Ông Chín Kiểu năm nay đã ngót nghoét bảy mươi. Ông mở quán nước ngay trước giáo điểm. Cứ sau: PiôHậu 9
Ông Chín Kiểu năm nay đã ngót nghoét bảy mươi. Ông mở quán nước ngay trước giáo điểm. Cứ sau mỗi giờ dạy học, mình lại đến đây nói chuyện dông dài với ông. Tuy là chuyện dông dài, nhưng lại xoáy vòng trôn ốc. Hôm nay đường trôn ốc đã kết thúc, mình đi thẳng vào vấn đề.
- Nghe nói ông Chín có đạo phải không ?
- Ừa, hồi nhỏ tôi theo đạo Chúa như cha. Nhưng, tôi bỏ xưng tội mấy chục năm nay rồi.
- Vậy thì, Chúa nhật tới này, tôi mời ông Chín đi lễ nghe.
Câu nói của mình như một tiếng sét làm rung chuyển trời đất. Ông Chín khóc hụ lên. Hai dòng lệ chảy xối xả. Hai môi giật giật, như người động kinh. Mình hoảng sợ ngồi chết trân. Năm phút sau, ông Chín lấy lại bình tĩnh và kể chuyện:
“Cha tôi đạo dòng, bỏ Hòa Thành xuống Cái Keo làm ăn. Con cái sinh ra đều lấy vợ chồng ngoại. Cha sở Hòa Thành phạt cha tôi không cho xưng tội rước lễ. Đến khi già yếu, biết mình không còn sống bao lâu nữa, ổng chèo xuồng 30 cây số từ đây lên tới Hòa Thành chầu chực suốt tuần thánh, năn nỉ xin xưng tội rước lễ mà không được. Ổng đành chèo xuồng trở về. Ổng buồn rồi ổng chết. Cha tôi chết không được chôn trong đất thánh”.
Nói đến đây ông lại khóc hụ lên một lần nữa. Ông mếu máo nói với giọng hằn học:
“Cha tôi có làm điều gì thất đức đâu, mà Hội thánh đang tâm đày đọa ổng đến độ, già rồi mà vẫn còn bị xua đuổi, chết rồi, mà vẫn còn ghét bỏ...”
Bầu khí ngộp thở. Mình cáo từ ra về, lòng buồn man mác.
------------- Năm Căn, ngày 17-8-1971
Hôm nay mình đến thăm ông Chín Kiểu, hy vọng xoa dịu nỗi đau của ông. Nhưng trên cổ ông đã xuất hiện hình Đức Phật sáng chói. Thế là xong ! Lối vào đời, ông đã bị kéo dây chì gai rồi !
Ổng đeo ảnh Phật để quyết liệt từ chối trở về với Chúa. Ổng đeo ảnh Phật để cảnh cáo mình: “Từ nay, đừng khuyên tôi trở lại đạo nữa…”
Sau mấy chục năm bị nỗi đau cắn xé, hôm nay ông Chín đã xổ ra được. Giờ này có lẽ ông đang ngủ ngon. Trong giấc mơ, những ngón tay ông đang mân mê ảnh Đức Phật từ bi. Còn mình thì giờ này vẫn chưa ngủ được. Một nỗi đau rấm rứt vừa xuất hiện và có lẽ nó sẽ cắn xé lương tâm của mình suốt đời.
Mình lan man nghĩ đến chuyện xưa. Tại giáo điểm nọ, bà Năm khuyến khích chồng con theo đạo, còn bà thì cứ khất lần. Mình dồn bà vào chân tường, nên bà đành tiết lộ nỗi lòng thầm kín. Bà kể:
“Hồi tôi còn bé, trong xóm tôi người ta theo đạo nhiều lắm. Ông cha Tây dạy: Theo đạo thì phải dẹp bàn thờ ông bà. Sau ngày rửa tội linh đình, ổng đi thăm các gia đình đạo mới. Tới một gia đình nọ, vừa tới cửa là ông dậm chân bẹt bẹt, miệng la hét: Tại sao chưa dẹp cái bàn thờ kia ? Ổng nhất định không bước chân qua ngưỡng cửa cho tới khi cái bàn thờ ông bà bị khiêng bỏ ra ngoài sân…”.
Câu chuyện bà Năm kể còn dài lắm. Nhưng vừa nhớ đến chỗ cái bàn thờ bị khiêng bỏ ra ngoài, mình cảm thấy có cái gì đăng đắng ở miệng, nghèn nghẹn ở cổ. Bây giờ mình mới hiểu được nỗi lòng của ông Chín. Ông Chín là người con có hiếu. Vì thương cha, ông hận Giáo hội. Cha sở Hòa Thành tôn trọng luật lệ, nhưng không tôn trọng tình cảm của con người. Chỉ có ông Chín mới hiểu được rằng, cha ông không thể không cưới vợ ngoại cho con và gả con cho người ngoại, bởi lẽ cha ông sống cô thân giữa một vùng chỉ có người ngoại. Cũng chỉ có ông Chín mới thấy được cái tủi hận của một ông lão già gần đất xa trời, mà không được xưng tội rước lễ. Chỉ có ông Chín mới cảm thấy cái đau đớn, khi bị từ chối không được chôn cha mình trong đất thánh, nơi mà cha ông hằng mong ước.
Cha sở sau khi quyết liệt từ chối, không cho ông lão già xưng tội rước lễ, thì lòng vẫn an vui. Và sau khi quyết liệt từ chối không cho ông lão già chôn trong đất thánh, thì lương tâm vẫn bình thản. Đó là luật, luật của Hội thánh.
Mình cay đắng tự hỏi: “Luật vị luật, hay luật vị nhân sinh ? Con người vì ngày hưu lễ, hay ngày hưu lễ vì con người ? “
Đường lối mục vụ ấy có nên tồn tại nữa không ? Và các nhà truyền giáo có quyền áp đặt một thứ mục vụ như thế trên các tân tòng không ? Lm. Pio Ngô Phúc Hậu