Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 13-B: Bài 151-156: Đừng sợ, chỉ cần tin là được

Thứ bảy - 13/07/2024 05:20
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 13-B: Bài 151-156: Đừng sợ, chỉ cần tin là được
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 13-B: Bài 151-156: Đừng sợ, chỉ cần tin là được
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 13-B: Bài 151-156: Đừng sợ, chỉ cần tin là được
---------------------------------

Mục Lục:

Phúc Âm: Mc 5, 21-43: “Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”. 1
TN 13-B151: NHỜ ĐỨC TIN.. 2
TN 13-B152: HÃY VỮNG TIN VÀ THA THIẾT NGUYỆN CẦU.. 7
TN 13-B153: CHỈ CẦN TIN THÔI 9
TN 13-B154: “VÌ NGÀI YÊU THƯƠNG HỌ!”. 14
TN 13-B155: TIN THÌ ĐƯỢC.. 16
TN 13-B156: HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU CHẠM ĐẾN CHÚNG TA.. 18

------------------------------------------
 

Phúc Âm: Mc 5, 21-43: “Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.}
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn. - Ðó là lời Chúa.

--------------------------------

 

TN 13-B151: NHỜ ĐỨC TIN

 

Khổ Lụy Phàm Nhân Mang Bệnh Tật, Yêu Thương Đức Chúa Tặng Hồng Ân. Là con người, ai TN 13-B151


Khổ Lụy Phàm Nhân Mang Bệnh Tật
Yêu Thương Đức Chúa Tặng Hồng Ân.

Là con người, ai cũng bị bệnh, dù nhẹ hay nặng, cả thể bệnh và tâm bệnh, vì thế ai cũng muốn được chữa lành. Muốn vậy thì phải thành tâm tín nguyện ơn chữa lành, bởi vì tất cả đều tùy thuộc Thiên Chúa: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa.” (Hc 11:14) Thật vậy, bởi vì Ngài là “Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.” (1 Sm 2:6; Kn 16:13)

Tuy nhiên, Thiên Chúa là tình yêu và chỉ làm điều tốt lành. Trong ba năm Ngài thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã chữa lành rất nhiều người: Chữa nhạc mẫu của Simôn Phêrô, (Mt 8:14-15; Mc 1:29-31; Lc 4:38-39) chữa hai người bị quỷ ám, lũ quỷ xin được nhập vào bầy heo, rồi cả bầy heo lao xuống biển chết đuối hết, (Mt 8:29-34; Mc 5:1-20; Lc 8:26-39) chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ, (Mt 8:16-17; Mc 1:32-34; Lc 4:40-41) chữa lành người bại liệt, (Mt 9:1-8; Mc 2:1-12; Lc 5:17-26) chữa “bệnh chết” cho Ladarô (Ga 11:1-44) và con trai bà góa ở Nain, (Lc 7:11-17) chữa người đàn bà bị băng huyết và phục sinh con gái của thủ lãnh Giaia, (Mt 9:18-26; Mc 5:21-43; Lc 8:40-56) chữa hai người mù, (Mt 9:27-31) chữa người câm bị quỷ ám, (Mt 9:32-34) chữa con gái bị quỷ ám của người đàn bà Canaan, (Mt 15:21-28; Mc 7:24-30) chữa nhiều bệnh nhân tại ven Biển Hồ Galilê, (Mt 15:29-31)... và rồi ngay trước lúc bị bắt, Ngài còn chữa lành tai cho tên đầy tớ của thầy thượng tế, (Mt 26: 47-55; Mc 14:43-49; Lc 22:47-51; Ga 18:3-11) cuối cùng là làm sáng mắt Longinus – kẻ đã cầm lưỡi giáo đâm thâu trái tim Chúa Giêsu sau khi Ngài đã trút hơi thở. (Ga 19:34)

Đời người có vô số nỗi khổ – khổ đủ kiểu và đủ mức, trong bốn lĩnh vực: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Trong đó, cái khổ vì bệnh là thứ dai dẳng nhất, nhiều người mắc bệnh mà tán gia bại sản cũng chẳng khỏi. Thể bệnh thì khổ rõ ràng rồi, nhưng có cái khổ còn dữ dội và nguy hiểm hơn: bệnh tâm lý (tâm bệnh) và bệnh tâm linh.

Vì mắc bệnh tật nên mới cần được chữa trị, còn có “lành” hay không lại là chuyện khác. Về thể bệnh, chúng ta cần sự hỗ trợ của các y bác sĩ và dược sĩ; về tâm bệnh, chúng ta cần Đại Lương Y Giêsu. Các lương y phải như từ mẫu để chứng tỏ Ý Chúa thể hiện qua họ, chứ chính họ không thể chữa lành, vì Kinh Thánh xác định: “Không phải lá cây, chẳng phải thuốc đắp đã chữa họ lành, nhưng CHÍNH LỜI NGÀI CHỮA LÀNH TẤT CẢ.” (Kn 16:12)

Trình thuật Mc 5:21-43 (≈ Mt 9:18-26; Lc 8:40-56) cho chúng ta biết Chúa Giêsu chữa lành hai con người, một lớn và một nhỏ. Khi Chúa Giêsu vừa từ thuyền lên bờ Biển Hồ, một đám người rất đông liền tụ lại quanh Ngài. Lúc đó, có một ông trưởng hội đường tên là Giaia tới sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khoản nài xin Ngài đến đặt tay cứu sống con gái nhỏ của ông, vì nó gần chết.

Khi Ngài theo ông về nhà ông, một đám rất đông kéo theo và chen lấn Ngài. Trong đám đông đó có một bà bị băng huyết đã 12 năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Đã nghe nói về Con Người kỳ lạ Giêsu, bà cố lách qua đám đông để đến phía sau và sờ vào áo Ngài. Bà tin rằng chỉ cần sờ vào áo Ngài thôi thì bà sẽ khỏi bệnh. Quả thật, vừa chạm vào áo Ngài thì máu trong bà liền cầm lại, bà biết mình đã khỏi bệnh.

Cảm thấy một năng lực nơi mình phát ra, Chúa Giêsu liền quay lại giữa đám đông mà hỏi xem ai đã sờ vào áo Ngài. Các môn đệ ngạc nhiên vì không thể biết được ai đã sờ vào Ngài khi đám đông chen lấn như thế. Ngài biết nên Ngài ngó quanh và nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà biết điều gì đã xảy ra. Bà đến phủ phục trước mặt Ngài và thú nhận. Ngài ôn tồn: “Này bà, LÒNG TIN của bà đã CỨU CHỮA bà. Bà hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Ngay khi Chúa Giêsu còn đang nói với bà như vậy, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến cho biết con gái ông chết rồi, đừng làm phiền Thầy nữa. Chúa Giêsu nghe liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông ĐỪNG SỢ, chỉ cần TIN thôi!” Rồi Ngài không cho ai đi theo mình, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đến nhà ông trưởng hội đường, Chúa Giêsu thấy phường kèn inh ỏi, tiếng khóc thảm thiết, Ngài nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Ngài. Chẳng biết gì mà chảnh. Đúng là người trần, mắt thịt!

Chúa Giêsu bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi vào nơi con bé đang nằm. Ngài cầm tay nó và nói: “Talitha Kum.” (Ταλιθά κούμ[ι]) – Bé ơi, bé trỗi dậy đi! (talitha là “con bé” hoặc “bé gái.”) Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã 12 tuổi. Ai nấy kinh ngạc sững sờ, nhưng Ngài nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn. Tiếng khóc thành tiếng cười, nỗi buồn hóa niềm vui.

Chúa Giêsu chữa lành thể bệnh, nhưng Ngài muốn chúng ta quan tâm hơn đến tâm bệnh, và quan tâm lẫn nhau nữa. Được yêu thương thì phải biết yêu thương, được chữa lành thì cũng phải biết chữa lành: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận thì ai sẽ xin tha tội cho nó? HÃY NHỚ ĐẾN NGÀY TẬN SỐ MÀ CHẤM DỨT HẬN THÙ, nhớ mình sẽ PHẢI HAO MÒN và PHẢI CHẾT mà TRUNG THÀNH giữ các điều răn.” (Hc 28:2-6)

Làm sao có thể được chữa lành? Phải chữa lành lẫn nhau bằng cách noi gương Thánh Vịnh gia cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức, chữa lành cho, vì gân cốt rã rời. Xin thương xót và chữa lành con, quả thật con đắc tội với Ngài.” (Tv 41:5 & Tv 6:3) Và mãi cho tới tận thế, còn biết bao trường hợp được Thiên Chúa chữa lành... Cụ thể là rất nhiều trường hợp thể bệnh được chữa lành tại Lộ Đức.

Thời Cựu Ước, dân Israel bị rắn độc hoành hành, Thiên Chúa bảo ông Môsê làm một con rắn đồng để “hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được sống.” (Ds 21:9) Thời Tân Ước, Chúa Giêsu đi tới đâu cũng được người ta tìm đến, họ “tìm cách sờ vào Ngài, vì từ nơi Ngài phát ra một năng lực chữa lành hết mọi người.” (Lc 6:19) Và Ngài xác định: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12:32) Ai tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người để cứu độ nhân gian thì sẽ được “chữa lành.”

Người ta thường nói: “Chỉ sợ trời hại, chứ không sợ người ta hại.” Thật vậy, Thiên Chúa đã xác nhận: “Ta cầm quyền sinh tử, Ta đánh phạt, rồi Ta lại chữa lành, KHÔNG AI CỨU KHỎI TAY TA ĐƯỢC.” (Đnl 32:39) Trốn trời không khỏi nắng. Phàm nhân chỉ là thụ tạo, không thể “qua mặt” Thiên Chúa. Ngoan thì được thương, ương thì bị phạt! Kinh Thánh nói: “Người phàm có thể dùng mưu gian mà giết chết, nhưng sinh khí đã ra đi, hắn không sao đưa về; linh hồn mà âm phủ đã nhận, hắn không tài nào giải thoát.” (Kn 16:14) Hết đường vĩnh viễn!

Càng ngày càng nhiều người bị ung thư, đủ loại, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể phải đối mặt với “cái chết được báo trước” này. Thông tin cho biết rằng có bệnh viện một ngày nhận tới cả ngàn bệnh nhân ung thư. Không phải ngày nay mới có bệnh ung thư, mà thời Cựu Ước cũng đã có đủ chứng bệnh rồi: “Đức Chúa sẽ làm cho anh em bị ung nhọt Ai Cập, bị u bướu, ghẻ lở, ngứa ngáy, mà không thể chữa khỏi. Đức Chúa sẽ làm cho anh em bị điên khùng, mù lòa, loạn trí. Anh em sẽ mò mẫm giữa trưa, như người mù mò mẫm trong bóng tối, và sẽ không thấy đường mà đi. Đức Chúa sẽ làm cho anh em bị ung độc không thể chữa lành ở đầu gối và ở đùi, từ bàn chân cho tới đỉnh đầu.” (Đnl 28:27-29, 35)

Bởi vì Nguyên Tổ bất tuân lệnh Chúa nên con cháu bị “di truyền,” chứng “ung thư” này “di căn” tới tận thế. Khốn thay! Và cũng đáng sợ thay, vì loài người có “máu” nổi loạn, lúc nào cũng chỉ rình cơ hội để bất tuân, phản trắc, bạo động. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn giàu lòng thương xót, Ngài “tội nghiệp” chúng ta lắm, Ngài “đánh” vì yêu thương chứ không vì ghét bỏ. Chúng ta đau một thì Ngài thương mười: “Người gây thương tích, cũng chính Người băng bó, đánh bầm dập xong, lại ra tay chữa lành.” (G 5:18)

Trong “tứ khổ” của phàm nhân, cái “đệ tứ khổ” (chết – tử) là cái khổ lớn nhất và đáng sợ nhất. Tự tạo. Tự chuốc. Nhân loại phải chịu đau khổ vì di truyền chứng “ung thư tội lỗi.” Kinh Thánh cho biết rõ: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1:13) Lý do đơn giản và minh nhiên: “Vì Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất hủy hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu. Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử.” (Kn 1:14-15) Cha mẹ trần gian chỉ là tội nhân, là “người xấu,” (Lc 11:13) mà còn biết yêu thương và muốn điều tốt cho con cái, huống chi Thiên Chúa là Đấng chí thánh, chí thiện!

Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương loài người bằng tình yêu muôn thuở (Gr 31:3) và yêu thương thật nhiều. (Gr 31:20) Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được TRƯỜNG TỒN BẤT DIỆT. Họ được Ngài dựng nên làm hình ảnh của bản tính Ngài. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tỵ mà cái chết đã xâm nhập thế gian. NHỮNG AI VỀ PHE NÓ ĐỀU PHẢI NẾM MÙI CÁI CHẾT.” (Kn 2:23-25) Rất rõ ràng, Satan ghen tỵ với chúng ta nên chúng mới “gài bẫy” để kéo chúng ta về phía chúng, chịu “cái chết đời đời” với chúng nơi Hỏa Ngục của chúng.

Có chuyện kể rằng ma quỷ cám dỗ một anh chàng nọ theo phe nó, nhưng anh ta không chịu. Ma quỷ ra ba điều kiện: Một là giết mẹ, hai là giết vợ, ba là uống rượu. Anh ta suy nghĩ: Mẹ là người sinh ra mình, dù chưa đáp đền chữ hiếu thì cũng không thể là nghịch tử mà đành lòng giết mẹ; vợ là người đồng hành với mình, nên một xương một thịt, đầu ắp tay gối, chưa thể yêu thương đủ thì cũng không thể là kẻ sát phu mà giết vợ; cuộc đời có nhiều lúc buồn, người ta bảo “nhất túy giải vạn sầu” (rượu có thể giải nhiều nỗi sầu), vả lại uống rượu chẳng hại ai, có chăng chỉ khổ mình, thôi thì mình chọn cách này.

Rượu làm người ta say, say rồi mê, mê rồi nghiện, nghiện rồi mù quáng, muốn thỏa mãn mình bằng mọi giá, và phạm tội tày trời. Đó là bản chất của các đệ tử Lưu Linh. Và rồi một lần nọ, anh ta uống rượu say khướt và cố gắng về nhà, anh ta kiếm chuyện rồi đập phá lung tung, mẹ và vợ can ngăn không được, anh ta lấy dao chém chết cả mẹ và vợ. Mưu mô ma quỷ thâm độc vô cùng, không thể đoán được!

Đối với Thiên Chúa, con người thực sự quý giá, luôn được Ngài trân trọng và yêu thương. (Is 43:4) Có bệnh thì vái tứ phương, còn nước còn tát. Thể bệnh còn vậy, huống chi tâm bệnh. Thiên Chúa sẽ chữa lành chúng ta ngay nếu chúng ta sám hối. Vua Đavít phạm hai tội một lúc (gián tiếp giết Urigia và chiếm lấy cô vợ), nhưng ông đã sám hối nên được Thiên Chúa “chữa lành” – tha thứ và không kết án tử, (2 Sm 12:13) tử tội Dismas (cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu) chỉ một lời xin lỗi mà được Chúa Giêsu “chữa lành” tâm bệnh và cho theo vô Thiên Đàng ngay đêm hôm đó. (Lc 23:42-43) Còn rất nhiều trường hợp khác mà chúng ta không biết hết.

Và rồi chính chúng ta cũng đã bao lần được Thiên Chúa “chữa lành” qua Bí Tích Thương Xót – Bí Tích Hòa Giải. Càng sống lâu càng được chữa lành nhiều, vì thế chúng ta phải biết chúc tụng và tạ ơn: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con.” (Tv 30:2) Chúng ta không thể nào hiểu nổi việc Chúa thực hiện vì yêu thương: “Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.” (Tv 30:4) Thánh Vịnh gia được chữa lành nhiều nên phải lên tiếng: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ Thánh Danh Người. Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.” (Tv 30:5-6)

Được ơn thì phải biết ơn như Thánh Vịnh gia: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.” (Tv 30:11-13) Dù chúng ta bất xứng nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta trước, (1 Ga 4:19) và nâng chúng ta lên: “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Ngài vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2 Cr 8:9)

Thánh Phaolô giải thích: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là PHẢI CÓ SỰ ĐỒNG ĐỀU. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ ĐƯỢC NHIỀU thì KHÔNG DƯ, mà người ĐƯỢC ÍT thì KHÔNG THIẾU.” (2 Cr 8:13-15) Chia sẻ như vậy là cách sống yêu thương, sống lòng thương xót, sống đức ái, và cũng là cách chữa lành lẫn nhau vậy.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con bệnh hoạn và tật nguyền, cần được Ngài chữa lành, xin gia ân tin yêu và ban ơn hoán cải cho chúng con, đồng thời giúp chúng con biết chữa lành nhau bằng biệt dược yêu thương. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. mục lục

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

--------------------------------

 

TN 13-B152: HÃY VỮNG TIN VÀ THA THIẾT NGUYỆN CẦU

 

Thế giới nhìn chung đang có nhiều bất ổn về chính trị, an ninh, điển hình là chiến sự giữa Nga TN 13-B152


Thế giới nhìn chung đang có nhiều bất ổn về chính trị, an ninh, điển hình là chiến sự giữa Nga và Ucraine không những tiếp tục dai dẳng, mà còn gia tăng không khoan nhượng. Tiếp đó là cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông giữa Hamas và Israel vẫn ngày đêm bom rơi. Cả hai cuộc chiến này hiện nay vẫn vô cùng căng thẳng, và hiện chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.

Động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, cháy nhà, nóng, lạnh bất thường xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống, chỉ tăng 3%.

Trí tuệ nhân tạo bùng nổ với công cụ ChatGPT được công ty OpenAI tung ra, mở màn cho làn sóng bùng nổ của AI trong năm qua. Sự xuất hiện của AI tạo sinh giúp xóa bỏ hình ảnh về các trợ lý trí tuệ nhân tạo tẻ nhạt, kém linh hoạt tồn tại hàng chục năm qua.

Khát vọng sống vui, sống mãi và sống hạnh phúc, nhất là chiến thắng bệnh tật, khổ đau và cái chết không chỉ trong tư tưởng nhưng là một khát vọng sâu xa nhất của con người ở mọi nơi mọi thời. Khát vọng ấy thật chính đáng và có thể, vì cái chết không phải là một phần trong sáng tạo, về nguyên lý là không thể đảo ngược, vì  “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Bởi vì Ngài sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, và mọi loài trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1,13-14).

Thiên Chúa là Đấng hằng sống, nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu, thì cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Con người đã chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Ngài là nguồn sống bất diệt nên con người phải chết cả xác lẫn hồn. Vạn vật vì liên đới với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người (x. Rm 8,20-23).

Lời Thánh Kinh nói rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24). Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính tự do của con người khi cắt đứt với nguồn sống đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật. Chỉ có Thiên Chúa quyền năng mới đủ mạnh để phá đổ những rào cản của sự chết. Chúa “sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ” (Tv 16,10). Chúa là Sự Sống: “Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết…” (Kn 1,13).

Chúa Giêsu là đầu và là trưởng tử hoàn tất khi sống lại từ trong cõi chết. Sự chết dẫn Người xuống mồ, nhưng không tiêu tan. Người đã chiến thắng sự chết. Điều mà Giairô mong đợi nơi Chúa Giêsu là “đến đặt tay lên em bé để nó được khỏi và được sống” (Mc 5,23). Thái độ của Giairô thật là ấn tượng. Đường đường là trưởng hội đường Do Thái, vậy mà ông “sụp lạy và van xin” Chúa Giêsu (x. Mc 5,22), ông quên đi nhân cách, địa vị của mình trước đám đông nhiều người biết đến, ông tiên phong tin cậy vào Chúa. Tất nhiên, vì cô gái diệu, ông làm tất cả.

Chúng ta cũng thế, khi những đại hoạ nhân tai, thiên tai xảy đến khiến hy vọng tiêu tan nơi nhiều người, thì lòng tin và lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật cần thiết. Lời van xin của người cha: “Xin Ngài đến… để nó được khỏi và được sống!“ không nhận được một lời đáp trả nào của Chúa Giêsu, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện. Nhưng Chúa vẫn luôn đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta. Vậy, chúng ta hãy giục lòng tin và cầu xin Chúa cứu giúp.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng, Chúa không tạo ra cái chết, Chúa cũng chẳng vui gì khi chúng con bị diệt vong, xin cứu giúp chúng con, lạy Chúa. Amen. mục lục

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

--------------------------------

 

TN 13-B153: CHỈ CẦN TIN THÔI

 

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô ghép hai sự việc lại với nhau bằng cách chèn TN 13-B153


Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô ghép hai sự việc lại với nhau bằng cách chèn câu chuyện của người phụ nữ bị băng huyết vào câu chuyện con gái của ông Giairô, trưởng hội đường. Cả hai câu chuyện đều cảm động và nhiều ý nghĩa, vì chúng liên quan đến những con người rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt. Người phụ nữ mắc bệnh băng huyết đau đớn, suy nhược, dường như không thể chữa khỏi, khiến bà bị cô lập khỏi cộng đồng vì bị coi là “ô uế”. Còn con gái ông Giairô, khi Chúa Giêsu đến nhà, thì đã chết rồi.

