GHEN GHÉT - chuyện phiếm của Gã Siêu - Lm. Fx. Hoàng Đình Mai Bài 6

Thứ tư - 14/04/2021 09:42
GHEN GHÉT -  chuyện phiếm của Gã Siêu - Lm. Fx. Hoàng Đình Mai Bài 6
GHEN GHÉT - chuyện phiếm của Gã Siêu - Lm. Fx. Hoàng Đình Mai Bài 6

GHEN GHÉT 1  Bài 6
chuyện phiếm của Gã Siêu
(Lm. Fx. Hoàng Đình Mai)


Hôm nay, gã xin bàn đến chuyện ghen và ghét.

Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt ganh đua với ghen ghét. Thực vậy, ganh đua là cố gắng để được bằng người hay hơn người. Đây là một đức tính thúc đẩy người ta liên tục phát triển và tiến lên không ngừng. Nếu ai cũng bằng lòng với số phận của mình, thì làm gì có được những sáng kiến và cả “tối kiến” điểm tô cho cuộc đời như cành đào đầu xuân với trăm hoa đua nở.

Trong khi đó ghen là bực bội tức tối khi thấy người khác hơn mình. Nó xuất phát từ tính ích kỷ, háo thắng, hẹp hòi và thiển cận. Như vậy, giữa ghen ghét và ganh đua có một sự cách biệt, như sự cách biệt giữa tật xấu và nhân đức. Nếu đưa mắt nhìn chung quanh, hẳn chúng ta sẽ thấy sự ghen ghét đã len lỏi và có mặt trong mọi lãnh vực, trong mọi phạm vi.

A.- Là con nhà có đạo, đọc lại Cựu ước, gã thấy cái ghen xuất hiện rất sớm:


1. Trước hết là cái ghen của ma quỉ.

Thấy loài người được Thiên Chúa sủng ái, được hạnh phúc trong tình yêu thương của Ngài nơi vườn địa đàng, ma quỉ đã đem lòng ghen và ghét, nên mới bày mưu thâm chước độc cám dỗ để rồi ông bà nguyên tổ đã sa ngã và phải cúi đầu lãnh nhận bản án của đau khổ và chết chóc.

2. Tiếp đến là cái ghen của Cain.

Thấy lễ vật của Abel được Thiên Chúa chấp nhận, Cain đã bực bội để rồi cuối cùng đã rắp tâm thực hiện ý đồ đen tối, là giết em mình ngoài đồng vắng…

B. Rời bỏ Kinh thánh để bước vào đời thường, gã thấy cái ghen đã có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc, cũng như trong mọi lãnh vực. 

1. Trước hết là trong lãnh vực gia đình.


Không ít thì nhiều con cái đều kêu trách cha mẹ ăn ở thiên vị, không công bằng, con yêu con ghét. Đứa được nhiều, đứa được ít. Rồi từ đó sinh ra ngang bướng, giận hờn và thù oán. Không giận được cha mẹ, thì trút nỗi giận lên đầu đứa em. Mà đứa em thì có tội tình gì để phải lãnh nhận hậu qủa của sự ghen ghét ấy. Thực ra, không nên trách móc cha mẹ mà nên trách móc chính bản thân. Bởi vì chắc hẳn cha mẹ sẽ yêu thương đứa con siêng năng hơn đứa con lười biếng, đứa con đau yếu hơn đứa con khỏe mạnh, đứa con ngoan ngoãn hơn đứa con xấc láo…

2. Đặc biệt hơn cả là trong lãnh vực tình yêu vợ chồng.


Thực vậy, trong lãnh vực này, cái ghen thường được định nghĩa là như thái độ bực bội khi thấy tình yêu của mình bị đánh cắp, hay nói cách khác, đó là thái độ tức tối khi thấy kẻ khác phỗng tay trên tình yêu của mình.

Người ta thường bảo: Có yêu thì mới ghen. Và như vậy, cái ghen đều luồn lách vào trong máu huyết của những người đang yêu, bất kể đờn ông hay đờn bà, con giai hay con gái.

Tuy nhiên, nơi đờn bà con gái, cái ghen thường mang một sắc thái đặc biệt hơn, chẳng thế mà ca dao đã từng nói:

Ớt nào là ớt chẳng cay,
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.
Vôi nào là vôi chẳng nồng,
Gái nào là gái có chồng chẳng ghen.


Trong ngôn ngữ Việt Nam có rất nhiều danh từ để chỉ những mức độ khác nhau của cái ghen. Chẳng hạn như:

Ghen bóng ghen gió,
đó là một cái ghen vu vơ, một cái ghen không có bằng cớ rõ rệt, một cái ghen có tính cách phủ đầu như muốn răn đe người mình thương rằng: Chớ có lạng quạng, xớ rớ vô là….chết với bà.

Còn ghen hờn, ghen tủi,
đó là là một cái ghen chất chứa trong lòng mà chẳng dám nói ra, cũng như chẳng có một hành động nào bên ngoài, cứ âm thần gậm nhấm nỗi giận hờn và tủi phận, khiến cho tê tái cả tâm hồn, tan  nát cả con tim, héo hắt cả cuộc đời và quay quắt cả con người. 

Trong khi đó ghen thầm
là một cái ghen để ở trong bụng, nhưng bên ngoài thì vẫn vui vẻ, coi như “nơ pa”, chẳng có sự gì xảy ra cả, để rồi lẳng lặng theo dõi và đưa ra những biện pháp vừa sâu lại vừa cay. Đây là cái ghen của những bậc cao thủ võ lâm, với bản lãnh đĩnh đạc, đáng cho thiên hạ phải kiêng nể.

Gã có thể nhận ra cái ghen ấy nơi Hoạn Thư trong truyện Kiều. Hoạn Thư là vợ của Thúc Sinh và là người đàn bà có cái ghen độc đáo. Nàng ghen nhưng biết giữ thể diện cho chồng, tìm mưu hại tình địch là Thúy Kiều. Hoạn Thư bắt Kiều phải gảy đàn và hầu rượu cho nàng và chồng dự tiệc, khiến Thúc sinh dở khóc dở cười, muốn độn thổ biến đi mà cũng chẳng được. Dù biết chồng có vợ lẽ, nàng vẫn làm ra vẻ thản nhiên cười nói như không, mà trong bụng máu ghen sôi lên sùng sục. Dù biết chồng giấu mình về việc cưới vợ lẽ, nàng vẫn rắp tâm thi hành độc kế, vừa không để thiên hạ gán cho mình là ghen xằng ghen bậy, vừa đày đọa Thúy Kiều và Thúc Sinh chẳng nhìn được nhau và cũng chẳng cất đầu lên nổi, bấy giờ nàng mới hả dạ. Một cái ghen vừa khoa học lại vừa tế nhị. Chính nàng sau này đã thú nhận:


Rằng tôi chút phận đàn bà,
Ghen tương thì cũng người ta thường tình.


Và sau cùng, ghen lồng ghen lộn,
đó là cái ghen của người có dòng máu nóng, khi đã máu ghen đã bốc lên thì đứng ngồi không yên, phải tìm cách bộc lộ ra bên ngoài bằng những hành động và thường là những hành động khốc liệt và tàn bạo như cuồng phong vũ bão, nào là chặn đường đánh cho một trận te tua, nào là dùng dao lam rạch mặt cảnh cáo, nào là tạt acid cho đi đoong cả con người…cốt ý sát hại tình địch hầu lưu lại cho tình địch một dấu ấn và một bài học để đời.

Gã rất lấy làm tâm phục và khẩu phục cha ông chúng ta trong việc ghép và dùng chữ.


Chẳng hạn như học hành, đã học thì phải đem ra mà thi  hành.
Chẳng hạn như nhịn nhục, đã nhịn người ta thì phải  cúi đầu chấp nhận bị nhục nhã.
Cũng vậy, người ta thường nói ghen ghét, một khi đã ghen với người nào, thì chắc chắn cũng sẽ ghét người ấy, nghĩa là có ác cảm với người ấy. Giống như cái ghen, cái ghét cũng có những mức độ đậm đặc khác nhau.

Trước hết là ghét ngọt ghét bùi,

bên trong thì ghét nhưng bên ngoài vẫn làm bộ vui vẻ, dịu ngọt. Đây là cái ghét của người có bản lãnh sâu sắc và hiểm độc.

Tiếp đến là ghét bỏ,
nghĩa là vừa có ác cảm lại vừa muốn ruồng bỏ.

Và sau cùng là ghét cay ghét đắng,
thậm chí còn ghét vào tận tim, cho dù tới chết vẫn không thèm nhìn mặt nhau.

Từ ghen tới ghét, khoảng cách không bao xa. Rồi từ ghét tới những hành động tàn ác với chủ đích hãm hại người khác, khoảng cách cũng gần lắm, như chúng ta đã thấy ở trên.


Thực vậy, người ta thường bảo: Yêu nên tốt, ghét nên xấu.

Ngày trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Phép nước Vệ là ai đi trộm xe của vua thì bị tội phải chặt chân. Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe của vua ra đi. Vua nghe thấy liền khen rằng: Có hiếu thật, vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân.

Ngày kia, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt, còn một nửa bèn đưa cho vua. Vua khen: Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta.

Về sau, vua không còn yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng: Di Tử Hà trước dám liều lấy xe của ta mà đi, lại còn cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày. Nói xong đem Di Tử Hà ra trị tội. Câu chuyện trên như muốn chứng minh rằng: Một khi đã ghét thì thế nào cũng có những hành động hãm hại kẻ mình không ưa không thích.

Nếu phân tích về thái độ ghen ghét, chúng ta thấy nó chẳng mang lại lợi lộc gì, mà hơn thế nữa, chỉ đem lại những hậu quả tai hại mà thôi. Thực vậy, sự ghen ghét của chúng ta không thể nào vo tròn và bóp méo, thay trắng và đổi đen. Người ta giàu thì đã giàu. Người ta thi đỗ thì đã đỗ. Lời nói gièm pha của chúng ta không thể thay đổi được sự thật. Đồng thời sự ghen ghét còn đem lại những hậu quả tai hại cho chính bản thân, bởi vì người ghen ghét từ đày đọa, tự làm khổ mình. Cái hơn của người khác làm cho mình bực bội đến mất  ăn mất ngủ. Và như vậy, cuộc đời cứ mỗi lúc một thêm héo hắt và quay quắt. Còn nếu cứ để cho sự ghen ghét mặc sức bành trướng, chắc chắn nó sẽ thúc đẩy chúng ta đi tới chỗ liều lĩnh bỏ vạ cáo gian, nói hành nói xấu và những hành động dã man khác nữa để hả lòng, hả dạ.

Vậy sự ghen ghét xuất phát bởi đâu ?

1. Trước hết sự ghen ghét xuất phát từ tính kiêu căng của mình.


Thực vậy, kẻ kiêu căng bao giờ cũng muốn mình phải là nhất, phải là trung tâm của thế giới, phải là cái rốn của vũ trụ. Thấy ai phê bình chỉ trích, liền nổi giận đùng đùng. Thấy ai hơn mình thì hậm hực và tìm cách gièm pha, hạ nhục cho bõ ghét. Thái độ này hoàn toàn trái ngược với lời Chúa dạy trong Tin mừng: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Hay như một câu danh ngôn đã bả:

Ai khen ta mà khen phải, ấy là bạn ta.
Còn ai chê ta mà chê phải, ấy là thày ta.

2. Tiếp đến, sự ghen ghét xuất phát từ bụng dạ hẹp hòi của mình.

Thực vậy, thấy người khác tài giỏi hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn, chúng ta phải mừng thì mới đáng mặt quân tử, như lời thánh Phaolô đã xác quyết:

14 Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em,
chúc lành chứ đừng nguyền rủa:
15 vui với người vui,
khóc với người khóc.
(Roma 12,14-15)


Một xã hội cần phải có những phần tử ưu tú, thì mới hòng tiến triển được, chứ nếu tất cả chỉ xoàng xĩnh, hay thường thường bậc trung, thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ chen vai sát cánh được với bàn dân thiên hạ.

3. Sau cùng, sự ghen ghét còn xuất phát từ sự thiếu sáng suốt của mình.


Thực vậy, đứng trước những thành công của người khác, chúng ta cần phải tự vấn lương tâm, cần phải xét mình và đặt ra những câu hỏi để rút tỉa lấy những bài học cụ thể, nhờ đó mà làm đẹp cho bản thân, cũng như làm giàu cho cuộc sống.

Tại sao người ta lại giàu có? Vì người ta đã chí thú trong việc làm ăn, cần kiệm trong việc chi tiêu, chứ không vung tay qúa trán.

Còn chúng ta thì luôn ươn lười và trễ nải, có làm thì cũng chỉ là làm biếng, hay làm ít mà xài nhiều theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”,  thậm chí lại còn xài sang nữa, theo kiểu “con nhà lính tính nhà quan”, thì làm sao có thể khấm khớ và phất lên cho được.

Tại sao người ta tài giỏi? Vì người ta chăm chỉ học tập, siêng năng tìm hiểu. Còn chúng ta thì chơi bời lêu lồng. Đi thi thì dựa vào nghệ thuật “quay cóp”. Nếu không quay cóp được, thì nắm chắc phần rớt trong tay.

Tóm lại, đứng trước những thành công của người khác, chúng ta đừng vội phê bình chỉ trích. Trái lại, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để rút tỉa được những kinh nghiệm quí giá.


Còn đứng trước những thất bại của bản thân, chúng ta đừng vội chạy tội mà đổ lỗi cho người khác, nhưng hãy tìm hiểu lý do tại sao mình lại thất bại, để rồi ra sức uốn nắn sửa đổi lại những khuyết điểm ấy. Điều cần thiết là phải đấm ngực mình mà rằng: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Chứ đừng đấm ngực người khác mà rằng: Lỗi tại anh, lỗi tại chị, lỗi tại hoành cảnh mọi đàng.

Nguyên tắc trong mọi hành động, đó là:

- Đừng nghiêm khắc với người khác mà khoan dung cho bản thân mình.
- Trái lại, hãy khoan dung cho người khác mà nghiêm khắc với chính bản thân mình.

Để kết luân, gã xin ghi lại mẩu chuyện sau đây: Ngày nọ, Cú mèo gặp chim gáy. Chim gáy bèn hỏi: Bác sắp đi đâu đấy? Cú mèo trả lời: Tôi sắp sang ở bên phương đông. Tại sao lại đi như thế? Vì ở đây, nghe tôi kêu, người ta ghét, cho nên tôi phải dời đi chỗ khác. Chim gáy góp ý: Bác phải đổi tiếng kêu mới được, chứ nếu không đổi tiếng kêu, thì dù sang tới phương đông, người ta nghe tiếng, cũng lại ghét bác mà thôi, vì nhân tình đâu mà chẳng thế. Cứ như ý tôi, thì không gì bằng bác phải rụt cổ, thu cánh suốt đời, đừng kêu nữa là hơn.

Đừng ghen và cũng đừng ghét người khác. Trái lại, hãy sửa đổi những sai lỗi, những khuyết điểm nơi con người mình, bởi vì tiêu chuẩn cần phải thực hiện, đó là: Muốn được thương, thì bản thân phải là người thương được.


Gã Siêu
(Linh mục Fx. Hoàng Đình Mai)

 

Tác giả: Lm Hoàng Đình Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây