Cà Mau, Chúa nhật 17-8-1988 Hôm nay mình bước lên giảng đài một cách hiên ngang hơn bao giờ hết. Mình dõng dạc tuyên bố: Năm nay chúng ta sẽ mừng ngày truyền giáo một cách long trọng.
1. Mỗi người lớn bé già trẻ đều mời bạn lương dân của mình đến dự lễ. Người lương dân tới thì người đạo nhường ghế ngay. Đạo đời hiểu nhau sẽ dễ dàng gây tình đoàn kết dân tộc. 2. Mỗi người hãy hỏi bạn lương dân xem họ thắc mắc điều gì và gởi thắc mắc đó cho cha sở biết trước, để giải đáp trong thánh lễ. 3. Sau thánh lễ, mỗi người hãy mời bạn lương dân của mình ghé quán, hoặc về nhà liên hoan mặn nhạt tùy nghi. Yêu thương nhau thì phải ăn uống với nhau. Trong bữa liên hoan hãy hỏi xem bạn lương dân có cảm tưởng gì về thánh lễ. 4. Để bạn lương dân khỏi bỡ ngỡ, nên nhắc họ: - Đứng và ngồi như người công giáo cho vui.
- Nhưng, khi người công giáo quỳ, thì bạn lương dân cứ ngồi, vì quỳ là cử chỉ thuần túy tôn giáo và dành cho người có niềm tin.
5. Mỗi gia đình hãy nhắc nhau cầu nguyện cho anh em lương dân sẽ tham dự thánh lễ truyền giáo. Nên noi gương Đức Gioan 23, xin trẻ em, ông bà già và người bệnh tật cầu nguyện tiếp, vì lời cầu nguyện của họ đáng được Chúa chấp nhận hơn hết.
6. Nhà thờ phải được trang trí đẹp tối đa. Ca đoàn phải tập dượt để hát thật hay. Phụng vụ Giáo hội được tổ chức chu đáo, sẽ là bối cảnh thuận lợi đưa tâm hồn lương dân vào khung cảnh thần linh. Người lương dân sẽ cảm thấy đứng tim khi mọi người cùng hát và bất ngờ khi mọi người im lặng như tờ.
7. Chính Chúa Giêsu hiện diện trong thánh lễ sẽ đưa các tâm hồn lên với Chúa Cha. Ngài sẽ chinh phục các tâm hồn cứng cỏi, mà ta không đủ sức chinh phục. Đó là kinh nghiệm của Phi-líp-phê.
Phi-lip-phê hí hửng khoe với Na-ta-na-en rằng: "Tôi đã gặp Đấng mà Môsê và các tiên tri loan báo, đó là Đức Giêsu con ông Giuse, người làng Nadarét".
Na-ta-na-en cả cười làm Phi-líp-phê cụt hứng: "Ôi Nadarét ! Nadarét thì có gì hay ho đâu”.
Bí lối, Phi-líp-phê chỉ còn biết trả lời: "Thì anh đến mà xem".
Quả thật khi Na-ta-na-en đến gặp Chúa thì ông bị chinh phục ngay tức khắc.
------------ Cà Mau, Chúa nhật 24-8-1988
Hôm nay mình bước lên giảng đài ủ rũ như con gà trống bị dầm mưa. Hết một tuần rồi mà chưa nhận được một lời thắc mắc nào của lương dân gởi tới. Chưa thấy người giáo dân nào mời bạn lương dân đi dự lễ ngày truyền giáo. Mình không giấu diếm nỗi thất vọng ngay trên giảng đài này, nơi mà cách đây một tuần mình đã hí hửng như con nít xách đèn trung thu đi dạo phố.
Phải có một kế hoạch cụ thể hơn nữa. 1. Phải tiếp xúc với một số người nòng cốt, như giáo viên, công nhân viên bệnh viện... trao đổi với họ về cách thức mời lương dân, cách thức xin những câu thắc mắc và cách thức trao đổi trong bữa liên hoan. 2. Phải tiếp xúc ngay với một số người lớn tuổi, năng nổ, để đốc thúc họ và nhờ họ đôn đốc bạn bè. 3. Phải nhờ các khu trưởng đến thăm những người bệnh hoạn tật nguyền, để xin họ mỗi ngày lần một chuỗi Môi khôi cho lương dân.
4. Cứ mỗi ngày Chúa nhật phải nhắc lại chương trình tổ chức lễ truyền giáo như một điệp khúc.
--------- Cà Mau, Khánh nhật truyền giáo 1988
Chiều nay sân nhà thờ tấp nập khác thường. Người công giáo và không công giáo tay trong tay đi dạo xung quanh nhà thờ. Các bà các cô khoe những chiếc áo dài mới may, may để đi dự lễ.
Hôm nay mình không ngồi tòa, nên đi lượn lờ khắp khuôn viên nhà thờ. Thấy mình, người giáo dân cười toe toét giới thiệu lia chia:
- Cha, bạn lương dân của con nè !
- Cha, đây là chị Năm, vợ của ông trưởng khóm. Chị Năm mới may áo dài để đi dự lễ đó.
- Ông cố, thằng bạn của con nó muốn theo đạo.
- Con xin giới thiệu với cha ông Tư Giỏi. Ổng ngoại, nhưng mến đạo lắm.
- Lễ xong, mời cha đi liên hoan với tụi con nghe !
- …….. Chuông nhà thờ đổ hồi. Dòng người tràn vào nhà thờ như thác lũ. Bạn đạo dành chỗ cho bạn lương. Các bà phước, các ông bà trưởng khu lăng xăng đi tìm chỗ cho người lương dân đến trễ. Lâu lâu lại có một người đứng dậy nhường chỗ cho một người mới tới… Hết chỗ ! Có những bàn tay giơ lên, lắc lắc tỏ vẻ thất vọng. Một bà phước dẫn theo hai người lương đến chỗ có hai chú nhí.
- Tụi con đứng dậy nhường chỗ cho người lương đi !
Thằng cu tí nhỏng mỏ cự nự:
- Đây là khách lương dân của con mà.
Bà phước đáp lại bằng nụ cười đắc chí:
- Vậy thì con cứ ngồi đó đi.
*** Thư thắc mắc gởi đến cho mình thật nhiều, nhưng chỉ xoay quanh hai đề tài chính:
- Tại sao linh mục không có vợ ?
- Tại sao đạo Công giáo không cho thờ cúng ông bà ?
Chẳng có câu thắc mắc nào hóc búa cả. Mình trả lời trơn tuột, dí dỏm, khiến cả đạo lẫn ngoại đều cười hể hả.
Nói chung thì ai nấy đều có cảm nghĩ tốt đối với thánh lễ và với đạo Công giáo. Lm. Pio Ngô Phúc Hậu