1. Quyền năng thấu suốt và lòng thương xót tinh tế của Chúa Giêsu

Lúc nào cũng vậy, Chúa Giêsu thể hiện sự thấu suốt và tinh tế trong lời nói và cung cách ứng xử đối với mọi người, nhất là đối với những người nghèo hèn, bệnh tật, đau khổ. Đặc biệt hôm nay là trường hợp của người đàn bà bị căn bệnh phụ nữ dai dẳng và của một bé gái mới mười hai tuổi đã chết. Qua đó Chúa Giêsu thể hiện quyền năng tối thượng của Ngài trên bệnh tật, trên cái chết, và cho thấy tình thương của Ngài dành cho những người đang đau khổ là vô cùng lớn lao. Ngài thật dịu dàng với cả hai con người thuộc phái nữ này. Ngài gọi người phụ nữ là “Này con” (Mc 5:34) và con gái ông Giairô là “Này bé” (Mc 5:41).

Ở đây chúng ta thấy có những tình huống mà các giải pháp của con người là không hiệu quả. Trong trường hợp con gái ông Giairô “Ông ta sụp xuống dưới chân Ngài, và khẩn khoản nài xin: Con bé nhà tôi gần chết rồi” (Mc 5:22-23) thậm chí “Có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5:35). Còn người phụ nữ “bao phen chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác” (Mc 5:25). Nhưng Chúa Giêsu sẵn sàng đối đầu với sự tuyệt vọng của con người. Những nhu cầu và đức tin của người bệnh cũng như đức tin nơi những người thân của họ đã đánh động lòng trắc ẩn của Ngài.

Có sự khác biệt trong hoàn cảnh của con gái ông Giairô và người phụ nữ băng huyết vô danh.

Con gái ông Giairô

 Người phụ nữ băng huyết vô danh

Mười hai tuổi

 Đã lớn tuổi

Gia đình danh giá, trưởng hội đường

 Vô danh, tán gia bại sản

Người cha sụp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản nài xin

 Lách qua đám đông, tiến đến phía sau Chúa và sờ vào áo của Ngài

Tiếp xúc và nói chuyện với Chúa Giêsu

 Nghe đồn về Chúa Giêsu

Điều này nói gì với chúng ta khi sống cuộc đời Kitô hữu ngày nay? Chúa Giêsu hoàn toàn có thể chữa lành tất cả các thứ bệnh tật, thể lý và tâm hồn, của mọi người, kể cả làm cho người chết sống lại, không phân biệt bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống của họ: cá nhân, gia đình, xã hội, trình độ học thức hoặc kinh tế tài chính…

Thực ra, điều sâu xa mà Chúa Giêsu muốn chữa lành không chỉ là những căn bệnh thể xác và cái chết. Căn bệnh nguồn cội Ngài muốn chữa trị triệt để ở đây vốn tiềm tàng trong cảm thức của con người mọi nơi mọi thời. Đó mới là là nguyên nhân sâu xa của những rối loạn thể lý, tâm thần và tâm linh. Đó là lối sống duy vật phát sinh từ chủ trương hư vô (nihilism), từ cảm nhận về bệnh tật, về thân phận mong manh chóng qua của đời người, về sự vô thường của kiếp sống.

Đó là cách nhìn muôn vật và mọi sự sống trong trời đất, kể cả sự sống con người, chỉ là những thực tại vật lý, sinh hóa, hoạt động theo bản năng tập tính, theo những định luật quán tính mù quáng, không thể cưỡng lại được.

Đó là sự phủ nhận rằng không có gì là thánh thiêng có khả năng tác động thường xuyên và hiệu quả vào cuộc sống hàng ngày như con người mong ước. Những kinh nghiệm đó khiến người ta nghĩ rằng Thiên Chúa không tồn tại. Mà nếu Ngài hiện hữu thì cũng chỉ là vô tâm thờ ơ, ngự trên trời cao xa, không liên quan gì đến cõi đời và cõi người. Những kinh nghiệm được tích tụ dần dần như vậy sẽ khiến cảm thức linh thánh suy yếu đi và tạo ra sự vô tín.Các chuyên ngành khoa học thực nghiệm ngày nay lại càng khẳng định những kinh nghiệm đó.

Linh mục Joachim Ostermann đã nói rằng: “Khoa học cũng muốn và cố giải thích những điều xem ra vô nghĩa lý: bệnh tật, cái chết và đau khổ. Các nhà sinh học biết rằng việc kiểm soát chu kỳ tế bào có thể thất bại, vì các yếu tố kiểm soát không hoàn hảo. Do đó, chúng ta có thể bị ung thư. Ngay cả một đứa trẻ. Ngay cả một người không làm gì sai. Điều đó xảy ra. Thật đáng sợ, bí ẩn và vô nghĩa lý, nhưng khoa học giải thích đến từng chi tiết nhẫn tâm của nó. Điều này không làm cho Đấng Tạo Hóa trông có vẻ tốt lành.” [1]

2. Tin tưởng trọn vẹn vào Chúa Giêsu là chìa khóa mở ra mọi sự chữa lành.

Bất kể chúng ta là ai. Bất kể chúng ta có bao nhiêu tiền bạc và của cải. Bất kể chúng ta nổi tiếng đến mức nào, cái chết cuối cùng cũng đến với tất cả chúng ta. Tại sao lại có bệnh tật và sự chết? Bởi tội lỗi. Đây không phải là ý định ngay từ đầu của Thiên Chúa nhưng con người đã làm hỏng ý định đó và chúng ta tiếp tục làm hỏng nó. Trong nhiều thế kỷ người Do Thái đã được dạy rằng khi Đấng Mêsia đến, Ngài sẽ có thể chữa lành và thậm chí làm người chết sống lại (Is 30:26; 35:5–6; 53:5; Malakhi 4:2). Chúa Giêsu đã chứng minh rằng Ngài có thể làm tất cả những điều này và quyền năng siêu nhiên của Ngài khiến “người ta kinh ngạc sững sờ” (Mc 5:42).

Nhà khoa học người Canada GB Hardy từng nói, “Khi tôi nhìn vào tôn giáo, tôi có hai câu hỏi. Một là, đã có ai từng chiến thắng được cái chết chưa, và hai là, nếu có, người ấy có mở đường cho tôi chiến thắng cái chết không? Tôi kiểm tra ngôi mộ của Đức Phật, và đã có người ở đó, tôi kiểm tra ngôi mộ của Khổng Tử, và đã có người ở đó, tôi kiểm tra ngôi mộ của Mohammed, và đã có người ở đó, tôi đến ngôi mộ của Chúa Giêsu, và nó trống rỗng. Và tôi tự hỏi, phải chăng đã có một người đã chiến thắng được cái chết. Và tôi hỏi câu hỏi thứ hai, Ngài có mở đường cho tôi làm điều đó không? Tôi mở Kinh thánh và phát hiện ra rằng Ngài đã nói, “Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống (Ga 14:18).” [2]

Phương thuốc mà Chúa Giêsu nói đến là “Đừng sợ”, đừng lo lắng, ngờ vực, đừng cố chấp trong sự cứng lòng mà người ta xây lên dần dần trong tâm trí và con tim, qua bao khốn khổ của cuộc đời, đến mức trở nên những người vô thần, nếu không như một chủ thuyết có hệ thống lý luận thì ít nhất là vô thần trong các phản ứng và hành xử hàng ngày. Đây là một thứ vô thần thực tế mà hầu hết chúng ta dễ mắc phải ít nhiều. Trong thực tế, người ta dành nhiều thời gian để cố gắng tạo dựng tên tuổi cho mình, nhưng rồi ra ai cũng nhận ra rằng không có gì là vững bền mãi mãi. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời của kiếp phàm nhân. Nhưng ngoài kiếp sống nhiều bi thương không tránh khỏi này, vốn sẽ kết thúc trong cái chết tất định, liệu có hy vọng nào thỏa mãn được nỗi khao khát vô biên của con người không? Một câu hỏi lớn lao và triệt để nhằm mang lại cho nhân sinh một ý nghĩa có giá trị đích thực. Ai có thể đem đến câu trả lời cho vấn nạn hiện sinh căn bản này?

Linh mục Joachim Ostermann trả lời: “Có lúc, kiến thức khoa học giúp chữa lành người bệnh. Có lúc, chúng ta bất lực và sợ hãi trước đau khổ và cái chết. Nhưng chúng ta hiểu một điều - rằng người đau khổ cũng giống như chúng ta, mặc dù họ đang đau khổ, nhưng được Chúa nâng đỡ và yêu thương giống như chúng ta. Là những Kitô hữu, chúng ta thấy Chúa Kitô đau khổ. Dù là Ngôi Lời và là lý trí tối thượng của Thiên Chúa, nhưng Ngài chia sẻ kinh nghiệm đau khổ và cái chết của chúng ta để chúng ta không bị mất hút trong đó.” [3]

Điều quan trọng trong cả hai trường hợp hôm nay là Chúa Giêsu nhấn mạnh vào đức tin của người bệnh và những người liên quan, một đức tin chắc chắn nơi quyền năng và lòng xót thương của Ngài. Đối với người phụ nữ, Ngài nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5:34). Đối với ông Giairô, Ngài nói: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5:36). Chúa Giêsu như muốn bảo chúng ta: tại sao anh em sợ hãi thế? “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4:40), sao cứ để cho lòng mình xáo động và than vãn tuyệt vọng như thế? Ốm đau, bệnh tật, cả sự chết, rồi sẽ qua, chỉ là một giấc ngủ đấy thôi: “Ngài bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5:39).

Chỉ có quyền năng tối thượng và tình yêu sâu sắc cá vị của Chúa Giêsu mới có thể phục hồi nơi chúng ta giá trị thực sự bất diệt của mình. Chúa Giêsu cho thấy duy một mình Ngài mới có thể đáp ứng nỗi khát khao sâu xa vô cùng tận của mỗi người: được sống mãi trong hạnh phúc. Sự chữa lành đó trước hết phải tập trung vào cõi lòng và tâm tưởng của chúng ta – chữa lành những nghĩ suy tiêu cực, tâm trạng tồi tệ, những phản ứng gây tổn thương, sự cứng lòng của chúng ta. Chúa Giêsu luôn cố gắng giúp chúng ta phát triển trong tình yêu của Ngài, nơi tình yêu vĩnh cửu ấy “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:4). Để rồi, chúng ta có thể trở thành sự hiện diện dịu dàng và chữa lành cho những người chung quanh như Chúa Giêsu đã chữa lành, thay vì hùa theo tâm lý đám đông vô tín coi Chúa Giêsu như vô số những người tầm thường khác, thậm chí khinh chê Ngài: “Họ chế nhạo Ngài” (Mc 5:40) khi “Ngài bước vào nhà và bảo họ: Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5:39).

3. Quyền năng phi thường đáp lại niềm tin lạ thường

Trong Tin Mừng Máccô, ông Giairô được gọi là ἀρχισυνάγωγος, archisunagogos, người lãnh đạo hội đường [4]. Tất cả những người lãnh đạo hội đường đều được thẩm tra về kiến ​​thức của họ và được phong chức. Họ là thành viên của thành Tòa công luận địa phương. Nhiệm vụ của trưởng hội đường là chọn người đọc hoặc giảng giải Sách thánh trong hội đường Do Thái, kiểm tra các bài phát biểu của những người giảng giải trước công chúng và đảm bảo mọi việc được thực hiện một cách đàng hoàng và phù hợp với phong tục của cha ông. Như vậy Giairô là người lãnh đạo chịu trách nhiệm quản lý và điều hành hội đường. Ông giám sát các buổi thờ phượng và công việc của các vị trưởng lão khác, bao gồm giảng dạy, giải quyết tranh chấp và các nhiệm vụ lãnh đạo khác.

Giairô đã chấp nhận nhiều rủi ro khi đến với Chúa Giêsu. Đầu tiên, ông đến với Chúa Giêsu khi nhiều kinh sư, luật sĩ và người Pharisêu bắt đầu phản đối Ngài. Giairô hẳn biết rằng ông sẽ bị chỉ trích và có thể mất đi vị trí quyền lực của mình. Nhưng khi mạng sống của con cái bị đe dọa, thì vai trò làm cha được ưu tiên hơn là vai trò người lãnh đạo. Thứ hai, trình thuật nói rằng ông đã đến và “sụp xuống dưới chân” Chúa Giêsu (Mc 5:23). Đây là một rủi ro to lớn khác. Từ Hy Lạp trong Tân Ước của cụm từ “sụp xuống dưới chân” là προσκυνέω, proskuneo và có nghĩa là thờ phượng: “Ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4:10); “Những điều bí ẩn trong lòng người đó sẽ bị lộ, và như thế, người đó sẽ sấp mình xuống mà thờ lạy Thiên Chúa” (1 Cr 14:25); “Hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Đấng ngự trên ngai mà thờ lạy Ngài” (Kh 4:10). Hành động này bao gồm việc sấp mình trước người được tôn kính, thường là úp mặt xuống đất, hoặc hôn chân người đó hoặc hôn viền áo của người đó. Bất kể các nhà lãnh đạo tôn giáo khác hay mọi người nghĩ gì, Giairô không quan tâm. Tất cả những gì ông quan tâm là con gái mình. Cô con gái nhỏ của ông cần được tiếp tục sống. Một ngọn đèn từng sáng, giờ đây đã tắt ngấm. Dù giàu có và quyền thế, ông không có sẵn nguồn lực hoặc sự giúp đỡ nào khác có thể đáp ứng mưu cầu cao xa của ông. Vì vậy, điều đầu tiên khiến Giairô đến với Chúa Giêsu là một khát mong thực sự - chữa lành cho con gái mình. Liền sau đó, mặc dù rơi vào tuyệt vọng khi nghe “Mấy người từ nhà đến bảo: Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5:35), ông vẫn vâng nghe theo lời của Rabbi Giêsu và vẫn tin tưởng hy vọng nơi Ngài. Nếu là người thiếu đức tin và ít kiên trì hẳn ông đã thưa với Rabbi Giêsu: mọi việc đã kết thúc, không còn cứu vãn được, không dám làm phiền Thầy thêm nữa. Ông sẽ ngay lập tức buông xuôi, và cam chịu số phận.

Nhưng niềm hy vọng của ông là Rabbi Giêsu sẽ đáp ứng mong muốn của ông. Niềm tin của ông là Rabbi Giêsu có thể làm điều không ai có thể. Cho đến lúc ấy, Chúa Giêsu đã làm một số phép lạ đáng kinh ngạc nhưng Ngài vẫn chưa khiến bất cứ ai sống lại từ cõi chết, thế mà Giairô vẫn tin rằng Chúa Giêsu có thể. Giairô không phân tâm vì những chuyện đang xảy ra hoặc nhụt chí vì những lời lẽ nản lòng, ông tập trung trọn vẹn mong muốn của mình vào Chúa Giêsu, nhận rõ lòng trắc ẩn sâu sắc cũng như quyền năng cứu chữa của Ngài. Một đức tin kiên vững trong tăm tối tâm hồn, khi mọi suy nghĩ và cảm xúc rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng, vượt qua mọi điều khả giác, để thấy rằng “Mọi sự Thiên Chúa đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1:31).

Phêrô Phạm Văn Trung

-----------------
Chú thích:
[1] Dòng Anh Em Hèn Mọn, Tiến sĩ Hóa học, Đại học Ludwig Maximilian Munich, 1990, thành viên Hiệp hội các nhà khoa học Công giáo (SCS - Society of Catholic Scientists) click xem chú thích ở đây
[2] John MacArthur, The John MacArthur New Testament Commentary, “Matthew 9,” p. 75.
[3] như [1]
[4] Click xem chú thích ở đây

---------------------------------

 

TN 13-B154: “VÌ NGÀI YÊU THƯƠNG HỌ!”

 

Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật rằng, khi thực hiện phép lạ cho con gái ông trưởng hội đường TN 13-B154


Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật rằng, khi thực hiện phép lạ cho con gái ông trưởng hội đường Gia-ia sống lại từ cõi chết, Chúa Giê-su không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê- rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an (Mc 5:35- 37). Mà không phải chỉ có một lần đâu nhé! Còn hai lần khác nữa, thánh Mác-cô kể lại rằng, Chúa Giê-su đã chiếu cố một cách rất đặc biệt đến ba ông này:

• Trên núi Tabor: Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình… chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông (Mc 9:2).

• Trong Vườn Cây Dầu: Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni... Người [chỉ] đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo [Ngài mà thôi].” (Mc 14:32-34).

Tại sao Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lại được Chúa Giê-su ưu ái một cách rất đặc biệt như vậy?

• Tại vì ba ông này là những người có nhiều bằng cấp, thông minh và tài giỏi hơn chín ông kia? Tôi không nghĩ ba ông này có thể hơn Mát-thêu là nhân viên thu thuế, và Giu-đa là thủ quỹ được?

• Hay là vì các ông là những người có những nhân đức nổi bật hơn chín môn đệ khác? Tôi nghĩ cũng không phải! Là bởi vì Kinh Thánh ghi lại rất rõ ràng, Phê-rô là kẻ ham sống, sợ chết, Gia-cô-bê và Gio-an thì tham quyền, hám chức, háo danh, ham lợi, tính tình nóng nảy, bốc đồng đến độ Chúa Giê-su đã đặt tên cho [Gia-cô-bê và Gio-an] là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi (Mc 3:17).

Như vậy thì tại sao? Câu trả lời là: Tôi không biết! Chỉ có Chúa mới biết thôi. Thế nhưng có một lý do mà tôi nghĩ là chính đáng nhất, đó là: “Vì Ngài YÊU THƯƠNG họ!” Thật vậy! Chỉ vì Thiên Chúa yêu thương cho nên ông Phê-rô, Giacô-bê và Gio-an mới được ưu ái và được hưởng những hồng ân đặc biệt như vậy chứ tự bản thân, các ông chẳng làm gì nên công trạng chi cả! Chính Chúa Giê-su đã phán: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15:16).

Xưa cũng như nay, trong suốt hơn hai mươi thế kỷ qua, Thiên Chúa cũng cứ vẫn tuyển chọn cũng như ban cho những người mà Ngài yêu thương những hồng ân đặc biệt. Ngài đã không ngừng mời gọi và tuyển chọn những người tội lỗi, tầm thường nữ… cho dù có ai đó giỏi giang, tài đức hay thánh thiện mấy ấ ề ẫ ố và yếu hèn làm môn đệ của Ngài, đó là Đức Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ… cho dù có ai đó giỏi giang, tài đức hay thánh thiện mấy đi chăng nữa thì tất cả mọi người cũng đều có một mẫu số chung là YẾU ĐUỐI & TỘI LỖI giống y như các môn đệ ngày xưa mà thôi. Chẳng có ai trong họ tài giỏi, và xứng đáng… để Chúa phải gọi họ đi theo Ngài và ưu đãi họ cả!

Nếu bạn đồng ý với tôi là tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội, từ Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, cho đến giáo dân, tất cả đều là những con người giống như ba môn đệ Phêrô, Gioan và Gia-cô-bê, họ là những người bất toàn, hay mắc phải sai lầm, luôn yếu đuối và tội lỗi ... họ được tuyển chọn bởi vì Thiên Chúa yêu thương mà thôi, chứ tự bản thân họ chả có ai gọi là xứng đáng cả, thì tôi xin bạn cố gắng:

• Cầu nguyện nhiều hơn nữa cho Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các linh mục, các thầy phó tế và các tu sĩ…để họ càng ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su hơn. Biết và dám chấp nhận từ bỏ, hy sinh, tha thứ, luôn nhiệt thành và phục vụ tha nhân một cách vô vị lợi.

• Siêng năng và nỗ lực cầu nguyện cho cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội càng ngày càng có thêm những thợ gặt lành nghề như lời của Chúa Giê-su phán: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về." (Mt 9:37-38).

• Sống rộng rãi, bác ái, tha thứ, vui tươi, lạc quan và hòa đồng với tất cả mọi người đã tin hay chưa có niềm tin vào Thiên Chúa, để người ta thấy những công việc tốt đẹp [chúng ta] làm, mà tôn vinh Cha của [chúng ta là] Đấng ngự trên trời (Mt 5: 16).

Ước mong rằng bạn và tôi, chúng mình luôn đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê-su, là Đấng duy nhất tuyệt đối thánh thiện, hoàn hảo và hoàn mỹ, chứ không đặt niềm tin vào bất cứ một người nào ở trên thế gian này, cho dù đó là Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục hay tu sĩ… bởi vì họ chỉ là những con người yếu đuối thấp hèn và những tay thợ gặt vụng về và kém cỏi mà thôi!

Cầu chúc bạn trong tuần lễ mới gặp nhiều niềm vui, hạnh phúc và luôn vui vẻ trên cuộc hành trình với Ngài!

Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

--------------------------------

 

TN 13-B155: TIN THÌ ĐƯỢC


Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc

 

Cha ông ta có câu: không ốm không đau làm giầu mấy chốc. Hoặc có “số đỏ”, đi đến đâu, làm TN 13-B155


Cha ông ta có câu: không ốm không đau làm giầu mấy chốc. Hoặc có “số đỏ”, đi đến đâu, làm gì cũng thành công, theo quan niệm: làm chơi ăn thật. Cả đời làm người, có ai không ốm, không đau ? Bậc sinh thành, đâu phải chỉ có sứ mạng sinh con ? Thầy thuốc tài giỏi nhất thiên hạ, cũng không thể “cải tử hoàn sinh”, không thể vượt qua quy luật: sinh bệnh lão tử ! Khi nhắc đến thành công thất bại, đau khổ hạnh phúc, sinh con và giáo dục con, người xưa cho rằng, ở đời làm gì có chuyện may mắn: nhặt được tiền, tự nhiên tài giỏi. Tuy nhiên, cơ hội vượt thắng đau khổ, để thấy điều kỳ diệu, ở đâu, lúc nào, cũng sẽ đến, khi bạn tận dụng tốt nhất điều mình đang có. Con gái ông trưởng hội đường sống lại, người phụ nữ khỏi bệnh loạn huyết, là kết quả niềm tin nơi họ gặp được tình yêu và quyền năng Đức Giêsu.

Theo cái nhìn chung, người khôn ngoan luôn tự tin với lập luận: bệnh gì cũng có thuốc chữa, trừ cái chết. Người năng động sẽ không đầu hàng trước phận số “hẩm hiu”, dẫu chỉ một chút hy vọng mong manh: còn nước còn tát. Người có niềm tin, ở địa vị nào vẫn thể hiện được lòng thành: khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng đủ, kiêu căng một chút cũng là thừa. Ông trưởng hội đường vì yêu con, vì tin Đức Giêsu, ông không ngần ngại làm một việc khác thường: “sụp lạy và van xin, con gái tôi đang hấp hối, mong Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Đức Giêsu không can ngăn ông đừng “phục lạy” tôi, không hỏi bệnh tình đứa bé, không ra điều kiện nào, mà rất khẩn trương đi theo ông trưởng hội đường …

Ở bên người tài giỏi thì an tâm vì được chở che, làm học trò của người thầy mưu cao chí dày, không khó để có danh có phận, còn ai biết đặt niềm tin nơi Thầy Giêsu sẽ thấy phép lạ, bình an, hạnh phúc. Cuộc đời chúng ta tựa như con đường, dù đi xa hay gần, bạn đừng bao giờ quên mục đích tốt đẹp xuất phát từ ban đầu. Khi hiệp hành thực thi sứ mạng, rắc rối từ đám đông làm chậm trễ việc đến nhà ông trưởng hội đường: “ai đã chạm đến áo Ta” ? Sự việc ly kỳ được người phụ nữ thổ lộ; đúng, cố gắng thôi chưa đủ, bạn cần phải thể hiện niềm tin. Ở đâu có niềm tin và tình yêu, phép lạ xuất hiện, Đức Giêsu nói: “hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an, và được khỏi bệnh”.

Tin thì được, khó khăn đau khổ nào đến rồi chẳng qua đi, chính những khoảnh khắc đen tối nhất, người ta vẫn được mời gọi tập trung để thấy ánh sáng phía trước. Với khao khát được khỏi bệnh, người phụ nữ đã tin điều tốt đẹp ở tương lai, đã đạt được ước nguyện. Đức Giêsu còn muốn niềm tin của chị, của ông trưởng hội đường và chúng ta hôm nay phải lớn lên, trưởng thành hơn, sống động mãi: “đức tin của con đã chữa con”. Ai tin thì được, vì không thể thay đổi được ngày hôm qua, nhưng hôm nay ta luôn có cơ hội để làm cho ngày trở nên tốt đẹp. Ông trưởng hội đường không cần biết tại sao đứa con ông đau nặng; người phụ nữ dù đã tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi, nhưng họ có chung cơ hội để gặp Đức Giêsu, xin giải toả thao thức của mình.

Ai tin thì được, người phụ nữ mắc bệnh loạn huyết suy nghĩ: “miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Ông trưởng hội đường thất vọng vì tình hình đứa bé mà “gia nhân” vừa báo, nhưng Đức Giêsu thức tỉnh: “ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Đau khổ khó khăn nơi cuộc sống, đều là cơ hội để bản lĩnh của ta lớn lên, trưởng thành hơn. Đau khổ nơi người cha có đứa con “thập tử nhất sinh”, tự ti chán nản vì bệnh hiểm nghèo của mình, cả hai trường hợp đều được toại nguyện, nhờ niềm tin. Hiện tại bạn đau bệnh, khó khăn ? Có thao thức khỏi bệnh, có mơ ước thắng vượt khổ đau thập giá không ? Hãy tin Thầy Giêsu, Ngài sẽ hướng dẫn ta cảm nhận phép lạ chữa lành, sẽ làm cho đức tin của ta sống động hơn: “con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”.

Người khôn ngoan ở đời cho rằng: hãy đầu tư cho bản thân mình là không ngừng học hỏi. Người khôn ngoan bước theo Thầy Giêsu không dừng lại ở niềm tin, vượt thắng đau khổ, mà là khiêm tốn để tình yêu Đức Kitô được sinh hoa trái nơi lời nói việc làm của ta. Tin thì được, không phải là “kích thích” sự nhẫn nại để ta được chữa lành, được ơn ban, nhưng là để ta và mọi người cùng nghe: “hỡi em bé, Ta truyền cho em chỗi dậy”. Hành trình đức tin người kitô hữu không bao giờ hết khó khăn, nhưng ngày kia, tháng tới, năm tới, nhất định sẽ tuyệt vời, khi Đức Kitô vẫn mãi là đối tượng duy nhất của chúng ta. Chắc chắn phong ba bão táp đi qua, bạn sẽ không còn là con người yếu đuối của khi xưa nữa. Hãy khiêm tốn, dù ở hoàn cảnh nào, bạn cứ lắng nghe để hiểu, để sống lời Đức Giêsu: “đừng sợ, hãy cứ tin”.

--------------------------------

 

TN 13-B156: HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU CHẠM ĐẾN CHÚNG TA


Lm. Ngọc Dũng, SDB

 

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về việc Đức Khôn Ngoan giúp những người công chính biết được TN 13-B156


Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về việc Đức Khôn Ngoan giúp những người công chính biết được mầu nhiệm Thiên Chúa trong công trình sáng tạo [nhất là trong việc sáng tạo con người]. Với sự khôn ngoan được trao ban, con người nhận ra rằng:  “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu. Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử” (Kn 1:13-15). Những lời này khẳng định rằng cái chết là định mệnh của con người, nhưng không phải do Thiên Chúa làm ra. Nhưng là do con người sử dụng tự do của mình để tách mình ra khỏi Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch sự sống. Bên cạnh đó, tác giả sách Khôn Ngoan còn trình bày cho chúng ta biết trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa, mỗi loài thọ tạo đều hữu ích cho con người. Như thế, sự vật trở nên xấu hoặc tốt tuỳ thuộc vào cách sử dụng của con người có thích hợp với ý định của Thiên Chúa hay không. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về cách sử dụng những gì được Thiên Chúa ban cho để đạt đến đức công chính mang lại cho chúng ta trường sinh bất tử trong tình yêu Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, tác giả sách Khôn Ngoan còn khẳng định rằng: Những người được Đức Khôn Ngoan hướng dẫn sẽ nhận ra rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2:23). Tuy nhiên, những người này sẽ phải đối diện với một thực tại là: “Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2:24). Như chúng ta đã nói ở trên, cái chết là định mệnh của mỗi người. Tuy nhiên, sau khi chết, chúng ta sẽ như thế nào? Tác giả sách Khôn Ngoan trình bày cho chúng ta điều gì xảy ra cho những người theo Chúa và những người theo quỷ dữ. Đối với những người theo Chúa, linh hồn của họ “ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa” (Kn 3:1); ngược lại, những người theo quỷ dữ, “khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc” (Kn 3:2). Chúng ta sẽ như thế nào khi từ giã cõi đời này ra đi? Ở trong tay Thiên Chúa hay sẽ gặp phải điều vô phúc [trong hoả ngục]?

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô kể cho các tín hữu Côrintô biết về Hội Thánh ở Makêđônia. Những tín hữu ở đây với ân huệ của Thiên Chúa đã chứa chan niềm vui dù phải trải qua nhiều nỗi gian truân, trở nên những người giàu lòng quảng đại giữa cảnh khó nghèo cùng cực (x. 2 Cr 8:2). Qua hình ảnh này, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Côrintô trở nên quảng đại trong việc đóng góp cho công việc phục vụ Tin Mừng. Nếu chúng ta đọc kỹ bài đọc 1, chúng ta thấy Thánh Phaolô dùng hai hình ảnh cụ thể để mời gọi tín hữu Côrintô trở nên quảng đại trong việc lạc quyên, đó là ngài mở đầu với gương sáng của Hội Thánh ở Makêđônia và kết với lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô (x. 2 Cr 8:9). Một cách cụ thể, trước khi mời gọi các tín hữu Côrintô quảng đại, Thánh Phaolô khen họ về sự trổi vượt về “đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi” (2 Cr 8:7). Kế đến thánh nhân mời gọi họ cũng quảng đại về những cuộc lạc quyên (x. 2 Cr 8:7). Tuy nhiên sự quảng đại của họ phải là sự phản chiếu của sự quảng đại của Chúa Giêsu: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8:9). Điều này có gì đáng để chúng ta suy gẫm không? Chi tiết này ngụ ý rằng: những gương sáng cụ thể trong đời sống thường ngày là một luận chứng hùng hồn nhất để mời gọi người khác đóng góp vào công việc phục vụ dân thánh. Hãy nên gương sáng cho nhau vì chính Chúa Giêsu cũng đã để lại cho chúng ta một gương sáng trong yêu thương: Ngài yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là những tội nhân.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa lành con gái của viên trưởng hội đường tên là Giaia. Tuy nhiên, trong câu chuyện chữa lành này được lồng vào một câu chuyện chữa lành khác, đó là việc chữa lành người đàn bà bị bệnh băng huyết. Một cách cụ thể, trong bài Tin Mừng, một phép lạ chữa lành khác [chữa lành người đàn bà bị băng huyết] được đặt vào giữa hai phần của câu chuyện chữa người con gái vị thủ lãnh. Hai người phụ nữ được chữa lành. Điểm đáng lưu ý ở đây về hai người phụ nữ này là một người “chủ động” trong việc tìm kiếm sự chữa lành từ Chúa Giêsu, còn người kia thì “bị động,” nên người cha là người đến xin chữa lành; một người đã trưởng thành, còn một người trong tuổi vị thành niên. Chúng ta phân tích hai câu chuyện chữa lành này để khám phá ra sứ điệp Chúa Giêsu nói với chúng ta ngày hôm nay.

Trong câu chuyện chữa lành người con gái vị thủ lãnh, chi tiết quan trọng đầu tiên là lời thỉnh cầu của người cha: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống” (Mc 5:23).  Trong câu này, Thánh Máccô  đề cao đức tin của viên trưởng hội đường bằng việc đặt vào miệng ông lời chân nhận sau: “con bé nhà tôi gần chết rồi.” Chi tiết này khác với các Tin Mừng Nhất Lãm khác [“con gái tôi đã chết”]. Khi nghe ông nài xin, Chúa Giêsu “liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người” (Mc 5:24). Tại sao Chúa Giêsu lại đi khi đã biết con ông thủ lãnh đã gần chết? Tại sao các môn đệ không ngăn cản Ngài vì đây không đơn giản chỉ là chữa bệnh mà làm cho người sắp chết sống lại? Điều này được lý giải qua câu chuyện được thêm vào ở giữa, đó là việc chữa lành người đàn bà bị băng huyết.

Theo luật Do Thái, người bị băng huyết là người luôn sống trong tình trạng ô uế. Giống như người phong cùi, người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay thuộc thành phần bị loại ra bên lề xã hội. Trong Acts of Pilate (“Công vụ của Philatô”), người đàn bà này có tên là Bernice. Sử gia Eusebius thuật lại câu chuyện này. Ông cho rằng bà là một người ngoại giáo từ Caesarea Philippi. Trong bài Tin Mừng, hành vi của bà nói đến một niềm tin lớn lao hơn cả niềm tin của vị thủ lãnh. Niềm tin của bà không diễn tả ra bên ngoài, nhưng âm thầm mãnh liệt bên trong. Bà không muốn Chúa Giêsu bị “ô uế” vì nếu bà xin Chúa Giêsu, mà Ngài chạm đến bà thì Ngài sẽ bị ô uế. Thay vì để Chúa Giêsu chạm đến mình, bà “chạm” vào Chúa Giêsu: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa!” (Mc 5:28). Đây là một hành vi hoàn toàn khác với các lần Chúa Giêsu chữa lành. Thường Chúa Giêsu chạm đến người muốn được chữa lành, còn trong trường hợp này, bà là người chạm. Ngay khi bà chạm vào Chúa Giêsu, bà được “thanh sạch”: “Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (Mc 5:29). Chạm đến Chúa Giêsu làm cho bà được thanh sạch! Chúng ta có chạm đến Chúa không? Mỗi khi rước lễ [mỗi khi cầu nguyện], chúng ta chạm đến Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta có trở nên thanh sạch không? Tuy nhiên, điều chúng ta lưu ý ở đây là hình ảnh máu. Theo người Do Thái, máu là hình ảnh của sự sống. Như vậy, mất máu [băng huyết] đồng nghĩa với chết, chứ không chỉ mang nghĩa ô uế. Nói cách khác, người phụ nữ “sống như đã chết.” Thật vậy, bà đã chết với người khác vì bà “muôn đời” bị xem là người ô uế, người bị loại ra khỏi đời sống cộng đoàn. Khi Chúa Giêsu chữa lành bà, Ngài mang lại sự sống cho bà. Chúa Giêsu đã làm cho bà sống lại, hội nhập bà vào đời sống cộng đoàn [là yếu tố “sống còn” của con người được hiểu trong thời gian đó]. Nhìn từ khía cạnh này, khi chữa lành người đàn bà bị băng huyết, Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài có quyền năng làm cho người chết sống lại [ngài có thể ban sự sống].

Thật vậy, câu chuyện chữa người đàn bà băng huyết nói đến quyền năng của Chúa Giêsu có thể mang lại sự sống. Chi tiết này chuẩn bị thính giả đón nhận mà không nghi ngờ việc Chúa Giêsu cho người con gái của vị thủ lãnh trỗi dậy. Trong câu nói: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5:39). Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một định nghĩa về sự chết. Đối với Ngài, sự chết được xem như “tình trạng ngủ.” Tuy nhiên, chi tiết đáng lưu ý là “Người cầm lấy tay nó và nói: ‘Talitha kum,’ có nghĩa là: ‘Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!’ Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc” (Mc 5:41-42). Chi tiết này hoàn toàn trái ngược với việc chữa lành người đàn bà bị băng huyết: Ngài chạm đến con bé và nó được chữa lành [sống lại] – người đàn bà băng huyết chạm vào Chúa Giêsu và bà được chữa lành [sống lại]. Hai chi tiết này nói với chúng ta một điều: Chạm đến Chúa Giêsu hay được Chúa Giêsu chạm đến đều mang lại một hiệu quả, đó là ơn chữa lành, sự sống của Ngài. Nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta mệt mỏi không đủ sức để chạm đến Chúa, hãy để Chúa chạm đến chúng ta. Hãy “cho phép” Chúa Giêsu yêu chúng ta trong những khi chúng ta thất vọng, không còn “yêu Ngài đủ”!

--------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây