Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 21 TN-A Bài 151-153: Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời
------------------------------------------ Phúc Âm: Mt 16, 13-20: “Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô. Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”. - Ðó là lời Chúa. ------------------------------------------
“Con là đá, Ông là đá, Bà là đá, Quý Anh Chị em là đá” “Nầy con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo Hội muôn đời kiên trung, Này con là đá, Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không hề chuyển rung”
Quý Ông Bà và Anh Chị em thân mến,
Mỗi lần chầu Phép Lành Mình Thánh Chúa, thì hầu như mọi nhà thờ từ Nam chí Bắc đều hát TN 21-A151
Mỗi lần chầu Phép Lành Mình Thánh Chúa, thì hầu như mọi nhà thờ từ Nam chí Bắc đều hát lên lời cầu cho Đức Giáo Hoàng cùng một giai điệu quen thuộc, một giai điệu mà Lm. Nhạc sĩ Hoài Đức đã lấy cảm hứng từ những lời khẳng định của Chúa Giêsu ngỏ với Phêrô trong Tin Mừng hôm nay: “Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.
Phêrô, ngư phủ, không phải ai khác; trên Phêrô hèn yếu này, một Phêrô trầm trầy trầm trật với nhiều khiếm khuyết… chứ không phải trên một người đạo đức tài giỏi nào khác; và quan trọng hơn, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, chính Thầy, đích thân Thầy, không ai khác, chính Thầy hành động trên Phêrô; một cách nào đó có thể nói, không phải Phêrô làm mà Đức Giêsu làm. Thầy ở đây, chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết và sống lại hiển vinh.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta đọc thấy bao tên tuổi lẫy lừng như César Đại Đế, bách chiến bách thắng như Napoléon, vang bóng một thời như Tần Thuỷ Hoàng... vân vân và vân vân… nhưng ôi thôi, tất cả đều nằm xuống và đi vào dĩ vãng, may lắm là được nhắc đến qua sử sách; ở đó, hậu thế đọc thấy không chỉ có công mà cả tội, tội ngàn đời của họ… Đang khi Kitô giáo, với một nhóm ngư phủ ít ỏi đầu tiên mà người đứng đầu là Phêrô èo uột lại kiên cường loan báo Tin Mừng Phục Sinh hơn 2000 năm qua và mãi cho đến cùng vì “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” như Đấng Phục Sinh đã nói.
Những lời của Gamalien thời Hội Thánh sơ khai khi người ta bắt bớ các tông đồ thật chí lý: “Tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa”.
Vâng, Hội Thánh là công trình của Thiên Chúa dù chỉ bắt đầu với một nhóm nhỏ tưởng như không làm nên tích sự gì. Phải, chỉ có Thiên Chúa mới chọn gọi kiểu đó, Người làm chơi như thiệt, làm thiệt như chơi; vì dưới ánh sáng đức tin, chúng ta nhận ra rằng, Hội Thánh là công việc của Trời, là công trình không phải do tay người phàm làm nên. Chính Đấng Sống Lại Từ Cõi Chết xây nên Hội Thánh của Ngài chứ không ai khác; không một sức mạnh, không một một thế lực nào khác giữa loài người hay chết này. Ôi huyền nhiệm!
Và rồi, thưa Quý Ông Bà và Anh Chị em,
Âm sắc lời khẳng định “Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” Đức Giêsu nói với Phêrô ngày nào, giờ đây, cũng đang vang vọng với mỗi chúng ta, cách riêng trong năm Tân Phúc Âm Hoá Gia Đình này. “Con là đá, Ông là đá, Bà là đá, Quý Anh Chị em là đá”. Không phải là những viên đá cảnh hay những khối cẩm thạch được các nghệ nhân thổi hồn; nhờ đó, đá biết cười, biết thở, biết khắc khoải, biết thổn thức… nhưng chúng ta, những viên đá bằng xương bằng thịt, mỗi ngày được Thánh Thần Chúa thổi hơi, thổi Lời, tác động và thanh luyện, được thịt máu châu báu Thánh Thể nuôi sống… chúng ta thao thức, chúng ta trăn trở, chúng ta vui mừng, chúng ta cùng lo lắng với Hội Thánh và những gì Hội Thánh đang để tâm… Chúng ta là những viên đá sống động được Thiên Chúa dùng mà xây nên Ngôi Đền Thờ thiêng liêng của Người như lời thánh Phêrô nói trong thư thứ hai của ngài.
Quý Ông Bà và Anh Chị em,
Phêrô là đá, các đấng bậc trong Hội Thánh là đá, cả chúng ta, những người làm ông làm bà làm cha làm mẹ, những bạn trẻ… chúng ta là đá, trên đá nầy, Đức Giêsu xây nên toà nhà Hội Thánh của ngài. Lại là một huyền nhiệm!
Bài đọc thứ hai hôm nay nói với chúng ta: “Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: phán quyết của Người làm sao hiểu được, đường lối của Người làm sao dò thấu!”.
Chúng ta đang sống trong Năm Tân Phúc Âm Hoá Gia Đình, năm mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi các gia đình hãy là một cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn bảo vệ sự sống, cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn loan báo Tin Mừng; nghĩa là hãy trở nên những viên đá sống động dựng xây Toà Nhà Hội Thánh thế kỷ 21 này.
Thứ nhất, gia đình chúng ta phải là những viên đá sống động trong việc cầu nguyện. Cầu nguyện phải là sống còn của gia đình. Một trong những món quà quý báu nhất cha mẹ có thể ban tặng cho con cái là tập cho con cái biết yêu thích cùng thưởng thức những giây phút cầu nguyện một mình. Không cách nào để thực hiện điều đó tốt hơn là dùng chính gương sáng cầu nguyện của mình. Hình thức thứ hai của việc cầu nguyện trong gia đình là cầu nguyện chung: đọc kinh trong gia đình. Kinh nghiệm cho biết, các gia đình bỏ kinh, bỏ cơm... là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt. Có hình ảnh nào dễ thương hơn khi mọi người được lắng nghe Lời Chúa trong những giây phút này. Hãy để Chúa Thánh Thần dạy dỗ mỗi khi đêm về nhiều hơn… thay vì cả nhà ngồi chầu trước con “quái vật một mắt” để nghe con người dạy bảo. Đố Anh Chị em, “con quái vật một mắt” là gì?, thưa, cái Tivi đó.
Thứ hai, gia đình chúng ta phải là những viên đá sống động trong việc bảo vệ sự sống. Theo Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc, mỗi năm, toàn thế giới có đến 42 triệu thai nhi bị giết chết, nhưng Việt Nam chúng ta đã chiếm hết 3,3 triệu sinh linh, nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 5 nước phá thai nhiều nhất trên thế giới. Trong diễn văn nhận giải Nobel Hoà Bình năm 1979, Mẹ Têrêxa Calcutta đã phát biểu: “Tôi cảm thấy sự phá hủy bình an ghê gớm nhất thời nay chính là phá thai. Đó là chiến tranh trực tiếp, giết người trực tiếp. Nếu một người mẹ còn có thể giết chính đứa con của mình, thì có gì bảo đảm rằng bạn không giết tôi và tôi không giết bạn vì giữa chúng ta nào có mối liên hệ gì?”. Toàn thế giới gọi người là Mẹ, nhưng được bao nhiêu người lắng nghe những lời tâm huyết ấy? Anh Chị em, là người công giáo, con cái của Hội Thánh, chúng ta hãy ra sức xây dựng một nền văn minh tình thương, chứ không tiếp tay cho nền văn minh sự chết.
Thứ ba, gia đình chúng ta phải là những viên đá sống động trong việc yêu thương. Một trong hai mục đích của đời sống hôn nhân Kitô giáo là yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Nếu tình yêu là mặt này của một đồng tiền, thì mặt kia sẽ là hy sinh… Ngày nay, đời sống gia đình đang đối diện với bao vấn đề nghiêm trọng, vì lẽ, ở đó thiếu vắng cảm thức của những hy sinh. Hãy bám chặt vào Chúa, cầu xin với Thánh Giuse và Đức Mẹ, cách riêng, khi Anh Chị em phải đương đầu với những nghịch cảnh trong đời sống hôn nhân, khi Anh Chị em không còn hy vọng ở gia đình và khi Anh Chị em nghĩ đến việc rời bỏ mái ấm như lời vị Đại Diện Đức Thánh Cha, Leopoldo Girelli, chia sẻ tại Đại Hội La Vang, Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc vừa qua.
Thứ tư, cũng là điểm cuối cùng, gia đình chúng ta phải là những viên đá sống động trong việc Loan Báo Tin Mừng. Thoáng nhìn qua Giáo Hội Hàn Quốc, nơi mà cách đây đúng 10 ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô vừa viếng thăm. Đức Hồng Y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng Giám mục Seoul, cho biết, từ thập niên 1980, trong những năm chuẩn bị lễ phong thánh các vị tử đạo 1984, Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc đã phát động phong trào “Một Cọng Một”, nghĩa là mỗi tín hữu phải làm sao giúp cho một người khác theo đạo. Nhờ đó, số tín hữu đã gia tăng gấp đôi. Trong 10 năm qua, số tín hữu công giáo Hàn Quốc đã tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu. Như thế, Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội phát triển mạnh nhất châu Á. Và hiện nay, Giáo Hội Hàn Quốc đang sống chương trình "Rao Giảng Tin Mừng Hai Mươi Hai Mươi", nghĩa là vào năm 2020, số tín hữu công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng dân số Hàn Quốc, lý tưởng là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay để đạt con số 10 triệu người công giáo.
Quý Ông Bà và Anh Chị em,
Đức Hồng Y Gracias nói: “Gương mù cho thế kỷ nầy là chúng ta y hệt như mọi người khác”, dửng dưng như người khác, thờ ơ như người khác và lạnh lùng như người khác. Không, chúng ta không phải là những viên đá chết, những viên đá vô hồn thụ động… nhưng là những viên đá sống động, cầu nguyện chân thành, nhất mực bảo vệ sự sống và hết lòng bác ái yêu thương mọi người để tiếp tục loan báo Tin Mừng của Chúa… dẫu chúng ta yếu hèn như Phêrô, hoặc tệ hơn cả Phêrô, bởi chúng ta tin rằng, với ơn Chúa ban, chính Chúa đang hoạt động trên chúng ta, gia đình chúng ta hầu mỗi người, mỗi gia đình mãi là một viên đá sống động đang được Thiên Chúa dùng để tiếp tục xây nên Toà Nhà Hội Thánh của Người, một Hội Thánh trẻ trung xinh đẹp, sống động và bền vững đến muôn đời, Amen.
Suy tư nguyện cầu tuần 21 năm A, là có suy và có cầu với ý từ lời ca diễn tả ở câu thơ/ý nhạc rất TN 21-A152
Suy tư nguyện cầu tuần 21 năm A, là có suy và có cầu với ý từ lời ca diễn tả ở câu thơ/ý nhạc rất thân thương, tựa:" Sợi buồn con nhện giăng mau", cộng thêm đôi lời nhắn, những là: "Còn gặp nhau thì hãy cứ thương." Xem thế, hễ: có suy tư nguyện cầu là có thương và yêu dù không gặp. Dù sợi buồn con nhện vẫn cứ giăng mau. Giăng, ở nhiều nơi, nhiều nhà, Tây cũng như Ta, rất người nhà. Suy tư nguyện cầu, còn hiệp thông với tất cả người nhà là anh là chị trong Hội thánh gần xa, không quên một ai, dù nhỏ bé. Suy và nguyện, rất nguyện và cũng rất suy vào mọi lúc. Ở đây đó. Hết mọi thời. Với người đời.
Trong tâm tình đó, lại xin được gửi đến bà con anh em trong Hội thánh, rất tình nhà ở muôn nơi.
“Sợi buồn, con nhện giăng mau,” “Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây…”
(Phạm Duy – Ngậm ngùi) (2P 3: 17 -18)
Kể ra thì, âu cũng là chuyện tréo cẳng ngỗng, khi anh cứ là hát khúc ai ca, rất “ngậm ngùi”, mà lại bảo: “Em ơi hãy ngủ!… Anh hầu quạt đây!” Cứ như thể, người anh chỉ hầu quạt …để cho em ngủ. Ngủ vùi. Ngủ như chết. Hoặc chết và ngủ cũng như nhau. Ôi! Thế đó, là ngôn từ người đời. Ấy! Đấy cũng là ý tứ nhà Đạo, vốn dĩ đạo mình?
Chốn đạo hạnh, xưa nay người vẫn bảo: hãy đến Na-Uy mà xem, chốn miền đạo đức, không oan ức. Vẫn sống vui. Sống mạnh. Sống vững chắc, trong tình huống rất Nước Trời. Thế nhưng, sau ngày “N” tháng 7 năm hai nghìn mười một cũng rất lẻ, thì sao đây? Xã hội Na-Uy nay thế nào? Sau những ngày “N” đen tối có đến bảy chục mạng con người đã ngủ mà không yên, vì không có “anh hầu quạt đây”. Nên đã phải ngủ vùi, rất tức tưởi. Trọn nhiều kiếp.
Quả là sau biến cố ngày “N” đen tối ấy, chàng trai Na Uy Anders Breivik đã ru những 70 người em ngây thơ ngoan và dại bằng những viên đạn thật bắn vào. Ru em bằng phát súng cũng lạ lùng, không cần biết người em trẻ vô tội có còn vương vấn những lời buồn chăng:
“Ngủ đi em! Ngủ đi em! Ngủ đi, mộng vẫn bình thường. À ơi có tiếng thuỳ dương mấy bờ…” (Phạm Duy – bde9d)
Thuỳ dương hôm nào, ở đảo nhỏ bên Na-Uy, đâu còn cảnh anh vừa bắn vừa hát:
“Cây dài, bóng xế ngẩn ngơ. Hồn em đã chính mấy mùa buồn đau. Tay anh, em hãy tựa đầu Cho anh nghe nặng (ư ứ) trái sầu rụng rơi.” (Phạm Duy – bđd)
Quả là trái sầu, thật khủng khiếp! Trái sầu rơi rụng khắp chốn Na Uy, không êm đềm, thần tiên nữa. Và từ đó, có người em rất vô tư, vô tội nay vẫn hỏi và vẫn nói, như sau:
“Có thể bảo rằng: ở vào bối cảnh có hơi khác, Na Uy là một trong các nước ở Bắc Âu vẫn cứ được khen là vẫn có cuộc sống đặt nặng lên an sinh xã hội và thân thiện như gia đình, rất vượt bực. Thế nhưng, chừng như thảm trạng vừa xảy ra ở Na Uy đã cho mọi người thấy có một thứ gì đó mà nền an sinh/phúc lợi của xã hội cũng như chủ trương thân thiện cởi mở như gia đình, không còn đảm bảo tạo được niềm tin nơi mọi người nữa rồi.
Không còn mang tính chân-thiện-mỹ rất xác thực nữa, cũng đã đành. Và lại không bảo đảm được cả chuyện cung cấp cho người nhập cư và định cư có được một đời sống an ninh, an toàn và lành mạnh đủ thuyết phục ngay đến người sinh trưởng và lớn lên ở đây nữa.
Cây viết lão làng thuộc địa hạt giáo dục của tờ Luân Đôn Điện Báo là bà Katharine Birbalsingh cũng đã thử thời vận làm một nghiên cứu khảo sát bỏ túi thuộc loại “thăm dân cho biết sự tình” đã phát hiện ra rằng cảnh tình đổ vỡ của gia đình Breivik và nhất là do sự thiếu vắng khuôn mặt của người cha trong giáo dục người con từ lúc anh lên 1, đã tạo nên tâm tính bạo động kiểu ở trên.
Tuy nhiên, một số các nhà bình luận thời sự đã tấn công tác giả Katharine cho rằng tác giả đã đổ cho trách nhiệm dạy dỗ của người cha ở nội vụ này, là không đúng. Thoạt nhìn, nhiều người cứ nghĩ rằng tác giả Katharine Birbalsingh chừng như đang bào chữa cho tội sát nhân của Breivik. Thật ra, ký giả Katharine Birbalsingh không có ý như thế, mà bà chỉ muốn kéo người đọc chú ý đến sự kiện là: với xã hội hiện thời, yếu tố đổ vỡ và thiếu trách nhiệm trong các gia đình có cha mẹ gãy đổ, đã lôi kéo các phạm nhân như người trai trẻ Breivik đi vào với thế giới cuồng điên, kỳ thị đầy bạo động, cả trên mạng lưới trực tuyến nữa.
Quả thật, người trẻ Breivik tuy đã 32 tuổi đời nhưng đã sống và lớn lên trong một đất nước mà chỉ số hôn nhân đang tụt giảm trầm trọng. Trong khi đó, chỉ số ly dị và nam nữ sống chung đụng cùng giường mà chẳng cần nghĩ đến hôn phối, vẫn gia tăng. Báo cáo của khối Các Nước Có Nền Kinh Tế Đã Phát Triển Cao cho thấy mức sống lành mạnh của các gia đình ở Na Uy được coi là tốt nhất thế giới, nếu ta nhìn vào tình trạng giải quyết giúp những người nghèo đói và qui cách tuyển dụng nữ giới có công ăn việc làm đàng hoàng, đều thấy rõ.
Thế nhưng, nếu xét về con số các trẻ em sinh ra từ các cặp nam nữ sống chung đụng cùng giường mà không cần hôn phối, hoặc môn đăng hộ đối, vẫn đứng hàng đầu ở các nước đã phát triển. Thống kê cho biết: chỉ nội niên biểu 2007 thôi. Nuớc này đã có hơn 50% số trẻ bé được sinh ra từ người cha người mẹ sống với nhau mà không có quyết tâm lập gia đình, cho đàng hoàng.
Xem như thế, thì nội chuyện cùng chung một lập trường như các nước tân tiến khác, không có nghĩa là các gia đình hoặc cặp nam nữ này lại không có con cái xấu xa. Bê tha. Tệ nạn. Nội mỗi yếu tố căn cứ vào gia đình gãy đổ làm gương mù gương xấu cho con trẻ, mà thôi, không có nghĩa là các trẻ này sẽ lớn lên trong tình huống điên cuồng với tội phạm. Thế nhưng giờ đây, đất nước của giải Nobel đang làm tốt công tác phản ánh mọi yếu tố khả dĩ đưa đến thảm trạng vừa qua ở Oslo. Và, người Na Uy cũng đang tự hỏi xem mình có thực sự đang làm điều tốt đẹp cho con em của chính mình, hay không?” (x. Carolyn Moynihan, MercatorNet 27.07.2011)
Về những chuyện rất ư là “Ngậm ngùi”, kiểu “hồn em đã chín”, hoặc “mấy mùa buồn đau”, đâu phải ai cũng cùng một lập trường như tác giả ở trên. Hoặc, cùng lập trường/quan điểm nhưng điểm quan trọng trong bàn hỏi, đâu na ná giống ở trên.
Ở trên hay ở trong bối cảnh của thảm hoạ vừa xảy ra, vẫn có những tư tưởng lập trường, cũng rất khác. Khác, như các phản hồi/phản ảnh đối viết xuống trên giấy trắng mực đen như sau:
“Chuyện ở đây nữa, vẫn còn đó sự tự do về đạo đức, của mỗi người. Mỗi chiều hướng, đều được công nhận hoặc chối bỏ, đó là chuyện tự nhiên như cây cỏ. Vẫn có rất nhiều người từng có kinh nghiệm thương đau do chính cha mẹ mình hoặc người khác gây ra; nhưng kinh nghiệm ấy vẫn có thể phát triển cách tích cực ở một số người khác. Nói về chuyện con em nào bị cha mẹ mình đối xử tàn tệ, khi thành người lớn lại cũng sẽ đối xử với người khác không kém phần tồi tệ, là nói không bao giờ cùng. Và, cũng chưa chắc gì đúng. Tôi có gặp một ông bố từng đối xử rất tốt với cả ba đứa con của ông. Tôi hỏi ông: làm sao ông có thể đối xử tốt với con cái đến là thế, thì ông bảo: ngay hồi mới lên 13, chính ông đã bị ông già mình đối xử tàn tệ như loài thú. Kể từ đó, ông quyết tâm sẽ không làm thế với chính con của mình. Và, cho đến nay, ông ta vẫn còn giữ được quyết tâm ấy.
Qua việc này, tôi thấy: thái độ và động thái của bậc cha mẹ là điều rất hệ trọng, nhưng đối với tôi, có sử dụng sự tự do của mình theo hướng tích cực, mới là điều hệ trọng hơn.” (x. phản hồi của Marijo Zivkovic, cũng cùng bài.
Quả y như rằng, mỗi người mỗi ý. Cả đến những ý tứ của những người trong/ngoài cuộc. Trong hoặc ngoài ngành sư phạm, rất giáo dục. Thế nhưng, “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”, hay không cũng chẳng phải là vấn đề ở đây. Vấn đề, là ở chỗ: “có nuôi con, mới biết lòng cha mẹ”, như các cụ nhà ta thường nói thế. Và lòng cha mẹ ở đây, phải chăng là lòng của một vị khác cũng đã có ý kiến rất phản hồi sau đây:
“Thật cũng dễ để ta có thể đứng từ góc cạnh từ bên kia thế giới mà đưa ra ý kiến liên quan đến vụ việc Anders Breivik thảm sát vào với hệ thống phúc lợi của đất miền xứ Scăng-đi-na-vi. Về cả chuyện ly dị và/hoặc chung sống không hôn thú có liên quan đến chỉ số tăng giảm về bạo động, ở Na Uy. Nghĩ cho cùng, tôi thấy nhiều người cũng hơi bị ngây thơ khi đề cập đến mấy vấn đề này. Bởi, ngay ở các nước có truyền thống Kitô giáo ở đó có rất nhiều gia đình vẫn còn đủ cha đủ mẹ, thế mà họ vẫn có quan niệm phân biệt “chúng mình với chúng nó”. Vẫn cứ sử dụng ngôn ngữ cực kỳ bạo động theo kiểu chính trị, để rồi lại cưu mang ảnh hình của một quốc gia rất nghiêm ngặt về chủng tộc; rồi còn chống đối xã hội nào chủ trương đa văn hoá, nữa. Và, cả những người từng tạo đất sỏi thật tốt, thật màu mở để dưỡng nuôi một thứ đầu óc méo mó, vặn vẹo như công dân Anders Breivikk. Nếu bạn thử biên dịch các tư tưởng như trên đây sang ngôn ngữ của những người cực đoan về tôn giáo hay chính trị đi, sẽ thông cảm cho một đất nước đang hứng chịu sự sầu buồn, mấy hôm nay…” (x. ý kiến một di dân đặt chân đến Na Uy www.dn.se/kultur-noje/debatt-essa/anne-hol...)
Quả là, “bá nhân bá tánh”. Dù, tánh ấy có “bá vơ thiên hạ”, không đem về một mối. Hoặc, tánh ấy khí ấy, có là tánh khí của một dân tộc từng trải và có nhiều năm văn hiến, với văn minh. Tánh khí của người ngoài với nhiều niên văn hiến, phải chăng là tánh và khí của “phản hồi nhân” sau đây?
“Phải công nhận rằng gia đình có ảnh hưởng rất lớn lên sự phát triển của mỗi cá nhân, con người. Nhưng, mỗi người lại tự đan kết LƯƠNG TÂM của chính mình. Tốt hay xấu, đều có ảnh hưởng lên chính mình. Tôi vẫn tự hỏi làm sao lương tâm của người thanh niên tên Breivik có bị ảnh hưởng (chứ không phải định đoạt) do điều kiện sống gia đình của anh không? Và, có phần nào do nền văn minh/văn hoá của Na Uy hay không nữa? Có một điều tôi biết rất chắc, là: hễ ai có lương tâm xấu xa hoặc dữ dằn, hoặc mất nó đi thì cũng giống như chiếc xe ôtô đang bị tay lái dầu và bố thắng không hoạt động cho đúng được nữa. Chiếc xe hoặc những con người bị như thế, chỉ làm hại người khác hơn giúp được ai.” (x. phản hồi của một người mang tên Arthur, trong bài viết)
Còn nhớ, có lần rất nhiều vị thường trích dẫn câu nói để đời rằng: “Gia đình là nền tảng của xã hội”. Câu nói này, nay có nên đảo lại rằng: “xã hội có ra sao thì gia đình mình mới nên như thế”? Hỏi gì thì hỏi. Quan niệm sao thì cứ quan và cứ niệm. Vẫn nên để tai lắng nghe tiếng nói của người xưa, thường rất quí.
Vế nhận định, lại có ý kiến của người ngoài cuộc, nhưng rất gần, từng phản hồi như sau:
“Vâng. Tôi hoàn toàn đồng thuận với tư tưởng làm nền của bài viết. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng: thật rất dễ cho xã hội mà người dân chỉ biết trả tiền thuế đóng góp vào hệ thống phúc lợi rồi thôi. Cứ việc nhắm mắt bưng tai, bỏ ngoài chuyện về những người đang chịu đau chịu khổ, vì cho rằng dù gì đi nữa, thì đã có hệ thống phúc lợi của xã hội cũng quan tâm đến họ, rồi. Thế nhưng, mỗi khi có chuyện xấu mà thời nay người ta có thói quen gọi là “sự cố”, thì lại hay đổ lỗi cho người khác. Cho, những người không phải là mình, hoặc không do thái độ “mũ ni che tai” của mình, cơ quan, chính phủ mình. Tôi đề nghị những người như thế nên đọc quan điểm được viết ở http://stockholmkicuties.wordpress.com/2011/07... (x. ý kiến của K. Cuties, cũng trên bài vừa trích ở trên)
Và, thêm một phản hồi khác, không tệ nhưng vẫn thế. Nghĩa là, vẫn nói lên cung cách nào đó rất tư riêng, trân quý:
“Tôi nghĩ, lập trường của người viết ở trên rất có lý, khi bà ta muốn gợi sự chú ý về một đóng góp khá tiêu cực từ “gia đình gãy đổ” của Breivi, như nữ tác giả chuyên bênh vực cho phong trào phụ nữ đòi quyền sống như Birbalsingh trong Luân Đôn Điện Báo được trích dẫn ở trên. Tuy nhiên, bà ta lại đưa ra những lời lẽ khá căm tức về người cha của phạm nhân mà lại không chịu kiểm chứng hoặc đã xác minh. Người cha nào và gia đình nào mà lại không thấy đây là một việc làm có chủ trương làm hạ phẩm giá được viết theo cung cách đầy công kích từ cây viết nữ chuyên chủ trương đòi nhiều quyền lợi cho nữ giới.” (x. www.fathersandfamilies.org/?p=17932)
Người xưa hay hôm nay vẫn kinh qua nhiều kinh nghiệm thương đau, ngậm ngùi, có rất nhiều “sợi buồn con nhện giăng mau”, mà không hát, cũng không ru. Không hay hát dù một lời ru: “Em ơi hãy ngủ! Anh hầu quạt đây!” Hoặc, có hát đấy, nhưng không ru cho ngủ, bằng lời ca hay viên đạn, để rồi quạt. Bởi, cứ ru và cứ quạt như thế, tự khắc sẽ thấy “ngậm ngùi”. Thương đau. “Xếp đôi (những) là rầu”. Cả một đời.
Nhận định thì như thế. Luận phiếm vẫn như vậy. Để rồi ra, ta sẽ hát thêm câu cuối, để suy nghĩ:
“Cây dài, bóng xế ngẩn ngơ. Hồn em đà chín, mấy mùa buồn đau. Tay anh, em hãy tựa đầu. Cho anh nghe nặng, trái sầu rụng rơi!” (Phạm Duy – bđd)
Hát gì thì hát. Suy nghĩ gì thì cứ suy và nghĩ. Hãy cứ nghĩ và suy, rồi hát lên những lời lẽ đầy nhủ khuyên của đấng bậc nhân hiền và lành thánh, từng căn dặn:
“Anh em thân mến, biết trước như thế, anh em hãy coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn, mà không còn đứng vững nữa chăng. Nhưng anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Xin kính dâng Người vinh quang, bây giờ và cho đến muôn đời. A-men.” (2P 3: 17 -18)
Amen hay không, lần này bần đạo xin thưa rằng: mỗi khi bàn định chuyện nghiêm trang, nghiêm chỉnh, và nghiêm túc, bần đạo vẫn tìm đến truyện kể để minh hoạ, hoặc thư giãn cho bớt phiền và muộn. Truyện kể hôm nay, không dễ nể, chỉ chớp nhoáng nỗi niềm buồn/vui rất thoáng qua. Xong rồi thôi. Truyện là để kể, như thế này:
“Trên chuyến bay đường dài, qua hai nước, viên phi công trưởng đã xem xét tình hình của chiếc máy đang bay rất ổn thoả, bắt đầu nói vài lời thông báo, ngay trên loa rằng:
-Thưa quý khách. Đây, phi công trưởng đang nói chuyện cùng quí khách đây. Chào mừng quí khách đáp chuyến bay hôm nay với phi hành đoàn. Thời tiết hôm nay rất tốt… Nên, chúng ta sẽ có một chuyến bay rất êm đềm. Thoải mái. Xin quí khách cứ ngồi uống mà thoải mái, thư giãn. Vui hưởng… Ấy chết! Không được! Chết tôi rồi, cô ơi!...
Sau vài giây im lặng. Rất hết hồn. Viên phi công trưởng lại tiếp tục nói trên loa: -Thưa quí khách, tôi thành thật có lỗi nếu tôi đã lỡ làm quí kháchg lên ruột, vì sợ. Chả là, đang lúc tôi nói ở đây, có tiếp viên mang cho tôi ly cà phê cho tỉnh ngủ, nhưng loay hoay thế nào, cô lại để rớt ụp lên người tôi. Quí vị có thấy phía đằng trước quần của tôi mà có ướt thì cũng hiểu được lý do tại sao…
Ngay khi đó, có hành khách tự nhiên gào lên:
-Thấy cái quái gì đâu mà thấy. Cụ có giỏi thì tụt xuống phía dưới này mà xem thấy phía sau quần của tôi đây này…”
Truyện kể ở đây không mang tính giáo dục, cũng chẳng là phiếm luận chuyện Đạo hay phiếm loạn chuyện đời gì cho cam. Có phiếm, có kể, cũng chỉ để bạn để tôi, ta có vài phút mà suy tư về động thái hoặc trạng thái của người, và của mình. Khi xảy ra sự cố, rất kỹ thuật. Ở nhiều nơi.
Sự cố xảy đến ở đâu. Nơi nào. Vẫn xin bạn và xin tôi, ta cứ bình tĩnh mà luận và phiếm. Giống mọi hôm. Luận và phiếm, như có Chúa ở cạnh để giùm giúp, đỡ đần.
Khi ta cần đến Ngài. Trần Ngọc Mười Hai Vẫn trân trọng lập trường những luận và phiếm của mỗi người trong đó có bạn mới thân gần Hồ Lãng Bạc.
Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,” tình người muôn thuở vẫn còn vương. (dẫn từ thơ Tôn Nữ TN 21-A153
“Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,” tình người muôn thuở vẫn còn vương.” (dẫn từ thơ Tôn Nữ Hỷ Khương)
Mt 16: 13-20
Nước chảy hoa trôi, chuyện ở đời. Vui ngày gặp lại, chuyện đời ta. Chuyện của đời ta hay của dân con nhà Đạo, vẫn là trình thuật mà thánh sử Mát-thêu nay đã ghi. Trình thuật thánh Mát-thêu, nay ghi một chuyện đời có lai lịch tự sự, về Hội thánh mà người người đều đã nghe nhiều lần, rất tường tận về vai trò, chức vụ và quyền uy của thánh Phêrô, đấng đầy-tớ-Chúa trong Hội thánh. “Anh là Phê-rô, nghĩa là Đá Tảng, và trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”, vẫn là lời vàng ghi trên cao nơi bàn thờ ở Vương Cung Thánh Đường ở La Mã. Lời vàng, nay mang ý nghĩa gì? Dĩ nhiên, đây không là tuyên bố chính thức, một thứ “luật bất thành văn” như nhiều người nghĩ tưởng hoặc cho như thế. Đây chỉ là tên gọi riêng, thông thường được tặng gán cho thánh Phêrô, vào thời đó. Tên của thánh nhân là Shi-môn (hoặc: Si-môn, bên tiếng Do thái). Tên tục, mà Chúa vẫn gọi bằng tiếng Aram là Kêpha. Tiếng Hy Lạp, là: Petros. Tiếng Anh, là: Đá Tảng, nên ta luôn hiểu thánh nhân là như thế. Tên như thế, là hiểu theo biểu tượng và ý nghĩa “Đá tảng” mà Chúa dùng để nói về thánh nhân, thôi. Ta lại bảo: Chúa đã làm cho thánh nhân trở thành “tảng đá”, hoặc nền tảng rất cứng như đá trên đó Ngài dựng xây cộng đoàn mới mẻ, là Hội thánh của Ngài. Ảnh hình về đá tảng có cạnh góc làm nền cho dinh thự/nhà cửa là điều được người Do thái vẫn thừa biết. Do thái, là nước được xây trên đá tảng rất nền tảng của Sion, tức: đền thánh Giêrusalem, mọi người đều biết, đặc biệt người Hồi giáo nay còn sùng kính “Đá Tảng Vòm Cung”, trên đó nữa. Người xưa nghĩ: vũ trụ này chắc cũng được xây trên đá tảng nào đó, giống như thế. Ngày nay, khi nói về nền tài chánh, có người còn hình-tượng-hoá hệ thống kinh - tài của nhiều nước như đá tảng vững chắc. Đá tảng, còn là tên mà người Do thái dâng lên Giavê Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Bình An. Là, Nền Tảng của mọi sự. Ý tưởng này, thấy nhiều ở Thánh vịnh lời ca trong Cựu Ước vẫn coi “đá tảng”, là nơi an toàn ta tìm đến mà trú ẩn, không sợ hãi. Cũng thế, ta quan niệm thánh Phêrô là biểu tượng của an toàn trong Hội thánh. Từ nền tảng an toàn này, nhiều Đức Giáo Tông cũng nghĩ về vai trò của mình, y như thế. Không rõ đó có là ý tưởng của thánh Mát-thêu khi viết trình thuật này, không? Có thể, khi viết thế, thánh sử liên tưởng đến truyện về Môsê được kể ở sách Dân số (x. Ds 20: 11 ). Với thánh Mát-thêu, Đức Giêsu chính là Môsê Mới. Bởi thế nên, khi ông được Giavê dạy bảo: “Hãy lấy gậy mà đập vào đá tảng, nước sẽ chảy ra cho dân con uống”. Lúc đầu, Môsê còn do dự. Gõ mãi, chẳng thấy gì. Gõ lần nhì, tức thì nước từ đá tảng chảy ra. Chảy, đến độ nhiều người coi đó như “đá nhỏ lệ”, hoặc: “lệ đá xanh”. Có điều ai cũng rõ, đó là: mọi người đều cần đến nước. Nước, là sự sống phát xuất từ đá tảng từng chảy nước mắt/khóc ròng có nguồn gốc là thế. Và, khóc là động thái mang lại sự sống cho kẻ khác. Cho người khác như trẻ bé lúc chào đời, cũng giống thế. Trình thuật, nay cho thấy: Đức Giêsu nghĩ về “đá tảng” xưa khi Ngài tỏ bày với ông Simôn, như đã nói: “Ông là đá tảng chảy nước mắt giữa dân con Thầy” (x. Mt 16: 18a). Tức, ông sẽ chảy nước mắt, khóc ròng với lòng xót thương mọi người. Và, đó là chức năng chính mà Chúa muốn thánh Phêrô thực hiện trong Hội thánh. Đó, cũng là cung cách mà thánh nhân cùng các lãnh đạo Hội thánh được ủy thác để rồi chính mình lại ban thứ “nước” sống động ấy cho mọi quan viên trong thánh Hội. Thật khó mà tưởng tượng chuyện các thánh có địa vị như Phêrô đem “nước sống động” ấy cho Hội thánh, mà lại không khóc ròng vì thánh Hội, vào mọi lúc. Đây, còn là ý tưởng chủ lực về vai trò/quyền uy của Đức Giáo Tông và đấng bậc vị vọng trong hội thánh, ở mọi cấp. Bởi, đã là thành viên Hội thánh, thì cả các đấng bậc lẫn Đức Giáo Tông, đều phải vững như đá, đến độ: không gì có thể mua chuộc hoặc làm suy xuyển lòng dạ sắt đá của các ngài. Và, câu hỏi đặt ra, là: ai trong hàng ngũ các ngài, lại có thể chảy nước mắt cho Hội thánh? Với Hội thánh, không? Ai có thể làm cho mọi tình huống trong thánh hội bớt gay go và tạo được khả năng thực hiện những gì ta nghĩ là không thể hiện thực được? Câu trả lời, sẽ là: nếu Đức Giáo Tông và các bậc vị vọng trong hội thánh trả lời được câu hỏi ở trên, thì chỉ khi ấy các ngài mới thấy được “nước sự sống”, rất đích thực, Chúa dành cho mọi người. Chỉ khi ấy mọi người mới hưởng được ơn huệ sống động từ đá tảng “Hội thánh” chảy ra cho mình. Mới thấy phát sinh sự sống thực có được, từ nỗi chết. Có thế, ta mới đạt một loại hình rất khác biệt về bí nhiệm “Vượt Qua”. Bằng vào ý tưởng trên, thánh Phêrô là biểu tượng của lòng đại độ/xót thương đối với các bản vị trong Hội thánh. Với các vị đang chân thành đến với Hội thánh. Hoặc, đang quan hệ với thánh Hội. Bởi, Hội thánh thực sự không chỉ -và không là- biểu tượng của an ninh/an toàn, cho một tổ chức nào hoặc một nhóm nào đó, mà cho tất cả mọi người. Và cho tất cả mọi nhóm hội/đoàn thể. Chỉ khi ấy, thánh Phêrô-là-Vị-Đầy-Tớ-Chúa mới không bị tách biệt khỏi thánh hội. Bởi, thánh nhân được gìn giữ khỏi mọi tai ương, bất lợi. Bởi, thánh nhân ở trên và ở ngoài mọi bi hài kịch đời người, là thánh hội. Ngài là “đá tảng” từng chảy nước mắt/khóc ròng vì dân con của mình. Thánh nhân chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện để cho thành viên của mình ở bên trong đá tảng. Ở giữa những cam go, khó khăn. Gay gắt. Ngài là đấng bậc biết cảm thông với mọi thành viện trong thánh hội, mọi hoàn cảnh. Đó là vai trò của Simôn, rất Phêrô. Chính vì thế, nên Chúa mới nói: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi ông.” (Mt 16: 18b). Nghe câu này, lâu nay ta cứ tưởng như hiện có hai thứ quyền lực đối chọi nhau. Tranh chấp nhau. Và, chỉ một quyền lực chính đáng là Hội thánh khả dĩ chiến thắng được quyền bính tà vạy, là “thế gian”. Nghĩ thế, tức đã chấp nhận chiến tranh. Đối chọi. Và, tranh chấp rồi. Về ý tưởng đá tảng chảy nước mắt/khóc ròng, ở đây nữa, Hội thánh không thể “chiến thắng” quyền uy đối chọi và đối lập bằng cách đứng trụ như đá tảng mà không đầu hàng, không nhân nhượng. Hội thánh cũng không thể thắng quyền lực đối chọi bằng quyền uy dũng mãnh đơn độc của mình được. Mà, Thánh hội, phải vượt trên và vượt qua mọi giai tầng quyền uy, sức mạnh. Dù, tốt đẹp. Hội thánh không thể chiến đấu chống quyền uy thế trần bằng cách tự tăng cho mình thêm nhiều quyền. Mọi quyền uy vững chắc như “đá tảng”, cùng thế lực ở-môi-miệng sẽ không thể thắng quyền lực “tử thần” được. Bởi nếu không, Hội thánh cũng sẽ phải sống cuộc sống rất tử thần. Rất ngục thất. Và “quyền môn âm phủ” sẽ chẳng bao giờ lướt thắng được bí nhiệm của hiện tượng “chảy nước mắt/khóc ròng” ngang qua đớn đau của ai khác. Hoặc, nỗi thống khổ của đối phương. Đó, là điều Chúa muốn nói khi Ngài hứa với thánh Phêrô, là: thánh nhân sẽ khóc ròng, bất kể chuyện gì sẽ xảy đến. Sau đó, Chúa còn thêm: “Thầy trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16: 19a), tức Lời Chúa hứa đây, tức: những gì ông ràng buộc hoặc tháo gỡ ở Hội thánh, sẽ được cột hoặc tháo ở Nước Trời. Cột buộc, là đặt dưới quyền uy sức mạnh nào trói cột mình với những gì ma quái, không thoát được. Tháo gỡ/cởi bỏ, là tháo và cởi khỏi sức mạnh nào đó đang dính cứng vào vai trò của ông. Nói rõ hơn, thánh Phêrô sẽ đứng vững và không ai tháo gỡ nổi uy quyền dũng mãnh của mình dù là ma vương quỷ quái. Và, chỉ mỗi việc “chảy nước mắt/khóc ròng”, mới thật sự là “chiến thắng” lạ kỳ đối với những gì được coi như “không thể chuyển đổi” được. Chảy nước mắt/khóc ròng, còn là giải thoát, cởi bỏ để con người đến với tự do. Đọc kỹ trình thuật, ta sẽ hiểu được tâm trạng của thánh Phêrô đến mức độ nào còn tuỳ thuộc ta có hiểu được điều Chúa nói hay không, thôi. Rõ ràng là, thánh Phêrô đang học cách “khóc ròng” cho Hội thánh. Vì thánh hội. Thế nên, ta nghĩ và thực hiện Lời Chúa thế nào cũng sẽ tuỳ vào cung cách thánh Phêrô và các vị kế tục, tức các lãnh đạo tôn giáo trong Hội thánh đang hành xử quyền uy vậy. Thánh Phêrô đã phải mất một thời gian dài mới học được cách trở nên “đá tảng” biết khóc ròng, xót thương mọi người. Biết, vượt trên quyền uy các cấp. Để chứng minh, cuộc thương khó của Đức Giêsu là bài học quý giá đầu tiên của thánh Phêrô, rất “đá tảng”. Thánh nhân đã có lúc muốn chối bỏ sự việc đang xảy đến với chính mình. Và, thánh nhân từng tách rời khỏi Thầy mình, cho đến lúc Chúa quay lại nhìn, thánh nhân mới ra đi “chảy nước mắt”. Và, “khóc ròng”. Khi ấy, thánh nhân đã học được cung cách khóc cho hội thánh. Và, chính vào giờ phút đó, ông mới đích thực là “Đá Tảng” của Giáo hội rất thánh. Các đấng bậc kế tục thánh nhân, trong vai trò “chảy nước mắt”/“khóc ròng” giống thánh Phêrô, hiển nhiên cũng sẽ như thế. Và, các đấng bậc vị vọng từ Giám mục chủ quản cho chí linh mục, tức những vị có vai trò lãnh đạo Hội thánh, cũng nên học cung cách ấy. Cung cách “khóc ròng” vì mọi người. Và, chỉ có thế, thì các ngài mới có thể truyền đạt tự do, cho con Chúa. Và chỉ có thế, thì: tự do con cái Chúa sẽ không chỉ là danh từ bâng quơ nhưng sẽ là tên gọi đích thực của Vương Quốc Nước Trời? Trong tinh thần hiểu biết rất như thế, tưởng cũng nên ngâm tiếp câu thơ hát ở trên, rằng: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui, chuyện đời như nước chảy hoa trôi, Lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương để lại đời.” (Tôn Nữ Hỷ Khương – Còn Gặp Nhau) Nước chảy hoa trôi, là tình đời. Gặp nhau hãy vui với tình người. Tình, của những người từng chảy nước mắt/khóc ròng, giống “lệ đá xanh”, rất Phêrô. Mọi thời. Ở mọi nơi. Ngay đây.