Tổng Luận Thần Học Th. Tôma Aquinô Phần I: Câu hỏi 5 – SỰ TỐT TỔNG QUÁT (6 tiết)

Thứ hai - 08/07/2024 18:36
Tổng Luận Thần Học Th. Tôma Aquinô Phần I: Câu hỏi 5 – SỰ TỐT TỔNG QUÁT (6 tiết)
Tổng Luận Thần Học Th. Tôma Aquinô Phần I: Câu hỏi 5 – SỰ TỐT TỔNG QUÁT (6 tiết)
Tổng Luận Thần Học Th. Tôma Aquinô
Phần I: Câu hỏi 5 – SỰ TỐT TỔNG QUÁT (6 tiết)


Chúng ta sắp nghiên cứu sự tốt tổng quát.

Thứ nhất, chúng ta nghiên cứu sự tốt cách tổng quát; thứ đến, nghiên cứu thiện tính của Thiên Chúa.

Về sự tốt tổng quát, chúng ta sư tầm 6 điểm:

---------------------------------

TIẾT 1: SỰ TỐT PHÂN BIỆT VỚI HỮU THỂ CÁCH THỰC SỰ KHÔNG?. 1
TIẾT 2: SỰ TỐT CÓ TRƯỚC SỰ HỮU THỂ TRONG TRẬT TỰ Ý TƯỞNG
               KHÔNG?. 3

TIẾT 3: TẤT CẢ MỌI HỮU THỂ ĐỀU TỐT KHÔNG?. 5
TIẾT 4: SỰ TỐT CÓ YẾU TÍNH NGUYÊN NHÂN MỤC ĐÍCH KHÔNG?. 6
TIẾT 5: YẾU TÍNH CỦA SỰ TỐT Ở TẠI SỰ GIỚI HẠN, LOẠI VÀ TRẬT TỰ
               KHÔNG?. 8

TIẾT 6: SƯ TỐT ĐƯỢC PHÂN CHIA CÁCH THÍCH ĐÁNG, THÀNH RA SỰ
                THÍCH HỢP, SỰ ÍCH LỢI VÀ VUI THÚ.. 11


---------------------------------
 

TIẾT 1: SỰ TỐT PHÂN BIỆT VỚI HỮU THỂ CÁCH THỰC SỰ KHÔNG?


VẤN NẠN

Sự tốt và sự phân biệt thực sự với hữu-thể.

1. Boèce nói: “Tôi nhận thấy trong thiên nhiên có sự kiện này, các sự tốt phân biệt với các hữu thể” (De Hebdom. PL. 64,1312). Vậy hữu-thể phân biệt nhau thật sự, vì Boèce nói: “Tôi thay đổi với các vật, việc chúng tốt và việc chúng hiện hữu thì khác nhau” (De Hebdom. PL. 64,1312).

2. Không vật nào làm mô thể riêng cho mình. Mà cái gì xó mô thể của sự hiện hữu, thì được gọi là tốt, theo nhà chú giải trong sách “Các Nguyên Nhân” (De Causis, 20). Vậy sự tốt phân biệt thực sự với sự hiện hữu.

3. Hơn nữa, sự tốt có thể lãnh nhận hơn kém. Mà hữu thể không thể lãnh nhận hơn kém. Vậy, sự tốt phân biệt thực sự với hữu thể.

TRÁI LẠI

Augustin nói: “Theo mức độ chúng ta hiện hữu, chúng ta tốt” (De Doctr. Christ. 1,32).

TRẢ LỜI

Sự tốt và hữu thể đồng nhất thực sự, và chỉ phân biệt nhau trong ý tưởng; sự khẳng định này được trình bày rõ ràng qua chứng cứ sau đây. Yếu tính của sự tốt cốt ở tại điều này, là nó đáng thèm muốn một thể cách nào đó. Bởi đó, Triết gia nói: sự tốt là cái mà tất cả mọi vật đều thèm muốn. Mà rõ ràng là một vật đáng thèm muốn theo mực độ nó hoàn hảo, vì tất cả mọi vật thèm muốn sự hoàn hảo riêng của chúng. Mà tất cả mọi vật hoàn hảo theo mức độ chúng ở hiện thể. Vậy rõ ràng một vật hoàn hảo theo mức độ nó hiện hữu, vì sự hiện hữu là hiện thể cho tất cả mọi vật như đã nói ở trước (CH.3, t.4; CH.4, t.1). Và một vật hiện hữu là hữu thể. Nên rõ ràng sự tốt và hữu thể là đồng nhất thực sự. Song sự tốt nói lên phương diện đáng thèm muốn, mà sự thèm muốn không được biểu thị do hữu thể.

GIẢI ĐÁP

1. Dầu sự tốt và hữu thể đồng nhất thực sự, chúng nó không được chỉ về cho một vật theo cũng một thể cách tuyệt đối, vì chúng phân biệt nhau trong ý tưởng. Hữu thể bằng một cách thích đáng, biểu thị một cái gì đang hiện thể, mà hiện thể tính tương quan với tiềm thể tính; do đó một vật, bằng cách tuyệt đối, được nói là hiện hữu, chính yếu vì nó phân biệt với cái gì chỉ là tiềm thể, và sự hiện hữu này, chính xác là sự hiện hữu của bản thể. Do chính sự hiện hữu của bản thể mà tất cả mọi vật được nói là hữu thể cách tuyệt đối. Nhưng còn do hiện thể tính khác mà tất cả mọi vật được nói là hiện hữu cách tương đối, chẳng hạn, có màu trắng, thì biểu thị sự hiện hữu cách tương đối; vì việc có màu trắng không làm cho một vật chấm dứt sự hiện hữu tiềm thể bằng cách tuyệt đối, vì màu trắng được thêm vào cho vật hiện hữu hiện thể. Nhưng sự tốt biểu thị sự hoàn hảo: sự hoàn hảo là một cái gì đáng thèm muốn và bởi đó, sự hoàn hảo biểu thị một cái gì cuối cùng. Do đó, cái gì có sự hoàn hảo cuối cùng, thì được nói là tốt cách tuyệt đối; nhưng cái gì không có sự hoàn hảo cuối cùng mà theo lẽ nó phải có, mặc dầu nó có một hoàn hảo nào đó cách tuyệt đối hiện thể, thì nó vẫn không được nói là hoàn hảo cách tuyệt đối, không được nói là tốt cách tuyệt đối: nó chỉ là hoàn hảo và là tốt cách tương đối. Như thế, một vật được quan niệm trong sự hiện hữu thứ nhất của mình, tức là trong sự hiện hữu của bản thể nó, được nói là hiện hữu cách tuyệt đối, và được nói là tốt cách tuyệt đối, nghĩa là, tốt theo mức độ nó hiện hữu. Nhưng được quan niệm trong hiện thể tính đầy đủ của nó, tức là trong sự hiện thể cuối cùng của nó, nó được nói là hiện hữu cách tương đối và là tốt cách tương đối. Bởi đó, lời nói của Boèce “Trong thiên nhiên, sự kiện các vật tốt là một chuyện, và các vật hiện hữu là một chuyện nữa” (De Hebdom. 64,1312), có liên quan với việc tốt tuyệt đối và hiện hữu cách tuyệt đối. Vì một vật được quan niệm trong hiện thể tính thứ nhất, là, một hữu thể cách tuyệt đối. Và được quan niệm trong sự hiện thể tính hoàn toàn đầy đủ, nó tốt cách tuyệt đối, mặc dầu trong hiện thể tính thứ nhất, nó tốt một cách tuyệt đối nào đó; và chính trong hiện thể tính hoàn toàn đầy đủ, nó hiện hữu một cách nào đó.

2. Sự tốt là mô thể theo mức độ nó được quan niệm cách tuyệt đối theo hiện thể tính hoàn toàn đầy đủ.

3. Lại nữa, sự tốt được nói là hơn kém theo một hiện thể tính được thêm vào; thí dụ, theo sự tri thức hoặc nhân đức.

---------------------------------
 

TIẾT 2: SỰ TỐT CÓ TRƯỚC SỰ HỮU THỂ TRONG TRẬT TỰ Ý TƯỞNG KHÔNG?


VẤN NẠN

1. Xem ra sự tốt theo trật tự ý tưởng, thì có trước hữu thể. Vì các danh tánh được sắp thứ tự do sự đặt các vật được biểu thị bởi các danh tánh đó. Mà Denys sắp đặt các tên của Thiên Chúa, thì sự tốt là tên thứ nhất của Thiên Chúa trước tên hữu thể (De Div. Nom. 11,3). Vậy trong ý tưởng, sự tốt đi trước hữu thể.

2. Cái gì có trương độ rộng hơn, có trước trong ý tưởng. Mà sự tốt có trương độ rộng hơn hữu thể, vì như Denys nhận xét, sự tốt có thể nói về cho các vật hiện hữu và các vật không hiện hữu, đang khi hữu thể chỉ nói về các vật hiện hữu mà thôi. Vậy, sự tốt trong ý tưởng thì có trước hữu thể.

3. Cái gì phổ quát hơn, có trước trong ý tưởng. Nhưng sự tốt xem ra phổ quát hơn hữu thể, vì sự tốt có phương diện đáng thèm muốn. Mà đối với một số vật, phi hữu đáng được thèm muốn, vì đã nói về Giuđa, người phản bội: Thà rằng y đừng sinh ra, thì hơn (Mt 26,24). Bởi đó, trong ý tưởng, sự tốt có trước.

4. Không những sự hiện hữu đáng thèm muốn, mà còn sự sống, sự tri thức, cùng nhiều sự vật khác nữa đều đáng thèm muốn. Như thế xem ra hữu thể đáng thèm muốn một cách đặc thù, còn sự tốt đáng thèm muốn cách phổ quát. Cho nên trong ý tưởng sự tốt, một cách tuyệt đối, có trước hiện hữu.

TRÁI LẠI

Đã nói ở quyển sách về các nguyên nhân: vật được sáng tạo trước tiên, đó là hữu-thể (De Causis, 4, p.164).

TRẢ LỜI

Trong ý tưởng, sự hữu thể có trước sự tốt. Vì cái ý nghĩa được biểu thị bởi danh tánh của một vật, đó là cái ý niệm mà trí năng lãnh hội vật này và nói lên ý niệm này bằng một từ ngữ thay thế vật này. Bởi đó, cái gì được trí năng lãnh hội trước nhất, thì có trước trong ý tưởng. Những đối tượng mà trí năng lãnh hội trước nhất, chính là sự hữu thể, vì mọi sự vật chỉ có thể được lãnh hội theo mức độ chúng nó hiện thể (Aristote, Metaph., 8). Như thế, hữu thể là đối tượng riêng của trí năng và nó là khả niệm hữu thứ nhất, như thanh âm là khả thính hữu thứ nhất của thính giác. Do đó, trong ý tưởng, hữu thể có trước sự tốt.

GIẢI ĐÁP

1. Denys định nghĩa các tên của Thiên Chúa tuỳ theo các tên này bao gồm tương quan nhân quả ở nơi Thiên Chúa; vì chúng ta gọi là Thiên Chúa, như ông ấy nói (De Div. Nom. 1,7), do các hiệu quả. Nhưng sự tốt, vì nó có phương diện đáng thèm muốn, bao gồm ý nhiệm nguyên nhân mục đích; mà nguyên nhân mục đích là nguyên nhất thứ nhất trong các nguyên nhân, vì tác nhân hẳn không hành động nếu không có mục đích; và do tác nhân mà chất thể được chuyển động tới mô thể của mình. Bởi đó, mục đích được mệnh danh là nguyên nhân của các nguyên nhân. Vậy, sự tốt với tính cách nguyên nhân, thì có trước hữu thể, như mục đích có trước mô thể. Bởi đó, trong các tên biểu thị nguyên nhân tính của Thiên Chúa, thì sự tốt có trước hữu thể. Lại nữa, theo môn phái Platon không phân biệt chất thể đệ nhất với sự khuyết phạp (Aristote, Phys., 1,9), thì chủ trương chất thể đệ nhất phi hữu, nên sự tốt được thông phần rộng hơn hữu thể; vì chất thể đệ nhất thông phần vào sự tốt trong khi nó tìm kiếm sự tốt, vì tất cả mọi vật đều tìm kiếm cái tương tự với mình; nhưng chất thể đệ nhất không thông phần vào hữu thể, vì nó được giả thiết là phi hữu. Cho nên Denys nói, sự tốt vươn mình đến phi hữu (De Div. Nom. 5,1).

2. Vấn nạn 2 được giải đáp như vấn nạn 1 ở trên. Hoặc ta có thể nói sự tốt vươn mình tới các vật hiện hữu cũng như các vật không hiện hữu, không theo ý nghĩa sự tốt có thể chỉ về cho chúng nó, nhưng theo mức độ sự tốt có thể tạo thành chúng nó, nếu thật sự chúng ta lãnh hội tiếng phi hữu không phải là chỉ sự thuần tuý hư vô, nhưng là những vật tiềm thể, chứ không phải hiện thể; vì sự tốt có phương diện mục đích mà trong mục đích này không những các vật hiện thể gặp được sự hoàn thành đầy đủ, mà chính các vật không hiện thể, nghĩa là các vật tiềm thể, chứ không phải là thuần tuý khả thể hướng về đó. Mà hữu thể bao hàm cái tương quan nguyên nhân mô thể mà thôi, nguyên nhân mô thể cố hữu hoặc mô phạm; và nguyên nhân tính của mục đích chỉ vươn mình đến các vật hiện thể mà thôi.

3. Phi hữu đáng thèm muốn, không phải vì chính nó, nhưng chỉ đáng thèm muốn cách tương đối, tức là theo mức độ. Việc cất mất đi một sự xấu là đáng thèm muốn, mà sự xấu này được cất đi nhờ phi hữu. Nhưng sự cất mất đi một sự xấu không đáng thèm muốn, nếu không phải. Bởi vì sự xấu này làm cho thiếu đi một sự hiện hữu ở nơi một vật nào. Bởi đó, chính hữu thể đáng thèm muốn bởi chính nó, đang khi phi hữu đáng thèm muốn cách tương đối mà thôi, tức là theo mức độ người ta tìm kiếm một hữu thể mà người ta không thể thiếu đi; và do đó, xảy ra chính phi-hữu có thể nói dường như tốt một cách tương đối.

4. Sự sống, sự khôn ngoan, và các sự tương tự, đáng thèm muốn theo mức độ chúng nó hiện thể mà thôi. Bởi đó, trong mỗi một sự vật như vậy, một thứ hữu thể nào đó, đáng thèm muốn. Vậy, không có cái đáng thèm muốn, trừ ra hữu thể; và cuối cùng, không có cái gì tốt ngoài hữu thể.

---------------------------------
 

TIẾT 3: TẤT CẢ MỌI HỮU THỂ ĐỀU TỐT KHÔNG?


VẤN NẠN

Xem ra không phải tất cả mọi hữu-thể đều tốt.

1. Sự tốt là cái gì thêm vào cho hữu thể, như đã thấy rõ ràng trong công việc đã trình bày trước. Nhưng bất cứ cái gì được thêm vào cho hữu thể, thu hẹp, hạn chế hữu thể; chẳng hạn như bản-thể, lượng, phẩm vv... Bởi đó, sự tốt hạn chế hữu thể. Vậy, không phải tất cả mọi hữu thể đều tốt.

2. Không sự xấu nào là tốt: khổ thân các người bảo xấu là tốt, bảo tốt là xấu. Lấy tối làm sáng, sáng cho là tối, đắng cạy ngọt bùi lẫn lộn (Is 5,20). Mà có những sự vật bị nói là xấu. Bởi đó, không phải nói hữu thể đều tốt.

3. Sự tốt bao gồm sự đáng thèm muốn. Nhưng chất thể đệ nhất không bao hàm sự đáng thèm muốn, mà đúng hơn là chính chất thể đệ nhất thèm muốn. Bởi đó, chất thể đệ nhất không chứa đựng hiện thể tính của sự tốt. Cho nên, không phải tất cả mọi hữu thể đều tốt.

4. Triết gia nhận xét trong toán học, không có sự tốt (Metaph., 2,2). Nhưng toán học là thực thể, nếu toán học không phải thực thể, không có Khoa toán học, vậy không phải tất cả mọi hữu thể đều tốt.

TRÁI LẠI

Tất cả mọi hữu thể không phải là Thiên Chúa, đó là thụ tạo của Thiên Chúa; nhưng tất cả mọi thụ tạo của Thiên Chúa, đều tốt (1Tm 4,4), và Thiên Chúa là sự tốt nhất. Cho nên tất cả mọi hữu thể đều tốt.

TRẢ LỜI

Tất cả mọi hữu thể, với tính cách hữu thể đều tốt. Vì tất cả mọi hữu thể với tính cách là sự hữu thể, đều có hiện thể tính và hoàn hảo một cách nào đó, vì mỗi một hiện thể là một thứ hoàn hảo, mà sự hoàn hảo bao gồm sự đáng thèm muốn và sự tốt, như đã được trình bày. Thành ra tất cả mọi hữu thể với tính cách là hữu thể đều tốt.

GIẢI ĐÁP

1. Bản thể, lượng, phẩm, và tất cả mọi sự vật được bao hàm do ba sự vật này thì thật sự hạn chế, bằng cách đem hữu thể đến cho yếu tính hoặc bản tính. Nhưng theo ý nghĩa này, thì sự tốt không thêm sự gì vào cho hữu thể, ngoài phương diện đáng thèm muốn và hoàn hảo: sự đáng thèm muốn và hoàn hảo là cố hữu cho hữu thể, cho hữu thể với bất cứ bản-tính nào. Vậy sự tốt không giới hạn hữu-thể.

2. Không hữu thể nào quy về cho sự xấu, được coi là hữu thể, nhưng hữu thể chỉ được nói về, cho sự xấu theo mức độ xấu thiếu hữu thể của nhân đức; và con mắt bị nói là xấu, vì con mắt này thiếu khả năng xem thấy rõ.

3. Vì chất thể đệ nhất có hữu thể tiềm thể, nên nó chỉ tốt tiềm thể. Mặc dầu, theo môn phái Platon, chất thể đệ nhất được nói là phi hữu, vì sự khuyết phạp thêm vào cho nó, tuy nhiên chất thể đệ nhất thông phần một sự vươn mình đến sự tốt, nhờ sự sắp đặt của bản tính hoặc nhờ thích hợp tính, hướng về sự tốt. Do đó, không phải đáng việc được thèm muốn, nhưng thèm muốn thích hợp cho chất thể đệ nhất.

4. Các đối tượng toán học không lập hữu tách rời khỏi mọi chất thể. Giả như chúng lập hữu, hẳn trong chúng có sự tốt, tức sự hữu của mình. Chúng nó chỉ tách rời đối với trí năng trong tư cách chúng được trừu xuất khỏi sự chuyển động và khỏi chất thể và do đó cũng được trừu xuất khỏi mục đích tính, bởi vì mục đích thì chủ động do bản tính mình. Và không có gì là mâu thuẫn, nếu ở nơi hữu thể trí thuộc người ta không gặp được sự tốt, bởi vì như người ta đã thấy ở trước (De Div. Nom. 4,7), hữu thể có trước sự tốt.

---------------------------------
 

TIẾT 4: SỰ TỐT CÓ YẾU TÍNH NGUYÊN NHÂN MỤC ĐÍCH KHÔNG?


VẤN NẠN

1. Xem ra sự tốt không có yếu tính nguyên nhân mục đích, nhưng có thể nó liên hệ với các nguyên nhân khác. Vì như Denys nói: sự tốt được ca tụng như sự đẹp (De Div. Nom. 4,7). Mà sự đẹp có yếu tính nguyên nhân mô thể. Vậy sự tốt có yếu tính nguyên nhân mô thể.

2. Sự tốt lan tràn mình ra; vì Denys nói: sự tốt là cái gì làm cho tất cả mọi vật lập hữu và hiện hữu (De Div. Nom., 4,4). Mà việc chuyển thông như vậy thì có yếu tính nguyên nhân tác thành.

3. Augustin nói: chúng ta hiện hữu bởi vì Thiên Chúa tốt. Nhưng chúng ta hiện hữu do Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành.

TRÁI LẠI

Triết gia nói: một vật mà do nó một vật nào hiện hữu, thì được coi là mục đích và là sự tốt cho vật khác đó. Cho nên, sự tốt có yếu tính nguyên nhân mục đích.

TRẢ LỜI

Vì sự tốt được tất cả mọi vật thèm muốn và vì sự tốt có yếu tính mục đích, do đó, rõ ràng sự tốt bao hàm yếu tính mục đích. Tuy nhiên, ý niệm về sự tốt, giả thiết ý niệm nguyên nhân tác thành, và cũng giả thiết ý niệm nguyên nhân mô thể, vì chúng ta nhận thấy cái gì có trước nhất trong khi tác thành, thì có sau nhất trong vật được tách thành. Thí dụ, lửa đốt nóng củi trước khi tạo ra mô thể lửa cho nó, mặc dầu sự nóng trong lửa phát sinh do mô thể bản thể của lửa. Nhưng khi tác thành, cái xuất hiện trước tiên, đó là sự tốt và cái mục đích: mục đích động tác nhân để hành động thứ đến, sự hành động của tác nhận động mê thể; và sau hết, mô thế đến. Bởi đó, sự trái ngược xảy ra ở nơi hiệu quả, tức ở nơi vật được tác thành: Trước tiên, mô thể hiện diện chính nhờ mô thể mà vật được tác thành hoá nên một hữu thể, hay một vật. Sau đó, tìm hiểu khả năng của nó, ở ngay chính trong nó. Nhờ khả năng tác thành mà nó được hoàn hảo trong sự hiện hữu mình, vì theo lời nói của Triết gia, mỗi một vật được hoàn hảo, khi chính nó tạo nên vật tương tự với nó (Metaph. 4,3), rồi cuối cùng xuất hiện yếu tính của sự tốt: yếu tính này là nguyên lý căn bản cho sự hoàn hảo trong một vật hay trong một hữu thể.

GIẢI ĐÁP

1. Sự đẹp và sự tốt ở nơi một vật, thì đồng với nhau cách cơ bản, vì chúng được đặt nền tảng trên cũng một sự vật, tức là trên cũng một loại mô thể; do đó, sự tốt được ca tụng như sự đẹp. Nhưng chúng phân biệt nhau về yếu tính, vì sự tốt quan hệ đích xác với sự thèm muốn: sự tốt là cái gì được mọi vật thèm muốn; do đó, sự tốt có yếu tính mục đích: sự thèm muốn là sự chuyển động hướng về một vật. Đàng khác, sự đẹp quan hệ với năng lực tri thức, vì các sự vật được nói là đẹp, khi chúng nó được nhận thức, làm cho vui thích. Bởi đó, sự đẹp, cốt ở tại có sự cân xứng đúng mực của các sự vật, vì giác quan thích thú trong các sự vật cân xứng hợp lý, như trong cái gì tương tự với nó, vì giác quan là một thứ trí năng như tất cả mọi năng lực tri thức. Nhưng, bởi vì sự nhận thức được thể hiện nhờ sự đồng hoá, và sự tương tự quan hệ với mô thể, nên sự đẹp, bằng cách đích xác, thuộc về nguyên nhân mô thể.
2. Sự tốt được mô tả là lan tràn chính mình, theo ý nghĩa một mục đích được chủ động.
3. Hữu thể có ý chí, được nói là tốt, theo mức độ có thiện chí; vì chính do ý chỉ của chúng ta mà chúng ta sử dụng mọi năng lực chúng ta có thể. Bởi đó, một người được nói là tốt, không phải vì có trí năng, nhưng vì có thiện chí. Nhưng ý chí quan hệ với mục đích như đối tượng chính xác. Như vậy, câu nói “chúng ta hiện hữu vì Thiên Chúa thiện hảo” có quan hệ với nguyên nhân mục đích (St. Augustin, De Doc. Christ., 1,32).

---------------------------------
 

TIẾT 5: YẾU TÍNH CỦA SỰ TỐT Ở TẠI SỰ GIỚI HẠN, LOẠI VÀ TRẬT TỰ KHÔNG?


VẤN NẠN

Xem ra yếu tính của sự tốt không cốt ở tại sự giới hạn, loại và trật tự.

1. Sự tốt và hữu thể phân biệt nhau do khái niệm của mình. Nhưng giới hạn, loại và trật tự xem thuộc về bản tính của hữu thể, vì có lời ghi chép: Tuy nhiên đức khôn ngoan đã an bài mọi sự có chừng mực, có hệ số, có điều độ (Kn 11,21). Đó là loại, giới hạn và trật tự, vì Augustin nói: sự chừng mực nhất định làm giới hạn cho mọi sự vật, hệ số nhất định các loại của mọi sự vật, và sự điều độ nhất định cho chúng sự ổn định và sự kiên cố (De Genesi ad litt, 4,3). Bởi đó, yếu tính của sự tốt không cốt ở tại giới hạn, loại và trật tự.

2. Giới hạn, loại và trật tự, chính chúng nó tốt. Bởi đó, nếu yếu tính của sự tốt cốt ở tại ba sự vật này: giới hạn, loại và trật tự, thì mỗi một trong ba sự vật này cũng phải giới hạn, loại và trật tự riêng, rồi mọi loại, mọi trật tự cũng có giới hạn, loại và trật tự riêng và như thế kế tiếp đến vô cùng.

3. Sự xấu là sự khuyết phạp của giới hạn, của loại và của trật tự. Nhưng sự xấu không hoàn toàn thiếu hẳn sự tốt. Bởi đó, yếu tính của sự tốt không cốt ở tại giới hạn, loại và trật tự.

4. Cái cốt yếu cho yếu tính của sự tốt, không thể bị nói xấu. Nhưng chúng ta có thể nói đến một giới hạn xấu, một loại xấu và một trật tự xấu. Bởi đó, yếu tính của sự tốt, không cốt ở tại giới hạn, loại và trật tự.

5. Giới hạn, loại và trật tự được tạo nên bởi sự điều độ, hệ số và sự chừng mực, như thấy rõ ràng ở lời nói của Augustin vừa trích dẫn ở trên (De Genesi ad litt, 4,3). Nhưng không phải tất cả mọi sự vật tốt đều có điều độ, hệ số và chừng mực, vì Ambrosio nói: chính bản tính của sự sáng, là không được sáng tạo theo hệ số, điều độ và chừng mực (Hexaen. 1,9). Bởi đó, yếu tính của sự tốt không cốt ở tại giới hạn, loại và trật tự.

TRÁI LẠI

Augustin nói: “Ba yếu tố này – giới hạn, loại, trật tự - được coi là ba sự vật tốt chung, hiện hữu trong tất cả mọi vật Thiên Chúa đã sáng tạo; vậy ở đâu ba yếu tố này hiện hữu dồi dào thì ở đó, các vật rất tốt; ở nơi nào ba yếu tố này kém đi, thì ở đó có vật kém tốt; ở nơi nào mà ba yếu tố này không có chút nào hết, thì ở đó không có gì tốt” (De Nat Boni, 3). Nhưng việc này không xảy ra, nếu yếu tính của sự tốt không cốt ở tại giới hạn, loại và trật tự. Bởi đó, yếu tính của sự tốt cốt ở tại giới hạn, loại và trật tự.

TRẢ LỜI

Tất cả mọi vật được nói là tốt theo mức độ chúng hoàn hảo; vì chúng nó đáng thèm muốn theo mức độ này, như đã trình bày ở trước. Nhưng một vật được nói là hoàn hảo, nếu nó không thiếu cái gì trong thể cách sự hoàn hảo của nó. Nhưng mỗi một vật là điều nó đang có, do ở mô thể của nó. Vì mô thể đòi phải có một vài sự vật và vì một vài sự vật đi theo mô thể một cách tất yếu, nên một vật được trở nên hoàn hảo và tốt, thì nó phải có mô thể và tất cả những gì đi trước và theo sau mô thể này. Nhưng mô thể đòi các nguyên nhân của nó phải được quyết định hay đo lường, bất cứ các nguyên nhân là chất thể hoặc tác thành: thể là sự biểu thị của giới hạn: sự chừng mực quyết định sự giới hạn (St. Augustin; De Genesi ad litt., 4,3). Song chính mô thể được biểu thị bởi các loại, vì tất cả mọi vật: được sắp đặt vào các loại do mô thể. Hệ số được nói là tạo ra các loại, vì các lời định nghĩa biểu thị các loại, thì tương tự với các hệ số, theo Triết gia (Metaph., 8,3). Vì như một đơn vị được thêm vào hoặc bị lấy đi đối với một hệ số, thay đổi loại của hệ số, thì cũng thế, một dị biệt được thêm vào hoặc bị lấy đi đối với một lời định nghĩa, thay đổi loại của lời định nghĩa đó. Hơn nữa do mô thể, phát xuất khuynh hướng đến mục đích, hoặc đến hành động, hoặc đến cái gì tương tự; vì mỗi một vật, theo mức độ hiện thể, hành động và hướng về cái gì thích hợp cho chính mình, theo mô thể của mình và việc đó, thuộc về điều độ và trật tự. Bởi đó, yếu tính của sự tốt, theo mức độ cốt ở tại sự hoàn hảo, cũng cốt ở tại giới hạn, loại và trật tự.

GIẢI ĐÁP

1. Ba yếu tố này phát xuất do hữu thể chỉ theo mức độ hữu thể hoàn hảo và theo sự hoàn hảo này, hữu thể tốt.

2. Giới hạn, loại và trật tự được nói là tốt và là những hữu thể, không phải dường như chúng nó lập hữu, nhưng bởi vì nhờ chúng, mà các vật khác là hữu thể và tốt. Bởi đó, chúng không cần đến các vật khác để trở nên tốt, vì chúng nó được coi là tốt. Dường như không phải chúng nó được cấu tạo nên cách mô thể bởi vật nào khác, nhưng một cách mô thể, chúng cấu tạo nên cách mô thể bởi vật nào khác, nhưng một cách mô thể, chúng cấu tạo nên các vật tốt: như thế màu trắng không được nói là một hữu thể, bởi vì nó hiện hữu ở nơi khác, nhưng bởi vì nhờ nó mà vật khác có sự hiện hữu, một vật có màu trắng.

3. Tất cả mọi hữu thể đều do mô thể. Bởi đó, sự hiện hữu đặc thù của một vật là giới hạn, loại và trật tự của vật này. Như thế, một người có giới hạn, loại và trật tự, trong tính cách là một người và một người nữa có giới hạn, loại và trật tự, với tính cách người này có màu trắng, có nhân đức, có tri thức vv... Theo tất cả mọi sự vật được chỉ về cho người này. Nhưng sự xấu làm mất đi sự vật gì thuộc về sự hiện hữu, như sự đui mù làm cho chúng ta mất sự hiện hữu gọi là thị giác; và như thế sự đui mù không làm mất đi mọi giới hạn, mọi loại và mọi trật tự. Nhưng chỉ phá huỷ sự hiện hữu của thị giác.

4. Như thánh Augustin nói: Mỗi một giới hạn, với tính cách là giới hạn, thì tốt và cũng nói như thế về loại và trật tự. Nhưng một giới hạn xấu, một loại xấu, một trật tự xấu, bị gọi như thế, vì chúng nó hiện hữu kém hơn mức độ đáng lẽ chúng phải có, hoặc là vì chúng nó không thuộc về vật mà đáng lẽ chúng nó phải thuộc về; hoặc là chúng nọ bị gọi là xấu, vì chúng ó ở ngoài chỗ của chúng nó và vì chúng nó không thích hợp.

5. Bản tính của sự sáng được nói là hữu thể không hệ số, không điều độ và không chừng mực, không phải cách tuyệt đối, nhưng bằng cách so sánh với các vật thể, vì năng lực của sự sáng chiếu đến những vật thể theo mức độ sự sáng là phẩm chất hoạt động của vật thể đệ nhất tạo nên sự thay đổi, tức là của bầu trời.

---------------------------------
 

TIẾT 6: SƯ TỐT ĐƯỢC PHÂN CHIA CÁCH THÍCH ĐÁNG, THÀNH RA SỰ THÍCH HỢP, SỰ ÍCH LỢI VÀ VUI THÚ


VẤN NẠN

Xem ra sự tốt không được một cách thích đáng phân chia ra: sự thích hợp, sự ích lợi và sự vui thú.

1. Vì sự tốt được chia ra mười phạm trù, như Triết gia nói. Nhưng sự thích hợp, sự ích lợi và sự vui thú có thể gặp được nơi một trong những phạm trù này. Bởi đó, sự tốt không được một cách thích đáng chia ra trong ba thứ này.

2. Mọi sự phân chia, thì chia ra các phần đối lập nhau. Nhưng ba thứ này xem ra không đố lập nhau, vì thích hợp thì làm vui thú, và không có sự gì không thích hợp, mà có ích lợi; đáng lẽ sự thích hợp và sự ích lợi đối lập nhau, giả như sự phân chia này được thể hiện bằng các phần đối lập, như Tullius nhận xét (De Officiis, 2,3). Bởi đó, sự phân chia này không thích đáng.

3. Ở nơi nào mà một vật hiện hữu vì một vật nữa, thì ở đó chỉ có một vật thôi. Mà sự ích lợi không phải là sự tốt, nếu nó không có vì sự vui thú và sự thích hợp; bởi đó không được phân chia sự ích lợi ra ngoài sự vui thú và sự thích hợp.

TRÁI LẠI

Ambroise sử dụng sự phân chia này (De Officiis, 1,9).

TRẢ LỜI

Sự phân chia này, một cách thích đáng liên hệ với sự tốt của nhân loại. Nhưng nếu chúng ta nghiên cứu bản tính của sự tốt từ quan điểm cao hơn và tổng quát hơn, thì chúng ta sẽ nhận thấy được sự phân chia này, một cách thích đáng, liên hệ với sự tốt với tính cách là sự tốt. Vì một vật tốt theo mức độ nó đáng thèm muốn, và nó là điểm tới của sự chuyển động thèm muốn, điểm tới của sự chuyển động này được trông thấy qua sự nghiên cứu chuyển động một thân thể thiên nhiên, sự chuyển động của một thân thể thiên nhiên chất dứt ở một điểm cuối cùng một cách tuyệt đối. Nhưng một cách tương đối, chấm dứt ở n ơi phương tiện đưa nó đến điểm cuối cùng, mà sự chuyển động ngưng hẳn; như thế điểm tới của một sự chuyển động được nói là chấm dứt theo mức độ nó chấm dứt một phần nào của chuyển động này. Mà điểm tới cuối cùng của sự chuyển động có thể được hiểu hai cách: hoặc là với tính cách một sự vật mà nó hướng về đó, chẳng hạn như là một nơi chốn hay là, một mô thể; hoặc là với tính cách là một trạng thái nghỉ ngơi ở nơi sự vật này. Vậy trong sự chuyển động của sự thèm muốn, vật được thèm muốn, chấm dứt sự chuyển động của sự thèm muốn bằng cách tương đối, coi sự chuyển động này là phương tiện để hướng về một sự vật khác, được mệnh danh là sự ích lợi; còn vật được theo đuổi như là vật cuối cùng, một cách tuyệt đối chấm dứt sự chuyển động của sự thèm muốn; và như là vật mà do chính nó, sự thèm muốn hướng về nó, thì được mệnh danh là sự thích hợp; vì sự thích hợp được thèm muốn vì chính nó; nhưng vật chấm dứt sự chuyển động của sự thèm muốn, để đạt tới mô thể của sự nghỉ ngơi thưởng thức ở nơi vật đã được thèm muốn, thì được mệnh danh là sự vui thú.

GIẢI ĐÁP

1. Sự tốt, theo mức độ nó thực sự đồng nhất với sự hiện-hữu, thì được phân chia ra mười phạm-trù. Nhưng sự phân chia này thuộc về sự tốt theo mô thể tính riêng biệt của thứ phân chia này.

2. Sự phân chia này không phải theo các sự vật phân biệt nhau, nhưng theo các dung mạo phân biệt nhau. Nhưng các sự vật một cách đặc biệt riêng được gọi là vui thú, thì không có mô-thể tính nào khác làm cho chúng nó đáng được thèm muốn, ngoài sự vui thú, mặc dầu đôi khi các sự vật này có hại và không thích hợp. Còn sự ích lợi theo bản tính của nó, không có gì làm cho nó đáng được thèm muốn, nhưng chỉ được thèm muốn vì nó có khả năng đưa đến sự vật khác: thí dụ, uống thuốc đắng; đang khi sự thích hợp đáng được thèm muốn cho chính bản tính của nó.

3. Sự tốt không phân chia ra ba thứ như sự vật đơn nghĩa có thể chỉ về cho cả ba chúng nó một cách bằng nhau; nhưng như sự vật loại suy được chỉ về cho ba chúng nó theo thứ tự trước sau; vì sự vật loại-suy này được chỉ về cho sự thích hợp cách ưu tiên, rồi cho sự vui thú, cuối cùng cho sự ích lợi.

---------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây