Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi ABC: 501-523 Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị

Thứ tư - 07/06/2023 06:37
Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi ABC: 501-523 Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị
Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi ABC: 501-523 Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị
Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi ABC: 501-523 Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị
----------------------------------
Mục Lục:

Năm A: Phúc Âm: Ga 3, 16-18. 1
Năm B: Phúc Âm: Mt 28, 16-20. 2
Năm C: Phúc Âm: Ga 16, 12-15. 2

BaNgôi ABC501: CHÚA BA NGÔI NỐI KẾT TIN YÊU.. 2
BaNgôi ABC502: BA NGÔI THIÊN CHÚA NGỌN LỬA TÌNH YÊU.. 3
BaNgôi ABC503: GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA.. 5
BaNgôi ABC504: THIÊN CHÚA LÀ CHÚA YÊU THƯƠNG.. 7
BaNgôi ABC505: DẤU THÁNH.. 10
BaNgôi ABC506: THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG VÀ YÊU THƯƠNG.. 13
BaNgôi ABC507: ĐƯỢC THIÊN CHÚA YÊU.. 15
BaNgôi ABC508: THIÊN CHÚA BA NGÔI 18
BaNgôi ABC509: BA NGÔI HẰNG Ở CÙNG TA.. 20
BaNgôi ABC510: THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ THIÊN CHÚA QUÁ YÊU THẾ GIAN   22
BaNgôi ABC511: Ân sủng rẻ tiền và ân sủng đắt giá. 25
BaNgôi ABC512: Lễ Chúa Ba Ngôi 28
BaNgôi ABC513: Lễ Chúa Ba Ngôi 31
BaNgôi ABC514: Lễ Chúa Ba Ngôi 32
BaNgôi ABC515: Lễ Chúa Ba Ngôi 34
BaNgôi ABC516: Lễ Chúa Ba Ngôi 37
BaNgôi ABC517: KI-TÔ HỮU LÀ TÁC PHẨM KỲ DIỆU CỦA CHÚA BA NGÔI 39
BaNgôi ABC518: YÊU BẰNG TÌNH YÊU BA NGÔI THIÊN CHÚA.. 40
BaNgôi ABC519: “NHÂN DANH CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN”. 43
BaNgôi ABC520: CHIÊM NGƯỠNG BA NGÔI 46
BaNgôi ABC521: MẦU NHIỆM CAO TRỌNG.. 49
BaNgôi ABC522: DÙ KHÔNG HIỂU NHƯNG SỐNG VÌ YÊU.. 53
BaNgôi ABC523: NGANG QUA THÁNH GIÁ, THIÊN CHÚA HIẾN MÌNH.. 57

-------------------------------
Lời Chúa:
 

Năm A: Phúc Âm: Ga 3, 16-18


"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian, nhờ Người mà được cứu độ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa". - Ðó là lời Chúa.
 

Năm B: Phúc Âm: Mt 28, 16-20


 “Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. - Ðó là lời Chúa.
 

Năm C: Phúc Âm: Ga 16, 12-15


 "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con". - Ðó là lời Chúa.

------------------------------------
 
----------------------------------------
 

BaNgôi ABC501: CHÚA BA NGÔI NỐI KẾT TIN YÊU


Lm. Nguyễn Xuân Trường
 

Đạo Công Giáo tin một Thiên Chúa duy nhất nhưng lại có 3 ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Chúa BaNgôi ABC501


Đạo Công Giáo tin một Thiên Chúa duy nhất nhưng lại có 3 ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Chúa Ba Ngôi là một màu nhiệm mặc dù rất cao siêu, nhưng cũng rất gần gũi. Gần gũi vì người Công Giáo từ trẻ tới già ngày nào cũng nhiều lần làm dấu thánh giá, đó là lúc chúng ta tuyên xưng màu nhiệm Chúa Ba Ngôi không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cử chỉ vẽ hình thánh giá lên chính thân thể chúng ta: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Màu nhiệm Chúa Ba Ngôi gần gũi nữa bởi vì đã kết nối Thiên Chúa với con người, kết nối trời cao với đất thấp như lời Phúc Âm công bố: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.” Thế nên, tin Chúa Ba Ngôi là sống mối liên hệ yêu thương gần gũi mật thiết với Chúa.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy không chỉ nội tại trong 3 ngôi Thiên Chúa, nhưng tình yêu ấy đã mở rộng ra với nhân loại, với vũ trụ. Vì quá yêu thương nhân loại nên Chúa đã tặng ban Con Một, đó là món quà vĩ đại nhất, quý giá nhất. Và Con Chúa lại trao ban cả mạng sống để cứu độ nhân loại. Sự trao ban trọn vẹn của Thiên Chúa đã làm nên định luật của tình yêu, đó là: yêu nhau luôn muốn tặng quà cho nhau. Khi yêu hết mình thì trao tặng tất cả.

Quà tặng được trao ban thì cũng rất cần có người đón nhận. Thiên Chúa đã rộng lòng ban tặng Con của Ngài cho chúng ta. Và chúng ta cần mở lòng ra để đón nhận Ngài vào lòng dạ mình, vào cuộc đời mình, vào gia đình mình. Được như thế, Chúa sẽ biến đổi chúng ta trở thành quà tặng đem niềm vui hạnh phúc cho nhau. Và điều kỳ diệu của tình yêu là khi tặng quà người ta không thấy mất mà lại thấy được chan chứa niềm vui hạnh phúc.

Như thế, tin yêu Chúa Ba Ngôi là chúng ta hân hoan sống mối liên hệ yêu thương thân thiết với Chúa và với nhau, để trở nên quà tặng dâng lên Chúa và trao cho nhau. Amen.

------------------------------
 

BaNgôi ABC502: BA NGÔI THIÊN CHÚA NGỌN LỬA TÌNH YÊU


 Lm Jos Tạ duy Tuyền
 

Xã hội chúng ta đang sống đó là xã hội tự cách ly giữa người với người. Chẳng cần đại dịch thì BaNgôi ABC502


Xã hội chúng ta đang sống đó là xã hội tự cách ly giữa người với người. Chẳng cần đại dịch thì con người cũng đã cách ly nhau bởi giầu và nghèo. Quan và dân. Trí thức và dân quê. Nước phát triển và nước chậm phát triển. Tư bản và xã hội . . . Xã hội mà kỳ thị, phân loại thì tình yêu cũng tính toán, đôi khi chẳng còn tình người mà chỉ còn tranh giành, đấu đá và loại trừ.

Đây là xã hội mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói là “văn hoá sự chết”. Người ta có thể giết chết bào thai để bảo vệ quyền lợi “người lớn”. Người ta có thể phá hủy môi sinh để gia tăng lợi tức. Người ta có thể nín sinh để được thong thả hơn. Người ta có thể hạ sát đồng loại như những anh đồ tể giết lợn chẳng chút run tay. Và rồi con người đã phải trả giá quá đắt khi môi trường sống đã bị con người phá huỷ gây nên dịch bệnh, thiên tai và lũ lụt… Và biết bao băng đảng giang hồ bảo kê, đòi nợ gây nên bao hoang mang cho người dân. Đây là dấu chỉ cho một xã hội đói khát tình yêu chân thật, vì dường như mọi tương quan giữa con ngừơi đều đặt lợi nhuận lên trên hàng đầu.

Ở những nước phát triển người ta đề cao đời sống cá nhân hơn là cộng đoàn. Ngay trong gia đình nhưng chẳng mấy khi gặp nhau. Mỗi người mỗi việc. Mỗi người một phòng khi về nhà. Thế nên, không còn cảm thông, không còn liên hệ. Mỗi người đang tình nguyện trở thành một đảo hoang xa cách, mỗi người một phòng và không ai được vào với danh nghĩa là tôn trọng quyền “riêng tư”.

Lịch sử con người đã chứng minh nếu con người sống riêng lẻ sẽ bị huỷ diệt vì  sự dữ luôn rình chờ xung quanh. Loài người thuở hồng hoang luôn sống theo bộ tộc để bảo vệ lẫn nhau. Rất may cho loài người  từ khi tìm ra lửa đã giúp con người ra khỏi chốn riêng tư để mỗi đêm quây quần với nhau bên ánh lửa. Họ chia nhau trong nom lửa, giữ lửa để nhờ ánh lửa xua tan sự dữ mang lại bình an cho con người.

Trong đức tin ky-tô giáo còn mời gọi chúng ta tiếp nhận ánh lửa từ trời để phá tan bóng tối sự dữ cho nhân gian. Ánh lửa ấy xuất phát từ chính Thiên Chúa là gốc rễ Tình Yêu như Kinh Thánh đã tỏ lộ. Chúa Ba Ngôi là Cha, và Con và Thánh Thần biểu hiện thành một cộng đồng tình yêu, đã chia sẻ sự sống ấy qua công trình sáng tạo vũ trụ và con người. Sự sống của vạn vật đều xuất phát từ Ba Ngôi Thiên Chúa nên cần phải quy hướng về Ngài để Ngài che chở bao bọc, và gìn giữ khỏi mọi hiểm nguy.

Lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi người tín hữu hãy ra khỏi chính mình để hiệp nhất với nhau bên ngọn lửa tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì căn bản của tình yêu là  ra khỏi chính mình, là cho đi, là hy sinh quên mình. Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu ấy nơi Chúa Giêsu. Vì thế, đón nhận Chúa Giêsu là lãnh được chất lửa này làm sinh lực chuyển lửa. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời.” (Gioan 3:16)

Tin vào tình yêu của Chúa thì hãy để Chúa bao bọc chở che con người chúng ta bằng tình yêu quan phòng của Ngài. Đồng thời, hãy tiếp tục san sẻ tình yêu ấy cho những người lân cận của mình. Thế giới hôm nay đang lạnh giá vì thiếu tình yêu và sự sum vầy. Con người tự cách ly nhau nên luôn bị cái lạnh đe doạ sự sống. Người cần tình thương chưa hẳn là người ăn xin  ngoài đường phố mà là những người đang ở trong nhà mình, có thể là chính mình nữa, vì vẫn có thể lạnh vì cô đơn và bị loại trừ.

Thế nên, hãy ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để sống trong sự hiệp nhất với cộng đoàn. Và hãy ra khỏi chính mình để sống yêu thương người bên cạnh của chúng ta. Vì:

Dẫu xây chín bậc phù đồ

Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và xin cho chúng ta biết gìn giữ ngọn lửa yêu thương của Thiên Chúa để toả sáng tình yêu và hy vọng cho thế gian.  Amen.

------------------------------
 

BaNgôi ABC503: GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA


Lm. Bosco Dương Trung Tín

“Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cor 13,13).
 

Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi. Trong Giáo Hội, Thiên BaNgôi ABC503


Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi.

Trong Giáo Hội, Thiên Chúa Ba Ngôi là một tín điều, có nghĩa là toàn thể các tín hữu công giáo đều phải tin. Vậy tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi là gì?

   Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì “Ba Ngôi là một. Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có BA NGÔI: Ba Ngôi đồng bản thể. Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia nhau một thiên tính duy nhất, nhưng mỗi vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn. Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy. Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy và Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy. Nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính. Mỗi Ngôi Vị là thực tại đó nghĩa là bản thể, yếu tính, bản tính đó” (x.GLCG, số 253).

   Đó là Đức Tin Công Giáo của chúng ta. “Đức Tin Công Giáo hệ tại điều này: Thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể. Vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau, nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu” (x.GLCG, số 266).

    Nói tóm, Thiên Chúa của chúng ta là Cha, Con và Thánh Thần. Nếu nói Thiên Chúa của chúng ta là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì nói rõ ràng ràng Cha là CHÚA. Con cũng là CHÚA và THánh Thần cũng là CHÚA, nhưng dễ làm cho chúng ta hiểu lầm là có 3 CHÚA.

   Không. Đức tin của người Công Giáo chúng ta là chỉ có Một CHÚA, nhưng là BA NGÔI. Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng không tách biệt. Khác biệt nhau về NGÔI VỊ, nhưng không tách biệt nhau về THIÊN TÍNH.

   Ngày xưa, khi làm dấu, người Công Giáo chúng ta đọc: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. A-men”. Biểu thức này không thấy từ CHÚA. Bây giờ thì “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. A-men”. Biểu thức này lại dễ gây hiểu lầm là có 3 CHÚA.

   Để khỏi hiểu lầm và đầy đủ, chúng ta có thể đọc thế này chăng? “Nhân danh Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. A-men”. Hay “Nhân danh Thiên Chúa là Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. A-men”. (Một suy tư cá nhân tôi).

   Trong tiếng la-tinh: “In nómine Patris, et Fí-li-i et Spí-ri-tus Sancti. Amen”.

   Trong tiếng Pháp: “Au Nom du Père et du Fils et du Saint-Esprit. A-men”.

  Trong tiếng Anh: “In the name of the Father, and of the Son and of the Holy Spirit. A-men”.

  Trong tiếng Tay ban nha: “En el nombre del Padre y del Hijo y del Espiritu Santo. Amén.

  Trong tiếng Nhật: “Chichi to Ko to Seirei no mi Na ni yotte. A-men”.

  Chúng ta thấy trong các ngôn ngữ nước ngoài không có từ CHÚA hay Thiên Chúa hoặc Ngôi. Ngay cả trong tiếng La- tinh, cũng không thấy.

   Theo thánh Phao-lô, Cha là Thiên Chúa, Thiên Chúa của tình thương. Con là Thiên Chúa, Thiên Chúa của ân sủng và Thánh Thần là Thiên Chúa, Thiên Chúa của sự hiệp nhất. Có thể nói đó là “gia đình” của Thiên Chúa.  Cũng như trong một gia đình, có Bố, Mẹ và Con cái vậy.

   Mỗi người tín hữu Công Giáo chúng ta: Nhờ ân sủng bí tích Thanh Tẩy “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống của Ba Ngôi diễm phúc, ở trần thế này trong bóng tối của đức tin và sau khi chết trong ánh sáng vĩnh cửu.(x. GLCG, số 265).

   Vậy, hôm nay trong khi mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy tin và tuyên xưng tín điều Một Chúa Ba Ngôi. Đồng thời, ca ngợi, tôn vinh và thờ lạy Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi. Có như thế, từ bây giờ và mãi mãi, chúng ta sẽ sống trong tình thương của Thiên Chúa Cha, trong ân sủng của Chúa Con và trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần.

------------------------------
 

BaNgôi ABC504: THIÊN CHÚA LÀ CHÚA YÊU THƯƠNG


Lm.Jos Đỗ Đức Trí
 

Có lẽ trên thế gian này, khi so sánh tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại thì không BaNgôi ABC504


Có lẽ trên thế gian này, khi so sánh tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại thì không có hình ảnh nào có thể diễn tả hết, ngoài hình ảnh của cha mẹ dành cho con cái. Mặc dù tình yêu của cha mẹ dành cho con cái cũng còn rất nhiều giới hạn, nhưng tình yêu đó vẫn là một tình yêu lớn lao, quảng đại không tính toán. Nhiều người khi thấy những sự bất công trong cuộc sống, đã đặt câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa không tiêu diệt hết sự ác trên thế giới này? Tại sao Thiên Chúa không trừng phát người gian ác? Những câu hỏi như thế chỉ có thể trả lời là: Vì Thiên Chúa là Cha, Ngài yêu thương những kẻ đau khổ và còn yêu cả kẻ gây ra đau khổ cho người khác, vì họ cũng là con của Ngài. Người khác lại đặt câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại để dịch bệnh kéo dài như thế mà Thiên Chúa vẫn không ra tay ngăn chặn? Thiên Chúa vẫn đang cùng với các y bác sĩ và những người có trách nhiệm ngăn chặn đại dịch, Thiên Chúa còn cho thấy qua đại dịch này, mọi người có thể nhìn thấy được những tấm gương hy sinh quên mình vì các bệnh nhân.

Chúng ta biết rằng màu nhiệm Một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là màu nhiệm chính yếu trong đạo của chúng ta. Với trí khôn nhỏ bé, hạn hẹp của con người, chúng ta sẽ mãi mãi chẳng bao giờ có thể hiểu hết về màu nhiệm Thiên Chúa. Và nếu, chúng ta có thể hiểu hết về Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ không còn phải là Thiên Chúa vô biên vô hạn nữa. Mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, giáo Hội không giải thích về màu nhiệm này, nhưng qua các bài đọc, Lời Chúa cho chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Ngài chậm giận và giàu lòng thương xót đối với mọi người mọi loài.

Sách Xuất hành đã kể lại rằng: Ông Mose đã trung thành vâng theo lệnh Chúa, dẫn dắt dân Israel ra khỏi đất Aicập. Ông chính là Người được nhìn thấy Thiên Chúa qua hình ảnh bụi gai bốc cháy, ông nhiều lần được trò chuyện với Thiên Chúa qua đám mây, nhưng chưa bao giờ ông được nhìn thấy mặt Thiên Chúa. Vì thế, ông bày tỏ khao khát của ông, cũng là khao khát của thụ tạo: Lạy Chúa Tôi đã tin Chúa theo Chúa, đã trung thành với lệnh truyền của Thiên Chúa, tôi chỉ còn khao khát một điều làm tôi mãn nguyện, đó là cho tôi được nhìn thấy mặt của Chúa. Thiên Chúa đã đáp lại lời khẩn xin của Mose, Ngài đặt ông vào một hốc đá, ngài lấy tay che mặt ông, và đi ngang qua ông. Khi Thiên Chúa bỏ tay ra thì Mose chỉ nhìn thấy phía sau lưng của Thiên Chúa. Lúc Thiên Chúa ngự xuống trên đám mây và đi ngang qua ông, Thiên Chúa đã xưng danh Người là: Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và lòng thành tín. Ông Mose nghe thấy thế thì sấp mình xuống đất mà thờ lạy.

Thiên Chúa không để cho con người nhìn thấy dung nhan Ngài, nhưng lại cho thấy trái tim và tấm lòng của Ngài đối với con người. Thiên Chúa không muốn con người suy luận về Ngài bằng trí óc, nhưng đón nhận Ngài bằng việc nhìn thấy những điều tốt lành Ngài đã thực hiện và suy phục Ngài bằng trái tim yêu mến và thái độ tôn thờ. Điều Thiên Chúa mong chờ nơi con người, là đáp lại tình thương của Thiên Chúa bằng việc hoàn toàn suy phục, tin tưởng và trung thành để cho Ngài dẫn dắt. Qua dòng lịch sử, Thiên Chúa luôn cho thấy, Ngài là một vị Thiên Chúa luôn trunh thành với lời đã hứa, luôn yêu thương chăm lo cho con người như cha mẹ yêu thương con cái và gần gũi thân thiết với con người như người thầy, người bạn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu, Đấng từ nơi Thiên Chúa Cha mà đến, đã nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa. Qua câu chuyện với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu nói với ông rằng: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời. Với khẳng định này, Chúa Giêsu cũng không mô tả về Thiên Chúa, nhưng chỉ cho thấy hành động yêu thương của Thiên Chúa là Cha, Ngài không tiếc gì với nhân loại. Khi thấy con người sai đường lạc lối, đi vào chỗ chết, Thiên Chúa không nỡ thấy con người phải đau khổ trong sự chết dưới bàn tay ma quỷ, Ngài đã trao tặng chính Con Một của Ngài cho nhân loại. Người Con ấy là Chúa Giêsu, là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa đến ở với nhân loại, yêu thương và phục vụ nhân loại và cuối cùng là chấp nhận cái chết trong thân phận con người để cứu chuộc nhân loại.

Chúa Giêsu đến trần gian với nhân loại, Ngài đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa như một một người thầy, người bạn. Ngài đã chia sẻ đến tận cùng thân phận con người với nhân loại: cùng vui, cùng buồn, cùng chịu đau khổ, nếm mùi thành công và thất bại, được yêu thương và bị loại trừ, cuối cùng Ngài chết vì nhân loại và chết thay cho nhân loại. Ngài yêu con người đến tận cùng bằng việc chấp nhận cái chết thập giá, biến cây thập giá trở thành biểu tượng của tình yêu đến cùng mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết để đem lại cho nhân loại sự sống mới của Ngài. Từ đây, nhân loại nhờ tin vào Chúa Giêsu sẽ không phải chết đời đời, nhưng được chia sẻ vào sự sống của Chúa Giêsu thông ban. Sau khi hoàn tất sứ mạng cứu độ, Ngài được vinh thăng về trời để tiếp tục dùng quyền năng để bảo vệ và yêu thương nhân loại.

Thiên Chúa không thể ngừng tuôn đổ tình yêu của Ngài cho con người, Ngài lại tiếp tục ban Chúa Thánh Thần đến với nhân loại và ở cùng nhân loại cho đến ngày tân thế. Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống đã đến với thế giới và hoạt động cách mạnh mẽ trong Giáo Hội. Ngài giúp cho mỗi người nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy và ban sức mạnh giúp họ có thể bước theo lời răn dạy của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội, Ngài là vị Thầy Khôn Ngoan, Ngài soi sáng và hướng dẫn Giáo Hội cũng như các tín hữu vượt qua những lúc thăng trầm và thử thách. Ngài như ngọn gió thổi vào cánh buồm của con thuyền giáo Hội, đưa Giáo Hội lên đường ra khơi để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho thế giới.

Mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta xin Chúa gia tăng đức tin để chúng ta xác tín cách chắc chắn và phó thác cuộc đời chúng ta cho Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa Cha vì công trình tạo dựng, cách riêng Ngài đã tạo dựng và mời gọi chúng ta bước vào thế gian này, để được nhận biết Chúa là Cha và được sự yêu thương của Ngài. Chúng ta cảm tạ Chúa Giêsu Kitô vì công trình cứu chuộc Ngài đã thực hiện vì yêu thương nhân loại. Tạ ơn Đức Giêsu vì Ngài chính là Thiên Chúa đã đến để đồng lao cộng khổ với con người, dùng cái chết và sự phục sinh để cứu chuộc con người. Chúng ta cảm tạ Chúa Thánh Thần vì nguồn ơn dồi dào ta đã lãnh nhận được từ Thánh Thần: Ơn Sức mạnh, ơn Khôn Ngoan, ơn Hiểu Biết… và đầy tràn các ơn khác nữa mà Chúa Thánh Thần đã ban tặng để hương dẫn dạy dỗ chúng ta.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi sống và tuyên xưng màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống thương ngày và gia đình. Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá trên mình là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, vì thế, xin cho chúng ta làm dấu thánh giá với sự sốt sắng, ý thức và mạnh dạn tuyên xưng Thiên Chúa của chúng ta trước mặt người đời. Khi chúng ta sống đức tin, đức cậy, đức mến một cách trọn vẹn và chăm chỉ, là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi đang sống và đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta.

Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là lý thuyết tôn giáo hay thần học, mà thực sự là vị Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời và gia đình chúng ta. Chính gia đình mỗi người được tạo dựng và thiết lập theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi chúng ta sống và thể hiện tình yêu thương hiệp thông, xây dựng gia đình thành một cộng đoàn đạo đức hạnh phúc là chúng ta đang diễn tả màu nhiện Ba Ngôi Thiên Chúa cách sống động và cụ thể bằng đời sống. Nơi gia đình mỗi thành viên luôn nghĩ đến nhau, yêu thương nhau, quan tâm và hi sinh cho nhau là chúng ta đang thể hiện những đặc tính nơi màu nhiệm Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần luôn ở trong các gia đình và chúc lành cho các gia đình và mỗi người chúng ta. Amen.

------------------------------
 

BaNgôi ABC505: DẤU THÁNH

 

Làm Dấu Thánh Tôn Vinh Một Chúa, Lặng Linh Hồn Kính Lạy Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi BaNgôi ABC505


Làm Dấu Thánh Tôn Vinh Một Chúa,
Lặng Linh Hồn Kính Lạy Ba Ngôi.

Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng yêu thương, Đấng Tam Vị Nhất Thể, chỉ một bản thể mà có ba ngôi vị riêng biệt, và không thể tách rời. Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy: “Chính bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Bằng cách sai Con Một và Chúa Thánh Thần Yêu thương một cách trọn vẹn, Thiên Chúa đã mạc khải bí mật tận cùng của Ngài: Chính Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – trao đổi tình yêu hằng hữu, và Ngài tiền định chúng ta cùng chia sẻ sự trao đổi đó.” (số 221)

Chúng ta vừa chúc tụng vừa tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi khi làm dấu Thánh Giá, thường nói là “làm dấu.” Từ khi thức dậy ban sáng tới lúc đi ngủ ban đêm, nhiều lần chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi qua việc làm dấu Thánh Giá: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.” Đó là kinh phổ biến nhất, và kinh được học từ khi còn ấu thơ. Ngoài việc làm dấu Thánh Giá – dấu đơn và dấu kép, chúng ta còn nhiều lần chúc tụng Chúa Ba Ngôi khi chúng ta cầu nguyện – chung hoặc riêng: “Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và hằng có, và đời đời chẳng cùng.” (Kh 1:8)

Chính Chúa Giêsu cũng đã căn dặn chúng ta phải nhân danh Chúa Ba Ngôi khi hành động: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19) Kinh Thánh cho biết rằng, vào một buổi sáng sớm, ông Môsê lên núi Sinai theo lệnh truyền của Thiên Chúa, và ông mang theo hai bia đá. Chính hai bia đá này được ông dùng để ghi khắc Thánh Luật (Thập Giới, Mười Điều Răn).

Khi Thiên Chúa ngự giá trên đám mây, ông Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa. Ngài đi qua trước mặt ông và hô: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.” (Xh 34:6-7) Thiên Chúa giàu lòng thương xót nhưng cũng rất công bình, Ngài “không bỏ qua điều gì” và “trừng phạt tam tộc.” Người Việt chúng ta cũng nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.” Điều đó cho thấy tội lỗi có tính liên đới.

Ông Môsê vội vàng phục xuống đất thờ lạy ngay khi nghe tiếng Đức Chúa, và ông thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.” (Xh 34:9) Thiên Chúa rất nhân từ, dân bướng bỉnh nhưng vẫn tha thứ và trao ban cơ nghiệp. Hằng ngày không thiếu những kẻ ngang ngược mà vẫn được ung dung tự tại, còn những người hiền lành lại chịu cảnh “họa vô đơn chí.” Thiên Chúa ban mưa nắng cho mọi người – kẻ xấu và người lành, công chính và bất chính. (x. Mt 5:45)

Vì thích ăn “trái cấm” và kiêu căng, con người mất ơn nghĩa với Ngài và bị “con rắn” quấn chặt. Đó là chiếc vòng kim cô tội lỗi. Tuy nhiên, Ngài vẫn hết mực yêu thương chúng ta nên Ngài lại “tháo gỡ” cho chúng ta bằng Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Hòa Giải, đặc biệt là cho Ngôi Hai nhập thể làm người và chịu chết để cứu độ chúng ta, khôi phục nguyên trạng cho chúng ta được quyền làm con như xưa. Ngài đã sinh chúng ta hai lần – và nhiều lần khác, mỗi khi chúng ta xưng tội. Đó là đại đặc ân của lòng thương xót mà chúng ta không thể hiểu hết. Chính Chúa Giêsu xác định với Thánh Faustina: “Lòng thương xót của Ta lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại.” (Nhật Ký, 1485) Chúng ta phải biết chúc tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh. Việc chúng ta chúc tụng Chúa chẳng thêm gì cho Ngài nhưng sinh ích cho phần rỗi của chúng ta.

Thật lạ lùng, ở trong lò lửa mà Adaria vẫn hát vang: “Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời. Chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng, xin dâng lời ca tụng suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá mà thấu nhìn vực thẳm, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời.” (Ðn 3:52-56)

Chỉ một điều là chúng ta được làm người trên đời này cũng đủ để chúng ta phải ca tụng Chúa Ba Ngôi. Đó là bổn phận, là trách nhiệm, đồng thời cũng là niềm hạnh phúc của chúng ta. Chúc tụng Thiên Chúa khi chúng ta êm ả như dòng sông hiền hòa thì không khó, nhưng thật khó nếu cuộc đời chúng ta gặp điều bất trắc mà vẫn ca tụng Ngài. Thánh Gióp là tấm gương sáng điển hình mà chúng ta cần soi vào để cố gắng không ngừng. Dù bị trắng tay và khốn khổ cùng cực, nhưng Thánh Gióp vẫn chấp nhận và chúc tụng Thiên Chúa: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa.” (G 1:21) Ước gì mỗi chúng ta đều khiêm nhường như Thánh Gióp!

Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em. Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện.” (2 Cr 13:11-12) Đó là ước muốn thánh thiện, phù hợp với mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Thánh Phaolô cầu chúc mọi người: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen.” (2 Cr 13:11-13)

Thật hạnh phúc khi chúng ta đang được sống trong lời cầu chúc đó, vì cuộc sống chúng ta luôn đầy ơn Chúa, tình Chúa và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Chúc tụng Chúa Ba Ngôi là thể hiện niềm tín thác vào Ngài, niềm tin đó còn phải được thể hiện với nhau trong cuộc sống đời thường. Điều đó vừa cần thiết vừa là bổn phận với nhau, vì mọi người đều có mối liên đới với nhau – dù chiều ngang, chiều dọc, chiều cao, chiều rộng, hoặc chiều xéo.

Chúa Giêsu dẫn chứng minh nhiên khi đối thoại với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16) Thật vậy, và còn hơn thế nữa: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3:17-18) Cụ thể và rất rõ ràng!

Là Kitô hữu, chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, hằng hữu và hằng sinh, chúng ta luôn phải tạ ơn Ngài mọi nơi và mọi lúc. Chúng ta vui mừng tuyên xưng Đức Tin về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa mặc khải vinh quang của Ngài như vinh quang của Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Ba Ngôi bằng nhau về uy quyền, không phân chia sự huy hoàng, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa, được phụng thờ trong vinh quang muôn đời. Sống yêu thương nhau là giữ Thánh Luật và thực hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu đã truyền, (Ga 13:34-35) đồng thời cũng là sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương – dù người đó là ai và như thế nào (cả ngoại tại và nội tại). Thiết tưởng đây là điều đáng suy tư: “Người xấu bụng thì ưa chỉ trích người khác vì muốn chứng tỏ mình tốt lành, còn người tốt bụng thì luôn rộng lòng tha thứ cho người khác – kể cả người ghét mình.” Pharisêu luôn hẹp hòi, xét nét chi li, bởi vì họ sống giả hình, nhưng lại muốn chứng tỏ mình chân thật; còn Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương người khác, bỏ qua tất cả, thậm chí còn tha thứ cho những kẻ đã giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23:34) Ngài không chỉ tha thứ mà còn “tuyên thánh” cho tử tội Dismas ngay lập tức: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:43) Tuyệt vời!

Theo ngữ nghĩa, Thiên Chúa Ba Ngôi là Tam Vị Nhất Thể (La ngữ: Trinitas, Anh ngữ: Trinity, Pháp ngữ: Trinité) là mầu nhiệm trung tâm, được mệnh danh là “bí mật tận cùng,” và là đệ nhất mầu nhiệm.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng duy nhất chí thánh và toàn năng, xin giúp chúng con luôn tin yêu Ngài suốt đời. Đó là hạnh phúc đích thực của chúng con. Xin ban Thần Khí Chúa để chúng con can đảm sống chứng nhân trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

------------------------------
 

BaNgôi ABC506: THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG VÀ YÊU THƯƠNG

 

Mầu nhiệm “Chúa Ba Ngôi” không phải là một “sản phẩm” của Ki-tô giáo, như nhận định của BaNgôi ABC506


Mầu nhiệm “Chúa Ba Ngôi” không phải là một “sản phẩm” của Ki-tô giáo, như nhận định của một số học giả thiếu thiện cảm với Ki-tô. Khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi, Giáo hội Ki-tô dựa trên chính Mạc khải, tức là Lời Chúa.

Các tác giả Tin Mừng đều trình bày với chúng ta về cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giê-su. Người là Ngôi Lời nhập thể. Người là Thiên Chúa quyền năng. Nhiều lần Người đã khẳng định điều này. Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, Chúa Giê-su nói đến Chúa Cha là cội nguồn và là Đấng sai Người đến trần gian. Chúa Giê-su cũng nói đến Chúa Thánh Thần là Đấng Phù trợ đến từ nơi Chúa Cha để hướng dẫn và nâng đỡ các môn đệ. Như thế, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được dàn trải trong chính lời giáo huấn của Chúa Giê-su trong Tin Mừng.

Khi diễn giải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Giáo hội Ki-tô không chỉ dựa trên chứng từ của Tân ước, mà còn trong Cựu ước. Quả vậy, giáo huấn về Chúa Ba Ngôi đã tiềm ẩn trong Giao ước cũ. Cựu ước mạc khải Thiên Chúa là Cha, vì Ngài đã lập giao ước và ban Lề luật cho dân được gọi là “Israel con đầu lòng của Ta” (Xh 4,22). Ngài cũng được gọi là “Cha của vua Israel” (x. 2 S 7,14). Khi ngỏ lời với ông Môi-sen để mạc khải ý định cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã tỏ cho thấy, Ngài là Chúa của Abram, của Issac và của Giacóp. Ngài cũng là Cha yêu thương, có ý định can thiệp để giải phóng dân riêng của Ngài.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được tuyên xưng từ thời Giáo hội sơ khai, như chúng ta thấy trong Kinh Tin Kính thường được gọi là “của các tông đồ”. Trong kinh này, người tín hữu tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha là “Đấng phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”; Chúa Giê-su là “Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi”; và cuối cùng là lời tuyên xưng Chúa Thánh Thần. Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Giáo hội hiện hữu và phát triển dựa trên nền tảng đức tin được tuyên tín từ thời các tông đồ. Trong khoảng bốn thế kỷ đầu, Giáo hội đối diện với nhiều trào lưu quan điểm khác nhau, bất đồng về thiên tính của Đức Giê-su, về vai trò của Chúa Thánh Thần và về Đức Trinh nữ Maria. Tất cả những tranh luận này, đều kết thúc bằng lời tuyên tín chính thức của Giáo hội qua các công đồng, và đều quy về Chúa Ba Ngôi.

Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy chúng ta: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Ki-tô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài. Vì đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo lý căn bản nhất và chủ yếu nhất trong “phẩm trật các chân lý” đức tin” (SGLCG, số 234).

Dựa trên những gì được trích dẫn trong sách Giáo lý trên đây, chúng ta thấy tầm quan trọng nền tảng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đối với đời sống đức tin Ki-tô giáo. Từ mầu nhiệm nền tảng này, mà Giáo hội hiểu và cắt nghĩa những mầu nhiệm khác, vì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đứng đầu trong “phẩm trật các chân lý”.

Giáo hội muốn khuyên chúng ta điều gì, khi long trọng cử hành lễ Chúa Ba Ngôi? Thực ra, mỗi Thánh lễ chúng ta dâng, mỗi giờ kinh cầu nguyện, mỗi việc chúng ta làm, đều nhắc tới mầu nhiệm nền tảng Chúa Ba Ngôi, như chúng ta đọc trong lời kinh đơn giản, vẫn gọi là “dấu thánh giá”: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”. Khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, Phụng vụ nhắc chúng ta tái khám phá quyền năng kỳ diệu của Thiên Chúa, trong lịch sử cứu độ và lịch sử cá nhân chúng ta và sống xứng đáng với tình yêu vô biên của Ngài. Ông Môi-sen trong sách Xuất Hành (Bài đọc I) đã được gặp gỡ Chúa và Ngài ký kết giao ước với dân. Việc ký giao ước vừa cho thấy tình thương của Thiên Chúa, vừa diễn tả sự khiêm tốn hạ mình của Ngài. Thiên Chúa gần gũi dân, chăm sóc và hướng dẫn họ và mong cho họ được những điều tốt lành.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng để được sống muôn đời”. Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô là thành viên của Công nghị Do Thái, Chúa Giê-su đã mặc khải về Chúa Cha và về chương trình cứu độ của Ngài. Cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giê-su chính là hiện thân của tình thương Chúa Cha. Người đến trần gian để thực hiện ý của Chúa Cha. Ý định đó là muốn cho con người được cứu độ và được hạnh phúc. Con đường dẫn tới hạnh phúc và ơn cứu độ là chính Chúa Giê-su. Ai tin vào Chúa Giê-su, sẽ được Người dẫn tới gặp gỡ Chúa Cha và được kết hợp với Ngài.

Ki-tô hữu là người tin vào Chúa Giê-su và tin vào Chúa Cha. Chính Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ chúng ta, để chúng ta có thể đón nhận một mầu nhiệm lòng trí con người không thể thấu đạt. Bởi lẽ “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không do Thánh Thần” (1Cr 12,3).

“Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con”. Ước mong cuộc đời của mỗi Ki-tô hữu là lời chúc tụng Chúa Ba Ngôi, được thể hiện qua lời nói và nghĩa cử yêu thương hằng ngày, để bất kể làm điều gì, chúng ta đều làm “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

+ ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

------------------------------
 

BaNgôi ABC507: ĐƯỢC THIÊN CHÚA YÊU

 

Đã phải có nhiều thế kỷ Công đồng, Giáo hội mới định nghĩa chính xác mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên BaNgôi ABC507


Đã phải có nhiều thế kỷ Công đồng, Giáo hội mới định nghĩa chính xác mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa [*]: Cha sinh ra và yêu thương Con như hình ảnh của mình; Con yêu thương Cha, Đấng sinh ra mình giống Cha; và Thánh Thần là tình yêu giữa hai Ngôi Vị. Song cả 3 chỉ là một Thiên Chúa. Nhưng tất cả đã được ban ngay từ đầu trong Tin Mừng rồi, đặc biệt Tin Mừng Gio-an. Cuộc đàm thoại với Ni-cô-đê-mô, mà bài đọc hôm nay là một trích đoạn ngắn, giúp chúng ta khám phá một điều chủ yếu: “tranh luận về mầu nhiệm” chẳng được việc gì. Ni-cô-đê-mô đại diện cho giới trí thức Do-thái, ông là “bậc thầy trong dân Ít-ra-en” (Ga 3,10)… thế mà ông vẫn không hiểu ! Mầu nhiệm Ba Ngôi trước hết chẳng phải là chuyện trí tuệ hóc búa, nhưng là một thực tại đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu ! Và tình yêu này đã mang lấy một bộ mặt: Đức Giê-su trên thập giá.

1. Tình yêu điên rồ: hy sinh con một.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…” Ít-ra-en xưa biết Thiên Chúa luôn yêu thương, bằng chứng là tất cả Cựu Ước. Bài đọc thứ nhất đã cho ta nghe mạc khải này: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Vâng, tất cả Thánh Kinh đều biết tình yêu Thiên Chúa, nhưng đã chẳng ai đoán được tình yêu đó sẽ đi đến đâu ! Trạng từ “đến nỗi” nay tiên báo tình yêu ấy sắp làm những chuyện điên rồ: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Người Con Một. Chữ “một” này nhắc nhở một đoạn Cựu Ước đã in vào tâm trí những ai năng đọc Kinh Thánh: vị đại tổ phụ của những kẻ tin là Áp-ra-ham đã chấp nhận hy sinh “con một mình” (St 22,2-16). Biến cố đồi Gôn-gô-tha như thế là sự “hiến thân trọn vẹn”, dấu chứng tình yêu cao cả. Thánh Phao-lô cũng từng viết: “Chính Con của mình, Thiên Chúa đã không tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).

Thiên Chúa đi bước trước. Người đã yêu thương đầu tiên. Mọi sáng kiến là từ Người. Nhưng chúng ta biết, để có tình yêu, không chỉ cần tuyên bố, bước trước, ra dấu chỉ một phía… Phải có trao đổi, đón nhận, trả lời… Đức tin là câu trả lời vậy: “Để ai tin thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Cái được mất của đức tin hết sức quan trọng: “sinh” hay “tử”. Đây là một chọn lựa dứt khoát, một thế đôi ngả triệt để và tàn nhẫn. Hoặc chấp nhận “hồng ân Thiên Chúa” để đạt tới sự sống vĩnh cửu vốn là của Người. Hoặc dừng ở thế giới phàm nhân mà chắc chắn sẽ đi đến chỗ tuyệt diệt.

2. Hiệu quả tuyệt diệu: cứu rỗi tác sinh.

“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” Tư tưởng này của Đức Giê-su thật có tính chất cách mạng. Trong Do-thái giáo đương thời, người ta thường loan báo Thiên Chúa sẽ đến tiêu diệt thế giới tội lỗi. Các thủ bản ở Qum-ran đầy rẫy quan niệm ấy: trong một cuộc chiến tàn nhẫn, con cái của ánh sáng sẽ tiêu diệt con cái của tối tăm. Gio-an Tẩy giả cũng chờ đợi một Đấng Thiên sai kết án và trừng phạt (x. Mt 3,10-12).

Nhưng thế giới quan Ki-tô giáo thì khác hẳn. Đấy chẳng phải là một cái nhìn lạc quan, bịt mắt trước sự ác và không nghe khát vọng mênh mông về một “thế giới tốt hơn” cho loài người… cũng chẳng phải là một cái nhìn bi quan, chuyên lặp đi lặp lại rằng thế giới hoàn toàn xấu xa đồi trụy (như giáo phái “Chân lý tối cao” AUM của giáo chủ Shoko Asahara bên Nhật từng quan niệm nên cho rằng phải góp phần hủy diệt nó, và họ đã thực hiện việc này bằng cách rải khí độc sarin tại năm ga tàu điện ngầm trong giờ cao điểm ở Tokyo hồi năm 1995 khiến 13 người thiệt mạng và hơn 1.000 người phải nhập viện)… nhưng là một cái nhìn “cứu rỗi”, thừa nhận sự ác của thế gian “không phải để kết án, nhưng để cứu chuộc” !

Chúng ta có là môn đệ của Đức Giê-su ấy không? Có yêu thế gian như Thiên Chúa, nghĩa là bằng cách chiến đấu chống sự ác và tội lỗi của thế gian để giải thoát nó? Các tình yêu của chúng ta có tính chất “cứu chuộc” không ? nghĩa là luôn thực tế và sáng suốt về các khiếm khuyết và tội lỗi vốn làm méo mó bộ mặt của anh em ta (và của chính ta !)… nhưng cũng đầy thương xót để giúp họ ra khỏi đó và đem một cơ may đổi mới đến cho họ…

3. Điều kiện cơ bản: tin Đấng Thiên sai.

“Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi.” Đối với Đức Giê-su, đức tin giúp thoát khỏi bị lên án. Nhưng phải chăng câu này mâu thuẫn với câu trên ? Không ! Chớ hiểu từ “lên án” như một sự trả thù của Thiên Chúa đối với kẻ chẳng tin Đấng Cứu Thế, nhưng như một thái độ tự quyết của con người với các hậu quả kèm theo. Hãy hình dung cuộc sống như việc leo lên một đỉnh núi qua con đường đèo (đèo Hải Vân chẳng hạn). Nếu bạn muốn tới đỉnh (nơi Thiên Chúa đứng chờ), thì chỉ có cách đi giữa đường đèo (tin vào Đức Ki-tô, con đường duy nhất); lệch qua phải thì tông vào vách núi, lệch qua trái thì rơi tòm xuống vực thẳm. Khi tai họa xảy tới vì bạn “không tin” con đường đèo thì trách nhiệm thuộc về ai ? Dĩ nhiên, mới nghe, ta thấy những lời Đức Giê-su vừa nói thật cứng cỏi, vì nghĩ đến vô số kẻ “không tin” ta gặp trong gia đình hay ngoài xã hội, trong thế giới bao la, nơi nhiều nền văn minh rộng lớn hoàn toàn ở ngoài khả năng biết Đức Giê-su. Tuy nhiên, hãy phân biệt:

* Đối với các Ki-tô hữu đã thật sự “tuyên xưng đức tin”, thì lời cảnh báo nghiêm khắc (chớ chối bỏ đức tin đã được ban tặng) là một tiếng gọi hãy thường xuyên lặp lại việc tuyên tín ấy, bằng cách mỗi ngày chọn sống “theo Đức Giê-su Ki-tô”, nghĩa là “hiến mạng vì tình yêu, như Người !”

* Còn về tất cả mọi kẻ khác, vốn đã chẳng bao giờ có cơ hội chọn theo Đức Giê-su một cách thật sự ý thức, cá nhân, trưởng thành… thì cái mà chúng ta biết về tình yêu Thiên Chúa khiến ta hy vọng rằng nhiều người trong họ “không theo” Đức Giê-su cách minh nhiên thì có thể đã “theo” cách mặc nhiên khi sống cuộc đời của họ “đúng ý Đức Giê-su Ki-tô” nghĩa là cũng “hiến mạng vì tình yêu như Người” (ví dụ nhà hiền triết Mahatma Gandhi, người chủ trương thuyết bất bạo động; bác sĩ Bernard Kouchner, người sáng lập tổ chức “Bác sĩ không biên giới”…).

Chấm dứt cuộc suy niệm, chúng ta hiểu hơn rằng tại sao trang này đã được chọn đọc lễ Ba Ngôi hôm nay. Trong Tin Mừng, Ba Ngôi không phải là một vấn đề lý thuyết và trừu tượng… nhưng là một thực tại tình yêu, trong đó người ta đi vào để sống ngay từ hôm nay nhờ tin vào Đức Giê-su. Muốn hiểu mầu nhiệm này, bạn chỉ có một cách là yêu thương như Thiên Chúa: liên kết hợp nhất với mọi người, hiến mạng sống mình cho tha nhân, tôn trọng anh em với tất cả những khác biệt của họ.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
---------------------
[*] Ngoài những bản Tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần dùng khi cử hành bí tích Rửa tội (cô đọng lại thành kinh Tin kính), Giáo Hội còn long trọng tuyên xưng đức tin về thiên tính của Đức Ki-tô trong các Công đồng Ni-xê-a (325), Ê-phê-sô (431), Can-xê-đô-ni-a (451); tuyên xưng đức tin về thiên tính của Thánh Thần trong Công đồng Công-tan-ti-nô-pô-li I (381).

------------------------------
 

BaNgôi ABC508: THIÊN CHÚA BA NGÔI

 

Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, gọi là Chúa Nhật Ba Ngôi Thiên Chúa, được mừng trọng thể vào Chúa BaNgôi ABC508


Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, gọi là Chúa Nhật Ba Ngôi Thiên Chúa, được mừng trọng thể vào Chúa Nhật sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Năm nay lễ rơi vào ngày 4 tháng 6. Chúng ta phải nghĩ đến màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi -Ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần- để hiểu biết thêm về Thiên Chúa Ba ngôi.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật là sâu thẳm, trí loài người không thể hiểu nổi. Chỉ có cảm nghiệm, linh hứng và Niềm Tin do ân sủng Thiên Chúa ban mới biết được. Theo thời gian, nhiều thánh nhân đã nói về sự quan trọng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi -thật Vĩ Đại nhưng Đơn Giản và đầy Quyền Năng- có thể biến đổi tâm hồn người tín hữu từ u tối tới sáng láng để hiểu biết Lời Chúa.

Để nêu lên tính siêu việt và tỏ lòng cung kinh đối với Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy nghe lại những suy tư của 10 vị thánh đáng kính mà tôi trích dẫn dưới đây như một chứng minh Thiên Chúa có Ba ngôi:

1- Thánh Âu Tinh (St.Augustine): “Được sinh ra giống hình ảnh của Thiên Chúa mà lại được Thiên Chúa Ba Ngôi ban ân sủng thì là một vui mừng tột độ thực sự và hoàn hảo, không có hân hoan nào có thể to lớn hơn và trọn vẹn bằng”.

2- Thánh Teresa thành Avila: “Dù Ba ngôi Thiên Chúa riêng biệt khác nhau. Nhưng ơn thông minh hiểu biết tuyệt vời thì là ở nơi Chúa Thánh Thần và tràn ngập sự thật hoàn hảo. Cả Ba đều thuộc về một Bản Thể, một quyền năng và một thông minh hiểu biết; và là một Thiên Chúa.”

3- Thánh Seraphim thành Sarov (St Seraphim of Sarov): “Dù chúng ta đầy dẫy tội lỗi, dù tâm hồn chúng ta bị bóng tối dày đặc bao phủ, nhưng Hồng Ân Thiên Chúa Ba Ngôi -nhờ phép Thanh Tẩy nhân danh Cha và Con và Thánh Thần- vẫn chiếu sáng tâm hồn chúng ta bằng ánh sáng vĩnh cửu không bao giờ tắt của Chúa Kito là, khi kẻ tội lỗi trở lại ăn năn thống hối thì ánh sáng sẽ nhẹ nhàng xóa bỏ mọi  tỳ vết tội lỗi đã phạm, mặc cho kẻ đã từng phạm tội một cái áo mới trong trắng, có ơn Chúa Thánh Thần. Đó là sự chuộc lại, tha thứ của Chúa Thánh Thần mà tôi đã nói tới.”

4- Thánh Patrick (from St.Patrick’s Breastplate’ prayer/trích từ Lời nguyện của thánh Patrick mặc áo giáp): “Hôm nay tôi lấy sức mạnh phi thường của Ba Ngôi Thiên Chúa mà tuyên xưng với cả Ba Ngôi bằng niềm tin vào Một duy nhất mà tôi đã được tạo thành.”

5- Thánh Catherine thành Siena: “Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa! Ba Ngôi vĩnh cửu! Là tình yêu nóng như lửa, sâu thẳm như vực sâu không đáy…Ngài có cần ban Chúa Thánh Thần làm của ăn linh hồn không, trong khi Ngài không những đã ban Lời của Ngài qua ơn cứu chuộc và trong phép Thánh Thể Chúa mà còn ban cho  nhân loại chính Ngài là tinh yêu trọn vẹn rồi?”

6- Thánh Thomas Aquinas: “Thiên Chúa Cha yêu mến không chỉ Chúa Con, mà còn chinh Ngài và chúng ta nữa, qua Chúa Thánh Thần.”

7- Thánh Ambrose: “Hãy thức dậy, hỡi kẻ đang ngủ mê…Hãy thức dậy và đi đến với Giáo Hội, là nơi có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

8- Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II: “Thiên Chúa Ba Ngôi là một màu nhiệm vĩ đại! một tình yêu nhiệm mầu! một mầu nhiệm không thể xóa mờ! Đứng trước nó không ai có thể nói nên lời mà chỉ còn yên lặng vì ngỡ ngàng và thờ lạy. Đây là một màu nhiệm Thiên Chúa có liên hệ đến chúng ta và đang thách thức chúng ta, vì cuộc sống ba ngôi đã được chia sẻ cho chúng ta nhờ Hồng Ân, Nhập thế Cứu Chuộc của Lời và quà tặng của Chúa Thánh thần.”

9- Thánh Faustina: “Khi Một trong Ba Ngôi giao tiếp với một linh hồn, do quyền năng của ngôi đó thì chính linh hồn đó sẽ kết hợp với cả ba ngôi và được tràn đầy hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa; cũng cùng một loại hạnh phúc đó đã nuôi dưỡng các thánh. Chính niềm hạnh phúc này -tuôn chảy từ Thiên Chúa Ba Ngôi- sẽ làm cho muôn loài được hạnh phúc. Và từ suối nguồn đó, sự sống sẽ hưng phấn trở lại và phát sinh mọi sự sống do Ngài ban cho.”

10- Thánh Francis de Sales (Trích từ Lời Kinh tận hiến cho Thiên Chúa ba Ngôi): “Tôi thề hứa và tận hiến cho Thiên Chúa tất cả mọi sự hiện có trong tôi: Ký ức và hành động của tôi đối với Thiên Chúa Cha; Hiểu biết của tôi và lời nói của tôi đối với Thiên Chúa Con; ước vọng của tôi và mọi suy nghi của tôi đối với Thiên Chúa là Chúa Thánh Linh.”

Ước mong những lời trích của các thánh như ở trên giúp chúng ta hiểu biết thêm về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

------------------------------
 

BaNgôi ABC509: BA NGÔI HẰNG Ở CÙNG TA

 

Sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo hội cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi. Phụng vụ Lời Chúa BaNgôi ABC509


Sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo hội cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi. Phụng vụ Lời Chúa chỉ rõ, Chúa Cha là Đấng thống trị, từ bi nhân hậu, đầy nhân nghĩa tín thành (x. Xh 34, 4b-6.8-9) Chúa Con là Đấng ban ân sủng, Chúa Cha là nguồn suối tình yêu, Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất các tín hữu (x. 2 Cr 13,11-13); Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi ban Chúa con cho nhân loại, không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu độ (x. Ga 3, 16-18). Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

Ba Ngôi hằng ở cùng ta

Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, toàn bộ đời sống của người kitô hữu tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta được rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Người rửa tội vừa đổ nước vừa đọc rằng, cha rửa con hoặc tôi rửa ông bà anh chị “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần“. Vẫn Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần khi cử hành Bí tích Hôn nhân, người nam và người nữ được ràng buộc nên vợ nên chồng (A, hoặc E, hãy nhận chiếc nhẫn cưới này làm dấu chỉ tình yêu và lòng trung thành của A, hoặc E, Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần). Lời cầu nguyện vào cuối đời, chúng ta cầu nguyện rằng: Hỡi linh hồn, hãy lìa xa trần thế này, nhân Danh Thiên Chúa là Cha, Đấng đã tạo dựng, Chúa Con, Đấng đã cứu chuộc và Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hóa với hy vọng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ ban cho người qua đời được hưởng phúc trường sinh.

Ba Ngôi cứu chuộc ta

Chúa Cha là nguồn mạch của tình yêu trong tư cách là Cha, Ngài đã yêu Chúa Con và yêu chúng ta như thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Đây là tình yêu cứu chuộc, cao cả trong sáng tạo và thánh thiện trong trao ban.

Chúa Con là Đấng đón nhận tình yêu. Người được Chúa Cha yêu thương “trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Chúa Cha yêu Chúa Con, và Chúa Con đón nhận tình yêu của Chúa Cha trong công trình sáng tạo và cứu chuộc hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.

Ngày truyền tin Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Bà, Bà thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Khai mào sứ vụ công khai, Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Giêsu, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần do Cha xức dầu tấn phong và sai đi. Chính Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại (Cv 2,24). Trên Thập giá Chúa Con trao Thần Khí cho Chúa Cha, thì vào ngày Phục sinh, Chúa Cha ban lại Thần Khí cho Chúa Con, để trong Chúa Con, cùng với Chúa Thánh Thần đưa nhân loại vào trong sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cứu chuộc là sáng kiến của Chúa Cha. Chính Ngài đã đặt Đức Giêsu làm “Con với tất cả quyền năng” sau khi Đức Giêsu đã “từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần” (Rm 1,4). Vài dẫn chứng trên cho chúng ta thấy tình yêu cứu chuộc của Ba Ngôi.

Ba Ngôi thánh hóa đời ta

Chúng ta cũng thường nói, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa. Nhưng việc thánh hóa, không chỉ của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là công việc chung của Chúa Cha, Chúa Con. Vai trò của Chúa Thánh Thần cho thấy tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu mở rộng và dâng hiến. Chính do sự dâng hiến này mà, trong nhiệm cục cứu độ, Thiên Chúa luôn xuất hiện trong Thánh Thần. Thánh Thần có mặt thuở tạo dựng (St 1,2), ngự xuống trên Đức Giêsu (Lc 1,35), ùa vào thân xác phục sinh của Đức Giêsu (Rm 1,4). Theo nghĩa này, Thánh Thần làm trọn chân lý tình yêu khi cho thấy tình yêu chân thật không đơn độc nhưng liên đới với Chúa Cha và Chúa Con.

Sự hiệp nhất của Ba Ngôi trong tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa là sự hiệp nhất trong tình yêu, với Đấng vì yêu mà trao nộp Con mình (Chúa Cha), Đấng vì yêu mà để mình bị trao nộp (Chúa Con), Đấng vì yêu mà tuôn tràn ngày Phục sinh để đưa con người vào trong tình yêu của Thiên Chúa (Chúa Thánh Thần).

Thực ra thì tất cả sứ mệnh và công trình của Đức Giêsu đều cho thấy sự hiệp nhất của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Con Thiên Chúa, Đấng nhận và trao ban Thần Khí, là một với Chúa Cha (x.Ga 10,30), nhờ sự Phục sinh mà đặt nền móng cho sự hiệp nhất của con người trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi (x.Ga 14,20; 17,21.23).

Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

------------------------------
 

BaNgôi ABC510: THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ THIÊN CHÚA QUÁ YÊU THẾ GIAN

 

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, số 234 viết: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu BaNgôi ABC510


Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, số 234 viết: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (DCG 43). “Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Ngài những ai từ bỏ tội lỗi” (DCG 47).

Trong bối cảnh hôm nay tập trung vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy hành động của Thiên Chúa tỏ mình ra trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3: 16). Vì yêu thế gian, Thiên Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến thế gian để cứu độ thế gian. Qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Con, chúng ta đã được ban cho Chúa Thánh Thần. Là Ba Ngôi Vị, Thiên Chúa luôn hành động như một Thiên Chúa Tình Yêu; Thiên Chúa không lên án thế gian mà yêu thương và hành động để cứu thế gian: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3:17). Đây có lẽ là câu nổi bật nhất trong tất cả Kinh thánh được Phụng vụ Hội thánh đề ra cho chúng ta suy ngẫm trong ngày Chủ nhật trọng kính Chúa Ba Ngôi, một tuần sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, khi chúng ta tiếp nối mùa phụng vụ thường niên của Hội thánh. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà câu này được Phụng vụ Hội thánh nhắc đến hôm nay, vì đây được coi như là một bản tóm tắt của toàn bộ Tin Mừng.

Đó là hành động chính yếu của Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho nhân loại, hành động tột cùng của Thiên Chúa, không có hành động nào hơn được nữa. Trong thời Cựu ước, qua Môsê, Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài một bộ luật. Trong thời Tân ước, bằng cách ban chính Con Một của mình, Thiên Chúa ban cho nhân loại ơn cứu độ trọn vẹn, và từ Người Con ấy Thiên Chúa đổ tràn Thánh Thần cho những ai tin vào Ngài: “Ai không có Thần Khí của Chúa Kitô, thì không thuộc về Chúa Kitô. Nhưng nếu Chúa Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8: 9-1).

Hành động tối hậu này không còn nhắm đến một dân tộc cụ thể nào, như Israel trong Cựu ước, dân riêng của Thiên Chúa, được đề cập trong bài đọc thứ nhất: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông. Ông Môsê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài” (Xh 34: 6-9). Trong thời Tân ước, ơn cứu độ của Thiên Chúa nhắm đến mọi người, bất cứ ai tin vào Ngài, qua Người Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô và từ Người Con này Ngài đổ tràn Thánh Thần xuống trên những người ấy.

Thiên Chúa không phân biệt đối xử. Ơn cứu độ này không tùy thuộc vào tình trạng của con người. Như Môsê trong Cựu ước đã xin Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, sự cứng đầu cứng cổ…cho dân Israel thuở xưa, thì trong Tân ước Ngôi Hai Thiên Chúa, trên thập giá đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23: 34). Qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, ơn cứu độ được ban cho người giàu cũng như người nghèo, trẻ em cũng như người già, những người có học thức cũng như những người không có bằng cấp nào, vì: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8: 14). Bất cứ ai, nhờ Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn mà tin vào Con Thiên Chúa thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3:14).

Điều này có nghĩa đức tin là điều kiện căn bản để được cứu độ, được sống muôn đời. Điều này nằm trong tầm tay của mọi người, tùy vào con người. Điều kiện duy nhất là tin vào Thiên Chúa, qua Người Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, và thực thi những điều Ngài truyền dạy, chỉ như thế con người mới có thể tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14: 20-21).

Điều đã thách thức dân Israel khi xưa, cũng đang thách thức chúng ta ngày nay, không phải là mở lòng với Chúa Giêsu với tư cách là Đấng Mêsia theo ước mong của dân Israel, và của chúng ta hôm nay, một Đấng Cứu Thế sẽ đáp ứng mọi khát vọng chính trị trần thế của họ. Nhưng là mở lòng với Chúa Giêsu ngay cả khi Ngài bị kết án như một tên cướp: “Cùng bị đóng đinh với Ngài, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái” (Mt 27: 38), và chịu khổ hình thập giá như những người nô lệ thời đó, vì Ngài là biểu lộ đích thực của “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4:16). Cái chết ô nhục của Chúa Giêsu là một hành động yêu thương của Thiên Chúa, chỉ đường dẫn đến sự sống đời đời, và con đường này quan trọng đến nỗi từ chối hành động đó là từ chối chính Thiên Chúa và chọn cái chết muôn đời. Và cách duy nhất để đón nhận con đường này là đức tin, vốn hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí điên rồ, theo quan điểm của phàm nhân: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Chúa Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1: 22-23). Sự mở lòng với Chúa Giêsu trên thập giá có tác động rất lớn đến ý nghĩa của việc làm người. Hơn nữa, bước theo con đường của Chúa Giêsu không phải là tùy chọn, mà là vấn đề sinh tử. Nhưng nếu chúng ta không chấp nhận bằng đức tin thì sự thật này khiến lòng dạ chúng ta sợ hãi và khiến tâm trí chúng ta né tránh.

Tin Mừng kêu gọi chúng ta có câu trả lời riêng của mỗi người. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta kêu gọi chúng ta đáp lại trong đức tin bằng cách tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu và ơn cứu độ mà Ngài đã giành được cho chúng ta. Việc tuyên xưng và sống đức tin này trong mọi sinh hoạt hàng ngày và mọi mối tương giao xã hội của chúng ta là dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta, như Thánh Phaolô kêu mời: “Ngoài ra, thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em” (2Cr 13: 11).

Cụ thể hơn, mỗi khi tôi ghi dấu Thánh giá trên thân mình tôi, hay khi tôi đọc kinh Sáng danh, tôi có ý thức đầy đủ về những gì mình đang làm và đang đọc không? Tôi có biết rằng những khi ấy tôi đang tuyên xưng đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu đang lan tỏa trong trời đất muôn vật, nơi mọi người và nhất là nơi chính tôi không? Thánh Mátthêu kết thúc sách Tin mừng của mình bằng câu nói về Ba Ngôi: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Tôi có ý thức sống và công bố Tin mừng Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi cho mọi người tôi sống cùng và gặp gỡ hàng ngày không? Dù thế nào đi nữa, chúng ta cần ghi nhớ lời mà Thánh Phaolô cầu chúc cho các tín hữu của ngài, cũng là cho chúng ta, để rồi đến lượt mình, chúng ta cầu chúc cho những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2 Cr 13:13).

Phêrô Phạm Văn Trung

------------------------------
 

BaNgôi ABC511: Ân sủng rẻ tiền và ân sủng đắt giá


(Suy niệm của ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)

WGPSG –
 

Một vị giám mục cao tuổi nhận được thiệp mời dự lễ Trao tác vụ linh mục. Ngài hỏi tôi: gọi BaNgôi ABC511


Một vị giám mục cao tuổi nhận được thiệp mời dự lễ Trao tác vụ linh mục. Ngài hỏi tôi: gọi là trao tác vụ linh mục có đúng không, hay phải gọi là truyền chức linh mục? Ngài có lý, vì cách nói trao tác vụ linh mục hay tác vụ phó tế có thể gây hiểu nhầm rằng linh mục hay phó tế chỉ là một nhiệm vụ, một công việc, dù là công việc thánh. Đang khi đó, chức linh mục, chức phó tế không chỉ là một nhiệm vụ mà là điều gì đó sâu xa hơn nhiều. Trước hết và trên hết, đó là một ân sủng, “hồng ân Thánh Thần, cho phép thực thi một quyền thánh chức, quyền này chỉ có thể phát xuất từ chính Đức Kitô, qua Hội Thánh của Người” (GLHTCG số 1537). Chỉ trên nền tảng đó mới có thể nói đến tác vụ linh mục hay phó tế. Hiện hữu đi trước hành động. Chức linh mục thừa tác đi trước và làm nền cho thừa tác vụ linh mục. Dù khi già yếu bệnh tật hoặc trong hoàn cảnh không thể thi hành nhiệm vụ, linh mục vẫn là linh mục. Và chức linh mục hay phó tế ấy trước hết là một ân sủng: “Không ai tự gán cho mình vinh dự là thượng tế nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi, như ông Aharon đã được gọi” (Dt 5,4).

Vì là ân sủng được trao ban cho nên người lãnh nhận không có lý do gì để tự kiêu tự đắc cả, mà đúng hơn, phải biết đón nhận với lòng biết ơn và khiêm tốn. Sự khiêm tốn ấy vừa phát sinh từ ý thức về sự cao cả của hồng ân mình lãnh nhận, vừa phát xuất từ ý thức về sự mỏng dòn yếu đuối của bản thân.

Cách cụ thể, trong nghi thức phong chức hôm nay, vị giám mục chủ phong trao sách Phúc Âm cho từng tân chức với lời căn dặn: “Con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con phải biết là hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Vậy có ai trong anh em dám tự hào rằng, bằng sức riêng của mình, tôi sẽ sống cách hoàn hảo Lời mà tôi rao giảng? Bằng sức riêng của mình, tôi sẽ làm cho mọi người tin vào Chúa Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống?

Cũng trong nghi thức hôm nay, các tân chức thề hứa vâng phục Đấng bản quyền và sống độc thân trọn đời. Có ai trong anh em dám tự hào rằng, bằng sức riêng của mình, tôi sẽ trung thành trọn đời và trọn vẹn lời thề hứa đó, nghĩa là từ trong tâm hồn chứ không chỉ là tránh những vi phạm bên ngoài?

Tự đặt cho mình những câu hỏi như thế để khám phá sự mỏng dòn và yếu đuối của mình, nhờ đó sống khiêm tốn hơn. Chính sự khiêm tốn ấy thúc đẩy chúng ta cậy trông vào Chúa, và cầu nguyện là sự diễn tả niềm cậy trông ấy. Tôi nhớ lại hình ảnh Đức Hồng y John Henry Newman. Là một linh mục Anh giáo và nhà tư tưởng nổi tiếng ở Oxford lúc ấy, nhưng khi nghiên cứu, ngài khám phá ra chỉ có Hội Thánh Công giáo mới là Hội Thánh đích thực của Chúa Kitô. Thế nhưng quả là sự giằng co xâu xé khi phải giã từ Anh giáo cùng với biết bao đau khổ gây ra cho những người thân yêu, tin tưởng nơi ngài. Với tâm trạng ấy, trên chuyến tàu giữa biển cả mênh mông và sương mù giăng kín, ngài đã viết nên lời cầu nguyện nổi tiếng Lead, kindly Light:

“Ánh sáng dịu êm, xin dẫn con.
Dẫn con đi tới giữa đêm mịt mùng…
Dẫn con vững bước trên đường
Con không cầu thấy chân trời xa xôi.
Dẫn con, dẫn con từng bước,
Từng bước một thôi”.

Hãy mang lấy những tâm tình cầu nguyện ấy, lời cầu nguyện của những tâm hồn khiêm tốn và đầy ắp niềm trông cậy. Đồng thời, khi nói đến ân sủng, đừng nghĩ rằng ân sủng miễn trừ mọi nỗ lực và cố gắng của con người. Bởi lẽ, nói theo ngôn ngữ của Dietrich Bonhoeffer, ân sủng mà chúng ta lãnh nhận là ân sủng đắt giá chứ không phải thứ ân sủng rẻ tiền. Là một mục sư Tin Lành Lutheran, Bonhoeffer bị Đức quốc xã bắt giam và bị treo cổ. Chính trong những ngày bị nhốt trong tù, ông đã viết ra những dòng này:

“Ân sủng rẻ tiền là lời rao giảng ơn tha thứ mà không đòi hỏi hoán cải, chịu Phép Rửa mà không cần sống theo giáo huấn của Giáo hội, rước lễ mà không cần xưng tội, nhận ơn xá giải mà không cần thống hối. Ân sủng rẻ tiền là thứ ân sủng không đòi hỏi phải sống đời sống người môn đệ, thứ ân sủng không có thập giá, thứ ân sủng không có Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và nhập thể làm người. Còn ân sủng đắt giá là kho tàng chôn giấu trong ruộng sâu, và vì kho tàng đó mà một người vui mừng bán đi tất cả những gì mình có để mua cho bằng được. Đó là viên ngọc vô giá mà người lái buôn sẵn sàng bán đi tất cả của cải để mua lấy. Đó là lề luật vương giả của Chúa Kitô có thể khiến cho một người dám móc mắt mà quăng đi nếu nó gây trở ngại. Đó là lời mời gọi của Chúa Kitô khiến cho các môn đệ bỏ cả thuyền và lưới mà đi theo Người. Ân sủng đắt giá là Tin Mừng phải được tìm đi tìm lại, là ơn ban ta phải khấn xin, là cánh cửa ta phải gõ vào… Ân sủng đó đắt giá vì Thiên Chúa đã phải trả giá bằng chính sự sống của Con Một Ngài, và cái khiến Thiên Chúa phải trả giá đắt dứt khoát không thể nào là rẻ tiền đối với chúng ta”.

Vâng, ân sủng mà hôm nay chúng ta lãnh nhận là ân sủng đắt giá. Và vì đắt giá nên chúng ta phải trả bằng cả con người và cuộc đời mình, một cuộc đời dám sống cho Chúa và phần rỗi các linh hồn. Xin anh chị em cầu nguyện cho các tân chức và cho tất cả chúng tôi, các giám mục và linh mục có mặt ở đây, sống được như thế.

Ngày 26.05.2012
Lễ phong chức phó tế cho các đại chủng sinh Sàigòn.

-------------------------------
 

BaNgôi ABC512: Lễ Chúa Ba Ngôi


(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc)

“NHÂN DANH CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN”

1. Hành trình phụng vụ và Lễ Chúa Ba Ngôi
 

Lễ Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta cử hành trọng thể hôm nay, là điểm tới của cả một hành trình phụng BaNgôi ABC512


Lễ Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta cử hành trọng thể hôm nay, là điểm tới của cả một hành trình phụng vụ thật dài. Hành trình này bắt đầu với Tuần Thánh, vốn là trung tâm của năm phụng vụ; và trong Tuần Thánh, chúng ta đã tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su-Ki-tô, Chúa chúng ta.

Sau Tuần Thánh, chúng ta được dẫn vào mùa Phục Sinh, là mùa vừa mới kết thúc cách đây một tuần. Vì thế, chúng ta còn nhớ rõ, có nhiều mầu nhiệm lớn được cử hành trong mùa Phục Sinh: mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Ki-tô, mầu nhiệm Lên Trời của Ngài, mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống, mà chúng ta mới cử hành vào Chúa Nhật tuần trước.

Và sau cùng, hôm nay chúng ta tôn vinh cách trọng thể Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy, tại sao chúng ta không tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi ngay từ đầu, nhưng phải đợi đến bây giờ, ở cuối một hành trình phụng vụ thật dài? Chúng ta có thể đoán ra lí do một cách dễ dàng. Bởi lẽ, điều này có một lí do rất đơn giản: chúng ta không thể hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi bằng lí thuyết hay bằng những kiến thức đến từ những định nghĩa, diễn giải hay suy tư trong sách vở, nhưng chỉ bằng kinh nghiệm mà thôi: kinh nghiệm nơi sáng tạo, nơi lịch sử và nhất là nơi cuộc đời mình, hành động yêu thương và yêu thương đến cùng của Thiên Chúa, là Cha, là Con và là Thánh Thần.

Khi mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta được mời gọi không chỉ ca mừng Chúa Ba Ngôi, nhưng còn khám phá những lí do để cho lời ca mừng trở nên đích thật, đó là đọc lại đời mình, dưới ánh sáng của hành trình phụng vụ, để nhận ra tất những gì Thiên Chúa, là Cha, là Con và là Thánh Thần “đã làm” cho chúng ta một cách thiết thân. Cũng giống như trong một gia đình, những người con chỉ hiểu và yêu mến cha mẹ, “ca mừng” cha mẹ, sau khi đã nhận ra ơn sự sống, ơn tha thứ và tất cả những gì cha mẹ đã làm cho mình.

Một cách cụ thể, Lời Chúa trong các bài đọc trong Thánh Lễ kính Chúa Ba Ngôi hôm nay sẽ giúp chúng ta nhận ra, đón nhận và sống “ơn sủng Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”, vốn là lời ước nguyện mà Giáo Hội dành cho chúng ta mỗi ngày, khi cử hành Thánh Lễ.

 2. Ba Ngôi Thiên Chúa

a. Ơn sủng của Đức Giê-su Ki-tô

Qua phép rửa, nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta được trở nên môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô. Được trở nên môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô là ơn sủng của mọi ân sủng, bởi vì Người chia sẻ tất cả những gì là của Người cho chúng ta: Lời của Ngài, Mình và Máu của Ngài, Cha của Người và tình yêu của Người. Chúng ta được mời gọi lắng nghe Người trong mọi sự và ở mọi lúc mọi nơi, với tư cách là môn đệ, để yêu mến và đi theo Ngài hơn, thay vì đi theo, nghĩa là làm nô lệ cho một ai khác hay một điều gì khác.

Và vì là môn đệ, chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su Ki-tô, như Thánh Phao-lô nói: “vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8, 17)

b. Tình yêu của Chúa Cha

Bài đọc 1, trích sách Đệ Nhị Luật, nói cho chúng ta về Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng: “Từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất…”. Chiêm ngắm công trình tạo dựng (x. St 1), chúng ta sẽ nhận ra rằng, Thiên Cha tạo dựng con người không vì điều gì và không cho điều gì khác hơn là Tình Yêu, bởi vì Người là Tình Yêu, dù con người có ra như thế nào.

Thực vậy, vì tình yêu nhưng không, Ngài đi vào tương quan thiết thân với một dân tộc, là Israel, để vừa tỏ bày cho loài người biết thế nào là tình yêu, vì tình yêu chỉ có thể được bày tỏ qua tương quan một-một, và thế nào là tình yêu trung tín bất chấp sự bất trung của con người.

Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện cách trọn vẹn và đi đến cùng nơi Đức Giê-su Ki-tô, nhưng không phải dành cho một dân tộc, nhưng dành cho muôn dân và cho từng người chúng ta.

c. Ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần

Và thánh Phao-lô trong thư gởi tín hữu Roma, nói cho chúng ta về ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần: Ngài dẫn chúng ta vào tương quan thiết thân giữa Chúa Cha và Chúa Con, không phải trong sự sợ hãi của người nô lệ, nhưng với tư cách là nghĩa tử:

* Chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Abba”, như Đức Giê-su Ki-tô.

* Và vì là con, nên chúng ta được đồng thừa kế với Đức Giê-su Ki-tô, Con Duy Nhất của Thiên Chúa Cha.

Như thế, nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, chúng ta không chỉ trở nên môn đệ, nhưng còn trở nên con của Thiên Chúa và như thế trở nên anh em chị của Đức Giê-su Ki-tô, và anh chị em của nhau.

Chúa Thánh Thần vẫn luôn mở lòng chúng ta để đón nhận ơn huệ cao cả này, vẫn luôn giúp chúng ta sống, vẫn luôn thúc đẩy chúng ta làm chứng và chia sẻ ơn huệ làm môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô và làm con Thiên Chúa, để muôn dân trở thành anh chị em của nhau; và như thế trở thành một như Thiên Chúa Ba Ngôi là một, nhờ, với và trong Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

3. “Xin ban cho con ân sủng và tình yêu”

Dưới ánh sáng Lời Chúa trong Thánh Lễ kính Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi nhớ lại mọi ơn lành đã lãnh nhận từ Ba Ngôi Thiên Chúa: ơn tạo dựng, ơn cứu chuộc và các ơn riêng; để qua đó, chúng ta có thể nhận ra Người hiện diện và hành động trong thế giới sáng tạo, trong lịch sử loài người và nơi từng người chúng ta, và nhất là nhận ra mọi sự tốt lành, chẳng hạn khả năng của con người, sự công chính, lòng nhân từ, lòng thương xót… đều đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa, như những tia sáng từ mặt trời chiếu xuống, như nước trong nguồn chảy ra.

Nhớ lại mọi ơn huệ và hiểu biết thâm sâu như thế về tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ có lòng ước ao yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự, với lòng biết ơn; và có thể thân thưa với Chúa mỗi ngày và suốt đời:

Lạy Chúa, Xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con. Lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa hết thảy. Tất cả là của Chúa.

Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa. Vì được như thế, là đủ cho con. Amen.

(Sách Linh Thao, số 234)

-------------------------------
 

BaNgôi ABC513: Lễ Chúa Ba Ngôi


TRAO BAN TẤT CẢ VÌ YÊU THƯƠNG

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
 

Kinh thánh (St 22, 1-18) cho biết: Sau nhiều tháng năm chờ đợi mỏi mòn, mãi cho đến trăm tuổi BaNgôi ABC513


Kinh thánh (St 22, 1-18) cho biết: Sau nhiều tháng năm chờ đợi mỏi mòn, mãi cho đến trăm tuổi, Cụ Áp-ra-ham mới được diễm phúc sinh đứa con nối dõi tông đường. I-xa-ác chào đời đem lại niềm vui chan hoà cho Cụ Áp-ra-ham. I-xa-ác là lẽ sống, là cây gậy chống đỡ tuổi già, là tương lai cho giống nòi và là tất cả của Cụ già trăm tuổi.

Thế mà Thiên Chúa truyền cho Cụ phải sát tế đứa con yêu để tế lễ cho Ngài.

Trời đất như quay cuồng sụp đổ khi Cụ Áp-ra-ham nghe lệnh truyền của Thiên Chúa.

Phải ở trong hoàn cảnh của Cụ già trăm tuổi như Áp-ra-ham mới cảm nhận thấm thía nỗi đau thương và mất mát vô cùng lớn lao của một người cha phải sát tế đứa con một rất đỗi yêu quý của mình. Nếu không vì tình thương lớn lao đối với Thiên Chúa, Cụ Áp-ra-ham không thể nào thực hiện được sự hiến dâng đau lòng đó.

Cụ Áp-ra-ham sẵn sàng hi sinh tất cả vì Thiên Chúa là Đấng mà Cụ thần phục và mến yêu. Nhưng Thiên Chúa chỉ thử lòng Cụ Áp-ra-ham thôi. Ngài không nỡ để cho một người cha phải gánh chịu nỗi đau thương lớn lao đến thế.

Trích đoạn Tin Mừng trong ngày lễ hôm nay cũng đề cập đến một người Cha khác đã thực hiện một sự trao ban triệu lần cao cả hơn. Vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm, vì không muốn cho muôn người phải lâm vào cảnh đau khổ trầm luân vì tội lỗi ngút ngàn của họ, Thiên Chúa Cha đã trao ban Con Một vô cùng yêu quý của Ngài, để Con của Ngài chết thay cho nhân loại, để cho những ai tin vào Con Ngài thì được cứu sống và được sống muôn đời: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ". (Gioan 3, 16-17)

Xưa kia, Thiên Chúa không nỡ để cho I-xa-ác phải chết dưới lưỡi dao run rẩy của Cụ Áp-ra-ham, không để cho thân xác của I-xa-ác phải chịu thiêu đốt trên bàn thờ để làm hy lễ cho Ngài, nhưng đã đến một thời, Thiên Chúa Cha lại để cho Con Một Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh, chịu quằn quại đau thương và chịu chết trên thập giá để đền cho hết tội lỗi chúng ta và ban lại cho chúng ta sự sống đời đời.

Tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, dân đen cùng khốn chết cho hàng vua chúa cao sang hay con chó trung thành liều chết để cứu mạng chủ cũng còn là điều dễ hiểu. Đằng nầy Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể đất trời lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng tượng con người. "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình" (Gioan 15, 13) và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng. Khi được Chúa Trời cao cả ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giê-su hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp công ơn cao dày đó?

Để đền đáp phần nào tình thương trời bể của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Con Một mình cho nhân loại, để đền đáp sinh mạng của Chúa Giê-su đã trao hiến cho bạn và cho tôi, chúng ta hãy dâng cho Ngài một hiến lễ tương tự, dù vạn lần nhỏ bé hơn. Đó là "hiến dâng thân mình chúng ta làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rôma 12, 1). Đó cũng là nguyện ước của chân phước An-rê Phú Yên hôm xưa: "đem cuộc sống báo đền cuộc sống; lấy tình yêu đáp trả tình yêu".

-------------------------------
 

BaNgôi ABC514: Lễ Chúa Ba Ngôi


(Suy niệm của Lm. Gioan Phan Tiến Dũng)
 

Trong tuần qua, khi gặp các em ở lớp chuẩn bị xưng tội-rước lễ lần đầu tôi có hỏi: Chúng con hiểu BaNgôi ABC514


Trong tuần qua, khi gặp các em ở lớp chuẩn bị xưng tội-rước lễ lần đầu tôi có hỏi: Chúng con hiểu thế nào về Chúa Ba Ngôi? Đa phần các em cười và nói con không biết, nhưng có 1 em giơ tay xin trả lời: “Thưa Cha! Chúa Ba Ngôi là Ba Ngôi Thiên Chúa”. Khi nghe bạn trả như vậy, các em khác ai cũng cười và nói: “Vậy mà cũng giơ tay trả lời”. Một em khác giơ tay xin trả lời: “Thưa Cha! Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Lần này nghe vậy, các em khác cười và vỗ tay. Với bản thân tôi là một linh mục, người đã học biết, đã rao giảng và dạy dỗ  về Chúa Ba Ngôi, nhưng khi nghe các em nhỏ trả lời rất đơn sơ, ngắn gọn, súc tích và cốt lõi như vậy, đã làm tôi giật mình và tự suy nghĩ. Thật vậy, vì một khi đã gọi là mầu nhiệm, thì làm sao chúng ta có thể hiểu và giải thích cho tường tận với trí khôn, sự suy luận và hiểu biết của con người được. Ngay cả như với Thánh Augustinô, cũng được cho là “điên dại” khi Ngài muốn hiểu biết tường tận về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Còn với mỗi người chúng ta, anh chị em hiểu biết thế nào về Chúa Ba Ngôi, hay nói khác hơn chúng ta đã cảm nhận như thế nào về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống của mình?

Anh chị em rất thân mến, các bài đọc Lời Chúa hôm nay đang soi sáng, hướng dẫn hầu giúp chúng ta phần nào hiểu biết về Thiên Chúa, để chúng ta có thể tin, để tuyên xưng và sống trọn vẹn cho niềm tin của chúng ta vào mầu nhiệm chính quan trọng trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Ba Ngôi. Bài đọc I trong sách Đệ Nhị Luật mời gọi chúng ta hãy tin, hãy sống và cảm nhận mọi sự trong trời đất muôn vật này và ngay cả chính sự sống của mỗi người chúng ta là do ơn Chúa thương ban. Thiên Chúa chính là người Cha yêu thương, đã vì yêu thương chúng ta mà Ngài đã tạo dựng nên mọi sự. Do đó, cách sống tốt nhất để đáp đền là tuân giữ những giới răn, lề luật mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta được hưởng hạnh phúc, bình an cùng những phẩm giá tốt lành mà Thiên Chúa ban tặng. Ai tin và chấp nhận Thiên Chúa là Chúa của mình thì được Ngài ban ơn chúc phúc.

Bài đọc II trong thư gửi tín hữu Roma, Thánh Phaolo đã mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn trước những ơn ban của Thánh Thần. Thái độ của con người khiêm tốn là thái độ của người con ngoan ngoãn và sống thân mật với Người Cha của mình. Nhờ vậy mà chúng ta được thừa hưởng mọi kho tàng, ân ban của Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa mà chúng ta mới có đủ sức để thi hành trọn vẹn với những sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta.

Tin mừng của Thánh Matthêu đã thuật lại cho chúng ta biết sứ vụ mà chúng ta được Chúa thương trao ban không gì cao quý hơn đó chính là được thông phần vào công cuộc rao giảng, sống chứng tá về tình thương và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã để lại. “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Mỗi khi chúng ta xác tín để sống và thực thi sứ vụ mà Thiên Chúa trao ban thì chính lúc đó chúng ta cổ võ và rao giảng về sự hiện diện-đồng hành, ơn ban của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thật ra, không phải chúng ta rao giảng và làm chứng về Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô là tác nhân của sứ vụ cao trọng này.  Thật vậy, với lời hứa ban “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”, đây chính là ơn thánh mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, nhưng ơn thánh này chỉ thực sự hữu ích dành cho những ai sống tín thác, yêu mến và thực hành qua cung cách-thái độ sống của mình. Thật vậy, đời sống của chúng ta được mời gọi phải được thể hiện bằng chính đời sống cầu nguyện, hiệp thông, hy sinh, bác ái;  đây cũng là cách thế mà chúng ta có thể làm chứng và tuyên xưng cách hào hùng nhất về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi nhớ lại có một lần tôi đã hỏi một bà cụ: bà hiểu thế nào về Chúa Ba Ngôi, thì đã bà trả lời: “Con không biết nhiều về Chúa Ba Ngôi, con chỉ biết rằng con được sinh ra, được sống và được giữ đạo Chúa cho đến giờ này là do tình yêu Chúa đã dành cho con; nên con phải cố gắng để sống cho xứng đáng hầu đáp đền ơn Chúa dành cho con qua việc con đi dự lễ và đọc kinh hằng ngày.”

Anh chị em thân mến, cách sống đẹp lòng Chúa và được Chúa yêu thương đó chính là thái độ-cung cách sống khiêm tốn, đơn sơ và dành mọi điều tốt đẹp cho tha nhân với ý thức rằng: tất cả những gì mình có được là bởi do ơn thánh Chúa; nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta hãy làm lan tỏa đến tất cả những anh chị em của mình. Trong những ngày cuối của tháng hoa kính Mẹ, Đức Maria chính là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta, vì Mẹ đã sống chứng tá và làm lan tỏa tình yêu, ơn thánh từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho tất cả chúng ta. Xin Mẹ chuyển cầu, phù giúp cho mỗi người chúng con được trở nên những người con sống đẹp lòng Chúa, cùng với những đóa hoa lòng dâng lên hầu trong mọi sự chúng con luôn cùng với Mẹ tôn vinh Chúa Ba Ngôi, đem lại ơn ích cho tha nhân. Amen.

-------------------------------
 

BaNgôi ABC515: Lễ Chúa Ba Ngôi


(Suy niệm của Lm. Xuân Hy Vọng)

MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI: MẦU NHIỆM CẦU NGUYỆN, SỐNG, VÀ SẺ CHIA

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ,
 

Chúng ta cùng với Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm nguồn cội và chính BaNgôi ABC515


Chúng ta cùng với Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm nguồn cội và chính yếu của đời sống đức tin Công giáo. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vượt trên trí hiểu, tâm trí của con người chúng ta, nhưng đó chẳng phải là lí do mà chúng ta không sống được Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta không hiểu thấu được mầu nhiệm cao quý khôn cùng này, nhưng chúng ta sống, cầu nguyện, cảm nghiệm mầu nhiệm này trong từng giây phút đời sống, trong từng hơi thở, trong từng trạng huống cuộc đời, trong mọi khoảnh khắc thường nhật của chúng ta.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải để tranh luận, nghiên cứu về mặt tri thức hay khoa học hàn lâm, nhưng là mầu nhiệm để sống, chia sẻ và cầu nguyện. Nó gắn liền mật thiết với con người và đời sống đức tin của chúng ta như nỗi lòng của Thánh Âu-gus-ti-nô được trải bày rõ nét, sống động trong cuốn ‘Tự Thuật’ (Confessio, Confessions): “Con đã yêu Chúa quá muộn màng! Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa luôn mới mẻ, con đã yêu Chúa quá muộn màng! Bấy giờ Chúa ở trong con mà con thì ở ngoài, con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài xa kia. Con thật hư hỏng, khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp. Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con mà con lại không ở với Chúa. Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa, trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa. Chúa đã gọi con, đã gọi to và phá tan sự điếc lác của con. Chúa đã soi sáng và xua đi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa hương thơm ngát để con được thưởng thức, và giờ đây hối hả quay về với Chúa. Con đã nếm thử Chúa và giờ đây con đói khát Người. Chúa đã chạm đến con, nên giờ đây con nóng lòng, chạy đi tìm an bình nơi Chúa..” (Confessio X, 27, “Sero te amavi, pulchritudo tam antiqua et tam nova, sero te amavi! et ecce intus eras et ego foris, et ibi te quaerebam…,”). Hơn nữa, chúng ta được gặp gỡ Chúa Ba Ngôi ngay chính trong thế giới nội tâm, chứ chẳng phải ở ngoài xung quanh ta, và một lúc nào đó chúng ta nhận ra, cảm nghiệm sâu sắc Chúa Ba Ngôi hiện diện thật ưu ái, gần gũi hơn chúng ta vẫn nghĩ. Người đi vào đời, vào tâm tư, cuộc sống mỗi người chúng ta như chính cảm nghiệm của thánh Phao-lô: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (x. Cv 17, 28).

Nhưng làm sao có một cái nhìn chung nhất về Thiên Chúa Ba Ngôi? Ở điểm này chỉ có một người giúp chúng ta khai thông, đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Vì không ai thấy Thiên Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần, chỉ duy một mình Thầy Giê-su Chí Thánh hằng kết hiệp nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, “không ai nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ, ngoại trừ Chúa Con, Đấng ở trong cung lòng của Thiên Chúa Cha. Người đã tỏ cho chúng ta biết” (x. Ga 1, 18) và “ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy…” (x.Ga 14, 9-12). Trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an, Chúa Giê-su dạy dỗ các Thánh Tông Đồ về sứ vụ của Chúa Thánh Thần “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì. Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13-15). Tắt một lời, chúng ta muốn cảm nghiệm, nhận biết Chúa Cha là Đấng như thế nào, Chúa Thánh Thần là Đấng ra sao, thì chúng ta hãy đến gần, chiêm ngắm và học nơi con người Chúa Con, Đấng Cứu Độ chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô. Vì khi chúng ta yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng giàu lòng thương xót, là Chúa Chiên Lành hy sinh cả mạng sống mình cho đàn chiên, là người cảm thông sâu xa với nỗi mất mát của tha nhân, hằng bao dung, không một lời lên án nhưng vẫn chờ đợi, mời gọi những kẻ tội lỗi, những người bị xã hội ruồng rẫy, những người bày mưu tính kế bắt nộp Ngài; và Ngài cũng không ruồng bỏ bất cứ một ai, nhưng hằng giang tay đón mời với ánh mắt nhân hậu thay đổi đời sống của Gia-kêu, của Mát-thêu, v.v…thì chúng ta cũng cảm nghiệm sâu sắc Đấng hằng yêu thương, tạo dựng, chăm sóc, ban cho ta ơn được thông phần vào ơn cứu độ. Vì vậy, Chúa Ki-tô chính là hiện thân của Chúa Cha vô hình, của một Thiên Chúa toàn năng nhưng khiêm hạ, hằng tha thứ, thương xót và mong chờ, mời gọi chúng ta trở về với Ngài. Và qua Chúa Giê-su, chúng ta nghiệm thấy sự kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Thần. Ngài hằng làm việc với Chúa Thánh Linh trong sứ mạng của Ngài (x. Mt 12, 28; Rm 1, 4; 8, 11, v.v…).

Do đó, chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thế nào? Như lời chia sẻ một phần nhỏ ở trên, tuy chưa toàn diện, nhưng thiết nghĩ cũng ích lợi cho chúng ta ít nhiều, hầu rút ra một số điểm để cầu nguyện, để sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi một cách thâm sâu, đó là: năng chạy đến, ngắm nhìn, học hỏi, bắt chước con người Giê-su - hiện thân của Chúa Cha và kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Linh trong mọi công việc, sứ vụ. Thứ đến, việc năng đến với Giê-su ấy sẽ giúp chúng ta càng cảm nghiệm sâu xa, gần gũi mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bao nhiêu, thì chúng ta càng trở nên thân thiện, bao dung, nhẫn nại, tha thứ, ra đi đến với anh chị em của mình bấy nhiêu, đặc biệt những thành viên trong gia đình, hội đoàn, cộng đoàn giáo xứ, mọi người xung quanh lối xóm, nơi công sở, trường học và tất cả ở những lãnh vực khác. Và sau cùng, mỗi người trong chúng ta nên sống, làm việc, hay bất cứ sinh hoạt nào đều dựa trên nền tảng đời sống tu đức, cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi mỗi ngày dù tất bật, bận rộn với cuộc sống, phải chạy đua với thời gian; để rồi kể cả trong sự im lặng của Thiên Chúa, chúng ta cũng không nao núng, nhưng vẫn tín thác trọn niềm nơi Người. Vì chưng, đối với nhiều người, sự thinh lặng của Thiên Chúa là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, theo John Updike trải nghiệm thì “một Thiên Chúa ồn ã và mặc nhiên sẽ là một bạo chúa không an toàn, thay vì là một sự động viên không giới hạn đối với bản chất yếu đuối và hay sợ sệt của chúng ta. Câu đáp lại của Người hoà nhập vào cuộc hành trình dài, gồm những sự kiện to lớn của đời sống, sâu thành chuỗi xuyên suốt mọi vật”

Để kết thúc bài chia sẻ này, con xin mượn lời bài hát “Dấu Thánh” của nhạc sĩ Lê Đức Hùng để cùng với quý ông bà, anh chị em tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, và sống kết hiệp với Chúa Ba Ngôi hằng ngày như lời bài hát biểu lộ sự ước vọng, nỗ lực cố gắng cũng như những yếu đuối chưa sống đức tin vào Chúa Ba Ngôi…Qua đó, xin Chúa Ba Ngôi sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh hay giá băng của chúng ta, để chúng ta can đảm sống đức tin vào Chúa Ba Ngôi giữa đời.

Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng
Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu
Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần
Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc đời con.
Mỗi lần làm Dấu Thánh xin ngự đến trong tâm hồn con
Mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con
Xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm
Ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương, của ngài giữa đời…

-------------------------------
 

BaNgôi ABC516: Lễ Chúa Ba Ngôi


(Suy niệm của Lm. GB. Phạm Hồng Thái)
 

Trong lịch Phụng vụ chúng ta thấy: sau khi đã kính hết các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu BaNgôi ABC516


Trong lịch Phụng vụ chúng ta thấy: sau khi đã kính hết các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu từ khi Chúa Giáng sinh tới khi Chúa chịu chết sống lại và lên trời rồi Chúa Thánh thần hiện xuống, thì cuối cùng mới tới lễ Chúa Ba Ngôi: Như vậy phải chăng Phụng vụ muốn nói lên rằng Chúa Ba Ngôi là cao điểm của mặc khải Kitô giáo và chúng ta chỉ hiểu được phần nào về Chúa Ba Ngôi sau khi đã tìm hiểu tất cả các mầu nhiệm trước trong cuộc đời Chúa Giêsu

Tôi có nghe một cha giáo dạy thần học ở Đại chủng viện nói tất cả những lời giải thích và những hình ảnh so sánh về Chúa Ba ngôi đều bất toàn, vì thế thiết tưởng lúc này thay vì phải giải thích, thì  chúng ta nên xem Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta về Chúa Ba ngôi như thế nào và Chúa muốn dạy chúng ta điều gì khi Chúa tỏ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho chúng ta

Trước hết có một câu nói của Chúa Giêsu rất vắn gọn bao hàm vừa là mệnh lệnh đi rao giảng Tin Mừng vừa là mặc khải cả ba ngôi Thiên Chúa trong cuối Tin Mừng Matthêô đó là: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần"(Mt 28, 19) và nhất là đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa trong Mc 1, 10-11: " Vừa lên khỏi Nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Chúa Thánh Thần tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: " Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con". Tiếng nói từ trời là Chúa Cha, Chim Bồ câu ngự xuống trên Chúa Giêsu là Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu là Ngôi Con mới chịu phép Rửa được Chúa Cha Đấng từ Trời xuống trong cuộc Thần hiện nói lên tiếng nói từ trong đám mây giới thiệu Chúa Giêsu là Người Con Chí Ái đẹp lòng Chúa Cha.

Cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hành động chung để mưu ích cho nhân loại chúng ta nhưng việc sáng tạo thường được qui về Chúa Cha, việc Cứu chuộc là của Chúa Giêsu và việc Thánh hóa là của Chúa Thánh Thần

Thánh Gioan đã định nghĩa "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,16). Vậy nếu Thiên Chúa là tình yêu thì mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi càng cho chúng ta thấy rõ tình yêu ở nơi Ba ngôi Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta như lời Chúa Giêsu: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình để những ai tin ở Con của Người thì không bị hư mất nhưng được sống dời đời"(Ga 3, 16)

Đời sống người Kitô hữu chúng ta được chan hòa mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: Chúng ta xưng ra Chúa Ba Ngôi mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá, một người Công giáo bình thường một ngày có ít nhất  3-4 lần làm dấu Thánh giá. Khi còn là trẻ sơ sinh, chúng ta dược cha mẹ đem tời nhà thờ chịu phép Rửa tội và khi Rửa tội, Linh mục đọc: "Cha Rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Mỗi lần đi xưng tội, chúng ta được linh mục đọc lời xá giải: "Cha tha tội cho con nhân Danh Cha và con và Thánh Thần". Mỗi lần đọc kinh Sáng Danh chúng ta  cảm tạ và cầu chúc vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi và khi kết thúc cuộc sống trần gian chúng ta ước mong được phó thác linh hồn trong tay Chúa để được hưởng hạnh phúc cuộc sống đời đời trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi trên thiên quốc

Gần đây trên trang Web của tổng Giáo phận Saigon có kể một cậu chuyện  về một cậu bé 14 tuổi được theo đạo nhờ xem video Công giáo. Em tên là Lê Trúc Lâm sinh năm 2017, 14t, học lớp 8, ở Rạch giá, gia đình theo đạo Phật và em cũng thường đi chùa với gia đình. Em nói: "Con vô tình thấy Video Thánh Lễ do Đức Tổng Giám mục Bùi văn Đọc giảng lễ, con nhấp xem và sau con lên Youtube xem thêm nhiều lễ nữa do Đức Cha Đọc dâng sau con cũng xem lễ do Đức Giám mục phụ tá Luy Nguyễn Anh Tuấn". Em tìm hiểu về  2 Đức Giám mục. Em hỏi sao Đức cha Đọc lại lấy câu châm ngôn: "Thiên Chúa là nguồn vui của con." Đức Cha giảng vui, và hay nở nụ cười. Em nói chắc có Chúa nên Đức Cha mới vui vẻ và dễ thương như vậy. Còn Đức Cha Tuấn thì em nói Đức Cha giảng hay, dễ hiểu và có ích cho em. Thấy con hay nghe giảng và đi lễ công giáo, gia đình bà con phản đối, nhưng cha mẹ em thì để em được tự do. Sau gần hai năm tìm hiểu và học giáo lí, em  được chịu phép Rửa tội vào ngày a24/10/2020 tại Cần thơ lấy tên thánh Luy của Đức Cha Tuấn. Điều đặc biệt là việc theo đạo Chúa giúp em được biến đổi: Trước đây em tiêu xài ngày tới 500.000đ vị chi một tháng là 15 triệu đồng: số tiền do cha mẹ cho vì gia đình em khá giầu có, nhưng nay em biết tiết kiệm một tháng chỉ tiêu 5 triệu đồng, số tiền còn lại em giúp nhà thờ và làm việc bác ái. Bạn bè cũng nhận xét giờ em bớt nóng tính, biết xin lỗi và không hay chửi thề như trước và  khi ăn cơm em làm dấu thánh giá tử tế. Hiện nay em đã học hết trung học và học thêm Anh văn để chuẩn bị qua Mỹ đoàn tụ với cha mẹ. Cảm tạ Chúa vì em còn có ý muốn đi tu nữa!

Mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ mến yêu và thưa lên Chúa với tâm tình hiếu thảo "Abba"(Rm 8,15) như Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha, chúng ta cũng  nên có một quyết tâm bé nhỏ nhưng  cần thiết là hãy can đảm tuyên xưng Chúa Ba Ngôi qua dấu Thánh giá và làm dấu Thánh Giá tử tế để chứng tỏ chúng ta là con Chúa trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

-------------------------------
 

BaNgôi ABC517: KI-TÔ HỮU LÀ TÁC PHẨM KỲ DIỆU CỦA CHÚA BA NGÔI

 

Chúng ta vừa cùng với Giáo hội Hoàn vũ cử hành những mầu nhiệm căn bản của đức tin Ki-tô BaNgôi ABC517


Chúng ta vừa cùng với Giáo hội Hoàn vũ cử hành những mầu nhiệm căn bản của đức tin Ki-tô giáo: đó là cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Đức Giê-su; sự lên trời vinh hiển của Người; Chúa Thánh Thần hiện xuống khai sinh Giáo hội. Hôm nay, Phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa, trong vinh quang viên mãn của Ngài. Ngài là Thiên Chúa duy nhất, nhưng không đơn độc. Giáo hội Ki-tô tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần.

Trong cuộc đời dương thế, Đức Giê-su nói về Chúa Cha là Đấng Sáng tạo và là cội nguồn của sự thánh thiện. Người nói về Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ xuất phát từ nơi Chúa Cha. Đấng ấy sẽ ở cùng các môn đệ, để tiếp nối công cuộc loan báo Tin Mừng mà Đức Giê-su đã khai mở. Trong những lần tranh luận với người Do Thái, Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là Cha, và Người là Con Một của Chúa Cha. Tâm tình “Cha-Con” được diễn tả đặc biệt thân tình trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su với Chúa Cha mà thánh Gio-an đã ghi lại (x. Ga 17). Dựa vào những chứng cứ trong Tin Mừng, Giáo hội Ki-tô ngay từ thuở ban đầu đã khẳng định: Đức Giê-su là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian; Chúa Thánh Thần là Đấng luôn hiện diện trong vũ trụ và đặc biệt trong Giáo hội do Đức Giê-su đã thành lập. Mặc dù có nhiều trào lưu khẳng định ngược lại (những bè rối ở thế kỷ II và thế kỷ III), tín điều Chúa Ba Ngôi đã được khẳng định bởi các Công đồng. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được công đồng La-tê-ra-nô (năm 1339) tuyên tín như sau: “Chúng tôi tin cách vững vàng và tuyên xưng cách đơn sơ rằng: “Chỉ có một Thiên Chúa chân thật, vĩnh cửu vô hạn và bất biến, vô phương hiểu thấu, toàn năng và khôn tả, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi vị, nhưng chỉ có một yếu tính, một bản thể hoặc một bản tính toàn đơn nhất”.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói về Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như sau: “Mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh là mầu nhiệm trung tâm của Đức tin và đời sống Ki-tô hữu. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy, khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (số 261).

Như chúng ta thấy trong Phụng vụ, khi cộng đoàn Giáo hội dâng lời cầu nguyện, là Giáo hội cầu nguyện với CHÚA CHA, nhờ công nghiệp của CHÚA GIÊ-SU, trong sự hiệp nhất của CHÚA THÁNH THẦN. Như thế, lời cầu nguyện của cộng đoàn tín hữu quy hướng trực tiếp về Chúa Cha. Tuy vậy, vì con người bất xứng, nếu tự mình thì lời cầu nguyện không có giá trị, nên phải cậy nhờ công nghiệp của Đức Giê-su, tức là cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người, để xứng đáng dâng lên Chúa Cha những ước nguyện. Và, những ước nguyện ấy được thân thưa trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần, tức là với ơn soi sáng phù trợ của Ngôi Ba Thiên Chúa.

Không chỉ trong Phụng vụ, mà trọn vẹn đời sống của người Ki-tô hữu đều được chìm ngập trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ vậy, chúng ta được chia sẻ sức sống thần linh với Đấng Tối Cao.

Đâu là mối tương quan giữa mầu nhiệm Ba Ngôi với cá nhân người tín hữu? Mỗi chúng ta, tuy nhỏ bé, nhưng là tác phẩm của Chúa Ba Ngôi. Giáo lý truyền thống dạy chúng ta: con người được Chúa Cha tạo dựng; được Chúa Con cứu chuộc và được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Mỗi chúng ta đều là tác phẩm của Thiên Chúa, là hình ảnh sống động của Ngài. Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tâm hồn người tín hữu từ khi được Thanh tẩy. Chúa Ba Ngôi cũng là đích điểm cuộc đời chúng ta, vì hạnh phúc thiên đàng chính là được chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi trong hạnh phúc trường tồn.

Khi mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy nhận ra quyền năng cao cả của Đấng chúng ta tôn thờ (Bài đọc I). Hơn nữa, Ki-tô hữu còn là con Thiên Chúa và là đồng thừa kế với Đức Ki-tô, nhờ mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giê-su và nhờ Thánh Thần hướng dẫn (Bài đọc II). Đức Giê-su Phục sinh đã trao các môn đệ và chúng ta hôm nay sứ mạng làm chứng cho tình yêu của Chúa Ba Ngôi, bằng cách sống tốt lành thánh thiện và nhiệt tâm loan báo sứ điệp yêu thương của Đức Giê-su, Đấng luôn hiện diện giữa chúng ta.

+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

-------------------------------
 

BaNgôi ABC518: YÊU BẰNG TÌNH YÊU BA NGÔI THIÊN CHÚA

 

Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là Đại Lễ Chúa Ba Ngôi mà trong BaNgôi ABC518


Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là Đại Lễ Chúa Ba Ngôi mà trong tiếng La-tinh gọi là Trinitatis: Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Lễ này nhắc chúng ta nhớ tới mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa là Cha đầy lòng yêu mến, Chúa Thánh Thần là kết quả của tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con; đồng thời Người cũng đã tự mô tả mình là Con Thiên Chúa Tình Yêu.

Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, toàn bộ đời sống của người kitô hữu tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi và xoay quanh mầu nhiệm Tình Yêu ấy. Trước hết chúng ta được rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Người rửa tội vừa đổ nước vừa đọc rằng, cha rửa con hoặc tôi rửa ông bà anh chị “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần“. Vẫn Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần khi cử hành Bí tích Hôn nhân, người nam và người nữ được ràng buộc nên vợ nên chồng (A, hoặc E, hãy nhận chiếc nhẫn cưới này làm dấu chỉ tình yêu và lòng trung thành của A, hoặc E, Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần). Lời cầu nguyện vào cuối đời, chúng ta cầu nguyện rằng: Hỡi linh hồn, hãy lìa xa trần thế này, nhân Danh Thiên Chúa là Cha, Đấng đã tạo dựng, Chúa Con, Đấng đã cứu chuộc và Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hóa với hy vọng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ ban cho người qua đời được hưởng phúc trường sinh. Chính vì thế mà trong mối liên hệ với mầu nhiệm không cùng này, đời sống Ki-tô hữu chính là việc hiện thực hóa mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bài trích sách Đệ nhị luật (4,32-34.39-40) kể lại việc Môsê nhắc nhở dân Is-ra-el hãy nhớ lại những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho Dân. Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu; ngoài Chúa ra, không có thần nào khác nữa. Chúa Con là Đấng ban ân sủng, Chúa Cha là nguồn suối tình yêu, Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất các tín hữu. Chúa Cha yêu thế gian, không muốn luận phạt thế gian (x.Ga 3,1-6).

Trong thư gửi tín hữu Rôma (Rm 8,14-17), Thánh Phaolô minh chứng rằng: Chúa Thánh Thần vì yêu mến đã làm cho chúng ta trở nên những người con của Thiên Chúa là Cha, và anh em của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa trong tình yêu.

Để nhân loại được tận hưởng Tình Yêu Ba Ngôi, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng và làm phép rửa cho muôn dân Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần (x.Mt 18,26-30).

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta khám phá ra sự hiệp thông trong ánh sáng và Tình Yêu, sự sống được trao tặng và đón nhận giữa Chúa Cha và Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, Đấng Yêu Thương, Đấng Được Yêu và chính Tình Yêu, theo cách nói của Thánh Augustinô.

Khi nói đến tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu đây là một sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị, Bản chất của Thiên Chúa, sự hiện hữu của Ngài chính là để yêu mến chúng ta. Ngài là hiện thân của Tình yêu. Ngôi Cha chỉ là Cha vì Ngài hiện hữu cho Con Ngài. Ngôi Con hiện hữu vì chỉ sống cho Cha, hiến trọn cho Ngài. Thánh Thần là do bởi mối tình Cha và Con.

Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và uy quyền bằng nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa.

“Thiên Chúa Ba Ngôi” là một từ thần học không có trong Kinh Thánh nhưng được dùng để diễn tả một cách rõ ràng nhất về Thiên Chúa Ba Ngôi là  Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con (tức là Chúa Giêsu) và Chúa Thánh Thần… Kinh Thánh cũng minh nhiên rằng chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị y hệt nhau về bản tính thiêng liêng. Một vài người đã cố gắng để đem lại cho con người những sự minh họa về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng tất cả đều khập khiễng, vì Thiên Chúa không như người ta tưởng.

Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”. Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Thiên Chúa nhân lành và yêu thương, nên tất cả mọi việc Ngài làm đều thể hiện lòng nhân lành và tình yêu thương ấy. Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn chúng ta hoàn hảo hơn, tốt hơn, đây là chân lý hiển nhiên. Những sự tốt lành và yêu thương ấy thấm nhập vào trong cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta nên hoàn hảo.

Thánh Gioan Thánh Giá viết : “Bạn hãy đem tình yêu đến nơi không có tình yêu, bạn sẽ tìm thấy tình yêu”. Và điều này rất đúng, bởi vì đó chính là những gì Thiên Chúa đã và đang làm cho thế giới. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Người ta nói nhiều về tình yêu. Tình yêu là những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta. Hãy yêu đi, bạn sẽ được hạnh phúc! Vì tình yêu chính là trao ban sự sống cho người mình yêu. Tình yêu đơn giản là cho đi nhưng không. Yêu là mất tất cả để nhận được mọi sự từ Thiên Chúa. Yêu là sống mà không tính toán. Yêu là trở nên giống Thiên Chúa. mục lục

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

-------------------------------
 

BaNgôi ABC519: “NHÂN DANH CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN”

 

Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, chỉ là một vài từ đơn giản, được tất cả những Kitô hữu BaNgôi ABC519


“Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, chỉ là một vài từ đơn giản, được tất cả những Kitô hữu trên thế giới đọc lên. Dấu Thánh Giá - một cử chỉ được mọi Kitô hữu trên thế giới biết đến, tóm tắt tất cả mọi điều về đức tin của chúng ta và cho thấy căn tính sâu sắc của chúng ta. Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi chung quanh khái niệm này mà Giáo hội gọi là “Ba Ngôi”. Chúng ta nên nói gì với những người trẻ ngày nay, và cả những người lớn chúng ta gặp và đang thách thức chúng ta: “Một Thiên Chúa, mà lại Ba Ngôi Vị, có thể như vậy không?”

1. Qua phép thánh tẩy, chúng ta dự phần vào mối tương quan yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nói thế nào cho dễ hiểu? Chúng ta có nên nói về “các ngôi vị” không ? Dù sao đi nữa, chúng ta cũng không nên nói theo nghĩa mà các trào lưu tư tưởng triết học nhân vị hiểu ngày nay. Chúng ta có thể nói về một phương thế hiện hữu, một cung cách hiện diện, về sự tương quan. Bởi vì chính ở đó, trong niềm tin của chúng ta vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, tính đặc thù Kitô giáo của chúng ta được xác định và sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa được biểu lộ. Một Thiên Chúa cho chúng ta thấy khuôn mặt đích thực của tình yêu, một Thiên Chúa tự bản thể là thông truyền tình yêu. Một Thiên Chúa không đơn độc. Một Thiên Chúa Cha trao ban cho chúng ta Người Con của Ngài, là Đấng giống hình ảnh Chúa Cha và để lại cho chúng ta Thánh Thần của Ngài. Xavier Lacroix nói về “Ngôi Cha” là nguồn ân sủng, “Ngôi Con” là hiện thân của ân sủng, “Thánh Thần” là hơi thở của ân sủng.” Xavier Lacroix nói: “Tôi không biết có gì cụ thể hơn, thực tế hơn, có thể cảm thấy rõ ràng hơn toàn bộ điều này. Chúng ta cảm nghiệm rằng Thiên Chúa mà chúng ta tin vào là Ba Ngôi, Ngài là: sự sống tự trao ban, sự sống luân chuyển, sự sống chúng ta bước vào, sự sống cư trú trong mối liên kết của chúng ta” (Revue Ecclesia số22, tháng Sáu, 2014).

Ơn gọi của chúng ta, những người được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa ThánhThần, đặt nền tảng trên mối tương quan Ba Ngôi này và sống họa theo mối tương quan Ba Ngôi đó, mối tương quan yêu thương, cá vị và hiệp nhất. Hội Thánh, thông qua phụng vụ của mình, hướng dẫn chúng ta qua những lời cầu nguyện, những lời tung hô, những lời chào đón của Giáo Hội để bước vào mầu nhiệm này. Hội Thánh hướng chúng ta về Đấng ba lần Thánh. Qua các bí tích, Hội Thánh ghi dấu trên thân xác chúng ta và biến đổi chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở nên con cái của Chúa Cha: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Ábba! Cha ơi! Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8: 14-16), anh em của Chúa Kitô: “Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:28-29), và đền thờ của Chúa Thánh Thần: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (1 Cr 6:19). Hội Thánh mời gọi chúng ta nhận ra một kinh nghiệm, một cuộc gặp gỡ, một điều liên quan đến chúng ta, một đức tin khiến chúng ta tham dự vào kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:16).

2. “Đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”

Vì vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bắt đầu bằng cách bước vào mối tương quan này để yêu thương, để bắt đầu nói về tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi và sống tình yêu ấy?

Và đó là lúc chúng ta sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ với người khác, bởi vì chúng ta đã nhận được một gia tài để chia sẻ với họ: “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Ngài, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em” (Đnl 4: 39-40). Chân trời gặp gỡ của chúng ta là sự hiện diện của những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Chúng ta là những người thừa kế ân sủng của Thiên Chúa - sự sống của Ngài - qua phép rửa được Chúa Giêsu Kitô trao ban cho Hội Thánh, là những người thừa kế sự bình an của Thiên Chúa qua Lời Ngài, vốn là ánh sáng dẫn đường cho chúng ta bước đi, là những người thừa kế tình yêu của Thiên Chúa qua Thánh Thần ngự trong chúng ta. Chúng ta có nhiệm vụ phân phát di sản này của Chúa ban cho chúng ta bằng cách làm chứng cho tình yêu của Ngài; như Ngài đã nói với các môn đệ: “Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:20).

Đúng là Chúa Giêsu đã rời bỏ trái đất này, nơi Ngài sinh ra là một con người, nhưng Ngài vẫn hiện diện trong chúng ta qua Thánh Thần của Ngài: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em” (Cv 1:8), Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ như vậy trước khi ra đi. Nhưng sức mạnh này là Ngài, là Thánh Thần của Ngài và của Chúa Cha, đó là di sản được trao phó cho Hội Thánh, chúng ta có trách nhiệm làm chứng cho di sản đó, làm cho di sản đó sinh hoa trái trong mỗi cuộc gặp gỡ, góp phần làm cho Hội Thánh nên viên mãn như Thánh Phaolô kết luận: “Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô, là sự viên mãn của Ngài, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1:23).

Là những người theo Chúa Kitô, chúng ta tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi – điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải thi hành Đại Mệnh Lệnh: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” Điều này bao gồm việc đi vào thế gian, chia sẻ tin mừng về ơn cứu độ và làm phép rửa cho những người công khai tuyên bố đức tin của họ vào Chúa Kitô, Đấng đã bảo chúng ta hãy rửa tội cho những người theo Ngài nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta có nghĩ về tầm quan trọng của phép rửa và ơn cứu độ đối với mỗi người chúng ta không? Trước khi chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ, Thiên Chúa Ba Ngôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho chúng ta. Chúa Cha đã kêu gọi chúng ta, Chúa Con đã chết thay cho chúng ta và Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta. Bây giờ chúng ta đã được cứu khỏi tội lỗi, Chúa Cha gọi chúng ta là con của Ngài, Chúa Con gọi chúng ta là anh chị em của Ngài, và Chúa Thánh Thần gọi chúng ta là đền thờ của Ngài. Đó không phải là một thân phận rất cao đẹp sao?

3. Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu phục vụ thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: “Việc cử hành Chúa Ba Ngôi Chí Thánh không hẳn là một việc làm thần học mà là một cuộc cách mạng trong lối sống của chúng ta. Thiên Chúa, nơi mỗi Ngôi vị sống cho người khác trong một mối tương quan liên tục, không phải vì chính mình, thúc giục chúng ta sống với người khác và vì người khác. Hãy mở lòng ra. Ngày nay chúng ta có thể tự hỏi liệu cuộc sống của chúng ta có phản chiếu Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng hay không: tôi, người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, có thực sự tin rằng tôi cần người khác để sống, rằng tôi cần trao hiến chính mình cho người khác không? Tôi cần phải phục vụ người khác không? Tôi khẳng định điều này bằng lời nói hay tôi khẳng định bằng cuộc sống của mình?”

“Thiên Chúa Ba Ngôi phải được thể hiện theo cách này - bằng việc làm hơn là lời nói. Thiên Chúa, tác giả của sự sống, được thông truyền không phải qua sách vở mà qua chứng tá cuộc sống. Như thánh sử Gioan viết, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:16), Ngài mạc khải mình qua tình yêu. Chúng ta hãy nghĩ tới những người tốt bụng, quảng đại, hiền lành mà chúng ta đã gặp; nhớ lại cách suy nghĩ và hành động của họ, chúng ta có thể có một suy tư nhỏ về Tình Yêu Thiên Chúa. Và yêu có nghĩa là gì? Không chỉ cầu chúc những điều an lành và tốt đẹp cho họ, mà trước hết, tự gốc rễ, là chào đón, cởi mở với người khác, dọn chỗ cho người khác, nhường chỗ cho người khác. Đây chính là ý nghĩa của tình yêu, tận gốc rễ.”

“Để hiểu điều này rõ hơn, chúng ta hãy nghĩ đến tên của các Ngôi Thiên Chúa mà chúng ta xưng tụng mỗi khi làm dấu thánh giá: mỗi tên gọi đều chứa đựng sự hiện diện của tên gọi kia. Chẳng hạn, Chúa Cha sẽ không như vậy nếu không có Chúa Con; Tương tự như vậy, Chúa Con không thể được coi là một mình, mà luôn luôn là Con của Chúa Cha. Và Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Tóm lại, Ba Ngôi dạy chúng ta rằng người ta không bao giờ có thể sống thiếu người khác. Chúng ta không phải là những hòn đảo; chúng ta ở trong thế giới để sống theo hình ảnh của Thiên Chúa: cởi mở, cần đến người khác và cần giúp đỡ người khác. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi câu hỏi cuối cùng này: trong cuộc sống hằng ngày, tôi có phải là phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi không? Dấu thánh giá mà tôi làm mỗi ngày - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - có phải là một cử chỉ vì ích lợi của bản thân tôi, hay dấu thánh giá đó truyền cảm hứng cho cách tôi nói, cách tôi gặp gỡ, cách tôi đáp lại, phán xét, tha thứ?” (Kinh truyền tin, Chúa nhật 12 tháng 6, năm 2022).

Phêrô Phạm Văn Trung

-------------------------------
 

BaNgôi ABC520: CHIÊM NGƯỠNG BA NGÔI

 

Cách đây chừng thế kỷ, có một nhà truyền giáo bên Phi châu trở về Âu Tây thăm quê nhà. Trên BaNgôi ABC520


Cách đây chừng thế kỷ, có một nhà truyền giáo bên Phi châu trở về Âu Tây thăm quê nhà. Trên đường về, tình cờ ông đi ngang qua một cái đồng hồ mặt trời thật xinh đẹp. Lập tức ông tự nhủ: “Ồ! Cái đồng hồ này quả là lý tưởng đối với đám tín hữu Phi châu của ta, ta có thể dùng nó để giúp họ biết tính giờ tính phút!” Thế là vị truyền giáo mua ngay cái đồng hồ mặt trời ấy, đóng vào thùng đem về Phi châu. Nhìn thấy nó, ông thôn trưởng yêu cầu đặt giữa làng, còn đám dân thì hết sức phấn khích vì chưa bao giờ trong đời, họ thấy được một vật gì xinh đẹp, hay ho và ích lợi như vậy. Nhà truyền giáo rất lấy làm thỏa mãn. Thế nhưng, vì muốn bảo vệ đồng hồ khỏi mưa nắng, dân làng đã cùng nhau xây một mái che phía trên, đang khi đồng hồ phải nhờ ánh sáng mặt trời mới hoạt động!

Đó là thái độ của nhiều Ki-tô hữu đối với Mầu nhiệm trung tâm của đạo được biểu dương cử hành hôm nay. Mỗi năm, đến kỳ này, họ lại cảm thấy khổ sở vì như phải chạm trán với một điều gì khó hiểu, hóc búa, thậm chí là phi lý. Ngay chữ “mầu nhiệm” đã làm cho họ kinh hoảng. Phải chăng đó là một cái gì Thiên Chúa đưa ra để thách thức trí tuệ nhân loại, để hãnh diện cho thấy Người uyên áo siêu việt? Phải chăng đó là một chiêu thức Giáo Hội dùng để tránh giải thích vấn đề, để buộc tín hữu tin cách mù quáng? Thái độ sợ hãi mầu nhiệm này hay xem nó như một món đồ trang sức thêm thắt cho đức tin chính là mái che khiến mầu nhiệm không thể tỏa sáng và có giá trị cho cuộc sống thường nhật của người Ki-tô hữu.

Mầu Nhiệm, Tiếng Nói Của Tình Yêu

Trước hết, xin được minh định chữ “mầu nhiệm” (mystère). Đây là một từ tìm thấy trong khoa học, trong triết học và trong tôn giáo. Trong khoa học, tiếng Việt dịch ra là “bí nhiệm” để chỉ những gì bí ẩn, còn chưa khám phá trong thiên nhiên mà luôn luôn kích thích niềm đam mê tìm hiểu của các nhà khoa học. Trong triết học, đặc biệt triết học hiện sinh, tiếng Việt dịch ra là “huyền nhiệm” để chỉ những gì sâu kín trong tâm hồn và cuộc sống mỗi con người mà ta chỉ có thể biết nhờ được đương sự mạc khải (và ta chỉ có việc tin nhận) hay ta chỉ có thể khám phá dần sau những chuỗi ngày cận kề đương sự trong tình yêu. Đây cũng là một cái gì gây say mê thích thú. Cuối cùng, trong tôn giáo, tiếng Việt dịch ra là “mầu nhiệm” để chỉ những gì thuộc về Thiên Chúa (trong bản tính và hành động của Người) mà Người đã mạc khải ra cho chúng ta vì tình yêu, chúng ta lấy đức tin mà đón nhận và cũng chỉ dùng tình yêu mới mong hiểu thấu. Vì mầu nhiệm trước hết không phải điều bí hiểm của Đấng Tuyệt Đối thách thức trí tuệ phàm nhân song là tiếng lòng của Thiên Chúa ngỏ với trái tim chúng ta là con cái Người. Dĩ nhiên nó chẳng dễ hiểu vì thuộc về tâm tư của Thiên Chúa (y như những gì thuộc về tâm tư của một cá nhân). Thành thử khi nghe nói đến mầu nhiệm, thì thay vì hoảng sợ vì như sắp chạm trán với một cái gì đó khiến ta nát óc bể đầu, hãy biết rung động tâm hồn vì sắp nghe Thiên Chúa bộc lộ cõi lòng, bày tỏ tâm sự hay hành động tình yêu của Người cho chúng ta.

Mầu nhiệm mừng kính hôm nay chính là tâm sự tuyệt vời nhất của Thiên Chúa. Nó bộc lộ cho thấy bản chất sâu xa của Người, của một vì Thiên Chúa tưởng là lạnh lùng, xa lạ và khó hiểu nhưng thật ra đã trao phó tất cả bản thân (tâm tư, tình cảm, thái độ, hành động) của mình cho chúng ta để chúng ta cũng xử sự như Người.

Mầu Nhiệm Ba Ngôi, Lời Mời Gọi Yêu Mến

Dĩ nhiên, đã từng có những kẻ quả quyết với chúng ta rằng loài người chẳng có thể biết gì về Thiên Chúa. Nếu thế, tiên vàn hãy đưa họ tới trước câu nói cuối cùng của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đức Giê-su, Thánh Thần, Chúa Cha. Điều chủ yếu của mầu nhiệm đã được ban cho chúng ta, chúng ta có thể tiến tới. Cuối bước đường chiêm ngắm của chúng ta, đó vẫn còn là mầu nhiệm; nhưng bao lâu còn đọc “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, chúng ta vẫn ở trong ánh sáng của mầu nhiệm đó.

Đó là một ánh sáng tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu. Phàm ai yêu mến, thì được sinh ra do bởi Thiên Chúa và người ấy biết Thiên Chúa. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (1Ga 4,7.16). Trong tình yêu! Nếu ngập ngừng, nếu giậm chân trước các lời mời gọi yêu thương, nếu không đi vào tình bác ái huynh đệ, tôi sẽ chẳng đi vào trong Thiên Chúa, sẽ chẳng biết Thiên Chúa. Mối dây liên kết việc yêu mến anh em nhấn mạnh, thế nhưng nó xem ra chẳng được đánh giá đúng bởi mọi người. “Xin nói cho chúng tôi về Thiên Chúa”, vài người bảo. “Hãy quyết định yêu mến Thiên Chúa và anh em mình hơn nữa: tình yêu sẽ dạy bạn về Thiên Chúa ngay”.

Và lúc ấy, các từ mới có thể nói lên một cái gì đó về mầu nhiệm Thiên Chúa, đặc biệt các từ của Tin Mừng. Qua Đức Giê-su, chúng ta khám phá ra rằng có trong Thiên Chúa nhiều luồng tình yêu mạnh mẽ đến nỗi chúng ta đã gọi là các “Ngôi vị”: Cha sinh ra Con, Con diễn tả Cha, cả hai yêu nhau trong Thánh Thần. Hay nói cách khác, ý tưởng mà Thiên Chúa có về mình là một ngôi vị, mang danh hiệu Con, và khiến Thiên Chúa trở thành Cha. Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con cũng biến thành một ngôi vị, mang danh hiệu Thánh Thần. Ba ngôi vị, vì tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi tối thiểu phải có ba. Trong tình yêu vợ chồng đích thực, ta đã thấy điều đó: cha-mẹ-con (hai vợ chồng tìm mọi cách không có con để cùng nhau hưởng lạc thú, chẳng phải là yêu nhau chân thành). Trong tình bạn đích thực, định luật này cũng có mặt: hai người bạn yêu nhau chỉ vì chung một lý tưởng. Lý tưởng đó là đứa con tinh thần của họ (nếu không thì chỉ là đồng tính luyến ái, đồng giới tính dục!). Thiên Chúa là tình yêu trong chính Người, bản chất của Người là tình yêu. Người là một Thiên Chúa nhưng vì là tình yêu nên có ba ngôi, Người là ba ngôi nhưng vì là tình yêu nên chỉ là một Thiên Chúa.

Bởi thế, yêu thương anh em làm cho chúng ta nhập tịch “nước Thiên Chúa”, làm cho chúng ta hít thở không khí của Thiên Chúa, ban cho chúng ta các phong cách của Thiên Chúa, làm cho chúng ta biết Thiên Chúa. Còn sự phi-tình-yêu, mọi thái độ từ khước mến thương, làm chúng ta xa Thiên Chúa đến độ những gì nghe nói về Người chẳng còn có thể tác động lên chúng ta nữa.

Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để khỏi ở một mình, Người dựng nên chúng ta vì sự sống – tình yêu nơi Người đã bùng vỡ thành tình yêu đủ loại. Người yêu chúng ta bởi vì Người là tình yêu chứ không phải vì chúng ta “đáng yêu”. Chính Người làm ta nên “đáng yêu” bằng cách cho ta các phương tiện để ngày càng trở nên một kẻ mà Người có thể thương mến. Cần phải đọc Ê-dê-ki-en chương 16 (câu chuyện tượng trưng về lịch sử Ít-ra-en) để hiểu rõ điều này. Có cái gì đó khiến chúng ta phải khóc lên vì xấu hổ và vì yêu mến, nhưng nỗi êm dịu được mến yêu đến thế nhận chìm sự xấu hổ và mọi nghi ngờ. Sau khi đọc trang sách này, chúng ta sẽ biết Thiên Chúa là Sự-Sống-Tình-Yêu đến đâu.

Bằng cách luôn nghĩ tới điều đó, tôi làm bén rễ trong tôi nhiều niềm xác tín giúp tôi sống thực: tôi sẽ hiểu rằng tình yêu là tất cả, giải thích tất cả, là mục đích của tất cả. Được Tình yêu dựng nên, chúng ta chủ yếu được kêu gọi trở nên những hữu-thể-yêu-mến. Tại sao đi xa chân lý rạng ngời này? Người ta có thể thoáng thấy tình yêu Ba Ngôi khi nhìn Đức Giê-su. Người kinh ngạc thán phục Cha, thường xuyên bị lôi kéo về Cha và say mê ao ước làm đẹp lòng Cha nhờ Thần Khí: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,29).

Đó chẳng phải là cái gì cần sống giữa chúng ta sao? Chúng ta quá rụt cổ vào trong cuộc sống mình, ít hướng ra với những người khác, ít say mê thán phục nhân cách của họ, các cuộc mạo hiểm của họ, chẳng mấy ao ước làm cho họ hài lòng. Rồi tê liệt bởi muôn ngàn nỗi sợ bị ăn lấy hay bởi vô số sự sáng suốt tàn nhẫn: y thế này, thị thế nọ, vậy mà anh còn muốn tôi cho họ là quan trọng sao? Dĩ nhiên, không phải như Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần đối với nhau thể nào thì chúng ta đối với nhau cũng vậy. Nơi chúng ta, sự hiệp nhất bao giờ cũng phải nỗ lực xây dựng và tình yêu luôn bị mối nguy ích kỷ rình chờ. Tuy nhiên sự sống-tình yêu giữa Tam Vị vẫn luôn là mẫu mực tuyệt vời, khuyến khích chúng ta nghĩ rằng nhiều khác biệt lớn lao vẫn có thể được chấp nhận trong một sự duy nhất còn cao quý hơn sự độc dạng đôi lúc cám dỗ chúng ta.

Chính Đức Giê-su nhìn thấy chúng ta như một nhân loại ba ngôi: “Lạy Cha, ước gì họ nên một như chúng ta” (Ga 17,21). Mà Người biết chúng ta rất rõ. Vậy tại sao chúng ta không cùng Người nỗ lực để xây dựng một thế giới hiệp nhất, như khẩu hiệu của phong trào Focolare (Tổ ấm)?

Mời xem thêm: Biết nhờ tin nhân chứng https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=417

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

-------------------------------
 

BaNgôi ABC521: MẦU NHIỆM CAO TRỌNG

 

Hằng Tin Kính Tam Vị Nhất Thể. Chỉ Phụng Thờ Một Chúa Ba Ngôi. Bài học đầu đời là Dấu BaNgôi ABC521


Hằng Tin Kính Tam Vị Nhất Thể
Chỉ Phụng Thờ Một Chúa Ba Ngôi.

Bài học đầu đời là Dấu Thánh Giá: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Chúng ta được đóng dấu ấn thánh này khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, và ấn tín này ghi đậm suốt cuộc đời chúng ta. Thật vậy, hằng ngày tín nhân làm Dấu Thánh Giá nhiều lần: khi đi ngủ, khi thức dậy, khi dự lễ, khi cầu nguyện, khi ăn uống, khi ra đường, khi đi xa,… Tín nhân dùng Dấu Thánh Giá để ca tụng và kêu xin Thiên Chúa mọi nơi và mọi lúc.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi (Tam Vị Nhất Thể – Trinity, Trinitas) là mầu nhiệm cao cả tột cùng, mầu nhiệm trung tâm của niềm tin Kitô giáo. Tín điều này được xác định trong hai giai đoạn: tại Công đồng Nicê I (năm 325 sau công nguyên) và tại Công đồng Constantinople I (năm 381 sau công nguyên).

Trong quyển The Chaplet (chuỗi hạt, tràng hạt – năm 211), thần học gia Công giáo Tertullian nói về việc làm Dấu Thánh Giá như nhiệm vụ hằng ngày: “Trước khi di chuyển, đi xa hoặc đi đâu đó, khi mặc quần áo, khi tắm, khi ngồi vào bàn ăn, khi thắp đèn, hoặc khi làm bất kỳ hành động nào trong cuộc sống đời thường, chúng ta vẫn vẽ Dấu Thánh Giá trên trán.” Làm Dấu Thánh Giá không chỉ xin Ngài thánh hóa chúng ta và những gì chúng ta làm, mà đặc biệt là tôn vinh và tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi. Trong các giờ Phụng Vụ, chúng ta cũng nhiều lần xưng tụng Thiên Chúa Ba Ngôi: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần…”

Thiên Chúa là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng, (Kh 1:17; Kh 2:8; Kh 22:13) như chính Ngài xác định: “Ta là Anpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng.” (Kh 1:8) Và Ngài tuyên ngôn rạch ròi: “Ngươi KHÔNG ĐƯỢC có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi KHÔNG ĐƯỢC tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi KHÔNG ĐƯỢC PHỦ PHỤC trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.” (Xh 20:3-6; Xh 34:14; Đnl 4:35; Đnl 4:39; Đnl 5:7; Đnl 32:39; Is 43:10; Is 44:8; Is 45:6; Is 46:9; Hs 13:4) Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng duy nhất.

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã mặc khải trên núi Khôrếp cho Môsê: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai Cập, trước mắt anh em không?” (Ðnl 4:32-34)

Rồi chính Môsê cho dân chúng biết quyết định của Thiên Chúa: “Anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ KHÔNG CÓ THẦN NÀO KHÁC NỮA. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em.” (Ðnl 4:39-40) Các mệnh lệnh rất rõ ràng, mãnh liệt, chắc chắn. Phàm điều gì đã là mệnh lệnh thì phải nghiêm túc thực hiện, không thể tùy ý, tùy hứng, dù biết rằng làm theo thì được thưởng. Thiên Chúa vui vẻ, thoải mái, nhưng nghiêm túc, dứt khoát, không nói đùa.

Thánh Vịnh gia nhận xét: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hòa mặt đất.” (Tv 33:4-5) Quả thật, Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, hằng sinh và toàn năng, “một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.” (Tv 33:6) Thật kỳ diệu, Thiên Chúa chỉ phán một lời là “muôn loài xuất hiện,” và Ngài ban lệnh truyền thì “tất cả được dựng nên.” (Tv 33:9) Chắc chắn không có một chúa nào khác toàn năng như vậy, và cũng chẳng một thần linh nào có thể làm được như Thiên Chúa của chúng ta. Nếu có các thần linh khác thì cũng chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta thực sự hạnh phúc khi đức tin của chúng ta không lệch lạc, vì chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa vô song, độc nhất vô nhị, đặc biệt là Ngài giàu lòng thương xót: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì.” (Tv 33:18-20) Tuy nhiên, vì tôn kính và yêu mến, chúng ta vẫn phải không ngừng cầu xin: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.” (Tv 33:22)

Chúng ta càng trông cậy thì càng được thương xót. Chúng ta chẳng mất gì mà lại được thêm nhiều, thế thì còn gì bằng! Thật vậy, chúng ta chỉ là tro bụi, là tội nhân, hoàn toàn bất xứng, nhưng chúng ta lại được gọi Thiên Chúa là Cha, nghĩa là chúng ta trở nên con cái Ngài. Thánh Phaolô dẫn chứng: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8:14)

Chúng ta đã và đang có Chúa Thánh Thần trong linh hồn, nghĩa là chúng ta thực sự là con cái Thiên Chúa: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Ápba! Cha ơi!’ Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng CHÚNG TA LÀ CON CÁI THIÊN CHÚA. Vậy đã là con thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, tức là ĐỒNG THỪA KẾ VỚI ĐỨC KITÔ; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8:15-17)

Trên đời này, bất cứ cái gì cũng có hệ lụy riêng – dù đó chỉ là điều nhỏ, không quan trọng. Cuộc sống luôn có sự công bằng tất yếu, được cái này thì mất cái kia, được cái này thì cũng có trách nhiệm kèm theo. Có khổ luyện mới khả dĩ thành công, chẳng có hạnh phúc nào mà lại không có đau khổ.

Thánh Mátthêu cho biết rằng mười một môn đệ tới ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến, tại miền Galilê. Cuộc hẹn gặp này xảy ra sau khi Ngài phục sinh. Đến nơi, khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Lòng tin của con người khó lay chuyển thật! Tuy nhiên, con người là phàm tục, chưa thấy ai chết đi mà sống lại bao giờ, thế nên cũng muốn “cân, đo, đong, đếm” xem sao thế thôi. Nếu là chúng ta thì cũng vậy thôi, nghĩa là mỗi chúng ta vẫn luôn có “máu” Tôma Tông Đồ, khó có thể tin ngay.

Chúa Giêsu biết có những môn đệ vẫn bán tín bán nghi, nhưng Ngài quan tâm vấn đề quan trọng hơn, vì Ngài biết sắp đến giờ Ngài phải về cùng Chúa Cha. Lúc đó Ngài đến gần họ và nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:18-20) Đó là trách nhiệm đầu tiên được trao cho các môn đệ, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của bất kỳ ai mang danh là Kitô hữu: Loan báo Tin Mừng.

Khoảng thời gian này là “cao điểm” của mùa hè, thời tiết khắc nghiệt, trời nắng nóng như lửa. Người ta thường cao ngạo nói: “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa.” Tại sao không làm mưa cho cơn độ nóng giảm xuống? Chỉ vì ngu dốt mà kiêu ngạo, vênh váo “chảnh,” ngông nghênh “nổ” – bởi vì họ sinh ra trong chiến tranh, thường nghe tiếng đạn, bom, thế nên “điếc không sợ súng.” Khoa học tiến bộ, người ta cũng làm được mưa nhân tạo, nhưng chỉ ở diện tích nhỏ, tất nhiên cũng chẳng thấm vào đâu. Nắng vẫn nắng, nóng vẫn nóng. Khốn vẫn khốn!

Chỉ một cơn mưa nhỏ ở nơi khác, dù nơi chúng ta ở không mưa, nhưng thời tiết vẫn dịu hẳn xuống, người ta cảm thấy dễ chịu ngay. Đơn giản như gió. Gió trời khác hẳn gió quạt điện. Gió trời làm chúng ta dễ chịu vì có hơi nước tự nhiên, gió quạt điện chỉ là khua “không khí nóng,” không thể dễ chịu. Người ta còn có những cách “chữa lửa” bằng cách xịt hơi nước, nhưng cũng không thể làm giảm độ nóng.

Chỉ có Thiên Chúa làm được mọi thứ, dù con người phải chịu “bó tay.” Thật vậy, có lần Chúa Giêsu đã từng nhìn thẳng vào các môn đệ và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được.” (Mt 19:26) Đây là dịp nhớ tới mối liên kết cây nho – thân và cành phải nối liền nhau, (Ga 15:1-17) và cũng là dịp nhớ tới sự hiệp thông trong Nhiệm Thể Đức Kitô: Nên Một. (Ga 17:1-26) Đó là điều Chúa Giêsu ước muốn, là mối liên kết của mọi chi thể. Có liên kết chặt chẽ mới có thể đoàn kết vững mạnh.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin giúp chúng con tuyên xưng Ngài trong mọi hoàn cảnh – vui hay buồn, thành công hay thất bại, an bình hay đau khổ,... Xin giúp chúng con liên kết với nhau trong Tình Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

-------------------------------
 

BaNgôi ABC522: DÙ KHÔNG HIỂU NHƯNG SỐNG VÌ YÊU

 

Khi suy tư về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, tôi thoạt nhớ đến một câu chuyện. Truyện đó như BaNgôi ABC522


Khi suy tư về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, tôi thoạt nhớ đến một câu chuyện. Truyện đó như sau: Vào một ngày kia, trong lúc đi dạo bên bờ biển, Thánh Augustino đã suy nghĩ về tín điều này. Trong lúc đó, có một Thiên Thần hiện đến qua hình dạng của một em bé. Chú nhỏ này, như bao đứa trẻ khác, đang ngồi nghịch cát bên bờ biển. Công việc của em làm là lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ cát do em tự đào bới lên. Đổ đến đâu nước ngấm vào bãi cát rồi trôi ra biển hết. Thấy công việc như ‘nước đổ lá khoai’ của em bé, Người mới lên tiếng ngăn cản và khuyên em đừng làm việc vô ích như thế nữa. Nghe thấy thế, em bé đã trả lời cho Thánh Augustino rằng việc làm của em còn dễ thực hiện hơn điều mà Người đang suy nghĩ.

Vẫn biết câu chuyện nói trên xuất phát từ óc tưởng tượng và mang tính huyền thoại. Nhưng chủ đích của người kể là cho dù con người có uyên bác hay thông minh đến đâu cũng không hiểu hay có thể diễn ta hết về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa là ai. Sau đây là một câu chuyện khác.

Có ông vua kia đến cuối đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: “Suốt đời, ta đã có tất cả. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Thiên Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Thiên Chúa một thoáng thôi thì ta cũng mãn nguyện mà chết”. Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được!

Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói: "Có lẽ thảo dân có thể giúp Người được". Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo: "Thưa đức vua, hãy xem kìa". Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo: "Nhà ngươi muốn cho ta mù sao!" Người chăn cừu đáp: "Thưa đức vua, đây chỉ mới là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà Người còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao Người có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của mình? Người phải tìm cách nhìn Thiên Chúa bằng cặp mắt khác".

Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói: "Ta cám ơn ngươi đã mở cắp mắt trí khôn của ta. Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của Ta: Thiên Chúa sống ở đâu?" Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời: "Xin đức vua hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin đức vua đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào cũng thấy được Thiên Chúa. Thiên đàng ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta". Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt buồn thảm của ông.

Người chăn cừu nói tiếp: "Thưa đức Vua, còn một điều nữa". Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi: "Ai sống dưới đó thế?" Người chăn cừu đáp: "Thiên Chúa". "Ta có thể nhìn thấy Người không?" "Được chứ, Tâu đức vua, xin Người hãy nhìn". Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói: "Ta chỉ thấy mặt Ta thôi". Người chăn cừu giải thích: "Bây giờ thì đức vua đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Thiên Chúa hiện diện và sống trong thân thể của Người".

Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông yêu thuơng và đối xử rất nhân hậu với mọi người, không kể thứ bậc và giai cấp.

Cũng như ông vua trong câu chuyện, chúng ta cũng đuợc mời gọi để làm toả sáng guơng mặt của Thiên Chúa nơi mình và tha nhân.

Anh chị em thân mến,

Trong đạo Công giáo có nhiều mầu nhiệm, cao siêu trên hết vẫn là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đã là mầu nhiệm thì trí khôn con người khó mà thấu hiểu được. Tuy nhiên, nếu chúng ta khiêm tốn cầu nguyện và nỗ lực tìm hiểu, ta vẫn có thể tiếp thu một phần nào về những bí nhiệm của Thiên Chúa.

Dựa trên kinh nghiệm sống và một cuộc đời chìm đắm trong mối tương quan với Đức Giê-su, Thầy mình, Thánh sử Gio-an đã chia sẻ cho chúng ta một cảm nhận vô cùng sâu sắc về Thiên Chúa. Người chính là tình yêu. Khi nói như thế,  nghĩa là Người không đơn độc một mình. Nếu như Người đơn độc một mình thì Người sẽ yêu một mình Người một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Người là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là chính Chúa Thánh Thần.

Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả trên khắp vũ trụ. Ba ngôi yêu thương nhau và đối tương tình yêu của Ba Ngôi là toàn thể nhân loại. Tôi xác tín rằng tất cả mọi người, dù có cuộc sống ra sao, vẫn có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.

Khi nói đến điều này, tôi xin đưa ra một hình ảnh và cũng là lời nhắc nhở cho anh chị em đang sống trong bậc gia đình. Anh chị em thật có phúc khi được nếm hưởng một phần nào của mầu nhiệm Tình yêu nơi Thiên Chúa Ba ngôi.

Khi yêu nhau anh chị mong muốn cho gia đình được hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của anh chị sẽ được thực hiện nơi người con mà Thiên Chúa ban cho anh chị. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó không chỉ là của chúng ta mà là chúng ta, là tình yêu chung mà anh chị có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vị thứ ba: Tình yêu của họ được trao ban cho nhau và cho những người con.

Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - gọi là phần nào - bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn và không thể diễn đạt trọn vẹn về sự vô biên của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là bản tính chung của Ba Ngôi. Yêu thương cũng là nền tảng của gia đình.

Vì vậy, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi là sức đẩy cho chúng ta yêu thương nhau.

Thưa anh chị em,

Trong Thiên Chúa, khởi điểm của tình yêu là mở ra, thông ban, chia sẻ. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi chúng ta từ bỏ não trạng ích kỷ để ra đi khỏi chính mình mà quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mở ra để tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Tinh thần bè phái và phe nhóm lại chẳng có mặt trong cuộc sống của chúng ta đó sao? Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tinh yêu không tự khép kín trong gia đình Ba Ngôi, nhưng lan tỏa và chan hoà trong vũ trụ bao la rồi tuôn đổ cho mọi người.

Thật vậy, niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngội thúc bách chúng ta đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cản sự hiệp nhất để tình yêu hiện diện và lan toả khắp nơi. Vì tình yêu là hơi thở của sự sống.

Tóm lại, Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Và khi đặt mình vào trong vòng tròn Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là lúc chúng ta thực hiện sứ mạng mà Đức Giê-su truyền ban hôm nay: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Amen!

Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

-------------------------------
 

BaNgôi ABC523: NGANG QUA THÁNH GIÁ, THIÊN CHÚA HIẾN MÌNH

 

Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa duy nhất ấy không đơn độc trong một ngôi, nhưng BaNgôi ABC523


Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa duy nhất ấy không đơn độc trong một ngôi, nhưng Ngài có Ba Ngôi và là chính Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. mỗi ngôi vị đều bằng nhau về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Thiên Chúa là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau, hướng về nhau.

Ba Ngôi là mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, vượt mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn con người.

Nơi Thiên Chúa, dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất, nhưng mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình.

Đặc biệt, nơi thánh giá Chúa Kitô, Thiên Chúa thể hiện cách hoàn bị hết sức và mãnh liệt tình yêu cứu độ của Ngài.

Nơi thánh giá, Chúa Kitô chấp nhận chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến hoàn toàn, yêu mến tuyệt đối đối với Cha.

Chúa Kitô dùng chính thân xác mình, dòng máu mình, con người mình để thiết lập trật tự mới, đó là đưa nhân loại về lại trong tình nghĩa với Chúa Cha. Chính ngài, nơi cái chết và phục sinh của mình, thiết lập giao ước mới và vĩnh cửu với Hội Thánh, dân riêng mới của Thiên Chúa Cha.

Nhìn lên thánh giá, suy nghĩ nông cạn và non nớt của loài người dễ cho rằng, đó là một thất bại to lớn.

Thực ra, đối với Kitô hữu, Thánh giá chính là hiện thân, là sự thành công lớn lao của một tình yêu tận cùng, một tình yêu vượt hết mọi rào cản, vượt thắng tất cả sự tàn nhẫn và tội ác của con người.

Đó là một tình yêu hạ mình, một tình yêu mà Thiên Chúa là Chúa trời đất đã hiến dâng chính mình để cứu lấy con người.

Thánh Gioan ghi nhận lời của Chúa Giêsu, cũng chính là ghi nhận lời của Tình Yêu không cùng ấy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin ở Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

“Yêu… đến nỗi đã ban”, cụm từ tuy đơn giản nhưng khắc họa sự lớn lao hết sức của tình yêu, đủ nói lên tất cả sức mạnh, tất cả sự tha thiết, tất cả sự mãnh liệt của một tấm lòng yêu thương.

Còn hơn cả một lòng yêu thương, bởi tình yêu của Đấng đã “Yêu… đến nỗi đã ban” ấy không phải như tình yêu con người dành cho nhau, nhưng là tình yêu của Đấng Tạo Thành dành cho thụ tạo của mình. Đó là Tình Yêu của Thiên Chúa hiến dâng cho loài người.

Và tình yêu mà Thiên Chúa đã ban, không phải một cái gì bên ngoài Thiên Chúa, nhưng là chính bản thân Thiên Chúa, là chính Đấng phát xuất từ giữa cung lòng Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, là hiện thân khôn tả của tình yêu vô cùng mà Thiên Chúa dành cho loài người.

Vì thế, khuôn mặt thánh giá của Chúa Kitô là bằng chứng hùng hồn, là tiếng nói mạnh mẽ, là nét bút tuyệt vời, là vết khắc sâu sắc... về một tình yêu bền vững có một không hai trong lịch sử nhân loại, tình yêu của Thiên Chúa từ trời cao dành cho người trần thế.

Bởi vậy, cái chết của Con Người chịu đóng đinh kia, cho thấy chiến thắng của tình yêu siêu phàm. Cái chết uy hùng kia biểu dương một tình yêu mạnh hơn sự chết, có sức tiêu diệt hận thù và làm phát sinh từ trong cái chết của tội lỗi loài người một nguồn sống vô tận cho cả loài người.

Về phía Thiên Chúa, một khi trao dâng Con của mình, tức là Thiên Chúa trao tặng chính mình, trao tặng chính sự hy sinh lớn lao của bản thân để cứu độ chúng ta.

Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đến vô cùng, hãy cảm tạ Thiên Chúa không phải bằng lời, nhưng bằng cả cõi lòng mình.

Hãy ý thức thật sâu lắng và mạnh mẽ: Chúa yêu thương ta đến nỗi không còn kể mình nữa, miễn là ta được sống.

Hãy ý thức thật nhiều, để niềm ý thức ấy trở nên nung đốt tâm tình cảm tạ trong ta thật mãnh liệt, thật dồi dào, thật trào tràn.

Một lần nữa, từng người hãy nhìn lên thánh giá, hãy chiêm ngắm thánh giá Chúa Giêsu, hãy tỏ lòng trung thành tôn thờ Đấng chịu nạn, hãy mang hết tâm hồn đặt dưới chân Chúa để cảm tạ Chúa, để đoan hứa với Chúa trong tình yêu của chính mình về một quyết tâm chỉ chọn một mình Chúa làm đích điểm của kọi hoạt động, mọi thể hiện sống, mộ nỗ lực xây dựng sự sống của mình và của đồng loại...

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

-------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây