---------------------- Đờn bà và đờn ông, chuyện dài của muôn đời, có lẽ viết mãi viết hoài cũng chẳng bao giờ hết. Đờn bà và đờn ông có những khác biệt ngay từ lúc Thượng Đế cho ra lò tác phẩm đầu tay của mình, thành thử nếu không khéo hòa hợp, những khác biệt ấy sẽ trở thành những đối kháng làm cho tê liệt mọi sinh hoạt, thì quả thật là thậm chí nguy.
Phải, chị đờn bà thì chu mỏ chê bai anh đờn ông, như tục ngữ ca dao đã diễn tả:
– Đờn ông ba bảy đờn ông,
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha.
Hay như:
Ba đồng một chục đờn ông,
Ta bỏ vào lồng, ta xách ta chơi.
Ai ngờ dây đứt, lồng rơi.
Nó bò lổm ngổm mỗi thằng một nơi.
Trong khi đó, anh đờn ông thì lại ngán ngẩm, dài cổ ra mà ca với cẩm:
– Kiếp sau chẳng dám làm chồng,
Làm cây cọc cắm bên sông cũng đành.
Còn hơn có vợ bị hành,
Bầm lên dập xuống như chanh cuối mùa.
Lương chưa kịp giấu sơ cua,
Đã moi sạch nhách chẳng chừa một xu.
Giữ chồng còn hơn giữ tù,
Đi đâu bà cũng lù lù theo sau.
Bạn bè vừa mới gặp nhau,
Chai chưa kịp cạn, “về mau, tối rồi”.
Điểm tâm sáng chỉ gói xôi,
Cà phê, thuốc lá xa rời từ lâu.
Tan sở chẳng dám đi đâu,
Đón con, ghé chợ mua rau, mua hành.
Về nhà kho cá, nấu canh.
Lau chùi giặt giũ, dỗ dành… bày heo.
Mười năm khổ vẫn còn đeo,
Trời ơi, cứu kiếp bọt bèo của con. (PNCN số 45).
Mặc dầu sự đời vốn dĩ là như thế, đờn bà và đờn ông tuy lườm nguýt nhau, nhưng vẫn cứ lôi cuốn, hấp dẫn lẫn nhau, cho tình yêu được nở rộ, cho nòi giống được tồn tại. Anh đờn ông thì:
– Trai thấy gái lạ, Như quạ thấy gà con.
Còn chị đờn bà thì:
– Đi đâu mà chẳng lấy chồng, Người ta lấy hết chổng mông mà gào.
Đây quả thực là ý muốn vừa thâm sâu, lại vừa nhiệm màu của Đấng Tạo Hóa. Vì thế các cụ ta từ ngày xửa ngày xưa vốn đã từng xác quyết:
Nhất âm, nhất dương chi vi đạo. Âm dương, qui luật của muôn đời, không phải chỉ là đạo người mà còn là đạo chung của tất cả vạn vật.
Thực vậy, muôn loài trong vũ trụ đều bị chi phối bởi luật âm dương. Hơn thế nữa, âm và dương luôn thu hút lẫn nhau mà lưu truyền trong dòng thời gian. Vì thế, anh đờn ông có liếc mắt đưa tình chị đờn bà, hay chị đờn bà có liếc mắt đưa tình anh đờn ông, âu cũng là chuyện thường ngày ở huyện:
– Có âm dương, có vợ chồng, Dẫu từ thiên địa, cũng vòng phu thê.
Và như vậy, gã thấy trong vũ trụ vật chất thì âm cũng cần, mà dương cũng cần. Còn trong cõi nhân sinh, thì đờn bà cũng quí, mà đờn ông cũng trọng.
Tuy nhiên điều đáng lưu ý đó là phải biết điều hòa, chứ đừng nhất bên trọng, nhất bên khinh. Các cụ ta ngày xưa đã từng dạy: Thái quá bất cập.
Nhân đức bao giờ cũng đứng giữa, ở vào cái thế trung dung, chứ không nghiêng bên này, hay ngả bên kia. Âm dương phải hòa hợp, nam nữ phải đề huề, thì mới liên tục phát triển:
Gái có chồng như rồng có vây.
Bằng không thì rất khó mà tiến tới:
Gái không chồng như cối xay chết ngỏng.
Có biết tôn trọng lẫn nhau, thì mới tạo được sự bình an và hạnh phúc. Còn gì êm đẹp cho bằng hình ảnh vợ chồng đồng lao cộng khổ với nhau như ca dao tục ngữ đã diễn tả:
– Đôi ta là nghĩa tào khang, Xuống khe bắt ốc, lên đàng hái rau.
– Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
– Râu tôm nấu với ruột bàu, Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Còn nếu như bị “lệch pha”, chẳng hạn như “âm thịnh dương suy” ắt sẽ tạo nên những bất ổn, như danh ngôn đông tây vốn đã đề cập đến:
Đờn bà không có đờn ông như vườn không có rào.
Trong khi đó:
Đờn ông không có đờn bà như đàn đứt dây.
Nhà không đờn bà như thân xác thiếu mất linh hồn. Thành thử sau hai bài viết: thế giới không đờn bà và nhân loại chẳng đờn ông, gã mới “ngộ” ra rằng, đó là hai thái cực không thể nào chấp nhận được. Phải có đờn bà cũng như phải có đờn ông. Đồng thời cả hai phải biết tựa vào nhau để mà sống.
Đọc lại những trang đầu của sách Sáng thế ký, gã thấy được một quan niệm rất đặc sắc về hôn nhân, cũng như về đờn bà và đờn ông của Kitô giáo.
Thực vậy, sau khi dựng nên Adong, Thiên Chúa đặt ông đứng đầu để trông coi cá biển chim trời và muôn vật sống trên mặt đất. Thấy ông sống cô độc, lẻ loi và cu ki, Thiên Chúa thầm nghĩ: Người đờn ông ở một mình không tốt. Ta hãy dựng nên cho nó một người nội trợ giống như nó. Đợi lúc ông ngủ say, Thiên Chúa bèn lấy một nửa chiếc xương sườn của ông mà tạo thành người đờn bà. Rồi Ngài dẫn bà ra mắt ông. Thoạt nhìn thấy Eva, Adong đã mừng rỡ, hớn hở kêu lên: Này đây mới thật xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là người nữ vì bởi người nam mà ra. Như thế, Adong đã đồng hóa Eva với chính thân xác của mình.
Để diễn tả ý tưởng “một xương một thịt”, theo gã nghĩ, trong tiếng Việt Nam của chúng ta có một danh từ thật dễ thương, thật tuyệt vời, đó là chữ “mình”.
Bởi vì mình vừa là anh và cũng lại vừa là em, vừa là chàng và cũng lại vừa là nàng. Vừa là ngôi thứ nhất:
Mình còn là cả chúng ta. Ngoài ra, mình vừa là thân xác:
– Mình lính, tính quan.
Và cũng lại là cả con người nữa.
Nếu thế thì khi thoạt nhìn thấy Eva, Adong đã hớn hở gọi:
– Mình ơi!
Hai chữ “mình ơi” quả thật đã ngọt hơn đường cát, mát hơn đường phèn và trên cả tuyệt vời nữa.
Từ hai chữ “mình ơi” gã bỗng nhớ tới hai chữ “ai ơi”.
Số là cách đây mấy chục năm tại Việt Nam người ta vẫn còn e thẹn, dù đã là vợ chồng “mí nhau” nhưng rất ít khi người ta gọi nhau một cách thẳng thừng:
Anh anh, em em.
Có hai vợ chồng trẻ mới cưới. Chị vợ nấu cơm trong bếp. Anh chồng làm cỏ ngoài vườn. Khi nồi cơm đã chín, từ trong bếp chị vợ bèn gọi vọng ra:
– Ai ơi về ăn cơm.
Anh chồng bèn hỏi:
– Cơm ai nấu.
Chị vợ liền trả lời:
– Ai nấu chứ ai.
Ôi chu choa, tiếng Việt mình quả là dễ thương và hết xảy!!!
Cũng từ một nửa chiếc xương sườn, gã liên tưởng đến hình ảnh một nửa trái tim.
*****
Có một câu chuyện thần thoại kể về việc tạo dựng trái tim đờn bà và đờn ông được tóm lược như sau:
Thuở ban đầu, Thượng đế chỉ dựng nên có một trái tim duy nhất. Sau đó, Ngài bổ trái tim ấy thành hai mảnh đều nhau. Một mảnh thì Ngài đặt trong thân xác người đờn ông. Còn mảnh kia, thì Ngài đặt trong thân xác người đờn bà. Hai mảnh trái tim ấy luôn khắc khoải tìm kiếm nhau.
- Cho dù hai người có sống cách xa nhau hàng ngàn cây số, thì vẫn có những cuộc tình xuyên lục địa.
- Cho dù hai người có sống ở hai bên bờ biển ngàn trùng, thì vẫn có những cuộc tình xuyên đại dương.
- Cho dù hai người có sống ở những đất nước khác nhau, thì vẫn có những cuộc tình xuyên quốc gia.
Vì thế, người Pháp mới gọi người vợ hay người chồng thân thương của mình là: Ma moitié! Có nghĩa là “Nửa của anh ơi!” “Nửa của em ơi!”
Qua hình ảnh một nửa chiếc xương sườn và hai nửa trái tim, gã nhận thấy đờn bà và đờn ông đều đáng quí đáng trọng và phải được bình đẳng với nhau.
Nói tới hai chữ bình đẳng, hẳn chúng ta lại nghĩ tới những phong trào đòi nam nữ bình quyền, phụ nữ đòi quyền sống.
Những phong trào này một thời đã gây ồn ào và làm cho quần chúng chú ý đến. Thế nhưng rất nhiều người lại thích hiểu lầm về hai chữ “bình đẳng”.
Thực vậy, họ cho rằng người đờn bà mặc gì, thì người đờn ông cũng có thể bắt chước mà mặc như vậy.
Vì thế ngày nay, chúng ta mới thấy anh đờn ông để tóc dài, đeo bông tai. Chỉ còn việc mặc váy là chưa được phổ biến sâu rộng, ngoại trừ đờn ông xứ Tô Cách Lan! Họ cho rằng người đờn ông làm gì thì người đờn bà cũng có thể bắt chước mà làm như vậy. Vì thế, ngày nay chúng ta mới thấy nhiều chị đờn bà cũng để đầu trọc, đấu võ Sumô, hút thuốc và uống rượu như điên.
Báo “Công an Thành phố” có đăng tải về đời sống của “Bà Tư xả láng”. Đây là một chuyện buồn, buồn nẫu cả gan và thối cả ruột. Chuyện buồn ấy như thế này:
Ông bà ngày xưa thường nói: Phúc đức mới sinh được nhiều con. Nếu cứ theo cách nghĩ của người xưa, thì bà Trần Kim Nga thật có phước. Bà có tới tám đứa con, lớn nhất ba mươi, nhỏ nhất lên mười và các con bà thuộc loại chăm chỉ. Bốn con trai lớn đã về quê vợ làm ăn, hai con trai kế tiếp đi làm phụ hồ và xúc cát mướn. Cô con gái xinh đẹp tên là Nghi chỉ học đến lớp chín, rồi ở nhà may quần áo đem bán để phụ mẹ và nuôi đứa em út mới lên mười tuổi. Thế nhưng, bà Nga không biết giữ gìn hạnh phúc trời cho ấy. Bà sinh tật uống rượu vì buồn chồng mèo mỡ. Năm 1955 khi bà và người chồng chính thức chia tay, bà bán căn nhà, nơi cả gia đình sinh sống những ngày tháng đầm ấm nhất, được mười hai lượng vàng. Bà chia cho chồng năm cây để chồng đi với vợ mới, còn bà thì bắt đầu đến với rượu nhiều hơn để “hóa giải” cơn sầu! Bà uống hết hiệp này sang hiệp khác và say bí tỉ, vì vậy dân nhậu đặt cho bà biệt danh “Tư xả láng”.
Từ tháng 6 năm 2001, Tư xả láng có quan hệ thân thiết như vợ chồng với anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ cùng phường và cũng là bạn nhậu của Tư xả láng.Tuấn thua bà Nga, tức Tư xả láng, mười bốn tuổi, hai người thường bỏ nhà đi chơi tới ba, bốn giờ sáng mới về. Mỗi lần say về, bà ói mửa, rên hừ hử, bắt các con bóp tay chân và chửi mắng thô lỗ. Mọi chuyện trong gia đình bà phó mặc cho Nghi, để chị em Nghi bữa đói bữa no. Thỉnh thoảng bà mới tỉnh rượu, gặp lúc lối xóm kêu đi chùi xoong nồi, bà làm và lấy tiền đi nhậu với Tuấn. Nghe lối xóm đồn ầm ĩ về chuyện hai người, Nghi hỏi mẹ: Mẹ và chú Tuấn yêu nhau à? Ừ, chú ấy yêu mẹ. Không được đâu, mẹ đã lớn tuổi, vả lại chú ấy kém tuổi mẹ nhiều! Mẹ yêu là để trả thù ba vì ba có vợ nhỏ, bỏ mẹ. Khuyên nhủ mẹ không được, nhiều lần Nghi gặp Tuấn để can ngăn hãy buông tha mẹ để mẹ lo cho em của Nghi. Nhưng mặc lời can ngăn, mối quan hệ vẫn tiếp diễn. Bà Nga bỏ mặc các con ngay cả lúc con trai út sốt xuất huyết nặng, Nghi phải chạy vạy vay tiền đưa em vào bệnh viện cấp cứu.
Mười lăm giờ ngày 01.4.2001, bà Nga và Tuấn đi chơi ở Châu Đốc về. Bà lên giường nằm một lúc rồi lại vùng dậy đi nhậu tiếp. Tới 18g30 không thấy mẹ về, Nghi lo mẹ uống nhiều sẽ bệnh, nên vội đi tìm. Gặp những người cùng nhậu với mẹ, Nghi hỏi: Mẹ con đâu? Mọi người trả lời: Bà ấy với thằng Tuấn đi rồi. Nghi nháo nhào đi tìm khắp nơi không thấy, nên chạy đến nhà Tuấn. Gõ cửa phòng mười lăm phút không thấy ai trả lời, nghi lén leo lên vách nhà nhìn vào thì thấy mẹ đang nằm trên giường của Tuấn. Gõ thật mạnh một lúc nữa mới thấy Tuấn mở cửa. Nghi đề nghị: Chú Tuấn để cho mẹ tôi về. Nghi đưa mẹ về nhà và nói: Mẹ nghỉ cho đỡ mệt.
Rồi nhìn cảnh nhà bữa đói bữa no, đứa em lên mười ngơ ngác tội nghiệp, người mẹ chỉ nhậu về là rên la, không lo gì cho con, trong lòng Nghi nổi lên ý định giết Tuấn để “giành lại mẹ”. Lúc hai mươi giờ, Nghi lấy dao Thái Lan dắt vào bụng và tới nhà Tuấn, mời Tuấn ra quán cà phê nói chuyện. Ra quán, Nghi năn nỉ Tuấn hãy buông tha mẹ để mẹ chăm lo cho gia đình, chăm lo cho chị em Nghi và nhờ Tuấn khuyên mẹ không nên uống rượu vì mẹ lớn tuổi.
Tuấn nói: Tôi thương rồi, bỏ không được. Vào lúc ấy, bà Nga lại đi tìm Tuấn. Thấy Tuấn đang ngồi với Nghi, bà định bỏ đi, nhưng Nghi kéo mẹ lại ngồi giữa Nghi và Tuấn: Đây có mẹ, ba mặt một lời, mẹ nói mẹ có thương chú Tuấn không? Bà Nga nói: Mẹ không thể lấy Tuấn vì tuổi tác, nên xem nhau như bạn thôi.
Vậy chú Tuấn thì sao? Tôi thương bả, không thể cưới được, nhưng cũng không thể bỏ được.
Quá uất ức, Nghi đập chai nước ngọt vào đầu Tuấn và đâm Tuấn. Sau đó, Nghi mang dao đến công an phường tự thú.
Chính vì sự hiểu lệch lạc hai chữ “bình đẳng” mà phát sinh ra những hành động đáng tiếc theo kiểu “ông ăn chả, bà ăn nem” làm cho gia đình bị tan vỡ.
Vậy bình đẳng là như thế nào ?
Dĩ nhiên, gã không phủ nhận những khác biệt giữa đờn bà và đờn ông. Chẳng hạn:
- Đàn bà thì yếu, còn đờn ông thì mạnh. - Đàn bà thiên về tình cảm, còn đờn ông thiên về suy luận. - Đờn bà có óc phân tích, còn đờn ông có óc tổng hợp.
Tuy nhiên, những khác biệt ấy không phải là để đối chọi và triệt tiêu lẫn nhau, như ánh sáng và bóng tối, như lửa và nước, nhưng là để bổ túc và nâng đỡ cho nhau. Vì thế, người ta thường bảo: Cái nhìn đúng không phải là cái nhìn của anh hay của em, nhưng là cái nhìn của cả hai đứa chúng mình.
Tiếp đến, gã cũng phải công nhận rằng trong thân thể có nhiều chi thể và mỗi chi thể có một nhiệm vụ, nhưng tất cả đều hướng tới một mục đích, đó là làm cho thân thể được liên tục phát triển.
Ngày nọ,
- Hai chân lên tiếng phản đối cái miệng. Chúng nói: Suốt ngày tôi phải đi rạc cả cẳng, còn ngươi thì chỉ việc ngồi nhà mát ăn bát vàng.
- Hai tay cũng lên tiếng: Tôi phải làm lụng quần quật suốt ngày, còn ngươi thì chỉ việc xơi hết những thành quả do tôi làm ra.
- Thế là đôi tay và đôi chân đình công, không đi và cũng không làm nữa, thành thử cái miệng chẳng có gì để ăn.
Nhưng chỉ một ngày, toàn thân ủ rũ như sắp chết đến nơi. Nhờ sự can thiệp của bộ óc, các chi thể mới hiểu được vai trò cần thiết của mình và tiếp tục hoạt động lại, làm cho toàn thân được sống và sống dồi dào.
Ngoài xã hội cũng vậy, mỗi người có một nghề để sinh sống và đóng góp cho đất nước. Nếu mọi người đều cấy lúa thì lấy ai dệt vải. Nếu mọi người đều dệt vải thì lấy ai xây nhà…?
Đêm kia, một thi sĩ nằm mơ:
- Anh chàng thấy người giúp việc đến và nói: Tôi xin nghỉ việc. Từ nay, anh phải nấu lấy mà ăn, giặt lấy mà mặc.
- Người giết heo cũng đến và bảo: Tôi xin giải nghệ. Từ nay anh tự nuôi lợn, mổ lấy mà ăn.
- Rồi người trồng cà phê, người trồng thuốc lá, người cấy lúa… Tất cả đều xin nghỉ việc, khiến anh chàng lo toát cả mồ hôi, đập mạnh chân xuống giường, thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Thế nhưng, từ giấc mơ này anh chàng nhận ra rằng mình cần đến người khác và mình mắc nợ người khác nhiều lắm.
Nơi gia đình, luật phân công ấy cũng đã được áp dụng: Người thì kiếm tiến, kẻ thì nấu bếp. Tuy nhiên, tất cả đều có chung một nỗi băn khoăn lo lắng, đó là góp phần xây dựng cho cuộc sống được tốt đẹp hơn. Như thế, mỗi người đều có một công việc một bổn phận và không có công việc nào là thấp hèn, đáng khinh đáng ghét. Trái lại, công việc nào cũng tốt và cũng cần như nhau. Giống như khi nói về nghề nghiệp: Nghề nào cũng đáng quí đáng trọng. Không có nghề xấu mà chỉ có người xấu mà thôi.
Sau khi đã khẳng định như vậy, gã nhận ra rằng bình đẳng có nghĩa là đờn bà và đờn ông đều bằng nhau về nhân vị và phải được tôn trọng như nhau. Đờn bà cũng là một con người, cũng có một phẩm giá và cũng phải được quí mến như đờn ông. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” chuộng nam chê nữ, hay “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” một cậu con giai là đã có, chứ còn mười cô con gái cũng chỉ là số không, quả là đã xưa rồi Diễm ơi!
Tiếp đến, bình đẳng còn có nghĩa là đờn bà và đờn ông đều bằng nhau về quyền lợi cũng như về trách nhiệm.
Cả hai đều phải kề vai sát cánh cộng tác với nhau trong việc xây dựng một cuộc đời chung, một mái ấm chung.
Người chồng ngoài giờ đi làm, cũng phải giúp đỡ người vợ trong việc “tề gia nội trợ” cũng như giáo dục con cái.
Người vợ ngoài việc bếp múc, cũng phải phụ với người chồng một tay trong việc bươm chải, tìm tiền kiếm bạc cho gia đình có được một cuộc sống vật chất ấm no. Nhất là khi người chồng bị sao quả tạ chiếu tướng, rơi vào tình trạng thất nghiệp, ở nhà đuổi gà cho vợ và ngồi chơi xơi nước, không còn kiếm ra một đồng xu nào sốt, thì người vợ cũng đừng vì thế mà lên tiếng chì chiết người chồng là hạng vô tài bất tướng, ăn hại đái nát. Rồi thay lòng đổi dạ.
*****
Lệnh Nữ là con gái của quan thái thú Hạ Hầu Văn Ninh, được gả cho Tào Văn Thúc, cháu nội của Tào Tháo. Văn Thúc chẳng may chết sớm, Lệnh Nữ góa chồng. Nàng sợ cha mẹ bắt phải tái giá, nên cắt cụt tóc, ý muốn ở vậy thờ chồng. Nhưng cha mẹ không nghe, ép phải lấy chồng. Lệnh Nữ bèn dùng dao cắt đứt hai tai, rồi sang ở với người anh họ của chồng là Tào Sảng. Khi Tư mã Ý diệt nước Ngụy, giết cả dòng họ Tào, chú của Lệnh Nữ bắt nàng về Lương Châu định ép gả. Nàng lại tự xẻo mũi, cương quyết ở vậy cho trọn đạo vợ hiền. Bà con thấy vậy liền bảo: Tất cả họ hàng nhà chồng đều bị tru diệt, nàng thủ tiết với ai mà phải đày đọa thân xác đến thế? Lệnh Nữ đáp: Tôi thường nghe người nhân chẳng lấy lẽ thịnh suy mà đổi tiết. Xưa kia họ Tào còn thế lực, mọi người thảy đều khuất phục để thụ hưởng giàu sang, nay chẳng may bị tru diệt, tôi há lại hùa theo thiên hạ mà làm điều bất nghĩa hay sao?
Hẳn rằng khi bước vào cuộc sống hôn nhân, chúng ta đã lớn tiếng đọc lên lời thề hứa rằng: “Sẽ giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc khỏe mạnh, để yêu thương và tôn trọng nhau trong suốt cả cuộc đời”.
Viết đến đây, gã xin khép lại chuyện đờn bà và đờn ông.