Ngày 29/06 Lễ th.Phêrô & Phaolô Bài 101-116 Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời

Thứ ba - 02/07/2019 05:05
Ngày 29/06 Lễ th.Phêrô & Phaolô Bài 101-116 Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời
Ngày 29/06 Lễ th.Phêrô & Phaolô Bài 101-116 Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời
Ngày 29/06 Lễ th.Phêrô & Phaolô Bài 101-116 Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời
-------------------------------------
Phúc Âm: Mt 16, 13-19: “Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. - Ðó là lời Chúa.
---------------------
29/6-101: GÀ GÁY VÀ NGÃ NGỰA.. 1
29/6-102: LIÊN ĐỚI ĐỨC TIN.. 5
29/6-103: TẠI SAO HAI THÁNH TÔNG ĐỒ CẢ.. 9
29/6-104: HÃY ĐỒNG HÀNH VỚI HỘI THÁNH.. 11
29/6-105: Nghịch lý giữa Ân sủng và Tội lỗi 13
29/6-106: BÀI SUY NIỆM LỄ VỌNG HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ   16
29/6-107: SỐNG ĐỨC TIN ĐỨC MẾN NOI GƯƠNG HAI TÔNG ĐỒ PHÊRÔ PHAOLÔ.. 19
29/6-108: Giáo Hội trên nền tảng là thánh Phêrô. 28
29/6-109: Hai đá tảng và trụ cột của Giáo hội 29
29/6-110:  2 phản ảnh đẹp về Chúa Giêsu. 32
29/6-111: Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. 34
29/6-112: Thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông đồ. 38
29/6-113: Hồng Ân Đức Tin. 40
29/6-114: Thí mạng vì Thầy. 42
29/6-115: Sống đức tin theo gương 2 thánh Phêrô và Phaolô. 45
29/6-116: Nền tảng và cột trụ xây tòa nhà nhà giáo hội 47

---------------------

 

29/6-101: GÀ GÁY VÀ NGÃ NGỰA


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Gà gáy và ngã ngựa là hai sự kiện nổi bật trong cuộc đời hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. 29/6-101


Gà gáy và ngã ngựa là hai sự kiện nổi bật trong cuộc đời hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.

Tiếng gà gáy để phản tỉnh. Cú ngã ngựa để hết tự mãn. Phêrô và Phaolô, trước khi là thánh, hai vị cũng là người tội lỗi, yếu đuối, chập choạng trên con đường đức tin. Các ngài có một quá khứ lầm lỗi. Phêrô có lần bị Chúa quở là satan; ông đã ba lần chối Thầy. Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt và giết chết những ai mang danh kitô hữu; ông đã can dự vào việc ném đá Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Cả hai đều hăng say năng nổ, muốn dùng sức lực của mình và phương tiện thế gian để bảo vệ Chúa mình tôn thờ, và muốn tiêu diệt những kẻ không theo đạo giống mình. Chúa Giêsu đã cứu cả hai, mỗi người được cứu một cách. Tiếng gà gáy và cú ngã ngựa là hai dấu ấn không phai trên hành trình nên thánh.

Tiếng gà gáy phản tỉnh

Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vấn hay sao? Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya, nhắc nhở lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: “trước khi gà gáy, con đã chối Ta ba lần“. Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, cõi lòng xốn xang, mình chỉ là cát bụi, phận yếu hèn và quá dễ sa ngã! Phêrô thổn thức. Mới hôm nào ông còn tuyên bố: “dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ“. Thế mà, giờ đây ông lại nhát gan khi đối diện nguy nan nên đã chối Thầy đến ba lần. Và đêm hôm ấy, tiếng gà gáy đã thức tỉnh tâm hồn Phêrô. Xuất thân là ngư phủ với bản tính chất phác, chân thật, có sao nói vậy, nên khi lầm lỗi ngài chân thành sám hối và òa khóc như một đứa trẻ. Đó là hành trình của phàm nhân, những con người luôn mỏng dòn và yếu đuối, nhưng luôn được Thiên Chúa hải hà thương xót, thứ tha và thánh hóa. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài. Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa. Thánh Phêrô có lòng quảng đại. Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa. Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: “Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường. Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là satan thì ngài cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

Cú ngã ngựa để hết tự mãn

Saolô ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái-Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Là biệt phái nhiệt thành nên Saolô đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Stêphanô và trên đường Đamat truy lùng các Kitô hữu. Oai phong trên yên ngựa đang phi nước đại, thình lình, một luồng ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông, Saolô té nhào từ yên ngựa. Nằm sóng soài dưới chân ngựa, Saolô nghe được tiếng gọi trong luồng ánh sáng phát ra từ trời: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?”  Saolô hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Tiếng từ trời đáp: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Không thể tin vào chính mình nữa, không ngờ ông Giêsu Nadarét, người đã bị đóng đinh vào thập giá như một tên tội phạm, lại chính là Thiên Chúa quyền năng đã quật ngã mình và đã tự đồng hóa với những Kitô hữu mà mình đang lùng bắt. Dưới ánh sáng của Đấng Phục Sinh, đôi mắt của Saolô bị mù loà, nhờ đó ngài biết rằng trước đây mình thật là mù quáng. Nhưng sau đó, qua trung gian của Khanania, đại diện của Giáo Hội, ngài đã được sáng mắt về phần xác và cả phần hồn để nhìn thấy con đường mình được mời gọi bước vào.

Hoàn toàn phó thác, ngài đã thưa với tất cả tâm tình phục thiện: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”. Con đường đức tin của Saolô đã hoàn toàn thay đổi kể từ lần gặp gỡ hi hữu ngoài sức tưởng tượng ấy. Sự sống của Chúa Phục Sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Được ơn trở lại từ cú ngã ngựa nhớ đời, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Khi đã biết Chúa Kitô thì “những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu” (Pl 3,7-9). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Ngài trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân. Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2Cor 12,9).Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp;hoang mang nhưng không tuyêt vọng;bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2Cor 4,8-9).Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”(1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”(Gal 2,20).Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ,đói khát,trần truồng,nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ (Rm 8,35-39).

Là người tội lỗi được Chúa nhìn đến.

Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đưa hai ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha.Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Chúa đã dùng hai sự kiện gà gáy và ngã ngựa để thanh tẩy các ngài.Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cùng chịu tử đạo. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6. Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông đồ trở nên nền tảng hiệp nhất. Hai ngài trở thành chói sáng như hai vì sao trong vòm trời Giáo Hội, đáng được các tín hữu chiêm ngắm noi theo. Hai ngài đã biết khiêm tốn, nhận mình là thấp hèn tội lỗi rồi mở tâm hồn ra đón nhận tình thương của Thiên Chúa. Khi trả lời câu phỏng vấn: “Jorge Bergoglio là ai?”, Đức Thánh cha Phanxicô đáp: “Tôi là người tội lỗi được Chúa nhìn đến”. Và ngài tuyên bố: “Chính tôi là người tội lỗi đây, có gì lạ đâu! Cái lạ là ở chỗ được Chúa nhìn đến, được Chúa xót thương. Và từ đó người ta tìm xem Chúa xót thương ở chỗ nào”.

Xin hai Thánh Tông Đồ giúp chúng con luôn biết tín thác vào tình thương của Chúa. luôn biết tiến bước theo các ngài trên con đường theo Chúa. Amen.

----------------------------

 

29/6-102: LIÊN ĐỚI ĐỨC TIN

 

Liên đới là sự ràng buộc lẫn nhau về vấn đề gì đó, đặc biệt là về trách nhiệm. Cái gì cũng có sự liên đới, 29/6-102


Liên đới là sự ràng buộc lẫn nhau về vấn đề gì đó, đặc biệt là về trách nhiệm. Cái gì cũng có sự liên đới, không chỉ điều tốt lành mà cả sự xấu xa cũng có tính liên đới – chẳng hạn “liên đới tội lỗi”. Trong Tông Thư “Sollicitudo rei Socialis” (nói về Mối Quan Tâm Xã Hội), ngày 30.12.1987, Thánh Gioan-Phaolô II xác định: “Tất cả chúng ta đều thực sự chịu trách nhiệm đối với tất cả mọi người” (số 38).

Có tội thì bị phạt, có công thì được thưởng, cũng như có khởi đầu thì có kết thúc, có sinh thì có tử, có nguyên nhân thì có kết quả hoặc hậu quả – gọi là quy luật nhân quả. Và còn nhiều dạng liên đới mang hệ lụy khác nhau trong cuộc sống – đời thường và tâm linh.

I. DƯỠNG ĐỨC TIN

Là Đấng giàu lòng thương xót (Ep 2, 4), Thiên Chúa luôn luôn chạnh lòng trắc ẩn đối với người khác, vì Ngài là tình yêu và là Chúa của sự sống, Ngài chỉ có những ước muốn thánh thiện, và trao ban những gì tốt lành cho mọi người: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1, 13). Tại sao? Câu trả lời có ngay: “Vì Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1, 14).

Thật vậy, “đức công chính trường sinh bất tử” (Kn 1, 15). Thiên Chúa tạo dựng mọi thứ tốt lành, “chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại”, thế thì độc hại ở đâu ra nếu không bởi ác quỷ và ác nhân? Cụ thể cứ nhìn vào môi trường Việt Nam ngày nay thì biết rõ.

Thiên Chúa tốt lành nên Ngài cũng muốn chia sẻ những điều thiện hảo cho chúng ta: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Ngài dựng nên làm hình ảnh của bản tính Ngài” (Kn 2, 23). Tạo Vật và thụ tạo PHẢI có sự liên đới với nhau. Người ta tạo ra cái kia hay vật nọ, nhưng không ai làm ra cái gì giống mình. Vậy mà Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, và còn phú cho bản chất thiện hảo: Nhân chi sơ tính bổn thiện. Sinh ra ai cũng tốt lành, “nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2, 24a), và chắc chắn rằng “những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2, 24b).

Chúng ta đã lây nhiễm điều xấu, càng sống lâu càng tội nhiều, thế nên chúng ta luôn được “cảnh báo” bằng sự chết, vậy mà vẫn không ai sợ. Phàm nhân quá bướng bỉnh và ngang tàng. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, quả thật là thế!

Mặc dù chúng ta ngang ngược hết nước hết cái, Thiên Chúa vẫn yêu thương và muốn chúng ta cải tà quy chánh, sớm trở nên những người thực sự tốt lành: “Hãy hoàn thiện như Cha trên Trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Thế nhưng chúng ta vẫn cố chấp, ngang nhiên nghe lời xúi giục của ba thù (xác thịt, thế gian, ma quỷ) mà đi vào “con đường đen” với vẻ hào nhoáng của tội lỗi. Mỗi chúng ta đều là “đại thù đệ nhất” của chính mình. Đáng sợ nhất mà cũng khó trị nhất!

Vậy mà Thiên Chúa vẫn xót thương, không nỡ làm ngơ, nên Ngài lại sai Con Một Giêsu nhập thể và chịu chết để cứu độ chúng ta. Ôi, còn hạnh phúc nào hơn nữa? Vì thế, chúng ta phải “mở mắt Đức Tin” mà nhận diện chính mình và thành tâm thân thưa: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30, 2).

Đừng bao giờ thất vọng, vì Thiên Chúa đã hứa: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54, 10).

Tác giả Thánh Vịnh đã cảm nghiệm tâm linh: “Ngài đã kéo chúng ta lên từ âm phủ, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv 30, 4). Và rồi không thể nín thinh, tác giả Thánh Vịnh phải lên tiếng: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Ngài” (Tv 30, 5).

Không cảm tạ Ngài sao được, vì Ngài quá tốt lành, vượt ngoài tầm hiểu của phàm nhân chúng ta: “Ngài nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30, 6). Đừng lý luận quanh co kẻo xa rời Thiên Chúa, và chớ ngu đần mà thử thách Ngài (x. Kn 1, 3a).

Không vì lòng thương xót của Thiên Chúa thì chúng ta đừng hòng nhận được chi cả. Vả lại, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tôn sùng Thánh Tâm Ngài van xin Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài đã “bật đèn xanh”, thế nên chúng ta đừng cố chấp và cũng đừng ngần ngại cầu xin: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ” (Tv 30, 11). Khúc ai ca được Chúa đổi thành vũ điệu hoan ca, và cởi áo sô mà mặc cho chúng ta lễ phục huy hoàng. Vì thế, chúng ta không thể nín lặng mà không ca ngợi Ngài: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (Tv 30, 13), đồng thời loan truyền hồng ân thương xót ấy cho mọi người cùng nhận biết.

Với kinh nghiệm bản thân từng trải, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên: “Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về Đức Tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, anh em cũng PHẢI TRỔI VƯỢT VỀ LÒNG QUẢNG ĐẠI” (2Cr 8, 7).

Tốt về lĩnh vực này thì cũng cần tốt về lĩnh vực kia. Có “máu xấu” này cũng dễ “nhiễm” thói hư khác. Mắc bệnh này rồi sẽ dễ mắc bệnh khác. Đó là dạng liên-đới-xấu. Như một hệ lụy tất yếu, người tốt lại càng thêm tốt, người xấu lại càng thêm xấu. Cuộc sống đã và đang cho thấy ai mê đắm cái gì thì sẽ “chết” vì chính cái đó. Sinh nghề, tử nghiệp. Người ta cần có niềm đam mê, nhưng nó có thể tốt hoặc xấu là do chính mình.

Để cứu vãn khỏi sự mê muội, không gì hơn là phải tin theo Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã có lòng quảng đại vô cùng. Thật vậy, Thánh Phaolô giải thích: “Ngài vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9). Thật kỳ lạ! Nói cặn kẽ hơn, Thánh Phaolô cho biết: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều” (2Cr 8, 13-14). Đó là chia sẻ, là tương thân tương ái, là bác ái, y như lời đã chép: “Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2Cr 8, 15).

Đó mới là yêu thương thực sự, yêu thương triệt để, không yêu thương bằng lời nói suông mà bằng cả hành động. Hành động mới đủ sức thuyết phục và “nói” to hơn ngôn ngữ. Thể hiện yêu thương để nuôi dưỡng Đức Tin. Thiên Chúa rất thực tế khi Ngài đặt vấn đề: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?” (Mt 7, 9). Câu hỏi của Chúa khiến chúng ta “ái ngại” quá chừng!

II. SỐNG ĐỨC TIN

Yêu thương thì phải thực tế, không thể nói suông, ngay cả Đức Tin cũng cần cụ thể – đó là sống đức tin. Chúa Giêsu thực tế trong từng lời nói, cử chỉ và hành động. Thánh Máccô kể rất tỉ mỉ, rõ ràng, dễ tưởng tượng ra các diễn biến từng chi tiết:

Một lần nọ, Đức Giêsu xuống thuyền trở sang bờ bên kia Biển Hồ. Một đám rất đông tụ lại quanh Ngài. Chợt có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (Mc 5, 23). Chúa Giêsu đang vội, không rảnh, nhưng Ngài không do dự, không chần chừ, mà liền đi theo ông.

Thấy vậy, đám đông chen lấn đi theo xem sự thể ra sao. Trong đám đông đó có một phụ nữ bị băng huyết đã 12 năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Nghe đồn về Đức Giêsu rất kỳ lạ, bà cố lách qua đám đông, tiến đến phía sau Ngài, và sờ vào áo của Ngài, vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Ngài thôi, là sẽ được cứu” (Mc 5, 28). Đức Tin lớn quá! Và rồi lạ lùng thay, máu cầm lại tức khắc, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi ngay chứng băng huyết. Lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Ngài liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” (Mc 5, 30). Sức mạnh vô hình rất mạnh mẽ. Phụ nữ kia có cách thể hiện Đức Tin cũng rất lạ lùng và mạnh mẽ.

Nghe Thầy mình hỏi ai sờ vào áo mình, chắc là các môn đệ nghĩ Thầy mình quá lẩm cẩm và ngây ngô hết sức, thảo nào họ hỏi lại Ngài: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?” (Mc 5, 31). Hỏi thế thì… “bó tay”. Thế nhưng Đức Giêsu vẫn ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó khiến bà này sợ phát run lên vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Biết không thể giấu được, bà đến phủ phục trước mặt Ngài và nói hết sự thật. Ngài nhẹ nhàng nói với bà: “Này bà, LÒNG TIN của bà đã CỨU CHỮA bà. Bà hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5, 34). Mắc chứng nan y mà được khỏi hẳn, thế thì còn gì bằng. Bà ta sướng rơn, sướng y như người về từ cõi chết vậy. Chính ĐỨC TIN mới là điều quan trọng!

Thật vậy, Chúa Giêsu luôn đề cao Đức Tin. Ngài không nói Ngài chữa lành, mà chính niềm tin của chúng ta khả dĩ chữa lành chúng ta – cả tâm bệnh và thể bệnh. Muốn cơ thể mạnh thì phải nuôi dưỡng nó, tinh thần cũng vậy, và Đức Tin cũng thế. Có cố gắng nuôi dưỡng Đức Tin thì chúng ta mới có đủ sức mạnh để mà sống Đức Tin.

Và cũng ngay lúc đó, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5, 35). Nghe vậy, Đức Giêsu liền trấn an ông trưởng hội đường: “Ông ĐỪNG SỢ, chỉ cần TIN thôi” (Mc 5, 36). Một lần nữa, Chúa Giêsu lại nhấn mạnh về tầm quan trọng của Đức Tin. Rồi Ngài không cho ai đi theo mình trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. Đến nhà ông trưởng hội đường, Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Ngài bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5, 39). Chết mà bảo ngủ. Lạ thế nhỉ? Ông Giêsu này “tâm thần” chắc! Thế nên người ta xầm xì chế nhạo Ngài. Mà chẳng ai xa lạ, chính thân nhân của Ngài cũng có lần tìm bắt Ngài vì cho rằng Ngài bị mất trí (Mc 3, 21).

Mặc kệ, ai nói gì thì nói, việc Ngài thì Ngài làm. Lúc đó Ngài bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Ngài vào nơi nó đang nằm. Ngài cầm lấy tay nó và nói: “Talitha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (Mc 5, 41). Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được. Ai nấy đều kinh ngạc sững sờ. Ai cũng câm như hến, chẳng dám xì xầm chi nữa. Đức Giêsu không trách họ mà chỉ nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy. Rồi Ngài còn bảo người nhà cho con bé ăn. Ôi, Thầy Giêsu rất thực tế, rất cụ thể!

Lạy Thiên Chúa, chúng con thật đắc tội với Ngài về lối suy nghĩ thiển cận hão huyền trong trí óc nông cạn của chúng con. Cúi xin Ngài thương xót mà đại lượng ân xá, và thắp Lửa Tin Yêu trong chúng con. Xin thương mở lòng trí chúng con để chúng con cũng biết sống thực tế như Ngài, sẵn sàng hành động cụ thể theo Tôn Ý Ngài, đồng thời cũng biết dứt khoát khước từ những gì trái với Tôn Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

-----------------------------

 

29/6-103: TẠI SAO HAI THÁNH TÔNG ĐỒ CẢ


LẠI ĐƯỢC MỪNG LỄ̃ CHUNG VỚI NHAU?

 

Một số thánh nhân, vì là anh em với nhau, vì cùng tử đạo, vì là mẹ con, vì có những điểm chung nhất, 29/6-103


Một số thánh nhân, vì là anh em với nhau, vì cùng tử đạo, vì là mẹ con, vì có những điểm chung nhất, nên được mừng lễ trùng ngày với nhau hoặc sát gần nhau. Vậy Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tương quan với nhau thế nào mà lại có ngày lễ kính cùng với nhau?

Đức Tổng Giám Mục Patrick Flores đã từng đặt câu hỏi này với Giáo Dân trong bài giảng của mình. Và rồi ngài tự trả lời cách hóm hỉnh: “bởi vì hai thánh nhân không thể sống chung với nhau được trên thế gian, nên Chúa bắt các ngài phải chung với nhau trên Thiên Đàng!”

Câu chuyện hài hước này rất có cơ sở. Thánh Kinh cho thấy hai ông thật sự khác biệt nhau về tính cách, chênh lệch nhau về đẳng cấp:

- Người kém văn hóa, kẻ trí thức cao
- Người đã có vợ, kẻ vẫn độc thân
- Người rút gươm bảo vệ Chúa, kẻ phóng ngựa truy giết những ai theo Chúa
- Người giảng dạy cho giới đã cắt bì, kẻ loan Tin Mừng cho dân ngoại.

Chính Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galata đã thừa nhận sự đụng độ với Thánh Phêrô ở Antiokia. Ông đã cự lại Thánh Phêrô vì đã không dám công khai dùng bữa với lương dân như trước khi nhóm cắt bì đến (từ cự lại là nguyên văn của Phaolô trong Gl 2, 11).

Điều rất dễ thương là, trong tất cả sự khác biệt cũng như cãi vã đó, Thánh Phaolô luôn nhìn nhận vị trí quan trọng của Thánh Phêrô với tư cách là người đầu tiên được Chúa Giêsu cho thấy Người đã phục sinh (1Cr 15, 5), một tư cách xứng đáng với cương vị thủ lĩnh. Một sự trân trọng rất tuyệt đến nỗi tính cách khác biệt không hề làm cản trở sứ mạng và lý tưởng của hai thánh nhân. Phần mình, Thánh Phêrô cũng không kém cao thượng khi bắt tay Phaolô để tỏ dấu hiệp thông (Gl 2,10). Điểm độc đáo này được Giáo Hội đưa vào kinh tiền tụng trong ngày lễ 29 tháng 6: “Các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô”. Để rồi từ những khác biệt tính cách và mâu thuẫn đường lối đó, các ngài đã trở thành: "Hai người tiên phong, hai sao sáng đi đôi và hai tướng anh hùng".

Thế còn anh và em? Còn bạn và tôi thì sao?

Dĩ nhiên chúng ta thế nào cũng có các điểm khác biệt, và dĩ nhiên chúng ta đã từng cãi vã, giận hờn. Không ít lần chúng ta đặt câu hỏi tại sao và tại sao người mà mình trọn niềm tin tưởng lại cư xử như thế. Đã nhiều lần ta như muốn buông một bàn tay thân yêu, rời xa một bờ vai thân thiết, phớt lờ một ánh mắt thân thương. Chỉ vì những khác biệt, chỉ vì không hiểu nhau.

Khác biệt giữa Phêrô và Phaolô làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên phong phú hơn. Các khác biệt của chúng ta lẽ ra là để bổ sung cho nhau và để làm cho đời ta thêm màu hương sắc, cũng như các giới hạn của cá nhân là để chúng ta cần đến nhau hơn trong cuộc trần này. Điều quan yếu là ta biết trân trọng người khác và chiến thắng cái tôi ích kỷ.

Phêrô và Phaolô, hai ngôi sao “chỏi” nhau cùng tỏa sáng trên bầu trời Thiên Quốc, hai con người Phêrô và Phaolô trở thành đồng trụ và bàn thạch cho tòa nhà Giáo Hội. Tình yêu đối với Chúa Giêsu làm nên điều kỳ diệu này. Chỉ có tình yêu đủ lớn mới có thể làm cho các bất đồng giữa vợ chồng, giữa bạn bè trở thành một liên kết phong nhiêu, một tương giao phong phú. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu còn ở lại.

Anh và em, bạn và tôi đã giận hờn, tranh cãi, thậm chí căm thù nhau trong quá khứ. Có những điều cứ tái đi tái lại nhiều lần như một căn bệnh mãn tính, nan y. Chúng ta có quá nhiều khác biệt mà. Vẫn biết gương vỡ khó lành, vẫn biết ly nước đổ ra không thể lấy lại hết, nhưng tình yêu sẽ bù đắp tất cả và tình yêu sẽ làm cho tấm gương và ly nước lấy lại sau đó trở nên kỳ thú hơn, ngon lành hơn.

Có bao giờ chúng ta trân trọng nhau cho đúng mức không? Có bao giờ anh và em cầu nguyện cho nhau rồi nói với Chúa về những lỗi lầm, yếu đuối của nhau chưa? Có bao giờ bạn và tôi, chúng mình cùng cầu nguyện với nhau để chấp nhận các khác biệt của nhau mà mưu cầu công ích, mà lo cho đại cuộc không? Đã bao giờ tôi nhìn ra được khía cạnh tốt đẹp của sự khác biệt, để yêu mến những gì “bất thường” nơi anh em, và phát huy những gì “cá biệt” của tôi nhằm hướng tới những điều cao quý hơn chưa?

Xin hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô giúp chúng con biết kết hợp các tính tình khác biệt để làm cho cuộc đời này thêm vui tươi và phong phú.

Lm. Phêrô NGUYỄN ĐỨC THẮNG

---------------------------------

 

29/6-104: HÃY ĐỒNG HÀNH VỚI HỘI THÁNH


Thánh Phê-rô

 

Tên ngài là Si-mon, sinh trước Công Nguyên, làm nghề chài lưới tại Ga-li-lê. Si-mon và an: 29/6-104


Tên ngài là Si-mon, sinh trước Công Nguyên, làm nghề chài lưới tại Ga-li-lê. Si-mon và anh là An-rê được Chúa gọi làm môn đệ tại biển hồ Ga-li-lê khi đang quăng chài xuống biển. Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài cũng được gọi ( Lc 5, 8 – 11 ). Chúa Giê-su bảo: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” ( Mt 4, 19; Mc 1, 17 ).

Qua 4 sách Tin Mừng, Si-mon là người đơn sơ, bộc trực, trung thành, siêng năng, đại lượng, chân thật, khắng khít với Đức Giê-su. Ông cũng yếu đuối tội lỗi như người phàm, chối Chúa ( Mt 27, 69 – 75 ), nhưng được Chúa chọn vì có Đức Tin lạ thường.

Khi Chúa Giê-su hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai ?”, ông Si-mon thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giê-su liền nói: “Này Si-mon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô ( Kephas, Kipha, rock, pierre ), nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” ( Mt 16, 13 – 19; Lc 9, 18 – 21 ).

Phê-rô được nhiều ơn mặc khải, như cùng Gio-an và Gia-cô-bê thấy Chúa biến đổi hình dạng ( Mt 17, 1 – 13; Mc 9, 2 – 13; Lc 9, 28 – 36 ), được ở với Chúa trong giờ hấp hối tại Vườn Ghết-sê-ma-ni ( Mt 26, 37 –46 ). Phê-rô sốt sắng tuyên xưng lòng trung thành với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ?” ( Ga 7, 68 ). Sau khi Chúa Giê-su phục sinh, Phê-rô tuyên xưng lòng mến: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” ( Ga 21, 15 – 17 ), và được trao phó chăm sóc đoàn chiên Chúa. Nìaigiảng đạo tại thành Rô-ma, bị bắt giam, bị đóng đinh vào Thập Giá như Thầy, nhưng đầu treo ngược xuống đất, vì khiêm tốn không dám như Thầy Giê-su. Ngài tử đạo khoảng năm 67 Nê-rôn, tại Đồi Vatican, nơi sau này thế kỷ thứ 4, hoàng đế Constantino xây nhà thờ lớn và dần dần thành Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ngày nay.

Thánh Phao-lô

Muốn biết về hạnh tích rất phong phú của ngài, xin quý giáo hữu, nhất là những người chọn Thánh Phao-lô làm bổn mạng, hãy đọc sách Công Vụ Tông Đồ, từ chương 8 trở đi. Tên ngài là Sao-lô, ở Tác-xô, là người Do-thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do- thái – Hy-lạp, rất sùng đạo theo môn phái Ga-ma-li-ên ở Giê-ru-sa-lem, nên bắt đạo dữ dội.

Sao-lô tham dự vào vụ giết Tê-pha-nô ( Cv 8 ), và, trên đường Đa-mát, được kêu gọi trở lại, giảng đạo tại Đa-mát, Giê-ru-sa-lem ( Cv 9 ), cùng Bác-na-ba thành lập Hội Thánh An-ti-ô-ki-a, Hy-lạp ( Cv 11 và 12 ). Ngài lấy tên Phao-lô và được cử đi truyền giáo, làm Tông Đồ Dân Ngoại, từ đảo Sýp ra khắp vùng Tiểu Á, Cận Đông, cho cả Hy-lạp lẫn D0-thái ( Cv 13 – 15 ).

Phao-lô chọn thêm Ti-mô-thê làm môn đệ, rồi qua Ma-kê-đô-ni-a, Phi-líp-phê, bị bắt giam với Xi-la và được giải thoát lạ lùng ( Cv 16 ), rồi qua giảng ở A-then ( Cv 17 ), lập Hội Thánh Cô-rin-tô ( Cv 18 ), lập Hội Thánh Ê-phê-xô ( Cv 19 ); đi Tơ-roa ( Cv 20 ), tới Giê-ru-sa-lem, bị bắt ( Cv 21 ) nhưng là công dân Do-thái nên tiếp tục giảng đạo ( Cv 22 ).

Ngài bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng, giải đi Xê-da-rê, trước tổng trấn Rô-ma, trước hoàng đế Xê-da, trước vua Ác-ríp-pa ( Cv 23 – 26 ); khởi hành đi Rô-ma ( Cv 27 ), bị bão lớn, phải tạt vào đảo Man-ta và giảng đạo ( Cv 28 ).

Là vị Tông Đồ nhiệt thành của Đức Ki-tô, Phao-lô tiếp tục bị bắt giam vào lao tù trong thời hoàng đế Nê-rô bắt đạo kịch liệt.Vào khoảng năm 67, ngài chịu tử đạo tại ngoại thành Rô-ma.

Lễ hai Thánh Phê-rô-Phao-lô, Tông Đồ

Tuy thời trước, tại Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương, lễ không cùng một ngày, nhưng theo Sách các Thánh Tử Đạo tại Rô-ma thì từ thế kỷ 3, 4, lễ vào ngày 29 tháng 6 vì dù “mộ Phê-rô ở Vatican và mộ Phao-lô ở ngoại thành, đường Ostiensi, giáo hữu tin rằng hai vị chịu tử đạo cùng một ngày” ( Martyrologium ). Theo truyền thống, các Giám Mục trên thế giới, lần lượt cứ năm năm một lần về Rô-ma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ, gọi là hành hương Ad Limina.

Ks. TRẦN VĂN TRÍ, Hoa Kỳ 6.2002

-----------------------------

 

29/6-105: Nghịch lý giữa Ân sủng và Tội lỗi


Lm G.B Trần Văn Hào, SDB

 

Trong một cuộc triển lãm ghi dấu ngày con tàu Titanic khổng lồ chìm sâu giữa đại dương mênh mông 29/6-105


Trong một cuộc triển lãm ghi dấu ngày con tàu Titanic khổng lồ chìm sâu giữa đại dương mênh mông, người ta trưng bày hai bức ảnh với hai chủ đề đối nghịch. Bức ảnh thứ nhất chụp cảnh con tàu vĩ đại đang từ từ chìm xuống giữalòngbiển khơi trước con mắt kinh hoàng của hơn một ngàn du khách trên tầu. Tác giả chú thích:‘Sự yếu ớt của con người trước sức mạnh hùng vĩ của thiên nhiên’. Bức ảnh thứ hai ghi lại cảnh một người đàn ông quý phái đã can đảm nhường chỗ của mình trên chiếc thuyềncứu hộ cho một phụ nữ và sẵn sàng chấp nhận cái chết. Tác giả chú thíchở dưới :‘Sự yếu ớt của thiên nhiên trước sức mạnh của tình yêu con người’. Tổng hợp cả hai bức ảnh, người ta muốn nói lênrằng, con người là một sinh vật rất nhỏ bé trước thiên nhiên và vũ trụ, nhưng con người sẽ trở nên vĩ đại và cao cả nhờ vào tình yêu dànhtrao cho nhau.

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai vị là những con người thật nhỏ bé và yếu đuối do những lỗi phạm trong quá khứ, nhưng cả hai đã trở nên vĩ đại nhờ vào tình yêu hiến dâng cho Chúa Giêsu một cách trọn vẹn.

Nhữngquá khứđen tối.

Nơi Phêrô, chúng ta nhậnra sự yếu đuối rõ nét qua balần phản bội. Phêrôcho dù rất cương quyết và bộc trực, nhưng đã nhát đảm và runsợchối Chúa,ngay cả khiđứng trước một cô gáinhỏ trongsân nhà thượng tế Cai-pha. Tuy nhiên,cũng chính nơi Phê-rô, chúng ta khám phá ra sựphi thường và sức mạnh tuyệt đối của ân sủng. Ân sủng và tình yêu Thiên Chúa đã biến một cây sậy dập nát trở nên đá tảng xây dựng Hội thánh. Nguyên lý của sự biến đổi này chính là sự đáp trả tình yêumột cách tròn đầy. “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”(Ga 21,17).

Tương tự nơi thánh Phaolô,chúng ta cũng thấy rõ sự đối kháng giữa tội lỗi và ân sủng, giữa sự chết và sự sống, giữa ánh sáng và bóng tối. Một hung thủ đã từng ra tay sát hại biết bao Kitôhữu,lạitrở thànhvịTông đồ trổi trangnhất,bôn bađi khắp nơi rao giảng Tin mừng về Chúa Giêsu cho dân ngoại. Thánh Phaolôđã diễn tả cảm thức đức tin của mình một cách sâu xa khiNgài viết trong thơ Rôma:“Ở đâu tội lỗi càng nhiều, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20).

Nguyên lý căn bản nơi cuộc trở về của Phaolôcũng chính là nguyên lý của tình yêu, như Ngài đã viết:“Tình yêu Đức Kitôthúc bách tôi. Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô” (Rm 8,38).

Nói tóm lại, tình yêu là tên gọi của Thiên Chúa (1 Ga 4,15)vàcũng là thuộc tính căn bản của Ngài. Tình yêu chínhlà khung căn bản hình thành nên ơn gọi của Phêrôvà Phaolô. Chính tình yêu đã biến đổi hai con người yếu đuối và tội lỗi trở nên những vị thánh vĩ đạinhất.

Được biến đổi trong Ánh sáng

Thánh Tôma Aquinôđã nói:“Kẻ nào sa ngã trong tội, đó là một con người rất bình thường. Ai ởlỳtrong tội lỗi, đólà một tên ác quỷ. Còn nhữngaibiết trỗi dậy từ trong đống bùn tội ácđể trở về với Chúa, đó lại là một vị thánh”. Một nhà tu đức cũng đưa ra một nhận định tương tự khi phát biểu :“Mỗivị thánh đều có một quá khứ, và mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Qúakhứ của con ngườicho dầu có đặc kín tội lỗi với bao bầm dập và thương tích, chúng ta vẫn có thể hướng về một tương lai tươi sáng ngậptràn hy vọng,nếu biết tín thác vào lòng thương xót của Chúa và bước đi trong ánh sáng tình yêu Ngài. Kinh nghiệm này chúng ta có thể học hỏimột cách cụ thểtừ nơi hai vị Thánh Phêrôvà Phaolô.

Cả hai Tông đồ đã trải nghiệm sâu xa nguồnsáng từchính Đức Giêsu soi chiếuvào mình. Trongsân của thầy thượng tế Caipha, ánh sáng từ đôi mắt Chúa đã quét ngang khuôn mặt Phêrô, khơi dậy nơi Ngài cảm thức thống hối chân thành. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Lc 22,61). Chính ánh mắt thân thương của Chúa Giêsu đã soi dọi vào tâm hồn Phêrô một luồng ánh sáng để xua tan bóng tốitội lỗi sau 3 lần phản bội. Ánh mắt đó mang chởcả một bầu trời lồng lộng chất chứa tình yêusâu thẳm. Phêrôđã cảm nhậnđược tình yêu này và Ngài đã đượcbiến đổihoàn toàn.

Cũng vậy,trên đường đi Đamas, ánh sáng củaChúa từ trên caođã chọc thủng đôi mắt của Saolêkhiến ông trở nên mù lòa, nhưng luồng sáng ấy lại khai mở nơi Phaolôcặp mắt đức tinsáng ngời. Cuộc đời của Phaolôđã được biến đổi vì Ngài cảm thấu được luồng ánh sángtình yêutừ nơi Đức Kitô hắt dọi vào tâm hồn mình.

Trong hành trình ơn gọi của mỗi người, điều quan trọng là chúng ta có biếtnhận ra ánh sáng từ tình yêu của Thiên Chúa hay không. Tội chúng ta cho dầu nặng đến mấy, nhiều đến bao nhiêu cũng không quan trọng. Ánh sáng nơi tình yêu Chúasẽ hoá giải tất cả, miễn là chúng ta biết trải lòng mình ra để cho ánh sáng ấy hắt dọivào.

Sứ mạngphụcvụ Hộithánh.

Tại quảng trường Thánh Phêrô ởVatican, chúng ta thấy hai bức tượng bằng đá đứngsừng sững giữa trời, đó là tượng Thánh Phêrôvà tượng Thánh Phaolô. Đây là hai vị Tông đồ trưởng, hai cột trụ vững chắc của Giáo Hộimà hôm nay chúng ta mừng kính. Đọc lại sách Tông đồ công vụ, chúng ta sẽ học được cách thức mà hai vị đã thể hiện trong sứ vụphục vụ Hội Thánh thuở ban đầu. Hai con ngườiphát xuất từ hai môi trường văn hóa hoàn toàn khác biệtnhau. Phêrôgốc Do Thái,cònPhaolôlà một công dân Rôma. Phaolôthuộc giới tríthức, đã từng thụ giáo dưới chân thầy Gamalien, còn Phêrôchỉ là một anhdân chài quê mùachất phác. Phêrôcoi trọng truyền thốngcủa tổ tiên, nhất là việc tuân giữ tập tụccắt bì, còn Phaolôthì không.Tuy nhiên, cả hai đều rất năng động và hăng hái. Một Phêrôđã từng cương quyết đi theo Thầy đến cùng cho dù phải chấp nhận cái chết, còn Phaolôthì hăng say đi lùng bắt các Kitôhữu chỉ vì ngộ tín.

Nhưng những khác biệt sâu xa nơi hai vị Thánh đã đượcThánh Thần hóa giải. Công đồng Giêrusalem đã được triệu tập, và chính Thánh Thần đã liên kết hai vị Tông đồ trở nên một lòng một trí với nhau để chung tay xây dựng Giáo hội.

Trong Hiến chế Gaudium et Spes,Công đồng Vaticanô2đãnói đến ý niệm ‘Đồng nhất trong dị biệt’ (Unity in diversity) nơi Giáo hội để mời gọi chúng ta hãy biết từ bỏ ý riêng và biết cách làm việc chung trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô. Tại mỗi Giáo hội địa phương, nhưtại cácgiáo xứ hay tại các giáo phận,mô thức này rất quan trọng giúpchúng ta noi gương thánh Phêrôvà thánh Phaolô để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Có như thế, chúng ta mới có thể góp phần xây dựng Giáo hội một cách hữu hiệu.

Kết luận

Trong tác phẩm ‘Quovadis’, nhà văn Sienkievich đã viết:“Đế quốc hùng mạnh của bạo Chúa Néron sẽ có ngày sụp đổ, nhưng con thuyền mộc mạc của bác dân chài quê mùa miền Galilêvẫn luôn vững vàng lướt sóng”.Đó là con thuyền Giáo Hội, được xây trên đá tảng là Thánh Phêrô. Cuộc hành trình ơn gọi của thánh Phêrôcũng như của thánh Phaolôlà cả một huyền nhiệmsâu xa. Hai vị thánh đã trở nên vĩ đại nhờ vào việc biết mở rộng cõi lòng để cho tình yêu Chúa Giêsu chiếm ngự. Đó là khuôn mẫu nội tâm cho tất cả mọi người chúng ta hôm nay.

---------------------------

 

29/6-106: BÀI SUY NIỆM LỄ VỌNG HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ


 (Ga 21, 15-19) - Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

 

Thuật ngữ “Tông Đồ” (apostolos) theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “người được sai đi29/6-106


Thuật ngữ “Tông Đồ” (apostolos) theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “người được sai đi”, “người đem tin” hay “sứ giả”. Từ này được tìm thấy trong Tân Ướccả thảy 79 lần, trong đó: 10 lần xuất hiện trong các sách Tin Mừng, 28 lần trong sách Công Vụ Tông Đồ, 38 lần trong các Thư Chung và 3 lần trong sách Khải Huyền. Tông Đồ là người sống kề sát bên Chúa Giêsu và chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng của Ngài. Họ là những người được chính Chúa Giêsu tuyển chọn để đặt nền móng cho Giáo Hội…

Cũng trong ý nghĩa đó, hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng kính 2 thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài được kể như 2 cột trụ của tòa nhà Giáo Hội. Mặc dù 2 đấng đều là những người được Chúa Giêsu trực tiếp tuyển chọn và mời gọi, đều là những người tràn đầy nhiệt huyết với Giáo Hội, nhưng nơi các ngài lại có nhiều điểm không giống nhau.

Thánh Phêrô xuất thân từ một ngư phủ miền Galilê, thế nên, chắc chắn việc học hành của thánh nhân không được nhiều. Tuy nhiên, thánh Phêrô lại có diễm phúc được theo Chúa Giêsu từ rất sớm. Là một trong bốn môn đệ được Chúa Giêsu gọi trước tiên, thánh Phêrô đã có quãng thời gian khá dài ở bên Chúa, được nghe những lời Người giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Người làm. Hơn thế nữa, thánh Phêrô còn được chọn vào tốp 3 môn đệ thân tín của Chúa Giêsu cùng với hai người con của ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan và được Chúa cho tham dự vào những biến cố quan trọng như: chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabor (x.Mt 17,1-8); cùng với Đức Giêsu ở trong vườn Cây Dầu trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn (x.Mt 26,37).

Là vị Tông Đồ trưởng, nhưng thánh Phêrô cũng có những yếu đuối và bất toàn. Tại Xêxarê Philipphê, ngài đã bị Chúa Giêsu gọi là Satan khi ông đứng ra cản Chúa đừng đi lên Giêrusalem để chịu khổ nạn (x.Mt 16,23). Trong đêm Chúa Giêsu bị nộp, vì một phút ngã lòng, ông đã chối Chúa ba lần (x.Mt 26,72-74). Để rồi, sau biến cố đó, ông dốc lòng ăn năn thống hối và được Chúa thứ tha. Không những thế, Chúa còn đặt ông làm đầu các Tông Đồ và trao cho trọng trách loan báo Tin Mừng của Chúa cho giới được cắt bì, tức là những người Do Thái (x.Ga 21,17).

Khác hẳn với Phêrô, thánh Phaolô sinh trưởng trong một gia đình gốc Do-thái tại thành Tác-xô miền Ki-li-ki-a. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được nuôi dưỡng trong nền giáo dục truyền thống một cách hết sức bài bản. Ngài còn là học trò xuất sắc của Gamalien - một vị Rabbi thời danh lúc bấy giờ.

Nếu như thánh Phêrô được theo Chúa Giêsu ngay từ ban đầu sứ vụ công khai của Chúa thì thánh Phaolô lại biết đến cái tên Giêsu Kitô khá muộn - tức là sau khi Chúa Giêsu phục sinh và về trời. Là một biệt phái nhiệt thành của đạo Do-thái, thánh Phaolô không thể chấp nhận được việc một nhóm người tự xưng là Kitô hữu, rao giảng một thứ giáo lý hoàn toàn mới lạ với giáo lý truyền thống của cha ông. Thế nên, ông quyết tâm tiêu diệt nhóm người này bằng việc xin chứng thư của thầy thượng tế đền thờ Giêrusalem để lên đường bắt tất cả những người theo “tà đạo” này.

Trên đường đi Đa-mát, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với Phaolô qua một luồng ánh sáng cực mạnh khiến ông phải ngã ngựa và bị mù mắt. Kể từ sau biến cố ấy, cuộc đời của Phaolô đã được biến đổi hoàn toàn. Từ một kẻ chuyên bắt bớ các Kitô hữu, ngài được Chúa trao cho nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Từ một người tràn đầy nhiệt huyết với đạo Do-thái, Thiên Chúa đã làm cho ông trở nên người nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Từ một biệt phái với một tương lai xán lạn, ông tự nguyện “đành mất hết để được một mối lợi là Đức Kitô và trở nên mọi sự cho mọi người” (Pl 3,8)

***

Có thể nói, câu chuyện lịch sử của mỗi con người, mỗi cuộc đời đều là những kỳ công của Thiên Chúa. Ai đã làm cho thánh Phêrô từ một người chối Chúa trở thành người sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Chúa; Ai đã làm cho một người chuyên đi lùng bắt các Kitô hữu trở thành vị Tông Đồ sẵn sàng để người ta bắt vì đạo Chúa nếu không phải là chính Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Ca-xi-ô-đô-rô đã từng nói: “Kể lại những kỳ công Chúa đã làm cũng là ca tụng Chúa”.Thế nên, khi sơ qua đôi nét về cuộc đời của hai vị thánh Tông Đồ mà Giáo Hội mừng kính hôm nay để chúng ta thấy được tình yêu Chúa dành cho nhân loại lớn lao là nhường nào! Vậy chúng ta học được gì qua cuộc đời của hai vị thánh?

Bài học trước tiên là sự khiêm nhường. Có lẽ xuất phát từ việc cảm nghiệm được sự yếu đuối và bất toàn của mình, nên cả hai vị thánh đều tự nhận mình là con người yếu đuối. Thánh Phêrô sau khi chối Thầy, đã ra một nơi ăn năn, khóc lóc thảm thiết. Tương truyền rằng, những giọt nước mắt thống hối của ngài đã chảy thành rãnh trên gò má. Còn Thánh Phaolô, sau thời gian dài đi khắp đó đây thiết lập các giáo đoàn và rao giảng Tin Mừng cho họ, nhưng ngài cũng chỉ dám nhận mình là một Tông Đồ sinh sau đẻ muộn và là người rốt hết trong các Tông Đồ như lời ngài nói: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9).

Bài học tiếp theo là sự tín thác vào Chúa. Với niềm tin tưởng: Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, trái lại, Ngài luôn mở ra cho con người những lối đi đầy hy vọng cho dù con người đang bước đi trong tuyệt vọng, cả hai vị đều quyết tâm thay đổi cuộc đời để dấn thân cho sứ vụ Tông Đồ đến nỗi sẵn sàng chấp nhận hy sinh mạng sống vì Tin Mừng của Đức Kitô.

***

Để Lời Chúa được loan báo đến tận cùng trái đất, Giáo Hội hôm nay vẫn rất cần những con người như thánh Phêrô và thánh Phaolô - những người dám từ bỏ mọi sự, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô. Chớ gì mỗi chúng ta hãy quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa để lên đường loan báo Tin Mừng với niềm xác tín rằng: “Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35.39).

-----------------------

 

29/6-107: SỐNG ĐỨC TIN ĐỨC MẾN NOI GƯƠNG HAI TÔNG ĐỒ PHÊRÔ PHAOLÔ


 - LM ĐAN VINH - HHTM

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG:

(13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai ?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2. Ý CHÍNH: HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ.

 

Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa 29/6-107


Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (15-16), ông đã được khen là có phúc (17), được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (18). Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi (19).

3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng Tông đồ Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người ?

ĐÁP:

Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi Sa-lô-mon, con vua Đa-vít. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu "Con Vua Đa-vít" này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng tước hiệu "Con Thiên Chúa hằng sống", Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giê-su đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này là nói về bản tính Thiên Chúa, qua lời khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải cho biết sự thật ấy (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giê-su đổi tên Si-mon thành Phê-rô ? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18) ?

ĐÁP:

Cũng có thể Đức Giê-su đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giê-su đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phê-rô vào Đức Giê-su chính là tảng đá vững chắc mà trên đó, Người xây dựng Hội Thánh của Người. Ngoài ra Đức Giê-su còn trao tối thượng quyền cho ông để ông cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Người cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu chu tòan sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Người còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông nữa (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được ?

ĐÁP:

Từ ngày được Đức Giê-su gọi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy cảnh báo không được dự phần với Thầy, vì đã từ chối không cho Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất là vì quá tự tin vào sức mình nên ông đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).

Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giê-su tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được Chúa đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giê-su hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao thêm sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin vào lời dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giê-su đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), chứng kiến phép lạ bé gái mới chết được Người cho sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến lúc Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).

Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giê-su đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm đạt được đức tin vào mầu nhiệm phục sinh của Thầy (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), có khả năng chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm quay vào thành Rô-ma để bị bắt và chịu khổ hình thập giá, dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa cao độ, và nêu gương đức tin vững như đá tảng, để các tín hữu chúng ta học tập noi theo.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU TRONG VIỆC BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI :

Nữ tu Antoinette được bề trên sai đến phục vụ tại một bệnh viện lớn. Tại đây có một ông già cực kỳ khó tính. Tiếp xúc với ai ông cũng nạt nộ la mắng. nhất là khi gặp chuyện trái ý, ông lại to tiếng ầm ĩ khiến mọi người chung quanh đều khó chịu xa lánh.

Ngày nọ, khi đang mải mê làm việc giúp các bệnh nhân khác, nữ tu Antoinette nghe thấy tiếng hét lớn của ông già khó tính: “Mau mau mang ra đây cho tôi một quả trứng luộc". Các y tá khác đều lảng tránh sang phòng bên, riêng nữ tu Antoinette đã mau mắn đến nhà bếp đem quả trứng đến cho ông già này.

- Sao trứng chưa chín mà đã đem cho tôi hả? Bộ muốn tôi đau bụng chết sao? Ông lão khó tính cau có trách mắng. Nữ tu Antoinette không đáp lại mà đem trứng xuống bếp luộc lại.

- Trứng gì mà luộc chín quá vậy? Sao lại làm ăn vô ý vô tứ như vậy hả ?

Antoinette chẳng biết phải làm gì để chiều ý ông lão. Chị liền đi lấy một cái bếp lò đến kê bên giường và trao cho ông già khó tính một trái trứng để luộc cho vừa ý. Thấy thế ông ta liền nổi nóng đạp đổ bếp lò, quăng quả trứng kia xuống nền gạch và lớn tiếng: "Cô không biết tôi là bệnh nhân sao? Bệnh nhân mà lại phải tự luộc trứng hả?"

Nữ tu Antoinette không nói nửa lời. Chị im lặng đi lấy chổi và cây lau nhà đến quét dọn và lau sạch sàn nhà… Lát sau, chị đem đến cho lão già khó tính một trái trứng khác và nói: "Ông cố gắng dùng thử trứng này, tôi đã luộc vừa chín tới thôi?" Bất giác, ông lính già rùng mình cảm động, nói lí nhí trong miệng: "Tôi thật có lỗi vì đã vô lý quát mắng cô. Giờ đây tôi sẽ ăn quả trứng này cũng để cám ơn lòng tốt của cô !"

Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng hơn bất cứ một sự biến đổi lạ kỳ nào, nhất là nó có khả năng biến đổi cả lòng những con người độc ác nữa. Ước gì chúng ta biết noi gương theo Thầy Chí Thánh Giê-su luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người đang lầm lạc trong cuộc đời này để dùng tình yêu biến đổi cảm hoá họ.

2)PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU ?

Ngày xưa, một ông vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng về chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban phần thưởng lớn cho những tác phẩm giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước chung quanh đã ùn ùn kép đến Hy Lạp xin vào hoàng cung ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm dành được giải thưởng của nhà vua. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.

Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí chỗ ở và làm việc tại một phòng trong khu hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Nhà vua hết sức hài lòng, khi chiêm ngưỡng các tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình, do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Mỗi bức tượng, tranh tượng hay phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày của các nghệ nhân Hy Lạp thì nhà vua và bá quan rất ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào được trưng bày, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi tác phẩm đâu, thì một người đã đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực bằng hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ nhân Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do đến chiêm ngưỡng.

3. SUY NIỆM:

 Hôm nay, Hội Thánh mừng kính 2 vị Tông đồ là Phêrô và Phaolô chung trong một ngày lễ. Chúng ta cùng suy nghĩ về cuộc đời của hai Tông đồ trụ cột này của Hội Thánh để thấy được sức mạnh tình thương của Thiên Chúa trong việc biến đổi lòng người.

1) Về ơn kêu gọi của hai Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

- Phê-rôlàm nghề đánh cá tại làng Bet-sai-đa, gần hồ Ga-li-lê. Phê-rô tên thật là Si-mon, có em là An-rê. Khi An-rê được thầy mình là Gio-an Bao-ti-xi-ta giới thiệu về Đức Giê-su thì"Trước hết ông gặp anh mình là Si-mon và nói : Chúng tôi đã gặp được Đấng Mê-si-a. Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn Phê-rô và nói: "Anh là Si-mon, con ông Gio-na, anh sẽ được gọi là Kê-pha nghĩa là Đá" (Ga 1,41-42). Sau đó ít ngày, đang lúc Đức Giê-su đi trên bờ hồ Gê-nê-sa-rét, có đám đông dân chúng đi theo. Người thấy ông Si-mon đang giặt lưới dưới thuyền, nên Người đã xuống thuyền ấy mà giảng dạy dân chúng ngồi trên bờ hồ. Giảng xong, Người bảo Si-mon chèo thuyền ra giữa hồ đánh cá. Mặc dù suốt đêm vất vả mà không bắt được con nào, nhưng Si-mon vẫn vâng lời Thầy: Ông chèo thuyền ra khơi thả lưới và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Trước sự lạ ấy, Si-mon tỏ vẻ kính sợ, nhưng Người bảo ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới người ta. Thế là ông đưa thuyền vào bờ rồi đi theo làm môn đệ Người” (Lc.5,10-11).


- Phao-lôtên thật là Sao-lê quê thành Tác-sô, miền Ki-li-ki-a. Theo học với ông thầy nổi tiếng là Ga-ma-li-en. Sao-lê giữ luật Mô-sê nghiêm chỉnh. Tuy là người Do Thái nhưng ông cũng có quốc tịch Ro-ma. Sao-lê rất sùng đạo Do thái nên rất ghét đạo mới của Đức Giê-su. Nghe tin ở Đa-mát có nhiều tín hữu Ki-tô, Sao-lê đã xin lệnh của thượng tế, đem quân đến thành Đa-mát bắt các tín hữu mang về Giê-ru-sa-lem trị tội. Nhưng khi đến cửa thành, Sao-lê đã bị một làn chớp sáng đánh trúng bị té xuống ngựa, mắt ông bị loà không nhìn thấy gì. Ông nghe thấy tiếng Chúa Giê-su hiện ra hạch hỏi và ông đã khuất phuc Người. Rồi ông được một người trong thành là A-na-ni-a đón vào thành và dạy đạo. Sau khi được chịu phép rửa tội, Sao-lê lại được sáng mắt và được đổi tên thành Phao-lô. Ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra dạy dỗ cách riêng và trao cho sứ mệnh làm tông đồ rao giảng Tin Mừng (x. TĐCV 22,3-21). Thế là từ một người cuồng tín đi bắt đạo, Phao-lô đã được ơn Chúa biến đổi thành một Tông đồ dân ngoại.

2) Tính cách của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

- Tông đồ Phê-rôkhi đi theo Đức Giê-su gần ba năm, thường đại diện Nhóm 12 trả lời Thầy. Khi Người hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?” Phê-rô đã đại diện anh em thưa rằng: "Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống". Có lần Phê-rô ngăn cản Thầy đừng đi Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, và ông đã bị Thầy nặng lời quở trách. Phê-rô đã được các tác giả Tân Ước đề cập tới 195 lần. Ông có tính tình nóng nảy và yêu mến Thầy. Khi nghe Đức Giê-su cho biết các môn đệ sắp hèn nhát bỏ Thầy chạy trốn, Ông đã hứa với Thầy: “Dù moi người bỏ thầy, còn Phê-rô sẽ không bao giờ". Tuy nhiên, ông cũng là một người yếu đuối, nên ông đã phạm tội chối Thầy 3 lần: "Tôi không biết ông Giê-su là ai". Đến khi nghe tiếng gà gáy và Đức Giê-su bị trói đi ngang qua chỗ ông và Người nhìn ông, thì ông đã xúc động ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Đức Giê-su sau khi sống lại, đã hiện ra hỏi Phê-rô ba lần có mến Thầy hơn những người này không, thì cả ba lầm ông đều tuyên xưng lòng mến: "Thưa Thầy, có. Thầy biết con mến Thầy”. Mỗi lần như thế, Chúa đều trao cho ông trách nhiệm chăn dắt đàn chiên của Người (x. Ga 21,15-19)

b) Tông đồ Phao-lôsau khi trở lại với Chúa, đã hết lòng loan báo Tin Mừng. Ông đã đi khắp vùng Đế Quốc Rô-ma rao giảng cho dân ngoại tin theo Chúa, chấp nhận mọi gian nan chống đối gặp phải: bị bắt bớ xét xử, bị đánh đòn, đắm tầu, đói rét, ở trần… vì Danh Chúa. Nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Phao-lô đã viết nhiều bức thư để tiếp tục giáo huấn về cách ăn nết ở cho các tín hữu trong các giáo đoàn đã nghe ngài giảng mà tin theo Chúa Giê-su, nhằn răn dạy họ bỏ các tội lỗi mà sống tốt lành theo Chúa Giê-su. Ông cũng dạy họ đào sâu về nhiều mặt như: Kinh Thánh, tín lý, luân lý, phụng vụ… Phao-lô còn nêu gương sẵn sàng chịu mọi đau khổ hơn mọi người vì danh Chúa Giê-su như ông đã viết: “Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: Tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một. Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đã, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi… (2 Cr 11,23-25…)

3) Về lòng mến Chúa của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

- Tông đồ Phê-rô:Theo sách Công vụ Tông đồ, vào lễ Ngũ Tuần, sau khi đón nhận đầy ơn Thánh Thần, Phê-rô đã cùng các Tông đồ bắt đầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ông đã giảng một bài đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, đã có 3 ngàn người xin tòng giáo. Sau đó Phê-rô cùng Nhóm 11 chọn ông Mat-thi-a thế chỗ cho Giu-đa phản bội. Ông cũng được Thánh Thần ban ơn làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế kèm theo lời giảng. Ông đã chữa cho một người què tại cửa Đền thờ, và đón nhận dân ngoại vào Hội Thánh. Người ta tin rằng chỉ cần cái bóng của ông lướt qua bệnh nhân cũng đủ chữa lành cho họ. Phê-rô và các Tông đồ trong Nhóm 12 ưu tiên loan báo Tin Mừng cho dân Do thái. Ông đã bị các đầu mục dân Do thái bắt bớ xét hỏi nhiều lần và cấm rao giảng Danh Đức Giê-su. Nhưng ông đã tuyên bố trước Thượng Hội Đồng rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm… Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5,29-32). Vào lúc cuối đời, khi đang ở Rô-ma và có nguy cơ bị bắt, Phê-rô đã nghe lời các tín hữu để cải trang và đã trốn thoát ra ngoài thành Rô-ma để tiếp tục lãnh đạo Hội Thánh. Nhưng sau đó ông đã gặp Đức Giê-su đang vác thánh giá đi về thành. Ông hỏi Người: “Quo vadis ?” (Thầy đi đâu?). Chúa trả lời: “Ta vào thành Rô-ma để chịu đóng đanh một lần nữa” rồi Chúa biến mất. Phê-rô hiểu ý Chúa muốn ông ở lại Rô-ma để làm chứng cho Chúa giữa các tín hữu, nên ông lại đi vào thành. Sau đó Phê-rô bị bắt và bị kết án tử hình thập giá vào năm 65 dưới thời hoàng đế Nê-rông. Khi chịu đóng đinh, để tỏ lòng tôn kính Chúa Giê-su, ông xin lính đóng đinh và quay ngược đầu xuống đất. Ngày nay một ngôi Đền thờ Thánh Phêrô to lớn trong thành Rô-ma, có chứa mộ phần của thánh Phê-rô. Trong thời gian giảng đạo ở Rô-ma, thánh Phê-rô đã viết 2 bức thư cho các tín hữu miền Tiểu Á đang chịu bách hại, khuyên dạy họ hãy can đảm sống đức tin bằng việc thực thi sự hiệp nhất yêu thương nhau, vâng phục các mục tử, đoạn tuyệt tội lỗi và chờ đợi ngày Chúa quang lâm sắp đến.

- Tông đồ Phao-lô:Phao-lô thực là dụng cụ Chúa dùng để đưa nhiều người về với Chúa. Ông là một người trung thành, can đảm, thẳng thắn… Là cầu nối kết giữa dân Do thái và dân ngoại, giữa Cựu ước và Tân ước. Nhờ Phao-lô mà dân ngoại trong đó có chúng ta không phải chịu nghi thức cắt bì của đạo Do Thái và không phải mang “ách Luật Mô-sê” như dân Do thái xưa. Từ khi gặp Chúa và theo làm Tông đồ của Chúa, Phao-lô có lòng yêu mên Chúa cách đặc biệt. Ông đã nêu gương sáng về lòng tin yêu Chúa Giê-su để các tín hữu noi theo. Chẳng hạn: “Đối với tôi sống là Đức Kitô” (Pl 1,21) “Tôi coi mọi sự như phân tro, để chỉ mong được lời lãi Tình yêu Chúa Kitô" (Pl 3,8).- "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39). "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2,20). Cuối cùng, trong thời kỳ người Rô-ma bách hại đạo Công giáo, Phao-lô đã bị bắt tù, và sau cùng ngài đã bị án chém đầu ở ngoài thành Rôma vào năm 67.

4) Sống “hiệp nhất” để làm chứng cho Chúa noi gương hai vị Phê-rô và Phao-lô:

- Hiệp nhất trong đức tin:Hai vị Tông đồ đã hiệp nhất một lòng một ý trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Mặc dù còn có nhiều khác biệt về bản thân, tính tình, về ơn gọi theo Chúa, về xu hướng truyền giáo… nhưng cả hai đã tạo nên một sự hiệp nhất trong đa dạng, qua việc cùng trở thành nền tảng xây dựng toà nhà Hội Thánh, sẵn sàng chết vì Danh Chúa. Hai vị đã được Hội Thánh tôn vinh trong một ngày đại lễ. Các ngài đã trở nên biểu tượng của sự hiệp nhất trong đa dạng của Hội Thánh: “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”. Đó chính là khuôn vàng thước ngọc cho các tín hữu noi theo.

- Hiệp nhất trong lòng mến:Ngày nay muốn trở nên tông đồ của Chúa Giê-su, các tín hữu chúng ta phải có lòng mến Chúa noi gương hai vị Tông đồ. Nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng ta sẽ được ơn Chúa thanh luyện khỏi những đam mê, thói hư, các vết nhơ tội lỗi. Nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và tham dự thánh lễ rước lễ mỗi ngày, xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, học tập theo Chúa Giê-su… chúng ta cũng sẽ có thể nhìn tha nhân bằng ánh mắt bao dung nhân hậu, sẽ ăn nói điềm đạm, vui vẻ chân thành, ứng xử hiền hòa và khiêm tốn phục vụ … Nhờ đó chúng ta sẽ nên tông đồ giáo dân nhiệt thành làm chứng cho Chúa, noi gương hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô.

4. THẢO LUẬN:

Đối với bạn, Đức Giê-su là ai ? (Là một ngôn sứ, để xin Người cầu bầu với Chúa Cha cho ta; hay là một thần tượng để ta chiêm ngưỡng thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin theo và sẵn sàng bỏ mọi sự theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là đón nhận các đau khổ gặp phải, kết hiệp với sự đau khổ của Người trên cây thập giá để góp phần cứu rỗi tha nhân ?)

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng muốn làm được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh như thánh Phê-rô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh. Xin Chúa hãy giúp chúng con tránh những lời nói xúc phạm khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống hòa hợp với tha nhân. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, loại bỏ tính háo danh, thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, loại bỏ tư tưởng tự mãn và hẹp hòi… Nhờ đó, chúng con trở thành những chứng nhân cho tình yêu bao dung nhân hậu của Chúa noi gương hai thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô.

- LẠY CHÚA. Tòa nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm đến nay vẫn đang tiếp tục được xây dựng những chỗ còn dang dở. Xin Chúa giúp mỗi tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm hoàn thành. Xin cho chúng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

----------------------------

 

29/6-108: Giáo Hội trên nền tảng là thánh Phêrô


--TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp:

 

Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội trên nền tảng là thánh Phêrô. Chúa cũng trao cho từng người Kitô29/6-108


Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội trên nền tảng là thánh Phêrô. Chúa cũng trao cho từng người Kitô hữu sứ mạng trở thành viên đá sống động xây nên tòa nhà Giáo Hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước khi trao trách nhiệm cho thánh Phêrô, Chúa đã muốn ngài khám phá ra Chúa là ai. Và Chúa rất hài lòng khi chính miệng ngài nói lên điều chất chứa trong tim: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Và Chúa đã tin tưởng giao trách nhiệm cho ngài.

Chúa đã đặt nền móng Giáo Hội trên nền tảng thánh Phêrô. Con cũng được Chúa tin tưởng và giao cho sứ mạng xây dựng Giáo Hội. Chúa muốn con trở thành một viên đá sống động và kiên vững. Xin Chúa cho con lòng tin vững mạnh như đá.

Nhưng Chúa ơi, viên đá tâm hồn cũng đang cần được trau chuốt mài dũa các góc cạnh sắc bén để có thể ăn khớp với những viên đá khác nằm cạnh. Tâm hồn con cần loại bỏ đi những phần thừa của tội lỗi và tật xấu. Tâm hồn con cần đục bỏ đi tính ích kỷ, khi chỉ nghĩ đến mình, để sẵn sàng hòa hợp với các tâm hồn khác. Khi đẽo gọt như thế chắc chắn sẽ đau đớn. Nhưng con sẵn sàng hy sinh chính mình để góp phần nhỏ bé trong việc xây dựng Giáo Hội. Tòa nhà Giáo Hội vẫn còn dang dở. Con có nhiệm vụ hoàn thành bằng đời sống đức tin, trang bị bằng ơn thánh Chúa và cần tô điểm thêm đẹp bằng đời sống bác ái yêu thương.

Xin giúp con biết bắt chước thánh Phêrô luôn nhiệt tâm trong công trình xây dựng Giáo Hội, và luôn luôn biết liên kết với anh em con, để tất cả chúng con trở thành một tòa nhà kiên cố không gì phá đổ được. Amen.

Ghi nhớ: “Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

-----------------------------

 

29/6-109: Hai đá tảng và trụ cột của Giáo hội


--Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

 

Thánh Phêrô lúc đầu có tên là Simon, làm nghề đánh cá và đã có gia đình. Ngài được Chúa Giêsu 29/6-109


Thánh Phêrô lúc đầu có tên là Simon, làm nghề đánh cá và đã có gia đình. Ngài được Chúa Giêsu gọi đi theo Người trong một lần đánh cá ở trên biển. Ngài đã đại diện các môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Mt 16, 16) được Chúa đặt đứng đầu nhóm Mười Hai. Ngài là một trong bốn môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu (x. Mt 4, 18-22) được tham dự hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa... Trong những lúc khó khăn nguy khốn, vì yếu lòng tin ngài đã chối Chúa ba lần nhưng đã quay trở lại và làm cho đức tin của Giáo hội phát triển mạnh tại Giêrusalem, sau khi Chúa về trời. Ngài tử đạo khoảng năm 64-67.

Thánh Phaolô, trước đây là một biệt phái, sau khi bị Chúa làm cho ngã ngựa và làm mù lòa trên đường Đamas khi đang bách hại đạo Chúa. Ngài đã được Chúa chọn làm tông đồ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Ngài thành lập nhiều cộng đoàn cũng như viết thư thăm hỏi, giải quyết những vấn đề của cộng đoàn mà ngài không thể tới được. Ngài tử đạo năm 67 tại Rôma.

Noi gương hai thánh tông đồ, chúng ta gắn kết cuộc đời mình với Đức Kitô để kín múc nơi Người nguồn sức mạnh tình yêu, hầu chia sẻ cho mọi người và sống chứng nhân Tin Mừng.

Câu chuyện

Trong mọi công trình xây dựng, các chuyên gia đều chú trọng đến nền móng và trụ cột nâng đỡ toàn bộ kiến trúc của công trình.

Trong ngôi nhà Giáo hội cũng vậy, chúng ta là những viên gạch để xây dựng lên và đã được Thiên Chúa kiến thiết với nền móng vững chắc từ “đá tảng niềm tin Phêrô và cột trụ bền vững nhiệt thành Phaolô”. Hai vị được nhìn nhận như là nền móng và trụ cột của công trình Giáo hội Chúa giữa trần gian. Trong kinh tiền tụng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, Giáo hội đã long trọng tuyên bố: ”Thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Israel, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân”.

Suy niệm

Phêrô và Phaolô hai tính khí, hai nhân cách khác nhau: Một người xuất thân từ dân chài, thật thà chất phác nhưng đôi phần nóng nảy. Một người xuất thân là một trí thức trẻ học rộng tài cao thuộc đẳng cấp biệt phái và là công dân của Rôma. Cả hai có kinh nghiệm sống và gặp gỡ Thiên Chúa theo lịch sử riêng của mỗi người và được Thiên Chúa chiếm hữu biến đổi để trở nên đá tảng và trụ cột của Giáo hội.

Phêrô: Quá khứ là dân chài lưới với chiếc thuyền nhỏ rong ruổi khắp hồ Tibériat đã trở nên kẻ chài lưới người theo ý muốn của Thiên Chúa, hôm nay là hoa tiêu trên chiếc tàu Giáo hội xuôi ngược đại dương trần gian. Phêrô đã được Chúa Giêsu biến đổi từ một con người tầm thường có lịch sử với những đặc điểm bình thường như bao người khác. Đó là Phêrô của sự tính toán: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27). Sự tính toán của con người ấy đã khiến ông ngăn cản bước đi cứu chuộc nhân loại của Đức Kitô và bị Ngài quở mắng: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23b); Phêrô của nóng nảy, của yếu đuối, của phản bội: Chối Thầy ba lần (x. Lc 22, 54-62). Kinh nghiệm được tha thứ khiến ông trở nên biết chia sẻ lòng thương xót của Chúa với anh em như Chúa Giêsu đã nói: “Phần con, hỡi Phêrô, sau khi đã trở lại, con hãy củng cố các anh em của con” (Lc 22, 32). Nhưng cũng Phêrô đầy ơn Chúa xác tín tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Trước niềm tin sắt son này, Phêrô được Chúa đặt làm nền tảng Giáo hội: “Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy, và cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18); Phêrô tín thác hoàn toàn vào Đức Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Phêrô gắn bó với tình yêu của Thầy trên hết: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15.16.17); Phêrô của sự cương quyết thuộc về Thiên Chúa và chỉ vâng lời và làm chứng về Ngài: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta... về những sự kiện đó (Đức Kitô đã sống lại), chúng tôi xin làm chứng…”. (Cv 5, 29.32). Ngài đã làm chứng cho đến chết bằng cái chết bị đóng đinh ngược trên đồi Vaticăn.

Phaolô hôm qua còn ghét và truy bắt “tà đạo Kitô”, Phaolô, một tay bách hại đạo khét tiếng như chính ông đã nhìn nhận (Gl 1, 13), và là người tuân giữ nghiêm ngặt luật Do Thái (Gl 1, 14). Phaolô còn liên quan trực tiếp đến vụ án ném đá đến chết của Stêphanô, phó tế tử đạo tiên khởi (Cv 7, 59). Phaolô của ngày hôm nay lại càng nổi tiếng hơn bao giờ hết vì là người nhiệt thành yêu mến và truyền bá Đức Kitô và sẵn sàng chết cho niềm tin đó. Thánh Phaolô xác tín niềm tin của mình vào Đức Kitô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm 1, 12), tin và loan báo Đức Kitô là lẽ sống của Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng” (1Cr 9, 16) và chính ông để tình yêu Đức Kitô chiếm hữu “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14), Phaolô chỉ sống vì Đức Kitô và trở nên một với Đức Kitô: “Không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Trong Ngài, Phaolô gắn bó với tình yêu Thiên Chúa không gì có thể chia ly: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39). Những bước chân của Phaolô là bước chân gieo hạt giống Tin Mừng cho anh em dân ngoại như là ơn gọi đặc biệt của ông (Gl 1, 16). Phaolô chứng nhân Tin Mừng Chúa Kitô cho đến khi đầu ông rơi, máu ông đổ vì Tin Mừng ở ngoài thành Rôma.

Phêrô và Phaolô, hai người hai tính khí, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội theo thánh ‎ý quan phòng của Thiên Chúa. Thanh gươm ngày nào của Phaolô giơ cao bách hại đạo Chúa nay thế bằng Tin Mừng cứu độ giương cao để không ngừng khai quang truyền giáo cho Đức Kitô. Giọt nước mắt thống hối chân thành vì đã phản bội Thầy của Phêrô xưa và chìa khóa nước Trời được Chúa trao cho ông luôn hiện diện và mở toang nước Trời cho những ai chân thành sám hối.

Noi gương như Phêrô, người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sự sám hối sau khi phản bội Thầy; như Phaolô nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài..., và chỉ một lần ngã ngựa đớn đau, ông đã gặp gỡ Ngài và đời ông biến đổi theo thánh ý Thiên Chúa và trở nên mạnh mẽ trong đức tin.

Ý lực sống:
“… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”(2Cr 12, 10).

-----------------------------

 

29/6-110:  2 phản ảnh đẹp về Chúa Giêsu


--Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

A- Phân tích (Hạt giống...)

 

Đoạn này cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu: 1. Mức độ của dân chúng: nếu chỉ thấy 29/6-110


Đoạn này cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu:

1. Mức độ của dân chúng: nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một tiên tri thôi.

2. Mức độ của Phêrô: được ơn Chúa soi sáng, Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo”của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa (cc. 21-23)

3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ: hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào:

- Coi Ngài là một tiên tri. Do đó tôi chỉ liên hệ với Ngài để xin ơn?

- Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ?

- Sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài?

2. Chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá: khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ bị quay nhìn về các biến cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin kitô trong từng phút giây cuộc sống. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

3. Ngày kia, hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quí nhất. Các nghệ sĩ Ai cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.

Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, hoàng đế cho trưng bày các tác phẩm tranh giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và Ai cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi hoàng đế nhìn vào ông thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đoạt giải nhất trong cuộc thi đó.

Sứ mệnh căn bản của mỗi Kitô hữu là hoạ lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.

Lạy Chúa, xin cho con biết kiên nhẫn đục đẽo tâm hồn và cuộc sống con để dung nhan Ngài giãi sáng qua mọi hành vi của đời sống con. (Hosanna)

4. Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16, 16)

Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao vấn đề, biết bao chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề cần sự can thiệp của tôi: kỷ luật trong lớp học, dàn hoà một cuộc cãi nhau hay một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo... Tôi chỉ biết suy nghĩ cách giải quyết này đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng. Vì chúng chỉ lẩn quẩn trong đầu tôi mà không thể đi tới hành động.

Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng khi chối Chúa 3 lần, ông đã không dám dấn thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết!

Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Người, để con mạnh dạn tuyên xưng Chúa bằng chính hành động của con. (Hosanna)

5. “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”(Mt 16, 18). cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cho Giáo Hội.

Khi xưa Chúa nói với Phêrô “Anh là Tảng Đá”. Hôm nay nghe lại đoạn Phúc Âm này tôi cảm thấy như Chúa nói với tôi.

Mỗi viên đá đều góp phần tạo nên nền móng cho ngôi nhà. Bé nhỏ, yếu hèn và bất lực, tôi lo sợ viên đá của mình có lúc sẽ vỡ tan. Đó là lúc tôi đánh mất chính mình trong bổn phận hằng ngày.

Lạy Chúa, xin cho con được vững vàng và can đảm hơn, để con thực sự là viên đá hữu dụng trong tay Chúa (Hosanna)

-----------------------------

 

29/6-111: Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô


--Lm Giuse Đinh Tất Quý

 

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ trọng thể kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. I. Trước 29/6-111


Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ trọng thể kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

I. Trước hết là Thánh Phêrô

Chẳng cần phải nói dài anh chị em cũng có thể thấy được rằng Phêrô là một trong ba môn đệ, nói đúng hơn trong ba Tông đồ được Chúa ưu ái một cách đặc biệt hơn những tông đồ khác. Ông được Chúa cho tham dự vào hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa.

Tính tình ông nóng bỏng, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh.

Nói về ông, người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của Ông. Đó là việc ông đã chối Chúa. Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về cái biến cố này: “Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến 'dzụ' ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt”. Lý do, ông viết tiếp: “Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột”Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.

Tuy nhiên bên cạnh những cái không tố đó chúng ta lại thấy nơi Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ông để rồi qua đó ông đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa khi Chúa đã đặt ông làm nền tảng Giáo Hội.

Đầu tiên chúng ta phải nói về lòng quảng đại. Tin Mừng ghi thật rõ, vừa khi được Chúa gọi ông nhanh nhẹn bỏ điều mà sau này ông 'kể công' với Chúa là tất cả mọi sự.

Bên cạnh lòng quảng đại chúng ta còn thấy ở nơi Ông một đức tin chân thành.

Đàng khác trên con đường theo Chúa ông còn có một đức tính hiếm hoi này mà những người khác ít ai có được đó là lòng gắn bó keo sơn với Chúa. Sau Phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa có giảng một bài giảng về bánh hằng sống. Bài giảng đó đã đánh dấu một khúc quặt mới trong cuộc đời công khai của Chúa.

“Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời.”

Nhưng đức tính mà tôi cảm phục nhất trong cuộc đời của Ông đó là lòng khiêm nhường. Sách Tu đức gọi đức Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức. Đôi khi người ta cũng còn gọi đức khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Đọc trong Kinh Thánh tôi thấy ít nhất có ba lần ông đã biểu lộ sự khiêm nhường rất cụ thể như thế này.

Lần thứ nhất đá là khi Chúa cho các ông bắt được một mẻ cá lạ. Trong khi các môn đệ khác chỉ có thái độ cầm chừng thì Phêrô đã đến quì trước mặt Chúa và thưa vó Người: “Lạy Thầy, xin tránh xa con ra vì con là một người tội lỗi”Ông ý thức được cái thân phận yếu đuối của mình trước sự hiện diên của Chúa.

Lần thứ hai là khi Chúa quở mắng ông một cách thật nặng lời nhưng ông không một chút sĩ diện. Ông đón nhận tất cả như một bài học để ông sửa mình.

Lần thứ ba được ghi ở trong sách Tông đồ công vụ. Giữa Phêrô và Phaolô có sự bất đồng về việc những người Dothái trở lại. Phêrô đã cố gắng nhịn nhục để giữ được bầu khí hoà dịu giữa hai người.

2. Còn Phaolô

Tin Mừng không nói một câu nào về Ông.

Chúng ta chỉ được biết về ông sau khi Chúa Giêsu đã về trời.

Xét về con người của ông thì chúng ta thấy ông có nhiều điểm hơn hẳn Phêrô.

Ông là một con người có học thức - Là học trò của Giáo sư Kinh Thánh nổi tiếng Gamaliel.

Gia đình ông thuộc loại khác giả.

Đặc biệt ông là người có tước Công dân La mã

Ông không thuộc nhóm 12. Ông là một tông đồ sinh sau đẻ muộn nhưng là một tông đồ đặc biệt.

Ông xuất hiện không như một người về phe với Chúa, nhưng như một kẻ đối đầu. Tệ hơn, như một kẻ thù: Chúng ta còn nhớ thật rõ câu truyện ông tình nguyện đi Đamas để lùng bắt và tiêu diệt những người mang danh Kitô hữu.

Thế nhưng cũng chính từ cuộc lùng bắt những người Kitô hữu này Chúa đã chinh phục ông. Cuộc chinh phục rất đột xuất làm cho nhiều người cảm thấy như không thể tin được. Thế nhưng đó lại là công việc của Chúa.

Chúa chọn ông để sai ông đi rao giảng TM cho dân ngoại.

Muốn hiểu cuộc đời theo Chúa của Ông như thế nào chúng ta hãy đọc lại Sách Tông đồ công vụ và nhất là những bức thư nổi tiếng ông còn để lại.

II. Bài học

1. Uy quyền của Chúa.

- Chúa muốn làm gì làm.

+ Xét về nhiều phương diện thì Phêrô thiếu hẳn những đức tính của một người lãnh đạo thế nhưng Chúa đã chọn ông, đặt ông làm thủ lãnh của Giáo Hội. Đó là công việc của Chúa.

+ Phaolô cũng thế: Từ một kẻ thù Chúa đã biến ông thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những người theo Chúa mà giết đi. Chúa đã biến ông trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì người. Về phương diện trần thế chẳng khi nào chúng ta thấy được như thế.

2. Bài học về lòng yêu mến Chúa

+ Câu truyện tại bờ biển Galilêa sau khi Chúa sống lại. Phêrô đã tuyên xưng không phải đức tin, nhưng là lòng yêu mến của Ông.

+ Phaolô đã viết những lời thật cảm động sau đây: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo….Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay ciều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”(Xem 2 Tm 4, 6-8 Rm 8, 18-19.32.33.38.39)

3. Bài học về sự gắn bó và lòng trung thành đối với Chúa.

+ Nhìn lại cuộc đời theo Chúa của Phêrô chúng ta thấy ông đã sẵn sàng để cho Chúa uốn nắn, mài dũa ông như thế nào. Rất nhiều lần Chúa đã trách mắng ông, thậm chí có lần Chúa đã gọi ông là “Đồ Satan”, thế nhưng Phêrô vẫn luôn một lòng một dạ trung thành để rồi sau này ông có thể viết cho đoàn chiên Chúa trao cho Ông như thế này: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”(1Pr 1, 15) - Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. (1Pr 2, 9)

+ Còn đối với Phaolô thì chúng ta khỏi cần phải nói: Sau khi được Chúa kêu gọi trên con đường ông đi Damas, ông đã vào ẩn mình trong hoang địa. Ở đó Chúa đã tôi luyện ông để ông trở nên giống Chúa đến nỗi Ngài có thể tự hào: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Và Ngài khuyên những ai tin Chúa: “Anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người”. Vào cuối đời ông đã để lại những lời này cho người môn đệ yêu quí của ông: “Còn cha, cah sắp phải đỗ máu ra làm lễ tế. Đã đến giờ cha phải ra đi. Cha đã chiến đấu trong một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững được đức tin. Giờ đây cha chỉ còn đợi trông vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là vị Thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho cha trong ngày ấy và không phải chỉ cho tôi mà còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”

-----------------------------

 

29/6-112: Thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông đồ


--Lm Giuse Đinh Lập Liễm

 

Sau một thời gian giảng dạy và làm nhiều phép lạ, Đức Giêsu muốn biết người ta nghĩ sao về 29/6-112


Sau một thời gian giảng dạy và làm nhiều phép lạ, Đức Giêsu muốn biết người ta nghĩ sao về mình và Ngài cũng muốn hỏi các Tông đồ nghĩ sao về Ngài.

Dân chúng biết mù mờ về Đức Giêsu bởi họ không chú ý đến giáo huấn của Ngài. Lúc này đã gần đến giờ của Đức Giêsu, giờ Ngài sắp bước vào cuộc Thương khó – đỉnh cao của chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài muốn các môn đệ xác tín lập trường của mình, để các ông can đảm theo Ngài. Chúng ta cũng không thể biết Đức Giêsu là ai, nếu chúng ta không quan tâm học hỏi và khám phá. Không biết Đức Giêsu là một thiệt thòi lớn lao. Vì chỉ khi biết Đức Giêsu, chúng ta mới đạt được nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

Có nhiều câu trả lời về Chúa Giêsu: người thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó. Mọi câu trả lời đều nói lên phần nào sứ mệnh của Chúa, nhưng chưa đúng hẳn, tức là dân chúng chỉ coi Chúa Giêsu là một tiên tri, tức là một người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Thiên Sai, chứ chưa phải là Đấng Thiên Sai. Vì thế, chỉ với câu trả lời của ông Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu mới hoàn toàn bằng lòng, tức là ông Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Thiên Sai. Quả thực, tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống là diễn tả được cả sứ mạng lẫn con người của Ngài.

Lời đáp trả của Phêrô quả là một lời tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô” tức là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên chúng ta thấy, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với giấc mơ chung của các ông, thì Đức Kitô mà các ông mong đợi là Đấng sẽ đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh.

Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Đức Kitô Cứu Thế mà không chấp nhận con đường thập giá, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là khước từ con đường Thập giá. Do đó, khi Phêrô can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Ngài đã gọi Phêrô là Satan.

Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và được Ngài khen là người có phúc. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết như thế được. Cũng như bao người Do thái khác, Phêrô mong đợi một Đấng Kitô như là một vị vua trần thế nắm quyền lực chính trị, giải phóng Israel khỏi ách thống trị Rôma, làm bá chủ thế giới. Nhưng đường lối của Chúa thì khác, con đường hiến thân phục vụ: “Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người”(Mc 10, 45) (5 phút Lời Chúa).

Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Đấng Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Đức Kitô cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài. Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của các ông. Tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Đức Kitô.

Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Đấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất chương trình cứu rỗi loài người. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải được tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: “Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô”(Mỗi ngày một tin vui).

Truyện: Ý nghĩa của một bức tượng

Nhà điêu khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một bức tượng của Chúa Giêsu bằng cẩm thạch. Trong hai năm đầu, bức tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của mình và hỏi em bé rằng:

- Ai đó?

Em bé tức khắc trả lời:

- Một vĩ nhân.

Nhà điêu khắc buồn và nghĩ rằng, công khó của mình trong hai năm kể như đã hỏng. Ông tiếp tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé khác vào phòng vẽ và hỏi:

- Em biết bức tượng này là ai không?

Sau khi nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt tràn ra đôi mi, em khẽ nói:

- Hỡi những con trẻ đau khổ hãy đến cùng ta!

Nhà điêu khắc thoả mãn, thành công về tác phẩm của mình. Nhà điêu khắc Dannecker sau đó đã tuyên bố:

- Tôi đã thấy Chúa Cứu Thế Giêsu và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức tượng Ngài bằng cẩm thạch này.

Sau đó ít lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu cầu nhà điêu khắc tạc cho hoàng đế bức tượng nữ thần Vệ Nữ để trưng bày trong viện bảo tàng Louvre, Paris. Hoàng đế hứa sẽ trả cho ông một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker từ chối. Ông nói rằng: “Một người đã thấy Đấng Kitô và đã tạc vẽ mặt của Ngài rồi, thì không thể dùng nghệ thuật của mình vào những việc ở đời này được nữa, bởi vì làm như thế là tục hoá nghệ thuật của mình mất rồi”.

-----------------------------

 

29/6-113: Hồng Ân Đức Tin


--Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

LÊ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ (Mt 16, 13-19)

 

Ngày 29 tháng 6 hàng năm là ngày dành riêng cho hai vị thánh tử đạo Phêrô và Phaolô Tông Đồ 29/6-113


Ngày 29 tháng 6 hàng năm là ngày dành riêng cho hai vị thánh tử đạo Phêrô và Phaolô Tông Đồ, chúng ta long trọng cử hành Đại Lễ Kính Các Ngài là nền tảng của Hội Thánh sơ khai, và đức tin của người kitô hữu, vì “Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin”; “Phaolô, là người làm sáng tỏ đức tin”(Kinh Tiền Tụng).

Là Tông Đồ của Chúa Giêsu, và là nhân chứng tiên khởi, nên Hai Thánh đã sống những khoảnh khắc đầu tiên và chứng kiến sự lớn mạnh của Giáo hội, đồng thời đã đổ máu đào để chứng tỏ lòng trung thành với Chúa Giêsu. Chúng ta, những kitô hữu ở thế kỷ XXI, có thể là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian giống như Hai Tông Đồ và nhiều người khác nữa.

Trong Huấn từ đầu tiên của Ðức Thánh Cha Phanxicô, ngỏ lời với các hồng y năm 2013, ngài nói “Chúng ta phải bước đi, xây dựng và tuyên xưng”Không Tuyên Xưng Ðức Kitô Chịu Ðóng Ðinh, thì Không Phải Môn Ðệ của Người. Chúng ta có thể đi như chúng ta muốn, chúng ta có thể xây dựng rất nhiều điều, nhưng nếu anh em không tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô, thì có điều gì sai? Chúng ta sẽ trở thành một cơ quan hỗ trợ cho tổ chức phi chính phủ (NGO), chứ không phải Hội Thánh, là Hiền Thê của Chúa.”

Vì thế câu hỏi “Người ta bảo Con Người là ai?”Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ về nguồn gốc của chính mình. Trong số người đương thời, có kẻ cho Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrêmia, hay một tiên tri nào đó (x. Mt 16, 13-19).

Đối với Phêrô, vị ngư phủ miền Galilê, Chúa Giêsu đòi hỏi một hành động về đức tin của chính mình và ông đã không ngần ngại tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16, 16). Ngay lập tức, Chúa Giêsu nói với ông: “Phêrô, con là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”(Mt 16, 18) và trao cho ông chìa khóa nước Trời, đặt ông làm Thủ lãnh các Tông Đồ, cùng với quyền tối thượng.

Đức Kitô, Con Thiên Chúa có nghĩa là Đấng được xức dầu làm Ngôn Sứ, Vương Đế và là Mục Tử chăn dắt Israel. Trên miệng của Phêrô, tước hiệu Đức Kitô chứa đựng ý tưởng toàn năng. Các môn đệ nhìn chung đều nghĩ rằng, Chúa Giêsu đến để tái lập Vương Quốc Israel, Người sẽ dùng quyền năng đánh đuổi quân Rôma, đưa người Do thái lên thống trị. Vì thế, khi Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16, 16), là ông nghĩ tới một Đức Kitô vinh quang, thống trị toàn năng, chiến thắng mọi kẻ thù.

Câu hỏi về căn tính của Chúa Giêsu không đơn giản là câu hỏi điều tra, tín điều hay là chú giải Kinh Thánh, cũng không phải là câu trả lời cho những người đến hỏi Chúa Giêsu hoặc tìm xem Kinh Thánh nói gì về Chúa. Đây là một câu hỏi về đời sống! Toàn bộ lịch sử, Kinh Thánh hoặc tín điều chúng ta nói về con người Chúa Giêsu, chúng ta chỉ là mình khi biết chấp nhận đi trên đường Chúa đã chỉ cho. Tin Mừng mạc khải dần dần cho chúng ta về căn tính đích thực của Đức Kitô để dẫn chúng ta tiến về Giêrusalem cách khải hoàn, cùng lúc soi sáng tâm hồn chúng ta và dạy cho chúng ta biết rằng, ta chỉ có thể nhận biết Chúa Giêsu nếu chúng ta để Chúa biến đổi đời ta.

Những trang tiếp theo của Tin Mừng thuật lại, Chúa Giêsu ba lần loan báo cuộc thương khó rằng Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị giết chết. Nhưng các môn đệ không hiểu, không tin vào những gì sắp xảy đến. Đối với họ, Đức Kitô chịu khổ nạn là không thể, hình ảnh Đức Kitô vinh quang khác với hành động của Người. Họ không thể đón nhận Đức Kitô đau khổ thay vì vinh quang. Vì thế, ngày hôm nay phải là ngày tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đức tin chúng ta được loan báo bởi hai cột trụ của Giáo hội là thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Đức tin này đã thắng thế gian, vì đức tin ấy tin và tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Cho dù Phêrô hay những người kế vị đã được trợ giúp bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, vẫn cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, vì nhiệm vụ của các ngài thật cao cả tuyệt vời đối với đời sống của Giáo hội: Các ngài phải là nền tảng vững chắc cho tất cả các Kitô hữu ở mọi nơi mọi thời; Thế nên, chúng ta phải cầu nguyện hàng ngày cho Giáo hội, cho Đức Thánh Cha.

Những ngày lễ về hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô trong năm nhắm đến khía cạnh khác, nhưng hôm nay 29 tháng 6, chúng ta chiêm ngưỡng điều cho phép chúng ta gọi là “những người đầu tiên loan báo đức tin”: thông qua cuộc tử đạo của Hai Thánh, và lời tuyên xưng của Các Ngài. Lời tuyên xưng ấy không phải xác thịt hay khí huyết mặc khải cho Phêrô về Chúa Giêsu, nhưng là Chúa Cha Đấng ngự trên trời (x. Mt 16, 17). Tương tự như vậy, việc phát hiện ra Chúa Giêsu là “một trong những người bị bắt bớ”, ngay cả đối với Saolô, thực sự mở ra ân sủng của Thiên Chúa. Trong cả hai trường hợp, nhu cầu tự do con người đòi hỏi hành động của đức tin dựa trên tác động của Chúa Thánh Thần.

Đức tin của các Tông Đồ là đức tin Giáo hội, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Kể từ khi Phêrô tuyên xưng tại Caesarea Philiphê, “mỗi ngày, toàn thể Giáo hội, chính thánh Phêrô nói: 'Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Saint Lêô Cả). Từ đó cho đến nay, tất cả các Kitô hữu ở mọi nơi mọi thời nam phụ cũng như lão ấu, thuộc các nền văn hóa khác nhau đều tuyên tuyên xưng cùng một đức tin như thế với sự khải hoàn.

Lạy thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, chúng con cám ơn Hai Đấng vì hồng ân đức tin mà Các Ngài đã rao giảng và sống, đồng thời truyền lại cho chúng con. Amen.

-----------------------------

 

29/6-114: Thí mạng vì Thầy


--Logos năm A

 

Vào đầu thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantinô cho xây sáu vương cung thánh đường đầu tiên tại 29/6-114


Vào đầu thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantinô cho xây sáu vương cung thánh đường đầu tiên tại Rôma. Nếu có năm thánh đường cùng quay mặt về hướng Đông theo như  kiểu các đền thờ lúc bấy giờ, thì riêng đền Thánh Phaolô ngoài bờ tường phía Đông thành phố lại xoay về hướng Tây, đối diện với Đền thánh Phêrô. Đây rõ ràng là một chủ ý trong kiến trúc, như muốn để cho ánh mắt của hai vị Tông đồ bao trùm toàn thể kinh thành của Giáo Hội, đồng thời muốn làm nổi bật ý nghĩa cuộc đời của hai vị thánh đã cùng chung tay dựng xây Giáo Hội, cùng chung lời làm chứng cho Đức Kitô, và giờ đây chắc chắn vẫn chung lời cầu bầu cho toàn thế giới.

Trong lòng Giáo Hội: đá tảng và cột trụ

Ngày Simon được đổi tên thành Phêrô chính là ngày Chúa Giêsu chính thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Giáo Hội. Không còn tên riêng quen thuộc của người ngư phủ, nhưng đã có một tên mới hàm chứa vai trò phải đảm trách cho cả một công trình. Việc xây dựng đã bắt đầu, nhưng diễn biến không hề đơn giản, khối đá còn quá “non”, còn đầy dấu vết của con người (x. Mt 16, 21-23), còn chưa đủ sức đương đầu với gió bão (Mt 14, 30), và thật không ngờ, đã có lần viên đá tảng đó như bị xê dịch khỏi vị trí (Ga 18, 26), và đích thân Đức Kitô phục sinh đã phải ba lần nhấc khối đá lên để đưa trở về đúng chỗ. Đó là chưa kể lần Phêrô phải hỏi Đấng đang vác Thánh giá đi ngược chiều với mình: “Quo vadis?”Cuối cùng, vì vẫn giữ được độ bền của lòng mến, nên “tảng đá”ù đã làm cho người kỹ sư trưởng yên tâm (x. Ga 21, 15-17). Phêrô đã không mất lòng tin, và khi trở lại đã làm cho các anh em nên vững mạnh (x. Lc 22, 31).

Nhưng công việc có quá nhiều đòi hỏi, nên không chỉ một mình Phêrô, cũng không chỉ nhóm Mười Hai đáp ứng được tất cả nhu cầu của công trình đồ sộ mà Đức Kitô muốn thiết lập. Trên nền móng Đức Tin, Giáo Hội còn cần đến những cây cột trụ vững chắc cho giáo lý Tin Mừng luôn phải được loan báo. Trên đường Đamas, Đấng đã tìm thấy Tảng Đá, nay như mới phát hiện một khối cẩm thạch vừa ý. Một cú đập khá mạnh tay rõ ràng là cần thiết để tách Saulô ra khỏi khối núi Lề Luật mà ông đã gắn bó từ lâu, một ánh chớp phải lóe lên để đưa người đồ đệ của Biệt phái ra khỏi bóng mây Cựu ước để có thể nhận ra ánh sáng mới, một câu hỏi được gửi tới để bắt con người nhiệt tình này phải suy nghĩ về điều ông đang làm, và ẩn trong tất cả những gì vừa xảy ra, đó là tiếng gọi của chính Đấng mà ông đang truy bắt. Khi đứng dậy, con người Saulô đã chuyển sang hướng khác.

Trong ngày lễ hôm nay, hai thánh Phêrô và Phaolô nhắc cho chúng ta một điều quan trọng trong đời, đó là dành cho Chúa quyền sử dụng cuộc đời của chúng ta. Phần chúng ta, hãy thưa “vâng”khi nghe tiếng Chúa gọi mời và nhiệt thành cộng tác vào công trình dựng xây Giáo Hội, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình. Hãy dùng tình yêu để biến chính mình thành hạt cát, viên sỏi, hòn gạch để góp phần vào công trình cứu thế.

Giữa lòng thế giới: nhà truyền giáo và người qui tụ

Ước vọng của vị kiến trúc sư là thiết kế một Giáo Hội cho mọi người mọi nơi mọi thời, nên công trường không chỉ là Giêrusalem hay Rôma nhưng là cả thế giới ngút ngàn của cánh đồng truyền giáo. Để xây dựng Giáo Hội, Đức Kitô cần đến cả Phêrô lẫn Phaolô. Một Phêrô như dấu chỉ của Giáo Hội tông truyền và thánh thiện, một Phaolô như thừa tác viên của Hội Thánh duy nhất nhưng công giáo trong mọi dị biệt từ muôn dân.

Trong khi Phêrô dựng xây các cộng đoàn cho người Do thái, thì Phaolô xoay bước về phía dân ngoại (x.Cv 13, 46). (Có thể đó cũng là lý do để tên gọi Saulô bằng tiếng aram quá cá biệt đã được thay bằng tên Phaolô hy lạp dễ hội nhập hơn với thế giới đang cần gặp gỡ). Nếu như Phaolô là nhà truyền giáo ra đi không ngưng nghỉ để Tin Mừng cứu độ được loan xa đến tận cùng thế giới, thì Phêrô là hình ảnh của một đoàn Dân có cùng một đức Tin, một phép Rửa và một niềm hy vọng.

Trong cùng một tình yêu của Đấng đã kêu gọi và “thúc bách”các Tông đồ, chúng ta cũng muốn, cùng với Phêrô, “tiến lại gần Đức Kitô”, để trở nên “những viên đá sống động xây nên ngôi Đền thờ thiêng liêng”(1P 2, 4.5), cùng với Phaolô, bước thật gần bên Chúa vì “không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến của Đức Kitô”(Rm 8, 35) và đi thật xa để qui tụ muôn loài về cho Thiên Chúa.

Trước mặt muôn dân: hai con người nói chung một lời chứng

Theo truyền thuyết, hai thánh Phêrô và Phaolô, trước ngày tử đạo, đã có dịp gặp lại nói lời từ giã nhau trong một nhà ngục gần Đền Thánh Phaolô ngoại thành hiện nay. Sống không cùng một nơi và làm việc không cùng một trách vụ nhưng cả hai đều biết mình chỉ là “tôi tớ và tông đồ”của cùng một Ông Chủ (x. 2P 1, 1 và Rm 1, 1). Rao giảng không cùng một cách thế, nhưng cả hai đều biết mình chỉ nói về một Người (x. 2P 3, 15). Chết không cùng một ngày, không chịu cùng một hình khổ, nhưng cả hai chỉ có chung một lời chứng, lời chứng rực sáng của những ngọn đuốc soi giữa lòng thế giới, lời chứng trung thành của những người thuộc về Đức Kitô, lời chứng kiên cường của những người môn đệ muốn theo Thầy đến bất cứ nơi nào Thầy đã đi, lời chứng cao cả nhất của những cái chết vì người mình yêu mến. Ở Rôma, người ta vẫn tin rằng, khi Phaolô bị chém, đầu của Ngài đã nẩy lên ba lần trên mặt đất, khơi chảy ba dòng suối (Tre Fontane) như muốn giữ mãi kỷ niệm cái chết của người mang ba quốc tịch: Do thái, Rôma và Nước Trời.

Khi bắt Phêrô treo vào cây thập tự dựng trên sườn đồi Vatican, khi ra lệnh chém đầu Phaolô bên ngoài tường thành Rôma, hẳn hoàng đế Nêron chỉ nghĩ là mình vừa giết được hai thủ lãnh của nhóm kitô hữu bất trị. Chắc chắn những kẻ hành hình không ngờ rằng mình vừa giúp hai vị Tông đồ hoàn tất cử chỉ cuối cùng của cuộc đời dành cho Thiên Chúa và Giáo Hội.

Tôn vinh người cầm chìa khóa Nước Trời và người luôn mang theo những lá thư chất chứa Tình Yêu, Ân sủng và Hiệp thông, chúng ta xin cho được một cõi lòng rộng mở trước lời gọi của trời cao. Cử hành ngày lễ mang màu đỏ hồng của dòng máu tông đồ tử đạo, chúng ta xin cho biết yêu mến điều các ngài tuyên xưng và sống điều các ngài giảng dạy. Mừng kính nền Đá và Trụ cột của Giáo Hội, chúng ta muốn cảm nếm hạnh phúc của những kẻ tí hon đang được ở trên vai những người khổng lồ trong cuộc hành trình từ trần gian về đến quê trời.

-----------------------------

 

29/6-115: Sống đức tin theo gương 2 thánh Phêrô và Phaolô


--Lm Vinhsơn Trần Minh Hòa

1. Hai chứng nhân sống động về đời sống đức tin.

 

Trong kinh tiền tụng lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, Hội thánh dạy rằng: Thánh Phêrô là người29/6-115


Trong kinh tiền tụng lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, Hội thánh dạy rằng: Thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin. Thánh Phêrô thiết lập Hội thánh tiên khởi cho người Israel, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân.

Thực vậy, các bài đọc phụng vụ hôm nay đã làm sáng tỏ đức tin của hai chứng nhân tông đồ này. Trước hết, Sách Công vụ ghi lại thời kỳ Hội thánh sơ khai bị bách hại. Thánh Giacôbê là anh của Gioan bị chém đầu và thánh Phêrô bị bắt bỏ tù (x. Cv 12.1-2). Dầu bị thử thách như thế, thánh Phêrô vẫn không lung lạc đức tin. Thánh nhân một mực tin tưởng vào Chúa. Niềm cậy trông và tin tưởng ấy của thánh Phêrô đã đạt được kết quả bất ngờ. Thánh nhân đã được Chúa giải thoát khoải lao tù một cách hết sức nhiệm mầu. Chính biến cố được giải thoát ấy làm cho thánh Phêrô thêm niềm tin vào Chúa và ngài đã thốt lên rằng: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hê-rô-đê, và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu”(Cv 12, 11).

Kế đến, tại vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, thánh Phêrô còn biểu lộ một đức tin mạnh mẽ và cá vị. Trong khi các tông đồ khác lúng túng chưa trả lời Chúa Giêsu là ngôn sứ hay là Êlia, thánh Phêrô đã mạnh mẽ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (x. Mt 16, 16). Danh xưng Con Thiên Chúa là chân lý được thiên thần Gápriel tuyên báo trong ngày truyền tin cho Đức Maria (x. Lc 1, 35) và Chúa Giêsu đã mạc khải trong những lần rao giảng. Trong thời gian Chúa Giêsu rao giảng và làm phép lạ, có một số người tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Mt 14, 33, Lc 8, 28, Ga 11, 27, Mt 27, 54) nhưng chưa minh nhiên xác quyết. Ngược lại, rất nhiều người không chấp nhận và xem danh xưng đó là lời phạm thượng (x. Ga 10, 36, Ga 19, 7). Vì thế, lời tuyên xưng của thánh Phêrô về căn tính của Chúa Giêsu là tuyên xưng đức tin đầu tiên và lời tuyên xưng đó góp phần củng cố đức tin cho các tông đồ khác. Thánh Phêrô thật có phúc khi tuyên xưng chân lý ấy cách chính xác, bởi ngài đã được Chúa Cha mạc khải (x. Mt 16, 17).

Với thánh Phaolô, lời tuyên xưng đức tin của ngài là những lời loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu phục sinh và một đời sống trung tín với Chúa Giêsu đến cùng. Thánh nhân đã tin vào Chúa Giêsu đến độ chọn Chúa Giêsu là lẽ sống cho cho đời của ngài: “Tôi coi tất cả mọi sư là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô (Pl 3, 8). Thánh nhân đã sống chết cho Chúa Giêsu (x. Pl 1, 21) và không ai, không thử thách nào có thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, dù cho đó là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo (x.Rm 8, 35). Tình yêu Đức Kitô đã thúc bách thánh Phaolô loan báo Tin Mừng và thánh nhân đã sống một đời chứng nhân để tuyên xưng đức tin. Những lời tâm sự cuối cùng với Thimôthê đã cho thấy thánh Phaolô đã sống hết mình cho đức tin của mình: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”(2Tm 4, 6).

2. Sống đức tin theo gương hai thánh Phêrô và Phaolô

Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đã trở nên những cột trụ đức tin trong Hội thánh. Gương sáng của hai ngài mời gọi các tín hữu sống đức tin trong cuộc sống hôm nay. Với những lo toan cơm áo gạo tiền, các tín hữu được mời gọi dành cho Chúa một chỗ trong đời sống của mình. Không vì những của cải chóng qua mà họ quên đi hạnh phúc vĩnh cửu trên trời, không vì lợi ích quá nhỏ ở trần thế này mà họ quên đi mối lợi tuyệt vời là Đức Kitô.

Bằng những giờ kinh tối đều đặn và sốt sắng, bằng hành vi thờ phượng khi lãnh nhận các các bí tích, và tham dự các thánh lễ chúa nhật cách sinh động và trang nghiêm, các gia đình Công giáo đang loan báo cho người khác rằng họ tin vào Thiên Chúa và Đấng Ngài sai đến là Đức Kitô. Chính sức mạnh của Chúa tác động, các tín hữu sống chứng nhân giữa đời.

Trong khi nhiều gia đình khác bất hòa, ly dị, các gia đình người Công giáo vẫn luôn trung thành trung thủy với nhau đến cùng và không có một thử thách nào có thể tách mối dây hôn phối của các gia đình Công giáo. Tình yêu vợ chồng trong các gia đình rập theo khuôn mẫu của Đức Kitô và Hội thánh. Vợ chồng luôn biết hy sinh những sở thích riêng để giúp nhau được hạnh phúc. Chính khi vợ chồng vợ chồng Công giáo sống yêu thương nhau theo mẫu gương của Đức Kitô yêu thương Hội thánh, họ đang họa lại cách sinh động tình yêu của Đức Kitô và Hội thánh. Trong khi sự gian dối xảy ra nhiều nơi, trong nhiều môi trường, các cha mẹ Công giáo luôn dạy cho con cái sống trung thực và thực hành sự trung thực ấy trong gia đình, trường học, công sở…

Có thế, từng người trong các gia đình Công giáo đang trở nên những chứng nhân sống động cho Chúa Kitô và minh chứng đức tin của mình. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ hôm nay, ước mong mỗi tín hữu trở nên những chứng nhân đức tin trong gia đình, trong trường học và mọi môi trường của cuộc sống.

-----------------------------

 

29/6-116: Nền tảng và cột trụ xây tòa nhà nhà giáo hội


--Jos.Vinc. Ngọc Biển

(Cv 12, 1- 11; 2Tm 4,6-8. 17-18; Mt 16, 13-19)

 

Ngày 29-06 hằng năm được chọn là ngày lễ kính trọng thể hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai29/6-116


Ngày 29-06 hằng năm được chọn là ngày lễ kính trọng thể hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai vị Tông đồ được mừng chung một ngày. Đây là điều đặc biệt. Tuy nhiên, cuộc đời, ơn gọi và sứ vụ của hai vị hoàn toàn khác nhau. Các ngài được Giáo Hội tôn vinh như là nền tảng và cột trụ của Giáo Hội.

Bởi vì, Phêrô được đặt làm người lãnh đạo Giáo Hội. Phaolô là người bảo vệ Giáo Hội bằng khả năng nghiên cứu và lời rao giảng.

Tuy đường lối và tính tình khác nhau, nhưng các ngài đã cùng nhau vươn tới mục đích, đó là xây dựng sự hiệp nhất và loan báo ơn cứu chuộc cho mọi người.

Vì thế, mỗi khi mừng lễ hai vị thánh đặc biệt này, chúng ta lại có dịp tìm hiểu nhiều hơn về thân thế, con người và sự nghiệp của các ngài để noi gương và bắt chước.

1. Hai con người, hai khởi điểm

Trước tiên, chúng ta cùng nhau khám phá con người và ơn gọi cũng như sứ vụ của Phêrô:

Nói đến Phêrô, chúng ta nghĩ ngay đến sự kiện Đức Giêsu đi dọc bờ Biển Galilê và gọi bốn môn đệ đầu tiên, Phêrô là một trong 4 môn đệ đó.

Chỉ một lời mời gọi: “Hãy theo Thầy”, ông đã để lại đằng sau mọi sự để đi theo Ngài. Vì làm nghề chài lưới, nên Phêrô được biết đến như là một người bình dân học vụ. Chính từ việc xuất thân rất bình thường này đã hé mở cho chúng ta biết tính cách của ông. Ông là một người bộc trực, nóng nảy và hay thay đổi. Ông cũng là một con người thiếu lập trường, và nhát đảm. Điều này dễ hiểu, vì: xuất thân từ nghề ngư phủ, nên ông phải thăm dò và nương theo mực nước biển lên xuống để hành nghề, nên nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách của ông.

Từ khi được chọn làm môn đệ, ông được Thầy Giêsu rất ưu ái. Vì thế, ông được nằm trong số 3 môn đệ thân tín với Đức Giêsu và được diễm phúc chứng kiến những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Ngoài ra, Phêrô còn được biết đến qua những biến cố như: dám cả gan ngăn cản Thầy lên Giêrusalem để chịu chết. Ông cũng là người duy nhất can đảm đứng lên đại diện anh em tuyên tín Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống. Phêrô cũng rất anh hùng khi dám vung gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế đến bắt Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu.

Đỉnh điểm, đó là vụ “scandal” trối Thầy tới 3 lần vì sợ bị liên lụy. Cuối cùng, chính là việc Đức Giêsu đã tin tưởng Phêrô và đã trao cho ông sứ vụ lãnh đạo là đứng đầu Giáo Hội.

Kết thúc hành trình tại thế, Phêrô đã dùng chính cái chết qua việc bị đóng đinh ngược để bảo về chân lý Tin Mừng và niềm tin vào Thầy Giêsu.

Thứ đến, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cuộc đời, ơn gọi và sứ vụ của Phaolô:

Ngược lại với Phêrô, toàn bộ Tin Mừng không nói gì về Phaolô. Nhưng sách Công Vụ Tông Đồ thì gần như nói về ngài và các cuộc hành trình truyền giáo của ngài nhiều nhất.

Cũng như Phêrô, nếu người ta biết đến vị lãnh đạo Giáo Hội với cái vụ “scandal” là trối Chúa, thì Phaolô được biết đến với sự hung ác đến tàn bạo khi sẵn sàng ra tay giết hại các Kitô hữu.

Sự kiện làm cho Phaolô biến đổi không phải là hành động nhẹ nhàng qua ánh mắt của Chúa như với Phêrô, mà là một cú ngã ngựa đau điếng dẫn đến việc bị mù.

Mặt khác, Phaolô không được diễm phúc sống cùng thời với Đức Giêsu và được ngài dạy dỗ như nhóm 12. Tuy nhiên, Phaolô lại được đặc ân là gặp gỡ trực tiếp với Đấng Phục Sinh là chính Đức Giêsu Kitô.

Trước khi được biến đổi, Phaolô được biết đến là một con người trổi trang về thế giá. Ngài xuất thân từ một gia đình thượng lưu, nên ngay từ nhỏ, đã được cho ăn học đàng hoàng, vì thế, khi lớn, Phaolô là một người học thức sâu rộng. Kiến thức Kinh Thánh của Phaolô rất uyên thâm vì được học cùng bậc thầy Kinh Thánh nổi tiếng là Gamaliel.

Trước khi được Chúa hoán cải, ông là một người đối đầu với các Tông đồ, với những người tin Chúa. Nói chung, ông ghét cay ghét đắng danh Giêsu và cả những ai tin Ngài.

Biến cố ghi dấu trong cuộc đời của Phaolô, chính là việc ngã ngựa lịch sử. Chính nhờ sự kiện này mà Phaolô được tẩy rửa thói kiêu căng để nhường chỗ cho sự khiêm nhường.

Sau này Phaolô đã trở thành nhà truyền giáo lừng danh cho dân ngoại.

Cuối cùng, để minh chứng hùng hồn về những gì đã rao giảng, ngài đã chấp nhận chết để bảo vệ chân lý và danh Đức Giêsu.

Điểm qua cuộc đời của hai vị thánh lớn trong Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính để thấy được rằng: lòng thương xót của Thiên Chúa đã rợp bóng trên các ngài và chính bản thân các ngài đã cảm nghiệm được tình thương kỳ diệu của Thiên Chúa, nên đã ra đi loan truyền lòng thương xót ấy cho người khác.

2. Cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa để xót thương

Nhờ tình yêu của Đức Giêsu đặc biệt trên cuộc đời của các ngài, nên cuộc đời của Phêrô và Phaolô đã được khép lại đã khép lại quá khứ với đầy điển tích tội lỗi và ngu muội để thay vào đó là Ánh Sáng Tin Mừng của Đức Giêsu. Chính từ đây, hai Tông đồ đã trở thành những người tiên phong trong việc loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại.

Thật vậy, chính do tình thương, mà Thiên Chúa đã biến đổi:

Từ một Phêrô đã từng bị gọi là Satan. Một Phêrô đã từng phản bội. Một Phêrô hèn nhát, nay trở thành người củng cố đức tin cho anh em, trở thành người lãnh đạo Giáo Hội và điểm quy chiếu để hội tụ mọi thành phần dân Chúa.

Một Phaolô hiểu Kinh Thánh cách phiến diện. Một Phaolô với tính khí hung ác tàn bạo, sẵn sàng vung những nhát gươm sáng nhoáng để giáng xuống trên đầu những người tin vào Giêsu, thì nay, một Phaolô hiền lành, nhân hậu và xót thương đến hết mọi người. Nhờ ơn Chúa, ngài đã trở thành cột trụ của Giáo Hội ngang qua những kiến thức sắc bén bênh vực Giáo Hội.

Có thể nói: cuộc đời của hai vị không thiếu những màn đêm tội lỗi nặng nề. Các ngài đã phạm vào những tội tầy trời như trối Chúa và bách hại đạo. Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa đã hoán cải khiến các ông được đổi mới và trở thành những chứng nhân của Tin Mừng.

3. Sứ điệp và bài học của ngày lễ

Mừng lễ hai thánh Tông đồ hôm nay, chúng ta học được những bài học giá trị như sau:

Trước tiên là niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, vì: “Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được”.

Thứ đến, là lòng yêu mến Chúa tha thiết. Chính thánh Phêrô đã thốt lên: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”, còn với Phaolô: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô” (x. 2 Tm 4,6-8).

Cuối cùng là bài học về sự trung thành với Chúa. Cả hai đấng đều trung thành với Chúa cách tuyệt đối khi sẵn sàng chấp nhận bị bắt bớ, đòn vọt và chấp nhận ngay cả cái chết để bảo vệ niềm tin của mình vào Chúa và Tin Mừng của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con lòng yêu mến Giáo Hội, biết cộng tác với những người lãnh đạo chúng con để cùng nhau xây dựng Giáo Hội của Chúa nơi trần gian như gương của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô khi xưa. Amen.

-----------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây