Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 205) ------------------------------------- Có lần đến thăm một trại cùi, tôi đã có dịp gặp gỡ một con người, mà những hình ảnh và những câu chuyện về con người này, đã làm cho tôi nhớ mãi không quên. Đó là câu chuyện về ông Tào.
Tôi xin được phép nói ngay: Đây là một con người tên Tào, chứ không phải là Tào Tháo, cũng không phải tào lao, cũng không phải là Thiên Tào, hay Nam Tào gì cả.
Ông Tào năm nay 70 tuổi. Ong là một con người rất nhỏ bé. Nếu cộng thêm cả hai cái nạn, thì may ra ông mới được 30 kg.
Hai chân của ông đã bị cắt cụt đến đầu gối.
Còn hai bàn tay thì đã mất hết các ngón.
Hai cánh tay của ông thì co quắp lại, như hai khúc củi khô cằn, sần sùi.
Mũi của ông thì đã bị sụp xuống, chẳng còn thấy cái sống mũi đâu nữa. Do đó, khuôn mặt của ông đã trở nên phẳng lì, trông rất khó coi.
Còn hai mi mắt của ông thì co lại, trông giống như mắt thỏ.
Da mặt của ông thì nhăn nheo.
Dung nhan của ông thì đã bị dị dạng.
Trông thấy ông, nhiều người rùng mình sợ hãi, không dám đến gần.
Ông Tào mắc bệnh phong cùi, từ hồi còn ở tuổi thanh niên. Khi mọi người phát hiện ông bị phong cùi, thì mọi người đều tìm cách xa tránh, kể cả những người thân ở trong gia đình.
Ai cũng coi ông như đồ phế thải, độc hại, đáng sợ, không dám đến gần.
Ông Tào rất cô đơn. Ông không có vợ, không có con, không có một người thân quen nào.
Đúng hơn, là những người thân của ông, khi đưa ông vào trại, thì không còn ai nhớ đến ông nữa.
Nếu cứ xét từ bên ngoài, thì cuộc đời của ông là đen tối nhất. Bởi phía trước mặt, ông chỉ thấy toàn là một đêm đen dầy đặc. Ông không thấy tương lai. Ông không có ngày mai.
Xem ra, thì ông Tào là người bất hạnh nhất trần gian.
*****
Thế nhưng, trước mặt Thiên Chúa, và trước mặt những người đã có dịp gần gũi với ông dù chỉ một lần, thì cũng đều thấy nơi ông là một con người thật vĩ đại. Bởi tâm hồn của ông rất vĩ đại.
Ông Tào là một người công giáo rất đạo đức, rất mẫu mực.
Ông có một đức tin vào Chúa rất vững chắc, rất sâu sắc.
Tuy ông là một con người rất bất hạnh, nhưng ông lại không hề cảm thấy mình bất hạnh.
Bởi, ông đã coi Chúa là Hạnh Phúc của đời ông.
Bởi, ông đã tìm thấy được những giá trị vĩnh cửu, ngay trong chính những nỗi khổ đau tột cùng của cuộc đời ông.
Bởi ông coi những đau khổ của ông, như là một kho tàng quí báu, mà Chúa đã tặng ban cho ông, để ông được diễm phúc chia sẻ với những đau đớn và những cực hình mà Chúa đã chịu xưa kia. Cho nên ông không hề coi cuộc đời của mình là bất hạnh.
Tuy ông rất cô đơn, nhưng ông không hề cho mình là cô đơn, bởi cuộc đời của ông đã có Chúa đồng hành.
Ông không hề cho mình là cô đơn, bởi ông đã thấy còn có biết bao nhiêu bệnh nhân khác đang sống bên cạnh ông. Họ tôn trọng ông. Họ yêu mến ông. Họ rất cần được ông giúp đỡ.
Và ông luôn quyết tâm, sẽ làm hết sức của mình, với tất cả những gì có thể, để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Đối với Chúa, ông đã có một đời sống cầu nguyện thật gương mẫu. Ông luôn coi Chúa là nguồn an ủi, là nguồn sức mạnh nâng đỡ cuộc đời cô đơn bất hạnh của ông.
Ông đã biến cuộc đời, xem ra như bất hạnh ấy, thành những bài ca bất tận, để ca ngợi và chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa.
Ông đã cố gắng dùng đôi cánh tay cùi, trụi lủi của mình, để cặp chiếc dùi trống, mà đánh trống, để giữ các giờ kinh cho Giáo Dân, để kêu mời giáo dân đến nhà nguyện cầu kinh mỗi ngày.
Ông đã đảm nhận việc quét dọn nhà nguyện cho sạch sẽ.
Ông lo thắp các đèn nến trong nhà thờ, trong các buổi cầu kinh.
Ông lo việc hướng dẫn và thuyết minh những người đến thăm trại phong. Rồi đưa các du khách vào nhà thờ để viếng Chúa.
Có lần ông đã khoe, là ông luôn cầu nguyện cho các bạn bệnh nhân đồng cảnh ngộ như ông, để họ cũng được ơn vững lòng trông cậy vào Chúa, để đừng có ai nản chí buồn lòng, mà làm cho Chúa không vui.
Ông còn dạy kẻ này người nọ cầu nguyện cho các ân nhân của trại mình.
Còn đối với tha nhân, ông luôn sống rất quảng đại. Ông cố gắng sống hoà hợp với mọi người.
Lãnh đạo của trại còn cho biết:
Nhiều lần, ông còn giúp nấu cơm, giặt quần áo cho các bệnh nhân khác, khi họ đau ốm, mà không thể tự lo cho mình được...
Ông còn thấy được những nhu cầu của từng người trong trại, để rồi ra tay giúp đỡ khi có thể, hoặc để cầu nguyện cho họ. Và cũng cầu nguyện xin Chúa gởi những ân nhân đến giúp đỡ trại.
Có lần, ông còn bớt khẩu phần của ông, để giúp đỡ kẻ này người nọ trong trại.
Một nữ tu, nhân viên của trại còn cho biết một điều thật cảm đông:
Là mỗi khi có người nào trong trại ốm nặng phải nằm nhà thương, thì chính ông mỗi tối, đích thân đến trông coi chăm sóc người ấy, cho đến khi bệnh nhân xuất viện, hoặc vĩnh viễn ra đi mới thôi. Bao lâu người bệnh còn nằm bệnh viện, thì bấy lâu ông không nằm ngủ nghỉ ở nhà.
Đến nhà thương, ông thường nằm ngoài hành lang, trước cửa phòng bệnh nhân để nghe ngóng.
Nếu hay tin, có một người công giáo nào hấp hối, thì ông liền chạy ngay đến, để giúp bệnh nhân phó mình trong tay Chúa.
Ông không muốn thấy một người nào đồng cảnh như ông phải ra đi trong nỗi cô đơn buồn tuổi.
Ông quyết tâm tiễn đưa họ đến nơi an nghĩ cuối cùng mới an lòng.
Mặc cho lúc trời lạnh giá mưa gió, hay nắng nóng oi bức, ông không hề bỏ lỡ một cơ hội nào, mà không tiễn đưa bạn đồng cảnh ngộ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Các chị nữ tu ở đây còn cho biết:
Nhiều khi chúng tôi thấy ông mệt mỏi, nên đã mời ông ở nhà nghỉ ngơi, bởi chúng tôi thay phiên nhau trông nom bệnh nhân là đủ rồi, nhưng ông nhất quyết không chịu.
Ông nói:
“Các sơ còn phải nghỉ ngơi để lấy sức cho công việc của ngài mai. Phần con thì đã già rồi, không ngủ được. Và nếu cần, thì ngày mai con ngủ bù lại cũng được, có sao đâu. Vã lại, con muốn tiễn những người bạn của con đi hết chặng đường đời của họ phải đi, con mới an tâm...”
Ông Tào không chỉ sống với những người trong cùng một trại, mà ông còn liên lạc, quan hệ thân thiện với những người đồng bệnh ở các trại khác nữa.
Một cán bộ trại cho biết: Ông đã nhờ ai đó, buộc sẵn cho ông một cây viết ở đầu cùi tay trụi lũi, để ông có thể viết thơ cho kẻ này người nọ.
Những dòng chữ ông viết thì nghệch ngoạc rất khó đọc, nhưng qua đó, ai cũng thấy bao phấn đấu, bao cố gắng, bao hy sinh của ông.
Gần đây, tôi có nhận được tin, là ông Tào đã qua đời.
Tôi có cầu nguyện cho ông. Nhưng cuộc đời của ông cứ làm cho tôi suy nghĩ mãi.
Cuối cùng, tôi mới ngộ ra rằng:
Con người ta chỉ cần có một chút ý thức, chỉ cần có một chút ý chí, chỉ cần có một chút cố gắng, chỉ cần có một chút phấn đấu, chỉ cần có một chút nhiệt thành, chỉ cần có một chút đạo đức, thì dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng đều có thể phụng sự Chúa và phục vụ mọi người được.
Tôi nghĩ:
Không ai nghèo hơn ông. Bởi cái nghèo của ông, không chỉ nghèo về tiền bạc, nghèo về của cải, mà những tiện nghi tối thiểu để giúp ông sống, để giúp ông sinh hoạt cũng không có nữa.
Chẳng hạn, đôi tay và đôi chân của đã ông không còn có một ngón nào hết, thế mà ông vẫn có thể làm việc và phục vụ người khác được.
Rồi đôi bàn chân vừa mắc cá của ông đã không còn nữa, thế mà ông vẫn đi khắp đó đây, chứ đâu có chịu ngồi yên một chỗ.
Tuy ông đã không còn tay còn chân, thế mà ông vẫn làm được không biết bao nhiêu việc, và đã giúp ích cho không biết bao nhiêu người !
Lạy Chúa, khi nhìn lại đôi tay và đôi chân của con, với các chi đầy đủ, bỗng con cảm thấy áy náy, vì hình như con chưa làm được gì để phụng sự Chúa và giúp đỡ những người bất hạnh sống bên cạnh con.
Khi nhìn lại những tiện nghi con đang an hưởng, bỗng con cũng cảm thấy áy náy, vì hình như, con chưa biết chia sẻ cái gì cho ai, những người đang có những hoàn cảnh ít may mắn hơn con, đang sống bên cạnh con.
Bởi, con đã quên điều Chúa đã dạy trong kinh thánh, ở Phúc Âm theo thánh Matthêu 25,42-46.
Chúa đã dạy như sau:
“Vì xưa ta đói, các ngươi đã không cho Ta ăn. Ta khát, các người đã không cho Ta uống. Ta là khách lạ, các người đã chẳng chịu tiếp rước. Ta mình trần, các ngươi đã không cho đồ mặc. Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng đến viếng thăm ta...”
Và cuối cùng, Chúa đã kết luận một cách rất dứt khoát:
“Ta bảo thật cho các ngươi biết: Mỗi lần các ngươi đã không làm như thế cho một trong những anh em bé mọn khốn khổ này, là các ngươi đã không làm cho chính ta”.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con thêm ý thức, và xin nhắc nhở cho con những việc phải làm, để mỗi ngày trong cuộc sống, con sẽ sống đẹp lòng Chúa hơn nữa. Amen.