Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 11-B: Bài 101-115 Dụ ngôn về Nước Thiên Chúa

Thứ tư - 12/06/2024 22:38
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 11-B: Bài 101-115 Dụ ngôn về Nước Thiên Chúa
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 11-B: Bài 101-115 Dụ ngôn về Nước Thiên Chúa
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 11 TN-B: Bài 101-115 Dụ ngôn về Nước Thiên Chúa
---------------------------------
Mục Lục:

Phúc Âm: Mc 4, 26-34: 1
TN 11-B101: HẠT GIỐNG NƯỚC TRỜI LỚN MẠNH.. 1
TN 11-B102: SỨC SỐNG CỦA MẦU NHIỆM NƯỚC THIÊN CHÚA.. 4
TN 11-B103: ÂM THẦM MỌC LÊN.. 12
TN 11-B104: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA.. 14
TN 11-B105: HẠT GIỐNG TỰ PHÁT TRIỂN.. 16
TN 11-B106: CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN_B.. 19
TN 11-B107: Hạt giống Tin Mừng Nước Thiên Chúa. 21
TN 11-B108: Sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa. 22
TN 11-B109: SỨC SỐNG SIÊU NHIÊN.. 24
TN 11-B110: VUI MỪNG VÀ HY VỌNG.. 26
TN 11-B111: KIÊN NHẪN GIEO TRỒNG ĐIỀU THIỆN HẢO ĐỂ CÓ MÙA BỘI THU.. 28
TN 11-B112: BÉ NHƯNG LỚN! 32
TN 11-B113: HẠT NƯỚC TRỜI 34
TN 11-B114: LỚN LÊN BỞI CHÚA.. 38
TN 11-B115: KHỞI ĐẦU NHỎ BÉ - KẾT THÚC VĨ ĐẠI 41

------------------------------------------
 

Phúc Âm: Mc 4, 26-34:


Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.”
Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết. - Ðó là lời Chúa.
------------------------------------------

---------------------------------

 

TN 11-B101: HẠT GIỐNG NƯỚC TRỜI LỚN MẠNH


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 

Cách đây gần hai mươi năm, lần đầu tiên khi đi thăm vùng Bản Hẻo – Yên Bái, nơi có nhiều anh TN 11-B101


Cách đây gần hai mươi năm, lần đầu tiên khi đi thăm vùng Bản Hẻo – Yên Bái, nơi có nhiều anh em đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi lên thăm giáo xứ Phỉnh Hồ, trên một ngọn núi rất cao, một giáo xứ hoàn toàn là người H’mông. Đồng bào dân tộc ở đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ đạo. Cuộc sống của họ còn rất nghèo, hoang sơ. Từ trước năm 1945 các cha Thừa sai người Pháp đã bị trục xuất. Từ đó đến 50 năm sau không có một linh mục nào được phép lên núi thăm viếng hoặc dâng lễ cho họ. Vậy mà, khi lên đến nhà nguyện trên núi, chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì thấy có rất đông đồng bào đã chờ sẵn. Họ rất vui mừng khi chúng tôi ngỏ ý muốn dâng lễ tại nhà nguyện cho họ, vì đã nhiều năm chưa có lễ. Ngay lập tức, mỗi người một việc, từ lớn đến bé, cùng quét dọn, chuẩn bị bàn để cho cha làm lễ. Tôi hỏi họ: “Sao đồng bào biết có cha lên mà đến đông như vậy?” Anh Trùm trả lời: “Tối hôm qua tao đi báo cho dân làng”.Tôi hỏi: “Dân làng ở cách đây có xa không?” Anh trả lời rất đơn sơ: “Chỉ có cách đây ba ngọn núi à!”. Trong thánh lễ hôm đó, chúng tôi cứ hình dung đến đoạn Tin Mừng vừa nghe, nói về sức mạnh của Lời Chúa. Hạt giống Nước Trời được gieo trên vùng núi Tây Bắc này, bị bao nhiêu khó khăn cấm cách của chính quyền, sự cách trở về địa lý, không được chăm sóc thường xuyên. Vậy mà, Chúa vẫn làm cho hạt giống đức tin nơi đồng bào H’mông này âm thầm bén rễ, trổ sinh mạnh mẽ, lớn mạnh như cây rừng.

Các dụ ngôn nói về sự lớn mạnh của Nước Trời, không khiến chúng ta ỷ nại thụ động trong việc góp phần làm cho Nước Trời lan rộng, nhưng giúp ta thêm tin tưởng và kiên nhẫn, tích cực hơn nữa trong việc loan báo Nước Trời. Dụ ngôn thứ nhất nói đến quyền năng của Thiên Chúa sẽ làm cho hạt giống Nước Trời được nảy mầm bén rễ trên thế giới này. Bổn phận của chúng ta là người thợ, chúng ta cứ việc gieo vãi một cách quảng đại, không tiếc hạt giống, không sợ mất công. Vì Chúa sẽ làm cho hạt giống nảy mầm vào một lúc thuận lợi nhất và sinh hoa kết quả vào thời điểm tốt nhất: “Nước trời giống như người gieo giống xuống đất. Đêm hay ngày, dù người đó ngủ hay thức, hạt giống vẫn âm thầm mọc lên, sinh hoa kết quả.  Khi lúa chín, người ấy đem liềm đi gặt vì đã đến mùa”. Như vậy, dụ ngôn còn cho thấy, việc lúa nảy mầm, lớn lên và kết trái không tùy thuộc vào người gieo, mùa gặt không tùy thuộc vào người thợ. Người gieo chỉ biết gieo và người thợ chỉ biết đến mùa, đem liềm ra ruộng gặt lúa. Như vậy cũng có nghĩa rằng, việc một người thợ đi gặt lúa hôm nay, có khi không phải là những cây lúa mà anh đã gieo. Anh chẳng có công gì trong việc gieo trồng và chăm sóc, nhưng anh là người được gặt. Anh gặt hái được thành quả là do công lao của bao nhiêu người thợ âm thầm đi trước để gieo vãi. Vì thế, khi được gặt, trước hết, anh biết ơn Thiên Chúa đã cho mưa thuận gió hòa để cho cây lúa lớn lên, và cũng phải nhớ đến công lao của những người dọn đất, gieo mầm cho anh có mùa gặt hôm nay. Như thế, thái độ của người thợ gặt lúa trước hết và trên hết vẫn là thái độ khiêm tốn và biết ơn Thiên Chúa.

Hình ảnh tiên tri Edekien nói trong bài đọc một cho thấy Thiên Chúa đã muốn và Ngài làm theo ý Ngài. Ý định của Thiên Chúa thì khác xa những lý luận thông thường của con người. Vị tiên tri đã diễn tả: “Từ ngọn cây hương bá cao chót vót, ta ngắt một chồi non. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao Israel. Nó sẽ trổ cành, kết trái và thành một cây hương bá huy hoàng. Muôn chim sẽ đến nương náu dười tàn lá của nó. Ta có thể làm cho cây xanh ra khô héo và làm cho cây khô héo được xanh tươi”. Hình ảnh tiên tri Edekien đã dùng ở trên để nói lên ý muốn và quyền năng của Thiên Chúa. Ngài có thể biến những điều không thể thành có thể, Ngài làm cho những điều nhỏ bé trở thành vĩ đại. Chúa Giêsu cũng muốn diễn tả ý tưởng này qua dụ ngôn hạt cải. Chúa Giêsu so sánh: “Nước Trời giống như hạt cải được gieo xuống đất. Nó là một hạt rất nhỏ bé, nhưng nảy mầm và lớn lên, lại trở thành một cây to, xum xuê cành lá, chim trời có thể nương náu”. Chúa Giêsu cũng chính là một hạt cải được Chúa Cha gieo vào thế giới này. Xét vẻ bề ngoài, Đức Giêsu cũng chỉ là một người giống như biết bao người khác đã đến và qua đi trong vũ trụ này. Ngài đã sống một cuộc sống âm thầm bé nhỏ như hạt cải tầm thường tại gia đình Nazareth. Ba năm cuối cùng của cuộc đời, Chúa Giêsu như một cây cải vươn mình lớn mạnh và với nỗ lực rao giảng, xây dựng Nước Trời, Ngài làm cho cây cải Nước Trời bén rễ, đâm cành và trở thành một cây xum xuê. Chúa Giêsu giống như một cây cải trổ sinh nhiều cành cảm thông, nhiều lá nhân ái, nhiều quả xót thương. Từ đó đã lôi kéo được nhiều người đến nương ẩn nơi lòng thương xót và tha thứ của Chúa, nhiều người tìm đến để được an ủi và chữa lành.

Hình ảnh hạt cải Nước Trời còn là hình ảnh của Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập trên nền tảng các tông đồ. Khởi đầu từ mười hai con người mong manh yếu đuối, hèn kém trước mặt mọi người, Thiên Chúa đã trao hạt giống Nước Trời cho họ, để các ông tiếp tục gieo vãi Tin Mừng của Chúa trong niềm tin Chúa sẽ làm cho hạt giống ấy mọc lên. Quả thật, trải qua hơn hai ngàn năm, bàn tay Thiên Chúa và sự chăm sóc của Ngài không ngừng dành cho Giáo Hội, giúp Giáo Hội lớn mạnh, cành lá xum xuê và là nơi cho mọi người, mọi dân tộc tìm đến. Đặc biệt, Giáo Hội trở thành nơi và là công cụ thể hiện lòng thương xót của Chúa mà mọi người đau khổ về thể xác và tâm hồn có thể đến đón nhận. Cũng nhờ cành yêu thương và lá an ủi của Giáo Hội, mọi người được bảo vệ khỏi những cơn mưa bão của chiến tranh, hận thù, và những cơn lốc của những tư tưởng học thuyết sai lạc trong xã hội ngày nay đang tìm cách hủy hoại tâm hồn con người.

Hình ảnh hạt cải Nước Trời cũng là hình ảnh của mỗi người, mỗi gia đình. Là những gia đình Công Giáo, chúng ta mang trong mình hạt giống Nước Trời, chúng phải cộng tác với Chúa để làm cho Nước Trời được bén rễ, nảy mầm, trổ cành sinh hoa kết trái trong gia đình chúng ta. Các Cha mẹ cần phải làm cho gia đình trở thành cộng đoàn Nước Trời, tức là một cộng đoàn ngập tràn tình yêu thương, cảm thông. Kế đến, các bậc cha mẹ phải làm cho cây cải Nước Trời là gia đình mình, thực sự trở thành một tổ ấm cho con cái nương ẩn và là nơi an toàn bảo vệ con cái, khỏi những cạm bẫy của xã hội và sự xấu ngày nay. Muốn cho cây gia đình xum xuê hoa lá, trái ngon, cây gia đình cần phải được chăm sóc vun tưới bằng các việc đạo đức, các giờ kinh cầu nguyện chung của gia đình, nhất là bằng việc tham dự thánh lễ và lãnh nhận các Bí Tích.

Xã hội chúng ta đang sống bị khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Người dân không còn tin vào hàng ngũ lãnh đạo; không tin chính phủ có khả năng điều hành, bảo vệ đất nước; không tin quốc hội; không tin vào hệ thống luật pháp và tòa án; không tin công an và quân đội là lực lượng bảo vệ dân và đất nước. Nhiều người cũng không tin có sự tử tế, lòng tốt trong xã hội hôm nay. Có cả những người Công giáo không tin vào Giáo hội, nghi ngờ các vị chủ chăn… Nhìn thấy như thế để mỗi người cần phải hoán cải, canh tân, điều chỉnh lại bản thân cho đúng với Tin Mừng và đòi hỏi Nước Trời, để từ đó khôi phục lại niềm tin trong xã hội và Giáo Hội. Giáo Hội cần phải sống hành động sao để nơi Giáo Hội có lòng nhân ái thực sự, tiếng nói của Giáo Hội là tiếng nói của lương tâm và công lý, hành động của Giáo Hội nhằm bênh vực sự thật và bảo vệ kẻ khó nghèo. Như thế, Giáo Hội mới thực sự trở nên đáng tin và là cành xum xuê, nơi trú ẩn an toàn cho con người. Người Công Giáo vẫn như những hạt cải nhỏ bé trong xã hội, nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang muốn dùng chúng ta để biến đổi xã hội này tốt đẹp hơn, bằng việc mỗi người tự hoán cải biến đổi cuộc sống mình. Nhất là mỗi chúng ta phải là những cây cải cộng tác với ơn Chúa và các cơ hội Chúa ban, để sinh nhiều hoa trái tốt đẹp, đâm những cành lá khoẻ mạnh, vững chắc, cho Giáo Hội xã hội để mọi người tin tưởng nơi những người con của Chúa mỗi khi họ gặp gỡ tiếp xúc với chúng ta. Nói cách khác, chúng ta phải trở thành những con người trung thực, đáng tin, trong xã hội gian dối hôm này.

Xin Chúa cho chúng ta biết không ngừng cộng tác với Ơn Chúa, chăm sóc cho hạt cải nước Trời trong mỗi chúng ta trổ cành, sinh hoa, kết trái, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân và mọi người. Amen.

---------------------------------

 

TN 11-B102: SỨC SỐNG CỦA MẦU NHIỆM NƯỚC THIÊN CHÚA


Lm. Đan Vinh

I.  HỌC LỜI CHÚA

TIN MỪNG: Mc 4,26-34

26 Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”

30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”

33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

Ý CHÍNH:

 

Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy cho dân chúng về Nước Thiên Chúa TN 11-B102


Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy cho dân chúng về Nước Thiên Chúa mà Người sắp thiết lập. Cụ thể trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đưa ra hai dụ ngôn để diễn tả về sự hình thành và phát triển của Nước Thiên Chúa: Một là dụ ngôn về hạt lúa. Ban đầu hạt lúa được người nông dân gieo trên ruộng đất rồi sau đó, hạt lúa tự mọc lên thành cây lúa và tới mùa ra bông kết trái được nhiều bông hạt. Hai là dụ ngôn về hạt cải: hạt cải tuy nhỏ bé nhất trong các hạt, nhưng sau một thời gian nó sẽ trở thành một cây cải cao lớn nhất, đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ dưới bóng của nó.

CHÚ THÍCH:
 – C 26-29: + Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện của một người vãi hạt giống xuống đất: Dụ ngôn không ví Nước Thiên Chúa với người nông dân, mà muốn so sánh với việc gieo hạt lúa của người nông dân để diễn tả về sức tăng trưởng của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập cũng có sức tăng trưởng âm thầm giống như những gì xảy ra cho cây lúa tự lớn lên và sinh hoa kết quả khi đến mùa gặt.

** Ý nghĩa dụ ngôn hạt giống Lời Chúa: Đức Giê-su công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần bên. Người ví hạt lúa giống như Lời Chúa. Hạt giống vốn có sức mạnh vô địch, mà khi đã được gieo vào lòng người thì sẽ vào trong tâm trí và con tim để biến đổi lòng họ. Hoa trái không lệ thuộc vào người gieo giống hay vào công việc rao giảng, nhưng lệ thuộc vào sức mạnh mà hạt giống tự thân có trong nó. Chúng ta chỉ cần gieo Lời Chúa trên mảnh đất là những người được Chúa giao phó cho chúng ta, rồi kiên nhẫn chờ đợi tới lúc hạt giống đó phát sinh hoa trái dồi dào.

– C 30-32: + Hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”:  Dụ ngôn thứ hai là hạt cải, cho thấy sức mạnh vô song của Nước Thiên Chúa và nhắm tới kết quả cuối cùng. Tác giả diến tả hai giai đoạn tăng trưởng của hạt cải: Ban đầu khi Tin Mừng mới được rao giảng thì Nước Thiên Chúa nhỏ bé như một hạt cải, nhưng sau đó nó sẽ dần lớn lên để trở thành một cây cải to lớn, có khả năng đón nhận chim chóc ám chỉ các dân tộc bay đến làm tổ trên cành của nó. Mặc dầu giai đoạn đầu của Nước Thiên Chúa là Hội thánh nhỏ bé, nhưng Tin Mừng vẫn phải được loan báo đến mọi dân tộc. Trước khi Con Người quang lâm, sẽ có nhiều cuộc bách hại và những cơn thử thách xảy ra cho các tín hữu. Trong cơn hoạn nạn đó, dụ ngôn hạt cải này sẽ giúp các tín hữu thêm lòng tin cậy vào quyền năng của Chúa và tin vào chiến thắng cuối cùng của Nước Thiên Chúa.

– C 33-34: + Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ: Cả hai dụ ngôn Hạt Lúa và Hạt Cải đều mời gọi các tín hữu chúng ta ý thức nhiệm vụ phải góp phần vào sứ vụ cứu rỗi nhân loại của Đức Giê-su để Nước Thiên Chúa được mau hiển trị.

CÂU HỎI: 1) Hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa được trình bày trong bài Tin Mừng là hai dụ ngôn nào? 2) Hai dụ ngôn ấy giống và khác nhau ra sao ?
II.  SỐNG LỜI CHÚA

LỜI CHÚA: Nước Thiên Chúa giống như hạt cải […] khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng (Mc 4,31-32).
CÂU CHUYỆN:
1) SỰ SỐNG BẮT NGUỒN TỪ THIÊN CHÚA:

Một hôm một ông giáo sư sinh học cầm một hạt lúa giống trong tay ngắm nghiá, và suy nghĩ: “Tôi biết chính xác các chất cấu tạo nên hạt lúa này. Nó gồm có Nitro, hidro, và carbon. Tôi biết rõ tỉ lệ từng đơn chất trong nó. Tôi có thể làm ra một hạt lúa giống y như thế. Nhưng khi tôi gieo hạt lúa do tôi làm ra xuống đất tôi không thấy nó nảy mầm và mọc lên thành cây! Sau một thời gian các chất cấu tạo nên nó bị tan biến hết. Ngược lại khi tôi gieo một hạt lúa tự nhiên. Tôi thấy nó nẩy mầm và mọc lên thành một cây lúa khoẻ mạnh. Tại sao lại có sự khác biệt đó? Tai sao hạt giống do tôi tạo ra đã không mang lại kết quả, còn hạt giống tự nhiên thì lại có kết quả thật kỳ diệu: Nó nảy mầm thành cây lúa rồi lớn lên, tới mùa phát sinh ra bông lúa nặng trĩu các hạt lúa! Tại sao vậy?

Thưa bởi vì trong hạt lúa tự nhiên có một nguyên lý bí mật mà người ta gọi là “nguyên lý của sự sống”. Điều này cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa hạt giống do con người làm ra với hạt giống thiên nhiên do Thiên Chúa sáng tạo. Đó gọi là nguyên lý của sự sống.

2) HÃY GIEO NHỮNG LỜI KHEN THÀNH THẬT: 

MAL-COLM DOL-KOFF là một nhà văn nổi tiếng đã viết nhiều chuyện ngắn. Khi còn bé, cậu có tính nhút nhát, dễ bị tổn thương nên ít khi giao tiếp với chúng bạn và thường hay lủi thủi một mình. Một lần, cô giáo đọc cho cả lớp một đoạn truyện ngắn. Loài vật là bạn thân của con người, sau đó phân công mỗi học sinh tự viết đoạn kết cho câu chuyện. Dol-koff thích lắm, ngay chiều hôm ấy cậu đã hoàn thành bài viết của mình. Nhưng mãi cậu mới có đủ tự tin đem nộp truyện của mình cho cô giáo vào buổi học tuần sau.

Những gì cậu viết cũng như điểm số mà cô giáo vẫn không có giá trị bằng mấy lời khen của cô giáo: “Em viết hay lắm!” Chính những lời khen đó đã làm thay đổi cuộc đời cậu bé. Sau lời khen của cô giáo, cậu bé đã chạy nhanh về nhà, phấn khởi bắt tay vào việc viết một câu truyện ngắn mà cậu đã từng nghĩ tới mà không dám viết. Cậu viết ngày càng nhiều hơn và cứ xong được một truyện nào là cậu lại mang tới cho cô giáo nhận xét.

Nhiều năm trôi qua, Mal-colm Dal-koff đã trở thành một nhà văn nổi tiếng. Cậu trở về thăm trường cũ và thăm lại cô giáo ngày xưa của mình. Điều cậu phải cảm ơn cô là nhờ những lời khen của cô “Em viết hay lắm!” Chính những lời ấy đã động viên và biến đổi cuộc đời của cậu.

Có những lời nói, cử chỉ tưởng như vô tình lại trở thành nguyên nhân thay đổi cho cả một đời người. Biết bao con cái rơi vào sự tự ti mặc cảm khi cha mẹ vô tình lặp lại lời chê trách đối với con. Biết bao con người trở thành hung dữ khi cha mẹ luôn gieo vào tâm trí trẻ thơ những lời nói việc làm chất chứa đầy hiềm khích, bất công. Và ngược lại, biết bao con người đã tránh được sự tự ti mặc cảm để can đảm bước vào đời, nhờ được người thân khích lệ. Những lời khen của ta sẽ âm thầm gieo vào lòng tha nhân có thể biến đổi họ ngày một lớn lên về nhân cách.

Cha ông ta vẫn thường nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đừng dùng lời nói làm đau lòng người khác, kết án anh em. Hãy trao tặng cho nhau những lời chân tình yêu thương. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta gieo vãi Lời Chúa. Nếu hôm nay chúng ta không gieo Lời Chúa thì làm sao có được cánh đồng bội thu sau này?

3) HẠT GIỐNG TIN MỪNG LUÔN TỒN TẠI VÀ CÓ NGÀY HỒI SINH:

Một hôm, cha PE-TIT JEAN đến giảng đạo tại NA-GA-SA-KI cho một số người Nhật.  Nghĩ rằng họ đều là người bên lương nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi họ :

– Anh em có thắc mắc gì không ?

Một người giơ tay xin đặt câu hỏi :

– Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không ? Câu hỏi thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ Đồng trinh không ?

– Có.

Câu hỏi thứ hai : các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không ?

– Có.

Câu hỏi thứ ba : Là Linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không ?

– Có.

– Vậy thì mấy trăm người chúng tôi với ông là đồng đạo. Chúng tôi đây đều là người Công giáo.

Cha Petit jean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau.  Nhà truyền giáo hỏi :

– Bấy lâu nay, có ai giảng dạy cho các anh không ?

– Thưa cha, không có ai trong suốt hai thế kỷ qua ! Ban đầu ông bà tổ tiên của chúng con đã tin đạo và truyền lại, rồi chúng con cứ âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.  Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ chúng con:  Sau này có ai đến giảng đạo thì hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận biết họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội thánh sai đến hay không.

Giáo hội Nhật bản đã hồi sinh như thế đó.

4) CHÚA LUÔN CẦN CHÚNG TA CỘNG TÁC:

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đang đứng bán ở quày hàng này.

Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?

Chúa trả lời: Ta bán mọi điều con mong ước.

Chị liền nói một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa…

Chúa mỉm cười và nói: Con thân mến. Ở đây, Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt giống để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa giống như người nông dân gieo hạt lúa xuống đất. Hạt giống âm thầm nẩy mầm, phát triển và phát sinh bông hạt. Cũng vậy, hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng thế giới và gieo vào lòng mỗi người cũng sẽ nảy mầm và phát sinh ra nhiều hoa trái tốt lành. Nước Thiên Chúa là vương quốc của tình yêu, của sự thật cũng không ngừng tăng trưởng theo thời gian lịch sử nhân loại. Không ai có thể ngăn cản được sự phát triển của Nước Thiên Chúa.

SUY NIỆM:
Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về Nước Thiên Chúa giống như hạt lúa được gieo xuống đất, rồi âm thầm mọc lên theo luật thiên nhiên, và như một hạt cải ban đầu nhỏ bé nhưng sau đó lớn lên thành cây cải to lớn đến nỗi “chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

1) Nước Thiên Chúa giống như hạt giống: Các tín hữu cần phải biết kiên nhẫn. Ðừng đòi nhìn thấy sự tăng trưởng trước mắt, nhưng cứ làm hết sức mình rồi chờ tới mùa gặt là ngày tận thế. Bấy giờ Thiên Chúa sẽ sai các thiên thần đi gặt hái: Lúa thóc ám chỉ các người lành thánh sẽ được hưởng hạnh phúc trong kho lẫm là Thiên đàng. Còn cỏ dại ám chỉ các kẻ làm điều gian ác sẽ bị thiêu cháy trong lửa hỏa ngục muôn đời. Trong thời gian chờ đợi này, mỗi người chúng ta cần chu toàn bổn phận xây dựng Nước Thiên Chúa, bằng việc sống giới răn yêu thương và thực thi công bình bác ái theo gương sáng và lời dạy của Đức Giê-su.

2) Nước Thiên Chúa giống như hạt cải: Các tín hữu chúng ta cần góp phần vào sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày, năng cầu nguyện và thực hành bác ái phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ Chúa đang hiện thân trong những người đau khổ bệnh tật và bị bỏ rơi… Những hạt giống việc lành ấy sẽ góp phần làm tăng trưởng Hội thánh ngày một lớn lên theo thánh ý Chúa.

Như những hạt cải nhỏ bé, phải biết tự hủy mới mọc thành cây và lớn lên, các tín hữu cũng phải tập mỗi ngày chết đi cho các ý riêng ích kỷ và tự mãn, cho các đam mê nhục dục thấp hèn, cho các thói hư tật xấu của mình… Mỗi khi gặp sự chống đối hay thất bại, thay vì nản lòng thoái lui, chúng ta cần xác tín rằng: Nếu chúng ta biết sống khiêm tốn nhỏ bé, âm thầm cầu nguyện và can đảm dấn thân kèm theo sự tín thác cậy trông vào ơn Chúa giúp… chắc chắn việc tông đồ của chúng ta sẽ đạt kết quả đúng theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

3) Mô hình tăng trưởng của Giáo Hội Hàn Quốc:

Theo linh mục Pi-e-ro Ghed-do, thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Mi-la-no: “Trong suốt 50 năm qua có lẽ đã không có quốc gia nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo như Hàn Quốc. Sự phát triển mạnh mẽ này cũng xảy ra đối với Kitô giáo nữa. Thật thế, từ năm 1960 đến năm 2010, dân số Hàn Quốc từ 23 triệu đã tăng lên 48 triệu người. Lợi tức bình quân tính trên đầu người gia tăng từ 1.300 USD lên 19.500 USD hằng năm. Số Kitô hữu từ 2% tăng lên 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu Công giáo, tức khoảng 5,4 triệu. Số linh mục từ 250 lên đến 5.000”. (Nhật báo Avvenire (Tương lai), cơ quan ngôn luận chính thức của Hội đồng Giám mục Italia số ra ngày 8-4-2012).

Với 5.000 linh mục hiện nay, tính bình quân, mỗi vị coi sóc 1.100 tín hữu. Hồi năm 2008, số tín hữu Công giáo đã vượt 10% tổng số dân Hàn Quốc và gia tăng 3% mỗi năm.

Theo thống kê của Giáo Hội năm 2009, số người lãnh nhận bí tích Rửa tội đã là 159.000, và đã có 149 phó tế được thụ phong linh mục, tức gia tăng 21 vị so với năm 2008. Trong năm 2009 có 69% người Hàn Quốc thuộc lứa tuổi 23 tới 40. Điều này cho thấy người dân Hàn Quốc rất trẻ trung và tràn đầy sức sống.

Đức Hồng y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng Giám mục thủ đô Seoul, cho biết trong 10 năm qua, số tín hữu Công giáo Hàn Quốc đã gia tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu, khiến cho Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội tiến triển mạnh nhất châu Á. Tại Hàn Quốc, quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn tôn trọng.

Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang sống chương trình gọi là “Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, có nghĩa là mọi tín hữu trong Giáo Hội phải dấn thân truyền giáo làm sao để vào năm 2020, số tín hữu Công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Hàn Quốc, nghĩa là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay để lên 10 triệu.

Loan báo Tin Mừng là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Đức Giê-su đã sống, là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13), noi gương Đức Giê-su đã yêu thương chúng ta và đã phó nộp mình vì chúng ta (x. Gl 2,20).

4) Tích cực góp phần làm phát triển Nước Thiên Chúa:       

– Mỗi ngày hãy năng đọc Kinh Lạy Cha với tâm tình sốt sắng, cầu xin cho Nước Cha mau trị đến nơi những anh chị em lương dân đang sống gần bên chúng ta.

– Trong cuộc sống đời thường, mỗi ngày chúng ta hãy gieo ít nhất một lời khen thành thật, làm ít nhất một việc bác ái cụ thể phục vụ tha nhân nên cạnh. Những lời nói việc làm ấy giống như những hạt giống sẽ ân thầm mọc lên và có sức biến đổi lòng người nên tốt mà ta không ngờ.

– Hãy ý thức rằng: Nước Thiên Chúa vẫn có thể lớn lên trong những người lương chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, nhưng luôn theo lương tâm ăn ở ngay lành, hoặc đã vô tình nhìn thấy gương lành của các tín hữu như lời Chúa phán: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Vậy trong những ngày này mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để gieo hạt giống Tin Mừng giúp anh em lương dân nhận biết tin yêu Chúa?

THẢO LUẬN:

Khi làm việc tông đồ mà gặp chống đối hay thất bại, chúng ta cần phải làm gì noi gương Đức Giê-su?

LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha Toàn Năng, xin cho chúng con biết tin tưởng và phó thác vào quyền năng yêu thương và quan phòng của Cha trong công cuộc tông đồ. Dù chúng con chỉ làm được các việc nhỏ bé tầm thường, nhưng chúng con tin rằng: Chính Cha sẽ làm cho các việc nhỏ bé tầm thường ấy phát sinh hiệu quả lớn lao cho Hội Thánh. Lạy Cha, xin cho chúng con biết chu toàn sứ mệnh gieo Lời Cha khi tiếp xúc với tha nhân dù thuận lợi hay không thuận lợi, vì tin vào quyền năng và tình thương của Cha sẽ hoàn tất những gì còn thiếu sót nơi chúng con, như lời thánh Phao-lô: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6).

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

---------------------------------

 

TN 11-B103: ÂM THẦM MỌC LÊN


Lm. Giuse Nguyễn

 

Một Linh mục kia khi ra trường về làm phó xứ cho một cha xứ đã lớn tuổi. Lần nọ cha phó xin TN 11-B103


Một Linh mục kia khi ra trường về làm phó xứ cho một cha xứ đã lớn tuổi. Lần nọ cha phó xin cha xứ tổ chức buổi tĩnh tâm cho giới gia trưởng nhân dịp bổn mạng. Cha xứ trả lời chẳng ai đi đâu, nhưng nếu muốn cha cứ việc làm. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cha quyết định làm. Và đúng như vậy, hẹn 6 giờ chiều, nhưng mãi đến 7 giờ tối mới được 10 người tham dự, nhưng cha phó vẫn quyết định làm. Tối hôm đó cha giảng về đề tài vác thập giá theo Đức Kitô. 20 năm sau khi cha đã chuyển đến một xứ khác, một hôm có người gọi điện đến nhà xứ xin xức dầu cho bệnh nhân tại bệnh viện. Sau khi xức dầu cho bà vợ, vị linh mục gặp ông chồng để động viện, thăm hỏi. Ngài nói: “Bà nhà đau nhiều chắc ông vất vả lắm!” Ông già nhìn cha một cách trìu mến: “Chắc cha quên con rồi, con là 1 trong 10 gia trưởng mà 20 năm trước cha đã giảng tĩnh tâm cho chúng con về đề tài vác thập giá theo Đức Kitô. Nhờ bài giảng của cha mà con rất vui lòng để chăm sóc cho bà nhà con suốt thời gian qua, vì con được vác thập giá với Đức Kitô”. Vị linh mục không thể ngờ bài giảng của mình có người nhớ và thực hành như vậy, càng không thể tưởng việc làm của Chúa âm thầm nhưng hiệu quả như thế. Phụng vụ lời Chúa hôm nay càng cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Khi dân Israel bị lưu đày bên Babylon, Thiên Chúa hứa sẽ chặt bỏ cây hương nam vĩ đại để cho chồi non khác mọc lên. Cây hương nam đó là vua Nabucodonosor đang thống trị dân Israel. Và chồi non đó chính là dân Israel của Chúa. Qua đó cho thấy hành động của Chúa không giống suy nghĩ của con người: “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi” (Êd 17, 24b). Thiên Chúa quả quyết: “Ta đã phán là Ta thực hiện”.

Ngài đã thực hiện nơi chính Đức Giêsu Kitô, Con Một Ngài qua việc hạ cố làm người, từ một vì Thiên Chúa trở nên giống hệt con người chỉ trừ tội lỗi. Ngài đã thực hiện hoạch định cứu độ của Thiên Chúa không bằng mưu đồ quân sự hoặc chính sách của chính trị gia, nhưng bằng con đường thập giá. Đó là điều nhân loại không thể ngờ. Con đường này không hề vội vàng, hấp tấp nhưng tiệm tiến và vẫn còn đang thực hiện cho đến ngày tận thế. Thiên Chúa vẫn âm thầm chờ đợi những kết quả dù rất bé nhỏ.

Hôm nay chính Ngài đã dùng những dụ ngôn để nói về sự hình thành, phát triển của Nước Thiên Chúa không ai có thể ngờ tới: “Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4, 27).Đồng thời cũng cho thấy sức mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa, tuy bé nhỏ, âm thầm nhưng rất lớn lao, mạnh mẽ: “Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ” (Mc 4, 31).

Nước Thiên Chúa khởi sự từ một anh thợ mộc nghèo ở làng quê Nazaret. Nước đó được tiếp nối bởi nhóm 12 bé nhỏ, ít học… Theo dòng thời gian từ năm I công nguyên cho đến hôm nay, năm 2018, Nước Thiên Chúa đã lan rộng khắp nơi trên toàn thế giới. Chúng ta không nhìn để tự hào về sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa, hoặc tự mãn về sự bành trướng của Nước Trời, nhưng để chúng ta tin tưởng và cám ơn Chúa vì mình là thành viên trong Nước đó. Kế đến tin tưởng và cậy trông vào hạnh phúc lớn lao mà chúng ta sẽ có được trong ngày sau hết.

Sự âm thầm của Nước Thiên Chúa còn là thực tế của mỗi cộng đoàn, nhất là cộng đoàn giáo xứ chúng ta. Ngược dòng thời gian để thấy sự hình thành của mỗi giáo xứ khởi đầu từ những nhóm giáo dân rất ít ỏi, từ những sự thiếu thốn trăm bề về vật chất… nhưng cho đến ngày nay những giáo xứ đã ổn định và đang phát triển. Đó là dấu chỉ cho thấy sự âm thầm của Nước Chúa.

Sự âm thầm của Nước Thiên Chúa còn thể hiện nơi những việc tốt chúng ta làm, nhiều khi không có kết quả ngay trước mắt, nhưng như Phaolô nói: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới cho mọc lên” (1Cr 3, 6). Chúng ta cứ kiên trì gieo vãi điều tốt, nếu chúng ta không gặt, thì người khác gặt.

Giáo hội Việt Nam chuẩn bị khai mạc năm thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam vào ngày 19/06 để kỷ niệm 30 năm tuyên thánh cho các ngài. Sự kiện đó nhắc nhở cho mỗi người chúng ta hãy can đảm sống đức tin dù gặp rất nhiều những khó khăn thử thách nhất là trong thời đại hôm nay, vì chúng ta tin chắc rằng những nổ lực của chúng ta sẽ có kết quả. Đồng thời cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta lo vun trồng đức tin cho thế hệ tương lai vì chúng ta đã nhận nhưng không thì cũng phải biết cho cách nhưng không.

Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn hãy bỏ qua những chuyện lặt vặt trong các mối tương quan để lo vun đắp cho điều chính yếu là đức tin của chúng ta và của cộng đoàn mình. Khi bị chi phối bởi những chuyện lặt vặt như giận hờn, ghen ghét, trách móc xoi mói, hiềm khích nhau là chúng ta đang bị ma quỷ như con sâu đang đục khoét thân cây đức tin của chúng ta. “Ai bền đổ đến cùng sẽ được ơn cứu độ”.

Xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con biết trung thành sống đạo và quảng đại thực thi tình bác ái để hoa trái đức tin sẽ trổ sinh qua đời sống phượng tự, yêu thương, bác ái của cộng đoàn chúng con.

---------------------------------

 

TN 11-B104: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA


Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ed 17:22-24;  2 Cr 5:6-10;  Mc 4:26-34)

 

Tuần trước, Lời Chúa đã nói với chúng ta về sự đối nghịch giữa tinh thần của Chúa và tinh thần TN 11-B104


Tuần trước, Lời Chúa đã nói với chúng ta về sự đối nghịch giữa tinh thần của Chúa và tinh thần của thế gian.  Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa trình bày sự đối nghịch ấy trong một lãnh vực khác, đó là trong sự phát triển của Nước Thiên Chúa.  Khi nói đến sự phát triển của Nước Thiên Chúa là một vương quốc thiêng liêng và vô hình giữa nhân loại cũng như trong tâm hồn mỗi người chúng ta, Kinh Thánh đã dùng những hình ảnh cụ thể để so sánh.  Ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả sự phát triển ấy qua hình ảnh Thiên Chúa lấy một chồi non để trồng thành cây hương bá cao chót vót.  Chúa Giê-su thì dùng dụ ngôn hạt lúa và hạt cải để nói lên mức độ tăng trưởng của Nước Thiên Chúa.  Sau cùng, thánh Phao-lô chia sẻ với chúng ta cách phải sống thế nào để có thể từ Nước Chúa trên trần gian, chúng ta bước vào Nước vĩnh cửu của Thiên Chúa trên trời.

          Nước Ít-ra-en được coi là hình ảnh báo trước của Nước Thiên Chúa.  Khi tuyển chọn Ít-ra-en từ một dân tộc khác, Thiên Chúa mong nhìn thấy một vương quốc thiêng liêng được phát triển mạnh mẽ khi muôn người đều tuân giữ lề luật của Người là Mười giới răn.  Tuy nhiên Ít-ra-en vẫn không sao phát triển được, mặc dù Thiên Chúa đã nhiều lần sai các vị ngôn sứ tới để nhắc nhở con cái Ít-ra-en trung thành với Người.  Chính khi Ít-ra-en suy tàn là lúc Thiên Chúa hứa sẽ thiết lập vương quốc của Người “trên đỉnh núi cao vòi vọi” và “trên núi cao của Ít-ra-en”.  Vậy Thiên Chúa thiết lập nước ấy như thế nào?  Ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả như sau:  “Từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non;  chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi”.  Quả thực là một hình ảnh ý nghĩa sâu xa.  Chồi non mà ngôn sứ nhắc đến ở đây ám chỉ Chúa Giê-su xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.  Thực vậy, “chồi non” Giê-su đã được Thiên Chúa đem “trồng” trong thế gian để phát triển “thành một cây hương bá huy hoàng” sẽ trổ cành kết trái và chim muông đến ẩn thân dưới bóng lá cành.

          Chúa Giê-su được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian để thi hành sứ mệnh thiết lập Nước Thiên Chúa tại thế.  Đây là vương quốc thiêng liêng, là chính Chúa Giê-su cùng với giáo lý và lối sống của Người.  Khác với một vương quốc trần thế phát triển qua việc dân giàu nước mạnh, cùng với lực lượng quân sự mạnh mẽ, Nước Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta được phát triển qua những giá trị của đức tin và đời sống luân lý.  Sự phát triển này được đo lường bằng ảnh hưởng của Chúa Giê-su đối với chúng ta.  Hoặc nói theo cách diễn tả của thánh Phao-lô, nếu chúng ta càng “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô” thì Nước Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta càng phát triển.  Lời giảng, việc làm và lối sống của Chúa Giê-su là mẫu mực cho việc phát triển vương quốc thiêng liêng lan tràn trên thế giới cũng như trong tâm hồn những ai đón nhận và sống Tin Mừng.  Khi chúng ta sống đức tin và thực hành lối sống theo Thần Khí của Đức Ki-tô là chúng ta giúp thực hiện sự phát triển của Nước Chúa trong tâm hồn và trong thế giới.

          Để diễn tả hình ảnh sống động về sự phát triển Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su kể hai dụ ngôn:  hạt lúa và hạt cải.  Đó là những loại hạt giống nhỏ (lúa) và cực nhỏ (hạt cải).  Vậy mà sau khi được gieo xuống đất, hạt lúa thì mọc thành cây, rồi “trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt”;  còn hạt cải thì “mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.  Tầm vóc phát triển của Nước Thiên Chúa không thể đo lường nổi.  Cứ so sánh hạt lúa ban đầu với cả trăm hạt lúa được sản xuất từ hạt lúa đầu tiên ấy, hoặc so sánh hạt cải nhỏ xíu với cây cải từ hạt cải đó mọc lên “lớn hơn mọi thứ rau cỏ”, thì chúng ta nhận ra được nghịch lý về sự phát triển của Nước Thiên Chúa.

          Sự phát triển của Nước Thiên Chúa là một thực tại rõ ràng, nhưng chúng ta không thể quan sát được bằng mắt.  Chỉ biết rằng chính quyền năng và ân sủng Thiên Chúa đã hoạt động để giúp cho hạt giống đức tin nảy nở và lớn lên trong tâm hồn chúng ta.  Về quyền năng Thiên Chúa, ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói:  “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp.  Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô được xanh tươi.  Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Nếu Nước Thiên Chúa là một thực tại thiêng liêng hiện diện trong tâm hồn chúng ta thì chúng ta phải sống thế nào để duy trì và phát triển thực tại ấy?  Thánh Phao-lô cho chúng ta một bí quyết:  “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa”.  Nói khác đi, ngài dạy rằng chúng ta dù sống hay chết, lý tưởng sống của chúng ta luôn luôn là “làm đẹp lòng Thiên Chúa”.  Chúa gieo hạt giống Nước Thiên Chúa vào tâm hồn chúng ta và Người mong mỏi hạt lúa hoặc hạt cải ấy phát triển thành bông lúa trĩu hạt hay cây cải to lớn.  Dĩ nhiên Chúa là tác nhân chính làm cho Nước Thiên Chúa phát triển trong chúng ta, nhưng Người cũng dành cho chúng ta phần cộng tác với Người nữa.  Cộng tác để giúp cho Nước Thiên Chúa được phát triển nơi chúng ta cũng đồng nghĩa với việc nên thánh.  “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mát-thêu 5:48).

---------------------------------

 

TN 11-B105: HẠT GIỐNG TỰ PHÁT TRIỂN


JM. Lam Thy

 

Suy niệm Lời Chúa ngày hôm nay (CN XI/TN-B) thấy tinh thần thật phấn khởi và hy vọng. Bài TN 11-B105


Suy niệm Lời Chúa ngày hôm nay (CN XI/TN-B) thấy tinh thần thật phấn khởi và hy vọng. Bài đọc 1 (Ed 17, 22-24) trình thuật việc Đức Chúa lấy một chồi non từ ngọn cây hương bá đem trồng trên đỉnh núi cao của It-ra-en, “Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng” (Ed 17, 23). Nghe tên cây “hương bá” tự nhiên nảy sinh thắc mắc, không hiểu đó là cây gì? Tra tìm nguồn gốc mới biết đó là cây “bá hương”  ( ); từ Hán Việt “bá” ( ) còn một âm nữa là “bách” nên cây này còn gọi là “bách hương” (một trăm mùi hương, ý nói cây có nhiều hương thơm). Theo tiếng Hê-bơ-rơ, “cây bá hương” là erez. Cựu Ước cho biết các dân tộc vùng Trung Đông đã biết đánh giá cao gỗ bá hương và họ sử dụng gỗ nầy cho các công trình kiến trúc như cung điện, đền đài, nhà cửa (1V 7, 1-8; 10, 27; Hc 24, 13; 1Sm 7, 1-3; Ds 19, 6; Lv 14, 5; Is 41, 19…).

Từ ngọn cây bá hương cao chót vót, Đức Chúa ngắt một chồi non đem trồng trên đỉnh núi cao của It-ra-en. Chồi non phát triển thành một cây bá hương huy hoàng. Nhờ vậy, tất cả cây cối sẽ nhận biết Đức Chúa. Tới đây thì ngụ ý của dụ ngôn đã rõ ràng: Câu “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.” trong Cựu Ước (Ed 17, 24) đã thành hiện thực ở Tân Ước. Đó chính là câu “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, Người giàu có lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1, 52-53) trong “Bài ca Ngợi khen” (Lc 1, 46-56). Như vậy thì “cây bá hương huy hoàng” (Ed 17, 23) đích thị là Đức Giê-su Ki-tô.

Bài đọc 2 trích Thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô (2Cr 5, 6-10) nói đến vấn đề “lìa bỏ thân xác” (từ bỏ chính mình) để được ở bên Chúa Ki-tô. Liên hệ đến bài đọc 1 sẽ thấy việc “lìa bỏ thân xác” chính là việc lìa bỏ cây cối trong vườn (“những chồi non được ngắt ra từ cây bá hương” trồng trong vùng đất được tuyển chọn It-ra-en) để trổ sinh những cây khác (đem trồng khắp trên trái đất). Cuối cùng “tất cả chúng ta – tất cả những cây cối trong “vườn cây của Đức Chúa” – đều phải được “đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô. để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.” (2Cr 5, 10). Nói cách khác, đó là công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Cuối cùng, Đức Ki-tô sẽ tính sổ (thưởng công, luận tội) tất cả các cây cối (những Ki-tô hữu) vào ngày cánh chung.

Tới bài Tin Mừng (Mc 4, 26-34), thánh sử Mac-cô  trình thuật 2 dụ ngôn Đức Giê-su nói về Nước Thiên Chúa, đó là “Hạt giống tự mọc lên” và “Hạt cải”. Người đã dùng cách “nói ví” (dụ ngôn) như chính Người đặt câu hỏi: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?” (Mc 4, 30). Trong dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên”, Đức Giê-su nói hạt giống được một người gieo xuống đất sẽ tự động mọc lên và nhờ đất sinh màu mỡ, cây lúa sẽ đơm bông kết trái. Tới khi “Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” (Mc 4, 29). Có một điều rất đáng lưu ý là “người gieo giống” chỉ việc gieo hạt giống xuống đất, sau đó thì “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.” (Mc 4, 27-28). Cuối cùng chỉ việc mang liềm hái ra gặt.

Mới đọc thoáng qua dụ ngôn này thì thấy có vẻ không ổn, vì người gieo giống ở đây chỉ việc gieo và gặt, còn hạt giống có mọc lên và trổ sinh hoa trái hay không thì… không cần biết. Hạt giống hoàn toàn “tự lực cánh sinh”, tự phát triển! Một vấn nạn nảy sinh: Thế ngộ lỡ hạt giống được gieo xuống vệ đường, trên sỏi đá, vào bụi gai như dụ ngôn “Người gieo giống” (Mc 4, 3-8) thì sao? Quả là khó trả lời cho vấn nạn này. Có thể thực tế, với hạt lúa thật được gieo vào những vị trí như trên thì sẽ không thể tự phát triển được. Tuy nhiên, cũng trên thực tế, không có người gieo giống nào lại đi gieo vào những nơi như vậy; đồng thời nếu là nhà nông thực sự thì cũng chẳng ai đi gieo hạt giống xuống ruộng rồi thì bỏ mặc nó tự sinh trưởng, không thèm chăm nom bón phân tưới nước; chỉ chờ tới ngày thu hoạch rồi cứ ung dung mang liềm hái ra gặt.

Vấn đề đặt ra ở đây là Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn dạy dỗ môn đệ. Người lấy việc gieo giống ví ngầm (ẩn dụ) với một vấn đề siêu linh là Nước Thiên Chúa, nếu chịu khó suy niệm, thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay. Đã gọi là hạt giống (thứ nhất đây lại là hạt giống Đức Tin) tất nhiên phải là những hạt đã được chọn lọc và có thể được gieo trong nhiều môi trường khác nhau, nếu gặp được vùng đất màu mỡ thì khỏi nói, nhưng nếu gặp phải những môi trường khắc nghiệt như nêu trên (“bên vệ đường”, “trên sỏi đá”, “trong bụi gai”… – Mc 4, 3-8), thì phải hiểu và tin rằng chính những hạt giống ấy chết đi sẽ trở nên phân bón tuyệt hảo cho môi trường thêm màu mỡ giúp cho những hạt giống mới sẽ tự phát triển, trổ sinh hoa trái một cách phi thường.

Người gieo giống duy nhất chỉ có thể là Đức Giê-su Ki-tô và những hạt giống tiên khởi đã được gieo xuống vùng đất có đủ cả những yếu tố như trong dụ ngôn “Người gieo giống”. Với 12 hạt giống đầu tiên tuy được chọn lọc nhưng cũng vẫn còn 1 hạt hư hỏng. Số còn lại đã thật sự trở nên đồng hình đồng dạng với Người Gieo Giống, cũng phải sống trong một môi trường khắc nghiệt và đã “chết đi” để trở nên phân bón xúc tác tuỵêt hảo cho môi trường, đồng thời “sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Môi trường đó chính là cánh đồng Truyền Giáo. Xin đơn cử ngay trên cánh đồng Truyền Giáo Việt Nam cách đây 5 thế kỷ. Suốt một quá trình gieo giống ba trăm năm đã có tới 130.000 hạt giống “chết đi” (bị giết hại). Bị giết hại nhưng không bị huỷ hoại vì chính những hạt giống ấy lại làm cho cánh đồng Việt Nam thêm màu mỡ và trổ sinh biết bao nhiêu hạt giống tốt lành khác, để cánh đồng Truyền Giáo Việt Nam phát triển đầy hoa trái như ngày nay.

Cánh đồng Truyền Giáo của Giáo hội toàn cầu cũng vậy, đã từ một vùng đất nhỏ (It-ra-en) và chỉ với 12 hạt giống đầu tiên (11 Tông đồ gồm các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. – Cv 1, 13; cộng với Ma-thi-a đã được chọn thay thế Giu-đa It-ca-ri-ốt – Cv 1, 23-26; tổng cộng 12 người) mà đã phát triển khắp năm châu bốn biển với hàng tỷ hạt như ngày nay. Cả 2 dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên” và “Hạt cải” tuy có vẻ trái ngược với tự nhiên và xã hội loài người (chẳng có nhà nông nào gieo giống mà chẳng cần biết lúa mọc và sinh hoa kết trái ra sao, chuyện chim làm tổ dưới cành lá cây cải là chuỵên quá hiếm hoi, ít có trên thực tế). Tuy nhiên, những chi tiết đi ngược lại với thường tình thế sự lại làm nổi bật chân lý: Sự phát triển của Nước Trời tuy rất cần con người đóng góp sức lực, nhưng thành quả chủ yếu lại do quyền năng vô hạn của Thiên Chúa. Thực tại Giáo hội đã là một minh chứng hùng hồn cho lập luận này.

Nước Trời – Vương quốc Tình Yêu và Chân Lý – luôn tăng trưởng cả về lượng lẫn về chất. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn được, kể cả quyền lực tử thần cũng không làm gì nổi. Ấy cũng bởi vì chính Thiên Chúa thực hiện công trình xây dựng Nước Trời vô cùng vĩ đại và cao sang đó. Tuy vậy, Thiên Chúa Tình Yêu lại muốn dành phần vinh dự cho con cái của Người được đóng góp sức mình vào công trình dựng xây Vương quốc ấy (“Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài” – Thánh Au-gus-ti-nô). Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes” (số 23) cũng dạy:

“Dù mọi môn đệ Chúa Ki-tô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo vãi đức tin, nhưng Chúa Ki-tô luôn gọi những kẻ chính Người muốn, trong số các môn đệ mình, để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân… Vì thế, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng tùy ý ban phát các đoàn sủng để mưu lợi ích chung, Chúa Ki-tô khơi dậy ơn kêu gọi truyền giáo trong tâm hồn từng cá nhân, đồng thời thúc đẩy trong Giáo hội có những tổ chức đảm nhận như một bổn phận riêng nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm của toàn thể Giáo hội… Do đó, những người có năng khiếu bẩm sinh thích ứng, đủ khả năng tinh thần và trí tuệ, sẵn sàng lãnh nhận công cuộc truyền giáo, đều được kể là có ơn gọi đặc biệt, dù họ là người địa phương hay ngoại quốc, là linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Được quyền bính hợp pháp sai đi, do đức tin và đức vâng phục, họ ra đi đến với những người xa Chúa Ki-tô; họ được tách riêng ra để chu toàn công việc mà họ được chọn để thi hành như là những thừa tác viên của Phúc Âm, ‘để việc phụng hiến dân ngoại làm lễ vật được chấp nhận và được thánh hóa trong Chúa Thánh Thần’ (Rm 15, 16).”

Ôi! Lạy Chúa! Kể từ khi con được nhận lãnh phép Thánh Tẩy, con đã được Chúa chọn làm hạt giống gieo trên cánh đồng Truyền Giáo của Giáo hội toàn cầu, cách riêng là Giáo hội Việt Nam. Con tự biết con không thể tự mọc lên và trổ sinh hoa trái được, nếu không được Thần Khí Chúa soi sáng, dạy dỗ và thêm sức mạnh. Cúi xin Chúa ban Thánh Linh, để con thực sự trở thành phân bón cho cánh đồng Truyền Giáo, cho con đủ dũng khí chấp nhận “cùng chết với Đức Ki-tô” để con được “cùng sống lại với Người”, ngõ hầu đóng góp sức mọn vào sự phát triển của Nước Trời mai sau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

---------------------------------

 

TN 11-B106: CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN_B


Lm. Antôn

 

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn, hai hình ảnh để ám chỉ đến Nước TN 11-B106


Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn, hai hình ảnh để ám chỉ đến Nước Thiên Chúa: “Hạt giống âm thầm mọc lên” và “Hạt cải.”  Khi so sánh Nước Thiên Chúa với hạt giống gieo xuống đất và âm thầm mọc lên, cũng như hạt cải bé nhỏ mọc thành cây to lớn, Chúa muốn ám chỉ đến một đặc tính của Nước Thiên Chúa, đó là khởi sự trong khiêm tốn, nhỏ bé, âm thầm nhưng sẽ thành tựu một cách lớn lao, tốt đẹp. Cũng như tiến trình của hạt giống đâm mồng, trở thành cây và kết hoa trái, sự thành tựu của Nước Thiên Chúa diễn ra từ từ theo thời gian và tuy phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng có tính cách chắc chắn vì đó là việc do quyền năng, sự quan phòng và can thiệp của Thiên Chúa.

Cả hai dụ ngôn này có thể áp dụng như sau.  Nước Thiên Chúa là Giáo hội ở trần gian.  Trước hết, Đấng sáng lập là Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài đã vâng lời và khiêm nhường sinh xuống trần trong một gia đình đơn sơ và khiếm tốn.  Chúa sống ẩn dật, ít người biết đến kể cả những người xóm làng không biết và không tin. Những người thân thuộc của Chúa còn cho là Ngài bị “Mất trí.”  Tất cả công việc hay sứ vụ lúc đầu xem ra thất bại vì bị chống đối, thù ghét và vu khống là bị “quỉ ám.”, và kết thúc bằng cái chết nhục nhã và đau thương trên thập giá.  Nhưng đó chính là hạt giống tự mục nát đi để nẩy mầm, trổ thành cây và sinh ra Giáo hội.

Lúc đầu Giáo hội thật nhỏ bé, ngày Chúa về trời chỉ có 12 tông đồ và một số ít tín hữu, nhưng sau ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các tông đồ đã can đảm ra đi rao giảng Tin mừng và rửa tội cho nhiều ngàn người. Từ đó, Giáo hội tiếp tục lớn lên và bành trướng khắp nơi, nhiều người đã hy sinh mạng sống chịu tử vì đạo, trong đó có các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha ông chúng ta, lấy máu mình để tưới vào Giáo hội.  Cho đến này số tín hữu là hàng tỉ người.  Giáo hội ngày nay, tuy còn phải chịu nhiều sự khó khăn và bách hại, đúng là một cây lớn cho nhiều dân tộc đến núp bóng, nghĩa là nhận được ơn cứu chuộc.

Thứ hai.  Hạt giống là hạt giống đức tin được Chúa được gieo vào tâm hồn mỗi người chúng ta, biến đổi chúng ta thành dân riêng của Chúa và trở thành chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô. Vì thế chúng ta được kêu gọi sống Lời Chúa dạy để tiếp tục xây dựng Giáo hội tăng trưởng và sinh nhiều hoa trái tốt cho Chúa.  Trong bài đọc 2, thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò quan trọng của đức tin trong cuộc sống của người Ki-tô hữu.  Nếu các tín hữu để ngọn đèn đức tin của Thiên Chúa ban cho chiếu tỏa và hướng dẫn cuộc đời, họ sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách và sống đẹp lòng Thiên Chúa.

Chúng ta biết đời sống đức tin, sự nghiệp Nước Trời thường là kết quả của những việc bé nhỏ, âm thầm nhưng có giá trị rất lớn nếu làm vì lòng yêu mến Chúa. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã làm gì để đáng được Giáo hội tặng phong là bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã vất vả, khó nhọc đi rao giảng khắp nơi?  Thưa ngài không làm gì to lớn cả, cả đời ngài chỉ làm những việc nho nhỏ như quét nhà, giặt dũ, nhặt giấy vụn và nhường nhịn chị em trong dòng. Tất cả những hạt cải nhỏ chúng ta gieo vì lòng khiêm nhường, bác ái quảng đại, vì đức tin và vì Chúa sẽ lớn lên mang bình an, hạnh phúc cho chính chúng ta và nhiều người.

Có câu truyện về thầy Mạnh Tử khi còn nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào chôn lăn khóc. Bà Mẹ thấy thế nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được.”  Thế rồi bà mẹ dọn nhà ra gần chợ.  Mạnh Tử ở gần chợ thấy người buôn bán gian dối, lừa đảo và cãi chửi nhau, bà mẹ thấy thế lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được.”  Bà bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, vâng lời cha mẹ và chăm chỉ học hành sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đấy.”

Một hôm, Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết một con heo, về hỏi mẹ: “Người ta giết heo làm gì thế?”  Bà mẹ nói đùa với con: “Để cho con ăn đấy!” Nói xong, bà nghĩ lại và hối hận: “Ta nói lỡ miệng rồi. Con ta còn nhỏ trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?”  Thế rồi rồi bà đi mua thịt heo về cho con ăn thật.

Lại một hôm khác, Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy.”  Từ hôm đó Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, rồi về sau thành một bậc đại hiền.  Thế chẳng là nhờ hạt giống tốt gieo của người mẹ gieo vào tâm hồn của người con, hay công giáo dục quí báu của bà mẹ hay sao?

Tâm hồn mỗi người chúng ta là một mảnh đất, gia đình cũng là mảnh đất, giáo xứ cũng là mảnh đất nơi gieo trồng và nảy mầm hạt giống đức tin, hạt giống Lời Chúa. Thiên Chúa đã gieo hạt giống của Ngài, và còn đổ tràn đầy ơn lành để trợ giúp hạt giống âm thầm phát triển, trổ sinh hoa trái tốt. Trong quá trình tăng trưởng, lớn lên của hạt giống, không thể tránh khỏi những khó khăn, thử thách, thế nhưng chúng ta xác tín vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta vượt thắng.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết cộng tác với Chúa, sẵn lòng và nhiệt thành để hạt giống nẩy mầm và lớn lên trong cuộc sống, qua những việc hy sinh, bác ái và lòng quảng đại để tiếp tục xây dựng Nước Thiên Chúa nơi trần gian là Giáo hội, là giáo xứ, và trở nên tốt lành thánh thiện hơn mỗi ngày để những gì Chúa muốn  thực hiện trong chúng ta đều đẹp ý Chúa và như lòng Chúa mong ước, để chúng ta được hưởng bình an, hạnh phúc và vinh quang Nước Chúa đời sau.

---------------------------------

 

TN 11-B107: Hạt giống Tin Mừng Nước Thiên Chúa


--TGM Giuse Nguyễn Năng

 

Chúa Giêsu đã gieo hạt giống Tin Mừng Nước Thiên Chúa vào trần gian. Chính Thiên Chúa đang TN 11-B107


Sứ điệp: Chúa Giêsu đã gieo hạt giống Tin Mừng Nước Thiên Chúa vào trần gian. Chính Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động để Nước Thiên Chúa lớn lên và đạt tới thành công. Thực tế đôi khi xem ra bi quan, nhưng ta phải biết tin tưởng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế giới ngày càng lao mình vào tương lai. Với sự phát triển không ngừng, những thành quả của khoa học kỹ thuật, nhiều người tự mãn, nghĩ mình có thể làm chủ được mọi sự mà không cần một bàn tay nào khác. Nhưng lạy Chúa, thật ra thế giới được Chúa tạo dựng để đi đến cùng đích dưới sự quan phòng của tình yêu Chúa. Dù con không nhận ra, nhưng Chúa vẫn luôn hiện diện và hướng dẫn lịch sử loài người chúng con.

Lạy Chúa, lịch sử nhân loại đã từng gây ra bao thảm họa cho con người: chiến tranh, hận thù, ích kỷ, giá trị đạo đức ngày càng đi xuống, con người đối xử với nhau thiếu tình người. Vì thế nhiều lúc con tự hỏi: Thiên Chúa đâu rồi trong thế giới này.

Lạy Chúa, Chúa không vắng mặt, Chúa không bỏ rơi thế giới chúng con. Chính Chúa vẫn hiện diện cách kín đáo và âm thầm hoạt động để cứu độ chúng con. Xin Chúa ban cho con đôi mắt đức tin để nhận ra tình thương và quyền năng Chúa vẫn đang âm thầm hoạt động biến đổi cuộc sống loài người mỗi ngày một tốt hơn. Tin Mừng Chúa ban cho Hội Thánh đang nâng cao thế giới. Bên ngoài thế giới dường như xuống dốc, Hội Thánh dường như nhỏ bé, Tin Mừng dường như bất lực. Nhưng dù vậy, xin Chúa đừng để con bi quan, xin giữ lòng con luôn tin tưởng. Xin Chúa giúp con biết kiên nhẫn và góp phần nhỏ bé để tình yêu và ánh sáng của Chúa mỗi ngày một lớn thêm lên trong thế giới này. Amen.

Ghi nhớ: “Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”

-------------------------------

 

TN 11-B108: Sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa


--Lm Micae Võ Thành Nhân

 

Chúa dùng hình ảnh hạt lúa và hạt cải được gieo xuống đất để rồi sau đó nó nảy mầm, lớn lên TN 11-B108


Chúa dùng hình ảnh hạt lúa và hạt cải được gieo xuống đất để rồi sau đó nó nảy mầm, lớn lên và cho kết quả. Kết quả đó là từ một hạt lúa sinh ra nhiều hạt lúa khác và được thu hoạch vào kho, còn hạt cải thành cây lớn, chim trời có thể tới ẩn núp được. Qua hai dụ ngôn này, Chúa nói về Nước Thiên Chúa cho chúng ta biết. Chúng ta nhận thấy rằng:

-Nước Thiên Chúa là của Chúa, do chính Chúalập nên. Chúa muốn Nước Chúa hiện diện khắp nơi trên cõi đời này, cho nên Chúa đã đến trần gian để thiết lập Nước Chúa. Khởi đầu, Chúa chỉ có chọn mười hai tông đồ, một con số hết sức nhỏ bé như sự bé nhỏ của hạt lúa và hạt cải.

-Nước Chúa lớn mạnh là do ở tình yêu và quyền năng của Chúa. Điều này cũng giống như hạt lúa và hạt cải một khi đã được gieo vào lòng đất rồi tự động nó nảy mầm rồi lớn lên và cho kết quả mà ai cũng thấy. " Chúa đã hạ cây cao xuống và cho cây thấp mọc lên. Chúa đã làm cho cây tươi ra khô héo, và làm cho cây khô trở nên xanh tươi " (Ez 17, 22- 24).

-Không một ai, hay một thế lực nào ở trần gian này có thể cản trở sự tồn tại và lớn mạnh của Nước Chúa. Dù con người có biết hay không biết thì Nước Chúa vẫn hiện diện ở trần gian này. Nếu con người dùng bạo lực và mọi thủ đoạn để bách hại các con cái của Chúa, cũng không thể làm cho Nước Chúa sụp đổ được.

-Nước Chúa đang hiện diện ở khắp mọi nơi trên trần gian này. Mỗi người chúng ta là một thành phần ở trong đó và được Chúa mời gọi cộng tác với Chúa để làm cho Nước Chúa lớn mạnh. Ngày xưa Chúa giải thích dụ ngôn này cho các tông khi Chúa ở riêng tư với các ngài, chứ Chúa không giải thích cho dân chúng, vì Chúa muốn các tông đồ cộng tác với Chúa để mở mang Nước Chúa trước rồi đến mọi người. Đó là một sự trật tự trong Nước Chúa " Có trước, có sau ". Ngày hôm nay, Chúa cũng giải thích cho chúng ta hiểu qua Hội Thánh của Chúa để chúng ta sống và cộng tác với Chúa, rao giảng Tin Mừng, làm cho Nước Chúa lớn mạnh, lan rộng tới các tâm hồn.

-Cây lúa và cây cải luôn mang đến phần lợi cho con người chúng ta trong cuộc sống đời này. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa. Hạt cải, rất nhỏ bé, nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng: “Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa….. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4, 28 – 29. 32), để rồi chúng ta thấy phần lợi của hạt lúa là làm lương thực nuôi sống con người, phần lợi của hạt cải là thành cây cho chim trời đến nương nấu. Nước Chúa cũng mang lại phần lợi ích cho chúng ta giống như thế, để chúng ta được hưởng nhờ. Phần lợi ích đó là những niềm vui, là hạnh phúc, là sự sung mãn mãi mãi. Vì thế, mà chúng ta đang ước mơ được sở hữu Nước Chúa trong cuộc lữ hành trần gian này. Chúng ta hướng về đó với tất cả con người chúng ta là sau khi chấm dứt cuộc sống dương gian này đây mà chúng ta được vào nơi đó thì quả là hạnh phúc vô cùng lớn lao, không có gì sánh ví bằng được. Chúng ta hãy sống theo lời Chúa dạy để ước mơ này thành hiện thực cho chúng ta.

-Một cách cụ thể, Nước Chúa đang hiện diện ở trần gian này chính là Hội Thánh. Chúng ta là một thành viên của Hội Thánh, chúng ta cùng nhau cộng tác với Hội Thánh để xây dựng Hội Thánh Chúa phát triển qua đời sống cầu nguyện, hy sinh, dấn thân, bác ái, yêu thương phục vụ của chúng ta, không phân biệt một ai cả, bất kể anh chị em đó là thành phần nào, giai cấp nào trong xã hội

Lạy Chúa, thế giới hôm nay còn nhiều người chưa biết Chúa, Tin mừng của Chúa vẫn chưa được đếnvới bao tâm hồn, thế nhân còn xa lạ, dửng dưng với Chúa vì phải lo cơm, áo, gạo, tiền, xin Chúa cho chúng con biết hy sinh, dấn thân giúp đỡ Chúa để đi đến với mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi, để nói với mọi người rằng Chúa yêu thương họ, Chúa muốn cứu họ và rồi nhờ ơn Chúa giúp, họ sẽ được gia nhập Nước Chúa ngay tại đời này.

Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông, xin nghe lời chúng con cầu khẩn: Loài người chúng con thân phận yếu hèn, không thể là được chi, nếu Chúa không nâng đỡ; xin Chúa thương đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền, để chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Amen.

-------------------------------

 

TN 11-B109: SỨC SỐNG SIÊU NHIÊN

 

Giáo hội Ki-tô khởi đi từ một Hài Nhi sinh hạ trong chuồng bò, trần trụi đơn sơ khó nghèo. Hài Nhi TN 11-B109


Giáo hội Ki-tô khởi đi từ một Hài Nhi sinh hạ trong chuồng bò, trần trụi đơn sơ khó nghèo. Hài Nhi ấy lớn lên từng ngày, trở thành một vị Ngôn sứ vĩ đại, có quyền năng trong lời nói và việc làm. Vị Ngôn sứ ấy đã gặp chống đối và cuối cùng bị lên án tử và giết chết vô cùng đau thương. Từ cái chết trên thập giá, một cộng đoàn mới được sinh ra và dần dần phát triển, hiện diện trên khắp các châu lục, quy tụ muôn dân trên mặt đất và có hàng tỷ tín hữu. Vâng, Giáo hội của chúng ta khởi sự rất âm thầm, nhưng lớn lên rất mạnh mẽ, vì có Thiên Chúa là sức sống siêu nhiên của Giáo hội. Chúa Giê-su vẫn hiện diện trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hướng dẫn và thánh hóa Giáo hội, nhờ đó Giáo hội của Chúa Ki-tô vượt lên mọi bão táp mưa sa của cuộc đời.

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn, đều khởi đi từ những hình ảnh rất bình dị ở thôn quê, đó là hạt giống được gieo vào lòng đất nảy mầm và hạt cải từ bé nhỏ trở thành lớn mạnh. Dẫn nhập cho cả hai dụ ngôn này, Chúa Giê-su đều nói: “Nước Thiên Chúa giống như…”. Điều đó có nghĩa, Đức Giê-su dùng những hình ảnh cụ thể đời thường để giáo huấn những thực tại cao siêu, vượt qua trí hiểu của quần chúng. Nước Thiên Chúa không phải là người gieo hạt, mà chỉ giống như người gieo hạt. Trong Tin mừng, nhiều lần Chúa Giê-su đã dùng lối nói so sánh như thế khi giảng về Nước Trời.

Tin mừng được gieo vào tâm hồn mọi người, đặc biệt là các tín hữu, như hạt giống được gieo vào thửa ruộng. Tuy vậy, sức sống siêu nhiên nảy nở từ hạt giống Tin mừng lại không hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Mặc dù con người là tác nhân quan trọng, góp phần chăm bón cho hạt giống được gieo, nhưng Thiên Chúa mới là nguyên lý cho sự sống siêu nhiên. Sự sống ấy dần dần hình thành và lớn lên nơi con người. Không phủ nhận sự cộng tác hữu hiệu của cá nhân mỗi người, nhưng sự thánh thiện nơi con người có được là nhờ Chúa. Ngài là Đấng quyền năng làm cho cây cỏ mọc lên, như hình ảnh tượng trưng mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã diễn tả (Bài đọc I). Hiểu như thế, mỗi người sống nơi trần gian là một cây được Thiên Chúa chăm sóc kể từ khi gieo hạt, tức là khi con người được hình thành trong dạ mẫu thân, rồi từng bước lớn lên, thành đạt trong cuộc đời.

Hạt giống Tin mừng được gieo vào tâm hồn chúng ta. Có nhiều người đã hợp tác thiện chí, chăm bón vun xới và làm cho “cây cuộc đời” lớn lên, sinh hoa kết trái dồi dào. Tuy vậy, cũng có những người vô trách nhiệm để mặc cho mầm sống ấy cằn cỗi, còi cọc và chỉ sinh ra trái đắng. Thiên Chúa vẫn luôn ban ơn chúc phúc, vì bản chất của Ngài là tốt lành và thánh thiện, nhưng việc đón nhận Chúa lại là chọn lựa tự do của con người. Con người được mời gọi yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân, nhưng đó là một tình yêu tự do, chứ không phải một chế tài áp lực. Yêu Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài, đó là một đề nghị từ chính Thiên Chúa. Ai đón nhận sẽ được hạnh phúc an bình.

Nhiều người trong chúng ta có cái nhìn bi quan về tương lai của Giáo hội, khi chứng kiến sự giảm sút trong thực hành đức tin nơi một số tín hữu. Chúng ta tin tưởng và hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng là Chủ đích thực của vườn đời, mà mỗi chúng ta là một cây trồng trong thửa vườn mênh mông ấy. Nếu bề ngoài dường như khô cằn, thì bên trong sức sống siêu nhiên vẫn không ngừng tăng trưởng.

Lời Chúa hôm nay chất vấn mỗi chúng ta: tôi có phải là một hạt giống tốt, hoặc là một cây màu mỡ xanh tươi trong cuộc sống thường ngày? Đâu là mức độ tín thác và hy vọng của tôi nơi Thiên Chúa quyền năng, để luôn luôn lắng nghe và thực hành những gì Ngài truyền dạy?

Là Ki-tô hữu, mỗi chúng ta hãy cùng lên đường gieo hạt giống của Phúc Âm, thể hiện qua lòng nhân ái huynh đệ. Đừng ngại ngần gieo hạt, dù ở những nơi xem ra không có hy vọng, vì Thiên Chúa là Đấng làm cho điều không có thể trở thành điều có thể. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Hãy tín thác vào Chúa, như thánh Phao-lô (Bài đọc II). Thánh nhân đã đạt tới lòng xác tín trọn hảo nơi Thiên Chúa. Đối với ngài, sống hay chết không còn quan trọng, vì ngài đã được Thiên Chúa bao bọc trong tình yêu viên mãn và ngập tràn hạnh phúc.

Sức sống siêu nhiên trong Giáo hội và nơi cá nhân tín hữu đến từ Thiên Chúa. Hành trình cuộc đời chúng ta là hành trình lớn lên và phát triển của Hạt Giống Ngôi Lời nơi bản thân. Hạt giống ấy xem ra bé nhỏ vô hình, nhưng lại có sức mạnh vô song, mở ra cho chúng ta một tương lai sáng ngời, đó là sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc. Chúa Giê-su đã hứa: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

-------------------------------

 

TN 11-B110: VUI MỪNG VÀ HY VỌNG

 

Phụng vụ Lời Chúa mang đến cho chúng ta niềm vui lớn lao và hy vọng tràn trề, vì một nhánh cây TN 11-B110


Phụng vụ Lời Chúa mang đến cho chúng ta niềm vui lớn lao và hy vọng tràn trề, vì một nhánh cây đã được trồng và mọc lên trở thành bá hương oai lẫm (x. Ed 17, 22-24). Một hạt giống gieo xuống đất âm thầm mọc lên một cách tự nhiên nhưng chắc chắn. Và nhất là hạt cải nhỏ bé nhất trong mọi thứ hạt mà lớn cao đến nỗi "chim trời có thể nương náu dưới bóng nó" (x. Mc 4, 26-34).

Cành hương bá

Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Êdekien phán : “Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en.

Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Ðức Chúa.

Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi” (Ed 17, 22-24).

Thiên Chúa muốn nói gì với dân Israel đây?

Chúa dùng ngôn ngữ loài người để nói với họ. Ngài các quan niệm của họ quen sánh ví các dân tộc và các bậc vĩ nhân như các cây to lớn giống hương bá. Chồi non mà Chúa muốn ngắt là nhà Israel, cụ thể là một hoặc số ít người trên đất Babylon rộng lớn, vĩ đại này đem về trồng ở Israel. Nghĩa là Chúa sẽ cho thiểu số dân lưu đầy được trở về Đất Hứa. Dân nhỏ bé sẽ trổ cành và đơm hoa kết trái thành cây hương bá huy hoàng từ cây thấp trở thành cây cao, đang khi Babylon đang là cây cao sẽ bị hạ thấp, đang xanh tươi sẽ bị héo tàn.

Thiên Chúa hứa và Thiên Chúa làm. Dân Chúa không thể nhận được lời hứa nào to lớn hơn. Tương lai quá sức huy hoàng. Mọi người phải phấn khởi. Tất cả phải hồi sinh. Hy vọng và mừng vui.

Nhánh cây ưu tuyển mà Thiên Chúa lựa chọn trong Cựu Ước sẽ là một thực tại Tân Ước. Nó là hạt giống và là hạt cải nói trong bài Tin Mừng hôm nay.

Hạt giống và hạt cải

Xem ra, giữa cành cây hương bá trong sách Ezekiel và dụ ngôn hạt giống không có liên hệ với nhau. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ thì thấy Tin Mừng khẳng định: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa” (Mc 4,26-29).

Thiên Chúa làm những điều mà con người không thể hình dung ra được. Cây tươi, Ngài cho héo; cây héo, Ngài cho đâm chồi. Như “hạt giống gieo xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4,27).

Tin Mừng hôm nay còn ví Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, khi gieo xuống đất nó nhỏ tí; nhưng đã gieo xuống rồi nó mọc thành to lớn đến nỗi chim trời có thể nương náu dưới bóng nó. Như một cành hương bá ngắt trên đỉnh cao của cây hương bá to lớn, đã lớn lên thành bá hương oai lẫm, hạt cải nhỏ xíu ở đây khi gieo xuống bé hơn mọi thứ hạt; nhưng lớn lên nó to lớn hơn mọi thứ rau. Tương lai Nước Thiên Chúa cũng như vậy. Khởi sự nhỏ mọn thôi, nhưng rồi sẽ trở nên nơi nương tựa cho mọi người được cứu chuộc.

Mầu nhiệm của Nước Chúa

Nước Thiên Chúa là như thế: một thực tại rất nhỏ bé nói theo kiểu phàm nhân và bề ngoài không có gì là đáng kể. Hình ảnh này nhấn mạnh đến Nước Thiên Chúa ở trong chúng ta, và hạt cải nhỏ bé sẽ trở thành một cái cây lớn, trong đó chim trời đến làm tổ, ám chỉ tình yêu vô cùng của Thiên Chúa được ban nhưng không cho chúng ta. Vương quốc của Thiên Chúa sẽ lan rộng đến tất cả các quốc gia trên khắp thế giới và người ta tìm đến trú ẩn nơi một Kitô giáo tốt lành.

Ơn gọi của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô không phải là để trở nên mạnh mẽ. Trở nên vĩ đại, không phải là ơn gọi của Chúa Kitô. Niềm hy vọng nơi chúng ta qua đức tin và lòng mến, cho phép chúng ta khám phá ra Thiên Chúa bao bọc chúng ta, khiến chúng ta không nản lòng hay thất vọng trong việc truyền giáo, nhưng giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng sẽ dẫn dắt mọi sự đến thành toàn mà Ngài đã khởi đầu.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Ðấng đã đón nhận hạt giống Lời Chúa như một “thửa đất phì nhiêu”, xin Mẹ giúp chúng con yêu mến Chúa, đặt tin cậy và hy vọng vào Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

--------------------------------

 

TN 11-B111: KIÊN NHẪN GIEO TRỒNG ĐIỀU THIỆN HẢO ĐỂ CÓ MÙA BỘI THU

 

Chúa Giêsu nói về triều đại của Thiên Chúa bằng các dụ ngôn, dựa trên đời sống hàng ngày của TN 11-B111


Chúa Giêsu nói về triều đại của Thiên Chúa bằng các dụ ngôn, dựa trên đời sống hàng ngày của người làm nghề nông, vốn là nghể của nhiều người Do Thái thời đó. Bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu loan báo về Nước Thiên Chúa: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?” (Mc 4:30).

Nước Thiên Chúa như hạt lúa âm thầm tăng trưởng.

Với dụ ngôn về người gieo hạt giống, Chúa Giêsu cho thấy nhiều sự thật khác nhau về Nước Thiên Chúa. Buổi ban đầu, lời rao giảng của Chúa Giêsu không được nhiều người nghe để tâm tiếp nhận. Dẫu vậy, Lời Chúa vẫn hoạt động để mở rộng Nước Thiên Chúa trong cõi lòng của mỗi người bằng sức mạnh tâm linh vô hình giống như hạt lúa âm thầm tăng trưởng. Chính sức mạnh thần thiêng không thể cưỡng lại này làm cho hạt giống nảy mầm và lớn lên: “Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt” (Mc 4:28) cho đến khi thu hoạch: “Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Mc 4:29). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự phát triển huyền nhiệm, không thể thấy được, của Nước Thiên Chúa theo ý định tốt lành của Thiên Chúa và sự chờ đợi kiên nhẫn của những tôi tớ trung thành gieo vãi hạt giống như Ngài đã định.

Dụ ngôn muốn làm sáng tỏ rằng Nước Thiên Chúa là công trình của Thiên Chúa và luôn luôn phát triển, dù người ta ta có thích hay không, có thấy hay không. Người gieo hạt ở đây chính là Thiên Chúa, hạt gieo chính là Nước Thiên Chúa. Khi hạt đã được gieo vào mảnh đất, sức sống của nó không ai có thể cưỡng lại được; Ngày đêm, sự sống tự động nảy mầm và phát triển. Hạt giống đầu tiên sẽ trở thành đòng đòng, sẽ cho bông. Lúc đầu hạt còn thưa thớt, dần dần bông sẽ sinh nhiều hạt và ngày thu hoạch, cây sẽ trĩu hạt: “Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt” (Mc 4:28).

Vào thời Thánh Máccô viết sách Tin Mừng, những Kitô hữu đang tự hỏi một câu hỏi lớn. Chúa đã phán rằng thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi Ngài trở lại để thiết lập triều đại của Ngài: “Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra” (Mc 13:30). Vương quốc được kỳ vọng sẽ chiến thắng, nhanh chóng, ngoạn mục. Vậy tại sao Ngài lại trì hoãn, đặc biệt lúc đó đang có làn sóng bách hại tàn bạo chống lại các Kitô hữu, như thể quyền lực của sự dữ đang thống trị. Liện Nước Trời có phải là một ảo ảnh không? Rõ ràng không có gì xảy ra: Thiên Chúa dường như ở rất xa và không hoạt động, Giáo hội của Chúa như thể bị chôn vùi. Câu trả lời nằm trong dụ ngôn: chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi đến mùa thu hoạch, đến ngày phán xét cuối cùng, như người nông dân biết chờ đợi sự luân chuyển của các mùa, tin tưởng vào quy luật của trời đất. Sẽ có một vụ thu hoạch, nhưng đúng vào thời điểm của nó. Nước trời cũng vậy: có thời điểm của mình. Vội vã chẳng ích gì. Cần chờ đợi mùa màng bội thu mà không tuyệt vọng, bất chấp những gì xảy ra bên ngoài, vì chúng ta đang đứng trước một quyền năng nhiệm mầu, khó nhận thấy nhưng luôn hoạt động và hiệu quả, luôn đạt được mục tiêu của mình. Chúng ta cần nên giống Chúa Giêsu: lạc quan không nao núng, bất chấp những cơn gió ngược, những cơn suy thoái. Nước Trời là một thực tại vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng, hòa lẫn với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hãy kiên nhẫn và tin tưởng. Nước Trời tự phát triển và lớn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúa Giêsu trả lời thật rõ ràng: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay ở kia kìa! vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:20-21)

2. Nước Thiên Chúa như hạt cải nhỏ bé đang dần lớn lên.

Chúa Giêsu cũng nói rằng Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, “loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất” (Mc 4:31). Trong văn hóa thời đó, hạt cải thường được dùng để chỉ những điều nhỏ bé nhất. Chúa Giêsu áp dụng cách dùng đó trong dụ ngôn này: sự khởi đầu của Nước Thiên Chúa rất nhỏ đến mức dường như không đáng kể. Giống như không ai chú ý đến hạt cải thì hầu như không ai để ý đến sự khởi đầu của Nước Thiên Chúa.

Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa không hệ tại nguồn gốc khiêm tốn, gần như không ai thấy của nó. Vì giống như hạt cải mọc lên thành loại cây lớn nhất trong vườn, Nước Thiên Chúa cuối cùng cũng phát triển đến mức không ai có thể bỏ qua: “Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4:32). Lịch sử chứng minh sự thật trong lời dạy của Chúa Giêsu. Ngài bắt đầu với mười hai con người không có gì xuất sắc, được Ngài chọn làm Tông đồ, và một số môn đệ khác. Ngài đã sống và qua đời ở nơi được coi là một tỉnh hẻo lánh của Đế quốc La Mã, và Ngài chỉ được các nguồn lịch sử thế tục thời đó nói lướt qua. Nhưng kể từ khi Chúa Giêsu đi rao giảng Lời Thiên Chúa, chữa lành các bệnh tật, trừ quỷ, rồi sau đó chịu khổ hình, chết, phục sinh và lên trời, thì Nước Thiên Chúa đã phát triển lớn mạnh: “Hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9?:31). Ngày nay Hội thánh Chúa có mặt trên khắp thế giới và phát triển ngay cả ở những vùng đất bị coi là thù nghịch nhất. Hạt cải nhỏ bé đang trở thành cây cải to lớn.

Sự tương phản được làm nổi bật giữa lúc khởi đầu khiêm tốn và quy mô ấn tượng vào ngày cuối: giống như nhóm người ít ỏi tụ tập tại Phòng Tiệc Ly vào Lễ Ngũ Tuần xưa kia và Giáo hội ngày nay lan rộng khắp trái đất. Đây là sự kỳ diệu, là quyền năng thực sự của Thiên Chúa: Lời được gieo trồng trong sự nghèo khó và khiêm nhường, dần dần trở thành một cây to lớn đủ rộng để che chở cho toàn thể nhân loại, mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa, mọi quốc gia. Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa chọn kẻ yếu để làm hổ thẹn kẻ mạnh, kẻ nhỏ để làm hổ thẹn kẻ mạnh, kẻ ngu để làm xấu hổ kẻ khôn: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1 Cr 1:27).

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nước Trời tựa hạt giống được gieo xuống, phát triển từ bên trong, phát triển âm thầm trong chúng ta và giữa chúng ta…Thế nhưng ai làm cho hạt giống lớn lên, ai làm cho cây mọc lên? Đó là Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong chúng ta. Chúa Thánh Thần là thần khí của sự dịu hiền, của khiêm nhường, của tinh thần vâng phục, của sự đơn sơ giản dị. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho Nước Trời lớn lên từ bên trong. Chúa Thánh Thần là tác nhân, chứ không phải các kế hoạch mục vụ, không phải những điều to tát… Không, không phải những điều ấy, mà chính Chúa Thánh Thần âm thầm hoạt động. Ngài hoạt động làm cho hạt giống nảy mầm, cây mọc lên, và sinh hoa kết trái…Thế đó, trong Nước Thiên Chúa luôn luôn có sự ngạc nhiên, bởi vì đó chính là quà tặng đến từ Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không đến để thu hút sự thị hiếu của người ta, càng không phải theo kiểu những cuộc quảng cáo. Nước Trời không đến như một điều có thể quan sát được, và người ta sẽ không nói: Ở đây này, hay ở kia kìa. Nước Trời không phải là cuộc trình diễn, hay tệ hơn nữa, nhiền lần người ta nghĩ Nước Trời tựa như lễ hội” (Thánh lễ tại nhà nguyện Marta 16-11-2017).

3. Thiên Chúa luôn luôn hoạt động trong cuộc đời của chúng ta.

Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta không cần phải làm gì cả? Không phải thế. Chúng ta được thuê vào làm vườn nho của Chúa, nên chúng ta cần hết lòng hết sức làm cho vườn nho ấy sinh nhiều hoa trái. Tuy nhiên, chúng ta không phải là những người hoàn toàn quyết định về năng xuất của vụ thu hoạch. Chúng ta chỉ là người cộng tác nhỏ bé vào công trình vô cùng lớn lao của Thiên Chúa. Sự đóng góp của chúng ta hoàn toàn không có gì đáng kể: “Anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10). Dẫu sao, đối với Chúa, chúng ta không phải là những người vô ích vì Chúa muốn sự cộng tác của chúng ta. Cho nên, dù chúng ta ngủ hay thức, chỉ có Chúa mới làm cho Nước Trời lớn lên. Giáo hội bắt đầu với một số ít môn đệ thất học, không một xu dính túi, không có thân thế “khủng”, không được đào tạo về tiếp thị hoặc bằng cấp về truyền thông, với Phêrô là người lãnh đạo, vốn đã chối bỏ Thầy Giêsu của mình. Nhưng Giáo hội đó vẫn đứng vững trước gió và thủy triều, vẫn tồn tại mà còn tiếp tục phát triển và lan rộng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Hôm nay Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa, tức là sự hiện diện của Ngài ở trong lòng của vạn vật và thế giới, với hạt cải là loại hạt nhỏ nhất: nó thật nhỏ bé. Tuy nhiên, khi được gieo xuống đất, nó mọc lên cho đến khi trở thành cây cao nhất (Mc 4: 31-32). Đó là những việc Chúa làm. Có những lúc, sự huyên náo của thế gian, cùng với nhiều hoạt động lấp đầy trong ngày của chúng ta, ngăn cản chúng ta không thể dừng lại và nhìn thấy cách Thiên Chúa đang hướng dẫn lịch sử. Tuy nhiên - Tin Mừng bảo đảm với chúng ta - rằng Thiên Chúa luôn làm việc, giống như một hạt giống nhỏ bé tốt lành âm thầm và từ từ nảy mầm. Và, dần dần nó trở thành một cây xanh tươi sum suê, mang lại sự sống và sự thư thái cho mọi người. Hạt giống của những việc tốt lành của chúng ta dường như cũng là một việc bé nhỏ, nhưng tất cả những gì tốt đẹp đều thuộc về Thiên Chúa, và từ đó, nó từng bước từng bước, khiêm nhường trổ sinh hoa trái. Chúng ta hãy nhớ rằng điều thiện hảo luôn luôn phát triển trong con đường khiêm nhường, theo cách âm thầm, thường chẳng ai nhìn thấy. Chúa Giêsu muốn truyền cho chúng ta sự vững tin. Quả thật, trong rất nhiều hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta có thể bị ngã lòng vì chúng ta nhìn thấy việc thiện hảo thì yếu thế so với sức mạnh phô trương của sự dữ. Và chúng ta có thể để cho bản thân bị tê liệt bởi sự hoài nghi khi chúng ta thấy rằng chúng ta đang làm việc thật cần mẫn nhưng chẳng đạt được kết quả, và mọi thứ dường như không bao giờ thay đổi. Tin Mừng yêu cầu chúng ta hãy có cái nhìn mới về bản thân và thực tế, đòi hỏi chúng ta phải có đôi mắt mở to hơn để có thể nhìn xa hơn, đặc biệt là vượt qua vẻ bề ngoài để khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn hoạt động trong mảnh đất của cuộc đời chúng ta và của lịch sử với tình yêu khiêm nhường. Đây là sự vững tin của chúng ta, đây là điều tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta để tiến bước mỗi ngày một cách kiên trì, gieo cấy sự thiện hảo để rồi sẽ đơm hoa kết trái” (ĐTC Phanxicô trong buổi kinh Truyền tin, ngày 13.6.2021).

Phêrô Phạm Văn Trung

--------------------------------

 

TN 11-B112: BÉ NHƯNG LỚN!

 

Bạn nghĩ gì khi nghe qua dụ ngôn “Hạt Cải”? Riêng tôi, tôi nghĩ ngay đến sự BÉ NHỎ. Và qua TN 11-B112


Bạn nghĩ gì khi nghe qua dụ ngôn “Hạt Cải”? Riêng tôi, tôi nghĩ ngay đến sự BÉ NHỎ. Và qua hình ảnh nhỏ bé của hạt cải, Chúa muốn chúng mình để ý đến tầm quan trọng và khả năng tiềm ẩn trong những hành vi, cử chỉ, lời nói ... tầm thường & nhỏ bé nhưng lại có khả năng trổ sinh những hoa to, trái lớn, ngon ngọt và thật tươi tốt.

Bạn thân mến, ông bà ta thường hay nói có bột mới gột nên hồ. Nghĩa là không có cái nhỏ thì không thể có cái to được. Làm gì thì làm, ai cũng phải bắt đầu từ cái nhỏ rồi thì mới có cái to, phải có bé rồi thì mới có lớn. Thật vậy!

• Để tậu mãi được một ngôi thánh đường khang trang và rộng rãi tại thành phố Happy Valley như ngày hôm nay, toàn thể con dân của giáo xứ Đức Mẹ Lavang đã bắt đầu từ $1, $2, $3 một ngày, chắt chiu từng đồng qua những tô phở, bún bò Huế, qua những dĩa xôi, qua những ly chè, bánh giò, bánh gai, cơm rượu, bánh mì ...

• Năm 1209, Thánh Phanxico bắt đầu thành lập hội dòng với con số 7 thành viên tại Italy, ngày hôm nay, dòng Phanxico đã có hơn 14 ngàn thành viên làm việc mục vụ ở khắp mọi nơi trên thế giới.

• Năm 1949, nữ tu Teresa khởi sự hội dòng với một cục xà phòng và 5 rupee ($1 Dollar = 45 rupee), ngày hôm nay, dòng Thừa Sai Bác Ái đã có 4,500 thành viên đang hy sinh, dấn thân phục vụ những người cùng khốn, những người bị xã hội bỏ rơi, những nhà tế bần, những bệnh nhân HIV, những trẻ em mồ côi ... ở trên 133 quốc gia.

Giáo Hội mà Chúa Giêsu thiết lập cũng bắt đầu từ những cái rất nhỏ bé mà thôi!

• Từ con số 12, sau đó 72, rồi hàng trăm, hàng ngàn...và hôm nay đã lên tới hơn 2 tỉ 380 triệu Kitô hữu.

• Giáo Hội của Chúa lúc đầu chỉ ở trong một diện tích nhỏ, bắt đầu ở Jerusalem, Samaria, Antioch... sau lan rộng qua Bắc Phi, Tiểu Á, Ả Rập, Hy Lạp...và ngày hôm nay đang hiện diện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

• Từ một vài nhà nguyện nhỏ bé, chật chội, tại vùng Jerusalem, Judea, Samari, Antioch...ngày hôm nay Giáo Hội đã có hàng trăm ngàn những ngôi thánh đường lớn nhỏ ở trên khắp mọi nơi.

Cũng vậy, để có được những bông hoa xinh đẹp mang tên ĐOÀN KẾT, HIỆP NHẤT, YÊU THƯƠNG, và để có được những trái ngon của NIỀM VUI & HẠNH PHÚC...ở trong dòng tu, trong giáo xứ, trong gia đình, trong giáo hội và trong hãng, xưởng, văn phòng, business...bạn và tôi phải làm những công việc nho nhỏ trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như:

• Nói những lời xin lỗi, những lời tạ lỗi với những người chung quanh ...bất kể bạn là ai, khi làm sai, khi lỡ lầm, xin hãy nói ngay lời tạ lỗi, lời xin lỗi…một cách rất nhỏ nhẹ, chân thành và khiêm tốn.

• Thường xuyên nói những lời khen ngợi, động viên, khuyến khích và có tính xây dựng với chồng với vợ, với con cái, với những người phục vụ... “Con học khá lắm, con đã cố gắng nhiều rồi, nhưng ba tin rằng con còn có thể đạt điểm cao hơn nữa!... Phở của giáo xứ hôm nay nấu rất ngon, cám ơn các bà các chị trong Ban Ẩm Thực... Món sườn nướng mà anh ướp thiệt là vừa miệng của em...”

• Gọi phone, gửi text, gửi email, gửi thiệp... chúc mừng, hỏi thăm, chia buồn, an ủi, động viên khuyến khích cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, chú bác cô dì, bạn bè, người làm việc chung hãng, cùng văn phòng... trong những dịp lễ, Tết, sinh nhật, anniversaries, tang chế, đau ốm...

• Hằng tuần sau Thánh Lễ Chúa Nhật, vợ chồng con cái cùng nhau đến thăm hỏi ông bà, cha mẹ, mua một tô phở, một dĩa mì xào, một ít trái cây, nấu cho các ngài một chén cháo, bưng một ly nước, giúp cắt cỏ, giúp lau chùi, dọn dẹp phòng ốc...

• Là chồng, là cha, bạn hãy phụ một tay với bà xã lau cái bàn, sắp chén dĩa trên bàn ăn, dọn dẹp sau khi ăn, rửa chén, đổ rác, lau sàn nhà...

• Đến khuôn viên nhà thờ, bạn cúi xuống lượm một cái rác, nhặt một vỏ lon bia hay một vỏ nước ngọt đang nằm lăn lóc trên sân cỏ hay trên parking; sắp xếp lại những cuốn sách hát, những cuốn sách đáp ca, hay những tờ thông tin, những phong bì dâng cúng... cho ngay ngắn, trật tự; vào quán ăn của giáo xứ xắn tay áo lên rửa chén, đổ một bao rác, lau một cái bàn, lặt một bó rau, cắt một bó hành...

• Dù là ở nhà của bạn hay ở nhà thờ, hay ở sân bay, khách sạn, nhà hàng, hay ở những nơi công cộng... sau khi đi restroom, bạn cúi xuống lau chùi bàn cầu, lau chùi bồn rửa tay, lau kiếng, lượm những mẩu giấy vụn bỏ vào thùng rác...

Bạn thấy đấy, toàn những chuyện nhỏ, và toàn những chuyện rất bình dị trong cuộc sống hàng ngày thôi, chẳng có gì là to tát hay lướn lao cả! Tôi tin chắc rằng, nếu bạn và tôi chịu khó và trung thành gieo những hạt cải của quan tâm, hạt cải của yêu thương, tha thứ, hạt cải của khiêm nhường, hạt cải của nhẫn nại...qua những hành vi, cử chỉ, lời nói...tầm thường và nhỏ bé (như những ví dụ ở trên) trong đời sống hằng ngày, thì những hoa trái của thành công, của hiệp nhất, của đoàn kết, của yêu thương, của niềm vui và hạnh phúc...sẽ không ngừng trổ sinh cho mà xem! Bạn tin không?

Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

--------------------------------

 

TN 11-B113: HẠT NƯỚC TRỜI

 

Nước Trời được Chúa Giêsu đề cập trong dụ ngôn “Hạt Giống Tự Mọc Lên,” (Mc 4:26-34) ví Nước TN 11-B113


Nước Trời được Chúa Giêsu đề cập trong dụ ngôn “Hạt Giống Tự Mọc Lên,” (Mc 4:26-34) ví Nước Trời như một hạt giống. Ngài nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” Cái mà chúng ta vẫn gọi là “tự động” hoặc “tự nhiên” thì thật ra đó là ý Chúa quan phòng và tiền định.

Không ai thấy Nước Trời, nhưng Nước Trời vẫn lớn dần trong mỗi chúng ta và trong xã hội. Đơn giản và thực tế như chính phủ, chẳng ai thấy chính phủ và chẳng ai là chính phủ, nhưng chính phủ vẫn hiện hữu.

Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” Ngài muốn dùng cách nói cụ thể để ai cũng hiểu, tất nhiên tùy theo mức độ nghe và hiểu của mỗi người – nhưng phải hiểu đúng, không được theo ý riêng mà suy diễn.

Thực sự không đơn giản để có thể hiểu ý Chúa qua Phúc Âm. Có lẽ dụ ngôn “Người Gieo Giống” (Mt 13:18-23; Mc 4:13-20; Lc 8:11-15) là dụ ngôn duy nhất được Chúa Giêsu đã giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ. Để hiểu các dụ ngôn khác, có thể lưu ý 3 điều:

1. XÁC ĐỊNH PHẠM VI TÂM LINH. Chúa Giêsu thường giới thiệu một dụ ngôn bằng cách nói “Nước Trời ví như, giống như...” (đề cập 7 lần trong chương 13, Phúc Âm theo Thánh Mátthêu). Trong dụ ngôn “Người Biệt Phái và Người Thu Thuế,” Thánh Luca ghi: “Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác...” (Lc 18:9)

2. PHÂN BIỆT ĐIỀU CHÍNH VÀ PHỤ. Không phải các chi tiết của dụ ngôn đều có ý nghĩa sâu sắc, một số chi tiết chỉ làm cho câu chuyện thực tế hơn. Chẳng hạn trong dụ ngôn “Người Gieo Giống,” Chúa Giêsu giải thích mà không bình luận về bốn loại đất khác nhau. Chi tiết “bốn loại” là chi tiết phụ.

3. ĐỐI CHIẾU KINH THÁNH. So sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh là quy luật chú giải vô giá khi tìm hiểu các dụ ngôn. Các dụ ngôn minh họa giáo lý, và các giáo huấn của Chúa Giêsu luôn rõ ràng, mạch lạc. Các dụ ngôn không mâu thuẫn với Lời Chúa (Kinh Thánh), vì Chúa Giêsu xác định: “Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.” (Ga 12:49)

Trong các Phúc Âm nhất lãm có khoảng 35 dụ ngôn. Khi dùng dụ ngôn, Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh đời thường để minh họa nhưng mang ý nghĩa cao siêu. Chúa Giêsu thích dùng dụ ngôn, có lẽ vì loại văn này độc đáo, như Kinh Thánh cho biết: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn.” (Mt 13:34; Mc 4:34) Có lần các môn đệ hỏi: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” (Mt 13:10) Ngài trả lời: “Bởi vì anh em được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.” (Mt 13:11-15; x. Mc 4:10-12 và Lc 8:9-10)

Khi chỉ có Thầy trò với nhau, Chúa Giêsu giải thích hết cho các môn đệ hiểu. Ngài nói rằng việc sử dụng các dụ ngôn có hai mục đích: Mặc khải sự thật cho những người muốn biết và che giấu sự thật đối với những người dửng dưng, không quan tâm. Nhóm Biệt Phái đã công khai khước từ Đấng Mêsia và phỉ báng Chúa Thánh Thần, họ phạm loại tội nặng nhất mà không được tha cả ở đời này và đời sau. (x. Mt 12:22-32) Họ đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói về những người cứng lòng, đui mù và câm điếc: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.” (Is 6:9-10)

Chúa Giêsu thường nói câu này khi kể dụ ngôn: “Ai có tai nghe thì nghe.” (Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35) Đó là cách mời gọi lắng nghe dụ ngôn, không chỉ nghe cho biết mà là tìm kiếm sự thật của Thiên Chúa. Ngài ban cho mỗi người có HAI TAI và MỘT MIỆNG, tức là phải NGHE nhiều hơn NÓI.

Thiên Chúa phán hứa từ xưa: “Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Israel. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi. Chính Ta là Đức Chúa, TA ĐÃ PHÁN LÀ TA THỰC HIỆN.” (Ed 17:22-24) Trong đó có “hình bóng” của dụ ngôn thời Tân Ước mà Chúa Giêsu sử dụng để nói về Nước Trời. Đó là một lời hứa, nhưng là lời hứa đang ứng nghiệm trong thời chúng ta đang sống – Thời Cánh Chung.

Mọi lời Chúa hứa đều được Ngài hiện thực, tất cả đều ứng nghiệm. Thánh Vịnh gia thân thưa: “Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya.” (Tv 92:2-3) Tạ ơn và xưng tụng Chúa là trách nhiệm của phàm nhân, các “sinh vật cao cấp” được Ngài tạo dựng vì yêu quý và thương xót.

Màu xanh thiên nhiên cho thấy sức sống dồi dào của cảnh vật, đó là nhờ bám rễ sâu vào lòng đất để hút các dưỡng chất; cũng vậy, con người sẽ thanh thản và bình an phát triển nhờ hồng ân Thiên Chúa, mãi mãi không tàn úa. Thánh Vịnh gia so sánh: “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Libăng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công.” (Tv 92:13-16)

Thánh Phaolô bộc bạch: “Chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước NHỜ LÒNG TIN chứ không phải NHỜ ĐƯỢC THẤY CHÚA. Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa.” (2 Cr 5:6-8) Đức tin thực sự rất cần thiết, cần hơn việc “được thấy Chúa.” Thế nhưng, nhiều người vẫn “đua nhau” tìm kiếm “sự lạ” ở nơi này hoặc nơi kia, Thánh Thể là phép lạ vĩ đại nhất, hằng ngày vẫn xảy ra tại các nhà thờ hoặc nhà nguyện ở khắp nơi trên thế giới. Cứ đua nhau tìm điều gì lạ ở đâu đó chỉ là phong trào, rồi cuộc sống chẳng thay đổi thì vô ích!

Thánh Phaolô cho biết: “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là LÀM ĐẸP LÒNG NGƯỜI. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.” (2 Cr 5:9-10) Ý Chúa không phức tạp như chúng ta tưởng, ý Chúa là bổn phận trong thời điểm hiện tại, dù chúng ta ở nơi nào. Làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình là “làm đẹp lòng Chúa.” Đơn giản mà lại không dễ. Đừng ảo tưởng!

Sách Châm Ngôn cũng có những điều tương tự. Ông vua khôn ngoan Salômôn đã dùng tỷ giảo cách để dạy về sự thật, đặc biệt trong tính tương đương điển hình, sinh ra một “dụ ngôn đơn giản.” Chẳng hạn: “Cơn thịnh nộ của vua như tiếng gầm sư tử, kẻ làm vua nổi giận là làm hại chính mình.” (Cn 20:2) Tiếng gầm của sư tử được ví như cơn giận của nhà vua để so sánh.

Phương pháp so sánh là cách giúp người ta dễ hiểu vấn đề nào đó. Văn so sánh là đặc ngữ trong các dụ ngôn – ngụ ngôn không có loại này. Dụ ngôn và ngụ ngôn có nghĩa tương đương và có nghĩa khác nhau.

– Ngụ ngôn (Anh: parable, fable; Pháp: parabole, fable) là câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng vẫn có bài học luân lý, mang tính giáo dục, răn đời; các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là người hoặc thần linh.

– Dụ ngôn (Anh: parable, Pháp: parabole) cũng là câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi, mang tính bí ẩn, tính tục ngữ, đặc biệt là có chiều kích tâm linh. Chúa Giêsu KHÔNG DÙNG NGỤ NGÔN, Ngài dùng DỤ NGÔN.

Lạy Thiên Chúa, xin ban trí thông minh để chúng con hiểu đúng ý Ngài và biết thi hành các huấn lệnh của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu.

--------------------------------

 

TN 11-B114: LỚN LÊN BỞI CHÚA

 

Chúng ta bắt đầu bài chia sẻ hôm nay bằng câu chuyện. Nội dung và các tình tiết trong câu chuyện TN 11-B114


Chúng ta bắt đầu bài chia sẻ hôm nay bằng câu chuyện. Nội dung và các tình tiết trong câu chuyện rất thật, thật đến độ có nhiều người tưởng như truyện kể về hoàn cảnh của gia đình mình. Truyện kể như sau.

Có một gia đình kia có 4 người con. Gia đình anh chị mới đến Úc khoảng hơn chục năm. Chân ướt chân ráo tới định cư tại một xã hội hoàn toàn mới lạ với những gì mà họ đã được dậy bảo và trưởng thành ở Việt nam. Tuy bỡ ngỡ nhưng anh chị cố gắng chu tòan bổn phận và trách nhiệm làm cha mẹ trong môi truờng mới.

Khi còn nhỏ, cháu nào cháu ấy thật dễ thương, chăm chỉ học hành, vâng lời anh chị, ngoan ngoãn trong công việc. Đến tuổi dậy thì, các cháu đổ chứng, mỗi đứa một tật khiến cho anh chị lao tâm lao lực, thậm chí chán nản, bị trầm cảm rồi mất lòng trông cậy và chẳng biết bám víu vào ai. Nhưng anh chị vẫn tiếp tục vai trò làm đầy tớ phục vụ nhu cầu các con, làm thầy dậy chỉ bảo đường đi cho các con, làm lang y mỗi khi các cháu ngã bịnh.

Theo tôi, anh chị đã cố gắng hết sức trong việc giáo dục con cái. Tôi thông cảm và rất muốn chia sẻ nỗi khó khăn, niềm lo âu và cơn buồn phiền trong đời sống với họ. Tôi cảm phục lòng can đảm, sự hy sinh, lòng kiên nhẫn nói lên tình yêu của họ dành cho các cháu. Đó chính là công sức mà họ đã đóng góp để cho hạt giống mà Chúa đã gieo, đang gieo và tiếp tục gieo qua cuộc sống của họ và âm thầm mọc lên trong cuộc sống của các cháu. Tất cả được đặt trong niềm hy vọng là các hạt giống đó sẽ sinh hoa kết trái sau này.

Trước hoàn cảnh thật chông gai mà gia đình anh chị, bạn tôi đã và đang đối diện. Anh chị có thể nhận ra mình là kẻ thua cuộc, nhưng anh chị vẫn tin rằng Thiên Chúa yêu thương những người con của anh chị hơn anh chị yêu các cháu. Bởi vì, các cháu trước khi là con của anh chị thì phải là con của Thiên Chúa truớc. Như thế, Ngài có đường lối và cách ứng xử của Ngài.

Anh chị tin rằng Ngài không muốn một ai trong chúng ta bị hư đi. Chúng ta là những con người bất tòan mà còn biết hành xử với con cái mình như thế, gieo và tiếp tục gieo hạt giống tin yêu và hy vọng là nó sẽ sinh hoa kết trái; phuơng chi là Thiên Chúa. Người yêu thuơng, tiếp tục ban phát ân huệ, kiên tâm chờ đợi kết quả của ngày mùa, đến mùa thu họach sẽ đuợc bội thu.

Thưa anh chị em,

Tuy truyện kể trên đây không xẩy ra cho mọi gia đình, nhưng tình tiết của câu chuyện không xa lạ với hoàn cảnh sống của gia đình chúng ta. Các bậc cha mẹ dường như đều trải qua những kinh nghiệm giống như thế.

Một cách tương tự, đây cũng là hoàn cảnh của các tín hữu tiên khởi đã phải đối diện. Sau khi Chúa Giê-su về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa. Các Tông đồ bắt đầu ra đi rao giảng về Nước Thiên Chúa. Công cuộc rao giảng và gieo trồng Lời Chúa của các môn đệ không được thuận lợi. Các ông bị chống đối, chịu cấm cách, bị bắt bớ, tù đầy thậm chí còn bị giết chết. Trước một thực tế đầy chông gai như thế, anh chị em tiên khởi có thể hỏi nhau rằng làm thế nào Nuớc Thiên Chúa có thể phát triển đây?

Câu trả lời được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Dụ ngôn về Nước Thiên Chúa mà chúng ta vừa nghe có thể đem đến cho họ và cả chúng ta một lời giải đáp. Trước hết, chúng ta cần ghi nhận rằng điểm chính của dụ ngôn nằm ở thái độ của người gieo giống hơn là bổn phận mà ông phải chu toàn. Trong bài Tin Mừng, ông được trình bầy như một kẻ lười biếng, chỉ biết gieo mà không nỗ lực canh tác. Sau khi gieo, ông trở về với cuộc sống thường nhật của mình.

Tuy, đó là vẻ bề ngoài của ông, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng: là một nhà trồng cấy chuyên nghiệp, ông có đủ kinh nghiệm để biết rằng thủa đất mà ông vừa gieo hạt giống xuống sẽ bắt đầu một tiến trình khiến cho hạt giống tăng trưởng mà không cần bất kỳ một sự can thiệp nào của ông. Ngoài niềm tin đó, việc kế tiếp mà ông cần làm là quan sát và kiên nhẫn chờ đợi, cho đến khi hạt giống chín thì vác liềm ra gặt mà thu hoa lợi về cho chủ.

Nếu dụ ngôn được hiểu như thế thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ý của Thánh sử là: Nước Thiên Chúa thuộc về quyền cai quản của Thiên Chúa. Mọi người chúng ta chỉ là những người thợ trong cánh đồng này. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta có bổn phận đóng góp và chu toàn bổn phận của những người con, những người phụ giúp; còn việc làm cho Nước ấy tăng trưởng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Cụ thể hơn, qua mầu nhiệm nhập thể Đức Giê-su đã đảm nhận vai trò đó. Người đến để rao giảng và phát triển Nước Thiên Chúa. Vì thế, Người có bổn phận làm cho hạt giống tăng trưởng. Người mới là người gieo giống chân thật. Còn chúng ta chỉ là những kẻ thừa hành, những người cộng tác.

Hoàn cảnh mà các cộng đoàn tiên khởi đang phải đối diện cũng là số phận mà Đức Giê-su đã trải qua.

Người đã thất bại, đã bị khước từ, bị chống đối, loại bỏ khỏi hội đuờng sau cùng bị giết chết. Người xem ra thất bại trước sự cứng tin của người nghe. Tâm hồn họ đã ra chai đá và không mở lòng ra để đón nhận những hạt giống trong Lời rao giảng của Người. Tuy nhiên, không vì thế mà hạt giống không được tăng trưởng. Chúng ta phải tin rằng: Hạt giống được gieo bởi Đức Giê-su. Người biết làm sao để cho hạt giống được tăng trưởng. Và, trong niềm tin, chúng ta chắc chắn rằng không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản sự tăng trưởng của hạt giống.

Hạt giống của Chúa chứ không phải lời hay công sức của chúng ta. Vì thế, việc hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết trái là của Chúa. Những điều cần làm thì chúng ta vẫn phải làm, vì đó là bổn phận của mình, nguời môn đệ của Chúa. Còn phần còn lại, kết quả của nó, thành công hay thất bại không phải là việc của mình. Kiên nhẫn đợi chờ với tinh thần lạc quan để chờ ngày thu hoạch.

Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy hết lòng tin tưởng với tâm hồn khao khát rằng Nuớc Thiên Chúa, cho dù đã được khai mạc bởi Đức Giê-su, nhưng còn sẽ đến để đem mọi sự đến hoàn thành. Và trong ngày đó, lối sống yêu thương và các công sức của chúng ta sẽ trở thành những bông lúa đầy mầu nắng ấm của tình yêu, sẽ triển nở để báo cho biết mùa gặt đã đến. Và lúc đó, chúng ta chỉ biết dâng lời chúc tụng và tôn vinh Chúa, Đấng đem mọi sự đến mức hoàn hảo và sung mãn nhất theo ý của Ngài.

Vì vậy, Lời Chúa trong dụ ngôn về sự tăng trưởng âm thầm của hạt giống giúp cho tôi xác tín hơn rằng: Chúa chúng ta là Đấng thật quảng đại, kiên tâm trong tình yêu và không hề áp đặt, luôn tôn trọng quyền tự do và mức độ đón nhận của con người. Để đáp trả, chúng ta hãy tự do đứng dậy rồi yêu thuơng, tha thứ và kiên tâm chờ đợi cùng nhau sinh hoa kết trái nhé. Amen!

Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

-------------------------------

 

TN 11-B115: KHỞI ĐẦU NHỎ BÉ - KẾT THÚC VĨ ĐẠI

 

Chương về các dụ ngôn của Máccô (4,1-34) có hai phần lớn: phần dụ ngôn người gieo giống (cc.3-8) TN 11-B115


Chương về các dụ ngôn của Máccô (4,1-34) có hai phần lớn: phần dụ ngôn người gieo giống (cc.3-8) với lời giải thích (cc.14-20) và phần dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc (cc.26-29) cùng dụ ngôn hạt cải phát triển mạnh (30-32). Ngoài ra, người ta còn gặp một lời tuyên bố về mục đích các dụ ngôn (cc.11-12), hai tiểu dụ ngôn nói lên trách nhiệm của các thính giả là cái đấu và cái đèn (cc.21-25), sau cùng là câu kết luận về việc Đức Giê-su dùng phương pháp dụ ngôn (cc.33-34). Ba phần nhỏ bổ túc này rất giàu ý nghĩa. Chúng cho thấy cách thức tác giả quan niệm về các dụ ngôn.

Hôm nay chúng ta nghiên cứu hai dụ ngôn cuối cùng trong 5 dụ ngôn của Máccô bằng cách đặt chúng lại trong bối cảnh Đức Giêsu thi hành sứ vụ của Người.

Hạt Giống Am Thầm Mọc: Công Trình Tại Thế Của Đức Giê-Su

Hạt giống được trình bày với nhiều giai đoạn tăng trưởng được mô tả khá chi tiết (cc.27-28). Tuy nhiên, người ta lưu tâm đến thái độ của kẻ gieo hơn. Sau khi gieo, bác nông phu trở lại đời thường: “Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” Lòng đất tự làm việc, cho sinh hoa kết quả. Điểm nhấn mạnh nằm ở chỗ ấy: thời gian lúa lớn lên, bác nông phu không phải làm chi trong ruộng của mình cả.

Đột nhiên với c.29, tình hình thay đổi. “Lúa vừa chín”,  bác nông phu liền đem liềm ra gặt. Sự chú ý tập trung trên ông lần nữa, trên việc thay đổi đột ngột thái độ của ông.         

Câu “Người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa” là một trích dẫn ám tàng Ge 4,13: “Các nggươi hãy tra liềm vào, vì đã tới mùa lúa chín”. Đây là đoạn văn thời danh trong đó ngôn sứ loan báo việc phán xử Thiên Chúa sắp thi hành trong thung lũng Giô-sa-phát trên các dân tộc (Ge 4,12-16). Khải huyền 14,14-16 cũng ám chỉ điều đó: “Xin vung liềm của Ngài mà gặt, vì đã đến giờ gặt: mùa màng trên đất đã chín rồi”! Đấng ngự trên mây quăng liềm của mình xuống đất và đất bị gặt”. Rõ ràng mùa gặt mà câu kết dụ ngôn nói đến chính là cuộc Phán xét trong Ngày cánh chung ; sự can thiệp của người nông phu lúc gặt khiến liên tưởng đến sự ra tay cuối cùng của Thiên Chúa.

Giờ ta hãy nói tới thời gian dài trước mùa gặt, lúc bác nông phu chẳng quan tâm đến ruộng mình. Theo điều mới thấy trên, thái độ của ông giúp ta hiểu thái độ của Thiên Chúa. Đúng là như thế vì ta đang đứng trước một dụ ngôn về Nước Trời: bởi lẽ việc Vương quốc Thiên Chúa đến chỉ có thể là công việc của chính Thiên Chúa, nên nhân vật chính trong dụ ngôn này tự nhiên minh giải cách thức Người dùng để thiết lập vương triểu của Người.

Thành ra dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc giả thiết rằng: trước khi Thiên Chúa can thiệp vào Ngày Phán xét, có một thời gian Người để mọi vật đi theo đường của chúng và cho cảm tưởng là bất quan tâm đến các việc xảy ra nơi đồng ruộng thế gian. Nhưng thời ở dưng này vẫn có tầm quan trọng và nó khiến ta nghĩ rằng Đức Giê-su đã đụng đến trong đó mối bận tâm của các thính giả. Mối bận tâm này xuất hiện nơi nhiều đoạn Tin Mừng, đặc biệt đoạn nói về nỗi ngạc nhiên của Gioan Tẩy giả trước thái độ của Đức Giê-su (x. Mt 11,2-6). Đức Giê-su tuyên bố vương triều Thiên Chúa gần đến. Thế là ai nấy đều nghĩ: việc thiết lập Vương triều phải bắt đầu bằng chuyện trừng phạt hay loại trừ mọi tội nhân không đáng thông phần ân huệ của Vương triều (x. Mt 3,10.12). Vậy nếu, như lời Đức Giê-su phán, Thiên Chúa đã thực sự quyết định lập vương triều Người trên trái đất, tại sao chưa thấy có dấu gì về cuộc ra tay khủng khiếp phải chuẩn bị cho Vương triều ấy cả?

Để giải đáp thắc mắc này, Đức Giê-su dùng một kiểu so sánh: như người nông phu không can thiệp gì trong ruộng đồng trước khi đến mùa gặt, Thiên Chúa cũng chẳng làm khác hơn. Nhưng đừng lầm tưởng: thời gian sứ vụ này của Đức Giê-su, trong đó Thiên Chúa gây cảm tưởng bỏ bê công việc đã bắt đầu, chính là thời gian đi trước và liên hệ tới Mùa gặt Cánh chung. Khi giải thích cho thính giả hiểu sự ở nhưng của Thiên Chúa vốn làm họ ngạc nhiên và bất mãn, Đức Giê-su kêu mời họ chớ quên rằng thời kỳ hiện tại, thời kỳ sứ vụ tại thế của Người, là giai đoạn cuối cùng của lịch sử cứu độ, chuẩn bị cho sự can thiệp tối hậu của Thiên Chúa nhằm phán xét và dứt khoát thiết lập Vương quốc của Người. Sứ vụ của Đức Giê-su liên quan chặt chẽ với các biến cố sau cùng, từ đó tạo ra tính nghiêm trọng của giờ phút ta đang sống trong lịch sử. Số phận chung quyết của ai nấy tùy thuộc thái độ của họ lúc này đối với sứ mệnh Đức Giê-su.

Qua dụ ngôn thứ nhất này, Đức Giê-su kêu mời ta hãy biết chuẩn bị cho mùa gặt tối hậu. Như hạt giống mỗi ngày âm thầm mọc lên, sinh bông rồi chắc hạt, đời ta cũng phải âm thầm xây dựng với bao nỗ lực từng mỗi phút giây. Nỗ lực thanh luyện tâm hồn, gạn lọc ý hướng, giáo dục lương tâm, nói tóm là nỗ lực tập chọn Thiên Chúa để có thể sẵn sàng nói lên tiếng chọn lựa dứt khoát vào giờ sau cùng (mà có khi bất ngờ) của cuộc đời ta. Đừng tưởng Thiên Chúa như bất can thiệp mà sống không chuẩn bị, không cố gắng, nghĩ rằng mình sẽ ăn năn trong giờ sau hết. Hạt lúa có chờ đợi lúc đến gần mùa gặt để đâm bông sinh trái đâu. Thiên Đàng là kết quả của bao tháng ngày sống thánh hiện tại chứ chẳng phải là sự lật ngược tình thế nhờ ăn năn vào giây phút cuối đời.

Người ta kể rằng một hôm Xa-tan tổ chức buổi kiểm tra xem đàn em đồng đảng cỉa nó có những thủ đoạn nào để lôi kéo con người xuống hỏa ngục. Nó hỏi: “Bọn bay có độc chiêu nào không?” - “Tôi sẽ bảo con người là chẳng có thiên đàng!” - “Không được! Nói thế, con người không tin đâu” - “Hay là bảo chúng: đừng lo, chẳng có hỏa ngục!” - “Cũng không được! Chúng biết sẽ gánh hậu quả nếu làm điều dữ!” - “À! Tôi nghĩ ra rồi! Chúng ta cứ nói với thiên hạ rằng: các ngươi cứ vui chơi, cứ hưởng thụ, cứ phạm tội... thời gian còn dài mà! Từ từ ăn năn hối cải. Việc gì mà phải vội. Gần chết xưng tội là xong...”. Xa-tan khoái chí quyết định: “Tuyệt vời! Ý mày quả là độc chiêu, độc đáo. Nào! mau lên trần gian thực hiện đi”.

Cây Cải Lớn Phát Khiếp: Chiến Thắng Tối Hậu Của Nước Trời

Dụ ngôn này đến tay chúng ta dưới hai hình thức khác biệt: một là bản văn Máccô, hai là bản văn Luca (13,18-19). Khác biệt chủ yếu nằm trong sự kiện Máccô dùng thể miêu tả, nói lên phương cách các sự việc thường xảy ra, đang khi Luca dùng thể ký thuật, kể lại những gì đã xảy ra một lần nào đó cho một người từng vất một hạt cải trong vườn mình.

Cấu trúc của dụ ngôn cũng khác nhau hẳn. Bản Máccô nhấn mạnh sự tương phản giữa tình trạng hạt cải lúc ban đầu: “Nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống trên mặt đất”, và lúc kết thúc: “nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau, cành lá sum suê”. Trái lại trong Luca, trình thuật theo một chuyển động thẳng hàng, nhấn mạnh đến sự tất nhiên của tiến trình biến đổi hạt giống thành một cây to. Tính chất tương phản trong bản văn Máccô khiến dụ ngôn này gần gũi hơn với dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc hay dụ ngôn người gieo giống đi ngay trước. Tính chất ấy tương ứng với vấn đề (vừa nêu trên) từng hơn một lần được đặt ra cho Đức Giê-su trong sứ vụ công khai của Người.

Như đã thấy, nét cuối cùng xoay hướng, điều khiển việc giải thích. Để diễn tả tầm vóc to lớn của cây cải, Máccô viết: “chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Thành ngữ này gợi lại chiêm bao của Na-bu-cô-đô-nô-xo trong Đn 4. Nhà vua nằm mộng thấy một cây khổng lồ: “Thú vật ngoài đồng tìm bóng mát dưới gốc, chim trời trú ngụ trên cành” (c.9). Đa-ni-en tiếp: cây đó (x. c.18) biểu hiện chính nhà vua. Ed 31,6 cũng mô tả Pha-ra-ô, vua Ai cập, dưới đường nét một cây bá hương lộng lẫy: “Trên cành cây, mọi chim trời đến làm tổ ; dưới bóng lá cành, mọi dã thú nảy nở sinh sôi; và dưới bóng nó, vô số dân tộc đến cư ngụ”. Thành thử hình ảnh cây làm nơi cư ngụ cho chim chóc rất thích hợp để gợi lên cảnh một vị vua ra tay che chở thần dân mình (x. thêm Ed 17,22-23). Ở đây sự chú ý không quy hướng đến vị vua cho bằng đến tình trạng phát triển vốn trùng hợp trong thực tế với Vương triều Thiên Chúa vào Ngày cánh chung. Một khi đã để ý tới nhập đề của dụ ngôn và bối cảnh chung lời Đức Giê-su rao giảng, ta thấy đó cũng là điều đoạn cuối dụ ngôn Tin Mừng muốn gợi lên: cây mà chim trời đến đậu biểu hiệu tình trạng sẽ ưu thắng khi Thiên Chúa thiết lập Vương triều của Người trong thế giới mai hậu.

Có thể cây cải xem ra khiêm tốn để nói lên sự uy hùng vĩ đại của Vương triều Thiên Chúa. Sở dĩ Đức Giê-su đã chọn nó, vì Người muốn nhấn mạnh tính cách quá nhỏ bé ban đầu của Nước Trời. Vào lúc quá trình vốn phải dẫn tới việc xuất hiện vinh quang của Vương triều được phát động, người ta có cảm tưởng đó chỉ là một biến cố vô nghĩa, không đâu. Thế nhưng các thính giả và cả chúng ta chớ có lầm lẫn: Thiên Chúa vốn hoạt động trong sứ vụ Đức Giê-su, đã bắt đầu cuộc can thiệp quyết định sẽ đưa đến việc bày tỏ hoàn toàn Vương triều Người. Nhìn nhận sứ mệnh Đức Giê-su có ý nghĩa đích thực như vậy là đồng thời biết rằng: thái độ đối với sứ mệnh đó nói lên việc chấp nhận hay từ chối quyền tối thượng của Thiên Chúa vào Ngày Cánh chung; và số phận trong thế giới tương lai của mỗi người tùy thuộc thái độ này, tùy thuộc ý thức của mình về tầm quan trọng quyết định của giây phút mình đang sống. Dưới một hình thức hơi khác, đấy cũng là giáo huấn của dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc.

Dụ ngôn cây cải như thế mời ta nhìn vào Giáo Hội để mà vững tâm. Thực tế đã làm chứng cho điều Đức Giê-su mô tả và tiên báo về Giáo Hội. Với một tiểu tổ yếu đuối lúc đầu, với một vị sáng lập bị hành quyết sau khi khởi công, rồi với biết bao giai đoạn bị quyền lực này, thể chế nọ bách hại, Giáo Hội đã lớn lên, phát triển và lan cùng mặt đất, đã là men trong khối bột nhân loại suốt hơn 2000 năm lịch sử, đã là người khai sáng văn minh thế giới, như sắc lệnh Truyền giáo số 8 nói rõ: “Trong lịch sử nhân loại, cả về phương diện trần thế, Tin Mừng thật sự đã là men cho tự do và tiến bộ, và mãi mãi vẫn là chất men khơi dậy tình huynh đệ, hợp nhất và hòa bình”. Xét trong vĩnh cửu, ta càng có lý do vững tâm vào tiến đồ Giáo Hội, vì Giáo Hội là thực thể sau cùng sẽ chiến thắng, là nơi quy tụ hết những gì lành thánh, thiện hảo của nhân loại. Vấn đề là mỗi người chúng ta tham gia được vào chiến thắng đó, bằng cuộc sống chiến đấu cho đức tin và hoạt động cho đức ái mỗi ngày như một thành viên tích cực của Giáo Hội!

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

-------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây