Tiểu sử Linh mục Pio Ngô Phúc Hậu - vị Truyền giáo vùng Năm Căn - Cà Mau - PiôHậu bài 343

Thứ tư - 20/09/2023 06:50
Tiểu sử Linh mục Pio Ngô Phúc Hậu - vị Truyền giáo vùng Năm Căn - Cà Mau - PiôHậu bài 343
Tiểu sử Linh mục Pio Ngô Phúc Hậu - vị Truyền giáo vùng Năm Căn - Cà Mau - PiôHậu bài 343
Tiểu sử Linh mục Pio Ngô Phúc Hậu
- vị Truyền giáo vùng Năm Căn - Cà Mau
- bài 343


------------------------------------------------------------------------

Cha Ngô Phúc Hậu còn có một tên gọi thân thương khác là "Anh Tám Hậu". Mà đúng là cha hay "tám" thật. Một cách "tám" rất duyên, rất đơn sơ, mộc mạc.

Linh mục Ngô Phúc Hậu sinh năm 1936 tại tỉnh Phú Thọ thuộc giáo phận Hưng Hóa, tu học ở đại chủng viện Thánh Tôma và đại chủng viện Thánh Giu-se, Sài Gòn. Sau khi thụ phong linh mục năm 1964 tại Cần Thơ, linh mục Ngô Phúc Hậu làm hiệu trưởng Trung Học Đồng Tâm, Cần Thơ (1967 – 1971), sau đó đi truyền giáo ở Năm Căn và các vùng phụ cận thuộc Cà Mau. Từ 1994, linh mục Hậu làm chánh xứ Cái Rắn, Cà Mau.

Linh mục Ngô Phúc Hậu có lối nói dí dỏm và chân tình khiến người đối thoại lắng nghe và dễ cảm thông. Dù sinh ở đất Bắc, nhưng lớn lên ở trong Nam, làm việc, tiếp xúc hòa mình với cuộc sống bữa đói bữa no của người dân quê chất phác, linh mục đã học, sống, nghĩ và nói như họ.

Dưới đây là vài mẫu chuyện nhỏ nghe được trong chuyến "Hai Lúa đi lạc sang Hoa Kỳ", trích từ các điện thư của anh Trần Ngọc Chánh gởi thân hữu các nơi:

• Cha đi máy bay có mệt không?
Hỏi như vậy là xúc phạm. Trâu làm gì biết mệt mà hỏi.

• Cha sợ cái nóng xứ cao bồi Texas?
Dư sức qua cầu.

• Cha ngán cái lạnh của Minnesota?
Nước đá lạnh 0 độ, cho vào miệng đã muốn chết. Tại sao không cho da thịt của mình được thuởng thức cái đã đó?

(Ước gì anh Tám lưu lại tiểu bang Minnesota đến tháng 12, tháng 1, 2… để có dịp thưởng thức "cái đã" của thời tiết nơi đây!)

• Đi Mỹ, linh mục chỉ mang theo hai bộ đồ để thay đổi. Hỏi sao cha mang ít quá vậy?
Mang nhiều phiền hơn mang ít.

• Anh em đưa cha đi ăn phở. Cha hỏi một tô giá bao nhiêu. Khi nghe trả lời… 5, 6 đô la…
Thôi, chờ lúc tôi về Việt Nam hãy ăn. Bên đó một tô phở chỉ 50 xu.

• Cha sẽ đi không ngừng nghỉ gần trọn ba tháng. Liệu cha có đủ sức khỏe để đi không?
Tôi khỏe lắm. Đi máy bay, đi xe hơi đâu có làm khổ tôi nổi!

(Được biết anh Tám Hậu vẫn còn có thể lội bộ băng đồng băng ruộng đi thăm giáo dân, mỗi bận đi về hơn ba tiếng đồng hồ.)

Thấy mọi người cứ lo lắng sợ Hai Lúa đi mình ên chỗ này chỗ nọ, bị lạc, rồi bị mấy cô Mỹ tóc vàng bắt cóc, linh mục pha trò:

- Mình chưa phải là Hai Lúa, mới có Một Rưỡi Lúa thôi… Lần trước đi Thái Lan, tiếng Thái mình không biết. Còn dân Thái vừa không biết tiếng Việt, vừa không biết tiếng Anh. Máy bay lại tới trễ… Vậy mà quơ tay múa mồm, bác tài taxi vẫn đưa mình đến đúng địa chỉ được. Ở bên này tiếng Anh mình OK… Không cách gì mà đi lạc cho được!

(Tháng 8-2004, linh mục Ngô Phúc Hậu cùng với linh mục Nguyễn Văn Nam và linh mục Hoàng Hôn đi thăm một vài địa điểm hoạt động truyền giáo của dòng Maryknoll ở Thái Lan, theo lời mời của anh chị Michael Thái Bình đang truyền giáo bên đó).

Những mẫu chuyện nhỏ trên đã nói lên con người thật tình, chất phác của nhà truyền giáo Ngô Phúc Hậu. Nói chuyện với linh mục, người đối thoại cảm thấy "bị lây" bởi đức tính lạc quan, yêu đời, lối sống phó thác và vững tin nơi Thiên Chúa của linh mục. Cuộc đời lặn lội đi truyền giáo hơn 30 năm đã cung cấp cho anh Tám Hậu nhiều chuyện để kể và người nghe muốn nghe hoài, không chán. Sống như anh… đây mới thật là một gương sáng.

"Mình có duyên được gặp ngài một lần duy nhất vào năm 2009 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Sài Gòn. Gọi là "gặp", vì lần đó lên thành phố thăm bạn, trúng vào dịp cha Hậu được mời đến nói chuyện tại Trung tâm. Bạn mình rủ mình đi, và mình chỉ được ngó ngài từ xa thôi.

Có rất nhiều câu hỏi được gởi cho cha, xin cha giải đáp. Cứ ngỡ cha sẽ dùng những từ ngữ "thần học cao siêu". Nhưng không, bằng chất giọng của một "ông già miền Bắc", pha lơ lớ chất giọng của "anh Tám miền Tây", cha dùng những câu chuyện, những lời nói, và vẽ những hình ảnh rất dí dỏm lên bảng, để hóa giải những vấn đề tưởng như gai góc, khó trả lời."
(Mai Tín - gioitrecongiao.org)

Cha Hậu tuổi Tý, nhưng ngài lại ví ngài như...con trâu: "Làm hoài, làm đến chết vẫn chỉ là muối bỏ biển. Số người nghèo thì nghèo thêm… Làm được (bao) nhiêu thì hay (bấy) nhiêu. Chết bỏ, nghỉ khỏe. Ta là trâu, Chúa là thợ cày. Trâu kéo cày, Chúa sắm cày. Chúa không sắm cày thì trâu nghỉ…"

Dáng người cha nhỏ bé, khiêm cung lắm. Ai gặp cha sẽ mến ngay. Từ một linh mục miền Bắc, ngài xung phong đi truyền giáo ở vùng Năm Căn, và cuộc đời ngài đã gắn liền với vùng đó suốt hơn 25 năm, từ cái thuở vùng đất còn hoang sơ, "khỉ không dám ho, cò không dám gáy". Những năm tháng truyền giáo, người ta hay hỏi cha Hậu: "Cha xây được bao nhiêu cái nhà thờ rồi?". Ngài đáp: "Chòi thờ thì có, nhà thờ thì không". Thật ra, ước mơ đời ngài là xây nhưng nhà thờ tâm hồn, chứ không phải xây những nhà thờ vật chất. Việc đó cần, nhưng chắc Chúa muốn dành cho người khác làm.

-------------------------------

Những Tác Phẩm Của Lm. Pio Ngô Phúc Hậu:
1- Nhật ký Đức Giê-su
2- Những "Dấu Chân” Của Thầy Yêu Dấu
3- Như Trái mắm
4- Viết Cho Em
5- Nhật Ký Truyền Giáo


-----------------------------------

*** Số thứ tự các bài PiôHậu, được đánh số theo thời gian sưu tầm trên internet.

*** Nhật Ký Truyền Giáo , xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1996 và in ba lần ở Hoa Kỳ 1999, 2000, 2006.

*** Viết Cho Em, Sài Gòn, 2002.
("Em" là những nhân vật linh mục gặp trên đường đời, nam có, nữ có, với tư cách là nhà giáo, hoặc người đi truyền đạo Chúa, rao giảng Tin Mừng).


*** Nhật Ký Đức Giê-su, Sài Gòn, 2005.
(Nhật Ký Đức Giêsu chỉ là một thể cách nguyện gẫm của tác giả. Đó là những khoảnh khắc tác giả tưởng nhớ về Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh của mình)


--------------------------------

Nguồn:
https://gpcantho.com/category/tai-lieu/
http://conggiao.info/news/810/26506/index.aspx
https://www.facebook.com/photo/?fbid=280910235355497&set=a.234138120032709&locale=vi_VN
http://www.cungmedonghanh.com/.../sach/nhat-ky-chua-giesu/
http://www.cgvdt.vn/.../nhat.../nhat-ky-duc-giesu-p5_a1845

------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây