Nhật Ký Truyền Giáo Cha Piô Ngô Phúc Hậu Bài 20 TỪ NGỮ NHÀ ĐẠO

Thứ bảy - 07/09/2024 21:00
cha Hậu
cha Hậu

TỪ NGỮ NHÀ ĐẠO


PiôHậu Bài 20

Cà Mau, ... 1992

 
Một cô giáo hỏi mình:

 - Thưa ông cố, giáo lý viên là gì ?

 - Là người dạy giáo lý chứ còn gì nữa.

 - Vậy mà con cứ tưởng nó có nghĩa là học viên giáo lý chứ.

 Ý kiến của cô giáo bắt mình suy nghĩ. Rút ngắn bốn chữ giảng viên giáo lý thành giáo lý viên cho gọn. Ai ngờ nó lại hàm hồ và luộm thuộm như thế. Không biết người sáng chế ra từ giáo lý viên có thấy điều ấy không. Theo mình thì từ giáo lý viên hiểu được ba nghĩa:

 1- Giáo lý viên là người giáo lý, chứ không thể là dạy giáo lý. Giáo viên là người dạy, vì giáo là dạy. Còn giáo trong giáo lý có nghĩa là đạo, chớ không phải dạy. Nếu giáo lý viên hiểu là người giáo lý thì chẳng có nghĩa gì.
 
2- Giáo lý viên là giảng viên giáo lý.

3- Giáo lý viên cũng hiểu được là học viên giáo lý.

Người trí thức lương dân khi gặp từ giáo lý viên chắc sẽ lúng túng như cô giáo nọ. Không biết phải hiểu nghĩa nào: học viên giáo lý hay giảng viên giáo lý.

Dù sao thì từ giáo lý viên cũng đã dược sử dụng một cách khá phổ biến rồi. Chắc rồi nó cũng sẽ được hợp thức hóa một cách miễn cưỡng như sự đã rồi, giống như nói “Đi khám bác sĩ" mà phải hiểu ngược lại là “đi để được bác sĩ khám" vậy.

Mình không ưa từ giáo lý viên, nhưng cũng đành dùng nó như một sự đã rồi. Trong bụng vẫn cứ tức anh ách và muốn biết bố nào đã sáng chế ra nó để nói nhỏ một câu: “Bố ơi. đừng sáng chế một cách tùy tiện bố ạ !”

-------------
 
Cà Mau, ngày... 1993

Hôm nay mình gặp lại một ông bạn đã từng lăn lộn trên tuyến truyền giáo Năm Căn ngày xưa. Anh em bùi ngùi ôn lại kỷ niệm vui buồn. Nói chuyện nghiêm chỉnh chán, rồi quay sang chuyện tào lao:

 - Hồi đó em gặp một ông sồn sồn. Ông khoái đạo lắm. Ông vô đạo liền, nhưng có một số từ ngữ, mà ông không thể đọc được. Ông kể ra một rổ:

Đọc: “Chúa Giêsu là Cha kẻ khó khăn" có khác gì nói: “Chúa khó khăn tổ cha” . Thật là lộng ngôn.

 “Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật" . Eo ơi ! Tôi hổng chịu cái từ “khốn nạn" ấy đâu, nghe ghê quá à !

 “Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu” nghe mài mại như “Rất ngọt trái cam, rất cay trái ớt”, văn phạm gì mà kỳ cục quá!

 “Bớ con thành Giêrusalem, chớ khóc thương tao làm chi, một khóc thương bay và con cháu bay ngày sau phải khốn mà chớ” . Viếng chặng đàng, cứ tới câu này là tôi làm thinh. Chúa đâu có xưng hô như vậy ?

 ………
 
Chuyện tào lao, nói xong rồi thì bỏ đi, nhưng mình không bỏ được. Khi nghe kể thì cười hề hề một cách vô tư, nhưng tối đến mình lại thấy xót xa. Không ngờ rằng trên đường truyền giáo, người tông đồ lại phải gặp những cái khó khăn vô duyên như thế.

 Văn dĩ tải đạo. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở tư tưởng, giải nghĩa tư tưởng. Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc trình bày giáo lý. Đức Giêsu đã dùng ngôn ngữ và hình ảnh bình dân Do Thái để trình bày Nước Trời cho người Do Thái. Văn ấy để tải đạo ấy là tuyệt vời. Nhưng các nhà truyền giáo thời xưa không có điều kiện thuận lợi để tìm được văn chính xác mà tải đạo. Nhưng còn người truyền giáo ngày nay thì sao ? Có nên lấy cái văn khập khiễng ấy để tải cái chân lý vuông tròn của Chúa không ? Chính mình có nhiệm vụ phải trả lời câu hỏi ấy. Mà câu trả lời thì vẫn chưa có.

 ------------
 
Cà Mau, ... 1994 .

 Hôm nay mình đọc bài "Giáo lý viên là người học Giáo lý?" của Nguyễn Ngọc Huỳnh. Hai ông bạn cùng đọc và nhìn mình bằng ánh mắt tội nghiệp. Một cô giáo tỏ vẻ thất vọng:

 - Cha viết báo làm chi để cho chúng chửi ?

 - Người ta có quyền chửi. Có thế mới hay chứ.

 Mình vui vẻ sao chép bài báo của Nguyễn Ngọc Huỳnh như một món quà quý.

*****

GIÁO LÝ VIÊN LÀ NGƯỜI HỌC GIÁO LÝ ?

 Trên trang Văn hóa của Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 974 ra ngày 4-9-1994, linh mục Ngô Phúc Hậu cho rằng: từ giáo lý viên đã được “sáng chế một cách tùy tiện”. Trên trang Bạn đọc của Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 975 ra ngày 9-10-1994, “một nhóm giáo dân thuộc Giáo phận thành phố HCM” đã đề nghị tìm “một danh từ thích hợp để thay thế cho danh từ giáo lý viên”.

 Theo thiển ý của chúng tôi, danh từ giáo lý viên là một danh từ đã được cấu tạo đúng qui tắc ngữ pháp, và chẳng có lý do gì để phải miễn cưỡng chấp nhận nó, hoặc thay thế nó bằng một từ khác.

 Cũng như các danh từ giáo viên, học viên, phát ngôn viên, thuyết trình viên, hội viên, đảng viên, chính trị viên, kỹ thuật viên, chuyên viên..., danh từ giáo lý viên là một danh từ nằm trong nhóm danh từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp được cấu tạo theo quan hệ hạn định có yếu tố "viên". Có thể chia nhóm danh từ này thành ba nhóm nhỏ:
 
1- Nhóm một: gồm những từ được cấu tạo theo mô hình (1) [(động từ) + “viên”],

 Ví dụ: giáo viên, học viên, phát ngôn viên, thuyết trình viên, cổ động viên, quan sát viên...
 
2- Nhóm hai: gồm những từ được cấu tạo theo mô hình (2) [(danh từ) + “viên”]. Nhóm này lại có thể chia đôi thành:
 
a. Những từ mà yếu tố đứng trước "viên" vốn là một danh từ chỉ một tổ chức, một đoàn thể. Mô hình của những từ này là: (2a): [x + “viên”]

 Ví dụ: hội viên, đảng viên, đoàn viên, đảng ủy viên, chi ủy viên, nghị viên...

 b. Những từ mà yếu tố đứng trước "viên” vốn không phải là một danh từ, mà chỉ một tổ chức, một đoàn thể. Mô hình của những từ này là (2b): [y + “viên”]

 Ví dụ: kỹ thuật viên, giáo lý viên, chính trị viên, điện báo viên, điện thoại viên...

 3- Nhóm ba: gồm những từ được cấu tạo theo mô hình (3)

 [(tính từ) + “viên”]:

 Ví dụ: chuyên viên...

 Những từ thuộc nhóm một, trong đa số trường hợp, có thể bỏ yếu tố "viên" ở cuối và thay bằng yếu tố "người” ở đầu mà nghĩa vẫn không đổi.

 Ví dụ: phát ngôn viên - người phát ngôn; hướng dẫn viên - người hướng dẫn; cộng tác viên - người cộng tác; học viên - người học...

(Ở đây chúng tôi không bàn đến vấn đề "người phát ngôn", "người cộng tác"... có phải là các danh từ hay không). Những từ thuộc nhóm hai không có tính chất đó.

Chúng ta không được hiểu chính trị viên là người chính trị, kỹ thuật viên là người  kỹ thuật… Do đó, đúng như linh mục Ngô Phúc Hậu đã viết, "nếu hiểu giáo lý viên là người giáo lý thì chẳng có nghĩa gì” (bài đã dẫn).

 Những danh từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp được cấu tạo theo mô hình (2b) có nét nghĩa chung là: chỉ một người làm việc và/ hoặc phụ trách, có trách nhiệm... trong / về lãnh vực mà yếu tố y đứng trước “viên” biểu thị. Ví dụ: kỹ thuật viên là người phụ trách về kỹ thuật, chính trị viên là người phụ trách công tác chính trị (trong quân đội)...

Các từ này không có nghĩa là "người học...": không ai hiểu kỹ thuật viên là người học kỹ thuật, chính trị viên là người học chính trị...

Cũng tương tự như vậy đối với các từ điện thoại viên, điện tín viên...

 Vì thế chúng ta không có lý do gì để hiểu giáo lý viên là người học giáo lý cả.

 Theo cách hiểu thông thường hiện nay, chính trị viên là cán bộ phụ trách công tác chính trị, kỹ thuật viên là cán bộ phụ trách công tác kỹ thuật trong một tổ chức nào đó, điện báo viên là nhân viên làm điện báo, điện thoại viên là nhân viên làm việc ở tổng đài điện thoại... (xem Từ điển Tiếng Việt 1994 - giáo sư Hoàng Phê chủ biên - Hà Nội: Trung tâm Từ điển Học và Nxb Giáo Dục, 1994).

Cũng vậy, hiểu giáo lý viên là cán bộ làm công tác giáo lý trong xứ đạo là cách hiểu hết sức bình thường.

Trong thực tế hiện nay, làm công tác giáo lý trong xứ đạo là làm công tác dạy giáo lý trong xứ đạo.

Cách hiểu giáo lý viên là cán bộ làm công tác dạy giáo lý trong xứ đạo (hay hiểu nôm na là người dạy giáo lý) do đó là cách hiểu rất hợp lý.

 Rõ ràng, việc sáng chế từ giáo lý viên, không hề có tính chất tùy tiện, mà trái lại, đã tuân theo một cách nghiêm túc những qui tắc cấu tạo danh từ trong tiếng Việt hiện nay.

Chính cách hiểu giáo lý viên là người học giáo lý mới có tính chất tùy tiện.

 Nguyễn Ngọc Huỳnh

 ---------
 
Cái Rắn, ... 22-11-1994

 Hôm nay mình thảo lá thư ngỏ gởi Nguyễn Ngọc Huỳnh để làm sáng tỏ thêm về từ Giáo lý viên. Đây là yêu cầu của Tư Vinh.

 THƯ GỬI ANH NGUYỄN NGỌC HUỲNH

 (Xin được tạm xưng hô với Nguyễn Ngọc Huỳnh là ANH, vì chưa được biết N.N.H. là ông hay bà, anh hay chị.)

 Anh Huỳnh mến,

 Tôi đã đọc bài "Giáo lý viên là người học giáo lý ?" của Anh đăng trên CGvDT số 982. Tôi mừng quá, vì đã có thêm một người tham gia vào công việc đi tìm ngôn ngữ cho nhà đạo.

 Phải có tranh luận như thế thì vấn đề mới sáng ra được.

 Cám ơn Anh đã có công nghiên cứu viết một bài có giá trị khoa học (nhận xét của một linh mục bạn của tôi) giúp tôi có thêm kiến thức về vấn đề ngôn ngữ.

 Dưới đây là những mẩu tâm tư của tôi, xin được gởi tới Anh, mà từ hôm nay tôi coi như một người bạn.
 
1- Chúng ta đang có và đang sử dụng từ giảng viên giáo lý và học viên giáo lý. Tự nó đã có nghĩa là người dạy giáo lý và học giáo lý. Bỗng dưng xuất hiện từ giáo lý viên. Tôi nghĩ rằng có ai đó đã rút ngắn từ giảng viên giáo lý thành giáo lý viên cho gọn. Đó cũng là cách tạo từ ngữ thông thường. Vào thời kháng chiến 9 năm người ta đã đổi từ “Ủy ban Kháng chiến Hành chính” thành “Ủy ban Hành Kháng”. Từ “Hành Kháng” chẳng có nghĩa gì, nhưng cấp trên bảo rằng: nó là Ủy ban Kháng chiến Hành chính đấy. Ngày nay người ta cũng đã đổi từ “Khối Văn hóa Xã hội” thành “Khối Văn Xã”. Từ văn xã, tự nó có nghĩa là nhóm làm văn cũng như thi xã là nhóm làm thơ (Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An), nhưng cấp trên bảo rằng: nó là văn hóa xã hội đấy. Như vậy là cấp trên đã tạo ra một từ ngữ và gán cho nó một nội dung không hợp lý, nhưng lại hợp pháp. Trong trường hợp này ngôn ngữ là một quy ước.

 Còn từ giáo lý viên, nếu được rút ngắn theo nguyên tắc vừa kể, thì tự nó có thể hiểu theo hai nghĩa: giảng viên giáo lý, hoặc học viên giáo lý. Phải chi có bề trên bảo rằng: giáo lý viên là giảng viên giáo lý đấy, thì khỏi thắc mắc làm chi.
 
2- Nhưng như Anh cho biết: từ giáo lý viên không được cấu tạo theo cách rút gọn, mà được cấu tạo theo mô hình [danh từ + “viên”] để chỉ chức vụ, nghề nghiệp. Do đó giáo lý viên có nghĩa là người chuyên trách về giáo lý, cũng như chính trị viên là người chịu trách nhiệm về quan điểm chính trị trong một đơn vị quân đội. Tôi đồng ý với Anh như thế.

 Nhưng tôi lại không đồng ý với Anh rằng: "Trong thực tế hiện nay, làm công tác giáo lý trong xứ đạo là làm công tác dạy giáo lý trong xứ đạo. Cách hiểu giáo lý viên là cán bộ làm công tác dạy giáo lý trong xứ đạo... là rất hợp lý” . Điều anh cho là hợp lý và hết sức bình thường, thì tôi lại cho là chưa hợp lý và chưa bình thường.

 Đây là ý nghĩ của tôi: Từ giáo lý viên có thể hiểu nhiều nghĩa khác nhau. Nói cách khác nó có một nội dung rất rộng.
 
1- Nếu hiểu giáo lý viên là người chịu trách nhiệm về nội dung và sinh hoạt giáo lý trong họ đạo, cũng như chính trị viên là người chịu trách nhiệm về quan điểm chính trị trong một đơn vị quân đội, thì giáo lý viên chính là cha xứ. Cha xứ có nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của đức tin, có nhiệm vụ tổ chức cho mọi người tín hữu được học giáo lý, có nhiệm vụ tuyển chọn giảng viên giáo lý, huấn luyện họ, hoặc cho họ đi học sư phạm giáo lý, có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm điểm và khích lệ các giảng viên giáo lý.

 2- Nếu hiểu giáo lý viên là người có khả năng chuyên môn về giáo lý và sư phạm giáo lý, thì người ấy là người được cha xứ trao trách nhiệm tổ chức các lớp giáo lý trong họ đạo. Người chuyên trách ấy có thể là cha phó, tu sĩ hoặc một người tín hữu nào đó trong họ đạo.

 3- Giáo lý viên cũng là những người dạy giáo lý trong họ đạo. Họ là người cộng tác viên của cha xứ, cùng chia sẻ trách nhiệm của một giáo lý viên với cha xứ. Họ là giáo lý viên hiểu theo nghĩa rộng nhất. Cũng như cha xứ là giáo lý viên hiểu theo nghĩa hẹp nhất.

 Khi một từ có ba nội dung, mà chỉ hiểu về một trong ba nội dung thôi, thì phải có sự nhất trí chung và rộng rãi. Hoặc giả phải có một chỉ thị của một cấp có thẩm quyền nào đó.
 
4- Nếu một ngày nào đó những từ quen thuộc và rất rõ nghĩa như giáo sư Thánh Kinh, giáo sư Thần học... được đổi thành Thánh Kinh viên, Thần học viên thì sao ? Người sáng chế những từ ngữ ấy cũng sẽ lý luận rằng: Những từ ngữ mới này được cấu tạo đúng quy tắc ngữ pháp: một danh từ + viên; danh từ trước "viên" biểu thị nghề nghiệp, khả năng chuyên môn. Thánh Kinh viên lúc đó sẽ có nghĩa là người dạy Thánh Kinh, giáo sư Thánh Kinh.

  Cũng được thôi, miễn là nó được quảng đại quần chúng chấp nhận.
 
5- Chuyện đã rồi, nhưng tôi ước mong rằng phải chi người ta cứ dùng từ giảng viên giáo lý mà không đổi thành giáo lý viên. Từ giảng viên giáo lý, tự nó đã nói hết cái nội dung là người dạy giáo lý rồi. Còn từ giáo lý viên phải được lý luận là người chuyên trách về giáo lý trong họ đạo, rồi phải lý luận thêm rằng người cán bộ chuyên trách giáo lý viên trong họ đạo chính là người dạy giáo lý vậy. Sau hai lần lý luận như thế kết quả vẫn là cái vỏ và cái ruột không khít với nhau: Từ giáo lý viên là cái vỏ thì quá rộng, mà cái ruột là người dạy giáo lý thì chiếm chưa hết một phần ba dung tích của cái vỏ.

 Anh Huỳnh mến,

 Đó là vài ý kiến thô thiển góp thêm vào cuộc bàn luận. Mong anh có thêm ý kiến khác nữa, để ý kiến trao đổi được thêm phong phú.

  Cái Rắn, ngày 22-11-1994
 
Lm. Pio Ngô Phúc Hậu

-------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây