NGƯỜI THU THUẾ VÀ NGƯỜI BIỆT PHÁI (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 26) ----------------------------
Cựu tổng thống Nam Hàn ông Rô-Tê-Hu (Roh Tae-wo) đã khóc sướt mướt trên màn ảnh truyền hình quốc gia. Ông đã công khai thú nhận rằng:
“Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông, từ năm 1988 đến năm 1993, ông đã thâm lạm Công Quỹ đến 645 triệu đô la”.
Ông nói trong nghẹn ngào rằng:
“Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ, khi ra trước mặt quí vị. Tôi sẽ nhận tất cả mọi trách nhiệm của tôi. Tôi sẵn sàng chịu mọi hình phạt”.
Đây không phải là lần đầu tiên một cựu tổng thống Nam Hàn công khai thú tội trước mặt mọi người.
Năm 1989, tức là sau một năm ông Rô-Tê-Hu được bầu làm tổng thống, một người bạn thân và là một người tiền nhiệm của ông là ông Chung-Đô-Hoan (Chun Doo-hwan) cũng đã ra trước công chúng để xin thú tội tham nhũng của mình. Với sự ưng thuận của Chính Phủ, ông này đã vào chùa tu tỉnh trong một năm, trước khi trở về cuộc sống bình thường.
Nhìn nhận và xưng thú tội lỗi của mình trước mặt mọi người, xem ra không phải là chuyện bình thường đối với một nhà chính trị. Dẫu sao, ông Rô-Tê-Hu cũng đáng được ca tụng như một người có liêm sĩ. Phải có đủ liêm sĩ, mới dám nhận tội và nhận tội công khai.
*****
Chúa Giêsu dường như cũng đề cao sự liêm sỉ của một người thu thuế.
Vào thời đó, thu thuế là một nghề bỉ ổi, cấu kết với ngoại bang, để bóc lột đồng bào của mình. Những người Do Thái khác nhìn họ với đôi mắt khinh bỉ. Nhưng Chúa Giêsu không nhìn người bằng đôi mắt ấy. Ngài kết thân với những người thu thuế, với những cô gái điếm. Nói chung, với những người tội lỗi vốn bị xã hội ruồng rẫy, và bị xã hội đẩy ra bên lề cuộc sống.
Dĩ nhiên, thái độ của Chúa Giêsu không hề là một biện minh hay có ý khuyến khích cho tình trạng ấy. Ngài không bao giờ đề cao nghề thu thuế hay nghề gái điếm. Ngài đến với họ là để thể hiện tình thương, để thể hiện lòng nhân từ của Thiên Chúa. Và nhờ đó, mà cải hóa họ.
Qua những người thu thuế và các cô gái điếm Chúa Giêsu cũng muốn mặc khải cho con người một chân lý: Trước mặt Thiên Chúa, tất cả mọi người đều là tội nhân. Do đó, thái độ cơ bản nhất của con người phải là khiêm tốn, phải là sám hối.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ đúng đắn của người thu thuế và lên án thái độ tự cao tự đại của người biệt phái. Người biệt phái kể lễ công đức của mình trước mặt Chúa. Bản kê khai ấy không có một chút gì là gian trá, và người biệt phái quả thật đã có nhiều công đức.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu lên án thái độ ấy, là bởi vì người biệt phái tưởng mình không cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa nữa. Người biệt phái chối bỏ Thiên Chúa, chính cái lúc ông kê khai công đức của mình, vì ông cho rằng: Ông có thể làm được mọi sự, kể cả công đức, mà không cần có ơn Chúa.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ thành tâm của người thu thuế, vì ông sám hối thật lòng. Ông chỉ dám đứng ở cuối đền thờ, không dám ngước mắt nhìn lên. Ông ý thức một cách sâu xa, rằng ông chỉ là một tội nhân, cần được Chúa xót thương và tha thứ.
Đó cũng phải là thái độ cơ bản của người tín hữu Kitô. Người tín hữu thiết yếu phải nhận ra mối tương quan giữa mình và Thiên Chúa.
Trong mầu nhiệm cứu rỗi, tất cả là “nhưng không”. Sự cao cả của con người, chính là sự nhận ra được tính “nhưng không” ấy của ơn Chúa. Có cảm nhận được tính “nhưng không” ấy của ơn chúa, con người mới có thể sống trong tâm tình cảm mến tri ân đối với Ngài,
Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi yếu hèn, xin thương nâng đỡ con. Trên hết mọi sự, xin cho con luôn biết thành tâm sám hối, để đón nhận ơn Chúa. Và sau khi đã cố gắng tập sống theo ý Chúa, xin cho con biết thốt lên:
Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng mà thôi. Amen.