---------------------- Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đều biết giá trị của đồng tiền:
- Tiền là tiên là phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân.
Một khi đã biết được giá trị của nó là như thế, nên mọi người, bất luận nam phụ lão ấu, đều thích tiền. Từ chỗ thích tiền tới chỗ tham tiền chỉ cách nhau có tí xíu.
*****
Tại một nước Hồi giáo, người đàn ông nọ bị kết án tử hình vì đã lấy trộm thức ăn của kẻ khác.Trước khi bị treo cổ, theo thông lệ, anh ta được phép xin nhà vua ban cho một ân huệ. Và anh ta đã kêu lên:
- Xin bệ hạ cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm mà thôi, hạt giống sẽ nảy mần, đâm bông và kết trái ngay lập tức, vì đó là bí quyết gia truyền.
Nhà vua chấp thuận. Đúng giờ đã định, trước mặt nhà vua và bá quan văn võ, anh ta đào một cái lỗ nhỏ và nói:
- Chỉ người nào chưa hề ăn trộm, mới có thể gieo hạt giống này được. Vì đã từng lấy cắp, nên tôi không thể.
Nhà vua tin lời anh ta, bèn quay sang nhìn quan tể tướng. Sau một lúc do dự, quan tể tướng bèn thưa:
- Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu cũng có lần lấy cắp của người khác, nên thần không thể.
Nhà vua thầm nghĩ: Ta sẽ nhờ viên thủ kho vốn nổi tiếng thanh liêm, không tham nhũng hối lộ. Nhưng viên thủ kho cũng khiêm tốn từ chối vì đã có lần thụt két và gian lận trong tiền bạc.
Không tìm được người nào, nhà vua bèn đứng dậy cầm hạt táo đến bỏ vào chiếc lỗ, nhưng bỗng sực nhớ ra rằng mình đã có lần đánh cắp báu vật của vua cha. Lúc bấy giờ tên tử tội mới chua xót thốt lên:
- Các ngài là những kẻ giàu sang, quyền cao chức trọng, chẳng hề thiếu thốn điều chi, thế mà cũng đã hơn một lần ăn cắp. Còn tôi, một kẻ khốn khổ, chỉ vì mượn đỡ thức ăn trong cơn đói thì lại bị kết án treo cổ. Chẳng công bằng chút nào.
Thậm chí, ngay cả quí vị lúc hãy còn con nít, mà cũng đã rất thích và rất tham tiền.
*****
Ngày nọ, một chú nhóc bị kẹt cả bàn tay trong chiếc bình cổ. Trước khi đập bể chiếc bình quí giá ấy, ông bố nói với chú nhóc:
- Con hãy thử lần cuối bằng cách duỗi thẳng các ngón tay ra và rút lên.
Nhưng chú nhóc trả lời:
- Nếu duỗi thẳng các ngón tay ra thì đồng tiền con đang cầm sẽ rơi mất sao ?
*****
Điều oái oăm thay, đó là lòng tham của con người, thì dường như không có đáy, chẳng bao giờ được no thỏa.
Tên đầy tớ được ông chủ thương cho ở trong một ngôi nhà đẹp đẽ, có vườn hoa bao quanh. Sau một tháng đi vắng, khi trở về ông thầm nghĩ người đầy tớ sẽ sung sướng và biết ơn ông. Thế nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Tên đầy tớ lúc nào cũng nhăn nhó như bực bội điều chi. Ngạc nhiên, ông chủ bèn hỏi:
- Anh không cảm thấy sung sướng khi có đủ mọi sự hay sao?
Tên đầy tớ trả lời:
- Làm sao tôi sung sướng cho được? Ông bảo là tôi có đủ mọi sự ư? Không đâu. Nhà bên cạnh có một con chim hoàng yến. Tôi muốn mà chẳng được. Tiếng hót của nó ngày càng làm cho tôi khổ tâm.
*****
Thật đúng như tục ngữ đã diễn tả: Đứng núi này trông núi nọ. Được voi đòi tiên. Đã thích tiền và tham tiền thì phải làm thế nào cho có và có thật nhiều tiền nửa.
Muốn được như vậy, người ta phải nai lưng ra mà kiếm tiền. Có người kiếm tiền một cách chân chính bằng sức lao động cật lực của mình. Những người này thường nghèo và chẳng có được mấy tí.
Thế nhưng, lắm kẻ lại kiếm tiền một cách bất chính bằng mọi thủ đoạn, như ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp, ăn gian, ăn hối lộ... Những kẻ này thường giàu và phất lên trông thấy.
Một khi đã có tiền, thì phải biết dùng tiền.
Trong phạm vi tiêu tiền, gã xin ghi nhận hai thái cực.
- Thái cực thứ nhất đó là tiêu tiền một cách hoang phí, theo kiểu: Vung tay quá trán. Bóc ngắn cắn dài. Con nhà lính, tính nhà quan. Nếu thái cực này cứ liên tục phát triển thì chẳng mấy chốc mà đi đoong sự nghiệp và trở thành dân khố rách áo ôm.
- Thái cực thứ hai đó là tiêu tiền một cách keo kiệt, bủn xỉn, vốn được người đời gọi là hà tiện. Và đây chính là điều gã xin bàn đến.
Vậy chân dung những kẻ hà tiện là như thế nào?
Cũng như bao người khác, họ là những kẻ thích tiền và tham tiền, nhưng lại không dám xài tiền và tiêu tiền, nếu có thì cũng rất bủn xỉn và nhỏ giọt, nhưng trong lòng lại tiếc hùi hụi.
Tục ngữ Việt Nam đã diễn tả họ là những kẻ:
Rán sành ra mỡ. Vắt cù chày ra nước. Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà mót hạt tấm. Keo cút người đâu như cứt sắt, tham lam chuyên thở những hơi đồng.
Họ tưởng rằng mình làm chủ tiền bạc, nhưng trái lại, chính tiền bạc đã làm chủ họ. Một ông chủ thật hà khắc. Họ là những kẻ chỉ có đầu vô mà không có đầu ra. Cố gắng tích lũy mà không dám tiêu xài, dù cho những nhu cầu chính đáng và cần thiết. Cái khoái duy nhất của họ là được ngồi đếm tiền và thấy túi tiền của mình mỗi ngày một căng phồng.
*****
Có một ông nhà giàu nhưng rất keo kiệt. Ông đã xây cho mình một căn phòng bí mật để cất giấu tiền. Hằng đêm một mình ông lẻn xuống, mắt sáng rực, khi ngồi đếm những xấp tiền mới tinh. Ông đưa lên mũi, hít hà và đê mê thích thú, như say thuốc lào, hay “phê” sì ke vậy.
Rủi thay hôm ấy, ông vội vã đóng sập cửa, nhưng lại để quên chìa khóa ở ngoài. Ông gào thét song chẳng ai nghe thấy. Cuối cùng, ông đã chết thối giữa những đồng tiền của mình.
Hình ảnh hằng đêm ông ngồi lặng lẽ đếm tiền đã nói lên một sự thật: Mũi kẻ hà tiện có tài chịu đựng nổi mùi hôi tanh của tiền bạc, giống như mũi của người nghèo khổ có tài chịu đựng nổi mùi hôi thối của rác rưởi.
Thói hà tiện và keo kiệt này lại thường gia tăng theo tuổi tác, như một câu danh ngôn đã bảo: Khi các tật xấu khác xem ra đã già, thì thói hà tiện và keo kiệt vẫn cứ trẻ mãi. Và càng già, thì lại càng có những sức bật mới. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi vì người già thường nhìn thấy một tương lai bấp bênh đang chờ đón mình, nên phải gom góp thật nhiều hầu, tạo cho mình một cảm giác an toàn. Và như vậy, kẻ hà tiện sống rất khổ cực.
***
Một bà lão ăn mày, quanh năm vất vả rảo qua các ngõ lối để xin bố thí. Dù mùa đông băng giá, bà cũng chỉ mặc một manh áo rách. Bà van lơn thảm thiết, kể lể cảnh túng cực. Người thương tình thì cho tí chút, kẻ quen mặt thì xua đuổi bà như kẻ trộm, nhưng bà vẫn kiên tâm. Tối đến, bà trở về túp lều xiêu vẹo. Bà chỉ ăn những mẩu bánh thừa người ta cho, đau ốm không dám mua thuốc vì tiếc tiền. Do sống quá kham khổ, bà đã ngã bệnh và chết, tay vẫn chỉ vào góc nhà. Người ta đào bới và tìm thấy một cái hộp trong đó đựng gần hai trăm ngàn đô la!
Không phải họ chỉ sống rất khổ cực, mà chết cũng rất khổ cực. Một ông già hấp hối, vị linh mục tới xức dầu, nhưng ông nhất định không chịu mở bàn tay ra, để linh mục xức dầu cho. Sau khi ông chết, người ta thấy bàn tay ấy vào giây phút cuối cùng vẫn nắm chặt chìa khóa “két” tiền.
***
Một ông hà tiện khác, làm lụng vất vả suốt năm, ngày thường cũng như ngày Chúa nhật. Ông sắm được nhiều vàng. Lúc sắp chết, ông xin người ta đặt những thỏi vàng trên tay. Người ta bỏ vàng đầy cả hai bàn tay. Nhưng khi vừa chết, vàng liền rơi ra vì hai bàn tay đã cứng đơ. Thật đúng như ca dao đã nói:
- Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng,
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì.
*****
Kẻ hà tiện chẳng dám tiêu tiền và xài tiền cho bản thân mình, mặc dù có những nhu cầu thật chính đáng và cần thiết. Như vậy người khác đừng có hòng tơ tưởng và xơ múi gì vào đồng tiền của họ, đừng hòng trông mong họ giúp đỡ và bố thí. Nếu có người tới hỏi vay, họ sẽ trả lời:
- Lúc này tôi cũng túng bấn và kẹt lắm, không thể giúp được.
Nếu người đó có năn nỉ ỉ ôi đến gẫy lưỡi thì họa may họ mới cho vay, nhưng với mức lời cắt cổ. Nếu có người vì trách nhiệm phải tới lạc quyên, xin họ giúp đỡ cho những công trình phúc lợi chung hay cứu trợ cho những nạn nhân của thiên tai bão lụt, họ sẽ trốn, để khỏi lôi thôi và phức tạp. Còn nếu không trốn được, họ sẽ miễn cưỡng trả lời:
- Thèm lòng chứ ai lại thèm thịt. Lòng tôi thì muốn rất nhiều, nhưng cái khó bó cái khôn, hoàn cảnh lúc này thật là...
Rồi họ sẽ cà kê dê ngỗng, vòng vo tam quốc, tả oán một chặp. Cuối cùng mới bủn xỉn ló ra được vài đồng bạc lẻ đã nhàu nát.
Thành thử đồng tiền của kẻ hà tiện chẳng đem lại lợi ích gì cho đời và cho người như một câu danh ngôn đã bảo: Kẻ hà tiện giống như một mỏ vàng, trên đó cây cối chẳng thể nào đâm bông kết trái. Họa chăng chỉ khi nào họ đã chết thì may ra tiền bạc ấy mới đem lại tí ti lợi ích nào chăng:
Con lợn chỉ tốt và có ích khi nó hết sống. Kẻ hà tiện cũng vậy, chỉ có ích cho người khác khi họ đã chết mà thôi.
Hay khi họ biết mở mắt ra nhìn cảnh khốn cùng của những người chung quanh mà “cải tà qui chánh”.
*****
Một ông tỷ phú có thói quen lên sân thượng dùng ống nhòm nhìn lén các cô thiếu nữ. Ông thản nhiên trước nếp sống lầm than của đám dân nghèo khổ chung quanh. Ngày kia, ông nhìn thấy một phụ nữ tay cầm một sợi dây với dáng đi thiểu não. Ông vội chạy xuống tìm gặp người phụ nữ ấy thì được biết vì quá túng cực nàng muốn treo cổ lên cây mà chết. Ông liền hỏi:
- Sao cô không chạy tới những người giàu có ?
- Những người càng giàu thì lại càng hay keo kiệt.
- Còn các cơ quan từ thiện ?
- Họ đòi hỏi nhiều thứ giấy tờ, thủ tục hành chánh quá phức tạp.
- Thế chồng cô đâu ?
- Anh ấy bị thất nghiệp.
Vừa lúc đó cảnh sát bắt được một tên trộm và dẫn đến. Tên trộm ấy chính là chồng của người thiếu phụ. Lúc bấy giờ ông tỷ phú mới mở mắt ra và nói:
- Sự việc hôm nay đã giúp tôi thức tỉnh sau một đêm dài ích kỷ và keo kiệt. Mặc dù giàu có, nhưng vì không quan tâm tới những người chung quanh nghèo đói, nên mới ra nông nỗi này.
*****
Vì thế, cần phải biết tiêu tiền cho hợp tình và hợp lý, không hoang phí theo kiểu “phá gia chi tử”, nhưng cũng không keo kiệt bủn xỉn theo kiểu “rán sành ra mỡ”.
Tiền bạc trước hết phải được tiêu dùng cho bản thân và gia đình, hầu bảo đảm một cuộc sống vật chất ấm no.
Gã còn nhớ lời khuyên của một thầy giáo già trường làng như sau: Đối với những sự cần thiết và chính đáng thì bao nhiêu cũng sẵn sàng chi ra, nhưng đối với những sự thừa thãi và hoang phí, thì một đồng, một cắc cũng không.
Ngày kia, người ta đến lạc quyên một gia đình nọ. Vừa tới cổng thì đã nghe thấy tiếng bà mẹ la mắng cậu con trai:
- Con lại đốt phí một que diêm rồi đấy.
Nghe thấy thế, người ta thầm nghĩ: Xem chừng bà chủ keo kiệt, chắc chẳng ăn thua gì. Tuy vậy, vì bổn phận, người ta cũng bấm chuông. Cánh cửa mở ra và bà chủ tươi cười nói:
- Hẳn quí vị đã nghe tôi mắng đứa con trai. Nhưng nếu tôi chẳng tiết kiệm từng que diêm, thì hôm nay làm gì có 500 đô mà giúp hội từ thiện.
Thế nhưng, tiền bạc không phải chỉ được tiêu dùng cho bản thân và gia đình, mà hơn thế nữa nó còn phải được tiêu dùng cho người khác, nhất là những người nghèo túng, cực khổ đang cần được quan tâm giúp đỡ. Khi giúp đỡ người khác, không phải chúng ta chỉ cố gắng “xóa đói giảm nghèo” hay làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ, mà thực ra là chúng ta giúp đỡ và làm lợi cho chính bản thân mình.
*****
Sách Cổ học tinh hoa đã ghi lại câu chuyện “mua nghĩa” như sau:
Mạnh Thường Quân nhà giàu cho vay mượn nhiều. Một hôm sau Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi, Phùng Huyên hỏi:
- Tiền nợ thu được, có định mua gì về không?
Mạnh Thường quân nói:
- Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại và bảo:
- Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều tha cho cả.
Rồi đem văn tự ra đốt sạch.
Lúc về, Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường quân:
- Nhà Tướng công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy phòng, không còn thiếu thứ gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái “nghĩa”, tôi trộm phép vì Tướng công đã mua về.
Mạnh Thường Quân nghe nói thế cũng không hỏi gì đến tiền nữa. Sau Mạnh Thường quân bị bãi quan, trở về đất Tiết. Dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên:
- Trước kia tiên sinh vì tôi mua “nghĩa”, nghĩa ấy nay tôi mới trông thấy.
*****
Câu chuyện trên làm cho gã nhớ tới Lời Chúa trong Tin Mừng: Hãy dùng của cải chóng qua mà mua lấy bạn hữu (Matthêu 6,19-21). Chính những hành động bác ái yêu thương mới là người bạn đích thực, theo chúng ta và bênh vực cho chúng ta. Chính những hành động bác ái yêu thương mới là tấm giấy thông hành cho chúng ta bước vào niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
*****
Một ông nhà giàu nhưng tính lại keo kiệt, sau khi chết, được dẫn đi tham quan thiên đàng. Phong cảnh thiên đàng thật là tuyệt vời, đi mãi không biết chán. Trưa đến, đói bụng ông ghé vào một quán ăn ven đường. Ông lên tiếng hỏi:
- Đĩa cơm nhỏ này giá bao nhiêu?
- Một đồng.
- Còn đĩa cơm lớn?
- Cũng một đồng.
- Vậy hãy cho tôi một đĩa cơm lớn.
- Nhưng ông có tiền không đã?
- Có chứ.
Nói rồi, ông nhà giàu lấy ra trong chiếc ví dày cộm một đồng tiền còn mới. Thế nhưng người chủ quán lắc đầu và nói:
- Không được, ở thiên đàng không xài thứ tiền “thu tích”, mà chỉ tiêu thứ tiền “cho đi” mà thôi. Tất cả tiền trong ví của ông đều là loại tiền thu tích, ông chẳng hề có lấy được một xu cho đi, bởi vì trong cuộc sống ông có giúp đỡ ai bao giờ.
Nghe nói thế, ông nhà giàu tái mặt bỏ đi. Bước chân tuyệt vọng lặng lẽ rời khỏi thiên đàng. Chả biết những gì đang chờ đón ông.
Tiền bạc sẽ thối mục nếu chỉ biết thu tích, nhưng trái lại sẽ kết trái nếu biết cho đi.