GÃSIÊU, TRUYỆN PHIẾM VÀ NÊN THÁNH - Lm Trăng Thập Tự tưởng nhớ Cha Mai Bài 156

Thứ hai - 18/01/2021 03:33
GÃ SIÊU, TRUYỆN PHIẾM VÀ NÊN THÁNH - Lm Trăng Thập Tự tưởng nhớ Lm PX. Gã Siêu Hoàng Đình Mai 156
GÃ SIÊU, TRUYỆN PHIẾM VÀ NÊN THÁNH - Lm Trăng Thập Tự tưởng nhớ Lm PX. Gã Siêu Hoàng Đình Mai 156

GÃSIÊU, TRUYỆN PHIẾM VÀ NÊN THÁNH GIỮA ĐỜI Bài 156

 

GÃ SIÊU,TRUYỆN PHIẾM VÀ NÊN THÁNH.... Chuyện Gã Siêu 156


Lm Trăng Thập Tự tưởng nhớ Lm PX. Gã Siêu Hoàng Đình Mai
 

Tháng 7-1967, chúng tôi gặp nhau tại Giáo hoàng Học viện Đà Lạt. Trước tết Mậu Thân, về Sài Gòn, tôi đang đạp xe trên đường Nguyễn Tri Phương chợt dừng lại, dắt xe lên hè phố. Số 223. Đúng, đây rồi. Niên khóa trước tòa nhà này còn là Chủng viện Piô XII của giáo phận Hà Nội di cư. Tôi mỉm cười thích thú, phải quan sát vị trí anh bạn tôi đã nói, nhìn lên, hình dung ra anh trong đêm, đang đứng trên lầu, ra hiệu cho người bán “hủ tiếu gõ” rồi thòng cả bộ đồ nghề và tiền xuống cho anh ta. Chỉ một lát, cái thao tác như kéo gàu nước dưới giếng lên hoàn tất. Cả bọn sẽ có bữa tiệc hủ tiếu trong đêm.


*******

Gã Siêu Hoàng Đình Mai kể lại chuyện hủ tiếu gõ vào một chiều Chúa nhật, khi hai chúng tôi thả dốc Đinh Tiên Hoàng ra phố Đà Lạt. Anh cặp nách cái hộp bánh quy tròn cao, nhẹ hều, màu đỏ, vừa đi vừa bảo tôi:

- Chiều cậu ghé phòng mình ăn phở nhé. Có cả tay Khánh kia nữa.

Anh Khánh kia là JB Vũ Dư Khánh, gốc Thái Bình, nhập giáo phận Sài Gòn, sau tháng 4-1975, sang Canada, tiếp tục học thần học, thụ phong linh mục, làm bí thư cho một Giám mục và qua đời năm 2006.

Đi ngang một quán phở, Gã Siêu ghé vào, giao hộp bánh quy cho chủ quán. Chúng tôi ra thăm gia đình người thân của anh ở đường Trương Công Định. Lúc về, anh nhận lại cái hộp màu đỏ, nặng, bọc trong bịch ni-lông. Về trường, cha giám luật nhìn cái hộp đỏ, bảo anh:

- Lại bánh quy nữa rồi!

Tới giờ học riêng buổi chiều, phòng Gã Siêu trở thành quán phở. Chủ yếu của Gã không phải là ăn, nhưng là tạo dịp ngồi “đấu láo”, tức là bàn chuyện phiếm. Máu chuyện phiếm của Gã vốn sôi nổi từ xưa.

Sau năm Dự bị, chúng tôi học Triết năm I. Một bài phóng sự “chuyện phiếm” xuất hiện trên tờ nội san của lớp, ký tên Nham Nhở, chòng ghẹo hết tất cả mọi người trong lớp, không trừ ai. Chẳng ai đoán ra tác giả bài phóng sự, chỉ vì một lẽ: Người bị Nham Nhở chiếu tướng trước hết lại là Mai nhà ta, bị chọc ghẹo cay độc về đôi mắt hơi lạc quan của anh, nhắm một đàng, nhìn một nẻo. Có người còn tỏ ý trách tác giả tàn nhẫn, nỡ chọc vào khuyết tật bẩm sinh nhạy cảm của người anh em. Về sau, anh lấy tên Gã Siêu cũng theo nghĩa ấy: Siêu thị, là người có tài nhìn phía này mà thấy phía kia. Họ Hoàng về hùa với Nham Nhở, chọc hết mọi người nên chẳng ai ngờ anh là tác giả. Về sau mọi người biết ra, chỉ cười ngặt nghẽo, không giận được, vì tác giả đã tự chọc mình trước.

Hơn 50 năm sau, sáu tháng trước khi họ Hoàng lìa đời, vị thủ lĩnh của Giáo hội Công giáo là Giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng một trong những nét tiêu biểu của sự thánh thiện ngày nay là biết hài hước, nhìn đời cách hóm hỉnh, lạc quan:

“Các thánh vui tươi và rất biết đùa. Mặc dù không xa rời thực tế, các ngài tỏa ra tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Sống đời Kitô hữu là sống ‘hoan lạc trong Chúa Thánh Thần’ (Rm 14,17), vì tình bác ái nhất thiết sẽ đem lại niềm vui; hễ đã yêu thì bao giờ cũng vui mừng khi được kết hợp với người mình yêu mến... hoa quả của tình bác ái là niềm vui” (Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay, số 122).

Những chuyện nghịch ngợm được, họ Hoàng không thua ai, nhưng bắt tay vào việc lại nghiêm túc không ai bằng.

Bút danh Tụy Hiền dành cho những chuyện ngoan ngùy, đứng đắn.

Hồi đó, ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt nở rộ nhiều nhóm dịch thuật. Riêng Tụy Hiền, Oanh Sông Lam, Nguyễn Địa Đàng và tôi cũng lập thành nhóm, nhưng nghiêng về sáng tác.

Hướng nhắm của Tụy Hiền là truyện ngắn. Tác phẩm đầu tay của anh là bút ký Hình Bóng Cũ, viết về người mẹ đã ra đi khi tác giả còn ấu thơ chưa ghi giữ được hình ảnh.

Bút ký khiến độc giả nao lòng và ứa lệ. Anh đưa bản thảo cho một chủng sinh lớp lớn cùng giáo phận gốc xem, xin góp ý. Đang khi nhóm chúng tôi chuẩn bị để in thật đẹp trên giấy lụa hồng, người đàn anh kia lại muốn tán thưởng đàn em bằng một món quà bất ngờ. Tiếc là bản in vội của vị này đã khiến tác giả nản lòng đến độ gần như buông bút, không buồn viết truyện ngắn nữa. Thay vào đó, anh đã tận tụy lo cho một số cây bút trẻ là học sinh cấp II và cấp III các trường trung học tại Đà Lạt hưởng ứng tờ tập san Lửa Hồng, in ronéo xinh xắn trên giấy hồng. Anh đọc bài, chọn bài và sửa chữa tận tụy. 

Anh làm việc khoa học không kém máy móc ngày nay. Những gì đã đọc đều được anh ghi chú lên những phiếu giấy A4 xén làm tư, xếp thành chủ đề theo vần ABC rất mạch lạc. Hộc phiếu của anh có độ dày gần một mét. Mỗi lần dọn bài, chỉ loáng một cái, anh đã gắp ra được hàng loạt thông tin và chi tiết minh họa. Hồi chưa có máy vi tính, những chuyện phiếm anh viết thật dễ dàng là nhờ hộc phiếu ấy.

Còn bạn ngày nay, muốn đọc lại truyện phiếm của anh thì dễ nhất là vào trang Đất Hứa của Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn[1]. Nếu Ban Truyền thông của một dòng nữ không chịu bỏ sót một bài nào thì chắc hẳn những truyện phiếm này không chỉ là để mua vui, thư giãn. Người xưa làm thơ trào phúng là để ngạo đời và cũng răn đời. Linh mục Gã Siêu của chúng ta viết truyện phiếm là để gợi ý cho đời bằng nụ cười ý nhị. Chuyện phiếm là một cách viết để đi vào lòng người, giúp người đọc hướng tới những giá trị nhân văn và biết cách đối nhân xử thế.

Là một tác giả truyện phiếm, nhà văn của chúng ta chẳng bao giờ mơ mộng viển vông như một nhà thơ. Anh rất thực tế và có óc tổ chức, biết biến sách vở thành hiện thực. Có lần anh nằm đọc sách trên võng, bảo mấy người cháu ra chợ mua thỏ về nấu ra gu (la gu). Mấy cô bé lắc đầu nguầy nguậy, vì chưa học nấu món ấy bao giờ.

- Này nhé, các cháu cứ ra đó mua một con thỏ, nhờ họ cắt tiết, vặt lông, rồi xẻ thịt và mua thêm những món này, món này..

Ông bác vừa xem truyện, vừa đọc những chỉ dẫn trong sách nấu ăn, rồi bày cho các cháu từng chi tiết một. Đám cháu gái phục bác sát đất.

- Các cháu thấy chưa! Người ta dạy hết ở trong quyển Gia chánh này này. Bác chỉ cần đọc kỹ rồi phán ra cho các cháu làm thôi. Nấu ăn cũng phải đọc sách đấy.

*****

Cha Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai sinh ngày 28/07/1947 tại làng Tụy Hiền, An Tiến, Mỹ Đức, Hà Đông (nay là Hà Nội), vào Tiểu Chủng viện Piô XII (Chủng viện di cư của Giáo phận Hà Nội) năm 1959, lên Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X năm 1967, thụ phong linh mục ngày 03/12/1975 tại nhà thờ Tân Hiệp. Sau đó, Cha phục vụ tại Giáo xứ Ngọc Thạch (từ 1976 – 1979), Chính xứ An Sơn  (1979-2008) rồi về Tòa Giám Mục Long Xuyên, làm quản lý Giáo phận năm 2008 và qua đời ngày 01/09/2018.

Cha gục chết một mình trong đêm khuya, bên cạnh những sổ sách giấy tờ của chức vụ quản lý, đèn bàn và đèn phòng vẫn sáng, cửa chỉ khép hờ. Thánh Lễ An táng sẽ được cử hành vào lúc 15h chiều ngày thứ Ba 04/09/2018 tại nhà thờ Giáo xứ An Tôn, Kênh 1a, Cái Sắn. 

Trong bản tin lễ an táng, tác giả Người Giồng Trôm nhắc đến sự tận tụy âm thầm lặng lẽ của cha và như nghe văng vẳng lời của Chúa: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21).

Đức Cha GB Bùi Tuần viết: “Đã lâu rồi, Cha Phanxicô làm việc không mệt mỏi. Tuy già yếu, bệnh tật, nhưng luôn tỏ ra một trí khôn thông minh, một tinh thần trách nhiệm cao. Cha luôn khiêm nhường, vâng lời, gần gũi và đức tin mạnh”.

Trên trang giaophanlongxuyen.org, Ban Truyền thông Giáo phận viết: “Giáo phận Long Xuyên đã mất đi người quản lý trung tín và một linh mục đạo đức. Giáo hội Việt Nam vắng bóng một nhà dịch thuật. Bạn đọc Báo Tĩnh Tâm và các trang web Công giáo sẽ không còn thấy hình bóng và bài viết của chàng Gã Siêu với những chuyện phiếm và các bài về giáo dục hôn nhân của cây bút Tụy Hiền.

Riêng quý Đức cha và anh em trong Tòa Giám mục nhớ lắm cái tên Hoàng Đình Mai với những câu chuyện cười trong bữa cơm sau những giờ làm việc miệt mài.

Tất cả những nỗi mất mát này khó lấy gì bù đắp, chỉ xin dâng lên Thiên Chúa để làm thành lễ vật hy sinh, cầu nguyện cho Cha Cố được Chúa mau ân thưởng Nước Trời. Xin Cha Cố cũng nhớ đến chúng con!”,… bầu cử cho chúng con luôn sống trong niềm vui:

“Niềm vui Kitô giáo thường được đi kèm với một cảm thức hài hước, nổi bật nơi Thánh Tôma More, Thánh Vincentê đệ Phaolô và Thánh Philipê đệ Neri chẳng hạn. Sự khôi hài bệnh hoạn không phải là dấu chỉ của sự thánh thiện. “Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn anh em” (Gv 11,10). Chúng ta nhận được rất nhiều từ Chúa “để vui hưởng” (1 Tm 6,17), cho nên đôi khi buồn rầu có thể là dấu hiệu của sự vô ơn, vì chúng ta chỉ biết nghĩ đến mình nên không thể nhận ra hồng ân của Thiên Chúa” (Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay, số 126).

Đức Thánh Cha viết tiếp:

“Tôi không nói về niềm vui tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa hiện đang lan rộng trong một số môi trường văn hoá ngày nay. Thực ra, chủ nghĩa tiêu thụ chỉ biến con tim thành nặng nề. Nó có thể mang lại cho ta những khoái cảm ngẫu hứng và chóng qua, nhưng không phải là niềm vui. Điều tôi nhắm nói đến là niềm vui trong tình hiệp thông, là chia sẻ và dự phần, vì “cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,35) và “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr9,7). Tình yêu huynh đệ làm tăng khả năng vui mừng, vì nó làm cho ta có thể vui vì điều tốt lành của người khác: “Hãy vui với người vui” (Rm 12,15). “Chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu mà anh em lại mạnh” (2 Cr 13,9). Mặt khác, nếu ta “chỉ biết nghĩ đến các nhu cầu của mình thôi, ta tự kết án mình phải sống một cuộc sống ít hạnh phúc” (Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay, số 128).

Cha Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai đầy yêu thương và khoan dung. Những năm cha ở An Sơn, tôi về thăm được ba lần và quan sát thấy người anh em của mình thật nhân hậu. Cha xả hết ưu tư phiền não theo khói thuốc lào để đón nhận thiên hạ với tất cả sự yếu đuối của họ.

Mười năm gần đây, khi cha làm quản lý Tòa Giám mục, tôi chưa có dịp đến thăm, chỉ trao đổi qua điện thoại và gặp nhau được vài lần khi họp lớp. Năm 2015, tôi nhờ cha giúp một tay chấm chung khảo giải Viết Văn Đường Trường, cha bận chưa giúp được, hẹn tới năm sau. Năm 2016, dù vẫn bộn bề với những việc xây cất của Giáo phận, cha đã nạp bảng điểm đúng thời hạn. Thế là đến cuối đời chúng tôi vẫn gần nhau trong nỗi ước mơ chung của những năm mới lên Đà Lạt: Tìm kiếm và nâng đỡ những tài năng văn chương trẻ cho Giáo hội.

Lm Trăng Thập Tự
 

Tác giả: Lm Trăng Thập Tự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây