Khi ấy, Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giê-su đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giê-su. Chúa Giê-su ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Ráp-bi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. An-rê, em ông Si-mon Phê-rô, (là) một trong hai người đã nghe Gio-an nói và đã đi theo Chúa Giê-su. Ông gặp Si-mon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a, nghĩa là Ðấng Ki-tô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giê-su. Chúa Giê-su nhìn Si-mon và nói: “Ngươi là Si-mon, con ông Gio-an, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha, nghĩa là Ðá”. - Ðó là lời Chúa.
Con người có chất liệu để suy tư và lý luận nhờ có ký ức. Một ký ức sống động sau suy tư và TN 2-B151
Con người có chất liệu để suy tư và lý luận nhờ có ký ức. Một ký ức sống động sau suy tư và lý luận dẫn đến một nhận thức rõ ràng, và sau đó hành động quyết theo đuổi. Hai môn đệ đầu tiên đi theo Chúa là kết quả của ký ức này, và ở lại với Chúa ngày hôm ấy.
Ký ức được ghi dấu nơi người thầy.
Hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã tiếp nhận từ nơi thầy của mình những dấu ấn qua thời gian cùng sống ẩn dật. Những năm tháng đó không được Thánh Kinh trình thuật lại, nhưng thời ẩn dật của Gioan Tẩy Giả cùng các môn đệ cho thấy, đó là những năm tháng chờ đợi Đấng Cứu Thế xuất hiện công khai.
Từ niềm mong đợi Đấng Cứu Thế được các tiên tri tường thuật và với kinh nghiệm của Gioan Tẩy Giả, các môn đệ đã có một ký ức sống động về Đấng mà họ chờ đợi.
Điều này có thể hiểu về những ký ức trong thời thơ ấu và suốt thời trai trẻ trải qua những kinh nghiệm sống đức tin của ông bà cha mẹ, của trường lớp giáo lý, các bài giảng trong Thánh lễ. Mặc dầu tưởng như chẳng có gì ảnh hưởng lắm vì vô số điều khác của đời sống thường nhật làm nhạt nhòa đời sống đức tin. Đến khi, một biến cố lớn xảy ra, ký ức tưởng như bị xao nhãng kia, chợt thức dậy mạnh mẽ trở thành ký ức sống động, thúc đẩy nhận ra Đấng Giải Thoát đang hiện diện trước mặt.
Câu hỏi lớn trong cuộc đời.
Khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Chúa Giêsu: “Đây Đấng Cứu Độ trần gian”, các môn đệ Gioan muốn tìm hiểu và đi theo. Hành động đi theo và tìm hiểu dường như đã được tích tụ một năng lực sẵn sàng để khỏa lấp mọi câu hỏi bế tắc trong cuộc đời.
Đi tìm ý nghĩa trong cuộc sống con người cũng giống thế. Sau khi tưởng như những giáo lý về tin – cậy – mến đã tắt ngúm dưới những bộn bề mưu sinh trong cuộc sống. Khi khá giả, mọi sự đâu vào đấy, vẫn thấy lòng vẫn trống trải vì thiếu ý nghĩa cuộc đời, bắt đầu khao khát điều gì khác hơn.
Khắc khoải đến khi được giới thiệu “Đấng Cứu Độ trần gian” là Đấng làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa, ký ức trỗi dậy và dẫn đến hành động đi theo và tìm kiếm. Thánh Augustine đã kinh nghiệm về ký ức sống động trỗi dậy này, sau những năm tháng ngủ quên trong ân sủng: “Chúa đã dựng nên chúng con để hướng về Chúa, và tâm hồn chúng con không nghỉ ngơi cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”.
Không chỉ người Công Giáo mới có khao khát này, nếu ta cũng đọc thấy ở nơi thi hào R. Tagore: “Suốt ngày vì sống trong chợ đời đông đúc, hai tay tôi đầy lợi tức bán buôn, xin cho tôi luôn luôn cảm thấy là chửa kiếm được gì – đừng để tôi quên dù quên giây lát, mà xin để tôi gánh chịu buồn này day dứt trong những giấc mơ hay những giờ thao thức, người ơi.” (Bài 79, tập Lời Dâng, R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)
Thầy ở đâu?
Tìm kiếm Chúa là để hồi tâm, sống lại ký ức lâu năm bỏ quên, hối tiếc về những gì đã qua và quyết tâm hơn để gặp gỡ.
Thầy ở đâu? Một câu hỏi có thể rất bình thường nhưng trong khung cảnh này lại rất quan trọng. Ở đâu trong tâm hồn của người hỏi, hay ở đâu trong hành trình khát mong tìm kiếm. Cả hai câu hỏi đều ảnh hưởng đến đời sống của con người.
Người ở đâu trong tâm hồn tôi mà tôi vẫn cảm thấy trống trải và cô đơn? Người ở đâu, khi tôi không có chỗ cho Người trú ngụ? Câu hỏi trở về với lòng mình hằng ngày con người vẫn tự vấn.
Người ở đâu chưa gặp thấy, do con người đi tìm Chúa ở nơi không có Người. Người ở đâu khi con người ước muốn thực sự đi tìm kiếm như hai môn đệ của Gioan.
Đến mà xem!
Câu trả lời của Chúa cho con người khao khát cứ hãy đến xem và chứng nghiệm. Đã có một kinh nghiệm trong lời cầu nguyện của dân Do Thái đúc kết lại trong Thánh Vịnh: “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” (Tv 33, 9a). Thánh vịnh 33 gợi nhắc bao nhiêu ký ức của con người đã lâm vào bao tình trạng đói nghèo, lầm than, tội lỗi và đã được cứu thoát.
Kinh nghiệm của bản thân về Đấng cứu độ trần gian không còn là cách chung chung mà cần được rõ ràng nơi bản thân chứng nghiệm. Điều này Chúa Giê su cũng đã nói với Phêrô: “Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất đức tin. Phần con, một khi đã trở lại, thì hãy làm cho các anh em con nên vững mạnh (Luc 22,31-32).
Chứng nghiệm qua đời sống bất toàn của mình để việc tìm về với Chúa sẽ là một kinh nghiệm chắc chắn vừa được chữa lành vừa được nên mạnh sức. Thánh Phaolô
Ngài chia sẻ: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cor 12, 9 – 10).
Đến mà xem! Là lời mời gọi của Chúa mọi lúc trong cuộc sống, đừng sợ đáp lại lời Người.
Ở lại ngày hôm ấy, câu nói rất đơn giản nhưng lại là bì quyết hạnh phúc khi tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời. Xin Chúa cho chúng con ở lại với Chúa, Chúa nhé!.
Tai nạn bà con ơi! Có tai nạn. Có tai nạn. Cứ thế người ta túa nhau đến quây thành vòng quanh người TN 2-B152
– Tai nạn bà con ơi! Có tai nạn. Có tai nạn.
Cứ thế người ta túa nhau đến quây thành vòng quanh người bị nạn. Có nhiều người xem: người rùng mình kinh hãi, người lắc đầu rồi bỏ đi; có người cố chen vào xem chỉ vì tò mò, có người lại muốn trở thành người đưa tin nhanh nhất trên facebook, và cũng có người đã can đảm bế nạn nhân đến bệnh viện.
Thượng Đế ban cho con người có đôi mắt để ngắm xem mọi sự nhưng không phải ai nhìn cũng sẽ thấy, thấy để rồi con tim lên tiếng. Hôm nay, khi thấy Chúa Giêsu đi qua, ông Gioan đã giới thiệu Người cho hai môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1, 36 b). Nghe thấy thế, hai môn đệ liền đi theo Người. Họ đã bày tỏ ước muốn được biết chỗ Thầy ở. Thầy Giêsu còn ban cho họ một đặc ân lớn lao hơn là đã mời họ “đến mà xem”. Các ông đã đến xem và ở lại với Người ngày hôm ấy. Ở lại với ai là bày tỏ lòng quý mến người ấy. Các ông đã được diễm phúc ở với Thầy. Chính khao khát từ một trái tim chân thành của các ông đã mang lại cho các ông một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Ông Anrê đã muốn chia sẻ ngay hạnh phúc ấy với em mình là Simon. Ông Simon đã theo chân anh mình đến gặp Thầy Giêsu. Vừa trông thấy ông, Thầy Giêsu đã chúc lành và đổi tên cho ông. Từ nay Simon sẽ được người ta gọi là Kêpha. (x. Ga 1, 39- 42).
Ông Gioan có biết trước thái độ của các môn đệ khi được gặp Đấng là Chiên Thiên Chúa không? Ông có bất ngờ khi họ đã theo chân Đức Giêsu kể từ ngày hôm ấy? Họ trở thành những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu. Ông Gioan đã rất vui mừng khi các môn đệ của mình trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Bởi ông vẫn hằng trông mong để “Người được lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Trong ước muốn tận cùng và mãnh liệt ấy, ông vui mừng trước niềm vui của chú rể. (x. Ga 3, 29-39). Bởi trước sau, ông vẫn luôn ý thức mình chỉ là một tiếng hô trong hoang địa, một người dọn đường cho Chúa đến. Được trở thành một người môn đệ của Đức Giêsu, ta đã có một tâm hồn khao khát mãnh liệt được biết chỗ Thầy ở và biết Thầy là ai chưa? Các môn đệ đã đến và xem chỗ Thầy ở và đã ở lại với Thầy ngày hôm ấy. Đôi mắt của họ bây giờ vẫn chưa thật sự được biết rõ về Đấng mình muốn bước theo. Chỉ “ở với” Thầy thôi thì chưa đủ. Các ông ở với Thầy đó nhưng tâm hồn vẫn ôm ấp những ước muốn của chính mình, những tâm hồn ấy chưa hiểu được khát khao cháy bỏng của Thầy đâu. Đường theo Thầy vẫn lắm những gian nan khi tâm hồn người môn đệ chưa chung hướng với Thầy, chưa hiểu Thầy. Chỉ khi người môn đệ sống trong Thầy rồi, họ mới thật sự nhận biết Thầy là ai, mới sống chết vì Thầy.
Lạy Chúa Giêsu rất yêu mến! Chúa đã ban cho con có đôi mắt để ngắm nhìn mọi vẻ đẹp của vũ trụ. Xin đặt trái tim Chúa vào đôi mắt con để con biết nhìn lối nhìn của Chúa. Xin cho con được ở với Chúa luôn để con được sống trong Chúa mãi. Chúa biết tâm hồn con còn những góc tối mà con chưa dám đối diện. Xin Chúa chiếu vào tâm hồn con ánh sáng của Chúa để con dám nhìn và thấy rõ những gì đang xảy ra cho chính con. Ước mong sao khi nhìn vào tha nhân, con cũng thấy vẻ đẹp của chính Chúa nơi họ. Amen.
Bé trai hỏi bố: – Bố ơi, siêu thị BIG C ở đâu hả bố? – Con hỏi làm gì? – Con nghe các bạn nói TN 2-B153
Bé trai hỏi bố:
– Bố ơi, siêu thị BIG C ở đâu hả bố?
– Con hỏi làm gì?
– Con nghe các bạn nói ở đó có chương trình khuyến mãi nhiều đồ chơi lắm bố ạ!
– Vậy, con có muốn đi không?
– Dạ có.
Thế là hai cha con cùng đi siêu thị. Đến nơi, cậu bé chạy thật nhanh vào quầy đồ chơi. Trông cậu bé rất khoái chí với mấy đồ chơi điện tử.
– Về thôi con.
– Ba ơi chơi chút nữa đi!
Rồi cậu mải mê chơi không thiết gì ăn uống nữa. Chỉ nghe các bạn nói mà cậu liền nói với ba và được đi đến đó.
Cũng nhờ lời nói, lời giới thiệu của ông Gioan về Chúa Giêsu mà các môn đệ đã theo Chúa Giêsu. Họ bỏ người thầy bấy lâu nay được học hỏi và biết được nhiều điều trong cuộc sống. Thế nhưng, điều ấy lại là niềm vui của ông Gioan. Các ông đi theo Chúa Giêsu ở phía sau. Chúa Giêsu đi đâu là họ đi đó. Với quyền năng của Chúa Giêsu, nên Ngài nhận biết được có người đang đi theo mình. Ngài quay lại hỏi các ông câu hỏi thật tế nhị: “Các ông tìm gì thế?” (Ga1, 38). Ngài quay lại thì thấy các ông có những hành động có vẻ như đang tìm kiếm gì đó, nên Ngài mới hỏi vậy. Điều này, một phần nào đó cho chúng ta thấy các môn đệ âm thầm đi theo Chúa Giêsu, không muốn cho Ngài biết. Nhưng khi Ngài quay lại hỏi, thì các ông đã can đảm hỏi lại Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Ngài trả lời: “Hãy đến mà xem”(Ga1, 39). Và các ông đã đến xem chỗ ở và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Thiên Chúa chỉ mặc khải cho những ai hết dạ đi tìm Ngài. Chính các môn đệ đã có sự khao khát về Ngài. Nhờ thế, các ông đã được mặc khải cho họ biết về Ngài. Vì thế, ông Anrê khi trở về, lòng hân hoan mà nói với em mình là Simon: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia?”. Nhờ lời giới thiệu của ông Gioan cùng lòng khao khát tìm kiếm, ông đã theo – đến – xem chỗ ở của Ngài. Xem chưa đủ, ông còn ở lại với Ngài suốt ngày hôm ấy. Trong thời gian ở đó, ông được nhận biết về Chúa Giêsu.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn đang vang lên mọi người: “Hãy đến mà xem”. Chúng ta thường nói với các em nhỏ: “Nhà thờ là nơi chốn thánh thiêng, các em phải nghiêm trang”. Chính khi ý thức như vậy, chúng ta sẽ kho khát để đến với Chúa mỗi ngày. Thánh lễ mà chúng ta tham dự hôm nay là bao nhiêu phút? Chúng ta có ở lại với Chúa thật sự không? Mỗi chúng ta tự tìm cho mình một câu trả lời.
Ông Anrê đã nghe, đến xem và ở lại, nhờ thế ông đã xác tín và thêm niềm tin vào Chúa Giêsu. Còn ông Simon, từ đây sẽ được gọi bằng một tên mới, tên gắn liền với sứ mạng mà Đức Giêsu trao phó. Lạy Chúa! Xin cho chúng con ơn biết lắng nghe, đến và ở lại với Chúa mỗi ngày; cùng biết chia sẻ và rao giảng về Chúa cho mọi người xung quanh.
Lạy Chúa, tìm kiếm Chúa là hành trình mà mỗi người chúng con luôn khao khát mỗi ngày. Tuy nhiên, hành trình tìm Chúa của chúng con còn rất nhiều gian truân vì sự yếu đuối của bản thân cũng như những nghịch cảnh của cuộc sống đôi lúc làm chúng con muốn buông xuôi. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, xin Chúa giúp chúng con không ngừng tìm kiếm Chúa. Bởi chúng con tin rằng, chỉ có Chúa mới là nguồn bình an và hạnh phúc đích thực cho cuộc sống hiện tại và mãi mãi của chúng con. Amen.
Khởi đầu sứ mệnh trần gian, Dõi theo từng bước, hỏi han tìm về. Gio-an môn đệ cận kề, Rời TN 2-B154
Khởi đầu sứ mệnh trần gian, Dõi theo từng bước, hỏi han tìm về. Gio-an môn đệ cận kề, Rời thầy theo Chúa, lời thề trung kiên. Bước đi theo Chúa nhân hiền, Đến xem tận mắt, một miền trống quang. Không nhà không cửa không hang, Nghèo sơ nghèo xác, trong làng đơn sơ. Môn đồ nhận biết không ngờ, Ki-tô Cứu Thế, vô bờ kính tôn. Ngôi Lời nhập thể càn khôn, Tin mừng rao giảng, cứu hồn thế nhân. Si-mon, nghĩa Đá, dự phần, Tông đồ Chúa chọn, cận thân bên Ngài. An-rê theo Chúa miệt mài, Anh em môn đệ, lưới chài thần dân.
Hai anh em Phêrô và Anrê là những người đầu tiên theo Chúa Giêsu. Sau khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu:“Đây là Chiên Thiên Chúa”, hai môn đệ liền rời Thầy của mình và đi theo Chúa. Thật là đơn giản. Chúa hỏi: “Các ngươi tìm gì” và “Hãy đến mà xem”. Họ đã nhận ra Chúa chính là Đấng Messiah.
Chúng ta cần học hỏi mỗi ngày. Muốn học thì phải hỏi. Muốn hiểu biết thì phải thắc mắc và phải tìm kiếm. Chính những thắc mắc của cuộc sống đã giúp con người phát triển. Các môn đệ muốn biết Chúa các ngài đã đi tìm và hỏi han. Chúa đã mở đường cho các ngài tìm về nguồn sự thật. Hai môn đệ nhận ra Chúa chính là Đấng Kitô và họ đã mau mắn dẫn dắt người khác đến tìm gặp Chúa.
Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta có bổn phận tiến dẫn người khác đến với Chúa. Câu truyện của một cụ già mới vào nhập viện. Sau khi đã nhập phòng và sắp xếp xong xuôi mọi sự, một cô y tá đến hỏi: Ông thuộc tôn giáo nào? Ông cụ nhìn cô và nói: Tôi rất vui khi cô hỏi tôi. Tôi luôn muốn là một người công giáo nhưng chưa từng có ai hỏi tôi.
Biết đặt câu hỏi là đã có một nửa câu trả lời. Có nhiều người cả đời cũng không bao giờ thắc mắc: Làm sao có trời đất và vũ trụ vạn vật? Có biết bao người không bao giờ hỏi: Sự sống là gì và sự sống từ đâu mà có? Hoặc cùng đích của sự sống là gì? Biết rằng càng hỏi chúng ta càng thấy con người chúng ta thật giới hạn. Giới hạn về cả tri thức lẫn thể xác.
Muốn biết Chúa thì hãy đến và xem. Hãy đến bất cứ nơi nào và nhìn ngắm xem sự chuyển vận của vũ trụ vạn vật và con người. Chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện và yêu thương của Thiên Chúa. Đến và xem cộng đồng Kitô Hữu, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa ở giữa họ. Đến và xem nơi hang lừa máng cỏ hay trên thập giá khổ hình. Nơi đó, Chúa đã hạ thân và thí thân để cứu độ chúng ta.
Ước chi mỗi người hãy là nhân chứng cho Chúa giữa dòng đời. Chúng ta tiếp tục giới thiệu Chúa cho những người chung quanh.
Bài Tin Mừng hôm nay (CN II/TN-B – Ga 1, 35-42) trình thuật Thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu TN 2-B155
Bài Tin Mừng hôm nay (CN II/TN-B – Ga 1, 35-42) trình thuật Thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su Ki-tô cho mọi người (cách riêng cho các môn đệ của ngài): “Ông Gio-an đang đứng với 2 người môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai người môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.” Một trong hai môn đệ ấy là An-rê, anh ông Si-mon (Phê-rô). Sau khi An-rê gặp Đức Giê-su, ngài liền nói với em mình: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô), rồi ông dẫn em mình đến giới thiệu với Đức Ki-tô.
Nói đến An-rê, là nói đến người đã thấy, đã tin và đã làm chứng cho Đấng Cứu Độ. An-rê là môn đệ của thánh Gio-an Tẩy Giả. Ông đã được thầy của mình giới thiệu về Đức Ki-tô. Và tiếp liền theo đó, An-rê đã liên tục làm chứng nhân sống cho Đấng mà ngài đã thấy và đã tin. Có thể là rất nhiều lần, nhưng Thánh Kinh chỉ ghi lại 3 lần nổi bật nhất:
* Lần thứ nhất, khi nghe thầy mình là thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu “Đây là Chiên Thiên Chúa”, thì ngay lập tức, An-rê cùng với một môn đệ khác của thánh Gio-an liền đi theo Đức Giê-su, rồi về giới thiệu với em mình là Si-mon Phê-rô và dẫn tới với Đức Ki-tô.
* Lần thứ hai là dịp Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất: Thấy rất đông dân chúng đến với mình, Đức Ki-tô liền hỏi thử ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Trong khi Phi-líp-phê còn đang lúng túng, thì An-rê đã mau mắn thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Không ai (kể cả Phi-lip-phê và An-rê) có thể ngờ chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, đã giúp tới 5.000 người (không kể đàn bà và trẻ con) được ăn no nê, mà còn dư tới 12 thúng đầy những miếng bánh vụn người ta ăn còn lại (Ga 6, 5-13).
* Lần thứ ba, khi Đức Giê-su trở lại Giê-ru-sa-lem lần cuối, có mấy người Hy Lạp đến xin gặp Người. An-rê lại giới thiệu họ với Đức Ki-tô. Chắc chắn Đức Ki-tô đã rất hài lòng về An-rê, bởi vì sau đó chính Người đã nói: “phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta.” (Ga 12, 32).
Rõ ràng là An-rê có một niềm tin rất vững vàng khi được gặp Chúa, nhưng còn hơn thế nữa, vì thánh nhân đã biết biến niềm tin đó thành hành động. Nếu chỉ tin suông, tin một cách chung chung “ai sao tôi vậy”, thì ai cũng có thể làm được; nhưng thánh An-rê Tông đồ đã không như thế, mà ngài đã sống đức tin một cách rất cụ thể: làm chứng nhân sống để giới thiệu cho mọi người biết Người mà mình đã thấy và đã tin: Đức Giê-su Thiên Chúa. Tông Huấn Lời Chúa “Verbum Domini” (số 18) đã khẳng định: “Trọn lịch sử cứu rỗi đã lần hồi chứng minh cho mối liên kết sâu xa giữa Lời Chúa và đức tin, một đức tin vốn phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô.” Thánh An-rê đã gặp gỡ Chúa Ki-tô mà Người chính là Ngôi Lời nhập thể, là Lời Chúa đích thực, nên có thể nói đức tin của thánh nhân là một “Đức tin đến từ điều nghe được, và điều nghe được đến từ Lời Chúa Ki-tô” (Rm 10, 17).
Phải nói một điều Lời Chúa được ban cho những tín hữu là những chứng tá linh hứng của mạc khải; cùng với truyền thống sống động của Giáo hội, nó cấu thành qui luật tối cao của đức tin. Trường hợp thánh An-rê vì đã tin, nên thánh nhân đã rất nhiệt thành giới thiệu Chúa Ki-tô cho người em là Simon bằng những lời lẽ chân tình: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Simon được An-rê đưa đến gặp Đức Ki-tô và ngay lập tức được Người đổi tên là Kê-pha (tức là Phê-rô). Sự đổi tên này chứng tỏ Đức Giê-su đã chọn Phê-rô làm viên “Đá Tảng góc tường” xây dựng Hội Thánh (tức Giám mục Rô-ma – Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội). Không những chỉ giới thiệu với anh em ruột hoặc cùng là môn đệ của Thánh Gio-an Tẩy Giả, Thánh An-rê còn nhiệt thành giới thiệu Chúa cho mọi người gặp gỡ trên đường thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Giới thiệu Chúa với mọi người cũng chính là truyền giáo một cách cụ thể và thiết thực, để rồi từ chính việc rao giảng Lời Chúa đã phát sinh ra đức tin, nhờ đó, người tín hữu đồng tâm nhất trí với chân lý đã được mạc khải và hoàn toàn tín thác vào Chúa Ki-tô. Quả thật “đức tin mang dáng dấp một cuộc gặp gỡ với Đấng ta tín thác trọn đời ta cho Người” (Tông huấn “Verbum Domini”, số 18). Vậy thì tại sao người Ki-tô hữu chúng ta lại không mở rộng trái tim, mở rộng cửa lòng ra đón tiếp để được gặp gỡ Đức Ki-tô? Khi đã được gặp gỡ Đức Ki-tô như thánh An-rê, chắc chắn một điều chúng ta sẽ có một đức tin vững mạnh, mà “Đức tin là hy vọng” (Thông điệp Đức Tin là Hy vọng “Spe Salvi”, số 2), nên khi chúng ta tin và phó thác đời mình trong tay Chúa, chúng ta sẽ tràn trề hy vọng được nhận ơn Cứu Rỗi của Đấng mà chúng ta đã tin. Một cách cụ thể, chúng ta tin và chúng ta hành động, bởi “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17).
Nhìn thẳng vào trường hợp thánh An-rê, có thể rút ra kết luận: hành vi đức tin của người tín hữu cùng một lúc vừa có tính bản thân vừa có tính Giáo hội. Nói một cách dễ hiểu thì hành vi đức tin của chúng ta cùng một lúc có 2 chiều kích: chiều kích cá vị (riêng bản thân mình) và chiều kích cộng đồng (chung cả Giáo hội). Cụ thể hơn nữa, vì đối tuợng mà chúng ta tin là Thiên Chúa Tình Yêu nên khi chúng ta “nhận về” đức tin thì chúng ta cũng phải “cho đi” (chia sẻ) đức tin ấy cho anh em. Vâng, “đức tin không phải là thành tựu của các cá nhân cô lập; nó không phải là một hành vi mà ai đó có thể tự mình diễn xuất, mà đúng hơn, nó là một điều cần được tiếp nhận bằng cách đi vào hiệp thông Giáo hội, một hiệp thông chuyển giao ơn phúc Thiên Chúa.” (Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin “Lumen Fidei”, số 41).
Ôi! Lạy Chúa! Xin ban đức tin cho chúng con để chúng con có thể noi gương thánh An-rê Tông đồ, luôn sẵn sàng đến với anh em – nhất là những anh em đang gặp thử thách trong sức khoẻ hay trong đời sống – để cùng nhau chia sẻ đức tin mà mình đã coi là nguồn sống duy nhất của mọi Ki-tô hữu. Lạy Mẹ Maria! Mẹ là “Mẹ Lời Chúa” và cũng là “Mẹ đức tin”! Cúi xin Mẹ dạy chúng con hai tiếng “xin vâng” như Mẹ đã thực hiện trong suốt cuộc đời của Mẹ nơi trần thế, để chúng con luôn biết “lắng nghe và suy nghĩ trong lòng” Lời Chúa, ngõ hầu chúng con có thể giới thiệu Lời Chúa cho mọi người như thánh An-rê Tông đồ thủa xưa. Amen.
Ngày xưa, chuyện cưới xin ở Việt Nam thường lệ thuộc vào “ông mai bà mối”. Vì thế, “mai mối TN 2-B156
Ngày xưa, chuyện cưới xin ở Việt Nam thường lệ thuộc vào “ông mai bà mối”. Vì thế, “mai mối” được xem như một nghề. Nếu kết quả tốt, thì “ông mai bà mối” được hưởng cái “đầu heo”. Thực vậy, khi nhà trai muốn kiếm vợ cho con, họ rất cần người mai mối. Họ nhờ vả “ông mai bà mối” kiếm cho họ một cô con dâu như ý. Nhiều gia đình có con gái đến tuổi cập kê mà chưa kiếm ra chồng, thì họ cũng nhờ đến “ông mai bà mối”. Sở trường của người mai mối, là phải thật dẻo mồm dẻo miệng. Điều dở cũng phải nói thành hay. Như thế, mới hy vọng kết mối tơ duyên cho đôi bạn. Điều đặc biệt của các “ông mai bà mối”, là họ thường đóng vai trò con thoi. Họ đi đi lại lại giữa hai gia đình. Nhiệm vụ của họ là giới thiệu cho hai gia đình quen biết nhau, đốc thúc hai bên gặp gỡ nhau, thăm viếng nhau, làm quen nhau, rồi đề nghị đám hỏi, đám cưới. Theo dòng thời gian, với cuộc sống hiện đại, khi các mối quan hệ càng ngày càng mở rộng, thì xem ra các bạn trẻ dễ dàng tìm được người bạn đời ưng ý hơn. Nhưng trên thực tế, chuyện mai mối vẫn đang diễn ra hàng ngày. Chỉ có hình thức mai mối là khác. Hiện tượng mai mối cũng khác. Ông mai bà mối cũng khác ngày xưa. Ngày nay “ông mai bà mối” có thể là một người bạn, người anh, người chị, người em; thậm chí có khi chỉ là chiếc điện thoại, hay cái máy vi tính, cũng thành mai mối tình duyên.
Thiên Chúa rất muốn đến với con người. Nhưng Ngài cũng rất cần ông mai bà mối. Thiên Chúa cần một ai đó nhiệt tâm, giới thiệu tình yêu của Ngài cho con người. Thiên Chúa cần “ông mai bà mối” nói thật hay, sống thật tốt, để giới thiệu Chúa cho mọi người. Cụ thể, hôm nay, trong phạm vi Giáo xứ của mình, Thiên Chúa cũng đang cần ta “làm mai làm mối”, để giới thiệu Chúa cho những người chung quanh. Vậy ta hãy nói về tình yêu của Chúa. Hãy mạnh dạn giới thiệu Chúa cho mọi người. Ngày xưa, các nhà truyền giáo đã làm nghề “mai mối”, để giới thiệu Chúa cho tổ tiên chúng ta. Hôm nay đến lượt mỗi người chúng ta. Mình có bổn phận làm “ông mai bà mối” cho anh em, cho bạn bè của mình. Thánh Gioan Tẩy Giả cũng từng là “ông mai” cho Đấng Cứu Thế. Gioan đã giới thiệu Chúa cho hàng ngàn người đang đứng bên ông. Gioan tận dụng thời cơ để “làm mai” Chúa cho các môn đệ của ông, cho bà con láng giềng và cho cả dân tộc của ông.
Tuy Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể tự tỏ mình cho nhân loại, không cần sự trợ giúp của con người. Ngài không cần ai “làm mai làm mối”. Nhưng Thiên Chúa không làm như thế. Ngài không tự biểu dương mình. Ngài rất cần người “làm mai”, rất cần người giới thiệu. Ngài muốn con người là nhịp cầu, để cho Ngài đến với nhân loại. Vậy, nếu ta đã cảm nhận được tình yêu quan phòng kỳ diệu của Chúa trong cuộc đời mình, thì ta hãy “làm mai” tình yêu kì diệu ấy cho mọi người. Đó là cách ta bày tỏ lòng biết ơn Chúa. Thế nên, không phải chỉ có Gioan mới được Chúa mời gọi làm người “mai mối” cho Ngài đến với nhân loại. Không phải chỉ có Gioan mới có khả năng làm chứng cho Thiên Chúa, mà tất cả những ai mang danh Kitô hữu. Qua Bí tích Rửa tội, ta được mời gọi làm chứng cho Chúa. Làm chứng bằng lời nói và hành động. Vậy, ta hãy mạnh dạn nói về Chúa. Hãy chia sẻ niềm vui được làm con Chúa cho mọi người.
Ước gì ta biết noi gương thánh Gioan: luôn nói về Chúa trong mọi hoàn cảnh. Dù ở hoang địa hay ngoài đường phố, thậm chí cả trong ngục tù. Hãy tận dụng mọi hoàn cảnh Chúa ban, để làm chứng cho tình yêu Chúa bằng cuộc sống của chính mình.
Sau Mùa Giáng Sinh, Phụng vụ của Hội Thánh triển khai những hoa trái của mầu nhiệm Nhập Thể TN 2-B157
Sau Mùa Giáng Sinh, Phụng vụ của Hội Thánh triển khai những hoa trái của mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm Ngôi Lời đã sinh ra làm người và ở giữa loài người để đem hạnh phúc cho mọi người. Một trong những hoa trái ấy là nhiều người được Thiên Chúa mời cộng tác với Người trong công trình cứu chuộc. Thế nhưng muốn nhận ra lời mời của Chúa thì phải biết lắng nghe lời hay tiếng Chúa.
Các bài Sách Thánh của Chúa Nhật II Thường Niên hôm nay tập trung vào ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho Sa-mu-en, Gio-an, An-rê và Phê-rô và tất cả các Ki-tô hữu. Mọi người chúng ta đều được Thiên Chúa gọi và chọn làm ngôn sứ của Thiên Chúa và làm môn đệ của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa không chỉ gọi chúng ta một lần, mà Người gọi chúng ta nhiều lần, trong mỗi ngày, mỗi giờ. Vì thế việc lắng nghe tiếng Chúa gọi là vô cùng quan trọng. Có nghe được tiếng Chúa gọi, chúng ta mới có thể đáp lại tiếng gọi ấy một cách tương xứng.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (1 Sm 3,3b-10.19): Thiên Chúa gọi ông Sa-mu-en.
(3) Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. (4) Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” (5) Rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. (6) Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” (7) Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. (8) Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. (9) Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. (10) Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en ! Sa-mu-en !” Sa-mu-en thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (19) Sa-mu-en lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 6,13c-15a.17-20): Ý nghĩa của thân xác con người.
(13) Thưa anh em, thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. (14) Thiên Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. (15) Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? (17) Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người. (18) Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. (19) Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, (20) vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 1,35-42): Các môn đệ đầu tiên.
(35) Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. (36) Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” (37) Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. (38) Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” (39) Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
(40) Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. (41) Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). (42) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).
III. KHÁM PHÁ DUNG MẠO VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Dung mạo của Thiên Chúa trong ba bài Sách Thánh:
1) Thiên Chúa mà Sách Sa-mu-en quyển thứ nhất (1 Sm 3,3b-10.19) tường thuật là một Đấng Thiên Chúa đã thân hành đến gặp cậu bé Sa-mu-en ban đêm trong khi cậu ngủ và gọi cậu bé nhiều lần, cho đến khi cậu hiểu ra rằng đó là tiếng gọi của Thiên Chúa và có lời đáp trả thỏa đáng: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe!” Dĩ nhiên là ngôn sứ Ê-li có vai trò rất quan trọng trong việc giúp Sa-mu-en nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa và biết đáp trả tiếng gọi ấy một cách đẹp lòng Thiên Chúa.
2) Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô (1 Cr 6,13c-15a.17-20) muốn cho tín hữu Cô-rin-tô và hết thẩy các tín hữu nhận biết là một Đấng Thiên Chúa đã làm cho Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết và cũng sẽ làm cho tất cả mọi người sống lại. Vì thế Thiên Chúa có quyền làm chủ cả hồn cả xác chúng ta, vì Người “đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em” và đã làm cho chúng ta trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Do đó cả hổn cả xác chúng ta không còn thuộc về chúng ta nữa mà đã thuộc trọn về Thiên Chúa đã là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta chỉ có thể dùng thân xác mình mà phụng sự Thiên Chúa chứ không được dùng thân xác mà gian dâm vì gian dâm là tội nặng vừa xúc phạm đến chính mình vừa xúc phạm đến Thiên Chúa.
3) Thiên Chúa mà Thánh Gio-an (Ga 1,35-42) muốn giới thiệu với thế giới là Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng được Gio-an Tiền Hô giới thiệu với hai môn đệ thân tín (nhất) của ông là An-rê và Gio-an. Gio-an Tiền Hô giới thiệu Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” hàm ý muốn nói: Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng có sứ mạng hiến dâng mình làm của lễ toàn thiêu để cứu chuộc nhân loại. Người bắt đầu thực hiện sứ mạng ấy bằng việc chiêu mộ các môn đệ. An-rê và Gio-an là hai môn đệ đầu tiên. Kế đến là Si-mon được anh mình là An-rê đem đến giới thiệu với Đức Giê-su và đã được Chúa Giê-su chấp nhận và đổi tên cho ông thành Phê-rô (nghĩa là Đá).
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Sách Thánh:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta làm ngôn sứ và làm môn đệ và trông đợi ở mỗi người chúng ta lời đáp trả tương xứng.
Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra Người, nghe thấy tiếng gọi của Người (trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta) mà đáp trả bằng cách bước theo Người, thi hành sứ mạng Người giao phó như Sa-mu-en, Gio-an, An-rê và Phê-rô.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Chúa như con cái sống với cha mẹ, như đệ tử sống với Thầy, như kẻ được gọi và được chọn với Đấng gọi và chọn: Sống các mối tương quan trên trong tâm tình yêu mến, kính trọng và gắn bó mật thiết.
4.2 Thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là nhận ra tiếng Chúa gọi và đáp lại tiếng gọi ấy như Sa-mu-en: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
Để nghe được tiếng Chúa, chúng ta cần
(a) tỉnh thức,
(b) thinh lặng nội tâm, vì Thiên Chúa chỉ nói trong thinh lặng như Chân Phước Tê-rê-xa thành Cal-cut-ta đã nhắn nhủ.
(c) khả năng phân biệt và chọn lựa lời mời gọi của Thiên Chúa và từ khước lời mời gọi của tạo vật hay của bản thân mình tức lời mời gọi của dục vọng, của cải, quyền lực và vinh hoa trần thế.
– Thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay còn là tin vào lời giới thiệu của Gio-an Tẩy Giả và của các ngôn sứ xưa và nay mà tìm đến và ở lại với Chúa Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” như An-rê và Gio-an: “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.”
Để gặp gỡ và ở lại với Chúa Giê-su, chúng ta cần
(a) một tấm lòng đơn sơ, khát khao, (b) sự nhẫn nại và (c) chấp nhận cuộc phiêu lưu mà Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi người trên thế gian để họ biết lắng nghe Lời Chúa mà sống lương thiện và đạo đức xứng danh con người là tạo vật đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Sa-mu-en thưa: “Dạ, con đây!» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi người biết đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa như cậu bé Sa-mu-en.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Các anh tìm gì thế? – Thưa Thầy, Thầy ở đâu? – Đến mà xem – Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, có được mối tương quan và sự hiểu biết riêng tư, thân mật và sâu đậm với Thiên Chúa!
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Thưa anh em, thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các bạn trẻ công giáo cũng như không công giáo, để họ biết quý trọng, giữ gìn và bảo vệ thân xác mình cho xứng danh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Lời Chúa hôm nay ( Ga1, 35 – 42), Chúa Nhật II thường niên, trước Mùa Chay, cho chúng ta một TN 2-B158
Lời Chúa hôm nay ( Ga1, 35 – 42), Chúa Nhật II thường niên, trước Mùa Chay, cho chúng ta một chủ đề về “ơn kêu gọi”.
Bài đọc I hôm nay (1 Sm 3, 3b -10. 19) trình thuật việc Chúa gọi Samuel, đoạn Lời Chúa nầy luôn gắn liền với ơn kêu gọi, cụ thể ơn gọi tu trì, tức bước theo sát Chúa Giêsu trên con đường rao giảng Tin Mừng, đồng thời là “con đường Thập giá”. Vì, muốn đến vinh quang phải bước qua Thập Gía.
Theo đó, Chúa gọi Samuel đến bốn lần, ba lần trước ông đều chưa nhận ra, đến lần thứ tư, thầy cả Hê-ly nhận ra và căn dặn ông, nếu :”Nghe tiếng gọi nữa, thì hãy thưa: Lạy Chúa nầy con đây”.
Vâng, biết đáp lại Tiếng Chúa gọi, nhiều khi không phải dễ, được gọi trực tiếp hoặc gián tiếp, là đều không phải dễ dàng nhận ra. Như vậy, chúng ta thấy chi tiết nầy đáng cho những ai muốn nhận ra Tiếng Chúa gọi cần nhờ đến người “ có kinh nghiệm”.
Tin Mừng hôm nay (Ga 1, 35 -42), cho chúng ta ba ý chính :
Một là: Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình. Hai là: Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Ba là : Chúa Giêsu đặt tên cho thánh Phê-rô. Như vậy, hai người trong số môn đệ của Gioan Tiền Hô là An-rê đã chủ động đến gặp Chúa Giêsu sau khi nghe Gioan Tiền Hô giới thiệu Đức Kitô, còn một người khác thì không trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Hôm sau, thì ông An-rê đã giới thiệu em mình cho Chúa Giêsu, là ông Si-mon, nghĩa là Kê-pha, thì được Chúa Giêsu đặt tên là : Phê-rô, nghĩa là ” ĐÁ”.
Vâng, từ đây Phê-rô sẽ là nhân vật đáng chú ý nhất, hăng hái nhất, nhiệt thành nhất, “lo sợ nhất”, chối bỏ Thầy trước nhất.
Nhưng, Chúa Giêsu vẫn tin tưởng giao phó con thuyền Hội Thánh cho ông. Như vậy, cho thấy sức người và ân sủng siêu nhiên có một khoảng cách nhất định. Sức người không làm gì được, nhưng ân sủng thì vô biên. Con người thì mỏng giòn, nhưng , ân sủng thì kiên vững.
Theo đó, chúng ta thấy “ tình nghĩa Thầy trò”, giữa Chúa Giêsu và Phê-rô có một sự nâng đỡ siêu nhiên gắn bó. Chúa Giêsu yêu thương Phê-rô, dù ông bất toàn, mỏng giòn dễ vỡ, nhưng Chúa giêsu thật yêu thương người môn đệ vốn hăng hái, nhưng không biết điều mình nói và làm.
Vậy, điều quan trọng trong đoạn lời Chúa hôm nay là gì ? Há chẳng phải là “ nhân vật Phê-rô” sao ?!
Thiên Chúa kêu gọi và tuyển dụng là Thiên Chúa trung tín không thay đổi, “yêu thương đến cùng”, là yêu thương tron vẹn, sự chung thủy nơi tình yêu của Thiên Chúa đối với phàm nhân là bất biến. Phàm nhân phản bội Thiên Chúa thì có, nhưng , Thiên Chúa không bao giờ phản bội người đời. Đoan Lời Chúa hôm nay cho chúng ta điều ấy.
Chúng ta thấy, Thiên Chúa là nguồn sống, sự sống vĩnh hằng và bất biến, nhưng, đã trao ban cho con người một cách thủy chung ,son sắt như vậy, thì ai tách rời được. Vâng, cảm nghiệm được như thế, thánh Phao-lô đã nói : “ Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô- Giêsu, dù cho thiên thần, âm phủ, hay những thứ gì đó… Không , không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến Thiên Chúa trong Đức Kitô- Giêsu”.
Vâng, nối bước các ngài , những vị thánh thời nay, cũng vậy, trong năm 2017 vừa qua, người ta thống kê được 10 gương mặt tiêu biểu trong Giáo Hội Công giáo đã “chết vì tình yêu Thiên Chúa” trong Đức Kitô. Trong đó, có một vị linh mục người Ý, thuộc dòng Sa-lê-giêng, được mệnh danh là “ Thiên thần của những người cùi” tại Trung Hoa.
Cha đã từ bỏ đất nước của mình, gia đình, bạn hữu, anh em cùng dòng, để đáp lại lời mời gọi của các Đức Giám mục Trung Hoa, truyền giáo và lo cho người cùi tại đất nước xa xôi nầy.
Nhưng , đến năm 1950, cha bị nhà cầm quyền Cộng sản trục xuất ra khỏi Trung Hoa, nhưng cha lánh nạn sang Hồng-kông và tiếp tục với sứ mạng của mình đối với những người bạn cùi cho đến chết, thọ đến 102 tuổi. Di sản cha để lại cho người cùi nơi cha phục vụ thật lớn lao, bằng chứng nơi việc làm của cha không áp lực nào có thể phủ nhận được.Thật là một “gương chiếu sáng” như Ngôi Sao Hiển Linh.
Đến đây, chúng ta nhớ lại, tại Việt Nam cũng có một vị Tông Đồ người cùi, vị nầy chính là Đức cha Casseigner, hy vọng một ngày gần đây ngài được Giáo Hội nhìn nhận nhân đức anh hùng của ngài một cách hiển dương.
Theo đó, “ Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước và ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv, 118, 105) là như vậy.
Các thánh là những người được gọi và đáp trả cách anh dũng tiếng Chúa kêu mời. Sông theo Lời Chúa và trung kiên với Ngài không phải chiều theo sự giả trá của thế nhân, mà là trung kiên vững bước theo Lời Chúa dạy, dù gian nguy, hiểm trở. Sống ngược lại với Lời Chúa là cạm bẫy satan.
Lạy Chúa Giêsu, Người là Đường, là Chân Lý , và là Tình Yêu. Xin soi dẫn con đi trong đường lối Chúa./. Amen
Có một câu truyện dụ ngôn được kể lại như sau. Trong một khu rừng có ba cây gỗ quí trẻ trung TN 2-B159
và xanh tươi mọc và sống cạnh nhau. Ba cây này thường tâm sự chia sẻ với nhau về những ước mơ và hy vọng trong cuộc sống tương lai của mình. Một cây hy vọng sẽ được xử dụng trong một lâu đài để vẻ đẹp, chất lượng và đường gân thân cây của mình được nhiều người sang trọng và quyền quí chiêm ngưỡng và khen ngợi. Cây thứ hai hy vọng sẽ được xử dụng để đóng một chiếc du thuyền sang trọng được mọi người chú ý khi ghé ngang những hải cảng đặc biệt. Cây thứ ba cũng hy vọng sẽ được xử dụng vào một kiến trúc cao quí nơi công cộng để mọi người chiêm ngưỡng.
Cuộc đời tương lai của 3 cây gỗ quí này đã xảy ra như sau. Cây thứ nhất được cắt xuống và một phần được đóng thành một cái máng thức ăn cho thú vật trong một hang đá. Cây thứ hai cũng được cắt xuống và một phần thân cây dùng để đóng một chiếc thuyền đơn sơ đậu tại bờ sông trong khu vực thành Ga-li-lê-a. Cây thứ bà cuối cùng cũng được cắt xuống và một phần làm thành đòn ngang của cây thập tự để treo người tử tội tại ngọn đồi Gôn-gô-ta.
Ông bà anh chị em thân mến. Ba cây gỗ quí trên có những mơ ước và hy vọng của chính mình khi còn trẻ, nhưng khi lớn lên được sử dụng vào mục đích khác cho riêng mỗi một cây. Ý nghĩa của câu truyện là khuyên chúng ta hãy sẵn sàng, hy sinh và vui mừng để cho Thiên Chúa xử dụng cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta để thông phần vào chương trình cứu chuộc, cũng như mở mang và xây dựng Nước Chúa theo dự tính và thánh ý của Người. Và đó cũng là sứ vụ và ước mơ cao cả của cuộc đời mỗi người Ki-tô hữu chúng ta sống nơi trần thế này. Nếu cuộc sống Kitô hữu của chúng ta không chứa đựng ý nghĩa đó và không được Chúa xử dụng, hay chúng ta cố tình ngăn cản, giới hạn, thu hẹp khả năng và giá trị của mình hay cố tình tránh né thì cuộc sống của chúng ta trở nên vô nghĩa, vô giá trị và vô phúc.
Trong các bài Kinh thánh hôm nay cho chúng ta biết mỗi một người chúng ta được Chúa gọi và trao cho một sứ vụ riêng, và chúng ta không biết Thiên Chúa gọi chúng ta bằng cách nào, như thế nào và khi nào. Trong bài đọc 1, Chúa gọi Sa-mu-en lúc nửa đêm nhưng anh không biết và không hiểu, phải nhờ đến tiên tri Ê-li giúp cắt nghĩa và phải đáp trả như thế nào. Sau khi được chỉ dẫn, Samuen đã khiêm tốn đáp trả lại một cách chân thành, sốt sắng và quảng đại. Cuộc đời của Samuen đã thay đổi và vì vậy cuộc sống dân riêng Chúa cũng thay đổi từ ngày đó cho tới mấy trăm năm sau, vì sau đó Samuen đã thành lập và dẫn dắt dân Do thái, cũng như đã sức dầu tấn phong 2 vị vua đầu tiên của nước Do thái.
Trong bài Tin mừng, An-rê và một môn đệ khác đã nghe tiếng của Gioan giới thiệu về Chúa Giê-su và sau đó đã đáp trả lại lời mời của Chúa Giê-su “Hãy đến mà xem” đi theo Người. Hôm sau, Phê-rô cũng nhận lời mời của An-rê đến gặp Chúa Giê-su. Lời mời gọi và đáp trả của các môn đệ không có tính cách “kịch nghệ” như của Samuen. Rất hiếm khi chúng ta được Chúa gọi tên lúc nửa đêm như Samuen. Thông thường Chúa mời gọi chúng ta qua người khác, qua một người thánh thiện như Gioan Tiền hô hay qua một người bạn, một thân nhân. Nếu chúng ta trả lời khi Chúa gọi thì cuộc sống của chúng ta sẽ không còn như hiện tại mà sẽ thay đổi. Vì vậy nhiều người tránh né cầu nguyện trong thinh lặng, bởi vì họ có thể sẽ nghe lời Chúa nói với họ điều họ không muốn nghe, vì họ đang sống trong sự thoải mái. Họ cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại và không muốn thay đổi.
Tôi còn nhớ khi Chúa gọi tôi trở thành linh mục, tôi đã nghĩ và hy vọng đó là điều không phải là sự thật. Tôi mong ước có một cuộc sống như một người bình thường, sẽ có một gia đình và một ngày nào sau đó sẽ có con cái. Nhưng bằng cách này hay cách khác, Chúa đặt để ý tưởng trở thành linh mục trong trí óc tôi. Có lẽ đó là lý do tại sao tôi rất thích nghe câu truyện ơn gọi của Samuen. Chúa cứ “dai dẳng” kêu mời tôi cho đến lúc cuối cùng tôi phải thưa với Chúa “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe.” Tôi vui mừng đáp trả lại hai tiếng “Xin Vâng.” Tôi biết từ chối cuộc sống hôn nhân gia đình thỉnh thoảng cũng cảm thấy rất khó khăn, nhưng cuộc sống hôn nhân vợ chồng cũng có lúc rất khó khăn. Tôi phải thú nhận tôi rất vui mừng và bằng lòng với cuộc sống linh mục để cho bạn nào đang suy nghĩ về thiên chức linh mục biết điều đó.
Một điều đáng cho chúng ta chú ý là Samuen đã nhận được sự chỉ bảo của Ê-li để nhận ra tiếng gọi của Chúa. Các môn đệ cũng đã nhận được sự chỉ dẫn của Gioan Tẩy giả để nhận ra Chúa Giê-su. Thỉnh thoảng chúng ta nghĩ và cảm thấy Chúa muốn nói với chúng ta điều gì, hay Chúa muốn chúng ta làm điều gì, nhưng chúng ta không hiểu rõ hay không chắc chắn. Điều đó có thể không phải là điều to lớn như đi tu làm linh mục hay tu sĩ nan nữ, (những người già hiện diện thì không thể đi tu được nữa rồi! Muộn rồi!) mà có thể chỉ là hy sinh tình nguyện giúp đỡ một công việc gì đó; hay hãy siêng năng cầu nguyện hơn; tham dự Thánh lễ thường xuyên và sốt sắng hơn; hay hãy bác ái, quảng đại hơn; hay hãy sống tốt lành, thánh thiện hơn; hay sống ngay thẳng, công bằng hơn. Chúng ta có thể tự hỏi: “Có phải đó là điều Chúa muốn nói với chúng ta, hay muốn chúng ta làm không?” Điều tốt nhất là chúng ta hãy đến với người nào chúng ta tin tưởng, người sáng suốt hay một người đạo đức thánh thiện, có cuộc sống Ki-tô hữu chính đáng. Chúa thực sự liên hệ với chúng ta qua người khác. Điều này chúng ta nhận thấy thường xảy ra trong Kinh thánh và trong các Bí tích. Chúa chạm và nói với chúng ta qua người khác.
Chúa hiện diện với chúng ta trong Thánh lễ này như thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc hai, bởi vì chúng ta là những chi thể trong Thân -Thể -Chúa-Ki-Tô, và là Đền-Thờ-Chúa -Thánh -Thần. Chúa hiện diện với chúng ta qua câu kinh, lời hát, cũng như qua Lời Chúa và Thánh Thể. Và Chúa kêu gọi tất cả chúng ta trở nên thánh thiện và sống mật thiết hơn với Chúa, để chúng ta luôn được sống trong vui mừng, an bình, hy vọng và ơn sủng của Chúa.
Nhờ khôn ngoan, người ta biết tìm cho mình một chỗ dựa chắc chắn, nhờ có tính toán, cân nhắc TN 2-B160
Nhờ khôn ngoan, người ta biết tìm cho mình một chỗ dựa chắc chắn, nhờ có tính toán, cân nhắc, nhiều người tránh được những rủi ro đáng tiếc, hoặc nhờ cư xử tốt trong các tương quan, người ta gặt hái thành quả tốt đẹp như mơ: thiên thời địa lợi nhân hoà. Không phải tự nhiên mà thiên hạ nói tới những kẻ “dở hơi” theo cách mỉa mai gọi là nửa ông nửa thằng, ngựa non háu đá, cũng phải va vấp nhiều, người ta mới đủ trưởng thành mà tâm đắc lời răn dạy của tiền nhân: tránh voi chẳng xấu mặt nào. Trải qua năm tháng, nhiều người nghiệm ra rằng, dù khôn, dù khéo, hay đã cẩn thận, chẳng ai có thể tự hoàn thiện mình, cho dù đã từng té ngã và tự đứng dạy, họ cũng phải thừa nhận như câu thành ngữ: không thầy đố mày làm nên.
Sống trên đời, mơ ước đạt được hạnh phúc với nhiều nỗ lực tìm kiếm phấn đấu ở hiện tại, thiết tưởng đó không phải là chuyện lạ. Thực tế hơn, ai không cần có bạn, có thầy, vừa để giảm bớt cô đơn, vừa để học hỏi, chia vui sẻ buồn, nhằm giải toả ưu tư về cuộc sống đầy hứa hẹn ở phía trước. Gioan nhất định phải hiểu mình, hiểu học trò, hiểu thời điểm hết sức thuận lợi cho tương lai của những đệ tử đang theo ông, và chỉ một lời giới thiệu: “đây Chiên Thiên Chúa”, tất cả đã gặp được niềm vui thật. Gioan vui vì ông hoàn tất sứ mạng người dọn đường, các học trò vui vì từ nay chính thức họ được gọi Đấng Thiên Sai là Thầy, Đức Giêsu vui vì hôm đó đã thu nhận được các đệ tử cùng lên đường…
Tâm trạng của mỗi chúng ta hôm nay: vui buồn, chán nản, hy vọng, … theo tự nhiên, ai cũng có cơ hội trải nghiệm như thế nào là tìm thầy, kiếm bạn, ít ra thì cũng ước mơ thành người tốt. Ở trong nhà, con cái được giáo dục cho biết: con hơn cha, nhà có phúc ; ngoài xã hội, mỗi người được ý thức để hiểu quê hương, đất nước, rất linh thiêng, chúng ta phải có trách nhiệm vun đắp, xây dựng. Hôm nay, không phải Đức Giêsu chỉ gọi một số đại diện làm môn đệ, Ngài đang gọi chúng ta hãy trở nên người tốt, trở nên giống cha mẹ thầy cô, trở nên giống Đấng đã yêu thương, Đấng đã chết đi cho tội lỗi nhân loại và sống lại để đưa con người tới sự sống vinh quang.
12 học trò thân tín đã từng bước tiến lên sát với đỉnh trọn lành, người môn đệ được biến đổi nên giống Thầy Giêsu lâu mau, nhanh chậm, rất ư kỳ lạ chẳng theo quy luật nào. Song nếu biết sống yêu thương như Thầy đã yêu, người ta sẽ hiểu nhờ nhận nhiều thì sẽ cho đi nhiều. Thầy yêu trò, học trò thao thức tập luyện hầu nên giống thầy, đó có phải là quy luật không, chỉ khi có “tình ngay, tình thật”, người ta mới lý giải được ý nghĩa của tình thầy trò. Từ lời quả quyết: “đây Chiên Thiên Chúa”, từ vẻ thẹn thùng bỡ ngỡ: “thưa Thầy, Thầy ở đâu” ? Và cũng phải khởi đi từ tình yêu, những tâm hồn chân thành ấy đã được thức tỉnh hãy đến gần hơn nữa, hãy tự tin với lời vắn gọn: “cứ đến mà xem”.
Xưa nay gì cũng vậy, người môn đệ không phải chỉ nghe Thầy Giêsu gọi, chọn, mà rất cần phải minh chứng như thế nào là sống lời mời gọi của Đấng hằng yêu thương. Người môn đệ khi được nghe, thì cần phải được hiểu tỏ tường, để rồi sẽ biết sống như Thầy đã sống, sẽ yêu như Thầy đã yêu, và sẽ nên giống Thầy bằng cung cách phục vụ trong hân hoan. Tại sao cha ông chúng ta biết chia sẻ kinh nghiệm cho con cháu: trăm nghe không bằng một thấy ? Đâu phải vô tình mà người ta phát hiện ra: con người có tổ có tông, như cây có cội như nước có nguồn. Lời Chúa Giêsu: “các ngươi tìm gì ?”, hẳn sẽ không còn là câu hỏi một vài thanh niên đang lơ mơ về Đấng Thiên Sai đang ban phát tình yêu cứu độ. Hôm nay đây, niềm vui Thiên Chúa là Đấng yêu thương, sẽ còn biến đổi tất cả những ai thao thức trở nên môn đệ theo Đức Kitô.
Trong truyện cổ “Gà đại bàng” có kể sau trận thiên tai dữ dội, một chú gà được sinh ra và lớn lên trong gia đình gà. Một hôm đang bới tìm mồi, gà đại bàng ngước mắt lên nhìn thấy sự “vĩ đại” bao trùm cả một khung trời, nó được cả họ nhà gà giải thích đó là loại chim đại bàng, còn chúng ta chỉ là loài gà thôi. Thế rồi, chú gà đại bàng mỗi lúc một thao thức, phải chăng ta cũng là chim đại bàng mà ta không biết ? Dù lời mời gọi nhắc nhớ chú gà đại bàng rất mơ hồ, nhưng chú vẫn cố gắng vỗ cánh và nhảy lên không trung trước sự chê cười của gia đình gà. Sau thời gian dài thao luyện, cố gắng, cuối cùng, chú gà đại bàng đã thực sự cất cánh bay lên bầu trời, chú chính là chim đại bàng trước sự ngỡ ngàng của đàn gà dưới đất.
Được gọi theo Thầy Giêsu, biết lên đường cùng Thầy, đã là khôn ngoan rồi, khám phá ra nét đẹp trong tình Thầy Giêsu sẽ giá trị biết bao, nhưng nếu không nên giống Thầy thì đâu đáng được gọi là môn đệ, là người đang duy trì và xây dựng niềm tin kitô giáo. Biết nhìn nhận thân phận giới hạn của mình được yêu thương, được gọi chọn trở nên Con Thiên Chúa là điều tốt, nếu mỗi người biết khiêm tốn để Chúa dẫn dắt, biến đổi mỗi lúc một nên giống Chúa thì sẽ hạnh phúc biết chừng nào. Chúng ta hãy tự tin nhìn lên thập giá Chúa mỗi ngày mà học hỏi cách sống quảng đại, tha thứ và yêu thương anh chị em mình như Thầy Giêsu đã chết và sống lại vì tình yêu thương cứu độ nhân loại chúng ta. Amen.
Những ai đã từng trải qua lứa tuổi học trò, có lẽ không bao giờ quên được hai câu thơ trong bài TN 2-B161
Những ai đã từng trải qua lứa tuổi học trò, có lẽ không bao giờ quên được hai câu thơ trong bài thơ “Lời than thở của nàng Mỹ Thuật” của nhà thơ Thế Lữ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm đâu dễ mấy ai quên”. Vâng, có những cái thưở ban đầu mà cho đến ngàn năm người ta không thể quên được. “Thuở ban đầu” là cách nói hoa mỹ của nhà thơ Thế Lữ thôi, chứ thực ra, thuở ban đầu chính là giây phút, là biến cố, là sự kiện làm cho người ta không thể quên. Đó cũng chính là kiểu nói của Nguyễn Du trong Truyện Kiều về lần đầu gặp gỡ giữa Kim Trọng và Thúy Kiều: “Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?”. Ai trong chúng ta cũng có những “Cái thuở ban đầu”, nhưng không biết có lưu luyến đến ngàn năm hay không? Vì thường thì thuở ban đầu của chúng ta chỉ là cảm xúc bên ngoài chứ chưa phải là cảm nghiệm thánh thiêng bên trong. Cảm xúc bên ngoài thì sẽ qua đi, kiểu như: “Lần đầu gặp em, tinh tú quay cuồng”; vì là cảm xúc bên ngoài, nên chúng ta cũng đã từng nghe câu hat: “Tôi đã lầm đưa em về đây”. Còn cảm nghiệm thánh thiêng thì xuất phát từ bên trên và bên trong. Bên trên là từ sự thánh thiêng tuyệt vời và quyền năng vô biên của Chúa mà không có bất cứ một thứ tình cảm nào ở trần gian này có thể so sánh được. Bên trong là từ sâu thẳm tâm hồn của mỗi người. Cuộc gặp gỡ thánh thiêng này không cần phải diễn tả bằng những danh từ hoa mỹ, nhưng chỉ đơn giản là: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về những cuộc gặp gỡ thánh thiêng như thế đó.
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Bài Đọc I: 1Sm 3, 3b-10.19
Lẽ ra 2 người con trai của thầy cả Êli mới là những người nối nghiệp cha mình để lãnh đạo tinh thần cho dân Israel, nhưng vì chúng nó xấu xa, tệ hại, không kính sợ Đức Chúa và lợi dụng chức vụ để làm đủ thứ chuyện phạm thượng nên Thiên Chúa đã quyết định bỏ chúng và chọn một người khác thay thế là Samuel. Samuel được dâng vào đền thờ ngay từ nhỏ cho Êli hướng dẫn. Một hôm khi cậu đang ngủ, Thiên Chúa gọi: “Samuel, Samuel”. Cậu tưởng là thầy mình gọi nên chạy đến với Êli. 3 lần như vậy, Êli với kinh nghiệm của một tư tế, ông biết chắc đó là tiếng Chúa gọi nên đã hướng dẫn cho Samuel biết phải làm gì. Lần thứ 4, Thiên Chúa lại gọi. Lần này, được sự hướng dẫn của thầy mình, Samuel đã biết trả lời: “Lạy Chúa xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Đó là “cái thuở ban đầu” của Samuel. Thưở ban đầu này đã để lại dấu ấn chẳng những cho bản thân ông, mà còn để lại cho những thế hệ sau này như là gương mẫu của việc gặp gỡ Chúa, vì đó là cuộc gặp gỡ bằng cảm nghiệm linh thánh.
Tin Mừng: Ga 1, 35-42
Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta 2 cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng đúng nghĩa. Cuộc gặp gỡ thứ nhất là giữa Đức Giêsu và 2 môn đệ của Gioan Tẩy giả là Gioan và Anrê. Cuộc gặp gỡ thứ hai là giữa Đức Giêsu và Simon Phêrô qua sự giới thiệu của Anrê. Đây là những cuộc gặp gỡ thánh thiêng vì nó có đủ những yếu tố: ở lại với Chúa, có kinh nghiệm về Chúa và nói về Chúa bằng chính kinh nghiệm của mình.
GẶP GỠ CHÚA
Như vậy gặp gỡ Chúa thực sự không phải là cảm xúc lưu luyến của thuở ban đầu, nhưng phải là ở lại với Chúa, có kinh nghiệm về Chúa và nói về Chúa cho người khác bằng chính kinh nghiệm của mình.
Ở lại với Chúa
“Ở lại” trong Tin mừng chỉ sự gắn bó trọn vẹn vào Chúa. Vì vậy gặp gỡ Chúa thực sự đòi hỏi phải gắn bó trọn vẹn vào Chúa như các môn đệ: cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc, cùng sinh hoạt với Chúa. Dĩ nhiên ngày hôm nay Chúa không còn hiện diện một cách hữu hình như thời các môn đệ để chúng ta gắn bó với Chúa bằng xương bằng thịt. Nhưng chúng ta vẫn có thể gắn bó với Chúa trong mọi sinh hoạt của mình nếu chúng ta biết hướng lòng về Chúa. Một cách cụ thể nhất của việc sống gắn bó với Chúa là tha thiết với bí tích Thánh Thể qua việc tham dự thánh lễ, rước lễ và Chầu Thánh Thể.
Ngày trước trong những lúc bắt đạo, giáo dân khao khát thánh lễ đến nỗi các Linh Mục phải trốn chui trốn nhũi để dâng thánh lễ cho giáo dân của mình. Còn ngày hôm nay khi các Linh Mục có điều kiện để dâng thánh lễ thì giáo dân lại không còn tha thiết để tham dự thánh lễ nữa. Tất cả những lý do đều vì chúng ta chưa tha thiết đủ với Chúa.
Việc ở lại với Chúa được Giáo hội khuyến khích trong những năm Gia đình này là cả nhà cùng nhau đọc kinh, thờ phượng Chúa. Có những gia đình biết việc đọc kinh hôm là tốt đẹp và có thể thực hiện, nhưng vì còn ngại ngùng nên họ chưa mạnh dạn làm. Tại sao chúng ta lại mắc cỡ với một việc tốt? Cứ mạnh dạn để khởi sự giờ kinh hôm chung trong gia đình, chắc chắn mọi người sẽ cảm nhận được những ơn ích thiêng liêng trong gia đình, trong khu xóm và cả họ đạo của mình.
Có kinh nghiệm về Chúa
Kế đến, gặp gỡ Chúa thực sự là phải có kinh nghiệm về Chúa. Có nghĩa là chúng ta phải cảm nghiệm được sự ngọt ngào, cảm nghiệm được sự an ủi, dạy dỗ của Chúa khi đến với Ngài. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ đến với Chúa như một thói quen, làm những việc đạo đức như một cái máy, cho xong, cho qua vậy thôi mà không hề có một tâm tình nào đọng lại. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng đến với Chúa là để xin Chúa điều này điều nọ, nhưng điều quan trọng nhất khi đến với Chúa là để sống gắn bó với Chúa, tìm được sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn, dù cuộc sống chúng ta vẫn còn những điều không như ý muốn, vẫn còn những đau khổ, vẫn còn những đau thương chồng chất…
Nói về Chúa
Lòng bác ái đòi hỏi chúng ta phải san sẻ những gì mình có cho người khác. Còn gì cao quý bằng khi chúng ta chia sẻ cho người khác những cảm nghiệm về Chúa. Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông trong những ngày qua là tân Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2018, cô gái dân tộc Êđê: H’Hen Niê. Cô đã có những lời chia sẻ sau khi đăng quang như sau: “Muốn thành công cần bình tĩnh, tự tin. Hen nghĩ, mọi điều tôi làm đều có Chúa dẫn đường. Tôi theo đạo Chúa từ nhỏ. Tôi xin theo ý muốn của Chúa chứ không phải ý muốn riêng của mình. Nếu xin theo ý mình là rất ích kỷ và muốn mọi thứ theo ý mình”. Đó là nói về Chúa cho người khác bằng chính cảm nghiệm của riêng mình. Nếu có ai hỏi tôi về Chúa, tôi sẽ nói gì về Ngài?
Phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta một sự thật: Chúa là Đấng quyền năng, nơi Ngài có sức mạnh làm cho những người gặp gỡ Ngài có thể thay đổi. Thế nhưng để gặp gỡ Chúa thực sự, cuộc gặp gỡ khiến “ngàn năm nào dễ mấy ai quên”, chúng ta phải ở lại với Chúa, có kinh nghiệm về Chúa và nói về Chúa cho người khác. Trong những ngày cuối năm này, nhiều người lo nghĩ về chuyện sắm sửa ngày Tết, lo nghĩ đến việc đi chơi, đến chuyện cờ bạc… chúng ta cũng đừng quên lo lắng về chuyện sống gắn bó với Chúa, nhất là phải ưu tiên cho việc đạo đức trong những ngày họp mặt gia đình. Chúng ta hãy đặt cho gia đình mình một chỉ tiêu: xong việc đạo đức muốn làm gì thì làm.
Xin ơn Chúa giúp để chúng ta biết sửa đổi hầu trong năm mới này chúng ta có được sự đổi mới trong đời sống đạo để chúng ta được gặp gỡ Chúa thực sự trong cuộc sống của mình.
“Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cor 6,20).
Ngày nay theo sự nghiên cứu của khoa học, nhất là khoa cơ thể học, cho ta thấy sự tuyệt hảo của TN 2-B162
Ngày nay theo sự nghiên cứu của khoa học, nhất là khoa cơ thể học, cho ta thấy sự tuyệt hảo của thân xác con người. Thân xác đó như là một cỗ máy, chạy suốt từ lúc tượng thai cho đến lúc ta tắt thở. Những gì ta có lúc trưởng thành bây giờ thì đã có ngay từ lúc thụ thai rồi. Mọi sự đã có ở lúc đó, chỉ chờ thời gian phát triển cho đến lúc trưởng thành.
Thân xác con người có đầu, 5 giác quan, tay chân và nội tạng.
Cái đầu là quan trọng nhất. Nơi đó có óc, có não để ta suy nghĩ, tính toán và quyết định mọi sự.
Với 5 giác quan, ta cảm biết mọi sự. Với con mắt, thị giác – nó được ví như của sổ của căn nhà, để từ đó, ta có thể nhìn thấy mọi cảnh vật xung quanh ta. Nó như chiếc máy chụp hình, chụp hết tất cả và ghi vào bộ nhớ ở não.
Với đôi tai, thính giác – ta nghe được mọi tiếng động xa gần.
Với cái mũi, khứu giác – ta ngửi và phân biệt được mùi thơm hay mùi không thơm. Và còn có một chức năng quan trọng nữa là hít thở không khí, lấy khí ô-xy và thải ra khí cạc-bô-níc.
Với cái miệng ta có thể ăn, uống để lấy chất bổ nuôi toàn bộ cơ thể. Nó còn có chức năng để nói nữa. Một bộ phận không thể thiếu là cái lưỡi, Vị giác. Không có lưỡi ta sẽ không ăn, không uống và không nói được.
Với xúc giác, ta có thể cảm nhận được những gì từ bên ngoài chạm vào da thịt ta.
Với đôi bàn tay ta có để làm cái này, làm cái kia. Với đôi chân ta đi, ta chạy, ta nhảy.
Ngoài ra với nội tạng, nào là tim gan, phèo phổi, bao tử, lá lách, ruột già, ruột non…..hàng tỉ mạch máu li ti, hàng tỉ dây thần kinh đi khắp cơ thể,…..Các cơ quan này làm việc không ngơi nghỉ. Nó mà nghỉ thì ta cũng “ngủm” luôn. Đó là chưa nói tới bộ phận sinh sản. Nó còn tuyệt vời trên cả tuyệt vời nữa.
Con người với hình thể bên ngoài, thật là đẹp: đẹp trai, đẹp gái. Trai thì khôi ngô, tuấn tú; Gái thì xinh đẹp, dễ thương. Nam thì Hoa Vương; Nữ thì Hoa Hậu. Nam thì vạm vỡ, sáu múi; Nữ thì ba vòng, đồi núi nhấp nhô, vòng nào cũng hấp dẫn. Mỗi người mỗi vẻ; dù cho có già đi nữa vẫn đẹp như thường, gọi là đẹp lão. Còn cái tâm thì chưa biết; cái tâm có đẹp hay không còn phải do con người cố gắng học hỏi và luyện tập trong suốt quá trình mình sống trên trần gian này.
Bởi đó mà Thánh Phao-lô khuyên ta “Hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác” ta là vậy. Vì nó tuyệt vời quá! Hấp dẫn quá ! Tuyệt trần quá ! Trên đời này có gì đẹp bằng “ Tòa Nhà thiên nhiên” đó không. Tòa Nhà mà thi hào Nguyễn Du đã mô tả: “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Ai cũng đẹp hết, ai cũng đầy đủ các bộ phận như nhau mà. Mỗi người đều là tác phẩm của Thiên Chúa, không có phiên bản thứ hai trên thế gian này. Đừng có ai tự ti hay mặc cảm về chính mình. Hãy chấp nhận thân xác mình và đón nhận như món quà của Thiên Chúa và hằng tôn vinh Thiên Chúa, vì đã ban cho ta một thân hình như thế.
Ai đã tạo dựng nên thân xác ta đấy? Cha mẹ ta ? Không. Cha mẹ ta không chế tạo nên thân xác ta, chính Thiên Chúa đã tạo dựng thân xác chúng ta như vậy. Cha mẹ ta chỉ cộng tác với Chúa trong việc truyền sinh, cũng như chăm sóc nuôi dưỡng ta thôi, chứ không làm ra ta.
Để “Tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác” ta, ta phải dùng “Thân xác ta mà tôn vinh Thiên Chúa”. Bằng cách nào ?
Với cái đầu, ta phải biết dùng mà suy nghĩ cho kỹ trước khi làm; tính toán cho chính xác trước khi quyết định và nhất là biết học hỏi sự khôn ngoan; điều hay lẽ phải. Một điều không thể thiếu đó là biết suy gẫm Lời Chúa, để ta biết được chân lý, biết được ý Chúa, biết được sự khôn ngoan của Chúa và cư xử hay làm việc cho thánh thiện, tốt lành.
Với cái miệng, ta ăn uống cho điều độ, để bảo đảm sức khỏe và ta dùng cái miệng mà ca tụng vinh quang Chúa, khi gặp những vẻ đẹp. Ta tạ ơn Chúa, khi gặp những điều tốt lành và biết nói những điều hay lẽ thật.
Với đôi tai, ta hãy dùng mà nghe Lời Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ đang lắng tai nghe”(1Sm 3,10). Ngoài ra, ta còn phải biết lắng nghe những lời góp ý, dạy bảo của người khác.
Với đôi tay, ta luôn sẵn sàng sắn tay áo lên để làm việc, cũng như nhiệt thành giúp đỡ người khác.
Với đôi chân, ta không quản ngại gian khó, để đi đây đi đó, đem tình thương đến cho mọi người.
Đặc biệt ta phải giữ gìn đôi mắt. Đôi mắt quí lắm. “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” mà. Nơi đôi mắt người ta nhìn thấy mọi sự cũng như thấy cả tâm hồn nữa. “Giầu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”. Ai có đôi mắt sáng thì giàu; ai không có tay thì nghèo. Không có tay thì khó biết bao, chẳng làm gì được hết; có đôi mắt mờ thì khổ biết mấy, chẳng thấy rõ gì hết, nhìn “Gà” cứ tưởng “Quốc”.Có đôi mắt sáng ta sẽ nhìn thấy rõ mọi sự, trắng là trắng, đen là đen; việc tốt, việc xấu; người tốt, người xấu, để ta có nhiều kinh nghiệm mà sống cho phải đạo. Thà tốn tiền mua dầu, đóng tiền điện còn hơn phải mua kính mà đeo.
Tôn trọng và gìn giữ thân xác cũng là một cách ta tôn vinh Thiên Chúa.
Ta không những tôn trọng và gìn giữ thân xác của ta, mà ta còn phải tôn trọng thân xác của người khác nữa. Tại sao ? Vì thân xác của ta hay người khác là Đền Thờ của Chúa, là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, nghĩa là nơi thân xác đó, có Thiên Chúa hiện diện. Thân xác đó có chứa đựng một linh hồn bất tử và thân xác đó sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Thân xác đó đã được Đức Giê-su Ki-tô đổ máu ra để cứu chuộc.
Trong ý nghĩ đó ta mới hiểu câu nói của thánh Gio-an, khi nói về Đức Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa”(x.Ga 1,36). Nghĩa là nơi thân xác của Đức Giê-su, có thần tính của Ngôi Hai Thiên Chúa. Thân xác của Đức Giê-su là Chiên Vượt Qua, được hiến dâng để cứu độ thân xác và linh hồn con người. Ta tôn thờ Thân Xác Đức Ki-tô, vì đó là Thân Xác Thánh, Thân Xác đã được phục sinh. Ta tôn thờ Thân Xác của Đức Ki-tô trên thập giá cũng như trong bí tích Thánh Thể.
Ta hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi Thân Xác của Đức Ki-tô, vì nhờ Thân Xác đó mà ta được hưởng ơn cứu độ; được hưởng lòng từ bi thương xót của Chúa.
Ta hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác người khác, bằng cách tôn trọng, vì thân xác đó đã được Đức Giê-su cứu chuộc. Ta tôn trọng khi họ còn sống cũng như lúc qua đời. Đừng bao giờ khinh chê thân xác, cũng như đừng bao giờ chà đạp lên thân xác và nhân phẩm của người khác.
Và nhất là ta hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác ta, đừng bao giờ chê ghét hay không bằng lòng với thân xác mình, nhưng biết giữ gìn và trân trọng.
Ta giữ gìn cho thân xác ta khỏe mạnh, cường tráng. Ta trân trọng thân xác ta vì nhờ thân xác mà ta sống. Thân xác đó là quà tặng của Chúa cũng như là di sản của cha mẹ ta. Ta cũng phải biết dùng thân xác ta mà tôn vinh Thiên Chúa nữa. Ta sẽ nên thánh nên thiện ở đời này và ngày sau được sống lại mà hưởng phúc trên thiên đàng mãi mãi.
Vậy ta hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác ta và dùng thân xác ta mà tôn vinh Thiên Chúa: Thiên Chúa muôn năm !!!!!!
Trải qua cuộc sống đạt đến đỉnh cao của thành công, danh vọng thời trẻ, Philippe Murlryne – một TN 2-B163
Trải qua cuộc sống đạt đến đỉnh cao của thành công, danh vọng thời trẻ, Philippe Murlryne – một trung vệ nổi tiếng của các đội bóng Manchester United, đã vắng mặt một thời gian dài. Sau đó, mọi người hết sức bất ngờ vì anh chuyển qua một con đường hoàn toàn khác. Anh trở thành linh mục dòng Đaminh, được phong chức tại ngôi nhà thờ mà ngày còn nhỏ anh thường tham dự Thánh lễ. Cha chia sẻ: Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp cầu thủ, thay vì thỏa mãn với mọi sự đang có thì trong tôi lại luôn bị dằn vặt suy nghĩ: Tại sao tôi không thấy hạnh phúc? Tại sao tôi không thấy mãn nguyện? Trái lại, tôi cảm thấy buồn chán vì có cái gì đó luôn không đủ, mặc dù lúc đó tôi không thiếu sự gì, tiền bạc, ăn chơi, sắm xe đắt tiền… nhưng chẳng vật chất nào có thể mang lại cảm giác thỏa mãn hoàn toàn cho tôi. Thế là tôi chuyển sang tìm kiếm câu trả lời ở tôn giáo. Cuối cùng, nhờ nền tảng đức tin, tôi biết được lý do cho những thắc mắc không lời giải. Chúng ta được Thiên Chúa tạo ra trên cõi đời vì những điều sâu xa hơn là những thứ tôi đang có. Tôi đã quyết định tìm hiểu ơn gọi nơi dòng Đaminh và nay tôi đã là một linh mục.
Lịch sử cho thấy có rất nhiều những chàng trai, những cô gái đang tuổi thanh xuân, đang ở đỉnh cao danh vọng và có cả những người đang có nhiều quyền lực, tiền bạc… nhưng họ vẫn khao khát tìm kiếm một điều gì đó cao hơn, xa hơn. Cuối cùng, họ nhận ra được tiếng mời gọi của Thiên Chúa và sẵn sàng đáp trả để trở nên bạn hữu của Chúa, trở nên cộng tác viên của Ngài, tiếp nối sứ mạng yêu thương phục vụ của Ngài.
Lời Chúa hôm nay kể về những chàng trai trẻ trong Kinh Thánh đã nhận ra tiếng mời gọi từ Thiên Chúa, đã đáp lại bằng việc bước theo Chúa, trở nên bạn hữu và dám sống chết vì Chúa. Gioan Tiền hô bấy giờ đang rất nổi tiếng, Anre và Gioan (sau này là Gioan tông đồ) là đồ đệ của ông. Ba Thầy trò đang trò chuyện với nhau. Lúc đó, Chúa Giêsu đi ngang qua, Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu cho hai học trò của mình: Đây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ này đã bỏ thầy Gioan ở lại để đi theo Chúa Giêsu. Việc trở thành môn đệ của Gioan lúc đó thật là hãnh diện, tuy nhiên, hai môn đệ này có lẽ đã cảm thấy trong lòng bị thôi thúc tìm kiếm một con đường khác cao hơn mà Gioan Tiền hô không đáp ứng được. Vì thế, khi vừa nghe giới thiệu về Thầy Giêsu, hai môn đệ này đã lặng lẽ bước theo Ngài.
Thấy được lòng khao khát tìm kiếm chân lý và thiện chí của hai chàng trai này, Chúa Giêsu đã chủ động quay lại và mở lời với họ: Các anh tìm gì? Hỏi như thế, Chúa Giêu muốn hai chàng trai nói lên khao khát từ trong thâm tâm của mình. Hai chàng đã nói lên ước mong của mình. Họ không đi tìm kiếm một triết lý hoặc những lý thuyết, nhưng sâu xa hơn, họ muốn tìm kiếm một tương quan với Chúa Giêsu. Vì thế, họ trả lời: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Tức là, họ tìm kiếm một chỗ, nơi có Chúa cư ngụ. Hiểu được khát khao sâu xa của họ, Chúa Giêsu đã mở lời và mở lòng ra với họ, Ngài mời hai chàng trai: Hãy đến mà xem. Hai chàng trai đã đến, đã xem chỗ Người ở và đã ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
Tác giả kể lại bước đi trong ơn gọi của mình khi nhấn mạnh từng nhịp một: Họ đã đến, đã xem, đã ở lại với Người. Hành trình ba bước này chính là hành trình ơn gọi theo Chúa của hai chàng trai và cũng là của tất cả những ai muốn làm bạn thân với Chúa. Họ đã đến, có nghĩa là phải có một quyết định dứt khoát trước lời mời gọi của Chúa, dám bước đến với Chúa. Bước đến với Chúa để xem những việc Chúa làm, để nghe những lời Chúa nói, để thấy được những đòi hỏi, yêu cầu của Chúa. Xem không chỉ là quan sát như một khán giả, nhưng tác giả dùng từ “xem” ở đây muốn nói đến một niềm tin trọn vẹn đặt nơi Chúa, cùng chia sẻ thao thức với Chúa là làm cho Tin Mừng và tình thương của Chúa được lan tỏa đến mọi người. Sau cùng là “ở lại với Chúa”, ở bên Chúa, ở với Chúa, chuyện trò tâm sự, lắng nghe và đón nhận sự dạy bảo, huấn luyện của Chúa. Ở lại với Chúa để có kinh nghiệm tiếp xúc, đụng chạm đến Chúa một cách riêng tư, cá biệt, có một xác tín cụ thể về sự hiện diện và đón nhận được sức mạnh của Chúa thông chuyển cho mình. Hai chàng trai trong câu chuyện đã không bao giờ quên được những giờ phút được gặp, được ở với Chúa như thế. Khi kể câu chuyện này sau nhiều chục năm, Gioan vẫn nhớ như in giờ phút được hạnh phúc ở bên Chúa, ông ghi rõ: Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
Câu chuyện cho thấy sau cuộc gặp gỡ, ở lại với Chúa hôm đó, hai chàng trai đã được biến đổi hoàn toàn, họ không thể giấu được niềm vui, hạnh phúc về những gì đã nhận được và những ấn tượng về Thầy Giêsu. Vì thế, ngay khi về đến nhà, ông Anre đã gặp em mình là Simon để nói về Chúa Giêsu cho em. Ông không thể giải thích hết bằng lời những gì ông đã cảm nghiệm trong cuộc gặp gỡ với Thầy Giêsu. Ông nói với Simon: Chúng tôi đã gặp Đấng Mesia. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Lời giới thiệu cho thấy sau một ngày ở với Chúa Giêsu, Anre và Gioan đã tin Chúa Giêsu là Đấng Mesia có nghĩa là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa. Ông đã đưa Simon đến gặp Chúa Giêsu để cho em mình cũng được xem, được ở lại và được có kinh nghiệm về việc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Mặc dù Thánh Gioan không kể chi tiết về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Simon, nhưng kết thúc câu chuyện với một câu ngắn gọn: Chúa Giêsu nhìn thấy Simon thì đã đổi tên cho ông: Simon con ông Gioana, từ nay, anh sẽ được gọi là Kepha, là Phêrô. Điều đó có nghĩa là trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Simon, Chúa đã biến đổi ông thành một con người mới, với một sứ mạng mới bằng việc đổi tên ông, thay đổi hoàn toàn con người của ông.
Như vậy, khi chọn, gọi những người trẻ bước theo Chúa để trở thành những cộng tác viên của mình, Chúa Giêsu không đòi một điều kiện nào đặc biệt. Chúa chỉ cần nơi họ sự thiện chí và lòng quảng đại. Những người được Chúa gọi, không phải vì khả năng, cũng không phải vì những kế hoạch nào riêng của họ, nhưng điều Chúa muốn trước tiên khi gọi những người trẻ này, là muốn họ đến với Chúa, xem và suy gẫm những lời Chúa nói, những việc Chúa làm và điều quan trọng hơn là ở lại với Chúa.
Có nhiều bạn trẻ đặt vấn đề: Làm thế nào để biết rằng Chúa gọi tôi sống đời làm bạn với Chúa? Câu chuyện cậu bé Samuel trong bài đọc một cho thấy cách Chúa gọi một người theo Chúa. Samuel là đứa con cầu tự, được sinh ra khi cha mẹ đã già. Ngay từ nhỏ, cậu được cha mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa, cha mẹ cậu khát khao đem con lên đền thờ để nó được phục vụ trong đền thờ của Chúa. Điều đó cho thấy, cha mẹ và gia đình là vườn ươm trồng ơn gọi tu trì, tận hiến. Cha mẹ phải là những người quảng đại và mong muốn cho con mình được dâng hiến cho Chúa, gieo vào tâm hồn con mình khao khát phục vụ Chúa.
Chúa có nhiều cách để gọi, nhưng Chúa thường gọi qua trung gian của một ai đó. Trường hợp của Gioan và Anre, Chúa dùng Gioan Tiền hô; trường hợp của Simon, Chúa dùng người anh là Anre đưa em đến với Chúa. Cậu bé Samuel, Chúa dùng thầy thượng tế Heli để gọi cậu bé. Cậu ngủ trong đền thờ và nhiều lần nghe tiếng gọi nhưng không biết là ai. Cậu chạy đến với thầy thượng tế và thưa: Thưa thầy, thầy gọi con. Đến lần thứ ba, thầy Heli biết là Chúa gọi cậu bé, nên nói với cậu: Nếu con còn nghe gọi, thì hãy thưa: Lậy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.
Cậu bé Samuel đã làm như thầy Heli dạy, đã nghe được tiếng Chúa nói và sau này, cậu trở thành một ngôn sứ lớn trong Israel. Như vậy, yếu tố sau cùng và rất quan trọng, đó là sự sẵn sàng lắng nghe và đáp trả tiếng Chúa như Samuel: Lậy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Khi có thái độ sẵn sàng quảng đại, ta sẽ nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta.
Giữa những ồn ào của cuộc sống, của các loại âm thanh, Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta, cách riêng các bạn trẻ hãy đến, hãy xem và hãy ở lại với Chúa để có thể cảm nhận được tình thương và sự thao thức của Chúa. Chúa muốn mời chúng ta chia sẻ với Ngài trong sứ mạng cứu độ thế giới. Xin cho chúng ta và các bạn trẻ có được tâm hồn quảng đại để đáp lại lời mời gọi của Chúa, đến và ở lại với Chúa mỗi ngày nơi Bí tích Thánh Thể để được Chúa huấn luyện, biến đổi và sai chúng ta đi vào cuộc sống này, làm cho Tin Mừng và tình thương của Chúa lan tỏa đến mọi người. Amen.
Đọc những bài đọc Chúa Nhật hôm nay, đặc biệt lời Chúa kêu goi Samuel, Anrê và em ông, tôi TN 2-B164
Đọc những bài đọc Chúa Nhật hôm nay, đặc biệt lời Chúa kêu goi Samuel, Anrê và em ông, tôi đã nhớ đến một điều mà Dietrich Bonhoeffer, vị mục sư Tin lành Lutheran người Đức đã viết trong nhà tù Đức Quốc Xã: “Chỉ có sống một cách thoải mái, không dè dặt băn khoăn về những bổn phận, những khó khăn, những thành công hay thất bại, những trải nghiệm hay những xáo trộn của cuộc đời mới có thể làm cho người ta trở thành một con người và một Kitô hữu thực sự”. Bonhoeffer đã trải nghiệm một cách cay đắng điều mà ông gọi là “Cái Giá Phải Trả Đề Là Môn Đệ Chúa”.
THÒI ĐẠI MỚI CỦA SAMUEL
Tiên tri Samuel, ông An Rê và Simon Phêro đã trải qua cái giá này trong chính cuộc đời của các ông. Chúng ta thử coi lại câu chuyện Chúa kêu gọi Samuel. Đây là câu chuyện khá cảm động. Lời kêu gọi rất sống động của Chúa đã cho chúng ta một khuôn mẫu phải theo trong cuộc sống hàng ngày. Eli thì đã già, mắt thì gần mù, không còn trông thấy gì nữa. Các con trai ông lúc đó là những thầy cả ở trong đền thờ, thì lại chẳng còn tin vào Chúa nữa. Thời đại của họ coi như gần tàn, nên Chúa đã kêu gọi Samuel để bắt đầu một thời đại mới.
Samuel cần giúp đỡ để ý thức được tiếng Chúa gọi mìnhh. Sự khôn ngoan của Eli và tình bạn với một người trẻ lúc đó quả rất cần thiết để Samuel có thể nhận ra tiếng Chúa gọi. Khi Samuel nhận ra là Chúa đã gọi mình thì ông đã trở thành nhà tiên tri vĩ đại biết được ý Chúa muốn dân Người phải làm những công việc có tính chính trị xã hội và tôn giáo.
CHÚA NÓI, TA NGHE hay TA NÓI, CHÚA NGHE ?
Khi chúng ta đến quì gối trước mặt Chúa để lắng nghe tiếng Chúa nói thì lời cầu khẩn thắm thiết từ đáy lòng của chúng ta sẽ phải là: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy nói, tôi tớ Chúa đang lắng nghe.” Nhưng phải chăng tiếng kêu van đó lại thường đổi thành: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy lắng nghe, tôi tớ Chúa đang nói đây!”
NHỮNG TIẾN TRÌNH LẮNG NGHE
Trong kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2008 bàn về “Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội”, Giám mục Luis Antonio Tagle thuộc giáo phận Imus ở Phi Luật Tân, đã đưa ra một tiến trình lắng nghe rất đặc biệt. Giám mục trình bày bố cục của sự lắng nghe lời Chúa để giúp con người đạt tới đời sống thực. Ngài nói:
-“Lắng nghe là một việc quan trọng. Giáo Hội cần phải đào tạo những người biết nghe lời Chúa. Nhưng việc lắng nghe không thể chỉ chuyển đạt bằng lời giảng dạy mà còn cần phải có môi trường để lắng nghe.”
Giám mục Tagle đề nghị ba điểm để phát triển cách nghe:
Lắng nghe trong niềm tin, nghĩa là phải mở rộng lòng mình để đón nhận lời Chúa, để lời Chúa thấm nhuần trong ta hầu biến cải chúng ta rồi đem ra thực hành. Cách thức này tương đương với đức vâng lời trong niềm tin. Học tập lắng nghe liên hệ đến tạo lập đức tin Thiếu lắng nghe, những biến cố ở đời sẽ đưa tới những hậu quả thảm hại, sẽ gây ra những sung đột trong gia đình, những khác biệt giữa thế hệ này với thế hệ nọ, quốc gia này với quốc gia kia, giữa bạo động, chiến tranh và hòa bình. Con người thường bị đóng khung trong môi trường độc thoại, hững hờ, ồn ào, cố chấp và ích kỷ. Do đó, Giáo Hội cần phải cung ứng môi trường đối thoại, mọi người biết nể trọng nhau, có tinh thần hỗ tương hầu giúp nhau thăng tiến. Thiên Chúa phán và Giáo Hội là tôi tớ, lấy tiếng nói của mình làm Lời Chúa.Nhưng Thiên Chúa không chỉ nói mà thôi, Ngài cũng lắng nghe, nhất là lắng nghe những người công chính, góa bụa, mồ côi, những kẻ bị áp bức truy nã và nghèo hèn không có tiếng nói. Giáo Hội phải học tập cách lắng nghe của Thiên Chúa và phải dùng tiếng nói của Chúa thay cho tiếng nói của những người không có tiếng nói.
HÃY ĐẾN MÀ COI
Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã khởi sự câu hỏi trước. Câu Ngài hỏi các môn đệ hàm chứa một thắc mắc: “Các ông đang tìm kiếm cái gì ?”(Ga 1: 38). Đây không phải là một câu hỏi đơn giản, mà là cả một vấn nạn thâm sâu về tôn giáo và thần học. Chúa hỏi tiếp:
-“Tại sao các ông quay nhìn về ta để tìm câu trả lời?”
-“Thưa Thầy –các môn đệ trả lời- Thầy đang ở đâu?” (c. 38)
Động từ “sống”, “ở lại”, “trú ngụ”, “trọ”, “ở”, “nghỉ” có tất cả tới 40 lần trong Tin Mừng Gioan. Đó là một động từ diễn tả rất rõ ràng ý nghĩa thần học của thánh Gioan về hai chữ “trú ngụ”.
Các môn đệ không phải chỉ quan tâm đến chuyện đêm nay Chúa sẽ ngủ ở đâu, mà thực ra còn muốn hỏi Chúa là “Chúa sống ở đâu”. Chúa hiểu ý các ông nên đã trả lời:
-“Hãy đến mà coi.” (c. 39).
Hai tiếng “đến” và “coi” đã trải dài xuyên suốt Tin Mừng Gioan. Đối với Chúa Giêsu, tiếng “hãy đến” được dùng để diễn tả niềm tin vào Chúa (Ga 5: 40; 6: 35,37,45; 7:37). Đối với ông Gioan, tiếng “hãy coi” có nghĩa là hãy nhìn kỹ chúa Giêsu để có được một nhận thức thực và chính xác mà tin vào Người.
CÁC MÔN ĐỆ ĐÃ TIN VÀO CHÚA
Các môn đệ bắt đầu cuộc sống môn đệ khi đi theo Chúa để coi xem Chúa ở lại đâu, và “các ông cũng ở lại với Chúa ngày hôm đó”(Ga 1:39). Các ông đã đáp ứng lời mời gọi của Chúa và tin, các ông đã khám phá ra cuộc sống của Chúa là gì, và họ đã “ở lại” với Chúa. Các ông bắt đầu sống trong Chúa và Chúa ở trong các ông. Sau khi ông An Rê đã hiểu biết chín chắn và chính xác Chúa Giêsu là ai thì ông đã “đi kiếm anh mình” là Simon Phêro và “dẫn đến với Chúa”. (Ga 1:41-42). Tất cả những kinh nghiệm này sẽ được hoàn thành khi các môn đệ nhìn thấy sự vinh quang khải hoàn của Chúa trên thập giá.
CHÚA GỌI CHÚNG TA VÌ LỢI ÍCH CỦA THA NHÂN
Cái gì có thể giúp chúng ta học hỏi được ở những bài đọc hôm nay về lời Chúa gọi? Chúa không bao giờ mời gọi chúng ta vì lợi ích của chúng ta, nhưng vì lợi ích cho tha nhân. Chúa đã kêu gọi dân Israel vì lợi ích của những kẻ chưa nhận biết Chúa ở chung quanh họ, những dân ngoại. Chúa gọi những Kitô hữu vì lợi ích của cả toàn thế giới.
Để được mời gọi, chúng ta không cần phải hoàn hảo, nhưng đòi hỏi phải trung thành và biết lắng nghe. Samuel và các tiên tri của Israel, dân thuyền chài ở Galile và ngay cả những người thu thuế mà Chúa Giêsu đã gọi, chắc chắn là họ được gọi không phải vì họ có đủ điều kiện hay đã làm được những việc trọng đại. Thánh Phalo đã nói là Chúa Giêsu đã mời gọi những kẻ “điên khùng” làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ. Đó là một kiểu kêu gọi rất linh động có thể thích hợp với tất cả mọi đáp ứng của chúng ta. Chúng ta sẽ hoàn toàn đổi mới, bởi lẽ Chúa đã gọi chúng ta, đã yêu chúng ta, biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giống Chúa. Chúa đã gọi chúng ta, chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài việc kêu gọi mọi người đi theo Chúa.
ĐÔI LỜI KẾT
Chúng ta đã được gọi để thoát ra khỏi cuộc sống bình thưòng của chúng ta, khỏi những thất bại trong đời sống hàng ngày của chúng ta thế nào? Mục đích mới của chúng ta là gì khi chúng ta bước theo con đường Chúa gọi? Qua ai và làm thế nào để chúng ta có thể tiếp nhận được tiếng Chúa gọi? Trong quá khứ hay gần đây chúng ta có kêu gọi được ai trở lại với Chúa không? Hay chúng ta không những đã chẳng kêu gọi được ai mà ngược lại đã làm nhiều người, vì chúng ta mà xa rời Chúa?
Chúa đã gọi tôi, tôi có trách nhiệm kêu gọi mọi người về với Chúa, dù có gặp gian nan khổ ải. Đó là cái giá phải trả để là môn đệ Chúa. Thánh Phêro, thánh Phaolo đều chết treo trên thập giá như thày mình là Chúa Giêsu Kito đã chết trên thập giá. Gần 200 thánh tử đạo Việt Nam đã chịu bao nhiêu cực hình, hy sinh mạng sống mình vì lời Chúa gọi; một TGM Nguyễn Kim Điền, một cha chính Gioan Lasan Nguyễn văn Vinh của Hanoi và biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân anh hùng khác đã hiên ngang tuyên xưng danh Chúa để rồi phải chết trong những trại tù cực hình khốn khổ của csVN đã thực sự trả cái giá để là môn đệ Chúa.
Gian nan, khốn khổ, cơ cực, thánh giá….Chắc chắn không phải là an thân, nhàn hạ, bổng lộc, chức quyền và hưởng thụ.
Tin tưởng là điều cần thiết trong cuộc sống. Bởi thiếu tin tưởng sẽ không đạt được điều mong muốn TN 2-B165
Tin tưởng là điều cần thiết trong cuộc sống. Bởi thiếu tin tưởng sẽ không đạt được điều mong muốn. Thiếu tin tưởng sẽ không học được và cũng không thể cộng tác chung, cùng làm việc với người khác nên thiếu tin tưởng là sống trong cô đơn, nghèo nàn tình người.Con người tin tưởng nhau là điều quan trọng. Còn một nguồn tin tưởng giúp con người tin tưởng nhau vô điều kiện đó chính là nguồn ân sủng Thiên Chúa ban tặng cho con người để họ học hỏi đặt tin tưởng nơi người anh em và đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa tin tưởng con người nên ban cho con người sự sống đời này và còn hứa ban cho sự sống trường sinh. Thiên Chúa tin tưởng ta nên mời gọi ta cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại mà chính Đức Kitô Con Một Chúa xuống trần gian chung sống với nhân loại, mở đầu chương trình cứu rỗi nhân loại. Các bài đọc hôm nay có chung một chủ đề đó là tin tưởng. Trước hết cha mẹ của Samuel tin tưởng Eli nên trao phó con mình cho Eli coi sóc. Samuel tin vào cha mẹ và đến sống cùng Eli và lắng nghe, vâng lời Eli hướng dẫn. Giữa đêm khuya Samuel nghe tiếng gọi cậu tưởng thầy Eli gọi nên đến cùng Eli. Sau ba lần như thế Eli nghiệm ra tiếng Chúa kêu gọi Samuel và hướng dẫn Samuel cách đáp lại tiếng gọi. Lần thứ tư nghe tiếng gọi Samuel lên tiếng đúng theo điều Eli dặn bảo, cậu thưa ‘Xin Ngài phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe’. Samuel đặt trọn niềm tin vào thầy mình là Eli và cũng đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa từ đó cậu sống theo hướng dẫn của Thần Khi và lớn lên trong ơn nghĩa Chúa trung thành với Chúa suốt đời phục vụ dân Chúa. Một bằng chứng khác của tin tưởng là lời đáp trong thánh vịnh hôm nay nói lên niềm tin tưởng phó thác.
Này con xin đến để làm theo í Chúa.
Những ai đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa mới có thể đáp trả như thế bởi câu đáp trả trên cho thấy người đó không sống cho mình nhưng sống cho Chúa và người đó biết rõ mục đích đời họ là phục vụ dân Chúa. Phục vụ Chúa hết tâm tình, một niềm phó thác, thân xác, tâm trí và linh hồn với mục đích duy nhất là làm cho Danh Chúa cả sáng trước muôn dân. Bước sang phần Tân Ước người đọc gặp ngay thánh Phêrô trong thư gởi tín hữu Côrintô, thánh nhân nhắc nhở chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Chúa vì thế hãy gìn giữ thân xác cho trong sáng, xứng đáng làm Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Bởi thân xác ta là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa ban cho, nên chúng ta không làm chủ thân xác mà chính là nhận quà tặng Thiên Chúa trao ban để chúng ta hưởng dùng và coi sóc, bảo vệ thân thể. Lí luận cho rằng ‘Cơ thể tôi, tôi làm chủ và toàn quyền tự do xử dụng theo í riêng’ không phải là cách lí luận, tin tuởng của các Kitô hữu. Tôi không tạo dựng nên cơ thể tôi mà tôi chỉ xử dụng vì thế nói là tôi toàn quyền làm chủ thân xác là thiếu thực tế. Toàn quyền xử dụng thân xác làm điều tốt là điều đáng khen, đáng khuyến khích nhưng lợi dụng thân xác, lạm dụng thân xác, làm điều sai có hại, ngay cả coi thường thân xác mình và thân xác anh em là phạm tội đến đền thờ Chúa Thánh Thần. Thực tế cho biết con người không hoàn toàn làm chủ thân xác mình và thân xác không phải lúc nào cũng chiều theo hay lắng nghe lời ta hướng dẫn. Con người và tiến bộ khoa học hoàn toàn thất bại, không thể làm chủ nhiều con bệnh, không thể giữ cho người ta trẻ mãi và càng không thể xác định mức độ thông minh, tài năng, trí nhớ tốt như người đó mong muốn. Điều này cho biết con người không hoàn toàn làm chủ những gì thưộc về mình. Thánh Phaolô nhắc nhở ta không làm chủ thân xác nên luôn nhớ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài ban cho món quà vô cùng quí giá là sự sống đời này và sự sống trường sinh.
Phúc âm nhắc việc thánh Gioan Tiền Hô dùng thân xác Chúa ban, trọn đời phó thác tin tưởng, phục vụ Đức Kitô. Ông giới thiệu Đức Kitô cho môn đệ ông và khuyến khích họ gặp Đức Kitô mong được Ngài nhận làm tông đồ. Bởi làm được điều đó là ông đã hoàn thành nhiệm vụ đi trước mở đường; hoàn thành nhiệm vụ làm tiếng hô trong samạc bởi tiếng hô đó có người đáp trả. Những môn đệ Đức Kitô tin theo và trọn niềm phó thác đời mình cho Đức Kitô. Các ngài trung thành tin tưởng Đức Kitô đổ đến giọt máu cuối cùng đề làm chứng lòng thành, tín trung.
Tin tưởng giúp ta mở ra chân trời mới đón nhận hướng dẫn chỉ bảo để thay đổi. Học sinh tin tưởng vào thầy giáo sẽ học giỏi hơn. Chính quyền nào gây được tin tưởng nơi đại chúng chính quyền đó làm được nhiều việc tốt và làm cho xã hội lành mạnh. Cha mẹ gây được tin tưởng nơi con cái gia đình hạnh phúc, yên vui. Cha mẹ dậy con đặt niềm tin nơi cha mẹ ngay khi chúng còn là trẻ thơ, cha mẹ cũng hướng dẫn chúng tin tưởng vào Thiên Chúa. Đây là việc làm tốt lành cần khuyến khích nhau làm việc tốt.
Dạ, con đây!”. Đó là lời thưa của cậu bé Sa-mu-en trong đền thờ ở Si-lô. Cậu bé này sau sẽ TN 2-B166
“Dạ, con đây!”. Đó là lời thưa của cậu bé Sa-mu-en trong đền thờ ở Si-lô. Cậu bé này sau sẽ trở thành ngôn sứ đầu tiên trong lịch sử Israel. Cậu Sa-mu-en lúc đó đang ngủ trong đền thờ, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Hòm Bia là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài. Nơi đền thờ linh thiêng này, Thiên Chúa hiện diện để soi sáng và ban sức mạnh cho dân. Ngài cũng chính là vị lãnh đạo tối cao của dân được tuyển chọn.
Chúa gọi Sa-mu-en ba lần. Nhưng cậu lại tưởng đó là tiếng gọi của thày tư tế Hê-li, và cậu chạy đến với thày mình. Theo hướng dẫn của vị tư tế, khi Chúa gọi lần thứ tư, Sa-mu-en đã nhận ra tiếng Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Tâm tình lắng nghe đã dẫn vị ngôn sứ sang một ngã rẽ khác của cuộc đời.
Tâm tình sẵn sàng vâng theo ý Chúa cũng được thể hiện nơi phần lớn các ngôn sứ của Cựu ước. I-sa-i-a, vị ngôn sứ sống vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, đã nghe tiếng Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta”, và ông đã trả lời: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8).
Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta. Tuy vậy, những bộn bề của cuộc sống; những tạp âm của đời thường, làm cho chúng ta không nghe được tiếng Chúa. Trong lịch sử, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến thế gian. Người là “Ngôi Lời” đến nói với chúng ta những lời yêu thương, nhưng ít khi chúng ta nhận ra lời ấy.
Để lắng nghe Lời Chúa, cần có tâm hồn rộng mở và sẵn sàng. Lời Chúa đến với chúng ta, không như âm thanh của chiếc loa phường. Chiếc loa phường phát cho những người qua lại, mỗi người nghe được một vài câu, thậm chí chỉ một vài từ. Tuy vậy, những người qua đường còn mang quá nhiều bận tâm cơm áo gạo tiền, nên cũng chẳng quan tâm những gì họ nghe thấy. Người tín hữu muốn nghe Lời Chúa, cần phải có một không gian thiêng liêng. Không gian ấy không chỉ là trong ngôi thánh đường, mà còn trong gia đình, giữa cuộc sống và thậm chí ngay giữa những ồn ào náo nhiệt nơi phố chợ. Không gian ấy có thể tạo nên bằng tâm tình cầu nguyện và lắng nghe. Chúa đang nói với chúng ta trước hết qua Kinh Thánh, qua giáo huấn của Giáo hội và còn qua những người mà chúng ta gặp gỡ, hay những biến cố xảy đến xung quanh chúng ta. Người có tâm tình lắng nghe sẽ dễ dàng nhận ra tiếng Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.
Thánh Gio-an tác giả Tin Mừng đã kể lại cho chúng ta một kinh nghiệm bản thân về cuộc gặp gỡ lần đầu với Chúa Giê-su. Một ngày nọ, khi thấy Chúa Giê-su đi ngang qua, ông Gioan Tẩy giả nói với các môn sinh của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Từ lời giới thiệu này, hai môn đệ của ông Gioan Tẩy giả đi theo Chúa Giê-su. Một người tên là An-rê, người kia ẩn danh, và theo mạch văn thì hầu chắc đó là tông đồ Gio-an. Hai môn đệ này đã ở với Chúa, đã lắng nghe lời giáo huấn của Người. Hai ông đã được Người khai sáng, để rồi hôm sau, khi trở về, ông An-rê nói với em mình là Si-mon rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a – nghĩa là Đấng Kitô”. Cuộc gặp gỡ này đã dẫn hai ông đi trên một lộ trình mới, lộ trình của người môn đệ Đức Giê-su, luôn gắn bó mật thiết với Người, kể cả lúc hoạn nạn đau thương.
Ngày chúng ta được lĩnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã chọn Chúa Giê-su làm Thày dạy. Chúng ta đã tuyên thệ trung thành với Chúa và từ bỏ tội lỗi. Lời tuyên thệ ấy luôn vang lên trong tâm hồn cuộc đời của chúng ta, những Ki-tô hữu đích thực. Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta hãy nhìn lại cách theo Chúa của mình, để giữ trái tim tươi mới như thuở ban đầu, luôn sẵn sàng thưa với Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Đương nhiên, lời thưa này phải được chứng minh bằng những thiện chí cố gắng và bằng hành động trong cuộc sống cụ thể.
Thánh Phao-lô muốn chúng ta đáp trả lời mời gọi của Chúa một cách thực tế hơn. Đó là những nỗ lực sống thánh thiện và từ bỏ tội lỗi. Thiên Chúa ngự trong tâm hồn mỗi người. Ai sống trong sạch, người ấy được nên một với Đức Ki-tô và sẽ tìm được sự bình an nội tâm. Một tâm hồn và cuộc sống trung thực, ngay thẳng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức tin Ki-tô giáo tuyên xưng sự sống lại của thân xác con người. Vì vậy, phải tôn trọng thân xác khi còn sống cũng như khi đã qua đời.
“Này con xin đến để thực thi ý Chúa!”. Lời Thánh vịnh 39 được đọc trong phần Đáp ca diễn tả tâm tình vâng phục của người tin Chúa. Thư gửi giáo dân Híp-ri sau này nhận ra đó là tâm tình của Chúa Giê-su, khi Người vâng lời Chúa Cha để xuống thế làm người (x. Dt 10,8-10). Chúa Giê-su là gương mẫu cho chúng ta về sự vâng phục, khiêm tốn và yêu thương. Ước chi mỗi chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời và thành tâm thân thưa với Ngài: “Dạ, con đây!”.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có chủ đề nổi bật hơn cả là ơn gọi và sứ mạng cuộc đời. Cả ba TN 2-B167
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có chủ đề nổi bật hơn cả là ơn gọi và sứ mạng cuộc đời. Cả ba bài đọc đều nói về ơn gọi. Bài đọc I trích sách Sa-mu-en quyển thứ I kể về truyện Chúa gọi Sa-mu-en. Bài Tin Mừng nói đến việc Chúa Giê-su chọn và gọi các Tông đồ đầu tiên. Và trong chiều hướng ấy chúng ta sẽ thấy bài thư Phao-lô rất ý nghĩa.
Thật vậy, sinh ra sống ở trên đời, mỗi người trong chúng ta đều có một sứ mạng trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Hết thảy chúng ta đều được sáng tạo trong yêu thương với ơn gọi làm người giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, được chính Thiên Chúa gọi trong tình yêu và mong một ngày nào đó người ấy nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại với tình yêu. Sa-mu-en, Gio-an Tẩy Giả, các Tông Đồ … là những nhân chứng sống động về ơn gọi và sứ mạng ấy.
Ơn gọi của Sa-mu-en
Ðọc lại các câu truyện viết về cuộc đời của Sa-mu-en có lẽ chúng ta được phép hình dung ông là một tư tế, một thẩm phán và cuối cùng một tiên tri.
Đoạn Thánh Kinh hôm nay cũng muốn giới thiệu ông ở trong truyền thống và hàng ngũ thầy tư tế Ê-li. Sách Thánh viết: “Phần Sa-mu-en ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa” (1Sm 3, 18).Vậy là Sa-mu-en lo việc phụng sự Thiên Chúa dưới sự trông nom của Ê-li. Và chúng ta có thể hình dung Sa-mu-en bấy giờ là cậu bé vận áo trúc bâu (1Sm 2,18), ở với thầy Ê-li, một tư tế già nua, trông coi một đền thờ nhỏ ở Si-lô.
Sa-mu-en đồng thời cũng là một thẩm phán ở thời Ít-ra-en chưa có vua. Chính ông đã hướng dẫn dân chống lại quân Phi-li-tinh. Và chính ông đã xức dầu phong vương cho Sao-lê. Chế độ quân chủ ở Ít-ra-en cũng phải đi qua ông. Ông xức dầu phong vương cho Sao-lê, ông là “người của Thiên Chúa”, có nhiệm vụ truyền đạt các ý định của Chúa đến với dân. Dân tin tưởng ở Sa-mu-en, vì ông là một tiên tri hơn là tư tế hay thẩm phán.
Thiên Chúa đi bước trước chọn, gọi Sa-mu-en. Lúc là một đứa bé ở giúp việc thầy tư tế Ê-li. Sa-mu-en nghe tiếng Chúa gọi, Sa-mu-en tưởng là thầy Ê-li gọi mình. Cái thân phận hèn mọn ấy nói lên một khía cạnh thứ hai trong ơn gọi: Chúa là Ðấng Cao cả thường tuyển chọn những khí cụ tầm thường để làm việc cho Chúa. Ðó đã là một nét nghịch thường. Lạ lùng hơn nữa: các khí cụ tầm thường kia lại được Ðấng Cao cả dùng để làm nhiều việc kỳ diệu. Sứ mệnh của Sa-mu-en không lớn lao sao! Cậu được trao phó sứ điệp trọng đại khiến khi nghe biết Ê-li phải cúi đầu vâng mệnh. Còn toàn dân thì tin rằng: Lời Chúa bây giờ ở với Sa-mu-en. Mọi ơn gọi đích thực trong Cựu Ước đều được mô tả như trên để làm nổi bật tính cách siêu nhiên của những ơn gọi này.
Ơn gọi của các Tông đồ
Thánh Gio-an trong bài Tin Mừng hôm nay cũng muốn nói về ơn gọi. Ông kể lại việc Chúa chọn Tông đồ. Ơn gọi còn là hành vi chiếu cố của Chúa, do Chúa khởi xướng. Tiếng Chúa từ trời đến với con người và vì thế người ta có lý khi dùng danh từ “thiên triệu”. Tuy nhiên, ngày xưa tiếng Chúa thường nói trong sấm chớp và thị kiến hoặc mộng mị; còn ngày nay Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Vì thế, tiếng gọi đã đi qua con người.
Gio-an là một chứng nhân, một người có đức tin sâu sắc đã giới thiệu các môn đệ theo Chúa. Ông chỉ tay về hướng Chúa Giê-su và nói với môn đệ: “Đây là Chiên của Thiên Chúa” (Ga 1,36), là “Ðấng phải đến”. Nghe vậy, hai môn đệ đã đi theo Người. Họ đi theo Chúa Giê-su vì đã nghe và đã tin vào một lời chứng. ” Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.” (Ga 1,39).
Tiếp theo, họ đã ra đi để nối dài ơn gọi của họ. An-rê đã gặp em mình trước hết. Ông nói lên niềm tin của mình vào Ðức Ki-tô. Nhưng ông để cho em tiếp xúc với Người. Và chính nhờ việc tiếp xúc này, người em cũng như anh mình trước đây đã được niềm tin vào Chúa Giê-su. Mấu chốt của ơn gọi là việc gặp gỡ, khám phá ra Ðức Ki-tô và ở lại với Người.
Như vậy, Sa-mu-en đã nghe Lời Chúa và không để một lời nào rơi xuống đất; nay Lời Chúa đã hiện thân làm người, cất tiếng gọi các Tông đồ theo Chúa. Ai nghe tiếng gọi cũng phải gắn bó với Người và không được sống tách khỏi Người.
Sứ mạng cuộc đời
Như Gio-an trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải làm gì để thi hành ơn gọi của mình? Bằng lời rao giảng chăng? Chưa đủ, bằng đời sống đạo, đời sống bác ái chăng? Hơn thế nữa, trong thế giới hôm nay, chúng ta cần đưa mọi người đến với Chúa Giê-su, để họ nhận biết Chúa là Đấng quyền năng, giàu lòng thương xót, nhân từ, hết mực thứ tha và là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Người đến để mang tình yêu, sự sống và hạnh phúc cho con người. Từ đó nẩy sinh đức tin trong mọi người, biến họ trở thành môn đệ Chúa Giê-su.
Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Sa-mu-en, hai môn đệ của Gio-an, những người đầu tiên đã theo Chúa và ở lại với Chúa, đi vào trong tương quan thân tình với Chúa để Chúa trực tiếp hướng dẫn, sau này làm chứng cho Chúa.
Noi gương Gio-an Tẩy Giả, chúng ta sẵn sàng lui vào hậu trường để Chúa Giê-su được lớn lên và can đảm giới thiệu Chúa Giê-su cho người khác để họ tin theo và thi hành ơn gọi truyền giáo của mình. Amen. Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Chỉ vài câu trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan chỉ ra cho chúng ta ba danh hiệu chính của TN 2-B168
Chỉ vài câu trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan chỉ ra cho chúng ta ba danh hiệu chính của Chúa Kitô, mỗi danh hiệu khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta lòng khát khao được Ngài thanh tẩy mọi tội lỗi, được cứu độ và bước theo Ngài để nên giống Ngài với lòng biết ơn, ngợi khen và tôn thờ.
Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa.
“Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:35-36). Gioan Tẩy Giả gọi Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa vì ông nhận ra rằng Chúa Giêsu là Đấng Thánh và cao vời, đến nỗi ông tự thấy mình không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài.
Dân Israel bắt đầu công cuộc giải phóng của mình bằng việc bôi máu con chiên lên khung cửa của mỗi ngôi nhà: “Ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con… Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi… đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên” (Xh 12: 3,5-7). Mạng sống của tất cả các con đầu lòng của Ai Cập sẽ bị Thần chết cướp đi, nhưng lại bỏ qua những ngôi nhà có vết máu chiên con trên cửa: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai cập: vì Ta là Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai cập” (Xh 12: 12-14). Điểm then chốt trong lịch sử thờ phượng Thiên Chúa của dân Do Thái có thể được tóm gọn trong câu hỏi của Isaác thưa với cha mình: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” và câu trả lời của Abraham: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ” (Stk 22:6-8).
Mỗi ngày các thầy tư tế trong đền thờ Giêrusalem dâng một con chiên vào buổi sáng và một con vào buổi tối: “Đây là những gì ngươi sẽ dâng trên bàn thờ: hai con chiên một tuổi…Ngươi sẽ dâng một con lúc sáng, còn con thứ hai thì dâng vào lúc chập tối” (Xh29:38-39). Trong hàng trăm năm, người Do Thái mang các con chiên đến đền thờ làm của lễ chuộc tội, nhưng không có con chiên trần gian nào có thể xóa đi mọi tội lỗi của họ. Tất cả những con chiên hiến tế trong Cựu Ước đều là hình ảnh báo trước và hướng đến một Con Chiên đích thực có thể giải thoát trọn vẹn kiếp phàm nhân nô lệ tội lỗi, không chỉ dành riêng cho dân Israel mà còn cho cả toàn thể mọi dân nước trên trần gian. Đối với các Kitô hữu, Con Chiên đích thực này chính là Chúa Giêsu Kitô, một hy tế vô cùng lớn lao. Nơi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã làm nên hy lễ hoàn hảo mà Gioan đã công bố: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1:29).
Tôi có tin rằng Chúa Giêsu Kitô đúng thật là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội cho tôi không? Tôi có muốn thân xác, tâm trí và linh hồn tôi hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô như của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha để, như Thánh Phaolô diễn tả trong bài đọc thứ hai, trở nên “một tinh thần với Chúa… là Đền Thờ của Thánh Thần” không? Hay tôi còn để cho thân xác, tâm hồn mình trở thành tế phẩm cho một thứ “bò vàng” mà tôi tự tạo ra cho chính mình, từ những ảo tưởng lóng lánh về thành công, quyền bính và tiền bạc, để che dấu đi những bất an trong sâu xa cõi lòng?
Chúa Giêsu là Đấng Mêsia.
“Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia - nghĩa là Đấng Kitô” (Ga 1:40-41).
Chữ Mêsia trong tiếng Do thái là מָשִׁיַח, sau này được dịch sang tiếng Hy Lạp là Χριστός – Christos, sau nữa được dịch sang tiếng La tinh là Christus, sang tiếng Bồ Đào Nha là Cristo. Khi các nhà truyền giáo đầu tiên sang giảng đạo tại nước ta, vốn là các linh mục dòng Tên gốc Bồ Đào Nha, các ngài phiên âm Cristo thành Kirixitô, dần dần về sau âm Kirixitô được rút gọn thành Kitô. Như thế Đấng Mêsia là Đấng Kitô.
Đấng Mêsia hay Đấng Kitô có nghĩa là “người được xức dầu” được dùng để chỉ các tư tế, các ngôn sứ được xức dầu. Từ này còn được dùng để chỉ các vua Saulô và Đavít vốn là những “người được Chúa xức dầu”. Việc sử dụng từ “được Chúa xức dầu” là do quan niệm của người Israel về quyền bất khả xâm phạm của các vị vua, của các tư tế, các ngôn sứ vì tin rằng các vị này được ban Thần Khí của Đức Chúa (1 Samuel 24:26; 2 Samuel 1:14, 16). Đấng Mêsia – Đấng Kitô chỉ người được Thiên Chúa kêu gọi cách đặc biệt cho việc thánh của Thiên Chúa. Từ “Đấng Kitô” trở thành một phần của tên Chúa Giêsu, đầy đủ là “Chúa Giêsu Kitô” (Mátthêu 16:20; Ga 20:21). Từ “Đấng Kitô” luôn được người khác dùng để chỉ Chúa Giêsu chứ chính Chúa Giêsu không dùng từ này để chỉ chính mình, trừ một lần trong Mátthêu 16:20 khi Chúa Giêsu “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô” và một lần khi Ngài xác nhận với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự. Chúa Giêsu nói: Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4: 25-26).
Nhưng nếu Chúa Giêsu là Đấng Mêsia thì ai đã xức dầu cho Ngài, khi nào và ở đâu? Chính Thiên Chúa đã xức dầu cho Ngài, nhưng không phải bằng dầu mà bằng Thánh Thần từ Thiên Chúa Cha: “Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài” (Mt 3:16). Vì vậy, chính Thánh Thần từ Chúa Cha đã xức dầu cho Chúa Giêsu làm Đấng Mêsia – Đấng Kitô khi Ngài chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả.
Chúa Giêsu đã được xức dầu để làm Đấng Cứu Độ trần gian, thi ân giáng phúc, chữa lành mọi kẻ đau bệnh tật nguyền, xua trừ ma quỷ, như Thánh Phêrô lên tiếng trong sách Công vụ Tông đồ: “Quý vị biết rõ: Chúa Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài” (10:38).
Chúng ta thường nghe các lời nguyện kết thúc bằng cụm từ “nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con” trong nhà thờ, trong các buổi cử hành phụng vụ cộng đoàn. Có bao giờ tôi cầu nguyện riêng tư với Chúa và kêu cầu Danh Chúa Giêsu Kitô – Đấng Cứu Độ - chưa, nhất là với một nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và giá trị của Danh xưng Đấng Cứu Độ này như Thánh Phaolô nói: “Còn chúng tôi, chúng tôi biết được tư tưởng của Chúa Kitô” (1 Cr 2:16)?
Chúa Giêsu là Thầy.
“Chúa Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rabbi - thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1: 38).
Rabbi có nghĩa đen là “vĩ nhân, đại sư phụ”, vì rabbi là một “Luật sĩ Do Thái giáo” với bằng Tiến sĩ về Lề luật Môsê. Ở cấp độ cơ bản nhất, một rabbi Do Thái là người đã nghiên cứu đầy đủ Kinh Torah, cuốn sách linh thiêng nhất trong đạo Do Thái, bao gồm 5 sách của Môsê còn gọi là Ngũ Kinh Môsê, để giảng dạy và đưa ra phán quyết về các vấn đề của lề luật Môsê. Ở mức độ sâu hơn, một rabbi Do Thái, nhờ nỗ lực và sự uyên bác về Kinh Torah, có khả năng phân tích các sự kiện và tác động của chúng một cách khách quan nhất. Nói cách khác, rabbi là người của Sự thật. Khả năng này đã khiến các rabbi Do Thái trở thành những người lãnh đạo cộng đồng Do Thái giáo. Họ là những Vị Thầy mà người Do Thái giáo tìm đến hỏi han trong mọi lĩnh vực kinh nghiệm của con người, ngay cả những lĩnh vực không liên quan gì đến luật Torah.
Thánh Mátthêu trong chương 19 kể khá nhiều trường hợp không chỉ các môn đệ của Chúa Giêsu mà cả các người Pharisêu, rồi đến một người thanh niên có nhiều của cải, và cả một người không nêu tên, đều gọi Chúa Giêsu là Rabbi khi đến hỏi han Ngài nhiều điều, bằng cách ngỏ lời: “Thưa Thầy…” và chính Chúa Giêsu cũng xưng nhận mình: “Thầy bảo thật anh em… Thầy còn nói cho anh em biết…” Chúa Giêsu còn đưa ra lời tuyên bố rõ ràng và độc quyền về danh hiệu Rabbi này, khẳng định rằng Ngài là Vị Thầy, vị lãnh đạo duy nhất, và yêu cầu những người theo Ngài coi nhau là anh em và phục vụ nhau: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rabbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23:8-11). Thánh Gioan cũng cho thấy Chúa Giêsu nói: “Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13:13).
Ngay trong đoạn văn này, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu tuyên bố đổi tên ông Simon: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (Ga 1: 42). Theo truyền thống của người Do Thái, chỉ có Chúa mới đặt tên mới cho con người, và Ngài chỉ làm như vậy khi giao cho họ một vai trò nổi bật trong kế hoạch cứu rỗi của Ngài và kết nối họ một cách đặc biệt với lời hứa trong giao ước của Ngài. Việc Chúa Kitô thực thi quyền lực như vậy trong lần gặp gỡ đầu tiên với Simon cho thấy Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Chúa Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ, nhưng Ngài cũng là Vị Thầy, một Vị Thầy không như bất cứ rabbi nào khác.
Niềm vui lớn nhất của chúng ta là lắng nghe và học hỏi từ Chúa Giêsu Kitô, Vị Thầy do Thiên Chúa gửi đến. Tôi có yêu thích lắng nghe, học hỏi Lời và cung cách sống của Thầy Giêsu cao quý này không, hay tôi vẫn còn thích nghe và bắt chước bao nhiêu thứ mạng thông tin, vốn là “bậc thầy” cổ xúy cho cách nghĩ và cách sống vô tín, vô thần, vô luân, dẫn dắt tôi đến lối sống hời hợt bên ngoài, thực dụng duy vật, chỉ nhằm thỏa mãn bản năng thể xác…không thể giúp tôi nên giống như Samuel trong bài đọc thứ nhất: “Samuel lớn lên. Chúa ở với ông và không để cho một lời nào của Ngài ra vô hiệu” (1 Sm 3:19).
Lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô dành cho mọi người
Mặc dù các tước hiệu của Chúa Kitô nói lên sự cao cả của Ngài, nhưng cách cư xử của Ngài trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Gioan và Anrê cho thấy sự đơn sơ và khiêm nhường của Ngài. Ngài đi ngang qua nơi Gioan Tẩy Giả đang làm phép rửa, không một lời nói hay một hành động ấn tượng nào. Khi Gioan và Anrê quyết định theo Ngài, Ngài quay lại chào đón họ, dẫn họ vào một cuộc trò chuyện và mời họ đến và dành thời gian ở với Ngài: “Ngài bảo họ: Đến mà xem. Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy” Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:39). Đây là cách Chúa Giêsu hành động, cách Ngài kêu gọi chúng ta, một cách nhẹ nhàng, bất ngờ, thân tình riêng tư. Thời của Môsê với đỉnh núi Sinai bừng bừng lửa cháy đã qua rồi; kỷ nguyên của tình bạn tốt lành và thân thiết với Thiên Chúa vĩnh cửu đã bắt đầu.
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật tuần này xoay quanh chủ đề ơn gọi. Ai cũng được Thiên Chúa mời TN 2-B169
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật tuần này xoay quanh chủ đề ơn gọi. Ai cũng được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào công việc rao giảng của Chúa Kitô trong hoàn cảnh sống của mình. Có người được gọi sống bậc gia đình; có người được gọi sống độc thân để trở thành các bậc thầy hay trở thành giáo sĩ và tu sĩ. Nói chung lời mời gọi từ Chúa và phần đáp trả là của chúng ta.
Bài đọc thứ nhất kể lại việc Chúa gọi Sa-mu-en nhưng cậu không hiểu ai đang gọi mình. Mỗi lần nghe thấy tiếng gọi, Sa-mu-en lầm tưởng là Thầy Ê-li gọi cho nên cậu đã chạy đến bên Thầy để trả lời.
Cuối cùng Thầy Ê-li đã ghép mọi chi tiết lại với nhau và với tư cách là người cố vấn tinh thần, hướng dẫn linh đạo, thầy đã giúp Sa-mu-en nên biết trả lời như thế nào. Thầy đã góp ý cho Sa-mu-en câu trả lời thật tuyệt vời như sau: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Và từ đó, Thiên Chúa ở cùng Sa-mu-en. Phần cậu, cậu đã không để rơi mất lời nào của Chúa mà không sinh hoa kết trái khi trở về với Người.
Và, trong bài Tin Mừng hôm nay, để mời gọi, Đức Giêsu hình như không nói trực tiếp. Người chỉ trả lời cho nỗi khát vọng tìm kiếm khi hỏi những ai đi theo Người rằng “các ông tìm gì?” Thật là một điều ngạc nhiên cho chúng ta khi nghe họ hỏi lại: “Thầy ở đâu?” Câu hỏi của họ có thể hiểu theo nghĩa bình thường là ám chỉ đến nơi cư ngụ của Đức Giêsu. Nhưng, theo nghĩa của Tin Mừng, thì câu hỏi này còn có thể quảng diễn như: Chúng tôi sẽ gặp Thầy ở đâu? Làm thế nào chúng tôi có thể gặp Thầy để được biến đổi? Làm thế nào chúng tôi có thể tiếp cận và chia sẻ cuộc sống với Thầy?
Đứng trước yêu cầu chính đáng của họ, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ. Người tiếp tục mời họ “Hãy đến mà xem”. Đến đâu? Đến với Chúa. Xem điều gì? Xem cách thức Người sống. Có nghĩa là Chúa mời gọi họ thiết lập và xây dựng mối dây hiệp thông với Người. Muốn đạt được nguyện ước này các môn đệ không được phép đóng vai quan sát viên, đứng bên lề. Họ cần dấn thân, chia sẻ cuộc sống và buớc đi với Người, cùng Nguời đi trên các nẻo đường khác nhau mà đến với mọi người.
Tiến trình của việc tìm kiếm, đón nhận và đáp trả này không thể xẩy ra trong một giây một phút; nhưng đó chính là hành trang của cả đời kiếm tìm. Đến rồi gặp, gặp rồi lại nhớ. Vòng tròn gặp rồi nhớ, nhớ rồi gặp cứ thế thôi thúc khiến chúng ta đã nhớ lại càng nhớ thêm và cứ như thế tình của Chúa càng gặp càng cắm rễ sâu đậm hơn trong cuộc sống của chúng ta, những người môn đệ của Chúa. Sau đây là diển tiến của một tiến trình, mời anh chị em lắng nghe.
Chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa gọi bằng trái tim, bởi vì cuối cùng Lời mà Đức Giê-su giao tiếp với chúng ta là chính bản thân Người. Khi chúng ta lắng nghe Người, gặp Người rồi thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi. Chúa không truyền đạt sự kiện, tin tức hay dữ kiện mà Người truyền ban cho chúng ta chính bản thân Người, tình yêu của Chúa, sự sống và lòng thương xót của Chúa. Và khi chúng ta lắng nghe Lời mời gọi của Chúa, để cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa chạm vào chúng ta, tức khắc chúng ta sẽ được biến đổi.
Thật vậy, Thiên Chúa có trăm phương nghìn cách để nói với con người. Mỗi người là một cá thể riêng biệt. Và có bao nhiêu cá thể thì có bấy nhiêu cách qua đó Thiên chúa dùng để tiếp cận với ta. Và có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu vì sao Thiên Chúa dùng để soi dẫn mở đường cho ta nhận biết và vâng nghe tiếng Ngài.
Cách thức của Thiên Chúa thật diệu kỳ và khó hiểu. Có nhiều trường hợp con người phải kinh qua những đau khổ, những mất mát và đổ vỡ rồi mới nhận ra tiếng Chúa. Như trường hợp của hai anh em mà chúng ta thường được nghe trong Tin Mừng của thánh Luca. Người con thứ trải qua trăm cay nghìn đắng mới nhận ra ý Chúa. Còn ông con cả thì thế nào? Anh chưa bao giờ làm trái lịnh cha. Anh sống trong khuôn mẫu, kích thước của chính anh. Cuộc sống của anh quá êm đềm; êm đềm đến độ anh cũng chẳng cần biết người khác nghĩ gì về anh, và anh cũng chẳng thèm nghĩ đến nhu cầu của người khác. Phải chăng anh chỉ là ‘một xác chết biết đi’.
Nhưng mọi sự đều đổi khác khi em anh trở về. Quả thật, anh không có trách nhiệm gì về sự sai lầm của chú em. Nhưng với sự đỗ vỡ của chú ta, qua đó Thiên Chúa dùng để đánh thức anh! Nếu muốn sống thật mối tương quan cha con, anh cần chọn lựa một lối đi mới. Một lối đi khác hẳn lối đi cũ. Lối đi không bị bao vây bởi giáo điều và kinh kệ. Nhưng được phát xuất từ mối dây liên kết giữa anh và Cha.
Như vậy, để khám phá ra ý định của Thiên Chúa, chúng ta cần sống mật thiết với Người. Chính trong sự kết hợp của tình yêu này chúng ta sẽ được giải thóat để sống với điều đôi khi không giống với sự kỳ vọng của đám đông. Nhưng, chắc hẳn một điều là quyết định hay chọn lựa phát sinh từ lòng yêu mến của chúng ta với Chúa và dĩ nhiên điều đó rất phù hợp với ý Chúa, Đấng không ngừng yêu mến, họat động và cùng ta dấn bước.
Thiên Chúa thăm viếng và nói với ai lắng nghe Người. Để đạt được mục tiên này, Thiên Chúa còn dùng những con người đang sống cùng thời với ta giúp ta nhận ra tiếng của Người. Cụ thể, trong các bài đọc hôm nay, chúng ta đã nhìn ra hai gương mẫu giúp người khác nhận ra ý Chúa. Thầy của Samuel đã giúp cho cậu nhận ra và đáp trả lời mời của Chúa. Các môn đệ của Gio-an cũng thế, nhờ lời giới thiệu của Thầy mà họ nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a rồi đi theo Người. Họ là những người thầy về mặt tâm linh, hướng dẫn và giúp chúng ta nhận ra ý của Chúa mà đáp trả. Chúng ta biết ơn họ.
Hơn thế nữa, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa vì yêu thương đã ẩn mình trong những từ ngữ và tiếng nói của con người. Vì thế, trong cuộc sống, chúng ta cần mở ra để đón nhận nhau vì ai cũng được Thiên Chúa dùng để sinh ích lợi cho người khác. Thật vậy, không ai có thể nghe được Thiên Chúa nếu người ấy tự khép mình lại, sống cô độc, xa lánh người khác. Và, cho dù chúng ta biết rằng Chúa không hề ép buộc ai. Tuy nhiên, những ai đã nghe lời Chúa thì không thể cưỡng lại ý Chúa được.
Tóm lại, sống với Đức Giêsu, chia sẻ mối thâm tình của Người sẽ đem đến cho ta niềm vui, để rồi lại đến lượt chúng ta, trong vai trò của những chứng nhân, chúng ta mời gọi người khác cùng chia sẻ niềm vui với mình. Có nghĩa là qua cuộc sống chúng ta mời gọi những người trong cộng đoàn, xóm giáo, gia đình của chúng ta hãy đến mà xem cuộc sống của chúng ta rồi qua đó họ sẽ thấy Chúa!
Thật sự, đây là một thách đố cho chúng ta là các môn đệ của Chúa, không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Tất cả đều được mời gọi để sống thân tình với Chúa và với kinh nghiệm sống thân mật với Chúa, chúng ta sẽ can đảm tuyên xưng rằng: Hãy đến mà xem chúng tôi, những người môn đệ của Chúa Cứu Thế, yêu thương nhau đến dường nào. Bởi vỉ, tình yêu là lời chứng sống động và hiệu quả nhất để minh chứng Chúa đã Nhập Thể và đang hiện diện với chúng ta. Amen!
Tin Mừng Thánh Gioan ghi r ất rõ ràng về sứ mạng cao cả của ông Gioan Tẩy Giả, đó là LÀM TN 2-B170
Tin Mừng Thánh Gioan ghi r ất rõ ràng về sứ mạng cao cả của ông Gioan Tẩy Giả, đó là LÀM CHỨNG: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1:6-8).
Gioan Tẩy Giả đã chu toàn sứ mạng làm chứng cho Đức Giêsu một cách thật trọn vẹn và tốt đẹp. Ông đã làm chứng cho Chúa Cứu Thế bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu đến với tất cả mọi người, với mọi thành phần trong xã hội, từ những người trong hàng ngũ lành đ ạo tôn giáo, cho đến những người thu thuế, thương gia, và binh lính… bằng chính đời sống gương mẫu, đạo đức thánh thiện và khiêm nhu của Ngài: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Ngư ời là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi… Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1:29-30; 27).
Anh chị em thân mến,
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy noi gương Thánh Gioan Tẩy Giả, ra đi làm chứng cho Chúa Kitô Ph ục Sinh bằng cách giới thiệu Ngài cho tất cả mọi người. Chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm giới thi ệu Chúa cho ông bà, cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè, cho hàng xóm, láng giềng, cho những người chung quanh ta, nh ất là cho những người chưa nhận biết Chúa.
Xin hãy giới thiệu Chúa Giêsu là con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14:6) bằng cách sống ngay thẳng thật thà, lương thiện, không ăn gian nói dối, không vu oan cáo vạ, đặt điều bịa chuyện, không lươn lẹo và không lừa bịp người ta.
Xin hãy giới thiệu Chúa Giêsu là đấng giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (Tv 103:8) bằng cách sống tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm, khuyết điểm của người khác, nhất là không gây oán thù, không gây chia rẽ, không gây bất hòa…
Xin hãy giới thiệu Chúa Giêsu đến cho cha mẹ, chồng, vợ, con cái biết rằng Ngài chính là nguồn sống, là nguồn bình an và nơi mà mọi người sẽ tìm được sự nâng đỡ và ủi an… bằng cách siêng năng tham dự các Giờ Chầu Thánh Thể, các Thánh Lễ một cách sốt sắng, siêng năng xưng tội rước lễ và đem bình an đến cho những người xung quanh.
Xin hãy giới thiệu cho những người chung quanh biết đời này chỉ là đời tạm, đời sau mới là vĩnh cửu, mới là cùng đích, và trong ngày sau hết, chúng ta sẽ được ân thưởng xứng đáng dựa vào những gì mà ta cho đi khi còn sống ở trần gian bằng cách quảng đại chia sẻ của cải vật chất, cơm áo gạo tiền… cho những người nghèo khó, và kém may mắn hơn ta.
Chỉ khi nào chúng ta làm chứng theo cách của thánh Gioan Tẩy Giả, giới thiệu Chúa cho tất cả mọi người bằng chính đời sống gương mẫu, khiêm hạ, bác ái, yêu thương và tha thứ… thì lúc đó lời giới thiệu của chúng ta về Đức Giêsu mới có sức thuyết phục mạnh mẽ để người ta tin vào Ngài. Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Gioan Tấy Giả chúc lành, ban cho chúng ta sự khôn ngoan, và can đảm để chúng ta chu toàn nhiệm vụ làm chứng cho Chúa ở giữa trần gian này qua chính đời sống tốt lành thánh thiện của chúng ta. Amen!
Chân Thành Tìm Kiếm Sự Công Chính. Mãn Nguyện Ước Mong Con Chúa Trời. Kinh Thánh nhắc TN 2-B171
Chân Thành Tìm Kiếm Sự Công Chính Mãn Nguyện Ước Mong Con Chúa Trời.
Kinh Thánh nhắc nhở: “Hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa.” (Xp 2:3) Nhưng quan trọng là phải đúng nơi, đúng lúc, bởi vì cái gì cũng có thời hạn: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.” (Is 55:6) Đồng thời cũng có hệ lụy tất yếu: “Ai không thách thức Người, thì được Người cho gặp. Ai tin tưởng vào Người, sẽ được Người tỏ mình cho thấy.” (Kn 1:2)
Hôm trước, khi thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, ông Gioan giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1:29-30) Và ông đã làm chứng với mọi người: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.” (Ga 1:32) Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông và thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” (Ga 1:36) Nghe vậy, hai môn đệ kia liền đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại, thấy các ông đi theo mình, Ngài hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Ngài bảo họ cứ đến mà xem. Họ đã đến và ở lại với Ngài ngày hôm đó.
Chắc hẳn nơi ở của Chúa Giêsu giản dị và khó nghèo lắm, nhưng họ vẫn theo Ngài. Cái “thấy” của họ là sự vĩ đại của Ngài, họ sẵn sàng “lắng nghe” và “thực hiện” như Ngài. Lúc đó khoảng giờ thứ mười. Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia.” (Ga 1:41) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Ngài nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha.” (Ga 1:42) Thánh Gioan giải thích rằng chữ Kêpha nghĩa là Đá, đồng nghĩa với tên Phêrô (Pièrre = Đá).
Phêrô là ngư dân, dân chài chính hiệu, nhưng hẳn là lão ngư có “tướng mạo” đặc biệt lắm, Thầy Giêsu “thấu suốt” tâm địa ông: bộc trực, nóng nảy nhưng tốt bụng. Ngài OK liền, “chấm” ngay. Thật vậy, dù tội chối Thầy lớn lắm, không chỉ một lần mà chối tới ba lần, nhưng chỉ là “chuyện nhỏ” thôi, vì Chúa Giêsu giàu lòng thương xót và cho ông “bù lỗ” bằng ba lần tuyên xưng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết rõ con yêu mến Thầy!” (Ga 21:15-18) Từ đó, lão ngư Phêrô trở thành giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội lữ hành.
Mỗi cá nhân có tính cách khác nhau, nhưng mỗi người không là một ốc đảo, mà luôn phải hài hòa trong một tổng thể, mang tính liên đới đa dạng, kể cả tội lỗi cũng có tính liên đới. Sự hiệp nhất rất quan trọng, cần thiết lắm. Ngay trong gia đình cũng không thể thiếu sự đồng tâm nhất trí, nếu “ông nói gà, bà nói vịt” thì gia đình khó có thể là tổ ấm đích thực. Các cộng đoàn tu cũng vậy, mỗi người mỗi phách thì không thể là cộng đoàn. Hiệp nhất thì phải lắng nghe nhau.
Đời sống chung là xã hội và Giáo Hội, gia đình, hội đoàn,... Đời sống chung cần lắng nghe nhau để hiểu nhau và cùng nhau thực hiện điều mong muốn của Thầy Chí Thánh Giêsu trong Vườn Dầu: “Xin cho họ nên một.” Tính chất “nên một” được Chúa Giêsu đề cập ba lần, (x. Ga 17:1-24) chứng tỏ đó là tính chất đặc biệt, vì đó là tính hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi.
Người ta không biết hoặc không có gì đó mà phải tìm kiếm. Tìm kiếm có thể vì tò mò, hiếu kỳ, nhưng quan trọng nhất là phải muốn hiểu biết. Khi tìm kiếm phải kiên trì. Có công mài sắt có ngày nên kim. Tìm kiếm thứ gì cũng khó, có khi thấy mà không nhận ra nó. Chắc chắn khó nhất là nhận biết ý Chúa. Trình thuật 1 Sm 3:3-10 cho chúng ta biết về câu chuyện ngôn sứ “nhí” Samuel nhận biết và đáp lại tiếng Chúa: Một đêm nọ, ông Êli đang ngủ, mà mắt ông thì mờ, ông không còn thấy rõ nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Bất ngờ, Đức Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo rằng ông không gọi cậu, cứ về ngủ. Cậu đi ngủ, rồi lại có tiếng gọi lần nữa. Samuel lại dậy ngay và đến với ông Êli, nhưng ông vẫn bảo là không gọi cậu.
Samuel chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Rồi cậu nằm ngủ, Đức Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu dậy và đến với ông Êli. Bấy giờ ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi cậu nên ông bảo Samuel đi ngủ, hễ có ai gọi thì thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Samuel về ngủ, và Đức Chúa lại đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Samuel! Samuel!” Cậu liền thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1 Sm 3:10)
Tìm kiếm, nhận biết, và mau mắn thi hành với niềm vui chứ không miễn cưỡng. Thiên Chúa ban quyền tự do cho chúng ta, Ngài không ép buộc ai làm bất cứ điều gì, vì thế Ngài rất đề cao sự tự nguyện, hành động vì yêu mến. Samuel đã lắng nghe, thấu hiểu, và mau mắn làm theo Ý Chúa, thế nên Samuel được Thiên Chúa bảo vệ: “Samuel lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.” (1 Sm 3:19) Thật diễm phúc cho Samuel!
Diễm phúc không là tình trạng “tự nhiên” mà là động thái “có điều kiện” với lòng tự nguyện: Tổ phụ Ápraham hoàn toàn “vâng phục” khi rời quê hương đến Đất Hứa, và ông không ngần ngại sát tế chính con trai độc nhất, và Đức Maria cũng diễm phúc vì lời “xin vâng” vô điều kiện. Tìm kiếm – nhận biết – hành động, đó là “chuỗi liên kết” như một tam-giác-đều bất biến, trong đó tiềm ẩn và mặc nhiên có nhân đức nền tảng của mọi nhân đức: Khiêm Nhường.
Chúng ta luôn xin Chúa lắng nghe mình, (Tv 30:11; Tv 51:3; Tv 55:2; Tv 77:2; Tv 86:6; Tv 88:3; Tv 141:1; Tv 143:1) nhưng hiếm khi chúng ta nhận lỗi (Tv 51:5) hoặc lắng nghe điều Chúa phán, (Tv 85:9) nhất là khi ý Chúa khác hẳn ý mình. Chắc hẳn ai cũng đủ kinh nghiệm để khả dĩ biết rằng “đời là bể khổ,” thế nên lúc nào chúng ta cũng phải cầu xin Thiên Chúa thương xót: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.” (Tv 40:2) Và chúng ta rất phấn khởi: “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa.” (Tv 40:4) Nhưng chúng ta dễ “ngủ quên trong chiến thắng,” chẳng khác chín người vô ơn bạc nghĩa trong chuyện mười người phong hủi. (Lc 17:11-21)
Thánh Vịnh gia cho biết rằng Thiên Chúa không thích tế phẩm, lễ vật, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Ngài không đòi chi, không cần gì, vì Ngài có tất cả. Ngài chỉ muốn một điều là chúng ta PHẢI biết mau mắn thân thưa: “Này con xin đến! Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.” (Tv 40:7-9) Chúng ta càng thu nhỏ mình thì càng được Ngài xót thương. Điều cần nhớ: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.” (Tv 40:10)
Chẳng có gì vĩnh cửu vì mọi sự đều có lúc, có thời, (x. Gv 3:1-8) nghĩa là có giới hạn. Ngay cả sự sống và tự do của chúng ta cũng vậy, tới một lúc nào đó sẽ không còn. Thánh Phaolô nói: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi.” (1 Cr 6:12) Thật không dễ để có thể nhận thức và tự chủ được như vậy, chứng tỏ phải có sự giằng co rất mãnh liệt. Thánh nhân giải thích: “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!” (1 Cr 6:13-15)
Mọi sự chúng ta đang sở hữu cũng không là của chúng ta mãi mãi: tiền bạc, nhà cửa, xe cộ,… dù những thứ đó mình sở hữu. Chúng ta sở hữu chúng vì chúng ta có quyền quản lý chúng, nhưng chúng không mãi mãi là của chúng ta, một lúc nào đó chúng ta không được sở hữu chúng nữa. Phũ phàng, thất vọng và buồn ư? Đời là thế nên nó thế đấy. Ngay cả sự sống chúng ta đang có rồi cũng chẳng giữ được huống chi những thứ khác!
Thánh Phaolô khuyên: “Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người. Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (1 Cr 6:17-20) Thân xác đủ thứ nhơ nhớp, nói ra mà thấy ngượng miệng, nhưng chính cái nhơ nhớp hèn hạ đó lại được Thiên Chúa dùng làm Đền Thờ để Ngài ngự vào – thiêng liêng mà cụ thể, như khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể. Là “đền thờ” thì chúng ta phải cố gắng tìm kiếm Ý Chúa.
Suốt đời tín nhân, ước gì chúng ta có thể minh định: “Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể.” (Tv 119:14) Tất cả đều NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài. Tâm niệm được như vậy thì chẳng có gì lo sợ, và có thể thanh thản sống, càng giản dị càng tốt!
Lạy Thiên Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt, (Tv 27:8b-9a) xin dạy con biết những quyết định của Ngài, (Tv 119:108) giúp con lắng nghe lời Ngài, giúp con sẵn sàng đáp lại và thực thi ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Sau khi được thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu: "Ðây là Chiên Thiên Chúa", hai môn đệ đầu tiên TN 2-B172
Sau khi được thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu: "Ðây là Chiên Thiên Chúa", hai môn đệ đầu tiên là thánh Gioan tông đồ và thánh Anrê đã rời thánh Gioan Tẩy giả để theo Chúa. Sau khi đã chứng kiến cuộc sống của Chúa, thánh Anrê còn mời gọi em mình là thánh Phêrô tiếp tục lên đường đến với Chúa.
"Đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy" (Ga 1, 39), để sau đó là quyết định ở lại mãi (chứ không ở một ngày), cho thấy các tông đồ không mê vật chất, không hám danh, không thủ lợi. Bởi các ngài chứng kiến tận mắt nơi Chúa những thứ không thể có ấy.
Họ biết cuộc sống của Chúa là cuộc sống du mục, một cuộc sống nghèo hèn, đầy bấp bênh, một cuộc sống mà "con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Mt 8,20). Bởi Chúa đã trút bỏ mọi vinh quang, mặc lấy thân phận tôi đòi, hèn yếu, để nên giống mọi người trần thế (x. Pl 2,6-7).
Các Tông đồ càng lúc càng khám phá ra, vị Thầy mới, đúng thật là Đấng mà người đầu tiên dẫn dắt các ngài (thánh Gioan Tẩy Giả) từng giới thiệu. Đó là Đấng mà thánh Gioan Tẩy Giả còn "không đáng cởi quai dép cho Người" (Ga 1,27). Bởi Đấng ấy chính "là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian… Người đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi vì có trước tôi… Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người… Người là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần... Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Ga 1,29-34).
Khám phá Chúa là Đấng thỏa mãn lý tưởng của mình, các tông đồ quyết định theo Chúa, hiến thân phụng sự Chúa, phụng sự công trình Chúa đang thực hiện, phụng sự lý tưởng mà ngày qua ngày, từng bước, từng bước một, Chúa giáo dục và gieo vào lòng các ngài.
Sau khi "xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy" (Ga 1,39), để từ cái "ngày hôm ấy" trở thành cột mốc đầu tiên, đánh dấu sự "đổi đời" của các Tông đồ. Theo Chúa, các ngài dấn thân vào hành trình Thánh giá cùng Chúa. Hành trình đó đòi các ngài "phải có những tâm tư như đã có trong Đức Giêsu Kitô" (Pl 2,5). Bởi không có tâm tư của Chúa, không mang cùng một chiều sâu nội tâm như Chúa, các tông đồ không thể chịu đựng nổi thực tế ê chề, nghiệt ngã, tủi nhục trong lộ trình thánh giá của Chúa, mà các ngài phải theo.
"Ngày hôm ấy" cũng chính là ngày định mệnh của các Tông đồ. Chắc chắn các Tông đồ không thể ngờ nổi, cả một cơ đồ của Thiên Chúa, cả một gia sản Nước Trời, cả một vận mạng đời đời mà Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh phải chuộc bằng giá máu, lại có thể được trao vào tay của mình. Càng không thể ngờ nổi, các Tông đồ sẽ là nền mống, là cột trụ, là đá tảng để Chúa xây dựng tác phẩm của Chúa là Hội Thánh.
Như các Tông đồ xưa đúng "chất" Tông đồ. Các ngài quả cảm theo Chúa. Các ngài say mê Chúa. Các ngài dồn nỗ lực cho hành trình theo Chúa, dẫu có lúc gian nan, lúc vượt qua đau đớn, lúc tưởng như cái chết gần kề...
Để trở nên "chất" thật sự, người tông đồ hôm nay cũng phải ở lại trong Chúa không vì vật chất, không vì hám danh, không tìm vinh danh mình, không nhắm quyền lợi, quyền lực… Họ, không thủ lợi, không lo sự đời, không a dua theo những cám dỗ vinh hoa. Nhưng họ phải biết trút bỏ để chọn tinh thần nghèo khó. Họ phải biết đoan hứa trung thành và bền đỗ với Chúa, dù hành trình phải đi là hành trình thập giá hay phục sinh.
Người tông đồ cần xác định lập trường vững chắc của mình: Chỉ vì chính Chúa, chỉ vì lý tưởng Tin Mừng, chỉ vì muốn rập khuôn đời mình cho và theo một Nhân Cánh khôn tả, một Lẽ Sống, một Chân Lý muôn đời dòi dọi rợp bóng là chính Chúa mà thôi.
Làm tông đồ của Chúa, mỗi Kitô hữu phải đặt việc rao truyền danh Chúa, việc loan báo ơn cứu rỗi của Chúa lên hàng đầu theo kiểu mẫu của thánh Phaolô:
"Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy thì mới đáng được Thiên Chúa thưởng công: còn nếu không tự ý thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin mừng dành cho tôi" (1 Cr 9,16-18).
Danh dự của chúng ta là mang Chúa đến cho trần gian. Nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là làm cho người khác nhận biết Chúa. Chân lý tuyệt đối mà một đời chúng ta phải theo đuổi là chỉ có Chúa là ưu tiên hàng đầu trong mọi hành động, mọi phản ứng của đời sống thường nhật. Lẽ sống của chúng ta nếu đã đón nhận tình yêu tuyệt đối của Chúa, thì cũng phải trao dâng tình yêu từ nơi bản thân đến với thế giới xung quanh, đến với con người trong trần thế.