PHỤ NỮ - Lm. Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu bài 15

Thứ năm - 11/08/2022 03:58
PHỤ NỮ - Lm. Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu bài 15
PHỤ NỮ - Lm. Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu bài 15
PHỤ NỮ
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo
bài 15

-------------------------------

 Cà Mau, ...

Hôm nay mình đọc xong cuốn "Mùa gió chướng" của Nguyễn Quang Sáng.

Mình thích Nguyễn Quang Sáng, vì ông luôn luôn tìm được lý do để vui cười, ngay cả khi đang đứng bên bờ vực thẳm của sự chết:

- Cô du kích không sợ súng Mỹ, nhưng lại hết hồn khi thấy con đỉa;

- Cô cán bộ giao liên nhảy xuống đìa để tránh trực thăng Mỹ, nhưng lại không chịu hụp xuống nước, hoặc chui vào bờ bụi, vì cô tiếc cái mớ tóc mới chải dầu dừa…

Nhưng mình nhớ để đời câu nói sau dây của Nguyễn Quang Sáng: “Đàn bà như sao trên trời…”

Sao trên trời thì vừa dày, vừa sáng. Nhưng nó chỉ thật dày và thật sáng, vào những đêm thật tối trời.

Người đàn bà cũng vậy: Họ chỉ ra tay anh hùng, khi gia đình và đất nước lâm nguy.

Thôi thì thượng vàng hạ cám, cái gì họ cũng làm được. Họ có thể buôn vàng, buôn đô la, rồi lại bán thịt, bán cá, ngồi quạt chuối nướng, ngồi bán ốc, bán bún...

Trong khi đó các đấng mày râu chỉ biết thượng vàng, mà không thể hạ cám.

Ừ, mà thế thật. Vào thời Tự Đức, khi các linh mục chui lủi trong vách kép, thì các chị Mến Thánh Giá vẫn đem thư của giám mục đến các họ đạo.

Và hôm nay, tại họ đạo của mình: Mình đào mương, bà phước cũng đào mương; mình đi gặt, bà phước cũng đi gặt. Nhưng khi bà phước ngồi bán bún riêu và quạt bánh đa, thì mình giơ tay đầu hàng...

Vậy mình phải nghĩ thế nào về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội hôm nay ?

*****

Cà Mau, ... 1994

 Hôm nay một ông bạn không cùng tín ngưỡng đã đến thăm mình. Không cùng tín ngưỡng, nhưng lại rất thân, đến mức độ có thể xưng hô bằng "cậu, tớ".

Anh thắc mắc đủ điều:

- Nào là “Tại sao linh mục không có vợ”.
- “Tại sao phụ nữ không làm linh mục?” …


Anh kết luận:

- Như vậy là trong Giáo hội sẽ không có bình đẳng nam nữ, bao lâu phụ nữ chưa được làm linh mục.

- Theo tôi nghĩ thì vấn đề là: Người phụ nữ có nên làm linh mục hay không, chứ không phải là người phụ nữ có được làm linh mục hay không ?

Chính vì thế mà người phụ nữ Việt Nam không hề than phiền, khi Nhà nước không đòi hỏi họ phải thi hành nghĩa vụ quân sự như nam giới.

Nên quan niệm chức linh mục là một nhiệm vụ, hơn là một vinh dự. Mỗi người, mỗi phái, chỉ nên lãnh những trách nhiệm hợp với khuynh hướng và khả năng của mình.

- Anh nói có lý, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng.

- Chính tôi cũng đã hài lòng đâu, bởi vấn đề phụ nữ, là vấn đề của thời đại, đâu có giản dị như thế.

- Như vậy là đánh trống bỏ dùi hả ?

- Không phải tôi bỏ dùi, mà dùi gãy rồi !

Thế là xong. Câu chuyện chuyển hướng sang đề tài đời thường.

*****

Sơn Tây, ... 1993

Vũ Tất kể cho mình nghe:

- “Các bà Hơmông truyền giáo hăng say lắm. Cứ hết mùa gặt, các bà lại đeo gùi lên vai, rồi đi bộ từ Yên Bái, qua Sơn La, từ Sơn La qua Lai Châu. Các bà coi cánh đàn ông chẳng ra gì cả. Các bà ấy bảo chồng thế này: Các ông ở nhà, để chúng tôi đi truyền giáo cho. Đàn bà chúng tôi thì ăn ít, nói nhiều. Còn đàn ông, thì nào ăn, nào uống, nào hút. Ăn, uống, hút cũng hết giờ rồi, còn truyền giáo cái gì nữa…”

- Mình thấy các bà Hơmông nói hay thật. Họ tự thú là đàn bà nói nhiều, nhưng lại biết hướng tật nói nhiều ấy sang sứ vụ truyền giáo.

- Họ tố cáo đàn ông cũng đúng luôn. Đàn ông Hơmông có cái tật hút thuốc phiện. Có người sạt nghiệp vì hút thuốc phiện đấy.

******
 
Hiền Quan, ...1989

Sáng nay,mình đang ăn lót lòng với ông trùm ở trong phòng, thì bà quản từ ngoài cổng đi vào, cắt ngang sân để xuống nhà bếp.

Ông trùm nói vọng ra:

- Sướng nhá ! Hôm nay không ăn cũng no nhá !

- Sách "Tháng Đức Bà" cũng chả cho người ta đọc !

Hai câu đối đáp vu vơ làm mình ngẩn ra một lát. À ! thì ra bài giảng tối hôm qua đã gây tiếng vang dữ dội trong họ đạo.

Mình nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ. Mình than phiền vì thấy tại quê hương mình, người phụ nữ chẳng hề được đối xử công bằng như Đức Giêsu đã làm:

+ Trong Hội đồng giáo xứ không hề có người phụ nữ nào. Vai trò quan trọng nhất của họ chỉ là làm "bà quản dâng hoa".

+ Họ không được dọn dẹp trong khu cung thánh.

+ Nếu đọc sách thánh, thì họ không được đứng trên giảng đài.

+ Ngay trong nhà bếp, họ cũng chỉ nấu cơm, nấu nước và rửa bát dĩa. Mổ gà, chiên cá, làm gỏi, đánh tiết canh... đều do cánh đàn ông đảm trách.

Mình nghiệm ra rằng, có một sai lầm rất lớn trong “hội nhập văn hóa”:

- Xã hội Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Khổng-Mạnh.

Ở đó “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.

Ở đó, “Người phụ nữ phải ở trong nhà thì xã hội mới yên”.

Lẽ ra người truyền giáo phải lấy tinh thần kính trọng phụ nữ của Chúa Giêsu, để nâng người phụ nữ trong xã hội Việt Nam lên, thì ngược lại, họ lấy tinh thần trọng nam khinh nữ của văn hóa Khổng-Mạnh, để trùm lên trên Phúc Âm và cơ chế họ đạo.

*****
 
Sơn Tây, ... 1993

 Trong buổi họp, anh em linh mục Hưng Hóa bàn về việc tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận (1895-1995). Một trong các sinh hoạt dự tính là mở đại hội Ban Hành Giáo toàn giáo phận.

Giáo phận có hơn 400 họ đạo. Mỗi họ đạo cử hai đại diện về dự đại hội. Như vậy là có chừng từ 800 đến 1.000 thành viên Hội đồng giáo xứ tham dự. Và toàn là đàn ông.

Mình nghĩ ngay đến một tấm hình chụp thật vĩ đại: một ngàn thành viên Hội đồng giáo xứ ! Thật là trùng trùng điệp điệp ! Đó là sức mạnh của giáo phận. Tuyệt vời ! Nhưng bỗng mình thấy có cái gì không ổn.

- Ủa ! Một ngàn thành viên Hội đồng giáo xứ, mà không có một người phụ nữ nào sao ? Có bình thường không nhỉ ?

Bỗng mọi người ngẩn ra và cùng cười hì một cái…
 ---------------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây