ai có hai áo, thì chia cho những người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”. Người Kitô hữu không sống với một đức tin sáo rỗng, không có hành động cụ thể. Trái lại, niềm vui vủa Tin mừng luôn là một xác tín, một hướng đi cho mọi người thực ý Thánh ý Chúa. Những người dân, hay những người thu thuế, hoặc binh sỹ, phải biết thực thi trách nhiệm với toà án lương tâm của mình.
Chúng tôi phải làm gì? Biết và làm chẳng phải là hai thái độ của con người trước những sức công phá của chủ thuyết hoài nghi, hưởng thụ, của những lối sống hẹp hòi, ích kỷ. Tin Mừng đòi hỏi những việc làm cụ thể, những trách nhiệm liên đới và yêu thương. Mong đợi Chúa đến, đón mừng ngày Chúa Quang lâm là một biểu hiện của những người có niềm tin vào sự xuất hiện của Chúa trong thế giới ngày hôm nay. Cuộc sống có Chúa thì niềm vui mới trường tồn mãi được. Đó chính là những đòi buộc đầy thách đố của Tin Mừng, mà Thánh Gioan Tẩy Giả đã đề nghị với từng lớp người đến với ông qua trang Tin Mừng, của Chúa Nhật Mùa Vọng thứ 3, Phụng vụ năm C.
Lời Chúa là Tin vui mang con người thoát khỏi những nỗi sầu thương, những đoạn trường khổ đau. Trong mọi hoàn cảnh rất thực của cuộc đời, niềm tin vào sự yêu thương của Thiên Chúa luôn mời gọi mọi người, anh em hãy vui luôn, hãy hân hoan và ca hát, hãy lạc quan vì Chúa đến và vì luôn có Chúa trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Chủ đề: "Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị chào đón Chúa Kitô. Chúng ta hãy chấn chỉnh lại cuộc MV2-C122
Chủ đề: "Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị chào đón Chúa Kitô. Chúng ta hãy chấn chỉnh lại cuộc sống của mình."
Một ngày chúa nhật vào tháng sáu oi ả, hàng triệu người Mỹ đang theo dõi truyền hình trận tranh giải toàn quốc môn Golf tổ chức trên sân cỏ lộ thiên. Ở phút gay go của trận đấu: máy thu hình tâp trung vào Jack Nicklaus. Anh đang giữ banh ở khu đất lởm chởm và đang chuẩn bị sút bóng. Chậm rãi nhưng quả quyết, anh giơ chiếc gậy nhắm vào quả banh, và suốt 20 giây trên màn hình người ta thấy anh chần chừ, chuẩn bị sút bóng. Nhưng rồi đột nhiên vào giây cuối cùng anh bỏ mặc qủa bóng và nói to cho mọi người nghe: "Cú sút này trật đích rồi." Bình luận viên thể thao trận đấu bối rối thốt lên: "Nhưng anh đã không sút bóng: không hiểu chuyện gì xảy ra với anh?" … và cuộc tranh giải lại tiếp tục.
Về sau Nicklaus giải thích rõ ràng tại sao như vậy trong cuốn sách của anh nhan đề: Golf My Way (lối chơi gôn của tôi). Anh mô tả cách thức anh chuẩn bị cho từng cú sút bóng như thế nào: đầu tiên, anh sắp xếp các cú sút trong trí, nghĩa là anh tưởng tượng ra trước từng cú sút, sau đó anh mới vung gậy đánh thực sự trên sân. Anh nói: "Y hệt một cuộn phim màu, trước hết tôi mường tượng trái banh tôi sắp vung gậy đánh, trái banh trông xinh xắn, trắng trẻo đang nằm trên sân cỏ xanh thắm, rồi hình ảnh trong trí chuyển biến thật lẹ làng và tôi thấy đường banh đang lăn, và thấy cả cách thức nó chạm đất ra sao nữa, rồi cảnh ấy nhoà đi nhường cho cảnh tiếp theo. Cảnh này chỉ cho tôi cách vung gậy để đưa những hình ảnh đã mường tượng trước đó trở thành hiện thực.
Điều mà Jack Nicklaus thực hiện trên sân golf vào trưa chúa nhật nóng bức ấy chính là điều Giáo Hội khuyên chúng ta nên làm trong suốt Mùa Vọng này, nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị tâm trí để đón tiếp Chúa Kitô. Đây chẳng phải chỉ là sự đón tiếp liên quan đến cuộc giáng lâm có tính cách lịch sử của Ngài thường được chúng ta tưởng niệm vào dịp lễ Giáng Sinh, cũng không phải chỉ liên quan đến cuộc giáng lâm mầu nhiệm của Ngài nơi bí tích Thánh Thể, mà đặc biệt là cuộc giáng lâm sau cùng của Ngài ngày tận thế. Chúng ta hãy nói đến cuộc giáng lâm cuối cùng này của Chúa Giêsu.
Để đón Chúa Giêsu đến, chúng ta đã chuẩn bị thế nào? Chúng ta nên vâng theo lời dạy của thánh Gioan tẩy giả khi ông chuẩn bị cho dân Do Thái thời ông đón chờ Đức Giêsu đến với thế gian lần đầu tiên. Ông dạy bảo họ ăn năn thống hối từ bỏ tội lỗi. Có một vài câu Tin Mừng hôm nay. "Hãy sinh hoa trái tốt lành để chứng tỏ lòng ăn năn thống hối của các ngươi" (Lc 3: 8). Đây là điều Giáo Hội mời gọi chúng ta thực hiện trong mùa chờ đợi này. Chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi và bắt đầu sống đúng như Chúa Giêsu từng dạy chúng ta; chúng ta hãy nghiêm chỉnh tự vấn xem "Liệu chúng ta có thể trình diện trước Chúa ngay lúc này không?"
Có lẽ sau khi hồi tâm dò xét kỹ, chúng ta cũng sẽ làm giống như Jack Nicklaus trên sân golf, đó là rời bỏ quả bóng và thốt lên: "cú sút trật đích rồi!" để sau đó, chúng ta sẽ phải thay đổi một số điều trong cuộc sống.
Vài năm trước đây, tạp chí This Week có thuật lại câu chuyện cảm động về một cậu bé 17 tuổi người Hoà Lan đã từng trốn khỏi trại tập trung Đức Quốc Xã, nhưng đã bị bắt lại và bị kết án tử hình. Ngay trước khi bị hành hình, cậu đã gởi cho bố cậu lá thư sau đây. Tôi xin trích lại: "Bố thân yêu, thật khó khăn lắm con mới viết được cho bố lá thư này, nhưng con vẫn phải cho bố hay rằng con đã bị toà án quân sự kết tội tử hình. Xin bố đọc lá thư này một mình và khéo léo báo cho mẹ biết dùm con… chẳng bao lâu nữa, đúng 5 giờ, điều đó sẽ xảy đến cho con… chỉ một chốc thôi thế là con sẽ về với Chúa. Nói cho cùng đấy có phải là cuộc chuyển tiếp đáng kinh hãi không?… con cảm thấy rõ ràng rằng mình đang ở gần bên Chúa, con đã chuẩn bị sẵn sàng đón chờ cái chết… con nghĩ rằng con còn đỡ đau khổ hơn bố nhiều, vì con biết rằng mình đã xưng hết tội lỗi, và hiện tâm hồn con hoàn toàn thanh thản.. ký tên "Kless".
Phúc cho ai vào giờ chết có thể nói được như cậu ta. Mùa vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn anh chị em để đến giờ chết anh chị em có thể nói được như thế. Đó là thời gian để anh chị em hồi tâm tỉnh trí và chuẩn bị; đây là thời gian tự vấn chính mình;chúng ta có sẵn sàng đón tiếp Chúa Giêsu vào giờ chết không? Chúng ta có sẵn sàng đón Chúa Giêsu vào ngày tận thế không? Chúng ta có sẵn sàng gặp Chúa Giêsu ngay lúc này không? Chúng ta có nói được như cậu bé trên không? "con cảm thấy rõ ràng con đang ở gần bên Chúa. Con đã chuẩn bị sẵn sàng đón chờ cái chết… con đã xưng hết tội lỗi và tâm hồn con hoàn toàn thanh thản".
Vậy nếu hiện giờ chúng ta chưa có thể nói lên câu ấy thì liệu đến cuối Mùa Vọng chúng ta có thể thốt lên được câu nói ấy không?
Thomas Merton là một tiểu thuyết gia nổi tiếng lan rộng khắp thế giới. Vào thập niên 60, chàng theo MV2-C123
Thomas Merton là một tiểu thuyết gia nổi tiếng lan rộng khắp thế giới. Vào thập niên 60, chàng theo Anh giáo, nhưng sống như người vô thần. Một ngày nọ, tình cờ đi ngang một nhà thờ Công Giáo, chàng được Chúa thúc đẩy ghé vào nhà thờ trong chốc lát. Từ trước tới nay Thomas Merton cũng đôi lần đi nhà thờ đó, nhưng vì tò mò, vì theo anh em bạn cho vui hơn là vì lòng tin, dầu chàng đã được cha mẹ cho rửa tội ngày còn nhỏ. Sau này, khi đã theo đạo Công Giáo và nhập vào Trappiste khổ tu, Thomas Merton đã kể lại biến cố ấy như sau:
"Khi bước vào trong nhà thờ, điều đầu tiên lôi kéo sự chú ý của tôi đó là, tôi trông thấy một cô gái duyên dáng tuổi chừng 15, 16 đang quì cầu nguyện một cách vô cùng sốt sắng, không để ý đến chuyện gì khác xảy ra chung quanh. Khi cả lúc tôi bước vào nhà thờ, tôi rất đỗi ngạc nhiên trước sự kiện, một thiếu nữ từng ấy tuổi lại quì cầu nguyện trong ngôi thánh đường lặng lẽ, một cách hết sức tự nhiên và say đắm trong lời cầu, như thể bị hút hồn. Dĩ nhiên, là cô gái nọ vào nhà thờ không phải là để cho người ta ngắm nghía, mà là để cầu nguyện và chỉ để cầu nguyện mà thôi. Và nàng đã cầu nguyện chăm chú, sốt sắng như các thánh trong một ngôi thánh đường thanh vắng. Cuộc gặp gỡ và thân tình ấy của thiếu nữ đó với Thiên Chúa trong khung cảnh hoàn toàn vắng lặng của ngôi thánh đường hôm đó, đó là một trong các nhân tố dẫn đưa tôi đến chỗ gặp Chúa và theo đạo sau này".
Ngôi thánh đường công giáo vắng lặng ấy, đó là một bãi sa mạc nơi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa giữa lòng xã hội loài người nhiều bôn chôn, dao động này. Qua các bài đọc Chúa nhật II Mùa Vọng, Giáo Hội cũng kêu mời chúng ta hãy biết tạo ra sa mạc trong tâm lòng mình khi nào đó để gặp gỡ Thiên Chúa. Chương 5,1-9 sách tiên tri Barúc, là một lời sấm liên quan đến ơn cứu độ theo truyền thống Kinh Thánh. Barúc đã là bạn kiêm thư ký của tiên tri Giêrêmia, nhưng thật ra sách Barúc là một tổng hợp các văn bản thần học góp nhặt đó đây và được soạn chung lại bằng tiếng Hy Lạp vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch. Tiên tri Barúc muốn khẳng định với dân Do Thái rằng: Cuộc sống và niềm hạnh phúc là những điều có thể thực hiện được sau những năm tháng họ phải sống trong cay đắng, tủi nhục, đen tối của kiếp sống lưu vong. Để diễn tả sứ điệp hy vọng và tin tưởng ấy, tiên tri dùng một số hình ảnh biểu tượng như chiếc áo, tên gọi, và các kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa. Chiếc áo đó ám chỉ phẩm giá của con người khi giới thiệu thành thánh Giêrusalem, là biểu tượng của toàn dân Chúa. Trong chiếc áo mới rực rỡ của mừng vui, chớ không phải chiếc áo tang của sầu buồn mà tiên tri Barúc cố ý loan báo cho dân chúng biết, Thiên Chúa sẽ trao ban trở lại cho họ phẩm giá làm dân riêng Chúa chọn và chấm dứt sự sống khổ nhục họ phải chịu trong thời lưu đày. Chiếc áo tang của sầu thương diễn tả thời gian và khung cảnh sống lưu đày tủi nhục. Hình ảnh chiếc áo mới mừng vui trên đây hé mở cho chúng ta thấy ý nghĩa việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại khi cho Đức Giêsu Kitô nhập thể làm người. Chúa Giêsu Kitô mặc lấy chiếc áo yếu hèn của thân phận làm người, mặc lấy chiếc áo rách nát, tả tơi, hôi thúi của tội lỗi từng biến dạng con người khiến cho nó không còn giống Thiên Chúa nữa, vì đã đánh mất đi phẩm giá làm con Thiên Chúa và là thụ tạo tuyệt diệu nhất trong mọi loài thụ tạo. Chúa Giêsu mặc lấy nó để đánh đổi cho loài người chiếc áo mới, chiếc áo mừng vui được làm con cái Thiên Chúa và giống hình ảnh Ngài. Với phẩm giá mới ấy, thành thánh Giêrusalem đại diện cho dân Chúa, cũng mang một tên gọi mới trong ngôn ngữ của Kinh Thánh.
Đặt tên cho một người, một vật, có nghĩa là tuyên bố người đó hay vật đó thuộc quyền sở hữu của mình. Nó cũng có nghĩa là người đó hay vật đó được che chở yêu thương và săn sóc. Giêrusalem từ nay, Thiên Chúa sẽ đặt tên cho là Hòa Bình, Công Chính và Vinh Quang của lòng thương xót. Dân riêng của Thiên Chúa từ nay, sẽ làm một dân tộc diễn tả sự an bình, công chính, lòng nhân từ, thương xót và vinh quang mà Thiên Chúa hiện thực trong vương quốc thiêng linh của Ngài. Vương quốc mà Thiên Chúa cống hiến cho nhân loại ngay từ bây giờ, trên trần gian này, với biến cố Đấng Thiên Sai nhập thể làm người. Trong tên gọi mới này cũng tiềm ẩn tên gọi Giêsu mà Thiên Chúa sẽ dành riêng cho Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu là ơn cứu rỗi, là sự che chở Thiên Chúa gởi đến cho loài người luôn bị sự dữ cám dỗ và thường bị tội lỗi chiếm hữu. Công trình cứu độ và giải phóng ấy được Thiên Chúa ra tay hiện thực và trao ban cho dân Người, với sự cộng tác của mọi loài, mọi vật, y như trong biến cố xuất hành khỏi Ai Cập thời xa xưa. Thiên Chúa sẽ ra tay gạt bỏ mọi chướng ngại, khó khăn. Đường vào sa mạc dẫn đưa dân Ngài vào Đất Hứa sẽ thẳng băng, không còn gò cao. Sa mạc nắng cháy khô cằn sẽ nở hoa xanh tươi.
Trong chương 3 Phúc Âm của mình, thánh sử Luca ghi lại các biến cố ấy trong khung cảnh lịch sử của thế giới chính trị và tôn giáo thời bấy giờ. Ơn gọi và hoạt động loan báo Tin Mừng của thánh Gioan Tẩy Giả xảy ra vào năm thứ 15, dưới thời hoàng đế Tibêriô, năm 28, sau Tây lịch, bởi vì hoàng đế lên ngôi năm thứ 14. Quan toàn quyền Giuđêa lúc đó là Phongxiô Philatô, Palestine hồi ấy cũng gồm 3 châu quận do 3 quận vương cai trị là Hêrôđê Antipa, Philipphê và Lysania. Hai thượng tế vào thời này là thượng tế Anna (vào năm thứ 6 đến năm 14 sau Tây lịch) và thượng tế Caipha (trị vì từ năm 18 đến năm 36 sau Tây lịch).
Tuy nhiên, điểm thánh sử Luca cố ý nêu bật ở đây chẳng phải là các biến cố lịch sử chính trị và xã hội, mà là ý nghĩa thần học của lịch sử. Thánh Luca muốn khẳng định rằng, chính Lời của Thiên Chúa tạo ra lịch sử. Tất cả mọi biến cố, mọi nhân vật, mọi thời đại, cách tiếp nối của các quyền bính và giới lãnh đạo trần gian, chỉ là khung cảnh trong đó Ngôi lời của Thiên Chúa nhập thể làm người để cống hiến ơn cứu độ cho nhân loại. Lời thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng diễn tả trước sứ điệp mà Chúa Giêsu Kitô loan báo sau này: Muốn được ơn cứu độ, con người phải lãnh nhận bí tích rửa tội, sám hối, hoán cải tâm lòng, thay đổi lối sống, canh tân tư tưởng và cung cách hành sự của mình, bởi vì Đấng Thiên Sai đã hiện diện giữa lòng trần gian.
Sa mạc nơi thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng phép rửa sám hối là một điểm thần học nổi bật khác của truyền thống Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, sa mạc là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Sa mạc khô cằn, nóng bỏng ban ngày, giá buốt ban đêm, là hình ảnh cuộc sống của con người không có bóng dáng và không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Giữa cảnh hoang vu của cát đá, con người đói khát và lạc hướng. Những tình trạng đó giúp con người ý thức được cái bé bỏng hư không, vô nghĩa của đời mình. Bởi vì nó chỉ là gì, nếu không phải là cát bụi, hư vô? Nhận thức ấy khiến cho con người từ bỏ mọi ý nghĩ kiêu căng, ngạo mạn, mọi chủ trương coi mình là thần thánh và có thể tự giải thoát lấy mình. Thái độ và tâm tình ấy khiến cho con người rộng mở tâm lòng mình, cho hành động và ơn thánh cứu độ của Thiên Chúa. Đường vào sa mạc như thế là con đường dẫn đưa con ngươì về đến chỗ gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ Ngài ban. Trong cuộc sống thiêng liêng càng biết năng vào sa mạc, chúng ta càng sống cảm nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa sâu đậm hơn.
Sông Giođan, cũng là hình ảnh thần học nổi bật khác. Như tường thuật Phúc Âm thánh Luca, Giođan là con sông của hai thời giao ước, nó là chứng nhân của các biến cố lịch sử ý nghĩa của dân Do Thái. Nước sông Giođan là nước thanh tẩy của cuộc sống phục sinh và của bí tích rửa tội.
Hình ảnh nổi bật sau cùng trong tường thuật Tin Mừng của thánh Luca là hình ảnh thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri của hai thời giao ước, người đã nhận được Lời Chúa trong sa mạc, Thánh nhân loan báo rằng chính Ngôi Lời của Thiên Chúa là động lực hướng dẫn dòng lịch sử của nhân loại, chớ không phải con người và các chương trình loài người đưa ra. Do đó, càng biết san bằng các chướng ngại ngăn cách chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa, chúng ta càng dễ nhận ra sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu trong đời ta, giữa lòng thế giới.
Trong chương 1 thư gởi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một con đường, một cách thế giúp chuẩn bị hữu hiệu cho ngày Chúa trở lại. Đó là luôn kiên trì sống tình yêu thương, bác ái, biết vun trồng lòng tin, cậy, mến và khả năng bén nhạy giúp nhận ra đâu là thánh ý Chúa và điều đẹp lòng Ngài. Sống được như thế, là tín hữu sinh hoa trái thiêng liêng phong phú và hiện thực nơi con người điều gọi là con cái Chúa và là dân riêng của Ngài.
Bước vào Chúa Nhật II Mùa Vọng, với hai viễn tượng mà chúng ta đang sống là tưởng niệm biến MV2-C124
Bước vào Chúa Nhật II Mùa Vọng, với hai viễn tượng mà chúng ta đang sống là tưởng niệm biến cố nhập thể làm người của Đức Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót, sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót và chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Phụng vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta suy gẫm về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế và nghe lời ông khẩn trương “dọn đường Chúa” (Lc 3,4).
Gioan Tẩy Giả
Gioan là người được Isaia nhắc đến trong lời sấm: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4-5). Ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ, Gioan đã được gọi làm Tiền Hô cho Đấng Mêsia. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: Dacaria cha Gioan đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần Thiên Chúa. “Láng giếng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa” (Lc 1, 65).
Gioan Tẩy Giả thực thi sứ mạng Tiền Hô của mình một cách thầm lặng. Trước hết, ông lui vào trong hoang địa, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông để chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối. Chúng ta biết, hoang địa tượng trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn, là nơi con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự cao cả của Đấng Tạo Hóa. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng hồn lên tới Chúa và sống hiệp thông mật thiết với Ngài để kín múc lấy sức mạnh cho sứ mạng tương lai. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Gioan Tẩy Giả mới công bố Phép Rửa sám hối để được tha tội. Ông là người mà Chúa Giêsu đã nói: “Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ, còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào” (Lc 16,16).
Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả muốn nói: “Chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy” (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan giúp chúng ta hiểu rằng, chứng tá của đời sống Kitô đích thực là phó thác đời mình cho Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi người ta “hãy dọn đường Chúa” (Lc 3,4).
Dọn đường Chúa
Khi chiêm ngắm sứ vụ Tiền Hô của Gioan Tẩy Giả, sứ vụ mà ông phải hy sinh đến cả mạng sống. Nhận mình chỉ là một “tiếng kêu” (Lc 3,4) trong hoang địa để dọn đường cho Đấng Mêsia đến, Đấng mà ông “không xứng để cởi dép cho Người” (Lc 3,16). Toàn bộ cuộc sống và sứ mạng như ống nói là cho Đấng Mêsia: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Chúa Giêsu càng xuất hiện thì Gioan ngày càng tự nguyện biến đi. Dựa vào chỉ dẫn của ông, những môn đệ tốt nhất của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Đó chính là sứ vụ, là cách sống và là con người của Gioan Tẩy Giả. Đó cũng là sứ vụ, cách sống và con người của chúng ta: “Tất cả cho Chúa!”
Bổn phận của chúng ta hôm nay là chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót và chuẩn bị giúp người khác tin theo Chúa. Đây là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hành trong cuộc sống: biểu lộ Chúa Giêsu cho bạn bè, cho người láng giềng. Điều quan trọng là Chúa Giêsu “khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha” (Ep 2, 4) được nhận ra và đón rước, “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6), đã không ngừng thể hiện bằng nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử, bản tính Thiên Chúa của Ngài (Tông thư “Misericordiæ Vultus – Khuôn Mặt Xót Thương, số 1).
Làm chứng cho lòng thương xót Chúa
Dịp Đại hội Giới Trẻ thế giới lần III ngày 27.3.1988. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, chỉ cho chúng ta Con của Mẹ: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5), có nghĩa là chúng ta hãy đón rước Chúa Giêsu, vâng lời Chúa Giêsu, tuân giữ các giới răn của Người và tin tưởng nơi Người. Người là phương án duy nhất của một cuộc sống thật sự thành công và hạnh phúc. Người cũng là nguồn mạch duy nhất về ý nghĩa cuộc đời của chúng ta.
Thực vậy, Trước Tin Mừng của một Vị Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta đã tự hạ chính mình và mặc lấy thân phận con người, chúng ta không thể nào không mở rộng tâm hồn, ăn năn hối cải, càng không thể nào đóng kín mình trong sự kiêu ngạo và giả hình, làm cho chúng ta không thể nào tìm gặp Hoàng Tử Bình An. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi trở nên người loan báo Chúa Kitô bằng lời nói và đời sống chúng ta, làm chứng cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó và nhân từ; một Chúa Kitô đã đến trần gian vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên cậy thập giá; một Chúa Kitô nhập thể làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; một Chúa Kitô đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ, một Chúa Kitô xót thương nhân loại cho đến chết.
Chúng ta còn được mời gọi san phẳng đường lối cho Chúa, nghĩa là dẹp tan lòng kiêu ngạo, chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ trong chúng ta; xóa bỏ ranh giới còn tồn tại trong não trạng của nhiều người; tinh luyện tâm hồn; chiến đấu cho công lý, hòa bình, bác ái, tình huynh đệ và liên đới; khước từ Satan, tội lỗi và tất cả những gì đưa chúng ta đến tội lỗi; là sống thánh thiện nơi thân xác và tâm hồn (1 Cr 7,34).
Ngày 8 tháng 12 sắp tới, lễ Ðức Maria Vô Nhiễm, toàn thể Giáo hội bước vào Năm Lòng Thương Xót. Chúng ta hãy xin với Đức Maria, Nữ Vương Lòng Thương Xót, Ðấng đầy ơn phúc, Mẹ của Ðấng Cứu Thế được gìn giữ khỏi mắc tội, và được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa dạy cho chúng ta biết thương xót như Chúa Cha và dẫn dắt chúng ta bước vào Năm Thánh và nhất là trở nên khí của của Lòng Thương Xót Chúa nữa. Amen.
Có thể nói, cuộc đời của mỗi người chúng ta được ví như một con đường. Và trên con đường ấy, MV2-C125
Có thể nói, cuộc đời của mỗi người chúng ta được ví như một con đường. Và trên con đường ấy, mỗi người phải tiến về cùng đích của mình. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa nếu ta biết chọn cho mình đường đi đúng đắn. Cho nên, cuộc sống mỗi người cũng là quyết định của một sự chọn lựa tự do. Chúa muốn mỗi người trong chúng ta hãy tự quyết định phần rỗi cho chính mình. Ngài là Người Cha đầy yêu thương và cũng ban đủ mọi phương thế để giúp chúng ta chọn lựa con đường đúng đắn nhất để chúng ta có thể trở về với Ngài. Cũng có những chọn lựa thật đúng đắn, khôn ngoan ; nhưng cũng có những chọn lựa lệch lạc, chủ quan dẫn tới những sai lầm, khiến chúng ta ngày càng xa Thiên Chúa, lắm khi trở thành kẻ đối nghịch với Ngài. Vì thế, mỗi năm vào mùa vọng chúng ta luôn được nghe lại lời kêu mời của Thánh Gioan Tẩy Giả là “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” để nhắc nhở chúng ta hãy uốn nắn con đường tâm hồn, cách sống cho thích hợp, để sẵn sàng đón chào ngày Chúa đến.
Chúa muốn chúng ta “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”, bởi Ngài không thích và không muốn chúng ta đi trong sự quanh co, sống trong sự lừa đảo và lệch lạc. Thiên Chúa, Ngài muốn con cái của mình luôn sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường dẫn đến sự sống. Gioan Tẩy giả đã dùng lời tiên tri Isaia mà kêu gọi “hãy lấp mọi hố sâu, bạt mọi núi đồi, nắn lại con đường cong queo, san bằng con đường gồ ghề”. Chúa muốn chúng ta hãy sống trong sự công chính, trong sự thánh thiện và cũng đừng chậm trễ thi hành những giới luật của Chúa, vì “ngày của Chúa đến như kẻ trộm”. Chúa muốn ta sống trong sự trung thực, thẳng thắn.
“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Chúa đang đến gần và thực sự Ngài đang bên cạnh, ngày đêm chờ đợi sự sám hối, ăn năn của mỗi người chúng ta. Chúa không muốn chúng ta đánh mất cuộc đời mình bằng “sự thiếu hiểu biết”. Chính Ngài đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, để chỉ mong chúng ta sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường sự thật dẫn đến sự sống. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết nắn lại cho thẳng những gì đang quanh co của gian dối, lừa đảo; lấp đi mọi hố sâu đam mê, ích kỷ, tham vọng; bạt đi mọi gò nổng kiêu ngạo, tự mãn, để tâm hồn chúng ta thật xứng đáng và bình an đón nhận tin mừng cứu rỗi của Chúa.
“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” Chúa muốn đến với tất cả chúng ta bằng con đường thẳng, ngắn nhất, bởi con đường mà Ngài giới thiệu và sống chính là con đường của tình yêu, của tha thứ và cứu độ. Chính bản thân Ngài đã không chọn lựa con đường nào ngoài con đường của thí mạng, để làm gương cho tất cả chúng ta. Chính khi yêu thương là lúc chúng ta đang đi đúng con đường của Chúa. Chính khi yêu thương và tha thứ cho anh em, là chúng ta đang đến gần hồng ân cứu rỗi và thuộc trọn về Ngài.
Lời mời gọi “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” đang đặt ra cho chúng ta sự lựa chọn: ưu tiên cho những gì thuộc về Chúa, loại trừ ra khỏi tâm hồn chúng ta sự dối trá, quanh co. Uốn nắn những gì lệch lạc, điều đó luôn đòi hỏi mỗi chúng ta phải nỗ lực hằng ngày để cải thiện cuộc sống, đổi mới cách sống để xứng đáng hơn với tình thương của Chúa. Chúa đã và đang đến thật gần với từng người chúng ta, đừng chậm trễ, đừng ươn hèn trong chính những lẫm lỗi của mình, nhưng can đảm và quảng đại để ngày càng xứng đáng hơn với tình yêu của Thiên Chúa.
Dọn đường cho Chúa bằng cách lấp đầy những thung lũng, bạt những núi cao ấy và sửa lại những con đường quanh co hiện đang ở trong tâm hồn từng người chúng ta. Đó là những trở ngại khiến cho Chúa không đến được với ta. Những trở ngại ấy ở từng người không ai giống ai. Nhưng chắc chắn có chung một điểm: để chuẩn bị một con đường cho Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta không gì khác hơn là chúng ta phải luôn ý thức được tình trạng yếu đuối và tội lỗi của mình để sám hối và thay đổi. Thay đổi cuộc sống, thay đổi lối nhìn, thay đổi cách suy nghĩ. Chúng ta thường nhìn người khác bằng những định kiến, những nhãn hiệu do chính chúng ta tạo nên. Những định kiến đó là những lũng sâu tăm tối, nơi thiếu vắng ánh sáng tình yêu làm chúng ta không thể đến với tha nhân.
Chúng ta thường vô cảm trước những nhu cầu của người khác, nhưng chỉ lo toan tính tìm lợi ích cho bản thân mình. Những toan tính ích kỷ đó, là những khúc quanh co, những mấp mô, lồi lõm của tâm hồn khiến chúng ta không thể mở rộng cõi lòng để cảm nhận và chia sẻ những nhu cầu của người khác.
Chúng ta thường tự mãn về những khả năng và thành quả mình thủ đắc được. Chúng ta luôn xem mình là “trung tâm”, luôn muốn áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình trên người khác nhằm thỏa mãn khát vọng thống trị của bản thân. Những khát vọng đó, là những núi đồi ngạo nghễ của tự cao, tự mãn làm chúng ta không thể khiêm nhường đến với người khác.
Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Đổi nơi sinh sống thì dễ, nhưng thật khó mà thay đổi lối sống. Ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức rằng: con đường sám hối và thay đổi bản thân mỗi ngày chính là con đường xứng đáng để Chúa ngự vào tâm hồn mỗi người chúng ta, để từ đó chúng ta biết từ bỏ những ham muốn ích kỷ của bản thân để có thể nhạy cảm hơn trước những nhu cầu của người khác và khiêm nhường mở rộng tâm hồn chia sẻ với tha nhân. Amen.
Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có 6 câu nhưng Thánh Luca cho biết rõ về lịch sử hoàng đế, tổng MV2-C126
1. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có 6 câu nhưng Thánh Luca cho biết rõ về lịch sử hoàng đế, tổng trấn, thượng tế, tên cha mẹ vị tiền hô, sứ mệnh của ông có căn cớ trên sách tiên tri Isaia đoạn nào câu nào...
2. Ông Gioan Tiền hô là nhà ẩn tu trong hang núi vắng vẻ, khi đến thời Chúa muốn, ông đã đi ra "khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội".
Ông làm trọn lời tiên tri Isaia đã nói trước trong Cựu ước là: "Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
3. Phần chúng ta: Chúng ta sẽ làm gì để dọn tâm hồn đón mừng lễ Giáng sinh? Tuần vừa qua, nhiều người đã để ý làm hang đá tinh thần bằng "yêu mến, hy sinh, nguyện cầu, đã làm nhiều tác động mến yêu "Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn".
Tuần này bài Tin Mừng gợi ý cho ta sửa đường ngay thẳng cho Chúa đi trong 4 cách:
- Thung lũng là đường lõm, đường ổ gà, là những thiếu sót trong bổn phận mình, như ta vẫn đọc trong kinh Tôi thú nhận lúc đầu lễ "và những điều thiếu sót", lỗi tại tôi mọi đàng.
- Núi đồi là những cậy mình, kiêu ngạo, tự mãn, khinh người, chê người, khó tính, chủ quan, độc tài, đòi hỏi.
Truyện vui: Nói về cậy mình, kiêu ngạo, ta có chuyện vui sau:
"Một ngày đẹp trời, hai người rủ nhau đi dạo phố. Một người có tính hay nói và mắt hay nhìn lung tung, nhưng anh ta mắc phải tật cà lăm. Người kia tính trầm lặng và hay cúi mặt xuống đất tỏ ra vẻ suy tư.
Anh cà lăm đưa mắt nhìn đường phố, xe cộ, người người đi lại. Anh thấy một chiếc xe thật đẹp, thật mới, anh nói:
- Coi, coi, kìa kìa, xe xe , đẹp, đẹp.
Anh bạn nghe vậy ngước mắt lên nhìn, nhưng xe đã chạy qua, nên anh tỏ vẻ bực mình. Đi thêm một quãng, anh cà lăm thấy một người đẹp, anh lại nói:
- Coi, coi, kìa, kìa, người, người, đẹp, đẹp.
Anh bạn ngước mắt lên nhìn, nhưng quá trễ, không thấy người đẹp, chỉ thấy toàn người đen, khiến anh ta lại bực mình. Thế rồi anh quyết định, từ bây giờ, anh sẽ ngước mắt lên, chứ không cúi xuống như trước. Đi một quãng, có một bãi phân bò. Anh cà lăm hô to: Coi, coi kìa, kìa...
Anh bạn muốn tỏ ra mình đã thông biết, không cần ai phải nhắc, anh nói: - Thấy dồi, khỏi phải nói. Anh cà lăm trả lời:- Thấy dồi sao còn đạp dô.
Anh bạn kia nhìn xuống, thấy chân mình đã lấm lem đầy phân bò.
- Khúc quanh co là những lượn lẹo, gian dối, không thật thà, không ngay thẳng, không công bằng trong gia đình, ngoài xã hội, giấu diếm, tham nhũng, đút lót, che đậy, loáng thoáng, cẩu thả, sơ sài.
- Đường lồi lõm tuy không cao như núi, không thấp như thung lũng ở trên, nhưng cũng gồ ghề không ngay ngắn, không bằng phẳng, không đẹp mắt. Đó là những thay đổi, vô kỉ luật, vô trật tự, vô chương trình, làm việc theo hứng, ba hồi thế nọ, ba hồi thế kia, "Khi vui thì muốn sống dai, Khi buồn thì muốn thác mai cho rồi. Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.
Lồi lõm đây Có thể là những khuyết điểm, những tội nhẹ, cần sửa lại để đón Chúa Kitô, Người sắp đến ban bình an cho những người thiện tâm như các thiên thần hát: Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm."
4. Tôi sẽ làm gì?
- Mùa Vọng đã qua 1 tuần, tôi phải gấp rút sắm cho Chúa Hài đồng một món quà, dọn một máng cỏ sạch sẽ, thơm tho, ấm áp là Xét mình, ăn năn sám hối, chừa cải, và xưng tội để đón Chúa. Dọn cho Chúa một con đường ngay thẳng...
Gioan Tiền hô có sứ mạng dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến.
Luca, như một sử gia, nhập đề một cách trang trọng. Người viết: “Đời Hoàng đế Tibêriô năm thứ MV2-C127
Luca, như một sử gia, nhập đề một cách trang trọng. Người viết: “Đời Hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm…” Bằng sáu mốc điểm, Người định vị trí cuộc rao giảng Tin Mừng cho thế giới được coi như những trang đầu của lịch sử nhân loại mới. Năm thứ 15 thời Vua Tibêriô (14-17) khởi đầu tháng 10 năm 27. Vậy Gioan “xuống núi” như một nhà đạo sĩ, bắt đầu rao giảng vào cuối mùa thu năm ấy và việc Chúa Giêsu chịu phép rửa đã xảy ra vào đầu tháng giêng năm 28 kỷ nguyên.
Gioan xuất hiện như một nhà ẩn sĩ, mình mặc áo da thú, ăn châu chấu, uống mật ong rừng và bắt đầu rao giảng. Ông là một nhà tiên tri chuyển tiếp từ đạo cũ Do-thái sang đạo mới của Chúa Giêsu và đề tài rao giảng cũng là đề tài của các nhà tiên tri, là “Hãy ăn năn trở lại, hãy dọn đường Chúa”.
Qua đoạn Phúc âm này, chúng ta chú trọng đến hai điểm.
Một là “Lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, từ trong hoang địa”. Nói một cách chung, chúng ta thấy rằng trong Thánh Kinh, Thiên Chúa thường kêu gọi các vị sứ giả từ trong hoang địa, sau một thời gian sống trong thinh lặng, suy tư và cầu nguyện. Moisê lùa đàn chiên của nhạc phụ ở Madian đi vào sa mạc đến núi của Chúa là Koreb (X.H. 3,1). Isaia kêu lên: “Tôi phải nín thinh, vì môi tôi nhơ uế” (Is. 6,5).
Sống suy tư, thinh lặng và cầu nguyện vẫn là đòi hỏi hiện nay của mọi Kitô hữu; không phải đòi hỏi sống đời tu trì, nhưng phải có những lúc đi vào nội tâm, suy tư cầu nguyện, nhất là đối với những ai giữ trọng trách trong Giáo hội, những người làm việc Tông đồ. Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Philiphê (bài đọc II) đã minh xác như vậy. Lời kinh đó ôm choàng cả Giáo hội hoàn vũ. Lời kinh chiêm ngắm ca tụng và “ngày đêm, trong mọi lúc”. Không phải chỉ đọc máy móc bên ngoài mà là, như lời Thánh Augustinô, “một sự cầu mong, ước muốn là cầu nguyện, lời kinh liên lỉ, vì yêu mến”.
Mùa Vọng là mùa mong đợi, ước muốn và cầu nguyện sốt sắng. Thánh Gioan, Cha sở họ Ars, nhìn thấy một giáo dân ngồi cầu nguyện lâu trước nhà Chầu, đến gần và hỏi:
-“Ông nói gì với Chúa?”
-“Tôi nhìn Ngài và Ngài nhìn tôi” (Je l’avise et II m’avise).
Đó là lời kinh Mùa Vọng.
Điểm thứ hai: Gioan rao giảng một “phép rửa xám hối, cầu ơn tha tội”. Người Biệt phái và Saducêô cho rằng chỉ cần giữ Lề Luật là đủ, là hết bổn phận với Thiên Chúa. Gioan khẳng định rằng điều cần thiết là phải có một sự đổi mới tâm hồn: “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu (tội lỗi), hãy bạt mọi núi đồi, con đường gồ ghề hãy san cho bằng”. Sau này, Chúa Giêsu sẽ nói: điều làm cho con người nên dơ bẩn là những điều xuất phát từ tâm hồn như thù oán, ghen tương, dâm ô, bất chính, sống vật chất trụy lạc, và Chúa dạy phải rửa sạch và đổi mới tâm hồn
Vậy, mùa Vọng là mùa “dọn đường Chúa” (Isaia); khi một vị Thượng khách đến, người ta trải thảm đỏ, khánh thành đại lộ mới. Chúng ta hãy canh tân đời sống, dọn tâm hồn đón Chúa đến trong thân phận thấp hèn.
“Thuở ấy có một Hoàng đế, thuở ấy có một Hài nhi. Suốt ngày Hoàng đế đến đếm đi đếm lại số người dân, số súc vật, số vàng bạc của cải. Còn Hài nhi niềm nở đón tiếp các mục đồng, đám chiên cừu, đoàn thần thiêng…
Hoàng đế không còn nữa, chỉ còn lại Hài nhi. Ai cũng có thể đến gần Người. Thời đại nào cũng có Người, vì thế mà có Giáng Sinh”. (Trích “Prier”)
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
Với Chúa nhật này, chúng ta đang bước sang tuần thứ II của Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng MV2-C128
Với Chúa nhật này, chúng ta đang bước sang tuần thứ II của Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta gia tăng niềm hy vọng bằng cách chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến cứu chuộc con người.
Nơi bài đọc thứ nhất, tiên tri Barúc gợi lên niềm hy vọng cho dân chúng Israel đang tản mác khắp nơi. Sau khi thành thánh Giêrusalem bị thất thủ, ông với một số người cùng với tiên tri Giêrêmia chạy trốn sang Ai Cập. Barúc kêu gọi dân chúng đừng mất niềm tin, niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Ông phác họa cho dân lưu đày thời gian nô lệ, lưu vong sắp kết thúc. Một thời đại huy hoàng của Giêrusalem đang gần kề. Và Giêrusalem sẽ vui mừng thấy mình trút bỏ được áo tang chế, mặc lấy áo vinh quang, đầu đội vương miện và hớn hở mở rộng tầm mắt, dang rộng đôi tay để nhìn xem và đón nhận con cái từ các nơi trở về. Đó là hình ảnh của Giêrusalem thiên quốc. Nơi đó, Chúa Giêsu Kitô là vua hiển trị các dân. Các nước tôn thờ Người, trở về với Người sau khi đã bị tội lỗi và sự dữ phân tán tản mác khắp nơi. Và muốn cho sự trở về được dễ dàng, cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người được nhanh chóng: "Hãy san bằng những núi cao và những đồi gồ ghề. Hãy lấp đầy những hố sâu, những vực thẳm. Uốn cho ngay những con đường quanh co, hiểm trở, để mọi người vững vàng bước đi và cao rao vinh quang của Thiên Chúa".
Qua hình ảnh tiên tri đó, Barúc kêu gọi chúng ta hãy hoán cải tâm hồn bằng cách hồi tâm, suy nghĩ về những việc hiện tại mình đang làm, để xem con đường của mình có ngay thẳng không? Không những quanh co, lên đèo, xuống hố, mà nhất là có phải là đường hầm không, con đường đi trong tối tăm và mờ ám?
Nơi bài đọc thứ hai trong thư gởi tín hữu thành Philipphê, thánh Phaolô mở ra con đường lạc quan trong công cuộc trở về cùng Thiên Chúa. Thánh nhân tin tưởng rằng Thiên Chúa đã hứa, để thực hành lời hứa thì việc gì Thiên Chúa đã bắt đầu, Người sẽ hướng dẫn cho đến hoàn thiện, nhất là trong đời sống của những kẻ tin nơi Người. Tin tưởng vào Thiên Chúa thì thánh Phaolô hết lòng tin tưởng. Nhưng điều ngài lo, ngài ao ước, ngài cầu nguyện, là làm sao cho mọi người biết thương yêu nhau, biết thông minh sáng suốt và biết phán đoán mọi sự. Việc yêu thương nhau còn gọi là bác ái, còn gọi là yêu người, sẽ dễ dàng thực hiện khi tất cả mọi người trong một cộng đoàn, một tập thể biết suy nghĩ đến hạnh phúc của nhau, biết sống vì ích lợi, vì sự thăng tiến của tập thể mình đang sống. Bao lâu còn những kẻ lộng hành, chèn ép, bóp nghẹt người khác, thì thánh Phaolô muốn mọi người phải biết sáng suốt phán đoán mọi việc. Một người bị ức hiếp một cách bất công mà tôi bảo người đó cố gắng bằng lòng chịu vì Chúa, yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho kẻ làm khốn mình, tức là tôi đồng lõa với kẻ làm điều gian ác, là tôi dùng tôn giáo như á phiện ru ngủ con người. Đành rằng Chúa đã dạy: "Chúng con hãy yêu kẻ ghét chúng con và làm lành cho kẻ làm khốn cho chúng con", nhưng phải sáng suốt phán đoán như thánh Phaolô dạy, để phân biệt con người và điều ác người đó đang làm hại cho kẻ khác. Con người thì phải yêu thương cầu nguyện cho họ, mong cho họ cải tà qui chánh, sống trong tình anh em con một Cha trên trời. Nhưng điều ác họ đang thi hành là nọc độc tác hại cho người khác, phải tận diệt những nọc độc đó mới là yêu thương nhau thật sự.
Dầu vậy, thánh Phaolô cũng khuyên tất cả, trong hoàn cảnh nào cũng hãy sống không có gì đáng trách cho đến ngày của Chúa Kitô. Và thánh nhân đưa ra bằng chứng đời sống của ngài để làm gương nơi câu 7 của đoạn thánh thư này. Nhưng rất tiếc, không hiểu sao khi chọn làm bài đọc phụng vụ thánh lễ, người ta lại bỏ câu 7. Từ câu 6 nhảy đến câu 8 ngay, trong câu 7 đó thánh Phaolô nói: "Tôi cầu xin anh em như thế là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ơn sủng tôi đã nhận được". Nói thế, tức là trong mọi hoàn cảnh, thánh Phaolô đều dâng lên Thiên Chúa mọi vui buồn, sướng khổ để cầu nguyện cho nhau.
Nơi bài Phúc Âm, thánh Luca ghi lại rất rõ ràng ngày tháng, niên hiệu hẳn hoi của những nhà lãnh đạo Rôma cũng như Do Thái, đạo cũng như đời, lúc Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng. Một phần vì thánh Luca chú ý đến khía cạnh lịch sử, nhưng dựa vào đó chúng ta thấy rằng, ơn cứu độ bắt đầu thực hiện ngay trên trần gian này, đừng chờ đâu nữa. hãy bắt đầu ngay và dĩ nhiên là đã bắt đầu từ thời xa xưa trong Cựu Ước. Nhưng thời kỳ quyết liệt bắt đầu, với sứ mạng của Gioan Tẩy Giả để cho thấy Cựu Ước và Tân Ước cũng là một công cuộc chuẩn bị. Gioan đã lấy lại lời tiên tri của Barúc trong Cựu Ước mà chúng ta đọc thấy trong bài đọc thứ nhất: "Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa soạn đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi. Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Trong khoảng ba tuần nữa, chúng ta sẽ mừng lễ Giáng sinh của Đấng Cứu Thế. Ước gì lễ Chúa Giáng sinh không qua đi như bao ngày lễ tết khác trong năm. Nhưng phải làm sao để Chúa Giêsu sinh lại trong đời sống, trong gia đình, trong cộng đoàn của mỗi người chúng ta. Đó là ý nghĩa của Mùa Vọng và sống được như thế tức là chúng ta sống trọn vẹn Mùa Vọng trong ơn Chúa.
Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi nhìn lại xem, trong những công việc mệt nhọc hằng ngày của tôi, cái gì giúp tôi càng ngày càng gần Chúa hơn? Để được thế, tôi cũng hãy tìm xem chỗ nào trên con đường nối kết Chúa với cá nhân tôi cần được sửa chữa, để khỏi cản trở việc Chúa đến với tôi. Và nếu được, cũng hãy chuẩn bị tham dự một nghi thức thống hối và coi đó là một sự khai thông bế tắc giữa tôi với Đấng tôi yêu mến và Người luôn yêu tôi hết lòng.
Ông Baruc là vị thơ ký của tiên tri Giêrêmia cũng đang bị lưu đầy tại Babylon. Vào thời quân Canđê MV2-C129
Ông Baruc là vị thơ ký của tiên tri Giêrêmia cũng đang bị lưu đầy tại Babylon. Vào thời quân Canđê đánh chiếm và phóng hỏa thành Giêrusalem, ông đã đứng ra qui tụ mọi người cùng đến để nghe đọc sách thánh, ăn chay cầu nguyện và đóng góp tiền bạc gởi về Giêrusalem. Ông đã cầu khẩn và gióng lên niềm hy vọng vào quyền năng can thiệp của Thiên Chúa. Ông dùng những cảnh thiên nhiên sống động để diễn tả hình ảnh nội tâm bên trong: Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa (Bar 5, 7). Dân tin tưởng vào lượng từ bi của Thiên Chúa sẽ dẫn dắt họ trở về trong vinh quang.
Từ bảy trăm năm trước khi Đấng Cứu Thế xuất hiện, ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (Lc 3, 4). Tiếng hô trong hoang địa chính là lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả. Gioan xuất hiện mời gọi mọi người sám hối trở về. Gioan đã dùng lại lời của tiên tri Isaia: Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng (Lc 3, 5). Sám hối là một cách chữa lành bệnh tật cả tâm bệnh lẫn thân bệnh. Ai trong chúng ta cũng vương vấn với sai lầm, tội lỗi và bệnh tật thể xác. Lời mời gọi sám hối là phương cách chữa lành.
Con người gồm có xác và hồn. Xác hồn kết hợp và hòa lẫn trong nhau. Nên sự mạnh khỏe của xác hồn luôn cuốn quyện lấy nhau. Xác khỏe thì hồn cũng thư thái. Hồn an vui thì thân xác cũng thảnh thơi. Chúng ta cần chú tâm đến cả hai phương diện thể xác và tâm hồn. Nếu chúng ta chỉ chú tâm lo lắng cho thân xác mà quên phần bổ dưỡng tâm linh, cuộc sống sẽ bị khập khễnh. Vì kết hợp với thân xác nên tâm linh con người cũng không thoát khỏi các thứ bệnh tật. Chúng ta gọi là tâm bệnh. Tâm bệnh cũng cần tìm thầy và tìm thuốc chữa trị. Tâm bệnh khởi đi từ tâm. Từ trong tâm phát xuất ra những sự xấu xa. Chúa Giêsu nói: Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế (Mc 7, 20).
Chúng ta hãy tìm cội nguồn của bệnh tật cả hồn lẫn xác để chữa lành. Trước hết là thân bệnh có trăm ngàn thứ. Chúng ta không biết có bao nhiêu phương thuốc để chữa lành. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy người trẻ kẻ già, người giầu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, ai ai cũng có thể mắc bệnh. Có các loại bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh mãn tĩnh hay cấp tính, nan y hay sơ cấp, bệnh ngoại tạng hay nội tạng và thân bệnh hay tâm bệnh. Đã có bệnh thì phải chữa. Chúng ta có thể uống thuốc, tập tành, kiêng cữ và chay tịnh. Trong các tiệm bán thuốc có muôn vàn thứ thuốc chữa muôn ngàn loại bệnh. Chúng ta có thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây và thuốc gia truyền đủ loại. Bệnh nào thuốc đó. Có nhiều bệnh về phần xác chúng ta không thể phát hiện. Biết rằng không có thuốc nào trị bá bệnh. Thuốc nào chữa lành bệnh, đó là thuốc tốt. Đây là những môn thuốc chữa về thân bệnh.
Xét mình, ai trong chúng ta cũng bị con bệnh quấy rầy. Chỉ khi mắc bệnh, chúng ta mới nhận ra sự yếu đuối, khổ đau và lệ thuộc của thân phận con người. Thân bệnh thì dễ chữa hơn là tâm bệnh. Tuy nhiên có những bệnh chết người như ung thư, tai biến và đột qụy. Thân bệnh có thể đưa đến cái chết tự nhiên vì hết sinh lực. Tâm bệnh thì nguy hiểm hơn nhiều. Tâm bệnh cũng có thể xuất hiện nơi mọi tâm hồn. Không phải những người nghèo đói, tàn tật và già cả mới có tâm bệnh. Chúng ta được biết có nhiều người quyền cao chức trọng và giầu sang phú quí cũng ngã đủ thứ bệnh. Những cặp trai trẻ khỏe mạnh đầy sức sống cũng tự quyên sinh vì tâm bệnh. Bệnh về tâm linh là những đột phá thất vọng và tuyệt vọng, đưa đến khổ tâm. Tâm bệnh rất cần các phương thuốc hữu hiệu là sự thức tỉnh tìm giải thoát.
Bệnh tâm linh là các thứ tật bệnh nội tâm, thói hư tật xấu, tội lỗi, mê lầm cả trong tư tưởng, lời nói và việc làm sai trái. Làm sao chúng ta có thể biết được các tật bệnh trong tâm hồn? Có nhiều triệu chứng giúp chúng ta nhận ra các loại bệnh này: Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo và ngông cuồng (Mc 7, 21-22). Bệnh nào cũng nguy hiểm xói mòn cuộc sống. Chúng ta cần tìm thầy chạy chữa cho kịp thời. Có nhiều toa thuốc giúp chữa lành tâm linh. Chữa cho dứt các mầm bệnh trong ngoài. Đôi khi chúng ta bị đánh lừa vì những xuất hiện da non bên ngoài, nhưng bên trong còn âm ỷ mưng mủ đau nhức.Thánh Phaolô viết: Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm (Phil 1, 10).
Bệnh là khổ đế. Bệnh cũng là phương pháp giúp tu học. Một người suốt đời khỏe mạnh không đau bệnh thì tâm tư dễ ngang tàng kiêu ngạo. Khi mắc bệnh, chúng ta mới thấy đời sống mỏng manh, thời gian ngắn ngủi và mọi sự đều thay đổi mau qua chóng hết. Người bệnh cần thức tỉnh nhận biết ý nghĩa cuộc đời để sống vui. Nhờ có bệnh, chúng ta mới biết dừng lại. Chúng ta biết rằng nếu sống không hạnh phúc thì chết không được an vui. Cuộc sống lê thê thì cái chết sẽ đau khổ. Khi con người mang bệnh thì người ta thường có mặc cảm, rồi lo âu sợ hãi bệnh nặng hay nhẹ, chết sớm hay muộn. Họ không dám tiếp xúc với bạn bè, người thân và xa lánh mọi người. Thân tâm ray rứt khổ sở.
Lời mời gọi thung lũng lấp cho đầy. Nơi cao phải bạt xuống. Quanh co uốn cho ngay. Đây là những đòi hỏi cấp bách trong qúa trình sám hối. Muốn có một tâm hồn thanh thản và an vui, chúng ta phải chữa lành mọi tật bệnh. Chẩn đúng bệnh. Tìm đúng thầy. Chữa đúng cách. Cả thân tâm được lành mạnh. Dù thuốc tiên cũng không thể chữa hết mọi bệnh về tâm linh và thể xác. Chúng ta hãy đặt niềm tin vào Đấng có thể chữa lành mọi loại bệnh hoạn tật nguyền. Cầu nguyện để nhận lãnh ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Xin ơn can đảm, ơn chịu đựng và ơn tha thứ để tâm hồn của chúng ta được gội sạch vết nhơ của kiêu căng, bất tín và gian tà. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho Philipphê đã tha thiết nài van: Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn (Phil 1, 9).
Sám hối được khởi đi từ tâm. Vượt qua mọi thách đố để giữ tâm an lạc. Đời sống nội tâm mỗi người khác xa nhau rất nhiều. Để tiến bước trên con đường nhân đức, chúng ta nên bớt bỏ nhưng vấn vương cuộc đời. Đừng quá chấp nhất, đừng gieo hận thù, đừng gây chia rẽ, đừng gian dối hại người và đừng nuôi lòng oán giận. Khi đó tâm hồn chúng ta sẽ tìm được niềm an vui trên con đường thẳng tắp ngút ngàn. Chúng ta không thể lừa dối lương tâm sống đạo bằng những hình thức phô trương bên ngoài làm cho đầy đủ lệ bộ, giống như khi chuẩn bị đón tiếp những vị chính khách. Đời sống tâm linh của chúng ta cần đâm rễ sâu. Các nhân đức cần có nền móng vững chắc. Đời sống đức tin mới có thể tăng triển vững mạnh.
Lạy Chúa, tâm hồn con tội lỗi. Thân xác con bệnh hoạn. Ý chí của con yếu đuối. Trí khôn con chậm chạp. Đức tin con yếu kém. Lỗi tại con. Xin Chúa soi lòng mở trí để chúng con biết cách dọn đường Chúa cho ngay thẳng. Xin giúp chúng con dọn tâm hồn thanh sạch để hân hoan mừng đón Con Chúa đến viếng thăm.
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
Tin Mừng hôm nay giống như một bức tranh với hai cảnh trí đối nghịch nhau. Trên một cái phông MV2-C130
Tin Mừng hôm nay giống như một bức tranh với hai cảnh trí đối nghịch nhau. Trên một cái phông lờ mờ, chúng ta như thấy được cảnh đô thị giàu sang nơi ngự trị của hoàng đế Lamã, người đại diện của ông là tổng trấn Phongxiô Philatô, và các thứ vua bù nhìn là Hêrôđê và Philipphê. Cũng trong cái phông lờ mờ ấy, người ta còn thấy được như hai cái bóng ẩn tàng là Anna và Caipha, hai vị thượng tế lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, Trên cái phông lờ mờ ấy, thánh Luca như muốn tô đậm một cảnh trí khác đó là cảnh sa mạc vắng vẻ, nơi cư ngụ của môt kẻ nghèo nàn ấy là Gioan, con của Giacaria. Thánh Luca có lẽ đã muốn làm nổi bật cái cảnh sa mạc nghèo nàn vắng vẻ ấy, để nói với chúng ta rằng chỉ có trong sa mạc vắng vẻ nghèo nàn, con người mới lắng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa.
Sa mạc vốn là một phạm trù ưu việt của Kinh Thánh. Những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người thường diễn ra trong sa mạc. Môisen đã phải lẫn trốn vào sa mạc để được nhận biết Chúa và nhận lãnh sứ mạng giải phóng dân tộc. Bốn mươi năm lang thang trong sa mạc là thời kỳ thanh luyện cần thiết để dân riêng được vào đất Hứa. Truyền thống đi vào sa mạc đã không ngừng được các tiên tri về sau sống lại như một kinh nghiệm cần thiết trước khi thi hành sứ vụ. Nhưng điển hình và mang nhiều ý nghĩa hơn cả vẫn là 40 đêm ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong sa mạc và những đêm cầu nguyện lâu giờ của Ngài trong nơi vắng vẻ.
Sa mạc là đồng nghĩa với nắng cháy trơ trụi, nghèo nàn. Phải chăng có trở nên trống rỗng và nghèo nàn, có trút bớt đi những cái không cần thiết thì con người mới lắng nghe được tiếng nói của Chúa và thanh luyện được niềm tin của mình. Lịch sử Giáo Hội luôn chứng minh rằng những cuộc bách hại luôn là yếu tố thanh luyện và canh tân Giáo Hội. Trong thử thách và khổ đau, trong nghèo nàn và trơ trụi Giáo Hội lại càng vững mạnh hơn. Có trút bỏ được những cái không cần thiết và làm cho vướng mắc thì Giáo Hội mới trở nên sáng suốt và giàu có. Giàu có không do những phương tiện vật chất và các thứ đặc quyền đặc lợi, mà giàu có bởi một niềm tin được tinh luyện và can trường hơn.
Tư trong sa mạc của thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng có thể rút ra được một bài học khác cho niềm tin. Không những từ trong sa mạc Gioan đã nắm được tiếng Chúa, mà còn can đảm để hô lớn tiếng Chúa cho mọi người được nghe thấy: "Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa đường cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi. Đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng". Lời kêu gọi ấy, Gioan chẳng những đã ngỏ với đám dân nghèo hèn, thấp cổ bé miệng, mà còn nhắn gởi với cả giai cấp thống trị trong cả nước nữa. Ngồi tù và cuối cùng bị chém đầu vì dám lên tiếng tố gaíc hành vi tội ác của một Hêrôđê, số phận của Gioan cho chúng ta thấy rằng ngài đã đi đến tận cùng sứ mạng tiên tri của ngài. Thánh nhân đã dám nói thẳng và sống thực là bởi vì ngài không có gì để tiếc nuối, không có gì để bám víu, không có gì để giữ lấy ngoài chiếc áo da thú của ngài.
Chiếc áo vẫn là tượng trưng của sứ mạng tiên tri. Đó là lý do tại sao trong dịp tấn phong Hồng Y cho một số chức sắc trong Giáo Hội, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của phẩm phục màu đỏ mà chúng ta quen gọi là Hồng Y. "Màu đỏ là màu của hy sinh, là màu của máu, các Hồng Y phải là những người hy sinh đến độ có thể đổ máu đào". Lời nhắc nhở này chắc phải có một giá trị đặc biệt đối với các vị Hồng Y đến từ những nơi Giáo Hội đang bị bách hại và thử thách, những nơi mà các vị cần phải lên tiếng, cho dẫu phải hy sinh mạng sống của mình. Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo và kêu gọi san bằng bất công. Ngài đã can đảm lên tiếng là bởi vì ngài không có gì để mất. Ngài không sợ phải mất một ít đặc quyền đặc lợi hay bất cứ một thứ ân huệ nào.
Nồi cơm manh áo hay một ít bả vinh hoa có thể là động lực thúc đẩy con người thỏa hiệp và sống dối trá. Đó cũng có thể là cơn cám dỗ của các tín hữu chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Một ít đặc lợi vật chất, một vài ưu đãi, một số đặc quyền đặc lợi, một lời dễ dãi, đó là miếng mồi ngon khiến cho nhiều người nếu không bán đứng lương tâm của mình, nếu không uốn cong miệng lưỡi thì cũng chấp nhận thỏa hiệp im tiếng. Mùa Vọng là mùa của sa mạc, có đi vào sa mạc của nghèo khó và siêu thoát chúng ta mới dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa. Và có từ sa mạc của nghèo khó và siêu thoát, chúng ta mới có đủ can đảm để gióng lên tiếng của Chúa: "Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu, hãy bạt mọi núi đồi. Đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng".
Khi cuộc sống của các tín hữu trở thành một lời mời gọi, khi miệng lưỡi của họ nói lên những lời can đảm chân thực, thì lúc đó như Tin Mừng nói với chúng ta, mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Chúa.
Khi thánh Gioan Tẩy giả đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối, cầu ơn tha MV2-C131
Khi thánh Gioan Tẩy giả đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối, cầu ơn tha tội, thì ngài dùng lời trong sách Tiên tri Isaia nói rằng:
"Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Đoạn Tin mừng này thì rất quen thuộc với chúng ta. Nhưng, khi suy nghĩ đến việc dọn đường Chúa, sửa lại đường Chúa cho ngay thẳng, thì chúng ta có thể tự hỏi: Con đường của Chúa là con đường nào?. Và con đường nào cần sửa lại?.Tại sao Gioan Tẩy Giả đi rao giảng trong hoang địa lại kêu dân chúng dọn đường?. Từ những vấn đề được đặt ra, tôi thiết nghĩ chúng ta sẽ có một cái nhìn thấu đáo hơn về ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay. Đó là: Thiên Chúa không cần chúng ta sửa đường cho Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng, nhưng chính chúng ta mới cần sửa lại những con đường quanh co, gồ ghề và hố sâu nơi trong tâm hồn của mỗi người chúng ta.
Trở về bối cảnh của Tin mừng, chúng ta nhận thấy rằng, dân Do thái phải sống nô lệ, lầm than khốn khổ bởi các vua chúa quan quyền. Thánh Luca đã thuật lại như sau:" Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế". Điều này nói lên rằng, lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả lúc bấy giờ là rất quan trọng và cấp bách. Nó không chỉ cho những dân Do thái đang sống trong cảnh nô lệ, lầm than, đói khổ mà là cho các vua chúa quan quyền hãy sửa lại lối sống của họ. Sự thống trị kiêu căng, độc tài, gian ác của họ trên dân chúng. Hình ảnh con đường là lối minh họa dẫn chúng ta đi vào con đường của nội tâm, con đường của tâm hồn đang mắc phải bởi hố sâu của tội lỗi, bởi những dục vọng ham muốn của con người. Những đam mê dục vọng đang lôi kéo chúng ta vào thế giới của hưởng thụ, trụy lạc và ích kỷ. Hơn nữa, khi đồi núi của thói kiêu ngạo, tự mãn đang lấp đầy nơi tâm hồn, thì làm sao Thiên Chúa có thể ngự trị. Khi lòng người quanh co, giả dối, gian xảo, thì làm sao Con Thiên Chúa có thể đến viếng thăm.
Nếu chúng ta so sánh hoàn cảnh của thánh Gioan Tẩy Giả với cuộc sống chúng ta ngày nay, thì có sự khác biệt rất lớn. Gioan thì sống trong hoang địa đơn sơ, nghèo nàn, đói khát, lam lũ. Con đường thì đồi núi, gồ ghề, sỏi đá. Trái lại, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới có đầy đủ phương tiện vật chất. Con đường thì bằng phẳng, rộng thênh thang, nhưng lòng người thì hẹp lại. Con đường đến nhà thờ thì không xa, nhưng lòng người thì ngại ngùng và không muốn đến. Thánh lễ ngày càng vắng bóng người trẻ. Khi tôi hỏi các bạn trẻ: "Thánh lễ có ý nghĩa đối với bạn", thì họ cho biết rằng, họ đi lễ là vì bị bắt buộc hơn là yêu mến. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận sự thật trong bối cảnh sống của chúng ta ngày nay. Cho nên, Lời Chúa hôm nay không phải là dọn đường cho Chúa đến ở đâu xa xôi, mà là ngay chính nơi cõi lòng mỗi người chúng ta đang còn có những khúc quanh của bóng tối và tội lỗi bởi dục vọng, gian ác, tham lam, tính toán, lọc lừa, giả dối, ích kỷ. Giá trị đời sống thiêng liêng đang bị đảo lộn. Sự thánh thiện đang bị tha hóa bởi đồng tiền, thú vui, danh vọng và quyền lực. Từ đó, đời sống tâm linh của chúng ta đang bị xuống dốc, bấp bênh, chơi vơi giữa dòng đời và mất đi định hướng sống.
Đổi mới một con đường thì dễ, uốn thẳng khúc quanh co thì không khó, nhưng đổi mới tâm hôn, bỏ đi một tật xấu, dọn lại con đường thiêng liêng thì không dễ chút nào. Con đường ngắn nhất để cho chúng ta làm lại cuộc đời, sửa lại những vết thương của tâm hồn, chính là tin vào tình yêu thương khoan dung của Thiên Chúa, và chúng ta quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy. Chính thái độ khiêm tốn và vâng phục giúp cho chúng ta nhận ra yếu đuối và tội lỗi của mình.
Mùa vọng là thời gian cho ta sửa lại con đường của tâm hồn đang còn thiếu vắng Thiên Chúa, thiếu vắng lòng khoan dung, yêu thương và tha thứ cho nhau. Những hố sâu của hận thù, ghen ghét đang dằn xé cõi lòng.
Hãy học nơi Chúa Giê-su, Ngài yêu thương chúng ta để đến trong thế gian sống kiếp con người và chết và giải thoát tội lỗi cho chúng ta.
Hãy học nơi thánh Gioan Tẩy Giả, ngài đã cái chết để chống lại sự giả trá, lọc lừa và gian ác.
Hãy học nơi Mẹ Maria, Mẹ đã chấp nhận sống vâng theo thánh ý Chúa để nói lên hai tiếng: "Xin Vâng". Nhờ đó, mọi người đã thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Ơn cứu độ là một trong những chủ đề lớn của Mùa Vọng. Hôm nay, một lời mời gọi lớn lao MV2-C132
Ơn cứu độ là một trong những chủ đề lớn của Mùa Vọng. Hôm nay, một lời mời gọi lớn lao xuất phát từ Phụng vụ “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy. Mọi núi đồi, phải bạt cho thấp; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Đây là những lời tuyệt vời. Đây là lời tuyên bố về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Nhưng ở đây, có thể phát sinh ra một vấn đề. Một số người cứ nghĩ rằng để được Thiên Chúa yêu thương, thì họ phải hoàn hảo. Họ nói: “Thiên Chúa không bao giờ muốn gặp tôi trong tình trạng tội lỗi và bất toàn của tôi”. Vì thế, họ nỗ lực trở nên con người hoàn hảo, nhằm đạt được tình yêu của Thiên Chúa. Điều này đưa đến hậu quả là họ cứ cố gắng tự mình xoay sở lấy. Thiên Chúa khó cứu độ những người như vậy.
Lần kia, có một tu sĩ tên là Ambrose. Vốn là một chuyên gia về đời sống thiêng liêng, tu sĩ Ambrose rất đòi hỏi trong cách nói chuyện và suy niệm. Ông còn là một người rất thông minh, và chăm chỉ làm việc. Vì là một con người ưa sự triệt để hoàn hảo, nên ông luôn luôn thích được sắp xếp và kiểm soát mọi sự. Ông làm cho mọi người lóa mắt thán phục về năng lực và kiến thức của ông.
Nhưng khi đang ở trên đỉnh cao của sự nổi tiếng, thì ông bị một căn bệnh ở giai đoạn cuối làm cho ông quỵ ngã. Dường như thể sứ mạng của ông đã kết thúc. Tuy nhiên, sự việc lại không diễn ra như vậy. Trái lại, chính khi ông trở nên yếu đuối, và hoàn toàn không kiểm soát được mọi sự, thì ông lại trở nên có hiệu quả nhất.
Điều này diễn ra như thế nào? Ông quyết định sử dụng căn bệnh của mình để tiếp cận với những người đau khổ khác. Và nhờ đó, ông đã quá thành công, đến nỗi chính căn bệnh ở giai đoạn cuối của ông lại chuyển thành một giai đoạn hiệu quả nhất. Trước khi qua đời, ông nói “Tôi đã đi theo một phương hướng, thì đột nhiên, tôi lại bị bắt buộc phải đi theo một hướng khác. Nhưng trong quá trình đó, tôi được học hỏi về bản thân mình, và về tấm lòng tốt của người khác, nhiều hơn là tôi đã từng học hỏi được trong suốt những năm tháng trước đây của cuộc đời tôi”.
Và về mức độ cá nhân, thì tu sĩ Ambrose đã trải qua một sự biến đổi tuyệt vời. Dường như thể cái vỏ bọc bảo vệ nào đó đã nứt vỡ ra, và làm nổi bật lên một con người thực sự có sức quyến rũ. Trước đây, ông là một người có vẻ cô độc trong cộng đoàn. Bây giờ, ông đã tự đặt mình vào giữa cộng đoàn, cùng ăn uống với các tu sĩ bạn, nhưng cũng đóng góp một cách rộng rãi vào tinh thần của cộng đoàn, nhờ sự dịu hiền và an bình mà ông tỏa ra. Đây là công trình của ân sủng, và điều này chứng tỏ sự thật trong vài câu ngắn sau đây:
Hãy rung lên những hồi chuông nào vẫn còn có thể vang vọng được. Hãy quên đi sự hiến thân hoàn hảo của bạn. Trong tất cả mọi sự, đều có một vết nứt. Đó là cách để ánh sáng thâm nhập vào.
Những hoàn cảnh làm cho chúng ta mở lòng mình ra, để đến với điều mà Thiên Chúa mong muốn ban cho chúng ta quả thật lạ lùng. Khi chúng ta đến với Thiên Chúa từ trạng thái đầy đủ và mạnh mẽ của bản thân, thì chúng ta đặt Thiên Chúa sang một bên. Nhưng khi chúng ta đến với Thiên Chúa từ tình trạng yếu đuối và có nhu cầu, là chúng ta mời gọi Người đi vào tâm hồn của mình. Thông qua sự bất toàn của mình, mà tâm hồn của chúng ta được mở ra cho ân sủng của Thiên Chúa. Sự bất toàn của chúng ta chính là những vết thương thu hút sự chú ý của Thiên Chúa, khiến chúng ta xứng đáng được Người thương xót và chữa lành.
Trong cuộc sống chúng ta, có một thái độ quanh co, hoặc cách cư xử không ngay thẳng cần được chấn chỉnh lại, chúng ta hãy cố gắng làm điều đó. Nhưng chúng ta không được suy nghĩ rằng Chúa sẽ không đến với chúng ta, trừ phi chúng ta vẹn toàn. Nếu chúng ta đã hoàn hảo rồi, thì Thiên Chúa không đến với chúng ta nữa. Thiên Chúa đến, bởi vì chúng ta là những tội nhân cần được cứu độ. Người đến, bởi vì chúng ta là những đứa con bị thương tích, cần được chữa lành. Điều mà chúng ta cần, đó là lòng khiêm tốn và sự chân thành, để tỏ cho Người thấy những tội lỗi và vết thương của chúng ta.
Có những người nói rằng chúng ta không nên bộc lộ sự yếu đuối, bởi vì điều này không tạo ra được sự kính trọng, và do đó, tốt hơn là nên mang lấy gánh nặng của bản thân mình trong sự bí mật. Nhưng chính sự am hiểu về nỗi đau khổ của cá nhân, lại càng làm cho chúng ta có khả năng cống hiến kinh nghiệm bản thân mình, như một nguồn suối để chữa lành cho người khác. Những ai không che đậy sự đấu tranh của họ, nhưng biết sống bằng chính con người thật, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, thì có thể mang lại niềm hy vọng cho người khác.
Trong tác phẩm “Người phu quét lá”, ĐGM Nguyễn Khảm đã ví von, đời Linh mục như người phu MV2-C133
Trong tác phẩm “Người phu quét lá”, ĐGM Nguyễn Khảm đã ví von, đời Linh mục như người phu quét lá: “Người phu quét lá bên đường. Quét cả nắng chiều quét cả mùa thu” (Ns. Trịnh Công Sơn).
Người phu quét lá, hàng ngày dù mưa dầm hay nắng hạn, vẫn luôn có mặt từ sáng sớm tinh sương trên mọi nẻo đường thành phố để dọn đường sạch sẽ cho ngàn ngàn con người sắp đi qua. Linh mục, mỗi ngày cũng dọn đường tâm hồn cho con người đi đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người.
Trong ý nghĩa đó, có thể nói Gioan Tiền Hô cũng là “Người phu quét lá” dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với nhân loại.
Bước vào Mùa Vọng, chúng ta gặp lại Gioan Tiền Hô, vị ngôn sứ đi trước dọn đường và dọn lòng người để đón Đấng Cứu Thế. Thực thi sứ vụ dọn đường, Ngôn Sứ Gioan luôn gắn bó với Thiên Chúa và sống gần gũi với con người. Lời Chúa, Gioan chiêm niệm trong hoang địa qua nhiều năm tháng đã giúp ông tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hạng người qua những vùng ven sông Giođan. Lời Chúa, Gioan nghe đã trở thành Lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi Gioan đã trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.
Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng Tiền hô. Ông đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã chết anh hùng cho sứ vụ. (x. Mt 14,3012; Mc 6,17-19). Cuộc đời Gioan là một thiên anh hùng ca, bất khuất trước cường quyền, bao dung với tội nhân.
Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường. Gioan chọn con đường tu khổ chế: ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Sống trong hoang địa trơ trụi, vắng người, thiếu sự sống. Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với Thiên Chúa.
Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Gioan mời dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Như thế, Gioan kêu gọi hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính.
Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu không có đường thì không đi đến đâu cả. Một đất nước có văn minh hay không là do hệ thống đường sá.
Đạo từ nguyên thuỷ luôn mang ý nghĩa trong sáng, ngay thẳng, công minh. Đạo dẫn đưa con người đến chân thiện mỹ.
Đạo là đường nên có thể nói sống đạo là sống ngoài đường, sống với người khác, sống với cuộc đời. Abraham khởi đầu sứ mạng mới bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa. Và lịch sử Do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đầy và mất quê hương trong một thời gian dài. Gioan rao giảng và làm phép rửa khắp mọi nẻo đường. Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc, vào đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng Ngài lên đường về nhà Cha.
Vì là đường nên nên đạo luôn mở ra nối kết và đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi người, không phân biệt ai với tinh thần yêu thương của Thiên Chúa. Tin Mừng chính là đạo, là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta đi theo Ngài.
Đường quan trọng nhất là đường vào cõi lòng. Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ. Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vằng ánh sáng tình yêu. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo hãy san cho thẳng. Những gì cao cao, cần bạt xuống thấp. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.
Con đường mà Gioan nói tới đây chinh là đường vào cõi lòng. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thân dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua. Như căn nhà cho Chúa ngự tới. Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nổi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Tâm hồn Mẹ bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.
Dọn đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Như tên lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng, tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.
Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường, thường được làm bằng đất đá nhựa bê tông. Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.
Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi.
Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức. Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Cả cuộc đời Gioan chỉ một tâm nguyện là làm “Người phu quét lá” dọn lòng người khác cho Chúa đến. Mỗi người chúng ta cũng theo mẫu gương của Gioan trở thành “Người phu quét lá” cho chính tâm hồn mình, cho gia đình mình và rồi cho người khác nữa. Dọn đường cũng chính là lên đường theo Chúa Cứu Thế, cho nên dọn đường cho Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi người thi hành nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Trước đây, khi làng xã có điều gì cần thông báo thì có mõ làng cầm loa đi khắp nơi để thông báo. MV2-C134
Trước đây, khi làng xã có điều gì cần thông báo thì có mõ làng cầm loa đi khắp nơi để thông báo. Thời nay, xã hội văn minh hơn, người ta gọi là văn hóa thông tin, và phương tiện thông báo cũng tiện lợi và mau hơn nhiều.
Thuở “giao thời”, chuyển tiếp từ Cựu ước sang Tân ước, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa trao cho công việc “mõ làng” để kêu gọi người ta canh tân và chờ đón Đấng Thiên Sai. Ông có nickname là “Tiếng Kêu Trong Hoang Địa”. Tiếng kêu trong hoang địa thì hiệu quả gì chứ? Đó là dạng tiếng vang thầm lặng. Vang mà thầm lặng ư? Đúng vậy. Và tiếng kêu đó đã và đang vang đến tận cùng trái đất.
Ngôn sứ Ba-rúc kêu gọi: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi” (Br 5:1-3). Được cởi bỏ “áo tang khổ nhục” thì còn gì vui hơn? Không chỉ vậy, chúng ta còn được khoác “áo choàng công chính”. Đúng là trên cả tuyệt vời!
“Áo choàng công chính” đó do Thiên Chúa trao ban, và chúng ta còn được Người gọi tên là “Bình An Xây Dựng Trên Công Chính” và “Vinh Quang Phát Xuất Từ Lòng Kính Sợ Thiên Chúa” (Br 5:4). Cái tên “lạ” lắm, nhưng hay và ý nghĩa.
Ngôn sứ Ba-rúc tiếp tục kêu gọi một hơi dài: “Vùng lên, Giêrusalem hỡi, hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông: Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy. Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui. Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng. Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa” (Br 5:5-7). Cũng có những lời tương tự Thánh Gioan Tẩy Giả: Bạt thấp các núi, gò, và lấp đầy thung lũng.
Theo lệnh của Thiên Chúa, “rừng xanh và đủ loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en, vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người” (Br 5:8-9). Có Thiên Chúa cứu thoát, kiếp-người-khốn-khổ trở nên hạnh phúc biết bao!
Niềm vui sướng tột cùng khiến con người như không dám tin vào thực tế, nhưng là sự thật 100%: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ” (Tv 126:1). Nhưng rồi vẫn “vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 126:2a). Đến nỗi dân ngoại phải xì xầm bàn tán: “Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126:2b).
Không lạ sao được, không ngạc nhiên sao được, phàm ngữ chẳng đủ lời để mà diễn tả về kỳ công của Thiên Chúa, quá vĩ đại và quá sức con người có thể tưởng tượng! Rồi cũng chỉ biết cười và nói được rằng: “Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126:3). Thấy người ta hp quá đỗi nên chúng ta cũng khao khát mà cầu xin: “Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam” (Tv 126:4). Quả thật, “ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126:5), nghĩa là: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:6).
Cuộc đời là thế. Trong những điều xảy ra, điều hợp ý mình thì mình bảo là “hên”, điều không hợp ý mình thì mình cho là “xui”. Nhưng chính đau khổ là “viên ngọc quý” mà các thánh đã luôn trân quý từng ngày khi còn sinh thời. Hạnh phúc mà không có nước mắt thì hạnh phúc đó chưa thực sự trọn vẹn niềm vui. Đau khổ cũng là những tiếng-động-tĩnh trong mỗi con người chúng ta. Vâng, tiếng động đó rất tĩnh lặng!
Thánh Phaolô bày tỏ: “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Tôi tin chắc rằng Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm” (Pl 1:4-6). Mùa Vọng, thánh nhân nhắc nhớ việc chờ Chúa quang lâm là chính chứ không chờ gì khác rồi bối rối, hoang mang, run sợ. Thật chứ không đùa. Thánh Phaolô nói rõ: “Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Kitô Giêsu. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm” (Pl 1:8-10). Vấn đề là vậy, cần hiểu đúng đắn và chính xác, đừng mơ hồ hoặc nhẹ dạ cả tin, không khéo lại hóa mê tín dị đoan!
Rồi thánh nhân kết luận: “Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Pl 1:8-11).
Thánh sử Luca kể: Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3:4-5). Một đoạn sử ngắn gọn nhưng súc tích. Chủ yếu là câu 4 và câu 5.
Và nếu ai cũng thi hành đúng như vậy, chắc chắn mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Khi biết tin hoàng đế hoặc vua quan đi tới đâu thì dân chúng phải quỳ mọp xuống mà rước “thiên tử” đi qua; khi một vị nguyên thủ quốc gia đến, người ta sửa soạn nhiều ngày trước, an ninh được kiểm soát nghiêm ngặt; khi một đại sứ tới một nơi nào đó thì cũng thế; khi giáo hoàng kinh lý một nước nào đó cũng được người ta nghing đón long trọng, một giám mục tới một giáo xứ hoặc một tu viện nào thì cũng được đón tiếp tương tự; thậm chí chỉ là một nghệ sĩ nổi tiếng đi tới đâu cũng được người hâm mộ chờ chực để chỉ mong được nhìn dung mạo “thần tượng”.
Tuy nhiên, mệnh danh là Đấng Thiên Sai, nhưng có lẽ chỉ có Chúa Giêsu là chẳng ai thèm để ý chứ đừng nói tiền hô hậu ủng. Ngài đến mà không ai hay biết, Ngài là Tiếng Động cực mạnh thế mà cũng chẳng khác hơn sự Tĩnh Lặng. Thậm chí có Gioan Tẩy Giả hô hào và kêu gọi mà cũng chẳng mấy người quan tâm lưu ý.
Thật vậy, mỗi khi chúng ta rước lễ là chúng ta đón tiếp một Quân vương Tối thượng, Vua Vũ Trụ, Thiên Tử đích thực, thế mà nhiều lần chúng ta vẫn không chuẩn bị tâm hồn cho đúng mức, vẫn rước lễ cho chiếu lệ, như một thói quen, thậm chí còn rước lễ vì… sĩ diện. Chúa buồn lắm, nhưng Ngài không hề nói gì vì Ngài luôn tôn trọng quyền tự do của chúng ta.
Với Chúa, chúng ta đã tệ; với tha nhân, chúng ta còn tệ hơn. Phàm nhân thật là yếu đuối, thế nên cứ bạt mãi mà mảnh-đất-tâm-hồn vẫn gồ ghề, lởm chởm, đầy ổ gà và ổ voi, san mãi không phẳng phiu, và con-đường-tâm-hồn vẫn cứ quanh co, không uốn cho thẳng được!
Lạy Thiên Chúa, xin mau ban Đấng Thiên Sai đến mà bạt chúng con cho bằng phẳng và uốn chúng con cho thẳng thắn. Chắc chắn thiếu Ngài thì chúng con không thể làm được gì hết (Ga 15:5). Xin cậy nhờ công nghiệp của Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
Năm cùng tháng tận, chúng ta sắp giã từ một năm cũ. Cũng như mọi năm, tôi có cảm tưởng là MV2-C135
Năm cùng tháng tận, chúng ta sắp giã từ một năm cũ. Cũng như mọi năm, tôi có cảm tưởng là trước khi lật sang trang sử mới, con người ghi vội vào cuối trang sử cũ một vài nghĩa cử để nói lên thiện chí của mình, cũng như để bày tỏ niềm hy vọng về cuộc sống ấm no hạnh phúc, một cuộc sống được xây dựng trên nền tảng của công lý và hòa bình.
Một trong các nghĩa tử ấy là việc phóng thích các người bị giam cầm, như việc trả lại tự do cho các con tin Tây phương bên Trung đông chẳng hạn. Quả tim của con người không khỏi bị giao động khi nhìn thấy trên màn ảnh truyền hình những gương mặt hớn hở hân hoan của những người được trả lại tự do. Hay những nụ cười hòa lẫn nước mắt của họ và của những người thân thương của mình trong những giây phút hội ngộ. Đối với những người bị bắt làm con tin ấy cũng như đối với những ai bị giam cầm ở bất cứ nơi nào dưới hình thức nào đi chăng nữa, thì sự phóng thích mang một ý nghĩa của một kinh nghiệm mãnh liệt về sự tự do. Khung cảnh sống bị giới hạn trong bốn bức tường chật hẹp của nhà giam bây giờ là cả một bầu trời rộng thênh thang, cuộc sống tưởng chừng như bị bóp nghẹt, giờ đây có thể được phát triển với bao dự án, bao hy vọng, bao giấc mơ. Tương lai dường như bị chặn đứng giờ đây lại được tự do tiến tới.
Chúa nhật thứ II mùa vọng của phụng vụ năm C cũng có thể gọi được là “Chúa nhật giải phóng”. Với những hình ảnh tràn đầy hân hoan trong bài đọc 1 nơi ngôn sứ Baruk diễn tả công việc Thiên Chúa giải phóng và đưa dân Chúa từ một cuộc sống đau khổ lầm than trở về quê cha đất tổ của họ trong vui mừng và trong vinh dự.
Rồi trong bài Phúc âm, thánh Gioan tẩy giả tiếp tục rao truyền Tin mừng giải phóng và lập lại lời kêu gọi của ngôn sứ Baruk: “Hãy sửa đường cong queo cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi làm cản trở công việc hồi hương của dân Chúa và gây chướng ngại cho Đấng Cứu Thế đến ở giữa dân người để giải phóng và cứu rỗi họ”. Nhưng làm sao mọi người cảm thấy Thiên Chúa thực sự đến tại đây và trong lúc này để giải thoát họ không những hoàn cảnh lúc họ đang sống, và làm thế nào để mọi người có thể cảm nghiệm rằng thánh Gioan tẩy giả vẫn còn đang tiếp tục rao giảng về sự ăn năn thống hối để chuẩn bị cho ngày Chúa đến mà tất cả mọi người chúng ta trong Chúa nhật hôm nay cũng đang hướng về ơn cứu độ.
Câu trả lời cho hai vấn nạn trên nằm trong ý nghĩa của mùa vọng, bởi lẽ mùa vọng không phải là đợi chờ một biến cố đã xảy ra trong quá khứ xưa, mùa vọng càng không phải là mùa đợi chờ để mừng kỷ niệm Giáng sinh như mừng sinh nhật của Đức Giêsu diễn ra cách đây hơn 2000 năm. Không! Mùa vọng phải là mùa chuẩn bị tích cực để Thiên Chúa qua Đức Giêsu đến giải phóng và cứu rỗi mọi người trong hoàn cảnh cụ thể của ngày hôm nay. Đó là lý do tại sao thánh sử Luca ghi thật rõ ràng niên lịch và nhân vật lịch sử làm bối cảnh chính trị của một biến cố Ngôi hai giáng trần.
Hoàng đế Rôma thống trị khắp vùng Trung đông, Palestine bị lực lượng ngoại xâm chiếm đóng. Giuđêa nằm dưới quyền cai quản của quan trấn thủ Phongxiô Philatô, còn các vùng khác được trao cho các tay sai của hoàng đế Rôma giám quản. Cả tình trạng tôn giáo cũng bị lũng đoạn, vị Anna và Caipha đã cố gắng dung hòa giữa tôn giáo và chính trị để giữ vững địa vị thượng tế của mình. Trong bối cảnh chính trị, xã hội và tôn giáo đen tối ấy, Thiên Chúa đã bắt đầu hành động, qua đó một lần nữa Thiên Chúa chứng tỏ rằng công cuộc giải phóng và cứu rỗi của Người không phải được diễn ra trên trời, nhưng thực sự được diễn tiến trên mặt đất, giữa con người và trong dòng lịch sử. Quả thật, Thiên Chúa đã bắt đầu cuộc giải phóng để mang ơn cứu rỗi cho con người qua lời kêu gọi và rao giảng của thánh Gioan đã được Chúa Giêsu trao phó cho ngài để dọn đường cho Chúa đến và chuẩn bị cho chúng ta đón nhận ngày Chúa đến.
Để chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa trao phó, thánh Gioan tẩy giả đã đi vào sa mạc hoang vắng. Thánh Gioan muốn lôi kéo các thính giả của ngài và lôi kéo chúng ta ra khỏi nếp sống bon chen thường nhật, ra khỏi những lo lắng hằng ngày, ra khỏi những thói quen tật xấu, những đam mê và ra khỏi con người cũ để đi vào sa mạc vắng vẻ là nơi con người dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa. Và cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đúng nghĩa nào cũng phơi bày con người thật và biết sống thật của mỗi cá nhân.
Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đích thực nào cũng kêu mời con người phải ăn năn, phải thống hối, có nghĩa là kêu mời con người trở về với Thiên Chúa. Vì thế, sau thời gian vào hoang địa để gặp gỡ Thiên Chúa, để biết rõ con người và nếp sống thật của mình, thánh Gioan tẩy giả hướng dẫn chúng ta trở về cuộc sống hằng ngày, xuyên qua dòng sông Jordan để lãnh nhận phép rửa thống hối là dấu chỉ bên ngoài của một quyết định nội tâm dứt khoát trở về với Chúa. Một Thiên Chúa từ thuở tạo thiên lập địa đã luôn gắn liền lời nói với hành động.
Vì thế, công cuộc thống hối đúng nghĩa của con người không thể chỉ diễn ra bằng lời nói: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và việc làm…”, nhưng phải kèm theo những hành động cụ thể, những hành động cụ thể này đã được thánh Gioan loan báo hôm nay: “Hãy dọn đường Chúa đến”. Hãy sửa đường cong queo của tinh thần vô trách nhiệm, của lòng ích kỷ, của tính hay mánh mung lừa đảo bằng những con đường ngay thẳng của tinh thần liên đới, chia sẻ, thật thà, biết tôn trọng sự thật. Hãy lấp mọi hố sâu của chia rẽ hận thù, của thiên kiến nghi kỵ bằng sự khoan dung tha thứ, bằng sự tin tưởng thiện chí và tin tưởng vào khả năng của nhau. Hãy bạt mọi núi đồi của lòng kiêu hãnh, của óc địa phương bằng tinh thần khiêm nhu, và biết đặt công ích lên trên quyền lợi của cá nhân, quyền lợi của đảng phái. Hãy san bằng những con đường bi quan yếm thế của những thất vọng, của những ngày đen tối, của những lỗi lầm trong quá khứ bằng những cái nhìn tích cực, lạc quan tràn đầy hy vọng nơi chính mình, nơi kẻ khác và nơi cuộc sống. Đó là những hành động cụ thể, những điều kiện cần phải thực hiện trong ngày Chúa đến, thực hiện trong ngày giải phóng và cứu rỗi của Người, xây dựng trên công lý, hiệp nhất hòa bình và tình thương giữa lòng xã hội của ngày hôm nay.
Vậy! Bạn và tôi sẽ làm gì trong mùa vọng năm nay để chung tay đẩy mạnh tiến trình giải phóng và cứu rỗi của Thiên Chúa trong gia đình, trong làng xóm, trong giáo xứ và trong xã hội chúng ta đang sống?
Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng do thánh Luca thuật lại. Cha đố chúng con Thánh Luca nói MV2-C136
Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng do thánh Luca thuật lại.
Cha đố chúng con Thánh Luca nói đến ai và nói về vấn đề gì trong bài Tin Mừng hôm nay?
- Dạ thưa cha Thánh Luca nói đến Ông Gioan Tẩy Giả. - Và nói về vấn đề gì nào? - Dạ thưa cha nói về những lời kêu mọi người sám hối để được ơn tha tội. - Chúng con trả lời rất đúng. Cha khen chúng con. Và bây giờ cha bắt đầu nói với chúng con về từng vấn đề.
1. Trước hết là về Gioan Tẩy Giả.
Khi nhìn vào cuộc đời của Gioan Tẩy Giả, chúng con có thấy điều gì nổi bật không? Không biết chúng con nghĩ sao chứ riêng cha, cha thấy có một vài điểm rất nổi bật này:
+ Đầu tiên cha thấy ông là người coi thường những thứ mà người đời hay tìm kiếm. Nhưng thử hỏi những thứ mà người đời hay tìm kiếm là những thứ nào chúng con? Cha đọc trong lịch sữ cha thấy những điều mà người đời hay tìm kiếm là những thứ có cò liên hệ mất đến 4 nhu cầu căn bản này của con người đó lá Ăn-Ở-Đi-Mặc.
Ai cũng muốn được ăn ngon-mặc đẹp-Ở nhà sang- Đi lại bằng những phương tiện sang trọng.
Gioan có thèm những thứ đó không chúng con?
Chúng con hãy đọc lại Tin Mừng. Tin Mừng ghi làm sao? Tin Mừng Thánh Marcô ghi: "Vào thời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện ở trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng." (Mc 1.4.7)
Đúng là cuộc sống siêu thoát, không màng gì đến những thú vui của thế gian mặc dầu ông có dư điều kiện để sống cuộc đời như nhiều người thèm muốn. Thủ hỏi ông làm như thế để làm gì chúng con. Cha tưởng là ông muốn tự rèn luyện mình để trở thành một cây lim cây sến như Đức Cha Thiamer Toth nói, một con người có chí khí sắt đá kiên cường, hầu có thể đứng vững trước mọi thử thách mà ông phải đương đầu sau này khi ông đi loan truyền sứ vụ Chúa trao phó.
+ Tiếp theo cha thấy ông Gioan Tẩy Giả là người có một lý tưởng để sống. Có lần Chúa Giêsu nói về ông như thế này: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.(Mt 11,7-11)
Cha thấy ở trên đời có nhiều người sống nhưng không biết sống để làm gì. Chúng con nghe câu chuyện này.
Ngày kia có ba người mặt mày buồn bã đến hỏi ý kiến của một nhà hiền triết, xem làm thế nào để họ được sống vui vẻ có ý nghĩa. Nhà hiền triết hỏi họ:
- Trước tiên, các ông hãy nói cho tôi biết các ông sống vì cái gì?
Người thứ nhất trả lời - Vì tôi không muốn chết, cho nên tôi sống.
Người thứ hai nói: - Vì tôi muốn nhìn xem ngày mai có tốt hơn ngày hôm nay hay không, vì vậy mà tôi sống.
Người thứ ba nói: - Vì tôi có một gia đình phải nuôi dưỡng. Tôi không thể chết, vì vậy mà tôi sống.
Nghe vậy nhà hiền triết lắc đầu nói:
- Thế thì đương nhiên là các ông không được vui vẻ rồi, vì các ông sống chỉ vì sợ hãi, chờ đợi, trách nhiệm bất đắc dĩ, chứ không vì lý tưởng.
Nhìn vào cuộc sống của Gioan, mọi người phải nể phục ông. Ông sống rất đẹp. Mọi người phải nể phục không phải vì Gioan là người có quyền cao chức trọng nhưng vì đời sống của ông đẹp quá, cao cả quá, thánh thiện quá. Gioan là người luôn hướng nhìn về phía trước, sống cho phía trước. Phía trước có cõi đời đời. Trong cõi đời đời đó có Thiên Chúa hằng sống. Gioan sống và phục vụ cho Đấng Hằng Sống vì thế mà đời của Gioan đẹp.
2. Tiếp theo là đề tài ông Gioan rao giảng.
Tin Mừng bảo Gioan đã mượn lời tiên tri Isaia để nói với mọi người. "Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng."(Lc 3,4-5)
Ý của Gioan thật rõ ràng. Ơn Cứu độ của Thiên Chúa đã gần kề. Muốn được Chúa Cứu độ thì phải làm đường, nghĩa là phải làm cho tâm hồn của mình cho xứng đáng.
Chúng con hãy nghe câu chuyện cảm động này: Charlie là một tội phạm. Anh bị cáo buộc là đã giết một viên chức hành chánh tại đại học Haverford ở Pennsylvania. Anh bị toà kết án và án là phải tử hình trên ghế điện. Trong khi anh ngồi tù, thì có một đoàn truyền bá Phúc âm thuộc nhà thờ Alden Union giúp anh đến với Chúa. Charlie học Kinh thánh và rất thích Thánh ca. Charlie hay hát bài: "Không ai săn sóc tôi bằng Chúa Giêsu".
Trước khi bị đưa lên ghế điện, Charlie xin được nói chuyện với các bạn tù của anh. Khi được phép, Charlie nói với mọi người về niềm vui của anh trong Chúa. Anh bảo rằng anh không còn sợ bị hành quyết. Anh rất hối hận về tội của mình, nhưng đã được Chúa tha thứ và bịết rằng chẳng bao lâu nữa sẽ được gặp Chúa trực tiếp.
Cuối giờ nói chuyện, Charlie hát bài hát mình thích nhất rồi bước xuống. Một tờ báo tại Philadelphia thuật rằng khi đi vào ghế điện, anh hát một lần nữa. Khi người ta trùm đầu Charlie, câu nói cuối cùng của anh cũng là lời hát, rằng: "Một ngày kia tôi sẽ gặp mặt Chúa phúc hạnh".
Charlie đối diện với cái chết không sợ sệt vì bịết rằng Chúa Giêsu đã cất đi "tội ác và bóng tối" trong tâm hồn anh. Chuá đang sống và cùng đi với anh vào thung lũng của tử thần.
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện. Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa. Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con. Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
Có một ông phú hộ rất khô đạo, thường hay nói với người vợ mỗi sáng Chúa nhật khi bà và MV2-C137
Có một ông phú hộ rất khô đạo, thường hay nói với người vợ mỗi sáng Chúa nhật khi bà và các con sửa soạn đi lễ:
- Em hãy đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho anh với nhé.
Mỗi lần gặp gỡ bạn bè nói về chuyện đạo, ông thường khoe với họ là ông không cần đến nhà thờ, cũng không cần phải đọc kinh dự lễ, vì đã có vợ ông dự lễ, đọc kinh và cầu nguyện cho cả hai rồi.
Ngày tháng trôi qua, một hôm ông nằm mơ thấy ông và vợ đứng xếp hàng trước cửa thiên đàng đợi đến lượt mình bước vào. Cửa trời mở ra và mọi người tuần tự vui vẻ tiến vào. Khi đến lượt ông thì thiên thần giữ cửa làm hiệu cho ông dừng lại. Thiên thần quay sang mỉm cười nói với vợ ông:
- Chị hãy vào thiên đàng thay cho cả chồng chị nữa!
Thế là chỉ có vợ ông tiến vào còn ông thì phải bơ vơ đứng ngoài. Vừa tủi thân vừa tức giận đã làm cho ông thức giấc. Ông không dám thuật lại giấc mơ cho vợ, nhưng điều làm cho bà vợ ngạc nhiên hơn cả là sáng Chúa nhật hôm đó, thay vì nói với bà như thường lệ, người phú hộ đến gần vợ và nói bên tai bà:
- Từ hôm nay, anh sẽ cùng với em đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho chính anh nữa.
***
Giây phút hiện tại chính là thời điểm Thiên Chúa đi vào cuộc đời ta và qua ta đi vào lòng thế giới. Thế nhưng Thiên Chúa không thể đi vào cuộc đời ta nếu không có sự đồng ý của ta. Thánh Augustino đã nói: “Khi tạo dựng nên ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến của ta, nhưng Người không thể cứu rỗi ta nếu ta không cộng tác với Ngài”.
Điều đó nói lên trách nhiệm của mỗi người về niềm hạnh phúc và phần rỗi cá nhân. Vốn biết rằng “không ai là một hòn đảo”, cũng không ai có thể sống riêng rẽ một mình. Việc tốt cũng như hành động xấu của người này có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đối với người kia. Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta có thể ỷ lại vào việc lành phúc đức của người khác để trốn trách nhiệm của mình.
Mỗi giây phút hiện tại sẽ lần lượt qua đi mà không bao giờ trở lại. Mỗi người chúng ta đang đứng trước tương lai của mình, đang đối diện với vận mệnh mà Thiên Chúa đã trao tặng. Chúng ta phải sáng suốt lựa chọn sự sống hay cái chết, hạnh phúc bất diệt hay thú vui tạm bợ, Thiên Chúa và tình yêu hay cái tôi và tính ích kỷ.
Tất cả tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của ta. Không ai có thể sống thay cho ta hoặc chết thay cho ta. Thánh Phaolô đã viết: “Mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14, 12).Phải chấp nhận sự thật này là mỗi người chỉ sống một lần và chết cũng chỉ một lần. Ta phải chủ động chứ không thể đề cử ai thay thế ta được.
***
Lạy Chúa, xin giúp con xác tín rằng chính con phải lo phần rỗi con, không ai có thể sống đạo thay con. Chính con phải tuyên xưng lòng tin bằng đời sống và việc làm của con, để qua con, người khác sẽ nhận biết Chúa, và cảm nghiệm tình thương cứu độ của Ngài. Amen.
Theo Thánh sử Luca, ông Gioan, con của Ông Giacaria được chọn trong hoang địa để loan báo MV2-C138
Theo Thánh sử Luca, ông Gioan, con của Ông Giacaria được chọn trong hoang địa để loan báo Chúa sắp đến. Ông hô lớn:
“Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa”.
Có lẽ nào ông Gioan nói sai? Bởi, Chúa Giáng Sinh đã hơn hai ngàn năm rồi, mà vẫn còn nhiều người chưa “thấy ơn cứu độ của Chúa”. Cụ thể, ở Việt Nam, sắp đến 400 năm Tin Mừng đến Nước Mặn (Đàng Trong), 350 năm thành lập 2 giáo phận tông tòa, 50 năm thành lập hàng giáo phẩm, hơn 130.000 vị tử đạo…. mà chỉ có hơn chục triệu người được rửa tội, trong số 80 triệu chưa được rửa tội. Và đó là con số được rửa tội. Còn con số được “thấy ơn cứu độ của Chúa” thì không ai có thể làm một bản thống kê!
Ông Gioan nói sai rồi sao?
Ông nói là “Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa” mà!
Thiết tưởng, không nên cắt xén Lời Chúa để rồi thách thức Thiên Chúa, hoặc tự hào cách vô lối rằng “chỉ cần được rửa tội là được nhìn thấy ơn cứu độ”, nhưng hãy bình tĩnh xem lại cho rõ, cho đầy đủ lời Ông Gioan nói: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Thánh Luca không dùng điều kiện cách: “nếu… thì”,nhưng dùng cách câu đề nghị, khuyên bảo: “hãy… sẽ…”, cho thấy mức độ tôn trọng đối với người đón nhận ơn cứu độ. Như vậy, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người, để tự do ấy thực sự có giá trị khi con người biết dùng tự do mà chọn lựa cho mình phần tốt nhất. Phần tốt nhất phải ngộ cho ra, đó là ơn cứu độ.
Vì không cần đến ơn cứu độ
Nhiều người chưa thấy ơn cứu độ, cách riêng ở Việt Nam, trước tiên là do bị satan đầu độc tâm trí con người không cần đến ơn cứu độ, hoặc sử dụng tự do lệch lạc theo cách “tin hay không tin”. Như thế là tự do! Tự do theo vô thần thuyết. Suy nghĩ ấy đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết đời đời, chấp nhận một cuộc sống không có niềm hy vọng! Cũng đồng nghĩa với việc chỉ sống cho đời nầy, vì chỉ có đời nầy, nên có thể làm bất cứ điều gì miễn là có được một cuộc sống đời nầy trọn vẹn! Không cần đến ơn cứu độ cũng được hiểu là xác nhận không có một hữu thể nào siêu phàm thượng trí bằng con khỉ đột, ông tổ của loài người! Những con người nầy đang sống trong thế giới ảo, hạnh phúc ảo, sự sống ảo. Và khi hạnh phúc thật, sự sống thật, chắc chắn sẽ xuất hiện cách cá vị qua cái chết, họ vẫn ngoan cố không nhìn ra sự thật, liều mình chết đời đời!
Đây vẫn là chuyện thường gặp trong đời sống các tín hữu Việt Nam. Chung quanh chúng ta, không thiếu những lời thách thức để từ chối Thiên Chúa: “Chúa đến đem hòa bình, sao vẫn còn chiến tranh?! Chúa đến xóa bất công, sao bất công vẫn còn nhan nhãn! Chúa đến đem sự thật, sao giả dối vẫn lan tràn!? Chúa đến đem tình yêu, sao vẫn còn tỵ hiềm, ghét ghen thù hận!?” Ngay cả miền đất Chúa sinh ra kìa, có khi nào được yên ổn đâu?
Vì chưa làm chứng đủ cho ơn cứu độ
Thứ đến, chưa thấy ơn cứu độ là do không có người làm chứng, hoặc chứng tá “đời sống trong ơn cứu độ” chưa thực sự thuyết phục. Chứng từ hùng hồn của các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trổ sinh muôn ngàn bông hạt đức tin trên quê hương Việt nam. Rõ ràng là cho đến nay, chúng ta vẫn đang là người thừa hưởng gia sản của các Thánh Tử Đạo Việt nam để lại. Các thánh tử đạo, có thể nói, là những người đã “nhìn thấy ơn cứu độ” ngay khi còn sống trên trần gian nầy, nên các Ngài đã dám “lấy chính giọt máu của mình mà gieo trồng Hội Thánh Chúa”.Còn chúng ta, có dám hy sinh không? Con số những người mới theo đạo, mới được rửa tội tại Việt Nam những năm sau 1975 chưa hẳn đã nói lên điều gì, mà nếu có nói được điều gì, thì điều ấy vẫn chưa gọi được là xứng đáng với các bậc tiền nhân anh dũng. Một cơ hội để chúng ta tự vấn về việc chúng ta đang để lại cái gì cho thế hệ hậu duệ?
Sự băng hoại trầm trọng của xã hội không Thiên Chúa có ảnh hưởng đến con cái Chúa không? Những lời thách thức từ chối Thiên Chúa càng có lý do để tiếp tục nhũng nhiễu các tín hữu hơn khi họ không nhìn thấy chứng tá đời sống ơn cứu độ nơi mọi thành phần dân Chúa. Bất kể thành phần nào, khi vướng vào một chút bất chính, cũng đủ trở thành nguy cơ che khuất ánh sáng, hồng ân của ơn cứu độ.
Đã thế, lại còn, cảnh “nồi da xáo thịt” trong các thành phần giáo hội chỉ làm cho “ngư ông đắc lợi” mà thôi, chẳng sinh ích gì cho công cuộc “mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ”. Có khi “ngư ông” lại viết sẳn kịch bản cho chúng ta “nồi da xáo thịt” để ông được đắc lợi vui mừng, vỗ tay hoan hỉ mà chúng ta không hay biết!
Năm thánh của Hồng ân Cứu Độ
Chúa nhật thứ hai mùa vọng trong thời điểm Giáo Hội Việt Nam bước vào Năm Thánh 2010, cùng với lời mời gọi:“Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, thật sự là một cơ hội vàng cho Dân Chúa Việt Nam.
Lời ông Gioan Tiền-Hô vẫn còn đó! Để được nhìn thấy ơn cứu độ, và để mọi người nhìn thấy ơn cứu độ, phải sám hối, phải đổi mới canh tân. Lấp mọi hố sâu ích kỷ, tham lam, dục vọng; bạt mọi núi đồi chủ quan, kiêu ngạo, trịch thượng, quyền hành; sống công chính, ngay thẳng giữa những bất chính, gian dối, lọc lừa…. Canh tân không chỉ trong sâu thẳm tâm hồn mà còn phải biểu lộ để trở thành chứng tá. Vì sự biểu lộ ấy có sức tác động rõ nét, khơi lên Mầu nhiệm – Hiệp Thông- và Sứ Vụ.
Nếu từ ngày khai mạc Năm Thánh Hóa các Linh Mục, đã có nhiều Linh Mục biểu lộ sự canh tân mới mẻ, làm thay đổi nếp nghĩ của giáo dân, làm sức thôi thúc họ trở về với Giáo Hội, đến với Chúa; thì từ ngày khai mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam đã mở ra niềm hy vọng lớn lao cho dân Chúa về một công cuộc canh tân có tích cách toàn diện cho mọi thành phần dân Chúa. Hình ảnh của một Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, nhân chứng kiên vững cho công lý của Chúa, như một tiếng nói hùng hồn cho niềm hy vọng dân Chúa thái bình, nước Chúa thịnh trị. Tiếng nói của các vị chủ chăn trong ngày Khai mạc Năm Thánh không phải là dư âm, nhưng luôn là một lời hiệu triệu cấp bách cho toàn dân Chúa đi vào Mùa Vọng Mới, mùa “công chính” để “thấy ơn cứu độ”.
Lời Đức Hồng Y Gioan Baotixita, Tổng Giám Mục Sài Gòn trong buổi Khai Mạc Năm Thánh, vẫn còn đó: “Sống sao cho mọi người nhận biết Đạo Công Giáo là Đạo Yêu Thương”.
Cha ông ta nói “Thương nhau chín bỏ làm mười”, “thương nhau quả ấu cũng tròn ….”. Như vậy là mù quáng sao? Thiết tưởng đó là một nét đẹp của văn hóa Việt thấm nhuần Đức Ái Kitô Giáo ngay từ những ngày Tin Mừng mới đến, ngay từ lúc có Tiếng Việt! Chỉ sợ là vì ích kỷ mà không muốn thương nhau. Còn đã có lòng thương nhau thì ắt biết phải làm gì. “Yêu đi rồi hãy làm”.
Lời của Đức Cha Nguyễn Chí Linh trong phần Sám Hối vẫn còn đó: “Chiều hôm nay, khơi lại ngọn lửa đức tin như hồng ân quý giá nhất mà Chúa đã ban, đốt lên nén hương lòng tưởng nhớ tiền nhân đã để lại gương sống tuyệt vời, chúng ta tri ân cảm tạ và nguyện hết lòng trung kiên làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam.
Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận, rằng với tư cách là Kitô hữu đang mang trong mình dòng máu Adam-Evà, chúng ta đã phạm tội, đã vấp phải nhiều lỗi lầm thiếu sót. Chúa Kitô là “Ánh sáng đã đến thế gian” nhưng chúng ta “đã ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3, 18).
Hãy xin lỗi Chúa. Hãy xin lỗi nhau. Và hãy xin lỗi mọi người lương dân vì lỗi chưa thực sự làm chứng cho ơn cứu độ. Việc xin lỗi ấy đồng nghĩa với quyết tâm theo lời mời gọi của Ông Gioan trong Tin Mừng hôm nay, và cụ thể là -Khâu lại tấm áo hiệp nhất - Làm đẹp dung nhan Thánh Thiện của Chúa Kitô - Nhiệt tình truyền giáo - Tin tưởng truyền thống Giáo Hội; sống yêu thương nhau, và hòa mình với những nỗi đau của những người đau khổ bất hạnh – bạn hữu chí thiết của Chúa Kitô.
Vẫn còn đó, lời gọi lửa thiêng, Đoàn Nghi Thức Thắp Ngọn Đuốc Đức Tin Năm Thánh 2010 của GP. Hải Phòng đã múa hát:
“Nhìn về tương lai, ai nào biết ra sao ngày mai,
Nhưng nhìn đời hôm nay nghe thổn thức trong tim dâng đầy
Tuổi trẻ của chúng con phải làm gì cho chính chúng con
Tuổi trẻ của chúng con phải làm gì cho thế giới này
Ánh sáng Chúa hãy chiếu dọi chúng con
Ánh sáng Chúa hãy chiếu dọi thế trần
Đi trên đường công chínhvề với suối ơn trường sinh
Thôi những ngày điêu linh vui sống trong ơn an bình”
Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng ở Việt Nam đang tràn đầy niềm hy vọng, như Tiên Tri Baruc đã nói:
“Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người” (Baruc 5,9);
và như lòng Thánh Phaolô mong ước:
“Tôi cầu xin cho anh em được nên tinh tuyền, không gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô lại đến. Như thế, anh em có thể mang lại hoa trái dồi dào là sống một đời sống công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.”(Philipphê 1, 10-11)
Lạy Chúa, trong Mùa Vọng nầy, trong năm thánh nầy, nguyện xin Ánh Sáng Lời Chúa, Ánh Sáng Tình Yêu của Chúa chiếu dọi chúng con, chiếu dọi thế trần, để mọi người đi trên đường công chính, về với suối ơn trường sinh, về với Hồng Ân Cứu Độ. A men.
Chúng ta đã bước sang Chúa Nhật II Mùa Vọng. Trong Mùa Vọng, qua các Bài Đọc trong Thánh MV2-C139
Chúng ta đã bước sang Chúa Nhật II Mùa Vọng.
Trong Mùa Vọng, qua các Bài Đọc trong Thánh lễ, chúng ta được sống lại lịch sử Ơn Cứu Độ. Các Bài Đọc Cựu Ước thường trích ra từ sách Tiên Tri Isaia, một vị Tiên Tri lớn trong thời Cựu Ước, sống vào khoảng hậu bán thế kỷ VIII trước Chúa Giáng Sinh. Tiên Tri đã được linh ứng và tuyên sấm về ngày Đấng Cứu Thế đến, mặc thân xác loài người và sống giữa nhân loại như một con người để chia sẻ thân phận con người như chúng ta, rao giảng Tin Mừng tình thương và Ơn Cứu Độ, chịu bao khổ hình, và chết trên Thập Giá để đền tội và cứu chuộc nhân loại tội lỗi; rồi Ngài đã sống lại và về Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho mọi người tin và sống theo tinh thần Tin Mừng mà Ngài đã rao giảng. Ngài được sinh ra từ cung lòng một Trinh Nữ và được gọi là Emmanuel, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tiên Tri Isaia đã loan báo trước: “Này một Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai…” (Isaia 7: 14)
Tiên Tri Isaia cũng nói đến Đấng Cứu Thế như một “Hoàng Tử Hòa Bình”, và triều đại của Ngài là một thời thanh bính: “Người ta lấy gươm mà rèn nên lưỡi cầy, lấy dao rèn nên lưỡi liềm. Nước này sẽ không còn tuốt gươm để chống nước kia!” (Isaia 2: 4). Đó cũng là thời đại của tình yêu thương, hòa hợp: Sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, bò con, sư tử và chiên sẽ sống chung với nhau; các trẻ thơ sẽ chăn dắt đoàn thú vật, bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi!...” (Isaia 11: 6-9).
Nhưng để có thể đi vào thời đại của Đấng Cứu Thế trong một “Trời Mới Đất Mới”, mỗi người phải sửa đổi cuộc sống cho ngay thẳng, lương thiện, sống công chính và yêu thương. Tiên Tri Isaia đã hô hào: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp các hố sâu, và bạt mọi núi đồi. Con đường cong queo hãy sửa cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng; rồi vinh hiển của Chúa sẽ xuất hiện; mọi người sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa…” (Isaia 40: 3-5).
Chúa Nhật hôm nay (Bài Phúa Âm trích trong Phúc Âm Thánh Luca 3: 1-6), Thánh Gioan Tiền Hô cũng nhắc lại lời Tiên Tri Isaia để kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế: “Hãy ăn năn thống hối, vì Nước Trời đã gần đến. Chính Người là Đấng Tiên Tri Isaia đã loan báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng…”
Bài Đọc I (Sách Baruc 5: 1-9) nói đến ngày Thiên Chúa đến giải thoát Dân Chúa khỏi cảnh lưu đầy và đưa về quê hương. Tiên Tri hô hào dân chúng hãy hân hoan vui mừng, “hãy cởi áo tang chế.” Hãy vui mừng vì ngày giải thoát đã đến. Các núi đồi đã bị triệt hạ, các hố sâu được lấp đầy, mặt đất được bằng phẳng để mọi người bước đi ca hát tôn vinh danh Chúa trong niềm hân hoan. “Khi Chúa đưa dân Sion bị bắt trở về, người người hân hoan như trong một giấc mơ…” (Đáp Ca trích trong Thánh Vịnh 125). Đây cũng là hình ảnh ngày Chúa Cứu Thế đến, ngày công lý và hoà bình ngự trị!
Những hình ảnh cụ thể về công việc “sửa đường và dọn đường đón Đấng Cứu Thế…” đều nói lên công cuộc sửa đổi đời sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta luôn đi theo “đường ngay nẻo chính” sẵn sàng đón Chúa đến với chúng ta. Đó là công việc thánh hóa bản thân và thánh hóa môi trường sống của chúng ta. Thời đại nào, xã hội cũng có những ‘tệ đoan’, những cảnh bất công, gian tham, hà hiếp lẫn nhau. Nhưng chúng ta, những tín hữu của Chúa, chẳng những phải tránh xa những tệ đoan đó, phải tránh xa những sự gian tham, ích kỷ tư lợi, mà còn có bổn phận phải góp phần vào việc sửa đổi xã hội khỏi những tệ đoan đó. Hơn nữa, chúng ta còn phải sống khiêm tốn, hòa hợp yêu thương với mọi người. Vì thế, Thánh Phaolô trong Bài Đọc II (Philipphê 1: 4-6, 8-11) đã nói với chúng ta: “Tôi cầu xin cho anh em được nên tinh tuyền, không gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô lại đến. Như thế, anh em có thể mang lại hoa trái dồi dào là sống một đời sống công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.”
Mùa Vọng là mùa tĩnh tâm dài để mọi người chúng ta dành nhiều thời giờ hơn vào việc cầu nguyện, và trong thinh lặng của đáy tâm hồn, và “từ trong sa mạc ‘của đời sống, chúng ta có thể lắng nghe thấy tiếng Chúa mời gọi chúng ta: ‘Hãy sửa đường lối cuộc đời chúng ta cho ngay thẳng, tránh những quanh co, gian dối; hãy lấp đầy lòng chúng ta bằng công việc lành phúc đức “hoa quả của sự công chính” (Bài Đọc II) thay vì những gian tham; bạt núi đồi của tính kiêu ngạo khoe khoang để tâm hồn chúng ta luôn sống khiêm tốn và hòa hợp yêu thương với mọi người, và “chúng ta sẽ cảm nghiệm được Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa đến với chúng ta và gia đình chúng ta.”
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện để mỗi người chúng ta , dù sống trong điạ vị nào, hoàn cảnh nào, là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta luôn cố gắng sống theo ‘đường ngay nẻo chính’ và lo chu toàn bổn phận của mình. Xin cho các Chủ Chăn, các Linh Mục , tu sĩ nam nữ, luôn cố gắng tận hiến cuộc đời phục vụ Chúa và dân Chúa. Xin cho các bậc cha mẹ biết sống đức tin mạnh mẽ để làm gương sáng cho con cháu. Xin cho các cặp vợ chồng biết sống yêu thương, chịu đựng lẫn nhau, chung thủy trong tình yêu. Xin cho giới trẻ lớn lên được hưởng một nền giáo dục tốt từ nơi gia đình để nắm vững đức tin và luôn cố gắng sống theo đường lối của Chúa.
“Hãy san bằng đồi núi cho Người đi,
Lấp vũng sâu ham hố cho Người qua:
Núi kiêu căng và hố tham lợi danh và hố của hờn ganh! Hãy lấp cho thật nhanh!
Người đang đến, kìa Người đang đến giữa chúng ta.
Người mang đến, kìa Người mang đến ơn cứu độ.
Người đang đến thăm chúng ta, va cứu rỗi, và Người cứu rỗi ta khỏi tội.”
(Ngọc Kôn: Thánh ca “Hãy San Bằng Đồi Núi”).
Xem ra thánh sử Luca đã quá trang trọng tới độ không cần thiết khi đặt những lời rao giảng không MV2-C140
Xem ra thánh sử Luca đã quá trang trọng tới độ không cần thiết khi đặt những lời rao giảng không có gì đặc sắc của Gioan Tẩy Giả trong một khung cảnh lịch sử rạch ròi. Chẳng qua Gioan cũng chỉ lặp lại hay nhắc nhở dân chúng một sứ điệp quen thuộc của ngôn sứ I-sai-a: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa!” Ông kêu gọi người ta chịu phép rửa biểu lộ lòng sám hối để được ơn tha tội.
Qua khám phá những di tích khảo cổ nổi tiếng ở sa mạc Kum-ram bên bời Biển Chết, nhiều người cho là Gioan thuộc phái Es-sê-ni ẩn sĩ của tu viện đó. Việc chịu phép rửa sám hối là một thói lệ của tu viện, và Gioan đã đơn giản phổ biến thói tục này trong dân chúng. Nếu chỉ có thế thì lời rao giảng sám hối của ông chẳng có gì đặc biệt cả. Gio-na trước ông cũng đã từng làm thế với thành Ni-ni-vê, cho dầu trong trường hợp này sám hối chỉ nhằm tránh hình phạt được báo trước.
Gioan cùng lắm cũng chỉ tiến thêm một bước là liên kết việc sám hối (biểu lộ qua việc chịu phép rửa) với ơn tha tội. Sứ điệp của I-sai-a đã nói bóng gió “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”; còn nội dung ơn cứu độ đó là gì thì mỗi người Do Thái đã có những ý kiến rất khác nhau. Luca coi lời kêu gọi sám hối của Gioan có tầm quan trọng đặc biệt chính vì cái ý nghĩa tha tội của Tin Mừng mà có lẽ chính Gioan (và các vị ẩn sĩ Es-sê-ni đã thường xuyên cử hành phép rửa này) cũng chưa chắc đã biết tới. Sau này khi đức Giê-su xuất hiện, ngài cũng kêu gọi sám hối nhưng xác định rõ hơn cái nội dung tha tội này: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15) “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến!”(Mt 4,17). Như vậy đối với Luca đã quá rõ ràng ‘ơn tha tội’ chính là Tin Mừng, đồng thời cũng chính là Nước Trời. Điều này đối với Luca thật là quan trọng tới độ ông phải lồng lời rao giảng sám hối của Gioan vào một khung cảnh lịch sử thật rõ ràng.
Qua điều này tôi nghiệm ra cái ý nghĩa xác thực của ngôn từ ‘Tin Mừng’ hay ‘Nước Thiên Chúa’. Đó chính là Thiên Chúa tha thứ, là Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân từ của Ngài; và việc sám hối tức là nhìn nhận tội lỗi của mình (hay nhìn nhận mình đích thực là một tội nhân) để có được điều kiện tiên quyết‘tin vào Tin Mừng’ hay để đi vào ‘Nước Trời’.Sẽ không thể có ơn cứu rỗi (hay tin vào Tin Mừng, hay đón nhận Nước Trời) mà không có sám hối. Ai tự cho mình là tốt lành, là nhân đức sẽ không thể biết sám hối và do đó cũng không bao giời có thể đón nhận Tin Mừng hay vào Nước Trời. Mối phúc đầu tiên“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3) sẽ là đương nhiên thôi, nếu ta hiểu ‘tâm hồn nghèo khó’ chính là cõi lòng sám hối, là thâm sâu nhìn nhận sự yếu hèn tột cùng của mình. Khó nghèo mang ý nghĩa thiêng liêng và luân lý, trước cả ý nghĩa kinh tế hay xã hội. Thánh Âu-Tinh, trong kinh nghiệm bản thân, đã gọi chính những tội mà ngài đã từng phạm là ‘tội hồng phúc’chỉ vì chúng đã làm cho ngài biết về lòng từ nhân vô hạn của Thiên Chúa; Phao-lô công nhận mình yếu đuối để được nên mạnh mẽ trong đức Ki-tô. Đồng thời điều này cũng chỉ cho tôi biết: điều quan trọng nhất khi sám hối (cả trong lẫn ngoài bí tích Cáo giải) không phải là quyết tâm tránh tội hay sửa mình (là dán cặp mắt nhìn vào mình), mà là cảm nhận cách sâu xa hơn lòng nhân từ tha thứ của Chúa (tức là chiêm ngưỡng chính Chúa); điều được gọi là ăn năn tội cách trọn mà tôi đã được dạy từ tấm bé. Có phải đây chính là nội dung sứ điệp sám hối của Gioan Tẩy giả, một sứ điệp có tầm quan trọng lịch sử, rất đáng được Phúc Âm Luca trân trọng đề cao tương đương với việc đức Giê-su giáng sinh?
Lạy Chúa, xin mở lòng cho con biết đón nhận sứ điệp sám hối mà Gioan đã rao giảng, sám hối để không mạc cảm nhìn vào mình, nhưng là ngước mắt lên, lòng đầy cậy trông và hy vọng vào Tin Mừng Tình Yêu tha thứ. Trong Mùa Vọng này xin cho con có cảm nghiệm sâu xa về con người thấp hèn của mình, qua chính các tội lỗi mà con đã từng phạm, để tâm hồn con mở rộng đón nhận Hài nhi Giê-su giáng sinh, Ngài là biểu hiện vĩ đại nhất của tình yêu Thiên Chúa thứ tha.Xin đón nhận con vào Nước Trời chính trong trạng thái nghèo hèn nhất của mình, để con ca tụng tình thương hải hà của Chúa đến muôn đời. Amen
Tình vẫn phân vân về bài thơ: “tôi là ai”? “Thử hỏi một lần ta là ai? Mà sao mộng mãi giữa đêm MV2-C141
Tình vẫn phân vân về bài thơ: “tôi là ai”?
“Thử hỏi một lần ta là ai?
Mà sao mộng mãi giữa đêm dài
Đêm dài quên ngủ trong sinh tử
Thử hỏi một lần ta là ai?”
Ta là ai vậy nhỉ?Ta có phải là cái tên ngườita vẫn gọikhông? Không rồi, cái tên là do cha mẹ đặt cho, nênnó không thuộc về mình. Ta là ai phải chănglà thân xác này?nhưng thân xác này rồi cũng không ra khỏi vòng sinh lão bệnh tử, sẽ có ngày trởvề cát bụi. Ta là ai mà giữa trốn hồng trần này, cứ mải miết, mải miết trong những vòng xoáy cuộc đời, vàrồi cứ luẩn quẩn trong kiếp sinh tử cát bụi.
Và như thế , ta chẳng là gì, chỉ là cát bụi hư vô. Và một khi ta trở về hư vô thì chẳng ai biết ta và ta cũng chẳng còn quan trọng với ai?
Nhưng có một Đấng biết ta, và ta thuộc về Đấng ấy. Đó chính là Đấng tạo thành ta. Một mai ta sẽ trở về hư không, chẳng ai biết ta, cần đến ta, nhưng lại là thời gian ta ở trọn vẹn bên Đấng đã tạo thành nên ta. Đấng đã nuôi dưỡng ta và mãi mãi yêu ta, thế nên, ở đời này ta chẳng là gì nhưng với Đấng đã sinh ra ta thì ta mãi mãi là hình ảnh của Ngài, là con cái thần linh của Ngài.
Như vậy, cuộc đời này ta thuộc về Đấng tạo Hoá. Ta đang sống sự sống của Ngài, nên ta cũng phải sống làm theo thánh ý Ngài. Nếu ta làm theo ý Ngài hôm nay thì sẽ là công phúc cho ta khi trở về với Ngài. Đấng đó theo niềm tin Ky-tô giáo chính là một Thiên Chúa toàn năng, đấng sáng tạo mọi loại, Đấng điều khiển vũ trụ vạn vật và con người.
Trình thuật tin mừng hôm nay cho ta thấy ý Ngài là muốn ta hãy mở một con đường cho Ngài đến với nhân loại. Như Gioan đã mời gọi con ngừời thời đại ông: hãy mở một con đường cho Chúa đến. Con đường mà Gioan muốn nói là lối sống của chúng ta. Hãy sống và loan báo về lòng thương xót của Chúa. Hãy làm chứng cho nhân loại thấy một chân dung đầy yêu thương của Chúa. Hãy mang Chúa đến một cách cụ thể cho những mảnh đời bất hạnh quanh ta. Họ có thể là người nghèo, là người già nua, là người bệnh tật. . . Họ có thể là những người đang cô đơn vì ly dị, hay bị giầy vò lương tâm khi đang sống rối vợ rối chồng . . . Họ có thể là những người nam người nữ đang túng thiếu tình cảm lẫn tiền bạc . . . Họ có thể là những đứa trẻ đang bị lạm dụng khi phải bươn chải bán vé số, đánh giày, nhặt ve chai . . .
Họ là những người bất hạnhmà năm nay Giáo hội đang mời gọi chúng ta hãy đồng hành với họ. Đồng hành có nghĩa là cùng chờ nhau bước đi, cũng có thể cần phải nắm tay dìu nhau cùng bước. Đồng hành nghĩa là không để ai ở lại phía sau, nhất là họ đang bị tai nạn, bị đói lả, bị bệnh tật hoành hành . . . hãy quay lại để cứu giúp họ, hãy dìu họ qua khó khăn.
Đây là con đường yêu thương, con đường mà nhân loại hôm nay đang cần phải mở rộng và mở nhiều hơn nữa. Vì thế giới vật chất càng để cao thì tình người càng bị lu mờ. Con đường của kinh tế càng phát triển thì đường tình yêu lại bí đóng vào.
Người ta nói: con đường là do lối mòn đi nhiều sẽ thành. Thếnên, người ky-tô hữu hãy quảngđại dấn thân mở lối mòntình yêu đến cho mọi người. Hãy mở một con đường tình yêu, lòng cảm thông, quan tâm, chia sẻtới tha nhân. Hãy mở con đường củatình người không biên giới bằng việc phá bỏ bức tường của ích kỷ hưởng thụ cho bản thân đến hướng tới đồng loại. Ước gì Chúa sẽ đến với tha nhân qua lối mòn yêu thương mà các tín hữu đã tạo ra nên trong cuộc sống hôm nay. Amen
Trong những tháng vừa qua trên báo Việt Nam đề cập đến hai con đường. Con đường thứ nhất MV2-C142
Trong những tháng vừa qua trên báo Việt Nam đề cập đến hai con đường. Con đường thứ nhất tại Ninh Bình: Sau khi chủ tịch nước qua đời và có ý định đưa về quê chôn táng, tỉnh Ninh Bình đã huy động toàn quân đội, công nhân san ủi, làm cống, trải nhựa và bắt điện cho con đường từ đầu làng vào đến phần mộ. Con đường mấy trăm mét và gần một hecta đất mặt bằng được hoàn thành với thời gian kỷ lục là hai ngày. Con đường thứ hai là con đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với mức đầu tư 34 ngàn tỷ chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Sau khi bị phanh phui, giờ đây các nhà thầu sửa con đường này bằng phương pháp thủ công, thủng đâu vá đấykhiến con đường càng thêm lồi lõm.
Thưa quý OBACE, mỗi đầu năm phụng vụ, bước vào mùa vọng, Giáo Hội không ngừng lặp lại lời mời gọi: Hãy dọn đường cho Chúa, lấp đầy những chỗ gập ghềnh, chuẩn bị trang hoàng lại căn nhà tâm hồn để đón chờ một Mùa Hồng Ân mới. Chúng ta sẽ dọn con đường tâm hồn như thế nào?
Lời mời gọi hết sức tha thiết và cụ thể này đã được lấy lại từ lời tiên tri Baruc chúng ta vừa nghe. Khi ấy dân Do Thái đang sống trong cảnh tối tăm đau khổ vì bị làm nô lệ tại Babylon đã mấy chục năm. Nhiều người dường như đã rơi vào tuyệt vọng vì nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ rồi, ở quê nhà, đền thờ Giêrusalem đã bị hoang tàn, không còn phải là nơi Chúa ngự, cũng không còn là niềm tự hào cho cả dân tộc nữa. Giữa lúc cả thể xác và tinh thần của người Do Thái mòn mỏi như vậy, Thiên Chúa đã dùng tiên tri Baruc để khơi lên niềm hy vọng cho họ, Ngài hứa sẽ đưa họ trở về Giêrusalem với những lời lẽ đầy hân hoan phấn khởi: “Hỡi Giêrusalem hãy cởi bỏ áo tang chế và mặc lấy vinh quang vĩnh cửu mà Thiên Chúa ban cho…vì Thiên Chúa sẽ cho khắp hoàn cầu được thấy hào quang rực rỡ của ngươi”.Không những trả lại vinh quang danh dự cho Giêrusalem, Thiên Chúa còn hứa sẽ đổi tên cho Giêrusalem là “Bình an được xây dựng trên nền công chính”. Giêrusalem sẽ chỗi dậy như người mẹ giang tay đón các con từ muôn phương trở về trong niềm vui tươi hớn hở và chính Thiên Chúa sẽ dẫn đầu đoàn dân trở về.
Tuy nhiên, để cho cuộc trở về được an toàn và niềm vui được trọn vẹn, Thiên Chúa ra lệnh phải dọn đường cho phẳng, lấp đầy các thung lũng, bạt phẳng mọi núi đồi để Thiên Chúa và đoàn dân của Người sẽ bước đi trong an toàn và hoan lạc. Lời kêu gọi của tiên tri Baruc không chỉ nhắm vào những con đường bằng đất đá, nhưng là những con đường trong tâm hồn. Con đường này đã được tiên tri Isaia nói rõ hơn và Gioan Tiền Hô làm sáng tỏ qua chính đời sống và lời rao giảng của ông.
Thánh Luca đã đưa ra một cột mốc lịch sử, đánh dấu một thời đại mới, Thiên Chúa thực hiện lời hứa sẽ đến để quy tụ toàn dân Israel và nhân loại: Năm thứ mười lăm triều hoàng đế Tibêria, Philatô làm tổng trấn miền Duđêa, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê…Vào thời điểm đó, một nhân vật đã xuất hiện để kêu gọi mọi người chuẩn bị đón chào Đấng Cứu Thế. Nhân vật đó chính là Gioan Tiền Hô. Cuộc sống của ông đã là một “hiện tượng” đặc biệt cho dân chúng thời đó. Trong lúc mọi người chỉ quan tâm vào cuộc sống hưởng thụ và làm giàu, thì Gioan lại sống một cuộc sống khổ hạnh, nhiệm nhặt trong hoang địa; trong lúc mọi người ăn uống vui chơi buông thả, thì Gioan chỉ ăn châu chấu, uống mật ong rừng và mặc áo bằng da thú.
Cuộc sống của Gioan quả là khác thường, đặc biệt lời rao giảng và kêu gọi của ông đã tác động được đến nhiều người. Ông trở thành con người ứng nghiệm lời của Isaia, trở thành tiếng kêu từ trong hoang địa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.Lời kêu gọi này quả là cấp bách, vì thời cứu độ của Thiên Chúa đã đến gần. Chỉ những ai dám chấp nhận lấp đầy những thung lũng trong tâm hồn, là thung lũng của sự ác và sự chết thì mới có thể đón được đấng là sự sống. Cần phải gạt bỏ khỏi mình những chỗ gập ghềnh gian dối, tội lỗi thì Thiên Chúa mới có thể bước vào tâm hồn chúng ta được.
Gioan Tiền Hô còn thể hiện là một con người khiêm nhường. Mặc dù lúc này, ông được nhiều người tin theo, họ coi ông như là đấng cứu thế, đấng Mêsia, nhưng Gioan không lạm dụng sự yêu mến của mọi người, cũng không ảo tưởng về thành công của mình. Ông biết tận dụng cơ hội khi mọi người tuôn đến với ông để nói về Đấng sẽ đến sau ông: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống để cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.Gioan - một con người đang thành công như thế, lại dám nói về bản thân thật nhỏ bé và việc làm phép rửa của mình thật giới hạn. Ông cho mình không xứng đáng với việc cởi dây giày cho Đấng Cứu Thế và phép rửa của ông không thể sánh bằng phép rửa của Đấng Cứu Thế.
Cộng đoàn Philipphê ngày xưa đã thực hiện được lời mời gọi này, họ sống một cuộc sống thật ngay thẳng chân thành với Chúa và với anh em. Vì thế trong lá thư gửi cho cộng đoàn Philipphê hôm nay, thánh Phaolô tỏ ra hài lòng về những hoa trái trong đời sống đức tin mà cộng đoàn này đã đạt được: “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh chị em, vì từ buổi đầu đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm”.Thánh Phaolô không chỉ khuyến khích cộng đoàn Philipphê, mà còn cầu nguyện cho họ để họ biết chọn lựa cách sống đẹp lòng Chúa, cho lòng mến Chúa nơi họ được dồi dào và tình thương của họ đối với anh em được mặn nồng, sống tinh tuyền và kiên trì làm việc thiện.
Thưa quý OBACE, sống theo mẫu gương cộng đoàn Philipphê cũng chính là điều Giáo Hội đang kêu gọi và Thiên Chúa đang mong đợi nơi mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đoàn chúng ta.
Để được như thế, mỗi người cần phải tự vấn, uốn nắn lại con đường cuộc sống của mình. Có thể cuộc sống của chúng ta còn quá gập ghềnh bởi những sự gian dối, hình thức bên ngoài mà thiếu sự thành thật bên trong. Có thể con đường cuộc đời của mỗi người còn chứa đầy những sỏi đá của sự tham lam, gian dối, bất công, hoặc những núi cao của sự kiêu ngạo, kiêu hãnh, tự mãn về thành công thành quả của mình. Tất cả những gian dối quanh co đó cần phải san cho bằng, lấp cho phẳng. Có thể con đường trong tâm hồn của chúng ta đã quá chật hẹp bởi nhiều lo toan sự đời, cơm áo, công việc, khiến cho Chúa không thể bước vào linh hồn của ta được. Cũng có thể con đường tâm hồn của chúng ta lâu ngày không được dọn dẹp, sửa sang bởi bí tích Giải tội, để cho cây hoang cỏ dại um tùm, khiến chúng ta không nhìn thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời của mình. Cũng có thể con đường để Chúa bước vào tâm hồn của chúng ta đang bị lấn chiếm bởi những thứ không cần thiết cho linh hồn, bởi sự lười biếng, ươn hèn và những thú vui của xã hội, khiến Chúa không thể đến với ta.
Mỗi người không chỉ chuẩn bị cho bản thân, mà còn phải góp phần chuẩn bị cho gia đình và cộng đoàn của mình. Các cha mẹ phải chuẩn bị cho Chúa một chỗ ở trong gia đình mình. Chúa muốn thường xuyên thăm viếng và ở lại với gia đình. Vì thế đứng bỏ lỡ cơ hội cũng đừng từ chối mời Chúa vào nhà mình qua việc siêng rước lễ, qua các giờ kinh sớm tối, nhất là Chúa còn muốn cùng ăn bữa tối mỗi ngày với gia đình. Vì vậy, cha mẹ và con cái cố gắng sắp xếp cuộc sống gia đình ổn thỏa, giải tỏa những gì bận vướng cồng kềnh trong nhà, để cho Chúa hiện diện như là thượng khách trong nhà mình. Chúa là vị khách thường xuyên và còn là thành viên trong gia đình, Chúa sẽ làm cho gia đình mỗi ngày một êm ấm thuận hòa, Chúa sẽ giúp mỗi người biết cư xử với nhau cách tế nhị yêu thương hơn.
Xin Chúa giúp mỗi người, mỗi gia đình biết uốn nắn lại cách sống, chuẩn bị tâm hồn và gia đình mình thật tốt đẹp, ngay thẳng để đón Chúa đến thăm và Chúa sẽ đem niềm vui ơn cứu độ của Ngài cho mỗi người và cả gia đình. Amen.
Thời gian mùa vọng đặt chúng ta trong một lối sống "Chờ đợi", là thời gian đặc biệt chuẩn bị cho MV2-C143
Thời gian mùa vọng đặt chúng ta trong một lối sống "Chờ đợi", là thời gian đặc biệt chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Đây là thời gian của hồng ân, nhưng đây cũng là thời gian của thách đố.
- Thời gian của hồng ân là những khoảnh khắc chờ đợi với nhớ nhung và nóng lòng. Trong Kinh Thánh, sự chờ đợi là thời gian tham dự vào niềm vui và bồn chồn chờ mong. Điều này ta cũng đã trải nghiệm trong cuộc sống của mình. Để chuẩn bị cho một cuộc đón tiếp, niềm vui và sự tưởng tượng thường xâm chiếm con người của ta và nếu sự chuẩn bị kéo dài, ta sẽ đoán trước ra khung cảnh gặp gỡ như thế nào và đặt ta ở trong tâm tình hy vọng, hân hoan. Ta sẽ cảm nhận một cảm xúc thật dễ thương trong khi ước mong cuộc hội ngộ sớm hiện thực.
Đây là thời gian của hồng ân khi ta tin rằng Thiên Chúa đang thực hiện kế hoạch của Người là đem hạnh phúc đến cho nhân loại. Thiên Chúa hy vọng được thấy chúng ta hạnh phúc nên Người gởi Con Một đến cho ta. Tình yêu của Thiên Chúa có một khuôn mặt và Người mong muốn chúng ta nhận biết khuôn mặt của Người. Niềm vui của chúng ta chỉ được nhân lên tột đỉnh khi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện và lúc ấy chúng ta không ngừng thán phục về một Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta từ thuở đời đời và chúng ta được yêu thương mãi mãi trong suốt hành trình cuộc sống của mình vì "Cha đã khắc ghi tên con trong lòng bàn tay Cha" như ngôn sứ Isaia xác định.
Đây là thời gian của hồng ân để ta nhận diện, ta thấy rõ mình và nhận ra ta đã chuẩn bị đời ta thế nào cho cuộc gặp gỡ Ngôi Lời của Thiên Chúa? Thời gian trầm lắng của chờ đợi cũng là lúc ta nhận dạng căn phòng hồn ta, căn phòng nội tâm ấy có còn là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, còn là nơi cầu nguyện; là nơi Thiên Chúa gặp gỡ ta hay không? Hay với thời gian... chốn ấy đã trở thành thung lũng của tội lỗi, núi đồi của kiêu căng, hay quanh co của gian dối... (x Lc 3,5-6) mà ta cần phải sửa đổi, hoán cải. - Thời gian của thách đố, của sám hối tận căn là lúc "Dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi." (Lc. 3,4) Dọn đường, sửa lối cho Chúa đi là những thách đố vì nó dẫn đến sự sửa chữa, cắt tỉa, gọt dũa, thay đổi tâm hồn và cả con người.
Đó là lúc ta phải nhận ra cái thung lũng tội lụy trong con đường tâm hồn mà lâu nay ta đã xúc phạm tới Chúa và tha nhân, đã sai lỗi trong tình yêu với Chúa và thiếu yêu thương với anh em. Là lúc ta cần bồi đầy thung lũng ấy bằng cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, làm các việc lành, bác ái... Thung lũng ấy được bồi phẳng bằng tình yêu vì để cho chính Đấng là Tình Yêu sẽ đi lên. Đó là khi ta nhận ra cái núi đồi kiêu ngạo tự mãn trong con đường tâm hồn cần phải bạt xuống bằng chuyên chăm đọc, suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành, học sống khiêm nhường như Chúa Giêsu trong hành xử và trong mọi lối sống hằng ngày của ta. Vì Đấng sẽ đến trên con đường ấy chính là Đấng tự hạ, hiền lành và khiêm nhường. Và chỉ những ai khiêm nhường mới gặp được Chúa.
Đó cũng là giờ phút ta xét lại con đường tâm hồn mình có những khúc quanh co của gian dối nào cần uốn nắn lại hay phải vạt bỏ đi. Chỗ lồi lõm nào nên san lại cho bằng. Cắt bỏ hay uốn nắn con đường tâm hồn không dễ chút nào, cần phải có quyết tâm và ơn Chúa giúp. Phải từ bỏ mình, từ bỏ những thói quen không tốt làm lồi lõm tâm hồn và đó như là một cuộc chiến đấu cần lắm sức mạnh trợ giúp của Chúa.
Đó là lúc mà ta cần ý thức thân phận yếu đuối tội lỗi của mình và thật lòng sám hối bằng việc cải thiện đời sống, bằng cách đổi mới toàn diện con người của mình. Sám hối là việc hoán cải nội tâm nên đòi hỏi ta phải khiêm tốn nhìn nhận những lầm lỗi thiếu sót của mình và quyết tâm trở về với Chúa, lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải để được Chúa thứ tha. Khi chúng ta ý thức được thân phận của mình, chúng ta mới cần đến ơn cứu độ và lòng xót thương của Thiên Chúa. Như vậy lòng sám hối là nền tảng của ơn cứu độ, là con đường để con người gặp gỡ được Thiên Chúa như Lời Chúa Giêsu đã mời gọi "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 4, 17)
Lắng nghe lời thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi: "Tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội... Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa... Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa." (Lc 3,3-4.6) Ta có muốn thấy ơn cứu độ và gặp gỡ Đấng Emmanuel hay không? Đây là sự tự do chọn lựa của mỗi người. Ơn cứu độ đã bắt đầu khởi sự ngay nơi trần gian này khi mỗi ngày Chúa vẫn đến với ta bằng nhiều cách, nhưng nhiều lần ta đã cố tình tránh gặp Chúa. Vậy ta hãy quyết tâm sửa đổi con đường tâm hồn, ăn ăn hoán cải về những yếu đuối tội lỗi để rồi ngày Chúa đến trong vinh quang, ta sẽ hân hoan như lời thánh Phaolô khuyên "Vui lên anh em... Chúa đã đến gần" (Pl 4,4-5) và ngẩng cao đầu đón Chúa vì trong đời thường ta đã quen gặp gỡ Người, đã chuẩn bị kỹ con đường cho Người ngự đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin thanh tẩy tâm hồn chúng con theo lòng thương xót của Chúa và xin hãy đến ban ơn cứu độ chúng con. Amen.
Trên vách núi của Chùa Huyền Không Thượng ở Huế có ghi: “Ta còn hơi thở nụ cười, là còn MV2-C144
Trên vách núi của Chùa Huyền Không Thượng ở Huế có ghi: “Ta còn hơi thở nụ cười, là còn bát ngát một trời hương xuân”. Câu thơ muốn nói lên một thái độ thường hằng và là động lực giúp ta vượt qua bao gian khổ để đi tới phía trước với tất cả niềm hy vọng. Qủa thế, khi chúng ta hy vọng nghĩa là hướng tới một thực tại, một điều gì đó tốt rất xa, có khi vượt qua cái chết và dĩ nhiên hy vọng như thế sẽ chi phối toàn bộ hành động, lời nói, việc làm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta để đạt được điều chúng ta đang hy vọng. Vâng, các bài Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta thấy rằng chúng ta có niềm hy vọng rằng hết mọi người phàm sẽ thấy, gặp gỡ và đón nhận ơn cứu độ, là chính Chúa Giêsu đến trong đời mỗi người chúng ta dù chúng ta có bất toàn và bất xứng, dù chúng ta hạnh phúc hay đau khổ, mạnh khỏe hay bệnh tật. Chính vì vậy mà ông Gioan tẩy giả kêu gọi: hãy dọn đường, sửa lối cho thẳng để Chúa đến làm cho đời ta tươi sáng, bình an và hạnh phúc bát ngát một trời hương xuân.
Lời Chúa mời gọi hãy dọn đường? Đường nào, và dọn bằng cách nào? Đường đó chính là con đường tấm lòng ra cung cách sống của chúng ta, nó bằng phẳng êm đềm (là bình an, sự thánh thiện, sự siêu thoát vật chất) hay quanh co gồ ghề, lồi lõm (là sự buồn bả thất vọng hay tội lỗi). Cho nên, nếu chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng vào tiền bạc, danh vọng, dục vọng và quyền lực, chúng ta làm mọi cách dù phải gian xảo mưu mô độc ác gian tà miễn sao có được chúng thế là đủ rồi, còn chuyện sống yêu thương hay sự sống đời sau không quan tâm, tội lỗi mặc kệ. Ngược lại, nếu không có những thứ đó thì mình đau khổ, tủi hổ bực tức khó chịu, chua cay gắt gỏng. Nếu đặt niềm hy vọng vào sức khỏe, trí thức hay nhan sắc, chúng ta tìm mọi cách đạt cho được, không được thì tuyệt vọng.
Đó chỉ là niềm hy vọng của tính xác thịt, của nhục vọng. Chúa nói tất cả những thứ đó không xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng xuất phát từ lòng người, từ thế gian, mà thế gian sẽ qua đi cùng với dục vọng của nó, chẳng có gì bền vững. Ngược lại, nếu chúng ta đặt niềm hy vọng vào cuộc sống hiệp nhất và yêu thương, sẻ chia và đồng hành với nhau, xử sự công bằng và đồng tâm xây dựng hạnh phúc bình an cho nhau, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận Chúa làm gia nghiệp và Lời Chúa làm lẽ sống và kim chỉ nam cho mọi lời nói và hành vi luân lý của chúng ta trong đời sống. Cho nên, Thánh Phaolô trong bai đọc 2 khẳng định với chúng ta rằng: “Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh chị em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm. Như thế, anh chị em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Pl 1,6.11).
Chúng ta đã đặt niềm hy vọng vào Chúa và mục đích của chúng ta nhắm đến là Thiên Chúa và sự sống đời sau, hạnh phúc thiên đàng: đúng đấy, đẹp đấy nhưng con đường và phương tiện chúng ta dùng để tới không đúng và hợp với ý Chúa, Lời Chúa và Giáo lý của Hội Thánh. Chẳng hạn, vì cuộc sống vợ chồng tối ngày sào xáo, chửi bới la lối thóa mạ, gây đau khổ cho nhau dù có một hai ba mặt con, thôi ly dị cho rồi, đường ai nấy đi để tìm hạnh phúc khác và đỡ mắc tội Chúa phạt chết, còn con cái ai nuôi cũng được, nếu không thì cho nó vào trung tâm trẻ em đường phố hay vào cô nhi viện của các Bà Sơ là xong. Chúa và Giáo Hội đâu dạy như thế! Rồi chuyện trai gái yêu nhau thời yêu cuồng sống vội, chưa cưới đã sống chung trước, lỡ mang thai, thôi kéo nhau đi phá cái thai lỡ lầm này cho rồi vừa đỡ khổ nhục vừa không bị tai tiếng gì đến bà con, họ hàng hay Đạo hạnh nữa. Chúa và Giáo hội đâu bảo làm thế! Chưa hết, vì chuyện phụng dưỡng ông bà, cha mẹ già bệnh tật mà vợ chồng phải khổ cực, mất giờ, mất tiền, cãi cọ phân bì… thôi gửi ông bà vào viện dưỡng lão có người chăm sóc kỹ hơn; nếu đau nặng nói bác sĩ tiêm một liều thuốc chết êm dịu đỡ kéo dài sự đau khổ ông bà, cha mẹ tội nghiệp. Đó đâu phải là ý Chúa và Giáo Hội dạy! Và cuối cùng, vì thất tình, vì thất bại làm ăn, vì gặp đau khổ thể xác tinh thần bệnh tật triền miên thôi tự tử cho rồi sống chi cho thêm đau lòng. Chúa và Giáo hội đâu cho phép làm thế!
Tất cả những con đường ấy đâu phải con đường của Chúa vì trái với Tin Mừng, không hợp ý Chúa, và cũng chẳng đúng với Giáo huấn của Hội Thánh. Bài đọc hai, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng anh chị em phải có lòng mến trong Chúa Giêsu Kitô, hãy làm việc thiện, ăn ở ngay lành, biết cái gì là tốt hơn nên làm và cái gì xấu nên từ bỏ hay tránh đi để trở nên tinh tuyền, thánh thiện trong mọi việc chúng ta làm. Đó là con đường chắc chắn dẫn ta đến một đời sống công chính nhờ Đức Giêsu Kitô và một lối sống phù hợp với ý Thiên Chúa và Lời Ngài, Ngài sẽ đảm bảo cuộc sống bình an, trường thọ và hạnh phúc đích thực. Cho nên, Lời Chúa của Chúa nhật thứ 2 Mùa Vọng này mời gọi chúng ta dọn đường có nghĩa rằng phải sám hối, thay đổi cái nhìn về tiền của, thay đổi lối cư xử thiếu đạo đức, có cái nhìn khách quan khi các biến cổ xảy đến trong cuộc sống hằng ngày, nhất là luôn hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả để rồi dẫn đến lối sống phù hợp với ý Thiên Chúa và Giáo Hội. Và khi chúng ta chấp nhận san bằng đồi núi kiêu căng, lấp hô sâu tự ái, uốn thẳng tính gian tham và làm sạch tội lỗi trong tâm hồn nhờ cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa Giải, chắc chắn chúng ta sẽ thấy, gặp và nhận được Chúa nguồn bình an hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc đời này và đời sau.
Chúng ta đang sống trong năm phụng vụ với lời mời gọi của Các Đức Giám Mục Việt Nam năm nay: Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Ước gì Lời Chúa hôm nay thúc đẩy mỗi người trong chúng ta cố gắng sống tâm tình sám hối, sửa lại những tính hư tật xấu từ trong ra ngoài để xứng đáng được ơn cứu độ của Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn của chúng ta làm cho chúng ta hạnh phúc và bình an đồng thời thúc bách chúng ta hăng hái đồng hành sẻ chia, giúp đỡ và an ủi với các gia đình đang sống quanh chúng ta gặp khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống hầu họ cũng được Thiên Chúa đồng hành và ban niềm vui và hy vọng làm cho họ cảm thấy cuộc đời nở hoa chứ không bao giờ bế tắc. Amen.
Tiếp tục chủ đề Tỉnh Thức Chờ Đợi Chúa Đến của Chúa nhật I Mùa Vọng năm C, Lời Chúa của MV2-C145
Tiếp tục chủ đề Tỉnh Thức Chờ Đợi Chúa Đến của Chúa nhật I Mùa Vọng năm C, Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta: Mở Đường.
Khi đề cập đến sự cần thiết của con đường, người ta thường hay nói: “Đường, trường, trạm”. Thật vậy, con đường rất cần thiết trong cuộc sống. Có con đường thì mới tới được Trường, có con đường thì mới đến được Trạm. Con người muốn gặp gỡ, giao lưu buôn bán với nhau cần có những con đường. Vì vậy, người ta đã tạo ra biết bao con đường: Đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không. Đường càng tốt đi lại càng dễ dàng. Đó là những con đường cao tốc: bằng phẳng, thẳng thắn, rộng rãi. Gần đây chúng ta nghe nói tới dự án “Đường bay vàng” từ Hà Nội tới Sài Gòn nhằm đem lại những lợi ích về thời gian và kinh tế.
Từ sự cần thiết của con đường vật chất giúp chúng ta liên tưởng tới sự cần thiết của con đường thiêng liêng, là tâm hồn mỗi người chúng ta. Cũng như con đường vật chất, Chúa muốn chúng ta mở những “Con đường vàng”. Có hai con đường thiêng liêng cần thiết chúng ta cần phải mở. Đó là con đường giữa ta với Chúa và con đường giữa ta với tha nhân.
Thứ nhất, để Chúa dễ dàng đến với chúng ta và chúng ta dễ dàng đến với Chúa: Cần phải lấp đầy những hố sâu ích kỷ; Phải làm thẳng những lối suy nghĩ quanh co; Phải san phẳng những núi đồi kiêu ngạo; Phải bạt cho thấp những bất công; Phải loại bỏ những thói hư tật xấu. Đó là nội dung lời mời gọi của tác giả sách Barúc và của Gioan Tẩy Giả: “Phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu” (Br 5,7). Và, “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng”(Lc 3,5). Trong bài đọc II, Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta trong khi chờ đợi Chúa đến cần phải “Tăng cường lòng mến” và “Không làm gì đáng trách”, Ngài nói: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm”(Pl 1, 9-10).
Thứ hai, để mở những con đường giữa ta với tha nhân: Cần phải loại bỏ những hận thù ghen ghét, hờn giận; Cần phải bắc những chiếc cầu cảm thông tha thứ, giải toả những hiểu lầm, nghi kỵ: Có thể giữa làng xóm láng giềng với nhau, có thể giữa cha mẹ với con cái, có thể giữa vợ chồng, hoặc giữa anh chị em ruột thịt với nhau. Khi gỡ bỏ được những bức tường ngăn cách đó, chúng ta sẽ gặp được sự bình an và niềm vui. Câu chuyện cảm động sau đây đáng chúng ta suy nghĩ.
Một thương gia trong một thị trấn nhỏ nọ có hai người con trai sinh đôi. Hai chàng trai cùng làm việc tại cửa hàng của cha mình.
Khi ông qua đời, họ thay ông trông coi cửa hàng. Mọi việc đều êm đẹp cho đến một ngày kia, khi một tờ giấy bạc biến mất…
Người em đã để tờ giấy bạc đó trên máy đếm tiền rồi đi ra ngoài với khách. Khi quay lại, tờ giấy bạc đã biến mất.
Người em hỏi người anh: – “Anh có thấy tờ giấy bạc đâu không?”. – “Không!”, người anh đáp.
Tuy thế, người em vẫn không ngừng tìm kiếm và gạn hỏi: – “Anh không thể không đụng đến nó. Tờ giấy bạc không thể tự đứng dậy và chạy đi được! Chắc chắn anh phải thấy nó!”
Sự buộc tội phảng phất trong giọng nói của người em. Căng thẳng bất đầu tăng lên giữa hai anh em. Sự oán giận cũng theo đó mà len vào.
Không lâu sau, một hố ngăn cách gay gắt và sâu thẳm đã chia cách hai chàng trai trẻ. Họ không thèm nói với nhau một lời nào. Cuối cùng không làm chung với nhau, và một bức tường ngăn cách đã được xây ngang giữa cửa hàng. Sự thù địch và oán giận cũng lớn lên tiếp theo 20 năm sau đó, lan đến cả gia đình họ.
Một ngày nọ, một người đàn ông đỗ xe ngay trước của hàng. Ông bước vào và hỏi người bán hàng: - “Anh đã ở đây bao lâu rồi?”. Người bán hàng đáp rằng anh đã ở đây cả cuộc đời. Vị khách nói tiếp: - “Tôi phải nói với anh điều này 20 năm trước tôi đang đi xe lửa và tạt vào thị trấn này. Lúc đó vì tiền khô cháy túi tôi đã phải chịu đói khát suốt 3 ngày trời. Khi tôi đến đây bằng cửa sau thấy tờ giấy bạc trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi ra ngoài. Những năm qua tôi không thể quên điều đó. Tôi biết nó không phải là món tiền lớn nhưng tôi phải quay lại đây và xin anh tha thứ lỗi.”
Người đàn ông ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt lăn trên má của người bán hàng trạc tuổi trung niên này.
“Ông có vui lòng sang cửa hàng bên và kể lại chuyện này cho người đàn ông trong cửa hàng đó được không”. Anh ta đề nghị.
Rồi người khách lạ càng ngạc nhiên hơn khi thấy hai người đàn ông trung niên, trông giống nhau, ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng.
Sau 20 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn. Bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được đập bỏ.
Lạy Chúa, xin cho con biết dọn dẹp con đường tâm hồn mình: Lấp đầy những hố sâu, san phẳng những mô cao, uốn thẳng những khúc quanh co, để Chúa dễ dàng đến với con và con dễ dàng đến được với Chúa. Xin cho con biết đập bỏ những bức tường thù hận, ghen ghét, nghi kỵ, biết xây những chiếc cầu yêu thương tha thứ giữa con với anh chị em con. Amen.
Tin mừng Lc 3:1-6: Mùa Vọng là mùa mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn chúng ta hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Chúa. Chúa muốn chúng ta giới thiệu Chúa cho anh em...
Hoang địa thường được nhắc đến trong Thánh Kinh. Những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và MV2-C146
Hoang địa thường được nhắc đến trong Thánh Kinh. Những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người thường diễn ra trong hoang địa. Môsê đã phải lẩn trốn vào hoang địa để biết Ý Chúa và nhận lãnh sứ mạng giải phóng dân tộc. Bốn mươi năm trong hoang địa là thời kỳ thanh luyện cần thiết để dân riêng được vào Đất Hứa. Truyền thống đi vào hoang địa đã không ngừng được các tiên tri làm sống lại như một kinh nghiệm cần thiết trước khi thi hành sứ vụ. Nhưng điển hình và mang nhiều ý nghĩa hơn cả vẫn là 40 đêm ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa và những đêm cầu nguyện lâu giờ của Ngài trong nơi vắng vẻ.
Chính vì thế từ trong hoang địa, thánh Gioan Tẩy Giả không những đã nắm được tiếng Chúa, mà còn can đảm hô lớn cho mọi người được nghe thấy: "hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa đường cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi. Đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng."
Hưởng ứng lời kêu mời của thánh Gioan, chúng ta cũng phải sửa lại những con đường trong tâm hồn cho ngay thẳng, sạch đẹp. Nghĩa là tâm hồn ta phải luôn ngay thẳng, chính trực, không quanh co, gian dối, giả tạo… Ngay thẳng là một trong những yếu tố chính yếu của sự công chính, thánh thiện. Thiết tưởng người Kitô hữu cần phải tạo cho mình một tư cách ngay thẳng chính trực, nói hay làm gì cũng phải "công minh chính đại", không lén út, không quanh co. Tư cách của người Kitô hữu là phải tôn trọng sự thật, nghĩ thế nào, nói thế ấy; “hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ” (Mt 5,37). Nghĩ một đàng nói một nẻo là thói của bọn tiểu nhân, của phường gian ác. Nguyên nhân biến con người thành quanh co, giả hình, mưu mô…chính là tâm địa ích kỷ, nhiều tham vọng, muốn phình to bản ngã. Tâm địa này khiến người ta cố gắng đạt được những điều mình ham muốn như danh vọng, quyền lực, tiền bạc - với bất cứ phương tiện nào, kể cả những phương tiện xấu xa, và bằng bất cứ giá nào, kể cả tội ác. Tệ hơn nữa, nhiều khi chúng ta còn cam tâm hãm hại tha nhân, làm phương hại đến của cải cũng như danh thơm tiếng tốt của người khác. Hủy hoại danh thơm tiếng tốt của người khác, Trời Đất sẽ không dung tha như nhân gian kể lại câu truyện của Tôn Nham như sau:
"Lý Thúc Khanh là một vị quan thanh liêm chính trực, nhưng lại bị một đồng sự là Tôn Nham ghen ghét đố kỵ. Nhằm mục đích hủy hoại danh tiết của Lý Thúc Khanh, Tôn Nham đã tung tin đồn rằng: “Lý Thúc Khanh bề ngoài thì có vẻ đạo đức đấy, nhưng tôi thấy ông ta thật không bằng súc vật.” Mọi người hỏi tại sao ông lại có những lời lẽ như thế, thì ông ta ngang nhiên nói rằng: “Lý Thúc Khanh và em vợ có quan hệ bất chính với nhau, thử hỏi ông ta có còn là con người nữa không?” Thế là lời vu khống đã lan truyền đi khắp nơi.
Sau khi Lý Thúc Khanh nghe được, ông muốn hỏi em vợ cho ra lẽ nhưng lại không dám, cuối cùng , không hiểu tại sao mình lại bị dèm pha như vậy, nên ông đã chết vì quá uất ức. Về phần người em vợ, khi nghe được lời đồn đại cũng đau khổ khôn xiết, không giải được nỗi oan nên cũng đã thắt cổ tự vẫn.
Chỉ vài ngày sau khi hai người mất, trời bỗng nhiên mưa to dữ dội, sấm chớp đùng đùng một cách lạ thường. Tôn Nham đã bị bị sét đánh chết. Ngay cả sau khi được mai táng rồi Tôn Nham vẫn còn bị sét đánh nữa. Mộ phần và quan tài bị sét đánh bật tung ra, thi thể lộ ra ngoài.
Chỉ vì sự ghen ghét đã hủy hoại thanh danh của người khác, làm hại đến sinh mạng con người là một tội ác tày trời. Tôn Nham buông lời xấu xa đã làm tổn hại đến danh tiết và sinh mạng của hai người, bị Thiên Thượng trách phạt, vì thế nên Tôn Nham bị sét đánh đến hai lần. Thế nhân hãy lấy đây làm tấm gương cảnh tỉnh bản thân, không được ghen ghét tung tin mê hoặc, hủy hoại danh thơm tiếng tốt của người khác.”
Kính thưa cộng đoàn,
Mùa Vọng là mùa mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn chúng ta hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Chúa. Chúa muốn chúng ta giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, chúng ta lại chỉ lo mở đường cho chính những tham vọng của chúng ta. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, chúng ta lại lo làm chứng cho một cái gì đó. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, chúng ta lại chỉ giới thiệu “cái tôi” của chính bản thân mình. Hôm nay thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta dọn đường cho Chúa ngự đến: "Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa đường cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi. Đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng." Amen.
Tin mừng Lc 3:1-6: Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta hãy cày xới và vun trồng cho sa mạc tâm hồn chúng ta nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế: "Có tiếng kêu trong sa mạc: 'Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi".
Một mẩu chuyện của người Phi Thomas Morton là một tiểu thuyết Châu kể lại rằng: Một người MV2-C147
Một mẩu chuyện của người Phi Thomas Morton là một tiểu thuyết Châu kể lại rằng: Một người Ả-Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế. Anh ta giải thích như sau: "Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi".
Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng vậy tâm hồn con người luôn hướng về điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người cũng sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu nó không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao cương nghị, biết bao mồ hôi… để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi tốt… Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi ngày.
Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta hãy cày xới và vun trồng cho sa mạc tâm hồn chúng ta nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế: "Có tiếng kêu trong sa mạc: 'Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi". Đó là tiếng kêu của Gioan Tiền Hô. Là tiếng kêu trong sa mạc, Gioan không thể vắng bóng trong Mùa Vọng Giáng Sinh, vì đời sống của Gioan đã gắn liền với đời sống của Chúa Cứu Thế như "tiếng kêu" gắn liền với Đấng là "Lời của Thiên Chúa". Đàng khác, đời sống của vị Tiền Hô chỉ có lý do khi có Đấng Cứu Thế xuất hiện phía sau; và đời sống của vị Tẩy Giả làm phép rửa sám hối chỉ có ý nghĩa khi có Chúa Giêsu, Đấng sáng lập bí tích Thánh Tẩy để tha tội.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã làm xuất phát những tiếng kêu qua các Ngôn Sứ trong Cựu Ước để tiên báo Đấng Thiên Sai Cứu Thế sẽ đến. Là Ngôn Sứ cuối cùng của Cựu Ước, tiếng kêu của Gioan Tiền Hô đã đúc kết, tổng hợp mọi tiếng kêu của các Ngôn Sứ khác, như tiếng kêu của Isaia, tiếng kêu của Êlia, tiếng kêu của Giêrêmia, của Barúc (Bđ.1). Chính vì vậy "Tiếng kêu trong sa mạc" là tên gọi của Gioan, một tên rất mông lung, có vẻ vô danh, nhưng lại rất súc tích: "Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ".
Thưa anh chị em,
Ngày nay, khi nói "Tiếng kêu trong sa mạc", người ta thường hiểu là tiếng kêu vô ích, lời hô hào không được ai hưởng ứng, không được đón nghe. Nhưng tiếng Gioan đã kêu lên trong sa mạc không phải là "tiếng kêu trong sa mạc" theo nghĩa đó. Trái lại, tiếng kêu ấy đã lôi kéo đủ thứ mọi hạng người từ khắp sứ Palestine đến với Gioan trên bờ sông Giođan. Tiếng ấy mặc dù kêu lên trong sa mạc nhưng đã vang vọng tới tận thủ đô Giêrusalem và một phái đoàn chính thức đã được các vị lãnh đạo tôn giáo sai đến chất vấn Gioan tận nơi sa mạc.
Tiếng kêu của Gioan không vô ích và cũng không lỗi thời, vì ngày nay, sau gần 2000 năm, tiếng kêu ấy vẫn còn tác động mạnh mẽ trong lòng nhiều người. Những điều xưa kia Gioan nói với dân chúng, hiện nay vẫn còn hợp thời, vẫn còn có giá trị. Và trong thực tế, ở khắp nơi trên thế giới, bao lâu hỗn loạn, tranh chấp, hận thù vẫn còn thì công cuộc dọn đường cho Chúa đến vẫn còn cấp bách. Như vậy, tiếng kêu của Gioan vẫn mãi mãi cần thiết để con người thay đổi đời sống cho tốt đẹp hơn.
Mỗi Mùa Vọng, tiếng kêu của Gioan trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh chúng ta; đặt chúng ta đối diện trước một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội, để chúng ta xét mình, kiểm điểm nếp sống, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm trọn hảo, để dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa Cứu Thế ngự đến. Tuy nhiên, đối với một số người, tiếng kêu của Gioan đã trở thành thực sự là "tiếng kêu trong sa mạc", không được họ lắng nghe và hưởng ứng; bởi vì lòng họ là những đô thị ồn ào, nhộn nhịp, hỗn độn, ô nhiễm…, lòng họ thiếu sự thanh vắng, cô tịch của sa mạc, nên họ không nghe được tiếng kêu của Gioan: hãy dọn đường cho Chúa. Tiếng kêu của Gioan không gặp được một âm vang nào trong lòng họ, hoặc có đi nữa thì cũng chỉ là nhất thời và hời hợt như "hạt giống rơi vào bụi gai" mà Chúa đã giải thích là "những hạng người nghe lời Chúa, rồi bị những mối bồn chồn lo lắng, đam mê khoái lạc trên đời làm nghẽn đi mà không sinh hoa kết quả được" (Mt 13,18-23).
Vì vậy, muốn nghe được tiếng kêu của Gioan Tiền Hô thì phải tạo cho lòng mình trở nên sa mạc. Sa mạc là nơi thuận tiện cho cuộc hẹn hò gặp gỡ thân tình để nghe rõ tiếng Chúa hơn và để nhận lãnh sứ mạng của mình. Như ngôn sứ Hôsê đã viết: "Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Israen vào sa mạc, vào nơi thanh vắng, để ở đó, lòng kề lòng, Ta sẽ tâm tình với nó" (Hs 2,16). Ở sa mạc Sahara ngày nay, người ta vẫn còn thấy có những cộng đoàn tu sĩ, như các Tiểu đệ, Tiểu muội Chúa Giêsu, theo tinh thần Cha Charles de Foucauld, các tu sĩ ấy dù ở đâu cũng phải qua một thời gian tu luyện sống với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa gọi giữa sa mạc, giữa cảnh cô tịch, nghèo khó, để sau khi đã có kinh nghiệm cụ thể về sa mạc các tu sĩ ấy có thể tạo cho lòng mình trở nên sa mạc trong khi dấn thân phục vụ con người ở giữa lòng đời. Đó chính là công việc vun xới cho sa mạc nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta không đi vào sa mạc như các tu sĩ Tiểu đệ, Tiểu muội của Chúa Giêsu được, nhưng chúng ta cần phải tạo cho lòng mình trở thành một sa mạc, một nơi trầm lặng, yên tĩnh, bình an, để dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi giữa cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp, bề bộn, căng thẳng nầy. Có nghe được tiếng Chúa nói qua tiếng kêu của Gioan Tiền Hô hôm nay, chúng ta mới bắt tay vào việc dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa ngự đến: Phải sửa lại đường xưa lối cũ, uốn nắn cho ngay thẳng những lối đi quanh co theo sở thích trái chướng của mình, lúc thế này khi thế khác… Phải trung thành trước sau như một, thi hành mọi đòi hỏi của Tin Mừng. Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình Chúa, tình người đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần trở thành huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn, sẵn sàng cho Chúa đến, rồi cuối cùng như Gioan loan báo: "Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ".
Tin mừng Lc 3:1-6: lời mời gọi của vị Gioan Tiền hô có còn hữu hiệu cho chúng ta ngày nay không? Chúng ta đang sống trong mùa Vọng, không phải là mùa đợi chờ một biến cố đã xảy ra trong quá khứ, cũng không phải là mùa để trang hoàng cây thông, ông già tuyết...
Suy niệm:
Niên lịch chúng ta sử dụng tới nay đã là năm thứ 2018. Vậy đâu là mốc điểm để bắt đầu tính niên MV2-C148
Niên lịch chúng ta sử dụng tới nay đã là năm thứ 2018. Vậy đâu là mốc điểm để bắt đầu tính niên lịch cho đến năm hiện nay? Đó là cách tính lịch được tu sĩ Dionysius Exiguus đặt ra vào thế kỷ thứ VI khi ngài tính lịch cho các ngày lễ Phục Sinh và được dùng với các lịch Julius và Gregory. Theo đó, Công Nguyên là kỉ nguyên theo truyền thống được bắt đầu bằng năm của Chúa Giêsu sinh ra. Các năm trước đó được gọi là trước Công Nguyên hay trước Tây lịch. Điều này cho thấy, việc sinh hạ của Chúa Giêsu không phải là một huyền thoại mà có tính chất lịch sử. Và lịch sử ấy được Thiên Chúa hoạch định với một chương trình cứu độ nhân loại, nên còn được gọi bằng lịch sử cứu độ.
Bài đọc I trình bày về tiên tri Barúc xuất hiện vào sau thời kỳ dân Chúa được hồi hương sau thời gian lưu đày. Nhưng dân chúng lại thất vọng vì thấy cảnh khó khăn trong việc tái thiết Đền thờ và xây dựng lại đất nước. Trong bối cảnh đó, tiên tri Barúc đã khích lệ dân Chúa với một niềm hân hoan về việc dân được Thiên Chúa đưa từ một cuộc sống đau khổ lầm than trở về quê cha đất tổ. Như vậy, giữa bao thăng trầm lịch sử, Thiên Chúa không hề bỏ rơi nhưng luôn đồng hành và dẫn dắt dân.
Thiên Chúa còn ở với dân qua Người Con Một. Chính thánh sử Luca cũng đã trích lại sự kiện mang tính cụ thể thời gian chuẩn bị cho cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu. Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế. Vào thời điểm này, Chúa đã kêu gọi Gioan, con ông Giacaria, trong hoang địa rao giảng phép rửa sám hối xin ơn tha tội. Gioan mời gọi dân chúng thực hành những việc cụ thể: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” như lấp mọi hố sâu, bạt mọi núi đồi, sửa cho thẳng con đường cong queo, san cho bằng con đường gồ ghề...
Và liệu lời mời gọi của vị Gioan Tiền hô có còn hữu hiệu cho chúng ta ngày nay không? Chúng ta đang sống trong mùa Vọng, không phải là mùa đợi chờ một biến cố đã xảy ra trong quá khứ, cũng không phải là mùa để trang hoàng cây thông, ông già tuyết, những dây kim tuyến với đèn màu nhấp nháy như ở tại các cửa hiệu người ta trang trí thật rực rỡ, trang bị những chiếc nón ông già noel cho nhân viên bán hàng để bắt mắt khách hàng, hy vọng khách tới cửa hiệu họ đông hơn. Thưa không! Mùa Vọng mời gọi chúng ta về một sự thống hối với niềm hy vọng và hướng về phía trước, hầu có thể sẵn sàng để đón nhận ơn cứu độ khi Chúa đến.
Câu chuyện “Tìm Chúa” trích từ Phút cầu nguyện cuối ngày”, tập 1 kể về một chàng thanh niên nọ nghe nói Chúa ở trên ngọn núi tận cùng trái đất. Anh muốn tìm gặp Chúa để Chúa xin Chúa cứu giúp. Nhưng ngay lúc anh khởi sự hành trình leo núi thì Thiên Chúa tự nhủ:
- Làm thế nào Ta chứng tỏ cho loài người biết Ta thương mến họ? Ta biết rồi: Ta sẽ xuống núi và ở lại giữa họ.
Khi leo đến đỉnh núi, tìm Chúa không gặp, anh thanh niên kia bèn nghĩ: Chẳng có Chúa, vì nếu có thì Chúa đã ở đây.
Vâng, nhiều khi chúng ta tìm Chúa sai chỗ: Thiên Chúa đã đi bước trước, xuống thế làm ngời ở giữa chúng ta. Ngài muốn cứu vớt chúng ta, và chờ đợi chúng ta nghe tiếng Người để “hoán cải tâm hồn” để thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.
Lời thánh Gioan Tiền hô trong đoạn Tin Mừng mời gọi mỗi chúng ta đi vào sa mạc hoang vắng để có thể dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa. Đi vào nơi hoang vắng không phải là tìm mua một vé máy bay qua Sahara hay leo lên dãy Hoàng Liên Sơn. Ở giữa sự nhộn nhịp của chốn phồn hoa đô hội cũng có thể có những sa mạc lòng. Đó chính là khi chúng ta dành ít phút có thể đầu ngày sống, hay trước khi đi ngủ, khi lái xe một mình trên phố, hoặc quỳ lại bên Chúa ít phút sau giờ Lễ…
Chúng ta được mời gọi đến nơi hoang vắng để gặp Chúa bằng cách ra khỏi nếp sống bon chen thường nhật, bỏ qua một bên những lo lắng bộn bề của cuộc mưu sinh, khỏi con người cũ cùng những tính cố hủ, khỏi những lời kinh nhẩm đi nhẩm lại theo một thói quen mà có khi đọc cách máy móc. Và với chính kinh nghiệm cá nhân của mỗi người, chúng ta có thể cảm nhận được Chúa còn hoán cải chúng ta khỏi những tâm tư, thái độ và lời nói đầy kiêu ngạo, nóng giận và ghen ghét, trước những ước muốn chứng tỏ quyền lực làm tổn thương biết bao người trong cuộc sống hàng ngày, khỏi những tật xấu đam mê, khỏi những yếu đuối đòi hỏi tính xác thịt, lòng ham mê của cải, hay khỏi tính ù lì lười biếng, khỏi sự nguội lạnh trong đời sống đức tin…
Trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ ba mồng 4/12/2018 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức thánh cha Phanxicô mời gọi tín hữu đừng nói xấu, gây hại cho những người khác, khiêm nhường hạ mình như chính Chúa Giêsu đã hạ mình xuống trên chúng ta. Người Kitô hữu hoán cải tâm hồn, xây dựng hòa bình phải là người luôn tiến về phía trước, bắt chước Thiên Chúa, đi bước trước trao tặng Con Ngài đến để làm hòa chúng ta với Chúa, vậy chúng ta cũng hãy trở nên những Kitô hữu biết lấp đi những hố sâu ngăn cách nhau, thay vì xây những bức tường, chúng ta hãy xây những cây cầu để nối lại tình thân với nhau.
Lạy Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An, xin cho chúng con biết sửa cho ngay những nẻo đường quanh co trong con người mình để có thể sẵn sàng đón Chúa đến. Amen.
Mùa Vọng là Mùa đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng mang đến cho chung loài người và MV2-C149
Mùa Vọng là Mùa đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng mang đến cho chung loài người và riêng dân Do Thái Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Bởi vì, từ sau nguyên tội, loài người đã sống trong đau thương, về cả tâm hồn lẫn thể xác, đến độ, đúng như cảm nghiệm của Phật giáo: "đời là bể khổ".
Thế nhưng, vì Thiên Chúa dựng nên con người là để được sống đời đời, để được hưởng phúc trường sinh bất diệt, mà họ không thể nào chấp nhận được thân phận khổ đau bất hạnh của mình. Theo giòng lịch sử, họ đã tìm đủ cách để làm sao có thể "vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24).
Đó là là lý do mới có các "đạo" giáo khác nhau, tức là có những "con đường", những "đạo lộ" khác nhau để con người vừa có thể thoát khổ vừa có thể được đạt được hạnh phúc. Một trong những "con đường" hay "đạo lộ" rõ ràng có chủ trương "cứu độ" con người như "đạo" Do Thái và "đạo" Thiên Chúa (Kitô giáo) đó là "đạo" Phật (Phật giáo).
Tuy nhiên, trong khi "đạo" Phật chủ trương "tự độ", nghĩa là tự cứu mình, bằng cách diệt dục là tham sân si khi còn sống trên đời này cũng như bằng đường lối đầu thai luân hồi sau khi chết nếu chưa hoàn toàn diệt dục, cho tới khi giác ngộ mới được siêu thoát vào cõi niết bàn, thì Do Thái giáo và Kitô giáo lại trông chờ "Ơn Cứu Độ" từ Trời Cao.
Thật vậy, tự bản tính thụ tạo của mình, một tạo vật hữu hình và hữu hạn, so với Thiên Chúa Hóa Công là Đấng tự hữu, toàn thiện và toàn năng, con người chẳng là gì ngoài bản chất bất toàn và bất lực của mình, chỉ có thể trở thành viên mãn nhờ Ngài và trong Ngài, như họ đã được thông phần vào sự hiện hữu của Ngài nhờ được Ngài dựng nên.
Thậm chí khi mới được tạo dựng, còn sống trong tình trạng công chính nguyên thủy, chưa biết đến tội lỗi là gì: "trần truồng không biết xấu hổ" (Khởi Nguyên 2:25), loài người còn sa ngã phạm tội, huống chi bởi nguyên tội họ lại càng mù quáng, sai lạc và yếu nhược hơn nữa, làm sao có thể "tự độ", tự cứu được bản thân mình như lòng mong ước.
Đó là lý do, ngay từ ban đầu, nghĩa là ngay sau nguyên tội, Thiên Chúa chẳng những đã tự động hứa ban Ơn Cứu Độ cho con người qua Đấng Thiên Sai Cứu Tinh của Ngài (xem Khởi Nguyên 3:15), mà còn khôn ngoan không để con người có thể "tự độ", bằng cách đuổi họ ra khỏi địa đường, kẻo họ hái cây sự sống mà ăn (xem Khởi Nguyên 3:22).
Thế là lịch sử của loài người nói chung và lịch sử của dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn nói riêng đã trở thành Lịch Sử Cứu Độ, lịch sử đợi trông Ơn Cứu Độ, một Mùa Vọng đợi trông cho được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết là những gì liên lỉ chẳng những hành hạ con người mà còn giúp cho con người càng có lý do sâu xa chính đáng mãnh liệt trông chờ Đấng Thiên Sai Cứu Thế mau đến.
Lời Chúa qua miệng Tiên Tri Barúc trong Bài Đọc 1 cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng hôm nay đã cho thấy Thiên Chúa không quên lời hứa cứu độ của Ngài từ ban đầu, trái lại, Ngài vẫn hiện diện trong giòng lịch sử của loài người nói chung và Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái nói riêng. Bởi thế, trong Bài Đọc 1 hôm nay, Ngài đã phấn khởi dân Ngài chẳng những ở chỗ kêu gọi họ sống cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực mà còn hướng họ về một tương lai sáng lạn tràn đầy sự sống như sau:
Trước hết, Thiên Chúa đã phấn khởi dân Ngài sống cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực:
"Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi ("vượt qua sự chết" - Gioan 5:24), hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi ("mà vào sự sống" - Gioan 5:24). Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý ("được sự sống" - Gioan 10:10), và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi ("và được sự sống viên mãn" - Gioan 10:10). Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian (ám chỉ việc Thiên Chúa tỏ mình ra qua Con của Ngài nơi dân Do Thái: "Ơn cứu độ xuất phát từ dân Do Thái" - Gioan 4:22). Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa".
Sau nữa, Thiên Chúa hướng họ về một tương lai sáng lạn tràn đầy sự sống:
"Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông (là hướng mặt trời mọc, mặt trời Công Chính là Chúa Kitô - xem Luca 1:78). Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây (ám chỉ cả dân ngoại, cả loài người cũng được thừa hưởng giao ước Thiên Chúa đã thiết lập với dân Do Thái)họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh ("Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ" - 1Timothêu 2:4), họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử (có thể là ám chỉ loài người bị ngụy thần bắt cóc, sống nô lệ cho hắn, nhưng được lấy lại chức phận con cái Thiên Chúa). Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ (bằng cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô) mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa (có thể là ám chỉ các thứ quyền lực sự dữ), lấp đầy những hố sâu (có thểlàám chỉ các cám dỗ gian tà dối trá lừa đảo), để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang".
Theo chiều hướng được Thiên Chúa cứu độ kêu gọi và phấn khích trong Bài Đọc 1 hôm nay, dân Do Thái cảm thấy hân hoan vui sống với tràn đầy những tâm tình hứng khởi được chất chứa trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
Phải, lịch sử của loài người nói chung và của dân Do Thái nói riêng là một Mùa Vọng trông chờ Ơn Cứu Độ, trông chờ Ngày Giải Thoát, một thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại và Do Thái, như thể tất cả mọi sự đều chẳng những hướng về thời điểm định mệnh ấy, thời điểm được Tiên Tri Giêrêmia của Cựu Ước trong Bài Đọc 1 của Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng tiên báo một cách trống trống là "Ngày ấy" (liên quan đến lần đến thứ nhất của Chúa Kitô), mà còn từ thời điểm quyết liệt ấy, thời điểm được Thánh Tông Đồ Phaolô của Tân Ước xác định rõ 2 lần trong Bài Đọc 2 hôm nay là "ngày của Ðức Giêsu Kitô" (liên quan đến lần đến thứ hai của Chúa Kitô): "anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô..."
Đúng thế, đối với Kitô hữu thì Chúa Kitô đã tới rồi, như mặt trời công chính chiếu tỏa khắp nhân gian, như một "Ngày" vô tận. Bởi thế, khi lãnh nhận Phép Rửa, tức khi họ chấp nhận Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), họ đã mặc lấy Người và nhờ đó cũng trở nên "ánh sáng trần gian" (Mathêu 5:14), trở thành "con cái sự sáng, con cái ban ngày" (1Thessalonica 5:5), ở chỗ, như Thánh Phaolô viết trong Bài Đọc 2 hôm nay: "Lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, nhờ đó anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Kitô".
Vẫn biết là Ơn Cứu Độ được ban nhưng không cho con người từ Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu qua Đấng Thiên Sai Cứu Thế Con của Ngài. Thế nhưng, về phần mình, con người phải làm sao để có thể lãnh nhận và xứng đáng hoan hưởng Ơn Cứu Độ nhưng không và vô cùng cao quí đó nữa.
Trong việc sửa soạn cho con người có thể đón nhận Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí này, tức là đón nhận chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến, Thiên Chúa đã phải cho xuất hiện vào một thời điểm lịch sử trong "đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế", một Vị Tiền Hô của Con Ngài và cho Con Ngài là "Gioan, con Giacaria, trong hoang địa", như được Bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay đề cập tới.
Nhân vật lịch sử Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này xuất hiện với mục đích "đi trước Chúa để sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên" (Luca 1:76-77). Bằng cách, như Phúc Âm hôm nay cho biết: "Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: 'Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Vâng, Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, với tư cách là "tiếng kêu trong hoang địa", được Thiên Chúa sai đến trước Chúa Kitô là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) để thực hiện sứ vụ "sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Chúa" nơi dân Do Thái, nhờ đó "dân Chúa" mới có thể nhận biết Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ. Và ngài đã "sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Chúa" nơi dân Do Thái, ở chỗ "rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội", bằng cáchngài ra tay "lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy uốn cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng".
Điển hình là thành phần Pharisiêu và Saducê đến chịu phép rửa với mình, Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đãthẳng thắn "lấp... bạt" và "uốn... san" như thế này: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: 'Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.' Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa" (Mathêu 3:7-10). "Hỡi Chúa Hài Đồng, xin cho con biết hạ mình xuống, khiêm nhượng và đơn sơ như trẻ con, để con được làm bạn thân của Chúa!" (Lời nguyện tắt của Linh Mục Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CRM).
Mỗi người hãy tự hỏi: Mùa Vọng này là Mùa Vọng thứ mấy trong đời tôi? Mùa Vọng đến và MV2-C150
Mỗi người hãy tự hỏi: Mùa Vọng này là Mùa Vọng thứ mấy trong đời tôi?
Mùa Vọng đến và đi khi nào tôi không mấy để ý, như mùa thu hay mùa hạ. Vì thế, tâm hồn tôi luôn là bãi cát dài, trống trải. Bao nhiêu mùa vọng qua đi không để lại một dấu vết nào. Tâm hồn tôi vẫn như không thấy có gì mới lạ. Mọi sự đều bình thường. Nếu như thế thì dù thiên đàng hay hỏa ngục cũng không làm tôi chú ý.
Chúng ta quá quen thuộc với những lễ nghi phụng vụ đến độ không còn biết chú ý. Vì thế, sống bao nhiêu năm, tâm hồn chúng ta vẫn lơ đãng, không thay đổi gì. Những lời kêu gọi của Chúa không thấm nhập vào trí não. Giữ đạo như chuyện bình thường. Tất cả đều mang một màu như nhau. Chú ý đến những lễ nghi, mùa vọng hay mùa nào cũng vậy thôi. Đó là tâm trạng của rất nhiều người Công giáo. Sống đối với họ là lo làm giàu, lo cho gia đình đầy đủ tiện nghi, mọi sự khác chỉ là thứ yếu, không quan trọng. Đa số đã bị duy vật hóa.
Không, không thể sống duy vật như thế được, Giáo hội luôn nhắc nhở chúng ta: cuộc sống của chúng ta không chỉ có trần gian này. Sống là hướng về hạnh phúc mai sau, là hướng về Chúa. Chúa mới là hạnh phúc thật, tất cả chỉ là phù du, mong manh. Chúng ta biết điều đó, nhưng cám dỗ hưởng thụ vẫn là một cám dỗ triền miên.
Mùa Vọng là lúc chúng ta tìm về Chúa, Đấng đã đi tìm chúng ta trong trần gian này, trong vũng lầy tội lỗi của chúng ta. Ngài mới là niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi nó được sống trong Chúa. Những người không tin, dù giàu có đến mức độ nào đi nữa, cũng không thể nào hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, không biết sống để làm gì. Họ chỉ biết kiếm tiền và hưởng thụ trần gian mà thôi. Người tín hữu chúng ta không thể bằng lòng với những phù phiếm nay còn mai mất. Khi mọi sự tan rã, chỉ còn Chúa thôi.
Chúa vẫn không thôi kêu gọi chúng ta trở về với Ngài, vì chỉ có Ngài mới là sự bình an cho tâm hồn, là hạnh phúc mà chúng ta đang mơ ước.
Trong Cựu Ước, dân Do Thái vẫn được gọi là một dân cứng cổ, thế nhưng Chúa không bao giờ bỏ dân, Ngài tìm hết mọi cách để đem nó về trong tình yêu của Ngài, dù đôi khi Ngài cũng mạnh tay, cho chúng nếm mùi đau khổ, lưu đày… Con người không trung tín, nhưng Chúa vẫn trung thành.
Khi thời gian viên mãn, Con Chúa sắp ra đời để thực hiện ý định yêu thương của Chúa, Ngài sai Gioan Tẩy Giả đến dọn đường bằng cách kêu gọi mọi người trở về với Ngài.
Gioan đã đến, trong một khung cảnh lịch sử chính xác. Thánh Luca, tuy không là một sử gia đúng nghĩa như thời nay, nhưng ngài không quên định vị Gioan trong thời điểm mà chúng ta có thể tìm lại và hiểu được hoàn cảnh địa dư, chính trị, tôn giáo.
Gioan đã nghe tiếng Chúa và đã đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Gioan tiếp nối truyền thống các tiên tri: ông là tiếng người hô trong sa mạc: Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa.
Tiếng gọi ấy hôm nay được Giáo hội lặp lại, kêu gọi chúng ta dọn con đường tâm hồn để đón mừng Chúa đến.
Chúng ta có lắng nghe không? Chúng ta có chú ý không?
Chúa đến tìm chúng ta, cứu vớt chúng ta, chúng ta có xem như một hồng ân không? Hay chỉ là một tin ngắn trên mặt báo?
Thánh Luca dùng lời tiên tri Isaia kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, hoán cải con người, trở về với nguồn cội của ơn cứu độ: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng, và hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Ai trong chúng ta cũng cần phải hoán cải, trở về với Chúa, nguồn sống thật của chúng ta. Chúng ta mãi mãi là một dân tộc được hoán cải, được gọi để sống trong tình yêu Chúa. Hoán cải là từ bỏ Satan và những việc làm của nó để thuộc trọn về Chúa.
Hoán cải là bẻ gãy xiềng xích đang trói buộc chúng ta. Chúng ta đang bị ràng buộc như thế nào? Chúng ta có thấy được những xiềng xích đó không? Ích kỷ, tham lam, kiêu căng, nóng giận… Rất nhiều xiềng xích đang trói buộc chúng ta mà chúng ta không biết, vì rất ít khi chúng ta nhìn về bản thân mình. Khi đi xưng tội, việc xét mình chỉ là một thủ tục làm cho có lệ, làm sao đào bới được đống rác đang chất đầy trên tâm hồn chúng ta? Chúng ta không còn tự do nữa, thế nhưng chúng ta đã quá quen với xiềng xích đó rồi. Cần phải can đảm bứt đi những trói buộc đó. Chúng ta có đủ can đảm không? Vì thế bao nhiêu mùa vọng qua rồi, tâm hồn chúng ta vẫn tê liệt, cuộc sống chúng ta tầm thường, không có gì đáng chú ý, không có màu sắc Phúc Âm.
Hoán cải tức là đổi mới tâm hồn và cuộc sống, như thế chúng ta góp phần đổi mới thế giới. Chúng ta phải sống để xây dựng một thế giới mới trong đó con người không còn là đối thủ mà là anh em. Là anh em, để xây dựng một tình huynh đệ đích thực. Chúng ta không đủ quyết tâm vì thế, thế giới này càng lún sâu vào tội ác.
Chúng ta đang hướng nhìn về Đấng đang đến, Vị Cứu Tinh của nhân loại, Con Thiên Chúa. Hãy xin Ngài thương xót chúng ta đang kêu cầu Ngài, đang chờ mong Ngài đến đem bình an cho mỗi người, cho toàn thể nhân loại. Hãy tha thiết tìm Ngài khi còn tìm được. Hãy trở về trong tin yêu.
Ngài vẫn có mặt đây, mặc dù chúng ta còn phải đợi chờ. Ngài đến hằng ngày dưới hình thức một của ăn, Ngài không bao giờ quên chúng ta, chỉ có chúng ta quên Ngài. Hãy đến ăn lấy Ngài như Ngài vẫn bảo chúng ta. Ăn lấy Ngài để trở thành tình yêu như Ngài. Con đường hạnh phúc chỉ có một: tình yêu.