Ngày 23/09: Thánh Piô Pietrelcina - 5 Dấu

Chủ nhật - 22/09/2024 03:36
Ngày 23/09: Thánh Piô Pietrelcina - 5 Dấu
Ngày 23/09: Thánh Piô Pietrelcina - 5 Dấu
Ngày 23/09: Thánh Piô Pietrelcina - 5 Dấu
------------------------------

Mục Lục:
23/09-1: Kính Thánh Padre Pio. 1
23/09-2: Thánh Padre Piô. 2
23/09-3: THÁNH PIÔ PIÊ-TRÊ-XINA, linh mục. 5
23/09-4: Cha Thánh Piô thành Pietrelcina. 6
23/09-5:THÁNH PIÔ PIETTRELCINA.. 9
23/09-6:Thánh Padre Pio Pietrelcina. 12
23/09-7:Thánh Padre Pio: Đời sống, những phép lạ và di sản của ngài 14
23/09-8: 20
23/09-9: 20
23/09-10: 20

------------------------------

 

23/09-1: Kính Thánh Padre Pio


VietCatholic News (23/09/2004 )

 

Thánh Padre Pio phải vác một lần hai cây thánh gía. Chiếc thánh gía thứ nhất là những vết thương 23/09-1


Thánh Padre Pio phải vác một lần hai cây thánh gía. Chiếc thánh gía thứ nhất là những vết thương đẫm máu trên người được chia xẽ với Chúa Kitô như trong cuộc khổ nạn. Cùng một lúc phải vác thêm chiếc thánh gía khác là những đau khổ chịu đựng vì được thiên hạ hô hào như một vị thánh sống. Không biết thánh gía nào nặng hơn thánh giá nào!

Thánh Pio là một tu sĩ thuộc dòng Phanxicô luôn ở trong tu viện ở Apulian miền nam nước Ý. Các bài giảng của Pio thì cũng chẳng có gì khác biệt với những tu sĩ Phanxicô khác nhưng nơi con người này tỏa ra một mầu nhiệm kỳ bí. Hàng ngàn khách hành hương chen lấn nhau đến tham dự Thánh lễ, đến xưng tội hoặc chỉ cầm lấy bàn tay đang băng bó và họ cảm thấy Pio là chứng từ của Thiên Chúa hằng sống.

Như thánh lập Dòng, Phanxicô, Pio cũng mang những dấu thánh trên người. Những vết thương này không thể nào giải thích được. Những vết thương này bắt đầu từ năm 1910 và chỉ biến đi vài ngày trước khi Pio qua đời, như vậy Pio đã chịu đựng đau đớn biết dường nào.

Thánh Pio đã làm rất nhiều phép lạ, có một lần đã đem lại ánh sáng cho một người mù sinh ra với mắt không có con ngươi. Trong lúc cầu nguyện Pio luôn được tiếp xúc chuyện trò với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh. Pio khi tiếp xúc với người khác thì đọc được ý nghĩ sâu kín và ước muốn của ho. Những phép lạ này làm cho một số người nghi ngờ khó chịu hơn là ngạc nhiên tin tưởng vì đang ở giữa thế kỷ khoa học và ánh sáng.

Thánh Pio còn có khả năng nói tiên tri. Năm 1947, khi nghe một linh mục trẻ người Ba lan, Karol Wojtyla, Pio đã làm cho linh mục này ngạc nhiên là tiên đoán linh mục trẻ này sẽ là Giáo Hoàng tương lai. Tuy vậy Tòa Thánh Vatican rất thận trọng về những phép lạ của Pio nên nhiều lần đã đưa Pio sống biệt lập tránh xa khách hành hương và giải thích là “phép lạ” không đồng nghĩa với “thánh thiện”.

Do đó Pio không chỉ đau đớn về thể xác mà còn đau đón về tinh thần vì bị hiểu lầm bởi các giới chức của Giáo Hội. Trong nhiều năm Pio được lệnh không được dâng Thánh Lễ nơi công cọng và các giới chức đó đã dùng tâm lý “tự kỷ ám thị” mà giải thích rằng vì Pio luôn suy nghĩ về các vết thương của Chúa Kitô nên các vết thương đã xẩy ra trên người của mình. Và Pio đã trả lời với các giới chức rằng: “Cứ ra ngoài đồng nhìn vào sừng bò và tự kỷ ám thị thì sừng bò sẽ mọc trên đầu của mình sao?”

Mục đích của những đau đớn đó là gì? Pio đã trả lời đó là Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của tôi để những người tội lỗi trở lại tin vào Thiên Chúa và thế gian được cứu độ.

Thánh Padre Pio qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968.
Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác

------------------------------

 

23/09-2: Thánh Padre Piô

 

Thánh Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở Pietrelcina, miền nam 23/09-2


Thánh Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở Pietrelcina, miền nam nước Ý. Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.

Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910 và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.

Vào ngày 20-9-1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.

Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924 ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.

Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.

Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi vào năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, "Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ" được hình thành với 350 giường bệnh.

Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.

Một trong những sự đau khổ của Cha Piô là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Ngài từ trần ngày 23-9-1968, và được phong thánh năm 2002.

 (viết lại cho gọn, để in):   Hôm nay, chúng ta mừng kính Cha thánh Piô, quen gọi là Cha thánh Piô năm dấu. Cha sinh 25/05/1887 tại Piê-trê-si-na, thuộc miền nam nước Ý. Năm 15 tuổi, cha gia nhập dòng Ca-pu-si-nô. Cha thụ phong linh mục năm 1910 và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy cha bị ho lao, họ đã cho cha giải ngũ. Vào ngày 20-9-1918, trong lúc thinh lặng cầu nguyện, cám ơn Chúa sau rước lễ, Cha Piô đã được diễm phúc nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến này chấm dứt, thì cha được in 5 dấu thánh của Chúa ở tay, ở chân và ở cạnh sườn.

Sau biến cố nầy, cuộc đời của cha trở nên quá phức tạp. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội và những người tò mò đến xem Cha. Năm 1924 và 1931, 2 lấn vấn đề dấu thánh nơi thân xác cha được đặt ra. Và cả 2 lần, Cha đều bị Bề Trên cấm, không cho phép cha cử hành Thánh Lễ nơi công cộng, và không được giải tội cho dân chúng. Nhưng Cha đã không hề than trách về sự cấm cách này. Lệnh cấm cách này, chỉ sau một thời gian ngắn, thì được bãi bỏ.

Sau khi được in 5 dấu thánh, Cha Piô thường ít khi rời tu viện, nhưng có không biết bao nhiêu người đã đến với cha. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ cha dâng, đông nghẹt người tham dự, thì cha ngồi  giải tội cho đến trưa. Cha dùng thời gian nghỉ trưa của nhà dòng, để đi thăm viếng và chúc lành cho những người đau yếu, và cho tất cả những ai đến gặp cha. Sau đó, cha lại tiếp tục giải tội. Thời gian cha giải tội trong ngày, tính ra có trên 10 tiếng đồng hồ. Những người muốn xưng tội, phải lấy số chờ đợi, như khi ta đi khám bác sĩ. Nhiều người kể lại rằng: Cha Piô biết rõ các chi tiết trong cuộc đời của họ, mà họ chưa bao giờ họ tiết lộ.

Năm 1946, các ân nhân của cha đã chung hùng xây dựng một bệnh viện, mang tên là "Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ". Bệnh việc có khoảng 350 giường. Và nhiều người đã tin rằng: họ được chữa lành, nhờ sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được tham dự Thánh Lễ của cha dâng, đều cảm thấy sốt sắng. Còn những người tò mò, thì rất xúc động.

Cha từ trần ngày 23-9-1968, và được phong thánh năm 2002.

Lời Bàn

Hơn bất cứ ai khác, có lẽ người Hoa Kỳ ngày nay rất thích những cuốn sách chỉ dẫn, cũng những chương trình truyền thanh, các bài báo có tính cách chỉ bảo. Chúng ta say mê với tiến bộ kỹ thuật và không ngừng tìm kiếm các lối tắt để tiết kiệm thời giờ và sức lực. Nhưng như Thánh Phanxicô và Cha Piô biết rất rõ, không có con đường nào ngắn hơn khi sống theo Phúc Âm, không có cách nào tránh được những "giáo huấn khó khăn" của Chúa Giêsu (x. Gioan 6:60). Rao giảng về Kitô Giáo mà không có sự hy sinh cá nhân, không có thập giá, thì cũng không khác gì người mãi võ sơn đông quảng cáo bán thuốc trị bá bệnh. Cha Piô coi sự đau khổ của ngài như đáp ứng với lời kêu gọi sống phúc âm.

Lời Trích
"Cuộc đời Kitô Hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình; không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều nếu không phải trả giá sự đau khổ" (Lời của Cha Piô).

------------------------------

 

23/09-3: THÁNH PIÔ PIÊ-TRÊ-XINA, linh mục

 

Thánh Piô Piê-trê-xi-na (Pietrelcina) tên thật là Phanxicô Pho-giô-nê (Forgione). Phanxicô Pho-giônê 23/09-3


Thánh Piô Piê-trê-xi-na (Pietrelcina) tên thật là Phanxicô Pho-giô-nê (Forgione). Phanxicô Pho-giônê sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887 gần thành Na-pô-li nước Ý. Song thân ngài rất nghèo khó và rất vất vả. Từ thơ ấu, Phanxicô Pho-giônê đã có một lòng yêu thích cầu nguyện sâu xa và một lòng khát khao nên thánh mãnh liệt.

Khi Phanxicô Pho-giônê lên 10 tuổi, thì thấy có một linh mục dòng Phanxicô Ca-pu-xi-nô tới Piê-trê-si-na. Phanxicô bị ấn tượng bởi lòng đơn sơ và khiêm nhường của ngài. Và Phanxicô quyết tâm rằng một ngày kia cũng sẽ là một linh mục dòng Ca-pu-xi-nô. - Để giúp cho ước mơ của con thành sự thật, thân phụ của Phanxicô đã trẩy sang nước Mỹ tìm việc làm, và kiếm tiền cho Phanxicô ăn học.

Vào ngày mùng 6 tháng 1 năm 1903, Phanxicô Pho-giô-nê gia nhập dòng Ca-pu-xi-nô ở Móc-côn. Phanxicô nhận tên là Piô. Vào năm 1910, Piô được thụ phong linh mục. Vì sức khỏe yếu kém, các bề trên tưởng là sẽ tốt hơn, nếu để Piô về sống một thời gian tại quê nhà. Và Piô được chỉ định về giúp cha xứ tại giáo xứ quê nhà. Chính thời gian này cha Piô nhận được một ơn đặc biệt. - Để nên giống Đức Chúa Giêsu Tử Giá hơn, Piô bắt đầu cảm thấy những dấu đinh của Chúa ẩn trong 2 tay, 2 chân, và vết thương của lưỡi đòng trong cạnh sườn mình. Sau một thời gian, các vết thương này xuất hiện thường xuyên hơn, nhưng vẫn vô hình, vẫn ẩn sâu bên trong. Vào ngày 20 tháng 9 năm 1918, năm Dấu Thánh này đã tỏ lộ ra bên ngoài ,và đã kéo dài suốt 50 năm sau, cho tới lúc cha Piô qua đời.

Sau bảy năm sống ở Piê-trê-xi-na, cha Piô được gởi đến đan viện Ca-pu-xi-nô ở Pho-gi-a. Cha cảm thấy rất hạnh phúc ,vì sau cùng, cha cũng được ở với các anh em tu sĩ Phanxicô. Và cộng đoàn cũng vui mừng, vì có sự hiện diện của cha, bởi Piô luôn vui tính và hóm hỉnh. Cha Piô bắt đầu làm mục vụ, ban bí tích giải tội, và chẳng bao lâu, từng nhóm đông người, đã kéo đến xin cha những lời khuyên nhủ dạy bảo.

Vào tháng 7 năm 1916, các bề trên của cha Pio, đã gởi cha tới San Giô-van-ni, một ngôi làng hẻo lánh, để cha được có đôi chút yên tĩnh. Ở đây, sức khỏe của Piô lại được bình phục, và Piô cũng được Thiên Chúa ban cho những ơn lạ. Cha Piô đọc được tâm hồn của người khác, thậm chí cha có thể giúp họ xưng tội, bằng cách nhắc họ nhớ lại những chi tiết, mà cha nghe được từ nơi Thiên Chúa. Cha Piô cũng có ơn lưỡng tại (nghĩa là có thể hiện diện ở hai nơi khác nhau trong cùng một lúc), và năm Dấu Thánh của cha, dần dần tỏa ra một mùi thơm của hoa hồng và hoa tím.

Các bề trên của cha Piô đã hỏi cha những đặc ân này là có thực hay không, vì nếu như đó là trò chơi đánh lừa người khác, thì Piô sẽ phải bị cấm dâng lễ công khai, và cấm giải tội. Sự nghi ngờ này, quả là một thánh giá nặng đối với Piô, nhưng cha Piô đã chấp nhận no, như là một dịp, để được nên giống Đức Chúa Giêsu. Một thời gian sau, cha Piô lại được phép cử hành các bí tích, và một lần nữa, rất đông người lại chen chúc nhau trong nhà thờ để nhìn thấy cha Piô dâng thánh lễ, cũng như xếp hàng, để được xưng tội với ngài. Thông thường, mỗi ngày cha Piô giải tội cho khoảng trên 100 hối nhân.

Cha Piô đã dùng hầu hết cuộc đời linh mục của ngài, để ban bí tích Hòa giải, và khuyên bảo, cùng động viên vô số bổn đạo, đến từ khắp các nơi trên thế giới. Cha đã phục vụ như vậy cho tới khi về trời ngày 21 tháng 9 năm 1968. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn cha Piô Piê-trê-xi-na lên bậc hiển Thánh năm 2002. Và ngày nay, người ta gọi ngài là cha thánh Piô năm dấu.

------------------------------

 

23/09-4: Cha Thánh Piô thành Pietrelcina

 

Cha Thánh Piô thành Pietrelcina, nước Italia, cũng được gọi là Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh 23/09-4


Cha Thánh Piô thành Pietrelcina, nước Italia, cũng được gọi là Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh.

           Ngài rất cứng rắn...

Cứng rắn thứ nhất

Vào thời ngài còn sống (1887-1969), bức tường Berlin chưa sụp đổ, nghĩa là chủ nghĩa cộng sản vô thần còn ngự trị nhiều nơi từ liên bang Xô-Viết cho tới các nước Đông Âu như Ba-Lan, Tiệp-Khắc, Hung-gia-lợi, Rumani và Đông Đức v.v. Nơi nào chủ nghĩa cộng sản hiện diện thì danh sách những cuộc bách hại các tín hữu Kitô cũng thật dài.

Sau đây là những giai thoại của Cha thánh Pio liên quan tới các tín hữu vừa là Công Giáo vừa là đảng viên cộng sản vô thần.

Một hôm, một đảng viên cộng sản ở thành phố Cerignola - dưới thời ông Giuseppe Di Vittorio (1892-1957) làm thị trưởng - đến xưng tội với Cha Pio. Sau khi hối nhân xưng thú mọi lỗi lầm, Cha thánh Pio hỏi thêm:

- “Còn cái thẻ đảng viên cộng sản con đang mang trong túi, bộ nó không nói gì với con sao?”

Ông ta lúng túng ấp úng trả lời:

- “Ồ, thưa Cha, cái thẻ ấy chỉ dùng để có công ăn việc làm mà thôi!”

Cha thánh Pio nghiêm giọng nói:

- “Mấy người cộng sản họ cho con việc làm thật sao??? Ôi con dại dột biết là chừng nào!!! Con đã phản bội Chúa là THIÊN CHÚA của con và con tự đặt mình giữa hàng ngũ những kẻ thù của THIÊN CHÚA!”

Cũng liên quan tới cái thẻ đảng viên cộng sản vô thần, có một câu chuyện mà nhiều người biết đến dưới thời Cha thánh Piô thành Pietrelcina. Đó là ông Giovanni Bardazzi ở thành phố Prato, thủ phủ vùng Toscana, thuộc miền Trung nước Ý.

Lần đầu tiên khi đến xưng tội với Cha Piô, ông bị xua đuổi. Ông tức giận và nổi loạn chống lại Cha Piô.

Khi đến Roma và tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Pio XII (1939-1958), trông thấy Đức Thánh Cha,  ông gào to cho Đức Thánh Cha nghe là Cha Piô xua đuổi ông. Đức Thánh Cha truyền gọi ông đến sau đó và giải tội cho ông nơi phòng tiếp kiến.

Kể từ ngày ấy, ông Giovanni Bardazzi hoàn toàn ăn năn thống hối. Ông xé nát cái thẻ và rút tên khỏi đảng cộng sản vô thần. Ông trở thành tông đồ, ra đi tìm kiếm những tín hữu Công Giáo gia nhập đảng cộng sản và đưa về với Giáo Hội Công Giáo. Rồi ông nhớ ơn Cha Piô.

Đều đặn mỗi tháng 4 lần, từ Toscana xuống San Giovanni Rotondo, ông chất đầy khách hành hương trên xe của mình và đưa đến cho Cha Piô. Trong số các khách hành hương này, cũng không thiếu những tín hữu Công Giáo từng gia nhập đảng cộng sản và đã có thẻ đảng viên!

Đối với Cha thánh Pio thì chủ nghĩa cộng sản là một vấn đề Đức Tin: Có THIÊN CHÚA trong đời sống là điều chính yếu. Loại trừ THIÊN CHÚA khỏi đời sống là làm băng hoại con người và băng hoại xã hội. Cha thánh Pio không úp-mở lửng-lơ nhưng nói rõ ràng:

- “Những người cộng sản không tin nơi THIÊN CHÚA, như thế, họ không có THIÊN CHÚA. Mà không có THIÊN CHÚA thì không thể nào xây dựng một xã hội tốt đẹp và công bằng được! Cộng sản giống như một cái cây bên trên nở rộ cành lá xum xuê, nhưng bên dưới gốc rễ lại bị hư. Mà gốc rễ bị hư thì không sớm thì muộn cũng sẽ tự ngã thôi!”

Cứng rắn thứ hai
 
... Cha Thánh Piô còn quyết liệt bài trừ tệ nạn cầu cơ gọi hồn người chết.

Nói là gọi hồn người chết, nhưng thật ra là đụng chạm tới ma quỷ, đi vào mối quan hệ trực tiếp với Satan! Không! Tín hữu Công Giáo không được phép làm thế!

Một hôm, một người bạn của Cha thánh Piô là một luật sư sống tại thành phố Palermo trên đảo Sicilia đến xưng tội. Nơi tòa giải tội, người ta nghe rõ tiếng Cha Piô gào to với ông luật sư:

- “Hãy chấm dứt ngay cái trò cầu cơ! Cầu cơ là chính Satan hiện hình!”

Rồi với một thiếu nữ thành Treviso cứ rơi mãi vào cái tội cầu cơ, Cha Piô từ chối không ban ơn tha tội cho đến khi cô phải dốc lòng bỏ hẳn thói cầu cơ.

Sau cùng, một bác sĩ thành Taranto cũng có thói quen tham dự các buổi cầu cơ, đến xưng tội với Cha thánh Piô. Để giúp ông bác sĩ bỏ hẳn thói hư tật xấu cầu cơ, Cha thánh Piô đã làm cho ông kinh hoàng, toát mồ hôi lạnh, trước khi giơ tay ban ơn tha tội cho ông! Dĩ nhiên là ông bác sĩ dốc lòng chừa cho đến chết!

(”Il Settimanale di Padre Pio”, 7 giorni di formazione e di informazione cattolica, Anno IX, 22 Agosto 2010, n.33, trang 4-5)

Nữ tu Jean Berchmans Minh Nguyệt
 (Đài Vatican - 30/10/2010)

---------------------------------

 

23/09-5:THÁNH PIÔ PIETTRELCINA


https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-23-09-thanh-pio-pietrelcinalinh-muc-55682

1. Đôi hàng tiểu sử

 

Khi bàn về thánh Piô Piettrelcina triết gia Jean Guitton người bạn thân của Đức Thánh Giáo Hoàng 23/09-5


Khi bàn về thánh Piô Piettrelcina triết gia Jean Guitton người bạn thân của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã nói như thế này: “Cha Piô là một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất trên trái đất này; người ta sẽ còn bàn tán nhiều về vị linh mục nghèo khó, kín đáo, mang trong mình những vết thương khó hiểu”

Piô Pietrelcina chào đời vào ngày 25-5-1887 tại Piettrelcina một làng khá đông dân, trên 4.000 người, cách thành phố Benevento vài ba cây số. Ngay sáng hôm sau bé Piô đã được chịu Bí Tích Rửa tội tại nhà thờ họ và được đặt tên là Phanxicô để kính vị thánh lập ra Dòng Anh Em Hèn Mọn.

Cha mẹ ngài là ông Horace Forgione và bà Joseph de Nunzio. Hai ông bà thuộc thành phần nông dân nghèo và mù chữ nhưng lòng đạo đức thì sâu xa khó có ai sánh bằng. Tính tình của họ đơn sơ, ngay thẳng. Ông bà có tất cả 8 người con, ba người chết lúc còn nhỏ. Còn lại hai trai ba gái. Theo cha Mortimer Carty thì đến năm 1950 cha Piô chỉ còn người anh cả tên là Michel, tiếp tục sống bằng nghề nông và một người em gái vào dòng nữ lấy tên là Pia.

Vào mùa thu năm 1902 Piô xin và được chấp nhận vào dòng thánh Phanxicô chi nhánh Capuchin thuộc tỉnh dòng Foggia. Tháng 11 cùng năm ấy cậu được nhận vào nhà tập tại Morricone khi mới được 15 tuổi 5 tháng. Sau này có người hỏi tại sao cha chọn chi nhánh Capuchin. Cha trả lời hóm hỉnh: “Vì tôi thích những ông thầy dòng mang râu”

Thầy Piô chịu chức linh mục tại nhà thờ chính toà Benevento ngày 10-8-1910. Ngay sau đó cha dâng lễ đầu tay tại quê nhà tức là làng Piettrelcina. Tất cả làng đều tham dự thánh lễ này. Người ta đã tổ chức ăn mừng cha mới.

Sau những ngày hoan lạc tại gia đình, cha Piô trở về tu viện. Bệnh sốt cha thường mắc khi còn học tại học viện nay trở lại. Các bề trên phải cho cha về nhà nghỉ ngơi. Thời gian lưu tại Piettrelcina khá dài, tới 6 năm.

Thời gian này người ta đã thấy những có những hiện tượng khác thường nhất là những khi cha dâng lễ. Nhìn cha dâng lễ, người ta thấy tấm thảm kịch núi Sọ trở nên linh động và lôi cuốn. Nhiều lần ngài ngất trí lâu giờ. Thánh lễ thường dài đến 1 giờ 30 phút đến 2 giờ, có khi lâu hơn. Về sau cha sở cũng là cha giải tội cho ngài phải cho cha dâng lễ riêng. Những khi ngài ngất trì lâu giờ, phải lắc chuông cho ngài tỉnh lại. Sau lễ ngài cũng cám ơn rất lâu giờ.

Năm 1916, Cha Piô được gọi nhập ngũ nhưng các bác sĩ ghi nhận ngay, họ không cần gì đến người công dân đang trình diện với những dữ kiện lâm sàng ngoài tiêu chuẩn: nhiệt độ cao đến nỗi làm nổ tung cả nhiệt kế.

Sau nhiều cuộc xét nghiệm và nhiều thời kỳ nghỉ phép, vì bệnh, ngài được miễn hẳn.

Sau một thời gian ngắn ngài lưu lại tu viện Foggia, ngài được chuyển tới tu viện vừa bé nhỏ vừa tồi tàn ở San Giovanni Rotindo. Chính tại đây ngày 20-9-1918 ngài nhận những dấu thương tích của Chúa.

Việc ngài nhận được dấu thương tích thật lạ lùng. Ngay lập tức tin này được loan đi và đời sống cha Piô khởi đầu một giai đoạn mới. Thị trấn San Giovanni Rotondo mỗi ngày một phát triển mạnh hơn. Năm tháng trôi qua, thị trấn đã trở thành một thành phố nhỏ, xinh đẹp được bố trí chu đáo và có được một trong những bệnh viện tuyệt vời nhất nước Ý, vừa rộng lớn vừa được trang bị đầy đủ, đó là “Casa Sollievo della Soffrenza”(Nhà xoa dịu nỗi đau”). Cơ sở này được xây cất nên nhờ tấm lòng hảo tâm của nhiều người ở khắp nơi để phục vụ cho những người nghèo khó và bị bỏ rơi.

Cha Piô đã sống cuộc đời tông đồ của Ngài suốt 50 năm trời tại đây và phần lớn cuộc đời phục vụ trong chức linh mục của cha là nơi tòa giải tội. Từ sáng tới chiều ngài gặp người ta tại đó. Năm 1919 trong thơ ngài gửi cho ông Caceavô ngài nói:” Sức khỏe của tôi vẫn rất khá. Nhưng ngày đêm tôi rất bận vì phải giải tội cho hàng trăm người. Tôi không có lúc nào rảnh; nhưng phải tạ ơn Chúa vì Ngài đã giúp tôi rất nhiều trong chức vụ tông đồ của tôi”

Con người của cha Piô là con người cho Thiên Chúa và cho mọi người. Vì Chúa và vì mọi người ngài đã đón nhận tất cả những gì Chúa gửi đến. Thánh Phanxicô chỉ mang thương tích của Chúa Giêsu có hai năm rồi ngài về với Chúa còn cha Piô mang thương tích của Chúa Giêsu suốt 50 năm trời, một quãng thời gian dài bằng nửa thế kỷ. Điều đó chứng tỏ sự liên kết giữa Chúa Giêsu và ngài thắm thiết mặn nồng như thế nào.

Sau những ngày phục vụ Thiên Chúa và anh em đồng loại, Chúa đã cất ngài về anh nghỉ trong Chúa lúc 2g30 tháng 9 năm 1968.

2. Những nét đặc trưng về cuộc đời cha Piô

+ Cha Piô là một người dám sống đến tận cùng ơn gọi linh mục của mình. Những công việc của ngài là không có gì to lớn, cao cả và vĩ đại. Ngài chỉ làm những việc phải làm của một linh mục như dâng lễ, cầu nguyện, giải tội, an ủi, tiếp xúc, khuyên bảo v.v nhưng làm với tất cả tấm lòng và tình yêu mến khiến mọi người có dịp tiếp xúc với Cha, họ cảm thấy như được gặp chính Chúa Giêsu.

+ Đàng khác nhờ sự kết hợp mật thiết và sâu xa với Chúa Giêsu mà thái độ, phong cách cũng như tâm tình của cha đã mang dáng dấp của Chúa Giêsu thật rõ nét. Những người có dịp gần gũi cha đều cảm nhận được điều đó. Ta hãy nghe đôi dòng tâm sự của cha, ta sẽ thấy điều đó.

- Con chẳng bao giờ nên mãn nguyện về vài điều tốt lành con nhận thấy nơi con, bởi vì mọi sự đều do Thiên Chúa và con cần biểu dương tôn vinh Người (Thư IV,257).

- Nếu như con vấp phạm,thì hãy khiêm tốn, hãy làm những lời dốc quyết rõ ràng, rồi chỗi dậy và tiếp tục đi (Thư III,704).

- Con nên lấy đức bác ái kitô mà tha thứ tất cả, nhìn ngắm tấm gương Chúa Cứu Thế, Đấng cầu xin Cha Người tha thứ cho cả những kẻ đóng đinh Người (Thư IV 257).

- Con hãy hiểu rõ ý nghĩa của luỹ cấm và chớ có khinh thường. Đó là trường học hoán cải đích thực, nhờ đó mọi tâm hồn học biết rèn luyện mình, chịu trau dồi và đánh bóng hầu một khi đã được bằng phẳng và bóng láng, tâm hồn có thế tích cực kết hợp với thánh ý của Thiên Chúa (Thư IV,370).

- Để đạt tới sự thiện hoàn hảo, con cần phải chịu đựng những khuyết điểm nơi con; cha muốn nói là hãy nhẫn nại chịu đựng, chứ đừng yêu thích hoặc ve vuốt chúng. Chính trong sự đau khổ đó mà lòng khiêm tốn được dưỡng nuôi (Thư IV 406).

------------------------------

 

23/09-6:Thánh Padre Pio Pietrelcina


https://gpcantho.com/23-09-thanh-pio-nam-dau-padre-pio-pietrelcina/

(1887-1968)

 

Thánh Padré Pio tên thật là Francesco Forgione sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887 tại Pietrelcina, Benevento, miền 23/09-6


Thánh Padré Pio tên thật là Francesco Forgione sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887 tại Pietrelcina, Benevento, miền Nam nước Ý Đại Lợi trong một gia đình nông dân. Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.

Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910 và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.

Vào ngày 20/9/1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.

Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924 ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.

Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.

Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, “Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ” được hình thành với 350 giường bệnh.

Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.


Một trong những sự đau khổ của Cha Piô là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Cha Piô qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968.

Hai mươi chín năm sau, các nhân đức và sự thánh thiện của Đấng Đáng Kính Piô được Đức Giáo Hoàng John Paul II công nhận ngày 18 tháng 12 năm 1997 và hai năm sau Đức Thánh Cha đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02 tháng 5 năm 1999.

Đức Giáo Hoàng John Paul II đã công nhận một phép lạ chữa lành chứng sưng màng óc của bé Matteo Pio Colella, 7 tuổi con trai của một bác sĩ làm việc cho nhà “Chữa trị cho Người đau khổ” tại bệnh viện ở San Giovanni Rotondo do sự cầu bầu của Chân Phước Pio ngày 20 tháng 12 năm 2001. Đức Thánh Cha John Paul II đã nâng Chân Phước Piô ở Pietrelcina lên hàng hiển thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002 tại quảng trường Thánh Phêrô, Rome.

Lời Bàn

Hơn bất cứ ai khác, có lẽ người Hoa Kỳ ngày nay rất thích những cuốn sách chỉ dẫn, cũng những chương trình truyền thanh, các bài báo có tính cách chỉ bảo. Chúng ta say mê với tiến bộ kỹ thuật và không ngừng tìm kiếm các lối tắt để tiết kiệm thời giờ và sức lực. Nhưng như Thánh Phanxicô và Cha Piô biết rất rõ, không có con đường nào ngắn hơn khi sống theo Phúc Âm, không có cách nào tránh được những “giáo huấn khó khăn” của Chúa Giêsu (x. Gioan 6:60). Rao giảng về Kitô Giáo mà không có sự hy sinh cá nhân, không có thập giá, thì cũng không khác gì người mãi võ sơn đông quảng cáo bán thuốc trị bá bệnh. Cha Piô coi sự đau khổ của ngài như đáp ứng với lời kêu gọi sống phúc âm.

Lời Trích

“Cuộc đời Kitô Hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình; không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều nếu không phải trả giá sự đau khổ” (Lời của Cha Piô).

------------------------------

 

23/09-7:Thánh Padre Pio: Đời sống, những phép lạ và di sản của ngài


https://daminhtamhiep.net/2021/04/thanh-padre-pio-doi-song-nhung-phep-la-va-di-san-cua-ngai/

Philip Kosloski

 

Vị tu sĩ khiêm nhường người Ý vẫn là một trong những vị thánh được yêu mến nhất trong Giáo hội 23/09-7


Vị tu sĩ khiêm nhường người Ý vẫn là một trong những vị thánh được yêu mến nhất trong Giáo hội Công giáo.

Người Kitô giáo trên khắp thế giới đều bị cuốn hút bởi Thánh Padre Pio, một vị tu sĩ người Ý vô cùng khiêm nhường sống trong thế kỷ 20. Mặc dù ngài dành phần lớn cuộc đời sống trong tu viện Phan Sinh, nhưng sức ảnh hưởng của ngài vẫn có thể cảm nhận thấy ngày nay.

Sau đây là một danh mục tóm tắt các mục được đọc nhiều nhất trên Aleteia về Thánh Padre Pio giải thích về đời sống, những phép lạ và di sản của ngài. Bạn có thể nhấp vào từng tiêu đề để biết thêm thông tin.

Ngôi nhà đầu tiên của Padre Pio: một cuộc hành hương đến Pietrelcina

Ngày 25 tháng Năm, 1887 bà Maria Giuseppa de Nunzio sinh một bé trai trong phòng ngủ tại nhà của mình ở Vico Storto Valle, 27. Lúc đó là 5 giờ chiều. Cha mẹ của cậu bé, bà Maria và ông Grazio, dâng đứa con trai vừa chào đời cho sự bảo trợ của Thánh Phanxicô và đặt tên cho bé theo tên vị thánh quê ở Assisi, Francesco.

Căn nhà nơi Thánh Padre Pio chào đời được mở cửa cho công chúng. Khách thăm viếng thường sửng sốt trước sự đơn sơ của nó. Nó không phải là căn nhà một phòng; nhưng bao gồm một số phòng hướng ra cùng con đường Vico Storto Valle.

Du khách có thể quan sát nhà bếp, với lò sưởi nguyên thủy và những trang thiết bị. Có các đồ gia dụng của thời đó, bao gồm những chum chứa bằng đất nung, ấm nước và một đèn dầu. Đằng sau phòng bếp là phòng ngủ nơi các con ngủ, nhưng rồi được chuyển thành phòng ăn. Có phòng ngủ của cha mẹ, nơi Thánh Padre Pio cất tiếng khóc chào đời. Trên sàn phòng ngủ có một cửa sập dẫn đến chuồng gia súc là nơi ở của con lừa của ông Orazio.

Đây là lý do tại sao thân phụ của Padre Pio đi New York

Padre Pio sinh trong một gia đình nông dân nghèo trong thị trấn nông thôn Pietrelcina của Ý. Họ có rất ít tiền và cha mẹ của cậu không biết đọc viết. Tuy nhiên, cha mẹ của Pio hy vọng rất lớn rằng con trai của họ một ngày nào đó có thể theo đuổi tiếng gọi trở thành linh mục.

Khi còn bé Pio đã kể cho cha mẹ của cậu ước muốn trở thành một tu sĩ và cha mẹ cậu hỏi ý kiến một cộng đoàn tu sĩ Capuchin địa phương xem họ có chấp nhận cậu không. Lúc đó Pio mới chỉ có ba năm học ở trường công nên các tu sĩ cho biết cậu cần học thêm nữa để được nhận vào.

Tin rằng con trai của mình sẽ có đích đến là trở thành một linh mục, ông Grazio thân phụ của Padre Pio, dành ưu tiên của ông cho việc kiếm đủ số tiền Pio cần cho việc học hành đến nơi đến chốn. Thay vì tìm công việc tại địa phương, ông Grazio đi đến “Vùng đất của cơ hội,” là nước Mỹ.

Padre Pio từng bị xem là “khờ khạo” khi còn bé

Khi nghĩ đến Thánh Padre Pio nổi tiếng, từ “khờ khạo” thường không được sử dụng đến. Tuy nhiên, đó chính là cách ngài được một người đã từng biết ngài khi còn bé mô tả lại.

Trong quyển tiểu sử Thánh Padre Pio: câu chuyện thật do Our Sunday Visitor xuất bản, tuổi thơ của thánh nhân được miêu tả bằng những cụm từ đầy màu sắc. Nó cho thấy rõ rằng ngài bắt đầu cuộc đời là “một đứa trẻ như bao đứa trẻ khác.”

Điều này được những người biết ngài tiết lộ, đặc biệt là các gia đình có tiếp xúc với ngài hằng ngày. Chẳng hạn, khi còn bé cậu Padre Pio chơi đùa với những trẻ em từ các trang trại lân cận. Những bạn cùng chơi tuổi thơ của ngài đều trìu mến nhớ về ngài, nhưng cũng nghĩ đến ngài như một cậu bé bình thường.

Luigi Orlando thuật lại: “Khi ngài còn ở với chúng tôi, ngài chẳng bao giờ cầu nguyện. Chẳng có gì đặc biệt về ngài. Đối với chúng tôi ngài là một cậu bé cũng như bao cậu bé khác, [nhưng] chững chạc và kín đáo.” Ubaldo Vecchariano thì mô tả ngài có phần hơi “khờ khạo” — “ngoan ngoãn và kín đáo,” một “một phần mỳ macaroni không nêm muối.”

Những bức ảnh hiếm của Thánh Padre Pio

Thánh Pio thành Pietrelcina (thường được gọi bằng tên “Padre” Pio) là một linh mục khiêm nhường người Ý mà Chúa chọn để thực hiện những dấu lạ phi thường trong đời sống của không biết bao nhiêu người đến với ngài để xin giúp đỡ thiêng liêng. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa ngài có thể đọc được linh hồn của con người, ở hai nơi cùng một lúc, và bay lên cao khỏi mặt đất, và ngài nhận được các dấu thương thánh của Chúa Kitô (Năm Dấu Thánh) trên thân thể ngài. Thánh Padre Pio không xin bất cứ điều gì trong đó, nhưng chỉ là một chiếc bình đơn sơ mà Thiên Chúa dùng cho những ý định của Người.

Ở đây là một số tấm ảnh hiếm thấy của nhà thần bí khiêm nhường, và chúng cho thấy một trong những vị thánh phi thường nhất của thế kỷ 20.

Thánh Padre Pio qua đời theo lời kể của người y tá ở bên ngài

Lúc đó gần 2 giờ sáng. Trong phòng của Thánh Padre Pio có bác sĩ Sala là bác sĩ chính của ngài, Cha Bề trên tu viện, và một số tu huynh. Thánh Padre Pio ngồi trên một ghế bành; hơi thở của ngài rất nặng nhọc và diện mạo nhợt nhạt.

Khi bác sĩ Scarale lấy ống ra khỏi mũi của vị tu sĩ và chụp mặt nạ ôxi trên mặt ngài, Pio Miscio lặng lẽ theo dõi cảnh tượng đầy cảm xúc đó.

“Tôi ở gần lò sưởi; Tôi đã chú ý tuyệt đối đến những thời khắc đó, nhưng tôi không có bất kỳ hành động nào.” Trước khi mất ý thức, Thánh Padre Pio lặp lại, “Giêsu, Maria, Giêsu, Maria,” mà không nghe bác sĩ nói gì. Thần sắc của ngài rơi vào khoảng không gian vô tận. Khi ngài lịm đi, “Bác sĩ Scarale đã cố gắng hồi sức cho ngài nhiều lần, nhưng không có tác dụng.”

Những phép lạ của Thánh Padre Pio

Thánh Padre Pio mang năm dấu thương, nhưng một vết thương bí mật đau đớn hơn những vết thương khác

Thánh Padre Pio là một trong số ít các vị thánh đã được mang trên thân thể những vết thương trong cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, năm dấu thánh. Ngoài những vết thương do những cây đinh và mũi giáo, Thánh Pio còn được ban cho vết rách mà Chúa của chúng ta đã chịu đựng trên vai của Ngài, một vết thương do vác thánh giá, điều chúng ta biết được là do Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh Bernard.

Vết thương mà Thánh Padre Pio mang trên vai đã được một trong những người bạn và là con thiêng liêng của ngài, tu huynh Modestino của Pietralcina, phát hiện ra.

Người tu sĩ này đến từ quê hương của Thánh Pio và giúp đỡ ngài những công việc trong nhà. Một ngày nọ, vị thánh tương lai nói với người tu sĩ rằng việc thay áo lót là một trong những việc gây đau đớn nhất mà ngài phải chịu đựng.

Thánh Padre Pio đã ngăn chặn các lực lượng Đồng minh không ném bom vào tu viện của ngài như thế nào trong Đệ nhị thế chiến

Vào giữa Đệ Nhị thế chiến, Ý bị Đức Quốc xã xâm lược và các lực lượng Đồng minh đã thực hiện nhiều nỗ lực để giải phóng đất nước. Theo nhiều báo cáo khác nhau, thông tin tình báo cho biết có một kho đạn của Đức ở gần San Giovanni Rotondo, thị trấn nơi có tu viện của Thánh Padre Pio.

Tuy nhiên, lúc khởi đầu cuộc chiến, Thánh Padre Pio đã trấn an người dân rằng sẽ không có quả bom nào chạm vào thành phố nhỏ của họ. Đúng như lời nói của ngài, Thánh Padre Pio được cho là đã cố gắng biến điều này thành hiện thực.

Theo tác giả Frank Rega trong quyển sách Padre Pio and America (tạm dịch: Thánh Padre Pio và nước Mỹ), “không một chiếc máy bay nào của Đồng minh được cử đến để ném bom khu vực San Giovanni Rotondo có thể hoàn thành nhiệm vụ của nó một cách thành công. Thường có những trục trặc khó hiểu, khiến bom rơi một cách vô hại xuống những cánh đồng, hoặc những hỏng hóc kỹ thuật khiến máy bay quay đầu lại.”

Đáng chú ý nhất là những câu chuyện về một “tu sĩ bay”.

Người ca sĩ được Thánh Padre Pio chữa lành nói rằng thánh nhân đã hướng dẫn anh thu âm bài hát này

Nam diễn viên kiêm ca sĩ Robert Davi đã hợp tác với Quỹ Thánh Pio để sản xuất một bài hát nhằm gây quỹ bác ái. Bài hát và video âm nhạc đi kèm được ghi lại như một thông điệp về hòa bình và hy vọng trong thời gian khi đại dịch thế giới đã làm gián đoạn cuộc sống của rất nhiều người, với tất cả số tiền thu được từ bài hát được chuyển cho Quỹ Pio.

Giai điệu bài “Meraviglioso”, có nghĩa là “Tuyệt vời”, được thu âm lần đầu tiên bởi ca sĩ / nhạc sĩ Domenico Modugno vào năm 1968. Quỹ Pio giải thích trong một thông cáo báo chí:

[“Meraviglioso”] kể câu chuyện về một người đàn ông hoàn toàn tuyệt vọng, sắp kết liễu cuộc đời bằng cách quăng mình xuống một cây cầu. Anh ta được ngăn lại bởi thiên thần dưới hình dàng một con người, thuyết phục người đàn ông không tự tử, thay vào đó hãy ngước nhìn xung quanh, để thấy tất cả vẻ đẹp mà thế giới trao tặng. Sự đau khổ và thất vọng cũng là một phần trong đó. Do đó, bài hát là một bản thánh ca hoàn hảo về cuộc sống và đức tin.

Con trai của gia đình được chữa lành khỏi bệnh ung thư nhờ sự can thiệp hỗ trợ của Thánh Padre Pio

Cậu bé Lazarus đã trải qua 9 tháng phẫu thuật và điều trị. Mẹ cậu bé nói, “Sau đợt hóa trị cuối cùng, tôi đã hứa với Thánh Padre Pio, khi cầu xin sự bảo vệ của ngài cho cháu Lazarus, nói rằng tôi sẽ dâng tặng một tấm ảnh thật đẹp của ngài” cho nhà tập The Way. Bà đã thực hiện lời hứa vào tháng Giêng năm 2017, và bức ảnh được đặt vào đúng ngày lễ của thánh nhân là 23 tháng Chín, cùng năm đó.

Và Lazarus được khỏi ung thư. Cậu bé sống với cha mẹ và hai anh trai, João (Gioan) và Augusto, ở Paraná thuộc miền nam Brazil. Ba cậu bé là lễ sinh, và thích cưỡi ngựa.

Di sản của Thánh Pio

Những lời khuyên đầy sức mạnh của Thánh Padre Pio khi một trận đại dịch tấn công nước Ý

Trong cuốn tiểu sử Padre Pio: Thánh Padre Pio: Câu truyện thật, do Our Sunday Visitor xuất bản, có ghi lại phản ứng của thánh nhân thần bí đối với đại dịch toàn cầu này, với những lời khuyên đầy sức mạnh mà ngài dành cho một trong những người con gái thiêng liêng của mình.

Đến tháng Chín, mọi người ở San Giovanni Rotondo dường như bị ốm, các trường học đóng cửa, và những hoạt động thương mại ít ỏi trong thị trấn bị đình trệ. Trong vài tháng tới, hai trăm người trong số mười nghìn người dân sẽ chết. Các nữ tử thiêng liêng của Thánh Pio kinh hoảng chạy đến với ngài, cầu xin ngài cứu họ. “Đừng bao giờ sợ hãi,” ngài trấn an Nina Campanile. “Hãy nép mình dưới sự phù hộ của Đức Trinh Nữ, đừng phạm tội, và bệnh tật sẽ không thắng được con.” Mặc dù một số “nữ tử” bị ốm, nhưng không ai chết.

Khi chúng ta phiền muộn và thấy thất vọng, lời cầu nguyện này của Thánh Padre Pio là một cách để vượt qua

Vững tin rằng Chúa đã nắm lấy tay tôi để tôi không bị nhận chìm, tôi thường đọc lời cầu nguyện này, có lúc đọc liền ba lần!

Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì cần có Chúa hiện diện để con không quên Chúa. Chúa biết con dễ dàng từ bỏ Người như thế nào. Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì con rất yếu đuối, và con cần sức mạnh của Người, để con không thường xuyên gục ngã. Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì Chúa là lẽ sống của con, vì không có Chúa, con chẳng có lòng nhiệt thành. Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì Chúa là ánh sáng của con, và nếu không có Người, con sẽ chìm trong bóng tối. Lạy Chúa, xin ở lại với con để cho con thấy ý muốn của Người. Lạy Chúa, xin ở lại với con để con nghe thấy tiếng Chúa và bước theo Người. Lạy Chúa, xin ở lại với con vì con khao khát yêu mến Chúa rất nhiều và luôn được ở bên Người. Lạy Chúa, xin ở lại với con, nếu Chúa muốn con trung thành với Người. Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì dù tâm hồn con nghèo nàn, nhưng con muốn nó là nơi an ủi của Chúa, là tổ ấm của tình yêu. Amen. ~ Thánh Pio thành Pietrelcina, Lời Cầu nguyện sau khi Rước lễ.

Thánh Padre Pio nói rằng Chúa “buộc phải” đáp lại lời cầu nguyện này

Theo truyền thống lâu đời của Giáo hội, nhiều tên gọi khác nhau đã được đặt cho những lời cầu nguyện ngắn này — những lời chào của chúng ta — mà chúng ta thưa với Chúa cả ngày. Chúng được gọi là những lời nguyện vắn tắt, hoặc là những lời nguyện ngắn (aspirations, ejaculatory prayers — tiếng Latinh có nghĩa là bột phát), hay cũng gọi là những lời cầu nguyện như “tên bắn”.

Danh hiệu cuối cùng này đã được Thánh Padre Pio sử dụng khi ngài miêu tả những lời cầu nguyện ngắn, tự phát này. Ngài nói rằng chúng giống như “những mũi tên bắn vào thánh tâm của Chúa.”

Ngoài ra, vị thánh người Ý rất được yêu mến nói rằng những lời cầu nguyện như tên bắn đó có một sức mạnh đặc biệt để kín múc ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ xuống cho chúng ta.

Lời cầu xin được Thánh Padre Pio yêu thích

Mỗi ngày, Thánh Padre Pio được rất nhiều người xin dâng lời cầu nguyện, hoặc trực tiếp gặp gỡ hoặc qua thư từ, cho một ý cụ thể và nhiều lần ý cầu nguyện đó đã được Chúa đáp lại một cách kỳ diệu.

Đây là lời cầu nguyện mà Thánh Padre Pio sẽ dâng lên mỗi khi ngài muốn chuyển cầu cho một ai đó. Thật ra đó là lời cầu nguyện do Thánh Margaret Mary Alacoque soạn và thường được gọi là “Tuần Cửu nhật cầu nguyện hữu hiệu với Thánh Tâm Chúa Giêsu.” Thánh nữ là một vị thánh và là một nhà thần bí sống ở thế kỷ 17, và được có nhiều thị kiến về Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời của ngài.

Thánh Padre Pio xây một nhà thương vì một lý do thiêng liêng

Trong khi Thánh Padre Pio được biết đến nhiều với cuộc sống thần bí của ngài, thì một trong những dự án mà ngài được đầu tư nhiều nhất là xây dựng một nhà thương. Ngài đã xây dựng bệnh viện Casa Sollievo della Sofferenza (Ngôi nhà xoa dịu đau khổ) vào năm 1956 vì nhiều lý do.

Một trong những lý do chính là để giải quyết mối liên kết giữa thể xác và tinh thần.

Thánh Padre Pio rất trân quý sự đau khổ và xem đó như một công cụ để đến gần Chúa. Tuy nhiên, ngài cũng nhận ra rằng nhiều người cần được xoa dịu sự đau khổ về thể xác để giúp họ nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2021]

------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây