Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 23 TN hôm nay (Mt 18, 15 -20), tưởng chừng là vấn đề đơn giản, nhưng TN 23-A201
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 23 TN hôm nay (Mt 18, 15 -20), tưởng chừng là vấn đề đơn giản, nhưng thật không giản đơn. Bởi vì, nó là mầm họa cảu “chiến tranh”, chúng ta thừơng nghe nói :” Chén đĩa trong chạn cũng khua nhau , huống chi là con người “. Vâng, vì thế, sống chúng với nhau , cùng gia đình, cùng khu xóm, cùng mái trường, cùng công sở, cùng giáo xứ, cùng dòng tu, cùng chủng viện, không môi trường nào thiếu vắng sự bất hòa, có chăng là ít, hay nhiều mà thôi. Vì vậy, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một chủ đề là “Sửa lỗi anh em”, và “Hiệp thông cầu nguyện”.
Vâng, vấn đề thật là khó, nhưng chính Chúa Giêsu day cho chúng ta, vậy chúng ta cứ theo Lời Chúa mà làm.
Nhân thế cũng thường nói :”Qúa tam ba bận”, cái gì cũng vậy, chỉ có ba lần thôi. Nếu chúng ta làm đủ ba lần, thì coi như “hết trách nhiệm”, hay nói nôm na là “hết cách” , hay hết thuốc chữa”. Vì, ở đời là :”Nhân vô thập toàn”. Tuy nhiên, khi người mắc lỗi, thường là họ “bị lầm”, tức sai lầm, vì lần lẫn , nên “trót “ phạm, đây là bước thứ nhất, “trót “ phạm, khi trót phạm, mà có người khác nhắc nhở, mà họ biết nhận ra, thì thật là quá tốt. Bước thứ nhất, đầy bác ái, tức là họ “lỡ” phạm, không cố tình, chúng ta đừng vội chỉ trích, hay kết án.
Nhưng, nếu họ không nghe mình, thì lúc đó, mình mới đi nói với một hai người nữa để họ làm chứng. Và làm cho vấn đề đó minh bạch hóa ra , đừng che đậy nữa. Nhưng, nếu người ấy cũng không nghe, thì mình đi thưa Hội Thánh. Nếu, nó không nghe Hội Thánh, thì kể như không có người ấy.
Vâng, giải pháp xử lý theo Chúa Giêsu, thật là hoàn hảo và nhân từ, không có chiến tranh. Vì , kẻ lầm lỗi là người “ mù quáng”, bởi vì họ mù , họ mới làm trái. Sự bao dung của chúng ta, làm cho họ tỉnh ngộ, nhận ra “lỗi lầm” và sửa chữa. Vì, “lỗi” bao giờ cũng đi với “lầm”, vì “lầm “ mà mắc “lỗi”, vâng, từ ngữ Việt Nam rất phong phú, Chúa Giêsu cũng dựa trên sự “hợp lý” “hợp tình” giống như ngôn ngữ tiếng Việt.
Mặc nhiên, không phải ai cũng nhận ra lỗi lầm ngay, vì, khi mắc lỗi là có tác động của thế lực ma quỷ, tác động của tà thần xúi giục, chứ không phải do chính mình.
Theo đó , Lời Chúa hôm nay, tuy ngắn, nhưng có ba phần:
Phần thứ nhất : Sửa lỗi anh em ( c 15 – 17) Phần thứ hai : Chúa trao quyền cho Giáo hội ( c 18) Phần thứ ba: Hiệp thông cầu nguyện ( c 19 -20) Vâng, phần thứ hai, là phần mà Chúa nhắc lại câu “trao quyền “ cho thánh Phê-rô, quyền tối thượng thay mặt Chúa ở trần gian là : “Quyền“ của Hội Thánh. Tiếng nói của Hội Thánh là tiếng nói sau cùng.
Nhưng, giải pháp “tuyệt hảo” là “cầu nguyện “, cầu nguyện trong sự hiệp thông, làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp, bởi vì ơn Chúa sẽ xuống trên sự hiệp thông. Điều nầy làm rõ nghĩa ý thứ nhất. Bởi vì, khi hiệp thông cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ nối kết “tình huynh đệ” lại với nhau. Thiên Chúa không muốn chia rẽ, nhưng muốn hiệp nhất.
Vì vậy, khi làm việc cho Chúa, dứt khoát không nên chia rẽ, làm việc vì Chúa, cho Chúa, là công việc của Chúa, theo đó, người ta thường nói : “ Chọn Chúa, chứ không chọn công việc của Chúa”. Vâng, thưa quý vị, nếu phần thứ nhất của Lời Chúa hôm nay cho chúng thấy sự “mắc lỗi” của anh em, là một sự “phiền phức”, thì phần thứa ba, là một giải pháp “hoàn hảo”, bởi vì : “Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân Danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” ( c 20).
Như vậy, phần thứ ba hôm nay ( c 19 -20) là phần đáng suy niệm, bởi vì, chúng ta cầu nguyện một mình, Chúa không thích bằng cầu nguyện chung. Đó là giờ kinh Phụng Vụ, Thánh Lễ, hay chia sẻ Lời Chúa.Thiên Chúa thích “cái chung”, bởi vì, có nhiều người chúc tụng Thiên Chúa, thì lời cầu nguyện càng đáng giá. Đây chính là Công giáo tính, có nghĩa tinh thần Công giáo. Nói như vậy, không có nghĩa, cầu nguyện cá nhân không tốt, bởi vì , cầu nguyện cá nhân mang tính thiểu số, nhưng, Thiên Chúa cũng dựng nên cộng đồng bằng bởi từng cá nhân. Cá nhân xây dựng cộng đồng thì tốt, cá nhân xây dựng cho riêng mình thì không tốt. Như, câu tục ngữ của xã hội : ” mình vì mọi người, chứ đừng bắt mọi người vì mình”.
Có ai đó đã nói : “ Thiên Chúa muốn cứu rỗi hết mọi người, chứ Thiên Chúa không cứu rỗi những ai chia rẽ thiếu liên kết”.
Bài Đọc II hôm nay (Rm 13, 8 -10) thánh Phao-lô nói :” Yêu thương là chu toàn lề luật” . Thật vậy, “ Khi bạn không có oán thù, thì bạn sẽ có niềm vui.”.
Công thức phục vụ của mẹ Teresa Calcutta là :” Thinh Lặng sinh ra Cầu Nguyện
Cầu Nguyện sinh ra Đức Tin Đức Tin sinh ra Tình yêu Tình Yêu sinh ra Phục Vụ Phục Vụ sinh ra Bình An”.
Theo đó, cũng có thể hiểu, muốn không có xung đột, thì “hãy phục vụ” vô vị lợi.
Như vậy, Thinh lặng chính là đầu mối Bình An. Vâng, đấy là tâm tình của một vị thánh lớn, còn thánh Teresa Hài Đồng, thì :” Khi bạn nhặt một cọng rác , vì lòng yêu mến Chúa Giêsu, dâng lên cho Người sự hy sinh nhỏ bé ấy, cũng đủ để cứu một linh hồn.”
Khởi đi từ bài đọc I hôm nay (Ed 33, 7 -9), không phải chúng ta thấy thấy kẻ ác làm điều ác, mà làm ngơ, lúc đó Chúa sẽ hỏi tội chúng ta. Như vậy, Chúa giao trách nhiệm rất lớn cho người có trách nhiệm, nếu làm ngơ trước cái sai, cái xấu, thì người đó phải trả lẽ trước mặt Chúa. Nhưng , nếu răn dạy nó, mà nó không nghe, thì người lành vô can.
Tháng 06 vừa qua, tại Giáo Phận Xuân Lộc, chúng ta thấy,vấn đề thuyên chuyển Linh Mục chánh xứ, tại một giáo xứ nọ, vì quá “yêu mến” cha xứ của mình, mà giáo dân làm phiền lòng Đức Giám Mục. vâng, Đức cha đã thể hiện đúng mức vai trò mục tử của mình. Đây, cũng là lần đầu tiên trong sứ vụ giám mục của ngài, nhưng, nhờ ơn Chúa, và tài khéo léo căn cứ vào Lời Chúa hôm nay, vị giám mục đã an bài tốt đẹp.
Theo đó, chúng ta thấy, hiệu quả của Lời Chúa như thế nào : “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng giọi đường con đi ” ( Tv 118) là như thế.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đường, là Chân Lý, là Tình Yêu, xin cho chúng con biết noi theo hầu khỏi lạc lối ./. Amen.
Con người yếu đuối lầm than, Mê say sắc dục, dối gian ở đời. Xét mình tội lỗi trong đời,Tội trong TN 23-A202
Con người yếu đuối lầm than, Mê say sắc dục, dối gian ở đời. Xét mình tội lỗi trong đời, Tội trong tư tưởng, nói lời gian ngoa. Làm sao kết nối giao hòa? Bao nhiêu hành động, mù lòa lạc sai. Ghen tương thù hận chê bai, Nói hành nói xấu, công khai hại người. Chúa khuyên sửa dậy từng lời, Trước là kín đáo, mở lời khuyên răn. Âm thầm chỉ dậy can ngăn, Không nghe từ chối, tận căn giúp người. Hai người góp ý gọi mời, Sửa sai giải quyết, đẹp đời biết bao. Cứng lòng bất chấp ra sao, Cộng đoàn giúp đỡ, ngọt ngào bảo ban. Lắng nghe hối cải hiền ngoan. Trở về xum họp, hân hoan cả nhà. Nơi nào tụ họp hai, ba, Có Thầy ở giữa, mưa sa phúc lành.
Chúng ta là con người yếu đuối và tội lỗi. Ai trong chúng ta cũng là người có lỗi lầm. Có nhiều cách để sửa lỗi. Chúng ta có thể xét mình dựa vào các giới răn, luật lệ và những lời khuyên bảo và góp ý xây dựng
Khi tự biết mình sai, chúng ta có thể sửa sai. Tự chúng ta nhận biết lỗi và sửa lỗi mình thì dễ hơn. Nhưng để người khác sửa lỗi, đôi khi chúng ta khó chấp nhận. Chúng ta là con cháu của Adong và Evà mà. Nhớ khi xưa, Thiên Chúa hỏi tội Adong, ông đã đổ tội cho bà Evà và Chúa hỏi tội bà Evà, bà lại đổ tội cho con rắn. Đổ lỗi cho người khác đó là yếu điểm của con người. phản ứng tự nhiên, trước hết để bảo vệ thanh danh và tiếng tốt của mình, chúng ta từ chối. Ít khi chúng ta muốn nhận sự sai trái về phía mình.
Muốn sửa lỗi anh em, trước hết hãy tìm hiểu nguyên do trước khi quy lỗi. Chúng ta cần có sự hiểu biết rõ ràng với lòng thành và sự tôn trọng. Rồi gặp gỡ riêng tư để đối thoại và góp ý. Anh em sửa lỗi nhau trong âm thầm và kín đáo. Người có lỗi dễ dàng nghe và sửa mình. Đôi trường hợp, với ý không ngay lành, chúng ta lại muốn bêu diễu, hạ thấp uy tín, gây tổn thương và xúc phạm. Đừng khi nào đem truyện của anh em làm quà cho người khác nói là yêu thương xây dựng. Điều này khó thuyết phục người anh em nhận và sửa lỗi.
Để sự sửa lỗi có sức thuyết phục, chúng ta cần cầu nguyện. Chúa phán: Nơi đâu có hai ba người tụ họp nhau cầu nguyện nhân danh Chúa, Chúa sẽ ở giữa họ. Góp ý và sửa lỗi luôn luôn đi với sự cầu nguyện. Nghĩa là, có Chúa hiện diện giữa chúng ta. Trong gia đình, vợ chồng và con cái hay trong nhóm nhỏ tụ họp cầu nguyện, Chúa sẽ ở giữa họ và họ có thể hòa giải dễ dàng. Xin Chúa chiếu dọi vào tâm trí của chúng con sự hoàn thiện của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con đều là tội nhân, nhưng lại muốn người khác xem là công chính. Xin cho chúng con biết can đảm nhìn nhận lỗi lầm của chính mình để biết sửa sai và hòan thiện hơn mỗi ngày. Xin Chúa thương nâng đỡ tâm hồn yếu đuối của chúng con.
Nếu quan tâm tới đức thảo hiếu, hẳn chúng ta đã có lần nghe đến câu ca dao: đố ai đếm được vì TN 23-A203
Nếu quan tâm tới đức thảo hiếu, hẳn chúng ta đã có lần nghe đến câu ca dao: đố ai đếm được vì sao, đố ai đếm được công lao sinh thành. Biết bao người được xem là có đức có tài, nhưng họ vẫn cho là họ chưa đủ bình tĩnh, rất cần được an ủi khích lệ, ít nhiều gì thì lời nói, suy nghĩ, tự thâm tâm mỗi người đang cho thấy: nhân vô thập toàn. Thánh Phaolô lưu ý chúng ta, anh em đừng mắc nợ ai, ngoài việc phải yêu mến nhau, và thánh nhân đã quả quyết: vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật. (Rm 13, 8). Trong đối nhân xử thế, tiền nhân vẫn lưu ý con cháu: một sự nhịn, chín sự lành. Quảng đại, tha thứ, cảm thông, nhường nhịn nhau, đó vẫn là những cụm từ cần thiết để xoa dịu mọi khổ đau, hỗ trợ nhau sống chữ tình, chữ hiếu.
Chữ tình mà thông thường người đời hay nói tới, đó là tình vợ chồng, tình cha nghĩa mẹ: duyên hội ngộ, đức cù lao ; bên tình bên hiếu, bên nào trọng hơn. (Nguyễn Du). Thực ra, cuộc sống còn có tình huynh đệ, tình làng nghĩa xóm chi phối, cũng từ việc quan tâm đến chữ tình chữ hiếu, người ta sẽ thấy rõ hơn như thế nào là thiếu trách nhiệm, sống chưa tốt, chưa đúng, chưa đẹp. Trong đời sống thiêng liêng, tội lỗi là nguyên nhân đưa đến sai phạm: mâu thuẫn vợ chồng, vô ơn với bậc sinh thành, căng thẳng, mất tình nghĩa anh chị em, và không thể trung thành với giáo huấn của Thiên Chúa. Chỉ khi con người được trưởng thành trong đức tin, người ta mới biết cầu nguyện đúng, sống đầy đủ đức công bình, sống thật cao đẹp đức ái.
Chữ tình mà Thiên Chúa mong chờ theo phụng vụ hôm nay, đó là tinh thần trách nhiệm, dù làm thầy, là cha mẹ, là người có khả năng, phải nhắc bảo, sửa lỗi, giúp nhau trở nên thánh thiện trước Thiên Chúa và tha nhân. Có thể trong đời sống tự nhiên, chúng ta sẽ không dám “làm thầy thiên hạ, không dám lên mặt dạy đời anh chị em mình”, vì nhiều lý do tế nhị, đúng thế, nếu ta chưa đủ ý thức sống trách nhiệm và chưa dám sống đức yêu thương của Chúa. Đồng ý là con người bất toàn, chúng ta đầy khiếm khuyết tội lỗi trước nhan Chúa, nhưng nếu đợi khi là thánh rồi mới nhắc bảo sửa lỗi cho con cháu, người thân của mình, e rằng cơ hội đó không có.
Chắc chắn điều hợp lý mà người ta chấp nhận được, đó là không phải đợi đến lúc giầu ăn không hết rồi mới làm việc bác ái, chia sẻ giúp người thiếu ăn thiếu mặc. Cũng không thể đợi đến lúc anh chị em mình sắp tắt thở rồi mới khuyên họ sám hối tội lỗi. Điều đẹp lòng Chúa, chắc chắn là khi ý thức sống “tốt đạo đẹp đời”, mỗi người hãy lấy tình bác ái để giúp nhau, sửa lỗi cho nhau, trong tinh thần khiêm tốn, tin tưởng vào ơn Chúa tác động. Chúa Giêsu đã hé mở hy vọng cho chúng ta: “nếu hai người trong các con ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó”. Kinh nghiệm thực tế, tuy chúng ta chưa là thánh, nhưng chúng ta cũng có điểm tốt, vì thế, sửa lỗi, bổ túc giúp nhau trở thành con cái Nước Trời, đó là bổn phận, là nghĩa vụ của người tin theo Chúa.
Nếu nhiều người chúng ta đã từng lý sự theo kinh nghiệm: cha mẹ sinh con, trời sinh tính, hẳn chúng ta cũng nên cân nhắc câu nói đầy ý nghĩa của tiền nhân: mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn. Thân xác, linh hồn, thơ dại, trưởng thành, hiện tại hoặc tương lai, Thiên Chúa luôn tạo cho con người có cơ hội, có tinh thần trách nhiệm với bản thân, với quỹ thời gian, con người không thể quên sống chữ tình, chữ hiếu. Sửa lỗi cho người anh chị em, cũng là ý thức để sửa lỗi cho mình, có trách nhiệm với bản thân, cũng là đang sống trách nhiệm với người thân quen bằng tình yêu thương mà giáo huấn của Chúa gợi mở.
Một tình yêu đích thực không thể “phớt lờ” đi chữ tình, chữ hiếu, đối với đấng bậc sinh thành và anh chị em, một người tốt đạo không thể chỉ có hình thức trang trọng bên ngoài mà thiếu tính chất đẹp bên trong. Được gọi là kitô hữu, không thể chỉ biết vì dấu, đọc kinh, đến nhà thờ, nhưng còn phải biết thể hiện niềm tin, sống mến Chúa yêu người, biết giữ tâm hồn trong sạch, thì cũng phải biết giúp đỡ anh chị em mình cùng nên thánh thiện. Chỉ sống chữ tình, mà bỏ qua chữ hiếu, ai dám tự hào là mình đức độ ; biết yêu mình, mà làm ngơ trước nhu cầu cần được chăm sóc yêu thương của anh chị em, liệu có đáng gọi là tôi đang sống đạo làm người, đạo làm con Chúa không ?
Nếu chúng ta đã từng nghĩ: có qua, có lại, mới toại lòng nhau, có thể ta đã khám phá ra ơn gọi làm con Chúa không thể là đơn lẻ, cá nhân, “nếu anh em người lỗi phạm, hãy đi sửa lỗi nó…”, kẻ được ơn Chúa, thì cũng phải sống ơn Chúa ban. Đứng trước hành vi tội lỗi của người anh chị em mà ta nhìn nhận được, điều đẹp lòng Chúa phải là chân thành yêu thương, cậy trông vào sức mạnh của lời cầu nguyện để chia sẻ, giúp đỡ nhau quay trở lại với tình yêu Chúa. Sống chữ tình là sống đức yêu thương, sống chữ tình không phải chỉ là sống tình vợ chồng, tình gia đình, chính xác hơn, sống chữ tình, là đang sống tình Chúa và đang sống tình người. Có thể ảo tưởng về con người hoàn thiện của mình là sai, chắc chắn làm ngơ trước sai trái, tội lỗi của anh chị em mình, rồi sống co cụm khép kín, từ chối yêu thương giúp họ lại càng sai hơn. Xin tình yêu Chúa giúp chúng ta biết khiêm tốn, đừng cậy dựa vào tâm lý hiểu biết của mình, nhưng luôn cậy trông tin tưởng vào tác động của ơn Chúa ban, hầu chúng ta đáng được gọi là con cái Chúa. Amen.
Bài Tin Mừng hôm nay (CN.XXIII/TN-A – Mt 18, 15-20) trình thuật Lời Đức Giê-su dạy các TN 23-A204
Bài Tin Mừng hôm nay (CN.XXIII/TN-A – Mt 18, 15-20) trình thuật Lời Đức Giê-su dạy các môn đệ về vấn đề sửa lỗi cho nhau trong cách xử thế: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18, 15-17). Về vấn đề sửa lỗi anh em, sẽ có hai trường hợp xảy ra: hoặc người anh em nghe lời mà tỉnh ngộ nhận ra sai lầm của mình, hoặc cũng có thể người được sửa lỗi không nhận ra khuyết điểm, thậm chí còn chống đối lại.
Khi đã “kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”, thì cũng kể như là buông xuôi, mặc cho kẻ có lỗi ra sao thì ra, không còn để ý tới nữa. Tâm lý thông thường người đời cũng vậy, và nếu đã như thế thì tại sao tiếp liền theo đó, Đức Giê-su lại dạy: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 18, 18)? Bình tâm đọc lại bài Tin Mừng, vấn đề sẽ sáng tỏ ngay. Vâng, trước hết phải xét cho kỹ xem có thật là người anh em mình phạm lỗi hay không. Khi đã thấy đúng sự thật, lúc đó mới tới sửa lỗi và chỉ nên có “một mình anh với nó mà thôi”. Tại sao lại thế? Đó chính là một cách giao tế khôn khéo, một cách phê bình tế nhị, phê bình để giúp anh em nhận ra sự sai sót của mình mà sửa đổi. Còn nếu chưa gì mà đã lu loa, mồm năm miệng mười, đòi công khai hoá lỗi phạm của người ta, thì dù cho người bị phê bình có thật sự sai phạm, họ cũng chẳng chịu nhận. Không những thế, coi chừng người phê bình sẽ bị “lỗ mũi ăn trầu”. Hãy tuần tự nhi tiến, nếu bước một không kết quả, thì bước 2 sẽ nhờ cộng đoàn hỗ trợ (“căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”). Đã có nhân chứng để tăng thêm phần thuyết phục, mà họ vẫn không nghe ra, thì đành phải trình với Hội Thánh (Giáo quyền) giải quyết vấn đề. Đến như thế, mà người anh em vẫn ngoan cố không chiu nghe, thì đành chỉ còn một nước “bó tay chấm com” (“botay.com”), “kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18, 17).
Tiếp liền lời dạy sửa lỗi anh em, Đức Ki-tô tiếp tục dạy “Hiệp lời cầu nguyện”. Đọc lướt qua thì tưởng chừng như 2 vấn đề trong bài Tin Mừng hôm nay (“Sửa lỗi anh em”, “Hiệp lời cầu nguyện”) chẳng ăn nhập gì với nhau; nhưng suy nghĩ cho kỹ sẽ thấy tuy là 2 vấn đề có hai chiều hướng khác nhau (một bên là “nói với anh em”, còn một bên là “nói với Chúa”), nhưng chúng vẫn gắn liền với nhau. Vấn đề “Sửa lỗi anh em” tưởng chừng như đã bị bó tay, không còn lối thoát, thói thường thì hay bị buông xuôi. Tuy nhiên, cũng đừng vội nản chí, bởi vẫn còn một cứu cánh cuối cùng là bàn tay của Chúa (Chúa Thánh Thần). Muốn được vậy, thì tất nhiên phải biết “nói với Chúa”. Chúa đã từng dạy “Yêu thương cả kẻ thù”, huống hồ đây cũng là người anh em của mình dù đã sai lỗi và ngoan cố không chịu sửa đổi. Vậy thì hãy “cầu nguyện” cho họ. Đắc sách nhất trong trường hợp này là hãy “hiệp lời cầu nguyện” cho người anh em phạm lỗi, bởi “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18, 19-20).
Ba đặc tính của cộng đoàn Ki-tô hữu “sửa chữa cho nhau, cầu nguyện cho nhau, cầu nguyện với nhau” luôn gắn kết chặt chẽ với nhau như câu ca dao Việt Nam khẳng định: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Cầu nguyện cho nhau thì tương đối dễ thực hiện, cầu nguyện với nhau khó hơn vì phải đồng tâm nhất trí, nhưng sửa chữa cho nhau là điều khó hơn cả. Sửa chữa lỗi lầm cho nhau không phải và không thể là phê bình bới lông tìm vết, là xét đoán, kết án nọ kia, mà đòi hỏi phải thực sự xuất phát từ “món nợ Tình Yêu”, như lời Chúa trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” (Rm 13, 8-10).
Sai lỗi là vi phạm Lề Luật, thì khi “sửa lỗi cho nhau” chính là chu toàn Lề Luật vậy. Vâng, trang trải thoả đáng được “món nợ Tình Yêu” (“cho đi”), thì kết quả thu được (“nhận về”) sẽ thật mỹ mãn. Tóm lại, đừng vội làm phê bình gia, làm quan tòa, khi chưa lấy được cái xà trong mắt mình. Hãy nhìn lại mình mà “sửa mình” trước, nhiên hậu mới “sửa lỗi anh em”. “Sửa mình” tất nhiên là một trách nhiệm bất khả thay thế, nhưng “sửa lỗi anh em” cũng phải được coi là một trách nhiệm bất khả từ nan. Cũng bởi vì “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (Bài đọc 1: Ed 33, 8-9).
Khi đã ý thức được tất cả đều là con cái của Thiên Chúa mà Trưởng Tử chính là Đức Giê-su Ki-tô, đã hiểu được tất cả đều là anh em (“tứ hải giai huynh đệ”), thì dứt khoát phải yêu người như yêu chính mình (“ái nhân như ái thân”). Nói tóm lại, người Ki-tô hữu phải coi lời dậy “Người phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Người phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22, 36-38; Mc 12, 30-31) là kim chỉ nam, là đường lối duy nhất và nền tảng của Giáo hội Công giáo. Bản thân mình sai lỗi, ao ước được Thiên Chúa thứ tha như thế nào, thì cũng phải ao ước cho người anh em sai lỗi cũng được tha thứ như vậy. Chỉ có như thế mới hy vọng “cứu được mạng sống mình” và được Trưởng Tử Giê-su dang rộng vòng tay đón vào cõi phúc.
Ôi, lạy Chúa! Con khao khát được Chúa tha thứ mọi lỗi phạm của con với Chúa và với anh em; đồng thời con cũng khao khát Chúa sẽ nghe chúng con hiệp lời cầu nguyện cho những anh em của chúng con đã lỗi phạm cùng Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài, món nợ tương thân tương ái” (x.Rm 13,8)
Nói đến mắc nợ ai cũng sợ. Nợ đây là nợ tiền. Nợ tiền mà không trả là có chuyện. Sẽ bị la, bị mắng TN 23-A205
Nói đến mắc nợ ai cũng sợ. Nợ đây là nợ tiền. Nợ tiền mà không trả là có chuyện. Sẽ bị la, bị mắng, bị đánh đập, bị xiết nhà, bị phát mãi, bị thanh lý. Mượn tiền, vay tiền mà không trả đúng hẹn người ta sẽ tính tiền lời, tiền lãi. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, riết tiền lãi gấp mấy lần tiền nợ gốc. Vả lại, mượn tiền mà không trả còn là một sự bất công, bất hợp pháp.
Người mà không mắc nợ gì ai thì thật là thoải mái, sống khỏi phải lo, khỏi phải sợ. Để được vậy, có bao nhiêu thì ta làm bấy nhiêu, sau này ta sẽ khếch trương thêm, đừng có ham to làm lớn. Vì càng làm to, làm lớn bao nhiêu thì càng lỗ to, lỗ lớn bấy nhiêu. Hoặc có bao nhiêu thì mình xài bấy nhiêu, đừng có đua đòi cho bằng chị, bằng em hay bằng người ta làm chi, kẻo phải đi vay, đi mượn mà mắc nợ chi cho khổ. Nhà có chỗ ra chỗ vào; có công ăn việc làm hằng ngày và có của ăn hằng ngày dùng đủ là tốt rồi; có một mái ấm gia đình là hạnh phúc rồi, không cần phải có nhà lầu xe hơi; không cần phải cao lương mỹ vị; không cần phải làm giám đốc, có nhiều tiền mới được. Cứ không mắc nợ ai là hạnh phúc nhất trên đời.
Thế nhưng, có một thứ nợ mà ta phải nợ, theo thánh Phao-lô đó là NỢ TÌNH. Nợ gì thì trả đó. Nợ tiền thì trả bằng tiền. Có khi nợ tiền trả bằng “tình” cũng được. Nhưng nợ tình không trả bằng tiền được. Vì tình không mua hay đổi bằng tiền được. Nợ tình phải trả bằng tình mới được. “Nợ tình” ở đây là “yêu người”, mà người ta gọi nôm na là “Nợ đời”.
Khi ta yêu thương ai thì người đó mắc nợ ta. Mà mắc nợ thì phải trả, có nghĩa là người đó phải yêu thương lại ta. Người mà yêu thương ta, ta lại mắc nợ họ, nên ta phải trả, phải yêu thương lại họ. Cứ thế mà người ta yêu thương nhau. Tình yêu thương này không áp dụng cho tình yêu đôi lứa hay tình yêu nam nữ.
Mình yêu một người thì không có luật nào bắt người kia phải yêu mình cả. Tình yêu Nam Nữ là hoàn toàn tự do. Tình yêu đó chỉ thực sự là tình yêu khi cả hai bên cùng đồng tình, mới có hạnh phúc; mới có một tổ ấm; mới thành một gia đình; mới nên một xương một thịt được. Cho nên ai yêu thương một người mà bắt người đo phải yêu thương mình, phải lấy mình là một sự bất công, bất chính và bất nhân.
Tình yêu mà thánh Phao-lô nói đây là “Tình người”. Tình yêu này là “Yêu người như chính mình” (x.Rm13,9); là điều răn trọng nhất (x.Mt22,39). “Yêu người như chính mình là không làm hại ai”(x.Rm13,10). Điều đó được thể hiện quan các điều răn như: không được ngoại tình, không được giết người; không được trộm cắp; không được ham muốn,…
Mình có muốn người vợ hay người chồng mình đi ngoại tình không? Chắc là không chớ gì. Vậy thì ta đừng đi ngoại tình.
Mình có muốn người ta giết mình không ? Chắc là không chớ gì. Vậy thì ta đừng giết ai.
Mình có muốn người ta lấy tiền, lấy đồ gì của mình không ? Chắc là không chứ gì. Vậy thì ta đừng ăn cắp tiền hay lấy đồ của người khác.
Mình có muốn người khác ham muốn gì của mình không ? Chắc là không rồi. Vậy thì ta đừng có ham muốn gì của người ta.
Đó chính là yêu người thân cận như chính mình. “Mình không muốn người ta làm gì cho mình thì mình đừng bao giờ làm cho người ta”. Hoặc “Ta muốn người ta làm gì cho mình thì ta hãy làm cho người ta”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của tình người.(x. Mt7,12)
Nói tóm lại là, tình người, yêu người là không làm hại bất cứ ai. Yêu người như vậy là đã chu toàn lề luật của Chúa.
Trong tình yêu người này có một việc khó, có thể nói là rất khó, đó là việc sửa lỗi cho anh chị em. Mình thấy người anh em hay chị em của mình làm sai, làm quấy, mà vì yêu thương nên phải nói, phải góp ý. Vì nếu ta không nói, không góp ý thì ta sẽ mắc lỗi trước mặt Chúa. Chúa sẽ đòi nợ ta đấy.
Chúa nói: “Ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết, vì tội của nói. Nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại thì nói sẽ chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình”(x.Ed33,8-9).
Việc này rất khó vì cái tôi của người ta quá lớn, rất khó chấp nhận sai và sửa sai. Thường khi nghe đến việc đó là họ nổi điên lên ngay. Chỉ có những ai khiêm nhường thẳm sâu mới vui vẻ chấp nhận sai và sửa sai thôi.
Dầu vậy thì ta cũng phải nói, đó là bổn phận của ta, vì tình liên đới anh em một nhà, “tứ hải giai huynh đệ”; anh chị em cùng một Cha trên trời.
Vậy ta phải làm sao đây?
Như Đức Giê-su dạy trong bài Phúc Âm. Có ba giai đoạn cần làm. Trước hết chỉ riêng ta với người đó. Nếu họ nghe thì tốt; nếu họ không nghe thì cần thêm một hay hai người nữa. Nếu họ cũng không thay đổi thì đem trình lên Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà họ cũng không nghe thì coi như “hết thuốc” chữa, coi họ như không có.(x.Mt18,15-17)
Qua đó, nếu ta có góp ý với ai thì ta cũng làm đến lần thứ ba mà thôi. “Quá tam ba bận” mà. Nói đến lần thứ ba mà họ không nghe, coi như ta đành “bó tay”, coi như ta đã hết trách nhiệm; không nên nói nữa.
Ngày nay nhiều bậc ông bà, cha mẹ hay than van nói con cháu chúng chẳng nghe. Bảo chúng đi nhà thờ nhà thánh mà chúng chẳng đi gì, buồn quá. Các bậc ông bà, cha mẹ hãy nghe và áp dụng Lời Chúa hôm nay. Đối với con cháu từ một tuổi đến 17 tuổi, ta phải nói, phải dạy, có khi phải nghiêm khắc để dạy bảo chúng. Từ 18 tuổi trở lên hay đã lập gia đình, thì ta chỉ khuyên chúng thôi. Có chăng cũng đến lần 3 là cùng, đừng có nói nhiều; cũng đừng có lải nhải chi cho cực; rồi con cháu cũng bực. Tốt hơn hãy ầm thầm mà cầu nguyện cho chúng khi đi tham dự thánh lễ là được. Cứ âm thầm như thánh Mô-ni-ca ấy. Mấy chục năm trời ròng rã âm thầm khóc lóc mà không biết đến nào Augustino trở lại. Và vào một ngày đẹp trời Augustino đã trở lại và còn làm thánh lớn trong Giáo Hội nữa.
Các bậc ông bà, cha mẹ cũng hãy noi gương đó mà sống. Hãy luôn luôn cầu nguyện cho con cháu trong giờ cầu nguyện. Đó là việc bổn phận thứ nhất và quan trọng nhất. Đó chính là tình yêu thương nồng nàn nhất mà ta dành cho con cháu. Đó là tài sản quí báu nhất mà ta để lại cho con cháu đấy.
Đó là “cục nợ” của ta mà ta phải trả suốt đời của ta. Chúng mà nghe ta thì chúng là “cục cưng” của ta. Tuổi dạy bảo tốt nhất là từ khi tượng thai cho đến 7, 8 tuổi. Các bậc làm cha làm mẹ hãy chú ý mà dạo bảo chúng trong thời gian này, để sau này chúng dễ bảo và nên “cục cưng”, “cục vàng” của ta. Không thì chúng sẽ thành “cục nợ” của ta đấy.
Vậy Lời Chúa hôm nay cho ta biết, ta có một món nợ phải trả, phải chu toàn, đó là NỢ TÌNH. Ta đừng bao giờ làm hại người nào, nhưng hãy yêu thương, trân trọng và làm điều tốt cho nhau. Dù cho đó là việc sửa sai hay góp ý. Đó điều tốt nhất cũng là điều khó nhất mà ta phải làm cho anh chị em của ta; cho con cháu của ta, để họ nên thánh nên thiện chứ không lên lớp hay mạt sát. Có như thế ta mới nên thánh nên thiện và không bị Chúa đòi NỢ. A-men.
Ngạn ngữ Tây Phương có câu “lầm lỗi là bản tính con người” (errare est humanum, to err is human) TN 23-A206
Ngạn ngữ Tây Phương có câu “lầm lỗi là bản tính con người” (errare est humanum, to err is human). Còn ta thì có câu “nhân vô thập toàn.” Tức là thế nào cũng lầm lỗi. Vàng ròng mà cũng chỉ 4 số 9 (9999), chứ đâu có vàng 100, huống gì con người, thế nào cũng có lỗi.
Nhưng đứng trước lầm lỗi kẻ khác, trước thiếu sót của tha nhân, con người lại chia thành hai loại để đi đến hai cực : một là cực xa – hai là cực gần.
1. Cực xa : là ta chẳng để ý gì đến người khác cả. Nó muốn làm gì kệ nó. Mặc xác nó. Thái độ này người xưa gọi là Sống chết mặc bây, bây có linh hồn bây lo giữ lấy. Còn con người thời nay (thập niên 80, 90) gọi bằng tên có vẻ Tây : Markeno. Mặc kệ nó. Chủ nghĩa này, thái độ này ngự trị hầu hết ở thành thị. Đến độ nhà bên cạnh bị mất cắp, người trong nhà đó bị giết mà mình sát vách vẫn chẳng hay chẳng biết, huống gì là họ có lỗi này lầm kia ta đến để nhắc nhở họ. Vì thế ở sát vách mà vẫn cực xa.
Những người đó hãy nghe lại Bài đọc I trong Sách Ezekiel : Hỡi con người, Ta làm cho ngươi trở nên lính canh nhà Israel để ngươi loan báo cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại. Nếu ngươi không chịu nói, để họ bỏ đường tà qui chánh thì kẻ tội lỗi đó chết, Ta sẽ đòi máu nó ở nơi ngươi. Còn nếu ngươi đã nói rồi mà nó vẫn không cải tà sám hối thì nó chết trong sự gian ác, còn ngươi thì không sao cả.
Do đó, chúng ta là những tuần canh được Chúa đặt lên để gìn giữ linh hồn anh em.
2. Cực gần. Nhưng tuần canh cũng có nguy hiểm là đi quá sâu, canh quá sát, gác quá gần. Đây là hạng người “Cực gần” đối lại với “Cực xa” vừa nói trên kia.
Cực gần, là hạng người tò mò tọc mạch muốn biết hết chuyện nhà hàng xóm. Nhà họ có mấy con gà ; chân giường bốn cái lung lay cái nào mình cũng hay cũng biết. Người ta gọi hạng người này là kẻ “chõ mũi vào nhà người khác”. “xía mũi vào chuyện người ta”, dò xét từng hành vi tung tích của kẻ địch để rồi kiêm luôn nhân viên sở thông tin văn hóa loan báo cho cả làng. Hạng người “cực gần” này hay nấp ở thôn xóm. Hạng cực xa có hộ khẩu ở thành thị thì hạng cực gần có địa chỉ ở thôn quê. Vì canh chừng quá gần nên triết gia hiện sinh J.P. Sartre gọi người khác là hoả ngục của tôi. Hỏa ngục chính là người khác. Tôi là kẻ bị nhìn (regardé) mà không phải được nhìn để được nhìn nhận chăm sóc, mà bị nhìn bởi cặp mắt và suy nghĩ của người nhìn: nên cũng dễ bị bệnh chủ quan lệch lạc. Kinh Thánh đã nói đâu đó : Có ai đã đặt ngươi làm quan án trên dân đâu. Còn thư Giacôbê : “Ngươi là ai mà dám xét đoán tha nhân”.
3. Trung Dung. Cả hạng người “cực xa” lẫn lớp người “cực gần” đều không phải là mẫu người mà Chúa Giêsu muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Thái độ “trung dung” như quan niệm Đông Phương là đúng nhất, tức phải để ý, lưu tâm đến người và vẫn phải để người đó có trách nhiệm trên cuộc sống của họ nữa.
Bài Tin Mừng hôm nay chẳng những Chúa muốn nói điều đó, mà còn muốn chỉ dẫn chi tiết từng bước một trong việc sửa lỗi anh em. Vì thế bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu không có ý nói về người có lỗi mà nói về người sửa lỗi.
Con đường 3 bước mà người sửa lỗi phải đi theo có thứ tự ưu tiên như sau. Đúng ra là 3 phương án.
-Phương án 1 : Hai người với nhau thôi:
Nếu anh em ngươi phạm lỗi, hãy đi sửa dạy nó. riêng nó với ngươi thôi. Nếu nó nghe ngươi thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu thất bại, mới qua Phương án 2.
-Phương án 2 : thêm hai hay ba: Ta kêu thêm một hay hai người nữa để mọi việc được giải quyết êm đẹp. Thêm một, hai người không phải để gia tăng lời tố cáo mà là để, như kiểu chúng ta vẫn thường nói, “xin anh nói thêm cho một tiếng, xin chị khuyên can nó một câu, xin Sơ bảo nó một lời… . Ba mặt một lời có thể thuyết phục được hơn chăng ! Rồi nếu phương án này thất bại, ta có Phương án 3.
-Phương án 3 : trình với cộng đoàn. Tức là trình lên đại diện cộng đoàn, là “sửa lỗi trước đơn vị.” Mà nếu vẫn không thành công, thì, Phương án chót, hay đúng hơn không còn phương án nào khác, không còn trách nhiệm gì đến nó nữa. Xem họ như dân ngoại và thu thuế. Nhưng nên nhớ Đức Giêsu luôn coi trọng người ngoại và thu thuế ! Vì thế ta có thể nói, chỉ còn phương án phó thác người đó cho Chúa mà thôi !
Trong 3 phương án đó, ta phải ưu tiên phương án 1: giữa 2 người với nhau. Trong sách truyền thống các ẩn tu, người ta ghi rằng : Ngày kia, khi giám mục Ambonat đến thăm một làng nọ. Dân làng kéo đến tố cáo với giám mục về một vị ẩn tu trên núi: tu gì mà có một người nữ sống chung lén lút. Dân yêu cầu giám mục chấm dứt tình trạng đó. Giám mục nghe xong quyết định lên núi. Ngài đi đầu và dân chúng lũ lượt theo sau. Vị ẩn sĩ thấy rầm rập người tới thì hấp tấp bảo người nữ chui vào chiếc thùng gỗ trống để ẩn núp. Giám mục là người đến lều trước tiên. Ông bước vào và đưa mắt quan sát, quan sát vị ẩn tu lẫn túp lều, liền hiểu ngay. Giám mục đi thẳng tới thùng gỗ, ngồi lên đó và bình thản ra hiệu cho dân làng vào kiểm tra túp lều. Khi dân làng chẳng tìm đâu bóng dáng người nữ, giám mục liền nói : anh em hãy xin lỗi vì đã nghĩ không tốt cho vị ẩn sĩ đi.
Rồi chờ cho đến khi dân làng đã xuống hết, giám mục mới tiến lại người ẩn tu, nắm chặt tay ông, đưa đôi mắt nhân từ nhưng cương nghị và chậm rãi nói : “Hỡi người anh em, hãy giữ mình kẻo mất linh hồn.” Phương án 1 mà giám mục Ambonat đã thi hành, đúng là nhằm thực hiện Lời Chúa hôm nay.
Trong nghệ thuật sửa lỗi của nhau, các sách Học Làm Người cũng cho ta nhiều chỉ dẫn giá trị, như trong Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, đã chỉ cho ta 9 cách để sửa lỗi người mà không làm cho người phật ý. Như, khen trước một câu ; như làm sao như thể là họ tự thấy khuyết điểm của họ, chứ không phải do mình nói ; như sửa lỗi mà không làm mất thể diện… . Tóm lại, làm sao cho họ không phật ý. Mà họ không phật ý là họ sẽ sửa sai.
Đức hồng y Roncalli (sau là giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu nên suốt bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói : “Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được ngài ưu ái như thế ?” ĐHY chăm chăm nhìn bà rồi nói một câu Kinh Thánh, sách Sáng Thế : “Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo.”
Lạy Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy con nhiều điều. Điều trước hết là ai cũng có thể phạm lỗi để con không tự kiêu tự đại. Điều thứ hai là con cũng có trách nhiệm trên lỗi của kẻ khác để con biết tìm cách giúp người anh em sửa lỗi sửa sai, và điều thứ ba là đừng nóng vội đốt công đoạn trong việc sửa lỗi. Trước hết là phải giữa hai người với nhau mà thôi.
Nếu chúng ta chân thành nhìn vào chính con người của mình thì chúng ta nhận rõ ra con người của TN 23-A207
Nếu chúng ta chân thành nhìn vào chính con người của mình thì chúng ta nhận rõ ra con người của chúng ta có nhiều lầm lỗi. Nếu chúng ta nghi ngờ điều đó thì hỏi ngay chính người sống bên cạnh chúng ta hằng ngày thì sẽ nhận được câu trả lời chính đáng. Thật vậy là con người ai cũng có lầm lỗi. Thế nhưng thái độ và phản ứng của chúng ta trước lầm lỗi của chính mình và của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của chính mình, hay của bạn bè và những người thân thuộc trong gia đình thì chúng ta che chở, bình thường hóa, không chú ý tới hay không nhận lỗi. Đối với lỗi lầm của người khác chúng ta thường quan trọng hóa, bắt bẻ và không tha thứ.
Sửa lỗi của mình và của người khác, nhất là những người thân thuộc là việc khó vì nếu thiếu tinh thần tế nhị sẽ đưa đến sự kiện mất tin tưởng và đưa tới mất lòng, chia rẽ và thù oán. Chúng ta biết sửa lỗi người khác rất khó, và biết nhận ra và sửa lỗi mình thì lại càng khó hơn, vì không ai muốn nhận lỗi của mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình, thì cũng khó sửa đổi vì cái “tôi” quá lớn. Vì tự ái và tự cao nên chúng ta chú ý, dễ thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của chính mình. Như vậy, nói về vấn đề sửa lỗi của mình và của người khác là chuyện rất khó! Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh chị em, Ngài nói: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó.”
Chúng ta biết Chúa có lý do, có ý định khi sai bảo các môn đệ sửa dạy anh chị em lầm lỗi. Chúa yêu thương tất cả mọi người kể cả người tội lỗi, và Chúa muốn mọi người sống trong ân sủng của Ngài, vì vậy Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có trách nhiệm trong việc sửa lỗi cho người khác, nhất là những anh chị em sống trong cùng một cộng đoàn. Để thi hành bổn phận đó, Chúa đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa đổi có kết quả, đó là phải có sự tâm tình: quan tâm; tâm tình yêu thương; thái độ tôn trọng; tế nhị; kiên trì và sự cầu nguyện.
Thứ nhất, sửa lỗi với sự quan tâm. Chúng ta thấy Chúa nói: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm.” Vâng, người sai lỗi đó không phải là ai xa lạ. Đó là anh chị em, con cái, cháu chắt tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi, là một chi thể trong “Thân Thể Chúa Ki-tô.” Nếu lầm lỗi giống như một người bệnh, làm sao tôi không lo lắng, quan tâm, chạy chữa cho người thân của tôi được khỏi. Tôi không thể nào nhắm mắt làm ngơ để cho người thân của tôi sống trong đau khổ được. Thứ hai, sửa lỗi nhau trong tâm tình yêu thương chân tình, đó là, khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: lỗi của người anh chị em, nhiều khi cũng là lỗi của chính mình, và nhiều khi lỗi của mình còn nặng hơn của họ. Có thế, chúng ta mới dễ thông cảm và bao dung. Ngoài ra sửa lỗi trong những lời khuyên bảo nhẹ nhàng, kín đáo, đầy tình nghĩa trong sự yêu thương.
Thứ ba, sửa lỗi với thái độ tôn trọng. Khi sửa lỗi cho nhau mà thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn là những lời chỉ trích, đổ lỗi và kết án. Có sự khiêm nhường tôn trọng thì việc sửa lỗi sẽ trở nên nhẹ nhàng và tạo được niềm tin.
Thứ tư, sửa lỗi với sự tế nhị. Thông thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái: một là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ. Vì thế, nếu không tế nhị thì sẽ dễ dẫn đến thất bại, và đào thêm hố ngăn cách, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Thứ năm, sửa lỗi trong sự kiên trì. Thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình, vì thế, không phải là chuyện làm một lần là xong. Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âu-gút -tin con của ngài! Cuối cùng, sửa lỗi đi đôi với việc cầu nguyện. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.” Mọi chuyện sẽ trở thành “công dã tràng” nếu không biết cậy dựa vào ơn Chúa.
Chúng ta nên nhớ rằng trách nhiệm sửa lỗi là bổn phận của chúng ta nhưng kết quả là việc của Chúa. Tự chúng ta, vì cũng là những con người tội lỗi, chúng ta không có khả năng và sức mạnh để biến đổi hay thay đổi người khác. Chúng ta phải dựa và nhờ vào ơn Chúa qua lời cầu nguyện. Như thế việc sửa lỗi mới hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy bằng niềm tin vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
Thánh Phi-líp-phê Nê-ri, một ngày kia, muốn sửa lỗi cho một người đàn bà có tật hay nói hành, nói xấu người khác. Ngài bảo bà ta mua một con gà rồi làm cho nó chết đi. Sau đó đem con gà đó đến gặp ngài, với điều kiện là phải vặt hết lông con gà trên đường đi. Người đàn bà hơi thắc mắc, nhưng vì lòng yêu mến thánh nhân, nên cũng vui lòng làm như ngài dạy. Khi tới nơi, ngài không khuyên lơn điều gì cả, mà lại ra lệnh cho bà đó trở về, vừa đi vừa lượm lại cho ngài hết số lông con gà mà bà đã vứt bỏ ở dọc đường.
Chúng ta thừa biết phản ứng của người đàn bà này như thế nào khi nghe sự đòi hỏi của thánh nhân. Sau đó thánh Phi-líp-phê đã cắt nghĩa cho bà biết như sau: “Những lời nói xấu, vu oan, cáo vạ cho người khác khi ra khỏi miệng cũng sẽ nhanh chóng loan truyền từ tai người này sang tai người khác như vậy, nhất là những người sống trong một cộng đoàn, khó mà có thể thu lại được, chẳng khác gì phải thu lượm lại những cái lông gà của con vậy.” Rồi ngài nói thêm: “Còn khi muốn nói về một người nào làm khổ mình thì chỉ nên nói với Chúa mà thôi. Hãy cầu nguyện cho họ để qua ơn Chúa họ biết sửa lỗi.”
Ông bà anh chị em thân mến. Là những Ki-tô hữu sống trong một cộng đoàn dân Chúa, chúng ta được liên kết với nhau như những chi thể trong “Thân Thể Chúa Ki-tô.” Chúng ta ca tụng Chúa đã làm cho chúng ta những điều kỳ diệu. Xin Chúa đừng để cho những lỗi lầm của chúng ta gây ra những sự tranh chấp, mất mát và chia rẽ. Xin cho tất cả chúng ta biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, và trong tình yêu thương hiệp nhất, để xây dựng giáo xứ và làm sáng danh Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta ý thức mình cũng là những con người bất toàn, tội lỗi, cần đến ơn Chúa trợ giúp để sửa đổi, lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước. Đồng thời, xin cũng cho chúng ta ý thức rằng: Chúa luôn muốn chúng ta cộng tác với Chúa trong việc thánh hóa anh chị em bằng việc sửa lỗi và tha thứ cho nhau trong tình yêu thương, để đời sống của chúng ta mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn, xứng đáng là người con của Chúa, xứng với tình yêu và những ơn lành Chúa ban cho chúng ta.
Con người không sống đơn lẻ trên đời, nhưng sống với, sống cùng, sống nhờ và sống cho người TN 23-A208
Con người không sống đơn lẻ trên đời, nhưng sống với, sống cùng, sống nhờ và sống cho người khác. Khi ý thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra những giới hạn của bản thân, cùng với sự phụ thuộc của chúng ta vào người khác, đồng thời dễ dàng cảm thông với anh chị em, khi họ có điều không phải với chúng ta. Cuộc sống “công nghiệp” trong xã hội chúng ta như một vòng xoáy, trong đó, mỗi người chỉ sống cho riêng mình, ít quan tâm đến người khác, kể cả những người ruột thịt trong gia đình. Không ít những người già bị bỏ rơi, người bệnh tật bị quên lãng, và người nghèo phải chìm trong sầu khổ. Những người này vừa thiếu thốn vật chất vừa thiếu thốn tình cảm.
Khi có trách nhiệm đối với tha nhân, chúng ta có thể giúp họ nên hoàn thiện. Trên đời này, có ai sinh ra đã hoàn thiện bao giờ? Tiến trình “thành nhân” là một chuỗi những cố gắng liên lỉ, kèm theo những hy sinh của bản thân, cùng với sự giúp đỡ đồng hành của người xung quanh. Trong Cựu ước, Đức Chúa trao cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en trách nhiệm phải góp ý sửa sai người khác. Ông là một ngôn sứ sống ở miền Nam (Giu-đê-a) vào thế kỷ thứ VI. Đối tượng mà ông được trao để sửa sai không chỉ là cá nhân, mà là cả một dân tộc. Trách nhiệm này nặng lắm. Nếu vị Ngôn sứ ngậm miệng làm thinh trước sự dữ, thì bao tai hoạ của dân chúng, một mình vị Ngôn sứ sẽ lãnh hết. Nếu vị Ngôn sứ trung thành chuyển tải sứ điệp của Chúa, thì ông vô tội, dù người ta không lắng nghe và sửa mình. Trong thực tế, nhiều khi ông Ê-dê-ki-en nói mà dân chúng đâu có chịu nghe. Không những thế, có lần họ còn nổi xung và chống lại ông. Theo truyền thống Do Thái, ông bị kết án tử hình bởi một vị thẩm phán đã từng bị ông khiển trách nặng nề. Giống như Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng phải trải qua nhiều thử thách và bách hại như thế. Dù khó khăn, Ê-dê-ki-en vẫn can đảm kiên trung. Giữa một dân chúng đang hoang mang và lầm lạc, ông vẫn loan báo niềm hy vọng. Ê-dê-ki-en là một trong bốn vị ngôn sứ mà truyền thống Thánh Kinh gọi là “những ngôn sứ lớn”: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en.
Chính Đức Chúa đã gọi Ê-dê-ki-en là “người canh gác cho nhà Israel”. Đây là lối nói tượng trưng. Với vai trò “Người canh gác”, ông có trách nhiệm phát hiện, cảnh báo và bảo vệ dân Israel khỏi mọi thói tục ngoại lai, đồng thời trung thành với truyền thống của tiền nhân và tuân giữ Lề Luật. Suốt cuộc đời, Ê-dê-ki-en đã trung thành với sứ mạng Chúa trao, bất chấp những gian nan khốn khổ.
Nội dung Tin Mừng Chúa nhật này như một tổng hợp ba giáo huấn của Chúa Giê-su. Đó là việc sửa lỗi anh em, lòng quảng đại bao dung đối với mọi người và tình liên đới hiệp thông trong lời cầu nguyện. Cả ba giáo huấn này đều có chung một nội dung duy nhất: đó là bác ái. Góp ý sửa lỗi anh chị em phải được thực hành trong sự bác ái trước hết, để vừa giúp người ấy nên hoàn thiện, vừa không mất đi một người bạn. Theo văn mạch, ý tưởng “ràng buộc và tháo cởi” ở đây, khác với quyền “ràng buộc và tháo cởi” mà Chúa Giê-su trao cho ông Phê-rô, sau khi ông tuyên xưng đức tin (Mt 16,19), vì khi nói với Phê-rô cùng với việc trao chìa khoá, Chúa trao quyền bính cho ông Phê-rô và cho Giáo hội. “Ràng buộc và tháo cởi” ở đây, hiểu một cách cụ thể, là cố chấp hay là tha thứ. Điều này được soi sáng bởi lời kết thúc dụ ngôn liền sau đó về người mắc nợ không biết thương xót: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Ý tưởng này cũng là âm hưởng của kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12). Giáo huấn thứ ba trong bài Tin Mừng, đó là tình hiệp thông giữa những người tin Chúa. Hiệp thông vừa là cùng nhau hướng về Chúa để thực thi lời Ngài dạy, vừa là thể hiện tình mến đối với nhau để cùng nhau thực hiện tình mến đối với những người khác. Hình ảnh hai hay ba người họp nhau cầu nguyện, chính là bằng chứng nói lên sự tâm đầu ý hợp giữa họ. Lời cầu nguyện xuất phát từ con tim yêu thương và lòng mến chân thành sẽ được Chúa Cha nhận lời. Chúa Giê-su hứa ngự giữa những người đang cầu nguyện, dù họ ở bất cứ nơi nào và trong bối cảnh nào. Lời dạy của Chúa giúp chúng ta cảm nhận được tính thiêng liêng của lời cầu nguyện. Chúa Giê-su hiện diện giữa chúng ta và như thế, mà lời cầu nguyện của chúng ta có hiệu lực mạnh mẽ. Nhờ Chúa Giê-su hiện diện và cùng cầu nguyện với chúng ta mà lời cầu nguyện ấy được đẹp lòng Chúa Cha và được Chúa Cha nhận lời.
Đức bác ái cũng là lời khuyên của thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Rô-ma (Bài đọc II). “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật”. Điều này cho thấy tình yêu thương có sức mạnh kỳ diệu và có giá trị thay thế Lề Luật. Nói các khác, tất cả Lề Luật đều quy về tình yêu thương, nên khi ta yêu thương, thì chính là ta đang giữ Lề Luật một cách trọn vẹn. Chúng ta hãy nghe thánh Augustino viết về sức mạnh kỳ diệu của tình yêu: “Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân”. Sống bác ái, đó là sống có trách nhiệm đối với tha nhân.
Tin Mừng hôm nay giới thiệu bài học ‘ba bước’ giúp nhau cùng tiến trong việc xây dựng cộng đoàn TN 23-A209
Tin Mừng hôm nay giới thiệu bài học ‘ba bước’ giúp nhau cùng tiến trong việc xây dựng cộng đoàn, đó là làm thế nào giúp nhau hoàn thiện? Làm thế nào giúp người khác nhận ra lỗi lầm của mình để sửa đổi? Đây là những việc cần làm chứ không cần nói. Tuy nhiên, trên thực tế của cuộc sống, chúng ta vẫn còn bị vấp ngã để thực hiện lời chỉ dẫn của Chúa hôm nay. Vì thế, chúng ta cần lưu tâm để tập luyện, không nên trì hoãn, không nên chán nản. Trong Chúa, chúng ta tiến bước, mỗi ngày một bước. Tuy chậm, nhưng chắc chắn vì có Chúa cùng bước.
Đức Giê-su giới thiệu một tiến trình kêu gọi kẻ có tội, người có lỗi trở về hòa giải với Chúa và gia đình của Người. Đức Giê-su không nói rõ đây là tội gì hay lỗi xúc phạm đến ai. Nhưng trong thân phận làm người, có ai lại không có tội! Tội cá nhân nhiều vô kể. Tội với cộng đoàn cũng không thiếu, ví dụ như tội biển thủ công quỹ, lợi dụng chức vụ hà hiếp người khác về mặt tinh thần hay thể xác. Nói chúng tội nào cũng đáng cho chúng ta quan tâm mà sửa chữa. Và tiến trình sửa chữa theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay là đưa người có tội trở về hiệp thông với Chúa và cộng đoàn chứ không nhằm kết án họ. Muốn đạt được thành quả này, con người phải yêu thương và tha thứ cho nhau chứ đừng xét đoán vì tất cả chúng ta đều đã từng bị vấp ngã, từng là tội nhân thì chúng ta dựa vào tiêu chuẩn nào để xét đoán. Hãy giúp nhau sửa đổi để hoàn thiện hơn! Nào, chúng ta cùng bước nhé.
Chúa nói, nếu ai đó phạm tội, trước tiên bạn nên gặp người đó và chỉ ra lỗi cho họ để họ hối cải mà trở về chứ không phải kể tội rồi lên án. Giả như ta là người đầu tiên biết, thì cũng không đuợc phép nói cho nguời khác biết. Trong tình bác ái, đừng chờ người đã phạm lỗi đến với ta; nhưng hãy đi bước trước đến và đối thọai với họ; giúp họ nhận ra việc làm sai trái; rồi nhẹ nhàng đưa họ về với Chúa, về với cộng đòan. Giả như họ nhận ra lỗi lầm và nghe ta thì ta đã lợi được người anh em rồi.
Trên thực tế, chúng ta thường quên nguyên tắc này. Khi khám phá ra lỗi lầm của ai, thay vì đối thọai với họ, chúng ta lại đi nói nhỏ cho người khác biết. Cứ vài lần ‘nói nhỏ’ như thế thì chẳng bao lâu cả làng, cả xóm đều biết. Đến khi cả làng, cả xóm đã biết thì cơ may giúp họ nhận ra lỗi lầm để hối cải dường như không còn. Như anh chị em biết là chẳng ai muốn người khác biết những điều xấu của mình; thì cũng đừng bao giờ nói về những điều xấu của họ cho người khác. Cộng đòan Kitô- hữu không có lối sống “vạch lá tìm sâu” hay “bới lông tìm vết.”
Giả như bước thứ nhất không thành công thì kêu thêm một hay hai nhân chứng nữa, điều này có thể hiểu rằng tội mà người đó phạm đã được nhiều người biết đến. Chúng ta gọi nhân chứng đến để chinh phục chứ không tạo áp lực. Nếu bước thứ hai cũng không làm cho người có tội thức tỉnh thì trình cho cộng đoàn và nếu người đó vẫn không nghe thì chúng ta sẽ coi họ như những người thu thuế hoặc người ngoài cuộc. Nhưng, cho dù là như thế, chúng ta đừng quên rằng những người thu thuế, những ai sống bên lề xã hội vẫn là những người bạn tốt của Chúa, được Chúa thương yêu.
Các bước trong diễn trình nói trên quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn hết là mục tiêu của toàn bộ tiến trình không phải để lên án hay kết tội mà là phục hồi. Tuy nhiên, muốn cho hối nhân trở về thì người có tội phải nhận ra sự nguy hiểm của tội và mức độ ảnh hưởng và tác hại của tội trong việc xây dựng và sinh hoạt cộng đoàn mà người đó là thành viên.
Anh chị em thân mến,
Đã là người môn đệ của Chúa, chúng ta không được phép mất đi niềm hy vọng nơi chính mình và tha nhân. Chúa không thích, đúng hơn là Chúa ghét tội, nhưng Người lại thích làm bạn với kẻ có tội. Người có tội luôn được Chúa thương yêu và quan tâm một cách đặc biệt để họ biết quay về. Thật vậy, chúng ta đừng bao giờ mất hy vọng cho bản thân và cho cả những tội nhân tồi tệ nhất. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, mọi người đều có thể ăn năn, được tha thứ, được hòa giải với Thiên Chúa và trở về với gia đình Hội Thánh.
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta thường kêu cầu: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người cò lỗi với chúng con.” Nói khác đi, chúng ta chỉ có thể tha thứ cho nhau khi chúng ta cảm nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, và nhờ vào sự tha thứ mà chúng ta lĩnh nhận từ Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau. Hai điều này nối kết chặt chẽ với nhau. Hành động tha thứ vừa là nguyên nhân để chúng ta có thể tha thứ cho nhau, đó cũng là hậu quả của việc Thiên Chúa tha thứ cho mình. Chúng ta không thể giữ điều này và bỏ điều kia.
Tóm lại, Chúa ban cho chúng ta những bước đi rất thực tế để giúp nhau hoàn thiện và xây dựng cộng đòan. Tất cả các tín hữu đều có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau. Chúng ta được gửi đến để sống cho nhau, chứ không sống cho riêng mình. Mỗi người, dù sống trong ơn gọi nào cũng đều được mời gọi sống cho nhau. Và như vậy, thì ngày hôm nay, anh hay chị giúp tôi nhận ra lỗi lầm để sửa đổi, ngày mai sẽ đến phiên tôi giúp anh chị. Ai là nguời không phạm tội. Vì vậy, truớc tiên hãy nhận ra các nỗi yếu đuối của bản thân, rồi với trải nghiệm được Thiên Chúa tha thứ và thương yêu đó chúng ta sẽ khiêm nhường hơn trong việc sửa sai và góp ý để giúp người khác kiện tòan. Amen!
Sách Tin mừng theo Mátthêu đôi khi được gọi là Sách của Giáo hội vì dường như cho thấy rõ TN 23-A210
Sách Tin mừng theo Mátthêu đôi khi được gọi là Sách của Giáo hội vì dường như cho thấy rõ ràng hơn các sách Tin mừng khác về các vấn đề liên quan đến sự lãnh đạo, tổ chức, quyền bính và trật tự trong cơ cấu và đời sống của Giáo hội. Trong Mátthêu chương 18, chúng ta có thể nhận ra các vấn đề và những tranh chấp trong các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên mà Mátthêu viết cho họ. Trong số những vấn đề như vậy có tranh giành quyền lực: “Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Chúa Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?’ Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (1-4); hành vi gây cớ vấp phạm khiến người khác đi chệch khỏi con đường ngay chính: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (5-7); sự cần thiết phải mang những người lạc lối về với cộng đoàn: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?...” (12-14) và trên hết là nhu cầu được tha thứ vì không có tha thứ thì không cộng đoàn nào có thể vững bền lâu dài được: “Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (21-22).
Bản văn Tin mừng hôm nay đề cập đến vấn đề tế nhị là khiển trách những người có hành vi tội lỗi đến mức cần được sửa dạy. Đoạn văn cho thấy Mátthêu hiểu rõ một việc sửa chữa như vậy cần phải được thực hiện lần lần như thế nào: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (18-19). Mátthêu khẳng định Hội thánh là thẩm quyền cuối cùng khi các vấn đề không thể giải quyết giữa các cá nhân: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh” (18-20 ).
Hội Thánh có năng quyền và trách nhiệm giảng dạy về đức tin và luân lý vì Chúa Giêsu hiện diện liên tục trong Hội Thánh để bảo vệ và duy trì Thân Mình nhiện mầu của Ngài trong suốt lịch sử. Đó là một Giáo hội luôn cố gắng sống theo Lời dạy căn bản của Thầy mình: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15: 12-13).
Hôm nay Chúa Giêsu muốn nói một điều gì đó giống như vậy, đó là một lòng một ý ở trong tình yêu thương của Ngải: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Do vậy, trên nhiều phương diện, chúng ta cơ bản cần phải là những người yêu thương bảo vệ anh chị em của mình. Chúng ta có trách nhiệm trong gia đình và trong xã hội. Chúng ta có trách nhiệm với nhau, vì lợi ích chung. Ngay cả khi chúng ta cần phải sửa dạy thì cũng phải thực hiện bằng gương lành và bằng tình yêu thương, theo cung cách của Chúa Giêsu để: “chinh phục được người anh em”. Khi một người anh em mắc một số sai lầm, như phạm phải một tội ác, nghiện rượu, ma túy hay một khoảnh khắc sa ngã…trên hết, hãy nghĩ rằng tất cả những sai lầm ấy đều là ngoài ý muốn của họ. “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7: 1). Chúng ta hy vọng đó không phải là những sai lầm tồn tại mãi mãi. Chỉ Thiên Chúa mới thấu hiểu tâm can mọi người, ta cũng như người khác: “Bởi vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can, dò xét lòng dạ đến nơi đến chốn và nghe thấy mọi lời miệng lưỡi thốt ra” (Kn 1: 6) và “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139, 1-5). Thiên Chúa không bao giờ giam hãm bất cứ ai vào cuộc đời quá khứ của họ, dù quá khứ ấy có tội lỗi “bảy quỷ” đến đâu chăng nữa (Lc 8 :2). Để được tha thứ, chỉ cần nghe và làm theo lời thánh Gioan mời gọi: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1:9).
Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, tội lỗi của con người vẫn gây tổn hại cho cá nhân và cộng đoàn. Khi cần thiết vì lợi ích chính đáng của nhiều người hoặc của cả cộng đoàn, chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau để đạt được điều tốt lành, trong đó có việc giúp nhau nhìn ra lỗi sai để sửa chữa, như lời Chúa đã phán với tiên tri Ezekiel trong bài đọc thứ nhất: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết", mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33: 6-9).
Cách tốt lành để hàn gắn một mối tương quan đã rạn nứt là gì? Đừng nghiền ngẫm về hành vi phạm tội của người khác, đừng đi rỉ tai người này kẻ nọ, lại càng đừng bao giờ rêu rao lỗi phạm của người khác – nhưng hãy nói chuyện trực tiếp và riêng tư với từng người. Nếu chúng ta thực sự muốn giải quyết sự đổ vỡ đó, chúng ta cần phải giải quyết một cách trực tiếp, cần phải cố gắng tìm hiểu lý do hành động của người đó. Không bỏ mặc bất cứ anh chị em nào, lại càng không vội vã loại trừ bất cứ ai mà ta cho là mắc phải một tội lỗi nào đó. Chỉ khi việc này không đạt được mục đích thì chúng ta mới mời thêm một hoặc hai người khác, những người khôn ngoan và nhân từ thay vì một người nóng tính hay phán xét. Mục đích không phải là đưa người phạm tội ra xét xử mà là thuyết phục người phạm tội nhìn ra sai lầm và sửa sai. Nếu điều này không thành công, chúng ta vẫn không được bỏ cuộc mà phải tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đoàn Kitô giáo. Nhất là khi chúng ta làm việc này với những người ngoài gia đình mình, hãy xin sự hướng dẫn và tìm kiếm sự giúp đỡ của hội đoàn họ đạo, cộng đoàn giáo xứ và những anh chị em tốt lành khác có nhiều kinh nghiệm khuyên bảo, tràn đầy lòng cảm thông và yêu thương chân thành.
Con người có thể bị tách khỏi cộng đoàn, nhưng không bao giờ bị tách khỏi Thiên Chúa. Ngay cả khi người phạm tội không muốn hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, thì vẫn còn cơ hội cuối cùng: cầu nguyện cho người phạm tội - để người ấy được chữa lành và quay lại với cộng đoàn. Chúa Giêsu bảo đảm rằng Chúa Cha sẽ lắng nghe: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18: 19-20). Hai hoặc ba người họp lại trở thành cộng đoàn của Chúa - đó là nơi có Chúa. Chúa muốn điều tốt nhất cho mỗi người chúng ta, hãy kêu xin Ngài nơi cộng đoàn hai ba người đó.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đoàn là lý do chắc chắn để Chúa Cha lắng nghe lời cầu xin của chúng ta. Chúa Giêsu là trung tâm, là trụ cột của căn nhà cộng đoàn, và như thế Chúa Giêsu sẽ luôn cùng chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha, để Chúa Cha ban cho những người anh chị em, vốn đã tự loại trừ mình khỏi cộng đoàn, ơn trở về với Chúa nơi sâu thẳm lòng mình, về với sự hiệp nhất của gia đình, của cộng đoàn. Yêu thương là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của bất cứ ai bước theo Chúa Giêsu, như thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật....Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13: 8-10).
Thỉnh thoảng, tôi lại nghe có người to nhỏ với nhau như thế này: “Công việc của các linh mục TN 23-A211
Thỉnh thoảng, tôi lại nghe có người to nhỏ với nhau như thế này: “Công việc của các linh mục quá dễ, cả tuần chỉ có mỗi việc dâng lễ và soạn bài giảng, nhàn hạ hơn là chúng mình nhiều!” Bạn có bao giờ nghĩ như vậy không? Nếu bạn nghĩ như vậy, thì bạn lầm to rồi! Công việc rao giảng của các linh mục chẳng dễ dàng một chút nào cả, nếu không muốn nói là rất khó! Tại sao lại khó? Xin thưa là bởi vì hai lý do sau:
Thứ nhất, các linh mục phải giảng mỗi ngày, lễ ngày thường cũng như lễ Chúa Nhật, đám cưới cũng như đám tang, lễ giỗ cũng như lễ kỷ niệm hôn phối…và phải giảng suốt đời! Nếu không được Đức Giám Mục hay Bề Trên thuyên chuyển, phải phục vụ nhiều năm tại một nhiệm sở thì còn căng nữa!
Thứ hai, khi đứng trên bục giảng, khi rao giảng Lời Chúa, các linh mục phải nói đến những điều rất là tế nhị, phải nói lên những vấn nạn trong đời sống, và phải chỉ cho người ta thấy đâu là đúng, và đâu là sai, ví dụ:
• Gian dối khi khai thuế, khi xin housing, khi xin trợ cấp, ly dị giả, làm hôn thú giả, làm đám cưới giả để được ở lại Mỹ…là sai trái, là lỗi đức công bằng, và sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa.
• Trồng trọt, buôn bán marijuana, và nghiện ngập hút sách, cờ bạc, cá độ, say sưa rượu chè…là tiếp tay với Sa-tan, với những thế lực của sự ác, là phá hoại hạnh phúc gia đình của mình, là làm gương mù gương xấu cho con cái, là tàn phá tương lai của các thế hệ trẻ…
• Ham mê tiền của, chạy theo những cám dỗ của vật chất, chỉ lo đi cày, không dành thời giờ để chăm sóc cho phần linh hồn của mình, của con cái mình…là không ổn, là lầm đường lạc lối, là mất linh hồn…
• Ủng hộ và bỏ phiếu cho những chính trị gia công khai khinh thường luật Chúa, nhạo báng những giáo huấn của Giáo Hội, cổ võ điên cuồng cho những dự luật phá thai, giết người êm dịu, hôn nhân đồng tính … là trái với luân thường đạo lý, là tiếp tay cho quỷ dữ, là xúc phạm đến chính Thiên Chúa, và là kẻ phản Kitô.
Bạn biết rồi, nói những điều TABOOS này không dễ dàng một chút nào cả! Nói ra thì chắc chắn người nghe sẽ bực mình, sẽ tức tối, sẽ lẩm bẩm chửi rủa, và thậm chí sẽ có kẻ kiếm cách…trả thù nữa, nhưng các linh mục vẫn phải nói, cứ phải nhắc nhở, cứ phải rao giảng cho đến khi…con tim ngừng đập, cho đến khi ong thôi làm mật, cho đến khi loài chim quên lối bay thì mới được…ngưng nói! (Tôi không có ý than vãn đâu nhé!)
Bài đọc một của Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở cho các linh mục rằng, nếu họ không rao giảng sự thật, không chịu nói những điều mà Chúa muốn họ nói, thì họ sẽ phải trả một giá rất đắt: “Nếu ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33:8).
Tắt một lời, công việc rao giảng của các linh mục thì không dễ dàng và không đơn giản như nhiều người nghĩ. Anh em linh mục chúng tôi phải rao giảng những điều Chúa muốn chúng tôi nói, phải lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, [phải] biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ … (2 Tm 4:3-4).
Bạn thân mến, nếu hôm nay bạn nhận ra rằng, công việc rao giảng của các linh mục không dễ dàng một chút nào như bạn đã từng nghĩ, thì xin bạn giúp cho tôi và cho anh em linh mục của tôi hai công việc nho nhỏ sau đây:
• Xin bạn hãy cầu nguyện thật nhiều cho các linh mục, để các linh mục luôn trung thành và can đảm với nhiệm vụ rao giảng, dám nói lên sự thật, và nói những điều mà Chúa muốn nói, chứ không phải nói những điều mị dân, hay chỉ nói những điều mà giáo dân thích nghe.
• Khi nghe các linh mục rao giảng đến những vấn đề luân lý đạo đức, những tính hư nết xấu, hay những điều đụng chạm đến những việc sai trái của bạn, thì xin bạn nhớ rằng, các ngài đang cố gắng chu toàn sứ vụ, các ngài có hảo ý để bạn thay đổi, để bạn sống tốt hơn, và hạnh phúc hơn cả đời này lẫn đời sau, chứ không phải là có ác ý moi móc, bêu xấu hay chỉ trích ai cả!
Chúng ta cầu nguyện cho nhau, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn can đảm, để người nói dám nói lên sự thật, và để người nghe dám nghe sự thật, và dám thay đổi, để ngày sau hết chúng ta được vui hưởng hạnh phúc cùng Đức Maria và các thánh trên Thiên Quốc. Cầu chúc bạn một tuần lễ mới vui vẻ, mạnh khỏe và bằng an.
Mọi thứ đều có mối liên quan lẫn nhau, huống chi con người, đặc biệt là về tâm linh. Có câu TN 23-A212
Mọi thứ đều có mối liên quan lẫn nhau, huống chi con người, đặc biệt là về tâm linh. Có câu chuyện kể rằng tại nguyện đường của tu viện St. Ann & St. Joseph ở Cordoba, Tây Ban Nha, có một Thánh Giá cổ được giáo hữu rất tôn sùng: THÁNH GIÁ THA TỘI. Trên Thánh Giá có tượng Chúa Giêsu rất đặc biệt là cánh tay phải rời khỏi Thánh Giá và hạ thấp xuống.
Nguyên nhân bắt đầu từ một ngày nọ. Hôm đó, một tội nhân đến xưng tội với linh mục ngay bên Thánh Giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một hối nhân mắc nhiều tội trọng, linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc, ra việc đền tội nặng và ngăm đe nhiều điều.
Nhưng rồi người đó lại sa ngã và đến xưng tội. Linh mục đe dọa rằng đó là LẦN CUỐI CÙNG giải tội cho họ. Sau một thời gian, người đó lại đến xưng tội với linh mục kia cũng ngay bên Thánh Giá này, nhưng linh mục kia dứt khoát nói: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa.” Linh mục vừa khước từ hối nhân thì Chúa Giêsu liền rút tay phải ra khỏi Thánh Giá, rồi ban phép lành và tha tội cho hối nhân. Lúc đó, Chúa Giêsu nói với linh mục: “CHÍNH TA LÀ NGƯỜI ĐÃ ĐỔ MÁU RA CHO NGƯỜI NÀY, CHỨ KHÔNG PHẢI NGƯƠI!”
Và kể từ đó, tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ... Người ta đã hiểu sai và lạm dụng quyền “cầm buộc” và “tháo cởi” mà Chúa Giêsu đã ban quyền, (Mt 18:18) nghĩa là không thương xót, thích “buộc” hơn “cởi.” Lạm quyền thật là nguy hiểm. Chúa Giêsu căn dặn phải tha “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:21-22) và dụ ngôn “tên mắc nợ không thương xót” (Mt 18:23-25) vẫn còn đó. Ngài còn nói: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18:15-17) Đó là tính liên đới yêu thương giữa người với người.
Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội cho các môn đệ qua thiên chức linh mục chỉ vì thương xót và muốn cứu tội nhân: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 18:18) Chúa Giêsu nói “cầm buộc” hoặc “tháo cởi” ở đây không có nghĩa là ai ưa thì “cởi,” ai ghét thì “buộc,” mà là phải luôn cố gắng tìm cách “tháo cởi” cho người khác – dù họ là ai. Ngài thiết lập chức linh mục là để thay Ngài yêu thương và tha thứ, để phục vụ chứ không để “chảnh.” (Mt 20:28) Thật buồn khi vẫn có những người “thích” làm ngược lại điều Chúa dạy, chỉ phục vụ ít, đòi hưởng thụ nhiều. Đừng tự tôn mà làm đau lòng Đức Kitô nữa!
Cầu nguyện là hơi thở của tín nhân, chung hay riêng đều cần, đặc biệt là hiệp nguyện. Chúa Giêsu nói: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18:19-20) Việc cầu nguyện chung được Chúa Giêsu đề cao vì cần thiết, cụ thể là “giờ kinh gia đình,” nhất là vào buổi tối, nhưng việc làm tốt lành này bị “xói mòn” vì người ta đưa ra nhiều lý do để biện hộ cho sự “quên lãng” của mình.
Cầu nguyện không chỉ cần thiết mà còn phải làm như vậy. Nhưng có điều cần lưu ý: Có lẽ chúng ta CẦU XIN nhiều hơn CẦU NGUYỆN, và cũng thường “quên” nhân danh Đức Giêsu Kitô, đúng như Ngài đã trách các môn đệ: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy.” (Ga 16:24) Nhẹ nhàng lời trách mà đau nhói cõi lòng!
Không ai thấy Thiên Chúa nhưng Ngài vẫn hiện hữu. Làm sao chứng minh? Đơn giản thôi: Không ai thấy ôxy nhưng ai cũng cần ôxy – dưỡng khí. Thiếu ôxy thì con người chết ngay, và chắc chắn chúng ta cũng không thể sống nếu thiếu Thiên Chúa.
Trong các mối quan hệ đã mặc nhiên có sự liên đới lẫn nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ, dạng ràng buộc mặc nhiên. Ràng buộc là phải làm theo khuôn khổ, theo nội quy hoặc luật lệ, không thể làm khác – có thể gọi là “bắt buộc.” Sự ràng buộc trái ngược với sự tự do, và cũng có hai động thái “buộc” (cột, thắt) và “cởi” (tháo, gỡ). Sự ràng buộc mang tính liên đới – điều đúng hoặc sai. Thật vậy, ngay cả tội lỗi cũng có tính liên đới. Khi một chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô phạm tội, tất cả chúng ta đều gián tiếp chịu đau khổ, một số người có thể ảnh hưởng trực tiếp. Tội của mình cũng ảnh hưởng tới người khác, tội của người khác có thể “dính líu” tới mình.
Tất cả phàm nhân đều yếu đuối, luôn cần được nâng đỡ. Khi muốn hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải giải hòa với Giáo Hội, không chỉ với người này hay người nọ mà có thể chúng ta đã làm tổn thương. Vì thế, “cấu trúc tội lỗi” cũng có “chiều kích xã hội.” Bởi vì nó nằm trong cách mà chúng ta có thể phạm tội – không chỉ là hành động trực tiếp của mình, mà còn là động thái gián tiếp liên can tội lỗi do người khác phạm trực tiếp. Nói chung, dù là điều tốt hay xấu cũng đều có tính liên đới với nhau theo một cách nào đó.
Giáo huấn Xã hội Công giáo – GHXHCG, Compendium of the Social Doctrine of the Church) đề cập 7 Nguyên Tắc: [1] Tôn trọng con người, [2] Cổ vũ gia đình, [3] Bảo vệ quyền tư hữu, [4] Lao động vì công ích, [5] Tuân giữ nguyên tắc bổ trợ, [6] Tôn trọng lao động và người lao động, [7] Theo đuổi hòa bình và chăm nom người nghèo. Và được “rút gọn” thành bốn nguyên tắc chính: [1] Nhân phẩm, [2] Công ích, [3] Bổ trợ, [4] Liên đới. Trong đó, sự liên đới được coi là một nguyên tắc “cốt lõi” của GHXHCG: “Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá, các quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày càng gắn bó hơn... Việc gia tăng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương tác giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu.” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, năm 2005, số 192) Thánh Gioan Phaolô II viết: “Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện của xã hội quốc gia và quốc tế.” (Sollicitudo Rei Socialis, 1987, số 40)
Thiên Chúa ân cần nhắn nhủ con người từ xưa: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.” (Ed 33:7) Đó là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta, không riêng giới nào, giai cấp hoặc tổ chức nào. Không chỉ vậy, Thiên Chúa còn nghiêm túc cảnh báo: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết,’ mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (Ed 33:8-9)
Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và bổn phận đối với nhau. Điều đó vừa là TÍNH liên đới vừa là TÌNH liên đới. Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng (bằng cách này hay cách nọ, trực tiếp hoặc gián tiếp). Ai thấy điều sai trái mà im lặng, đó là đồng lõa hoặc hèn nhát. Ai muốn lên Thiên Đàng một mình thì đó là người ích kỷ. Chúa Giêsu xác định: “Sự thật sẽ giải phóng anh em.” (Ga 8:32) Thật hạnh phúc khi chúng ta tôn thờ Thiên Chúa duy nhất này. Hạnh phúc đó phải thể hiện cho người khác biết: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95:1-2)
Là thụ tạo, tín nhân phải tôn thờ Ngài, tuân theo Thánh Ý Ngài, và chúc tụng Ngài: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.” (Tv 95:6-7a) Là tội nhân, phàm nhân mang tính yếu đuối, thế mà lại luôn tỏ ra bướng bỉnh. Ai cũng biết rằng xơ gan là chứng bệnh quái ác – gọi là ung thư gan. Không riêng gì gan, xơ cứng bất cứ cơ phận nào cũng nguy hiểm, nhưng đáng sợ nhất là “xơ cứng đức tin.” Cứng lòng là cố chấp, cố chấp là phạm tới Chúa Thánh Thần – loại tội không đời nào được tha. (x. Mc 3:28-29; Mt 12:31-32)
Thiên Chúa thực sự không muốn ai cố chấp mà phải hư mất đời đời nên Ngài vẫn không ngừng nhắn nhủ: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:7b-9) Và trong mối tương quan của tình liên đới huynh đệ thuộc Nhiệm Thể Đức Kitô, Thánh Phaolô ân cần khuyên nhủ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm 13:8)
Thánh Phaolô giải thích: “Các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” (Rm 13:9-10) Cụm từ “không làm hại” cũng ẩn chứa biết bao điều liên quan cả thể lý và tinh thần, liên quan đức ái.
Lạy Thiên Chúa, xin biến đổi chúng con để chúng con biết chân thành yêu thương và tha thứ vô điều kiện, xin giúp chúng con chuyên cần cầu nguyện không ngừng với lòng yêu mến và khiêm nhường thực sự. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Nói đến “Nợ”, người ta thường nghĩ ngay đến nợ nần như nợ tiền, nợ bạc, nợ ngân hàng, nợ vật TN 23-A213
Nói đến “Nợ”, người ta thường nghĩ ngay đến nợ nần như nợ tiền, nợ bạc, nợ ngân hàng, nợ vật chất, nợ đời, nợ ơn, nợ tình, nợ người, nợ Trời…
Thánh Phao-lô hôm nay nói đến món “nợ tình thương”: ” Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến. Sống không có tình yêu, không có lòng nhân ái, thì dù có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, vật chất dư dả, chúng ta vẫn cảm thấy không hạnh phúc và vui vẻ. Tình yêu làm cho chúng ta được hạnh phúc thật. Tình yêu là cốt lõi của Ki-tô giáo. Chúng ta hãy yêu thương nhau.
Lời Chúa hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước giúp chúng ta hiểu món nợ này. Chúa bảo chúng ta như nói với Êzêkiel: cứ đóng vai trò người lính canh; cứ loan báo sứ điệp của Chúa . Êzêkiel không muốn làm công việc này. Ông thấy dân Israel đã hư đốn không muốn nghe và giữ Luật Chúa nữa. Và tai ương giáng họa trên dân tộc bất trung ấy không thể nào tránh nổi. Nhưng Chúa bảo ông vì tình thương và bác ái cứ đứng trên vọng gác, cứ loan báo Lời Chúa cho mọi người. Nghe hay không thì tùy họ (x. Ed 33,7-9).
Tin Mừng nói về Thiên Chúa đầy ắp tình thương, với tấm lòng của Cha trên trời, của người mục tử đau xót vì thấy đàn chiên 100 con nay lạc mất một. Tự nhiên người mục tử ấy lo lắng và sốt sắng đi tìm con chiên lạc. Người mục tử diễn tả phần nào tấm lòng của Cha trên trời muốn đi tìm tội nhân trở lại: Người sai chúng ta đến với người anh em phạm tội. Họ như một con chiên lạc, lỗi lầm. Chúa đòi hỏi chúng ta phải xử với người anh em bằng tình thương, phải chấp nhận vất vả vì người anh em kia, phải êm ái kiên nhẫn và tế nhị. Bài Tin Mừng này thật phong phú. Chúa nói đến chúng ta và với chúng ta hơn là về người anh em lỗi phạm (x. Mt 18,15-20).
Đến đây chúng ta mới hiểu chữ “món nợ” mà Thánh Phaolô nói: chúng ta đừng mắc nợ ai gì cả, mọi sự công bằng phải chu toàn với mọi người. Cả khi đã làm trọn mọi phận sự công bình rồi, chúng ta vẫn còn nợ mọi người tình bác ái. Và món nợ này chẳng bao giờ có thể trả xong. Vì sao vậy?
Thánh Tông đồ đã nói: vì có bác ái mới giữ trọn Lề luật. “Luật dạy: không tà dâm, không giết người, không tham của người v.v…” Nhưng họ quên điều quan trọng: phải giữ những điều ấy để thương yêu anh em. Bác ái phải là động lực, là khởi hứng của công bình. Nên chúng ta phải có lòng bác ái. Chúng ta phải cư xử với nhau theo tình bác ái. Đối với thánh Phao-lô, tình yêu không phải là một sự trao đổi kinh tế, tiền bạc, không phải là một sự chiếm hữu ích kỷ, cũng không phải là một sự tìm kiếm mình nơi người khác, nhưng là một tình yêu vô vị lợi, có trách nhiệm và hoàn toàn vì người khác, kể cả hiến mạng vì người mình yêu. Tình yêu đó bắt nguồn và luôn dựa trên chính Thiên Chúa là tình yêu mà Đức Giê-su đã thể hiện trên thập giá.
Tình yêu gắn liền với việc tuân giữ lề luật, sống có trách nhiệm và biết tôn trọng hạnh phúc của người khác cụ thể như: “Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).
Nói cho cùng. Lỗi những điều răn này là lỗi đức ái nghiêm trọng. Thấy người khác thành công, mình phải mừng cho họ chứ đừng có ghen tỵ và tìm cách đạp đổ. Thấy người khác gặp đau khổ thì không lấy làm vui mừng nhưng là nâng đỡ ủi an họ. Vẻ đẹp và tính cao thượng của các Ki-tô hữu là ở đó.
Đối với Phao-lô, đức ái là điều chính yếu của đời sống Ki-tô hữu. Trong một lá thư khác, thánh Phao-lô quả quyết:
“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri và biết hết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả tài đức đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu chết, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3).
Sau cùng, chúng ta cùng hãy đọc lại lời của Thánh tông đồ Phaolô và nguyên lý sống của Chúa Giê-su, để rồi xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn lại chính mình: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.
Mong sao mỗi người chúng ta đừng mang món nợ gì khác, ngoài món nợ duy nhất cần nợ trong đời, đó là bác ái yêu thương. Món nợ tương thân tương ái này có giá trị trên mọi nẻo đường, và đặc biệt luôn mang ý nghĩa nền tảng và quan trọng. Vậy, chúng ta hãy sống và mắc món nợ duy nhất trong đời là: “Món nợ tình thương, tương thân tương ái”.
Trong quyển sách “Truyền thống các vị ẩn tu” (khoảng thế kỷ thứ 4) có thuật lại câu chuyện thế TN 23-A214
Trong quyển sách “Truyền thống các vị ẩn tu” (khoảng thế kỷ thứ 4) có thuật lại câu chuyện thế này: Ngày kia, khi Đức Giám mục Amôlas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì nghe đâu ông có đem theo một phụ nữ để chung sống với mình. Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, lên án, chỉ trích. Họ xúm quanh Đức Giám mục và thưa ngài rằng: “Hôm nay Đức Cha đã đến đây thì xin chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia”. Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Đức Giám mục quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, vị ẩn tu hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một chiếc thùng rỗng. Đức Giám mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước vào bên trong. Đưa mắt nhìn chung quanh, ngài hiểu ngay sự việc. Ung dung, ngài đi thẳng đến ngồi trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào mà bảo: “Các ngươi hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ đi”. Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, ngài mới nói: “Bây giờ các ngươi hãy quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vô cớ vị ẩn tu này”. Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám mục Amôlas tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt xấu hổ và chậm rãi nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn!”
1. Tình huynh đệ, động lực việc sửa lỗi cho nhau.
Đoạn Tin Mừng hôm nay, mà câu chuyện trên là một minh họa, rút tự Diễn từ thứ bốn trong kết cấu của Mt: “Những huấn thị về đời sống cộng đoàn”. Ngay từ đầu, Đức Giê-su tỏ ra rất thực tế: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội…”. Giáo hội không phải là một tập thể gồm những kẻ “trong sạch”, “thánh thiện” nhưng gồm những “tội nhân”. Vì nói cho đúng, Giáo hội là một bệnh viện chữa trị linh hồn. Đức Giê-su đã sáng suốt thấy trước rằng “Ki-tô hữu không tốt hơn những người khác”, như đôi lúc thiên hạ bảo. Giáo hội được làm nên với những kẻ mỏng dòn y như xã hội phàm tục. Đức Giê-su có mơ tưởng một Giáo hội chẳng có vấn đề đâu! Người sắp cho một thủ tục để chúng ta cố gắng giải quyết các khó khăn sẽ nẩy sinh một lúc nào đó trong bất cứ nhóm người nào.
Thật thế, điều Đức Giê-su nói đây có thể đem áp dụng vào mọi môi trường sống của chúng ta: gia đình, tổ nhóm, hiệp hội, bằng hữu, đồng nghiệp… Biết bao tranh chấp, căng thẳng, chống đối trong các cộng đoàn này! Đôi lúc, ngay từ đầu, tất cả xem ra đơn giản và hòa hợp. Nhưng về lâu về dài, nhiệt tình giảm xuống, nhóm gặp nguy cơ giải thể, nếu chẳng có ai quan tâm chuyện cố kết, thông hiệp. Không nhóm người nào thoát khỏi tội lỗi, khỏi thảm cảnh chia rẽ… ngay cả Giáo hội!
Vậy nếu anh em trót phạm tội thì phải làm sao? “Đi sửa lỗi nó… hai người với nhau… cho nó thấy lỗi… nếu nó chịu nghe… tức người anh em đã được chinh phục”. Qua những tiếng dập dồn này, ta nhận ra ngay bầu khí Đức Giê-su muốn đặt chúng ta vào. Bầu khí yêu thương chứ không phê phán. Tiếc thay, luôn có khối “người hành hiệp” xen mình vào mọi chuyện và sẵn sàng “lên lớp thiên hạ”, trong một thái độ phê bình triệt để. Sẽ là bóp méo tư tưởng Đức Giê-su khi có khuynh hướng “kết án”, “hành hạ” tội nhân. Cả Tin Mừng đều cho ta thấy ngược lại hết. Văn mạch trực tiếp của “Bài giảng về Giáo hội” này chỉ nói đến tế nhị và thương xót đối với “anh em”. Ngay trước văn bản đọc hôm nay, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn con chiên lạc: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh bỉ một ai… Hãy như người mục tử, sau khi lạc mất một con chiên, đã ra đi tìm nó… Cha anh em trên trời cũng không muốn một ai phải hư mất…” (x. Mt 18,10.14). Và ngay sau bản văn bàn về việc sửa lỗi này, Đức Giê-su sẽ yêu cầu Phê-rô “tha thứ 70 lần 7” (x. 18,21-22), rồi sẽ lên án thái độ của “tên đầy tớ bất nhân” không biết tha nợ cho đồng liêu mình (x. 18,23-35).
Như thế, phải can thiệp trong một bầu khí hoàn toàn yêu thương. Chỉ có quyền nhận xét một anh em nếu yêu mến anh em đó! Tất cả Tin Mừng la lớn với chúng ta rằng Đức Giê-su đã luôn nhân từ với kẻ tội lỗi và Người muốn đấy phải là giải pháp cho cuộc tranh chấp. Khi ai đó chinh phục được người anh em, thì trời xuống trên trái đất! Ôi, giải pháp vui biết chừng nào!
“Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh” (tức cộng đoàn). Đức Giê-su tiến dần với tế nhị và tâm lý biết bao! Trước tiên là mặt đối mặt trong kín đáo, để cái xấu được vô danh ngằn nào có thể, và để tội nhân giữ được tiếng tốt lẫn danh dự mình, như tấm gương của Đức Giám mục Amôlas trên đây… sau đó, nại đến vài anh em khác là để tránh phê phán chủ quan, lầm lẫn trong đánh giá, và cũng để có nhiều người thì tìm được những lý lẽ đủ sức thuyết phục hơn nữa. Phải làm tất cả để tránh hấp tấp và tùy tiện.
Chỉ sau khi cạn hết mọi hình thức khuyên nhủ ấy, người ta mới phải dứt điểm một cách đau đớn là “kể nó như người thu thuế hay người ngoại”. Kiểu nói này khiến ta khó chịu, đặc biệt vì xuất phát từ Đấng được gọi là “bạn của người thu thuế và tội lỗi” (Mt 11,19). Lời kết án này sở dĩ cứng cỏi vì muốn cho thấy ta đã thử hết cách để cứu người anh em. Thậm chí có thể bảo chính người anh em đã tự ý trục xuất mình khỏi cộng đoàn vì những từ chối liên tiếp. Anh ta đã ba phen đẩy lùi bàn tay chìa ra cho mình. Sau khi đã kiên nhẫn cho anh mọi cơ hội, cộng đoàn thừa nhận mình bất lực đối với anh em này. Nhưng phải thêm rằng, dẫu trong trường hợp tối hậu ấy, ta cũng không được miễn bổn phận yêu mến tội nhân… vì ta vẫn phải yêu mến “ngay cả kẻ thù” mà! (x. Mt 5,43-48). Thánh Phao-lô, trong bài đọc hai, đã nhắc nhở chúng ta như thế: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”, một món nợ không bao giờ trả nổi (Rm 13,8).
2. Tình huynh đệ, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.
Nhưng Đức Giê-su chẳng bao giờ là một nhà luân lý, một nhà nhân bản, một hiền nhân quân tử không thôi. Các lời khuyên chúng ta đã nghe cho tới đây đều là những nguyên tắc tâm lý cơ bản, có giá trị cho mọi liên hệ con người. Nhưng giờ đây Đức Giê-su thêm một khía cạnh “thần học”: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Qua câu nói này, Người mạc khải một mầu nhiệm giấu ẩn: Thiên Chúa hiện diện trong cố gắng cứu vãn một người anh em. Trời liên can đến những gì xảy ra trên đất. Ki-tô hữu bắt Thiên Chúa phải liên lụy. Giữa “đất” và “trời”, giữa “thời gian” và “vĩnh cửu” có tương ứng! Trách nhiệm biết chừng nào!
Vì Thiên Chúa không muốn con chiên nào bị lạc, nên việc sửa lỗi anh em trở nên một con đường của chính lòng Trời thương xót. Hiển nhiên, có lắm kẻ chỉ khám phá ra “ơn tha thứ của Thiên Chúa” (trên trời) khi khám phá thấy nhiều anh em (dưới đất) biết vận dụng trong cách cư xử của mình cùng một thái độ yêu thương-giải cứu. Vai trò “ràng buộc và tháo cởi”, mà Đức Giê-su đã đích thân ban cho Phê-rô mấy ngày trước (x. Mt 16,19), nay cũng được ủy cho toàn thể cộng đoàn, trong cùng những lời lẽ (x. Mt 18,18). Giáo hội có là nơi thương xót, là chốn tình yêu, là cộng đoàn trong đó ai nấy chịu trách nhiệm đối với nhau không? Thường thì chúng ta lơi lỏng, bất quan tâm đến đức tin của người khác. Đây là một vấn đề thời sự nóng bỏng… Biết bao con cái rời bỏ đức tin của cha mẹ ! Biết bao anh em xem ra chọn con đường đào ngũ khỏi cộng đoàn !
Có nên thất vọng không? Nhất là khi đã nỗ lực giúp anh em tội nhân trung tín với ơn gọi Ki-tô hữu của mình mà chả “thấy” kết quả? Không! Vì Đức Giê-su nói tiếp, Giáo hội đâu phải là một xã hội như bao xã hội khác! Cộng đoàn đức tin đó không lệ thuộc các nỗ lực của phàm nhân, vốn có thể thất bại, cho bằng lệ thuộc Cha trên trời: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”. Đức Giê-su yêu cầu chúng ta hãy tin vào sự hữu hiệu (ẩn giấu trên trời, các phương tiện phàm nhân thông thường không sao thấy) của lời cầu nguyện. Cầu nguyện như thế chẳng phải là lười nhác, vì ta trước đó đã thử tất cả. Nhưng nó là phương sách cuối cùng, mà Đức Giê-su bảo ta hãy tin là có hiệu lực. “Điều không thể đối với con người thì có thể đối với Thiên Chúa” (x. Mt 17,20; 19,26; Lc 1,37). Mơ mộng điên rồ? Ảo tưởng phi thực? Không! Lạc quan đến độ tin rằng chẳng một con người nào, một hoàn cảnh nào là mãi mãi không thể cứu vãn (x. 1Cr 8,11), đấy thật là một bí quyết tuyệt diệu. “Người anh em này đã được Chúa Ki-tô chết cho…”, làm sao có thể thất vọng về họ chứ? Xin nhớ lại câu chuyện thánh Têrêxa Hài Đồng, khi còn trẻ, đã quyết tâm cầu nguyện (kèm với hy sinh) cho tên sát nhân Henri Pranzini vốn cứng đầu mãi tới lúc bước lên máy chém, nhưng cuối cùng đã ăn năn trở lại và xin xưng tội với cha tuyên úy nhà tù.
“Vì ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đấy, ở giữa họ”. Giáo hội, cộng đoàn các tội nhân như mọi con người khác, không phải là một xã hội như bao xã hội khác: Đức Giê-su phục sinh, với tất cả thần lực của Người, đang ở giữa những ai tụ họp vì danh Người. Sự hiện diện của Người phải khuyến khích chúng ta nỗ lực sửa lỗi và hòa giải giữa anh em trong cộng đoàn Giáo hội. Hay ngược lại, nỗ lực sửa lỗi và hòa giải với nhau là dấu chỉ có Đức Ki-tô hiện diện giữa cộng đoàn. Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
Chủ đề suy niệm của Chúa nhật này là sửa lỗi anh em, nhưng để đạt hiệu quả cần phải có tình TN 23-A215
Chủ đề suy niệm của Chúa nhật này là sửa lỗi anh em, nhưng để đạt hiệu quả cần phải có tình yêu thương. Trong bài đọc 1 (Ed 33:7-9) tiên tri Ezekiel cảnh báo những kẻ gian ác. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 (Rm 13:8-10) nói về tình yêu tha nhân. Và Mátthêu trong bài Tin Mừng (Mt 18:15-20) nói về cách thức Chúa Giêsu dạy để sửa đổi lỗi nhau trong cộng đồng và cầu nguyện. Ba ý tưởng đó bao quanh một ý niệm chung là yêu thương.
***Tiên tri Ezekiel là ngôn sứ có trách nhiệm khuyên bảo những kẻ gian ác phải xa lánh tội lỗi. Nếu chúng coi thường không thèm để ý đến thì cái chết là hậu quả do lỗi lầm chúng đã làm thì chúng phải chịu. Khi chuẩn bị để nói hay đưa ra một tuyên bố ta thường chọn cái gì dễ gây súc động người nghe. Có những chọn lựa dễ dàng, có những chọn lựa khó có thể phân biệt. Đọc bài đọc 1 này (Ed 33:7-9) sẽ giúp chúng ta chọn lựa.
Tiên tri Ezekiel cảm nghiệm thấy nỗi đau của dân Israel bị dân Babylone buộc phải đi lưu đày. Trong thời gian đó, ông nghe thấy tiếng Thiên Chúa gọi ông phải để mắt coi chừng dân Israel và cách thức đường lối đối sử của những kẻ gian ác. Ezekiel là một trong số ít những ngôn sứ trong Cựu Ước nhận được lời Chúa gọi ở ngoài lãnh thổ Israel và giúp chúng ta hiểu được phán quyết phổ quát của Thiên Chúa. Thiên Chúa phán xét không chỉ những việc làm của chính dân Người mà còn của mọi người trên mọi quốc gia dân tộc.
Khi tiên đoán Jerusalem sắp bị tàn phá, tiếng nói của Chúa -trong thời gian có sung đột- thể hiện qua Ezekiel dưới danh hiệu“người canh gác”. Tiên tri là người đưa cảnh cáo đó đến những kẻ ác độc để chúng từ bỏ đường lối của chúng. Ông nói rất rõ là không hoàn thành bổn phận sẽ đưa đến kết quả hủy hoại chính mình. Đây là lần thứ hai Ezekiel được gọi là người canh gác và chuyển đạt sứ điệp của Thiên Chúa đến cho những kẻ gây ra tội ác; lần thứ nhất là trong Ezekiel 3:17-21. Bài đọc 1 này xuất hiện sau khi Ezekiel kêu gọi nhiều quốc gia trở lại và tiên đoán là Israel sẽ được tái thiết. Lại nữa, giống như một người lính gác đáng tin cậy có bổn phận bảo vệ dân, Ezekiel nhận được tiếng gọi là phải nêu lên đường hướng của những kẻ gian ác bằng những lời nói thách thức. Là người canh gác, Ezekiel phải nói cho thật rõ ràng và nhấn mạnh đến những hậu quả quan trọng nếu chúng không xa lánh điều gian ác mà trở về đường ngay nẻo chính. Chắc chắn trong khi bị lưu đầy biệt xứ ở Babylon, dân Israel phải chịu nhiều đau khổ đắng cay, nhưng họ cũng được Thiên Chúa quan tâm, an ủi nâng đỡ để củng cố tinh thần. Thiên Chúa đã ủy thác cho Ezekiel là một ngôn sứ và chuyên viên đưa tin đáng tin cậy để ông đưa ra những lời cảnh báo.
***Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma như ghi trong bài đọc 2 (Rm13:8-10) nói về tình yêu thương đối với người láng giềng. Ai yêu thương người hàng xóm một cách chân thành thì đã thi hành đầy đủ luật yêu thương. Những giới răn cấm gian dâm, trộm cắp, cướp của, giết người, ăn gian, nói dối, làm chứng gian...cũng được tóm gọn lại bằng hai chữ “yêu thương” trong luật mới này. Yêu là không làm điều ác.
Đọc bài đọc 2 nói về giới răn yêu thương người láng giềng -theo hướng dẫn của thánh Phaolô- là phải tuân theo luật của chính quyền dân sự. Thánh Phaolô hiểu, tất cả mọi chính quyền dân sự đều là chủ thể của luật Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa là quyền uy cuối cùng và là tối hậu, nên phải vâng theo luật nơi mình cư ngụ, nếu không sẽ tạo rối loạn và đổ vỡ gây xung đột với ước vọng hiệp nhất của Thiên Chúa.
Phaolô nói với tín hữu Rôma là món nợ duy nhất của họ là nợ “yêu thương nhau.” Trong khi nền tảng của luật Do Thái dựa trên những điều “cấm” không được làm những điều sai trái như giết người, ăn cắp, ăn trộm, làm chứng gian và dâm dục (Xh 20:13-17) thì Phaolô cho biết nền tảng của luật yêu thương lại có tính chủ động. Yêu không đơn giản chỉ là tránh sự ác mà còn can dự liên hệ đến những yếu tố ngoại lai phát xuất ra từ chính con người mình -còn gọi là vong thân, từ bỏ chính cái tôi của mình để vươn đến với tha nhân và phục vụ tha nhân. Giới răn yêu thương không có nghĩa hay không thể thay thế luật cổ được mà là bổ túc thêm vào và đòi hỏi nhiều hơn là chỉ có tính thụ động. Ở chương 14 kế tiếp Phaolô sẽ đưa ra những thí dụ cụ thể là yêu thế nào để tính bác ái được thể hiện và vươn tới biểu lộ nơi tha nhân. Chúng ta đã thấy thánh Phaolô bắt đầu khám phá ra được ý nghĩa của tư tưởng này ở đoạn kết của bài đọc bằng cách phối hợp lại với nhau giữa luật và cuộc sống của người Kito hữu: “Yêu là không làm điều ác với người anh chị em láng giềng; vậy yêu là đã thi hành luật.”
***Luật yêu này phải chăng rất thích hợp trong việc hòa giải giữa những người anh chị em với nhau khi có bất hòa đã được thánh sử Mátthêu ghi lại trong bài Tin Mừng Phúc Âm hôm nay (Mt 18:15-20).
Để sửa lỗi lầm của một người anh em, trước tiên hãy nói trực tiếp với chính đương sự. Nếu không kết quả hãy nhờ sự chứng dám của một hay hai người khác. Nhưng nếu người đó vẫn không chịu nhận lỗi thì đem vấn đề đó ra trước cộng đồng. Vẫn không kết quả thì báo cáo lên trên/giáo quyền và cùng nhau đọc kinh cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu.
Trước khi đi vào câu chuyện Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã kể cho các môn đệ dụ ngôn chiên lạc. Công việc thật lớn lao đầy khó khăn gian khổ mà người chủ chăn phải làm khi bỏ lại 99 con để đi tìm một con bị lạc. Chúa Giêsu ví Thiên Chúa Cha như một người chăn chiên cẩn thận chăn giữ đoàn chiên của mình để bảo đảm chắc chắn không con nào bị thất lạc.
Đọc câu chuyện có tính giảng huấn này chúng ta phải coi việc tranh luận trong một tập thể hay cộng đồng không phải để đi đến chỗ đổ vỡ chia rẽ hoàn toàn mà là để giải quyết vấn đề qua một tiến trình tha thứ. Chúa Giêsu nói với các môn đệ là bước đầu tiên của tiến trình này là đối diện trực tiếp với người có lỗi. Nếu bước đầu không thành công, nhiều nhân chứng có thể tham dự giúp cho người có lỗi nhận ra lỗi của mình. Giáo quyền được tham khảo sẽ là tiến trình thứ 3 để sửa đổi sai lầm đó của người có lỗi. Nếu vẫn thất bại, người có tội được coi như một “người ngoại hay người thu thuế”, nghĩa là người đó được đối sử như một người đứng ngoài niềm tin của Giáo Hội.
Tất cả những sự việc đi đến cực điềm này đều nằm trong sứ vụ hòa giải mà Giáo Hội phải thi hành. Giáo Hội như một tổng thể có quyền xác định tội nào bị “cầm buộc”, tội nào được “tha.” Đây là quyền uy đã được Chúa Giêsu trao trước nhất cho một mình Phêrô (Mt 16:19). Ngoài ra Chúa Giêsu đã kết thúc lời giáo huấn là bảo đảm với các môn đệ về kết quả của lời cầu nguyện, và cộng đồng là quan trọng. Khi hai hay nhiều người ngồi lại cùng nhau để cầu nguyện, họ phải tin tưởng là Cha trên trời sẽ nghe lời nguyện cầu của họ. Nguồn gốc lý do của sự tin tưởng này là vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa Giáo Hội hiệp nhất của Người. Vậy, trong sứ vụ tha thứ của các tín hữu và trong việc nài xin Chúa giúp đỡ, cộng đồng tín hữu cảm nghiệm thấy có sự hiên diện của Chúa Giêsu ở chính giữa họ.
Lời nguyện cầu:
Lạy Chúa, Chúa là Đấng công chính và công bằng, phán xét của Chúa thì tuyệt vời. Xin Chúa hãy đối sử với tôi tớ Chúa theo tình thương sót và lượng hải hà của Chúa.
Lạy Thiên Chúa, nhờ Chúa mà chúng con được cứu chuộc và được nhận làm con nuôi thế tự, xin hãy ưu ái nhìn xuống chúng con, để những ai tin vào Chúa Kitô có thể được nhận tự do đích thực và thừa hưởng gia nghiệp muôn đời.
Qua Chúa Giêsu Kitô là Con một của Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng với Chúa trong hiệp nhất với Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa duy nhất đến muôn đời Amen.